TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật - Lễ Chúa Hiển Linh

“Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu?” (Mt 2,1-12)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật XXII Thường Niên – Năm C

21/08/2022 03:16:37 |   1026

Chúa Nhật XXII Thường Niên – Năm C
 

cn22TN C


Lc 14, 1.7-14

 

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XXII Thường Niên – Năm C

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, xin thương tôi, vì tôi ân cần kêu van Chúa suốt ngày; Lạy Chúa, vì Chúa nhân hậu, khoan dung và giàu lượng từ bi đối với những ai kêu cầu Chúa.

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Theo Đức Giêsu thì trong xử thế chúng ta cần khiêm tốn, khiêm tốn thực sự chứ không phải chỉ giả vờ, vì chẳng ai yêu thích kẻ kiêu căng, cao ngạo. Với Thiên Chúa thì chúng ta lại càng phải khiêm tốn hơn nữa, vì Thiên Chúa luôn “hạ kẻ kiêu ngạo xuống mà nâng kẻ khiêm nhường lên”. Nếu suy nghĩ kỹ một chút, chúng ta sẽ thấy rằng mình chẳng có gì để kiêu căng! Mọi sự chúng ta có, chúng ta đều nhận được từ Thiên Chúa, từ Hội Thánh và cả xã hội! Nên thái độ thích hợp nhất là thái độ khiêm cung và biết ơn. Muốn học sống khiêm nhường, chúng ta phải chạy đến với Đức Giêsu là Đấng tự hạ tự hủy hoàn toàn, tuy Người là Thiên Chúa, là Ngôi Lời Nhập Thể. Chính Người đã chẳng mời gọi chúng ta: “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” đó sao ? Vì thế, chúng ta hãy hạ mình xuống giục lòng thống hối ăn năn, khiêm nhường xin ơn tha thứ.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, mọi sự tốt lành đều bởi Chúa mà ra, xin cho chúng con thêm lòng tin yêu Chúa, để những gì tốt đẹp nơi chúng con ngày càng phát triển, và được Chúa chăm sóc giữ gìn. Chúng con cầu xin..

Bài Ðọc I: Hc 3, 19-21. 30-31

“Con hãy hạ mình, thì con sẽ được đẹp lòng Chúa”.

Trích sách Huấn Ca.

Hỡi con, con hãy thi hành công việc con cách hiền hoà, thì con sẽ được người đẹp lòng Chúa quý chuộng. Càng làm lớn, con càng phải hạ mình trong mọi sự, thì con sẽ được đẹp lòng Chúa; vì chỉ có một mình Thiên Chúa có quyền năng cao cả, và mọi kẻ khiêm nhường phải tôn vinh Chúa.

Tai hoạ dành cho kẻ kiêu căng thì vô phương cứu chữa, vì mầm mống tội lỗi đã ăn sâu vào lòng chúng mà chúng không biết. Người thông minh suy ngắm trong lòng lời dụ ngôn, chăm chỉ nghe là kỳ vọng của người khôn ngoan.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 67, 4-5ac. 6-7ab. 10-11

Ðáp: Ôi Thiên Chúa, do lòng nhân hậu, Chúa đã chuẩn bị chỗ định cư cho kẻ cơ bần (x. c. 11b).

Xướng: Những người hiền đức mừng rỡ hỉ hoan, trước nhan Thiên Chúa họ mừng vui sung sướng. Hãy hát mừng Thiên Chúa, hãy đàn ca danh Người, hãy sửa sang đường lối cho Ðấng ngự giá qua hoang địa. 

Xướng: Là Cha kẻ mồ côi, là Ðấng bênh vực người quả phụ, Thiên Chúa ngự trong thánh điện của Người. Thiên Chúa tạo nhà cửa cho những người bị bỏ rơi, dẫn đưa những người tù tội ra nơi thịnh đạt. 

Xướng: Ôi Thiên Chúa, Ngài làm mưa ân huệ xuống cho dân Ngài, và khi họ mệt mỏi, Ngài đã bổ dưỡng cho. Ôi Thiên Chúa, đoàn chiên Ngài định cư trong xứ sở, mà do lòng nhân hậu, Ngài chuẩn bị cho kẻ cơ bần. 

Bài Ðọc II: Dt 12, 18-19. 22-24a

“Anh em tiến đến núi Sion và thành trì của Thiên Chúa hằng sống”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, không phải anh em tiến tới một ngọn núi có thể sờ được, hay là lửa cháy, gió lốc, mây mù, bão táp hoặc tiếng kèn, và tiếng gầm thét, khiến cho người nghe xin tha đừng nói với họ lời nào nữa. Trái lại, anh em tiến đến núi Sion và thành trì của Thiên Chúa hằng sống, là Giêrusalem trên trời, tiến đến giữa muôn ngàn thiên thần, và cộng đoàn các trưởng tử đã được ghi sổ trên trời, và đến cùng Thiên Chúa, Ðấng phán xét mọi người, đến cùng các linh hồn những người công chính hoàn hảo, đến cùng Ðấng trung gian của giao ước mới là Ðức Giêsu.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: 1 Sm 3, 9

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 14, 1. 7-14

“Hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, nhằm một ngày Sabbat Chúa Giêsu vào nhà một thủ lãnh các người biệt phái để dùng bữa, và họ dò xét Người. Người nhận thấy cách những kẻ được mời, chọn chỗ nhất, nên nói với họ dụ ngôn này rằng:

“Khi có ai mời ngươi dự tiệc cưới, ngươi đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo có người trọng hơn ngươi cũng được mời dự tiệc với ngươi, và chủ tiệc đã mời ngươi và người ấy, đến nói với ngươi rằng: ‘Xin ông nhường chỗ cho người này’. Bấy giờ ngươi sẽ phải xấu hổ đi ngồi vào chỗ rốt hết. Nhưng khi ngươi được mời, hãy đi ngồi vào chỗ rốt hết, để khi người mời ngươi đến, nói với ngươi rằng: ‘Hỡi bạn, xin mời bạn lên trên’. Bấy giờ ngươi sẽ được danh dự trước mặt những người dự tiệc. Vì hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên”.

Rồi Người lại nói với kẻ đã mời Người rằng: “Khi ông dọn bữa ăn trưa hay tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, bà con hay láng giềng giàu có, kẻo đến lượt họ cũng mời ông, và như thế ông đã được trả lễ rồi. Nhưng khi làm tiệc, hãy mời những người nghèo khó tàn tật, què quặt, và đui mù; ông sẽ có phúc, bởi họ không có gì trả lễ. Vì ông sẽ được trả lễ khi những người công chính sống lại”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Hôm nay chúng ta sum họp trong thánh đường này, để nhớ lại những hồng ân Thiên Chúa đã thương ban trải dài suốt dòng lịch sử của Dân Tộc Việt Nam, chúng ta cùng dâng lời cảm tạ và những ước nguyện thiết tha:

1. “Con hãy thi hành công việc con cách hiền hòa” – Xin cho các vị lãnh đạo dân Chúa biết hội nhập với môi trường xã hội hiện tại, để cung cách sống và phương thức làm việc của các ngài, biểu lộ cho thế giới thấy hình ảnh của Đức Kitô bình dị và khiêm tốn.

2. “Anh em hãy tiến đến núi Sion là thành trì của Thiên Chúa” – Xin cho các tín hữu, đặc biệt những người giầu có sẵn sàng đóng góp cho công trình xây dựng của Hội Thánh, và quan tâm đến những thành phần nghèo khổ để quảng đại giúp đỡ họ.

3. “Người nhận thấy cách những kẻ được mời chọn chỗ nhất” – Xin cho các nhà lãnh đạo quốc gia biết nhìn nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa, và dùng quyền cai trị của mình mà làm cho dân nước được an cư lạc nghiệp.

4. “Khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàng tật, què quặt, đui mù” – Xin cho mọi gia đình trong giáo xứ chúng ta biết nhường cơm sẻ áo cho những người nghèo khó, bất hạnh hơn mình.

Chủ tế: Lạy Chúa, xin thương chấp nhận ước nguyện cộng đoàn chúng con vừa dâng lên. Xin cho chúng con ý thức thân phận mình chỉ là hư vô, những gì chúng con có là do tình thương Chúa ban, để chúng con dễ chấp nhận tha nhân với những ưu khuyết điểm. Nhờ đó, giáo xứ chúng con sẽ triển nở theo đúng ý Chúa. Chúng con cầu xin …

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cho của lễ này đem lại cho chúng con muôn vàn ơn phúc, để mầu nhiệm cứu độ chúng con cử hành trong thánh lễ thấm nhập và đổi mới cuộc đời chúng con. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, vĩ đại thay lòng nhân hậu Chúa, lòng nhân hậu Ngài dành để cho những ai kính sợ Ngài.

Hoặc đọc:

Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con đã được bồi dưỡng nơi bàn tiệc thiên quốc; xin cho Bí Tích này giúp chúng con thêm lòng yêu mến, và thúc đẩy chúng con hết lòng phục vụ Chúa trong anh em. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Cây cao dễ gãy

Sau một trận bão, người ta thường thây những câu cao bị đổ gãy, trái lại những cây nhỏ và thấp, thì vẫn đứng trơ trơ. Sau cuộc chính biến, những kẻ quyền cao chức trọng bị lật đổ, bị mất chức, bị tù tội còn những kẻ thấp cổ bé miệng thì trước sau vẫn vậy.

Tuy nhiên, trong bất kỳ xã hội, bất kỳ tổ chức nào cũng thế, người ta vẫn tranh nhau những chức vụ cao để hưởng nếu không phải là lợi lộc, thì ít ra cũng là danh vọng. Mâm cao cỗ đầy. Chức càng lớn thì bổng lộc càng nhiều, đi tới đâu cũng được trọng vọng. Ngày xưa thì võng cáng, lọng che còn ngày nay thì mô tô hộ tống, cảnh sát còi hụ dẹp đường, lính tráng dàn chào. Cái thói ham danh vọng này không tha cả những người lãnh đạo tôn giáo vì thế các chức sắc đạo Do Thái ngày xưa thích mặc áo thụng, may dài thẻ kinh tới đâu thì cũng chiếm hàng ghế đầu, còn ngồi ở bàn tiệc thì chọn chỗ nhất.

Vì thế Chúa Giêsu không ngần ngại lên tiếng chỉ trích họ, nhân dịp Ngài được mời dự tiệc trong nhà một ông biệt phái. Dĩ nhiên đa số khách mời đều là biệt phái cả. Họ không ưa gì Chúa Giêsu và hôm nay họ được dịp dò xét kỹ để bắt lỗi. Chẳng hạn họ để ý xem Người có rửa tay trước khi ăn hay không? Nhưng họ đâu ngờ rằng chính họ lại đang bị Chúa Giêsu dò xét, bởi vì Ngài thấy ông nào ông nấy cũng đều ham địa vị cao, thích ngồi vào chỗ danh dự nhất trong đam khách được mời.

Bài học của Ngài hôm nay là bài học khiêm nhường, có lẽ đã làm cho họ ăn mất ngon và hẳn nhiều ông đã mất mặt. Chúa Giêsu không chỉ nhận xét về khách dự tiệc mà còn thẳng thắn đưa ra một bài học khác cho chủ nhà, bởi vì ông này mở tiệc đãi khách, thực ra không hpải vì khách mà vì mình. Thực vậy, cái thói mời người có chức quyền, mời người giàu sang để khoe rằng mình quen biết lớn, giao thiệp rộng, rằng bè bạn của mình toàn là những ông to bà lớn. Cái thói này ở mọi nơi, mọi thời đều rất thịnh hành. Ông chủ nhà hôm nay cũng là một trong những kẻ thích khoe khoang. Ông ta mời Chúa Giêsu có lẽ chẳng phải vì mến phục, nhưng chỉ để khoe với bè bạn về tài giao thiệp của mình, bởi vì lúc bấy giờ Chúa Giêsu đã là một nhân vật nổi tiếng.

Thế nhưng được ăn thì cũng phải được nói, nhân dịp này Chúa Giêsu nhắc nhở ông đừng tốn của cho những kẻ vốn đã giàu sang, nhưng hãy nghĩ đến những người nghèo khó, những người đang cần được ăn để sống chứ không sống để ăn như những kẻ giàu sang quyền quý.

Lòng khiêm tốn và nhân hậu chính là nền tảng của đạo đức, nên Ngài mời gọi chúng ta hãy noi gương bắt chước Ngài. Thói thường, thì những kẻ làm lớn thì ăn trên ngồi trốc, thống trị mọi người. Còn Chúa Giêsu thì khác, Ngài không đến để được hầu hạ, nhưng đến để hầu hạ và hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người. Ngài đòi hỏi các môn đệ, những kẻ bước theo Ngài cũng phải sống như vậy. Thế nhưng lòng khiêm tốn phải đi đôi với tình bác ái, với tinh thần phục vụ. Ngài đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ để dạy các ông bài học phục vụ. Chúa Giêsu đã hạ mình xuống để phục vụ, để nâng đỡ gánh nặng của người khác, còn chúng ta thì sao?

CHÚA NHẬT 22C THƯỜNG NIÊN – 2001
(Lc. 14:7-14) - Lm Lã Mộng Thường

Bài Phúc Âm nêu lên những điểm đối nghịch với lòng ham muốn của mọi người chúng ta. Điểm thứ nhất, thường thìai trong chúng ta cũng cảm thấy mình là người quan trọng và muốn được mọi người để ý. Thế nên, giả sử tham dự những buổi tiệc tùng hoặc đám xá nào, chúng ta, bằng cách này hay cách khác, qua lời ăn tiếng nói hoặc thái độ, cử chỉ, đều tỏ ra mình thuộc giới không phải thứ thường. Hoặc nơi những trường hợp giao tế hay truyện vãn thường ngày, chúng ta bày đặt hay kiếm đủ mọi cơ hội tạo nhận định khinh chê về bất cứ ai hay sự việc nào với hy vọng được những người khác cho rằng mình cũng thuộc loại hiểu biết.

Tuy nhiên, nếu để ý suy nghĩ về thái độ này, chúng ta đều nhận ra mình đang vô tình quảng cáo không công cho người khác và những người nghe tất nhiên cũng nhận ra mình đang cố gắng đánh lừa họ. Như vậy, sự ham muốn được người khác coi mình là một thứ gì chỉ đem lại hậu quả tai hại đó là mình đã tự minh chứng mình là người không ra gì. Thực ra, đâu ai trong chúng ta chê người cùi là thứ hủi và cũng đâu ai trong chúng ta cần phải nói lên những lời khinh chê kẻ không ra gì. Suy như thế, khi nói lên những điều không nên không phải về bất cứ ai, chúng ta đã vô tình minh chứng người đó có cuộc sống hoặc thực hiện những công việc xứng đáng hơn mình. Lời Chúa khuyên chúng ta, “Vì hễ ai nhắc mình lên sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống sẽ được nhắc lên”. Tôi trộm nghĩ, có thể Lời Chúa đã bị dịch không đúng nghĩa vì có ai hạ mình đâu mà là chính mình tự hạ. Bởi thế, câu Phúc Âm có nghĩa, vì hễ ai nhắc mình lên tức là đang tự chà đạp chính mình. Những ai huênh hoang lên giọng thày đời đều là người dại vì chỉ người dại mới thích tỏ ra mình khôn ngoan. Người dại mới muốn chứng tỏ mình không dại do đó cố gắng kiếm tìm mọi phương diện và cơ hội để tỏ ra mình cũng là một thứ gì nơi cuộc đời. Riêng câu nói “Ai hạ mình xuống sẽ được nhắc lên”, chỉ có thể đúng nơi trường hợp tự nhận thức mà thôi.

Khi tự xét lương tâm với nhãn quan trung thực về chính mình, chúng ta đều nhận thấy đã bao lâu nay mình quá dại dột, vụng về. Biết bao công sức đã tan thành mây khói cũng chỉ vì những ý thích hoặc hy vọng mơ hồ, viễn vông; chẳng những thế, mình đang phải cay đắng trả giá cho những mơ ước ngày xưa. Nhận chân thực thể nội tâm như thế, chẳng cần phải hạ mình thì chúng ta cũng không bao giờ có can đảm khoe khoang những sự thất bại, lầm lỗi của mình, ngoại trừ người nào đã thông đạt và muốn giúp người khác tránh khỏi vết xe đổ mình vô tình đã dại dột vấp phạm.

Ngược lại với tâm tình nhận thức này, bất cứ ai cố ý hạ mình để được nhắc lên tất nhiên đã giả dối. Và như vậy, sự cố ý hạ mình chỉ là mưu toan hầu đạt được ý đồ thầm kín nào đó. Chúng ta thường được nhắc nhở qua lời Kinh Thánh, “Thiên Chúa tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài”. Đức Giêsu rao giảng Tin Mừng Nước Trời và đó là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Chẳng những thế Ngài còn nói cho chúng ta biết những ai tin vào Ngài sẽ làm được những công việc Ngài đã thực hiện. Hơn thế nữa, vì Thiên Chúa chính là quyền lực hiện hữu đang hoạt động nơi mỗi người, thế nên vị thế của mỗi người nơi tạo vật quả là quá ư cao trọng mà chúng ta đã không nhận biết. Bởi vậy, khiêm nhu hay khiêm nhường đều có nghĩa hãy là chính mình. Không có tạo vật nào trước nhan Chúa cao trọng hơn con người. Từ nhận thức này, chúng ta có thể suy luận, bất cứ thái độ nào hoặc tỏ ra thế nọ thế kia hoặc hạ mình xuống hay cất nhắc mình lên đều là giả dối, đều làm phương hại đến sự cao trọng nơi vị thế làm người của mình. Sự so sánh hơn kém về những vị thế nơi phương diện thế tục, quyền này chức kia, hoặc kẻ sang người hèn, kẻ giầu người nghèo, đều trở thành vô nghĩa khi chúng ta xuôi tay nhắm mắt. Cho dù chức tước cao vời đến đâu hoặc quyền hành hay tiền của tới mức độ nào thì đã vào đời với đôi bàn tay trắng, lúc ra đi ai cũng trở thành trắng tay để bị chôn vùi dưới vài lớp đất. Chắc chắn rằng không ai trong chúng ta thực hiện theo nghĩa đen của lời khuyên, “Nhưng khi làm tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, và đui mù” bởi họ không có gì trả lễ. Thử hỏi, giả sử có ai cố ý làm như thế thì sao những người tàn tật, què quặt và đui mù có thể tới mà tham dự tiệc được… Hơn nữa, dẫu họ tới được thì cũng không thể nào tham dự bàn tiệc nơi những bàn ghế kiểu cách được dành cho người bình thường… Và cho dẫu cố gắng biến bữa tiệc thành buổi phát chẩn thì cũng không ai có đủ tay chân để phục dịch các quan khách cần được chăm sóc một cách đặc biệt như thế. Suy luận như vậy, những người được gọi là nghèo khó, tàn tật, què quặt, và đui mù… nơi Phúc Âm chính là những ai có lòng khát khao tìm hiểu Tin Mừng Nước Trời mà chưa nhận biết. Được gọi là nghèo khó vì tâm trí của họ dồn hết nơi lòng khát vọng muốn biết Tin Mừng thay vì những hình thức cao trọng thế tục. Họ được gọi tàn tật, què quặt, và đui mù vì đã bị những lý thuyết, những kiến thức thế tục chất chứa dày đặc bịt kín cửa ngõ tâm linh, che mờ hành trình đức tin, hành trình nhận biết Tin Mừng Nước Trời.

Suy như thế, chúng ta hiểu được tại sao Phúc Âm viết, “Khốn cho các ngươi biệt phái và ký lục, các ngươi cất đi chìa khóa mở đàng hiểu biết. Các ngươi không vào đã rồi mà những kẻ muốn vào các ngươi lại ngăn cản”. Dụ ngôn về thái độ những người tham dự tiệc cưới thích chọn những vị thế cao trọng ám chỉ về ước muốn thế tục nơi mỗi người chúng ta. Lẽ thường, là con người, ai cũng muốn chẳng những có cuộc sống vươn lên mà còn muốn trở thành cao trọng… Ngược lại, chúng ta đã không nhận ra vị thế cao trọng của mình trước mặt Chúa.

Bài Phúc Âm khuyên chúng ta nên để tâm suy nghiệm về sự cao trọng nơi mình. Chúng ta không cần phải trở nên gì vì không có gì nơi thế trần này cao trọng hơn chúng ta. Chúng ta mang hình ảnh của Chúa; chúng ta là đền thờ của Thánh Thần; chúng ta là thân thể của Chúa Kitô; chúng ta chính là sự biểu hiện của Thiên Chúa nơi thế giới hữu hình. Thiên Chúa ngự trị và hoạt động nơi mỗi người. Thiên Chúa là quyền lực hiện hữu nơi mỗi người. Chúng ta không nên tự chà đạp thân phận mình bằng cách theo đuổi ham muốn cao vọng thế tục. Chính thái độ, ước muốn theo đuổi tham vọng thế tục đã biến chúng ta thành những người tàn tật, què quặt, và đui mù và chúng ta đã không nhận biết. Xin quý ông bà, anh chị em để tâm suy nghiệm Tin Mừng Nước Trời, và đó là, “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Amen.

 HIỆP SỐNG TIN MỪNG
CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN C

Hc 3, 19-21.30-31; Dt 12, 18-19.22-24a; Lc 14, 1.7-14

LM ĐAN VINH - HHTM

KHIÊM TỐN PHỤC VỤ TRONG CÁCH ĐỐI NHÂN XỬ THẾ

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Lc 14,1.7-14

(1) Một ngày Sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa: Họ cố dò xét Người. (7) Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này: (8) “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, (9) và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: “Xin ông nhường chỗ cho vị này”. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. (10) Trái lại, khi anh được mời thì hãy ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: “Xin mời ông bạn lên trên cho”. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn. (11) Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; Còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”. (12) Rồi Đức Giê-su nói với kẻ đã mời Người rằng: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng kêu bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. (13) Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. (14) Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: Vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại”.

2. Ý CHÍNH:

Qua bài Tin mừng hôm nay, Đức Giê-su đã dạy các người Pha-ri-sêu và cũng dạy các môn đệ hai bài học đối nhân xử thế: Một là khi được mời dự tiệc phải biết hành xử khiêm tốn bằng cách tránh tranh giành chỗ ngồi hơn kém. Hai là người chủ tiệc phải tránh phân biệt giàu nghèo để mời cả những người nghèo khó, tàn tật... đến dự. Đây là điều kiện để xứng đáng được mời dự bàn tiệc Nước Trời đời sau.

3. CHÚ THÍCH:

- C 1: + Đức Giê-su đến nhà một thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu: Tin mừng Lu-ca cho thấy người đứng đầu nhóm Pha-ri-sêu ở đây có thiện cảm với Đức Giê-su, nên đã mời Người đến nhà mình dùng bữa (x Lc 11,37), + Dùng bữa: Tin mừng ghi lại nhiều sinh hoạt của Đức Giê-su liên quan đến việc dùng bữa: Dự tiệc cưới tại Cana (x. Ga 2,2), dự tiệc do người Pha-ri-sêu khoản đãi (x. Lc 14,1), ăn bữa cơm gia đình ở làng Bê-ta-ni-a (x. Lc 10,38-42), đồng bàn với những người thu thuế tội lỗi (x. Mt 9,10), hai lần nhân bánh ra nhiều để nuôi đám đông dân chúng (x. Mt 14,19-21; 15,36-38), dùng bữa Tiệc Ly với các môn đệ trước cuộc khổ nạn (x. Lc 22,14-20). Ngoài ra, sau khi phục sinh, Chúa Giê-su cũng dùng bữa tối với hai môn đệ tại làng Em-mau (x. Lc 24,30), Người ăn cá nướng trước mặt các môn đệ (x. Lc 24,41-43), và cùng ăn bữa sáng với các ông tại bờ hồ Ga-li-lê (x. Ga 21,9-13).). + Họ cố dò xét Người: Ở đây những người Pha-ri-sêu dò xét không phải để bắt lỗi, nhưng chỉ để tìm hiểu về Đức Giê-su.

- C 7-9: + Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi: Đây là thái độ biểu lộ thói kiêu ngạo của người Pha-ri-sêu khi luôn tìm kiếm hư danh trước mặt người khác. + Khi anh em được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất...: Đức Giê-su dạy bài học khôn ngoan và phép xã giao khi tham dự tiệc cho người Pha-ri-sêu và các môn đệ.

- C 10-11: + Thì hãy ngồi vào chỗ cuối, để người đã mời anh phải đến nói: “Xin mời ông bạn lên trên cho”...: Điều kiện để được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa là phải trở nên như trẻ nhỏ (x. Mt 18,3-4). Cần ý thức thân phận tội lỗi bất xứng của mình, coi mình chỉ là đầy tớ vô dụng (x. Lc 17,10), để không cậy vào sức riêng khi làm các công việc siêu nhiên, nhưng biết cậy trông vào ơn Chúa giúp (x. Ga 15,5). + Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống...: Tội nặng nhất chính là tội kiêu ngạo và ngược lại, nhân đức lớn nhất là đức khiêm nhường như lời ca ngợi Thiên Chúa của Đức Ma-ri-a: Chúa hạ bệ những ai quyền thế và nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1,52). Thánh Phao-lô cũng đề cao sự khiêm hạ của Đức Giê-su trong thư gửi tín hữu Phi-lip-phê (x Pl 2,6-11). Chính Người đã hạ mình rửa chân cho môn đồ trước khi dạy các ông bài học hãy yêu thương nhau (x Ga 13,14).

- C 12-14: + Đức Giê-su nói với kẻ đã mời Người rằng: Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng kêu bạn bè...: Lời dạy của Đức Giê-su trái với lối ứng xử của người đời. Những hạng người được Đức Giê-su đề cập tới ở đây đều là những người nghèo: Nghèo tiền bạc (so sánh với Tin Mừng Mát-thêu nhấn mạnh đến sự nghèo khó trong tâm hồn), bé mọn (x. Lc 10,21), khiêm hạ (x. Lc 18,14). Chính Đức Giê-su cũng được sinh ra như một người nghèo. Qua câu này Người kêu gọi mọi người hãy đối xử tốt với những ai lâm cảnh khốn cùng, làm ơn cho những người không có khả năng báo đáp. Đó là điều kiện vào Nước Trời.

4. CÂU HỎI:

1) Hãy kể ra những lần Đức Giê-su dùng bữa được ghi trong Tin mừng? 2) Khi dạy người dự tiệc chọn ngồi chỗ cuối để được chủ nhà mời lên cỗ trên. Phải chăng đó cũng là một hành động kiêu ngạo? 3) Đức Giê-su đã dạy thế nào về giá trị của đức khiêm nhường? 4) Thánh Phao-lô dạy về gương khiêm nhường tự hạ của Đức Giê-su ra sao trong thư thứ hai gửi giáo đoàn Phi-líp-phê? 5) Tội nặng nhất khiến Lu-xi-phe và các thần dữ phải sa hỏa ngục và ông bà nguyên tổ A-đam E-và bị đuổi ra khỏi địa đàng là tội gì? 6) Đức Giê-su đã dùng phương thế nào để ban ơn cứu độ, giải thóat lòai người khỏi chết và chiến thắng các cơn cám dỗ của ma quỷ?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 14,11).

2. CÂU CHUYỆN:

1) KHIÊM TỐN LÀ PHƯƠNG CÁCH GÂY THIỆN CẢM HỮU HIỆU:

Sách Trang Tử có thuật lại câu chuyện như sau: Dương Chu sang nước Tống vào một trọ nhà kia. Chủ nhà có hai nàng hầu, một đẹp, một xấu. Để ý quan sát, Dương Chu thấy trong nhà ai cũng quý trọng nàng hầu xấu mà khinh rẻ nàng hầu đẹp. Lấy làm lạ, Dương Chu hỏi thằng bé trong nhà. Chú bé nói: Người thiếp đẹp tự cho mình là đẹp nên mất đẹp. Chẳng ai nhìn thấy cái đẹp của nàng nữa. Còn người thiếp xấu tự biết mình xấu mà quên cái xấu. Không còn ai nhìn thấy cái xấu của nàng nữa. Dương Chu liền gọi học trò đến dặn: Các con nhớ ghi lấy: Giỏi mà bỏ được cái thói tự cho mình là giỏi, thì đi đâu mà chẳng được người ta yêu quý tôn trọng.

2) CÂU CHUYỆN HẠ MÌNH CỦA HAI CON DÊ NÚI:

Một câu chuyện ngụ ngôn kể rằng: trên con đường nhỏ hẹp sát bên sườn núi, một bên là vách núi cao cheo leo, bên kia lại là vực sâu thăm thẳm, có hai con dê núi đi ngược chiều nhau. Vì con đường quá nhỏ hẹp, chỉ đủ cho một con đi qua, nên hai con dê đứng đối đầu nhau không biết làm gì để tiếp tục đi. Nếu chen lấn, chúng chắc sẽ bị rơi xuống vực thẳm bên cạnh tan xương nát thịt. Sau cùng chúng đã nghĩ ra một cách hoàn hảo: một con dê đã chịu qùy mọp xuống đất để con kia bước qua thân mình. Thế là sau đó cả hai lại có thể tiếp tục đi theo con đường của mình.

3) MỘT NGƯỜI HUẤN LUYỆN CÁ HEO KHIÊM TỐN:

Cách đây ít lâu, tại bang Phờ-lo-ri-đơ (Florida) Hoa Kỳ, tờ Thời báo Xanh Pi--bớc (St Petersburg Times) có đăng một câu chuyện thú vị về ĐÔNG SU-LƠ (Don Shula), huấn luuyện viên của đoàn cá heo ở Mai-ơ-mi (Miami). Ông đang cùng vợ con nghỉ hè tại một thị trấn nhỏ ở miền Bắc tiểu bang Mai-ơ-mi. Vào một buổi chiều nọ, vì trời mưa nên Su-lơ cùng vợ và 5 đứa con quyết định đi xem một xuất phim đang chiếu tại rạp hát chính của thị trấn. Khi họ đến nơi thì bị trễ mất 10 phút. Thế nhưng họ thấy đèn trong rạp vẫn còn sáng, báo hiệu phim chưa bắt đầu. Khi Su-lơ và gia đình bước vào trong rạp thì tất cả 6 người đang ngồi ở băng ghế đầu liền hân hoan đứng dậy hướng về phía họ và vỗ tay hoan hô. Su-lơ vừa vẫy tay chào lại vừa mỉm cười đáp lễ. Sau khi đã ngồi vào chỗ, Su-lơ quay sang nói với bà vợ: “Chúng ta từ Mai-ơ-mi cách xa cả ngàn dặm đến đây, thế mà người ta vẫn nhận ra anh và đón tiếp anh thật nồng nhiệt! Chắc hẳn là đám cá heo trình diễn trên truyền hình đã lan đến tận nơi ngõ ngách này!” Ngay lúc đó, một người đàn ông tiến lại bắt tay và Su-lơ đã vui vẻ hỏi ông ta: “Làm sao ông bạn biết tôi sắp đến đây xem phim để chào đón tôi như vậy?” Ông ta trả lời: “Thưa ông, tôi chẳng biết ông là ai cả. Chẳng qua là ngay trước khi gia đình ông bước vào rạp hát, viên quản lý rạp có nói với chúng tôi rằng: “Trong vòng 15 phút nữa, nếu không có thêm 4 khán giả nữa vào rạp thì ông ta sẽ buộc phải trả lại tiền vé và hủy bỏ xuất chiếu này”. Vì thế khi thấy gia đình ông đến vừa đủ 4 người theo yêu cầu của quản lý rạp, nên chúng tôi rất vui và bây giờ tôi đến cám ơn gia đình ông đã đến kịp thời, giúp chúng tôi khỏi phải về không”.

Câu chuyện trên làm sáng tỏ giáo huấn của Đức Giê-su trong Tin mừng hôm nay: Người đòi các tín hữu chúng ta phải khiêm tốn noi gương Người. Đông Su-lơ đã thể hiện sự khiêm tốn ấy: Là một huấn luyện viên cá heo tài giỏi, nên cũng thật tự nhiên khi Su-lơ nghĩ rằng những người trong rạp hát đã nhận ra ông là ai. Đến khi người đến bắt tay cho biết mình chẳng hề biết ông thì Su-lơ lại là người đầu tiên tự chế giễu mình. Ông rất vui khi phát hiện ra điều này, nên đã kể chuyện đó trên báo chí cho nhiều người biết về thói háo danh của mình, điều mà bình thường lẽ ra ông đã phải giấu kín. Chỉ người thực sự khiêm tốn mới làm được như Su-lơ là công khai nói ra sự thật không mấy tốt đẹp của mình!

4) KHIÊM NHƯỜNG NOI GƯƠNG MẸ TÊ-RÊ-XA CAN-QUÝT-TA:

Trên thế giới hôm nay có một bà lão 87 tuổi, qua đời 05/09/1997, chẳng có chức vị gì trong xã hội, thế mà lại nhận được nhiều giải thưởng cao quý nhất thế giới, như giải No-bel Hòa Bình. Bà còn được các Tổng thống, Chủ tịch nước lớn nhất thế giới mời bà đến viếng thăm, như Tổng bí thư Gooc-ba-chop Liên Xô, tổng thống Mỹ Re-gan, thủ tướng Trung Quốc, Ấn Độ,… Đó là mẹ Tê-rê-xa Can-quýt-ta: Một nữ tu đã tình nguyện hầu hạ những người cùng khổ, bệnh tật, nằm nửa sống nửa chết ở các hè phố tại thành Can-quýt-ta nước Ấn Độ.

5) CUỘC BIẾN DẠNG KỲ LẠ SAU BẢY NĂM SỐNG PHÓNG ĐÃNG:

Họa sỹ kiêm điêu khắc gia thiên tài LE-O-NAR-DO DA VIN-CI đã vẽ bức tranh nổi tiếng Bữa Tiệc Ly trong vòng 7 năm. Đó là bức tranh vẽ Đức Giê-su và 12 Tông đồ đang dùng bữa ăn cuối cùng trước khi cuộc tử nạn. Cuộc đi tìm khuôn mặt làm người mẫu rất khó khăn: Giữa hàng ngàn thanh niên, họa sĩ mới chọn được một người có gương mặt thánh thiện và thanh khiết để vẽ khuôn mặt Đức Giê-su.

Sáu năm tiếp theo ông mới vẽ xong 11 Tông đồ, chỉ còn người môn đồ phản Thầy Giu-đa là chưa vẽ. Họa sỹ đã bỏ ra nhiều công sức để tìm kiếm một người đàn ông có khuôn mặt cực kỳ gian ác để làm mẫu vẽ mặt Giu-đa. Cuối cùng ông đã tìm được tên tử tội ở Rô-ma có khuôn mặt thích hợp của kẻ phản bội. Người tử tù này đã từng giết người và cướp của. Được phép của Hoàng đế, tên tử tội được đưa tới Mi-lan nơi bức tranh đang vẽ dở. Khi nét vẽ cuối cùng được hoàn thành, Le-o-nar-do bảo người lính gác mang người tử tù đi, nhưng bỗng nhiên hắn ta vùng vẫy và quỳ xuống bên người họa sĩ khóc nức nở: “Ôi, ngài Da Vin-ci, ngài không nhận ra tôi sao? Tôi chính là người mà 7 năm trước ngài đã chọn làm người mẫu để vẽ khuôn mặt của Đức Giê-su!”.

Quả thật, chỉ có 7 năm thôi mà cuộc sống trác táng tội lỗi đã làm biến dạng một người có khuôn mặt thánh thiện của Chúa Giê-su trở thành người mang gương mặt xấu xa của tên phản bội Giu-đa! Đó là sự biến đổi lạ kỳ trong quá trình hình thành bức tranh “Bữa Tiệc Ly” nổi tiếng. 

Nhưng cũng trong bữa tiệc ly này còn có một sự đảo ngược kỳ lạ hơn thế nữa: Đức Giê-su, vốn là Thầy là Chúa nhưng đã tình nguyện làm công việc của người tôi tớ phục vụ, khi Người quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. Đó chính là bài học khiêm hạ mà Đức Giê-su muốn dạy cho mọi tín hữu chúng ta hôm nay.

3. SUY NIỆM:

Sau một trận bão, người ta thường thấy những cây cao bị đổ gãy, đang khi những cây nhỏ và thấp thì vẫn đứng trơ trơ. Sau cuộc chính biến, những kẻ quyền cao chức trọng bị mất chức, tù tội… đang khi những kẻ thấp cổ bé miệng thì trước hay sau cuộc đảo chính cũng vẫn sinh hoạt bình thường. Thực trạng đó phần nào diễn tả về giá trị của sự khiêm hạ được Đức Giê-su dạy các người biệt phái trong Tin Mừng hôm nay như sau: Một là nếu họ là khách được mời thì cần khiêm tốn ngồi vào chỗ xứng hợp với mình, tránh cảnh “trèo cao té đau!”. Hai là nếu họ là chủ nhà thì phải quan tâm mời cả những người nghèo khó bệnh tật đến dự tiệc nữa.

Cũng vậy, bàn tiệc Nước Thiên Chúa chỉ dành cho những ai có lòng khiêm hạ và tinh thần nghèo khó (x. Lc 14,21). Vậy khiêm hạ là gì? Phải chăng khiêm hạ là phủ nhận giá trị thực sự của mình? Ta phải làm gì để học gương khiêm hạ của Đức Giê-su?

1) Khiêm hạ là gì ? Đức Giê-su nêu gương và dạy sống khiêm hạ ra sao?

- Tin mừng hôm nay đã thuật lại câu chuyện: Khi được viên thủ lãnh các người biệt phái mời đến nhà dự tiệc, Đức Giê-su thấy một số khách thuộc nhóm biệt phái tranh nhau ngồi chỗ nhất trong bàn tiệc. Người đã dạy như sau: “Khi được mời dự tiệc cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có ai quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh: “Xin nhường chỗ cho vị này”. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ xuống ngồi chỗ cuối” (Lc 14, 8-9).

- Các tín hữu cũng cần học sống theo gương mẫu và lời dạy của Đức Giê-su về sự khiêm hạ như sau: ”Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11, 29-30). Thánh Phao-lô cũng dạy: Đức Giê-su vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người còn vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập giá» (Pl 2, 6-8). Tuy là Thầy là Chúa, nhưng Người đã nêu gương khiêm hạ rửa chân cho các môn đệ trong bữa tiệc ly và sau đó đã dạy các ông bài học khiêm hạ là hãy rửa chân phục vụ nhau (x Ga 13, 14-15).

2) Thiên Chúa yêu thương kẻ khiêm nhường và ghét kẻ kiêu ngạo:

Đức Giê-su đã ca tụng Chúa Cha “Vì đã mặc khải Nước Trời cho những kẻ bé mọn…” (x Mt 11, 25). Những kẻ bé mọn ở đây là những người khiêm nhường tự hạ. Đức Giê-su đã yêu thương những kẻ khiêm nhường và quở trách bọn người tự cao giả hình: ”Khốn cho các ngươi, hỡi các luật sĩ và biệt phái giả hình! Các ngươi giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế. Các ngươi cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong là giả hình và gian ác” (Mt 23, 27-28).

3) Phân biệt giữa khiêm nhường thật với khiêm nhường giả:

Tác giả sách Đường Hy Vọng đã viết: “Khi con tự hạ mình, chưa hẳn con khiêm nhượng. Khi người ta hạ con, chưa hẳn con khiêm nhượng. Khi người ta hạ con, mà con vui lòng chấp nhận vì Chúa, lúc ấy con mới khiêm nhượng thật.” (ĐHV số 509).

- Khiêm nhường hay khiêm tốn không phải là giả vờ tự hạ cho người khác tôn lên.

Khiêm tốn cũng không phải là thái độ tự ti mặc cảm, tự khinh bản thân hay trốn tránh trách nhiệm… Nhưng là ý thức khả năng và ưu điểm của mình do Chúa ban, rồi quy mọi vinh quang về cho Thiên Chúa, noi gương Đức Ma-ri-a khi được bà Ê-li-sa-bét khen có phúc, Mẹ đã dâng lời ca ngợi Chúa như sau: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa... Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới. Từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. Vì Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, Danh Người thật chí thánh chí tôn!” (Lc 1, 48-49).

- Người khiêm tốn thực sự không sợ chức vụ cao hay sợ ngồi vào ghế nhất, nhưng đối với họ: chiếc ghế không phải là mục tiêu phải đạt được, mà chỉ là phương tiện để phục vụ tha nhân hữu hiệu hơn. Họ luôn cư xử nhẹ nhàng, hòa nhã và tinh tế với mọi người, luôn đặt lợi ích và quyền lợi của người khác trên bản thân. Biết giới hạn của mình và chỉ thực hiện những gì trong tầm tay và khả năng. Họ không đứng chỉ tay năm ngón nhưng sẵn sàng sắn tay áo lên để làm việc chung với mọi người.

- Người khiêm tốn sẽ luôn ý thức về thân phận yếu đuối thiếu sót của mình nên sẽ có thái độ bình tĩnh khi nghe người khác phê bình, rồi sẵn sàng nhận lỗi khắc phục các sai sót. Họ không tự tìm vinh danh cho mình, nhưng luôn cố gắng chu toàn bổn phận rồi phó thác thành bại cho Chúa quan phòng. Luôn ý thức chức vụ và quyền hành là để phục vụ, vì thế họ sẵn sàng rút lui khi sức khỏe và khả năng suy giảm không còn có thể tiếp tục phục vụ cách hữu hiệu.

4) Ta phải làm gì để tập sống khiêm hạ noi gương Đức Giê-su?

- Phải tránh thói kiêu ngạo:

Tránh thói tự ái cao: Không dễ nổi nóng khi nghe người khác phê bình hay kể tội mình. Tránh to tiếng xúc phạm người khác.

Tránh “nổ” khi khoe khoang thành tích để đề cao mình, và chứng tỏ sự trổi vượt của mình hơn người khác.

Tránh thói “sĩ diện hão” khi cố làm ra vẻ cao quý hơn những gì đang có, vì không muốn thua kém ai. Chẳng hạn: Dù không có năng lực nhưng lại tìm mua bằng cấp và lo chạy chọt để được cấp bằng khen về các thành tích không có thực của mình.

Tránh thói “thích chơi sang” khi tiêu xài vung vít gây lãng phí của chung… Tránh thái độ ganh ghét đố kỵ những kẻ mình không ưa hay có sự nổi trội hơn mình, bằng việc nói xấu họ nhằm hạ uy tín của họ.

Tránh thái độ độc đoán háo thắng: Do cao ngạo nên không muốn nghe những góp ý của thuộc cấp, vì thế công việc họ phụ trách khó có thể phát triển tốt đẹp.

- Phải tập sống khiêm hạ như sau:

Cần nhìn nhận sự thật, nhận biết cả ưu lẫn khuyến điểm của mình. Trong việc tông đồ cần nhận ra sự bất toàn của mình để xin ơn Chúa trợ giúp, như Đức Giê-su đã dạy môn đệ: ”Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được!” (Ga 15, 5b).

Tập nhận ra các ưu điểm của người khác và thành thật khen ngợi để động viên họ.

Tập chọn phần thua thiệt: quyền lợi ít hơn và trách nhiệm nhiều hơn tha nhân.

Tập đi bước trước đến với tha nhân hơn chờ họ phải đến với mình.

Tập nói năng bình tĩnh vừa đủ nghe khi sửa dạy con cái hay thuộc cấp.

Tập làm những việc nhỏ bé tầm thường ít người muốn làm.

Tập làm những việc bác ái trong âm thầm không nhằm tìm tiếng khen.

Tập nhận các thành công là do ơn Chúa và là kết quả của chung tập thể. Khi gặp thất bại nhận do sự thiếu sót của mình tránh đổ lỗi cho hoàn cảnh hay tha nhân.

Như vậy, khiêm nhường là noi theo gương mẫu và lời dạy của Đức Giê-su như Người đã nói: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11, 29).

Ngoài ra khiêm nhường còn là sẵn sàng rửa chân phục vụ tha nhân trong yêu thương (x. Ga 13, 4.14), nhất là hiến thân phục vụ những kẻ nghèo khổ bệnh tật và bị bỏ rơi, noi gương Đức Giê-su, Đấng “đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người" (Mc 10, 35-45).

4. THẢO LUẬN: Ta nên phản ứng thế nào khi nghe người khác phê bình mình, để trở nên người khiêm tốn noi gương Đức Giê-su?

5. LỜI CẦU:

Lạy Chúa Giê-su. Xin cho con biết Chúa và xin cho con biết con. Xin cho con luôn biết quên mình để yêu mến Chúa và làm mọi việc vì danh Chúa.

Xin cho con biết khiêm tốn tự hạ, luôn biết ca tụng chỉ phụng sự một mình Chúa.

Ước gì con biết hãm mình đền tội và sống kết hiệp mật thiết với Chúa.

Ước gì con biết đón nhận tất cả những gì xảy đến cho con và theo Chúa đến cùng.

Xin đừng để điều gì lôi cuốn con xa lìa Chúa. Xin hãy gọi con, để con được nghe Lời Chúa sau này được về trời hưởng nhan thánh Chúa. - Amen. (Theo th. Âu-Tinh).

Chúa Nhật tuần lễ thứ 22 thường niên C
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 14, 1. 7-14).

Khi ấy, nhằm một ngày Sabbat Chúa Giêsu vào nhà một thủ lãnh các người biệt phái để dùng bữa, và họ dò xét Người. Người nhận thấy cách những kẻ được mời, chọn chỗ nhất, nên nói với họ dụ ngôn này rằng:
“Khi có ai mời ngươi dự tiệc cưới, ngươi đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo có người trọng hơn ngươi cũng được mời dự tiệc với ngươi, và chủ tiệc đã mời ngươi và người ấy, đến nói với ngươi rằng: ‘Xin ông nhường chỗ cho người này’. Bấy giờ ngươi sẽ phải xấu hổ đi ngồi vào chỗ rốt hết. Nhưng khi ngươi được mời, hãy đi ngồi vào chỗ rốt hết, để khi người mời ngươi đến, nói với ngươi rằng: ‘Hỡi bạn, xin mời bạn lên trên’. Bấy giờ ngươi sẽ được danh dự trước mặt những người dự tiệc. Vì hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên”.
Rồi Người lại nói với kẻ đã mời Người rằng: “Khi ông dọn bữa ăn trưa hay tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, bà con hay láng giềng giàu có, kẻo đến lượt họ cũng mời ông, và như thế ông đã được trả lễ rồi. Nhưng khi làm tiệc, hãy mời những người nghèo khó tàn tật, què quặt, và đui mù; ông sẽ có phúc, bởi họ không có gì trả lễ. Vì ông sẽ được trả lễ khi những người công chính sống lại”.

Suy niệm

Sinh ra trong đời, con người được chiêm ngưỡng công trình của Tạo Hóa thật tuyệt vời. Từ bầu không khí trong lành mỗi ban mai, cho đến những tia nắng sớm ấm áp sưởi ấm cho vũ trụ và nhân loại. Chiêm ngắm công trình đó, con người mới thấy mình quá hạnh phúc, quá sung sướng. Cùng với niềm hạnh phúc lớn lao đó, con người còn được Tạo Hóa trao cho công việc quản lý công trình và chăm sóc, để ngày càng hoàn thiện hơn. Con người là chi mà Thiên Chúa phải lưu tâm như vậy? Quả thực, con người chỉ là một tạo vật, mà Thiên Chúa đã yêu thương, chăm sóc, trao cho những công việc thật ý nghĩa. Đáp lại ân tình đó, con người hãy làm tròn bổn phận và trách vụ lớn lao đó bằng nỗ lực và cố gắng của bản thân trong từng ngày. Phụng vụ Lời Chúa tuần lễ thứ 22 thường niên nhắc nhở con người hãy khiêm tốn đủ trong trách vụ của một người con, của một tạo vật, để sống và làm việc hiệu quả và có ý nghĩa hơn.

Trở lại với sách Huấn Ca trong bài đọc 1, chúng ta được nghe các bậc tiền nhân đã sống với Thiên Chúa thật khiêm tốn, chính thái độ sống nhẹ nhàng đó, đã đưa các ngài tiến lại gần với Thiên Chúa hơn, và hôm nay, các ngài đã nhắc nhở con cháu hãy biết lắng nghe, biết sửa đổi nhận thức và cuộc sống, họ sẽ được Thiên Chúa yêu thương, chăm sóc và bảo vệ mỗi ngày: “Hỡi con, con hãy thi hành công việc con cách hiền hòa, thì con sẽ được người đẹp lòng Chúa quý chuộng. Càng làm lớn, con càng phải hạ mình trong mọi sự, thì con sẽ được đẹp lòng Chúa; vì chỉ có một mình Thiên Chúa có quyền năng cao cả, và mọi kẻ khiêm nhường phải tôn vinh Chúa”. Không có cách thế nào làm đẹp lòng Thiên Chúa cho bằng thực thi công việc trong sự khiêm nhường, hiền hòa, đó cũng là tâm tình tôn vinh Thiên Chúa qua cuộc sống của những người con luôn yêu mến Đấng đã cho mình hiện hữu và làm con của Ngài.

Đọc lại lá thư gởi cộng đoàn Do-thái, những bài học làm người, những tâm tình rất nhân văn được gợi nhắc, để tất cả những ai mong muốn được làm con Thiên Chúa, hãy tự mình sử đổi, hãy tự mình cố gắng và hãy tự mình chấp nhận phút giây hiện tại của cuộc đời, để sống, để làm việc và để thờ phượng Thiên Chúa trong tình yêu và sự thật: “Anh em thân mến, anh em tiến đến núi Sion và thành trì của Thiên Chúa hằng sống, là Giêrusalem trên trời, tiến đến giữa muôn ngàn thiên thần, và cộng đoàn các trưởng tử đã được ghi sổ trên trời, và đến cùng Thiên Chúa, Ðấng phán xét mọi người, đến cùng các linh hồn những người công chính hoàn hảo, đến cùng Ðấng trung gian của giao ước mới là Ðức Giêsu”. Có cố gắng từng ngày, có cố gắng sửa đổi, người tín hữu mới có thể được hiện diện giữa các thánh trên trời, được đồng bàn với các linh hồn những người công chính. Họ là những người đến từ bao đau khổ, bao hy sinh và bao thiệt thòi giữa dòng đời. Bởi thế, người tín hữu Kitô hãy sống khiêm nhường, hiền hòa trong bổn phận của người lao công trong vườn nho của Thiên Chúa, họ sẽ được thưởng công trên Nước Trời.

Mong được ghi nhận những đóng góp vào trong mọi công việc, là một trong những mong muốn của con người. Phục vụ trong cánh đồng truyền giáo của Thiên Chúa, là một diễm phúc lớn, là một ơn gọi cao quý và cũng là một công việc hệ trọng, thế nhưng, người tín hữu vẫn mong chờ một sự trân trọng từ Giáo hội, từ Thiên Chúa. Thái độ sống đó bắt nguồn từ những sinh hoạt, những thói quen truyền thống hàng ngày của con người. Đi dự tiệc cưới hay đến những nơi công cộng, họ mong được ngồi chỗ nhất, được chào đón trọng thị, được ăn trên ngồi trước trong thiên hạ. Dần dần, thái độ sống đó đi vào trong sinh hoạt tôn giáo, tạo nên những sắc màu của thế tục. Bài tin mừng Chúa nhật 22 thường niên nhắc lại lời dạy của Đức Giêsu về thái độ cần có của con người, đó là hãy khiêm tốn nhìn nhận mình là ai, chỗ đứng của mình trong tương quan với Thiên Chúa như thế nào, chứ không cần quan tâm tới địa vị của tôi trong xã hội, chỗ đứng của tôi giữa cộng đoàn: “Khi có ai mời ngươi dự tiệc cưới, ngươi đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo có người trọng hơn ngươi cũng được mời dự tiệc với ngươi, và chủ tiệc đã mời ngươi và người ấy, đến nói với ngươi rằng: ‘Xin ông nhường chỗ cho người này’. Bấy giờ ngươi sẽ phải xấu hổ đi ngồi vào chỗ rốt hết. Nhưng khi ngươi được mời, hãy đi ngồi vào chỗ rốt hết, để khi người mời ngươi đến, nói với ngươi rằng: ‘Hỡi bạn, xin mời bạn lên trên’. Bấy giờ ngươi sẽ được danh dự trước mặt những người dự tiệc. Vì hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên”. Tìm được chỗ đứng của mình giữa cộng đoàn không phải là một điều phức tạp và khó khăn, đó chỉ là một chút cố gắng của bản thân, nhưng chẳng mấy ai thích làm điều đó, bởi trái tim của con người tuy nhỏ nhưng được tạo dựng trong vô biên, nên tham vọng của con người vẫn tồn tại trong cuộc sống hàng ngày. Dù ngoài xã hội hay trong tôn giáo, tham vọng địa vị, quyền bính và thích được tôn vinh, vẫn mãi là một yếu tố, dù không tích cực, nhưng con người vẫn kiếm tìm và luôn củng cố.

Sự hiện hữu của con người trong thế giới này là một công trình của Thiên Chúa, một ý định trong kế hoạch tình yêu của Ngài. Sự hiện diện đó diễn tả sự sung mãn của tình yêu tuyệt đối nơi Thiên Chúa. Ngài muốn thông chia tình yêu đó cho con người, nếu con người chân nhận chân lý đó và sống đúng địa vị của mình trước mặt Thiên Chúa, họ sẽ ngập chìm trong hạnh phúc của tình yêu, họ sẽ sống trong sự bình an nơi vòng tay Thiên Chúa. Trái lại, con người khám phá sự hiện diện của mình là một điều tất yếu, hạnh phúc và bình an cũng như mọi nhu cầu khác của cuộc sống. Do đó, họ tranh chấp, họ ganh tị, họ tìm cách để triệt hạ nhau và sẵn sàng loại trừ nhau, tất cả chỉ vì lòng tham và không mong ai hơn mình, không mong ai ngồi trên ngồi trước mình. Dù biết Con Thiên Chúa là Đức Giêsu đã sống tâm tình hạ mình, rời bỏ trời cao, đến làm người, sống và chết cho con người, nên đã được Chúa Cha trọng thưởng, thế nhưng, con người luôn cho rằng, sống như thế không thực sự đáng sống, không đáng để cố gắng và hy sinh.

Bông lúa chín vàng sẽ cúi xuống để khoe những hạt thóc chắc mẫm của sự sống. Trái tim nhân hậu luôn mở rộng cánh cửa đón dòng máu đỏ sẫm, thiếu sức sống, để rồi nhờ trái tim, dòng máu sẽ trở nên đỏ tươi, đầy sức sống, đem niềm vui đến cho muôn vạn tế bào trong thân thể. Thiên Chúa muốn con người hãy biết sống khiêm tốn trước mặt Ngài, để được sống, được yêu và được nên một với Ngài, nhưng con người không lãnh hội được ý định của Thiên Chúa, nên họ chỉ biết tranh giành với con người, chỉ biết hơn thua đủ với tha nhân, chỉ biết đòi hỏi một sự trân trọng rẻ tiền trong mọi lãnh vực, và một chổ đứng không đáng quan tâm ngay trong công việc phục vụ của mình. Dẫu biết rằng Thiên Chúa yêu thích nơi con người một tấm lòng, một sự khiêm tốn đủ, nhưng con người chưa thể ra khỏi vòng kim cô của vật chất, quyền bính và tham vọng, do đó, đau khổ, bất hạnh và chiến tranh vẫn mãi ẩn hiện trong cuộc đời con người.

Đồng hành với một xã hội luôn đấu tranh hơn thiệt, luôn đấu tranh vì quyền bính và địa vị, làm sao người tín hữu không bị ảnh hưởng ít nhiều. Nhuốm màu thế tục trong hành trình đức tin, ắt sẽ dẫn tới tình trạng tự mãn và tự kiêu, dần dần, những yếu tố đó chen vào đời phục vụ của người môn đệ Đức Giêsu. Phục vụ là cho không, phục vụ là quên mình, phục vụ không đòi đền đáp, cuối cùng dừng lại nơi lý thuyết và giấy tờ thôi. Nhìn thẳng vào sự thật của cuộc sống, chắc ai cũng thấy những vần mây đen trong cuộc đời môn đệ, nhưng Con Thiên Chúa vẫn lạc quan trước một thế giới đầy màu sắc u ám, Ngài vẫn ở đó với con người, vẫn cùng với những tâm hồn thiện chí phục vụ anh chị em, không phân biệt sang hèn, không phân biệt màu da, chủng tộc hay tôn giáo, tất cả chỉ mong được xoa dịu những vết thương của Đức Giêsu nơi người anh chị em của mình.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã vâng lời Chúa Cha, đi vào lịch sử nhân loại, để cứu độ, để đem sự sống đời đời cho con người, Chúa đã thực hiện mọi ý định của Chúa Cha trong sự xin vâng, xin giúp chúng con biết học nơi Chúa bài học của tinh thần phục vụ, để được chia sẻ với Chúa những đau khổ qua những anh chị em bất hạnh. Chúa đã hy sinh tất cả cho người mình yêu, để họ được sống và sống dồi dào, xin giúp chúng con biết quảng đại hơn, biết hiến thân rộng rãi, để Thiên Chúa được tôn vinh nơi mọi anh chị em trong thế giới này. Amen.

 

TÔI LÀ NGƯỜI KHIÊM TỐN NHẤT TRẦN GIAN
(Chúa Nhật XXII TN C) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Xưa lẫn nay và đến muôn đời, người khiêm tốn đều đáng được người đời mến phục, kính yêu. Trái lại, kẻ kiêu ngạo thì đều bị chê trách. Nếu họ là người quyền cao, chức trọng thì người ta có thể sợ, nhưng không hề kính chút nào. Sách Huấn ca cho ta những lời dạy thiết thực: “Con ơi… càng làm lớn, con càng phải tự hạ, như thế, con sẽ được đẹp lòng Đức Chúa. Vì quyền năng Đức Chúa thì lớn lao: Người được tôn vinh nơi các kẻ khiêm nhường. Kẻ kiêu ngạo thì vô phương cứu chữa, vì sự xấu xa đã ăn sâu mọc rễ trong nó” (Hc 3, 18.20.28).

Bài Tin Mừng Chúa Nhật XXII TN C hôm nay tường thuật chuyện Chúa Giêsu nhân thấy nhiều người thích chọn chỗ nhất trong bữa tiệc nên đã lên tiếng dạy về đức khiêm nhường. Chắc hẳn Chúa Giêsu không muốn dạy chúng ta sống khiêm nhượng kiểu “ống điếu”, tức là cố tình hạ mình xuống để được người ta nâng lên. Với kiểu nói ngoa ngữ như ngụ ngôn, Chúa Giêsu đã làm nổi rõ cái hậu quả rất khác biệt giữa người khiêm tốn và kẻ kiêu ngạo. Vậy thế nào là khiêm tốn đích thực đây? Không gì hơn hãy nhìn vào cuộc đời, thái độ sống của Giêsu Kitô, Đấng đã minh nhiên mời gọi hãy học cùng Người vì Người hiền lành và khiêm nhượng (x.Mt 11, 28-30). Qua cuộc đời của Đấng Cứu Độ, chúng ta có thể nói rằng khiêm tốn là nhìn nhận sự thật, sống trong sự thật và làm chứng cho sự thật (x.Ga 18, 37).

Sự thật thứ nhất: Nhìn nhận những gì chúng ta là, chúng ta có đều là do bởi lãnh nhận. Chúa Giêsu đã nhiều lần khẳng định Người bởi Chúa Cha mà ra và mọi sự Người có đều do Cha ban tặng (x.Ga 7, 29; 16, 28; 17, 1-26). Vì sao có nhiều người ngông cuồng, tự cao tự đại? Xin thưa rằng trên hết, trước hết là vì họ vô tình hay chủ ý quên mất sự thật này: họ được tạo thành chứ không phải tự mình mà có. Nếu giả như họ xác tín rằng ngay chính sự sống và những khả năng, chức phận, những thành quả hay công nghiệp của họ đều do bởi đã lãnh nhận, thì chắc chắn sẽ không có lý do gì để lên mặt, để tự mãn trong cao ngạo hay cuồng ngông.

Sự thật thứ hai: Nhìn nhận rằng chúng ta chỉ thực sự là mình nếu biết sống và hoạt động theo ý Đấng tạo nên chúng ta. Chúa Kitô nhiều lần khẳng định rằng Người đến thế gian này không phải làm theo ý riêng mà để chu toàn thánh ý Chúa Cha (x.Ga 6, 38; 7, 17). Người nhìn nhận việc thực thi thánh ý Chúa Cha chính là lẽ sống của Người. “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4, 34). Khi đã tin nhận rằng những gì chúng ta đang là, đang đều do bởi đã lãnh nhận từ ai đó thì việc sử dụng sự sống mình, các khả năng của mình theo ý người ban tặng là lẽ tất yếu đương nhiên. Một trong những ý nghĩa của cuộc đời con người đó là sống cho tha nhân, sống vì tha nhân. “Con Người đến thế gian này không phải để được hầu hạ, nhưng để hầu hạ người ta và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người (x.Mt 20, 28).

Khi truyền bảo những người dọn tiệc đãi khách thì đừng mời những người thân quen, chức cao quyền lớn, mà hãy mời những người tàn tật, đui mù, nghèo hèn… chắc chắn Chúa Giêsu muốn dạy người đương thời và chúng ta mọi thời rằng những gì chúng ta đang có như của cải, quyền uy đều do đã lãnh nhận và phải sử dụng chúng theo thánh ý Cha trên trời, Đấng muốn chúng ta phải yêu thương nhau một cách vô vị lợi, không chút tính toán thiệt hơn. Thể hiện tình yêu với những người nghèo hèn, bé mọn là một cách thế sống tình yêu vô vị lợi cách rõ nét.

Trong một dịp tĩnh tâm, một linh mục bạn thân dí dỏm: “Thưa các cha, con đây học hành kém cỏi, khả năng thì hạn chế. Tóm lại, tài thì mọn và đức cũng kém, cái gì cũng xin thua các cha, may ra có đức khiêm tốn thì trỗi vượt tất cả. Con thành thật thú nhận mình khiêm tốn nhất trần gian”. Quả thật, dù là giám mục hay linh mục, dù là tu sĩ hay giáo dân trong bậc hôn nhân, đang độc thân hay góa bụa, dù có chút địa vị hay chỉ là hạng “phó thường dân”, hết thảy chúng ta đều vướng phải cái tội của tổ tiên đó là sự kiêu ngạo. Sự kiêu căng ở đây chủ yếu không phải là thái độ cao ngạo, hống hách cách hịch hỡm đáng ghét, nhưng chính là tình trạng xa rời sự thật. Tên cám dỗ của vườn địa đàng thuở nào đã khiến tiên tổ và cả chúng ta mọi thời quên mất sự thật là chúng ta vốn là loài thụ tạo (x.St 3, 1-7). Hữu ý hay vô tình lãng quên sự thật này thì chúng ta dễ lầm tưởng rằng những gì tốt đẹp chúng ta đang là, đang có là do chính bàn tay chúng ta làm nên. Đây chính là căn nguyên của sự kiêu ngạo đáng trách và cũng đáng phạt.

Trong hỏa ngục rất có thể có những người rộng rãi bố thí cho người nghèo. Cũng rất có thể có nhiều người đã từng làm nhiều phép lạ, những người giảng dạy các chân lý cao sâu… nhưng chắc chắn sẽ không hề có bóng dáng một người sống khiêm nhu, biết nhìn nhận và sống trong sự thật. “Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm… Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” (Lc 23, 41-42). Khi biết nhìn nhận sự thật, người gian chịu treo bên phải Chúa Giêsu năm nào đã nhận được thành quả của sự khiêm nhu: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23, 43).

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây