TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXVII Thường Niên – Năm B

“Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ”. (Mc 10, 2-12)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật XXII Thường Niên – Năm B

25/08/2024 11:56:52 |   637
“Các ngươi gác bỏ một bên các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục phàm nhân”. (Mc 7, 1-8a. 14-15. 21-23)

Chúa Nhật XXII Thường Niên – Năm B

cn t22 TNb

Mc 7,1-8.14-15.21-23

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XXII Thường Niên – Năm B

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, xin thương tôi, vì tôi ân cần kêu van Chúa suốt ngày; Lạy Chúa, vì Chúa nhân hậu, khoan dung và giàu lượng từ bi đối với những ai kêu cầu Chúa.

Dẫn vào Thánh lễ

Anh chị em thân mến! Bài trích sách Đệ Nhị Luật hôm nay, cho chúng ta thấy dân Do Thái thật hãnh diện khi được các dân tộc khác khen ngợi, vì không một dân tộc nào diễm phúc được các thần minh ở bên cạnh, như Thiên Chúa ở bên cạnh họ khi họ kêu cầu.

Nhưng họ lại bất trung và phản bội, như thấy trong bài Tin Mừng Chúa Giêsu đã nặng lời quở trách tội họ là những kẻ giả hình…. Họ giữ luật hoàn toàn vụ hình thức, trong khi đó lại bắt bẻ hạch sách Chúa Giêsu về các hành động của các môn đệ Người. Chúa đã cho họ một bài học, và từ đó họ rắp tâm mưu hại Chúa.

Chắc hẳn cũng có khi chúng ta sống giả hình như những người biệt phái và luật sĩ. Vậy chúng ta hãy thành tâm thống hối để sốt sắng cử hành Tiệc Vượt Qua.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, mọi sự tốt lành đều bởi Chúa mà ra, xin cho chúng con thêm lòng tin yêu Chúa, để những gì tốt đẹp nơi chúng con ngày càng phát triển, và được Chúa chăm sóc giữ gìn. Chúng con cầu xin..

Bài Ðọc I: Ðnl 4, 1-2. 6-8

“Các ngươi hãy tuân giữ các giới răn và đem thực hành bằng việc làm”.

Trích sách Ðệ Nhị Luật.

Môsê nói với dân chúng rằng: “Hỡi Israel, giờ đây hãy nghe các lề luật và huấn lệnh mà ta dạy bảo các ngươi phải thực hành, để được sống và được vào chiếm hữu phần đất mà Chúa là Thiên Chúa cha ông các ngươi sẽ ban cho các ngươi. Các ngươi chớ thêm bớt điều gì trong các điều ta đã truyền, nhưng hãy tuân giữ các giới răn của Chúa là Thiên Chúa các ngươi mà ta đã truyền dạy các ngươi. Các ngươi phải tuân giữ và thực hành, vì đó là sự khôn ngoan và sáng suốt của các ngươi trước mặt muôn dân, để khi nghe nói đến tất cả các lề luật ấy, họ nói: ‘Thật, dân tộc vĩ đại này là một dân khôn ngoan và sáng suốt’. Không một dân tộc nào được các thần ở bên cạnh mình, như Chúa là Thiên Chúa chúng ta, ở bên cạnh chúng ta, khi chúng ta kêu cầu Người. Có dân tộc thời danh nào khác có lễ nghi, huấn lệnh công chính, và bộ luật như ta trình bày trước mặt các ngươi hôm nay không?”

“Vậy các ngươi hãy ý tứ và giữ mình. Trong suốt đời các ngươi đừng quên và đừng để lòng xao lãng những điều các ngươi đã thấy. Hãy dạy cho con cháu các ngươi biết các điều ấy”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 14, 2-3ab. 3cd-4ab. 4c-5

Ðáp: Lạy Chúa, ai sẽ được ở trong đền tạm Chúa? (c. 1a)

Xướng: Người sống thanh liêm và thực thi công chính, và trong lòng suy nghĩ điều ngay, và lưỡi không bịa lời vu khống.

Xướng: Người không làm ác hại bạn đồng liêu, cũng không làm nhục cho ai lân cận. Người coi rẻ đứa bất nhân, nhưng kính yêu những ai tôn sợ Chúa.

Xướng: Người dẫu thề điều chi bất lợi, cũng không thay đổi, không xuất tiền đặt nợ thu lời, cũng không ăn hối lộ hại người hiền lương. Người thực thi những điều kể đó, thì muôn đời chẳng có lung lay. 

Bài Ðọc II: Gc 1, 17-18. 21b-22. 27

“Anh em hãy thực thi lời đã nghe”.

Trích thư Thánh Giacôbê Tông đồ.

Anh em thân mến, mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo đều do tự trời, bởi Cha sáng láng ban xuống, nơi Người không có thay đổi và cũng không có bóng dáng sự thay đổi. Người đã muốn sinh ra chúng ta bằng lời chân thật, để chúng ta nên như của đầu mùa trong các tạo vật.

Cho nên anh em hãy khử trừ mọi thứ nhơ bẩn và lòng đầy gian ác, anh em hãy ngoan ngoãn nhận lãnh lời đã gieo trong lòng anh em, lời có sức cứu độ linh hồn anh em. Anh em hãy thực thi lời đã nghe, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình.

Lòng đạo đức trong sạch và tinh tuyền đối với Thiên Chúa Cha là: thăm viếng cô nhi quả phụ trong cơn quẫn bách, và giữ mình khỏi mọi ô uế đời này.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 5

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống; không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 7, 1-8a. 14-15. 21-23

“Các ngươi gác bỏ một bên các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục phàm nhân”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, những người biệt phái và mấy luật sĩ từ Giêrusalem tụ tập lại bên Chúa Giêsu, và họ thấy vài môn đệ Người dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch, nghĩa là không rửa trước. Vì theo đúng tập tục của tiền nhân, những người biệt phái và mọi người Do-thái không dùng bữa mà không rửa tay trước, và ở nơi công cộng về, họ không dùng bữa mà không tắm rửa trước. Họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa, như rửa chén, rửa bình, rửa các đồ đồng. Vậy những người biệt phái và luật sĩ hỏi Người: “Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch?” Người đáp: “Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng: ‘Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người’. Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người”.

Và Người lại gọi dân chúng mà bảo rằng: “Hết thảy hãy nghe và hiểu rõ lời Ta. Không có gì từ bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế. Chỉ có những gì từ con người xuất ra, chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế. Vì từ bên trong, từ tâm trí người ta xuất phát những tư tưởng xấu: ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng. Tất cả những sự xấu đó đều ở trong mà ra, và làm cho người ta ra ô uế”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Đối với Chúa Giêsu việc tuân giữ luật Chúa, phải phát xuất từ chính con tim, nghĩa là tuân hành luật Chúa vì yêu mến Chúa, chứ không giữ vì người này người khác, hoặc căn cứ những hình thức bên ngoài. Chúng ta thành tâm dâng lên Chúa những lời nguyện xin :

1. “Các ngươi chớ thêm bớt điều gì trong các điều Ta đã truyền”.- Xin cho các Mục tử trong Hội Thánh, luôn ý thức tuân giữ đúng đắn giáo lý tông truyền, để hướng dẫn giáo dân đi đúng đường Chúa chỉ dạy.

2. “Anh em hãy khử trừ mọi thứ nhơ bẩn và lòng đầy gian ác.”.- Xin cho các tín hữu luôn biết liên kết với Chúa, hầu có thể chông lại tội lỗi và sửa tính mê nết xấu trongmtâm hồn.

3. “Yêu thương là chu toàn lề luật”.- Xin cho những người thiện nguyện đang hiến thân phục vụ các người bệnh tật, đói khổ, vì họ là hiện thân của Đức Kitô, là hình thức qui luật có ý nghĩa và đẹp lòng Chúa.

4. “Chỉ có những gì từ con người xuất ra, chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế”.- Xin cho mỗi người trong giáó xứ chúng ta, siêng năng suy niệm Lời Chúa, cho tâm hồn chúng ta đầy tràn những ý nghĩ lành thánh, để lời nói và việc làm luôn phù hợp với đời sông nhân linh, đê làm vinh danh Chúa.

Chủ tế: Lạy Chúa, Chúa đến thế gian để dạy chúng con sống chân thực trước mặt Chúa và mọi người, xin đừng để chúng con ngôn hành bất nhất, nhưng xin Chúa sửa dạy chúng con, uốn nắn chúng con thành môn đệ đích thực của Chúa, Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cho của lễ này đem lại cho chúng con muôn vàn ơn phúc, để mầu nhiệm cứu độ chúng con cử hành trong thánh lễ thấm nhập và đổi mới cuộc đời chúng con. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, vĩ đại thay lòng nhân hậu Chúa, lòng nhân hậu Ngài dành để cho những ai kính sợ Ngài.

Hoặc đọc:

Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con đã được bồi dưỡng nơi bàn tiệc thiên quốc; xin cho Bí Tích này giúp chúng con thêm lòng yêu mến, và thúc đẩy chúng con hết lòng phục vụ Chúa trong anh em. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Nghi thức bên ngoài

Có một thầy tiến sĩ luật Do Thái bị cầm tù ở Rôma. Ông chỉ được ăn uống tối thiểu nhằm kéo dài cuộc sống. Thời gian trôi qua và ông ta yếu dần. Cuối cùng người ta phải mời một y sĩ đến khám. Y sĩ bảo rằng: cơ thể ông ta bị thiếu nước. Thế nhưng đám lính canh lại thắc mắc không hiểu vì sao vị Rabbi này lại có thể thiếu nước, vì khẩu phần nước tương đối đầy đủ.

Và thế là họ kín đáo quan sát ông ta. Cuối cùng họ đã khám phá ra lý do. Sở dĩ cơ thể ông ta thiếu nước vì ông ta đã dùng phần lớn số nước được cung cấp để rửa tay theo nghi thức tôn giáo trước khi cầu nguyện và dùng bữa.

Câu chuyện trên cho thấy các nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái đã bực bội như thế nào, khi các môn đệ Chúa ăn uống mà chẳng chịu rửa tay theo đúng tập tục tiền nhân.

Ngược dòng thời gian chúng ta thấy người Do Thái có hai thứ luật. Luật thành văn và luật truyền khẩu. Luật thành văn vừa cổ lại vừa quan trọng vì nó căn cứ trên những sách của Cựu ước và đôi khi còn được gọi là luật Maisen. Một số luật này mang tính cách cụ thể và đặc thù, còn lại thì rất chung chung giống như những kiểu mẫu phải theo hơn là lề luật. Trong một thời gian dài, người Do Thái bằng lòng với những kiểu mẫu này và họ áp dụng vào đời sống vì thấy nó thích hợp.

Tuy nhiên, tới thế kỷ thứ năm trước Công nguyên, một nhóm chuyên nghiên cứu về luật đã tạo được một ảnh hưởng mạnh mẽ trong dân. Họ thấy những điều luật tổng quát quá sơ sài, mơ hồ cần phải được soạn thảo lại. Từ đó phát sinh ra bộ luật thứ hai, gồm những luật truyền khẩu. Rất nhiều người Do Thái muốn bắt chước các tư tế về sự thánh thiện bên ngoài có tính cách nghi thức. Chẳng hạn: theo luật thành văn thì mọi tư tế đều phải rửa tay trước khi vào nơi thánh trong đền thờ, mục đích là tẩy rửa đi những gì ô uế để xứng đáng thờ phượng Chúa. Dần dần dân chúng cũng bắt chước rửa tay trước khi cầu nguyện và khi dùng bữa.

Vào thời Chúa Giêsu, họ tuân giữ cặn kẽ thứ luật truyền khẩu này, để rồi tôn giáo dần dần thái hóa và biến thành một hoạt động đơn thuần chỉ là chu toàn những nghi thức bên ngoài. Theo họ, tuân giữ nghi thức bên ngoài là đẹp lòng Chúa, bằng không thì phạm tội và những kẻ tuân giữ được coi là người đạo đức. Họ có thể căm ghét kẻ khác nhưng lại chẳng hề áy náy bao lâu còn tuân giữ việc rửa tay và những nghi thức khác về sự thanh tẩy.

Họ giống như một người Hồi giáo đang phi ngựa rượt theo kẻ thù, chợt nghe chuông báo giờ cầu nguyện. Thế là anh ta xuống ngựa, quì gối cầu nguyện theo luật định, rồi sau đó lên ngựa tiếp tục đuổi theo kẻ thù.

Từ đó chúng ta đi tới kết luận: đừng đồng hóa tôn giáo với việc chu toàn những hành vi bên ngoài như đi lễ, đọc kinh, xưng tội… Tự chúng chưa bảo đảm rằng chúng ta đã thánh thiện đâu. Lý do rất đơn giản là chúng ta có thể làm tất cả những việc này vì lý do không mấy ngay thẳng, hay làm không phải vì yêu thương. Điều quan trọng không phải là việc chúng ta làm mà chính là tình yêu trong trái tim thúc đẩy chúng ta làm việc đó. Nếu trái tim chất đầy kiêu căng thì mọi nghi thức bên ngoài trước mặt thế gian cũng sẽ chẳng làm cho chúng ta trở nên thánh thiện trước mặt Chúa. Bởi vì như lời Chúa đã quở trách người Do Thái: dân này thờ kính Ta ngoài môi ngoài miệng, còn lòng họ thì lại xa Ta.

Tóm lại, điều cốt lõi trong tôn giáo không phải là làm việc này việc kia, mà chính là lý do thúc đẩy chúng ta làm những việc ấy. Hành động của chúng ta phải được xuất phát từ con tim, từ tình yêu: Mến Chúa và yêu người, thì mới thực sự có giá trị.


Chúa nhật 22 thường niên -B
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (Mc 7, 1-8a. 14-15. 21-23).

Khi ấy, những người biệt phái và mấy luật sĩ từ Giêrusalem tụ tập lại bên Chúa Giêsu, và họ thấy vài môn đệ Người dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch, nghĩa là không rửa trước. Vì theo đúng tập tục của tiền nhân, những người biệt phái và mọi người Do-thái không dùng bữa mà không rửa tay trước, và ở nơi công cộng về, họ không dùng bữa mà không tắm rửa trước. Họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa, như rửa chén, rửa bình, rửa các đồ đồng. Vậy những người biệt phái và luật sĩ hỏi Người: “Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch?” Người đáp: “Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng: 'Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người'. Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người”.
Và Người lại gọi dân chúng mà bảo rằng: “Hết thảy hãy nghe và hiểu rõ lời Ta. Không có gì từ bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế. Chỉ có những gì từ con người xuất ra, chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế. Vì từ bên trong, từ tâm trí người ta xuất phát những tư tưởng xấu: ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng. Tất cả những sự xấu đó đều ở trong mà ra, và làm cho người ta ra ô uế”.

Suy niệm

Giữa một thế giới ồn ào với bao trào lưu mới, với bao xu hướng mới đang cuốn cuộc sống con người vào trong vòng xoáy của nó, lắm lúc bị cuốn như thế, con người chỉ biết chạy theo, chỉ biết quan tâm đến cuộc sống bên ngoài. Thói quen đó làm cho con người vô tình một lúc nào đó, quên mất cuộc sống bên trong của chính mình. Chính chiều sâu cuộc sống bên trong mới thực sự nâng cao giá trị con người, đồng thời giúp con người ý thức rằng đó là nơi Thiên Chúa đang ở với mình, đang chia sẻ cuộc sống với bản thân. Do đó, con người cần phải trở về với cuộc sống bên trong, để gặp gỡ Thiên Chúa, để hoàn thiện ước mơ vươn mình tới trời cao của kiếp người. Bài học tâm linh từ các bài đọc khởi đầu tuần lễ mới, tuần 22 thường niên, gợi nhắc cho mỗi người về con đường để con người đi vào cuộc sống bên trong của mình, từ đây, mỗi người sẽ thấy cuộc sống, thái độ sống, những việc làm hàng ngày của mình không dừng lại nơi hình thức, nhưng khởi đi từ chiều sâu bên trong và sẽ đem lại những giá trị thiêng liêng cho cuộc đời, cho hành trình đức tin.

Bước vào miền đất hứa, dân Do-thái được ông Môi-sen nhắc nhở, đừng bao giờ đi theo con đường của các thần ngoại, hãy thực hiện những giáo huấn của Gia-vê, bởi Ngài là Đường, Ngài sẽ dẫn những ai tuân giữ lề luật của trời cao, đi vào miền đất chảy sữa và mật như Ngài đã hứa: “Môsê nói với dân chúng rằng: “Hỡi Israel, giờ đây hãy nghe các lề luật và huấn lệnh mà ta dạy bảo các ngươi phải thực hành, để được sống và được vào chiếm hữu phần đất mà Chúa là Thiên Chúa cha ông các ngươi sẽ ban cho các ngươi. Các ngươi chớ thêm bớt điều gì trong các điều ta đã truyền, nhưng hãy tuân giữ các giới răn của Chúa là Thiên Chúa các ngươi mà ta đã truyền dạy các ngươi. Các ngươi phải tuân giữ và thực hành, vì đó là sự khôn ngoan và sáng suốt của các ngươi trước mặt muôn dân, để khi nghe nói đến tất cả các lề luật ấy, họ nói: 'Thật, dân tộc vĩ đại này là một dân khôn ngoan và sáng suốt”. Dù có bận rộn với cái ăn cái mặc và sự tồn tại trong hành trình, dân Do-thái luôn được nhắc nhở về thái độ sống cũng như cách suy nghĩ hàng ngày của họ về Thiên Chúa, một Thiên Chúa yêu thương đã cúi xuống với họ. Lời nhắc đó giúp họ hướng về cuộc sống bên trong, để giữ vẹn toàn hình ảnh một dân riêng của Thiên Chúa và giữa cộng đoàn đó luôn có sự hiện diện của Ngài.

Anh em thân mến, mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo đều do tự trời, bởi Cha sáng láng ban xuống, nơi Người không có thay đổi và cũng không có bóng dáng sự thay đổi. Người đã muốn sinh ra chúng ta bằng lời chân thật, để chúng ta nên như của đầu mùa trong các tạo vật”. Đây là lời nhắc của thánh Gia-cô-bê tông đồ trong lá thư mục vụ của Ngài. Mọi ơn lành của Thiên Chúa là động lực giúp con người tìm thấy con đường đi vào bên trong, từ đó, con người có thể tìm thấy ý nghĩa cuộc đời, tìm thấy giá trị của thái độ sống, giúp con người có giá trị vượt hẳn mọi sinh vật khác. Thánh nhân nhắc thêm nếu anh em để những yếu tố bên ngoài xâm chiếm tâm hồn và suy nghĩ của mình, anh em sẽ không tìm thấy con đường để đi vào bên trong chính mình: “Cho nên anh em hãy khử trừ mọi thứ nhơ bẩn và lòng đầy gian ác, anh em hãy ngoan ngoãn nhận lãnh lời đã gieo trong lòng anh em, lời có sức cứu độ linh hồn anh em. Anh em hãy thực thi lời đã nghe, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình”.

Sau khi được quy tụ thành một cộng đoàn và được Thiên Chúa trực tiếp chọn làm dân riêng, dân tộc Do-thái trở thành một cộng đoàn sống theo lề luật của Thiên Chúa. Theo dòng thời gian, lề luật được coi là cứu cánh, là điểm đến của sự công chính, vì thế, người Do-thái coi trọng lề luật. Nhưng lề luật chỉ là những dấu chỉ để họ có thể tiếp xúc với Thiên Chúa và sống đúng vai trò là dân riêng. Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, đã nhắc lại vai trò của lề luật trong ơn cứu độ, đồng thời, khuyên bảo họ đừng chú tâm vào lề luật nhưng hãy tìm con đường đi vào cuộc sống bên trong, nơi đó, ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa luôn đong đầy cho mỗi người, giúp họ nên công chính ngay hôm nay, giúp họ sống xứng với danh hiệu là dân riêng: “Vậy những người biệt phái và luật sĩ hỏi Người: “Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch?” Người đáp: “Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng: 'Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người'. Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người”. Giá trị con người không đến từ những hình thức bên ngoài, nhưng được khởi đầu từ chiều sâu bên trong, trở nên thánh thiện mỗi ngày cũng từ bên trong, sống tử tế với mọi người cũng đến từ bên trong, từ bỏ mình để sống và hy sinh cho tha nhân cũng đến từ bên trong, thậm chí cả những tội lỗi cũng đến từ bên trong của con người.

Dừng lại phút chốc trong cuộc sống để trở về với cuộc sống bên trong, con người có thể nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời của mình, Ngài muốn nên hình nên dạng với mình giữa cuộc đời, hơn nữa, Ngài muốn họa lại khuôn mặt của Ngài trong cuộc đời con người. Cũng từ chiều sâu bên trong, con người mạnh dạn vượt ra khỏi giới hạn của một sinh vật để đi tìm Chân – Thiện – Mỹ và Đấng chủ tể của mọi loài giữa thế giới cũng như trong mỗi người bên cạnh. Đặt chân vào thế giới bên trong đó, con người thấy như đang ở trong một ngôi nhà hạnh phúc bởi bên cạnh họ có Thiên Chúa yêu thương và chăm sóc mỗi ngày trong mọi biến cố cũng như mọi hoàn cảnh, hơn nữa họ còn khám phá ra giá trị sâu xa của tình người đến từ đâu, để khi bước vào cuộc sống, bất chấp mọi hiểm nguy, bất chấp mọi thách đố, họ sẵn sàng sống cùng, sống với và sống cho tha nhân trong tình huynh đệ thiêng liêng.

Sau mỗi ngày làm việc, Đức Giêsu luôn chìm sâu trong cuộc sống bên trong để tìm thánh ý Cha, đó là bài học sâu xa Ngài đã để lại cho người môn đệ hôm nay. Trong mỗi ơn gọi luôn có những thách đố, những cám dỗ và cạm bẫy nữa, nếu người môn đệ không tỉnh thức, không mạnh dạn bước lên con đường đi vào cuộc sống bên trong đó, họ sẽ khó chấp nhận những khó khăn hiện tại của ơn gọi đang sống. Tinh thần phục vụ và hy sinh cho Thiên Chúa và tha nhân cũng thế. Người môn đệ cần chuẩn bị cho mình những khoảng lặng bên trong để tìm gặp thánh ý Chúa trong việc làm, trong hành động và những dự tính tương lai. Được chuẩn bị kỹ lưỡng, người môn đệ của tin mừng sẽ làm được những dấu lạ giữa đời mà những người có chuyên môn, có địa vị, có bằng cấp không thể làm được, hơn nữa họ còn làm được những việc xem ra tầm thường nhưng đem lại những giá trị phi thường.

Tiền bạc, địa vị xã hội hay bằng cấp chỉ là những phương tiện giúp con người chứ không phải là cứu cánh, vì thế những ai đang là môn đệ của những ông chủ đó, hãy tự vấn chính mình, tôi là con người thực sự, có đời sống thể lý và đời sống tinh thần, hay tôi chỉ là một công cụ của xã hội tiêu thụ và hưởng thụ, một công cụ của xã hội công nghệ? Hạnh phúc trong cuộc sống không đến từ vẻ hào nhoáng bên ngoài, cũng không đến từ địa vị xã hội, nhưng đến từ những khát vọng sâu xa của con người. Những khát vọng đó sẽ trở nên hiện thực và giá trị hơn qua từng việc làm và thái độ sống của mỗi người. Có thể nói rằng nếu mọi hành vi, mọi ý thức cuộc sống khởi đi từ Thiên Chúa đang hiện diện trong cuộc sống bên trong của con người, thì hệ quả là đem lại sự bình an đích thực, đem lại niềm vui lớn lao của tình trời và tình người. Đức Giêsu đang mời gọi người môn đệ của Ngài hãy ý thức để sống tốt hơn, ý nghĩa hơn trong một xã hội nặng về hình thức, thiên về vật chất và chú trọng đến hình thức.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã hướng dẫn con người qua những bài giáo huấn, với mong muốn thay đổi thái độ sống của họ, để họ được ngụp lặn trong tình yêu của Chúa Cha qua mỗi ngày sống, xin cho chúng con luôn biết lắng nghe sự hướng dẫn của Chúa, dám thay đổi ý thức cuộc sống bản thân, để trở nên ngọn đèn khiêm tốn chiếu sáng tình yêu và phục vụ trong thế giới. Chúa đã mong muốn con người hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là đấng hoàn thiện, xin ban thêm niềm tin và lòng mến cho chúng con, để chúng con cố gắng hoàn thiện bản thân, nên thánh như lòng Chúa mong ước. Amen.

 

THÊM LÒNG TIN YÊU CHÚA
(CHÚA NHẬT TUẦN 22 THƯỜNG NIÊN NĂM B)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần 22 Thường Niên, năm B này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Mọi sự tốt lành đều bởi Chúa mà ra, xin Chúa cho chúng ta thêm lòng tin yêu Chúa, để những gì tốt đẹp nơi chúng ta ngày càng phát triển, và được Chúa chăm nom giữ gìn.

Thêm lòng tin yêu Chúa, cho dẫu, thực tế trước mắt thật phũ phàng, khốc liệt, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Giêrêmia cho thấy: Không chấp nhận nền phụng tự đã bị biến chất tại các ngôi đền địa phương, vua Giôsigia chủ trương đổi mới. Ngôn sứ Giêrêmia cũng kêu gọi như vậy, và thế là ông chuốc lấy lòng thù ghét của người đồng hương. Tìm đến với Chúa, ông được Người cho biết sẽ phải đương đầu với nhiều cuộc chiến khốc liệt hơn nữa. Điều này cho thấy: cầu nguyện chẳng phải là tìm thuốc an thần, nhưng, chấp nhận chiến đấu, chấp nhận hiệp thông. Tại sao kẻ gian ác thịnh đạt trên đường đời, tại sao mọi quân phản bội cứ bình an vô sự? Phần con, con khác nào con chiên hiền lành bị đem đi làm thịt, con đâu biết chúng đang mưu tính hại con… Bây giờ tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này. Nhưng chính vì giờ này mà con đã đến. Lạy Cha, xin tôn vinh danh Cha. Hồn tôi hỡi, cớ sao phiền muộn, xót xa phận mình mãi làm chi?

Thêm lòng tin yêu Chúa, chắc chắn chúng ta sẽ không hề bị thất vọng, bởi vì, Chúa sẽ tôn vinh những ai đặt tin tưởng nơi Người, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Autinh nói: Đấng bị giết đã trỗi dậy và được tôn vinh sẽ tôn vinh chúng ta trong Người vào ngày kẻ chết sống lại. Người đã tôn vinh chúng ta khi chúng ta tin và tuyên xưng đức tin của những người công chính… Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, con hết lòng cảm tạ, thánh Danh Ngài, con mãi mãi tôn vinh. Vì tình Chúa thương con như trời như biển. Lạy Chúa, chính Ngài là Thiên Chúa của con, xin dâng Ngài muôn câu cảm tạ. Lạy Thiên Chúa con thờ, xin dâng Ngài vạn tiếng tôn vinh.

Thêm lòng tin yêu Chúa, bằng cách trung thành tuân giữ vẹn toàn những gì Chúa truyền dạy, không thêm không bớt, để tìm mưu lợi cho riêng mình, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, trích sách Đệ Nhị Luật, ông Môsê nói: Anh em đừng thêm gì vào lời tôi truyền cho anh em, cũng đừng bớt gì, nhưng phải giữ những mệnh lệnh của Đức Chúa. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 14, vịnh gia đã cho thấy: Lạy Chúa, ai được vào ngụ trong nhà Chúa? Kẻ nào sống vẹn toàn, luôn làm điều ngay thẳng, bụng nghĩ sao nói vậy, miệng lưỡi chẳng vu oan. Trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Giacôbê nói: Anh em hãy đem Lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa Cha đã tự ý dùng lời chân lý mà sinh ra chúng ta, để chúng ta nên như của đầu mùa trong các thọ tạo của Người. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu trích lời ngôn sứ Isaia để nói: Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân. Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm. Chúa dùng lời chân lý mà sinh ra chúng ta. Lời Chúa là thần khí và là sự sống. Thuốc đắng giả tật, Lời sự thật sẽ giải phóng và cứu chữa chúng ta. Tuân giữ những gì Chúa truyền dạy đòi hỏi chúng ta phải trả giá, nhưng, nếu chúng ta hết lòng tin tưởng, Chúa sẽ không để ta thất vọng bao giờ; còn nếu ta tìm cách làm nhẹ, và chối bỏ những điều răn của Chúa, ta sẽ tự chuốc lấy những hậu quả đau thương. Mọi sự tốt lành đều bởi Chúa mà ra, ước gì chúng ta thêm lòng tin yêu Chúa, để những gì tốt đẹp nơi chúng ta ngày càng phát triển, và được Chúa chăm nom giữ gìn. Ước gì được như thế!

 

Tin Mừng Chúa nhật XXII Thường niên -Năm B

CN22TNb 2

Mc 7, 1-8a. 14-15. 21-23
“Các ngươi gác bỏ một bên các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục phàm nhân”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, những người biệt phái và mấy luật sĩ từ Giêrusalem tụ tập lại bên Chúa Giêsu, và họ thấy vài môn đệ Người dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch, nghĩa là không rửa trước. Vì theo đúng tập tục của tiền nhân, những người biệt phái và mọi người Do-thái không dùng bữa mà không rửa tay trước, và ở nơi công cộng về, họ không dùng bữa mà không tắm rửa trước. Họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa, như rửa chén, rửa bình, rửa các đồ đồng. Vậy những người biệt phái và luật sĩ hỏi Người: “Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch?” Người đáp: “Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng: ‘Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người’. Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người”.
        
Và Người lại gọi dân chúng mà bảo rằng: “Hết thảy hãy nghe và hiểu rõ lời Ta. Không có gì từ bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế. Chỉ có những gì từ con người xuất ra, chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế. Vì từ bên trong, từ tâm trí người ta xuất phát những tư tưởng xấu: ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng. Tất cả những sự xấu đó đều ở trong mà ra, và làm cho người ta ra ô uế”.
        
Ðó là lời Chúa.

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXII Thường Niên -Năm B
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
Giọng đọc: Thanh Tâm


 

 

ĐỪNG THÊM THẮT VÀ CŨNG ĐỪNG NHẬP NHẰNG
(Chúa Nhật XXII TN B) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Anh em đừng thêm gì vào lời tôi truyền cho anh em, cũng đừng bớt gì, nhưng phải giữ những mệnh lệnh của Đức Chúa Chúa” (Đnl 4,2). Trong Cựu Ước, người ta đếm được có những 248 điều truyền và 365 điều cấm, một pho luật xem ra khá đồ sộ nhưng đâu thấm gì so với các luật lệ của con người trong các xã hội dân sự hiện nay trên thế giới và với cả luật Giáo Hội Công Giáo (Bộ Giáo Luật chung năm 1983 của Giáo Hội Công Giáo gồm 1752 điều khoản). Thế mà đã có ngài tiến sĩ luật cảm thấy oải trước khối lề luật ấy, nên đã hỏi Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy trong sách luật Môsê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?”. Và Chúa Giêsu đã trả lời cách long trọng rằng: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy là: ngươi phải yêu mến người thân cận như chính mình ngươi. Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai giới răn ấy” (Mt 22,36-40).
        
Tất cả ba Tin Mừng Nhất Lãm đều tường thuật dữ kiện này và Tin Mừng Maccô và Luca lại thêm kết luận rằng người ta đã “tâm phục, khẩu phục” trước câu trả lời của Chúa Giêsu (x.Mt 22,34-40; Mc 12,28-34; Lc 10,25-28). Như thế, chắc hẳn đoàn dân Chúa xưa ít nhiều cũng nhận thức được điều này. Thế mà chước cám dỗ muốn thêm bớt vẫn có đó khiến cho Môsê đã cảnh báo dân, đúng hơn là cảnh báo những người lãnh đạo, vốn là những người thường có quyền ra lề luật. Ở đây, xin được đề cập đến chước cám dỗ thêm thắt luật lệ và nhập nhằng, kiểu đánh lận con đen trong việc thực thi lề luật.

        
1. Cám dỗ thêm thắt luật lệ
: Theo nhãn quan của thần học luân lý, xét về nguồn gốc của lề luật, thì có luật của Thiên Chúa (thiên luật), và luật của con người (nhân luật). Dù rằng luật của Thiên Chúa chỉ có hai luật chính là mến Chúa và yêu người, nhưng để triển khai và áp dụng hai lề luật ấy theo từng hoàn cảnh cụ thể, với những đối tượng cụ thể thì cần có những khoản luật thích ứng. Tuy nhiên, những người làm luật rất có thể bị cám dỗ thêm thắt nhiều khoản luật đi lệch trọng tâm và hướng nhắm của hai giới răn chính ở trên. Đã là luật của Thiên Chúa thì chỉ có mình Thiên Chúa mới có quyền ra luật. Khi chúng ta thêm thắt nhiều luật lệ đi lệch với ý Chúa hoặc sai trọng tâm mà gọi đó là luật của Thiên Chúa thì vô tình chúng ta tự đặt mình như Thiên Chúa. Các sứ ngôn đã từng nhiều lần nói thay Thiên Chúa rằng: Ta muốn lòng nhân từ chứ không muốn hy lễ; Ta chán ngấy mỡ dê bò các ngươi dâng tiến, hãy xé lòng chứ đừng xé áo các ngươi… (x.Mt 12,7; Ge 2,13).
        
2. Cám dỗ làm nhập nhằng kiểu đánh lận con đen
: Luật lệ của con người thì rất cần được bổ túc hoặc thêm bớt cho phù hợp với sự phát triển của xã hội. Một trong những mục đích của lề luật là nhằm phục vụ ích chung, gìn giữ sự công bằng và trật tự trong đời sống xã hội, đặc biệt bảo vệ kẻ cô thế, kém phận khỏi cảnh “cá lớn nuốt cá bé, mạnh được - yếu thua”. Xã hội càng phát triển thì các mối quan hệ giữa người với người, giữa cá nhân với tập thể, giữa tập thể với tập thể ngày càng phong phú và đa dạng, do đó cần có thêm nhiều luật lệ để gìn giữ các mối quan hệ ấy trong sự bình đẳng và hài hòa. Hình thái xã hội đã thay đổi thì các luật lệ cũng phải được đổi thay. Chính vì thế mà luật lệ không ngừng được chỉnh sửa, thậm chí phải thay đổi. Việc có thể đổi thay cho ta thấy luật con người mang tính bất cập và bất toàn. Nhiều chuyên gia về ngành Luật đã nói rằng một trong những tính chất của luật là “tính bất công”. Với lối nói “ngoa ngữ”, họ chỉ muốn nhấn mạnh đến sự bất cập của lề luật con người. Luật của con người không thể và không bao giờ có thể đáp ứng hết mọi tình huống, hoàn cảnh của con người và xã hội, do đó nhân luật không thể đem lại sự công bằng cho mọi người cách đúng nghĩa, cũng như áp dụng một cách đồng đều cho mọi người.
        
Khi hiểu được điều này, ắt hẳn chúng ta sẽ tránh được thái độ thượng tôn và tuyệt đối hóa lề luật mà trả nó về lại vị trí của nó là một trong những phương tiện để phục vụ con người chứ không phải con người có ra vì lề luật (x.Mc 2,27). Sự thường, lề luật được lập nên do những người đang nắm quyền lực trong các thể chế, tổ chức xã hội lẫn tôn giáo. Và người làm luật khó tránh được chước cám dỗ làm luật có lợi cho mình. Khi thượng tôn lề luật, biến lề luật do mình làm ra trở thành thiên ý thì vô tình hay hữu ý, lợi ích của người làm luật được bảo vệ và hợp pháp hóa, cho dù nhiều khi các lợi ích ấy là bất chính. Đây là trường hợp mà Chúa Giêsu đã cực lực phê phán khi nói rằng “các ông đã gạn lọc con muỗi để nuốt cả con lạc đà” (Mt 23,24). Đâu chỉ có việc rửa tiền của các tổ chức tội phạm mới là hợp pháp hóa điều bất chính, vẫn có đó nhiều người dùng một số tiền nhỏ để dâng cúng cho nhà Chúa hay để làm việc từ thiện hầu an tâm sử dụng số tiền kếch xù có được bằng cách thế gian dối, phi nghĩa. Vẫn có đó nhiều cá nhân và tập thể tìm cách ra một luật lệ nào đó, vốn dễ được xem là khách quan, để cho tài sản của mình được bảo vệ cách hợp pháp.

        
Trở lại với nguồn lề luật của Thiên Chúa. Là Kitô hữu, chúng ta tin nhận rằng luật Chúa thì bất biến và có tính bó buộc tuyệt đối. Tuy nhiên tính bó buộc tuyệt đối và bất biến này chủ yếu ở hai luật chính là tôn thờ, yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu thương tha nhân như chính mình. Tôn thờ và yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự nghĩa là nhìn nhận những gì mình đang là, đang có đều do bởi Thiên Chúa trao ban và mình chỉ có thể sống, tồn tại, phát triển trong hạnh phúc viên mãn khi gắn bó với Thiên Chúa và thực thi huấn lệnh của Người.

        
Cầu nguyện là một hình thức căn bản để bày tỏ sự gắn bó với Thiên Chúa, thờ phượng, thần phục Người. Anh em Hồi giáo đặt việc này lên hàng đầu. Kitô hữu Công giáo chúng ta còn nhấn mạnh đến việc tham dự Thánh lễ, đặc biệt trong ngày Chúa Nhật, vì đó là đỉnh cao của hành vi thờ phượng. Và để tỏ bày lòng mến yêu đối với Thiên Chúa, thì không gì hơn là thực thi giới luật của Người. Anh chị em yêu thương, sống đùm bọc lẫn nhau là cách thế tốt nhất để tỏ bày lòng thảo hiếu đối với mẹ cha. Tương tự như thế, khi chúng ta biết yêu thương nhau như Chúa Kitô dạy là chúng đang mến yêu Thiên Chúa (x.Ga 15,12).

        
Yêu thương cũng có nhiều đường, nhiều cách. Với kiểu, với cách nào đi nữa, khi sống yêu thương, phải đặt nền tảng trên đức công bình và đức ái. Xin được mượn lời của Đức Khổng Tử và lời của sách Tobia để giữ đức công bình: Đừng làm cho tha nhân những gì mình không muốn tha nhân làm cho mình (x.Tb 4,16). Và xin được nhắc lại lời của Chúa Giêsu để sống đức ái: Tất cả lề luật và lời ngôn sứ đều tóm ở điều này: Hãy làm cho tha nhân những gì mà anh em muốn tha nhân làm cho mình (x.Mt 7,12; Lc 6,31).

 

Tin Mừng Chúa nhật XXII Thường niên -B
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

CN22TNb a4


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô. (Mc 7, 1-8a. 14-15. 21-23)

Khi ấy, những người biệt phái và mấy luật sĩ từ Giêrusalem tụ tập lại bên Chúa Giêsu, và họ thấy vài môn đệ Người dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch, nghĩa là không rửa trước. Vì theo đúng tập tục của tiền nhân, những người biệt phái và mọi người Do-thái không dùng bữa mà không rửa tay trước, và ở nơi công cộng về, họ không dùng bữa mà không tắm rửa trước. Họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa, như rửa chén, rửa bình, rửa các đồ đồng. Vậy những người biệt phái và luật sĩ hỏi Người: “Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch?” Người đáp: “Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng: ‘Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người’. Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người”.

Và Người lại gọi dân chúng mà bảo rằng: “Hết thảy hãy nghe và hiểu rõ lời Ta. Không có gì từ bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế. Chỉ có những gì từ con người xuất ra, chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế. Vì từ bên trong, từ tâm trí người ta xuất phát những tư tưởng xấu: ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng. Tất cả những sự xấu đó đều ở trong mà ra, và làm cho người ta ra ô uế”.

 

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XXII Thường Niên - Năm B
Tác giả: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Giọng đọc: Nguyễn Trinh

 

 

Suy niệm

Trong một chuyến đi xa, người ta cần những thông tin về không gian và thời gian, cần những bảng chỉ dẫn cho tới điểm cuối của chuyến đi, tất cả giúp cho người bộ hành tự tin và không gặp những khó khăn trong hành trình, tránh những bất trắc khi trải nghiệm một chuyến đi. Trong hành trình đức tin của con người cũng vậy, cần có những thông tin chi tiết liên quan về điểm đến, cần có những hướng dẫn về lộ trình, chỉ mong sao giúp cho người tham gia hành trình không bị lạc đường, lạc lối. Tôn giáo với những lề luật, những quy định cũng không mong gì hơn ngoài những mục đích đó, là hướng dẫn người bộ hành đi tới điểm cuối an toàn, trên hành trình không bị lạc lối và hơn nữa, những thông tin liên quan về chuyến đi như là thời tiết, con người và cảnh vật, giúp người đi tự tin đến nơi mình muốn đến, gặp được người mình muốn gặp.

Trong hành trình trở về quê hương của dân Do-thái, vì là một dân đang dần hình thành, mọi sinh hoạt tôn giáo được chú tâm hơn nhưng vì lần đầu tiếp xúc, nên họ cần những chỉ dẫn cụ thể, vì thế, nhiều quy định, nhiều lề luật được đặt ra, chỉ với mục đích cho cộng đoàn phát triển và ý thức hơn về việc làm của mình, đó là một tâm tình tôn giáo. Ông Môisen đã vâng lệnh Thiên Chúa, giới thiệu những lề luật cần thiết giúp họ xây dựng một dân tộc chuyên lo việc tế tự, ngày một hoàn thiện hơn: “Môsê nói với dân chúng rằng: “Hỡi Israel, giờ đây hãy nghe các lề luật và huấn lệnh mà ta dạy bảo các ngươi phải thực hành, để được sống và được vào chiếm hữu phần đất mà Chúa là Thiên Chúa cha ông các ngươi sẽ ban cho các ngươi. Các ngươi chớ thêm bớt điều gì trong các điều ta đã truyền, nhưng hãy tuân giữ các giới răn của Chúa là Thiên Chúa các ngươi mà ta đã truyền dạy các ngươi”. Lề luật được Thiên Chúa truyền dạy chỉ vì con người và cho con người chứ con người không vì lề luật, thế nhưng, con người đã đặt lề luật không đúng chỗ và hiểu sai mục đích của nó, tất cả như đang làm lệch lạc tâm tình tôn giáo nơi cộng đoàn.

Suốt chiều dài của lịch sử dân tộc, dân riêng Thiên Chúa luôn sống dưới những cái nhìn lệch lạc về lề luật, mãi tới khi Đức Giêsu xuất hiện, lề luật vẫn được coi là cứu cánh, là điểm đến của con người. Con Thiên Chúa đã lên tiếng và uốn nắn lại những lệch lạc đó, đưa họ trở lại với quỹ đạo của tôn giáo, giúp họ hiểu đúng hơn về tôn giáo, hiểu đúng hơn mục đích của lề luật: “Khi ấy, những người biệt phái và mấy luật sĩ từ Giêrusalem tụ tập lại bên Chúa Giêsu, và họ thấy vài môn đệ Người dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch, nghĩa là không rửa trước. Vậy những người biệt phái và luật sĩ hỏi Người: “Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch?” Người đáp: “Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng: ‘Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người’. Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người”. Cách nào đó dân Do-thái đã ảnh hưởng ít nhiều từ các dân ngoại bang trong cách nhìn về tôn giáo, về lề luật, họ quên rằng Đấng chọn họ làm dân riêng, ban cho họ một nền phụng tự, đó là một vị thần, là Thiên Chúa quyền năng. Chính lệch lạc ít nhiều đó là dẫn đến ơn cứu độ chỉ dựa vào lề luật chứ không dựa vào niềm tin của bản thân.

Những bài giáo huấn của Đức Giêsu phần nào khởi đầu cho một cuộc thay đổi cách nhìn về lề luật, sau biến cố phục sinh của Đức Giêsu, các cộng đoàn Giáo hội sơ khai được thành lập, lề luật được khoác lên bộ áo mới, đó chỉ là những hướng dẫn cần thiết để con người có thể gặp gỡ Thiên Chúa, tạ ơn Ngài và trò chuyện với Ngài trong tương quan gần gũi. Đó là tâm tình thánh Giacôbê đã chia sẻ trong các lá thư mục vụ của ngài: “Anh em thân mến, mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo đều do tự trời, bởi Cha sáng láng ban xuống, nơi Người không có thay đổi và cũng không có bóng dáng sự thay đổi. Người đã muốn sinh ra chúng ta bằng lời chân thật, để chúng ta nên như của đầu mùa trong các tạo vật”. Lề luật không làm cho con người nên công chính, mọi ơn lành và phúc lộc hoàn hảo đến từ Thiên Chúa, sẽ giúp con người ngày càng thăng tiến trên con đường nhân đức và nên thánh.

Tôn giáo được ví như một con đường giúp con người tiếp cận, gặp gỡ và trò chuyện với các thần linh, đó là một khái niệm chung cho các tôn giáo. Đã gọi là tôn giáo ắt đấng sáng lập phải là thần thánh, có vậy tôn giáo mới được coi là con đường để hai bên gặp gỡ nhau. Tôn giáo của anh em Do-thái giáo vẫn đang loay hoay trong một kho tàng luật, đến nỗi các Luật sĩ chưa thể phân biệt được đâu là luật quan trọng nhất trong các luật, do đó, họ rất lúng túng trong đời sống tôn giáo. Tâm tình tôn giáo đó phát xuất từ niềm tin, từ trái tim, nơi đó sự cảm nghiệm sâu xa của mỗi người hình thành nên một đời sống tôn giáo, giúp họ gặp gỡ và trò chuyện với Đấng họ tin, đi xa hơn là giúp họ thay đổi con người và có những mối tương quan đem lại niềm vui và sự bình an nội tâm cho cuộc đời.

Sống trong một xã hội chuộng hình thức, phần nào tôn giáo cũng bị cuốn vào những khái niệm đó, cùng song hành là nỗi sợ của con người về sự cô đơn, vì thế, họ đến với Thiên Chúa bằng những công thức, bằng những lý thuyết và bằng những sự ồn ào của nghi lễ. Thiên Chúa cần nơi con người một tấm lòng chứ không mong những của lễ, Ngài đợi chờ sự khiêm tốn và lòng mến nơi mỗi người, thay vì nhận được những phút giây tĩnh lặng giữa Thiên Chúa và con người, Ngài luôn phải nhận chịu những nghi thức tôn giáo thật hoành tráng nhưng không có chiều sâu nội tâm, thay vì Thiên Chúa nhận được những lời cầu nguyện nhẹ nhàng, khiêm tốn, thì Ngài đã nhận được những lời đề nghị nên thực hiện điều này và không được thực hiện điều kia. Thiên Chúa không làm dịch vụ, không cung cấp mọi nhu cầu cuộc sống, Ngài chỉ muốn đến chia sẻ những khó khăn, những vất vả và những yếu đuối của con người.

Lạy Chúa, Chúa cúi xuống để gặp gỡ con người, trò chuyện và chia sẻ cuộc sống với con người, đồng thời mở cho con người một cánh cửa hy vọng, để họ được trò chuyện với Chúa, xin giúp chúng con biết đến với Chúa bằng một tấm lòng chân thành, nhỏ bé Chúa mong muốn, xin giúp chúng con biết mở trái tim để Chúa đi vào con người và cuộc đời chúng con, từ đó, Chúa chiếm đoạt chúng con và đưa chúng con đi vào gia đình của Chúa. Chúa thiết lập những luật lệ để giúp con người ngày càng thăng tiến trong đường nhân đức, không sa vào hố sâu tội lỗi, xin giúp chúng con luôn biết quan tâm tới phần rỗi con người hơn là giữ luật một cách máy móc trong đời sống tôn giáo, bởi Chúa đang mong được chữa lành những vết thương nơi tâm hồn của hết thảy mọi người. Amen.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây