TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Mùa Vọng -Năm C

“Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” (Lc 3, 10-18)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật XVI Thường Niên - Năm A

02/06/2021 05:15:50 |   762

Chúa Nhật XVI Thường Niên - Năm A


Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Lời Chúa trong Chúa nhật XVI hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta hãy nhận ra sự khoan dung, nhân hậu và nhẫn nại của Thiên Chúa nơi cuộc sống mỗi người. Qua dụ ngôn “Lúa tốt và cỏ lùng” chúng ta thấy Thiên Chúa là Đấng nhẫn nại và bao dung, chỉ muốn yêu thương và cứu vớt, luôn kiên trì chờ đợi người lầm lỗi trở về. Xin Chúa giúp chúng ta nhận ra điều đó và cho chúng ta hiểu rằng: Thời gian hiện tại có giá trị vĩnh cửu khi chúng ta biết sống chính trực, và biết đứng dậy quay trở về với Thiên Chúa ngay mỗi khi chúng ta trót lầm đường lạc lối.

Ca nhập lễ

Kìa Thiên Chúa phù trợ tôi, Chúa đang nâng đỡ tâm hồn tôi. Tôi đã tự nguyện hiến dâng lễ vật lên Chúa, và lạy Chúa, tôi sẽ ca tụng danh Ngài, vì danh Ngài thiện hảo.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, xin tỏ lòng nhân hậu với các tín hữu Chúa và rộng tay ban phát mọi ơn lành để chúng con thêm lòng tin cậy mến và chuyên cần tuân giữ những điều Chúa truyền dạy. Chúng con cầu xin...

Bài Ðọc I: Kn 12, 13. 16-19

"Người ban cho kẻ tội lỗi ơn ăn năn trở lại".

Trích sách Khôn Ngoan.

Ngoài Chúa, không có chúa nào khác chăm sóc mọi sự, ngõ hầu minh chứng rằng Chúa không đoán xét bất công. Vì chưng, sức mạnh của Chúa là nguồn gốc sự công minh, và vì Người là Chúa mọi sự, nên tỏ ra khoan dung với mọi người. Chúa chỉ tỏ sức mạnh Chúa ra khi có kẻ không tin vào uy quyền của Chúa, và triệt hạ kẻ kiêu căng không nhìn biết Người.

Vì là chủ sức mạnh, nên Chúa xét xử hiền lành, Chúa thống trị chúng ta với đầy lòng khoan dung: vì khi Chúa muốn, mọi quyền hành tuân lệnh Người. Khi hành động như thế, Người dạy dỗ dân Người rằng: Người công chính phải ăn ở nhân đạo, và Người làm cho con cái Người đầy hy vọng rằng: Người ban cho kẻ tội lỗi ơn ăn năn sám hối.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 85, 5-6. 9-10. 15-16a

Ðáp: Lạy Chúa, Chúa nhân hậu và khoan dung 

Xướng: Lạy Chúa, vì Chúa nhân hậu và khoan dung, giàu lượng từ bi với những ai kêu cầu Chúa. Lạy Chúa, xin nghe lời con khẩn nguyện, và quan tâm đến tiếng con van nài. 

Xướng: Các dân tộc mà Chúa tạo thành, họ sẽ tới, lạy Chúa, họ sẽ thờ lạy Ngài, và họ sẽ ca tụng danh Ngài. Vì Ngài cao cả và làm những điều kỳ diệu; duy một mình Ngài là Thiên Chúa. 

Xướng: Nhưng lạy Chúa, Ngài là Thiên Chúa từ bi, nhân hậu, chậm bất bình, rất mực khoan dung và thủ tín. Xin đoái nhìn đến con và xót thương con. 

Bài Ðọc II: Rm 8, 26-27

"Thánh Thần cầu xin cho chúng ta bằng những tiếng than khôn tả".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, có Thánh Thần nâng đỡ sự yếu hèn của chúng ta. Vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho xứng hợp, nhưng chính Thánh Thần cầu xin cho chúng ta bằng những tiếng than khôn tả. Mà Ðấng thấu suốt tâm hồn, thì biết điều Thánh Thần ước muốn. Bởi vì Thánh Thần cầu xin cho các thánh theo ý Thiên Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 6, 64b và 69b

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, lời của Chúa là thần trí và là sự sống; Chúa có những lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 13, 24-30 {hoặc 24-43}

"Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán một dụ ngôn khác cùng dân chúng rằng: "Nước trời giống như người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Trong lúc mọi người ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo cỏ lùng vào ngay giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa lớn lên và trổ bông thì cỏ lùng cũng lộ ra. Ðầy tớ chủ nhà đến nói với ông rằng: "Thưa ông, thế ông đã không gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Vậy cỏ lùng từ đâu mà có?" Ông đáp: "Người thù của ta đã làm như thế". Ðầy tớ nói với chủ: "Nếu ông bằng lòng, chúng tôi xin đi nhổ cỏ". Chủ nhà đáp: "Không được, kẻo khi nhổ cỏ lùng, các anh lại nhổ luôn cả lúa chăng. Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt. Và đến mùa, ta sẽ dặn thợ gặt: "Các anh hãy nhổ cỏ lùng trước, rồi bó lại từng bó mà đốt đi, sau mới thu lúa lại chất vào lẫm cho ta".

{Người lại nói với họ dụ ngôn khác mà rằng: "Nước trời giống như hạt cải người kia gieo trong ruộng mình. Hạt đó bé nhỏ hơn mọi thứ hạt giống, nhưng khi mọc lên, thì lớn hơn mọi thứ rau cỏ, rồi thành cây, đến nỗi chim trời đến nương náu nơi ngành nó".

Người lại nói với họ một dụ ngôn khác nữa mà rằng: "Nước trời giống như men người đàn bà kia lấy đem trộn vào ba đấu bột, cho đến khi bột dậy men".

Chúa Giêsu dùng dụ ngôn mà phán những điều ấy với dân chúng. Người không phán điều gì với họ mà không dùng dụ ngôn, để ứng nghiệm lời tiên tri đã chép rằng: "Ta sẽ mở miệng nói lời dụ ngôn, Ta sẽ tỏ ra những điều bí nhiệm từ lúc dựng nên thế gian". Sau khi giải tán dân chúng, Người trở về nhà. Các môn đệ đến gặp Người và thưa rằng: "Xin Thầy giải thích dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe". Người đáp rằng: "Kẻ gieo giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Còn hạt giống tốt là con cái Nước trời. Cỏ lùng là con cái gian ác. Kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. Cũng như người ta thu lấy cỏ lùng, rồi thiêu đốt trong lửa thế nào, thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy: Con Người sẽ sai các thiên thần đi thu tất cả gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác khỏi nước Chúa, rồi ném tất cả chúng vào lửa: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ kẻ lành sẽ sáng chói như mặt trời trong Nước của Cha mình. Ai có tai để nghe thì hãy nghe".}

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa là Đấng nhân hậu, chậm bất bình và giàu lòng khoan dung. Ngài luôn kiên nhẫn chờ đợi kẻ tội lỗi ăn năn trở lại. Tin tưởng vào điều đó, chúng ta cùng dâng lời cầu xin :

1. “Vì Ngài là Chúa mọi sự, nên tỏ ra khoan dung với mọi người”. Xin cho các vị Mục tử trong Hội Thánh thấm nhuần tinh thần khoan dung và từ ái của Chúa, để trong thời gian chờ đợi các tâm hồn hoán cải, các ngài qui tụ họ lại thành một tấm bánh được dậy men hiến dâng lên Chúa.

2. “Chúa Thánh Thần nâng đỡ sự yếu hèn của chúng ta”. Xin cho các Kitô hữu dù phải trải qua bao thử thách, vẫn âm thầm phát triển và lớn mạnh trong sự vững tin vào quyền năng của Thiên Chúa, như những hạt giống nhỏ bé phải chịu mục nát để đi đến sự tăng trưởng, sinh hoa kết trái.

3. Như bột cần men để dậy lên thế nào thì tâm hồn các thanh thiếu niên cũng cần sự thông hiệp với Chúa Kitô như vậy. Xin Chúa biến đổi tâm hồn cứng cỏi nguội lạnh của họ, để nhờ Chúa Thánh Thần tác động, họ thực tâm hối cải, năng lãnh nhận các Bí tích Hòa giải và Thánh Thể để đời sống của họ được sung mãn.

4. “Nước Trời như hạt cải nhỏ bé hơn mọi thứ hạt”. Xin cho mọi người trong giáo xứ chúng ta là những hạt cải bé nhỏ mà Đức Kitô đã ươm trồng trong ruộng trần thế, được nẩy sinh xanh tốt hầu lôi kéo muôn người gia nhập Hội Thánh Chúa.

Chủ tế:  Lạy Chúa, trong một cộng đoàn giáo xứ, có biết bao khác biệt, xin Chúa giúp chúng con biết bình thản và khiêm tốn chấp nhận nhau, tích cực cầu nguyện và giúp nhau kiện toàn đời sống Kitô hữu, để luôn sống xứng đáng là những cây lúa tốt trổ bông thánh thiện trong cánh đồng Hội Thánh. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa là Cha nhân từ, Chúa đã dùng hiến tế duy nhất của Ðức Kitô trên thập giá làm cho các hy lễ theo luật Môsê được đầy đủ ý nghĩa. Xin thánh hoá lễ vật chúng con dâng với cả tấm lòng thành, cũng như xưa Chúa đã vui lòng thánh hoá lễ vật của Aben. Nhờ đó, hiến lễ mỗi người chúng con dâng lên để tôn vinh Danh Thánh sẽ giúp mọi người đạt tới ơn cứu độ. Chúng con cầu xin...

Ca hiệp lễ

Chúa đã làm những điều lạ lùng đáng ghi nhớ, Chúa thật là Đấng nhân hậu và từ bi; Người đã ban lương thực cho những ai tôn sợ Người.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Này Ta đứng ngoài cửa Ta gõ cửa, nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa cho Ta, Ta sẽ vào nhà người ấy, và sẽ dùng bữa tối với nó, và nó sẽ dùng bữa với Ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, xin phù trợ chúng con là đoàn dân Chúa. Chúa đã lấy bánh bởi trời và nuôi dưỡng chúng con, xin cũng giúp chúng con từ bỏ nếp sống cũ và hân hoan bước vào đời sống mới. Chúng con cầu xin...

Suy niệm
 

SỰ KIÊN NHẪN VÀ BAO DUNG CỦA THIÊN CHÚA

(Kn 12,13.16- 19; Rm 8,26- 27; Mt 13,24- 43)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

 

Trong cuộc sống, chúng ta thường xuyên đặt ra cho mình thắc mắc hay được nghe những chất vấn của rất nhiều người như: “Tại sao Thiên Chúa lại để cho người dữ sống chung với người lành mà không tiêu diệt nó đi?”; hay “tại sao kẻ ác lại gặp được may mắn, còn nhiều khi người tốt lại gặp phải thất bại?”; và “trước thực trạng đó, chúng ta cần phải có thái độ nào? Có được phép tiêu diệt kẻ dữ để làm cho Giáo Hội được trong sạch không?”.

Hôm nay, chúng ta sẽ tìm thấy câu trả lời cho những vấn nạn trên qua ý nghĩa của ba dụ ngôn, đó là: dụ ngôn hạt giống và cỏ lùng, dụ ngôn hạt cải và dụ ngôn men bánh.

Qua ba dụ ngôn trên, ta thấy rất rõ cách hành xử của con người và Thiên Chúa hoàn toàn khác nhau. Cũng qua bài học của ba dụ ngôn trên, mỗi người chúng ta cần phải có thái độ sao cho phù hợp với thánh ý Thiên Chúa.

Trước tiên, chúng ta cùng xem cách hành xử của con người như thế nào?

1. Cách hành xử của con người

Vì mang trong mình sự hữu hạn của loài thụ tạo, nên chúng ta không thể thoát ra khỏi sự yếu đuối, bất toàn của kiếp nhân sinh. Tuy nhiên, thay vì cần có thái độ khiêm nhường như Đức Mẹ, thánh Phêrô, Phaolô, Âu tinh..., để tạ ơn Chúa và sửa sai hầu được tốt lành hơn, hay sẵn sàng cảm thông cũng như chia sẻ, nắm lấy tay nhau, dìu nhau đứng dạy và hướng tới sự thánh thiện, thì chúng ta nhiều khi chẳng khác gì những đầy tớ của ông chủ trong “dụ ngôn cỏ lùng”, luôn tìm cách triệt hạ những kẻ yếu đuối và bất toàn, để muốn giải quyết cho nhanh hầu được yên thân, xong chuyện: “Vậy ông có muốn chúng tôi nhổ cỏ đi không?”.

Thật vậy, đã nhiều lần chúng ta không đứng về phía bao dung để tha thứ, mà lại cảm thấy khó chịu và đòi hỏi mọi người phải thánh thiện, tốt lành, trong khi đó, chúng ta không hề xắn tay áo lên để cùng nhau giải quyết.

Thái độ của chúng ta là như thế đó. Luôn muốn loại bỏ cái xấu cũng như cả con người xấu cùng lúc. Tuy nhiên, xem ra thái độ này không được đảm bảo, bởi lẽ không hợp với thánh ý Thiên Chúa muốn.

Vậy ý muốn và cách hành xử của Thiên Chúa là gì ?

2. Cách hành xử của Thiên Chúa

Qua dụ ngôn cỏ lùng, Đức Giêsu muốn giới thiệu cho chúng ta về bản chất của Thiên Chúa là: “Ðấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương” (Tv 103, 8).

Vì bản chất của Thiên Chúa là yêu thương, tha thứ và kiên nhẫn, nên trong mọi hoàn cảnh, biến cố, dù chúng ta suy nghĩ cách nào, tiêu cực hay tích cực, Ngài luôn tìm cách và dịp thuận tiện để hướng dẫn, dạy dỗ nhằm thể hiện tình yêu thương của Ngài và mong muốn chúng ta quay về để được tha thứ, yêu thương. Bởi vì “Ngài ghét tội chứ không ghét kẻ có tội”. Nên khi nghe đầy tớ đến xin cho phép được nhổ cỏ lùng, ngay lập tức, thay vì thái độ ưng thuận, ông chủ đã ngăn chặn ngay và nói: “Đừng, cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt... sợ rằng khi nhổ cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa”. Cách hành xử này hoàn toàn khác với cách hành xử của con người mà chúng ta đã tìm hiểu ở trên.

Thật vậy, Nước Thiên Chúa đã đến nơi hành động của người gieo hạt. Tuy nhiên, Nước ấy được lớn lên ngay trong những thử thách qua hình ảnh cỏ lùng và lúa ở cùng với nhau, trà trộn vào nhau. Thời gian từ lúc gieo cho đến lúc gặt chính là thời gian kiên nhẫn chờ đợi của Thiên Chúa trong sự bao dung, nhẫn nại, để chờ đợi con người sám hối, ăn năn.

3. Sứ điệp Lời Chúa và thái độ của chúng ta

Lời Chúa hôm nay muốn mời gọi chúng ta cần phải có thái độ như Thiên Chúa là: hiền từ, nhân hậu, bao dung và kiên nhẫn, để chịu đựng những điều xấu của người khác và dần dần tìm cách để hoán cải họ nhờ ơn Chúa Thánh Thần. Đồng thời cảnh tỉnh chúng ta tránh cho xa thái độ của những đầy tớ là ích kỷ, nóng vội, bảo thủ và bất bao dung.

Tại sao vậy? Thưa, vì chúng ta cần phải nhìn nhận rằng: “Kẻ dữ người lành đều là con cái Chúa, được Chúa thương yêu tất cả, chúng ta cũng phải thương yêu nhau và phải có thái độ khoan dung” (thánh Augustinô).

Thật vậy, Thiên Chúa là Đấng: “... cho mặt trời chiếu soi kẻ dữ cũng như người lành, và cho mưa trên người công chính cũng như kẻ bất lương”.

Khi Thiên Chúa mời gọi chúng ta trở nên hiền từ, nhân hậu và kiên nhẫn, ấy là lúc Ngài muốn chúng ta có sự bình tâm để được thanh thản ngay trong những thử thách do người anh chị em chúng ta gây nên, đồng thời đợi chờ để kẻ tội lỗi có cơ  may quay trở lại. Thật vậy, "Nước trời giống như hạt cải người kia gieo trong ruộng mình. Hạt đó bé nhỏ hơn mọi thứ hạt giống, nhưng khi mọc lên, thì lớn hơn mọi thứ rau cỏ, rồi thành cây, đến nỗi chim trời đến nương náu nơi ngành nó"; hay "Nước trời giống như men người đàn bà kia lấy đem trộn vào ba đấu bột, cho đến khi bột dậy men" là bằng chứng cho thấy thành công của sự kiên trì và chờ đợi trong hy vọng.

Mặt khác, Lời Chúa hôm nay cũng cho chúng ta thấy rằng: không vinh quang nào mà không có thập giá. Không thành không nào lại thiếu mồ hôi và nước mắt. Vì thế, chúng ta phải luôn tỉnh thức và chiến đấu, nếu không kẻ thù là ma quỷ sẽ tiến lại và thỏa sức gieo cỏ lùng là tội lỗi... vào trong mảnh đất tâm hồn, hầu làm cho lương tâm chúng ta nhuốm màu đen tối của sự ác...

Làm được điều đó, chúng ta phải trở nên khiêm tốn để lắng nghe Lời Chúa hướng dẫn chứ đừng có tai mà không nghe, có mắt mà không thấy.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con đừng rơi vào thái độ khó chịu, bất mãn về những khuyết điểm nơi anh chị em. Xin cho chúng con nhận ra sự nhẫn nại của Thiên Chúa. Đồng thời biết phản ánh tình yêu của Thiên Chúa qua hành động, lời nói và thái độ của chúng con. Amen.

Chúa Nhật thứ 16 thường niên – Năm A
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 13,24-30).
 
Khi ấy, Chúa Giêsu phán một dụ ngôn khác cùng dân chúng rằng: “Nước trời giống như người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Trong lúc mọi người ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo cỏ lùng vào ngay giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa lớn lên và trổ bông thì cỏ lùng cũng lộ ra. Ðầy tớ chủ nhà đến nói với ông rằng: “Thưa ông, thế ông đã không gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Vậy cỏ lùng từ đâu mà có?” Ông đáp: “Người thù của ta đã làm như thế”. Ðầy tớ nói với chủ: “Nếu ông bằng lòng, chúng tôi xin đi nhổ cỏ”. Chủ nhà đáp: “Không được, kẻo khi nhổ cỏ lùng, các anh lại nhổ luôn cả lúa chăng. Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt. Và đến mùa, ta sẽ dặn thợ gặt: “Các anh hãy nhổ cỏ lùng trước, rồi bó lại từng bó mà đốt đi, sau mới thu lúa lại chất vào lẫm cho ta”.
 
Suy niệm
 
Trong hành trình đức tin của người tín hữu Kitô, không thiếu những lúc chúng ta trăn trở, tại sao Thiên Chúa là Đấng tốt lành, thánh thiện, vậy mà Ngài lại để cho tội lỗi, để cho cái ác tồn tại trong thế giới, hơn nữa, còn đe dọa đến sự sống còn của con cái Ngài. Thiên Chúa nghĩ sao về tình trạng đó? Vấn nạn đó được Đức Giêsu trả lời cho chúng ta trong dụ ngôn cỏ lùng, và Mẹ Giáo hội gởi đến cho chúng ta trong tuần lễ thứ 16 thường niên. Tâm tình sống nầy như đòi buộc người tín hữu hãy xác tín lại niềm tin mỗi ngày, xa hơn, hãy xác định lại cứu cánh cuộc đời của mình là nơi Thiên Chúa, hay một điểm đến khác trong thế giới này.
 
Lời nhắc của tác giả Sách Khôn Ngoan trong bài đọc 1 như mời mỗi người hướng về một Giavê Thiên Chúa là Đấng tốt lành, đầy tình thương. Ngài yêu thương con cái của Ngài bằng một tình thương chăm sóc và bảo vệ: “Ngoài Chúa, không có chúa nào khác chăm sóc mọi sự, ngõ hầu minh chứng rằng Chúa không đoán xét bất công. Vì chưng, sức mạnh của Chúa là nguồn gốc sự công minh, và vì Người là Chúa mọi sự, nên tỏ ra khoan dung với mọi người”. Ngài một mực yêu thương tội nhân, luôn mở rộng vòng tay đón nhận những tội nhân trở về bởi nơi Ngài không có bóng dáng của tội lỗi, của hận thù hay của ghét ghen: “Vì là chủ sức mạnh, nên Chúa xét xử hiền lành, Chúa thống trị chúng ta với đầy lòng khoan dung: vì khi Chúa muốn, mọi quyền hành tuân lệnh Người. Khi hành động như thế, Người dạy dỗ dân Người rằng: Người công chính phải ăn ở nhân đạo, và Người làm cho con cái Người đầy hy vọng rằng: Người ban cho kẻ tội lỗi ơn ăn năn sám hối”. Một vị Thiên Chúa đầy quyền năng nhưng một mực yêu thương con người, đã cúi xuống với con người trong thân phận mong manh, đầy dấu tích của tội lỗi. Ngài chỉ mong con người tin thờ một mình Ngài trong tình yêu và giữ lời răn dạy, để được nên thánh thiện và được ở trong ngôi nhà tình yêu của Thiên Chúa.
 
Trong phận người mong manh là thế, lắm lúc chúng ta thấy mình không bất xứng với tình yêu Thiên Chúa, hơn nữa, còn thấy mình chẳng là gì để Thiên Chúa phải yêu và phải cúi xuống như thế, suy nghĩ của con người là vậy. Thấu hiểu sự trăn trở của con người, Thiên Chúa đã nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng cho con người biết thưa chuyện với Chúa Cha thế nào cho phải đạo, và Chúa Thánh Thần đã thực hiện ước mong nhỏ bé của con người là giúp họ cầu nguyện: “Vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho xứng hợp, nhưng chính Thánh Thần cầu xin cho chúng ta bằng những tiếng than khôn tả. Mà Ðấng thấu suốt tâm hồn, thì biết điều Thánh Thần ước muốn. Bởi vì Thánh Thần cầu xin cho các thánh theo ý Thiên Chúa”. Đó là lời bộc bạch của thánh Tông đồ Phaolô với con cái ngài trong thành Roma, để từ đó họ thay đổi suy nghĩ, thay đổi cách sống và thay đổi nhận thức về tương quan giữa con người với Thiên Chúa tốt lành như thế nào. Kinh nghiệm từ bản thân của thánh nhân, ngài giúp họ luôn vững tin trước mọi thách đố cuộc đời, bởi luôn có sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trên mọi nẻo đường cuộc đời, Ngài sẽ soi sáng, hướng dẫn và giúp con người tìm đến sự khôn ngoan, tìm đến chân lý, tìm đến sự thật, để sống đúng với giá trị của một con người đã được Thiên Chúa yêu thương và cứu độ bằng máu của người Con.
 
Khi những hạt giống tình yêu của Chúa Cha được gieo vào trong thế giới này, Ngài chỉ mong nó trở mình mục nát đi, để mọc lên và trổ sinh những bông hạt  trĩu nặng. Quả là một ước mong rất dung dị, thế nhưng, khi những hạt giống đó được gieo vào ruộng, thì kẻ thù của ông chủ lại âm thầm gieo cỏ lùng vào đó, rồi cả hai cùng mọc lên trong một đám ruộng. Dụ ngôn cỏ lùng trong bài Tin Mừng hôm nay là những câu trả lời cho vấn nạn về sự ác, về tội lỗi và về  quyền năng của Thiên Chúa trên thế giới, trong đó có sự ác và tội lỗi nữa: “Nước trời giống như người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Trong lúc mọi người ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo cỏ lùng vào ngay giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa lớn lên và trổ bông thì cỏ lùng cũng lộ ra”. Thiên Chúa có phải là tác giả của sự ác và tội lỗi không? Đây là một vấn nạn lắm lúc người tín hữu Kitô cũng chưa thể trả lời cách mạnh dạn cho mình và cho anh em chung quanh. Đức Giêsu đã nói rất rõ trong dụ ngôn: “kẻ thù của ta đến gieo cỏ lùng vào ngay giữa lúa rồi đi mất”. Vậy sự ác và tội lỗi không đến từ Thiên Chúa mà đến từ kẻ thù của Ngài là ma quỷ, là Satan. Chúng đã gieo cái ác, cái xấu vào trong đám ruộng tốt của ông chủ, cỏ lùng lớn lên bên cạnh những cây lúa làm cho những người giúp việc rất khó chịu, muốn loại trừ chúng, nhưng ông chủ chưa đồng ý, chắc phải có lý do gì đó chăng? Vấn nạn thứ hai là Thiên Chúa có dung túng cho sự ác không, bởi Ngài hiện diện đó nhưng sao Ngài không loại bỏ chúng khỏi ruộng lúa của Ngài? Vậy có phải Thiên Chúa bất lực trước sự ác không? Thiên Chúa là nguồn gốc sự thiện, tác giả của Kinh Thánh đã cho chúng ta biết điều đó ngay từ khởi đầu hình thành nhân loại, vậy mà khi tội lỗi và sự ác hoành hành trong thế giới, Ngài vẫn im lặng, sự im lặng đó không có nghĩa là thua cuộc. Đức Giêsu luôn đấu tranh chống lại sự ác, đỉnh cao cuộc chiến đó là thập giá của Ngài, nơi thập giá, Ngài đã chiến thắng sự ác, chiến thắng tội lỗi. Bên cạnh đó, Thiên Chúa thiết lập Hội Thánh của Ngài trong thế giới này, công trình đó vẫn còn dang dở và đang hoàn thiện từng ngày, mỗi tín hữu Kitô được mời đi vào trong gia đình Thiên Chúa. Dù được mời vào đó, nhưng người tín hữu có lúc đã không chọn Thiên Chúa là cứu cánh cuộc đời của mình, mà chọn một cứu cánh khác cho mình. Do đó, tương quan giữa con người với Thiên Chúa bị bẻ gãy, kéo theo một hệ quả vô cùng nguy hiểm đó là tương quan giữa con người với con người cũng bị bẻ gãy, tương quan giữa con người với thiên nhiên, với môi trường cũng bị ảnh hưởng trầm trọng, dẫn đến bệnh tật, thiên tai, hạn hán và đói nghèo xuất hiện. Vậy đâu phải do Thiên Chúa bất lực mà Ngài phải dung túng sự ác, nhưng do con người khi được tôn trọng, đã chọn cứu cánh cuộc đời của mình là một điểm đến ngoài Thiên Chúa. Hậu quả là đánh mất sự thánh thiện của Thiên Chúa ban tặng cho con người.
 
Thiên Chúa không phải là tác giả của sự ác, cũng không phải là bất lực trước sự ác, dẫn đến dung túng cho sự ác tồn tại trong thế giới này. Điều quan trọng hôm nay là chúng ta được ở trong gia đình Giáo hội, một cộng đoàn đang hoàn thiện, bởi thế, sự ác vẫn tồn tại đó, và Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn đợi chờ ngày cuối cùng sẽ nhổ cỏ lùng khỏi ruộng. Thời gian Thiên Chúa đợi chờ đó, cũng là thời gian quý báu cho con người biết hối cải, biết thay đổi nhận thức, thay đổi cung cách sống hàng ngày, để cuộc đời không trở nên vô dụng như cỏ lùng, nhưng sẽ trổ hoa của tình yêu Thiên Chúa nơi mỗi người. Mỗi người trong ơn gọi và hoàn cảnh sống có thực sự chọn cho mình một cứu cánh đích thực là Thiên Chúa, hay đang âm thầm chọn một cứu cánh khác ngoài Thiên Chúa, bởi khi cứu cánh cuộc đời ở đâu, thì con người luôn hướng cuộc đời về đó, mọi sinh hoạt hàng ngày luôn hướng về cứu cánh. Thiên Chúa đang để cho con người tự do chọn lựa cứu cánh để sống, để hoàn thiện giá trị con người trong một thân thể. Từ đây, nếu con người không chân nhận điều đó, thì không đủ thời gian để trở về với những giá trị đích thực của con người, không có thể tránh được đau khổ khi ngày sau cùng đến, và người ta sẽ vứt vào lửa không hề tắt.
 
Thiên Chúa là tình yêu, Ngài đã yêu con người, cúi xuống với con người, trao người Con duy nhất cho con người, người Con đó đã hy sinh mạng sống để cứu độ con người. Mong muốn duy nhất của Thiên Chúa nơi con người là hãy cố gắng sống hoàn thiện từng ngày như Thiên Chúa là đấng hoàn thiện. Một người cha như thế sao để cho sự ác và đau khổ hoành hành con cái được, Ngài cũng không nỡ gỡ bỏ sự ác ra khỏi thế giới này, bởi trong mỗi con người, ai cũng có những bông lúa đẹp bên cạnh những gốc cỏ lùng nguy hiểm. Do đó, Thiên Chúa đã chấp nhận để cả hai cùng mọc lên, đợi ngày thu hoạch mới loại trừ cỏ lùng. Đó cũng là thời gian Thiên Chúa muốn con người tỉnh thức, sám hối, đổi thay nhận thức và cuộc đời, để khỏi chết đời đời. Mỗi ngày, Ngài còn hướng dẫn con người thưa chuyện với Thiên Chúa qua sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần là đấng khôn ngoan và là thần Chân lý. Ngài sẽ giúp con người hoàn thiện bậc sống và ơn gọi làm người Kitô hữu của mình. Một khi con người nhận ra được những câu trả lời cho những vấn nạn bấy lâu cứ dày vò tâm trí, ắt con người sẽ cố gắng đổi thay cách nhìn của mình về một Thiên Chúa tình yêu, về tương quan giữa Ngài với con người, để mỗi người cố gắng đừng cắt đứt mối tương quan đó, ắt sẽ kéo theo những hệ lụy vô cùng nguy hiểm. Đó là sự tự do chọn lựa của con người mà Thiên Chúa tôn trọng.
 
Lạy Chúa, tất cả chỉ vì yêu, Chúa đã kiên nhẫn đợi chờ con người cải hối cuộc đời để được ở trong nhà Chúa, xin cho mỗi người luôn ý thức sự ưu ái Thiên Chúa dành cho mình, để cố gắng đổi thay cuộc đời, đừng để mình là cỏ lùng trong ruộng lúa tình yêu của Thiên Chúa. Chúa đã chết để cứu con người khỏi tội, xin cho chúng con biết tránh xa tội lỗi, bởi tội sẽ cắt đứt sự kết nối giữa Thiên Chúa với con người, từ đó, khi mùa gặt đến, chúng con không bị thợ gặt nhổ lên và quăng vào lửa không hề tắt là nơi đau khổ đời đời. Amen. 

Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

 
GIẾT NGƯỜI ĐI THÌ TA Ở VỚI AI?
(Chúa Nhật XVI TN A) - Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

“Thiên Chúa không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống” (x.Ed 18,23). Câu Lời Chúa thường được lặp đi lặp lại trong suốt mùa Chay thánh nói lên tấm lòng của Đấng chúng ta tôn thờ. Phụng vụ Lời Chúa ngày Chúa Nhật XVI TN A khởi đầu bằng đoạn trích sách Khôn ngoan làm nổi rõ lòng từ nhân của Thiên Chúa đồng thời gieo rắc niềm hy vọng cho tội nhân xiết bao: “Chúa xử khoan hồng vì Ngài làm chủ được sức mạnh… Làm như thế, Chúa đã dạy dân rằng: người công chính phải có lòng nhân ái. Ngài đã cho con cái niềm hy vọng tràn trề là người có tội được Ngài ban ơn sám hối” (Kn 12,16-19). Chúng ta lại được nghe Chúa Giêsu nói thêm một số dụ ngôn về Nước Trời, đặc biệt là dụ ngôn “cỏ lùng trong ruộng” (Mt 13,24-29).

1. ĐỪNG NHỔ CỎ, KẺO NHỔ LẪN CẢ LÚA:

Một mệnh lệnh xem ra nghịch thường, nếu có một chút hiểu biết về nghề nông và kinh nghiệm trồng lúa. “Công cuốc, công cày là công bỏ; công làm cỏ mới là công ăn”. Trước khi thuốc diệt cỏ ra đời, thì làm cỏ là một khâu không thể xao lãng trong nghề nông. Gieo trồng mà không làm cỏ thì chắc chắn “xôi hỏng, bỏng tay”; “mất cả chì lẫn cả chài”. Ngay cả chút “giống” bỏ ra cũng chẳng mong thu lại được, nếu không chịu làm cỏ.

Theo văn phong dụ ngôn thì điều muốn nói, muốn trình bày, chỉ có một hoặc hai điều mà thôi. Và điều muốn nói thường ở nơi câu kết hoặc nơi một chi tiết nghịch thường của câu chuyện. Và ta có thể nói rằng nội dung chính của dụ ngôn “cỏ lùng trong ruộng” muốn dạy ta là đừng tự phong làm “thẩm phán” của bất cứ ai. Với lý trí suy xét và dưới ánh sáng Lời Mạc khải chúng ta có thể phân biệt điều tốt, điều xấu, hành vi chính đáng, phải đạo và hành vi bất chính… nhưng chúng ta thật khó mà quy kết ai là chính nhân, ai là quân tử. Cha ông ta đã từng truyền dạy kinh nghiệm rằng vẫn có đó nhiều người “khẩu phật mà tâm xà” và cũng có nhiều người “ngoài miệng thì nói nam mô mà trong bụng lại chứa một bồ dao găm”. Nhân sinh quan về sự nhập nhằng đen trắng, chính nhân quân tử hay tiểu nhân, mắt người phàm khó biện phân, thì Kim Dung, một cây bút nổi tiếng loại hình tiểu thuyết võ hiệp lịch sử kỳ tình Trung Hoa đã trình bày xuyên suốt qua các pho truyện của ông như “Anh Hùng Xạ Điêu, Thần Điêu Đại Hiệp, Cô Gái Đồ Long, Tiếu ngạo giang hồ…

Sau biến cố 1975, Chính quyền đã ra lệnh bài trừ và tiêu hủy “các loại hình văn hóa phản động”, trong đó có tiểu thuyết của ngài Kim Dung. Lý lẽ đưa ra là cần minh bạch rõ ràng người xấu với kẻ tốt, phải rõ ràng “địch với ta”. Nếu không ta thì là địch. Nếu không theo cách mạng là phản động… Quả thật kiểu nhân sinh quan này tưởng rằng là triệt để nhưng thực ra là quá khích, độc đoán, một chiều… May thay, với thời gian, nhân sinh quan này hình như đang dần được chuyển hóa, đổi thay.

Con người, thường xem xét kẻ khác qua diện mạo bên ngoài, kiểu xem mặt mà bắt hình dong, vì thế, sai lầm là chuyện khó tránh. Thế mà ta lại cả gan muốn loại trừ người mà ta cho là xấu xa, là tội lỗi. Nếu giả như hễ ai đã phạm tội đều đáng bị loại bỏ, bị giết đi, thì thử hỏi có ai còn đáng sống. Và ngay chính bản thân ta cũng không đáng tồn tại. Giết người đi thì ta ở với ai? Hơn nữa, kẻ đáng giết trước hết, chính là ta!

2. HÃY BIẾT KIÊN NHẪN ĐỢI CHỜ:

Chỉ mình Thiên Chúa mới tỏ tường đâu là lúa, đâu là cỏ lùng. Chỉ có Chúa mới là Đấng thấu tỏ mọi bí ẩn tâm can con người. Thế mà Người lại chờ cho đến mùa gặt. Thiên Chúa không thích con người phải chết và cũng chẳng muốn tội nhân bị diệt vong. Chỉ một người tội lỗi sám hối ăn năn là cả triều thần thiên quốc vui mừng khôn xiết hơn chín mươi chín người công chính không cần sám hối ăn năn (x.Lc 15,7). Lượng từ bi vô biên của Chúa nào ai đo lường được. Người kiên nhẫn đợi chờ vì Người là Đấng Hoàn Thiện, là Cha từ nhân, Đấng chậm bất bình và rất mực khoan dung. Người kiên nhẫn đợi chờ vì Người biết con người là hữu thể đang chuyển thành (l’homme c’est l’être en devenir). Không một thánh nhân nào mà không có một quá khứ (quá khứ lỗi lầm), chính vì thế, chẳng có một tội nhân nào lại chẳng có thể có một tương lai (tương lai tốt đẹp). Với con người nhiều khi là không thể, vì quá khó, khó hơn cả lạc đà chui qua lỗ kim, nhưng với quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa thì mọi sự đều là có thể (x.Mt 19,23-26).

3. CHỜ ĐỢI KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ NGỒI KHOANH TAY HAY ĐỨNG NHÌN:

Rất có thể có nhiều người viện cớ rằng mình có thể sai lầm trong phán đoán để rồi không làm gì cả. Và cũng có thể có nhiều người vì lười biếng hoặc nhát đảm nên vô tình phạm đến đức trông cậy khi khoán trắng mọi sự cho Chúa. Chúng ta cần khử trừ sự xấu nhưng không được phép loại bỏ tội nhân. Ngoại trừ Mẹ Maria được Chúa gìn giữ vẹn tuyền, còn chúng ta, thảy đều là tội nhân cách này hay cách khác. Tuy nhiên, trong thực tế, giữa sự xấu với người xấu nhiều khi khó phân biệt ranh giới. Hơn nữa, có khi khoan dung với người xấu thì lại vô tình để cho sự xấu lan truyền. Vấn đề thật nan giải! Một trong những cách thế xem ra khôn ngoan là chỉ lên án hay cảnh báo các hiện tượng tiêu cực cách chung chung mà không ám chỉ trực tiếp một ai để rồi “ai có tật thì giật mình”. Tuy nhiên, làm sao tránh được chuyện công luận hướng ngay về một hay những ai đó khi có một sự xấu được nêu lên và bị kết án. Đã là phương thế, đặc biệt các phương thế mang tính tiêu cực như khử trừ, loại bỏ, lên án…, thì không một phương thế nào là hoàn hảo và tối ưu.

Một kinh nghiệm nhà nông, đó là nếu lúa tốt nhanh, thì cỏ sẽ bị che rợp và khó phát triển. Cần nổ lực sử dụng các phương thế tích cực. Hãy làm chút men nồng. Chỉ một nắm men nhỏ thì cả khối bột sẽ dậy men (x.Mt 13,33). Trong khi khoan dung, kiên nhẫn với tội nhân thì chúng ta cần nhân rộng các nghĩa cử bác ái, những hành vi đạo đức, thánh thiêng, cao thượng. Thà thắp lên một ánh nến còn hơn là ngồi nguyền rủa bóng tối. Một cây nến, hai cây nến, nhiều cây nến… cả không gian sẽ bừng sáng và đêm tối sẽ phải lùi xa.

 

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây