TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật XX - LỄ ĐỨC MẸ LÊN TRỜI

07/08/2021 10:31:06 |   1266

CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN - NĂM B
LỄ ĐỨC MẸ LÊN TRỜI

 

Mẹ lên trời

Lc 1,39-56

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
LỄ ĐỨC MẸ LÊN TRỜI

Ca nhập lễ

Một điềm lạ vĩ đại đã xuất hiện trên trời; một người nữ mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã đưa lên trời cả hồn lẫn xác Ðức Ma-ri-a là trinh nữ vô nhiễm và là thánh mẫu của Con Chúa. Xin cho chúng con hằng biết hướng lòng về phúc lộc quê trời để mai sau được cùng thánh mẫu chung hưởng vinh quang. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Kh 11, 19a; 12, 1-6a, 10ab

“Một người nữ mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng”.

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.

Ðền thờ Thiên Chúa trên trời đã mở ra. Và một điềm lạ vĩ đại xuất hiện trên trời: một người nữ mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao: Bà đang mang thai, kêu la chuyển bụng, và đau đớn sinh con.

Lại một điềm lạ khác xuất hiện trên trời: một con rồng đỏ khổng lồ, có bảy đầu, mười sừng, và trên bảy đầu, đội bảy triều thiên. Ðuôi nó kéo đi một phần ba tinh tú trên trời mà ném xuống đất. Con rồng đứng trước mặt người nữ sắp sinh con, để khi Bà sinh con ra, thì nuốt lấy đứa trẻ.

Bà sinh được một con trai, Ðấng sẽ dùng roi sắt mà cai trị muôn dân: Con Bà được mang về cùng Thiên Chúa, đến tận ngai của Người. Còn Bà thì trốn lên rừng vắng, ở đó Bà được Thiên Chúa dọn sẵn cho một nơi.

Và tôi nghe có tiếng lớn trên trời phán rằng: “Nay sự cứu độ, quyền năng, vương quyền của Thiên Chúa chúng ta, và uy quyền của Ðức Kitô của Người đã được thực hiện”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 44, 10bc. 11. 12ab. 16

Ðáp: Hoàng Hậu đứng bên hữu Ðức Vua, mặc đồ trang điểm vàng ròng

Xướng: Hoàng Hậu đứng bên hữu Ðức Vua, mặc đồ trang điểm vàng ròng lộng lẫy. 

Xướng: Xin hãy nghe, thưa Nương Tử, hãy coi và hãy lắng tai, hãy quên dân tộc và nhà thân phụ. 

Xướng: Ðể Ðức Vua Người sủng ái dong nhan: chính Người là Chúa của Cô Nương, hãy phục vụ Người. 

Xướng: Họ bước đi trong niềm hân hoan vui vẻ, tiến vào trong cung điện Ðức Vua. 

Bài Ðọc II: 1 Cr 15, 20-26

“Hoa quả đầu mùa là Ðức Kitô, đoạn đến những kẻ thuộc về Chúa”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, Ðức Kitô đã từ cõi chết sống lại, là hoa quả đầu mùa của những kẻ yên giấc. Vậy sự chết bởi một người, thì sự kẻ chết sống lại cũng bởi một người. Cũng như mọi người đều phải chết nơi Ađam thế nào, thì mọi người cũng sẽ được tác sinh trong Ðức Kitô như vậy. Nhưng ai nấy đều theo thứ tự của mình, hoa quả đầu mùa là Ðức Kitô, đoạn đến những kẻ thuộc về Ðức Kitô, những kẻ đã tin Người xuống thế: rồi đến tận cùng, khi Người đã trao vương quốc lại cho Thiên Chúa Cha, và đã tiêu diệt mọi đầu mục, quyền năng và thế lực. Nhưng Người còn phải cai trị cho đến khi Người đặt mọi quân thù dưới chân Người. Kẻ thù cuối cùng sẽ bị tiêu diệt là sự chết, bởi Người đã bắt mọi sự quy phục dưới chân Người.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia

Alleluia, alleluia! – Ðức Maria được mời gọi lên trời; đạo binh các thiên thần mừng rỡ hân hoan. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 1, 39-56

Ðấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại: Người nâng cao những người phận nhỏ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Trong những ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Elisabeth, và khi bà Elisabeth nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Elisabeth được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng:

“Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm? Vì này tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện”.

Và Maria nói: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Ðấng Cứu Ðộ tôi, vì Chúa đã đoái nhìn đến phận hèn tớ nữ của Chúa. Này từ nay muôn thế hệ sẽ khen tôi có phước, vì Ðấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại, và Danh Ngài là thánh. Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia dành cho những người kính sợ Chúa. Chúa đã vung cánh tay ra oai thần lực, dẹp tan những ai thần trí kiêu căng. Chúa lật đổ người quyền thế xuống khỏi ngai vàng và nâng cao những người phận nhỏ. Chúa đã cho người đói khát no đầy ơn phước, và để người giàu có trở về tay không. Chúa săn sóc Israel tôi tớ Chúa, bởi nhớ lại lòng thương xót của Ngài. Như Chúa đã phán cùng các tổ phụ chúng tôi, cho Abraham và dòng dõi người đến muôn đời”.

Maria ở lại với bà Elisabeth độ ba tháng, đoạn Người trở về nhà mình.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Chiêm ngắm công trình cứu chuộc được Thiên Chúa hoàn thành trong cuộc đời Đức Mẹ Maria, chúng ta vững tin rằng, nhờ ơn cứu chuộc của Chúa Kitô, chúng ta sẽ đạt tới nơi mà Đức Mẹ đã tới. Vì thế, chúng ta hãy tha thiết cầu xin cùng Thiên Chúa.

1. Xin cho Giáo Hội trở nên như Đức Maria, mau mắn vâng phục thánh ý Chúa, nhờ đó trở nên thánh cung để đón nhận, sinh hạ và trao ban Chúa Kitô cho nhân loại, qua việc loan báo Lời Chúa và cử hành các bí tích mỗi ngày.

2. Xin nâng đỡ các phụ nữ đang gặp đau khổ, bị gạt ra bên lề xã hội, hoặc trở thành nạn nhân trong chính đời sống của mình, để họ biết noi theo tấm gương can trường và nhẫn nại của Đức Maria.

3. Xin cho các bạn trẻ, nhận ra giá trị của lời cầu nguyện và sự phục vụ những người kém may mắn trong xã hội theo gương bác ái và nhiệt thành của Đức Mẹ ngày xưa.

4. Xin cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta, nhờ chiêm ngắm Đức Maria cùng với Chúa Giêsu, biết noi theo mẫu gương của Mẹ trong việc mau mắn lắng nghe và thực thi ý Chúa.

Chủ tế: Lạy cha nhân hậu, xin đón nhận lời cầu nguyện mà chúng con vừa dâng lên Cha với tất cả lòng tin mến, xin giúp chúng con mai ngày cũng được chung hưởng hạnh phúc cùng với Đức Maria. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin chấp nhận của lễ chúng con dâng kính để mừng Ðức Ma-ri-a hồn xác về trời. Vì lời Người cầu thay nguyện giúp xin cho lòng chúng con bừng cháy lửa mến yêu và luôn luôn hướng về Chúa. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng

Lạy Chúa là Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi, mọi lúc, thật là chính đáng phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con, nhờ Ðức Kitô, Chúa chúng con. Hôm nay, Ðức Trinh Nữ, Mẹ Thiên Chúa, được đưa về trời. Người là khởi đầu, là hình ảnh của Hội Thánh viên mãn là niềm an ủi và hy vọng tràn trề cho dân thánh trong cuộc lữ hành trần thế. Chúa không muốn Người chịu cảnh hư nát trong mồ, vì Người đã sinh hạ Con Chúa yêu quý, là Ðấng ban sự sống cho mọi loài. Vì thế, hiệp với các Thiên thần và các thánh, chúng con vui mừng ca ngợi Chúa và tung hô rằng:

Thánh! Thánh! Thánh!…

Ca hiệp lễ

Muôn đời sẽ khen rằng tôi có phúc, bởi Đấng đã làm cho tôi những điều trọng đại Người quyền năng.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, trong ngày lễ Ðức Trinh Nữ Ma-ri-a lên trời, Chúa đã cho chúng con được hưởng nhờ bí tích cứu độ. Vì lời Ðức Trinh Nữ nguyện giúp cầu thay, xin cho chúng con được sống lại vinh hiển. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Bài giảng lễ Mẹ Lên Trời -2012
(Kh 11, 19a; 12, 6a.10b; 1Co 15, 20 – 27; Lc 1, 39 – 56)

Anh chị em thân mến,

Ngày hôm nay, toàn thể Giáo Hội trên thế giới mừng lễ Mẹ Lên Trời, một niềm vui lớn lao đổ tràn trên chúng ta. Niềm vui được tạo nên trong cuộc gặp gỡ giữa Mẹ Maria và bà Isave, và niềm vui mà cả hai người cảm nhận được trong lòng. Niềm vui của tông đồ Phaolô và cộng đoàn Corintô, vì tin rằng Chúa Phục Sinh sẽ làm cho những người đã yên nghỉ được sống lại trong ngày sau hết. Và niềm vui nơi thánh sử Gioan trong thị kiến về ngày thế mạt, thấy những thế lực của sự dữ sẽ bị khuất phục.

Niềm vui gợi lên nơi những chứng nhân đức tin này không phải là một niềm vui thoáng qua, nhưng còn sâu xa hơn tất cả những lời nói động viên mà chúng ta từng biết đến. Niềm vui này đặt nền tảng trên thực tại mới mà Đức Kitô đã mang lại cho chúng ta. Đó là hoa trái của niềm hi vọng vững chắc mà chúng ta nhìn về cuộc sống. Sự sợ hãi về một cái chết không thể tránh khỏi luôn ám ảnh chúng ta. Cuộc tìm kiếm hạnh phúc của chúng  trở nên chua chát vì những đau khổ bao vây chúng ta: bất công, bạo lực, đói kém, thiên tai, nuôi dưỡng sự sợ hãi đó. Chúng ta bám chặt vào thứ hạnh phúc nghèo nàn mà chúng ta gặp, chúng ta chấp nhận cuộc sống tầm thường và giòn mỏng, hoặc là chạy trốn nó. Đó có phải là sự thực về đời sống của chúng ta hay không? Hay là có một thực tại nào khác chỉ cho chúng ta thấy được chúng ta thực sự là ai và chúng ta sẽ đi về đâu?

Mẹ Maria và bà Isave là những chứng nhân của thực tại mới này. Các ngài cho chúng ta thấy rằng, đối với Chúa không có điều gì làkhông thể làm được. Bà Isave, người phụ nữ già và son sẻ, chờ đợi đứa con trai do quyền năng của Thiên Chúa: Gioan Tẩy Giả. Người sẽ mở mắt và tai của dân Chúa để họ nhận ra Đấng Cứu Thế, được mong đợi lâu ngày. Mẹ Maria là một cô thiếu nữ với cuộc sống dài trước mặt, nhưng Thiên Chúa lại nhìn mọi sự một cách khác. Ngài ước mong rằng Mẹ nhìn thấy cuộc đời của mọi người trước mặt mình, cuộc sống mới của thụ tạo mới. Mẹ cưu mang Con Người Mới trong mình. Người con của Mẹ sẽ làm cho nên trọn những lời mà các tiên tri đã báo trước: những người quyền thế sẽ bị lật đổ khỏi ngai vàng, và nâng cao những người phận nhỏ; Người làm cho người đói khát được no thỏa và người giàu có đuổi về tay không. Lòng thương xót Chúa sẽ nâng đỡ Mẹ. Trong bài kinh Magnificat Mẹ đã hát lên bằng cả tấm lòng của mình. Những lời nói nơi miệng của các tiên tri xưa kia, nay đã trở thành hiện thực, niềm hi vọng đã trở thành thực tiễn.

Chứng từ thực tại mới này, mà như lời thánh Phaolô nói, chúng ta sống từ khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Chúng ta đón nhận Thánh Thần và Đức Kitô đến sống với chúng ta. Chúng ta dã trút bỏ tấm áo choàng của sự yếu đuối, tội lỗi và sự chết, để mặc lấy tấm áo Phục Sinh của Đức Kitô. Xa khỏi mọi nỗi sợ hãi của sự chết là thứ không còn chút quyền lực nào trên chúng ta. Như trong lời kinh nguyện Thánh Thể có nói, chúng ta bước từ cõi chết đến cuộc sống mới, nơ Đưc Kitô đã chuẩn bị chỗ cho chúng ta, và nơi mà Mẹ Maria và các Thánh đã bước vào.

Thị kiến về trời mới đất mới mà tất cả những điều cũ sẽ qua đi: không còn đói khát, đau khổ, hận thù, chiến tranh, bất công và nước mắt. Thị kiến này đã được bắt đầu nơi Đức Kitô.

Anh chị em thân mến,

Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi có nhiều người chạy đến với Mẹ để trình bày với Mẹ về những âu lo trong cuộc sống. Chính vì mỗi lần như thế là một cuộc gặp gỡ trong niềm vui như vào thời của bà Isave. Ai chạy đến với Mẹ, sẽ gặp được nơi Mẹ Người Con yêu dấu của Mẹ và cuộc sống mới mà Người Con này ban tặng.

Ai lắng nghe Mẹ sẽ nghe lời Mẹ nói; “Hãy làm những điều Người dạy bảo”, như trong tiệc cưới Canna, và tìm được sự can đảm để vững tin vào Chúa. Ai nhìn Mẹ Maria, sẽ thấy được tương lai riêng của mình, vì cũng như Mẹ, chúng ta không bị giao nộp cho sự chết, nhưng được hứa ban sự sống đời đời. Ngày lễ của Mẹ cũng là ngày lễ của chúng ta. Chúng ta hãy mừng lễ trong niềm vui chân thành.

Hãy siêng năng chạy đến với Mẹ, vì Mẹ Maria là Mẹ của mỗi người Kitô hữu chúng ta.

Xin Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em.

Gm. Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản

MẸ MARIA LÀ ƯU PHẨM CỦA THIÊN CHÚA

Jos. Vinc. Ngọc Biển

Mỗi lần mừng lễ về Mẹ Maria, chúng ta được mời gọi hướng về Mẹ như là một kiệt tác của Thiên Chúa, một thụ tạo được ưu tuyển và trổi vượt trên hết mọi loài được dựng nên. Bởi lẽ Mẹ đã được Thiên Chúa yêu thương, tuyển chọn cách đặc biệt. Không những thế, Thiên Chúa còn gìn giữ Mẹ cách nhiệm mầu trong chương trình cứu độ. Những ân huệ đó không thể có nơi bất cứ loài thụ tạo nào ngoài Mẹ.

Vì thế, khi mừng kính trọng thể lễ Đức Maria hồn xác về trời, phụng vụ mời gọi chúng ta cùng nhau khám phá vị thế ưu việt của Mẹ trong chương trình cứu độ nơi tín điều, truyền thống và giáo huấn của Giáo Hội. Mặt khác, Giáo Hội cũng chỉ cho con cái mình thấy và hiểu được việc Đức Maria hồn xác lên trời có tầm ảnh hưởng thế nào đến đời sống đức tin và niềm hy vọng của chúng ta.

1. Giáo huấn của Giáo Hội

Trước tiên, chúng ta tìm hiểu về Giáo Huấn của Giáo Hội qua biến cố Đức Mẹ được đưa lên trời cả hồn lẫn xác.

Lễ Đức Mẹ lên trời là lễ trọng và cũng là lễ cổ xưa nhất trong các ngày lễ kính Đức Mẹ được cử hành trong Giáo Hội hiện nay.Vào thời điểm đầu, lễ này được gọi là lễ Đức Mẹ an giấc. Nhưng đến năm 1950, Đức Cố Giáo Hoàng Piô XII đã đổi tên thành lễ Đức Mẹ lên trời qua Tông hiến Munificentissimus Deus.  Với tín điều này, Giáo Hội tin nhận: "Thân xác của Người Phụ Nữ đã trao ban thể xác cho Con Thiên Chúa đã không phải chịu định luật của sự thối rữa"; "Thánh Mẫu Thiên Chúa là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức Maria Trọn Đời Đồng Trinh, sau khi sống trọn cuộc đời trần thế, đã được triệu hồi cả hồn và xác vào trong vinh quang thiên quốc" (Tông hiến Munificentissimus Deus). Từ lời tuyên bố long trọng hôm ấy, đã trở thành chân lý đức tin cho toàn thể Giáo Hội hôm nay.

Với lời tuyên tín trên, Đức Giáo Hoàng đã liệt kê bốn chân lý tuyệt đối thuộc về lòng tin nơi Đức Maria. Bốn chân lý đó là: 1) Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa; 2) Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội; 3) Đức Maria Đồng Trinh Trọn Đời; 4) Đức Maria Hồn Xác Lên Trời.

Khi tuyên bố cùng lúc những đặc ân đó của Đức Mẹ, Giáo Hội muốn cho các tín hữu hiểu được cách tổng quát những ân huệ cao cả của Đức Maria, và đây cũng là dịp để xác tín hơn nữa những nguyên lý liên quan đến việc Mẹ được đưa lên trời cả hồn lẫn xác.

Nguyên lý thứ nhất: Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Vì Mẹ được ưu tuyển để đón nhận việc cưu mang và sinh hạ Ngôi Hai Thiên Chúa, và Đấng Cứu Thế là Thiên Chúa, nên Mẹ cũng là Thân Mẫu Thiên Chúa.

Việc được Thiên Chúa cất nhắc cả hồn xác Mẹ về trời là điều không có gì khó hiểu, bởi lẽ cả cuộc đời của Mẹ đã hiệp thông cách chặt chẽ vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa qua Đức Giêsu. Nên khi Đức Giêsu về trời, Ngài không thể để lại để thân xác của người mẹ yêu dấu phải hư nát trong mồ được.

Nguyên lý thứ hai: vì Thiên Chúa đã gìn giữ Mẹ khỏi mọi vết nhơ tội lỗi cách nhiệm mầu, nên khi mang thai và sinh hạ Đấng Cứu Thế quyền năng, Mẹ vẫn đồng trinh trước, trong và sau khi sinh. Vì thế, việc đưa cả hồn lẫn xác Mẹ về trời là điều cần thiết để bảo tồn vẻ trinh nguyên nơi Mẹ.

Nguyên lý thứ ba: nếu trước kia, Nguyên Tổ loài người đã bất tuân, chống lại Thiên Chúa và đi vào cõi chết, thì khi Đức Maria xuất hiện với lời "Xin vâng" tuyệt đối, Mẹ đã trở thành Evà mới liên kết mật thiết với Đức Giêsu – Ađam mới, Đấng là nguồn cội của sự sống, đã từ cõi chết sống lại và lên trời hiển vinh, thì không có lẽ gì Mẹ lại phải chịu cảnh hư nát, bởi vì hư nát là kết quả của tội lỗi. Như vậy, Mẹ đương nhiên và rất hợp lý để được đưa lên trời cả hồn lẫn xác (x. GLHTCG số 963- 975).

Tóm lại, ngay từ khi thân xác Mẹ cưu mang chính xác thân Đấng Cứu Thế, thì Đức Giêsu con của Mẹ, đồng thời là Thiên Chúa đã thánh hóa Mẹ cả xác và hồn ngay từ lúc đầu thai. Vì vậy, sự phục sinh của Đức Giêsu không thể tách rời việc phục sinh Thân Mẫu là người đã cưu mang Cây Sự Sống nơi cung lòng thanh khiết của mình. Mẹ không thể "nhục thân bất hoại" theo lẽ thường được.

2. Cùng với Mẹ ngợi khen Thiên Chúa

Như vậy, mỗi khi mừng lễ Mẹ lên trời, chúng ta hãy cùng với cả triều thần ca mừng Nữ Hoàng Thiên Quốc: "Kìa bà nào xuất hiện như rạng đông, diễm kiều như vầng nguyệt, lộng lẫy tựa thái dương, oai hùng như đạo binh chỉnh tề hàng ngũ?" (Dc 6,10).

Thế nên, phụng vụ hôm nay làm toát lên vẻ huy hoàng và sắc thái hân hoan, vì: kể từ đây, Mẹ nắm giữ vai trò quan trọng nhất là Nữ Vương trời đất; làm Mẹ Thiên Chúa và làm Mẹ nhân loại.

Mẹ đáng được mọi đời khen ngợi vì Mẹ là "Đấng đầy ơn phúc"; "Thiên Chúa ở cùng Mẹ". Mẹ trở thành Evà mới, thành Cây Quả Phúc mà Thiên Chúa đem trồng vào vườn Địa Đàng mới để được cưu mang và sinh ra quả phúc trường sinh là chính Đấng Cứu Thế.

Sự xuất hiện của Mẹ đã đưa nhân loại sang một trang sử mới. Lịch sử cứu độ được mở ra với biết bao ân huệ.

Đứng trước hồng ân lớn lao mà Thiên Chúa ban cho Mẹ, và đặt mình trong tâm tình của Mẹ, chúng ta hãy cất cao lời ngợi khen Thiên Chúa vì những điều kỳ diệu Ngài đã làm nơi Mẹ: "Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới, từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc" (Lc 1, 46-48).

Đây chính là lời kinh tuyệt mỹ mà Mẹ Maria đã cất lên để ca tụng Thiên Chúa, và đây cũng là những cảm nghiệm về tình yêu của Thiên Chúa dành cho Mẹ cách nhiệm mầu.

Biến cố Mẹ được đưa về trời, đã đem lại cho con người niềm hy vọng lớn lao và tuyệt đối.

Bởi vì sự phục sinh của Mẹ gắn liền với sự phục sinh của Đức Kitô: "Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu [...] cũng được Thiên Chúa cho sống lại" (x. 1Cr 15, 20-22).

Qua biến cố này, mặc khải cho chúng ta rằng: Mẹ Maria đã được đưa lên trời cả hồn lẫn xác, và nếu chúng ta theo chân Mẹ, sống như Mẹ và thực hành Lời Chúa cách yêu mến, trung thành thì mai ngày cũng được lên trời hiển vinh như Mẹ. "Cuộc Lên Trời của Đức Trinh Nữ rất thánh là sự tham dự độc nhất vô nhị vào sự Phục sinh của Con mình và là việc thể hiện trước sự phục sinh của các Kitô hữu khác" (GLCG, số 966). Bởi vì "Mỗi người theo thứ tự của mình: mở đường là Đức Kitô, rồi khi Đức Kitô quang lâm thì đến lượt những kẻ thuộc về Người" (x. 1Cr 15, 23-24) cũng sẽ được phục sinh như Người.

"Mẹ Lên Trời là hình ảnh và khởi thủy của Giáo Hội về ơn cứu chuộc của Thiên Chúa cho mọi người chúng ta.  Mẹ chiếu sáng như dấu chỉ lòng trông cậy vững vàng và niềm an ủi cho dân Chúa đang lữ hành" (LG. số 69). Mẹ Lên Trời, nhận lãnh vai trò Nữ Vương trời đất, nên hơn bao giờ hết, Mẹ trở nên gần gũi với mọi thành viên trong gia đình nhân loại, và như thế: "Trong Hội Thánh, Đức Trinh Nữ diễm phúc được kêu cầu bằng các tước hiệu là Trạng Sư, Đấng Cứu Giúp, Đấng Phù Hộ, Đấng Trung Gian" (GLHTCG. số 969).

Như vậy, việc Mẹ được đưa lên trời cả hồn lẫn xác đem lại niềm hy vọng phục sinh cho tất cả chúng ta.

Mầu nhiệm Mẹ được rước lên trời cả hồn lẫn xác không chỉ nhắc nhở chúng ta cầu nguyện với Mẹ, mà còn hy vọng được trường sinh để cùng Đức Mẹ mãi mãi chúc tụng Thiên Chúa. Amen.

 

 

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN - NĂM B

Dẫn vào Thánh lễ

Anh chị em thân mến! Kinh Thánh Cựu ước dùng hình ảnh bữa tiệc, nhất là tiệc cưới để nói về sự gặp gỡ Thiên Chúa và con người. Trong Phúc Âm Chúa Giêsu cũng nhiều lần dùng hình ảnh tiệc cưới để nói về Nước Trời. Trong bữa tiệc không những người ta được ăn uống no say mà còn được tham dự vào đời sống tâm tình của nhau. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu xác nhận Người chính là lương thực nuôi dưỡng và bồi bổ tâm linh con người. Người Kitô hữu chúng ta tiếp nhận lương thực này qua việc rước lễ. Giờ đây xin mời anh chị em thống hối, ăn năn về những lầm lỗi, thiếu sót trong cuộc sống để chúng ta sốt sắng tham dự bữa tiệc thánh.

Ca nhập lễ

Lạy Chúa là khiên thuẫn của chúng tôi, xin hãy trông xem, hãy nhìn tới dung mạo người được Chúa tấn phong. Thực một ngày sống trong hành lang nhà Chúa, đáng quí hơn ngàn ngày ở nơi đâu khác.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa dành muôn ân huệ thiêng liêng cho những người mến Chúa xin đổ tràn tình yêu nồng nhiệt xuống tâm hồn chúng con, giúp chúng con một niềm mến Chúa trong mọi sự và hơn mọi loài, hầu được hưởng gia nghiệp Chúa hứa, là gia nghiệp cao quý hơn những gì lòng người dám ước mong. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Cn 9, 1-6

“Các ngươi hãy ăn bánh của ta, và hãy uống rượu ta đã pha cho các ngươi”.

Trích sách Châm Ngôn.

Sự khôn ngoan đã xây nhà mình và dựng bảy cột trụ, đã giết các sinh vật, pha rượu, dọn bàn tiệc, và sai những nữ tỳ lên các nơi cao trong thành mà công bố rằng: “Ai ngây thơ, hãy đến cùng ta”. Và bảo những kẻ mê muội rằng: “Các ngươi hãy đến ăn bánh của ta, và uống rượu ta đã pha cho các ngươi. Các ngươi hãy bỏ sự ngây dại đi, thì sẽ được sống, và hãy bước theo đường lối khôn ngoan”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 33, 2-3. 10-11. 12-13. 14-15

Ðáp: Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao (c. 9a).

Xướng: Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc, miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Trong Chúa linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui. 

Xướng: Các thánh nhân của Chúa hãy tôn sợ Chúa, vì người tôn sợ Chúa chẳng thiếu thốn chi; bọn sang giàu đã sa cơ nghèo đói, nhưng người tìm Chúa chẳng thiếu chi thiện hảo. 

Xướng: Các đệ tử ơi, hãy lại đây, hãy nghe ta, ta sẽ dạy cho các con biết tôn sợ Chúa. Ai là người yêu quý cuộc đời, mong sống lâu để hưởng nhiều phúc lộc. 

Xướng: Hãy giữ lưỡi đừng nói ra điều ác, và ngậm môi cho khỏi thốt ra lời gian ngoa. Hãy lo tránh ác và hành thiện, hãy tìm kiếm và theo đuổi bình an.

Bài Ðọc II: Ep 5, 15-20

“Anh em hãy ăn ở khôn ngoan theo thánh ý Chúa”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, anh em hãy xét coi phải ăn ở thế nào cho thận trọng, đừng như những kẻ dại dột, song như những người khôn ngoan: biết lợi dụng thời giờ, vì thời buổi này đen tối. Vì thế anh em chớ ăn ở bất cẩn, nhưng hãy hiểu biết thế nào là thánh ý Thiên Chúa. Anh em chớ say sưa rượu chè, vì rượu sinh ra dâm dục, nhưng hãy tiếp nhận dồi dào Chúa Thánh Thần, cùng nhau hát lên những thánh vịnh, những ca vãn và những bài ca đạo đức và hết lòng ca tụng Chúa. Hãy luôn luôn cảm tạ Thiên Chúa là Cha trong mọi nơi mọi sự, nhân danh Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 23

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy”. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 6, 51-59

“Thịt Ta thật là của ăn, và Máu Ta thật là của uống”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân Do-thái rằng: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống”.

Vậy người Do-thái tranh luận với nhau rằng: “Làm sao ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được?”

Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ: “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha, là Ðấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta. Ðây là bánh bởi trời xuống. Không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết, ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu Kitô, hằng ngày chúng con được diễm phúc hiệp thông với Anh chị em thân mến! Chúa Giêsu là nguồn mạch vô tận và là hiện thân của sự sống vĩnh cửu. Chúng ta hãy yêu mến và siêng năng mau mắn tham dự bàn tiệc thánh, cùng sốt sáng dâng lên lời cầu xin :

1. “Các ngươi hãy đến ăn bánh của ta, và uống rượu ta đã pha cho các ngươi” – Xin cho các vị Chủ chăn trong Hội Thánh, hằng lưu tâm săn sóc lo lắng về đời sống thiêng liêng của dân Chúa, để họ an tâm sống ữong đoàn chiên Chúa.

2. “Anh em chớ ăn ở bất cẩn, nhưng hãy hiểu thế nào là Thánh Ý Thiên Chúa” – Xin cho các bạn trẻ trên thế giới, động viên nhau tránh xa những tệ đoan của xã hội, vươn lên tìm lý tưởng sáng, dám lãnh trách nhiệm đối với gia đình và xã hội.

3. “Bánh Ta sẽ ban chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống” – Xin cho những người đang nghi ngờ sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, thêm đức tin để họ xác tín vào Lời Chúa, mà ân cần lãnh nhận sức sống Thần Linh Chúa ban.

4. Bí tích Thánh Thể là dấu chỉ tình yêu Chúa trao ban – Xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta luôn hết lòng biết ơn, yêu mến tiếp rước Chúa hằng ngày, hầu đoàn thể giáo xứ được tràn đầy tình yêu và ân sủng Chúa thương ban.

Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu, chính Chúa đã mời gọi chúng con đến bàn tiệc tình yêu lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa. Xin cho mỗi lần chúng con hiệp lễ, là mỗi lần chúng con đi sâu hơn vào sự hiệp thông với Chúa trong mầu nhiệm vượt qua, Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin chấp nhận lễ vật của chúng con và thực hiện cuộc trao đổi kỳ diệu trong thánh lễ này: là cho chúng con được đón nhận chính Chúa khi chúng con dâng tiến của lễ do Chúa tặng ban. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa rộng lượng từ bi, và Chúa rất giàu ơn cứu độ.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã ban bí tích Thánh Thể cho chúng con được tham dự vào sự sống của Ðức Kitô; xin cho chúng con được trở nên giống như Người, để mai sau được vào thiên quốc cùng Người chung hưởng phúc vinh quang. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy niệm

MẦU NHIỆM ĐỨC TIN

(Chúa Nhật XX TN B) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột 

Một giáo lý viên muốn chơi khăm ông cha phó: “Thưa cha, Hội Thánh dạy rằng phải kiêng thịt mỗi ngày thứ sáu. Vì thế, hôm nay ngày thứ sáu, con không dám rước Chúa vì rước Chúa là ăn thịt, uống máu Chúa Giêsu. Mà ăn thịt là lỗi luật Hội Thánh dạy”. Chắc hẳn ông cha phó dù mới ra lò cũng có đủ cách, đủ kiểu để thoát cạm bẫy của mấy tay giáo lý viên tinh nghịch ấy. Tuy nhiên, qua câu chuyện vui này, chúng ta có lẽ dễ thông cảm với người Do Thái xưa thấy khó chịu khi nghe Chúa Giêsu nói: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6,51). Tin Mừng tường thuật rằng họ đã tranh luận sôi nổi với nhau rằng: “làm sao ông nầy có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” (Ga 6,52).

Kho tàng các chuyện dân gian về tình mẫu tử hay tình hiếu thảo vẫn có đó nhiều mẫu gương các bà mẹ cho con “uống máu” mình hay những người con hiếu thảo cắt thịt để nuôi mẹ già. Dù vậy, khi nghe đến các từ ăn thịt và uống máu người, thì chúng ta vẫn thấy gai gai, rờn rợn chút nào đó. Thế nhưng, có thể nói rằng tất cả mọi người đều đã từng ăn uống thịt máu người để được sống. Cứ vào mỗi dịp chuẩn bị cho các em xưng tội rước lễ lần đầu, tôi thường nói lên sự thật này, đó là con người chúng ta thoạt sinh ra hầu hết đều nhờ chính thịt máu của mẹ qua dòng sữa để sống và lớn lên. Đã từng một thời, nhiều bà mẹ không ý thức tầm quan trọng của dòng sữa mình trong việc nuôi con thưở con mới lọt lòng và khi con còn thơ bé. Nhờ khoa học tiến bộ và cũng nhờ các phương tiện thông tin đại chúng, ngày nay người ta biết khôn ngoan hơn khi nhìn nhận: “sữa mẹ là sữa tốt nhất cho trẻ sơ sinh và các trẻ nhỏ”. Qua hình ảnh dòng sữa mẹ, xin được chia sẻ đôi điều về chính Thịt Máu Chúa Kitô là quà tặng nhưng không, là phương dược kháng bệnh tuyệt vời và là nguồn ban sự sống đời đời.

Thánh Thể là quà tặng nhưng không. Nói rằng nhưng không thì có thể là thừa, vì đã nói là quà tặng thì không đòi hỏi phải trả tiền hay công sức. Tuy nhiên, không nói thì cũng có thể thiếu vì trong thực tế đằng sau nhiều quà tặng vẫn có đó hậu ý “bánh ít trao đi, bánh nhì trả lại” hay chuyện trả nợ đời của những bữa tiệc cưới hỏi, đám đình. Dòng sữa mẹ trao ban cho con thơ thì như là tuyệt đối nhưng không, nghĩa là tất cả chỉ vì con và cho con, ngay cả khi con chưa cất tiếng khóc vì khát sữa. Thiên Chúa được nhân cách hóa bằng đức Khôn ngoan đã bảo “Hãy đến mà ăn bánh của Ta, và uống rượu do Ta pha chế! Đừng ngây thơ khờ dại nữa…” (Cn 9,5). Ngôn sứ Isaia cũng đã từng khẳng định: “Ngày ấy trên núi này, Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon…” (Is 25,6) và ngài đã nói thay Thiên Chúa: “Đến cả đi, hỡi những ai đang khát, nước đã sẵn đây! Dầu không có tiền bạc, cứ đến mà mua mà dùng; đến mua rượu, mua sữa, không phải trả đồng nào” (Is 55,1). Thánh Thể là quà tặng nhưng không. “Anh em đã lãnh nhận nhưng không thì hãy trao ban nhưng không”. (Mt 10,8).

Thánh Thể la phương dược kháng khuẩn, phòng bệnh tuyệt vời. Khôn ngoan hơn người xưa, các bà trẻ ngày nay ý thức tầm quan trọng của những “giọt sữa trong” của mình khi đứa con vừa chào đời, là một linh dược giúp đứa trẻ kháng bệnh tật hữu hiệu. Chúa Kitô minh nhiên phán: “Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26,27-28). Mẹ Hội Thánh còn dạy chúng ta: “Việc rước lễ giúp chúng ta xa lánh tội lỗi. Chúng ta rước lấy Mình Chúa Kitô, “đã phó nộp vì chúng ta” và Máu “đã đổ ra cho mọi người được tha tội”. Vì thế, bí tích Thánh Thể không thể kết hiệp chúng ta với Chúa Kitô, nếu không thanh tẩy chúng ta khỏi tội đã phạm và giúp chúng ta xa lánh tội lỗi” (GLCG chung số 1393).

Thánh Thể là nguồn ban sự sống thần thiêng, nhờ được kết hiệp nên một với Chúa Kitô. Qua dòng sữa, đứa trẻ ngày càng khắng khít với người sinh ra nó. Nhờ dòng sữa, cái tình giữa người mẹ và đứa con thêm đậm đà. Chúa Kitô đã từng khẳng định: “Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì luôn kết hiệp với Tôi, và Tôi luôn kết hiệp với người ấy”. Đời sống trong Chúa Kitô có nền tảng nơi bí tích Thánh Thể: “Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai Tôi, và Tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn Tôi, cũng sẽ nhờ Tôi mà được sống như vậy” (Ga 6,57) (GLCG chung số 1391).

Không ai tự nhận là người khờ dại. Chúng ta đều muốn là những người khôn ngoan, nhưng có thể là “khôn ngoan của con cái thế gian”. Người khôn ngoan kiểu này thì tìm mọi cách thế để có được những thiện hảo đời này kể cả những cách thế phi nghĩa (x.Mt 16,1-8). Không chối cãi rằng vẫn có đó những bậc hiền triết và khôn ngoan đáng trân trọng. Tuy nhiên khôn ngoan theo kiểu này vẫn chưa đủ bảo đảm cho sự sống đời đời vì người ta có thể ỷ lại vào luận lý nhân loại để khước từ Đấng là bánh hằng sống từ trời xuống (x.Mt 11,25-56; Lc 10,21). Ngoài sự khôn ngoan chính đáng thì cần phải có lòng tin. Dù luận suy thế nào đi nữa thì Bánh hằng sống là nguồn ban sự sống đời đời, là phương dược xóa tội và giúp chống lại chước cám dỗ, là quà tặng nhưng không, mãi là mầu nhiệm của đức tin.

Nói đến đức tin thì chúng ta nhìn nhận đó là hồng ân Chúa ban và cũng là sự dấn thân đáp trả của chúng ta. Sự đáp trả này đòi hỏi nhiều sự từ bỏ. Một trong những sự từ bỏ phải có, đó là chấp nhận sự hạn chế của lý trí trước các thực tại siêu nhiên, vì đối tượng của đức tin không minh nhiên rõ ràng theo sự luận lý của trí khôn nhân loại. Vì tin Chúa Kitô là Đấng có lời quyền năng trên bệnh tật, trên sự chết, trên cả thiên nhiên và Người là Đấng từ bi, nhân hậu, đầy lòng xót thương, nên chúng ta tin nhận những gì Người mạc khải.

Lạy Chúa, con tin, nhưng xin củng cố đức tin cho chúng con (x.Mc 9,24)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Chúa nhật thứ 20 thường niên năm B
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 6, 51-59).

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân Do-thái rằng: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống”.
Vậy người Do-thái tranh luận với nhau rằng: “Làm sao ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được?”
Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ: “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha, là Ðấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta. Ðây là bánh bởi trời xuống. Không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết, ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời”.

Suy niệm

Thiên Chúa là nguồn tình yêu và sự sống vĩnh cửu, Ngài không muốn giữ riêng cho mình nguồn suối tình yêu và sự sống đó, Ngài muốn thông chia cho con người, giúp con người trở về với nguồn cội ban đầu của bản thân. Tất cả những điều đó, ánh sáng Lời Chúa và kho tàng đức tin của Mẹ Giáo hội khai tâm mở trí cho các tín hữu, giúp họ biết được phần nào về Thiên Chúa, biết nguồn cội của mình và biết được mối liên hệ giữa Thiên Chúa với con người. Phụng vụ Lời Chúa Chúa nhật thứ 20 thường niên năm B, giúp chúng ta hiểu được phần nào về Thiên Chúa, về con người và mối tương quan thánh thiêng đó, từ đây, con người khi bước vào cuộc sống với ơn gọi của mình, sẽ thấy bình an, thấy tự tin và luôn hạnh phúc vì không bao giờ cô đơn giữa cuộc đời.

Trong Kinh thánh Cựu ước, cuốn sách được coi là những tinh hoa của các bậc hiền nhân gởi lại cho hậu thế, đó là cuốn sách Châm ngôn. Mẹ Giáo hội hôm nay xin được mượn lại những lời hay ý đẹp đó, để gợi nhắc cho con cái mình, biết cách chọn lựa và biết cách sống mỗi ngày một trọn vẹn hơn trong ơn gọi của mình: “Các ngươi hãy đến ăn bánh của ta, và uống rượu ta đã pha cho các ngươi. Các ngươi hãy bỏ sự ngây dại đi, thì sẽ được sống, và hãy bước theo đường lối khôn ngoan”. Tác giả sách Châm ngôn muốn mượn chính mình để nói về Đấng Khôn Ngoan hơn, Ngài mời mọi người đến ăn bánh, đến học hỏi, đến lắng nghe, để thay đổi cuộc đời, để đem niềm vui và bình an đến cho tha nhân và thế giới. Đấng Khôn ngoan đó chính là nguồn cội sự sống, nguồn cội tình yêu và là niềm hoan lạc cho cuộc đời con người hôm nay.

Các chứng nhân Tin Mừng lên đường trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, các ngài đến với mọi gia đình, mọi cộng đoàn, nơi đó, các ngài không chỉ nói về một tin mừng sự sống, nhưng các ngài còn hướng dẫn họ biết chọn lựa những con đường ngắn nhất và ý nghĩa nhất để gặp gỡ Thiên Chúa. Thánh Phaolô, vị tông đồ dân ngoại, khi đến với cộng đoàn giáo hội tại Ê-phê-sô, ngài đã hướng dẫn họ cách chọn lựa một lối sống đẹp, một lối sống hướng thiện, hơn nữa hãy chọn một con đường để gặp gỡ Đấng là Chân – Thiện – Mỹ, từ đó, cuộc đời của họ sẽ hạnh phúc và đáng sống hơn: “Anh em thân mến, anh em hãy xét coi phải ăn ở thế nào cho thận trọng, đừng như những kẻ dại dột, song như những người khôn ngoan: biết lợi dụng thời giờ, vì thời buổi này đen tối. Vì thế anh em chớ ăn ở bất cẩn, nhưng hãy hiểu biết thế nào là thánh ý Thiên Chúa”. Thiên Chúa đem đến cho con người niềm vui cuộc sống, niềm vui trong ơn gọi và đặc biệt là niềm vui được làm người. Chính Ngài là nguồn cội tất cả, nếu con người biết tìm đến Ngài, biết chuẩn bị cho mình một niềm tin thật vững mạnh và kiên định, chắc hẳn sẽ nhận được sự khôn ngoan của Thiên Chúa, nhận được tình yêu và hạnh phúc cuộc đời nhiều hơn.

Sau khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi cộng đoàn, Đức Giêsu gởi vào đó câu chuyện về lương thực trường sinh, về sự sống đời đời mà Thiên Chúa muốn thông chia cho con người. Tấm bánh được làm ra là để trao ban, để cho đi và để đem sự sống đến cho ai dùng nó. Đức Giêsu ví cuộc đời của Ngài là tấm bánh sẽ được bẻ ra và được cho đi: “Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân Do-thái rằng: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống”. Thiên Chúa là cội nguồn sự sống, là nguồn suối tình yêu và hy vọng. Chứng kiến bao nỗi khổ đau của con người, Ngài đã cúi xuống, đã lắng nghe, đã thấu hiểu, hơn nữa, đã chấp nhận những giới hạn của con người nên Ngài đã dùng ngôn ngữ, dùng những câu chuyện và cả những dấu chỉ của thế giới hữu hình này, để nói về một thế giới thiêng liêng, thế giới của tình yêu và sự sống, nơi đó con người không còn đau khổ, không còn bệnh tật, không còn đối diện với những dấu vết của sự chết nữa.

Để có thể đi sâu vào mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người, ai ai cũng cần có một niềm tin, chính niềm tin đó mới cho chúng ta cái nhìn siêu nhiên hơn từ hình bánh, từ chén rượu, tất cả những hình ảnh đó gợi lên sự sống đời đời của Thiên Chúa. Tấm bánh được bẻ ra và trao ban, chén rượu được rót vào ly cuộc đời mỗi người, để họ uống lấy sự sống, để thay đổi sự sống của họ. Đó là lúc con người tin rằng, sự sống của Thiên Chúa đang thẩm thấu vào trong từng tế bào, từng mạch máu cuộc đời của họ. Niềm tin sẽ là chìa khóa đầu tiên mở cánh cửa giúp con người đi xa hơn, tiến sâu hơn vào huyền nhiệm của tình yêu.

Niềm tin còn đưa lối cho con người đến cuộc gặp gỡ thiêng liêng với một Ngôi vị trong nghi thức hiệp lễ hàng ngày. Cuộc gặp gỡ đó đưa con người đi vào trong tương quan nên một với Thiên Chúa. Trong hôn nhân, sự kết hợp giữa vợ chồng không chỉ là sự kết hợp nơi thân xác mà thôi, nhưng còn là sự nên một trong tinh thần, trong tâm hồn nữa. Hình ảnh đó như phóng chiếu sự kết hợp giữa Thiên Chúa và con người, Ngài gắn bó với con người không chỉ là sự hiện diện thiêng liêng bên cạnh, nhưng còn đi vào trong từng nhịp sống của con người, và ngược lại, con người không chỉ đón nhận Mình và Máu Ngài là của ăn, mà còn gắn bó với Ngài trong hành trình cuộc đời như lời thánh Phaolô nói: “tôi sống nhưng không còn là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi”.

Tiếp nhận sự sống đích thực của Thiên Chúa, tiếp nhận nguồn tình yêu bao la cũng từ Thiên Chúa, người chứng nhân của sự sống và tình yêu đó mạnh dạn đi vào đời, chen chân vào những lối nẻo của thế giới, một thế giới đang hoang mang vì dịch bệnh, một thế giới đang sợ hãi vì chiến tranh, vì hận thù. Đôi tay, trái tim và tinh thần phục vụ trong khiêm tốn, cùng với sự hiện diện của Đấng Tình Quân bên cạnh, phần nào sẽ làm vơi đi những khổ đau, phiền muộn, những mất mát và tang thương của thế giới, bởi người chứng nhân đó mang trong mình một niềm tin mạnh mẽ, một tình yêu phục vụ vô vị lợi, một tấm lòng hy sinh cho Đức Kitô đang bị tổn thương, đang mang đầy thương tích trên thân mình, và đang bên cạnh một Đức Kitô lạnh cóng vì đói, vì khát và vì cô độc giữa cuộc đời.

Hiệp lễ mỗi ngày từ bàn tiệc Thánh lễ, người tín hữu sẽ lên đường, bước vào cuộc sống với ơn gọi của mình, trở nên tấm bánh bẻ ra trao cho anh chị em, trở nên sự sống từ chén Máu tình yêu, để cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ và đồng hành với mọi người. Dịch bệnh hoành hành thế giới và đất nước, bao đôi tay và bước chân của tình người được thắp sáng và lan tỏa, bao trái tim cảm thông và ủi an đang cùng nhau vượt khó, chia nhau phần ăn thức uống, đứng lại bên giường bệnh của những người đang xa dần thế giới, người chứng nhân tình yêu tiễn biệt anh chị em với những giọt nước mắt thương cảm, ngã quỵ trong chuyên môn phục vụ các bệnh nhân rất đau lòng, như là lần ngã ngựa của Phaolô, để rồi đem lại sự sống và bình an, đem lại niềm vui và hy vọng cho bao nhiêu người, tất cả trong sự mệt nhọc của thể xác nhưng rất ấm áp của tình người và tình Trời.

 Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chấp nhận trở nên tấm bánh bẻ ra trao ban cho con người, trở nên chén sự sống để thông chia cho con người sự sống của Thiên Chúa, xin cho chúng con mỗi khi được hiệp lễ, biết đến với Chúa bằng niềm tin thực sự, để được gặp gỡ Thiên Chúa, được Ngài nuôi dưỡng hàng ngày và được chén cứu độ của Ngài thông chia sự sống của Thiên Chúa, xin giúp chúng con cũng biết cho trao ban cho tha nhân mà không tính toán, biết làm việc không tìm nghỉ ngơi, biết hiến thân mà không mong chờ phần thưởng nào hơn là được biết Chúa nhiều, được ở bên Chúa mỗi phút giây cuộc đời và được Ngài dẫn vào ngôi nhà tình yêu của Ngài trên Nước Trời. Amen.

Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây