TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật XXIII Thường Niên - Năm A

02/06/2021 05:34:59 |   685

Chúa Nhật XXIII Thường Niên - Năm A


 

 

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XXIII Thường Niên - Năm A


Dẫn vào Thánh lễ

Chúng ta đang hiện diện nơi đây, cùng nhau hiệp lời, hiệp ý dâng Thánh Lễ, nhờ ĐỨC Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, để ngợi ca, tôn vinh và tạ ơn Thiên Chúa với tư thế là nghĩa tử của Ngài. Sự biểu lộ tinh cảm này chỉ đạt được giá trị đích thực, khi chúng ta tự ý thức được những khiếm khuyết của mình trước lòng từ bi của Chúa và trước các mối tương giao với tha nhân.

Giờ đây, chúng ta hãy khiêm tốn, thành khẩn biểu lộ tấm lòng thống hối trước sự công minh, chính trực của Chúa và với anh chị em của chúng ta đang hiện diện nơi đây.

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa là Đấng công minh và xét xử chính trực; Xin Chúa đối xử với tôi tớ Chúa theo lượng từ bi của Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, nhờ Ðức Kitô Con Một Chúa, Chúa đã thương cứu chuộc chúng con và nhận làm nghĩa tử, xin lấy tình cha mà âu yếm đoái nhìn; này chúng con là những kẻ tin kính Ðức Kitô, xin cho chúng con được trở nên những người tự do đích thực và đáng hưởng gia nghiệp muôn đời. Chúng con cầu xin...

Bài Ðọc I: Ed 33, 7-9

"Nếu ngươi không chịu nói cho kẻ gian ác, thì Ta đòi máu nó bởi tay ngươi".

Trích sách Tiên tri Êdêkiel.

Ðây Chúa phán: "Hỡi con người, Ta đã làm cho ngươi trở nên người lính canh nhà Israel: vậy khi nghe lời miệng Ta nói, ngươi hãy loan báo cho chúng thay Ta. Khi Ta phán cùng kẻ gian ác rằng: "Hỡi kẻ gian ác, mi sẽ phải chết"; nếu ngươi không chịu nói để kẻ gian ác bỏ đường lối mình, thì chính kẻ gian ác sẽ chết trong sự gian ác của nó, nhưng Ta đòi máu nó bởi tay ngươi. Còn khi ngươi loan báo cho kẻ gian ác bỏ đường lối nó, nếu nó không chịu bỏ đường lối nó, thì nó sẽ chết trong sự gian ác của nó, nhưng ngươi cứu được mạng sống ngươi".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 94, 1-2. 6-7. 8-9

Ðáp: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: "Các ngươi đừng cứng lòng" (x. c. 8).

Xướng: Hãy tới, chúng ta hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hô Ðá Tảng cứu độ của ta! Hãy ra trước thiên nhan với lời ca ngợi, chúng ta hãy xướng ca để hoan hô Người!

Xướng: Hãy tiến liên, cúc cung bái và sụp lạy, hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Ðấng tạo thành ta. Vì chính Người là Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người.

Xướng: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: Ðừng cứng lòng như ở Mêriba, như hôm ở Massa trong khu rừng vắng, nơi mà cha ông các ngươi đã thử thách Ta, họ đã thử Ta mặc dầu đã thấy công cuộc của Ta.

Bài Ðọc II: Rm 13, 8-10

"Yêu thương là chu toàn cả lề luật".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, anh em chớ mắc nợ ai ngoài việc phải yêu mến nhau. Vì ai yêu người, thì đã giữ trọn lề luật. Ðó là: "Chớ ngoại tình; chớ giết người; chớ trộm cắp; chớ làm chứng gian; chớ mê tham", và nếu có điều luật nào khác, thì cũng tóm lại trong lời này là: "Ngươi hãy yêu mến kẻ khác như chính mình". Lòng yêu thương không làm hại kẻ khác. Vậy yêu thương là chu toàn cả lề luật.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 15, 15b

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết". - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 18, 15-20

"Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng ngươi và nó thôi. Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em. Nếu nó không nghe lời ngươi, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, ngươi hãy kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế.

"Thầy bảo thật các con, những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và những gì các con tháo gỡ dưới đất, thì trên trời cũng tháo gỡ.

"Thầy lại bảo các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó. Vì ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy".

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến, Chúa Cha nhận lời cầu xin của những ai kêu cầu Người. Giờ đây, với lòng tin tưởng, chúng ta dâng lên Chúa Cha những lời cầu khẩn, xin Người vui lòng đón nhận.

1. Chúa Giêsu đã trao phó cho Giáo Hội sứ mạng gìn giữ và phục vụ nhân loại. Xin cho Giáo Hội chu toàn sứ mạng Chúa đã trao phó với tình yêu và lòng nhiệt huyết, để loan báo ơn cứu độ của Ngài.

2. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương chúng ta. Xin cho tình yêu và đức ái trở thành quy tắc căn bản chi phối mối tương quan giữa mọi người trong đời sống hằng ngày. 

3. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta cầu nguyện không theo ý riêng nhưng theo ơn Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Xin cho ý Chúa được thực hiện trong suốt cuộc đời mỗi người.

4. Chúa Giêsu đã hứa sẽ hiện diện khi có hai hay ba người họp nhau cầu nguyện nhân danh Ngài. Xin cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta vững tin vào sự hiện diện của Chúa mỗi khi chúng ta cùng nhau cầu nguyện, nhất là cử hành bí tích Thánh Thể.

Chủ tế: Lạy Cha, xin nhận lời cầu nguyện của những ai kêu cầu Cha nhân danh Chúa Giêsu, Con Cha, xin ban cho chúng con một quả tim mới, biết rung động trước nỗi đau khổ và bất hạnh của anh em. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa uy linh cao cả, Chúa làm cho chúng con biết nhiệt thành phụng sự Chúa và sống hoà thuận thương yêu nhau. Ước chi của lễ này giúp chúng con tôn thờ Chúa cho phải đạo và ước chi tiệc Thánh chúng con cùng nhau chia sẻ thúc đẩy chúng con nên ý hợp tâm đầu. Chúng con cầu xin...

 Ca hiệp lễ

Như nai rừng khát mong nguồn nước, hồn tôi khát Chúa, Chúa trời ôi, hồn tôi khát Chúa Trời, Chúa trời hằng sống.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã dùng lời Chúa và Bánh Thánh để dưỡng nuôi và thêm sức mạnh cho chúng con; xin cho chúng con biết tận dụng những hồng ân này hầu đáng được thông phần sự sống của Ðức Kitô luôn mãi. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

 

Suy Niệm

Sửa lỗi
Sưu tầm

Tại một góc phố nhộn nhịp của thành phố Nữu Ước, một chú cảnh sát gốc Việt Nam đang chỉ huy sự lưu thông. Dòng thác xe cộ và dân chúng xoay quanh chú. Bất thình lình chú phát hiện ra một người đi bộ cứ băng qua đường khi còn đèn đỏ. Chú liền thổi còi, giơ tay ngăn chặn và bước qua chỗ người vi phạm và nhận thấy đó là một người đồng hương. Chú bình tĩnh nhưng kiên quyết giải thích: Bạn hãy đợi một chút, khi đèn xanh bật sáng mới được đi. Với một nụ cười ngượng ngập, người vi phạm trở lại lề đường, nhìn đèn đỏ đổi sang vàng và rồi bước đi khi đèn xanh bật sáng. Tuy nhiên, thay vì đi thẳng qua, thì người đó lại nhún nhảy đi tới gần người cảnh sát gốc Việt Nam và thì thầm khi đi ngang qua viên cảnh sát: Chú hãy ý tứ, đừng cho những người da vàng này đi qua mặt.

Câu chuyện trên có thể giúp chúng ta áp dụng vào điều Chúa Giêsu nói với chúng ta qua đoạn Tin Mừng sáng hôm nay: Nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng ngươi và nó thôi. Lỗi phạm ở đây không phải chỉ là những xúc phạm đến bản thân chúng ta mà còn là tất cả những hành vi sai trái, khả dĩ gây nên gương mù gương xấu. Sửa lỗi người khác là bổn phận của một số người như chú cảnh sát Việt Nam trong câu chuyện, như cha mẹ, thầy dạy, huấn luyện viên và những người có trách nhiệm. Nhưng vấn đề là làm thế nào để thi hành điều đó. Câu chuyện trên cho chúng ta một số gợi ý.

Trước hết là khía cạnh tích cực. Thực vậy, chú cảnh sát không nhấn mạnh đến điều lầm lỗi là qua đường khi đèn đỏ, nhưng nhấn mạnh đến điều cần thiết là chỉ đi qua đường khi đèn xanh bật sáng. Chú không la hét cho người khác nghe được, nhưng chỉ nói nhỏ nhẹ mà kiên quyết với người vi phạm. Chú bảo người ấy điều phải làm cũng như điều phải tránh.

Tiếp đến là lời nói của chú thật đúng lúc và tế nhị. Tất cả đều giúp ích cho việc sửa lỗi anh em. Vì như chúng ta thường bảo: Lời nói chẳng mất tiền mua, liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau. Nhiều khi chỉ vì những lời nói thiếu tế nhị, chúng ta chỉ tạo nên những bực bội và tức tối, khiến cho hành động thiện chí của chúng ta trở thành uổng công vô ích mà thôi. Đồng thời khi chỉ ra lầm lỗi của người khác, chúng ta nên lưu ý: Lầm lỗi đó không xúc phạm quá nhiều đến chúng ta; nhưng là lỗi nghịch với tình yêu của Thiên Chúa và tha nhân. Lầm lỗi của họ có thể làm mất lòng chúng ta, nhưng quan trọng hơn, đó là làm mất lòng Thiên Chúa. Như Chúa Giêsu đã nhắc nhở: Chúng ta có thể đem theo một hay hai người khác để sửa sai. Và cuối cùng, nếu người ấy vẫn không chịu nghe, thì cực chẳng đã, mới phải trình bày với Giáo Hội hay vị có thẩm quyền. Còn nếu như chúng ta được người khác nhắc bảo thì hãy có can đảm lắng nghe và chấp nhận nếu như những lời nhắc nhở đó là đúng, bằng không chúng ta sẵn sàng bỏ qua, không vì chút tự ái vụn vặt mà làm cho bầu khí trở nên căng thẳng, bởi vì: Ai khen ta mà khen phải, đó là bạn ta, còn ai chê ta mà chê phải, đó là thầy ta.

Chúa Nhật 23 Thường Niên – Năm A
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu. (Mt 18, 15-20)
 
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng ngươi và nó thôi. Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em. Nếu nó không nghe lời ngươi, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, ngươi hãy kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế.
“Thầy bảo thật các con, những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và những gì các con tháo gỡ dưới đất, thì trên trời cũng tháo gỡ.
“Thầy lại bảo các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó. Vì ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy”.
 
Suy niệm
 
Sau khi Đức Giêsu sống lại trong vinh quang và quyền năng của Thiên Chúa, Ngài đã thiết lập Giáo hội như là một gia đình của Thiên Chúa ngay tại trần gian, Ngài cho con người được thông chia quyền bính của Ngài, và thánh Phêrô, được đặt làm người hướng dẫn gia đình của Thiên Chúa là Giáo hội Công giáo. Gia đình đó là những người thành tâm thiện chí, với tinh thần khiêm tốn và mong ước được cứu độ, họ chọn Thiên Chúa là Cha, Giáo hội là Mẹ, để giúp đỡ họ sống ơn gọi làm người, làm Kitô hữu, làm con Thiên Chúa, ngày một hoàn thiện. Thế nhưng, tất cả mọi thành phần trong Giáo hội là những tội nhân trước mặt Thiên Chúa, vì thế, việc giúp nhau sửa lỗi, giúp nhau tránh xa những thói hư tật xấu, được coi là trọng trách mà Thiên Chúa giao cho Giáo hội, để giúp con cái mình, bất phân giàu nghèo, sang hèn hay sự khác biệt về mọi phương diện cuộc sống. Phụng vụ Lời Chúa Chúa nhật 23 thường niên là những lời hướng dẫn cũng như là mệnh lệnh Thiên Chúa yêu cầu Giáo hội và mọi con cái hãy ý thức trọng trách đó, để giúp đỡ nhau trong đời sống tâm linh.
 
Các ngôn sứ là những người được Giavê chọn từ giữa cộng đoàn, họ được trao trọng trách là loan báo chương trình của Giavê, đồng thời, giúp đỡ các cộng đoàn sửa đổi những gì chưa thích hợp trong đời sống tâm linh, để họ luôn là những người con của Giavê. Tiên tri Edekiel là một trong số những con người được chọn. Dù mang trên mình trọng trách lớn lao, nhưng ông luôn ý thức về trách vụ nặng nề đó để sống hết mình và hết bổn phận với trách vụ. Giavê đã dặn dò ông: “Hỡi con người, Ta đã làm cho ngươi trở nên người lính canh nhà Israel: vậy khi nghe lời miệng Ta nói, ngươi hãy loan báo cho chúng thay Ta. Khi Ta phán cùng kẻ gian ác rằng: “Hỡi kẻ gian ác, mi sẽ phải chết”; nếu ngươi không chịu nói để kẻ gian ác bỏ đường lối mình, thì chính kẻ gian ác sẽ chết trong sự gian ác của nó, nhưng Ta đòi máu nó bởi tay ngươi”. Ngoài trách vụ là nói lời của Giavê, các ngôn sứ còn có trách nhiệm giúp đỡ các thành viên trong cộng đoàn loại bỏ những lối sống trụy lạc, thiếu lành mạnh, sai lạc đường lối của Giavê, nếu những thành viên đó ra đi trong tội của nó, không những nó phải chết đời đời, mà những thành viên trong cộng đoàn cũng phải chịu trách nhiệm về số phận của thành viên đó, ngược lại, nếu một thành viên giúp đỡ cho ai đó sửa đổi cuộc đời, nhưng người đó không nghe, thì người giúp đỡ không phải gánh lấy trọng trách liên đới đó: “Còn khi ngươi loan báo cho kẻ gian ác bỏ đường lối nó, nếu nó không chịu bỏ đường lối nó, thì nó sẽ chết trong sự gian ác của nó, nhưng ngươi cứu được mạng sống ngươi”. Tình liên đới cộng đoàn luôn là trách nhiệm của mỗi thành viên, giúp đỡ tha nhân cũng là mệnh lệnh và là lời mời của Thiên Chúa gởi đến cho mỗi người, mỗi thành viên trong các cộng đoàn.
 
Trong hành trình đức tin, Thiên Chúa luôn mong con người tiến đến sự trọn hảo như Thiên Chúa Cha, đó là lời mời được Đức Giêsu gởi đến cho các môn đệ, đồng thời, cũng là lời nhắc của thánh tông đồ dân ngoại, gởi cho con cái Thiên Chúa trong giáo đoàn Roma: “Anh em thân mến, anh em chớ mắc nợ ai ngoài việc phải yêu mến nhau. Vì ai yêu người, thì đã giữ trọn lề luật. Ðó là: “Chớ ngoại tình; chớ giết người; chớ trộm cắp; chớ làm chứng gian; chớ mê tham”, và nếu có điều luật nào khác, thì cũng tóm lại trong lời này là: “Ngươi hãy yêu mến kẻ khác như chính mình”. Lòng yêu thương không làm hại kẻ khác”. Trong một cộng đoàn, không ai là một chi thể bị bỏ rơi, nhưng luôn được gắn kết trong một thân thể mầu nhiệm của Thiên Chúa, có Đức Giêsu là đầu, bởi đó, thánh nhân mời gọi các thành viên hãy giữ lề luật của Thiên Chúa trong tình bác ái, đồng thời, hãy sống bác ái trong sự thật. Đó là nét đẹp nhất trong đời sống cộng đoàn. Giúp nhau sửa lỗi hàng ngày là trọng trách Thiên Chúa trao cho mỗi thành viên, từ chối hay thực hiện trong trách đó không dựa trên bác ái Kitô giáo, chẳng khác gì là chúng ta kết án người đó, hoặc nữa là chối bỏ một thành viên trong gia đình của Thiên Chúa là Giáo hội.
 
Giáo hội Công giáo là một cộng đoàn gồm những tội nhân, họ mong muốn được sửa đổi cuộc đời của mình trong sự hướng dẫn và ân sủng của Thiên Chúa. Đồng thời, đó còn là một cộng đoàn sống tình gia đình, các thành viên có trách nhiệm giúp đỡ lẫn nhau, giúp nhau tìm thấy hạnh phúc nước trời chứ không phải giúp nhau đi tìm hạnh phúc nghĩa trang. Vì thế, Đức Giêsu đã hướng dẫn các môn đệ và cộng đoàn giáo hội tiên khởi, hãy ý thức tình huynh đệ cộng đoàn, để giúp nhau sửa chữa những lỗi lầm hàng ngày trong phận người khiếm khuyết: “Nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng ngươi và nó thôi. Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em. Nếu nó không nghe lời ngươi, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, ngươi hãy kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế”. Đức Giêsu đề nghị các môn đệ của Ngài hãy quan tâm tới nhau trong cuộc sống, đặc biệt trong đời sống nhân bản và tâm linh. Sự giúp đỡ nhau trong cộng đoàn phải xuất phát từ tình yêu thương có nguồn gốc từ Thiên Chúa, vì tình yêu thương đó mỗi người phải giúp đỡ nhau nhưng phải dựa trên nền tảng sự thật và chân lý, không phải giúp nhau vì những mục đích tiêu cực trong cuộc sống. Sửa lỗi cho nhau theo sự hướng dẫn của Đức Giêsu là giúp nhau nên thánh, giúp nhau loại bỏ những tật xấu của nhau, chứ không phải dìm người khác xuống để mình được đề cao, hoặc giúp nhau với những cách nói không tế nhị, không lịch sự, không có màu sắc của bác ái, mà chỉ nổi bật sự ganh tị, nổi bật tính tự mãn của bản thân, coi nhẹ tình huynh đệ gia đình. Bởi thế, giúp nhau sửa lỗi luôn phải đề cao tình bác ái huynh đệ và dựa trên sự thật, đồng thời, khi vì lợi ích của chân lý, của sự thật mà chúng ta sửa lỗi nhau không có tình bác ái Kitô giáo.
 
Giáo huấn của Giáo hội hướng dẫn con cái phải có trách nhiệm giúp đỡ lẫn nhau, do đó, khi Giáo hội giảng dạy, Giáo hội luôn đặt giáo huấn đó trên nền tảng Chân lý của Tin Mừng. Đồng thời Giáo hội dạy dỗ con cái trong tình yêu thương của một người Cha và lòng bao dung của một người Mẹ. Thế nhưng, nhiều lúc con người đã vô tình lạm dụng quyền giảng dạy, gây chia rẽ trong cộng đoàn, chia rẽ trong gia đình xứ đạo và ngay trong cộng đoàn dòng tu, chỉ vì lợi ích hay cá tính cá nhân. Trong đời sống gia đình hay lối xóm với nhau cũng thế, lắm lúc chỉ vì một chút lợi lộc cá nhân hay của gia đình, chúng ta thay vì sửa lỗi cho nhau thì kết án nhau, khủng bố nhau và làm chứng gian dối về nhau. Đồng tiền, của cải đã làm mờ đôi mắt lương tâm của người tín hữu Kitô, bởi thế, thay vì giúp nhau tìm kiếm sự bình an trời cao, chúng ta cùng nhau tìm kiếm sự bình an sự chết. Người tín hữu không thể đi ra khỏi quỹ đạo của cuộc sống thiên về vật chất và có tính cách thực dụng, do đó, vì tình bác ái Kitô giáo mà giúp nhau hoàn thiện trên nền tảng chân lý Tin Mừng, thì người tín hữu đã kéo nhau ra xa sự thật và giết chết luôn tình bác ái Kitô giáo. Cũng không thiếu những câu chuyện người ta nhân danh sự thật, nhân danh chân lý để bóc lột lẫn nhau và giết chết phẩm giá con người của nhau. Do đó, giúp sống sự thật mà không có bác ái thì chỉ tội gây cho nhau những đau thương và oán thù.
 
Ơn gọi nào cũng chưa ra khỏi những tham vọng của con người, cộng đoàn nào cũng chưa thể ra khỏi quy luật của sự hữu hạn nơi mỗi cá nhân, do đó, mục đích của đời sống chung là giúp nhau nên thánh, giúp nhau sống linh đạo của con đường mình chọn cách hiệu quả với tinh thần phục vụ. Đó là tinh thần đời sống cộng đoàn, tiếc thay, những con đường mòn tuy nhỏ, nhưng luôn hằn sâu trong cuộc sống. Vì thế, những thói quen cá nhân khó có thể gặp nhau nơi mẫu số chung của linh đạo hội dòng, mà chỉ dừng lại nơi những vách tường chia cắt tình huynh đệ cộng đoàn, tình gia đình hội dòng, tình lối xóm giữa các gia đình. Ngay cả các giáo sĩ vẫn ẩn hiện đâu đó những toan tính mang mầu sắc nhân loại nhưng khi Mẹ Giáo hội sửa sai những lầm lỗi đó, thì cá nhân đã bất tuân phục, bất cộng tác và hơn nữa là từ bỏ Giáo hội ra đi, tất cả chỉ vì tham vọng con người.
 
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đi vào lịch sử loài người với phận người, chắc Chúa đã thấu hiểu sự hữu hạn của con người, nên Chúa đã muốn chúng con giúp nhau sửa lỗi, để hoàn thiện vai trò người con Thiên Chúa, xin cho chúng con biết học nơi Ngài sự khiêm tốn của một người con, sự chân thành của tinh thần hy sinh vì tha nhân, để chúng con chấp nhận sự khác biệt nơi nhau, chấp nhận lời góp ý và sửa lỗi của tha nhân. Chúa đã tha thứ cho các tội nhân khi họ nhận ra phận người trong họ, xin Chúa cũng tha thứ cho chúng con khi chúng con đi vào con đường tự mãn, kiêu căng, muốn bằng Thiên Chúa trong sinh hoạt cuộc sống. Được Chúa hướng dẫn, được Chúa tha thứ, chúng con sẽ cố gắng từng ngày, sống khiêm tốn, chân thành trong phận là con người bất toàn và yếu đuối. Amen.

Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

 

TA SẼ ĐÒI NGƯƠI ĐỀN NỢ MÁU NÓ

(Chúa Nhật XXIII TN A) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Tin Mừng Thánh Matthêu chương 18 tập chú vào chủ đề đời sống cộng đoàn. Thoạt nghe bài Tin Mừng Mt 18,15-20 với những lời căn dặn của Đấng Cứu Thế về việc sửa bảo anh em, chúng ta dễ liên tưởng đến việc cần có thái độ tế nhị tôn trọng anh em trong khi sửa bảo nhau. Điều này thì không ai chối cãi. Yêu thương và tôn trọng là hai động thái tất yếu phải sánh đôi. Tuy nhiên, qua những lời dạy của Thầy Chí Thánh, chúng ta còn phải lưu ý đến tính triệt để của việc sửa sai, dạy bảo nhau. Nghĩa là khi thấy anh em, thấy tha nhân sai lỗi thì cần phải tích cực sửa bảo nhau cách triệt để, tức là cho đến cùng.

Số phận của tha nhân cũng là số phận của chính ta:

Ngôn sứ Êdêkiel đã minh nhiên lời dạy của Thiên Chúa: “Ngươi sẽ nghe lời từ miệng Ta phán ra, rồi thay Ta nói cho chúng biết. Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng: “Hỡi tên gian ác, chắc chắn ngươi phải chết”, mà ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa, thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội của nó, thì Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó” (Ed 33,8). Không ai được phép vào Nước Trời một mình. Thiên Chúa không phải là Cha của mình tôi. Người là Cha của “chúng ta”, của mọi người (x.Kinh Lạy Cha). Thái độ dửng dưng, kiểu sống mặc kệ nó, là kiểu sống, là thái độ không xứng với người con cái Chúa.

Người ta có thể không ghét bỏ tha nhân, không tìm cách mưu hại tha nhân, thế nhưng chính khi không màng đến số phận của tha nhân cũng là khi ta góp phần làm hại tha nhân cách gián tiếp. Đã nhiều lần Chúa Kitô nhấn mạnh chân lý này khi Người trách cứ tấm lòng dửng dưng của những luật sĩ biệt phái trước bao nỗi khổ của đồng loại. Thấy anh em đang sai lỗi cũng như thấy anh em đang đứng bên bờ vực thẳm mà ta không lên tiếng cảnh báo hay sửa sai thì chính ta đã vô tình, đúng hơn là đã vô tâm để người anh em rơi xuống vực. Không cứu người theo khả năng và hoàn cảnh của mình là đã giết người. Dưới cái nhìn này chúng ta mới hiểu những lời đanh thép của Thiên Chúa qua miệng Ngôn sứ Êdêkiel ở trên: “Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó”.

Khi vạch rõ lộ trình sửa bảo anh em, bắt đầu từ hình thức cá nhân đến cộng đoàn, thì ngoài việc tôn trọng phẩm giá, danh dự người có lỗi, Chúa Kitô đã minh nhiên dạy ta tích cực sửa bảo người anh em cho đến cùng. Khi người anh em lỗi phạm không nghe cộng đoàn thì hãy xem họ như người ngoại giáo hay người thu thuế thì vẫn không là buông xuôi mà là trao phó cho Chúa, Đấng không có sự gì là không thể (x.Mt 19,26). Ngay cả khi trao phó người anh em lỗi phạm cho Chúa thì ta vẫn còn đó bổn phận góp phần bằng lời cầu nguyện. Để làm rõ hiệu quả của lời cầu, thì liền sau đó Chúa Kitô đã khẳng định: “Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,20).

Chúng ta cần phân biệt các hành vi sai trái mang tính cá nhân và hậu quả của hành vi lỗi phạm thì hạn chế với những sai lầm mang tính tập thể và hậu quả di hại cho xã hội là rộng lớn và lâu dài khó có thể khắc phục ngày một ngày hai hoặc hành vi lỗi phạm của cá nhân trở thành gương xấu gương mù cho xã hội, cho những kẻ bé mọn. Cung cách hành xử của Chúa Kitô thật rõ ràng. Nguời từ tâm, nhân hậu với những trường hợp đầu mà trái lại rất thẳng thắn và cương quyết với những trường hợp sau. Người tỏ lòng nhân hậu với chị phụ nữ phạm tội ngoại tình. Người thật khoan dung với sự yếu hèn của Phêrô khi chối Người, nhưng Người lại nghiêm khắc trước sự sai trái cũng của chính Phêrô khi ông ngăn cản Người lên Giêrusalem để thực thi công trình cứu độ bằng sự khổ nạn. Và với nhiều vị lãnh đạo Do Thái giáo hay các bậc vị vọng thời bấy giờ là Biệt Phái, Luật sĩ… thì thái độ của Chúa Kitô là rất thẳng thừng và cương quyết. Tuy nhiên dù cương quyết hay nhân hậu, dù nghiêm khắc hay dịu dàng thì các hành vi của Chúa Kitô đều ắp đầy lòng xót thương. Đến trần gian, một sứ mạng của Đức Kitô là mạc khải cho nhân trần chân dung của Thiên Chúa, Đấng từ bi và hay thương xót, Đấng không muốn bất cứ một ai phải hư mất.

Đức ái là động lực, là hình thức và là mục đích của việc sửa sai nhau:

Chúng ta dễ dàng chân nhận sự cần thiết của việc sửa bảo nhau. Tuy nhiên cần biết sửa bảo nhau vì yêu thương nhau, muốn cho nhau đổi thay và nên tốt lành, thánh thiện hơn, bằng những hình thức, những phương thế chính đáng và phải đạo. Làm sao minh chứng được động cơ và mục đích của việc ta sửa bảo nhau là vì yêu thương nhau? Quả là khó khi thẩm định những gì thuộc chiều sâu của tâm hồn. Với lời mạc khải, qua tấm gương của các ngôn sứ, đặc biệt của Chúa Kitô chúng ta có thể xác định rằng đức ái chính là động cơ và mục đích của việc sửa bảo nhau dựa vào một vài dấu chỉ sau:

- Có nhổ thì có trồng; có phá thì có xây: Ta không chỉ nói lên cái sai trái, sự lầm lỗi của nhau mà ta còn vạch ra cách thế sửa đổi, còn đề xuất phương hướng khắc phục cho nhau.

- Sẵn sàng đón nhận những sự hiểu lầm, những nghịch cảnh và cả những ngược đãi khi ta chân thành sửa bảo nhau bằng lòng khoan dung, tha thứ.

“Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tình yêu” (Rm 13,8). Đã mắc nợ là phải trả. Một trong những món nợ tình yêu chúng ta cần phải trả liên lỉ đó là món nợ liên đới trong lỗi tội của nhau. Để trả món nợ này, chúng ta không chỉ can đảm đón nhận các hậu quả do tội lỗi của nhau mà còn phải tích cực sửa bảo nhau trong đức ái. Nếu ngươi không sửa bảo kẻ có tội thì “Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó” là một lời cảnh báo thật đáng sợ. Tuy nhiên để cho việc sửa bảo nhau đạt kết quả thì chúng ta đừng quên rằng ngoài việc cầu xin ơn Chúa soi sáng, nâng đỡ, thì bản thân chúng ta trước hết cần làm thanh sạch bản thân mình một cách nào đó. Vì khi đã lấy cái xà ra khỏi mắt mình thì mình mới thấy rõ và biết cách lấy cái rác ra khỏi mắt anh em (x.Mt 7,1-5). Xin đừng viện cớ rằng tôi chưa hoàn thiện, nghĩa là vẫn còn vương nhiều lầm lỗi, nên tôi không được phép sửa bảo ai. Ngoại trừ Mẹ Maria, chúng ta thảy đều là tội nhân, mức này, mức kia. Hãy nhớ lời dạy của thánh Giacôbê: “Thưa anh em, nếu có người nào trong anh em lạc xa chân lý và có ai đưa người ấy trở về, thì anh em hãy biết rằng: kẻ nào làm cho một tội nhân bỏ đường lầm lạc mà trở về, thì cứu được linh hồn người ấy khỏi chết và che lấp được muôn vàn tội lỗi của mình” (Gc 5,19-20).

 

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây