TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật XVII Thường Niên -Năm A

24/07/2023 12:32:58 |   852

Chúa Nhật XVII Thường Niên -Năm A

cn t17 TNa

Mt 13, 44-52


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XVII Thường Niên -Năm A

 

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Sự khôn ngoan luôn mời gọi chúng ta chọn lấy điều tốt nhất như người kia gặp thấy kho báu trong ruộng và người thương gia tìm được viên ngọc quý, họ bán tất cả tài sản của họ để mua thửa ruộng và viên ngọc quý ấy. Chúng ta, những người Kitô hữu cũng được mời gọi hãy chọn lấy điều tốt nhất cho minh để đạt được kho báu Nước Trời. Vì kho báu Nước Trời ấy, chúng ta phải dấn thân hoàn toàn và triệt để, sẵn sàng hy sinh đánh đổi tất cả để chiếm được kho báu ấy.

Ca nhập lễ

Thiên Chúa ngự trong thánh điện của Người; Thiên Chúa tạo nhà cửa cho những kẻ bị bỏ rơi. Chính Người ban cho dân Người được quyền năng và mãnh lực.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa là sức mạnh và là niềm trông cậy của chúng con không có Chúa chẳng có chi vững bền, chẳng có chi thánh thiện; xin mở lòng nhân hậu hướng dẫn chúng con để khi biết cách dùng những của cải chóng qua đời này, chúng con đã gắn bó với của cải muôn đời tồn tại. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: 1 V 3, 5. 7-12

“Xin ban cho tôi tớ Chúa tâm hồn khôn ngoan”.

Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, tại Gabaon, ban đêm, Chúa hiện ra cùng Salomon trong giấc mộng và phán rằng: “Ngươi muốn gì thì hãy xin, Ta sẽ ban cho ngươi”. Salomon thưa: “Lạy Chúa là Thiên Chúa, Chúa khiến tôi tớ Chúa cai trị kế vị Ðavít thân phụ con. Nhưng con chỉ là một trẻ nhỏ, không biết đường đi nước bước. Tôi tớ Chúa đang sống giữa dân Chúa chọn, một dân đông đảo không thể đếm và ước lượng được. Vậy xin Chúa ban cho tôi tớ Chúa tâm hồn khôn ngoan để đoán xét dân Chúa, và phân biệt lành dữ, vì ai có thể xét xử dân này, một dân của Chúa đông đảo thế này?”

Ðiều Salomon kêu xin như trên đã đẹp lòng Chúa, nên Chúa phán cùng Salomon rằng: “Vì ngươi đã xin điều đó, mà không xin sống lâu, được giàu có, của cải, mạng sống quân thù, lại xin cho được khôn ngoan để biết xét đoán, thì đây Ta ban cho ngươi điều ngươi xin, và ban cho ngươi tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi không có ai giống ngươi, và sau ngươi không có ai bằng ngươi”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 118, 57 và 72. 76-77. 127-128. 129-130

Ðáp: Lạy Chúa, con yêu chuộng luật pháp của Chúa biết bao! 

Xướng:  Lạy Chúa, con xưng thực kỷ phần của con là tuân giữ những lời ban dạy của Ngài. Ðối với con, luật pháp do miệng Chúa đáng chuộng hơn vàng bạc châu báu muôn ngàn.

Xướng: Xin Chúa tỏ lòng thương hầu uỷ lạo con, theo như lời đã hứa cùng tôi tớ Chúa. Nguyện Chúa xót thương cho con được sống, vì luật pháp Ngài là sự sung sướng của con. 

Xướng: Bởi thế nên con yêu quý chỉ thị Ngài hơn vàng, và hơn cả vàng ròng tinh khiết. Bởi thế nên con tự chọn tất cả huấn lệnh của Ngài; hết thảy đường lối gian tà con đều ghét bỏ. 

Xướng: Kỳ diệu thay những lời Ngài nghiêm huấn, bởi thế linh hồn con vẫn tuân theo. Sự mạc khải lời Ngài soi sáng và dạy bảo những người chưa kinh nghiệm. 

Bài Ðọc II: Rm 8, 28-30

“Người đã tiền định cho chúng ta trở nên giống hình ảnh Con Người”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, chúng ta biết rằng những kẻ yêu mến Thiên Chúa thì Người giúp họ được sự lành, họ là những người theo dự định của Chúa, được kêu gọi nên thánh. Vì chưng, những kẻ Chúa đã biết trước, thì Người đã tiền định cho họ nên giống hình ảnh Con Người, để Ngài trở nên trưởng tử giữa đoàn anh em đông đúc. Những ai Người đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính; mà những ai Người đã làm cho nên công chính?, thì Người cũng cho họ được vinh quang.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: 1 Pr 1, 25

Alleluia, alleluia! – Lời Chúa tồn tại muôn đời, đó là lời Tin Mừng đã rao giảng cho anh em. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 13, 44-46 {hoặc 44-52}

Anh bán tất cả những gì anh có mà mua thửa ruộng đó”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: “Nước trời giống như kho tàng chôn giấu trong ruộng, người kia tìm được, vội chôn vùi xuống, vui mừng trở về bán tất cả những gì anh có mà mua thửa ruộng ấy. Nước trời cũng giống như người buôn nọ đi tìm ngọc quý. Tìm được một viên ngọc quý, anh về bán mọi của cải mà mua viên ngọc ấy.

{“Nước trời lại giống như lưới thả dưới biển, bắt được mọi thứ cá. Lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi đó mà lựa chọn: cá tốt thì bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài. Trong ngày tận thế cũng vậy: các thiên thần sẽ đến mà tách biệt kẻ dữ ra khỏi người lành, rồi ném những kẻ dữ vào lò lửa, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng. Các ngươi có hiểu những điều đó không?” Họ thưa rằng: “Có”.

Người liền bảo họ: “Bởi thế, những thầy thông giáo am tường về Nước trời cũng giống như chủ nhà kia, hay lợi dụng những cái mới, cũ trong kho mình”.}

Ðó là lời Chúa.

Lời Nguyện Tín Hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu cho biết đâu là kho tàng đích thực của chúng ta, để chúng ta quy hướng tâm hồn chúng ta về nơi đó. Chúng ta hãy để Lời Chúa biến đổi cuộc đời chúng ta và giúp chúng ta dâng lời cầu nguyện cho hết thảy mọi người.

1. Xin cho Giáo Hội chỉ ra cho nhận loại biết đâu là kho tàng đích thực, và xứng đáng đánh đổi tất cả để được kho tàng đó. 

2. Xin cho các vị lãnh đạo chính quyền ơn khôn ngoan, để họ xây dựng một nền luật pháp công bình và chính trực, ngõ hầu mang lại lợi ích cho mỗi người và cho cả dân tộc.

3. Xin cho mỗi người biết sử dụng sự tài năng Chúa đã ban để tìm kiếm sự giầu có của Nước Chúa. Xin cho các nhà lập pháp biết tôn trọng lề luật mà Chúa đã ghi khắc trong tâm khảm mỗi người.

4. Xin cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta, biết can đảm sống ơn gọi Kitô hữu, giữa những thử thách và nghịch cảnh của cuộc sống.

Chủ tế: Lạy Chúa, giữa bao khó khăn thử thách trong đời sống trần thế, chúng con không tìm ra sức mạnh giúp chúng con nhận ra hồng ân của Chúa; xin giúp chúng con biết đón nhận và thừa hưởng những kho tàng của nước Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con dâng lên những của lễ Chúa đã rộng ban cho chúng con; cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận, và cho lễ tế này đem lại ân sủng dồi dào để chúng con được thánh hóa trong cuộc đời hiện tại và đạt tới hạnh phúc muôn đời. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người.

Hoặc đọc:

Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương. Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con tham dự vào bí tích Thánh Thể, để chúng con đời đời tưởng nhớ Ðức Giêsu Con Một Chúa, đã chịu khổ hình và sống lại hiển vinh; xin cho bí tích tình yêu Người trối lại dẫn chúng con tới hưởng ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin…

Suy niệm
 

Kho báu

Có một vị đạo sĩ Ấn Độ đang ngồi tịnh niệm bên bờ sông, thì một người đàn ông giàu sang đến xin làm đệ tử. Ông rón rén đến bên vị đạo sĩ và đặt dưới chân nhà tu hành hai viên ngọc quý nhất để làm lễ ra mắt. Vị đạo sĩ không cần nhìn kỹ vào món quà, cầm lấy một viên ngọc và ném xuống dòng sông. Vì tiếc của, người đàn ông bèn lặn xuống để tìm lại cho bằng được viên ngọc. Nhưng lặn suốt cả một ngày mà cũng không tài nào tìm thấy.

Chiều đến, vừa mệt mỏi vừa chán chường, người đàn ông mon men đến gần vị đạo sĩ và năn nỉ: Ngài là người ném viên ngọc xuống dòng sông, xin ngài hãy chỉ cho biết chỗ nào để tôi lặn xuống hầu tìm lại. Vị đạo sĩ liền cầm lấy viên ngọc thứ hai và ném xuống dòng sông rồi nói: Đó, ta ném vào chỗ đó. Ngươi hãy lặn xuống mà tìm.

Cử chỉ của vị đạo sĩ biểu lộ một đòi hỏi gắt gao đối với những ai muốn xuất gia tu hành, đó là họ phải từ bỏ tất cả. Chúa Giêsu cũng đòi hỏi chúng ta một sự từ bỏ như vậy. Và chính Ngài đã thực hiện trước để chúng ta noi gương Ngài mà bắt chước. Con đường Ngài đi cũng là con đường của chúng ta, những người muốn bước theo Ngài. Chỉ có con đường ấy, chỉ có cuộc sống ấy và chỉ có cái chết ấy mới dẫn chúng ta tới cõi phúc trường sinh. Tất cả những ý tưởng trên đã được Ngài gói ghém qua đoạn Tin Mừng hôm nay với hai hình ảnh: kho tàng, viên ngọc. Hai hình ảnh trên có chung một kết luận, đó là anh lái buôn và bác nông phu, cả hai đều bán mọi sự mình có để mua thửa ruộng và viên ngọc.

Người đón nhận Nước Trời cũng cần phải từ bỏ nếp sống cũ để sống đời sống mới trong sự kết hợp với Chúa, cũng cần phải dấn thân để chiếm lấy Nước Trời, bởi vì được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì có ích lợi chi. Còn đối với chúng ta thì sao. Liệu chúng ta có dám liều, dám hy sinh tất cả để chiếm lấy Nước Trời? Hay chúng ta lại phản ứng như chàng thanh niên giàu có: chần chừ, so đo tính toán rồi lầm lũi cúi mặt bỏ đi. Anh không dám bán những gì anh sở hữu mà làm phúc bố thí cho người nghèo rồi bước theo Chúa. Anh không dám từ bỏ sự ổn định của cuộc sống hiện tại để đi theo Đấng mà không có lấy được một chỗ tựa đầu. Một cuộc phiêu lưu mạo hiểm hoàn toàn bấp bênh và vô định. Anh sợ rằng mình sẽ mất cả chì lẫn chài, cả vốn lẫn lãi.

Làm sao chúng ta có thể tin rằng Nước Trời là kho báu, là viên ngọc quý khi chúng ta vẫn còn bị giam hãm trong cái thế giới vật chất này, khi chúng ta còn quá quyến luyến và mắc míu vào tiền bạc, địa vị và lạc thú. Làm sao chúng ta có thể thoát ra khỏi cái cách thức đánh giá của người đời để cảm nghiệm được sự quý giá và siêu việt của Nước Trời.

Thế vận hội

Giả như Chúa Giêsu sống vào thời buổi hiện giờ, thì có lẽ đoạn Tin Mừng sáng hôm nay đã có những hình ảnh khác. Thay vì nói về tay lái buôn đã hy sinh tất cả để mua cho được viên ngọc quý, hay bác nông dân bán cả gia sản để mua miếng đất cất giấu kho tàng, thì Ngài sẽ nói về một lực sĩ bơi lội, đang tham dự thế vận hội, bởi vì anh ta cũng đã phải sẵn sàng hy sinh tất cả, chấp nhận một chế độ kiêng khem và tập luyện nghiêm khắc, với hy vọng chiếm được tấm huy chương vàng.

Tại sao tôi đưa ra hình ảnh của anh chàng lực sĩ, bởi vì anh ta cũng có một điểm chung với tay buôn ngọc hay bác nông dân; đó là cả ba đã sẵn sàng hy sinh tất cả cho một mục đích mà họ đã đặt ra ở phía trước.

Điểm chung này dẫn chúng ta tới ý muốn của Chúa. Đó là muốn trở nên công dân Nước Trời, chúng ta phải dấn thân triệt để, chứ không thể thực hiện mục đích ấy như một việc ngoài giờ, như một việc phụ thuộc hay như một việc có tính cách tiêu khiển. Chúng ta phải đầu tư, phải dấn thân vào đó 100%, phải xem đó như nỗi ưu tư số một của cuộc đời chúng ta. Người Kitô hữu phải giống như tay buôn ngọc, bác nông dân hay anh chàng lực sĩ, bởi vì nó đòi hỏi một sự dấn thân trọn vẹn.

Tuy nhiên, có một điểm khác biệt giữa người Kitô hữu và ba người kia, như thánh Phaolô đã diễn tả: Một vận động viên trong thời kỳ tập luyện phải tuân theo kỷ luật nghiêm khắc, chỉ để được khoác lên đầu một vòng hoa vinh quang chóng tàn lụi, còn chúng ta chịu gian khổ là để đoạt được vinh quang tồn tại muôn đời. Đó là điểm khác biệt chính yếu.

Viên ngọc của tay lái buôn, kho tàng của bác nông dân, tấm huy chương của anh chàng lực sĩ, chỉ có giá trị trong một thời gian ngắn, bởi vì khi giờ chết đến, tất cả sẽ chẳng còn giá trị gì nữa. Có chăng thì chỉ là một phần di sản, một vật lưu niệm cho người còn sống. Nhưng chúng ta, những Kitô hữu thì khác, khi chết đi thì cửa Nước Trời sẽ mở rộng để chờ đón chúng ta.

Như thế, chủ đích của đoạn Tin Mừng hôm nay thật là quan trọng, bởi vì không gì trên thế gian có thể chiếm vai trò ưu tiên hơn Nước Chúa và sự theo đuổi của chúng ta để đạt cho được nước ấy. Bởi vì khi chết, thì điều đáng kể không phải là chúng ta đã mua sắm được những gì khi còn sống, mà là chúng ta đã trở nên một con người như thế nào. Chúng ta đã yêu thương nhau chưa? Chúng ta đã tha thứ cho nhau chưa? Chúng ta đã giúp đỡ kẻ túng thiếu chưa. Chúng ta đã an ủi kẻ đau khổ chưa? Chúng ta đã dấn thân và trung thành với Chúa và với nhau hay chưa? Với sự trợ giúp của ơn Chúa, chắc chắn chúng ta sẽ làm được điều ấy. Bởi vì nếu không làm được điều ấy, chúng ta sẽ làm cho Chúa, cho gia đình và những người thân yêu thất vọng. Còn bản thân chúng ta kể như đã thất bại, đã thua lỗ trắng tay mất rồi.

NƯỚC TRỜI LÀ CÓ THẬT
“Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.”
(Mt 13, 45-46)

Suy niệm: Trong đám tang những người ngoài Ki-tô giáo thường thấy có những bức liễn đề chữ “Vãng Sanh Cực Lạc”, ý nói cái chết là đi qua khỏi cuộc sống này về chốn hoàn toàn vui sướng hạnh phúc đời sau. Thế nhưng niềm tin ấy, đúng hơn, niềm ước mong đó, căn bản là mơ hồ, không xác định cõi cực lạc ấy như thế nào. Thế nên người ta vẫn sợ hãi cái chết và cố sức níu kéo để ở lại cõi trần này. Chúa Giê-su cho biết Nước Trời, chốn hạnh phúc mà con người hằng mơ ước đó, là điều có thật nhưng còn ẩn giấu, như viên ngọc quý, như “kho báu chôn giấu trong ruộng”. Nước Trời là có thật rất quý giá, nhưng phải nỗ lực tìm kiếm mới gặp được, hơn nữa, phải sẵn sàng hy sinh, đánh đổi mọi sự mình có mới có thể đạt tới được.

Mời Bạn: Nước Trời quý giá nhưng như viên ngọc quý ẩn khuất trong viên đá sù sì xấu xí, hay như kho tàng vô giá được chôn giấu trong đám ruộng tầm thường. Nước Trời đó thực ra không ở đâu xa, ngay trong gia đình với vợ chồng, con cái, nơi bạn làm việc học hành hằng ngày. Đó chính là kho báu bạn phải nỗ lực tìm kiếm và trân trọng giữ gìn.

Sống Lời Chúa: “Bán đi tất cả để mua viên ngọc Nước Trời” đó là bạn từ bỏ những ham muốn ích kỷ, lợi ích cá nhân, những ý riêng của bạn để hết lòng phục vụ anh chị em mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đến để nói cho chúng con biết về Nước Trời, Nước Trời là có thật, có sự thưởng phạt đời sau. Xin giúp con nỗ lực sống thánh thiện để được thuộc về Nước Trời. Amen.

 

VUI MỪNG BÁN HẾT
Chúa Nhật 17 Thường Niên năm A: Mt 13, 44-46  - Lm. Thái Nguyên

LmTN 260723a

 

Suy niệm

Hai dụ ngôn tuy cách thức mở đầu và diễn đạt khác nhau, nhưng cùng nói lên một ý nghĩa là: Nước Trời vô cùng quý giá, giống như kho báu và viên ngọc quý đối với người ta ở đời này. Có người tìm thấy đã vui mừng đến nỗi đi bán hết những gì mình có để mua cho được. Thật ra, việc so sánh này chỉ nói lên được phần nào giá trị vô song của Nước Trời. Dù người ta có được kho báu hay viên ngọc quí thì chưa chắc đã có bình an và hạnh phúc thật sự. Hơn nữa, cũng không thể nào lấp đầy được khát vọng vô biên của con người, vì chúng mang tính vật chất và tạm thời, là phương tiện chứ chưa phải là mục đích, là sự biểu hiện cho một thực tại vĩnh cửu chứ không phải là vật sở hữu trong cuộc đời này.

Kho báu được chôn giấu trong ruộng muốn nói đến Con Thiên Chúa là Đức Giêsu, Ngài đang ở giữa nhân loại, nhưng ẩn mình trong hình dạng của một con người bình thường, mà người ta coi như tầm thường (x. Mt 13, 55). Kho báu đó cũng chính là Lời Thiên Chúa đang ẩn chứa trong những trang Kinh Thánh, là Nước Trời đang ẩn giấu trong thế gian này. Thế nhưng Lời Chúa không phải lúc nào cũng dễ nghe, ngay những kẻ đi theo Đức Giêsu cũng cho là chướng tai (x. Ga 6, 60). Nhưng khi ai đó đã nhận ra sự vô giá của kho báu là Nước Trời, là ơn cứu độ muôn đời, thì họ dám từ bỏ tất cả để sở hữu cho bằng được.  

Còn dụ ngôn viên ngọc quí không nằm sẵn ở một chỗ như kho báu trong ruộng, để rồi tình cờ người ta bắt gặp, nhưng người ta phải bỏ công vất vả ngược xuôi mới tìm thấy nó. Và chính khi tìm thấy nó mà giá trị của viên ngọc tăng lên gấp bội, không những vì bản thân viên ngọc mà còn do nỗ lực, do sự bôn ba vất vả của người tìm kiếm nó. Người tìm được viên ngọc quí cũng tràn đầy vui mừng như người tìm thấy kho báu, nên đã bán đi tất cả những gì mình có để mua cho được.

Nhiều người cũng đã bất ngờ khám phá ra kho báu, hoặc nỗ lực tìm ra viên ngọc quí, nhưng để trao đổi thì không đủ can đảm để bán đi những gì mình yêu thích, không dám mất đi những gì mình sở hữu, không chịu bỏ đi những gì mình ham mê. Cũng giống chàng thanh niên giàu có, được chính Chúa Giêsu mời gọi và bảo đảm cho anh được một kho tàng trên trời, nhưng rồi anh đành phải buồn rầu bỏ đi, vì không có can đảm bán đi những gì anh có để đổi lấy nó (x. Mc 10, 17-22).

Hai dụ ngôn đều đưa đến những hệ luận như sau:

- Việc lựa chọn không phải là di dời các giá trị khác ra phía sau để nhường lại cho giá trị lớn là Nước Trời, nhưng coi mọi thứ khác không còn giá trị nữa trước giá trị duy nhất là Nước Trời. Người ta chỉ thật sự là Kitô hữu nếu hiểu rằng Nước Trời là “tất cả” trong cuộc đời, cần thiết hơn cả cơm bánh mỗi ngày. Đây là sự chọn lựa nền tảng, một sự chọn lựa dứt khoát và tối ưu để đưa đến sự “hoán cải”, một sự thay đổi lòng trí để suốt đời sống trọn vẹn cho giá trị siêu phàm này.

- Tìm kiếm là điều kiện thiết yếu để có thể gặp được Nước Trời, tìm kiếm với tấm lòng mộ mến và khao khát (x. Mt 10, 39; 12, 29; 17, 14; 18, 13). Tuy nhiên, Nước Trời không phải là kết quả đương nhiên của một cuộc tìm kiếm. Nước Trời là một ân ban, một cuộc hạnh ngộ rất nhiệm mầu mà Chúa thường ban cho những người bé nhỏ mọn hèn (x. M1 11, 25-26), là điều mà người ta phải tha thiết cầu xin.

- Ảnh hưởng não trạng hưởng thụ vật chất, ta thường coi tiền bạc, danh giá, quyền hành, khoái lạc… là những giá trị quan trọng và hấp dẫn nhất. Khi nói Nước Trời là kho báu muôn đời, Chúa Giêsu là viên ngọc quý duy nhất, ta lại thấy như quá xa xôi, mơ hồ, nên chẳng cần thiết đến nỗi phải hy sinh điều gì đó để đánh đổi, nhất là phải hy sinh tất cả. Vì vậy, vấn đề ở đây là khả năng nhận biết, nhận thấy, nhận ra, nhờ lòng tin. Chỉ ai ngộ ra những thực tại vô hình và ngây ngất trước giá trị đó, người ấy mới vui mừng hy sinh gia sản phù phiếm của đời này, để đổi lấy kho báu bất diệt đời sau (x. Mt 6, 20).

Thật ra, đối với Kitô hữu chúng ta, kho báu hay viên ngọc quí không ở đâu xa, mà Thiên Chúa đặt để ngay trong con tim mỗi người. Đó là chính Đức Kitô mà chúng ta đã đón nhận trong cuộc đời mình ngay từ khi chịu Phép Rửa. Và chúng ta vẫn tiếp tục đón nhận Ngài qua các Bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể. Ngài vẫn đang sống và đang hành động trong ta, nhưng có thể vì quen quá hóa nhàm, ta lại chạy theo những cái hấp dẫn bên ngoài mà quên lãng Ngài trong trái tim mình. Không ngộ ra được chân lý làm chấn động trái tim mình, không ngây ngất trước niềm vui vỡ òa thì mọi cái rồi cũng sẽ mai một chẳng còn gì.

Cầu nguyện

Lạy Chúa!
chẳng có gì mà không thể bỏ đi,
khi mà con đã ngộ ra chân lý,
giống như người tìm ra viên ngọc quí,
bán hết những gì mình có để mua.


Nước Trời thì chẳng có gì sánh ví,
bởi vì là chính Chúa cả từ bi,
là tất cả những gì con khát khao,
nên con dùng tất cả để đổi trao,
chỉ mong sao có ngày được chính Chúa,
là gia nghiệp không héo úa tàn phai.


Tuy nhiên giữa nẻo đường đời nhân thế,
để nhận ra Nước Trời không phải dễ,
vì có nhiều giáo thuyết và thể chế,
và cuộc đời đầy dẫy những đam mê,
chỉ trừ khi con thao thức tìm về,
để suy tư phân định trong cầu nguyện.


Con cần sống đời đơn sơ bé nhỏ,
để thấy điều kỳ diệu Chúa ban cho,
không đắn đo khi con phải từ bỏ,
với niềm vui mà chẳng phải âu lo.


Xin cho con vượt thoát khỏi u mê,
đừng lê thê theo đường xưa lối cũ,
đừng chạy theo lối sống lo hưởng thụ,
đừng bị dụ bởi những trò vui thú,
nhưng tiết chế và làm chủ bản thân,
biết yêu quí một cuộc sống thanh bần.


Con đã được diễm phúc nhận biết Chúa,
nên bán đi hết mọi thứ tầm thường,
vì điều đó sẽ trở thành gai chướng,
làm cản bước con đi tới thiên đường,
là quê hương mà Chúa đang mong đợi,
là an vui hạnh phúc mãi rạng ngời. Amen.

 

 
 

Chúa nhật tuần lễ thứ 17 thường niên -A
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 13, 44-46).

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: “Nước trời giống như kho tàng chôn giấu trong ruộng, người kia tìm được, vội chôn vùi xuống, vui mừng trở về bán tất cả những gì anh có mà mua thửa ruộng ấy. Nước trời cũng giống như người buôn nọ đi tìm ngọc quý. Tìm được một viên ngọc quý, anh về bán mọi của cải mà mua viên ngọc ấy.

“Nước trời lại giống như lưới thả dưới biển, bắt được mọi thứ cá. Lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi đó mà lựa chọn: cá tốt thì bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài. Trong ngày tận thế cũng vậy: các thiên thần sẽ đến mà tách biệt kẻ dữ ra khỏi người lành, rồi ném những kẻ dữ vào lò lửa, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng. Các ngươi có hiểu những điều đó không?” Họ thưa rằng: “Có”.

Người liền bảo họ: “Bởi thế, những thầy thông giáo am tường về Nước trời cũng giống như chủ nhà kia, hay lợi dụng những cái mới, cũ trong kho mình”.

Suy niệm

Trước một mối lợi thật lớn sẽ đến trong tương lai, người ta thường chấp nhận đánh đổi những hạnh phúc hiện tại, hoặc mối lợi nhỏ bé, để rồi có thể sở hữu được mối lợi đó, bởi nó sẽ đem lại nhiều niềm vui, nhiều lợi ích cho bản thân và những người chung quanh. Đó là những cách hành xử rất bình thường đối với những người khôn ngoan, bên cạnh đó, người thiếu sự cân nhắc sẽ cho rằng, sự đánh đổi đó chỉ là một sự điên dại của con người. Câu chuyện trong bài tin mừng chúa nhật tuần lễ thứ 17 thường niên, đề cập đến những niềm vui cho những ai biết chọn lựa, biết tìm kiếm những giá trị đem lại niềm vui và hạnh phúc cho tương lai của mỗi người. Bậc thang giá trị của việc chọn lựa Nước Trời vẫn mãi là một bậc thang lắm lúc bị coi là điên rồ, bị coi là lập dị trong thế giới thực dụng hôm nay.

Trở lại với những tâm tình sống trong bài đọc 1, lời cầu xin của vua Salomon được coi là một lời cầu nguyện đẹp lòng Thiên Chúa, nhưng điên rồ với con người, khi ông ta là một vị vua: “Lạy Chúa là Thiên Chúa, Chúa khiến tôi tớ Chúa cai trị kế vị Ðavít thân phụ con. Nhưng con chỉ là một trẻ nhỏ, không biết đường đi nước bước. Tôi tớ Chúa đang sống giữa dân Chúa chọn, một dân đông đảo không thể đếm và ước lượng được. Vậy xin Chúa ban cho tôi tớ Chúa tâm hồn khôn ngoan để đoán xét dân Chúa, và phân biệt lành dữ, vì ai có thể xét xử dân này, một dân của Chúa đông đảo thế này?”. Buổi đầu trông coi một dân tộc trong vai trò là một vị vua, Salomon cần nhiều tài trí thực tế, để trông coi bờ cõi đất nước, cai trị dân chúng, tạo sự hiếu hòa với các dân tộc chung quanh. Đó là một công việc của vị vua, nhưng thay vì cầu xin quyền bính và cho ngai vàng được vững bền, vua Salomon đã xin Thiên Chúa sự khôn ngoan đến từ Thiên Chúa, để dẫn dắt dân chúng đi theo đường lối của Ngài. Quả thực đó là một chọn lựa điên rồ với con người, nhưng thật đẹp lòng Thiên Chúa, người Cha đang quan tâm, chăm sóc con cái của Ngài.

Trước một mối lợi lớn nhất con người cần quan tâm và tìm kiếm, đó là được làm con Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã nhắc nhở con cái thành Roma, hãy ý thức rằng, được làm con cái Thiên Chúa, thì quý giá gấp bội phần trước những mối lợi ở thế gian này: “Anh em thân mến, chúng ta biết rằng những kẻ yêu mến Thiên Chúa thì Người giúp họ được sự lành, họ là những người theo dự định của Chúa, được kêu gọi nên thánh. Vì chưng, những kẻ Chúa đã biết trước, thì Người đã tiền định cho họ nên giống hình ảnh Con Người, để Ngài trở nên trưởng tử giữa đoàn anh em đông đúc”. Ai cũng mong tìm cho mình một chiếc ghế quyền lực, một chỗ đứng quan trọng và một giá trị lớn giữa cộng đoàn, thử hỏi những giá trị đó tồn tại được bao lâu, những giá trị đó có giúp con người bước vào Nước Thiên Chúa được không? hay chỉ là những tảng đá nặng lôi kéo họ vào chốn khóc lóc đời đời. Con cái thành Roma ngày xưa và con người hôm nay, dẫu biết thế, nhưng vẫn tìm kiếm những giá trị thực dụng, mà bỏ quên những giá trị vĩnh cửu, những giá trị đem lại hạnh phúc đời đời.

Để có thể đánh đổi những giá trị thực dụng, để sở hữu những giá trị vĩnh cửu, con người cần có những biện phân trước mọi sự việc và mọi giá trị. Chọn lựa hạnh phúc Nước Trời để rồi từ bỏ mọi hạnh phúc hiện tại, sẽ bị coi thường và lập dị dưới góc nhìn của thế gian: “Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: “Nước trời giống như kho tàng chôn giấu trong ruộng, người kia tìm được, vội chôn vùi xuống, vui mừng trở về bán tất cả những gì anh có mà mua thửa ruộng ấy. Nước trời cũng giống như người buôn nọ đi tìm ngọc quý. Tìm được một viên ngọc quý, anh về bán mọi của cải mà mua viên ngọc ấy”. Viên ngọc quý hay kho tàng trong ruộng, như là niềm hạnh phúc đích thực cho phận người, đó cũng được coi là cứu cánh cho một tạo vật trước những hạnh phúc giả tạo của hiện tại. Nước Trời được ví von là viên ngọc, là kho tàng quý báu đối với các tín hữu hôm nay. Thực tế, họ đang đi tìm gì, có phải là tìm kho báu mai sau cho mình, hay tìm giá trị hiện tại, tìm viên ngọc vĩnh cửu cho cuộc đời, hay tìm hạnh phúc ảo tưởng cho phút giây hiên tại của con người.

Để tìm được viên ngọc, và cũng để tìm được kho báu, người khôn ngoan phải chấp nhận nhiều điều tiếng trong hiện tại. Khờ dại, lập dị, suy nghĩ nông cạn, sẽ là những tai tiếng từ dư luận, làm cho họ rơi vào trạng thái bấn loạn tinh thần. Chấp nhận sức ép từ dư luận hay vượt qua được áp lực từ dư luận, luôn là một cuộc chiến không cân sức giữa xã hội thực dụng với một con người có những chọn lựa và những quyết định khôn ngoan. Từ đây, người tín hữu có thể hình dung ra phần nào, để sống ơn gọi Kitô hữu thật năng động và tích cực trong một thế giới nhiễu nhương, họ phải chấp nhận những rủi ro từ dư luận và những sức ép về tinh thần từ những người chung quanh. Để thực hiện tinh thần phục vụ đúng nghĩa, người tín hữu cần xác tín giá trị của đời phục vụ là để được trở nên giống Thầy mình, chứ không phải là tìm lợi danh, tìm lạc thú và tìm vinh quang thế gian.

Chấp nhận được áp lực trong hiện tại rồi, người tín hữu có mạnh dạn bước ra khỏi môi trường mình đang sống, bước ra khỏi truyền thống đang bủa vây quanh mình, bước ra khỏi ý thức hệ đang kìm hãm đôi chân của bản thân, có mạnh dạn ra khỏi một nền giáo dục lệch hướng đi, ra khỏi cái chật hẹp của một khả năng tư duy xã hội, thiên về vật chất không ? đó là những thách đố trong thời đại hôm nay. Lên đường và vượt qua khỏi những rào cản đó, sẽ là một động lực để người tín hữu thấy được giá trị bên trong của kho tàng ẩn giấu trong ruộng, và cũng thấy được giá trị đích thực của viên ngọc, sau khi được mài dũa, sáng lên những màu sắc của vĩnh cửu và thánh thiêng.

Sống trong một cộng đoàn, trong một xứ đạo, người tín hữu được nâng đỡ, được hỗ trợ để xây dựng cho mình một đời sống tôn giáo vững chắc và năng động. Đó là những nét tích cực, bên cạnh đó, cũng không thiếu những hạn chế nhất định, đó là những vỏ ốc của truyền thống, của dư luận, của ý thức hệ, của não trạng giáo dục chật hẹp. Tất cả những yếu tố đó, giữ chân người tín hữu lại, không cho họ lên đường để tìm kiếm những kho tàng quý giá, những viên ngọc sáng trong các đám ruộng thế gian. Dù niềm tin có đủ lớn, lòng mến có đủ sâu, nhưng các yếu tố chung quanh luôn tác động rất lớn đến sự năng động của người tín hữu khôn ngoan, khi họ đi tìm những giá trị Nước Trời trong hoàn cảnh hiện tại và môi trường họ đang sinh hoạt.

Lạy Chúa, để sở hữu được kho tàng thiêng liêng lớn nhất là Nước Trời, cần có những cố gắng từ bản thân, xin giúp chúng con biết ý thức điều đó, để chọn lựa và quyết định rõ ràng hơn. Để được ngụp lặn trong niềm hạnh phúc Nước Trời, cần có sự biện phân khôn ngoan và sự mạnh dạn từ bỏ, xin giúp chúng con biết tránh loại trừ những áp lực trong cuộc sống hiện tại, để tìm thấy những giá trị vĩnh cửu trong các kho báu giữa cuộc đời, đó là hạnh phúc và bình an của Thiên Chúa. Amen.


ĐỂ ĐƯỢC KHÔN NGOAN
(Chúa Nhật XVII TN A) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Theo truyền thống Kitô giáo, dựa vào sách tiên tri Isaia 11,1-2, thì một trong bảy ơn của Chúa Thánh Thần và cũng là ơn đầu tiên đó là ơn khôn ngoan. Để trình bày sự phát triển cách sung mãn của Đấng Cứu Độ, thánh sử Luca ghi: “Còn Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2, 52). Khôn ngoan là một trong những nhân đức đáng kính, đáng trọng, vì người khôn ngoan là người biết hành xử như là tạo vật trỗi vượt trên các loài tạo vật hữu hình.

Khôn ngoan là nhân đức giúp ta biết phân biệt phải trái, đúng sai, tốt xấu, thiệt hơn… Người khôn ngoan còn biết phân biệt đâu là nguyên nhân, đâu là hệ quả, cái gì là bản chất, cái gì là hiện tượng, điều gì là nhất thời, chóng qua và điều gì là vạn đại thường tồn… Salômon, một vị vua nổi danh là khôn ngoan khó có ai bì vì ngài đã biết xin Thiên Chúa ơn ấy, khi kế nghiệp vương đế của vua cha. “Xin ban cho tôi tớ Chúa đây, một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái”. Điều Salômon xin làm đẹp lòng Thiên Chúa nên Người đã “ban cho ông một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ông, chẳng một ai sánh bằng, và sau ông, cũng chẳng có ai bì kịp” (1V 3, 12).

Người khôn ngoan là người không chỉ biết phân biệt mà còn biết chọn lựa. Dĩ nhiên đã là khôn ngoan thì phải biết chọn điều tốt thay vì điều xấu, chọn điều đúng thay vì điều sai, chọn cái tốt hơn thay vì cái tốt kém… Không một sự chọn lựa nào mà không phải trả giá. Đã chọn điều này thì phải chấp nhận bỏ điều kia. Câu ngạn ngữ “chọn lựa là hy sinh” một cách nào đó diễn tả quy luật này.

Qua hai dụ ngôn về Nước Trời như kho báu chôn giấu trong ruộng, như viên ngọc quý mà Chúa Giêsu kể thì người phát hiện đều sẵn sàng “bán đi tất cả những gì mình có” để mua cho được thửa ruộng hay mua cho được viên ngọc quý. Bán đi một để được lợi gấp trăm, gấp nghìn lần là chuyện khỏi phải bàn, nếu ta có chút trí khôn suy xét hay có chút khôn ngoan để phân biệt. Những lợi lộc trần thế này thì hầu như ai cũng có thể cảm nhận vì nó cụ thể và thực tế trước mắt. Còn hạnh phúc Nước Trời thì sao đây? Làm sao ta có thể được như thánh Phaolô tông đồ là “chấp nhận mọi thua thiệt trước một mối lợi to lớn là được biết Chúa Kitô?” hoặc có được chút xác tín “Chúa là gia nghiệp của con, vì ngoài Chúa ra đâu là hạnh phúc”. Đây là một sự thật mà ta chỉ có thể nhận biết nhờ đức tin.

TIN LÀ MỘT CÁCH THẾ KHÔN NGOAN

Để được khôn ngoan đích thực thì cần phải có đức tin. Có thể nói theo phương diện hiểu biết, thì tin là nhìn nhận mọi sự theo cái nhìn của Thiên Chúa. Dù rằng đức tin trước hết là ơn Chúa ban, tuy nhiên phần phía con người cũng cần có sự đáp trả. Có nhiều cách thế đáp trả trước ân ban của Thiên Chúa, nhưng một trong những cách thế gần gũi và thiết thực đó là tiếp cận với Lời Chúa qua Thánh Kinh. Càng đọc Thánh Kinh, càng nghiền ngẫm và gẫm suy Kinh Thánh thì ta càng có cái nhìn như Chúa nhìn, càng có lối nghĩ suy như Chúa suy nghĩ, càng có tâm tình như tấm lòng của Thiên Chúa.

Lời đáp ca mà Hội Thánh dọn cho ta trong Thánh lễ Chúa Nhật này như là thái độ cần có của Kitô hữu để được khôn ngoan đích thực. “Luật pháp Ngài, Lạy Chúa, con yêu chuộng biết bao. Con coi trọng luật Chúa truyền ban hơn vàng muôn bạc triệu. Vì luật Chúa làm con vui sướng thỏa thuê. Thánh ý Chúa kỳ diệu lắm thay. Giải thích Lời Ngài là đem lại ánh sáng cho kẻ đơn sơ thông hiểu”.

Cần biết liều một chút. Dẫu sao đi nữa, đã nói là tin thì chọn điều mà mắt không hề thấy, đúng hơn là chưa thấy rõ tận tường, đo đó cần có một chút liều. Yếu tố liều là yếu tố không thể thiếu trong niềm tin. Tuy nhiên, cái sự liều của chúng ta không là vô căn cớ hay là phi lý. Pascal, một tư tưởng gia lỗi lạc đã làm một thách đố với người không tin và ông đã chỉ ra kết quả là người tin chỉ có hòa và thắng chứ không hề thua. “Tôi tin có Chúa và nhận Người làm gia nghiệp, còn anh không tin. Nếu không có Người thì tôi và anh, kẻ tin, người không tin, vẫn hòa nhau, còn nếu thực sự có Người hiện hữu thì tôi lãi lớn”. Cái sự được gọi là cá cược của Pascal tuy có vẻ hấp dẫn nhưng vẫn chưa mang tính thuyết phục, vì vẫn chưa làm nổi bật sự cao trọng và quý giá của Nước Trời. Để có thể cảm nhận hay nói theo ngôn từ nhà Phật là ngộ ra sự vô giá của hạnh phúc Nước Trời, thiết tưởng chúng ta cần noi gương vua Salômon: Xin cho con có được một tâm hồn biết lắng nghe.

BIẾT LẮNG NGHE: MỘT THÁI ĐỘ TẤT YẾU CỦA NGƯỜI TIN.

Về mặt tiêu cực: nhận ra sự hữu hạn và chóng qua của những điều được cho là tốt là đẹp ở đời này. Với một tâm hồn biết lắng nghe tức là biết thức tỉnh thì ta sẽ có thể nhận ra sự mong manh, bất toàn của các thiện hảo đời này. Sắc đẹp không qua khỏi làn da và cũng chẳng thoát được sự tàn phá của thời gian. Tiền bạc có thể mua được người tình mà chẳng có thể mua được tình yêu, có thể mua được thuốc tốt nhưng chẳng thể mua được sức khỏe, có thể mua được chiếc giường son, chăn ấm mà không thể mua được giấc ngủ ngon… Hơn nữa, không ai có thể mang của tiền theo mình xuống nấm mộ. Danh vọng hay quyền lực có thể làm cho cái tôi của mình phình rộng ra nhưng không thể làm cho nhân cách của mình lớn lên. Quyền cao chức trọng thì có thể sai bảo được nhiều người nhưng rồi chính bản thân lại không thể tự mình đi xuống huyệt lạnh. Phù vân trên mọi phù vân, tất cả đều là phù vân.

Về mặt tích cực: nhận ra sự vô biên, hằng hữu, tuyệt hảo của Đấng dựng nên ta từ hư vô. Với một tâm hồn biết lắng nghe, đặc biệt bằng sự cầu nguyện, ta sẽ nhận ra rằng ta không tự mua lấy sự sống đời này. Không một ai phải trả một cái giá nào để làm người, để chào đời. Không một ai tự chọn cho mình hoàn cảnh làm người, môi trường chào đời, thời gian lịch sử làm người… Nhờ sự cầu nguyện, nhờ kết hiệp với Đấng là căn nguyên và cứu cánh đời ta thì ta sẽ cảm nghiệm và nhận ra đâu là hạnh phúc vĩnh cửu.

Các nhà thông thái, các triết gia rất có khả năng nhận ra tính phù du của tạo vật bằng sự phản tỉnh, nhưng chính các bậc thánh nhân mới là những người khám phá kho tàng vô giá của Nước Trời bằng đời sống cầu nguyện. Khi sinh thời Chúa Giêsu thường khuyên dạy các môn sinh và dân chúng là hãy biết tỉnh thức và cầu nguyện luôn (x.Mt 26, 41).

Sự khôn ngoan không phải là nhân đức ta có được một lần cho cả đời nhưng là nhân đức ta cần chuyên chăm đón nhận và tập luyện cả đời. Khôn ba năm mà có thể khờ dại vỏn vẹn trong một giờ. Cuộc đời của vua Salômon là một đan cử điển hình. Về cuối đời vua Salômon đã chiều theo các bà vợ mà đánh mất sự khôn ngoan của một thời. Để được khôn ngoan, để biết chọn điều tốt nhất với bất cứ giá nào, cho dù phải bán đi tất cả những gì mình có, chắc chắn cần có niềm tin, một niềm tin dựa trên nền tảng Lời Chúa cùng với sự chuyên chăm tỉnh thức và cầu nguyện liên lỉ, không ngừng.

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây