BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XXII Thường Niên - Năm A
Dẫn vào Thánh Lễ
Anh chị em thân mến! Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta khi bước theo Người phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Chính Chúa Giêsu đã nên mẫu gương cho chúng ta, khi Người đón lấy cây thập giá và biến nó thành nguồn yêu thương cứu độ. Vì vậy, chính trong mầu nhiệm thập giá, chúng ta biết đón nhận đau khổ với thái độ bình thản và hiến dâng. Vì thế, giờ đây hiệp với lễ tế trên bàn thờ, chúng ta cùng dâng lên Chúa Cha những hy sinh vất vả của đời ta.
Ca nhập lễ
Lạy Chúa, xin thương tôi, vì tôi ân cần kêu van Chúa suốt ngày; Lạy Chúa, vì Chúa nhân hậu, khoan dung và giàu lượng từ bi đối với những ai kêu cầu Chúa.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, mọi sự tốt lành đều bởi Chúa mà ra, xin cho chúng con thêm lòng tin yêu Chúa, để những gì tốt đẹp nơi chúng con ngày càng phát triển, và được Chúa chăm sóc giữ gìn. Chúng con cầu xin..
Bài Ðọc I: Gr 20, 7-9
“Lời Chúa làm cớ cho tôi bị nhục nhã”.
Trích sách Tiên tri Giêrêmia.
Lạy Chúa, Chúa đã khuyến dụ tôi, và Chúa đã khuyến dụ được tôi. Chúa đã hùng mạnh hơn tôi và thắng được tôi: suốt ngày tôi đã trở nên trò cười, và mọi người đều chế nhạo tôi. Mỗi lần tôi nói, tôi phải la lớn và loan báo sự hung bạo và điêu tàn, cho nên lời Chúa làm cớ cho tôi bị nhục nhã và bị chế nhạo suốt ngày. Tôi đã nói rằng: “Tôi sẽ không nhớ đến Người nữa, sẽ không nhân danh Người mà nói nữa, thì lúc đó trong lòng tôi như lửa đốt nóng, âm ỉ trong xương cốt tôi, tôi kiệt sức, không chịu nổi nữa”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 62, 2. 3-4. 5-6. 8-9
Ðáp: Lạy Chúa là Thiên Chúa con, linh hồn con khát khao Chúa
Xướng: Ôi lạy Chúa, Chúa là Thiên Chúa của con, con thao thức chạy kiếm Ngài. Linh hồn con khát khao, thể xác con mong đợi Chúa con, như đất héo khô, khát mong mà không gặp nước!
Xướng: Con cũng mong được chiêm ngưỡng thiên nhan ở thánh đài, để nhìn thấy quyền năng và vinh quang của Chúa. Vì ân tình của Ngài đáng chuộng hơn mạng sống, miệng con sẽ xướng ca ngợi khen Ngài.
Xướng: Con sẽ chúc tụng Ngài như thế trọn đời con; con sẽ giơ tay kêu cầu danh Chúa. Hồn con được no thỏa dường như bởi mỹ vị cao lương, và miệng con ca ngợi Chúa với cặp môi hoan hỉ.
Xướng: Vì Chúa đã ra tay trợ phù con, để con được hoan hỉ núp trong bóng cánh của Ngài. Linh hồn con bám thân vào Chúa, và tay hữu Chúa nâng đỡ người con.
Bài Ðọc II: Rm 12, 1-2
“Anh em hãy hiến thân làm của lễ sống động”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, tôi nài xin anh em vì lượng từ bi Thiên Chúa, hãy hiến thân anh em làm của lễ sống động và thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa. Ðó là việc phụng thờ hợp lý anh em phải làm. Anh em đừng theo thói đời này, nhưng hãy canh tân lòng trí anh em, để anh em biết đâu là thánh ý Chúa, biết điều gì tốt lành đẹp lòng Chúa và hoàn hảo.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 6, 64b và 69b
Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, lời của Chúa là thần trí và là sự sống; Chúa có những lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.
Phúc Âm: Mt 16, 21-27
“Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ thấy: Người sẽ phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ bởi các kỳ lão, luật sĩ và thượng tế, sẽ bị giết và ngày thứ ba thì sống lại. Phêrô kéo Người lại mà can gián Người rằng: “Lạy Thầy, không thể thế được! Thầy sẽ chẳng phải như vậy đâu”. Nhưng Người quay lại bảo Phêrô rằng: “Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy, con làm cớ cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những gì thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người”.
Bấy giờ Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy. Vì chưng, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ được sự sống. Nếu ai được lợi cả thế gian mà thiệt hại sự sống mình, thì được ích gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống mình? Bởi vì Con Người sẽ đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ trả công cho mỗi người tuỳ theo việc họ làm”.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tín hữu
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Nhờ ơn Chúa Thánh Thần thanh luyện và đổi mới tâm hồn, giờ đây chúng ta cùng sốt sắng dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa, vì ơn cứu độ của mọi người và của chúng ta.
1. Giáo Hội được mời gọi loan báo Chúa Kitô giữa lòng thế giới ngày càng có nhiều người thờ ơ, lãnh đạm với Ngài. Xin cho Giáo Hội can đảm trước những khó khăn, thử thách, và trung tín với sứ mạng đã lãnh nhận.
2. Hiện nay, tại nhiều nơi trên thế giới, hòa bình vẫn còn bị đe dọa. Xin cho các nhà lãnh đạo các nước, sớm tìm ra các biện pháp giải quyết qua việc đối thoại một cách chân thành.
3. Bên cạnh chúng ta còn rất nhiều người nghèo khổ. Xin cho họ nhận được sự trợ giúp huynh đệ nơi các môn đệ của Chúa Kitô.
4. Trong ngày của Chúa, mỗi người trong cộng đoàn chúng ta được mời gọi đến gặp gỡ Chúa. Xin cho đức tin, đức cậy, và đức mến của chúng ta được phát triển nhờ gặp gỡ Chúa Giêsu.
Chủ tế: Lạy Cha là nguồn mạch mọi hồng ân, xin ban cho chúng con sức mạnh để có thể đáp trả lại lời mời gọi của Cha bằng tình yêu, đồng thời dõi bước theo Con Cha bằng việc nhẫn nại vác thánh giá mình mỗi ngày, và quảng đại hy sinh cho anh chị em mình. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin cho của lễ này đem lại cho chúng con muôn vàn ơn phúc, để mầu nhiệm cứu độ chúng con cử hành trong thánh lễ thấm nhập và đổi mới cuộc đời chúng con. Chúng con cầu xin…
Ca hiệp lễ
Lạy Chúa, vĩ đại thay lòng nhân hậu Chúa, lòng nhân hậu Ngài dành để cho những ai kính sợ Ngài.
Hoặc đọc:
Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, chúng con đã được bồi dưỡng nơi bàn tiệc thiên quốc; xin cho Bí Tích này giúp chúng con thêm lòng yêu mến, và thúc đẩy chúng con hết lòng phục vụ Chúa trong anh em. Chúng con cầu xin…
Suy niệm
Mất và được
Ông Vincio, người Ý, 58 tuổi, là giáo sư môn toán. Hôm đó ngày 23.12.1993 đang trên đường đi thì chiếc xe hơi của ông bị nổ lốp. Ông xuống xe loay hoay thay bánh “sơ cua”. Đúng lúc đó, có người tới giúp ông một tay. Khi gần ráp xong bánh xe, thì người đàn ông này kiếu từ phải đi. Ráp xong bánh xe, ông Vincio thu lại đồ nghề mới biết hộp đồ nghề của mình bị mất cắp một số đồ mắc tiền do người đàn ông “tốt bụng” kia lấy. Ông buồn thở dài, nhưng ông thấy một vé số rơi xuống đường có lẽ của tên ăn trộm. Ông lượm bỏ vào túi. Dịp xổ số đầu năm 1994, ông mang vé số đó ra dò thì may quá vé số trúng 50 triệu lire tiền Ý tức khoảng 60.000 đôla, ai mà chẳng thích. Nhưng lương tâm ông Vincio áy náy vì vé số này không phải của ông. Lòng ông dường như đeo một tấn đá nặng nề. Ông bỏ tiền đăng quảng cáo để tìm ra chủ nhân của tấm vé số đó. Nhiều người tham tới nhận là của mình. Nhưng chỉ vài câu hỏi, ông biết là kẻ tham lam. Ba tuần sau, tên trộm đồ sửa xe điện thoại tới nhận và tả lại mọi chi tiết. Ông Vincio mang 50 triệu lire tới trả cho chủ nhân. Tên trộm quá cảm động, xin lỗi ông Vincio và nói vì anh ta đang thất nghiệp lại nuôi 2 đứa con thơ nên buộc lòng phải lấy đồ sửa xe bán lấy tiền. Tên trộm hỏi tại sao ông Vincio không giữ lấy 50 triệu lire mà xài vì có ai biết gì đâu. Ông Vincio trả lời, lương tâm ông không cho phép. Ra về, ông Vincio cảm thấy nhẹ nhõm tâm hồn hơn bao giờ hết. Mất đồ sửa xe, nhưng được tiền nhiều, được tiền đó nhưng lại mất bình an tâm hồn. Cái vòng mất – được đó cứ luẩn quẩn xoay tròn. Cuối cùng ông Vincio chấp nhận mất số tiền để được bình an tâm hồn.
Phúc Âm hôm nay cũng nói tới cái Mất và cái Được. “Nếu ai dám mất mạng sống mình ở đời này vì Thầy thì sẽ được nó ở đời sau”. Mất mạng sống tức từ bỏ mình vác thập giá theo Chúa – được đời sau tức được nước thiên đàng, được Thiên Chúa, được hạnh phúc muôn đời. Như vậy nếu so sánh chúng ta sẽ thấy mình mất những cái gì tạm thời để được những cái gì vĩnh cửu – mất những thú vui chóng qua để được hạnh phúc trường tồn, mất thân xác mục nát để được linh hồn bất tử, mất tội lỗi và hình phạt để được ân điển và phần thưởng, mất sự cắn rứt lương tâm để được bình an tâm hồn. Cái mất này so với cái được thì mất quá nhỏ nhoi, còn cái được thì bao la vô tận. Cái mất này là “tấm vé” vào Nước Trời. Nước Trời là thực tại không thể mua bằng quyền lực, tiền bạc, sống lâu, danh vọng, tài giỏi… Nước Trời chỉ có thể mua bằng việc dám mất mạng sống, dám từ bỏ mình.
Từ bỏ mình là khi chúng ta giữ 10 điều răn Chúa, là khi chúng ta yêu thương và tha thứ kẻ thù, là khi chúng ta chấp nhận cái nóng lạnh của thời tiết, là khi chúng ta chấp nhận những bệnh tật Chúa gởi đến, là khi chúng ta chu toàn bổn phận của cha mẹ hay con cái trong nhà, là khi chúng ta phục vụ những công tác của giáo xứ, là khi chúng ta dám bỏ giờ để thăm viếng bệnh nhân… Nói chung là khi chúng ta chấp nhận phải hy sinh hơn, phải vất vả hơn, phải thiệt thòi hơn.
Thiên Chúa không hứa hạnh phúc mau qua, Thiên Chúa không chiều chuộng để chúng ta hư đi. Nhưng Thiên Chúa nói thẳng và nói thật “Ai dám mất mạng sống thì người đó được lại”. Mỗi người chỉ sống một đời, đời đó lại rất cá biệt không ai thay thế được, cho nên chúng ta đừng dại mang đời mình ra chơi trò may rủi. Vì được lời cả thế gian mà sau này mất thiên đàng thì chúng ta còn gì mà chuộc lại. Cái chắc ăn nhất là dám chọn cái “mất” tạm thời để nhận cái “được” thiên thu.
Con đường thập giá.
Đoạn Tin Mừng sáng hôm nay cho chúng ta tiếp xúc với một khuôn mặt Phêrô, hoàn toàn khác hẳn với khuôn mặt Phêrô trong Chúa nhật tuần trước.
Như chúng ta đã biết: Phêrô vừa được Thiên Chúa mạc khải để ông nhận biết Đức Kitô là vị cứu tinh. Ông vừa được Chúa Giêsu ca ngợi, đặt làm nền tảng của Giáo Hội. Thế nhưng chỉ sau đó ít phút, Phêrô lại là người đầu tiên vấp ngã khi Chúa Giêsu loan báo cách thức Hoặc hoàn thành sứ mạng Thiên Chúa đã trao phó.
Đây là lần đầu tiên Ngài nói với các môn đệ về cuộc hành trình đi lên Giêrusalem của Ngài. Tại đây, Ngài sẽ phải đau khổ, bị giết, nhưng ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại. Một viễn tượng không có gì sáng sủa. Thấy vậy, Phêrô bèn lên tiếng can ngăn. Lời can ngăn ấy có thể đã xuất phát từ niềm tin của ông vào tình thương của Thiên Chúa Cha. Bởi vì ông đã từng được nghe Chúa Giêsu giảng dạy về sự quan phòng của Chúa Cha đối với từng cánh chim, từng bông hoa. Thiên Chúa là một người cha chỉ muốn những điều tốt cho con cái. Một người cha thế gian còn không nỡ cho con mình cục đá, khi nó xin cái bánh, thì làm sao Thiên Chúa lại có thể để cho người con yêu dấu của Ngài gặp phải sự khốn khó. Và như thế, điều Chúa Giêsu vừa mới loan báo, làm sao có thể xảy ra được.
Mặt khác, Phêrô cũng đã từng được chứng kiến quyền năng của Thầy mình. Chúa Giêsu đã nhiều lần làm phép lạ cho kẻ đau yếu được khỏi bệnh, cho kẻ chết được sống lại, dẹp yên được cả phong ba bão táp, thì làm sao Ngài lại để cho mình gặp phải sự khốn khó?
Phêrô đã bị Chúa Giêsu quở trách nặng lời, vì ông đã đơn giản hoá vấn đề, và do đó đã vô tình làm công việc của Satan. Thực vậy, khi Satan đưa Chúa Giêsu lên nóc đền thờ, nó đã rỉ tai: Nếu Ngài là Con Thiên Chúa, thì hãy gieo mình xuống vì các thiên thần Chúa sẽ nâng đỡ để chân Người khỏi vấp phải đá. Thiên Chúa và quyền năng của Đức Kitô ở đây bỗng trở nên một thứ phương tiện cho người ta sử dụng để thực hiện những ý đồ phù phiến của mình.
Sự thực thì đây không phải là một cơn cám dỗ đặt ra cho một mình Chúa Giêsu mà hơn thế nữa, rất nhiều lần bản thân chúng ta cũng đã gặp phải. Rất nhiều lần chúng ta đã nêu lên câu hỏi: Tại sao Chúa không cho tôi trúng số để tôi thoát khỏi cảnh nghèo nàn, để tôi có thời giờ làm những công việc đạo đức, hay để tôi có tiền dâng cúng, làm phúc bố thí. Tại sao Chúa không cho Giáo Hội gặp được những điều kiện thuận lợi, để làm cho Nước Chúa được mở rộng và danh Chúa được cả sáng.
Thế nhưng, chúng ta quên rằng sứ mạng của Chúa Giêsu là sứ mạng của người tôi tớ đau khổ. Con đường Ngài đã chọn để cứu độ trần gian là con đường thập giá. Lẩn tránh những xác tín này là phản bội lại sứ mệnh của mình, và đó chính là cơn cám dỗ lớn nhất đối với Giáo Hội và đối với bản thân chúng ta. Bởi vì, thay vì thực thi thánh ý Chúa trong việc phục vụ người khác, thì chúng ta lại muốn xin Chúa phục vụ cho những quyền lợi riêng tư của chúng ta.
Chúa nhật tuần lễ 22 thường niên
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 16, 21-27).
Khi ấy, Chúa Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ thấy: Người sẽ phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ bởi các kỳ lão, luật sĩ và thượng tế, sẽ bị giết và ngày thứ ba thì sống lại. Phêrô kéo Người lại mà can gián Người rằng: “Lạy Thầy, không thể thế được! Thầy sẽ chẳng phải như vậy đâu”. Nhưng Người quay lại bảo Phêrô rằng: “Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy, con làm cớ cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những gì thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người”.
Bấy giờ Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy. Vì chưng, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ được sự sống. Nếu ai được lợi cả thế gian mà thiệt hại sự sống mình, thì được ích gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống mình? Bởi vì Con Người sẽ đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ trả công cho mỗi người tuỳ theo việc họ làm”.
Suy niệm
Trong xã hội hiện đại, rất nhiều chuyên gia về tâm lý có những bài học, những lời khuyên, gởi đến cho khách hàng, gởi đến cho người đọc, người nghe, rất hay, rất đúng. Thậm chí có lúc người ta nghĩ rằng, họ đi từ trong suy nghĩ người khác ra hay sao, mà có những nhận định hay quá. Thế nhưng, có một điều nghịch lý nơi chính con người và cuộc đời của họ, đó là họ chưa thể hiểu được chính mình. Hiểu được bản thân không phải là một điều đơn giản, dễ dàng, bởi nơi con người có một khối ý chí và lý trí vô cùng phong phú, có một tâm hồn sâu thẳm và có một trái tim vô biên. Phụng vụ Lời Chúa tuần lễ 22 cho chúng ta thấy phần nào con người thật của mình, hình ảnh đó được thể hiện trên khuôn mặt của thánh Phê-rô. Một cậu học trò cưng, vậy mà được khen đó, rồi lại bị chê bị trách đó. Tại sao đi theo Thầy bấy lâu mà để Thầy mắng xối xả trước mặt anh em vậy? khó hiểu quá.
Khó hiểu là đúng thôi, bởi có ai dám nói rằng tôi hiểu được chính tôi rồi. Ngay các tiên tri lớn trong thời Cựu ước, không thiếu những tiếng khóc vì không hiểu được mình, không hiểu được ơn gọi của bản thân. Câu chuyện trong bài đọc 1 trích từ sách tiên tri Giêrêmia là một khuôn mặt điển hình. Dù là một tiên tri lớn, nhưng có những phút giây ông như nổi loạn vì muốn thoát khỏi vòng tay của Thiên Chúa, muốn trốn ra khỏi ơn gọi của cuộc đời, để tâm hồn được thanh thản, cuộc đời bớt khổ đau: “Tôi đã nói rằng: “Tôi sẽ không nhớ đến Người nữa, sẽ không nhân danh Người mà nói nữa, thì lúc đó trong lòng tôi như lửa đốt nóng, âm ỉ trong xương cốt tôi, tôi kiệt sức, không chịu nổi nữa”. Đối diện với những phút giây nổi loạn, ông như thấy một bàn tay vô hình nắm lấy trái tim và tâm hồn mình, kéo vào trong vòng tay vô hình nào đó, như vòng tay người mẹ ấm áp, ông không thể cưỡng lại, cũng không thể la lên, nhưng là ngoan ngoãn bước đi dưới sự hướng dẫn và vỗ về của ai đó mà ông coi như là Thiên Chúa.
Với những toan tính đầy tham vọng, thánh Phaolô đã hơn một lần muốn xóa tên Thiên Chúa nơi các tín hữu, ông đã bắt bớ, đánh đập và tìm đủ mọi cách để loại trừ, nhưng khi Thiên Chúa chọn ông làm người thợ trong vườn nho của Ngài giữa các cộng đoàn dân ngoại, thánh nhân không ngần ngại trình bày kinh nghiệm của mình cho anh chị em trong cộng đoàn Roma, như là một bài học và cũng là lời khích lệ tích cực, giúp mọi người cảm nghiệm được sức mạnh của tình yêu: “Anh em thân mến, tôi nài xin anh em vì lượng từ bi Thiên Chúa, hãy hiến thân anh em làm của lễ sống động và thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa. Ðó là việc phụng thờ hợp lý anh em phải làm. Anh em đừng theo thói đời này, nhưng hãy canh tân lòng trí anh em, để anh em biết đâu là thánh ý Chúa, biết điều gì tốt lành đẹp lòng Chúa và hoàn hảo”. Với một khối óc nhưng nếu suy nghĩ và toan tính theo thế gian, con người không thể hoàn thiện được chính mình, nhưng nếu để cho Thiên Chúa tác động, con người sẽ đi theo quỹ đạo của tình yêu, sẽ biến mình thành khí cụ của hòa bình, sẽ trở thành nhịp cầu của tình huynh đệ cộng đoàn. Thiên Chúa đang đợi chờ một sự đáp trả quảng đại từ con người, nếu để cho Thiên Chúa dẫn lối, không bao giờ con người đi ra khỏi quỹ đạo của tình yêu.
Câu chuyện cuộc đời của thánh Phê-rô trong bài tin mừng hôm nay, như khắc họa lại chính con người tín hữu Kitô. Khi nghe Thầy hỏi dư luận nghĩ thế nào về Thầy, các anh em thay nhau nói với Thầy về suy nghĩ của mọi người, nhưng khi Thầy hỏi thêm về suy nghĩ của anh em, không ai dám lên tiếng, thánh Phê-rô đã mạnh dạn trả lời. Câu trả lời được Thầy khen ngợi, đưa ông lên tận trời xanh, sau đó, Thầy nói về sứ mạng ngày mai của Thầy, ông lại can ngăn, không để Thầy đi vào chặng đường khổ đau, thay vì khen, Thầy đã mắng xối xả, dìm ông xuống tận địa ngục. Còn đau khổ nào cho bằng khi bị thất sủng với Thầy trước mặt anh em: “Khi ấy, Chúa Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ thấy: Người sẽ phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ bởi các kỳ lão, luật sĩ và thượng tế, sẽ bị giết và ngày thứ ba thì sống lại. Phêrô kéo Người lại mà can gián Người rằng: “Lạy Thầy, không thể thế được! Thầy sẽ chẳng phải như vậy đâu”. Nhưng Người quay lại bảo Phêrô rằng: “Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy, con làm cớ cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những gì thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người”. Chỉ là một con người, lúc thì được đưa lên tận trời cao, lúc bị đẩy xuống vực thẳm địa ngục. Những cung bậc cảm xúc đó, tồn tại trong mỗi tín hữu, thiên đàng có, địa ngục có, tốt lành thánh thiện có, xấu xa đáng nguyền rủa có. Làm sao hiểu được chính mình, khi cùng hiện diện trong một con người, hai tính cách đối lập nhau như thế.
Sinh ra là một thằng người, ai cũng cần phải học hỏi, khai trí, khai tâm, để từng ngày lớn lên thành con người thực sự. Về mặt thể lý, giới tính, con người dễ nhận biết chính mình thế nào, những sở thích, những hạn chế của bản thân, ai cũng có thể tìm thấy trong con người của mình, thế nhưng, trong đời sống tinh thần, con người thấy mình có nhiều điều chưa thể hiểu nỗi. Với lý trí và ý chí trổi vượt hơn các tạo vật khác, con người có suy nghĩ, có tính toán, có chọn lựa, có từ bỏ, có cảm xúc và luôn hướng thiện. Tuy vậy, có những lúc con người chưa thể kiểm soát được tính rất người của bản thân, dẫn đến có những lời nói, việc làm và thái độ sống không ai hiểu nổi. Có thể nói tính ưu việt của con người đi kèm với những sự khốn nạn mà con người phải mang theo mỗi ngày, cả hai như cùng song hành, cùng hoạt động trong một con người. Đó là một trong những khía cạnh đặc biệt của con người.
Trong lãnh vực tôn giáo, con người cũng chưa thể xóa hết các dấu vết đặc biệt của chính mình. Có thể nói, trong một con người, luôn tồn tại một thiên thần và một ác quỷ. Cả hai cùng hiện diện, cùng hoạt động như không bao giờ đội trời chung. Sống giữa một xã hội ồn ào, người tín hữu Kitô cần có một động thái tích cực cho tâm hồn, đó là cần dừng lại để phản tỉnh chính mình. Những lời nói, những việc làm và những thái độ sống của tôi, chúng phát xuất từ ác quỷ hay từ thiên thần, chúng hướng đến điều thiện lành, hay chúng dẫn đến chỗ xấu xa nhất, tồi tệ nhất của con người. Chính vì tồn tại trong con người một lúc hai trạng trái đối nghịch, nên con người mỗi ngày cần có những phút giây tĩnh lặng, để soi xét lại những gì mình đã suy nghĩ, đã để lại những vết thương lòng nào cho tha nhân, đã làm tổn thương tình huynh đệ cho người khác.
Sống giữa một xã hội mà khái niệm thiệt – giả đang làm cho con người rối trí. Mọi thứ đang trở nên phức tạp và phiền toái rất nhiều với con người, thế thì khái niệm thiệt – giả đó có ảnh hưởng gì tới đời sống tôn giáo, tới niềm tin của tôi dành cho Thiên Chúa không? hành vi đức tin đến từ trái tim, từ lòng mến và từ sự chân thành của con người. Chắc chắn là có, bởi những lý thuyết của niềm tin, những hình thức bên ngoài rầm rộ tại các nơi thờ tự, đang lôi kéo con người vào một đời sống đạo vụ hình thức, mang màu sắc quảng bá bên ngoài, chứ chưa có sự chân thành trong đời sống chứng nhân và truyền giáo. Vẫn là quyền bính thống trị, vẫn là cơ chế xin – cho, vẫn là ẩn hiện sự ganh tị của các Tông đồ xưa, đó là những tính toán đến từ ác quỷ hay từ thiên thần? mạnh dạn cởi bỏ chiếc áo quyền lực, trút xuống đất những tấm biển quảng cáo hấp dẫn, để thấy được giá trị thực của tâm tình tôn giáo là gì, để thấy được ý nghĩa của niềm tin và giá trị của đời phục vụ, đó mới là điều Thầy Chí Thánh đợi chờ nơi mỗi người học trò, nơi mỗi người môn đệ đích thực. Chắc phải khởi đầu từ cơ chế vị Cha chung đã mạnh dạn kéo chiếc mặt nạ của nó xuống.
Lạy Chúa, cuộc trò chuyện giữa Chúa với thánh Phê-rô, giúp chúng con nhận ra con người thực của mình, tốt xấu lẫn lộn, nhưng chúng con chưa dám nhìn nhận, xin giúp chúng con chấp nhận một sự thật như thế, để sửa mình, để phản tỉnh cuộc đời, để cải hối tâm tình tôn giáo. Chúa mong các môn đệ nhận ra sự thật trong ơn gọi của mình, là công cụ của tình Chúa, xin giúp chúng con, dù là Giáo sĩ, dù là Tu sĩ, dù là giáo dân, luôn ý thức trong con người của mình, tồn tại những suy nghĩ của ác quỷ và của thiên thần, để chúng con biết cúi đầu, biết nhận lỗi và biết cố gắng chỗi dậy và trở về với người Cha đang đợi chờ. Amen.
Mãi mãi thập giá vẫn là một chướng ngại khó vượt qua. Ngay đến cả Đức Kitô, Con Thiên Chúa làm người, cũng đã vất vả ướt đẩm mồ hôi pha lẫn máu mới can đảm đón nhận thập giá, cho dù trước đó không dưới ba lần chính Người đã tiên báo, nghĩa là đã tiên liệu và đã có sự chuẩn bị. Thế mà lời khẳng định của Người, một lời khẳng định không thể làm giảm khinh bằng bất cứ lối giải thích nào, đó là: “Ai muốn đi theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24).
“Thiên Chúa là Đấng Toàn Thiện và Toàn Bích khôn lường. Theo ý định nhân hậu, Người đã tự ý tạo dựng con người, để họ được thông phần sự sống vĩnh phúc”. Giáo lý Hội Thánh Công giáo mở đầu bằng chân lý này và cũng là câu trả lời cho vấn nạn muôn thưở rằng ta sống ở đời này để làm gì. Kitô hữu vốn nằm lòng câu giáo lý của một thời: “Ta sống ở đời này để nhận biết, thờ phượng, kính mến Đức Chúa Trời là Cha chúng ta và yêu thương mọi người như anh em, cùng nhau xây dựng một xã hội tốt đẹp cho ngày sau được hạnh phúc đời đời”. Như thế hạnh phúc đời đời hay sự sống vĩnh phúc chính là mục đích tối hậu của đời người. Khi sinh thời, để trả lời cho một chàng thanh niên đạo hạnh vốn đã giữ các giới răn từ thưở bé, muốn có sự sống đời đời, thì Chúa Giêsu nói rằng hãy về bán tất cả của cải, phân phát cho kẻ khó, rồi đến mà theo Người (x.Mt 19,16-22). Thế thì ta có thể khẳng định rằng theo Chúa Kitô là cách thế để có hạnh phúc vĩnh cửu. Hay nói ngược lại, muốn có hạnh phúc vĩnh cửu là phải theo Chúa Kitô. Và muốn theo Chúa Kitô là phải vác thập giá mình.
Theo Chúa Kitô là theo Con Đường Sự Thật, Sự Sống, và Tình Yêu. Nguyên chỉ với những thiện hảo chóng qua đời này cũng đòi hỏi phải trả giá. Tomas Edison, ông tổ phát minh bóng đèn điện đã khẳng định một tất yếu của cuộc sống: “một lần thành công là kết quả của chín mươi chín lần thất bại”. Để trung thành với sự thật và công bố sự thật, ngôn sứ Giêrêmia đã phải hứng chịu bao truân chuyên, khốn khó, và có khi, tưởng như sẽ bị mạng vong. Số phận các sứ ngôn khác và những người công chính cũng chẳng hơn gì (x.Mt 23,29-32). Để làm phát triển sự sống với hoa trái tốt xinh thì trước đó hạt giống phải chịu cảnh thối rữa đi (x.Ga 12,24). Để thực sự là yêu trong sự phục vụ người mình yêu đến cùng thì tất yếu phải bỏ mình, hiến dâng mạng sống mình vì người mình yêu (x.Ga 15,13). Những gì phải trả ở trên, đó chính là thập giá mà Chúa Kitô muốn đề cập.
Tuy nhiên, chúng ta cần ý thức rằng thập giá không phải là đối tượng mà chúng ta muốn cách trực tiếp. Đã nói đến thập giá là nói đến một sự dữ. Không ai được quyền và được phép tự mình trực tiếp tìm kiếm sự dữ. Thế thì chúng ta phải hiểu sao đây về việc phải vác thập giá? Không lẽ Chúa Kitô lại muốn chúng ta phải chịu khổ? Dĩ nhiên không ai dám to gan khẳng định điều này. Thập giá là một mầu nhiệm mà ta chỉ có thể hiểu được phần nào khi quy chiếu về thập giá của Chúa Kitô.
Lật giở các trang Tin Mừng, chúng ta cần chân nhận sự thật này: Chúa Kitô không bao giờ trực tiếp kiếm tìm thập giá. Điều mà Người luôn kiếm tìm đó là thánh ý Chúa Cha. Ngay phút giây nhập thể vào đời, tác giả thư Do Thái đã cảm nhận tâm ý của Ngôi Lời: “Hy sinh và lễ vật thì Chúa chẳng ưng, này con xin đến để thực thi ý Chúa” (Dt 10,5). Lễ vật hy sinh thì Chúa Cha không muốn và Chúa Cha cũng chẳng thích gì khi Con mình phải đổ máu. Điều Chúa Cha muốn là Chúa Con nhập thể, tìm cách bày tỏ cho nhân loại thấy tình yêu bao la vô bờ và hoàn toàn nhưng không của Người.
Thập giá chính là đối tượng trực tiếp mà giới lãnh đạo Do Thái giáo thời bấy giờ kiếm tìm để đặt trên vai người mà họ cho là “phản động”, xách động quần chúng đi ngược với tập truyền tiên tổ, dám phạm thượng, tự cho mình ngang hàng với Thiên Chúa duy nhất… “Chẳng thà một người chết cho toàn dân được nhờ” (Ga 11,50), và bên cạnh đó, vị thế và quyền lợi của những bậc vị vọng như tư tế, biệt phái, luật sĩ cũng khỏi bị lung lay và sứt mẻ.
Thế mà Chúa Kitô vẫn không ngần ngại lên Giêrusalem để đón nhận khổ hình thập giá, không phải vì chính thập giá nhưng là để vâng phục Chúa Cha nhằm tìm cách bày tỏ cho nhân gian thấy tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu vô điều kiện và đến cùng. Cho dù các ngươi có đặt thập giá trên vai ta, cho dù các ngươi có đâm thủng trái tim ta, cho dù các ngươi có giết chết ta cách nhục nhã, thì ta vẫn không hề bỏ các ngươi mà còn đứng về phía các ngươi để cầu bàu cho các ngươi (x.Lc 23,34). Chúa Kitô đón nhận thập giá không phải vì thập giá mà là để mình chứng rằng không có gì có thể ngăn cản được việc Người yêu thương chúng ta (x.Rm 8,38-39).
Như thế thập giá không phải là đích đến, mà chỉ là một cái giá cần phải trả, một thách đố, một chướng ngại cần vượt qua của hành trình yêu thương. Khi ngăn cản Chúa Giêsu đừng lên Giêrusalem, thực ra Phêrô có ý tốt với Thầy. Thế nhưng, ông đã bị Chúa Giêsu quở trách nặng lời. Tưởng rằng Phêrô bị quở trách nhưng không phải ông mà chính là Satan bị quở trách. Satan lợi dụng ý tốt của Phêrô để cám dỗ Chúa Giêsu. Ma quỷ thật lắm tinh ranh. Chúng sử dụng cả những điều thiện hảo thường tình để cám dỗ ta đứng lại và không đạt đến sự thiện hảo cuối cùng.
Dẫu biết rằng chẳng có một sự thiện hảo nào mà không đòi phải trả giá nghĩa là đòi phải có sự nỗ lực, gắng công, thế nhưng thập giá vẫn mãi còn đó sự thách đố cho người tự nguyện sống đạo yêu thương, cho người can đảm làm chứng cho sự thật, cho người tích cực gìn giữ và làm phát triển sự sống. Nếu cứ chăm chăm dán mắt hay quy lòng vào sự khó khăn đầy nghiệt ngã của thập giá thì e rằng nhiều khi chân ta sẽ chùn bước. Ước gì Kitô hữu chúng ta trên đường theo Chúa Kitô biết ngước nhìn đến chân trời tươi sáng, nơi mà tình yêu, sự thật và sự sống hiển trị, thì sẽ có cơ may vượt qua các trở ngại cần phải vượt qua là thập giá, cho dù khó khăn, vất vả, đau thương vẫn có đó và mãi còn đó. Hiểu được sự thật này thì chúng ta không chỉ biết lắng nghe lời nhận định của Franklin: “Đường đến thành công không hề có bước chân của người ngại khó, sợ khổ”, mà còn cần phải xác tín rằng “đường đến Nước Trời sẽ chẳng hề có bước chân của người e ngại vác thập giá vì không quyết tìm hạnh phúc đích thực cho chính mình và tha nhân”.
SỐNG ĐỜI TỪ BỎ
Chúa Nhật 22 Thường Niên năm A: Mt 16, 21-27 - Lm. Thái Nguyên
Suy niệm
Biến cố ở Xêdarê Philípphê cho thấy tâm trí các tông đồ vẫn còn đang hướng về những hào nhoáng thế gian và vinh quang trần thế. Tuy vậy, Chúa Giêsu vẫn bắt đầu vén mở cho các ông thấy số phận đau thương đang chờ đợi Ngài tại Giêrusalem: “phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại”. Nghe nói thế, Phêrô liền kéo riêng Ngài ra bên ngoài và khuyên can Thầy. Phản ứng của Phêrô cũng là lẽ tự nhiên theo tình cảm của người đời, không muốn Thầy phải chịu khổ lụy. Nhưng rất tiếc, đó là một sự lầm lạc trong sứ vụ, “vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”.
Ở đây, cám dỗ lại càng nghiêm trọng và sâu sắc hơn vì nó phát xuất từ một người môn đệ yêu mến Thầy, muốn giữ Thầy lại theo ý riêng, nên Đức Giêsu quay lại và phản ứng rất mạnh: “Xatan, lui lại đàng sau Thầy, anh cản lối Thầy…”. Mới đó Phêrô giống như một thiên thần khi tuyên xưng Thầy là Con Thiên Chúa hằng sống, mà bây giờ lời của ông khác nào cơn cám dỗ của Xatan. Mới đó Phêrô đã được đặt làm “tảng đá, trên đó Thầy sẽ xây Hội Thánh”, bây giờ ông thành tảng đá “cản lối làm cho Thầy vấp”. Thật ra, tảng đá xây Hội Thánh không phải là bản thân bác thuyền chài Simon, mà là niềm tin của ông đặt nơi Đức Giêsu. Thiếu niềm tin này, tất cả công việc của ông đều sụp đổ.
Điều này cho chúng ta thấy, nhận ra Thầy là Đức Kitô mới chỉ là một ân phúc; tuyên xưng đức tin mới là một khởi đầu, còn cả một tiến trình khám phá qua việc sống đức tin, đòi người môn đệ phải vượt qua gian nan thử thách, mới đạt tới tầm vóc đích thực mà Chúa mong mỏi nơi chính mình. Vì thế, để các ông đừng lầm tưởng về lý tưởng mà các ông muốn dấn thân, nên Chúa Giêsu không ngần ngại nói thẳng cho biết: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. Đây là một trong những đề tài chủ yếu đã được Đức Giêsu công bố và sẽ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần cho những ai muốn làm môn đệ Ngài (x. Mt 10, 37-39; Mc 8, 34-37; Lc 9, 23-27; Ga 12, 25).
“Từ bỏ chính mình” có vẻ tự tha hoá, vong thân, không còn là chính mình. Đúng là khi không yêu thì không thể nói đến từ bỏ. Chỉ khi yêu thì người ta mới dám từ bỏ, để sống trọn vẹn cho người mình yêu. Từ bỏ cũng là một cách dâng hiến lại cho Thiên Chúa những gì Người đã tặng ban. Trong ý nghĩ sâu xa hơn, từ bỏ để có thể tìm lại cái tôi trong suốt hơn, ngời sáng hơn, để trở nên “đồng hình đồng dạng” với Đức Giêsu. Ngay từ đầu Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người “giống hình ảnh” Người, chỉ sau đó do tội lỗi, nên con người mới bị tha hóa, vong thân. Nay ta phải cố gắng đạt “tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô”, chính là tìm lại hình ảnh đích thực từ ban đầu của mình, để hoàn toàn là chính mình. Gặp gỡ Đức Kitô cũng là gặp lại chính mình.
“Vác thập giá” nghĩa là gánh chịu những hy sinh cũng là điều đương nhiên trong thân phận con người, dù là ai hay trong cuộc sống nào cũng thế, nếu muốn có những gì tốt hơn. Hy sinh đối với người Kitô hữu là nhằm để phục vụ Chúa nơi mọi người. Vác thập giá cũng chính là cái “giá” phải trả cho một chọn lựa mà ta muốn dấn thân thực hiện. Hơn nữa, lời mời gọi vác thập giá ở đây không phải là dự tính của con người, mà là đường nẻo của Thiên Chúa trong kế hoạch cứu độ phát xuất từ lòng thương xót của Ngài, không muốn một ai phải hư mất.
Vì thế, “ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất”. Chỉ lo bảo toàn cho mạng sống mình ở đời này thì cuối cùng sẽ còn lại gì? Do đó, môn đệ Đức Giêsu là người say mê cái được vĩnh cửu, nên chấp nhận những mất mát tạm thời: mất công, mất của, mất thì giờ, có thể mất uy tín, mất tương lai và mất cả mạng sống nữa. Nhưng cuối cùng, chẳng có gì để mất, vì “chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”. Đó là điều mà Chúa Giêsu bảo đảm cho những ai tin vào Ngài. Thánh Phaolô cũng đã xác định: “Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người.” (2Tm 2,11), “Nếu ta cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người.” (Rm 8, 17).
Thật ra khi từ bỏ mình, vác thập giá, chịu mất mạng sống vì Chúa, thì không chỉ đợi đến đời sau mới nhận thấy mình nhận được được sự sống mới nơi Chúa. Nhưng ngay đời này, chúng ta cũng đã bắt đầu nếm hưởng được sự bình an, hoan lạc, được sống trong tự do và yêu thương, nhất là thấy mình đã được thuộc về Chúa là niềm hạnh phúc vô vàn. Vì thế hãy hiến thân cho Chúa như Chúa đã hiến mình cho ta.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Để có thể thành người môn đệ Chúa,
Ngài mời gọi con sống đời từ bỏ,
sẵn sàng bỏ hết những gì con có,
để bước đi vác thập giá theo Ngài.
Đời sống con vẫn có thêm mỗi ngày.
hôm nay chưa dính bén mai lại có,
điều bỏ từ lâu nay lại dính bén,
nên con cứ phải tập dần cho quen.
Từ bỏ là cách diễn tả tình yêu,
khi yêu con mới sẵn sàng từ bỏ,
từ bỏ những cái xấu không nói gì,
còn bỏ cái tốt chọn điều tốt hơn.
Từ bỏ gây lo sợ và luyến tiếc,
nhưng xem ra cũng giống như phiến đá,
nhiều thô nhám và xấu xí nhăn nheo,
thành tác phẩm khi để thợ đục đẽo,
Từ bỏ như điều kiện để giải thoát,
khỏi những gì kiềm buộc và tù hãm,
tránh cho con khỏi mọi thứ tham lam,
để tâm con nhẹ nhàng và thanh thản,
không âu sầu vì nặng gánh lo toan,
dần vươn lên khỏi bụi cát phàm trần.
Từ bỏ vẫn luôn là một điều khó,
vì con thích dung dưỡng và dễ dãi,
để được sống an nhàn và thoải mái,
như bao người đang sống ở xung quanh,
nhưng con thấy bất an và bất xứng,
với sứ mạng làm nhân chứng cho Ngài.
Xin cho con dám sống đời từ bỏ,
từ bỏ hoài từ bỏ mãi không ngơi,
một cuộc đời luôn thanh thoát mọi nơi,
cho đến khi gặp được Chúa muôn đời,
nơi vinh phúc sáng ngời con mong đợi.
là nên một với Chúa trên quê Trời. Amen