TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Canh thức Vượt Qua

“Giêsu Nazarét chịu đóng đinh, đã sống lại”. (Mc 16,1-8)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật XXI Thường Niên – Năm C

15/08/2022 07:21:50 |   800

Chúa Nhật XXI Thường Niên – Năm C
 

cn21TN C

Lc 13, 22-30

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

Chúa Nhật XXI Thường Niên – Năm C

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, xin ghé tai nghe, xin nhậm lời tôi. Lạy Chúa tôi, xin cứu vớt người bầy tôi đang cậy trông vào Chúa. Lạy Chúa, xin thương tôi, vì tôi ân cần kêu van Chúa suốt ngày.

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Căn cứ vào ba bài đọc trong Phụng Vụ Lời Chúa, Chúa Nhật XXI mùa thường niên năm C hôm nay, chúng ta thấy có hai vấn đề chính yếu, đó là ý định cứu độ phổ quát của Thiên Chúa và nỗ lực con người cần phải có.

Tuy nhiên, theo lời Chúa Giêsu mạc khải trong bài Phúc Âm, thì hình như vấn đề cứu độ không phải chỉ cần Thiên Chúa muốn cứu độ và con người nỗ lực đáp ứng là xong, là đủ. Mà còn phải được Chúa mời gọi và ban ơn, con người mới có thể đạt được ơn cứu độ vì Chúa nói: “các ngươi hãy gắng qua cửa hẹp mà vào”, và lời khác nữa “Ta bảo cho các ngươi biết, nhiều người sẽ cố vào mà không được”. Như thế cần phải sống đức tin Chúa sẽ thấy thiện chí và quyết tâm của chúng ta và trợ giúp chúng ta đạt lý tưởng.

Xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn khôn ngoan để lựa chọn đúng con đường dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời. Vì thế, chúng ta hãy từ bỏ con đường rộng, con đường thênh thang, bằng lòng thống hối ăn năn mọi lỗi lầm của chúng ta.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, chỉ có Chúa mới làm cho chúng con nên một lòng một ý; xin cho tất cả chúng con biết yêu luật Chúa truyền và mong điều Chúa hứa, để dầu sống giữa cảnh thế sự thăng trầm, chúng con vẫn một lòng thiết tha với cõi phúc chân thật. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Is 66, 18-21

“Chúng dẫn tất cả anh em các ngươi từ mọi dân tộc đến”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ðây Chúa phán: “Ta đã biết các việc làm và tư tưởng của chúng; Ta đến quy tụ mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ: chúng sẽ đến và nhìn thấy vinh quang của Ta. Ta sẽ đặt nơi chúng một dấu lạ, Ta sẽ sai một số trong những người được giải thoát đến các dân ngoài biển, bên Phi châu và Lyđia, là những dân thiện xạ, đến Ý-đại-lợi và Hy-lạp, đến những hòn đảo xa xăm, đến với những kẻ chưa nghe nói về Ta, và chưa thấy vinh quang của Ta. Chúng sẽ rao giảng cho các dân biết vinh quang của Ta, sẽ dẫn tất cả anh em các ngươi từ mọi dân tộc đến như của lễ dâng cho Chúa, họ cỡi ngựa, đi xe, đi võng, cỡi la, cỡi lạc đà, đến núi thánh của Ta là Giêrusalem, khác nào con cái Israel mang của lễ trong chén tinh sạch vào nhà Chúa, Chúa phán như thế. Trong những dân đó, Ta sẽ chọn các tư tế, các thầy Lêvi: Chúa phán như vậy”. Vì chưng lời Chúa rằng: Cũng như Ta tạo thành trời mới, đất mới đứng vững trước mặt Ta thế nào, thì dòng dõi ngươi và danh tánh các ngươi sẽ vững bền như vậy”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 116, 1. 2

Ðáp: Hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian (Mc 16, 15).

Xướng: Toàn thể chư dân, hãy khen ngợi Chúa! Hết thảy các nước, hãy chúc tụng Người. – Ðáp.

Xướng: Vì tình thương Chúa dành cho chúng tôi thực là mãnh liệt, và lòng trung thành của Chúa tồn tại muôn đời. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Dt 12, 5-7, 11-13

“Chúa sửa dạy ai là kẻ Người yêu mến”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, anh em đã quên lời yên ủi tôi nói với anh em, như nói với những người con rằng: “Hỡi con, con chớ khinh thường việc Chúa sửa dạy, và đừng nản chí khi Người quở trách con; vì Chúa sửa dạy ai là kẻ Người yêu mến, và đánh đòn kẻ mà Người chọn làm con”. Trong khi được sửa dạy, anh em hãy bền chí. Thiên Chúa xử sự với anh em như con cái: vì có người con nào mà cha không sửa phạt. Ngày nay, hẳn ai cũng coi việc sửa dạy là nỗi buồn khổ, hơn là nguồn vui, nhưng sau này, nó sẽ mang lại hoa quả bình an công chính cho những ai được sửa dạy. Vì thế, anh em hãy nâng đỡ những bàn tay bủn rủn và những đầu gối rụng rời. Ðường anh em đi, anh em hãy bạt cho thẳng, để người què khỏi bị trẹo chân, nhưng được an lành.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 23

Alleluia, alleluia! – Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 13, 22-30

“Người ta sẽ từ đông chí tây đến dự tiệc trong nước Chúa”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu rảo qua các đô thị và làng mạc, vừa giảng dạy vừa đi về Giêrusalem. Có kẻ hỏi Người rằng: “Lạy Thầy, phải chăng chỉ có một số ít sẽ được cứu độ?” Nhưng Người phán cùng họ rằng: “Các ngươi hãy cố gắng vào qua cửa hẹp, vì Ta bảo các ngươi biết: nhiều người sẽ tìm vào mà không vào được. Khi chủ nhà đã vào và đóng cửa lại, thì lúc đó các ngươi đứng ngoài mới gõ cửa mà rằng: ‘Thưa ngài, xin mở cửa cho chúng tôi’. Chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: ‘Ta không biết các ngươi từ đâu tới’. Bấy giờ các ngươi mới nói rằng: ‘Chúng tôi đã ăn uống trước mặt ngài và ngài đã giảng dạy giữa các công trường chúng tôi’. Nhưng chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: ‘Ta không biết các ngươi tự đâu mà tới, hỡi những kẻ làm điều gian ác, hãy lui ra khỏi mặt ta’. Khi các ngươi sẽ thấy Abraham, Isaac, Giacóp và tất cả các tiên tri ở trong nước Thiên Chúa, còn các ngươi bị loại ra ngoài, nơi đó các ngươi sẽ khóc lóc nghiến răng. Và người ta sẽ từ đông chí tây, từ bắc chí nam đến dự tiệc trong nước Thiên Chúa. Phải, có những người sau hết sẽ trở nên trước hết và những người trước hết sẽ nên sau hết”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Chúng ta hãy biết lợi dụng mọi hoàn cảnh, nhất là những khi gặp trái ý hay thử thách, như những phương tiện để thánh hóa bản thân và mưu cầu phần rỗi cho các linh hồn biến nó thành lời cầu xin.

1. “Ta đến qui tụ mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ”- Xin cho các vị Chủ chăn một lòng nhiệt thành lo việc xây dựng Nước Chúa, để các ngài luôn tìm những phương thế hữu hiệu, giúp dân Chúa và mọi người sống đúng tinh thần bát phúc.

2. “Trong khi được sửa dậy anh em hãy bền chí”– Xin cho các tín hữu, dù phải vướng bận với những công việc trần thế, cũng không quên nhiệm vụ phải bồi dưỡng đức tin, để họ sống xứng đáng là những chứng nhân của Tin Mừng cứu độ.

3. “Người ta sẽ từ đông chí tây, từ bắc chí nam đến dự tiệc trong Nước Chúa” – Xin cho các nhà truyền giáo khi khai mở tâm trí con người, biết sẵn sàng đón nhận mọi mầu da sắc tộc, để đưa họ về tin nhận giáo lý của Chúa.

4. “Các ngươi hãy cố gắng vào qua cửa hẹp” – Xin cho những người tội lỗi ơn đức tin và can đảm, để họ không ngã thua trước những quyến rũ của dục vọng, nhưng biết dứt khoát đi vào con đường hẹp, để mai ngày được dự tiệc thánh nơi quê trời.

Chủ tế: Lạy Chúa, cửa hẹp là cửa của niềm tin và là chính Đức Giêsu Kitô, chúng con phải qua mà vào quê trời, xin ban ơn giúp chúng con biết dùng thời gian và ân huệ Chúa ban, để sông theo tinh thần Chúa đòi buộc. Nhờ đó, khi thời gian chấm dứt, chúng con được phúc đón nhận vào Nước Hằng Sống, Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa nhân từ, Chúa đã dùng hiến lễ duy nhất của Ðức Kitô để quy tụ một đoàn con đông đảo; xin thương tình ban cho Giáo Hội ơn hiệp nhất và bình an. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, do kết quả việc Chúa làm, địa cầu được no phỉ, để từ trong đất, con người tạo ra cơm bánh, và rượu làm hoan hỷ lòng người.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì sẽ được sống đời đời, và Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại trong ngày sau hết.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, xin cho chúng con hưởng trọn vẹn ơn cứu chuộc Chúa đã thương ban, để chúng con ngày thêm mạnh sức và hăng say nhiệt thành. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Cửa hẹp

Phải chăng chỉ có một ít người được cứu thoát? Thắc mắc này hẳn đã xuất phát từ lời giảng dạy của Chúa Giêsu về những điều kiện và những thái độ phải có để được vào Nước Trời. Thế nhưng qua câu trả lời, chúng ta nhận thấy điều quan trọng đối với Chúa Giêsu và cũng là điều Ngài muốn nói với những kẻ đã nêu lên câu hỏi, đó là người ta phải cố gắng, phải chiến đấu mới mong được vào Nước Trời, bởi vì một mặt cửa vào Nước Trời thì nhỏ hẹp, mặt khác, thời gian dành để cho người ta vào Nước Trời thì vắn vỏi.

Trong cuộc chiến đấu để được vào Nước Trời sẽ không có ưu tiên dành cho những người có lý lịch tốt, hay đúng hơn, có gốc gác tốt. Ở đây Chúa Giêsu muốn nhắm đến những người Do Thái cứng lòng tin. Họ suy luận rằng: Tước hiệu dân riêng của Chúa, tước hiệu con cháu của Abraham, là một bảo đảm chắc chắn, là một tấm giấy ưu tiên để được vào Nước Trời. Thế nhưng tiên tri Isaia đã từng loan báo về cách xử sự của Thiên Chúa trong thời cứu chuộc, trong ngày phán xét: Ngài sẽ quy tụ mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ, Ngài sẽ dẫn đưa mọi người từ các dân nước mà đến. Sự phân biệt giữa người được vào bàn tiệc và kẻ ở ngoài, giữa người được ở trong bàn tiệc với Abraham, Isaac và Giacob, với kẻ bị đuổi ra chốn tối tăm, ở đó chỉ có khóc lóc và nghiến răng, giữa người được cứu chuộc và kẻ bị hư đi, lý do là ở chỗ họ có chiến đấu đủ và đúng thời đúng buổi để đi ngang qua khung cửa hẹp hay không?

Tất cả mọi người từ phương đông, phương tây, phương bắc, phương nam đều được đặt trong một điều kiện bình đẳng để được vào Nước Trời. Chính trong điều kiện này mà người sau hết có thể trở nên trước hết và những kẻ trước hết có thể tụt xuống sau hết. Nhu chúng ta đã thấy, điều quan trọng Chúa muốn nói đến đó là phải qua cửa hẹp, thế nhưng qua cửa hẹp là gì?

Tôi xin thưa qua cử hẹp là thi hành ý Chúa, là từ bỏ mình vác thập giá mình mà theo Chúa, là dám bán tất cả những gì mình có để làm phúc bố thí cho những kẻ nghèo túng, là liều mất mạng sống mình vì người khác. Nói tóm lại là đi con đường Chúa Giêsu đã đi.

Thiên Chúa không theo chủ nghĩa lý lịch. Trước toà phán xét Ngài không hỏi chúng ta: Đã chịu phép Rửa tội chưa? Có phải là người công giáo hay không? Điều Ngài đặc biệt quan tâm và xét hỏi đó là chúng ta có làm và sống như Chúa đã dạy hay chưa.

CHÚA NHẬT 21C THƯỜNG NIÊN
(Lc. 13:22-30) Lm Lã Mộng Thường

Suy niệm về bài Phúc Âm vừa được công bố, tôi thực sự nghĩ rằng tất cả chúng ta đang hiện diện nơi nhà thờ sẽ đặt vấn đề về câu hỏi được nêu lên, Phải chăng chỉ có một số ít sẽ được cứu độ?” Mọi người đều là con cái của Thiên Chúa. Chúng ta đồng thời quan niệm rằng Thiên Chúa là Cha nhân từ và xót thương; Ngài là Đấng thánh thiện và là sự thánh; Ngài không từ chối một ai và muốn cho mọi người được cứu rỗi cho dù người đó thế nào. Điều này được minh chứng nơi câu truyện Phúc Âm nói về chủ chăn nhân từ và con chiên lạc. Đặt vấn đề như vậy, câu hỏi được nêu lên và đó là cứu độ có nghĩa là gì và cứu độ khỏi sự gì? Phúc Âm nói rõ ràng về mục đích sự rao giảng của Chúa Giêsu và đó là công bố tin mừng nước trời, “Ngài bảo họ: ‘Ta còn phải đem tin mừng nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, chính vì thế mà Ta đã được sai đến” (Lc. 4:43; 8:1; 20:1; Mt. 4:23; 9:35; Mc. 1:14).

Tôi muốn nhắc lại, Phúc Âm thánh Luca đoạn 4, câu 43, nói rằng mục đích mà Đức Giêsu được sai đến là để rao giảng tin mừng nước Thiên Chúa. Theo Phúc Âm, Đức Giêsu cũng chỉ sai các môn đồ đi rao giảng về tin mừng nước trời mà thôi. Chúng ta có thể đọc được điều này nơi Phúc Âm thánh Mathêu, đoạn 10, câu 7, “Hãy đi và loan báo rằng: ‘Nước trời đã gần bên,’” hoặc “Và Ngài nói với họ: ‘Hãy đi khắp cả thiên hạ rao giảng tin mừng cho mọi loài thụ tạo’” (Mc. 16:15; 13:10). Phúc Âm thánh Mathêu đoạn 6, câu 33, nói rõ cho chúng ta biết về điều quan trọng nhất của cuộc sống con người và đó làTiên vàn hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người rồi mọi sự khác sẽ được ban thêm cho các ngươi”.

Xét suy như vậy, chúng ta cần được cứu thoát khỏi sự mù tối bởi không chịu tìm hiểu hay suy nghĩ về Phúc Âm để nhận biết Nước Thiên Chúa. Chúng ta cảm nghiệm được rõ ràng Thiên Chúa là quyền lực hiện hữu nơi mỗi người. Cảm nghiệm này minh chứng Thiên Chúa đang làm việc nơi chính thân xác chúng ta. Suy nghĩ kỹ hơn, Thiên Chúa chính là quyền lực của mọi sự hiện hữu, hữu hình cũng như vô hình. Chúng ta nói rằng Thiên Chúa ở khắp mọi nơi, và như thế, nước Thiên Chúa là chính Ngài. Do đó, tin mừng nước Thiên Chúa, tin mừng nước trời có nghĩa Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Thiên Chúa đang hiện diện, đang làm việc nơi mỗi người chúng ta từng giây từng phút. Thiên Chúa chính là quyền lực khiến con tim đập, khiến lá phổi thở; nói cách khác, Ngài là quyền lực sự sống nơi mọi người, mọi loài; Ngài là quyền lực hiện hữu của tạo vật. Không nhận biết Thiên Chúa, không nhận biết thực thể quyền lực hiện hữu đang hoạt động nơi chính mình, nơi mọi tạo vật, con người dễ dàng hướng chiều theo khát vọng thế tục; điều mà Phúc Âm thánh Mathêu gọi là ý tưởng của loài người nơi đoạn 16, câu 23, “Xéo đi sau Ta, hỡi Satan! Ngươi là cớ vấp phạm cho Ta, vì ý tưởng của ngươi không phải ý tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”. (Lc. 8:33).

Bởi đó, sự u tối do bởi không suy tư, không chịu học hỏi Phúc Âm để nhận biết tin mừng nước trời là cội nguồn của mọi sự tội lỗi nơi cuộc đời con người. Nhận định như thế, chúng ta có thể hiểu được tại sao Phúc Âm được viết những người tuyên xưng ăn uống đồng bàn và được nghe những lời giảng dạy nhưng đã bị từ chối, “Ta không biết các ngươi tự đâu mà tới, hỡi những kẻ làm điều gian ác, hãy lui ra khỏi mặt Ta”. Nếu tự đặt mình vào vị thế những người gõ cửa, khá nhiều vấn đề chúng ta cần để tâm suy xét. Trước hết là Kytô hữu, chúng ta tuyên xưng tin nơi Đức Giêsu, tin vào Thiên Chúa. Nói rằng tin nơi Đức Giêsu vậy những lời giảng dạy của Ngài có vị thế nào nơi cuộc đời mỗi người chúng ta? Phỏng chúng ta có biết Ngài đã giảng dạy những gì để theo hay không? Phỏng chúng ta có dành thời giờ đọc Phúc Âm và để tâm suy nghiệm những điều Ngài đã rao giảng hay không? Vì lý do gì những người đã được nghe những lời giảng dạy bị Phúc Âm gọi là những kẻ làm điều gian ác? Tại sao Lời Chúa khuyến khích chúng ta cố gắng vào qua cửa hẹp? Bởi đâu Phúc Âm được viết, “Và người ta sẽ từ đông chí tây, từ bắc chí nam đến dự tiệc trong nước Thiên Chúa” trong khi những người được nghe giảng dạy lại bị từ chối? Lý lẽ nào minh chứng có những người sau hết sẽ trở nên trước hết và những người trước hết sẽ trở nên sau hết? Nếu lấy sự việc lên đò và xuống đò qua sông theo cách thức ngày xưa để giải thích người xuống đò sau hết sẽ lên bờ trước hết như đã có sách viết thì ngày nay không hợp nữa bởi chiếc phà đưa người và xe qua sông thời nay có hai cửa, xe nào xuống trước sẽ lên trước.

Xét theo sự thực lòng ăn năn hối cải vào phút cuối cuộc đời thì chưa chắc kẻ đợi phút cuối đã có cơ hội. Thế nên, câu Phúc Âm ám định về sự để tâm nghiệm chứng nơi hành trình đức tin. Thuở ban đầu, bất cứ ai cũng đều gặp những khó khăn suy nghiệm cũng như định tâm suy tư bởi đã quá quen lề lối suy nghĩ thế tục. Tuy nhiên, nếu ai thực tâm và cố gắng suy nghiệm, lâu dần thành quen thì sự suy nghiệm về Lời Chúa càng ngày càng phát triển và dễ dàng hơn. Sự để tâm bền chí suy nghiệm này được Phúc Âm giải thích bằng câu, “Kẻ đã có thì được cho thêm mà nên dư dật; còn kẻ đã không có thì dù có ít cũng sẽ bị lấy mất”. Mục đích tối hậu của con người đó là tìm kiếm Nước Trời, nhận biết Thiên Chúa đang ngự trị nơi mình. Thế nên, bất cứ sự việc hay tính toán hoặc âu lo nào làm cản trở hành trình đức tin, làm phiền hà sự nhận biết tin mừng Nước Trời đều thuộc về thế tục. Bởi vậy, những ai không để tâm suy nghiệm Lời Chúa hầu nhận biết Tin Mừng đều được gọi là những kẻ làm điều gian ác. Họ làm điều ác cho chính họ do tự ngăn cản hoặc đã không cần biết gì về Tin Mừng Đức Giêsu công bố cho họ biết. Hơn nữa, là con người, chúng ta phải lo suy xét và tính toán mưu sinh do đó chúng ta bị những lề lối hay thói quen suy nghĩ thế tục ám ảnh. Những lối suy nghĩ thế tục này ngăn cản hoặc che mờ tâm trí rất khó cho chúng ta suy nghiệm Phúc Âm.

Như vậy, con đường hẹp mà Phúc Âm nói tới chính là sự suy nghiệm những lời giảng dạy của Đức Giêsu được ghi chép nơi Phúc Âm. Đây có thể là lý do tại sao Phúc Âm ghi lại câu nói, “Ta bảo các ngươi biết: Nhiều người sẽ tìm vào mà không vào được”. Kinh nghiệm thực tiễn nơi mỗi người minh chứng, đã có nhiều lần chúng ta cảm thấy nản lòng vì nghe hoặc đọc Phúc Âm nhưng không thể nào hiểu được Lời Chúa muốn nói gì. Cố gắng suy luận, dùng những sự kiện nơi cuộc sống làm căn bản nghiệm chứng thì Lời Chúa thuận hoặc phù hợp nơi trường hợp này lại không thể nào chấp nhận được nơi trường hợp khác. Quá nhiều lần gặp phải sự khó khăn như thế sinh lòng chán nản nên chúng ta thường nghe giảng giải cho qua, và như vậy, vô tình càng ngày chúng ta càng để tâm trí lánh xa Lời Chúa để rồi cho rằng chỉ đi lễ, đi nhà thờ và tuân theo lề luật Công Giáo là đủ để được cứu rỗi. Đức Giêsu đến công bố Tin Mừng, giải thoát chúng khỏi vòng nô lệ thế tục hầu nhận ra vị thế cao trọng của mình nơi Thiên Chúa. Muốn nhận biết Tin Mừng, muốn được cứu thoát khỏi vòng nô lệ thế tục hay không đều tùy thuộc sự nghiệm chứng Phúc âm mà thôi. Amen.

 

 HIỆP SỐNG TIN MỪNG

CHÚA NHẬT 21 THƯỜNG NIÊN C

Is 66, 18-21; Dt 12, 5-7.11-13; Lc 13, 22-30

LM ĐAN VINH - HHTM

 

PHẤN ĐẤU ĐI QUA CỬA HẸP ĐỂ VÀO NƯỚC TRỜI

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Lc 13,22-30

(22) Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy. (23) Có kẻ hỏi Người: “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?” Người bảo họ: (24) “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào. Vì tôi nói cho anh em biết: Có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được”. (25) Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khóa cửa lại, mà anh em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa mà nói: “Thưa Ngài, xin mở cho chúng tôi vào!”, thì ông sẽ bảo anh em: “Các anh đấy ư? Ta không biết các anh từ đâu đến!” (26) Bấy giờ anh em mới nói: “Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt Ngài, và Ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi”. (27) Nhưng ông sẽ đáp với anh em: “Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt Ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!” (28) “Ở đó anh em sẽ khóc lóc nghiến răng, khi thấy các ông Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài. (29) Thiên hạ sẽ từ Đông Tây Nam Bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa. (30) Và kìa, có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót”.

2. Ý CHÍNH: Trong Tin mừng hôm nay, Lu-ca ghi lại Lời Đức Giê-su trả lời cho hai câu hỏi: Câu hỏi một: Ai sẽ được ơn cứu độ? Thưa hết mọi người đều được hưởng ơn cứu độ với các tổ phụ của dân Do Thái, đang khi chính dân này lại bị loại ra ngoài. Câu hỏi hai: Muốn được hưởng ơn cứu độ ta cần làm gì? Thưa ta phải chiến đấu để vào Nước Trời qua cửa hẹp.

3. CHÚ THÍCH:

- C 22-24: + Đức Giê-su ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy: Trên đường từ miền Ga-li-lê (Bắc), theo đường bộ về Thủ đô Giê-ru-sa-lem thuộc miền Giu-đê (Nam), Đức Giê-su đã đi ngang qua nhiều thành thị làng mạc. + Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?: Thời Đức Giê-su có hai quan niệm về ơn cứu độ trái ngược nhau: Phe lạc quan thì cho rằng bất cứ ai gốc Do Thái, tuân giữ Luật pháp Mô-sê, thì đương nhiên sẽ được ơn cứu độ. Còn phe bi quan, chịu ảnh hưởng của sách mạo thư (4 Esdra) thì chỉ có rất ít người được ơn cứu độ mà thôi. + Hãy chiến đấu để qua được cửu hẹp mà vào: Đức Giê-su không trả lời trực tiếp câu hỏi của người kia, mà Người khuyên hãy cố gắng phấn đấu và bền chí để được cứu thoát (x. Lc 16, 16; Mt 11, 12; 24, 13). + Có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được: Không vào được vì thời gian quá muộn (x. c. 25), hoặc vì muốn đi con đường không phù hợp là đường rộng thênh thang sẽ dẫn tới chỗ diệt vong (x. Mt 7, 13-14), hay không đi lọt qua được cửa hẹp để vào Nước Trời do lòng tham muốn chiếm đoạt tiền của bất công và thói đam mê hưởng thụ các lạc thú bất chính.

- 25-27: + Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khóa cửa lại: “Cửa khóa lại” là biểu tượng của ngày tận thế chung toàn thể nhân loại hay giờ chết riêng của mỗi người. Những kẻ không sống theo ý Chúa, khi phải ra trước tòa Chúa phán xét thì đã muộn, vì bấy giờ cửa đã khóa lại. + “Thưa Ngài xin mở cửa cho chúng tôi vào!”: Đợi đến lúc chết hay lúc tận thế mới chịu hồi tâm sám hối và nài xin vị Thẩm phán mở cửa cho vào thì đã muộn. + “Ta không biết các anh từ đâu đến!”: Đây là kiểu nói Do Thái, tương đương với câu: “Ta không biết các ngươi là ai”. Vị Thẩm phán không nhận những người Do Thái xấu xa làm gia nhân. Để được làm dân Thiên Chúa thì nguyên việc thuộc dòng giống Áp-ra-ham không đủ (x. Lc 3, 8; Ga 8, 33-41), mà còn phải biết đón nhận Đức Giê-su, nghĩa là phải được vị Thẩm phán cánh chung nhận biết nữa (x. Lc 13, 25-27). + Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt Ngài, và Ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi: “Chúng tôi” trong câu này ám chỉ những người Do Thái sống đồng thời với Đức Giê-su, đã được mắt thấy tai nghe những lời giảng dạy và các phép lạ Người làm. Họ tưởng rằng sự liên hệ ấy là bảo đảm cho họ được vào Nước Thiên Chúa. Nhưng họ đã lầm. + “Ta không biết các anh từ đâu đến”: Lời tuyên bố được lặp lại hai lần nói lên sự dứt khoát từ chối những kẻ cố chấp không tin Đức Giê-su và không chịu ăn năn sám hối được vào Nước Thiên Chúa. + “Cút đi cho khuất mắt Ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!”: Hình phạt đau khổ nhất trong hỏa ngục là không được chiêm ngưỡng thánh nhan Thiên Chúa, không được nhận Người là Cha của mình.

- C 28-30: + Ở đó anh em sẽ khóc lóc nghiến răng: Kiểu nói này diễn tả hình phạt hỏa ngục, dành cho những kẻ làm điều gian ác. Trong hỏa ngục, chúng sẽ phải khóc lóc đau khổ và nghiến răng tức giận. + Khi thấy các ông Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp cùng tất cả ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa: Những ai đi qua cửa hẹp nghĩa là sống công chính sẽ được về với các Tổ phụ dân Do Thái là Áp-ra-ham, I-sa-ác, Gia-cóp và các Ngôn sứ, nghĩa là sẽ được hưởng ơn cứu độ. Giống như trường hợp La-da-rô nghèo khổ khi chết được thiên thần đem vào lòng Tổ phụ Áp-ra-ham (x. Lc 16, 22). + Còn mình lại bị đuổi ra bên ngoài: Những người Do Thái cố chấp không chịu đón nhận Tin mừng Đức Giê-su rao giảng sẽ bị loại ra ngoài và chịu hình phạt. + Những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót: Người Do Thái luôn được ưu tiên đón nhận ơn cứu độ (x. Cv 3, 26). Nhưng họ đã từ chối, nên Tin mừng đã được rao giảng cho dân ngoại (x. Cv 13,46; 18,6). Như vậy là có sự thay đổi thứ tự trước sau giữa dân Do Thái và dân ngoại.

4. CÂU HỎI: 1) Đức Giê-su dạy phải đi con đường nào để được ơn cứu độ? 2) Hành động của ông chủ khóa cửa lại diễn tả điều gì? 3) Muốn được ơn cứu độ thì nguyên việc thuộc dòng giống Do Thái, và được sống đồng thời với Đức Giê-su đã đủ chưa? Đòi người ta phải có những điều kiện quan trọng nào khác? 4) Điểm nổi bật nhất giúp phân biệt giữa thiên đàng với hỏa ngục là gì và những ai sẽ bị loại ra khỏi Nước Thiên Chúa?

II. SỐNG LỜI CHÚA

 1. LỜI CHÚA: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào” (Lc 13, 24).

 2. CÂU CHUYỆN:

1) CON ĐƯỜNG RỘNG RÃI SẼ DẪN ĐẾN ĐAU KHỔ BẤT HẠNH:

Một đôi vợ chồng trẻ kia đều là công nhân trong xí nghiệp may. Họ mới lấy nhau và sống hòa hợp hạnh phúc trong một căn phòng chật hẹp. Họ bàn nhau phải kiếm nhiều tiền để mua một căn nhà khang trang đầy đủ tiện nghi hơn. Nhưng với đồng lương công nhân như hiện nay thì đủ sống được cũng còn là may. Rồi một hôm cô vợ được một người quen giới thiệu chỗ làm mới là làm chiêu đãi viên trong một quán bia ôm. Công việc này lại được tiền “bo” của khách cao gấp chục lần so với đồng lương công nhân trước đó. Anh chồng vì muốn sớm đổi đời nên đã đồng ý cho vợ đi làm. Anh hy vọng sau một thời gian vài ba năm ăn nhịn để dành, hai vợ chồng sẽ mua được ngôi nhà ưng ý và sẽ cho vợ nghỉ làm. Nhưng sự việc xảy ra lại không đơn giản như họ nghĩ. Từ khi đi bán bia ôm, cô vợ làm ra nhiều tiền và được nhiều người vừa giàu có lại vừa có địa vị theo đuổi tán tỉnh, dần dần cô đã thay đổi tính nết trở thành một con người khác hẳn. Cô không còn mặn nồng với người chồng mà giờ đây cô đánh giá là kẻ bất tài, lười biếng và chỉ biết ăn bám vào vợ. Từ suy nghĩ trên, cô thường tỏ thái độ khinh thường chồng. Do nhiễm thói hư của các cô bạn cùng chỗ làm, cô cũng hay gắt gỏng và la mắng chồng bằng những lời thô tục, khiến anh cảm thấy buồn bực. Anh ta chỉ còn biết bầu bạn với rượu bia để giải sầu. Cuộc sống chung của hai người không còn nồng ấm và vui vẻ như trước. Cuối cùng họ đã nộp đơn ra tòa xin ly hôn. Thật đúng như lời Chúa phán: “Con đường rộng rãi là đường dẫn tới hư mất” (Mt 7,13), và người đời cũng có câu: “sự thành công không đến ngẫu nhiên, nhưng chính là kết quả của những cố gắng liên tục kèm theo sự kiên trì dài lâu”.

2) SỐ PHẬN CỦA CHIẾC TÀU HỎA KHÔNG ĐI THEO ĐƯỜNG RAY:

Một hôm chiếc tàu hỏa nghĩ rằng “Tại sao ta lại phải gò bó đi trên hai làn đường sắt? Tại sao ta lại không được chạy nhảy như hươu nai, chạy qua đồi núi, băng qua cánh đồng như bao muông thú khác?” Thế rồi nó đã vượt qua hai làn đường sắt gò bó, để được tự do… Hậu quả của sự chọn lựa nầy là chiếc tàu hoả đã bị ngã đổ xuống vực sâu tan tành. Nếu chiếc tàu hỏa chịu đi trên hai làn đường ray chật hẹp, thì nó đã về đến bến ga an toàn rồi.

Trong gia đình, một hôm chị vợ tự nghĩ: thật uổng phí cả cuộc đời thanh xuân khi ngày nào mình cũng phải làm các công việc như: nấu ăn, rửa chén, quét nhà… để phục vụ chồng con. Tại sao ta không tự giải phóng mình thoát khỏi công việc nhàm chán này? Tại sao ta lại không đi chơi thoải mái như các cô gái ở các vũ trường hộp đêm?

Thế rồi cô đã bỏ nhà ra đi để sống tự do phóng đãng, và kết cục là gia đình bị đổ vỡ ly tán, và cô đã trở thành một người đàn bà bất hạnh không còn ai đoái hoài

3) CUỘC CHẠY ĐUA GIỮA THỎ VÀ RÙA:

Trong các chuyện ngụ ngôn của LA-PHÔNG-TÊN (Lafontaine) có câu chuyện chạy đua giữa thỏ và rùa: Con thỏ rất nhanh chân, còn rùa thì bước đi chậm chạp. Thế nhưng kết cuộc rùa chậm lại thắng thỏ nhanh. Chính là do rùa đã biết thân biết phận, nên đã cố gắng phấn đấu hết khả năng để vượt chặng đường đua qui định. Rùa vẫn biết khả năng thắng cuộc rất mong manh. Nhưng với sự cần cù vượt khó: vượt qua nỗi mệt nhọc, vượt qua khả năng giới hạn, vượt qua sự chê cười của đối phương... Chính sự cố gắng đó đã đưa rùa đến chiến thắng vẻ vang.

Còn thỏ, do quá ỷ lại vào tài năng, nên bắt đầu cuộc thi vẫn rong chơi thoải mái, tìm thưởng thức của ăn dọc đường. Rồi thỏ còn ỷ y nằm ngủ ngon lành. Khi chợt tỉnh dậy, thỏ không còn nhìn thấy rùa đâu nữa bèn tăng tốc, nhưng đã không kịp nữa, rùa đã đến đích trước. Thỏ đành ôm hận và chịu thất bại do thái độ ơ hờ khinh địch của mình.

Có tài năng, nhưng quá ỷ lại, không biết cố gắng phấn đấu thì tài năng cũng trở thành vô ích. Còn nếu biết vượt khó, chắc chúng ta sẽ đạt thành công. Do đó, Đức Giê-su đã khuyên các môn đệ như sau: “Hãy cố gắng qua cửa hẹp để vào Nước Trời”. 

4) “CÓ NHỮNG KẺ ĐỨNG CHÓT SẼ LÊN HÀNG ĐẦU…”:

Một buổi trưa hè yên tĩnh, thánh Phê-rô đang nghỉ trưa thì nghe thấy có tiếng kèn kêu “pin pin!” trước cổng thiên đàng, rồi một người đàn bà sang trọng đeo nhiều vàng bạc trang sức từ trong chiếc xe hơi sang trọng bước ra khỏi xe, cùng anh tài xế đi đến cổng để xin vào thiên đàng. Thánh Phê-rô liền ra mở cổng dẫn vào. Ngài dẫn hai người đi tới khu biệt thự sang trọng, rồi khi đến trước ngôi nhà khang trang tốt đẹp, ngài lấy ra bộ chìa khóa ngôi nhà trao cho anh tài xế. Bà chủ nghĩ thầm: “Gã tài xế của mình mà còn được ở trong ngôi nhà khang trang như thế, thì chắc mình sẽ được ở một dinh thự đẳng cấp gấp bội!”. Nhưng sau đó thánh Phê-rô lại dẫn bà chủ đến một túp lều tranh lụp xụp ở cuối vườn nhà anh tài xế và nói:

- Cái chòi này là nhà của bà.

Bà nhà giàu liền tỏ vẻ bất bình nói với thánh Phê-rô:

- Ngài có bị lộn không đó? Tôi mà phải ở trong cái chòi tồi tàn này sao?

Thánh Phê-rô trả lời:

- Thưa bà, ta không lộn đâu. Vì với số vật liệu ít oi bà gởi lên thiên đàng hằng ngày, ta chỉ có thể làm được một cái chòi như vậy cho bà mà thôi!

Đó thật là một bất ngờ lớn cho “những kẻ đứng đầu”. Họ là những người được Chúa ban cho danh vọng giàu có, nhưng lại có lối sống ích kỷ, chỉ biết lo cho bản thân, mà không biết chia sẻ giúp đỡ người đau khổ bất hạnh. Chính thói tham lam ích kỷ đã biến họ lẽ ra đứng hàng đầu lại trở thành kẻ đứng hàng chót trong Nước Trời.

5) VIỆC BÁC ÁI CHỈ CÓ GIÁ TRỊ NẾU BIẾT THỰC HIỆN KHI CÒN SỐNG:

“Một ông nhà giàu đã than phiền với một người bạn thân: “Nhiều người không thích tôi. Họ cho rằng tôi là một người ích kỷ và keo kiệt. Nhưng họ đâu biết rằng tôi đã nhờ luật sư làm chúc thư, trong đó tôi hứa sau khi chết, sẽ tặng tất cả tài sản để làm việc bác ái từ thiện giúp đỡ người nghèo”.

Ông bạn kia liền nói: “Ồ, câu chuyện của ông làm tôi liên tưởng đến cuộc trò chuyện giữa con bò và con heo. Một hôm heo phàn nàn với bò: “Cả hai chúng ta đều cho loài người những gì mình có: Bạn cho họ sữa tươi để uống, còn tôi cho họ nhiều hơn thế: nào là thịt làm dăm bông, tiết canh, lòng heo và cả giò heo nữa… Thế mà loài người lại khinh thường tôi, nhưng lại vuốt ve bạn. Tại sao họ lại cư xử bất công với loài heo chúng tôi như thế?

Bò suy nghĩ một lát rồi chậm rãi nói cho heo biết nguyên nhân: “Bạn nói đúng lắm. Nhưng có sự khác biệt giữa lòng tốt của tôi và của bạn: bạn chỉ cho loài người các món ăn ngon sau khi bạn chết; còn tôi cho họ sữa tươi uống mỗi ngày ngay khi đang sống !”

3. THẢO LUẬN: 1) Tôi hiện đang mắc thói hư nào nghiêm trọng nhất? 2) Trong những ngày này, tôi sẽ làm gì cụ thể để tu sửa thói hư ấy hầu xứng đáng được Chúa đón nhận vào Nước Trời đời sau?

4. SUY NIỆM:

Tin mừng hôm nay trình bày về những điều kiện để được gia nhập vào Nước Thiên Chúa do Đức Giê-su thiết lập là: Phải đi qua cửa hẹp, phải vào kịp giờ trước khi cửa đóng, và phải đủ một số điều kiện khác nữa.

1) PHẢI VÀO NƯỚC THIÊN CHÚA NGANG QUA CỬA HẸP:

- Đức Giê-su đã tự ví mình là cửa chuồng chiên: Tôi là cửa cho chiên ra vào” (Ga 10, 7). Người cũng đòi những ai muốn vào Nước Thiên Chúa phải đi qua cửa hẹp: “Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào”. Bước qua cửa hẹp là sống khắc khổ hãm mình, can đảm chống lại các cám dỗ của ma quỷ, thế gian và xác thịt, và luôn vâng theo thánh ý Chúa Cha như Chúa Giê-su dạy: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! Lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy, là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7, 21).

- Bước qua cửa hẹp là chọn cách sống phù hợp với Tin Mừng: chấp nhận con đường leo dốc ít người muốn theo; Là bỏ ý riêng để vâng ý Chúa Cha (x Lc 22, 41); Là chấp nhận thập giá các khó khăn gặp phải để vác đi theo sau Người (x. Lc 9, 23).

- Bước qua cửa hẹp đòi phải loại trừ “cái tôi”: “cái tôi” ích kỷ, cái tôi nặng nề vì những vun quén cá nhân, “cái tôi” phình to ra vì tự mãn, sĩ diện hão và tham vọng cao. Thật ra cửa vào sự sống không hẹp bao nhiêu, nhưng trở nên hẹp là do “cái tôi” quá khổ. Cần phải làm cho “cái tôi” ấy nhỏ lại giống trẻ thơ mới vào được Nước Trời (x. Mt 18, 3), bằng cách sống khiêm tốn tự hạ (x. Mt 18, 3-7). Hãy noi gương khiêm hạ của Gio-an Tẩy giả khi trả lời môn đệ về mối liên quan giữa ông với Đức Giê-su: “Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi  (Ga 3, 30).

2) ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC VÀO NƯỚC THIÊN CHÚA:

- Phải chiến đấu mới vào được Nước Trời:

Đời sống Ki-tô hữu là một cuộc chiến đấu không ngừng để vượt qua “cái tôi” ích kỷ và chiến đấu với bản thân mình. Ước gì đừng bao giờ chúng ta tự hào vì đã biết Chúa, nhưng phải sống khiêm hạ, để được Chúa biết và nói với chúng ta: “Khá lắm! Hỡi người đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!” (Mt 25, 21). Nhiều người Do Thái đã đến chậm khi cửa Nước Trời đã đóng lại. Họ gõ cửa xin vào. Họ tưởng mình chắc sẽ có chỗ trong bàn tiệc Nước Trời, nhưng họ đã bị từ chối với lý do: “Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt Ta, hỡi những quân làm điều bất chính!” (Lc 13, 27).

- Chúng tôi phải làm gì?

+ Có khi nào chúng ta nghĩ mình cũng có thể bị xua đuổi vì đã làm điều xấu xa; Vì đã không sống Lời Chúa là “bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà đi theo Chúa” không?

+ Nhiều người trong chúng ta hôm nay cũng có thể chữa mình giống dân Do Thái xưa: “Chúng tôi đã được rửa tội làm con Thiên Chúa, đã siêng năng tham dự thánh lễ và rước lễ tại nhà thờ, đã đọc và suy niệm lời Chúa trong gia đình, đã là thành viên Hội đồng Mục vụ Giáo Xứ, là Hội Viên các hội đoàn Tông Đồ Giáo Dân ” Tại sao không được vào Nước Trời.

+ Nhưng điều kiện Chúa đòi chúng ta không chỉ là làm các việc đạo đức hình thức, nhưng là sống đức tin bằng việc thực thi đức Cậy và đức Mến như sau:

Là phải đi theo con đường hẹp, bỏ mình vác thập giá mình hằng ngày mà theo chân Chúa.

Là quyết loại trừ các thói hư, chu toàn việc bổn phận và luôn xin vâng thánh ý Thiên Chúa.

Là thực hành các việc bác ái cụ thể như Chúa phán: “Xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han. cho kẻ đói ăn, kẻ khát uống, quần áo che thân, thăm viếng an ủi những người tù đày, phục vụ những người đau khổ… hay không?” (Mt 25, 35-36).

5. LỜI CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Hôm nay Chúa dạy chúng con “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp vào Nước Trời”. Chúa muốn chúng con vượt qua cửa hẹp là can đảm chịu đựng các đau khổ trong cuộc sống; Là quyết tâm loại trừ các đam mê tội lỗi bất chính… Qua cửa hẹp cũng chính là mời gọi chúng con thực thi lối sống tin yêu, khiêm nhường phục vụ Chúa đang hiện thân nơi những người nghèo đói bất hạnh. Ước gì mỗi ngày chúng con biết đi qua cửa hẹp để được vào dự bàn tiệc Nước Trời với Chúa muôn đời.- AMEN.


Chúa nhật tuần lễ thứ 21 thường niên C
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 13, 22-30).

Khi ấy, Chúa Giêsu rảo qua các đô thị và làng mạc, vừa giảng dạy vừa đi về Giêrusalem. Có kẻ hỏi Người rằng: “Lạy Thầy, phải chăng chỉ có một số ít sẽ được cứu độ?” Nhưng Người phán cùng họ rằng: “Các ngươi hãy cố gắng vào qua cửa hẹp, vì Ta bảo các ngươi biết: nhiều người sẽ tìm vào mà không vào được. Khi chủ nhà đã vào và đóng cửa lại, thì lúc đó các ngươi đứng ngoài mới gõ cửa mà rằng: ‘Thưa ngài, xin mở cửa cho chúng tôi’. Chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: ‘Ta không biết các ngươi từ đâu tới’. Bấy giờ các ngươi mới nói rằng: ‘Chúng tôi đã ăn uống trước mặt ngài và ngài đã giảng dạy giữa các công trường chúng tôi’. Nhưng chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: ‘Ta không biết các ngươi tự đâu mà tới, hỡi những kẻ làm điều gian ác, hãy lui ra khỏi mặt ta’. Khi các ngươi sẽ thấy Abraham, Isaac, Giacóp và tất cả các tiên tri ở trong nước Thiên Chúa, còn các ngươi bị loại ra ngoài, nơi đó các ngươi sẽ khóc lóc nghiến răng. Và người ta sẽ từ đông chí tây, từ bắc chí nam đến dự tiệc trong nước Thiên Chúa. Phải, có những người sau hết sẽ trở nên trước hết và những người trước hết sẽ nên sau hết”.

Suy niệm

Con người được Thiên Chúa tạo dựng mang họa ảnh của Ngài, không những thế, Thiên Chúa còn cho con người một khối óc rất thông minh, một ý chí rất mạnh mẽ và một tinh thần luôn hướng thượng. Tất cả những yếu tố đó, tạo cho con người một chỗ đứng đặc biệt trong trái tim Thiên Chúa. Từ đây, con người luôn đi tìm nguồn cội của mình, luôn đi tìm những giá trị tinh thần mang chiều kích thiêng liêng. Một trong những trăn trở của con người trong mọi thời đại, là sau khi chết, con người sẽ đi về đâu? Vấn nạn này cũng là một trong những trăn trở của các tín hữu Kitô, đó là sau khi chết, ai sẽ được cứu độ, ơn cứu độ sẽ đưa con người đi đâu. Phụng vụ Lời Chúa tuần lễ thứ 21 thường niên, phần nào trả lời cho con người vấn nạn đó, nhưng để chấp nhận cách giải thích và câu trả lời của Thánh Kinh, cần có một niềm tin chân thành và đủ sâu, đồng thời, dám để cho Chúa Thánh Thần dẫn lối vào quỹ đạo tình yêu của Thiên Chúa Cha.

Trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống, con người phải đấu tranh để sinh tồn, nhưng trong cuộc đấu tranh đó, con người không quên đi tìm nguồn cội của mình. Dù bất cứ ở đâu và thời điểm nào, con người vẫn muốn tìm câu trả lời cho chính mình: tôi bởi đâu mà ra và sẽ trở về đâu? Các tiên tri là những sứ giả của Thiên Chúa, các ngài đã trả lời phần nào những vấn nạn đó cho dân chúng, hơn nữa, các ngài còn mở cho họ cái nhìn về một dân mới, đó là gia đình nhân loại mới. Để chấp nhận điều đó, con người phải trải qua nhiều thăng trầm và nhiều biến cố trong lịch sử, lời tiên tri Isaia đã giải thích phần nào về trăn trở của con người mọi thời: “Ðây Chúa phán: “Ta đã biết các việc làm và tư tưởng của chúng; Ta đến quy tụ mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ: chúng sẽ đến và nhìn thấy vinh quang của Ta. Ta sẽ đặt nơi chúng một dấu lạ, Ta sẽ sai một số trong những người được giải thoát đến các dân ngoài biển, bên Phi châu và Lyđia, là những dân thiện xạ, đến Ý-đại-lợi và Hy-lạp, đến những hòn đảo xa xăm, đến với những kẻ chưa nghe nói về Ta, và chưa thấy vinh quang của Ta”. Ngôi nhà của Thiên Chúa là ngôi nhà chung, là ngôi nhà của các dân tộc, trong đó không phân biệt sang hèn, màu da, chủng tộc, ngôn ngữ, tôn giáo, tất cả họ gặp nhau và có chung một điểm đến là niềm tin, là lòng cậy trông vào một Thiên Chúa. Vòng tay yêu thương của Thiên Chúa luôn ôm trọn từng người và mọi người trong từng biến cố cuộc đời.

Dù mang họa ảnh của Thiên Chúa, nhưng con người cũng chỉ là một thụ tạo, đầy những bất toàn, vì thế, không thiếu những lần, con người tưởng chừng sẽ không tồn tại trên thế giới này nữa, vì những cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Họ đã phản bội Ngài, đã quay lưng với tình yêu của Thiên Chúa, do đó, Ngài đã nghiêm phạt họ trong tình thương, chứ không vì giận dữ. Ngài đánh đòn họ bằng tình yêu của người Cha, chứ không vì oán hờn. Tác giả thư gởi tín hữu Do Thái đã diễn đạt tình yêu thương của Thiên Chúa đầy màu sắc của tình yêu thương: “Anh em thân mến, anh em đã quên lời yên ủi tôi nói với anh em, như nói với những người con rằng: “Hỡi con, con chớ khinh thường việc Chúa sửa dạy, và đừng nản chí khi Người quở trách con; vì Chúa sửa dạy ai là kẻ Người yêu mến, và đánh đòn kẻ mà Người chọn làm con”. Ngài sửa dạy con cái như một người cha sửa dạy con trong tình yêu, Ngài chăm sóc con cái như một người mẹ hết tình yêu con. Tác giả đã gợi ý cho con người, đừng phụ bạc tình Trời, đừng sống hờ hững với ơn cứu độ của Thiên Chúa dành cho con người. Tình Trời là thế, còn tình người dành cho Ngài thế nào, sẽ làm gì để được Thiên Chúa yêu thương và được Ngài cứu độ đây.

Ngày hôm nay, xu hướng phát triển của xã hội là tiêu thụ và hưởng thụ, trong vòng xoáy đó, người tín hữu phần nào cũng bị ảnh hưởng, do đó, đời sống tôn giáo có thực sự được quan tâm đúng mức, và ơn cứu độ có thực sự là một trăn trở của người tín hữu Kitô nữa không? Vào thời điểm đặc biệt của lịch sử, khi Chúa Giêsu hiện diện giữa nhân loại, người ta sống trong một xã hội đề cao tinh thần tôn giáo, mối quan tâm là ơn cứu độ con người, do đó, không chỉ một người đến gặp Đức Giêsu để trao đổi vấn nạn đó, nhưng còn rất nhiều người quan tâm đến câu chuyện này: “Khi ấy, Chúa Giêsu rảo qua các đô thị và làng mạc, vừa giảng dạy vừa đi về Giêrusalem. Có kẻ hỏi Người rằng: “Lạy Thầy, phải chăng chỉ có một số ít sẽ được cứu độ?” Nhưng Người phán cùng họ rằng: “Các ngươi hãy cố gắng vào qua cửa hẹp, vì Ta bảo các ngươi biết: nhiều người sẽ tìm vào mà không vào được”. Bệnh tật, đói nghèo, ngay cả cái chết vẫn chưa thực sự là chướng ngại vật ngăn cản con người đứng ngoài ơn cứu độ, nhưng nguyên nhân chính gây nên cái chết đời đời của con người, đó là xa lìa Thiên Chúa, khước từ sự hiện hữu của Ngài. Mối nguy này con người không tự cố gắng được, nhưng chỉ có Thiên Chúa mới có thể đưa con người trở lại với chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Ơn cứu độ là một món quà vô giá Thiên Chúa trao tặng cho con người, nhờ ơn cứu độ, con người được trở về với ngôi nhà của chính mình là Nước Trời, nhờ có ơn cứu độ, con người được phục hồi quyền làm con Thiên Chúa, được đồng thừa tự quyền làm con Thiên Chúa với Đức Giêsu Kitô. Trước một hồng phúc lớn lao như thế, con người đáp trả như thế nào cho phải đạo. Niềm tin là một yếu tố quan trọng để được cứu độ, con người được nhận lãnh niềm tin cách nhưng không từ Thiên Chúa, niềm tin đó cần được bén rễ sâu trong mảnh đất tâm hồn, cần được bén rễ vào trong cuộc đời và cần được đơm bông kết trái là những cố gắng của bản thân. Trau dồi niềm tin mỗi ngày bằng Lời Chúa, vun xới niềm tin mỗi ngày bằng giáo huấn của Giáo hội, cắt tỉa niềm tin mỗi ngày bằng sự nhạy bén trong phán đoán, cần có thái độ tỉnh thức trong ơn gọi và sẵn sàng trong từng biến cố cuộc đời.

Một xã hội nặng về vật chất tất yếu vấn đề tinh thần sẽ bị coi nhẹ. Hiện tại cuộc sống của tôi thế nào, có nên trải nghiệm tất cả để thực sự là sống và làm người không, nếu như thế, con người chỉ quan tâm đến những nhu cầu của thể xác, mà quên đi những nhu cầu thiết yếu của tinh thần, của tâm hồn. Vì thế, thay vì con người đặt vấn đề là hôm nay ai sẽ được cứu độ, thì họ sẽ đặt vấn đề là ơn cứu độ đó như thế nào, và có cần phải được cứu độ không. Người tín hữu Kitô hôm nay đang có xu hướng nghiêng về những câu hỏi thực dụng trên, do đó, vô tình họ chỉ giữ đạo với lề luật, với truyền thống, với sách vở, chứ không có chiều sâu thiêng liêng trong tương quan với Thiên Chúa, và không có thao thức được cứu độ. Bởi nếu có thao thức đó, họ phải từ bỏ nhiều yếu tố trong thực tế, ngay cả cái tôi cũng cần từ bỏ. Có như thế, họ mới thực sự đang cố gắng đi qua cửa hẹp, là con đường dẫn vào Nước Trời.

Từ cánh cửa hẹp đó, con người phải giúp đỡ nhau để không bị trễ hẹn khi cánh cửa đang dần khép lại. Mẹ Giáo hội đang mời gọi con cái hướng về một Giáo hội hiệp hành, một Giáo hội sống tình liên đới và biết bổ trợ cho nhau trong hành trình đức tin. Để có được một Giáo hội hiệp hành, cần có sự lắng nghe và đón nhận, chỉ cần đó là người tín hữu Kitô, cần có sự khiêm tốn đủ, dù đó là phẩm trật nào, là ơn gọi nào, bởi tâm tình hiệp hành đâu chỉ dành riêng cho giáo dân, cho những người thấp cổ bé miệng, nhưng là cho mọi thành phần dân Chúa. Ơn cứu độ sẽ đến với mỗi người khi cùng tham gia xây dựng Giáo hội với tinh thần tích cực, cùng hiệp thông các thành phần dân Chúa trong sự tôn trọng và lắng nghe, cùng hướng về phía trước trong sứ vụ của người môn đệ Đức Giêsu. Có chấp nhận cởi bỏ chiếc áo giáp quyền lực và vượt ra khỏi hàng rào của sự thống trị, con người mới thực sự giúp nhau đón nhận ơn cứu độ, giúp nhau sống tình liên đới Kitô.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa mong mỏi con người đừng quá câu nệ về hình thức sống đạo, cũng như đừng quá nghiêng chiều về lề luật để được cứu độ, nhưng tất cả cần có niềm tin, xin củng cố niềm tin cho chúng con trong từng biến cố cuộc đời, trong từng trăn trở của Giáo hội, có như thế, ơn cứu độ mới là điểm cuối cho cuộc đời mỗi người. Chúa đã hạ mình cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên thập giá để cứu độ con người, xin giúp chúng con biết cúi mình xuống để chiêm ngưỡng mầu nhiệm tình yêu đó, để sống ơn gọi của mình cách tích cực và sống động hơn trong một xã hội nghiêng chiều về vật chất và quyền bính. Amen.

 

CỬA HẸP
(Chúa Nhật XXI TN C) - Lm.Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Thoạt nghe đến từ cửa hẹp người ta nghĩ ngay đến những gian truân, khó khăn, vất vả. Sự liên tưởng này không sai, nhưng người ta có thể lầm khi chỉ dán mắt vào độ hẹp của cánh cửa mà quên nhìn thực tại đằng sau nó. Đó là Nước Trời, là vương quốc của tình yêu, là hạnh phúc vĩnh cửu. Chúng ta cần phải tự hỏi rằng Thiên Chúa ban hạnh phúc vĩnh cửu, vương quốc Nước Trời cho những ai? Thật dễ dàng trả lời đó là cho tất cả những tạo vật mà Người dựng nên, các loài hữu hình và vô hình mà trong đó có loài người chúng ta, loài thụ tạo cao cả nhất trong các loài hữu hình được tạo dựng.

“You get what you pay” (tiền nào của nấy). Để có được những thiện hảo đời này hẳn nhiên không thể thiếu sự gắng công nỗ lực. Và chắc chắn để có hạnh phúc vĩnh cửu thì sự nỗ lực gắng công càng nhiều hơn gấp bội. Có nhiều cách thế cũng như lãnh vực phải gắng công để đạt hạnh phúc vĩnh cửu, nhưng trong tất cả những sự gắng công ấy thì việc nỗ lực trở nên “con người” là một nỗ lực nền tảng, không thể thiếu. Thiên Chúa ban hạnh phúc Nước Trời cho con người thì có thể nói cách không thể sai lầm rằng những ai đích thực là con người thì sẽ được hưởng nhận hạnh phúc ấy.

Theo nhãn quan này thì việc bước qua cửa hẹp chính là những cố gắng để trở nên con người như thuở ban đầu được tạo dựng. Trước khi Ngôi Lời nhập thể, dù được ánh sáng Thiên Chúa soi dẫn qua vũ trụ thiên nhiên và đặc biệt qua tiếng lương tâm, nhưng con người khi tìm cách trở nên chính mình, trở nên con người, thì vẫn một cách nào đó còn mò mẫm như đi trong đêm tối. Các hiền triết cổ đại thường mời gọi đồng loại ưu tiên cho việc “biết mình”. Biết mình là cái biết nền tảng để thành nhân. Đến thời viên mãn với mầu nhiệm nhập thể của Con Thiên Chúa thì chân dung và căn tính “con người” đã được mạc khải cách toàn hảo nơi chính Đức Giêsu Kitô. “Người chính là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” là “Trưởng tử giữa các loài thọ tạo” (x.Cl 1, 1). Lần giở các trang Tin Mừng, chúng ta cùng xem Chúa Kitô đã trình bày chân dung “con người” như thế nào.

Con người được tạo dựng có nam có nữ (x.Mc 10, 6): Con người là loài được dựng nên chứ không phải tự mình mà có hay hiện hữu cách ngẫu nhiên. Dữ kiện phái tính một cách nào đó khẳng định tính hữu hạn và tính hướng tha của con người. “Người đi một nửa hồn tôi mất. Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ”. Nhiều thi nhân ví von cuộc đời như là quá trình tìm kiếm cái phần nửa của bản thân mình. Hội Thánh dạy rằng con người là hữu thể hướng đến tha nhân và hướng về Tuyệt Đối. Như thế bước qua cửa hẹp là nỗ lực làm chủ khuynh hướng tìm mình cách vị kỷ cũng như làm chủ sự tự mãn, tự cao cho mình hoàn hảo hay toàn năng.

Con người là loài có thể xác nên có các nhu cầu ăn uống nghỉ ngơi… (x.Mt 11, 19). Tuy nhiên con người còn có linh hồn thiêng liêng làm linh động thân xác. Mặc dù có sự góp phần không thể thiếu của thân xác, nhưng chính linh hồn qua các cơ năng luận suy, phán đoán, chọn lựa mới làm nên giá trị tốt, xấu, đúng sai của các hành vi. Vì không phải những gì bên ngoài vào trong con người làm cho con người ra ô uế mà chính những gì bên trong phát xuất ra… (x.Mt 15, 11). Bước qua cửa hẹp là nỗ lực thanh luyện linh hồn đồng thời dùng linh hồn để hướng dẫn và làm chủ thân xác.

Lề luật hay ngày Sabbat được lập ra vì con người chứ không phải con người có ra vì ngày Sabbat hay vì lề luật (Mt 12, 8; Mc 2, 28). Khi sống thành bầy đoàn, loài vật giành giật và duy trì địa vị thống trị của chúng chủ yếu bằng sức mạnh của cơ bắp. Dĩ nhiên khi đã già yếu thì vị trí thống trị của chúng bị đe dọa và đến lúc nào đó bị tước đoạt bởi cá thể khác mạnh hơn. Con người thì nhờ có lý trí đã biết vận dụng lề luật để duy trì quyền uy và sự thống trị của mình. Là sản phẩm do tay con người lập nên, lề luật đã được khách quan hóa thành ý chỉ của thần minh, thành mệnh lệnh của trời, để rồi một cách có chủ ý, phục vụ quyền lợi cho những người làm nên lề luật ấy. Như thế, một cách nào đó con người đã tự phong thần phong thánh cho bản thân. Khi bắt người khác tuyệt đối quy phục lề luật mình làm ra thì mình đã nô lệ hóa tha nhân bằng chính ý chí chủ quan của mình. Bước qua cửa hẹp chính là nỗ lực cởi bỏ những ràng buộc khiến ta và tha nhân trở thành nô lệ cho sản phẩm của con người, để đưa chính mình và tha nhân trở thành những chủ nhân thực sự đối với các thực tại trần thế theo thánh ý Thiên Chúa truyền ngay tự buổi đầu thuở tạo dựng (x.St 1, 26; 2, 20).

Con Người đến thế gian không phải để được người ta hầu hạ nhưng để hầu hạ người ta và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người (x.Mc 10, 45). Đến thế gian này, một trong những sứ mạng của Ngôi Hai Thiên Chúa đó là mạc khải cách đủ đầy và hoàn hảo căn tính của con người, vốn là loài được dựng nên, là hình ảnh của Thiên Chúa. Nét khác biệt và sự trỗi vượt của loài người trên các loài thọ tạo hữu hình không chỉ được thể hiện bằng trí khôn, một khả năng giúp con người ngày càng phát triển mọi mặt, mà còn được thể hiện qua ý chí tự do. Các loài vật bậc thấp khi yêu thích sự gì thì bị thôi thúc chiếm hữu nó bằng mọi giá. Trái lại tình yêu nơi con người lên đến đỉnh cao nơi động thái dâng hiến. Không có tình yêu nào cao cả cho bằng tình yêu tự hiến thân vì người mình yêu (x.Ga 15, 13). Bước qua cửa hẹp là gột bỏ những rào cản khiến chúng ta không thể yêu thương tha nhân bằng sự tự hạ và dâng hiến, bằng sự quên mình để phục vụ như Chúa Kitô đã yêu thương (x.Ga 13, 34).

Chúng ta đã nhân danh Chúa mà giảng dạy, mà cử hành hay tham dự các bí tích, mà làm phép lạ… nhưng nhiều khi có thể sẽ bị Chúa nói là đã làm những điều gian ác, nên Chúa không biết chúng ta. Tuy nhiên nếu chúng ta thực sự đã làm người thì Chúa Kitô phải biết và sẽ đón nhận chúng ta vì chính Người vào trần gian này là để làm người. Vào qua cửa hẹp chính là sự nỗ lực gắng công từng ngày gột bỏ những gì khiến chúng ta không còn là con người hoặc làm chân dung con người nơi chúng ta bị biến dạng. Một vài điều cần gột bỏ đó là sự tự cao, tự đại cho mình toàn năng, toàn hảo hay toàn tri; đó là sự vụ lợi ích kỷ; đó cũng là những ý đồ thống trị tha nhân bằng sức mạnh của quyền lực, thế quyền và lẫn thần quyền, bằng các thể chế luật lệ phi nhân, bất hợp lý do chính mình dựng nên để phục vụ cho quyền lợi của bản thân mình, tập thể của mình…

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây