Dẫn vào Thánh lễ
Anh chị em thân mến! Chỉ có Thánh Marcô thuật lại việc Chúa Giêsu chữa lành một người bị câm điếc tại miền Thập Tỉnh, là nơi hầu hết cư dân là người ngoại. Người đã chữa bệnh câm điếc này bằng những cử chỉ cụ thể như: đặt ngón tay vào tai, bôi nước miếng vào lưỡi và nói “Ephata ! Hãy mở ra”, và anh được chữa lành.
Việc Chúa chữa lành một người câm điếc như thế, không chỉ bày tỏ lòng xót thương của Chúa đối với người bệnh, mà còn là dấu chỉ của thời Thiên Sai đã đến, và ngày cứu độ đã kề bên, như các tiên tri đã báo trước: ngày ấy kẻ què được đi, người câm nói được.
Phép lạ đó cũng nói cho ông Gioan Tẩy Giả và mọi người biết những dấu chỉ, những điềm đã báo trước nay được thực hiện. Đấng Thiên Sai đang ở giữa họ, đang ở giữa nhân loại…
Trong hân hoan đón mừng Chúa, chúng ta hãy tẩy sạch tâm hồn bằng lòng thống hối ăn năn.
Ca nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa là Đấng công minh và xét xử chính trực; Xin Chúa đối xử với tôi tớ Chúa theo lượng từ bi của Chúa.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng, nhờ Ðức Kitô Con Một Chúa, Chúa đã thương cứu chuộc chúng con và nhận làm nghĩa tử, xin lấy tình cha mà âu yếm đoái nhìn; này chúng con là những kẻ tin kính Ðức Kitô, xin cho chúng con được trở nên những người tự do đích thực và đáng hưởng gia nghiệp muôn đời. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: Is 35, 4-7a
“Tai người điếc sẽ mở ra và người câm sẽ nói được”.
Trích sách Tiên tri Isaia.
Các ngươi hãy nói với những tâm hồn xao xuyến: Can đảm lên, đừng sợ! Này đây Thiên Chúa các ngươi đến để phục thù. Chính Người sẽ đến và cứu thoát các ngươi.
Bấy giờ mắt người mù sẽ sáng lên, và tai người điếc sẽ mở ra. Bấy giờ người què sẽ nhảy nhót như nai, và người câm sẽ nói được, vì nước sẽ chảy lên nơi hoang địa, và suối nước sẽ chảy nơi đồng vắng. Ðất khô cạn sẽ trở thành ao hồ, và hoang địa sẽ trở nên suối nước.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 145, 7. 8-9a. 9bc-10
Ðáp: Linh hồn tôi ơi, hãy ngợi khen Chúa! (c. 2a)
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: Thiên Chúa trả lại quyền lợi cho người bị ức, và ban cho những người đói được cơm ăn. Thiên Chúa cứu gỡ những người tù tội. – Ðáp.
Xướng: Thiên Chúa mở mắt những kẻ đui mù, Thiên Chúa giải thoát những kẻ bị khòm lưng khuất phục, Thiên Chúa yêu quý các bậc hiền nhân. Thiên Chúa che chở những khách kiều cư. – Ðáp.
Xướng: Thiên Chúa nâng đỡ những người mồ côi quả phụ, và làm rối loạn đường nẻo đứa ác nhân. Thiên Chúa sẽ làm vua tới muôn đời, Sion hỡi, Thiên Chúa của ngươi sẽ làm vua tự đời này sang đời khác. – Ðáp.
Bài Ðọc II: Gc 2, 1-5
“Không phải Thiên Chúa đã chọn người nghèo để hưởng nước Người đó sao?”
Trích thư Thánh Giacôbê Tông đồ.
Anh em thân mến, anh em là những người tin vào Ðức Giêsu Kitô vinh hiển, Chúa chúng ta, anh em đừng thiên vị. Giả sử trong lúc anh em hội họp, có người đi vào, tay đeo nhẫn vàng, mình mặc áo sang trọng; lại cũng có người nghèo khó đi vào, áo xống dơ bẩn, nếu anh em chăm chú nhìn người mặc áo rực rỡ mà nói: “Xin mời ông ngồi chỗ danh dự này”. Còn với người nghèo khó thì anh em lại nói rằng: “Còn anh, anh đứng đó”, hoặc: “Anh hãy ngồi dưới bệ chân tôi”. Ðó không phải là anh em xét xử thiên vị ở giữa anh em và trở nên những quan xét đầy tà tâm đó sao?
Anh em thân mến, xin hãy nghe: Không phải Thiên Chúa chọn người nghèo trước mắt thế gian, để nhờ đức tin, họ trở nên giàu có và được hưởng nước Người đã hứa cho những kẻ yêu mến Người đó sao?
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 1, 14 và 12b
Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe: Chúa có lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.
Phúc Âm: Mc 7, 31-37
“Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu từ địa hạt Tyrô, qua Siđon, đến gần biển Galilêa giữa miền thập tỉnh. Người ta đem một kẻ câm điếc đến cùng Người và xin Người đặt tay trên kẻ ấy. Người đem anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh ta. Ðoạn ngước mặt lên trời, Người thở dài và bảo: “Effetha!” (nghĩa là “Hãy mở ra!”), tức thì tai anh ta mở ra, và lưỡi anh ta được tháo gỡ, và anh nói được rõ ràng. Chúa Giêsu liền cấm họ đừng nói điều đó với ai. Nhưng Người càng cấm, thì họ càng loan truyền mạnh hơn. Họ đầy lòng thán phục mà rằng: “Người làm mọi sự tốt đẹp, Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được!”
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tín hữu
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Giờ đây mỗi người chúng ta hãy thành tâm mở rộng tâm hồn, sẵn sàng đón Chúa vào lòng và xin Người đến chữa bệnh câm điếc thiêng liêng trong chúng ta:
1. “Bấy giờ mắt người mù sẽ sáng lên và tai người điếc sẽ mở ra” – Xin cho các vị chủ chăn được tinh thần yêu thương của Chúa Kitô, sẵn sàng xả thân vì con chiên câm điếc thiêng liêng, để săn sóc, dạy dỗ, dẫn đưa họ về lắng nghe và ca tụng Chúa, nhờ gương mẫu thánh thiện của các ngài.
2. “Không phải Thiên Chúa đã chọn người nghèo, để nhờ đức tin họ được nên giầu có và được hưởng nước Người đó sao?”.- Xin cho tín hữu luôn ỷ thức rằng: qua Bí tích Rửa Tội, họ đã trở nên Con Thiên Chúa, được thừa hưởng Nước Trời, cùng hiệp thông đời sống mới nhờ đức tin,cậy, mến, mà nên giầu có về mặt thiêng liêng.
3. “Người làm cho kẻ điếc nghe và người câm nói được”. —Xin cho những người khổ đau vì cô đơn, túng nghèo, bệnh tật, lao tù, được sự quan tâm giúp đỡ của nhiều người, để họ xác tín được tình thương Chúa dành cho họ.
4. Sự huyên náo ồn ào môi trường hôm nay, là căn nguyên tạo ra sự câm điếc thiêng liêng, khiến con người không nghe và đáp trả tiếng Chúa.- Xin cộng đoàn giáo xứ chúng ta dù đang sống giữa những giao động và xáo trộn của cuộc sống, vẫn biết duy trì một tâm hồn cầu nguyện, để sống gắn bó với Chúa Kitô.
Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã tách người bệnh khỏi đám đông rồi chữa lành. Xin cho chúng con thích sống âm thầm ẩn dật với Chúa, để chúng con có thể lắng nghe Lời Chúa và tâm sự với Chúa, Chúa là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Thiên Chúa uy linh cao cả, Chúa làm cho chúng con biết nhiệt thành phụng sự Chúa và sống hoà thuận thương yêu nhau. Ước chi của lễ này giúp chúng con tôn thờ Chúa cho phải đạo và ước chi tiệc Thánh chúng con cùng nhau chia sẻ thúc đẩy chúng con nên ý hợp tâm đầu. Chúng con cầu xin…
Ca hiệp lễ
Như nai rừng khát mong nguồn nước, hồn tôi khát Chúa, Chúa trời ôi, hồn tôi khát Chúa Trời, Chúa trời hằng sống.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã dùng lời Chúa và Bánh Thánh để dưỡng nuôi và thêm sức mạnh cho chúng con; xin cho chúng con biết tận dụng những hồng ân này hầu đáng được thông phần sự sống của Ðức Kitô luôn mãi. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
Suy Niệm
Lắng nghe
(Sưu tầm)
Trong một cuộc hội thảo, anh bạn ngồi bên tôi, không hiểu vì ngủ gật hay vì chia trí lo ra những chuyện đâu đâu, nên khi được mời lên phát biểu, anh đã đưa ra một ý kiến và để trình bày ý kiến này, anh đã đi vòng vo tam quốc, từ chuyện trên trời đến chuyện dưới đất, từ chuyện bên tây đến chuyện bên tàu, trong khi đó mọi người thì cứ tủm tỉm cười thầm. Cuối cùng, người điều khiển phải tạm ngắt ý kiến của anh ta và nói: Tất cả những điều anh diễn tả, cũng như đề nghị, chúng tôi đã trao đổi và bác bỏ ngay từ lúc mới bắt đầu cuộc hội thảo này rồi. Lúc bấy giờ, mọi người mới dám cười ồ lên.
Lâu ngày có người bạn tới chơi vào ban tối, chúng tôi đã nằm tâm sự với nhau về những ngày tháng xa xưa. Tôi nói và anh bạn gợi lại. Cứ thế cho tới một lúc tôi cảm thấy hình như chỉ còn mình tôi nói, ngó sang bên cạnh thì anh bạn tôi đã ngủ thiếp từ lúc nào không biết.
Từ hai mẩu chuyện trên chúng ta nhận thấy hai anh bạn yêu quí của tôi đã không biết lắng nghe hay không chịu lắng nghe nữa, cho nên một anh thì tưởng rằng ý kiến của mình là ý kiến đầu tiên được đề nghị. Còn anh bạn kia thì lại để tôi nói chuyện một mình với đêm tối.
Trong cuộc sống, có biết bao nhiêu người cũng đã không biết lắng nghe như thế. Phải chăng không biết lắng nghe đã trở nên như một lầm lỗi, một cơn bệnh thông thường.
Qua đoạn Tin Mừng sáng hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu chữa lành cho một người không thể lắng nghe vì anh ta điếc. Cái điếc này không đáng trách. Điều đáng trách, đó là biết bao nhiêu người có đôi tai thính, nhưng họ lại không nghe thấy bởi vì họ không lắng nghe.
Kinh nghiệm cho thấy lắng nghe là một điều kiện rất quan trọng trong mọi lãnh vực của cuộc sống. Thực vậy, đời sống gia đình sẽ hạnh phúc hơn nhiều nếu mọi người đều biết lắng nghe, để cố gắng hiểu được điều người khác muốn nói.
Sự cảm thông không phải là con đường một chiều. Nói và nghe đúng cách sẽ giúp chúng ta hiểu nhau hơn và sẽ bắc được nhịp cầu cảm thông giữa chúng ta với những người chung quanh.
Dĩ nhiên dưới mái ấm gia đình, con cái phải lắng nghe cha mẹ nhưng đồng thời cha mẹ cũng phải lắng nghe con cái. Hãy bình tĩnh lắng nghe con cái mình nghĩ gì, cảm gì, muốn gì để rồi từ đó có những hướng dẫn, vừa không mang tính cách độc đoán, nhưng lại vừa hợp tình lại và hợp lý.
Ở trường, học trò phải lắng nghe thày cô, bởi vì nếu không lắng nghe thì chẳng hiểu được chi về bài vở của mình. Nhưng đồng thời thày cô cũng phải lắng nghe học trò trả lời hay đặt câu hỏi, nhờ đó mà trắc nghiệm được sự hiểu biết của học trò mà đổi mới cách thức giảng dạy.
Và nhất là ở đây, trong nhà thờ này, lắng nghe lời Chúa là một việc hết sức quan trọng. Lời Chúa muốn nói gì với tôi và Ngài mong muốn nơi tôi điều chi. Điểm chính của bài giảng hôm nay là gì? Phải chăng là hai chữ lắng nghe. Chúng ta cần nói với Chúa qua những tâm tình cầu nguyện, nhưng đồng thời chúng ta cũng phải lắng nghe tiếng Chúa qua những giây phút thinh lặng. Chúng ta hãy thưa lên với Chúa như Samuel ngày xưa: Lạy Chúa xin hãy phán vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe…
Chúa nhật 23 thường niên -B
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (Mc 7, 31-37).
Khi ấy, Chúa Giêsu từ địa hạt Tyrô, qua Siđon, đến gần biển Galilêa giữa miền thập tỉnh. Người ta đem một kẻ câm điếc đến cùng Người và xin Người đặt tay trên kẻ ấy. Người đem anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh ta. Ðoạn ngước mặt lên trời, Người thở dài và bảo: “Effetha!” (nghĩa là “Hãy mở ra!”), tức thì tai anh ta mở ra, và lưỡi anh ta được tháo gỡ, và anh nói được rõ ràng. Chúa Giêsu liền cấm họ đừng nói điều đó với ai. Nhưng Người càng cấm, thì họ càng loan truyền mạnh hơn. Họ đầy lòng thán phục mà rằng: “Người làm mọi sự tốt đẹp, Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được!”
Suy niệm
Trong cuộc sống, tiếng nói là một phương tiện con người sử dụng để trao đổi, chia sẻ, để thấu hiểu và tạo nên mối tương quan giữa người với người, đồng thời từ ngôn ngữ, con người cũng diễn đạt khát vọng của bản thân với thần linh. Trong chiều kích này, con người lắng nghe tiếng nói của chính mình, để biết mình là ai, đang trong tình trạng nào, xa hơn là con người có thể lắng nghe tiếng nói của Tạo Hóa, của Thiên Chúa. Với các tín hữu Kitô, tiếng nói bên trong rất quan trọng và có thể nói là kim chỉ nam giúp định hướng cuộc đời, định hướng ơn gọi và đời phục vụ của bản thân. Phụng vụ Lời Chúa trong tuần lễ 23 thường niên mời gọi các tín hữu hãy bước vào thế giới tâm linh, nơi đó, con người nhận ra giá trị thực của bản thân, nhận ra giá trị của một con người đúng nghĩa và nhận ra giá trị mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa, mối tương quan giúp con người nên hoàn thiện mỗi ngày như Cha trên trời là đấng hoàn thiện.
Tiêng tri I-sa-i-a đã mở ra cánh cửa hy vọng cho dân khi họ đang đối diện với một thực tại đầy khổ đau, thiếu tự do và sự bình yên: “Bấy giờ mắt người mù sẽ sáng lên, và tai người điếc sẽ mở ra. Bấy giờ người què sẽ nhảy nhót như nai, và người câm sẽ nói được, vì nước sẽ chảy lên nơi hoang địa, và suối nước sẽ chảy nơi đồng vắng. Ðất khô cạn sẽ trở thành ao hồ, và hoang địa sẽ trở nên suối nước”. Chân nhận niềm vui thực sự trong một thế giới siêu hình, không phải là một cố gắng đơn giản, nhưng là những nỗ lực mỗi ngày và rất nhiều. Mở được cánh cửa để bước vào thế giới thiêng liêng đó, cần có chìa khóa là niềm tin và hy vọng, ắt họ sẽ được chứng kiến niềm vui của người mù được sáng mắt, người điếc nghe được âm thanh của cuộc sống và cảm nghiệm được hương vị của tình yêu trong con người của mình.
Thánh Gia-cô-bê trong lá thư mục vụ của ngài, đã đưa các anh chị em trong gia đình Giáo hội trở lại với cuộc sống thực, cuộc sống mà họ đang đối diện, nơi đó có cái thực và cái ảo, có cái tốt và cái xấu, tất cả đan xen lẫn nhau và đang chen vào cuộc đời con người: “Anh em thân mến, anh em là những người tin vào Ðức Giêsu Kitô vinh hiển, Chúa chúng ta, anh em đừng thiên vị. Giả sử trong lúc anh em hội họp, có người đi vào, tay đeo nhẫn vàng, mình mặc áo sang trọng; lại cũng có người nghèo khó đi vào, áo xống dơ bẩn, nếu anh em chăm chú nhìn người mặc áo rực rỡ mà nói: “Xin mời ông ngồi chỗ danh dự này”. Còn với người nghèo khó thì anh em lại nói rằng: “Còn anh, anh đứng đó”, hoặc: “Anh hãy ngồi dưới bệ chân tôi”. Ðó không phải là anh em xét xử thiên vị ở giữa anh em và trở nên những quan xét đầy tà tâm đó sao?”. Tiếng ồn của cuộc sống luôn có nhiều âm thanh và có nhiều hình thức khác nhau, nếu con người chấp nhận trở nên đồ đệ của cuộc sống hiện tại. Họ sẽ chấp nhận luồn cúi làm sao có được mọi thứ cho hiện tại. Theo dòng thời gian, tiếng nói bên trong sẽ không còn là yếu tố cần thiết cho đời sống của người môn đệ Đức Giêsu nữa, họ sẽ bị vong thân, sẽ là một phương tiện của xã hội công nghiệp và thực dụng, hệ quả đến từ những yếu tố đó là sự phân biệt thứ cấp trong quan hệ con người với con người. Họ không còn xứng đáng là người môn đệ của một Thiên Chúa tình yêu, đã cúi xuống vì yêu.
Thánh Mac-cô kể lại câu chuyện Đức Giêsu chữa lành một người bị câm điếc. Tác giả thánh mời chúng ta bắt đầu từ câu chuyện này đi vào đời sống tâm linh của mình. Có bao giờ bản thân tôi bị câm điếc không? Tôi có khao khát để được chữa lành, nếu như tôi bị câm điếc trong đời sống thiêng liêng của mình? Niềm vui đã đến khi người thiểu năng được chữa lành cũng là niềm vui của tôi khi được giải thoát khỏi những căn bệnh thiểu năng trong tâm hồn: “Khi ấy, Chúa Giêsu từ địa hạt Tyrô, qua Siđon, đến gần biển Galilêa giữa miền thập tỉnh. Người ta đem một kẻ câm điếc đến cùng Người và xin Người đặt tay trên kẻ ấy. Người đem anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh ta. Ðoạn ngước mặt lên trời, Người thở dài và bảo: “Ep-pha-ta!” (nghĩa là “Hãy mở ra!”), tức thì tai anh ta mở ra, và lưỡi anh ta được tháo gỡ, và anh nói được rõ ràng”. Khoa học cho chúng ta biết phần nào về những căn bệnh thiểu năng của con người, có thể do di chứng của những chuỗi tế bào cơ thể, có thể do bị lỗi phần nào đó trong quá trình hình thành chuỗi tế bào đặc biệt của cơ thể. Đời sống thể lý đâu đó còn những khiếm khuyết thì đời sống tinh thần cũng chưa thể hoàn thiện. Do đó, cần những cố gắng cụ thể và kiên nhẫn, cần những cố gắng mạnh mẽ và dứt khoát, mới có thể giúp chữa trị những căn bệnh thiểu năng về tâm linh cho con người.
Bị khiếm khuyết khi cố gắng đón nhận những âm thanh bên ngoài, con người khó có thể hòa mình vào một cộng đoàn như gia đình, như xứ đạo hay xã hội, khiếm khuyết khi nhận âm thanh để hòa mình vào đời sống nội tâm lại là một khó khăn lớn. Cuộc sống bên trong của mỗi người, hay còn gọi là đời sống tâm linh, luôn có sự hiện diện của Thiên Chúa, Ngài cúi xuống, đồng hành và dạy dỗ con người, khởi đi từ tiếng lương tâm, khởi đi từ khát vọng cuộc sống, khát vọng phục vụ và khát vọng được yêu. Nếu mỗi ngày, chúng ta không còn nghe được tiếng lương tâm, điều tất nhiên là Thiên Chúa không còn được ở lại trong cuộc đời của mình. Có lúc chúng ta không nghe được tiếng Ngài vì sự ồn ào của phút giây hiện tại và tham vọng cuộc sống, có lúc tiếng Ngài quá nhỏ so với sĩ diện và cái tôi của mình, nên tôi không nghe được, có những lúc tôi cố tình không nghe tiếng Ngài nữa, bởi lúc đó tôi cần phải đấu tranh để củng cố chiếc ghế quyền lực, chiến đấu để được chào đón ngoài các ngả đường cuộc đời. Cuộc sống con người đâu chỉ dừng lại nơi mọi sinh hoạt thực dụng của xã hội, nhưng con người cần phải đạt đến tầm cao khác, tự mình có thể nghe được âm thanh của thế giới thiêng liêng, tự mình mở cánh cửa đi vào đó và tự mình hòa nhịp vào thế giới đó với lý trí và ý chí của một con người thực sự.
Trong đời sống của người tín hữu Kitô, lắng nghe được tiếng nói từ bên trong cần có nhiều nỗ lực, sự chân thành và khiêm tốn đủ. Thiên Chúa đã và đang nói với con người bằng nhiều cách khác nhau, có thể trực tiếp qua những phút giây cầu nguyện và hiệp lễ, hay gián tiếp qua
Những biến cố, những lời mời khẩn thiết trong phút giây hiện tại. Đại dịch đang để lại nhiều nỗi đau trên khắp thế giới nói chung và trên đất nước chúng ta nói riêng. Tiếng Chúa vang lên thật khẩn thiết khi bao anh chị em không có điều kiện để đến bệnh viện điều trị dịch bệnh, tiếng Chúa khẩn thiết khi các Bác sĩ, các nhân viên y tế để rơi những giọt nước mắt vì không giữ lại được sự sống cho các bệnh nhân. Tiếng Chúa cũng vang lên qua lời mời chia sẻ chén cơm, chén cháo cho các anh chị em nghèo khó, đặc biệt là mời gọi những ai có thể, hãy giúp đỡ các bệnh nhân, hãy ở lại bên cạnh họ trước khi giã từ cuộc sống. Và bao tâm hồn quảng đại đã nghe được tiếng mời gọi của Thiên Chúa qua bề trên, qua những tiếng kêu lạc giọng của tha nhân. Họ đã lên đường. Chấp nhận hiểm nguy và thậm chí sự sống, họ đi vào giữa tâm dịch, phục vụ các bệnh nhân, an ủi và chăm sóc một Đức Giêsu đang vật lộn với những cơn đau của cơn bệnh quái ác. Họ đã gặp một Đức Giêsu giữa dòng đời, trong tâm dịch, trên giường bệnh, họ đã đứng bên cạnh các nhân viên y tế, đứng bên cạnh các giường bệnh và cuối cùng họ đã ngã xuống, từ giã cuộc đời.
Lời mời của Thiên Chúa đưa con người đến gần Ngài hơn, dù rằng nơi đó thật hạnh phúc và bình an, nhưng đòi hỏi con người phải từ bỏ rất nhiều, phải chấp nhận thương đau, ngay cả mạng sống. Thiên Chúa không đem lại sự bất hạnh cho con người, nhưng Ngài mời con người đi vào con đường mang tên Giêsu, con đường có điểm xuất phát là đau khổ, là thua thiệt, là bất công, là bệnh tật, là tang thương, vượt qua mọi cánh cửa đó với chiếc chìa khóa của niềm tin và hy vọng, mọi người sẽ được hưởng trọn vẹn niềm vui của người bị câm điếc sau khi được chữa lành, đó là được hòa mình vào gia đình, hòa mình vào cộng đoàn, tìm thấy được chổ đứng của mình trong thế giới và được tôn trọng, được yêu thương và được sống bình an mỗi ngày.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chữa lành căn bệnh thể lý cho người bị câm điếc, giúp anh ta tìm lại được chính mình và gặp thấy mình trong cộng đoàn, trong gia đình, xin chữa lành đôi tai tâm hồn chúng con, để chúng con tìm gặp được chính mình trong tay Chúa, gặp được bản thân trong gia đình Chúa và được sống trong cộng đoàn yêu thương. Người bệnh đã nghe được tiếng Chúa nói với anh ta, và anh ta đã cất cao lời tri ân, xin cho chúng con nghe được tiếng Chúa nói qua Thánh lễ, qua những giờ cầu nguyện, qua tiếng bề trên, qua các biến cố, hoàn cảnh thế giới, để chúng con gặp được Chúa với một tấm thân đầy thương tích, đang đói, đang khát và đang đau khổ. Xin Chúa chúc lành và ban bình an cho thế giới, cho Giáo hội, cho đất nước chúng con trước những nỗi đau của dịch bệnh. Amen.
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
HÃY MỞ RA!
(Chúa Nhật XXIII TN B)
(Bài đọc 1: Is 35,4-7a; Bài đọc 2: Gc 2,1-5; Bài Tin Mừng: Mc 7,31-37)
Loài vật vốn có tình bầy đàn. Con người thì có tính xã hội. Con người là hữu thể trong tương quan liên vị. Tôi chỉ thực sự là tôi trong tương quan với một ai đó. Chính vì thế sự tương quan liên vị là một nhu cầu sinh tồn của con người. Sự tương quan này được thể hiện rõ nét qua sự tiếp xúc. Một trong những cách thế để tiếp xúc hữu hiệu với tha nhân là đối thoại tức là nghe và nói. Thật bất hạnh cho những ai thiếu hay mất khả năng nói và nghe. Thoạt sinh ra mà bị câm điếc thì đúng là kém may mắn. Dân gian truyền miệng rằng hễ một người câm, không nói được thì trời cho điếc luôn để khỏi uất ức, tức tối khi nghe những lời không hay về mình mà không phản bác lại được. Thế nhưng y học thì cho thấy ngược lại: chính vì bị điếc nên người ta mới bị câm. Vì không nghe được nên con người không thể tập nói. Trẻ nói được là nhờ bắt chước, lặp lại những gì đã nghe.
Bài Tin mừng Chúa Nhật XXIII TN B tường thuật chuyện Chúa Giêsu chữa lành cho một người câm điếc mà dịch chính xác hơn là điếc và ngọng. Đây là một trong những dấu chỉ của thời Thiên Sai mà Thánh kinh đã loan báo. Mất đi khả năng nghe và nói xét về thể lý là một khốn khổ và bất hạnh. Thế nhưng sự bất hạnh và khốn khổ ấy dường như chỉ hạn hẹp ở đương sự và có chăng là nơi vài người thân thích. Tuy nhiên nếu xét về bệnh điếc, câm hay ngọng về tinh thần thì sự khốn khổ và bất hạnh nó di hại cho nhiều người và hậu quả cũng khó mà khắc phục. Dù hai lãnh vực thể lý và tinh thần tuy khác nhau nhưng có sự trùng hợp đó là do bởi điếc (không nghe được, không chịu nghe, nghe không rõ, không đúng, không chính xác) nên người ta đâm ra điếc hay ngọng là không nói được, không được nói hay nói không được những điều cần nói, nên nói và phải nói. Ở đây chúng ta đặc biệt phân tích về căn bệnh tinh thần. Với các bài Thánh Kinh được trích đọc trong Chúa Nhật XXIII TN B này, chúng ta có thể tìm ra một vài nguyên nhân chính của căn bệnh câm điếc.
1. Thiên Chúa nói với chúng ta bằng nhiều cách thế, tuy nhiên cách thế thông thường mà Người phán dạy chúng ta là qua con người. Đọc lịch sử thánh, chúng ta nhận ra điều này: ngoài những dấu lạ điềm thiêng thì Thiên Chúa thường phán dạy qua những con người bé mọn, nghèo hèn cụ thể là các ngôn sứ, những người nghèo của Giavê. Đến thời kỳ viên mãn Thiên Chúa lại phán dạy chúng ta qua Người Con. Đó là một người thợ mộc bình thường xuất thân từ Nagiaret là một xứ sở không có gì đáng nói và từ một gia cảnh không có gì đáng trọng vọng.
Chúa Giêsu chọn gọi mười hai người cộng tác đặt làm tông đồ để rao giảng Lời Thiên Chúa thì cũng là những người thấp cổ, bé phận. Thánh Giacôbê Tông đồ qua bài đọc thứ hai cảnh tỉnh ta về cái lề thói thích thiên tư, gần gũi với những người sang giàu. Đây là một trong những nguyên cớ khiến ta bị điếc về tâm linh. Rất nhiều nhà lãnh đạo quốc gia hay tôn giáo vẫn có nghe nhưng họ thường nghe lời từ những người thuộc quyền, kém chức. Họ chỉ nghe thuộc hạ báo cáo và thế là có nghe cũng như không. Để khỏi bị điếc, tức là để nghe đúng, nghe chính xác thì không gì hơn là biết cúi xuống, gần dân, gần những người thấp cổ, bé phận, gần những người nghèo khổ lầm than.
2. Vẫn có đó nhiều người nghe rõ, nghe đúng, nhưng làm như không nghe, không biết. Biểu hiện nơi những người này là không dám nói, có nói thì nói không đúng hay nói kiểu nói ngọng. Bài đọc thứ nhất cho ta chìa khoá tìm ra nguyên nhân của căn bệnh này đó là sự sợ hãi, thiếu can đảm. Thiên Chúa truyền cho ngôn sứ Isaia: “Hãy nói với những kẻ nhát gan: “Can đảm lên, đừng sợ!”. Đức cố Gioan Phaolô II đã khai mở triều đại Giáo hoàng của Ngài với đoàn tín hữu bằng chính lời của Chúa Kitô: “Các con đừng sợ!” Trong thời gian rao giảng Tin Mừng, không ít lần Chúa Kitô nhắn nhủ các môn đệ rằng hãy can đảm lên, đừng sợ! Và sau khi từ cõi chết sống lại thì hai từ “đừng sợ” vẫn được Người lặp đi lặp lại nhiều lần.
Sợ khổ, sợ bị thua thiệt, sợ bị bách hại… là những cái sợ khiến nhiều người hành xử như chẳng thấy, chẳng nghe và họ đã không dám mở miệng bảo vệ công lý, rao truyền chân lý, nhất là không dám tố giác tội lỗi, cách riêng tội lỗi của những người đang nắm trong tay quyền cao, chức trọng, cả ngoài xã hội lẫn trong Giáo hội. Ngoài ra cũng cần kể đến một vài nguyên cớ khiến người ta dù có nghe đúng hoặc thấy rõ mà vẫn sợ không dám nói. Chẳng hạn như trường hợp vì có tật thì giật mình hoặc há miệng thì sợ mắc quai. Có thể do lầm lỗi hay khiếm khuyết nào đó của ta khiến ta thấy ngượng miệng khi phải nói điều gì đó phải nói. Đây là dữ kiện không mới, vì nó không chỉ là kinh nghiệm của người xưa mà còn là chuyện hiện sinh của kiếp người. Dễ dàng thông cảm với người còn chút tự trọng và chút liêm sỉ, ngại ngần lấy cái rác trong mắt tha nhân khi mà cái xà nhà đang ở trong mắt mình. Ta cũng có thể kể đến những trường hợp “ăn xôi chùa, ngọng miệng”. Ta nói không được vì đã hưởng nhận chút lợi lộc nào đó thiếu trong sáng. Tệ nạn cũng là quốc nạn của nhiều nước hiện nay là tham nhũng – hối lộ. Và hệ quả kéo theo là những vị hữu trách “nói không được”, những điều cần nói, phải nói hay nên nói theo bổn phận và trách nhiệm của mình.
“Ephata: Hãy mở ra!” Không chỉ hãy mở tai, mở mắt để thấy và để nghe hiện trạng của đất nước, của xã hội, của giáo hội mà con phải mở lòng ra để biêt cảm thông với tha nhân trong sự liên đới trách nhiệm. Vẫn còn quá nhiều vị lãnh đạo ngoài xã hội vẫn chưa chu toàn chức vụ “công bộc” của nhân dân hay vẫn còn nhiều vị mục tử chưa xứng là tôi tớ của đoàn Dân Thiên Chúa. Những mặt trái hay những tồn tại ấy chắc hẳn có phần lỗi của chúng ta.
Dù khuyết tật về thể lý, nhưng người câm vẫn có thể nói bằng thái độ, cử chỉ hay bằng văn tự. Là Kitô hữu, chúng ta đã được Chúa Kitô thông chia nhiệm vụ ngôn sứ. Nếu vì lẽ gì đó mà chúng ta vẫn chưa can đảm lên tiếng hoặc có nói mà như không nói, vì chỉ nói chung chung, một kiểu nói ở đâu cũng đúng, nói lúc nào cũng chẳng sai mà lại chẳng nhắm cho ai cả, thì chúng ta chưa hẳn thực sự là con người và chắc chắn không thể nào là con cái Chúa chính danh, đúng phận. Chính vì thế Chúa Kitô vẫn đang mãi phán truyền lớn tiếng: EPHATA!: HÃY MỞ RA!
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột