TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật XVI Thường Niên - Năm C

10/07/2022 03:38:58 |   981

Chúa Nhật XVI Thường Niên - Năm C
 

cn16TN C

Lc 10, 38-42

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XVI Thường Niên - Năm C

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Bài Tin Mừng hôm nay đưa ra cho chúng ta hai hình ảnh: Matta và Maria. Hình ảnh bận rộn, lo lắng của Matta cũng chính là của mỗi người chúng ta. Suốt một ngày sống từ lúc thức giấc cho đến khi lên giường ngủ, thậm chí cả trong giấc ngủ, mỗi người chúng ta cũng đang lo lắng, băn khoăn về nhiều chuyện. Do đó, có thể nói, lời cảnh tình của Đức Giêsu đối với Matta, cũng chính là đang nói với mỗi người chúng ta: “con lo lắng bốì rối về nhiều chuyện, chỉ có mội sự cần mà thôi”.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hồi tâm để nhìn lại cuộc sống của mình. Thiên Chúa không bảo chúng ta đừng suy nghĩ, lo lắng, nhưng Ngài mời gọi chúng ta đặt lại bậc thang giá trị. Chúng ta cần ưu tiên chỗ việc lắng nghe và gặp gỡ Chúa, để dễ dàng giải quyết được những khó khăn trong cuộc sống, và nhất là tâm hồn chúng ta sẽ luôn được bình an một sự bình an không ai lấy mất được. Vậy chúng ta hãy loại ra khỏi lòng trí những lo lắng trần thế, và xin lỗi Chúa vì sự bất trung, bất hiếu của chúng ta, để xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh.

Ca nhập lễ

Kìa Thiên Chúa phù trợ tôi, Chúa đang nâng đỡ tâm hồn tôi. Tôi đã tự nguyện hiến dâng lễ vật lên Chúa, và lạy Chúa, tôi sẽ ca tụng danh Ngài, vì danh Ngài thiện hảo.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, xin tỏ lòng nhân hậu với các tín hữu Chúa và rộng tay ban phát mọi ơn lành để chúng con thêm lòng tin cậy mến và chuyên cần tuân giữ những điều Chúa truyền dạy. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: St 18, 1-10a

“Ðối với Thiên Chúa có gì khó đâu. Ta trở lại thăm ông và Sara được một đứa con trai”.

Trích sách Sáng Thế.

Trong những ngày ấy, Chúa hiện ra cùng Abraham dưới chòm cây ở Mambrê, đang lúc ông ngồi ở cửa lều giữa trưa nóng bức. Ông ngước mắt lên thấy ba người nam xuất hiện, đứng gần ông: Vừa trông thấy, từ cửa lều, ông chạy ra đón các vị ấy, rồi sấp mình lạy và thưa rằng: “Lạy Chúa, nếu con được đẹp lòng Chúa, xin đừng bỏ đi qua, con xin lấy ít nước để các Ðấng rửa chân, và nghỉ mát. Con xin đem ít bánh mời các Ðấng dùng để lấy sức lại rồi sẽ đi: chính vì thế mà các Ðấng đã ghé vào nhà con”. Các Ðấng ấy nói: “Như ông đã ngỏ, xin cứ làm”.

Abraham liền vào lều, và bảo Sara rằng: “Hãy mau mau trộn ba đấu bột làm bánh nướng”. Còn ông, ông chạy đến đoàn bò bắt một con bê non hảo hạng, trao cho đầy tớ đem đi nấu. Ông lấy bơ sữa và thịt bê đã chín, dọn ra trước mặt các Ðấng. Chính ông đứng hầu các Ðấng dưới bóng cây.

Ăn xong, các Ðấng hỏi Abraham rằng: “Sara bạn ông đâu?” Ông trả lời: “Kìa, bạn con ở trong lều”. Một Ðấng nói tiếp: “Ðộ này sang năm, khi Ta trở lại thăm ông, thì cả hai vẫn còn mạnh khoẻ, và Sara bạn ông sẽ được một con trai”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 14, 2-3ab. 3cd-4ab. 5

Ðáp: Lạy Chúa, ai được cư ngụ trên núi thánh của Chúa? (c. 1a)

Xướng: Người sống thanh liêm và thực thi công chính, và trong lòng suy nghĩ điều ngay, và lưỡi không bịa lời vu khống. 

Xướng: Người không làm ác hại bạn đồng liêu, cũng không làm nhục cho ai lân cận. Người coi rẻ đứa bất nhân, nhưng kính yêu những ai tôn sợ Chúa. 

Xướng: Người không xuất tiền đặt nợ thu lời, cũng không ăn hối lộ hại người hiền lương. Người thực thi những điều kể đó, thì muôn đời chẳng có lung lay. 

Bài Ðọc II: Cl 1, 24-28

“Mầu nhiệm ẩn giấu từ muôn thuở, nhưng nay đã được tỏ bày cho các thánh”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.

Anh em thân mến, hiện nay tôi vui sướng trong những đau khổ tôi phải chịu vì anh em. Tôi bổ khuyết nơi thân xác tôi những gì còn thiếu sót trong cuộc thương khó của Ðức Kitô, để Hội thánh là thân xác của Người được nhờ. Tôi đã được trở thành người phục vụ Hội thánh theo sự an bài của Thiên Chúa, Ðấng đã trao phó cho tôi rao giảng đầy đủ lời Chúa, đó là mầu nhiệm ẩn giấu từ muôn thuở qua muôn thế hệ, nhưng nay đã được tỏ bày cho các thánh của Người. Thiên Chúa muốn tỏ bày cho họ biết thế nào là sự phong phú vinh quang của mầu nhiệm nơi dân ngoại, tức là Ðức Kitô trong anh em, Người là niềm hy vọng vinh quang. Tôi loan báo Người, cảnh tỉnh mọi người, đem tất cả khôn ngoan mà dạy dỗ mọi người, để làm cho mọi người nên hoàn hảo trong Ðức Giêsu Kitô.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mt 4, 4b

Alleluia, alleluia! – Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 10, 38-42

“Martha rước Người vào nhà mình. Maria đã chọn phần tốt nhất”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu vào một làng kia và có một phụ nữ tên là Martha rước Người vào nhà mình. Bà có người em gái tên là Maria ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người. Martha bận rộn với việc thết đãi khách. Bà đứng lại thưa Người rằng: “Lạy Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với”. Nhưng Chúa đáp: “Martha, Martha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một sự cần mà thôi: Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa là Cha nhân từ, Chúa đã dùng hiến tế duy nhất của Ðức Kitô trên thập giá làm cho các hy lễ theo luật Môsê được đầy đủ ý nghĩa. Xin thánh hoá lễ vật chúng con dâng với cả tấm lòng thành, cũng như xưa Chúa đã vui lòng thánh hoá lễ vật của Aben. Nhờ đó, hiến lễ mỗi người chúng con dâng lên để tôn vinh Danh Thánh sẽ giúp mọi người đạt tới ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa đã làm những điều lạ lùng đáng ghi nhớ, Chúa thật là Đấng nhân hậu và từ bi; Người đã ban lương thực cho những ai tôn sợ Người.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Này Ta đứng ngoài cửa Ta gõ cửa, nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa cho Ta, Ta sẽ vào nhà người ấy, và sẽ dùng bữa tối với nó, và nó sẽ dùng bữa với Ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, xin phù trợ chúng con là đoàn dân Chúa. Chúa đã lấy bánh bởi trời và nuôi dưỡng chúng con, xin cũng giúp chúng con từ bỏ nếp sống cũ và hân hoan bước vào đời sống mới. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Phần tuyệt hảo

Có một thời người ta đã dựa vào đoạn Tin Mừng này để đề cao đời sống chiêm niệm, như là phần tối hảo mà Maria đã khôn ngoan giành lấy cho mình. Còn đời sống bôn chôn hoạt động của Martha là phần ít giá trị hơn. Thực ra Chúa Giêsu không thể bênh vực cho thứ chiêm niệm lười lĩnh cũng như thứ hành động múa may. Điều Ngài đòi hỏi là lắng nghe và thực thi lời Chúa.

Ngày kia, có lẽ bất ngờ, Chúa Giêsu đến thăm viếng gia đình ba chị em Martha, Maria và Lagiarô. Đối với người Do Thái, thì được tiếp đón một người khách đến thăm là một ơn huệ Chúa ban và cũng là dịp để tưởng niệm cuộc xuất hành của dân Chúa trên đường tiến tới miền đất Hứa. Việc đón tiếp khách được tổ chức một cách tỉ mỉ và ân cần. Khách vào nhà được rửa chân vì đi đường bụi bậm. Thường thì người nhỏ nhất trong nhà có phận sự rửa chân cho khách.

Trong đoạn Tin Mừng này, chúng ta có một vài dấu hiệu cho biết Maria là người được phân công rửa chân cho khách. Maria ngồi dưới chân Chúa Giêsu và xem ra Maria cũng đóng vai trò tiếp chuyện khách. Bà ngồi bên chân Chúa để lắng nghe lời Ngài. Trong khi đó Martha nắm giữ địa vị của một người nội trợ bận rộn với công việc bếp núc. Bà muốn cho việc tiếp đón phải thật chu đáo. Nhưng Chúa Giêsu thì lại nghĩ khác. Việc đón tiếp chu đáo và đúng nghĩa nhất đối với Ngài là đón nghe lời Ngài. Còn tất cả chỉ là phụ thuộc. Martha đã bị Chúa quở trách vì bà đã quá chú trọng vào những cái phụ thuộc, để mình chìm nghỉm trong mọi thứ công việc khiến không còn thời giờ và sức lực để nghe và đón nhận lời Ngài. Người khách như Chúa Giêsu đến với gia đình Bêtania, hẳn không phải là để được hạ, tiếp rước, mà là để ban phát, để thiết tiệc lời hằng sống. Do đó ưu tiên số một không phải là việc cho Ngài ăn gì, uống gì mà là lắng nghe lời Ngài vì của ăn đích thực của Ngài là rao giảng Tin Mừng Nước Trời.

Chúng ta còn nhớ một lần kia bên bờ giếng Giacóp, Ngài đã xác quyết: Của ăn của Ta là làm theo ý Đấng đã sai Ta. Và ý của Đấng đã sai Ngài chính là việc rao giảng Tin Mừng cứu độ cho muôn dân. Vì thế, những ai muốn theo Ngài, cũng phải lắng nghe và thực hiện những lời Ngài truyền dạy.

Vào một dịp lễ trọng như lễ Chúa Giêsu chẳng hạn, cả giáo xứ để hết tâm trí vào việc dọn dẹp và trang trí nhà thờ, làm hang đá, treo đèn kết hoa, khiến cho không còn thời giờ, không còn lòng trí để tìm hiểu và đào sâu ý nghĩa của việc Con Thiên Chúa làm người. Giáo xứ ấy đã đi theo vết chân của Martha và bỏ mất phần tối hảo.

Bởi đó chúng ta đã kiểm điểm đời sống xem chúng ta đã thực sự đầu tư một cách đầy đủ cho điều chính yếu, là lắng nghe và thực thi lời Chúa, hay vẫn còn đang lẩn quẩn ở những vòng ngoài, ở những cái phụ thuộc.

Chúa Nhật 16C Thường niên - 2001

(Lc. 10:38-42) Lm. Lã Mộng Thường

Bài Phúc Âm hôm nay dùng hoạt cảnh Đức Giêsu được đón tiếp nơi nhà bà Martha. Bà bận rộn lo nấu nướng tiếp đãi Ngài trong khi người em là Maria ngồi hầu chuyện, nghe lời Ngài dạy dỗ. Công việc bếp núc trong khoảng thời gian ngắn để có được bữa ăn thịnh soạn tất nhiên bận rộn vì nhiều việc phải làm trong cùng một lúc do đó Martha cần người phụ tay; điều này các bà có lẽ kinh nghiệm hơn các ông. Lẽ thường, khách đến nhà cần phải có người tiếp khách… nhưng Phúc Âm hình như được viết không để ý đến điểm này do đó nêu lên lời than của Martha, “Lạy Thầy, em tôi để tôi hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao? Xin Thầy bảo em tôi giúp tôi với”. Xét như vậy, Phúc Âm được viết sắp xếp câu truyện để nêu lên điểm chính yếu đặt nơi miệng Đức Giêsu câu trả lời, “Martha, Martha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một sự cần mà thôi: Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất”.

Điều ai cũng hiểu về “phần tốt nhất” được Phúc Âm nhấn mạnh đó là lắng nghe những lời dạy dỗ của Đức Giêsu. Nếu ai để ý đặt câu hỏi, giả sử cả hai chị em đều chọn phần tốt nhất đó là chăm chú lắng nghe những lời dạy dỗ của Ngài thì ai sẽ hầu hạ và sao có bữa ăn cho Ngài dùng? Ngược lại, khi đặt câu hỏi như thế và nhận ra sự đối nghịch nơi câu trả lời, một đàng cho rằng công việc cần thiết hầu hạ, bếp núc chỉ là lo lắng bối rối về nhiều chuyện và lắng nghe những lời dạy dỗ của Ngài là phần tốt nhất, chúng ta mới nhận thấy bài Phúc Âm mang mục đích nhắc nhở chúng ta để ý suy nghiệm những lời giảng dạy của Đức Giêsu. Vậy những lời giảng dạy của Ngài ở đâu cho chúng ta tìm hiểu? Xin thưa đó là bốn cuốn Phúc Âm.

Phúc Âm dùng những lời nói khôn ngoan, những câu truyện dưới hình thức dụ ngôn để giải thích về Tin Mừng Nước Trời. Nơi Phúc Âm Matthêu chúng ta đọc được, “Vậy các ngươi chớ lo mà rằng: Ta sẽ ăn gì; ta sẽ uống gì; ta sẽ lấy gì mà mặc? Các điều đó dân ngoại kiếm tìm, nhưng Cha các ngươi Đấng ở trên trời biết rõ các ngươi cần đến các điều ấy. Hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước đã và sự công chính của Ngài và những điều ấy sẽ được ban thêm cho các ngươi” (Mt. 6:31-33). Qua lời Phúc Âm chúng ta thấy, điều quan trọng tiên quyết cho đời người đó là tìm kiếm Nước Thiên Chúa. Vậy Nước Thiên Chúa là gì? Tin Mừng Nước Trời là gì, quan trọng ra sao mà Đức Giêsu đã phải dùng cả cuộc đời để rao giảng? Phương cách nào và điều kiện nào chúng ta cần phải có để nhận biết Nước Thiên Chúa qua Phúc Âm. Nơi thư thứ nhất gửi tín hữu Thesalonikê, thánh PhaoLô khuyên chúng ta, “Đừng dập tắt thần khí! Đừng khinh thị các ơn tiên tri, nhưng hãy nghiệm xét mọi sự; điều gì lành hãy giữ lấy; hãy kị điều dữ bất cứ dưới hình thức nào!” (1Thes. 5:19-21). Thần Khí tức là hoạt động của Thánh Thần Thiên Chúa nơi tâm trí mỗi người chúng ta. Như vậy chúng ta cần mở rộng tâm hồn để ý suy nghiệm về những lời Phúc Âm vì sự suy tư, suy nghiệm thuộc về hoạt động của tâm hồn, tâm trí, linh hồn, của Thiên Chúa nội tại, của Thánh Thần, hay Thần Khí. Thêm vào đó, khi nghiệm xét điều gì, chúng ta dùng hết tâm trí suy tư, đặt vấn đề và nghiệm chứng điều đó nơi cuộc đời.

Hơn nữa, sự nghiệm xét mang đặc tính không lệ thuộc bất cứ chiều hướng suy tư hay kiến thức ngoại tại mà chỉ tùy thuộc tâm tư của mình. Thánh nhân rõ ràng khuyên chúng ta nghiệm xét mọi sự. Bất cứ điều gì cũng cần được đặt lại vấn đề để am hiểu tùy theo tâm trí của mỗi người. Lời khuyên của thánh nhân, “Hãy kỵ điều dữ bất cứ dưới hình thức nào” mới thoạt nghe hay đọc thường bị hiểu một cách đơn giản, nhưng thực ra không đơn giản chút nào vì bất cứ gì chiều theo tham vọng, ước muốn thế tục đều là điều dữ bởi chúng ngăn cản sự thăng tiến của con người nơi hành trình đức tin, hành trình thăng tiến tâm linh. Chẳng hạn khi lên tiếng nói điều gì, người nói chịu trách nhiệm và lãnh hậu quả về chủ đích hay ý định đã phát ngôn câu nói đó. Tất nhiên, “Người công chính nói lời khôn ngoan” trong khi kẻ ngu xuẩn sẽ trở về với sự điên rồ của nó. Đây là lý do tại sao sách Cách Ngôn có câu, “Đừng trả lời kẻ ngu xuẩn theo sự điên dại của nó, kẻo cả con nữa, con cũng trở nên giống nó” (CN. 26:4).

Phúc Âm cũng đưa lên những điều kiện thuộc về tâm trí để một người có thể suy nghiệm nhận biết Tin Mừng đó là không nên để những kinh nghiệm, quan niệm bình thường thế tục ảnh hưởng hay ám ảnh khi nghiệm xét những lời khôn ngoan nơi Phúc Âm. Những kinh nghiệm, quan niệm thế tục chẳng khác gì bì da cũ, áo cũ, những cớ cho con người vấp phạm như mắt, tay, chân, cha mẹ, hay con cái được dùng cách ám định nơi Phúc Âm.

Như vậy, muốn nghiệm xét những lời khôn ngoan nơi Phúc Âm, tâm trí con người cần được hoàn toàn tự do, không lệ thuộc bất cứ điều gì hay quan niệm nào. Khi còn bị lệ thuộc bởi bất cứ điều gì, có thể nói đó là lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chúng ta ai cũng đều biết Thiên Chúa chính là quyền lực hiện hữu tối thượng ngự trị và hoạt động nơi mọi vật mọi loài. Thiên Chúa ở khắp mọi nơi. Thế nên, Nước Thiên Chúa, Nước Trời là chính Ngài. Do đó, Tin Mừng Nước Trời chính là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt. 1:23); Nước Thiên Chúa ở giữa chúng ta; Thiên Chúa ngự trị và hoạt động nơi mỗi người. Vì Thiên Chúa ở cùng chúng ta, ở nơi mọi người nên đức tin chính là quyền lực của Thiên Chúa nơi mỗi người. Nhận biết Thiên Chúa nơi mình hay không, nhận biết đức tin là gì, hoặc sao có thể xử dụng đức tin để áp dụng nơi câu Phúc Âm, “Kẻ nào bảo núi này xê đi, nhào xuống biển mà trong lòng không nghi ngại nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra thì nó sẽ thấy thành sự”, tất cả đều tùy thuộc sự thực hành suy nghiệm những lời giảng dạy của Đức Giêsu nơi Phúc Âm. Amen.
 

 HIỆP SỐNG TIN MỪNG - LM ĐAN VINH - HHTM
CHÚA NHẬT 16 THƯỜNG NIÊN C

St 18,1-10a; Cl 1,24-28; Lc 10,38-42

 

QUÂN BÌNH GIỮA VIỆC CẦU NGUYỆN VÀ PHỤC VỤ TRONG ĐỜI SỐNG

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Lc 10,38-42

(38) Trong khi Thầy trò đi đường, Đức Giê-su vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mác-ta đón Người vào nhà. Cô có người em gái tên là Ma-ri-a. (39) Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. (40) Còn cô Mác-ta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!” (41) Chúa đáp: “Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị lo lắng và lăng xăng nhiều việc quá! (42) Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi”.

2. Ý CHÍNH: Câu chuyện trong Tin mừng hôm nay có 3 nhân vật chính: Đức Giê-su và hai chị em Mác-ta, Ma-ri-a. Hai chị em này phục vụ Đức Giê-su mỗi người một cách: Mác-ta thì bận rộn lo việc cơm nước, đang khi Ma-ri-a lại ngồi bên chân Thầy và nghe Lời Người. Mác-ta khó chịu với cô em và xin Thầy can thiệp bảo Ma-ri-a giúp đỡ mình. Nhưng Người lại cho biết việc nghe Lời Chúa mà Ma-ri-a đang làm mới là điều quan trọng và cần thiết hơn cả.

3. CHÚ THÍCH:

- C 38-39: + Trong khi Thầy trò đi đường vào làng kia: Đức Giê-su vào làng Bê-ta-ni-a, cách Thủ đô Giê-ru-sa-lem 3 cây số. + Có một người phụ nữ tên là Mác-ta: Đây là chị cả trong một gia đình có ba chị em. Mác-ta chưa lập gia đình, vì nếu đã có chồng thì người chồng đã phải đứng ra tiếp đón Đức Giê-su. Là chị cả nên Mác-ta phải đảm đương mọi việc. Bà lo dọn bữa ăn phục vụ Đức Giê-su và các môn đệ. + Đón Người vào nhà: Người Do-thái vốn hiếu khách. Đức Giê-su không những là khách mà còn là bạn thân của gia đình (x. Ga 11,5). Thái độ tiếp đón này trái với thái độ dân làng Sa-ma-ri trước đó đã từ chối đón tiếp Người (x. Lc 9,53). Trong thời điểm những ngày cuối đời, việc đón tiếp Đức Giê-su của Mácta còn là hành động can đảm. Vì khi ấy Người đang bị các đầu mục Do-thái theo dõi, ai đón tiếp Người sẽ bị coi là đồng đảng và có thể bị khai trừ ra khỏi hội đường nữa (x. Ga 9,22 ; 12,10.42). + Người em gái tên là Ma-ri-a: Đây là Ma-ri-a làng Bê-ta-ni-a, khác với Ma-ri-a làng Mác-đa-la (x. Lc 8,2), cũng không phải là Ma-ri-a thân mẫu Gia-cô-bê và Giô-sép (x. Mt 27,56), không phải Ma-ri-a mẹ của Gio-an (x. Cv 12,12). Cô Ma-ri-a là em của Mác-ta, là chị của La-da-rô. Chính cô Ma-ri-a này đã hy sinh bình dầu đắt tiền để xức chân Đức Giê-su (x Ga 12,3). Cần phân biệt cô Ma-ri-a này với người phụ nữ tội lỗi cũng xức dầu thơm trên chân Đức Giê-su (x Lc 7,38). Cả 3 chị em nhà này đều được Đức Giê-su yêu mến (x. Ga 11,5). + Ngồi bên chân Chúa mà nghe Lời Người dạy: Trong Lu-ca, ngồi dưới chân là thái độ của người môn đệ (x. Lc 8,35 ; Cv 22,3).

- C 40-42: + Em con để mình con phục vụ...: Mác-ta luôn tỏ lòng quí mến Đức Giê-su và quan tâm phục vụ Người (x. Ga 12,2). Cô không hài lòng khi thấy cô em Ma-ri-a nhàn nhã ngồi bên chân và nghe Thầy dạy đang khi cô phải vất vả lo làm bữa cho Người. Do đó cô đã yêu cầu Đức Giê-su cho Ma-ri-a xuống bếp giúp cô một tay. + Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi: Chuyện cần thiết duy nhất này là gì? Đó là điều cô em Ma-ri-a đang làm: “Ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy”. Đức Giê-su không đánh giá thấp việc bếp núc của Mác-ta. Nhưng việc tìm biết thánh ý Thiên Chúa lại là điều duy nhất cần thiết. Hơn nữa, Lời Chúa là của ăn tinh thần nên có giá trị cao hơn của ăn vật chất như Người đã nói: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh” (Lc 4,4) và “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy” (Ga 4,34).

4. CÂU HỎI: 1) Tin mừng đã kể ra mấy phụ nữ tên Ma-ri-a và các bà này liên quan thế nào với Đức Giê-su? 2) Có mấy người phụ nữ đã xức dầu thơm cho chân Đức Giê-su? 3) Đức Giê-su đã cho biết quan điểm thế nào giữa hai việc phục vụ: Một là phục vụ bàn ăn của Mác-ta và hai là ngồi bên chân Chúa mà nghe Lời Người của Ma-ri-a?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: Cô Ma-ri-a cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe Lời Người dạy. Còn cô Mác-ta thì tất bật lo việc phục vụ” (Lc 10,39-40).

2. CÂU CHUYỆN:

1) GƯƠNG CẦU NGUYỆN CỦA MỘT VỊ TỔNG THỐNG:

- Trong tác phẩm SỐNG HẠNH PHÚC của Tổng Giám Mục Fulton J. Sheen có một nhân chứng đương thời với Tổng thống Hoa Kỳ ÁP-BRA-HAM LANH-CÔN (Abraham Lincohn) đã kể lại rằng ông ta đã có thời gian ba tuần sống chung với A. Lincoln sau khi trận đánh Bull Rull kết thúc:

“Đêm ấy tôi không ngủ được. Tôi bèn thử dợt lại những gì sẽ phải nói trước công chúng vào sáng hôm sau. Bấy giờ đã quá nửa đêm, hay đúng hơn là gần đến hừng đông. Và tôi nghe có tiếng thầm thì trong phòng ngủ của Tổng Thống. Cửa phòng còn hé mở. Tôi bước lại gần và thấy một cảnh tượng không thể nào quên được.

- Tôi thấy Tổng Thống quì bên một cuốn Kinh Thánh đang mở. Ánh sáng trong phòng chỉ vừa đủ. Ngài quay lưng về phía tôi. Tôi đứng lặng một lúc quá đỗi bàng hoàng và kinh ngạc. Rồi tôi nghe Tổng Thống cầu nguyện như sau:

“Lạy Chúa, Chúa đã nghe lời cầu khấn của Sa-lô-mon trong đêm khuya, để xin được ơn khôn ngoan. Xin Chúa nhậm lời con đây, con không thể dẫn dắt dân tộc này nếu Chúa không ra tay giúp đỡ. Con là kẻ nghèo hèn và tội lỗi. Lạy Chúa, Chúa đã nhậm lời cầu xin của Sa-lô-mon, xin hãy nghe lời con nài van mà cứu lấy đất nước này!”

2) LỜI CẦU NGUYỆN CẦN ĐI ĐÔI VỚI VIỆC PHỤC VỤ:

Ngoài việc cầu nguyện hằng ngày và lo trăm công nghìn việc theo chức vụ, Tổng Thống ÁP-BRA-HAM LANH-CÔN nhiều lần đã dành thời gian đi thăm các nhà thương dã chiến để động viên tinh thần các thương bệnh binh.

Một hôm, khi đến thăm một bệnh viện dã chiến, bác sĩ giám đốc bệnh viện đã dẫn Tổng Thống tới bên giường thăm một thương binh sắp chết. Với giọng nhẹ nhàng, Tổng Thống ôn tồn hỏi anh:

- Tôi có thể giúp gì được cho anh không?

Do không nhận ra người khách đến thăm là ai, nên bệnh nhân gắng gượng nói:

- Xin ông làm ơn viết một lá thư cho mẹ tôi.

Người ta trao bút giấy cho Tổng Thống, và ông bắt đầu viết những gì bệnh nhân muốn nói với mẹ anh ta như sau:

“Mẹ rất yêu dấu của con! Con bị thương nặng trong khi thi hành nghĩa vụ quốc gia. Có lẽ con sẽ không thể bình phục lại được. Mẹ đừng khóc nhiều vì con. Xin mẹ hôn hai em Mary và John dùm con. Nguyện xin Chúa chúc lành cho mẹ, cho ba và hai em.”

Nói tới đây, người thương binh ngừng vì không còn hơi sức nói tiếp, nên ông Lincoln đã ký thay cho anh ta và viết thêm cuối bức thư: “Viết thay cho con trai của bà. Ký tên: Abraham Lincoln.”

Bệnh nhân xin cho xem lại những gì người khách đã viết thay cho mình, anh ta sửng sốt khi nhận biết người tới thăm và viết thư thay cho mình. Anh hổn hển hỏi với giọng ngạc nhiên:

- Ông thật là Tổng Thống của Hoa Kỳ đó ư?

Abraham Lincoln âu yếm trả lời:

- Phải. Chính tôi đây.

Sau đó, Tổng Thống hỏi xem có thể giúp thêm anh gì nữa chăng. Gương mặt anh như bừng sáng lên, anh sung sướng nói:

- Tôi sắp đi xa. Xin Tổng Thống hãy cầm lấy tay tôi và giúp tôi đi đến cùng nhé.

Trong căn phòng bé nhỏ, Tổng Thống với tâm hồn của một người cha, đã âu yếm cầm lấy đôi bàn tay chàng thương binh trẻ trong đôi tay mình và tiếp tục nói với anh những lời khích lệ cho tới khi anh trút hơi thở cuối cùng.

3) GƯƠNG CẦU NGUYỆN CỦA MỘT NHÀ BÁC HỌC:

- PHÊ-ĐÊ-RIC Ô-DA-NAM (Federic Ozanam), một nhà hoạt động xã hội nổi tiếng của Giáo hội Pháp vào cuối thế kỷ 19, khi còn là sinh viên đại học đã trải qua một cơn khủng hoảng về đức tin. Một hôm, để tìm một chút thanh thản cho tâm hồn, anh vào một ngôi thánh đường ở Pa-ri. Từ cuối nhà thờ, anh nhìn thấy một bóng đen đang quì cầu nguyện ở hàng ghế đầu gần gian cung thánh. Đến gần, chàng sinh viên nhận ra đó không ai khác hơn là nhà bác học ĂM-PE (Ampère), vị giáo sư của anh, một nhân vật nổi tiếng lúc bấy giờ. Anh đứng lặng lẽ một hồi để quan sát nhà bác học khi ông đang cầu nguyện rất sốt sắng.

- Sau đó, anh theo gót thầy trở về phòng làm việc của ông. Thấy chàng sinh viên đứng thập thò ngòai cửa, nhà bác học liền mở lời hỏi: “Này anh bạn trẻ, anh cần gì? Tôi có thể giúp gì được cho anh đây?” Chàng thanh niên nhỏ nhẹ thưa: “Thưa giáo sư, con là một sinh viên khoa văn chương. Con dốt khoa học lắm. Hôm nay con xin hỏi thầy một vấn đề về đức tin!” Nhà bác học mỉm cười khiêm tốn đáp: “Anh lầm rồi. Đức tin là môn yếu nhất của tôi đấy. Nhưng nếu giúp được anh điều gì thì tôi cũng sẵn sàng”. Chàng sinh viên liền hỏi: “Thưa giáo sư, người ta có thể vừa là một nhà bác học vĩ đại, vừa là một tín hữu đạo đức siêng năng cầu nguyện hay không?” Nhà bác học ngỡ ngàng trước câu hỏi của anh học trò. Sau một lát im lặng, ông trả lời bằng một giọng run run đầy cảm xúc: “Con ơi! Chúng ta chỉ vĩ đại khi chúng ta cầu nguyện mà thôi!”.

4) TẦM QUAN TRỌNG CỦA LỜI CẦU NGUYỆN TRONG LÚC GIAN NGUY:

Trong cuộc khảo thí tại trường sĩ quan trẻ, vị Thiếu tá giám khảo hỏi một chuẩn uý:

- Trong một cuộc hành quân, đơn vị do anh chỉ huy rơi vào tình huống này: Phía trước và hai bên đơn vị của anh đều bị quân địch vây chặt, chúng chặn cả lối rút lui của anh, có nghĩa là đơn vị anh bị bao vây gọn, lúc đó anh sẽ xử trí thế nào?

Mọi con mắt của Ban Giám Khảo đều đổ dồn về phía anh sĩ quan trẻ, anh suy nghĩ một lát rồi đứng nghiêm trả lời:

- Thưa Thiếu tá và Ban Giám Khảo, tôi sẽ hạ lệnh cho thuộc hạ: Xin mọi người hãy cùng tôi cầu nguyện”.

Tất cả Ban Giám Khảo nhìn nhau bỡ ngỡ, vì không ai nghĩ tới một câu trả lời như thế. Viên Thiếu tá liền vỗ vai anh sĩ quan trẻ và nói:

- Anh hãy nhớ xử lý đúng như lời anh vừa nói nhé!

3. THẢO LUẬN: 1) Qua Lời Chúa dạy hôm nay, bạn thấy cầu nguyện có cần không? Mỗi ngày bạn thường cầu nguyện vào những lúc nào? Bạn thường cầu nguyện như thế nào? 2) Có khi nào bạn cầu nguyện bằng cách đọc một đoạn Tin mừng, sau đó suy nghĩ và cầu nguyện dựa theo ý tưởng mà Lời Chúa gợi ra hay không? 3) Bạn có thể dùng cách nào để biến các việc làm hằng ngày trở thành lời cầu liên lỉ dâng lên Thiên Chúa không?

4. SUY NIỆM:

1) TẦM QUAN TRỌNG CỦA LỜI CẦU NGUYỆN TRONG CUỘC SỐNG:

Trong cuộc hành trình lên Giê-ru-sa-lem chịu khổ nạn, Đức Giê-su đã ghé làng Bê-ta-ni-a và vào trọ trong nhà người bạn thân là La-gia-rô (x Lc 13,22). Chính trong ngôi nhà này Đức Giê-su đã cho thấy tầm quan trọng của sự cầu nguyện, là noi gương Ma-ri-a ngồi bên chân Chúa và lắng nghe lời Người.

- “Thầy không để ý tới sao?”: Cô chị Mác-ta đã tỏ thái độ không hài lòng trước sự thờ ơ của Đức Giê-su và của cô em Ma-ri-a, khi để mặc cô phải phục vụ nấu ăn một mình. Cô nhờ Đức Giê-su nhắc cho Ma-ri-a hãy xuống bếp phụ giúp cô. Trong câu trả lời, Đức Giê-su không bác bỏ việc vất vả làm bữa phục vụ Người của Mác-ta, nhưng Người muốn cô nhận ra đâu là điều cần nhất để có Nước Trời làm gia nghiệp. Khi đề cập thái độ của Mác-ta, Đức Giê-su dùng từ “nhiều chuyện”, nghĩa là quá chú trọng về món ăn vật chất mà quên đi sự cần thiết của món ăn tinh thần là Lời Chúa.

- “Chỉ có một chuyện cần mà thôi”: Đức Giê-su không chê thái độ phục vụ của Mác-ta, vì đó là cách biểu lộ lòng mến dành cho Người. Nhưng Người lại đánh giá cao tâm tình của Ma-ri-a, khi cô này đặt Người làm trọng tâm. Qua đó, Người muốn dạy các tín hữu chúng ta rằng: Tuy hằng ngày phải vất vả lo toan tìm kiếm cái ăn cái mặc như Mác-ta, nhưng cũng phải biết dành thời giờ để thể hiện lòng mến bằng việc lắng nghe lời Chúa và tâm sự cầu nguyện với Người như Ma-ri-a.

2) GƯƠNG CẦU NGUYỆN KẾT HIỆP VỚI CHÚA CHA CỦA ĐỨC GIÊ-SU:

Sách Tin Mừng đã ghi nhận gương Đức Giê-su cầu nguyện với Chúa Cha như sau:

- Sau khi chịu phép rửa tại sông Gio-đan, Đức Giê-su đã khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng bằng cách lên núi ăn chay và cầu nguyện suốt 40 ngày (x. Mt 4,2b), để xin Cha chúc lành cho công việc sắp thực hiện. Người cũng dạy môn đệ tránh thái độ phô trương, nhưng hãy cầu nguyện nơi kín đáo (x. Mt 5,4-6). Tránh cầu nguyện dài dòng như dân ngoại nhưng hãy nói vắn gọn như kinh Lạy Cha (x. Mt 4,7-14).

- Đức Giê-su đã nêu gương cầu nguyện với Chúa Cha trước khi làm phép lạ nhân bánh ra nhiều: “Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho môn đệ, và môn đệ trao cho đám đông” (Mt 14,19). Người khuyên các môn đệ hãy hiệp thông với nhau trong lời cầu nguyện: “Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp nhau lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,19-20).

- Trước cuộc tử nạn, Đức Giê-su đã cầu nguyện với Chúa Cha (x. Mt 26,36-46). Tin Mừng Gio-an đã ghi lại lời cầu nguyện của Đức Giê-su gồm 26 câu trong đoạn 17. Trong vườn ghết-sê-ma-ni Người đã cầu xin Chúa Cha:  Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin tha cho con khỏi uống chén này. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con mà xin theo ý Cha” (Lc 22,42). Trên thánh giá trước khi tắt thở, Đức Giê-su đã cầu nguyện: “Xin Cha tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23,34)…

3) TẦM QUAN TRỌNG CỦA SỰ CẦU NGUYỆN CỦA NGƯỜI TÍN HỮU:

- Các mẫu gương cầu nguyện: Đầu tiên là nhà bác học AM-PE, tên đầy đủ là André Marie Ampère (17751836), một nhà vật lý lừng danh người Pháp, đã để lại nhiều thành quả nghiên cứu khoa học như điện học, nam châm điện... mang lại ích lợi cho nền văn minh nhân loại. Thế nhưng, Am-pe không coi những thành quả đó là lớn lao khi nói với một anh sinh viên rằng: “Chúng ta chỉ vĩ đại khi cầu nguyện mà thôi”. Tiếp đến là Thánh TÊ-RÊ-SA thành Can-quýt-ta, một nữ tu sống thánh thiện giữa đời thường. Mỗi ngày trước khi bước xuống “địa ngục Can-quýt-ta” để chăm sóc những người cùng khổ, hoặc đến “nhà hấp hối” để an ủi những kẻ đau liệt, Mẹ Tê-rê-sa đều cùng chị em trong cộng đoàn đến quì chầu Thánh Thể tại nhà nguyện một giờ đồng hồ.

- Ích lợi của sự cầu nguyện: Ngày nay, trong một thế giới thực dụng coi trọng hiệu quả bề ngoài, Hội thánh đang có nhiều Mác-ta nhưng lại có ít Ma-ri-a. Nhiều người đã coi việc lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện là việc vô ích vì mất thời giờ và thụ động. Nhưng thực ra có hành động nào hiệu quả cho bằng nghe và thực hành Lời Chúa? Làm việc tông đồ là mang Chúa đến cho tha nhân. Vậy tại sao chúng ta lại không múc đầy tình yêu nơi Chúa Giê-su là suối nguồn yêu thương vô tận. Hãy ý thức tầm quan trọng của sự kết hiệp với Chúa như lời Người dạy: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái. Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5). Đôi tay của cô Mác-ta lo bữa ăn cho Đức Giê-su là một việc quan trọng và không thể thiếu về phần thể xác. Nhưng đôi chân quì bên Chúa và đôi tai lắng nghe Lời Người của Ma-ri-a lại càng quan trọng và cần thiết hơn như Lời Chúa khẳng định: “Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất” (Lc 10,42).

4) QUÂN BÌNH GIỮA LỜI CẦU NGUYỆN VÀ PHỤC VỤ:

- Trong một ngày, chúng ta thường chỉ dành ít phút buổi sáng cho việc cầu nguyện dâng lễ, còn phần lớn thời gian còn lại là dành cho các sinh hoạt khác. Tuy vậy, chúng ta vẫn có thể biến mọi sinh hoạt đời thường như: ăn uống, ngủ nghỉ, học tập, làm việc... trở thành lời cầu nguyện, bằng cách dâng ngày mỗi sáng khi vừa thức giấc. Rồi trong ngày hãy năng thưa với Chúa lời nguyện tắt trước mỗi công việc: “Lạy Chúa, con làm việc này để biểu lộ lòng con yêu mến Chúa,… để cầu xin cho một người đang lạc xa Chúa được sớm trở về với Chúa”… Nhờ đó, chúng ta sẽ biến những việc làm hằng ngày của mình trở thành lễ vật, kết hiệp với lễ vật cao trọng là Mình Máu Chúa Giê-su luôn được dâng trên các bàn thờ khắp nơi trên thế giới.

- Một tín hữu sẽ có nếp sống đạo đức quân bình khi vừa lo chu tòan việc bổn phận phục vụ Chúa và tha nhân như Mác-ta, nhưng đồng thời không quên kết hiệp với Chúa như Ma-ri-a. Đừng đợi đến khi xong việc mới nhớ đến Chúa. Vì chính khi đang bận rộn phục vụ tha nhân, là lúc chúng ta cần được Chúa ban ơn trợ giúp nhờ sự cầu nguyện bằng lời nguyện tắt.

5. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Khi con bị bao vây bởi những tiếng ồn ào, xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng bên Chúa. Khi con vất vả với trăm công nghìn việc, xin cho con biết quý trọng những phút giây được an nghỉ bên lòng Chúa. Khi con bị kéo ghì bởi những đam mê dục vọng, xin cho con được ơn giải thoát và hướng lòng trí lên cao nhờ kêu cầu Danh Thánh Chúa. Ước gì tinh thần cầu nguyện thấm nhuần trong cuộc sống đời thường của con, để con có thể cầu nguyện không ngừng như lời thánh Phao-lô: "Vậy, dù ăn, dù uống, hay bất cứ làm việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1 Cr 10,31).

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON 


Chúa nhật tuần lễ thứ 16 thường niên C
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 10, 38-42).

Khi ấy, Chúa Giêsu vào một làng kia và có một phụ nữ tên là Martha rước Người vào nhà mình. Bà có người em gái tên là Maria ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người. Martha bận rộn với việc thết đãi khách. Bà đứng lại thưa Người rằng: “Lạy Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với”. Nhưng Chúa đáp: “Martha, Martha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một sự cần mà thôi: Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất”.

Suy niệm

Mỗi ngày, từ sáng sớm tới hoàng hôn, con người nghe rất nhiều âm thanh từ cuộc sống, nào là sự biến động của nhiên liệu đốt, nào là sự tăng vọt của lương thực, thực phẩm, nào là sự bất đồng trong giáo dục, trong mọi lãnh vực sinh hoạt thường ngày. Tất cả những tiếng ồn ào đó, làm cho cuộc sống con người bị cuốn vào dòng chảy đầy những rủi ro đó, con người không thể nghe được tiếng nói trong chính con người của mình, hơn nữa, họ cũng không nghe nổi tiếng nói của sự thật, của công lý. Sự ồn ào của cuộc sống kéo luôn cả người Kitô hữu vào cuộc, làm cho phẩm giá của người tín hữu Kitô tục hóa, vong thân giữa đời. Phụng vụ Lời Chúa tuần lễ thứ 16 thường niên đưa chúng ta trở lại với những cuộc thăm viếng của Thiên Chúa, qua các sứ giả, qua các nhân vật được sai đi, đặc biệt là cuộc thăm viếng của Con Thiên Chúa làm người tại ngôi nhà của chị em bà Mat-ta.

Dù rất bận rộn vì phải vật lộn với cuộc sống, nhưng tổ phụ dân Do thái là ông Ab-ra-ham vẫn biết dừng lại để đón tiếp những vị khách đặc biệt, dù ông chưa biết đó là các thiên sứ của Thiên Chúa. Câu chuyện tổ phụ dân riêng Thiên Chúa được tác giả sách Sáng thế ký ghi lại, và chúng ta nghe trong bài đọc 1, để lại cho chúng ta nhiều suy nghĩ về cuộc sống hiện tại, về thái độ cần có, khi biết chia sẻ niềm vui cuộc sống với mọi người, đặc biệt là những vị khách quý: “Trong những ngày ấy, Chúa hiện ra cùng Abraham dưới chòm cây ở Mambrê, đang lúc ông ngồi ở cửa lều giữa trưa nóng bức. Ông ngước mắt lên thấy ba người nam xuất hiện, đứng gần ông: Vừa trông thấy, từ cửa lều, ông chạy ra đón các vị ấy, rồi sấp mình lạy và thưa rằng: “Lạy Chúa, nếu con được đẹp lòng Chúa, xin đừng bỏ đi qua, con xin lấy ít nước để các Ðấng rửa chân, và nghỉ mát. Con xin đem ít bánh mời các Ðấng dùng để lấy sức lại rồi sẽ đi: chính vì thế mà các Ðấng đã ghé vào nhà con”. Dù chưa biết là ai, nhưng thái độ niềm nở, ân cần của vị tổ phụ đáng cho chúng ta học hỏi. Chính thái độ đó mà gia đình ông đã được Thiên Chúa chúc phúc và cho một người con trai nối dõi tông đường. Phần thưởng của người khiêm tốn, của người biết tôn trọng tha nhân, tuy không lớn lao nhưng rất ý nghĩa, bởi đó là sự ân cần của Thiên Chúa dành cho con người.

Khi trình bày các mầu nhiệm cứu độ cho cộng đoàn Cô-lô-sê, thánh Phaolo nhấn mạnh đến sự hiện diện của Đức Giêsu Kitô phục sinh, sự có mặt của Ngài không đóng khung trong vùng đất Do thái, nhưng Ngài hiện diện khắp mọi nơi, giữa các cộng đoàn Kitô hữu dân ngoại. đây là lúc Thiên Chúa viếng thăm dân Người, là mọi dân tộc dưới bầu trời. Chúng ta sẽ nghe tâm tình đó trong bài đọc 2: “Thiên Chúa muốn tỏ bày cho họ biết thế nào là sự phong phú vinh quang của mầu nhiệm nơi dân ngoại, tức là Ðức Kitô trong anh em, Người là niềm hy vọng vinh quang. Tôi loan báo Người, cảnh tỉnh mọi người, đem tất cả khôn ngoan mà dạy dỗ mọi người, để làm cho mọi người nên hoàn hảo trong Ðức Giêsu Kitô”. Con Thiên Chúa đi vào ngôi nhà của nhân loại, viếng thăm từng con người, hỏi han mọi công việc, chia sẻ mọi nỗi niềm cuộc sống. Không biết con người có tỉnh thức để nhận ra cuộc viếng thăm đó hay không, và có đủ can đảm dừng lại, để đón tiếp Ngài, để thưa chuyện với Ngài hay không?

Trong hành trình lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giêsu ghé thăm gia đình cô Mat-ta. Đây là hành trình cứu độ của Con Thiên Chúa. Ngài ghé thăm một số gia đình, để thấu hiểu, để lắng nghe và để chia sẻ, đồng thời, Ngài sẽ đón nhận những khó khăn, những vất vả của con người, tất cả sẽ được Ngài đưa lên thập giá, dâng cho Chúa Cha như một của lễ hy sinh: “Khi ấy, Chúa Giêsu vào một làng kia và có một phụ nữ tên là Mat-ta rước Người vào nhà mình. Bà có người em gái tên là Ma-ri-a ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người”. Gia đình cô Mat-ta cũng như bao gia đình khác, luôn tất bật với cuộc sống, luôn bị cuốn vào công ăn việc làm, chẳng có phút giây nghỉ ngơi, ngay cả khi Đấng Cứu Thế ghé thăm, cô chị vẫn chạy lên chạy xuống, phần thì lo chuẩn bị thiết đãi khách, phần thì lo công việc hàng ngày, chẳng dám bỏ ra một phút để đón Chúa cách tử tế, lịch lãm. Cô em là Ma-ri-a đã tận dụng cơ hội, dám phá bỏ truyền thống, ngồi lại dưới chân Đấng Cứu Thế, để lắng nghe những lời chân lý, lời hằng sống, để cuộc sống của cô ta dễ chịu hơn, đáng sống hơn và yêu đời hơn.

Thiên Chúa đã ghé thăm dân người, đã ở lại với dân người và sống cùng với dân người, thế nhưng, có được bao nhiêu người nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong ngôi nhà của nhân loại. Hàng ngày, con người cứ bận rộn, tất bật với muôn vàn công việc, từ làm ăn sinh sống, cho đến việc thư giãn và nghỉ ngơi, tất cả các nhu cầu của con người luôn lôi kéo họ vào như một cơn lốc xoáy, những gì thuộc về thế gian đã làm chủ và điều khiển con người, biến họ như một cỗ máy sinh học, như một phương tiện của cuộc sống, họ sẽ không còn thời gian để dừng lại trò chuyện với Ngài, hay lắng nghe lời chỉ dạy của Thiên Chúa, khởi đi từ tiếng lương tâm, rồi đến giáo huấn của Giáo hội. Điểm dừng chân của Thiên Chúa là ngôi nhà nhân loại, nơi đó, Ngài muốn gặp từng người và mọi người, để thấu hiểu, để cảm thông và để chung chia cuộc sống đầy ắp những áp lực, vậy mà, thay vì được lắng nghe và trò chuyện, Thiên Chúa chỉ nhận được thái độ dửng dưng và vô tâm của con người.

Phần thưởng dành cho ai biết lắng nghe Lời Chúa là được sống hạnh phúc, bình an như cô Ma-ri-a trong gia đình Mat-ta, cô em gái đã can đảm vượt qua mọi lời đàm tiếu của dư luận, dám đánh đổi luôn tình chị em, để ngồi lắng nghe Con Thiên Chúa dạy dỗ. Sự đánh đổi đó đã đem lại cho cô em gái một phần thưởng, không phải là vật chất của cải, nhưng là được sở hữu Nước Trời ngay từ hôm nay. Sống trong một thế giới nặng về vật chất và quyền bính, con người ngại ngùng khi được đề nghị đánh đổi cái này để sở hữu cái kia, đánh đổi vật chất, quyền bính, để được sở hữu Nước Trời, bởi Nước Trời vô hình, Nước Trời không có giấy tờ hồ sơ để sở hữu, để mua bán và cầm cố. Lắng nghe Lời Chúa không có nghĩa là thụ động trước những giá trị của đời sống hôm nay và mai sau, nhưng sẽ chủ động để chọn lựa và quyết định cuộc đời cho chính mình, đồng thời giúp đỡ tha nhân có một kết thúc cuộc đời viên mãn hơn và ý nghĩa hơn.

Lời Chúa là sức sống của con người, là niềm vui cuộc đời và là nguồn mạch của bình an và hạnh phúc cho con người. Thiên Chúa ghé thăm dân người, dạy dỗ và hướng dẫn con người biết sống, biết chọn lựa và biết phân định về cuộc đời, để mỗi ngày sống có ý nghĩa hơn. Tuy giá trị của Lời Chúa không đánh giá bằng vật chất, nhưng có sức mạnh vô hình, giúp con người vượt thắng những cám dỗ, những cạm bẩy và những bế tắc giữa cuộc đời. Người tín hữu Kitô hôm nay, khi sống trong một thế giới nặng mùi vật chất và quyền bính, cần phải dựa vào sức mạnh của Lời Chúa, để ơn gọi Kitô hữu của mình được phát huy trong mọi hoàn cảnh và khả năng của bản thân. Bạn và tôi đều là những Kitô hữu, nhưng nhiều lúc chúng ta chỉ nghe Lời Chúa như một bản tin, như một câu chuyện thần thoại nào đó, chứ không phải là một lời nhắc của Đấng làm chủ vận mạng của mình và thế giới. Thiên Chúa vẫn còn hiện diện đó, để chờ, để đợi và để dạy dỗ con người, hãy can đảm vượt qua áp lực của công việc, của cuộc sống ồn ào, đặc biệt vượt qua quyền lực của vật chất, để chấp nhận ngồi xuống bên chân Chúa, lắng nghe Ngài chỉ dạy, để cuộc sống hôm nay có ý nghĩa hơn và mai ngày được ở lại trong ngôi nhà Thiên Chúa là Nước Trời.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã bỏ ngai vàng trên trời, đi vào ngôi nhà nhân loại, viếng thăm từng góc nhỏ tâm hồn mỗi người và ở lại trong tổ ấm gia đình chúng con, Ngài ở lại đó để dạy dỗ, để hướng dẫn chúng con sống bổn phận, trách nhiệm và ơn gọi của mình có trách nhiệm hơn, xin giúp chúng con luôn ý thức Chúa đang ở đó, đợi chờ con, lắng nghe con và chia sẻ cuộc sống với con. Chúa đã viếng thăm gia đình cô Mat-ta và mong được chia sẻ cuộc sống khó khăn và thiếu thốn của gia đình, xin Chúa ghé thăm và giúp đỡ những gia đình khó khăn và bất hạnh, những gia đình có người ốm đau, bệnh tật, để giúp họ có một niềm tin và hy vọng, để đón nhận thập giá cuộc đời và sống trong niềm tin yêu và phó thác cho một Thiên Chúa tình yêu. Amen.

CHỌN ĐIỀU TỐT NHẤT
(Chúa Nhật XVI TN C) Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

Cứ mỗi lần nghe trích đọc bài Tin Mừng thánh sử Luca kể chuyện hai chị em nhà Bêtania, thì người ta dễ liên tưởng đến việc so sánh hơn kém giữa đời sống chiêm niệm và đời sống hoạt động. Mọi sự thường có nguyên do. Đã một thời các nhà tu đức căn cứ vào đoạn Tin Mừng này để đề cao đời sống chiêm niệm. Không riêng gì Kitô hữu mà anh chị em lương dân và bà con khác đạo vốn kính trọng những con người như là “xuất thế” trong các đan viện. Chính vì thế ít có ai thắc mắc khi hình ảnh cô Maria ngồi dưới chân Chúa Giêsu để nghe Người tâm sự được ví với đời sống chiêm niệm thì được đề cao hơn đời sống hoạt động qua hình ảnh cô Matta bận rộn với chuyện nấu nướng.

Thế nhưng nếu đọc kỹ lời Chúa Giêsu nói với Matta thì chúng ta sẽ thấy lối so sánh và áp dụng ở trên có phần khập khiễng và khiên cưỡng cách nào đó. “Matta! Matta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất, và sẽ không bị lấy đi” (Lc 10,42). Khi khẳng định rằng Maria đã chọn phần tốt nhất thì Chúa Giêsu cũng hàm ý rằng cô chị Matta cũng chọn phần tốt nhưng chưa tốt nhất, mà nói nôm na là tốt nhì, tốt ba hay tốt tư…

Chị em nhà Bêtania chọn điều tốt để cho mình hay để dâng? Câu hỏi dường như đã có câu trả lời cụ thể qua hành vi của cô chị Matta. Matta chọn điều tốt không phải cho mình mà để dâng cho Chúa Giêsu. Đó là các món thức ăn mà chị đang tất bật nấu nướng. Và có thể nói rằng đó không chỉ là món ngon mà còn nhiều đến nỗi cô chị phải cầu cứu Chúa Giêsu biểu cô em phụ giúp một tay. Chọn các món ăn để kính dâng Chúa là một hành vi tốt đẹp. Dâng trao cho ai đó cái mà chúng ta có, tuy tốt đẹp nhưng vẫn còn hạn chế, vì những cái chúng ta có, nếu làm bản liệt kê thì quá nhiều không sao kể xiết và có lẽ chúng ta không thể dâng tất cả được. Trái lại khi dâng trao cái chúng ta là, thì chúng ta đã dâng trao trọn vẹn con người chúng ta.

Matta dù cố gắng đến bao nhiêu cũng không thể kính dâng tất cả những gì cô có cho Chúa Giêsu. Bằng chứng là mới chỉ có chuyện cơm nước, cô đã tất bật đủ bề mà vẫn như chẳng xuể. Một nhận định thực tế, đó là những gì Matta chọn để dâng cho Chúa Giêsu thì “sẽ bị những ai đó lấy mất”, nghĩa là Chúa Giêsu không thể tự mình dùng tất cả những thức ăn Matta dâng. Xin đừng quên sự hiện diện của các tông đồ. Trái lại phần của Maria dâng cho Chúa Giêsu thì sẽ không bị ai lấy mất vì Maria đã dâng cho Thầy Chí thánh cái mình là, đó là con người của chị. Khi ta thật tình chăm chú lắng nghe một ai đó tâm sự, thì một cách nào đó ta đã dâng trao trọn tấm lòng của mình cho người ấy.

Một nghịch lý của tình yêu: Chính khi trao ban là lúc lãnh nhận và có thể lãnh nhận lại gấp bội so với phần đã hiến dâng. Bài đọc thứ nhất trích Sách Sáng Thế tường thuật tấm lòng hiếu khách của Abraham dành cho ba sứ thần của Thiên Chúa đã được đền đáp. Một chút nước để các vị rửa chân, một ít bánh, chút thịt bê cũng như chút sữa chua kính dâng các vị ấy dùng có thấm vào đâu với phần mà Abraham lãnh nhận lại. “Sang năm, tôi sẽ trở lại thăm ông, và khi đó bà Xara vợ ông sẽ có một con trai” (St 18,10). Chắc hẳn Abraham và bà Sara phải rất đỗi kinh ngạc trước phần mình sẽ lãnh nhận. Có được một đứa con trai làm người thừa tự trong cảnh hai ông bà đã cao niên mà còn son sẻ quả là một hạnh phúc vượt quá mọi niềm mơ ước.

Khi Maria dâng trao cho Thầy Giêsu tấm lòng của mình như là một người môn đệ ngồi dưới chân Người mà lắng nghe thì Maria đâu có ngờ rằng cô không chỉ được đón nhận một vị Thầy, một Vị Chúa mà còn đón nhận được một người bạn. “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã tỏ cho anh em biết” (Ga 15,15). Chúng ta có thể đoán chắc rằng trong cuộc nói chuyện hôm ấy, Chúa Giêsu ít nhiều đã tỏ cho cô Maria biết về hành trình lên Giêrusalem của Người cũng như cuộc khổ nạn Người sắp chịu. Tin Mừng thánh Gioan tường thuật sự kiện cô Maria đã lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá mà xức chân Chúa Giêsu, rồi lấy tóc mà lau, cả nhà nức mùi thơm khiến cho ông Giuđa Iscariô phải chép miệng tiếc rẻ. Và chính Chúa Giêsu đã phân minh cho cô Maria rằng cô ấy đã dùng số dầu thơm hảo hạng ấy để làm trước việc mai táng mình (x.Ga 12,1-8).

Chuyện kể rằng có một vị vua thuộc hàng “minh quân lẫn thánh quân” trong một lần kia đi thị sát vương quốc mình bỗng gặp một ông lão hành khất ngồi bên vệ đường. Xuống xa giá, vua đến bên người hành khất. Người hành khất kia khấp khởi mừng, chìa bàn tay ra trong im lặng và chờ đợi ân lộc vua ban. Nhưng người hành khất kinh ngạc vì đức vua không ban gì mà lại ngửa bàn tay trước mặt mình. Hai bên nhìn nhau một lúc, người hành khất cho tay vào bị lấy ra ba hạt lúa bỏ vào bàn tay đức vua. Đức vua nắm tay lại, cám ơn, rồi lên xa giá tiếp tục hành trình. Dù lẩm bẩm kêu trách “sự keo kiệt” của vị vua vốn được dân tôn xưng là minh quân, thánh quân”, người hành khất vẫn tiếp tục việc ăn xin. Ngày hôm ấy cũng có nhiều người hảo tâm đổ vào bị ông ta nhiều bát lúa. Tối đến, người ăn xin đổ bị lúa ăn xin ra để đong đếm thành quả. Bỗng nhiên ông thấy lấp lánh ba hạt lúa bằng vàng to bằng đầu ngón tay ở giữa nhúm lúa ăn xin hôm ấy. Nhớ lại chuyện gặp đức vua hôm nay, ông lão hành khất đoán ra sự việc và cười sung sướng. Bỗng nhiên ông ta lại khóc to tiếng với lời rủa thầm trong lòng: tiếc quá, giá như sáng nay mình dâng cho đức vua hết cả bị lúa này.

“Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (Lc 6,38).

Biết lấy gì để dâng lên Thiên Chúa, vì mọi sự đều là của Người. Thiên Chúa không cần chúng ta dâng gì cho Người, nhưng Người lại muốn chúng ta trao dâng cho nhau, nhất là cho những người anh em bé mọn những gì tốt nhất của mình. Chắc hẳn cái tốt nhất của chúng ta, cái mà không ai có thể lấy mất được đó chính là con người chúng ta, tấm lòng của chúng ta, một tấm lòng huynh đệ như thủ túc, một tấm lòng bằng hữu nghĩa thiết. Và dù nhiều khi chúng ta không biết thì Thiên Chúa vẫn nhận đó là đã làm cho chính Người (x.Mt 25,31-46).

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây