TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật V Phục Sinh -Năm B

“Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sinh nhiều trái”. (Ga 15, 1-8)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật XVIII Thường Niên -Năm C

26/07/2022 04:43:27 |   708

Chúa Nhật XVIII Thường Niên -Năm C
 

cn18TN C


Lc 12, 13-21

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XVIII Thường Niên -Năm C

Ca nhập lễ

Ôi Thiên Chúa, xin Chúa vui lòng giải thoát tôi, Lạy Chúa, xin Ngài hãy mau mau giúp đỡ tôi. Chúa là Đấng giúp đỡ và giải thoát tôi; Ôi lạy Chúa, xin Ngài chớ nên chậm trễ.

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Một trong những nỗi khát vọng lớn của con người là ước muốn được an toàn. Những quảng cáo bảo hiểm, để dành tiền trong ngân hàng, đều đánh đúng vào cái bản năng muốn được an toàn và sinh tồn. Xét về đời sống vật chất, chúng ta đều sửa soạn dự liệu cho tương lai khi về già.

Bài sách Giảng Viên nói về những người làm việc vì sự nghiệp trần gian, coi đó là cùng đích, thì những cố gắng của họ là hư không, vì nó không dựa trên những sự nghiệp vĩnh cửu, nên con người ăn không ngon ngủ không yên là phải. Vì thế, Thánh Phaolô Tông Đồ trong thư gửi tín hữu Colosê căn dặn ta hãy tìm kiếm những sự trên trời, đừng lo những của cải trần thế.

Chính vì vậy Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng đã muốn chúng ta hãy đặt cho đúng chỗ những ước muốn của con người. Vậy chúng ta hãy bước theo Đức Kitô trong hiến tế giờ đây, bằng lòng thống hối ăn năn, cương quyết từ bỏ những ràng buộc bất chính để xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, chúng con tự hào vì được Chúa dựng nên và hướng dẫn; xin Chúa hằng dủ thương nâng đỡ chúng con, cùng ban ơn đổi mới và gìn giữ mọi loài Chúa dựng nên cho chúng con được hưởng nhờ. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Gv 1, 2; 2, 21-23

“Ích gì cho người bởi mọi việc mình làm”.

Trích sách Giảng Viên.

Giảng Viên đã dạy rằng: Hư không trên các sự hư không, hư không trên các sự hư không, và mọi sự đều hư không. Vì kẻ này làm việc vất vả trong sự khôn ngoan, hiểu biết và lo lắng, rồi phải để sự nghiệp lại cho người ở nhưng không, thì thật là hư không và tai hại lớn lao. Ích gì cho người bởi mọi việc mình làm mà phải chịu đau khổ cực lòng dưới phàm trần? Suốt ngày của họ đầy sự đau khổ gian truân, và ban đêm lại không được yên lòng, thế thì chẳng phải là hư không sao?

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 94, 1-2. 6-7. 8-9

Ðáp: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: các ngươi đừng cứng lòng (c. 8).

Xướng: Hãy tới, chúng ta hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hô Ðá Tảng cứu độ của ta! Hãy ra trước thiên nhan với lời ca ngợi, chúng ta hãy xướng ca để hoan hô Người. 

Xướng: Hãy tiến lên, cúc cung bái và sụp lạy, hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Ðấng tạo thành ta. Vì chính Người là Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người. 

Xướng: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: “Ðừng cứng lòng như ở Mêriba, như hôm ở Massa trong khu rừng vắng, nơi mà cha ông các ngươi đã thử thách Ta, họ đã thử Ta mặc dầu đã thấy công cuộc của Ta”. 

Bài Ðọc II: Cl 3, 1-5, 9-11

“Anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.

Anh em thân mến, nếu anh em đã sống lại với Ðức Kitô, anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời, chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất. Vì anh em đã chết, và sự sống anh em được ẩn giấu với Ðức Kitô trong Thiên Chúa. Khi Ðức Kitô là sự sống anh em xuất hiện, bấy giờ anh em sẽ xuất hiện với Người trong vinh quang. Vậy còn sống trên địa cầu, anh em hãy kiềm chế các chi thể anh em, là sự gian dâm, ô uế, dục tình, đam mê xấu xa và hà tiện, tức là sự thờ phượng thần tượng.

Anh em chớ nói dối với nhau; anh em hãy lột bỏ người cũ cùng các việc làm của nó, và mặc lấy người mới, con người được đổi mới theo hình ảnh của Ðấng đã tạo thành nó: ở đấy không còn là dân ngoại và Do-thái, chịu phép cắt bì hay không chịu phép cắt bì, người man rợ hay người Scytha, nô lệ hay tự do nữa, nhưng mọi sự và trong mọi sự có Ðức Kitô.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mt 4, 4b

Alleluia, alleluia! – Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 12, 13-21

“Những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có người trong đám đông thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia gia tài cho tôi”. Người bảo kẻ ấy rằng: “Hỡi người kia, ai đã đặt Ta làm quan xét, hoặc làm người chia gia tài cho các ngươi?” Rồi Người bảo họ rằng: “Các ngươi hãy coi chừng, giữ mình tránh mọi thứ tham lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu”.

Người lại nói với họ thí dụ này rằng: “Một người phú hộ kia có ruộng đất sinh nhiều hoa lợi, nên suy tính trong lòng rằng: ‘Tôi sẽ làm gì đây, vì tôi còn chỗ đâu mà tích trữ hoa lợi?’ Ðoạn người ấy nói: ‘Tôi sẽ làm thế này, là phá các kho lẫm của tôi mà xây những cái lớn hơn, rồi chất tất cả lúa thóc và của cải tôi vào đó, và tôi sẽ bảo linh hồn tôi rằng: “Hỡi linh hồn, ngươi có nhiều của cải dự trữ cho nhiều năm: ngươi hãy nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi đi”. Nhưng Thiên Chúa bảo nó rằng: ‘Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?’ Vì kẻ tích trữ của cải cho mình mà không làm giàu trước mặt Chúa thì cũng vậy”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Của cải vật chất là hồng ân Chúa ban để ta hưởng dùng và mưu cầu hạnh phúc. Nhưng phải sử dụng cách nào cho hợp ý Chúa. Trông cậy ơn Chúa giúp, chúng ta dâng lời cầu xin.

1. “Ích gì cho ngươi bởi mọi việc mình làm mà phải chịu đau khổ cực lòng dưới phàm trần?”- Xin cho các vị lãnh đạo dân Chúa tha thiết với sứ vụ, vì ý thức rằng sau khi lận đận vì đoàn chiên Chúa, luôn được Chúa trao lại cho phần thưởng cả đời này lẫn đời sau.

2. “Anh em hãy lột bỏ con người cũ cùng các việc làm của nó”.- Xin cho các tín hữu nhờ ân sủng của Chúa và sống hi sinh, theo gương Chúa Kitô và các Thánh, để trị diệt con người cũ và thăng hoa con người mới, xứng với danh hiệu nghĩa tử của Thiên Chúa.

3. “Các ngươi hãy coi chừng giữ mình tránh khỏi mọi thứ tham lam”– Xin cho các nhà khoa học biết yêu chuộng hòa bình, quyết tâm không phát minh những vũ khí giết hại nhân loại, hầu có thể thực tâm mưu cầu hòa bình cho mọi nơi, để thế giới mà Chúa đã tạo dựng cách tốt đẹp, không bị hủy diệt vì bàn tay tội lỗi của con người

4. “Chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm đâu”- Xin cho những người sống đời dâng hiến luôn nhớ rằng: nhân loại cần lời cầu nguyện chân thành và sốt sáng của họ hơn bất cứ gì khác, để thế giới được ổn định và phát triển.

Chủ tế: Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn nhớ rằng: cầu nguyện là hiện diện trước nhan Chúa, bầy tỏ tình yêu và gắn bó với Ngài, để không gì có thể làm chúng con xa lìa Chúa dù tiồn tài, danh vọng hay bất cứ gì khác. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin thánh hóa và chấp nhận của lễ này là biểu hiện lễ tế thiêng liêng của Giáo Hội; xin Chúa cũng thương tình biến đổi chúng con thành của lễ muôn đời đẹp lòng Chúa. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, xin ban cho chúng tôi bánh bởi trời, có đủ mọi mùi thơm ngon và mọi hương vị ngọt ngào.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta sẽ không hề đói, ai tin vào Ta sẽ không  hề khát bao giờ.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúa không ngừng ban ơn phù trợ và lấy bánh bởi trời bồi dưỡng chúng con; xin tiếp tục chở che nâng đỡ để chúng con xứng đáng hưởng nhờ ơn cứu chuộc muôn đời. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

“Tiền nhiều để làm gì?”

Chúa nhật thứ XVIII mùa Thường niên – năm C
+ TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Từ vài tháng nay, trong ngôn ngữ thường ngày hoặc các bài viết trên báo mạng, người ta trích dẫn một câu nói đã trở thành “nổi tiếng”: “Tiền nhiều để làm gì?”. Đây là phát ngôn của một vị đại gia có tiếng tăm trong thương trường, được người ta tôn làm “vua” và sở hữu một tài sản khổng lồ. Điều đáng nói là vị đại gia ấy, tuy nhiều tiền, mà hạnh phúc lại long đong. Thế nên, sau nhiều năm chung sống, đôi vợ chồng ấy có nhiều bất đồng và phải ra tòa ly dị. Báo chí tốn khá nhiều giấy mực về việc ly hôn của cặp vợ chồng này. Vụ án xem ra chưa có hồi kết thúc, vì còn nhiều bất đồng về việc chia tài sản.

Cùng với vụ ly hôn đình đám vừa nêu, xung quanh chúng ta có biết bao tranh chấp thường xuyên xảy ra và đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Đó là những xung đột, kiện cáo nhau ra tòa. Nhiều vụ việc mà đương đơn và bị đơn là những người có mối liên hệ rất gần gũi thiêng liêng, thậm chí là cha mẹ với con cái. Những điều này cho thấy không phải lúc nào tiền bạc cũng đem lại cho con người hạnh phúc.

“Tiền nhiều để làm gì”, khi mái ấm không còn, tình yêu biến thành thù hận, vợ chồng thành kẻ thù? Đây là một trải nghiệm cay đắng. Bởi lẽ tiền bạc rất quý, nhưng không phải lúc nào nó cũng đem cho chúng ta hạnh phúc.

Dù không trực tiếp đặt câu hỏi chính xác như trên, trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng ngầm hỏi anh phú hộ: “Tiền để làm gì?” qua lời kết án: “Nội đêm nay, người ta sẽ đòi mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?”. Anh phú hộ đáng trách không phải vì anh giàu, mà vì anh sống ích kỷ, khép kín và không quan tâm đến người khác. Anh nghĩ rằng tiền bạc sẽ đem lại cho anh tất cả, và nhất là cho anh được hạnh phúc. Nhưng thực tế không phải như vậy. Trong khi anh tự cho mình là giàu có và những người khác trầm trồ khen ngợi anh là khôn ngoan, thì Thiên Chúa lại bảo anh ta là “đồ ngốc”. Anh mải mê tính toán và quá tự tin vào kho tàng của mình, nhưng điều quan trọng là sự sống con người thì anh lại chẳng giữ được.

Chúa Giêsu đã kết luận câu chuyện: “Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó”. Thông điệp mà Chúa muốn gửi cho chúng ta qua hình ảnh người phú hộ quá rõ ràng: có nhiều người giàu có về của cải mà nghèo nàn về tình người. Họ cũng sẽ phải chịu số phận như anh phú hộ trên đây. Nếu chỉ lo tích cóp nhiều của cải, khi chết nào có mang được gì đâu.

Cuộc đời là phù du. Tác giả sách Giảng Viên có lối hành văn của một lãng tử. Ông coi mọi sự như rơm rác và cho rằng mọi sự dưới gầm trời này chỉ là “sắc sắc không không”. Tất cả chi là hư vô. Trăm năm trước chẳng có ta; trăm năm sau cũng thế. Cuộc đời sẽ rất nhàm chán và đơn điệu nếu như không có Chúa. Ngài là lý tưởng của đời sống chúng ta. Tin vào Ngài làm cho cuộc này đậm đà hương vị và ý nghĩa ngọt ngào. Tin vào Chúa giúp ta mở rộng tâm hồn để chia sẻ và cảm thông với tha nhân, và như thế cuộc đời bớt đi vẻ đơn điệu. Kinh nghiệm thực tế cho chúng ta thấy một cuộc sống ích kỷ, khép kín dù có phú túc mà thiếu niềm vui, dù có dồi dào mà không hạnh phúc. Khi kết luận mọi sự để hư vô, tác giả sách Giảng Viên khuyên chúng ta hãy tìm đến những giá trị bền vững, kiếm tìm những của cải không ai lấy mất được.

Thực ra, ai trong chúng ta cũng cần tiền và ai trong chúng ta cũng phải có tiền mới sống được. Tiền bạc giúp chúng ta có cuộc sống ổn định và xứng với phẩm giá con người. Tuy vậy, những ai tham lam và kiếm tiền bằng những phương pháp trái với lương tâm và luật Chúa, sớm hay muộn cũng sẽ thất bại. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta, cùng với việc kiếm kế sinh nhai để bảo đảm cuộc sống cách lương thiện, chúng ta cũng phải lo lắng cho tâm hồn, để đến lúc Chúa đến gọi, chúng ta sẵn sàng và thanh thản về với Ngài.

“Hãy hướng lòng trí về thượng giới!”. Thánh Phaolô khuyên chúng ta như vậy (Bài đọc II). Bởi lẽ cuộc sống này chắng phải là quê hương vĩnh cửu. Chúa Giêsu đã sống lại, như một bảo chứng của quyền năng Thiên Chúa. Tìm kiếm những gì thuộc thượng giới là mặc lấy Đức Kitô. Ngược lại với thượng giới là hạ giới, tức là những nết xấu đang tồn tại trong con người chúng ta: gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam dối trá. Khi loại bỏ được con người hạ giới, chúng ta sẽ nhẹ nhàng thanh thản để theo Đức Kitô và thuộc trọn về Người.

“Tiền bạc chưa bao giờ và không bao giờ khiến con người hạnh phúc, trong bản chất nó không có gì có thể tạo ra hạnh phúc. Một người càng có nó nhiều bao nhiêu càng muốn nó nhiều bấy nhiêu” (Benjamin Franklin).
 

Chúa nhật 18C Thường niên
(Lc. 12:13-21) Lm. Lã Mộng Thường

Khi đọc hoặc nghe bài Phúc Âm vừa được công bố, nhận thức kinh nghiệm sống hiện về rõ ràng nơi tâm trí mỗi người. Ai cũng thế, vào đời đơn độc và ra đi lạnh lùng. Cuộc đời này không ai dọn sẵn cỗ cho ai và cũng không ai đợi chờ cơ hội sẵn cỗ ngồi vào. Nơi cuộc sống, tay làm hàm nhai, tay quai tất nhiên miệng trễ. Nếu ai để ý xem xét sẽ nhận được điều khá lạ lùng đó là có những người chịu khó làm lụng cực khổ, ăn tiêu chừng mực thế mà nghèo vẫn hoàn nghèo trong khi lại cũng có những người chúng ta thường gọi là được sinh ra trong bọc điều, làm chơi ăn thật, giầu có, cuộc sống thảnh thơi.…

Tuy nhiên, cho dù có cuộc đời thế nào chăng nữa, khi xuôi tay nhắm mắt, người giầu có, quyền hành cũng như nghèo hèn, khốn khổ, đều bị chôn vùi nơi lòng đất và xác thân trở thành tro bụi như nhau. Nếu có những trường hợp đặc biệt lại tùy thuộc cuộc sống tâm linh của người đó thế nào. Qua nhận xét tổng quát như thế, chúng ta có thể nêu lên nhận định: cuộc đời là phương tiện cũng như cơ hội cho con người trong giai đoạn có sự hiện hữu hữu hình. Và vì có xác thân nên của cải vật chất là phương tiện giúp con người tiếp tục sống để hoàn thành sứ mạng được trao phó… cũng như công việc làm là phương tiện cung cấp nhu yếu, là kế sinh nhai để con người tiếp tục sống. Nếu nhận xét về sự sống của một con người, chúng ta được sinh ra với đầy đủ những điều kiện thiết yếu như nhau, dẫu có những trường hợp đặc biệt mà bình thường, chúng ta chưa có đủ khả năng để nhận biết nguyên nhân tại sao. Ai cũng có con tim liên tục đập, lá phổi thở, mắt mũi, tay chân v.v... nhưng vì đã không để ý tìm hiểu chính mình, chúng ta cho thân xác của mình là sự thường bởi đó đã đặt nặng giá trị của một người dựa trên giá trị tiền bạc, tài sản, của cải mình có được.

Khi đặt giá trị con người nơi tiếng tăm gặt hái được qua công việc hay lối sống, chúng ta có câu, “Trâu chết để da, người ta chết để tiếng”. Tiếng ở đây là tiếng tốt chứ không phải tiếng xấu. Hay như quan niệm của Nguyễn Công Trứ qua lời thơ, “Đã sinh ra ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông”. Hoặc đôi khi chúng ta thấy nơi những chương trình truyền hình, người ta định giá con người bằng giá trị Mỹ kim… Ông nghệ sĩ này trị giá vài triệu Mỹ kim, nữ tài tử kia vài chục triệu hoặc hơn hay kém.

Thử đặt lại vấn đề, giả sử con tim của chúng ta không đập mới đáng ngại, không nhà lớn, không xe đẹp, chúng ta vẫn sống. Dù được định giá bao nhiêu hay không bao giờ được ai để ý, cuộc đời hoặc giá trị của con người chúng ta cũng thế mà thôi. Khi xuôi tay nhắm mắt, thân xác của ai rồi cũng như ai, trở về lòng đất. Như vậy, giá trị của một người không tùy thuộc bất cứ gì mà tự có giá trị bởi có được sự hiện hữu, có cuộc đời nơi dương thế. Tự xét, chúng ta không ai biết lý do tại sao mình được sinh ra trong cuộc đời và vì lý do gì mình có cuộc đời như mình đang có.

Thêm vào đó, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt, bất cứ ai trong chúng ta cũng cảm thấy tha thiết với cuộc sống đồng thời sợ chết và chúng ta cho rằng cuộc đời là một hồng ân vì mình đã được sinh vào thế giới hữu hình như nơi kinh Cám Ơn chúng ta thường đọc và có lẽ ít khi để ý, “Con cám ơn Đức Chúa Trời là Đấng hằng có, lòng lành vô cùng, chẳng để con không đời đời mà đã sinh ra con, cho con được làm người”. Đọc nơi Phúc Âm chúng ta biết mục đích chính yếu của cuộc đời mỗi người đó là, “Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, và các sự khác sẽ được ban thêm cho các ngươi” (Mt. 6:33).

Như vậy, đối với những ai đặt niềm tin nơi Đức Giêsu và những lời giảng dạy của Ngài, cuộc đời được ban cho chính là cơ hội để thăng tiến nơi hành trình đức tin, hành trình tâm linh. Và như vậy, cuộc đời là phương tiện để nhận ra thực thể Tin Mừng Nước Trời Ngài đã rao giảng. Cuộc đời một người chính là hành trình để tìm kiếm Nước Thiên Chúa. Nói cách khác, mục đích tối hậu của những ai tin nơi Phúc Âm đó là cuộc sống đạt tới thực thể Tin Mừng Nước Trời, nhận thực ra Thiên Chúa đang ngự trị và hoạt động từng giây từng phút nơi mình;có cuộc sống minh chứng Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Phúc Âm Mátthêu nói thêm, “Vì thế Ta bảo các ngươi: Chớ lo cho mạng sống mình, các ngươi ăn gì, hay về thân xác, các ngươi mặc gì. Há mạng sống không hơn của ăn và thân xác không hơn áo mặc sao? Hãy coi chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào lẫm và Cha các ngươi, Đấng ở trên trời nuôi nấng chúng! Các ngươi không hơn chúng sao? Ai trong các ngươi chỉ lo mà có thể thêm cho đời mình một gang nữa? Còn về áo mặc, các ngươi lo làm gì? Hãy ngắm hoa huệ ngoài đồng xem chúng lớn lên thế nào? Không nhọc nhằn, cũng chẳng canh cửi! Nhưng Ta bảo các ngươi: Salômôn trong tất cả vinh hoa đời ông cũng không ăn vận sánh tày một đóa hoa đó. Nếu cỏ đồng nội, nay còn, mai sẽ quăng lò mà Thiên Chúa còn mặc cho như thế thì huống chi là các ngươi, hỡi quân yếu tin!” (Mt. 6:25-30).

Tóm lại, mỗi người được sinh ra với cuộc đời được kiến tạo qua những môi trường khác nhau vì được gọi theo những hành trình khác nhau nhưng tựu trung mục đích tối hậu của mỗi người vẫn chỉ là đạt tới thực thể Tin Mừng Nước Trời, nhận biết thâm sâu chính Thiên Chúa đang ngự trị và hoạt động nơi mình. Bởi Thiên Chúa ngự trị nơi chúng ta nên đức tin chính là quyền lực của Ngài nơi mỗi người mà chúng ta vẫn chưa nhận biết.

Phúc Âm cũng khuyên chúng ta, những gì chúng ta cầm buộc lòng dạ mình, những gì chúng ta theo đuổi nơi cuộc sống này, linh hồn chúng ta sau khi chết sẽ lệ thuộc những ước mơ ấy. Cuộc đời được ban cho trở thành cơ hội thăng tiến đức tin hay án buộc linh hồn sau này tùy thuộc mục đích, ước muốn của mỗi người ngay bây giờ và những ngày còn sót lại trước khi từ giã cõi trần. Amen.

 

 HIỆP SỐNG TIN MỪNG
CHÚA NHẬT 18 THƯỜNG NIÊN C

Gv 1,2; 2,21-23; Cl 3,1-5.9-11; Lc 12,13-21
LM ĐAN VINH – HHTM

GIỮ MÌNH TRÁNH MỌI THỨ THAM LAM

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Lc 12,13-21

(13) Có người trong đám đông nói với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi”. (14) Người đáp: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh ?” (15) Và Người nói với họ: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam. Vì không phải hễ ai được dư giả, thì mạng sống người ấy nhờ của cải mà được bảo đảm đâu”. (16) Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này: “Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, (17) mới nghĩ bụng rằng: “Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa màu! (18) Rồi ông ta tự bảo: “Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. (19) Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: Hồn ta hỡi. Mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!”. (20) Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” (21) Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa thì số phận cũng như thế đó”.

2. Ý CHÍNH: Một chàng thanh niên đến yêu cầu Đức Giê-su can thiệp để anh trai phải chia gia tài cho anh, nhưng Người đã từ chối can thiệp. Nhân dịp này Người đã dạy mọi người phải tránh thói tham lam ích kỷ, cũng đừng trông cậy tiền bạc sẽ bảo đảm cho tương lai đời mình. Rồi Đức Giê-su kể ra dụ ngôn về một người giàu có chỉ lo thu tích của cải để làm giàu cho bản thân. Điều đó thật dại khờ ! Vì chính lúc anh ta tưởng của cải sẽ bảo đảm cho tương lai mình sẽ được an nhàn hưởng thụ, lại là lúc cái chết thình lình ập đến. Thế thì tài sản anh ta tích trữ kia sẽ về tay ai ? Cuối cùng Người kêu gọi mọi người hãy lo làm giàu về nhân nghĩa có giá trị trước tòa Chúa phán xét sau này.

3. CHÚ THÍCH:

- C 13-15: + “Xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi”: Luật Mô-sê qui định: trong việc thừa kế, chỉ con trai mới được chia gia tài. Trưởng nam được hưởng trọn phần di sản về bất động sản như đất đai nhà cửa, và còn được gấp đôi phần động sản như tiền bạc, hoa màu... nữa (x. Đnl 21,17). Vậy có một người anh cả kia sau khi cha chết đã chiếm hết tài sản cha để lại và không chia cho người em phần nhỏ bé mà lẽ ra anh ta được hưởng. Thời Đức Giê-su người Do thái thường yêu cầu một luật sĩ đứng ra làm trọng tài khi có sự tranh chấp về luật pháp. + Ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?: Tuy “là Đấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán để xét xử kẻ sống và kẻ chết” (Cv 10,42), nhưng Đức Giê-su đã từ chối can thiệp về việc chia gia tài này, vì điều cấp bách mà Người phải lo chu toàn là đi lên Giê-ru-sa-lem chịu khổ nạn, nên Người không muốn mất thì giờ vào việc riêng cá nhân, vốn thuộc thẩm quyền của các đầu mục Do thái (x. Xh 2,14). + Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam...: Tuy từ chối can thiệp, nhưng Đức Giê-su không nhắm mắt làm ngơ. Nhân dịp này Người nêu quan điểm về thái độ người ta phải có đối với tiền bạc của cải là: phải tránh lòng tham và đừng tin vào sự bảo đảm của tiền bạc cho tương lai đời mình.

- C 16-19: + Có một nhà phú hộ kia: Dụ ngôn cho thấy ông phú hộ đã thành công trong công việc làm ăn. Ông mở rộng thêm nhà kho để tích trữ thóc lúa dư thừa cho an toàn. + Ta sẽ nhủ lòng: đồng nghĩa với: “Tôi sẽ bảo hồn tôi”. Danh từ “hồn” có nghĩa là một con người sống động.+ Cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!: Của cải vật chất đã tác động làm cho ông nhà giàu không những chi lo làm giàu, mà còn dẫn ông ta đến chỗ ăn chơi sa đọa và lười biếng làm việc, đồng thời trông cậy số tài sản lớn lao đã tích trữ được kia sẽ bảo đảm cho tương lai cuộc đời của mình.

- C 20-21: + Đồ ngốc: Cựu ước dùng kiểu nói “ngốc, ngu dại” để ám chỉ những người chối bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa như lời Thánh vịnh đã viết: “Kẻ ngu si tự nhủ: Làm chi có Chúa Trời” (x. Tv 14,1). Người phú hộ này được coi là kẻ ngu dại, vì đã lãng quên Thiên Chúa, do quá bon chen tìm kiếm của cải vật chất. + Nội đêm nay người ta sẽ đòi lại mạng ngươi: Có nghĩa là đêm nay Thiên Chúa sẽ gọi ngươi ra khỏi thế gian bằng cái chết. + Những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?: Thiên Chúa mới là chủ của sự sống và sự chết chứ không phải tiền bạc. Của cải trần gian không thể bảo đảm cho người ta được sống mãi. Khi chết thì cả người anh giàu có khờ dại và đứa em nghèo khó đều không thể mang tiền đó sang thế giới bên kia được. Như thế: Lòng tham lam và sự tích trữ của cải là một hành động khờ dại và vô ích! + Kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa thì số phận cũng như thế đó: Đức Giê-su nhắn nhủ về việc sử dụng của cải. Nếu dùng của cải để hưởng thụ một mình thì sẽ bị trắng tay khi giờ chết đến. Nhưng nếu dùng của cải để làm việc thiện, quảng đại chia sẻ cơm áo cho người nghèo đói, thì đó là cách để làm giàu trước mặt Thiên Chúa và sẽ được hưởng hạnh phúc vĩnh hằng đời sau (x. Lc 12,33; 18,22; 16,9; Mt 25,40).

4. CÂU HỎI: 1) Tại sao người em lại yêu cầu Đức Giê-su can thiệp để người anh chia gia tài cho mình? 2) Đức Giê-su đã từ chối can thiệp về việc chia gia tài này vì lý do gì? 3) Đức Giê-su đã khuyên bảo thế nào về thái độ phải có đối với tiền bạc của cải trần gian? 4) Tại sao Đức Giê-su gọi kẻ chỉ biết thu tích của cải và trông cậy vào giá trị của tiền bạc là “đồ ngốc”? 5) Người muốn chúng ta dùng của cải trần gian thế nào để được hạnh phúc?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó” (Lc 12,21).

2. CÂU CHUYỆN:

1) LÒNG THAM KHÔNG ĐÁY:

TOLSTOI kể rằng một bác nông dân kia tên là Pakhom rất thích có một mảnh đất làm tài sản riêng. Sau một thời gian làm lụng cực nhọc, anh ta rất mừng khi tậu được một mảnh đất rộng tới 40 mẫu tây. Nhưng rồi sau đó, anh lại muốn sở hữu một mảnh đất khác rộng hơn. Anh liền chịu khó làm lụng vất vả, rồi bán đi mảnh đất cũ, cộng thêm tiền để dành, và cuối cùng đã mua được một mảnh đất 80 mẫu tây. Nhưng anh vẫn chưa cảm thấy thoả mãn, muốn có một mảnh đất khác rộng hơn nữa. Có người mách bảo rằng ở vùng bên kia núi có một bộ lạc mà dân chúng sống rất đơn giản, họ có rất nhiều đất, ai muốn mua bao nhiêu cũng được. Ngay sáng hôm sau, anh nông dân liền đi sang vùng đất phía bên kia núi. Vị tù trưởng bộ lạc nói: "Anh chỉ cần đặt cọc trước 1000 rúp là có thể sở hữu được vùng đất mà anh đi vòng quanh được trong ngày hôm đó. Nhưng phải nhớ kỹ điều kiện này là phải xuất phát từ 6 giờ sáng và đến đúng 6 giờ chiều phải quay trở lại điểm đã xuất phát. Nếu về không kịp một giây thì không những anh sẽ không được gì mà còn mất trắng luôn số tiền đã đặt cọc 1000 rúp kia nữa!"

Đêm hôm đó anh nông dân cảm thấy thật sung sướng không sao ngủ được. Vừa rạng sáng anh đã có mặt để nhờ người đánh dấu điểm xuất phát rồi bắt đầu đi. Càng đi anh càng sung sướng khi nhìn thấy phần đất của mình mỗi lúc một rộng ra thêm. Anh cứ đi và đi mãi quên cả dừng lại dọc đường để nghỉ ngơi ăn uống. Khi thấy mặt trời bắt đầu xuống núi anh liền hốt hoảng quay trở về. Nhưng vì đã đi quá xa sợ về không kịp nên anh cắm đầu chạy. Khi chạy về tới điểm đã xuất phát thì anh bị ngã gục xuống. Vị tù trưởng đến chúc mừng: "Xin chia vui với anh. Từ trước tới nay tôi chưa gặp được người nào đi xa được như anh. Anh hãy nhận phần đất của anh". Nhưng người nông dân kia đã không thể đứng dậy được nữa để nhận lấy phần đất của mình, vì anh đã chết!

2) TỪ “MỘT TÊN SÁT NHÂN” TRỞ THÀNH ĐẠI ÂN NHÂN CỦA THẾ GIỚI

Cách đây khá lâu, vào một buổi sáng sớm, khi mở mấy tờ báo hằng ngày ra đọc, ON-PHIT NÔ-BƠN (Alfred Nobel) vô cùng sửng sốt khi thấy trên nhiều tờ báo hằng ngày có số phát hành rất lớn, đã đồng loạt đưa tin về cái chết của ông với những hàng tít trên trang nhất, kèm theo những lời bình luận đầy ác cảm đối với ông. Họ dùng những từ có tính bôi nhọ, hạ nhục cá nhân như: “Nô-bơn, ông vua cốt mìn đã chết!”, “Tên đồ tể Nô-bơn đã bị tiêu đời!”, “Nô-bơn, một tên sát nhân đã chế tạo các thứ vũ khí giết người hàng loạt giờ đây không còn nữa!”... Sau đó dư luận mới té ngửa ra rằng: người chết không phải là Nô-bơn nhưng là người anh ruột có tên gần giống với tên ông. Mặc dù các tờ báo kia sau đó đã phải đính chính và xin lỗi về việc loan tin thất thiệt. Nhưng dù sao các bài bình luận đó cũng là một cú “sốc” đối với Nô-bơn. Nó đánh thức lương tâm khiến ông phải suy nghĩ tự hỏi: “Tại sao báo chí lại coi ta là một tên đồ tể giết người như vậy? Tại sao dư luận lại ác cảm và thù hận ta như thế? Tại sao chẳng thấy ai nói một lời an ủi thông cảm và lấy làm tiếc về cái chết của ta?” Sau thời gian này, Nô-bơn đã quyết định phải thay đổi hình ảnh xấu dư luận đang có về mình. Ông đã nhờ luật sư lập tờ di chúc để trao tặng toàn bộ số tài sản kếch sù gửi trong ngân hàng, số tiền ông kiếm được nhờ bán các phát minh khoa học về cốt mìn cho chính phủ. Từ đó mỗi năm một ủy ban quốc tế đã lấy ra số tiền lời, chia thành 5 phần thưởng có giá trị lớn để trao tặng cho những người có công phát minh về các lãnh vực: hòa bình, vật lý, hóa học, y học và văn chương. Nô-bơn đã thành công trong việc sử dụng tiền của vào việc tốt. không những làm cho ông lấy lại quân bình về tinh thần, mà nó còn giúp ông biến đổi dư luận đang coi ông là “một tên đồ tể giết người”, để công khai nhận ông là một vị đại ân nhân của nhân loại.

3) VỀ BA NGƯỜI BẠN THÂN CỦA CHÚNG TA:

Một người kia có 3 người bạn, trong đó hai người là bạn rất thân còn người thứ ba chỉ là bạn thân bình thường. Nhưng rồi đến một ngày nọ, ông ta bị quân lính đến bắt và bị đưa ra trước quan tòa. Ông ta liền xin 3 người bạn thân kia đi theo ra trước tòa án biện hộ cho mình. Nhưng anh bạn thân thứ nhất liền từ chối và dứt khoát không chịu đi theo ông, viện cớ đang bận nhiều công việc không thể đi được. Anh bạn thứ hai thì bằng lòng đi theo ông, nhưng khi đến nơi, anh ta liền dừng lại không dám theo ông vào nghe tòa xử. Chỉ có anh bạn thứ ba tuy không được ông mấy yêu thích, nhưng đã tỏ thái độ trung thành khi sẵn sàng ra trước tòa án để biện hộ cho ông cuối cùng được trắng án và còn được ban thưởng nữa.

Mỗi người chúng ta cũng có ba người bạn giống như người trong câu chuyện trên: Anh bạn thứ nhất là Tiền Bạc Của Cải: Khi chúng ta chết, anh bạn Tiền Bạc này lập tức bỏ rơi chúng ta, chỉ để lại cho chúng ta một chiếc chiếu và một cái hòm. Anh bạn thứ hai chính là các Thân Bằng Quyến Thuộc. Họ yêu thương khóc lóc tiễn đưa chúng ta ra tới nghĩa trang, nhưng sau đó đã quay về nhà. Chỉ duy anh bạn thứ ba là các Việc Lành Phúc Đức. Chúng sẵn sàng đi theo chúng ta ra trước tòa Chúa phán xét và cầu xin cho chúng ta được hưởng hạnh phúc Thiên Đàng.

4) THAM THÌ THÂM:

Người ta kể rằng ở miền rừng núi, dân Thượng có một lối bẫy khỉ rất đơn giản. Họ làm một cái lồng có nhiều lỗ nhỏ vừa tay con khỉ. Rồi họ buộc lồng vào một gốc cây và bỏ vào đó ít hạt bắp rang. Các chú khỉ ngửi mùi bắp thơm thì thò cả hai tay vào bốc. Lúc đó người bẫy khỉ ngồi xa xa cứ việc tiến lại bắt chú khỉ. Con khỉ cuống cuồng muốn thoát chạy nhưng không được, vì hai tay còn đang nắm chặt hai nắm hạt bắp.

5) ỨNG XỬ THẾ NÀO ĐỂ ĐƯỢC HẠNH PHÚC?

Một ngày nọ, vua Nghiêu đi tuần thú đất Hoa, viên quan địa phương ra nghênh đón và chúc vua rằng: “Xin chúc nhà vua sống lâu”. Vua Nghiêu nói: “Đừng chúc thế!” Viên quan lại chúc: “Chúc nhà vua giàu có”. Vua Nghiêu lại nói: “Đừng chúc thế”. Viên quan chúc nữa: “Xin chúc nhà vua đông con trai”. Vua Nghiêu lại nói: “Đừng chúc thế”. Quan lấy làm lạ mới hỏi nhà vua: “Sống lâu, giàu có, đông con trai, ai cũng thích cả, sao nhà vua chẳng muốn?” Vua Nghiêu đáp: “Đông con trai thì sợ nhiều. Giàu có thì việc nhiều. Sống lâu thì nhục nhiều. Ba điều ấy không mang lại nhân đức nên ta từ chối.

Viên quan tâu: “Nhà vua nói thế thực là bậc quân tử.

Nhưng trời sinh ra mỗi người phải có một việc: Nếu đông con trai, hãy cắt đặt mỗi người một nhiệm vụ thì có lợi chứ có gì mà sợ?

Giàu có mà đem phân phát cho người nghèo thì việc gì phải lo?

Ăn uống chừng mực, thức ngủ điều độ, lòng luôn thanh thản. Vui cái vui của thiên hạ, trăm tuổi nhắm mắt về trời. Một đời chẳng gây tai họa gì, thì có gì là nhục?”

Đứng trước tiền của, người ta có những thái độ rất khác nhau: Vua Nghiêu vì quá thận trọng nên chỉ nhìn thấy mặt trái của đồng tiền, nên của cải không sinh ích gì cho ông. 

6) HÃY QUẢNG ĐẠI CHO ĐI CỦA CẢI NGAY LÚC CÒN ĐANG SỐNG:

Có một người nọ rất giàu có và có lòng thương người nghèo. Ông đã làm di chúc trao phân nửa tài sản lớn lao của ông cho công việc từ thiện. Tuy vậy ông vẫn không cảm thấy hạnh phúc vì đi đâu cũng chỉ nhận được những cái nhìn soi mói, coi thường và khinh miệt của người chung quanh. Ông liền tìm đến hỏi một người nổi tiếng là khôn ngoan: “Tôi bị nhiều người coi thường và khinh miệt. Họ cho tôi là người keo kiệt bủn xỉn? Họ đâu biết rằng tôi đã làm di chúc hiến phân nửa gia tài làm công việc từ thiện”.

Để trả lời, nhà khôn ngoan kể cho ông một câu chuyện như sau: Một chú heo than thở cùng chị bò cái: “Tôi cũng như chị, chúng ta cống hiến thịt mình cho loài người. Nhưng tại sao họ lại tỏ ra thân thiện với chị và khinh thường xa lánh tôi?” Ngẫm nghĩ giây lát, chị bò cái trả lời: “Cả hai chúng ta đều cống hiến thịt mình làm thức ăn cho loài người sau khi chúng ta chết. Còn bây giờ họ tỏ vẻ quí mến tôi hơn chú, có lẽ là do tôi đã cho họ được uống sữa tươi mỗi ngày”.

3. THẢO LUẬN: Có hai cách sử dụng đồng tiền: Nếu dùng tiền của cách ích kỷ thì ta sẽ bị mất sự sống ở đời sau. Ngược lại nếu biết dùng tiền của đời này cách bác ái vị tha thì ta sẽ có cuộc sống vĩnh hằng sau này. Vậy bạn sẽ sử dụng tiền bạc thế nào để mang lại lợi ích thực sự cho mình?

4. SUY NIỆM:

1) GIỮ MÌNH KHỎI MỌI THỨ THAM LAM:

Nhân có người yêu cầu Đức Giê-su can thiệp để người anh ruột chia gia tài cho anh ta. Người trả lời: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh ?”. Nhân dịp này Người đã kể dụ ngôn về một nhà phú hộ đã lo làm giàu rồi lo phải hưởng thụ thế nào số tài sản đã kiếm được… để dạy mọi người phải tránh thói tham lam ích kỷ như sau:

- Thói tham lam: Lòng tham của nhà phú hộ biểu lộ qua sự tính toán làm giàu. Tính toán để làm tăng thêm lợi nhuận tiền bạc qua câu nói: “Ta sẽ phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó”.

- Thói ích kỷ: Lẽ ra nhà phú hộ có thể làm được biết bao việc tốt cho tha nhân với số tài sản lớn lao đó như: giúp đỡ những người nghèo khổ sống bên cạnh nhà ông, tăng lương cho những người làm công cho ông; Đóng góp xây dựng trường học tại địa phương để trẻ em có nơi học hành tử tế; Góp phần tu bổ hội đường của làng mà ông đang ở cho khang trang tốt đẹp hơn... Nhưng ông đã không làm như thế, mà chỉ quan tâm dùng tiền để thỏa mãn lạc thú ích kỷ qua sự suy nghĩ như sau: “Thôi, hãy cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!”

2) GIÁ TRỊ ĐÍCH THỰC CỦA TIỀN BẠC LÀ GÌ?

a) Người ta thường gán cho tiền bạc nhiều giá trị cao quý như sau:

- “Đồng tiền liền khúc ruột” và “Của đau, con xót” …

- “Có tiền mua tiên cũng được” hoặc “Kim ngân phá lề luật”.

- “Đồng tiền là Tiên là Phật; Là sức bật của tuổi trẻ; Là sức khỏe của tuổi già; Là cái đà danh vọng; Là cái lọng để che thân; Là cán cân của công lý; Là đồng chí thật thân thương; Là đồng hương rất thân cận; Là thời vận tuổi thanh xuân…

Tóm lại tiền bạc được coi là nguyên nhân cho người ta được vui mừng hạnh phúc!

b) Nhưng Lời Chúa dạy hôm nay lại không dạy như thế!

- Sách Giảng Viên trong bài đọc I đã nhắn nhủ về giá trị chóng qua của đồng tiền: “Phù vân, quả là phù vân. Phù vân quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân”.

- Trong bài đọc II, thánh Phao-lô khuyên các tín hữu khi nhờ bí tích Rửa Tội trở nên thụ tạo mới, được mặc lấy Đức Ki-tô và thuộc về Người thì: “Hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới”.

- Trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su cũng dạy: “Đừng thu tích của cải trần gian cho mình mà hãy lo làm giầu trước mặt Thiên Chúa”. Vì những kẻ giàu có mà thiếu lòng nhân ái thì thật khờ dại như lời Chúa phán với tên phú hộ trong dụ ngôn: “Đêm nay người ta sẽ đến đòi linh hồn ngươi thì lúc đó những của cải ngươi tích trữ kia sẽ để lại cho ai?”.

- Thánh Phao-lô đã khuyên đồ đệ Ti-mô-thê và cũng là khuyên chúng ta hôm nay như sau: “Chúng ta đã chẳng mang gì vào trong thế gian, và chúng ta cũng không thể mang bất cứ cái gì ra khỏi đó” (1 Tm 6,7).

3) CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?

- Hành trang cần mang theo khi chết: Một vị thừa sai tại Phi châu cũng cho biết như sau: Có một số dân tộc Phi châu hiện vẫn giữ tục lệ này: Khi một người trong bộ lạc chết, trước khi liệm xác vào quan tài, họ sẽ lột bỏ tất cả y phục kẻ đó đang mặc rồi mới đem đi chôn. Tục lệ này nói lên sự thật này là: chúng ta sẽ rời bỏ thế gian mà không mang theo được gì như tiền bạc châu báu và mọi thứ khác!

- Đừng ăn cắp tiền của người nghèo: Thánh Tô-ma A-qui-nô quả quyết: “Những người giàu đã đánh cắp của người nghèo khi họ tiêu xài phung phí những của cải dư thừa”. Có thể nói, chúng ta đánh cắp của người nghèo khi chúng ta thu lợi quá mức trên sức lao động của kẻ khác; Khi chúng ta giữ lại đồ đạc tiện nghi mà chẳng bao giờ dùng đến; Khi chúng ta ăn chơi, mua sắm hoang phí giống như ném tiền qua cửa sổ. Thánh Ba-si-li-ô nói: “Tấm bánh mà bạn giữ lại là của người đang đói khát, chiếc áo mà bạn cất trong va-li là của kẻ không có đủ quần áo che thân”.

- Hãy biến đồng tiền vật chất thành đồng tiền thiêng liêng đời sau: Chúng ta cần ưu tiên “lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa” bằng cách:

Quảng đại chia sẻ cơm áo cho những người nghèo đói bệnh tật, như lời Chúa phán: “Hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, nơi trộm cắp không đào ngạch và lấy đi được” (Mt 6,20). Đến ngày tận thế, Vua Thẩm Phán Giê-su sẽ xét xử chúng ta dựa vào những việc bác ái chúng ta đã làm cho tha nhân như sau: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu , các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm… Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta, là các ngươi đã làm cho chính Ta” (Mt 25,34-36.40).

5. NGUYỆN CẦU

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin ban cho chúng con “mưa thuận gió hòa”, cho con người biết nghĩ tới nhau và biết chia sẻ cho nhau đáp ứng các nhu cầu cần thiết. Xin Chúa soi sáng cho người giàu biết thực hành Lời Chúa hôm nay để biết làm giàu cả về phần thiêng liêng, bằng cách quan tâm chia sẻ cơm áo vật chất cho những người đói khổ bất hạnh. Xin cho người nghèo đừng chỉ miệt mài đi tìm kiếm tiền của như lẽ sống đời mình. Xin cho mọi người chúng con biết thực hành Lời Chúa dạy: “Trước hết hãy lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các sự khác như ăn gì mặc gì thì Người sẽ thêm cho chúng con sau” (Mt 6,33).

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

CHUYỆN BIẾT RỒI VẪN CỨ NÓI
(Chúa Nhật XVIII TN C) Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

Tiền, bạc, của cải, một đề tài mà tín hữu Kitô dường như nghe đã quá nhiều. Oái ăm thay, những người thường lên giọng về đề tài của cải, tiền bạc thì hầu như ít bị chi phối bởi đồng tiền bát gạo kiểu cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” hay “dãi dầm mưa nắng” để có cái lót dạ và sinh hoạt cho bản thân và gia đình.

Cuộc đời thật lắm điều trớ trêu. Chuyện nghịch lý như không còn là chuyện lý thuyết. Người hô hào “vô sản” thì của tiền hằng hà vô số. Người cam kết sống khó nghèo thì thật khó mà nghèo. Người chủ trương duy vật thì rất chi là chủ quan, duy ý chí, lại còn mê tín đủ điều. Người mong được rỗi linh hồn thì quá lo lắng chuyện nhà cửa, tiện nghi vật chất, cơ sở… Dù nghịch lý hay trớ trêu, thì chúng ta cũng phải đối diện với Lời hằng sống truy vấn chúng ta về thái độ của chúng ta với của cải, bạc tiền.

Ngài Côhêlét lớn tiếng: “Phù vân trên mọi phù vân, tất cả đều là phù vân” (x.Gv 1,2). Của cải, bạc tiền thảy đều chóng qua như gió thổi, như mây nổi, như chim bay. Thưa Ngài Côhêlét: Phù vân đấy, chóng qua đấy, nhưng cuộc đời này không thể thiếu gió, vắng mây. Hễ bắt tay làm việc gì, dù lớn nhỏ, dù xây Nhà thờ, nhà xứ hay lo cho con cái sắp vào niên học mới… thì thảy đều phải bước qua ngưỡng cửa “đầu tiên” là “tiền đâu?” Phù vân mà rất thân thiết, vì đồng tiền dính liền khúc ruột.

Thánh Tông đồ dân ngoại nói với tín hữu Côlôxê rằng hãy hướng lòng trí đến những gì thuộc về thượng giới và đừng chú tâm đến những gì thuộc về hạ giới. Thưa thánh nhân: “đói thì đầu gối phải bò”; “có thực mới vực được đạo”… Đôi tay ngài đã không từng sần sùi, chai sạm với nghề dệt lều vải đấy ư? Và ngài đã không từng kết án những người lười biếng, không chịu lao động đấy sao?

Quả thật vẫn có đủ đầy những luận lý để bào chữa cho thái độ sống quyến luyến với của cải vật chất. Dĩ nhiên chẳng ai dám to gan nói xóc, nói xỉa ngài Côhêlét hay thánh Tông đồ dân ngoại, nhưng vẫn có đó những lời nói cạnh, nói khía đến các “đấng bậc làm thầy” trong Giáo Hội. Các ngài đâu có lo bữa mai chạy bữa hôm như chúng mình. Các ngài đâu có quặn thắt khi con cái ốm đau hay phải chịu cái cảnh nợ nần chồng chất. Thế nhưng dù có biện bạch cách này cách khác thì chúng ta cũng phải chân nhận sự cám dỗ của đồng tiền và sức mạnh của vật chất. Chúng có thể huỷ hoại hạnh phúc chúng ta ngay trong cuộc đời này và có thể làm nguy hại hạnh phúc vĩnh cửu. Trong thực tiễn, dù lắm khi sức mạnh của đồng tiền như “là tiên là phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khoẻ của tuổi già, là cái đà của danh vọng…”, nhưng chính Chúa Kitô đã từng minh định: Không được làm tôi hai chủ. Không được vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của (x.Mt 6,24). Và Người còn cảnh tỉnh chúng ta rằng người giàu có vào Nước Trời khó hơn cả con lạc đà chui qua lỗ kim (x.Mt 19,24).

Của cải, tiền bạc tự nó không xấu mà trái lại là tốt đẹp vì đều do Thiên Chúa dựng nên. Thế nhưng cần phân biệt những cái tốt mang tính giới hạn, vì nó chỉ là phương tiện chứ không phải là cùng đích. “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu” (Lc 12,15). Và cũng chắc chắn rằng không phải nhờ của tiền dư giả mà hạnh phúc vĩnh cửu được bảo đảm. Theo thánh Phaolô thì tham lam là một hình thức thờ ngẫu tượng. Ngẫu tượng chỉ có thể dẫn chúng ta đến chỗ diệt vong. Xin đừng quên tham lam là mối tội thứ hai trong “bảy mối tội đầu”.

Thiên Chúa không hề chỉ dạy chúng ta xem thường của cải vật chất và cũng chẳng bảo chúng ta khinh rẻ các tiện nghi vật chất. Người đã minh nhiên truyền lệnh cho chúng ta lao tác không chỉ để có cái sinh nhai mà còn để có điều kiện phát triển và hoàn thiện đúng phận người, loài thọ tạo cao cả nhất trong các loài hữu hình mà Người đã dựng nên, vốn là hình ảnh của Người (x.St 1,27). Vấn đề đặt ra là chúng ta cần tìm kiếm vật chất, của tiền với mục đích gì? Điều đáng trách của người phú hộ trong câu chuyện dụ ngôn mà Chúa Giêsu kể đó là đã không biết trả lời câu hỏi: “Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” (Lc 12,20).

Cái “ngốc” của người phú hộ là khi ra sức thu tích của cải mà “không biết làm giàu trước mặt Thiên Chúa”. Nếu giả như viên phú hộ trả lời rằng của cải của con sẽ để lại cho con cháu hầu giúp chúng có điều kiện phát triển hoặc để phần nào đó giúp cho người bất hạnh thoát cảnh nghèo khổ thì có lẽ ông ta chẳng bị nguyền rủa là “đồ ngốc”.

Làm giàu trước mặt Thiên Chúa chính là chiếc chìa khoá giúp chúng ta thoát ra khỏi sự tham lam vị kỷ. Hạn từ giàu khiến chúng ta liên tưởng đến sự phong phú, đến tình trạng được có nhiều hơn. Ai là người giàu có trước mặt Thiên Chúa? Không chút ngại ngần, xin thưa đó là người có tấm lòng quảng đại, vị tha. Vẫn từng có đó những con người lắm tiền, nhiều của cải mà con tim luôn rộng mở, tấm lòng rất quảng đại, vì Danh Chúa, vì hạnh phúc của đồng loại như ông Tôbia, hoặc như bà Gioanna, vợ ông Khuda, bà Sudana và nhiều bà khác mà tin mừng Luca ghi lại (x.Lc 8,3). Tuy nhiên, sự cám dỗ của vật chất cũng đã và đang làm nhiều người băng hoại. Cha ông chúng ta vốn cảm nghiệm rằng khi của tiền càng phình ra thì con tim thường bị bó hẹp lại. Biết bao nghĩa tình mẹ cha con cái, bao nghĩa tình huynh đệ đã nhạt nhòa, đổ vỡ chỉ vì chút của tiền, chút lợi lộc đang nhan nhản trước mắt chúng ta đây đó.

Để nên giàu có ở đời này thì họa hiếm mới có chuyện đột xuất như trúng số độc đắc mà thường là do quá trình kinh doanh, tích lũy có mục tiêu, có phương pháp và biện pháp thích hợp, hữu hiệu. Cũng vậy, để nên giàu có trước mặt Thiên Chúa, tức là ngày càng biết sống quảng đại, vị tha, vì Danh Chúa và vì hạnh phúc đồng loại thì không gì hơn hãy tìm phương thế và biện pháp để mở rộng tấm lòng của mình. Một kinh nghiệm sống từng được chia sẻ như sau: một giáo dân thú nhận rằng mình rất ngại ngần với chuyện “làm phúc, bố thí” cho người ăn xin. Tìm cặn kẽ nguyên cớ mới vỡ lẽ đó là vì trong túi anh ta thường chỉ có những tờ bạc mệnh giá lớn (50 hay 100 ngàn đồng trở lên). Sau khi được mách bảo rằng hãy luôn để trong túi một số “tiền lẻ”, thì anh ta đã tập được thói quen tốt là làm phúc bố thí cho người nghèo. Sau một vài lần sống theo lời khuyên rằng thỉnh thoảng làm một hành vi quảng đại gấp ba, gấp bốn, thậm chí gấp mười sự tính toán của bản thân, thì tấm lòng của anh ấy đã rộng thêm và như đã vượt qua một mức nào đó. Và chẳng biết tự bao giờ, chuyện lấn cấn khi “làm phúc bố thí” cho người nghèo vốn có trước đây như biến mất. Một nhân đức (thói quen tốt) đã hình thành. Không biết ở mức độ nào nhưng anh ta đang làm giàu trước mặt Thiên Chúa.

Chúa nhật tuần lễ thứ 18 thường niên
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 12, 13-21).

Khi ấy, có người trong đám đông thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia gia tài cho tôi”. Người bảo kẻ ấy rằng: “Hỡi người kia, ai đã đặt Ta làm quan xét, hoặc làm người chia gia tài cho các ngươi?” Rồi Người bảo họ rằng: “Các ngươi hãy coi chừng, giữ mình tránh mọi thứ tham lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu”.
Người lại nói với họ thí dụ này rằng: “Một người phú hộ kia có ruộng đất sinh nhiều hoa lợi, nên suy tính trong lòng rằng: 'Tôi sẽ làm gì đây, vì tôi còn chỗ đâu mà tích trữ hoa lợi?' Ðoạn người ấy nói: 'Tôi sẽ làm thế này, là phá các kho lẫm của tôi mà xây những cái lớn hơn, rồi chất tất cả lúa thóc và của cải tôi vào đó, và tôi sẽ bảo linh hồn tôi rằng: “Hỡi linh hồn, ngươi có nhiều của cải dự trữ cho nhiều năm: ngươi hãy nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi đi”. Nhưng Thiên Chúa bảo nó rằng: 'Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?' Vì kẻ tích trữ của cải cho mình mà không làm giàu trước mặt Chúa thì cũng vậy”.

Suy niệm

Mỗi người sinh ra trong đời này đều cần có cái ăn, cái mặc và các nhu cầu khác, để có được những thứ đó, cần có công ăn việc làm để có tiền, bởi đầu tiên là tiền đâu. Đi tới đâu cũng không tránh được câu điệp khúc đó, ngay cả trong bệnh viện và trường học. Thế thì bước vào nhà thờ, bước vào ngôi nhà của Thiên Chúa, có cần đến tiền bạc như là lộ phí không, chắc chắn là không rồi, nhưng sống trong một xã hội mà những thói quen bất thường đó trở thành bình thường, người tín hữu phần nào cũng ảnh hưởng cơ cấu thực dụng và sự mạnh mẽ của đồng tiền, của vật chất. Phụng vụ Lời Chúa tuần lễ thứ 18 thường niên, nhắc nhở cho người tín hữu, đừng để những phương tiện hàng ngày trở thành những thần linh, những ngẫu tượng trong đời sống tinh thần của mình.

Để có được những kinh nghiệm sống, con người nhiều lúc phải chấp nhận thất bại, có chấp nhận sự thật đó, mỗi người mới hiểu được những lời dạy của các bậc tiền nhân. Tác giả sách Giảng viên đã ghi lại những kinh nghiệm sống của bao thế hệ, bao con người đã đối diện với đau khổ, với thất bại và cả những hy sinh, họ đã mạnh dạn chia sẻ những kinh nghiệm đó cho hậu sinh, để phần nào bớt đau khổ và thất bại về vật chất và tiền bạc: “Giảng Viên đã dạy rằng: Hư không trên các sự hư không, hư không trên các sự hư không, và mọi sự đều hư không. Vì kẻ này làm việc vất vả trong sự khôn ngoan, hiểu biết và lo lắng, rồi phải để sự nghiệp lại cho người ở nhưng không, thì thật là hư không và tai hại lớn lao”. Tranh giành buôn bán, luồn lách để có nhiều lợi lộc có thể kéo dài sự sống, kéo dài cuộc đời được chăng, tất cả chỉ là hư vô, chỉ là phù vân thôi. Biết bao người giàu hôm nay đang phải khóc từng ngày, từng đêm trong ngục tù, cũng chỉ bởi những đồng tiền dơ bẩn, tất cả được coi như thần tượng của cuộc đời, là cứu cánh của mọi người. Một sai lầm lớn lao đã chôn vùi bao cuộc đời trong đau khổ và thất vọng.

Trước những giằng co trong tâm hồn về vật chất, tiền của và hạnh phúc Nước Trời, sẽ chọn bên nào, sẽ giữ niềm tin thế nào, các tín hữu thành Colose cứ mãi băn khoăn, do đó, thánh Phaolô đã lên tiếng chỉ dạy và khuyên bảo họ hãy hướng về mầu nhiệm cứu độ mà Đức Giêsu đã thực hiện, Ngài đưa họ từ vũng sâu của tội lỗi trở về ngôi nhà hạnh phúc của Thiên Chúa bằng giá máu của Ngài, vì thế, tham lam và tôn thờ ngẫu tượng vô tình là một thái độ phản bội tình yêu của Thiên Chúa: “Anh em thân mến, nếu anh em đã sống lại với Ðức Kitô, anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời, chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất. Vì anh em đã chết, và sự sống anh em được ẩn giấu với Ðức Kitô trong Thiên Chúa. Khi Ðức Kitô là sự sống anh em xuất hiện, bấy giờ anh em sẽ xuất hiện với Người trong vinh quang. Vậy còn sống trên địa cầu, anh em hãy kiềm chế các chi thể anh em, là sự gian dâm, ô uế, dục tình, đam mê xấu xa và hà tiện, tức là sự thờ phượng thần tượng”. Thiên Chúa đã chăm sóc con người không chỉ đơn thuần là phần hồn, nhưng Ngài còn chăm sóc cả phần xác, bằng cách cho con người nhiều phương tiện trong cuộc sống, những phương tiện đó dù con người sáng tạo bằng khối óc và đôi tay, nhưng đó là sản phẩm của một sinh vật mang họa ảnh Thiên Chúa, vì thế, chúng chỉ là phương tiện phục vụ con người, còn khi con người biến chúng thành cứu cánh, thành thần tượng trong cuộc đời, chúng sẽ lôi kéo con người xa dần Thiên Chúa, Đấng chủ tể cuộc đời con người. Đó là tội con người phản bội Đấng được gọi là Thiên Chúa tình yêu.

Đọc lại bài tin mừng theo thánh Luca, ẩn hiện đâu đó sức mạnh của tiền bạc, của cải, bởi chúng đã phá đổ tình gia đình, tình cộng đoàn và xa hơn là tình hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người. Sức mạnh của tiền bạc ghê gớm, bởi khi chúng được đặt lên bàn thờ, chúng sẽ điều khiển cuộc đời con người, làm bại hoại phẩm giá của con người trong cuộc sống và trước mặt Thiên Chúa nữa: “Khi ấy, có người trong đám đông thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia gia tài cho tôi”. Người bảo kẻ ấy rằng: “Hỡi người kia, ai đã đặt Ta làm quan xét, hoặc làm người chia gia tài cho các ngươi?” Rồi Người bảo họ rằng: “Các ngươi hãy coi chừng, giữ mình tránh mọi thứ tham lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu”. Lời nhắc của Đức Giêsu gởi đến cho các Tông đồ, các môn đệ ngày xưa và hôm nay, đừng tham lam để rồi dẫn đến tình trạng thờ ngẫu tượng. Khi con người chúi đầu vào việc tìm kiếm của cải, tiền bạc cách quá đáng, thì dù người đó là môn đệ của Đức Giêsu, là một tín hữu Công giáo, thì hình ảnh của Thiên Chúa không tồn tại trong tâm trí và trái tim của họ nữa, tất cả bị chi phối, bị điều khiển do tiền bạc và của cải. vô tình lúc đó tiền bạc, của cải trở thành Chúa của họ.

Thiên Chúa tạo dựng con người theo họa ảnh của Ngài, để con người được thông chia sự sống và tình yêu của Thiên Chúa. Tiếc rằng, trái tim con người quá vô biên, dù chỉ là một tạo vật, nhưng con người muốn ngang bằng Thiên Chúa, muốn có trong tay quyền bính như Ngài, thế là họ nghe lời con rắn. Tội lỗi đã lôi kéo họ đi vào hố sâu của tử thần. Tất cả đến từ một quả táo, tượng trưng cho cái ăn cái mặc hàng ngày của con người. Lòng tham của con người chưa dừng lại ở đó, chúng còn muốn thay thế Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên họ, bằng những thần linh khác như là của cải, tiền bạc. Tất cả những phương tiện cuộc sống chỉ dừng lại là vô tri vô giác, nhưng con người đã phong thần, phong thánh cho chúng, biến chúng thành thần linh, thành ông chủ trong cuộc đời, để rồi con người quỳ xuống thờ lạy nó, biến cuộc đời mình trở thành đồ đệ của ngẫu tượng. Tự con người đã đánh mất mối hiệp thông giữa Thiên Chúa và bản thân họ, bởi có được gọi là Kitô hữu, có được gọi là môn đệ của Thiên Chúa, nhưng trong trái tim họ, trong tâm hồn họ, Thiên Chúa đã chết từ lâu, Thiên Chúa đã bị loại trừ khỏi cuộc đời.

Trở lại với việc sống đạo của người tín hữu Kitô. Đức Giêsu đã giới thiệu cho con người hai giới răn quan trọng nhất là thờ phượng một Thiên Chúa, hết lòng, hết sức, hết trí khôn và hết sức lực, đồng thời yêu thương anh em như chính mình. Thế nhưng, khi bước vào cuộc sống, trái tim và tâm hồn người tín hữu không còn chỗ cho Thiên Chúa hiện diện và ở lại, thì lấy đâu ra tình yêu thương để quan tâm, để chăm sóc và để chia sẻ với anh chị em, đặc biệt là người nghèo khổ, bệnh tật và bất hạnh. Tiền bạc của cải đã phá vỡ hạnh phúc gia đình, tình vợ chồng bị rạn nứt cũng chỉ vì tiền bạc, tình cha mẹ - con cái cũng bị phá đổ nghiêm trọng chỉ vì chia chác của cải không công bằng, con cái bất hiếu với cha mẹ cũng vì tiền, anh em loại trừ nhau cũng vì tiền bạc, bao nhiêu câu chuyện thương tâm đã và đang xảy ra trong gia đình của Thiên Chúa, tất cả cũng vì tiền bạc, của cải. Tình làng nghĩa xóm, tình hiệp thông xứ đạo cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khi của cải tiền bạc được coi là thần linh, đang dần thế chỗ Thiên Chúa giữa xứ đạo, giữa gia đình Thiên Chúa. Tiền bạc của cải còn tục hóa những giá trị thánh thiêng từ đời sống phụng vụ của Giáo hội, tất cả hầu như đang khoác lên chiếc áo của chủ nghĩa hưởng thụ và tiêu thụ theo phong cách thực dụng của thế gian.

Hạnh phúc của người tín hữu là luôn được Thiên Chúa nhắc nhở, chỉ dạy và sửa trị khi có lầm lỗi, nhưng đáng lưu tâm hơn đó là sự tôn trọng quyền tự do của con người. Thiên Chúa muốn cứu độ con người, Ngài đã hỏi ý kiến mỗi người. dù biết là thế, nhưng con người vẫn luôn tìm cho mình một cuộc sống thật sung túc, đầy đủ tiện nghi và được bao bọc an toàn bởi sức mạnh của tiền bạc, của cải. Với tính tham lam như thế, một cách vô tình, con người đang làm một phép so sánh nhỏ, sự quan tâm đến từ tình yêu của Thiên Chúa có hiệu quả bằng sức mạnh vô biên và vỏ bọc của tiền bạc không? trong thái độ sống ẩn hiện tính so sánh như thế, nên hành trình đức tin của người tín hữu, có những lúc rơi vào tình trạng dùng tiền bạc của cải để mua lấy đời sau, hoặc dùng sức mạnh của nó để tác động lên những sinh hoạt của Giáo hội. Hiện đang xuất hiện những chiếc áo quyền lực đến từ tiền bạc, những chiếc áo đó đang làm thay đổi dung mạo của Giáo hội, làm đảo lộn những giá trị thánh thiêng của đời phục vụ và tinh thần truyền giáo. Nên chăng tinh thần hướng đến một Giáo hội hiệp hành, sẽ bắt đầu loại bỏ sức mạnh vô hình của tiền bạc đang tác động đến Giáo hội, để Giáo hội mãi là tinh tuyền, không vết nhơ, không nhăn nheo vì tinh thần thế tục và do hệ quả của sức mạnh vật chất.

Lạy Chúa Giêsu, hiểu được tính yếu đuối của con người, Ngài đã nhắc nhở, căn dặn đừng tham lam của cải vật chất, sẽ vô tình thờ ngẫu tượng trong cuộc đời, như thế là đuổi Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời, xin giúp chúng con luôn biết chọn Chúa là gia nghiệp duy nhất cho cuộc đời, luôn biết phân biệt đâu là giá trị vĩnh cửu, đâu là giá trị ảo tưởng, để niềm tin của mình không bị tục hóa và mai một. Chúa đã dành chỗ nhất trong trái tim, trong tâm hồn của mình cho Thiên Chúa Cha, xin hướng dẫn chúng con biết cách làm mới trái tim của mình, đừng để cho của cải vật chất lấp đầy chỗ ở của Chúa trong tâm hồn và trong cuộc đời của mình. Amen.

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây