TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật VI Phục Sinh -Năm B

“Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình”. (Ga 15, 9-17)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật XX Thường Niên - Năm A

15/08/2023 09:18:12 |   417

Chúa Nhật XX Thường Niên - Năm A

cn t20 TN A

Mt 15,21-28


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XX Thường Niên - Năm A

Dẫn vào Thánh lễ

Anh chị em thân mến! “Lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được như vậy”. Đó là lời Chúa Giêsu khen người đàn bà Canaan trong bài Phúc âm hôm nay, đồng thời là lời tra vấn những người Do thái đang hiện diện. Cũng vậy, cuộc sống tốt đẹp của những người ngoài Hội Thánh đã trở thành lời cật vấn cho mỗi người Kitô hữu chúng ta: Niềm tin vào Chúa Kitô có giúp chúng ta vượt qua những trở ngại trong cuộc sống không? Niềm tin ấy có giúp chúng ta ngày càng gắn bó hơn với Đức Kitô và phó thác tất cả cho Ngài không? Xin Chúa giúp chúng ta mạnh tin như người đàn bà ngoại giáo trong bài Tin Mừng hôm nay.

Ca nhập lễ

Lạy Chúa là khiên thuẫn của chúng tôi, xin hãy trông xem, hãy nhìn tới dung mạo người được Chúa tấn phong. Thực một ngày sống trong hành lang nhà Chúa, đáng quí hơn ngàn ngày ở nơi đâu khác.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa dành muôn ân huệ thiêng liêng cho những người mến Chúa xin đổ tràn tình yêu nồng nhiệt xuống tâm hồn chúng con, giúp chúng con một niềm mến Chúa trong mọi sự và hơn mọi loài, hầu được hưởng gia nghiệp Chúa hứa, là gia nghiệp cao quý hơn những gì lòng người dám ước mong. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Is 56, 1. 6-7

“Ta sẽ dẫn con cái Ta lên núi thánh”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ðây Thiên Chúa phán: “Hãy giữ luật và thực thi công bình, vì ơn cứu độ của Ta đã gần tới, và sự công chính của Ta sẽ tỏ hiện.

“Người ngoại bang theo Chúa để phụng sự Chúa và mến yêu danh Người, để trở nên tôi tớ Chúa, tất cả những ai giữ ngày Sabbat, không hề sai lỗi, và trung thành với giao ước của Ta, Ta sẽ dẫn chúng lên núi thánh, và Ta sẽ cho chúng niềm vui trong nhà cầu nguyện. Ta sẽ nhận những lễ toàn thiêu và hiến tế của chúng trên bàn thờ, vì nhà Ta là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 66, 2-3. 5. 6 và 8

Ðáp: Chư dân hãy ca tụng Ngài! Thân lạy Chúa, hết thảy chư dân hãy ca tụng Ngài 

Xướng: Xin Thiên Chúa xót thương và chúc phúc lành cho chúng con, xin tỏ ra cho chúng con thấy long nhan Ngài tươi sáng, để trên địa cầu, thiên hạ nhìn biết đường lối của Ngài, cho chư dân người ta được rõ ơn Ngài cứu độ.

Xướng: Các dân tộc hãy mừng vui và khoái trá, vì Ngài công bình cai trị chư dân, và Ngài cai quản các nước địa cầu. 

Xướng: Chư dân hãy ca tụng Ngài. Thân lạy Chúa, hết thảy chư dân hãy ca tụng Ngài! Xin Thiên Chúa chúc phúc lành cho chúng con, để cho khắp cùng bờ cõi trái đất kính sợ Ngài. 

Bài Ðọc II: Rm 11, 13-15. 29-32

“Thiên Chúa ban ơn và kêu gọi Israel, thì Người không hề hối tiếc”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, tôi nói với anh em là những người gốc Dân Ngoại rằng: Bao lâu tôi là Tông đồ các Dân Ngoại, tôi sẽ tôn trọng chức vụ của tôi, nếu có cách nào làm cho đồng bào tôi phân bì, mà tôi cứu rỗi được ít người trong họ. Vì nếu do việc họ bị loại ra, mà thiên hạ được giao hoà, thì sự họ được thâu nhận sẽ thế nào, nếu không phải là một sự sống lại từ cõi chết?

Vì Thiên Chúa ban ơn và kêu gọi ai, thì Người không hề hối tiếc. Như xưa anh em không tin Thiên Chúa, nhưng nay vì họ cứng lòng tin, nên anh em được thương xót; cũng thế, nay họ không tin, vì thấy Chúa thương xót anh em, để họ cũng được thương xót. Thiên Chúa đã để mọi người phải giam hãm trong sự cứng lòng tin, để Chúa thương xót hết mọi người.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 23

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy”. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 15, 21-28

“Này bà, bà có lòng mạnh tin”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, ra khỏi đó, Chúa Giêsu lui về miền Tyrô và Siđon, thì liền có một bà quê ở Canaan từ xứ ấy đến mà kêu cùng Người rằng: “Lạy Ngài là con Vua Ðavít, xin thương xót tôi: con gái tôi bị quỷ ám khốn cực lắm”. Nhưng Người không đáp lại một lời nào. Các môn đệ đến gần Người mà xin rằng: “Xin Thầy thương để bà ấy về đi, vì bà cứ theo chúng ta mà kêu mãi”. Người trả lời: “Thầy chỉ được sai đến cùng chiên lạc nhà Israel”. Nhưng bà kia đến lạy Người mà nói: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi”. Người đáp: “Không nên lấy bánh của con cái mà vứt cho chó”. Bà ấy đáp lại: “Vâng, lạy Ngài, vì chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ bàn của chủ rơi xuống”. Bấy giờ, Chúa Giêsu trả lời cùng bà ấy rằng: “Này bà, bà có lòng mạnh tin. Bà muốn sao thì được vậy”. Và ngay lúc đó, con gái bà đã được lành.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến, Lời Chúa có sức đánh động tâm hồn và phá vỡ ngục tối trong lòng mỗi người, vì thế, chúng ta cùng hợp lời, nguyện xin Chúa ban ơn và biến đổi tâm hồn mỗi người chúng ta.

1. Xin Chúa thương ban ơn trợ lực, giúp Giáo Hội được đổi mới, để có thể loan báo Chúa cho mọi người, nhờ đó muôn dân biết tìm kiếm Chúa với cả tấm lòng thành.

2. Xin ban ơn nâng đỡ các nhà truyền giáo, để họ biết tôn trọng truyền thống và văn hóa của các dân tộc trong công cuộc loan báo Tin Mừng.

3. Các Kitô hữu được mời gọi liên kết với mọi người để làm nên một đại gia đình duy nhất của Thiên Chúa. Xin cho họ biết vượt qua những khác biệt về chủng tộc, màu da, ngôn ngữ và văn hóa để trở thành các chi thể trong nhiệm thể duy nhất của Chúa Kitô.  

4. Chúa Giêsu đã nhận lời cầu xin của thiếu phụ xứ Ca-na-an. Xin cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta biết nhận ra những yếu đuối, nghèo khó của mình, nhờ đó luôn tin tưởng và phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa.

Chủ tế: Lạy Cha, xin biến đổi tâm hồn mỗi người chúng con. Như xưa, Chúa Giêsu, Con Cha đã nhận lời cầu khấn của thiếu phụ xứ Ca-na-an, xin Cha cũng thương đoái nhận những ước nguyện chúng con vừa dâng tiến. Xin giúp mỗi người chúng con nhận biết mọi người đều là con Cha, để luôn mau mắn và quảng đại giúp đỡ họ. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin chấp nhận lễ vật của chúng con và thực hiện cuộc trao đổi kỳ diệu trong thánh lễ này: là cho chúng con được đón nhận chính Chúa khi chúng con dâng tiến của lễ do Chúa tặng ban. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa rộng lượng từ bi, và Chúa rất giàu ơn cứu độ.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã ban bí tích Thánh Thể cho chúng con được tham dự vào sự sống của Ðức Kitô; xin cho chúng con được trở nên giống như Người, để mai sau được vào thiên quốc cùng Người chung hưởng phúc vinh quang. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy niệm

Ơn Cứu Độ

Ý tưởng chính của phần phụng vụ sáng hôm nay đó là Thiên Chúa mong muốn cho mọi người được cứu độ, không phân biệt chủng tộc, màu da và tiếng nói. Thực vậy, trong một thị kiến, tiên tri Isaia đã mở rộng cửa đền thờ cho tất cả những tâm hồn thiện chí. Ngay đến những người xa lạ cũng được mời gọi. Kể từ nay sẽ không còn rào chắn, sẽ không còn vách ngăn bởi vì mọi cánh cửa đã được rộng mở, để đón nhận những kẻ tìm kiếm Chúa.

Rồi trong Phúc Âm chúng ta cũng thấy người đàn bà ngoại giáo có đứa con bị quỷ ám, đã tin tưởng vào Chúa Giêsu. Bà gọi Ngài là con vua Đavít. Bà đã sụp lạy Ngài và xin Ngài giúp đỡ. Tuy nhiên thái độ của Chúa Giêsu đã làm cho chúng ta sững sờ và ngạc nhiên. Dường như Ngài muốn dành ưu tiên cho dân Do Thái và dường như muốn thử thách lòng tin của bà. Lần thứ nhất Ngài đã yên lặng. Lần thứ hai Người đáp: Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Israel mà thôi. Lần thứ ba, Ngài lại bảo: Chớ lấy bánh của con cái mà vứt cho chó. Thế nhưng bà vẫn một niềm cậy trông. Bà sẽ không ra về bao lâu đứa con gái của bà chưa được chữa lành. Bà đã chấp nhận lời nói có vẻ sỉ nhục của Chúa, nhưng rồi lợi dụng nó để đem lại lợi ích cho mình bà nói: Nếu thế thì những con chó cũng sẽ được hưởng những mẩu vụn từ bàn rơi xuống. Cuối cùng Chúa Giêsu đã phải ca ngợi niềm tin của bà và làm phép lạ cứu chữa đứa con gái của bà. Là một người ngoại đạo bà đã làm gương cho các môn đệ về một niềm tin khiêm nhường và kiên vững.

Cũng trong chiều hướng ấy, thánh Phaolô đã gióng lên một tiếng chuông và Ngài cho chúng ta được biết: có một mối liên hệ mật thiết giữa người Do Thái và dân ngoại. Dân ngoại đã không vâng lệnh Chúa và cuộc đời họ thì chồng chất tội lỗi, thế nhưng người Do Thái cũng không hơn gì. Bởi thế Ngài đã tỏ lòng nhân từ cho cả hai. Ngài đã không bỏ rơi dân Do Thái, dân mà Ngài đã đổ xuống biết bao nhiêu ơn lành quý giá. Thế nhưng tội lỗi đã làm cho họ thực sự xa cách Chúa và làm cho Ngài nổi giận. Dầu vậy lòng thương xót của Ngài vẫn không hề thay đổi. Đối với dân ngoại cũng vậy, Ngài luôn sẵn sàng giơ tay nâng đỡ họ, bởi vì ơn cứu độ chính là một hành động nhân từ và thương xót mà Ngài đã thực hiện cho chúng ta.

Bởi đó chúng ta hãy tin tưởng vào tình thương của Chúa và hãy kiên tâm bền chí cho đến cùng vì ai kiên tâm bền chí cho đến cùng thì người ấy sẽ được cứu chuộc.


Củng cố đức tin

Kết thúc đoạn Tin Mừng sáng hôm nay, Chúa Giêsu đã lên tiếng ca ngợi đức tin của một người đàn bà Canaan. Còn đức tin của chúng ta lúc này thì sao? Mạnh mẽ hay yếu kém? Nếu như đức tin của chúng ta lúc này đang yếu kém, thì có cách nào để củng cố, để gia tăng hay không?

Đức tin có thể được sánh ví như một bắp thịt. Nếu không chịu khó tập luyện thì bắp thịt ấy sẽ suy yếu dần. Trái lại, càng luyện tập, thì bắp thịt ấy càng trở nên mạnh mẽ. Đức tin cũng vậy, nó cần phải được tập luyện. Trong phạm vi này, chúng ta có nhiều cách để tập luyện để củng cố cho đức tin nên mạnh mẽ.

Trước hết, chúng ta có thể học hỏi lời Chúa, tìm hiểu Phúc Âm như chúng ta đang làm trong giây phút này. Chúng ta có thể tham dự thánh lễ một cách sốt sắng. Chúng ta có thể cầu nguyện riêng tư một cách có ý thức, để kín múc nguồn sinh lực thiêng liêng cho đức tin của mình. Tuy nhiên có một phương cách luyện tập đức tin rất hữu hiệu.

Trong tác phẩm “Anh em nhà Karamaốp”, Dostoevski, kể lại rằng: Một bà già bị khủng hoảng về đức tin, đến hỏi ý kiến một vị linh mục. Cuối cùng vị linh mục đã đưa ra một phương cách để giúp bà củng cố niềm tin của mình, đó là bằng tình yêu. Vị linh mục nói: Hãy cố gắng yêu thương láng giềng của bà thật tình. Càng yêu thương, bà chắc chắn hơn về sự hiện hữu của Chúa và đời sống mai hậu sau khi chết. Càng yêu thương, đức tin của bà càng lớn lên và những nỗi ngờ vực sẽ bị tiêu tan.

Từ lời khuyên này, chúng ta nhận thấy đức tin và đức mến luôn đi đôi với nhau, không khác gì hai thanh sắt của đường rầy xe lửa. Tìm được cái này tức là tìm được cái kia. Đức tin và đức mến liên kết với nhau mật thiết như xác với hồn. Chúng ta có muốn thực sự tin vào Chúa hay không? Nếu muốn, thì chúng ta phải làm một điều gì đó cho Ngài. Giữa thời buổi đầy ngờ vực này, thì không có cách nào khác đâu. Nếu vì Ngài mà chúng ta cho kẻ đói được ăn, kẻ khát được uống, kẻ trần trụi được mặc, thì lúc đó chúng ta sẽ thấy rằng mình đã thực sự làm những điều ấy cho Ngài.

Chúa sẽ tỏ lộ chính Ngài cho chúng ta như thể Ngài là một người vẫn còn sống. Và điều này dẫn chúng ta trở lại với người phụ nữ Canaan của đoạn Tin Mừng hôm nay. Bà đến với Chúa là vì kẻ khác chớ không vì mình. Bà đến với Chúa vì tình yêu, với tư cách của một người mẹ, một người mẹ đầy yêu thương đối với đứa con của mình. Cuối cùng Chúa đã lên tiếng ca ngợi đức tin của bà.

Trong phạm vi đức tin, có những ngày tươi sáng và hứng khởi, nhưng cũng có những ngày ảm đạm và khủng hoảng. Nếu như lúc này đức tin chúng ta đang suy yếu, ngoài việc học hỏi và cầu nguyện chúng ta hãy thực hiện những hành động bác ái, để nhờ đó chúng ta sẽ gặp được Chúa nơi những người anh em của chúng ta.

Sau thế chiến thứ II ít lâu, người ta thu dọn những đổ vỡ và người ta thấy trên một bức tường nhỏ, có hàng chữ sau đây của một người Do Thái đang trên đường trốn tránh bọn Đức quốc xã. Người Do Thái ấy đã viết như thế này: Tôi tin vào mặt trời ngay cả lúc nó không chiếu sáng. Tôi tin vào tình yêu ngay cả lúc nó vắng bóng. Tôi tin vào Thiên Chúa ngay cả khi Ngài yên lặng.
 

TẤT CẢ ĐỀU ĐỒNG BÀN
Đức Giê-su nói: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con.” Bà ấy thưa: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.” Bấy giờ Đức Giêsu đáp: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy.” (Mt 15,26-28)

Suy niệm: Thoạt nghe câu nói đầy cứng cỏi của Đức Giê-su, nhiều người không khỏi bất bình nghĩ rằng sao Chúa hất hủi người đàn bà ngoại giáo này như thế. Thực ra, Đức Giê-su đang đưa cho bà một cây sào để bà nắm lấy. Ở Đông Phương, gọi người khác là “chó” là một lời nguyền rủa rất nặng. Tuy nhiên, ở đây, Đức Giê-su dùng từ “chó con” để nói lên tính cách gia đình của nó trong gia đình chủ, được nuôi nấng, cưng chiều, khác với lũ chó hoang ngoài phố chợ. Có lẽ vì nhận ra được tính thân ái này mà bà đã tiếp tục đối đáp với Đức Giê-su và cuối cùng được ơn Chúa như người Ít-ra-en từng được.

Mời Bạn: Tại sao bạn gặp có cơ may có đức tin? Tại sao bạn được ưu đãi cho vào ăn “bánh của con cái Thiên Chúa”? Có phải vì thế mà bạn quên đi đám đông bao la đang chờ đợi các mảnh vụn từ bàn ăn thần linh này không? Thiên Chúa chọn ai trước là để họ góp công thực hiện mục tiêu cuối cùng này, là hết thảy mọi người phải được cứu độ.

Chia sẻ: Mối tương quan của bạn đang chỉ giới hạn giữa những người cùng đạo hay bạn đang có những cố gắng kết nối tương quan thân ái với những anh chị em ngoài Công giáo nữa?

Sống Lời Chúa: Bạn sắp xếp đi thăm viếng một gia đình ngoài Ki-tô giáo.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa dành cho con vinh dự được ăn bánh của con cái Thiên Chúa. Xin cho con biết rằng, Chúa cũng muốn nhiều anh em khác được ân phúc như con.

Chúa nhật tuần lễ 20 thường niên
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 15, 21-28).

Khi ấy, ra khỏi đó, Chúa Giêsu lui về miền Tyrô và Siđon, thì liền có một bà quê ở Canaan từ xứ ấy đến mà kêu cùng Người rằng: “Lạy Ngài là con Vua Ðavít, xin thương xót tôi: con gái tôi bị quỷ ám khốn cực lắm”. Nhưng Người không đáp lại một lời nào. Các môn đệ đến gần Người mà xin rằng: “Xin Thầy thương để bà ấy về đi, vì bà cứ theo chúng ta mà kêu mãi”. Người trả lời: “Thầy chỉ được sai đến cùng chiên lạc nhà Israel”. Nhưng bà kia đến lạy Người mà nói: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi”. Người đáp: “Không nên lấy bánh của con cái mà vứt cho chó”. Bà ấy đáp lại: “Vâng, lạy Ngài, vì chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ bàn của chủ rơi xuống”. Bấy giờ, Chúa Giêsu trả lời cùng bà ấy rằng: “Này bà, bà có lòng mạnh tin. Bà muốn sao thì được vậy”. Và ngay lúc đó, con gái bà đã được lành.

Suy niệm

Tình Cha ấm áp như vầng thái dương. Đó là ca từ của một bài hát trong số các bài hát ca ngợi tình yêu của người Cha dành cho con cái trong gia đình. Vầng thái dương ban mai rất dịu dàng, rất trong lành và rất tươi sáng, tình yêu của người Cha dành cho con không ồn ào, không se sua và cũng không biến động như những cơn sóng biển, tình yêu đó nhẹ nhàng đi vào tâm hồn của người con, nếu người con hiểu được cha mình là ai và quan trọng thế nào đối với cuộc đời của mình. Tình yêu của người cha như là ngọn đèn hải đăng soi dẫn cho các con tàu lớn nhỏ, tìm thấy bến bờ bình an để tìm về. Tình yêu của người cha trần thế đáng trân quý như thế đó, thì tình yêu của người Cha nhân lành trên trời, còn đáng cho con người trân trọng và biết ơn dường bao. Phụng vụ Lời Chúa tuần lễ 20 thường niên, mở ra bức tranh của tình Cha trên trời dành cho con cái thật sâu sắc, với ước mong con cái sẽ nên người, sẽ được cứu độ và sẽ được sống đời đời trong ngôi nhà hạnh phúc.

Tình yêu của người Cha nhân lành phủ bóng trên mọi con cái. Tình yêu đó dành cho người này, dân tộc kia, hay một nhóm nào đó, tình yêu đó là tình yêu cứu độ, người Cha sẵn sàng trao cho mọi người dưới bầu trời này, nếu họ tin nhận Ngài là Cha: “Người ngoại bang theo Chúa để phụng sự Chúa và mến yêu danh Người, để trở nên tôi tớ Chúa, tất cả những ai giữ ngày Sabbat, không hề sai lỗi, và trung thành với giao ước của Ta, Ta sẽ dẫn chúng lên núi thánh, và Ta sẽ cho chúng niềm vui trong nhà cầu nguyện. Ta sẽ nhận những lễ toàn thiêu và hiến tế của chúng trên bàn thờ, vì nhà Ta là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc”. Người Cha nhân lành luôn mong con cái mình được hạnh phúc, được bình an, vì thế, Ngài luôn mong muốn tình yêu cứu độ ấy được tuôn chảy tới mọi tâm hồn qua muôn ngàn thế hệ.

Dừng lại nơi bài đọc thứ 2 từ thư của thánh Phaolô gởi cho con cái thành Roma, chúng ta có thể phần nào nhận ra tình yêu cứu độ của Thiên Chúa Cha không đóng khung lại trong bất cứ dân tộc nào, con người nào hay thời đại nào, tất cả cho mọi người và mọi thời: “Thiên Chúa ban ơn và kêu gọi ai, thì Người không hề hối tiếc. Như xưa anh em không tin Thiên Chúa, nhưng nay vì họ cứng lòng tin, nên anh em được thương xót; cũng thế, nay họ không tin, vì thấy Chúa thương xót anh em, để họ cũng được thương xót. Thiên Chúa đã để mọi người phải giam hãm trong sự cứng lòng tin, để Chúa thương xót hết mọi người”. Thiên Chúa không bao giờ hối tiếc vì đã cứu độ con người, Ngài muốn đưa con người vào đêm tối đức tin, để thấy được tính hữu hạn của mình, để họ can đảm đưa tay ra, nắm lấy bàn tay yêu thương của Thiên Chúa. Chính sự nỗ lực đó của con người, họ được cứu độ và được chìm đắm trong sự hạnh phúc đích thực của Thiên Chúa tình yêu.

Bài Tin mừng do thánh Matthêu kể lại, dẫn người đọc đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác. Tính bất ngờ của câu chuyện, giúp người tín hữu phần nào hiểu được tình yêu của Thiên Chúa, khi Ngài thi thố quyền năng cứu độ con người: “Khi ấy, ra khỏi đó, Chúa Giêsu lui về miền Tyrô và Siđon, thì liền có một bà quê ở Canaan từ xứ ấy đến mà kêu cùng Người rằng: “Lạy Ngài là con Vua Ðavít, xin thương xót tôi: con gái tôi bị quỷ ám khốn cực lắm”. Nhưng Người không đáp lại một lời nào. Các môn đệ đến gần Người mà xin rằng: “Xin Thầy thương để bà ấy về đi, vì bà cứ theo chúng ta mà kêu mãi”. Người trả lời: “Thầy chỉ được sai đến cùng chiên lạc nhà Israel”. Nhưng bà kia đến lạy Người mà nói: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi”. Người đáp: “Không nên lấy bánh của con cái mà vứt cho chó”. Bà ấy đáp lại: “Vâng, lạy Ngài, vì chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ bàn của chủ rơi xuống”. Một người phụ nữ xa lạ, tìm đến xin ơn chữa lành, một câu trả lời trong im lặng khó hiểu và một thái độ chấp nhận thử thách rất khiêm tốn và kiên định. Thiên Chúa không thua sự cố gắng của con người, Ngài càng không để con người ra đi trong thất vọng, trước một tình yêu cứu độ trên cả tuyệt vời đến từ trời cao.

Chỉ nghe tiếng đồn về một anh chàng có tên Giêsu nào đó nơi mảnh đất Do-thái, người phụ nữ dân ngoại đã tìm đến. Quả là một sự bất ngờ đối với Đức Giêsu, sứ mạng của Ngài là đem ơn cứu độ đến cho một dân tộc được chọn từ xưa, thế mà hôm nay, một người ngoại lại đến cầu xin ơn chữa lành. Niềm tin và lòng mến đã dẫn lối cho người phụ nữ tìm gặp Đức Giêsu. Lời từ chối thẳng thừng không ngăn được niềm tin chân thành và kiên định của bà ta, trái lại, bà còn khẳng định rằng, dẫu không được thừa hưởng niềm vui của dân riêng, nhưng vẫn có thể được nhặt góp những mảnh vụn của tình yêu bao la đó chứ. Chính lúc đó, sự bất ngờ lại xuất hiện trong suy nghĩ của Đức Giêsu, vậy chỉ có dân Do-thái cần được cứu độ thôi sao, hay tất cả mọi người, mọi dân tộc và mọi thời đều mong được tha thứ, được yêu và được cứu độ.

Tính cục bộ của các môn đệ trước câu chuyện trên, là một vấn nạn đáng để ta suy nghĩ. Trước một niềm tin mãnh liệt, trước một thái độ chân thành và kiên định thế, nỡ lòng nào họ muốn chia tách bà ta ra khỏi tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Có phải tính tự mãn và tự kiêu, vô hình chung đang khép lại những cánh cửa cứu độ, để rồi nhiều tâm hồn không tìm thấy lối nẻo trở về với Thiên Chúa. Có phải sự vô tâm của các học trò Đức Giêsu, đã ngăn cản lòng mến của bao anh chị em đang khao khát nguồn nước cứu độ, nhưng không được nếm trải. Ơn cứu độ của Thiên Chúa đến từ lòng thương xót, hay đến từ sự ban ơn, cơ cấu xin – cho bấy lâu nay là một căn bệnh trầm kha trong xã hội, chẳng lẽ trong niềm tin và ơn cứu độ của cần đến việc xin – cho thế sao. Các môn đệ coi ơn cứu độ mà Thầy mình đem từ trời xuống, như là một món quà vô giá, cần phải làm đúng thủ tục, phải đi qua trung gian là các ông, thì mới được đón nhận và được ban ơn?

Câu chuyện hiệp hành vẫn đang còn được viết mỗi ngày trên trang giấy lịch sử của Giáo hội. Lời mời của vị Cha chung gởi đến mọi người, không phân biệt chủng tộc, ngôn ngữ, văn hóa và vùng miền, tất cả đều được tham dự tích cực và chương trình cứu độ. Đồng thời, vị Cha chung đó còn kêu gọi loại trừ chủ nghĩa giáo sĩ trị, cách nào đã ngấm sâu trong lòng Giáo hội, tất cả để canh tân, tất cả để ơn cứu độ đến được với mọi người, tất cả để cho Thiên Chúa được vinh hiển. Thế nhưng, tất cả như đang chìm dần trong lặng lẽ. Mẹ Giáo hội rất mong có sự canh tân, rất mong ơn cứu độ của Thiên Chúa được lan tỏa tới mọi chân trời góc biển, nhưng người môn đệ của Ngài, có những lúc đã rơi vào trạng thái giống như các môn đệ xưa, tất cả chỉ vì sự quấy rầy, tất cả chỉ vì sự an phận và tất cả chỉ vì tính tự mãn của con người.

Lạy Chúa, người phụ nữ đã nhận được tình yêu cứu độ từ Con Thiên Chúa làm người, khi bà ta biết khiêm tốn cúi mình và kiên nhẫn đợi chờ, xin giúp chúng con hiểu được niềm vui của người phụ nữ đó, để cố gắng đem tin mừng và niềm vui cứu độ đến cho anh em chung quanh đang đói, đang khát. Chúa đã trao cho bà ta một món quà lớn gấp nhiều lần món quà bà mong đợi, tất cả nhờ vào niềm tin và lòng mến, xin giúp chúng con hiểu được giá trị của niềm tin trong một thế giới giả tạo này, để chúng con can đảm đưa tay ra, nắm lấy bàn tay của Chúa, để được kéo lên con thuyền cứu độ là gia đình Giáo hội. Amen.

 

NHỮNG ÂN TÌNH ĐỜI THƯỜNG
(Chúa Nhật XX TN A) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Phải vào đạo Công giáo mới được được lên thiên đàng sao? Vâng, đúng thế. Một thừa sai cách đây khoảng 300 năm không chỉ xác quyết như trên mà còn nói thêm rằng mọi người không vào đạo Công giáo đều xuống hỏa ngục. Một bà thuộc hàng vương tộc nước Việt chúng ta, người đặt câu hỏi trên đây đã nhất quyết không vào đạo Công giáo vì một chức sắc của đạo ấy quả quyết tiên tổ của bà đều xuống hỏa ngục tất tần tật. Và chính bà ta đã thẳng tay đuổi vị thừa sai ra khỏi nhà.

Cần khiêm tốn thú nhận rằng đã một thời Kitô hữu chúng ta tự nhốt mình trong tháp ngà tự kiêu chủ quan: Chỉ có đạo ta mới là đạo thật, chỉ có chúng ta mới nắm trọn chân lý, ngoài đạo ta, anh em lương dân, bà con khác đạo đều là sai lạc sạch sành sanh và không thể được cứu rỗi.

Thử hỏi chân lý ta có được do bởi đâu, phải chăng là nhờ sự truy tìm của trí khôn? Không loại trừ sự góp phần của lý trí, nhưng nguyên lý trí vẫn chưa đủ. Chân lý ta thủ đắc là nhờ lòng tin dựa vào sự mạc khải của Thiên Chúa. Đức tin là ân sủng do Chúa ban tặng cách nhưng không. Thiên Chúa lại là Đấng giàu lòng từ bi, nhân ái. Người muốn mọi người nhận biết chân lý để được cứu rỗi. Thánh Tông đồ dân ngoại khẳng định sự thật này với môn đệ Timôtê (x.Tim 2,3-4). Thiên Chúa, Đấng chẳng nể vì hay tây vị một ai, Đấng rộng tay cho mưa rơi đều trên người lành lẫn kẻ dữ, Đấng làm cho mặt trời mọc lên soi sáng người công chính lẫn kẻ bất lương, chắn chắn Người chẳng hẹp hòi với bất cứ ai. Tiên tri Isaia công bố rằng mọi người sẽ được Chúa dẫn lên Núi thánh, cho họ hân hoan bước vào Nhà cầu nguyện, vì Nhà Chúa là nhà cầu nguyện của muôn dân nước (x.Is 56,6-7).

Đức tin là do Chúa ban tặng. Thế nhưng đức tin không phải là một món quà cụ thể được trao ban một lần tức thời, nhưng thường là dần dần qua những điều kiện tự nhiên khách quan lẫn chủ quan. Một trong những điều kiện tự nhiên ấy chính là những mối tình chân chính bình thường của kiếp người: Tình phụ tử, mẫu tử, tình phu thê, tình bằng hữu… Một người mẹ, một phụ nữ xứ
Canaan, một lương dân hay ngoại giáo đã bày tỏ niềm tin sắt đá khiến Chúa Giêsu phải khâm phục. Đấng Thiên sai cũng đã từng khâm phục lòng tin của một viên sĩ quan bách quản đến nỗi Người khẳng định rằng chưa thấy có lòng tin nào mạnh mẽ như thế trong Israel (x.Mt 8,10).

Viên sĩ quan bách quản và người mẹ xứ
Canaan trên đã sớm chân nhận căn tính Thiên Sai của Chúa Giêsu chăng? Điều này chúng ta không thể trả lời cách chắc chắn. Nhưng một điều thật hiển nhiên ta có thể khẳng định, đó là tấm lòng của người phụ nữ ngoại giáo dành cho đứa con và tấm lòng của viên sĩ quan bách quản dành cho người đầy tớ thật sâu đậm và dạt dào. Vì thương con, chị phụ nữ kiên trì lẽo đẽo theo chân Thầy Giêsu. Cũng vì thương con, chị đã vượt qua chướng ngại của sự tự ái, đồng thời bày tỏ sự khiêm nhu: “Vâng, thưa Ngài, dẫu sao, chó con cũng được hưởng những mảnh vụn từ bàn rơi xuống” (Mt 15,27). Vì thương người đầy tớ, viên sĩ quan bách quản không ngại ngần đến gặp Chúa Giêsu, một người Do Thái vốn là dân đang bị cai trị, đồng thời lại bày tỏ sự khiêm nhu: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi…” (Mt 8,8).

Theo tiến trình tự nhiên, thì không phải nhờ đã có lòng tin nên ta biết yêu, mà ngược lại nhờ biết yêu thương thì lòng tin của ta dần dà nên vững mạnh. Chúng ta dễ nhận ra hiện thực này qua tương quan đôi lứa. Vì yêu nhau nên đôi bạn trẻ ngày càng tin tưởng nhau hơn là vì đã tin tưởng nhau nên họ yêu nhau. Như thế niềm tin thường khởi đi từ trái tim hơn là từ khối óc. Quả thật, lịch sử Hội Thánh minh chứng rằng người ta đến với đức tin thường là do cảm nhận một mối tình, một nghĩa cử nào đó hơn là do “bị thua lý”. Xét theo chiều ngược lại, khi niềm tin của một Kitô hữu ngả nghiêng, chao đảo hay khô cằn, thì lý do thường thấy là vì đời sống luân lý sa sút hơn là do thiếu hiểu biết, mặc dù ta không thể loại trừ hay giảm nhẹ vai trò của lý trí trong việc gìn giữ và củng cố đức tin.

Trong thời gian rao giảng Tin mừng, Chúa Giêsu thường bày tỏ tình yêu của Người qua việc thi ân giáng phúc rồi sau đó mời gọi người ta tin vào Người. Phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi no đủ gần cả vạn người cũng như nhiều phép lạ khác như chữa lành người mù từ thưở mới sinh… là một minh chứng (x.Ga 6,35; 9,35). Ngay đêm Tiệc Ly, sau khi cử hành “Lễ Tạ Ơn” và rửa chân cho các môn đệ Chúa Giêsu tha thiết: “Anh em hãy tin vào Thầy…” (Ga 14,1).

Là những người đã lãnh nhận hồng ân đức tin và được xem là người có đức tin, ước gì chúng ta biết củng cố niềm tin của mình bằng chính những nghĩa cử bác ái yêu thương. “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17). Khi khẳng định chân lý này thánh Giacôbê tông đồ trước tiên muốn nói đến hành vi bác ái mà Kitô hữu cần thường xuyên thực thi. Vì trước đó Ngài nói: “Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không có đủ của ăn hằng ngày mà có ai trong anh em lại nói với họ: “Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no”, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ cần, thì nào có ích lợi gì?” (Gc 2,15-16).

Một sứ vụ gắn liền với căn tính của Kitô hữu, đó là rao giảng Tin mừng, là chia sẻ niềm tin mình đã lãnh nhận. Có nhiều cách thế để thực thi sứ mạng truyền giáo, tuy nhiên cách thế xem ra thiết thực nhất, để khởi đầu việc gieo hạt giống đức tin đó là rộng tay chia sẻ tấm lòng của mình qua các mối tình nhân loại chính đáng và phải đạo. Dĩ nhiên không phải dùng của cải vật chất như chiêu bài để câu tín hữu như đã có một thời với “chuyện đạo gạo, đạo bộp bắp, bột xép…”, nhưng phải phát xuất từ một tấm lòng yêu thương chân thật.

Biết yêu thương, dù với những nghĩa cử thường tình của tình nhân loại, thì niềm tin sẽ được củng cố. Được yêu thương thì niềm tin sẽ được gợi mở và dệt xây. Thiên Chúa sẵn sàng đón nhận những ân tình bình thường của ta để tuôn ban ân sủng đức tin. Có đức tin thì sẽ có sự sống đời đời. Xin đừng quên lời cảnh báo của Thầy chí thánh: “Từ phương Đông phương Tây, nhiều người sẽ đến cùng dự tiệc cùng các tổ phụ Abraham, Isaac va Giacop trong Nước Trời. Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng (Mt 8,11-12).

 

SỨC MẠNH CỦA LÒNG TIN
Chúa Nhật 20 Thường Niên năm A: Mt 15, 21-28 - Lm. Thái Nguyên

LmTN 150823b

 

Suy niệm

Qua bài đọc 1, Thiên Chúa muốn mở ra ơn cứu độ cho mọi dân tộc từ dân Israel. Bài đọc 2, Thánh Phaolô xưng mình là tông đồ dân ngoại. Qua bài Tin Mừng, sau khi thử thách đức tin của người đàn bà ngoại giáo, Chúa đã ban ơn chữa lành cho người con gái của bà bị quỉ ám như lời bà cầu xin. Cả 3 bài đọc đều nằm trong một chủ đề duy nhất là Chúa muốn cứu độ tất cả mọi người không từ ai. Tuy nhiên để đón nhận ơn cứu độ hay sự sống mới, con người phải vượt qua thử thách.

Người đàn bà đến với Đức Giêsu là một người xứ Canaan, mà dân Do Thái lại khinh ghét người ngoại bang. Do đó, khi xin Ngài chữa bệnh cho con gái, chắc bà không ngạc nhiên lắm khi thấy Đức Giêsu im lặng, còn các môn đệ Ngài tỏ ra khó chịu. Có điều lạ là bà gọi Đức Giêsu là con vua Đavít: một tước hiệu mà chỉ có người Do Thái dùng để chỉ về Đấng Mêsia. Bà cầu xin tha thiết: “Xin thương xót tôi… con gái tôi bị quỷ hành hạ dữ lắm”. Đức Giêsu không đáp lại lời nào. Còn các môn đệ thì bực bội, muốn Thầy nhậm lời bà cho xong, “vì bà ấy cứ theo sau chúng ta mà kêu mãi!”. Đức Giêsu liền lên tiếng: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Israel mà thôi”. Một câu nói từ chối rõ ràng, xem như bà không còn hy vọng gì.

Nhưng vì quá thương con, bà đã không bỏ cuộc, trong thái độ cung kính bái lạy, bà tiếp tục khẩn khoản nài van: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!”. Cuối cùng Đức Giêsu nói một câu nghe rất sốc: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con”. Câu nói này của Đức Giêsu phản ánh cái nhìn của người Do Thái. Họ tự hào về tính ưu việt của mình trong tư cách là dân riêng của Chúa, nên họ coi khinh dân ngoại như lũ chó con. Câu nói nặng như thế mà bà không cảm thấy bị xúc phạm hay tổn thương. Trái lại, bà còn chấp nhận cái nhìn ấy và nói lên một tâm tình rất khiêm tốn: “Thưa Ngài đúng thế, nhưng lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ bàn của chủ rơi xuống”.

Đức Giêsu đã từng ngạc nhiên trước lòng tin của viên bách quản (x. Mt 8,10-11), thì giờ đây Ngài lại chứng kiến lòng tin phi thường của một người mẹ vì thương con mà dám xóa mình hoàn toàn. Chính tình thương thêm sức mạnh cho lòng tin, khiến lòng tin trở nên kiên trì, bất chấp mọi cản trở, vẫn hy vọng trước một tình hình xem ra bế tắc. Tấm lòng người mẹ đã chạm đến trái tim Đức Giêsu, Ngài đáp lại ngay: “Này bà, lòng tin của bà lớn thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy”. Chỉ bằng một lời nói từ xa, đứa con gái của bà hoàn toàn được chữa lành. Chúa Giêsu đã thử thách và bà đã vượt qua thật ngoạn mục.

Đúng là ơn cứu độ trước tiên chỉ dành cho Israel. Đức Giêsu đã từng căn dặn các môn đệ như thế khi sai họ đi rao giảng Tin Mừng (x. Mt 10, 6). Thế nhưng Ngài không cứng nhắc và bó hẹp trong sứ vụ Cha giao. Ngài vẫn lắng nghe và nhạy bén nhận ra ý Cha trong từng biến cố, để hành động đích xác trong từng thời điểm. Việc mở ra cho dân ngoại hôm nay là khởi đầu cho sứ vụ ngày mai. Vì thế mà Ngài đã đưa ra lệnh truyền cho các tông đồ: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ Ta, làm phép rửa cho họ”. (Mt 28,19).

Tuổi trẻ rất mạnh mẽ, nhưng cũng dễ yếu đuối và buông xuôi trước những thử thách. Dường như chúng ta thiếu xác tín mãnh liệt về ơn gọi của mình để sống đến mức độ cuối cùng, và cũng không có cảm thức rằng số phận của người khác liên hệ đến cách sống ơn gọi của ta. Quả thật, chúng ta dễ rút lui khi bị từ chối. Người phụ nữ Canaan chứng minh cho ta thấy kiên trì là một nhân đức, vì nó lay chuyển được tấm lòng của Thiên Chúa. Bà cho thấy việc bày tỏ nguyện vọng tốt lành, nhất là để trợ giúp kẻ khác, thì không phải là chuyện yếu kém để mình phải mặc cảm, hay nổi lên tự ái và phản kháng, nhưng là chuyện của trách nhiệm và tình liên đới trong đời sống nhân loại.

Thiên Chúa thường thử thách con người, nhất là những ai yêu mến Ngài, đến nỗi thánh Têrêsa Avila phải kêu lên: “Chúa đối xử với bạn thân của Chúa như vậy, hèn chi Chúa ít bạn thân là phải!”. Thật vậy, Chúa muốn là bạn thân với mỗi người, nhưng dường như con người rất sợ làm bạn thân với Chúa. Chính vì tình thân mà Chúa muốn thử thách lòng trung thành của chúng ta. Không phải để cho Chúa biết mà để cho ta và mọi người đều biết, hầu thấy những gì Chúa sẽ làm nên. Chính trong thử thách mà ta được thanh luyện để ngày càng lớn lên trong đời sống đức tin, một đức tin sống động bằng đức ái ngày càng rộng lan, để ta đáng được hưởng vinh quang với Chúa (x. Rm 8, 30).

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Có những tình cảnh thật đáng thương,
như người phụ nữ Ca-na-an, 
biết mình kẻ ngoại bang không đáng,
nhưng vẫn đến với Chúa nài van.


Xem ra Chúa có thái độ hững hờ,
bà đợi chờ mà Chúa vẫn làm ngơ,
thế nhưng người phụ nữ vẫn kiên trì,
cho dù Chúa ví bà như con chó,
không lấy bánh của con cái mà cho.


Bà cũng nhận thấy đó là hợp lý,
mà không hề có một chút tự ti.
vẫn kiên trì nói lên điều mình nghĩ,
dù chó con thì vẫn được hưởng dùng,
những bánh vụn rơi xuống từ bàn chủ.


Không ngờ câu bà nói quá tuyệt vời,
nhẹ nhàng và khiêm tốn với lòng tin,
nên Chúa đã cho bà được toại nguyện,
ban ơn cứu chữa như lời bà xin.


Có nhiều khi Chúa làm như thinh lặng,
để xem con có khao khát thật chăng?
hay cũng chỉ là được chăng hay chớ,
không thành tâm và tha thiết đợi chờ.


Có nhiều lần con tự ái kiêu căng,
không xứng với ơn lành mình lãnh nhận,
con quên rằng tất cả là hồng ân,
chứ bản thân con đâu có đáng gì.


Xin cho con luôn biết nhìn ngắm Chúa,
mở trái tim bằng hành động tự do,
để cho Chúa Thánh Thần luôn dẫn dắt,
không cứng nhắc trong nguyên tắc của mình.


Cho con biết linh động và thay đổi,
để ích lợi cho phần rỗi tha nhân,
để danh Cha được chiếu sáng cõi trần,

và Nước Cha lan rộng khắp muôn dân. Amen.


 

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây