TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật XVII Thường Niên - Năm C

17/07/2022 04:12:19 |   1332

Chúa Nhật XVII Thường Niên - Năm C
 

cn17TN C

Lc 11, 1-13

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XVII Thường Niên - Năm C

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật XVII năm C hôm nay Hội Thánh muốn tất cả con cái phải kiên tâm, bền chí cầu nguyện. Thật vậy, đoạn sách Sáng Thế Ký đã cho ta thấy: Ông Abraham cò cưa trả giá với Thiên Chúa về điều ông muốn xin. Còn Thánh Phaolô tông đồ khuyên nhủ dân thành Colôsê phải kiên nhẫn cầu nguyện vì Người đã ân xá mọi tội lỗi cho chúng ta. Chính vì thế mà bài đáp ca lập đi lập lại câu “Lạy Chúa, khi tôi kêu cầu, Chúa đã nhận lời tôi”

Lòng thương xót của Chúa sẵn sàng tha thứ cho người tội lỗi và sẵn sàng nghe lời cầu của con người. Vậy giờ đây chúng ta hãy thành tâm hối lỗi để tham dự Thánh Lễ.

Ca nhập lễ

Thiên Chúa ngự trong thánh điện của Người; Thiên Chúa tạo nhà cửa cho những kẻ bị bỏ rơi. Chính Người ban cho dân Người được quyền năng và mãnh lực.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa là sức mạnh và là niềm trông cậy của chúng con không có Chúa chẳng có chi vững bền, chẳng có chi thánh thiện; xin mở lòng nhân hậu hướng dẫn chúng con để khi biết cách dùng những của cải chóng qua đời này, chúng con đã gắn bó với của cải muôn đời tồn tại. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: St 18, 20-32

“Lạy Chúa, nếu con nói, xin Chúa đừng nổi giận”.

Trích sách Sáng Thế.

Trong những ngày ấy, Chúa phán: “Tiếng kêu la của dân Sôđôma và Gômôra đã gia tăng, và tội lỗi chúng quá nặng nề! Ta sẽ xuống coi việc chúng làm có như tiếng kêu thấu đến tai Ta hay không, để Ta sẽ biết rõ”.

Các vị ấy bỏ nơi đó, đi về hướng thành Sôđôma. Nhưng Abraham vẫn còn đứng trước mặt Chúa. Ông tiến lại gần Người và thưa: “Chớ thì Chúa sắp tiêu diệt người công chính cùng với kẻ tội lỗi sao? Nếu có năm mươi người công chính trong thành, họ cũng chết chung hay sao? Chúa không tha thứ cho cả thành vì năm chục người công chính đang ở trong đó sao? Xin Chúa đừng làm như vậy, đừng sát hại người công chính cùng với kẻ dữ! Xin đừng làm thế! Chúa phán xét thế giới, Chúa không xét đoán như thế đâu”. Chúa phán cùng Abraham rằng: “Nếu Ta tìm thấy trong thành Sôđôma năm mươi người công chính, Ta sẽ vì họ mà tha thứ cho cả thành”. Abraham thưa lại: “Dù con chỉ là tro bụi, con đã bắt đầu nói, nên con xin thưa cùng Chúa. Nếu trong số năm mươi người công chính đó còn thiếu năm người thì sao? Vì bốn mươi lăm người công chính, Chúa có tàn phá cả thành không?” Chúa phán: “Nếu Ta tìm thấy bốn mươi lăm người công chính, Ta sẽ không phá huỷ cả thành”. Abraham lại thưa cùng Chúa rằng: “Nhưng nếu có bốn mươi người thì Chúa sẽ làm gì?” Chúa phán: “Ta sẽ vì bốn mươi người đó mà không trừng phạt cả thành”. Abraham thưa: “Lạy Chúa, nếu con lên tiếng, xin Chúa đừng nổi giận. Nếu ở đây tìm được ba mươi người công chính thì sao?” Chúa phán: “Nếu Ta tìm được ba mươi người, Ta sẽ không phạt”. Abraham nói: “Vì con đã trót nói thì con sẽ thưa cùng Chúa: Nếu trong thành tìm được hai mươi người công chính thì sao?” Chúa phán: “Vì hai mươi người đó Ta sẽ không tàn sát”. Abraham thưa: “Lạy Chúa, xin đừng nổi giận, con chỉ xin thưa lần này nữa thôi: Nếu tìm được mười người công chính ở đó thì sao?” Chúa phán: “Vì mười người đó, Ta sẽ không tàn phá”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 137, 1-2a. 2bc-3. 6-7ab. 7c-8

Ðáp: Lạy Chúa, khi con kêu cầu, Chúa đã nhậm lời con (c. 3a).

Xướng: Lạy Chúa, con sẽ ca tụng Chúa hết lòng, vì Chúa đã nghe lời miệng con xin: trước mặt các Thiên Thần, con đàn ca mừng Chúa; con sấp mình thờ lạy bên thánh điện Ngài. 

Xướng: Và con sẽ ca tụng uy danh Chúa, vì lòng nhân hậu và trung thành của Chúa. Khi con kêu cầu, Chúa đã nhậm lời con; Chúa đã ban cho tâm hồn con nhiều sức mạnh. 

Xướng: Quả thật Chúa cao cả và thương nhìn kẻ khiêm cung; còn người kiêu ngạo thì Ngài ngó tự đàng xa. Nếu con đi giữa cảnh gian truân, Chúa giữ gìn con sống; Chúa ra tay phản đối quân thù giận dữ.

Xướng: Tay hữu Chúa khiến con được sống an lành. Chúa sẽ hoàn tất cho con những điều đã khởi sự. Lạy Chúa, lòng nhân hậu Chúa tồn tại muôn đời; xin đừng bỏ rơi công cuộc tay Ngài.

Bài Ðọc II: Cl 2, 12-14

“Người đã khiến anh em chung sống với Người và tha thứ mọi tội lỗi”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôssê.

Anh em thân mến, nhờ phép rửa tội, anh em đã được mai táng làm một với Ðức Kitô, anh em cũng được sống lại với Người, bởi đã tin vào quyền năng Thiên Chúa, Ðấng đã cho Người từ cõi chết sống lại.

Anh em vốn đã chết vì tội lỗi anh em và bởi không cắt bì tính xác thịt của anh em, nhưng Thiên Chúa đã cho anh em được chung sống với Người, Người đã ân xá mọi tội lỗi chúng ta, đã huỷ bỏ bản văn tự bất lợi cho chúng ta, vì làm cho chúng ta bị kết án; Người đã huỷ bỏ bản văn tự đó bằng cách đóng đinh nó vào thập giá.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Lc 19, 38

Alleluia, alleluia! – Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà đến, bình an trên trời, và vinh quang trên các tầng trời. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 11, 1-13

“Các ngươi hãy xin thì sẽ được”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Ngày kia, Chúa Giêsu cầu nguyện ở một nơi kia. Khi Người cầu nguyện xong, có một môn đệ thưa Người rằng: “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện như Gioan đã dạy môn đệ ông”. Người nói với các ông:

“Khi các con cầu nguyện, hãy nói: ‘Lạy Cha, nguyện xin danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha mọi kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ'”.

Và Người còn bảo các ông rằng: “Nếu ai trong các con có người bạn, giữa đêm khuya đến nói với người ấy rằng: ‘Anh ơi, xin cho tôi vay ba chiếc bánh, vì tôi có anh bạn đi đường ghé lại nhà tôi, mà tôi không có gì thết đãi anh ấy’. Và từ trong nhà có tiếng người ấy đáp: ‘Xin đừng quấy rầy tôi, vì cửa đã đóng, các con tôi và tôi đã lên giường nằm rồi, tôi không thể chỗi dậy lấy bánh cho anh được’. Thầy bảo các con, dù người đó không dậy vì tình bạn để lấy bánh cho người bạn, người đó cũng sẽ dậy, ít nữa là vì sự quấy rầy của người kia mà cho anh ta tất cả những gì anh ta cần.

“Và Thầy bảo các con: Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, ai gõ thì sẽ mở cho.

“Người cha nào trong các con có đứa con xin bánh mà lại cho nó hòn đá ư? Hay nó xin cá, lại cho nó con rắn thay vì cá sao? Hay nó xin quả trứng, lại cho nó con bọ cạp ư? Vậy, nếu các con là những kẻ gian ác, còn biết cho con cái mình những của tốt, phương chi Cha các con trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người”.

Ðó là lời Chúa.

Lời Nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Cầu nguyện là một trong những sinh hoạt công giáo chính yếu và là linh hồn của đời sống Kitô hữu. Trong tin tưởng, chúng ta xin Chúa Thánh Thần đến giúp chúng ta biết cầu nguyện cho xứng đáng.

1. “Chớ gì Chúa sắp tiêu diệt người công chính cùng với kẻ tội lỗi sao”?.- Xin cho mọi Kitô hữu luôn biết vâng nghe và sốt sắng thi hành lời khuyên nhủ của các Mục tử trong Hội Thánh, để thánh hoá bản thân, gia đình và xã hội.

2. “Khi tôi kêu cầu Chúa đã nhậm lời tôi”.- Xin cho mọi người ý thức rằng: Việc cầu nguyện rất cần thiết cho đời sống đức tin của chúng ta, trong một thế giới đang mất dần niềm tin vào Thiên Chúa.

3. “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”- Xin cho những người quản lý lương thực khắp nơi, biết mở tấm lòng nhân ái rộng tay trợ giúp những người đang gặp cơn túng đói, được đủ cơm ăn áo mặc cần thiết.

4. “Ai xin thì sẽ được, ai tìm thì sẽ gặp, ai gõ thì sẽ mở cho”– Xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta biết khiêm tốn, tin tưởng, bền chí chạy lại với Chúa trước mọi cơn gian nan khốn khó, để được Chúa giải quyết khỏi mọi khó khăn.

Chủ tế: Lạy Chúa là Cha nhân từ và khoan dung, xin củng cố niềm tin của chúng con, để hằng ngày chúng con biết sum họp bên nhau trước mặt Cha trong giờ kinh tôi gia đình, để Cha hiện diện, yêu thương và chúc phúc. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con dâng lên những của lễ Chúa đã rộng ban cho chúng con; cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận, và cho lễ tế này đem lại ân sủng dồi dào để chúng con được thánh hóa trong cuộc đời hiện tại và đạt tới hạnh phúc muôn đời. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người.

Hoặc đọc:

Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương. Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con tham dự vào bí tích Thánh Thể, để chúng con đời đời tưởng nhớ Ðức Giêsu Con Một Chúa, đã chịu khổ hình và sống lại hiển vinh; xin cho bí tích tình yêu Người trối lại dẫn chúng con tới hưởng ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Cầu nguyện

Giữa đêm khuya, một căn nhà ở nơi hẻo lánh bỗng bốc cháy. Trong cơn hoảng hốt, vợ chồng con cái đều thoát ra ngoài và bất lực đứng nhìn ngọn lửa. Rồi mọi người sực nhớ đứa con trai út mới lên năm vẫn còn bị kẹt trên gác. Phải làm gì đây? Không ai có thể đi vào được. Giữa lúc mọi người đang bấn loạn thì từ cánh cửa sổ trên gác, cậu bé thò đầu ra và kêu la thất thánh. Từ phía dưới, người cha nói với cậu: Con hãy nhảy xuống đi. Nhưng làm sao cậu bé dám làm theo lời cha, bởi vì nhìn xuống, cậu chỉ thấy khói và lửa. Cậu bé thốt lên trong tuyệt vọng: Làm sao con dám nhảy xuống vì không thấy ba. Thế nhưng người cha đã trấn an: Con không thấy ba nhưng ba thấy con. Con cứ nhảy xuống đi. Thế là với tất cả tin tưởng, cậu bé nhảy từ trên gác xuống và nằm gọn trong cánh tay của người cha.

Là con cái của Thiên Chúa, cho dầu chúng ta có rơi vào hoàn cảnh nào chăng nữa, chúng ta vẫn luôn rơi vào vòng tay của Thiên Chúa, đó là tất cả Tin Mừng Chúa Giêsu đã đem đến trong thế gian.

Thiên Chúa luôn yêu thương con người, dù con người không biết Ngài, dù con người có khước từ và phản bội tình yêu của Ngài, Ngài vẫn một mực yêu thương. Đó là tất cả những gì Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta qua cuộc sống của Ngài. Cách cư xử và cái chết của Ngài đã cho chúng ta thấy Thiên Chúa là Cha yêu thương chúng ta.

Đồng thời Chúa Giêsu cũng dạy cho chúng ta cách thức đáp trả tình yêu của Thiên Chúa, đó là hãy chu toàn thánh ý của Thiên Chúa. Lời kinh Lạy Cha Ngài để lại cho Giáo Hội chính là chương trình sống của Ngài, chính là tiếng xin vâng của Ngài đối với Chúa Cha. Từ sáng đến chiều, xuyên qua những giao tiếp và giảng dạy, Ngài luôn để lộ một cử chỉ duy nhất, đó là thuộc trọn về Chúa Cha, tin tưởng tuyệt đối vào tình yêu của Chúa Cha. Để lại cho chúng ta kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu không chỉ truyền lại một công thức, mà là cả cuộc sống xin vâng của Ngài.

Do đó, cầu nguyện không có nghĩa là đọc lại một câu kinh, mà chính đi vào tâm tình và cuộc sống của Chúa Giêsu. Một người tín hữu luôn chu toàn thánh ý Thiên Chúa và luôn sống với hai chữ xin vâng hằng sẽ không ngừng kêu lên: Tôi đã cầu xin được khoẻ mạnh để làm những điều vĩ đại, thế nhưng Chúa lại ban cho tôi những bệnh tật để tôi làm những việc tốt hơn. Tôi đã xin giàu sang để được hạnh phúc, thế nhưng Chúa đã ban cho tôi sự nghèo khó để tôi được khôn ngoan hơn. Tôi đã không nhận được điều tôi kêu cầu, nhưng tôi nhận được niềm hy vọng. Những lời cầu xin mà tôi chưa từng thốt lên, tất cả đều được nhận lời. Bởi vì tất cả đều là hồng ân của Chúa.
 

CHÚA NHẬT 17C THƯỜNG NIÊN - 2001
(Lc. 11:1-13) Lm. Lã Mộng Thường

Bài trích phúc âm theo thánh Luca

Có một lần Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông”. Người bảo các ông: “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: “Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến, xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy; xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ”.

Người còn nói với các ông: “Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói: “Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả”; mà người kia từ trong nhà lại đáp: “Xin anh đừng quấy rầy tôi: cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được”.

Thầy nói cho anh em biết: dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh cần, vì thể diện. Cứ xin thì sẽ được “Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho.

Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, lại lấy rắn thay vì cá mà cho nó? Hoặc nó xin trứng, mà lại cho nó con bọ cạp? Vậy nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha trên trời, Người sẽ ban Thánh Thần u cho những kẻ xin Người?”

Bài phúc âm nói về việc Đức Giêsu dạy các môn đồ và cả chúng ta, những kẻ tin theo Ngài cầu nguyện. Ngài dạy hãy cầu nguyện the kinh Lạy Cha mà chúng ta đọc thường ngày. Và Ngài đoan chắc, “Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho”.

Tuy nhiên, nơi đoạn khác, phúc âm cũng được ghi, “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin” (Mt. 6:7-8).

Thử hỏi, vậy cầu nguyện là gì, nên thực hành như thế nào, và kinh Lạy Cha mang ý nghĩa ra sao? Một đàng, phúc âm Luca khuyến khích cứ xin sẽ được, tìm sẽ thấy, gõ cửa thì sẽ được mở cho; dù Chúa có mệt mỏi muốn nghỉ ngơi, quên hết mọi sự nhưng vì sự nhì nhằng giống người bạn gặp chuyện cần kíp, rồi Chúa cũng sẽ cho. Ngược lại, Phúc âm Matthêu lại bảo đừng lải nhải như dân ngoại vì Chúa đã biết rõ điều gì mình cần ngay cả trước khi mình cầu xin.

Trước hết, chúng ta thử xét xem thế nào là cầu nguyện, cầu xin. Nhìn vào hiện thực cuộc sống, nơi gia đình hay bất cứ nơi đâu. Khi chúng ta đói hay khát, tất nhiên chúng ta kiếm gì để ăn. Ăn cơm, cháo, hay khoai luộc, ngô bung, thì tùy điều kiện có thể, miễn sao cho qua cơn đói; và nước uống cũng thế, tùy điều kiện chúng ta có được nước loại gì. Như vậy, để giải quyết một vấn đề, cần sự thực hiện của chúng ta. Không có người hầu cơm bưng, nước rót, chúng ta cần thực sự hoạt động. Giả sử có người mang cơm nước đến sẵn, chúng ta vẫn phải ăn trong khi đói; vì không ai có thể ăm dùm cũng như uống thế cho bất cứ ai. Ai ăn người ấy no; nhìn người khác ăn, bụng mình không thể no; cũng như nhìn người khác uống hay nghe họ giải thích lợi ích của nước hay đồ uống, chúng ta không thể hết khát. Sự thể này có thể tóm lại một câu nói lên thực trạng hiện hữu của một người, không ai có thể ăn dùm, uống dùm cho bất cứ ai thì cũng không ai có thể suy nghĩ dùm cho bất cứ ai.

Thú đến, trước khi ăn hay uống, chúng ta lại có ước muốn ăn hay uống. Ước muốn này chính là ý định, ý nghĩ, ước ao. Khi ai đó đã no bụng không muốn ăn, tất nhiên họ không cần tìm kiếm đồ ăn, hoặc không khát, họ không có ước muốn kiếm nước để uống.

Cũng vậy, trước khi cầu nguyện, chúng ta cần biết mình đang ước muốn điều gì. Dân gian có câu, “Con có khóc thì mẹ mới cho bú”. Con không khóc đòi bú thì ép nó bú chỉ làm nó khóc thêm. Xét như thế, cầu nguyện là bày tỏ ước muốn của mình. Như vậy, gốc gác của sự cầu nguyện chính là ước muốn, ý định. Có thể nói, cầu nguyện là trình bày ý định, ước muốn của mình.

Trình bày ước muốn của mình với ai? Chúng ta thường vội trả lời, trình bày với Chúa. Vậy Chúa là ai, là gì, liên hệ với mình, với con người ra sao? Cầu nguyện ngày đêm mà không biết mình cầu gì, không biết mình cầu với ai thì được phúc âm lên tiếng, “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin” (Mt. 6:7-8).

Muốn biết Thiên Chúa là gì, chúng ta cần biết thế nào là Nước Thiên Chúa; ngôn ngữ mới nơi cuốn Kinh Thánh Tân Ước gọi là triều đại Thiên Chúa. Rở Kinh Thánh, chúng ta thấy phúc âm được viết, “Sau khi Gioan bị nộp, Đức Giêsu đến xứ Galilê, rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa mà rằng, ‘Thời buổi đã mãn và Nước Thiên Chúa đã gần bên! Hãy hối cải và tin vào Tin Mừng”.

Một điều chúng ta nên để ý đó là vào thời điểm Đức Giêsu rao giảng chưa có ngôn từ “Tin mừng”. Đàng khác, theo 14 nhà học giả soạn cuốn Kinh Thánh Tân Ước được in năm 1994 thì động từ ăn năn hối cải được dịch từ tiếng Hy Lạp “Metanoia”. Metanoia có hơn mười nghĩa và nghĩa chính của nó là “Thay đổi hướng đi, thay đổi chiều hướng”. Hơn nữa, lật nơi các bản Kinh Thánh tiếng Mỹ, ngôn từ “Gần bên” được dịch là “At hand”. “At hand” có nghĩa tại đây, bây giờ và lúc này.

Thế nên câu phúc âm Marcô có nghĩa, “Thời buổi đã mãn và Nước Thiên Chúa đang hiện diện bây giờ và lúc này! Hãy thay đổi chiều hướng suy tư, nhận định và tin vào lời Ta nói”.

Vậy phúc âm nói về Nước Thiên Chúa, Nước Trời thế nào? Phúc âm thánh Luca được viết, “Về Nước Trời thì cũng giống như hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. Nó nhỏ tí thua mọi thứ hạt giống, nhưng khi nó đã lớn lên, thì to lớn hơn rau cỏ mà thành một cây, đến nỗi chim trời đến nương náu ở cành nó” (Mt. 13:31; Mc. 4:30-32; Lc. 13:18). Hoặc Nước Trời giống như men bột, “Về Nước Trời cũng in như men, bà nọ lấy vùi vào ba tá bột cho đến khi tất cả dậy men” (Lc. 13:33). Như vậy, theo phúc âm Nước Trời tự phát triển không cần đến ai chăm sóc, tốn công sức.

Phúc âm còn định vị rõ ràng về Nước Trời, Nước Thiên Chúa, “Biệt phái thỉnh vấn Ngài: bao giờ Nước Thiên Chúa đến. Ngài đáp lời và nói: ‘Nước Thiên Chúa không đến một cách nhãn tiền; người ta sẽ không nơi được, ‘Này ở đây, hay ở đó’ vì này, Nước Thiên Chúa ở trong các ông” (Lc. 17=20-21). Chẳng những thế, khi Đức Giêsu trừ quỷ, có người cho rằng Ngài nhờ chúa quỷ Bêelzêbul để đuổi quỷ thì Ngài trả lời họ, “Nếu ta nhờ Bêelzêbul thì bè phái các ngươi nhờ ai mà trừ quỷ... Ví bằng Ta nhờ ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ thì quả là Nước Thiên Chúa đã đến trên các ngươi” (Lc. 11:20). Điều này nói lên Nước Thiên Chúa ngay ở nơi mọi người.

Nước Trời gần bên, ngay tại đây, tự phát triển như hạt cải, men bột, ở trong và ở trên mọi người. Nước Thiên Chúa chính là Thiên Chúa vì Thiên Chúa ở khắp mọi nơi. Nước Trời ở đâu thì Thiên Chúa ở đó. Như vậy, Thiên Chúa đang ở chính nơi chúng ta, trong chúng ta. Đây là Tin Mừng Nước Trời Đức Giêsu rao giảng, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Đây cũng là lời tuyên xưng, tuyên dương của mọi người khi linh mục bắt đầu những nghi lễ thờ phượng, “Chúa ở cùng anh chị em” “Và ở cùng cha”.

Thiên Chúa ngự trị và đang hoạt động nơi mình thì khi mình thực sự ước muốn, ước mơ, mình đang sử dụng quyền lực của Chúa nơi mình, mình dùng đức tin, quyền lực của Thiên Chúa. Như vậy, cầu nguyện là bày tỏ ước muốn với Thiên Chúa đang ngự trị nơi mình, dùng đức tin thực hiện điều mình thực sự ước muốn.

Chúng ta đọc kinh Lạy Cha hằng ngày, sáng, trưa, chiều, tối mà hình như không để ý suy nghĩ kinh Lạy Cha có nghĩa gì. Trước hết, “Lạy Cha chúng con ở trên trời”, Thực thể hiện hữu bao gồm hữu hình và vô hình. Thiên Chúa là Đấng vô hình. “Chúng con nguyện danh cha cả sáng” có nghĩa chúng con ước muốn mọi người nhận biết Cha. “Nước Cha trị đến” cũng có nghĩa ước mong mọi người nhận biết sự hiện diện của Thiên Chúa nơi mình.

“Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Chúa Giêsu được sai đến để thực hiện thánh ý của Thiên Chúa và công việc Ngài thực hiện chính là rao giảng Tin Mừng Nước Trời, “Ta còn phải đem tin mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, chính vì thế mà Ta đã được sai đến” (Lc. 4:43).

Thánh ý của Thiên Chúa là mọi người nhận biết Tin Mừng, nhận biết Thiên Chúa đang ngự trị và hoạt động nơi mỗi người. Thế nên, ước mong, “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” cũng chính là ước mong mọi người nhận biết Tin Mừng, nhận biết Thiên Chúa đang ngự trị và hoạt động ngay nơi chính mình.

Chúng ta đọc lời cầu như thế nhưng chúng ta đã biết, đã nhận thực được như thế chưa?

 

 HIỆP SỐNG TIN MỪNG (LM ĐAN VINH - HHTM)

CHÚA NHẬT 17 THƯỜNG NIÊN C

St 18,20-32; Cl 2,12-14; Lc 11,1-13

CẦU NGUYỆN VỚI THIÊN CHÚA NHƯ CON THẢO VỚI CHA HIỀN

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Lc 11, 1-13

(1) Có một lần Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông”. (2) Người bảo các ông: “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói”. “Lạy Cha, xin làm cho Danh thánh Cha vinh hiển, Triều đại Cha mau đến. (3) Xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy. (4) Xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con. Và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ”. (5) Người còn nói với các ông: “Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói: “Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, (6) vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả. (7) Mà người kia từ trong nhà lại đáp: “Xin anh đừng quấy rầy tôi: Cửa đã đóng rồi. Các cháu lại ngủ cùng giường với tôi. Tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được”. (8) Thầy nói cho anh biết: Dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh cần, vì thể diện”. (9) Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ thì sẽ mở cho. (10) Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho. (11) Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, lại lấy rắn thay vì cá mà cho nó ? (12) Hoặc nó xin trứng, mà lại cho nó con bò cạp ? (13) Vậy nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha trên trời. Người sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người ?”

2. Ý CHÍNH:

Theo đề nghị của môn đệ, Đức Giê-su đã dạy các ông cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha và kèm theo 3 lời khuyên về sự cầu nguyện như sau: Một là lời cầu nguyện phải vừa có tâm tình yêu mến lại vừa ngắn gọn phong phú. Hai là phải kiên trì cầu xin và đừng ngã lòng. Ba là phải vững tin Chúa sẽ ban ơn lành hồn xác giúp ta được ơn cứu độ.

3. CHÚ THÍCH:

- C 1-2a: + Có một lần Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia: Thánh Mat-thêu đặt Kinh Lạy Cha trong khung cảnh Bài giảng trên núi” (x. Mt 6,5-15). Còn ở đây thánh Lu-ca không nói về thời gian và nơi chốn của Kinh Lạy Cha, mà chỉ cho thấy có liên quan giữa gương cầu nguyện của Đức Giê-su với việc Người dạy môn đệ cầu nguyện.

- C 2b-4: + Lạy Cha: Lời xưng hô mở đầu đơn giản hơn trong Tin mừng Mát-thêu. Khi gọi Thiên Chúa là Cha, Đức Giê-su muốn dạy môn đệ khẩn cầu với Thiên Chúa như con cái thưa chuyện với người Cha rất thân thương. + Xin làm cho Danh thánh Cha vinh hiển: Xin cho Danh Cha được nhìn nhận là thánh, vì Cha là Đấng Thánh. Đây là lời ước nguyện cho mọi người được nhận biết và tôn thờ Thiên Chúa. + Triều đại Cha mau đến: Triều đại ám chỉ Hội thánh trần thế hữu hình. Ở đây xin cho Hội thánh được lan truyền khắp nơi, cho Vương quốc của Thiên Chúa được mọi người đón nhận.+ Xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy: Xin Chúa ban thực phẩm cần dùng hằng ngày. Của ăn nuôi thể xác là cơm ăn áo mặc và của nuôi linh hồn là Lời Chúa, Mình Thánh Chúa và Thánh Ý Chúa (x Ga 6,34). + Xin tha tội cho chúng con: Lu-ca đổi chữ “lỗi” trong Mát-thêu (x. Mt 6,12) thành chữ “tội”. Hai từ “tội, lỗi” tiếng Hy lạp còn có nghĩa là “nợ”. Tội là trở ngại lớn nhất cho Triều Đại của Thiên Chúa mau hiển trị cũng như cho tình yêu thương giữa cộng đoàn, nên cần phải xin Cha tha tội. + Vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con: Tha thứ cho người mắc lỗi với mình là điều kiện để xứng đáng được Thiên Chúa tha thứ tội lỗi cho mình (x Lc 23,34; Mt 6,14; Mc 11,25). + Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ: Cám dỗ nguy hiểm nhất của ma quỷ là xúi người ta chối bỏ đức tin vào Thiên Chúa và thù ghét làm hại nhau. Do đó Đức Giê-su kêu gọi “Hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ” (Lc 22,40).

- C 5-8: + Người còn nói với các ông: “Ai trong anh em có một người bạn.”: Đức Giê-su dùng dụ ngôn về người bạn quấy rầy để dạy môn đệ phải kiên nhẫn nài xin và đừng bao giờ ngã lòng khi xin mãi mà chưa nhận được. Kiên trì xin đi xin lại là điều kiện để lời cầu của ta được Thiên Chúa vui nhận. Thiên Chúa sẽ không ban ơn để khỏi bị quấy rầy giống như người chủ nhà trong bài dụ ngôn. Khi không ban ngay điều ta xin là Người để ta thể hiện thái độ kiên nhẫn cậy trông và phó thác vào tình thương của Người. + Vì thể diện: Câu chuyện dụ ngôn xoay quanh ba nhân vật như sau: Nhân dịp có một anh bạn A lỡ đường ghé lại trọ tại nhà của bạn mình là B. Anh B liền chạy sang nhà anh C cũng là bạn để xin vay ba cái bánh về nhà đãi khách. Anh C khi ấy đã vào giường ngủ rồi và rất ngại phải ra khỏi giường lấy bánh cho bạn. Nhưng vì anh B cứ kêu nài mãi nên cuối cùng anh C đành phải ra khỏi giường thỏa mãn tất cả những gì anh B cần, dù không phải do tình bạn thúc đẩy thì cũng vì e ngại bị mất thể diện, sợ bị mang tiếng là ích kỷ vì đã từ chối giúp đỡ bạn bè trong lúc khó khăn. Từ đó Đức Giê-su muốn các môn đệ nhớ đến tình thương của Thiên Chúa Cha. Người sẽ ban điều tốt lành là ơn Thánh Thần cho những ai thành tâm và kiên trì cầu xin Người.

- C 9-13: + Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho...: Lời cầu nguyện là điều kiện cần để được Chúa nhậm lời: Thiên Chúa sẽ ban ơn cứu độ cho ai xin, ban đức tin cho những ai đi tìm, và sẵn sàng rộng mở Nước Trời cho những ai kiên trì cầu xin Người. + Ai trong anh em là một người cha mà khi con xin cá, lại lấy rắn thay vì cá mà cho nó ?: Đức Giê-su cho biết Thiên Chúa sẽ chấp nhận lời cầu nguyện của chúng ta, vì Người là Cha nhân hậu và hay thương xót hơn các người cha thế gian bội phần. + Vậy nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha trên trời: Đức Giê-su so sánh giữa tình thương có giới hạn của các bậc cha mẹ thế gian vốn gian ác, với tình thương vô biên của Thiên Chúa là Cha thánh thiện và đầy từ tâm. + Người sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người: Ơn Thiên Chúa ban cho những kẻ kêu xin Người là “Thánh Thần”, tương đương với “những của tốt lành” trong Mát-thêu (Mt 7,11). Chính “Thánh Thần làm cho ta nên nghĩa tử, khiến chúng ta được kêu lên “Áp-ba! Cha ơi!” (Rm 8,15).

4. CÂU HỎI:

1) Dựa theo lời Đức Giê-su dạy trong kinh Lạy Cha, bạn hãy cho biết: Cầu nguyện là gì? Phải cầu nguyện với ai và cầu khi nào? Nên cầu xin những gì?

2) Có được cầu xin ơn với Đức Mẹ và các thánh không? Tại sao?

3) Trong thực tế có nhiều người chẳng cần cầu xin mà thi cử vẫn đậu, buôn bán vẫn thành công, uống thuốc vẫn khỏi bệnh, gieo trồng đúng thời vụ vẫn được mùa bội thu... Đang khi nhiều tín hữu siêng năng cầu khấn nhưng vẫn không đạt được kết quả như ý. Như vậy phải chăng không có Thiên Chúa và cầu nguyện chỉ là hành động mê tín và vô ích?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho” (Lc 11,9).

2. CÂU CHUYỆN:

1) CẦU NGUYỆN MỌI LÚC MỌI NƠI:

Có một bác sĩ gốc công giáo, nhưng đã bỏ cầu nguyện và không đến nhà thờ dự lễ từ năm lên 10 tuổi. Một hôm bệnh viện của ông ta tiếp nhận một cô bé 8 tuổi mắc bệnh đau ruột thừa cần phải được mổ cấp thời. Trước khi đưa em lên bàn mổ, viên bác sĩ căn dặn em rằng: “Này em, bệnh em cần phải mổ mới khỏi. Bây giờ em sẽ phải uống một liều thuốc mê để thiếp ngủ trong lúc tôi giải phẫu cho em”. Em bé này từ nhỏ đã được bà mẹ có lòng đạo đức huấn luyện thói quen cầu nguyện mỗi tối trước khi đi ngủ. Khi nghe bác sĩ nói sắp phải ngủ, em liền xin bác sĩ hoãn lại ít phút và quì gối đọc kinh rồi kết thúc bằng lời cầu nguyện như sau: “Xin Chúa chúc lành cho chú bác sĩ và xin Chúa cho con được mau khỏi bệnh”. Về sau viên bác sĩ giải phẫu cho em thuật lại rằng: Chiều tối hôm đó ông đã thành tâm cầu nguyện sốt sắng trước khi nghỉ đêm, một việc mà sau ba mươi năm lãng quên, đến nay ông quyết định sẽ bắt đầu làm lại noi gương cô bé bệnh nhân đã cầu nguyện.

2) CẦU NGUYỆN VỮNG TIN VÀO TÌNH THƯƠNG CỦA CHA:

Vào cuối thập niên 80, tại Ru-ma-ni, một trận động đất lớn đã xảy ra làm hơn 10 ngàn người chết. Ngay sau trận động đất, một người cha đã chạy đến nhà trường tìm đứa con trai của mình. Ngôi trường ba tầng đã bị sụp đổ, nhưng người cha đã định hướng vị trí lớp học của con và bắt đầu lấy xẻng đào bới trong đống gạch đổ nát để tìm con. Các nhân viên cứu hộ và cảnh sát ngăn cản và khuyên ông đừng mất công đào bới vì sẽ rất nguy hiểm. Nhưng ông không nghe và tiếp tục công việc.

Ông đào suốt 12 tiếng đồng hồ nhưng vẫn chẳng thấy tăm hơi con đâu. Ông vừa đào vừa nghĩ: "Mình đã hứa sẽ đến đón con sau giờ tan học thì phải giữ lời, biết đâu nó còn sống dưới đống gạch vụn này thì sao ?" Nghĩ thế rồi, ông lại tiếp tục đào. 24 tiếng rồi 48 tiếng đồng hồ đã trôi qua... Rồi ông chợt nghe thấy có tiếng động. Ông gọi tên con và nghe thấy tiếng kêu rất nhỏ vọng lại: "Ba ơi ! ". Nước mắt tuôn trào và ông lại hăng hái đào tiếp cho đến tận lớp học của con. Thằng bé vẫn còn sống cùng với 20 đứa khác đang ngồi ở một góc phòng chưa bị sập. Nó chạy lại ôm chầm lấy ba vừa khóc vừa nói: "Con đã bảo với các bạn rằng: "Ba tớ đã hứa sẽ đến đón tớ, thì thế nào ba tớ cũng giữ lời. Các bạn cứ yên tâm đi, chắc chắn ba tớ sẽ đến đón tớ và sẽ cứu cả bọn mình đó".

Tiếng gọi ba của đứa con nói trên cũng tương tự như lời kinh Lạy Cha mà Đức Giê-su đã dạy chúng ta hôm nay: "Lạy Cha chúng con ở trên trời".

3) CẦU NGUYỆN TÍN THÁC VÀO QUYỀN NĂNG CỦA CHA:

Giữa đêm khuya, một căn nhà bằng gỗ nơi hẻo lánh đột nhiên bị bốc cháy. Trong cơn hoảng hốt, vợ chồng và con cái ngủ ở tầng trệt đã mau thức dậy và chạy thoát ra ngoài, rồi đành bất lực đứng nhìn ngọn lửa đang cháy lan bao trùm toàn thể ngôi nhà. Rồi bà mẹ sực nhớ ra là vẫn còn một đứa con trai út năm tuổi tối qua ngủ trên tầng gác và giờ vẫn chưa có mặt. Phải làm gì đây? Không ai có thể vào nhà đang cháy được. Giữa lúc mọi người bấn loạn thì cánh cửa sổ trên gác mở ra, cậu bé đã thò đầu ra kêu lớn: “Ba ơi cứu con!”. Từ phía dưới, người cha liền nói với cậu bé: “Con hãy nhảy xuống đi”. Nhưng làm sao cậu bé dám nhảy xuống, bởi vì cậu chỉ thấy khói và lửa ở bên dưới. Cậu bé thốt lên trong tuyệt vọng: “Làm sao con dám nhảy xuống khi không nhìn thấy ba”. Thế nhưng người cha đã trấn an: “Con không thấy ba nhưng ba lại nhìn thấy con rất rõ. Hãy cứ yên tâm nhảy xuống vì đã có ba sẵn sàng đỡ con”. Thế là với lòng tin cậy phó thác, cậu bé nhắm mắt nhảy từ trên gác cao bốn mét xuống và đã nằm gọn trong vòng tay yêu thương của cha.

Còn chúng ta hôm nay. Khi gặp khó khăn chúng ta có tin cậy và phó thác tương lai cuộc đời cho Thiên Chúa là Cha giàu lòng từ bi thương xót hay không?

4) CẦU NGUYỆN PHẢI VỪA XIN ƠN VỪA TẠ ƠN CHÚA:

Hai thiên thần được sai xuống trần gian, mỗi vị mang theo một chiếc giỏ. Họ chia tay nhau để đi khắp hang cùng ngõ hẻm, đến nhà các người giàu có cũng như nhà người nghèo khổ, thăm các trẻ em cầu nguyện tại tư gia cũng như tất cả nam phụ lão ấu cầu nguyện tại các nhà thờ.

Sau một thời gian, hai thiên thần gặp nhau đúng thời điểm đã hẹn để cùng trở về trời. Chiếc giỏ của một thiên thần thứ nhất nặng như chì, còn chiếc giỏ của thiên thần thứ hai có vẻ như chứa toàn bông gòn.

- Ông mang gì mà nặng thế? Thiên thần thứ nhất hỏi.

- "Tôi được sai đến để thu nhận tất cả những lời cầu xin của nhân loại. Thiên thần mang giỏ nặng trả lời. Rồi hỏi lại:

- Còn ông, sao giỏ của ông lại có vẻ nhẹ hều như thế?

- À, tôi được sai đến để góp nhặt những lời thiên hạ cám ơn Chúa vì những ơn lành Ngài đã thương ban.

Thì ra, chiếc giỏ thu nhận lời cầu xin luôn nặng hơn gấp bội chiếc giỏ thu nhận những lời cám ơn. Còn bạn. Bạn có biết dâng lời tạ ơn về bao ơn lành Chúa đã thương ban hay không?

3. SUY NIỆM:

1) CẦU NGUYỆN LÀ GÌ?

Cầu nguyện là thưa chuyện với Chúa, như tổ phụ Áp-ra-ham cầu nguyện với Đức Chúa, hoặc như Đức Giê-su đã dành lúc sáng sớm tinh sương hay đêm khuya thanh vắng để đàm đạo với Chúa Cha, Đấng đã sai Người đến. Cả đời sống của Đức Giê-su là một lời cầu nguyện liên lỉ. Khi làm bất cứ việc gì, hay trước khi quyết định điều gì quan trọng, Đức Giê-su đều cầu nguyện để tìm biết thánh ý Chúa Cha và mau mắn thi hành. Khi đựơc yêu cầu, Đức Giê-su đã dạy các môn đệ cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha với nội dung và tâm tình như sau:

2) NỘI DUNG CẦU NGUYỆN NHƯ KINH LẠY CHA:

- Qua lời thưa: “Lạy Cha”, Đức Giê-su dạy môn đệ phải thưa chuyện trực tiếp với Thiên Chúa như đứa con hiếu thảo tâm sự với người cha thân yêu của mình.

- Nội dung lời cầu nguyện bao gồm bốn tâm tình chính sau: Một là Chúc tụng tôn vinh Thiên Chúa qua câu: ”xin làm cho Danh thánh Cha vinh hiển, Triều đại Cha mau đến“ ( Lc 11,2 ). Hai là ăn năn sám hối vì những tội ta đã xúc phạm đến Chúa trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót qua câu: ”Xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con“ ( Lc 11, 4). Ba là cảm tạ hồng ân Chúa đã thương ban, và bốn là xin Chúa ban các ơn lành hồn xác qua câu: ”Xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy“ ( Lc 11,3), và “xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ“ (Lc 11,4).

3) TÂM TÌNH KHI CẦU NGUYỆN VỚI CHÚA:

- Kiên nhẫn cầu xin và đừng ngã lòng: như dụ ngôn hai người bạn mà người này giữa lúc đêm khuya tìm đến nhà người kia yêu cầu được giúp đỡ. Lúc đầu bị chủ nhà từ chối với lý do cả nhà đã ngủ. Nhưng cuối cùng do sự kiên trì mà chủ nhà đã phải trỗi dậy lấy bánh cho người kia để tránh khỏi tiếp tục bị quấy rầy.

- Hãy luôn tín thác vào tình thương và quyền năng vô biên của Chúa Cha: Có những điều chúng ta cầu xin mà Thiên Chúa không đáp ứng. Thực ra Chúa chưa ban là do chúng ta còn thiếu lòng tin và sự kiên trì. Hoặc Chúa không ban vì có thể điều đó có hại cho phần rỗi đời đời của ta. Bù lại, Ngài sẽ ban những ơn khác thực sự giúp ta được ơn cứu độ như lời Đức Giê-su: ”Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, lại lấy rắn thay vì cá mà cho nó ?... Vậy nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha trên trời, Người sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người” (Lc 11,11.13).

 4) CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?

- Phải kết hiệp cầu nguyện và làm việc chứ không khoanh tay ỷ lại: Thiên Chúa là Cha chung của mọi người lành kẻ dữ (x Mt 5,45b). Ngài muốn mọi người cộng tác bằng việc tuân theo các quy luật do Ngài sáng tạo là các luật tự nhiên như: Phải học hành chăm chỉ mới thi đậu; Phải uống thuốc đúng liều lượng theo toa bác sĩ giỏi mới khỏi bệnh; Phải gieo trồng đúng thời vụ và hợp khoa học kỹ thuật mới mùa gặt bội thu... Trừ ra trong vài trường hợp vì ích lợi thiêng liêng mới được Ngài can thiệp để làm phép lạ mà thôi. Do đó chúng ta không được ỷ lại vào tình thương và quyền năng của Chúa và lười biếng làm việc, chỉ biết cầu xin Chúa ban theo ý riêng ích kỷ của mình.

- Phải bỏ ý riêng để xin vâng ý Chúa: Chúng ta vừa phải làm việc lại vừa phải cầu nguyện và phó thác kết quả cho Chúa quan phòng định liệu, noi gưong Đức Giê-su trước giờ khổ nạn đã cầu xin Chúa Cha: “Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39). Trong kinh Lạy Cha, Đức Giê-su cũng dạy môn đệ cầu nguyện xin vâng ý Cha: “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Chúng ta cần vâng ý Thiên Chúa vì chỉ Ngài mới biết điều nào là tốt nhất cho phần rỗi đời đời của ta. Nhiều khi chúng ta xin được trúng số mà không biết rằng tiền bạc lại chính là rắn độc làm hại linh hồn ta sau này. Nhiều lúc chúng ta cầu xin ơn lành nhưng lại gặp tòan tai ương thất bại… Nhưng thực ra các tai ương đó chính là thuốc đắng Chúa ban để chữa lành các thói hư của ta như người đời thường nói: “Thuốc đắng dã tật”. Đó cũng là phương cách Chúa thường dùng để thánh hóa ta. Các thánh nhân đã phải trải qua bao bệnh tật và tai ương để đi con đường “Qua đau khổ vào trong vinh quang” như Chúa Giê-su đã trải qua.

- Phải vững tin Chúa có thể “rút từ sự dữ ra sự lành”: Chúng ta cần xác tín rằng: khi thành tâm cầu nguyện là chắc chắn ta đã được Chúa nhậm lời rồi. Nhưng Chúa thường ban ơn khác với suy nghĩ của ta, như ngôn sứ I-sai-a đã tuyên sấm lời Chúa: “Như trời cao hơn đất thế nào, thì đường lối Ta vượt trên đường lối các ngươi, và tư tưởng Ta cũng vượt trên tư tưởng các ngươi thế ấy” (Is 55,9). Phải sau một thời gian, chúng ta mới cảm nghiệm được các biến cố xảy ra dù trái ý ta nhưng đều là ơn Chúa ban để ban hạnh phúc thực sự cho ta. Giống như tổ phụ Giu-se đã nói với các anh đã bán ông làm nô lệ sang Ai Cập như sau: “Điều dữ anh em làm cho tôi thì Chúa đã biến ra sự lành là để tôi giờ đây có thể cứu cha già và con cháu qua cơn đói kém (x St 45,8).

4. THẢO LUẬN: Bạn nên có thái độ thế nào khi cầu xin điều tốt đẹp chính đáng cho mình hay cho người khác mà lâu ngày vẫn không được Chúa ban như ý?

5. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Con xin thú thật là con ít cầu nguyện. Con chưa cảm nghiệm được giá trị của lời cầu nguyện và thường ngần ngại khi phải đến nhà thờ dự lễ đọc kinh. Xin cho con biết noi gương Chúa xưa: dành thời gian trong ngày để thưa chuyện với Chúa Cha, lắng nghe lời Chúa phán trong Thánh Kinh và mau mắn xin vâng, tránh lạm dụng lòng khoan dung nhân từ của Chúa Cha. Xin cho con hăng say cộng tác với mọi người để làm cho Nước Cha được mau trị đến.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

Chúa nhật tuần thứ 17 thường niên C
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 11, 1-13).

Ngày kia, Chúa Giêsu cầu nguyện ở một nơi kia. Khi Người cầu nguyện xong, có một môn đệ thưa Người rằng: “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện như Gioan đã dạy môn đệ ông”. Người nói với các ông: “Khi các con cầu nguyện, hãy nói: ‘Lạy Cha, nguyện xin danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha mọi kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ’“.

Và Người còn bảo các ông rằng: “Nếu ai trong các con có người bạn, giữa đêm khuya đến nói với người ấy rằng: ‘Anh ơi, xin cho tôi vay ba chiếc bánh, vì tôi có anh bạn đi đường ghé lại nhà tôi, mà tôi không có gì thết đãi anh ấy’. Và từ trong nhà có tiếng người ấy đáp: ‘Xin đừng quấy rầy tôi, vì cửa đã đóng, các con tôi và tôi đã lên giường nằm rồi, tôi không thể chỗi dậy lấy bánh cho anh được’. Thầy bảo các con, dù người đó không dậy vì tình bạn để lấy bánh cho người bạn, người đó cũng sẽ dậy, ít nữa là vì sự quấy rầy của người kia mà cho anh ta tất cả những gì anh ta cần.

“Và Thầy bảo các con: Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, ai gõ thì sẽ mở cho. “Người cha nào trong các con có đứa con xin bánh mà lại cho nó hòn đá ư? Hay nó xin cá, lại cho nó con rắn thay vì cá sao? Hay nó xin quả trứng, lại cho nó con bọ cạp ư? Vậy, nếu các con là những kẻ gian ác, còn biết cho con cái mình những của tốt, phương chi Cha các con trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người”.

Suy niệm

Khi cuộc sống quá ồn ào, người ta tìm đến những nơi thanh tĩnh để được thư giãn tâm hồn, khi bầu khí bị ô nhiễm quá nặng, người ta tìm đến những vùng đất xa phố thị, xa nhà máy, để tận hưởng một bầu không khí trong lành, mát mẻ, khi phải chạy đua với muôn vàn yếu tố khác của cuộc sống, người ta thích có những ngày cuối tuần ở một nơi bình yên, để cả gia đình được sum vầy bên nhau trong tình người.  Sống giữa một thế giới như thế, chắc chắn đời sống tôn giáo cũng ảnh hưởng không ít những đám mây ồn ào, thực dụng và toan tính hơn thiệt, vì thế, phụng vụ Lời Chúa tuần lễ thứ 17 thường niên, mời gọi người tín hữu Kitô hãy tìm nơi thanh vắng, hãy đi vào sa mạc giữa cuộc sống, để thưa chuyện với Thiên Chúa, để lắng nghe Ngài chỉ dạy cách sống những phút giây hiện tại, đồng thời, để cho tâm hồn được tái sinh trong nguồn dưỡng chất của tình Trời, để giúp tái tạo cho bản thân một không gian về cả tinh thần lẫn cuộc sống. Đó là những phút giây cầu nguyện bên Chúa và trong Chúa.

Theo dõi cuộc trò chuyện giữa tổ phụ Abraham với các Thiên Sứ của Thiên Chúa, hay nói cách khác, đó là một cuộc mặc cả về số phận những con người tội lỗi, đang bị Thiên Chúa nghiêm phạt, chúng ta thấy sức mạnh và sự kiên nhẫn trong lời cầu nguyện, có thể đem lại những giá trị thiêng liêng, những niềm vui cho bao tội nhân. Tất cả được tác giả sách Sáng Thế Ký đã trình bày cho chúng ta trong bài đọc 1 hôm nay: “Các vị ấy bỏ nơi đó, đi về hướng thành Sôđôma. Nhưng Abraham vẫn còn đứng trước mặt Chúa. Ông tiến lại gần Người và thưa: “Chớ thì Chúa sắp tiêu diệt người công chính cùng với kẻ tội lỗi sao? Nếu có năm mươi người công chính trong thành, họ cũng chết chung hay sao? Chúa không tha thứ cho cả thành vì năm chục người công chính đang ở trong đó sao? Xin Chúa đừng làm như vậy, đừng sát hại người công chính cùng với kẻ dữ! Xin đừng làm thế! Chúa phán xét thế giới, Chúa không xét đoán như thế đâu”. Trước bản án nghiêm khắc của Thiên Chúa dành cho các tội nhân, tổ phụ Abraham đã cúi mình cầu xin sự tha thứ của Thiên Chúa, ông đã nại vào lòng nhân từ của một người Cha, để xin tha tội cho anh chị em trong các thành phố đã xúc phạm đến Ngài. Thiên Chúa không thua lòng quảng đại của con người, Ngài sẵn lòng tha thứ khi chỉ cần một ít người biết sám hối, biết quay trở về với Thiên Chúa. Tha thứ là bản chất của tình yêu, một tình yêu cho đi, một tình yêu không cần đáp đền.

Trước những sai phạm của con người, Thiên Chúa có thể loại trừ khỏi gia đình của Ngài, thế nhưng, thay vì trừng phạt, Thiên Chúa đã sai người Con duy nhất của Ngài xuống cứu độ con người. Cái chết trên thập giá của người Con Thiên Chúa, lời cầu nguyện với đôi tay dang rộng của người Con đó, đã đem lại cho con người sự sống, ơn tha thứ và phúc bình an của trời cao: “Anh em vốn đã chết vì tội lỗi anh em và bởi không cắt bì tính xác thịt của anh em, nhưng Thiên Chúa đã cho anh em được chung sống với Người, Người đã ân xá mọi tội lỗi chúng ta, đã huỷ bỏ bản văn tự bất lợi cho chúng ta, vì làm cho chúng ta bị kết án; Người đã huỷ bỏ bản văn tự đó bằng cách đóng đinh nó vào thập giá”. Lời cầu xin của Đức Giêsu trên thập giá, là một lời cầu nguyện đầy đủ ý nghĩa, đem lại cho nhân loại một niềm vui lớn lao, đó là được Thiên Chúa Cha tha thứ tội lỗi, không phải mang án tử, hơn nữa, còn được phục hồi địa vị làm con của Thiên Chúa, được trở về ngôi nhà tình yêu là Nước Trời.

Được mời gọi để trở thành người gieo giống của Thiên Chúa Cha, các môn đệ chưa thể lãnh hội những gì Thầy muốn nơi họ, vì thế, họ đã xin Đức Giêsu hướng dẫn họ cách thưa chuyện với Chúa Cha, để biết được phần nào ý muốn của Thiên Chúa trong cuộc đời, sứ mạng của mỗi người. từ đó, Đức Giêsu đã dạy họ cầu nguyện, dạy họ sống tình liên đới cộng đoàn. Chính trong lời cầu nguyện đúng nghĩa, người môn đệ của Đức Giêsu trở nên một con người sống cho mọi người, sống cùng mọi người và sống với mọi người: “Khi các con cầu nguyện, hãy nói: ‘Lạy Cha, nguyện xin danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha mọi kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ’”. Dù chỉ là một lời hướng dẫn đơn sơ, nhưng gói trọn tình Trời và tình người thật bao la. Đức Giêsu muốn người môn đệ của Ngài hãy cộng góp tinh thần và khả năng, để xây dựng một Nước Trời đúng nghĩa ở trần gian, từ đây, Ngài hướng các  môn đệ tới trách vụ thứ hai là xây dựng tình huynh đệ cộng đoàn, biết chia sẻ cho nhau, biết cảm thông và nâng đỡ nhau trong cuộc sống hàng ngày. Cơm áo gạo tiền không phải là cứu cánh của con người, tất cả chỉ là phương tiện, chỉ là nhu cầu tối thiểu, đừng biến thành điểm đến của con người.

Để hiểu đúng nghĩa của lời cầu nguyện đã là một khó khăn, để cầu nguyện cho phải đạo, càng khó khăn hơn nữa, bởi người tín hữu có thói quen chỉ cầu xin cho những nhu cầu hàng ngày, cho những hoài bão tương lai của bản thân, của gia đình. Lời cầu xin chỉ xướng lên những khó khăn về bệnh tật, những khó khăn về kinh tế, những khó khăn về cuộc sống hôn nhân, gia đình, tất cả được xướng lên để mong thoát khỏi những khổ đau, những vất vả và những dằn vặt lương tâm của phút giây hiện tại. Lời cầu nguyện thực sự không phải là liệt kê, không phải là van xin, nhưng là lời chúc tụng, là những lời nguyện cầu cho tha nhân, cho Nước Trời, cho những giá trị của Tin mừng được tôn trọng từ nơi gia đình, cho đến cộng đoàn, đến mọi sinh hoạt xã hội. Lời cầu nguyện còn mang dấu ấn của tâm tình tạ ơn. Được tha thứ tội lỗi, được cứu độ và được sống trong gia đình của Thiên Chúa, có phải là một ân phúc lớn lao mỗi người được đón nhận từ Thiên Chúa tình yêu, vì thế, tạ ơn sẽ là một lẽ thường tình của những người biết sống, biết nhìn xa và biết nhìn vào chính mình. Lời cầu nguyện còn là ước mong được hòa mình vào trong dòng chảy của tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu không sống cho mình, một tình yêu dành cho tha nhân, một tình yêu đem lại hòa bình cho thế giới.

Có phải người tín hữu hôm nay đang sống trong một thế giới thực dụng, nên lời cầu nguyện mỗi ngày của họ thiếu đi một chút chia sẻ, tất cả chỉ biết trình bày và ước mong cho những nhu cầu hàng ngày được sung túc, được trọn vẹn và được bình an. Lời cầu nguyện hàng ngày của họ cũng chỉ dừng lại nơi những nhu cầu cá nhân, mà quên đi rằng, bản thân mình là một chi thể trong thân thể mầu nhiệm thiêng liêng, có đầu là Đức Giêsu Kitô. Thiếu vắng tình người, thiếu vắng sự chia sẻ, người tín hữu đang dần đánh mất tình liên đới cộng đoàn trong các xứ đạo cũng như chính trong gia đình của họ. Lời cầu nguyện của người tín hữu không chỉ là sợi dây nối kết giữa những người đang sống, nhưng còn nối kết với những người đã qua đời, tất cả tạo nên mối hiệp thông trong mầu nhiệm các thánh cùng thông công. Vì thế, khi nói đến việc cầu nguyện, người tín hữu cần ý thức việc làm thiêng liêng này, bởi đây là một sự kết nối bản thân mình với tất cả mọi thành phần dân Chúa, đặc biệt là được đi vào quỹ đạo của mầu nhiệm cứu độ đến từ Thiên Chúa. Từ quỹ đạo tình yêu cứu độ này, bao tâm hồn khô khan nguội lạnh sẽ được Thiên Chúa biến đổi, bao con người lầm lạc, sẽ được soi chiếu để tìm về với đoàn chiên, với chủ chiên của mình. Đức Giêsu, dù là Thiên Chúa, nhưng Ngài vẫn luôn cầu nguyện để tìm thánh ý Chúa Cha, Ngài cũng hướng dẫn các môn đệ ngày xưa và chúng ta hôm nay, hãy cầu nguyện để tâm hồn có thêm dưỡng chất thiêng liêng, hãy cầu nguyện để được thông chia sự sống của Thiên Chúa trong tình hiệp thông, hãy cầu nguyện để anh chị em đó đây được thừa hưởng nguồn ơn thánh đến từ tình yêu Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, mỗi sáng tinh sương hàng ngày, Chúa tìm nơi thanh vắng để cầu nguyện, để tìm thánh ý Chúa Cha và gắn bó với Ngài trong chương trình cứu độ con người, xin giúp chúng con biết siêng năng cầu nguyện, để được gia tăng nguồn dưỡng chất tình yêu cho hành trình đức tin và đời sống đạo. Chúa muốn các môn đệ hãy cầu nguyện để nâng đỡ nhau khi gặp khó khăn và đau khổ, xin giúp chúng con cố gắng cầu nguyện để khi gặp đau khổ, luôn biết nương tựa vào tình yêu thương của Chúa, biết phó thác mọi thất bại và yếu đuối, để được Chúa đem lên thập giá, đóng chặt vào đó, hầu mỗi ngày chúng con lại được phục sinh trong tình yêu cứu độ của Thiên Chúa nhân từ. Amen.
 
 
CẦU NGUYỆN HAY CẦU XIN?
(Chúa Nhật XVII TN C) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

Một thực tế trong đời Kitô hữu đó là hễ cầu nguyện thì không thể không cầu xin. Hễ nói đến cầu nguyện là người ta nghĩ ngay đến những ơn cần cầu xin. Có lẽ vì cuộc sống con người lắm gian truân và đầy dẫy những bất an, gian khổ, bên cạnh đó thì khát vọng cũng như nhu cầu của con người thì dường như vô tận. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ một chút thì việc cầu xin cũng là một cách thế cầu nguyện mang tính hiện sinh. Dù rằng theo cái nhìn tu đức truyền thống thì khi cầu nguyện, việc cầu xin xem ra không bằng việc tạ ơn, ngợi khen hay chúc tụng Thiên Chúa.

Lần kia một môn đệ nói với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gioan đã dạy các môn đệ của ông.” Và Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ: “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: “Lạy Cha, xin làm cho thánh danh Cha vinh hiển…; xin tha tội cho chúng con…” (x.Lc 11,1-4). Tin Mừng Matthêu cũng tường thuật việc Chúa Giêsu dạy cầu nguyện với “Kinh Lạy Cha” bằng những lời cầu xin (x.Mt 6,9-13). Qua những lời cầu xin chúng ta nhận ra một vài tâm tình vừa chính đáng vừa phải đạo và cũng vừa rất “dễ thương” như sau:

1. Tâm tình tin tưởng, cậy trông vào tình yêu và quyền năng của Đấng chúng ta cầu xin: Đã cất lời cầu xin với ai, thì dĩ nhiên ít nhiều đã có sự tin tưởng và cậy trông vào người ấy. Xin với ai điều gì, thì giả thiết đã tin tưởng người ấy có khả năng thực hiện điều chúng ta xin. Xin điều gì với ai là giả thiết đã cậy trông vào tình yêu của người ấy dành cho mình. Dưới một góc độ nào đó, thì lời cầu xin cũng là một lời tuyên xưng đức tin.

2. Tâm tình thống hối, ăn năn: Nếu điều cầu xin là ơn tha thứ thì người cầu xin không chỉ bày tỏ lòng tin vào sự khoan dung của người mình xin mà còn bày tỏ sự ăn năn thống hối về lỗi lầm mình đã phạm. Theo cái nhìn này thì lời cầu xin cũng là lời xưng thú tội lỗi.

3. Tâm tình khiêm hạ nhìn nhận sự hạn chế, bất toàn và cả bất lực của mình: “Xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ…” (x.Lc 11,3-4; Mt 6,11.13). Nội hàm những lời cầu xin trên đây quả là một lời thú nhận sự bất toàn, bất lực của người xin. Không có ơn Chúa thì chúng ta không thể làm được sự gì tốt đẹp. Nếu Chúa không nâng đỡ thì chúng ta không thể đứng vững trước mãnh lực của thần dữ, như “sư tử luôn rảo quanh chúng ta để rình chờ cắn xé, phân thây” (x.1P5,8).

4. Tâm tình thảo hiếu: “Nguyện cho danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (x.Mt 6,9-10; Lc 11,1). Một người con biết nghĩ đến Danh, Vương quyền, Ý, Lời của Cha là một người con sống đạo thảo hiếu đúng phận.

5. Sự liên đới, tương thân tương ái trong nghĩa tình huynh đệ: Chúng ta nhận ra sự thật này qua hai từ “chúng con” của lời kinh “Lạy Cha”. Hơn nữa, khi đã tuyên xưng, nhìn nhận Thiên Chúa là Cha, thì một cách nào đó đã nhìn nhận tha nhân là anh chị em của mình. Sự tương thân tương ái được biểu hiện cách rõ nét và thiết thực bằng sự liên đới.

Câu chuyện Abraham cò kè bớt một thêm hai để xin Thiên Chúa tha thứ cho dân hai thành Sôđôma và Gômôra là một minh họa. Lòng hiếu thảo luôn sánh đôi với nghĩa tình huynh đệ. Một người sống có tình với mẹ cha, thì hẳn luôn có lòng với anh chị em. Ngược lại khi đã biết sống có tình với huynh đệ thì luôn làm đẹp lòng mẹ cha. Và các đấng bậc sinh thành vốn nhận tình nghĩa huynh đệ của đàn con như là một trong những cách thế đẹp nhất mà đàn con bày tỏ lòng thảo hiếu với mình. Chúng ta nhận ra sự thật này khi cha ông chúng ta đã gắn kết hai mối tình ấy bằng hạn từ ghép “tình hiếu đễ”.

Mối tình của Abraham dành cho dân hai thành Sôđôma và Gômôra một cách nào đó còn bị giới hạn. Dù rằng đã dùng hết cách để có kè bớt dần con số người công chính để xin Thiên Chúa thứ tha cho họ, thì Abraham đã không vượt qua con số “mười”. Điều này cho chúng ta thấy rằng mặc dù tình thân của Abraham đối với Thiên Chúa thật đậm đà, nhưng vẫn còn bị hạn chế cách nào đó vì sự mạc khải thời Cựu Ước chưa hoàn hảo. Chắc hẳn Abraham luôn mong ước được thấy ngày của Con Người, ngày mà chân lý được tỏ bày cách hoàn hảo nơi Đức Giêsu Kitô (x.Ga 8,56). Giả như ông chứng kiến ngày ấy thì ông đã bớt dần con số xuống chỉ còn một người công chính. Quả vậy, “cũng như vì một người duy nhất đã sa ngã mà mọi người bị Thiên Chúa kết án, thì nhờ một người duy nhất đã thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng đã được Thiên Chúa làm cho nên công chính, nghĩa là được sống” (Rm 5,18).

Tuy nhiên, có thể nói rằng cầu xin không phải là để Thiên Chúa biết các nhu cầu của chúng ta, vì chính Người đã biết rõ những gì chúng ta cần trước khi chúng ta cất lời khẩn xin (x.Mt 6,8). Và dĩ nhiên, đã là người Cha trên các người cha và là nguồn gốc của mọi tình phụ tử, thì Thiên Chúa sẵn sàng ban mọi sự tốt lành cho chúng ta. Và cần phải khẳng định rằng nội hàm những lời cầu xin là để giúp chúng ta nhận biết những gì chúng ta cần, và để chúng ta sẵn sàng đón nhận cũng như sẵn sàng thực thi.

“Xin cho danh Cha cả sáng”. Chúng ta không xin thì trời xanh vẫn phản ánh vinh quang của Người. Chúng ta xin là để biết cách cộng tác với ơn Chúa làm cho Thánh danh Người tỏ rạng nơi cuộc đời con người chúng ta. “Xin Cha tha nợ cho chúng con”. Chúng ta chưa xin thì Đức Kitô đã chết để ban ơn tha thứ cho chúng ta ngay khi chúng ta còn là kẻ phản nghịch. Cầu xin là để biết cách thế đón nhận hồng ân tha thứ Chúa đã tặng ban. Một trong những cách thế để đón nhận hồng ân thứ tha của Thiên Chúa đó là quảng đại tha thứ cho tha nhân (x.Mt 6,14-15).

Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên để tiếp xúc, gặp gỡ Thiên Chúa. Tiếp xúc, gặp gỡ Chúa để biết Chúa, yêu mến Chúa và để thực hiện thánh ý của Người. Như thế, cầu nguyện, cầu xin không phải là để bắt Thiên Chúa thực hiện điều chúng ta muốn, nhưng là để bắt chính mình thực thi điều Thiên Chúa muốn. Vấn đề đặt ra đó là cần phải biết cầu xin những gì đẹp ý Chúa. Một trong những điều đẹp ý Chúa nhất đó là tôi và mọi người cùng được hưởng ơn cứu độ, được hưởng hạnh phúc ngay hôm nay và ngày sau.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây