TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật XXIII Thường Niên – Năm C

27/08/2022 09:43:21 |   1076

Chúa Nhật XXIII Thường Niên – Năm C
 

cn23TN C

Lc 14, 25-33

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

Chúa Nhật XXIII Thường Niên – Năm C

Dẫn vào Thánh lễ

Anh chị em thân mến! Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật XXIII năm C hôm nay, cho chúng ta biết Chúa Giêsu đang trên đường tiến về Giêrusalem, và có rất nhiều người đi theo, nên Chúa Giêsu đưa ra những điều kiện để có thể theo Người làm môn đệ, đó là: từ bỏ những người thân, kể cả mạng sống mình, vác Thập Giá mà theo Chúa. Đây quả là điều kiện vô cùng khó khăn cho những ai muốn theo Đức Kitô, muốn tôn vinh Người là Sư Phụ.

Nhờ lời Chúa nhắc nhở và ơn thánh trợ giúp, chúng ta sẽ can đảm hơn để từ bỏ con người trần tục của mình, kiên quyết hơn trước những lôi kéo và cám dỗ của trần gian và nhiệt thành, hăng say bước theo chân Chúa đến đỉnh đồi Can-vê với tâm hồn thống hối ăn năn.

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa là Đấng công minh và xét xử chính trực; Xin Chúa đối xử với tôi tớ Chúa theo lượng từ bi của Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, nhờ Ðức Kitô Con Một Chúa, Chúa đã thương cứu chuộc chúng con và nhận làm nghĩa tử, xin lấy tình cha mà âu yếm đoái nhìn; này chúng con là những kẻ tin kính Ðức Kitô, xin cho chúng con được trở nên những người tự do đích thực và đáng hưởng gia nghiệp muôn đời. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Kn 9, 13-18

“Ai có thể suy tưởng được sự Thiên Chúa muốn”.

Trích sách Khôn Ngoan.

Ai trong loài người có thể biết được ý định của Thiên Chúa? Hay ai có thể suy tưởng được sự Thiên Chúa muốn? Vì những ý tưởng của loài hay chết thì mập mờ, và những dự định của chúng tôi đều không chắc chắn. Vì xác hay hư nát làm cho linh hồn ra nặng nề, và nhà bụi đất làm cho lý trí hay lo lắng nhiều điều ra nặng nề.

Chúng tôi ước lượng cách khó khăn các việc dưới đất, và khó nhọc tìm thấy những sự trước mắt. Còn những sự trên trời, nào ai khám phá ra được? Ai hiểu thấu Thánh ý của Chúa, nếu Chúa không ban sự khôn ngoan, và không sai Thánh Thần Chúa từ trời cao xuống. Như thế, mọi đường lối những kẻ ở dưới đất được sửa lại ngay thẳng, và loài người học biết những sự đẹp lòng Chúa.

Vì, lạy Chúa, những ai sống đẹp lòng Chúa từ ban đầu, thì được ơn cứu độ nhờ sự khôn ngoan.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 89, 3-4. 5-6. 12-13. 14 và 17

Ðáp: Thân lạy Chúa, Ngài là chỗ chúng con dung thân, từ đời nọ trải qua đời kia (c. 1).

Xướng: Thực ngàn năm ở trước thiên nhan, tựa hồ như ngày hôm qua đã khuất, như một đêm thức giấc cầm canh. Chúa khiến cho con người trở về bụi đất, Ngài phán: “Hãy trở về gốc, hỡi con người”. 

Xướng: Chúa khiến họ trôi đi, họ như kẻ mơ màng buổi sáng, họ như cây cỏ mọc xanh tươi. Ban sáng cỏ nở hoa và xanh tốt, buổi chiều nó bị xén đi và nó héo khô. 

Xướng: Xin dạy chúng con biết đếm ngày giờ, để chúng con luyện được lòng trí khôn ngoan. Lạy Chúa, xin trở lại, chớ còn để tới bao giờ? xin tỏ lòng xót thương tôi tớ của Ngài. 

Xướng: Xin cho chúng con sớm được no phỉ ân tình của Chúa, để chúng con mừng rỡ hân hoan trọn đời sống chúng con. Xin cho chúng con được hưởng ân sủng Chúa là Thiên Chúa chúng con, sự nghiệp tay chúng con làm ra, xin Ngài củng cố, xin Ngài củng cố sự nghiệp tay chúng con làm ra.

Bài Ðọc II: Plm 9b-10. 12-17

“Con hãy tiếp nhận nó không phải như một người nô lệ, nhưng như một người anh em rất thân mến”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gởi cho Philêmon.

Con thân mến, Phaolô già nua, và hiện đang bị cầm tù vì Ðức Giêsu Kitô, cha nài xin con cho Ônêsimô, đứa con cha đã sinh ra trong xiềng xích.

Cha trao nó lại cho con. Phần con, con hãy đón nhận nó như ruột thịt của cha. Cha cũng muốn giữ nó lại để thay con mà giúp đỡ cha trong lúc cha bị xiềng xích vì Tin Mừng. Nhưng vì chưa biết ý con, nên cha không muốn làm gì, để việc nghĩa con làm là một việc tự ý, chớ không vì ép buộc. Vì biết đâu nó xa con một thời gian để rồi con sẽ tiếp nhận muôn đời, không phải như một người nô lệ, nhưng thay vì nô lệ, thì như một người anh em rất thân mến, đặc biệt đối với cha, huống chi là đối với con, về phần xác cũng như trong Chúa. Vậy nếu con nhận cha là bạn hữu, thì xin con hãy đón nhận nó như chính mình cha vậy.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 10, 27

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Con chiên Ta thì nghe Ta; Ta biết chúng và chúng theo Ta”. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 14, 25-33

“Ai không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có nhiều đám đông cùng đi với Chúa Giêsu, Người ngoảnh lại bảo họ rằng: “Nếu ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Ta. Còn ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta.

“Có ai trong các ngươi muốn xây tháp mà trước tiên không ngồi tính toán phí tổn cần thiết, xem có đủ để hoàn tất không? Kẻo đặt móng rồi mà không thể hoàn tất, thì mọi người xem thấy sẽ chế giễu người đó rằng: ‘Tên này khởi sự xây cất mà không hoàn thành nổi’.

“Hoặc có vua nào sắp đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên không ngồi suy nghĩ xem mình có thể đem mười ngàn quân ra đương đầu với đối phương dẫn hai mươi ngàn quân tiến đánh mình chăng? Bằng chẳng nổi, thì khi đối phương còn ở xa, vua ấy sai một phái đoàn đến cầu hoà. Cũng thế, bất kỳ ai trong các ngươi không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Giữa những nhộn nhịp và lôi cuốn của thế tục, chúng ta cần phải có những thời gian lặng tĩnh, để có thể nghe được tiếng Chúa mời gọi dấn thân, can đảm từ bỏ tất cả, để trở nên những chiến sĩ của vương quốc tình yêu trong một thế giới hỗn độn này. Chúng ta cùng hiệp nhau cầu xin :

1. “Ai trong loài người có thể biết được ý định của Thiên Chúa?” – Xin cho các vị Chủ chăn được sự khôn ngoan, trong việc tìm kiếm ý Chúa khi thi hành thánh chức, để những gì các ngài thực hiện đều đem lại vinh quang cho Thiên Chúa và ích lợi cho đoàn chiên.

2. “Con hãy tiếp nhận nó …như một người anh em rất thân mến Xin cho các tín hữu nhớ lại ấn tích rửa tội đã lãnh nhận, đòi buộc họ phải đoạn tuyệt với tội lỗi để thuộc về Chúa. Nhờ đó, họ sẽ cố gắng duy trì mối dây hiệp thông với Chúa và nhìn nhận mọi người là anh em.

3. “Hoặc có vua nào sắp đi giao chiến với một vua khác” – Xin cho những ngòi chiến tranh đang bùng nổ giữa các dân tộc được dập tắt ngay từ đầu, để mọi người có thể được hưởng một cuộc sống ấm no, thanh bình và nhận ra bàn tay quan phòng kỳ diệu của Chúa .

4. “Ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta” – Xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta biết nhìn lên Chúa như mẫu gương, và động lực thúc đẩy chúng ta chiến thắng bản thân, để xứng đáng là môn đệ đích thực của Chúa.

Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã hoàn toàn vâng theo ý Chúa Cha, chấp nhận hủy mình để nên nguồn ơn cứu độ cho chúng con. Xin giúp chúng con biết chết cho bản thân mỗi ngày, để đời chúng con cũng được hiệp với hi tế đền tội của Chúa dâng lên Chúa Cha, Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời..

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa uy linh cao cả, Chúa làm cho chúng con biết nhiệt thành phụng sự Chúa và sống hoà thuận thương yêu nhau. Ước chi của lễ này giúp chúng con tôn thờ Chúa cho phải đạo và ước chi tiệc Thánh chúng con cùng nhau chia sẻ thúc đẩy chúng con nên ý hợp tâm đầu. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Như nai rừng khát mong nguồn nước, hồn tôi khát Chúa, Chúa trời ôi, hồn tôi khát Chúa Trời, Chúa trời hằng sống.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã dùng lời Chúa và Bánh Thánh để dưỡng nuôi và thêm sức mạnh cho chúng con; xin cho chúng con biết tận dụng những hồng ân này hầu đáng được thông phần sự sống của Ðức Kitô luôn mãi. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy Niệm

Như người tôi tớ

Theo sự tính toán của người đời, thì mỗi khi chúng ta theo đuổi một con người, một công việc hay một chế độ nào, thì chúng ta phải thu lại được những lợi lộc vật chất hay những địa vị danh giá. Đó là điều hết sức bình thường và hợp lý. Chính mười hai môn đệ thân tín nhất của Chúa Giêsu cũng đã có một tâm trạng như vậy.

Chẳng thế mà có lần các ông đã không biết sượng sùng khi đặt thẳng câu hỏi này với Chúa: “Lạy Thầy, chúng con đã bỏ hết mọi sự để theo Thầy, vậy thì chúng con sẽ được lại những chi?”. Các ông cũng đã từng tranh cãi xem ai trong các ông là người quan trọng nhất trong cái triều đình của Chúa. Các ông cũng đã từng bực dọc ghen tức khi thấy mẹ của Gioan và Giacôbê đến xin Chúa dành cho hai con mình những chỗ ngon nhất, đó là được ngồi bên tả và bên hữu Chúa.

Đứng trước quan niệm thông thường ấy của các môn đệ, của những người theo Chúa, Ngài đã có một lập trường khác hẳn, vừa khó nghe lại vừa khó hiểu. Ngài nói: Ai yêu cha mẹ hơn Ta thì không đáng làm môn đệ Ta. Ai yêu con trai, con gái hơn Ta thì không đáng làm môn đệ Ta. Ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không đáng làm môn đệ Ta. Ai giữ mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì Ta, thì sẽ giữ lấy được. Lần khác Chúa cũng nói: Ai là người nhỏ nhất trong anh em thì kẻ ấy sẽ là người lớn nhất. Và Ngài cũng đã khuyên nhủ các môn đệ: Vương giả trần gian thì làm chúa thiên hạ và những ai cầm quyền thì bắt dân gọi mình là ân nhân. Phần các con thì đừng làm như thế, trái lại ai lớn nhất trong các con thì phải trở nên người nhỏ nhất, và kẻ làm đầu thì phải hầu hạ mọi người. Thầy sống giữa các con như một kẻ tôi tớ.

Những lời mời gọi chói tai này đã làm cho không ít người phải khó chịu, nhưng đồng thời cũng những lời tuyên bố ngược đời này vẫn không ngừng lôi cuốn biêt bao người dấn thân vào một cuộc phiêu lưu, không biết đâu là giới hạn. Nếu Đức Kitô chỉ là một con người bình thường, hoặc giả là một bậc vĩ nhân đi nữa, mà nếu Ngài chỉ nói suông như thế thì cũng chẳng mấy ai tin. Nhưng Ngài còn là Con Thiên Chúa và lời Ngài có được cái giá trị siêu việt. Hơn nữa, chính Ngài đã lấy cả cuộc sống và cái chết để minh chứng lời Ngài là sự thật. Còn chúng ta thì sao? Trước lời mời gọi của Chúa, chúng ta có dám sống tinh thần từ bỏ và chấp nhận mọi hy sinh để bước theo Chúa hay không?
 

Chúa Nhật 23C Thường Niên
(Lc. 14: 25-33) Lm Lã Mộng Thường

Thêm một lần nữa Lời Chúa qua Phúc Âm nêu lên những điều nghịch thường nếu được hiểu theo nghĩa đen hoặc chiều hướng luân lý hiện đại, “Nếu ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình thì không thể làm môn đệ Ta”. Dĩ nhiên, Đức Giêsu không đến để tàn phá luân lý con người và như vậy dẫu dùng những sự kiện nhân sinh để ám định về điều kiện cũng như trạng thái tâm thức một người cần phải có hầu kiện toàn hành trình tâm linh, những lời giảng dạy của Ngài nơi Phúc Âm không lệ thuộc luân lý nhân sinh biến chuyển tùy thuộc thời đại và nơi chốn cũng như phong tục tập quán của các dân tộc khác nhau. Đức Giêsu được sai đến rao giảng Tin Mừng Nước Trời.

Như vậy, xét theo nghĩa đen hoặc luân lý, không ai trong chúng ta thực hiện trung thực lời Phúc Âm nơi cuộc đời; nhất là câu nói nơi phần cuối của bài Phúc Âm vừa được công bố, “Cũng thế, bất kỳ ai trong các ngươi không từ bỏ tất cả của cải mình có thì không thể làm môn đệ Ta”. Tất nhiên chúng ta không ai chấp nhận trở thành kẻ vô gia cư, đứng đường đứng chợ hoặc gánh nặng cho những người đồng thời. Hơn nữa, nếu chúng ta không thể tự lo lắng cho chính mình mà ngược lại trở thành kẻ ăn bám xã hội thì sao có thể giúp người khác, sao có thể thực hiện lòng bác ái cũng như đóng góp, phụ giúp cho những sinh hoạt xã hội, và sao nhà thờ có thể đứng vững để làm nơi cho chúng ta thờ phượng! Thêm vào đó, kinh nghiệm sống minh chứng “Bần cùng sinh đạo tặc”. Khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn kiếm sống và vì nghèo túng, con người dễ sa ngã nơi những trường hợp bất lương. Ngược lại, ở những môi trường khá giả dễ kiếm kế sinh nhai, con người dễ trở nên tốt lành, thánh thiện vì “Phú quý sinh lễ nghĩa”.

Bởi đó, nếu chúng ta không để tâm suy nghiệm về những lời dạy nơi Phúc Âm để áp dụng nơi cuộc đời, lý do gì chúng ta dám cả gan tuyên xưng hoặc hãnh diện mình là người Công Giáo? Và phương cách nào hoặc lấy chi minh chứng để chúng ta có thể cho rằng mình tin theo Đức Giêsu? Dĩ nhiên, nếu chúng ta đã cố gắng hết sức nhưng không thể cải thiện hoặc cải tiến con người và sự việc để rồi thất bại, chúng ta không phải mang trách nhiệm hoặc không bị lương tâm cắn rứt về những trường hợp “Vô tri bất mộ”. Ngược lại, nếu chúng ta đã không bao giờ đặt vấn đề nghiệm xét, hoặc vì ỷ lại, hay coi thường, khinh khi sự nhận biết thâm sâu về Lời Chúa, tất nhiên sẽ không bao giờ có thể nhận thức về Tin Mừng Nước Trời, sẽ không bao giờ được cứu độ, hay giải thoát, mà suốt đời trầm luân nơi vô minh, u tối, chẳng có hy vọng gì đặt chân vào ngưỡng cửa Nước Thiên Chúa. Những sự dạy dỗ, giải thích của bất cứ ai không thể làm cho chúng ta trở nên thánh thiện hơn, không thể giúp chúng ta có cuộc sống tốt lành, thoải mái hơn. Sự hiểu biết không thể biến chúng ta biến chuyển, thay đổi, hoặc thăng tiến. Sự thăng tiến, thánh thiện, hay nhận thức chính là kết quả của nghiệm chứng, thực nghiệm, hay thực hành. Thánh PhaoLô dạy chúng ta, “Hãy nghiệm xét mọi sự; sự gì lành hãy giữ lấy, và hãy kỵ điều dữ dưới bất cứ hình thức nào”. Kinh nghiệm tâm linh giúp chúng ta nhận thức rõ ràng đó là không ai có thể thỏa mãn lòng khát khao nhận biết Thiên Chúa nơi mình; chỉ chính mình mới có thể nghiệm chứng sự hiện diện của Thiên Chúa nơi cuộc đời. Sự nhận thức Lời Chúa, sự nghiệm chứng Nước Trời chẳng khác gì sự thể uống nước. Ai uống người đó tự biết nước ngon ngọt hoặc nóng lạnh thế nào. Đây chính là ý nghĩa của hai dụ ngôn về người dự định xây tháp và suy tính của vị vua trước khi quyết định ra quân đương đầu đối phương. Họ phải dự tính, suy nghĩ, cân nhắc lợi hại và đắn đo xem sự thể có áp dụng được hay không. Chúng ta cũng cần thực hiện suy tính như thế khi nghe hoặc đọc Lời Chúa. Đọc hoặc nghe Phúc Âm hay những lời giảng giải mà không để tâm nghiệm chứng, suy nghiệm thì chẳng khác gì năm cô phù dâu khờ dại, bảo sao nghe vậy và sẽ bị từ chối tham dự tiệc cưới, hoặc người đầy tớ được ban cho một nén bạc mà vì quá sợ hãi sai lầm nên đem chôn do đó đã bị trừng phạt.

Như vậy, bài Phúc Âm khuyến khích và nhắc nhở chúng ta suy nghiệm Lời Chúa để nhận thức thực trạng tâm hồn của mình. Phỏng chúng ta có thực tâm nghiệm chứng Lời Chúa hay không, và phỏng chúng ta có tin theo Đức Giêsu hay không, hoặc chỉ cho rằng, nghĩ rằng mình theo Chúa, mình tin Chúa mà không biết mình tin thế nào, cũng như không biết mình tin về sự gì. Không ai có thể suy nghiệm và nhận thức dùm chúng ta. Chính Chúa cũng không thể nghiệm chứng dùm cho bất cứ ai. Nếu ai đã để tâm suy nghiệm Lời Chúa sẽ nhận biết rõ ràng một điều và đó là sự suy nghiệm Phúc Âm, sự nghiệm chứng Tin Mừng Nước Trời giải thoát tâm hồn khỏi muôn vàn trắc trở con đẻ của tham vọng thế tục, đồng thời nhận thực được vị thế cũng như giá trị thân phận làm người quả là quá ư cao trọng. Thêm vào đó niềm an bình tâm tưởng cũng như sự thánh thiện phát sinh từ chính sự hiện diện của Thiên Chúa nơi mình chứ không thể đắp vá hoặc hội nhập từ bất cứ nơi nào bên ngoài. Bỏ cha mẹ, anh em, bỏ ngay cả chính mạng sống của mình có nghĩa suy nghiệm vượt khỏi quan niệm, kiến thức bình thường thế tục. Chúng ta cần mở rộng lòng để Thánh Thần thực hiện công việc suy nghiệm nơi tâm trí. Chúng ta cần suy nghĩ khác thường, không lệ thuộc kiến thức hay quan niệm sẵn có. Cha mẹ, anh em, mạng sống chính là những gì thân thiết nhất đối với mình. Tôi muốn nêu lên một thí dụ, nơi gia đình, vợ chồng thường bị xung khắc chỉ vì quan niệm khác nhau và nhiều khi xảy ra sự thể “Ông nói gà, bà nói thóc”. Thêm vào đó, ai cũng cho mình là đúng, chỉ nhận xét của mình mới là mẫu mực chung. Dẫu tình nghĩa vợ chồng thâm trọng như thế nhưng người phối ngẫu vẫn chưa thân thiết với bản thân bằng quan niệm, ý định hay ước muốn riêng tư.

Nhận định như thế, Lời Chúa trình bày cho chúng ta điều kiện tâm thức để nghiệm chứng những lời giảng dạy của Đức Giêsu nơi Phúc Âm. Nếu muốn áp dụng Phúc Âm nơi cuộc sống, nếu thực tâm suy nghiệm Phúc Âm, chúng ta cần bỏ ngỏ lòng mình, vứt bỏ tất cả những hiểu biết thế tục để đặt vấn đề về ý nghĩa thực nghiệm của những lời Phúc Âm áp dụng nơi cuộc đời mỗi người. Hãy suy nghiệm Lời Chúa qua nhiều chiều hướng và không chấp nhận bị lệ thuộc bởi bất cứ quan niệm nào. Suy nghĩ cho đến tận cùng sao cho hợp tình hợp lý. Đây chính là sự thực nghiệm khả năng sáng tạo. Người xưa có câu nói, “Suy nghĩ là sáng tạo. Người suy nghĩ là người sáng tạo”. Amen.

HIỆP SỐNG TIN MỪNG
CHÚA NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN C
Kn 9, 13-18; Plm 9b-10.12-17; Lc 14, 25-33
LM ĐAN VINH - HHTM

 

ĐIỀU KIỆN ĐỂ THEO LÀM MÔN ĐỆ ĐỨC GIÊ-SU
I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Lc 14, 25-33
(25) Có rất đông người cùng đi đường với Đức Giê-su. Người quay lại bảo họ: (26) “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. (27) Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được. (28) Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không? (29) Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo: (30) “Anh ta đã khởi công xây mà chẳng có sức làm cho xong việc”. (31) Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống, bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng? (32) Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hòa. (33) Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được”.

2. Ý CHÍNH: Bấy giờ có đông người đi theo Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem. Nhưng họ lại tưởng Người sắp đi lãnh đạo cuộc cách mạng chống lại đế quốc Rôma giành độc lập theo chủ nghĩa Thiên Sai Do thái. Để đám đông khỏi bị ảo tưởng về sứ vụ cứu thế của mình, Đức Giê-su đã dạy họ ba điều kiện để có thể đi theo làm môn đệ cua Người: Một là họ phải yêu mến Người trên cả tình cảm gia đình ruột thịt và mạng sống của mình. Hai là họ phải sẵn sàng từ bỏ ý riêng và vác thập giá mình mà đi theo Người. Ba là họ phải khôn ngoan suy tính kỹ trước khi quyết định theo Người giống như một người sắp xây tháp cao hay như một ông vua sắp đem quân đi giao chiến với quân thù.

3. CHÚ THÍCH:
- C 25-27: + Có rất đông người cùng đi đường với Đức Giê-su: Cuộc hành trình của Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem (x. Lc 9, 51) trùng hợp với cuộc hành hương của người Do thái lên dự lễ Vượt Qua tại Đền thờ Giê-ru-sa-lem. Vì thế có nhiều người cùng đi với Đức Giê-su làm thành một đám người rất đông. + “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con”...: Tiếng Do thái không có lối văn so sánh. Do đó, khi muốn diễn tả ý hơn kém, người ta thường dùng lối văn song đối như “yêu” đối với “ghét” hay “từ bỏ”. Như vậy “từ bỏ” cha mẹ... chỉ có nghĩa là “yêu ít hơn”. Chính Mát-thêu đã hiểu như thế khi viết: “Ai yêu cha hay yêu mẹ hơn Thầy thì không xứng với Thầy”... (Mt 10, 37). Do đó, khi nghe Đức Giê-su dùng kiểu nói có vẻ cứng rắn như “từ bỏ cha mẹ”, chúng ta sẽ không nghĩ rằng Người loại bỏ giới răn thứ tư là “Thảo kính cha mẹ” (x. Lc 18, 20). Ở đây, Người đòi những ai muốn làm môn đệ phải dành mọi sự quý giá nhất cho Người. + “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy": Những ai muốn theo Đức Giê-su thì phải vác thập giá mình mà theo Người. Thập giá hôm nay là những hy sinh và từ bỏ mà người tín hữu phải chấp nhận khi bước theo Chúa.

- C 28-30: + Ai trong anh em muốn xây một cây tháp...: Đây là một ví dụ cho thấy cần suy nghĩ kỹ trước khi làm một việc quan trọng. Chỉ những ai bền chí, có suy trước tính sau và không nản lòng thối chí mới có thể theo làm môn đệ của Người.

- C 31-33: + Hoặc có vua nào...: Cũng như việc quyết định giao chiến của một ông vua cần cân nhắc thận trọng thế nào, thì việc đi theo Đức Giê-su cũng cần phải được suy tính kỹ càng trước khi quyết định như vậy. + Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được: Đây là lần thứ hai Đức Giê-su nhắc đến sự từ bỏ của cải như điều kiện để trở thành môn đệ của Người.

4. CÂU HỎI: 1) Khi đòi những ai muốn làm môn đệ của mình phải dứt bỏ tình cảm gia đình hoặc từ bỏ cả mạng sống của mình, phải chăng Đức Giê-su đã phế bỏ điều răn thứ tư dạy “con cái phải thảo kính cha mẹ”? 2) Đức Giê-su đòi môn đệ phải vác thập giá mình mà theo Người. Vậy thập giá ám chỉ điều gì? 3) Đức Giê-su đã nêu ra hai dụ ngôn nào để dạy môn đệ phải cân nhắc kỹ càng trước khi quyết định theo Người? 4) Câu nào cho thấy Đức Giê-su đòi môn đệ phải từ bỏ ngay cả những của cải vật chất nữa?

 

II. SỐNG LỜI CHÚA


1. LỜI CHÚA: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi” (Lc 14, 26).

2. CÂU CHUYỆN:

1) SẴN SÀNG HY SINH MỌI SỰ TRẦN GIAN ĐỂ ĐƯỢC PHỤNG SỰ CHÚA:
Ô-ĐÉT (Odette) là một cô gái xinh đẹp, sinh ra trong một gia đình quý tộc ở Bỉ. Năm 17 tuổi, cô quyết định đi tu, nhưng chỉ vài ngày sau khi lãnh áo dòng, cha mẹ cô đến tu viện để bắt trở về nhà. Từ lâu, cha mẹ đã có ý gả cô cho vị lãnh chúa tên là Si-mon ở một lâu đài gần đó.

Vốn biết cô con cái cưng không muốn lập gia đình nên cha mẹ cô phải âm thầm chuẩn bị cho hôn lễ của cô. Vào một buổi sáng đẹp trời,bị đánh thức vì có tiếng ồn ào lạ thường trong lâu đài. Vén tấm màn nhìn qua cửa s, cô ngạc nhiên thấy một chiếc xe hoa lộng lẫy đang tiến vào qua chiếc cổng để vào đậu trong sân trước nhà. Hỏi đầy tớ, cô mới biết gia đình đang chuẩn bị lễ cưới rất hoành tráng cho cô. Kế đó, các người hầu đã vào phòng để trang điểm cô dâu và cho cô mặc chiếc áo cưới xinh đẹp. Họ đưa cô xuống nhà nguyện của lâu đài. Nơi đây đã có đông đủ quý khách, và linh mục tuyên úy của lâu đài nghiêm chỉnh chờ sẵn.

Nghi lễ đến phần giao ước. Vị chủ tế hỏi Ô-ĐÉT có muốn nhận Si-mon làm chồng theo luật Giáo Hội không? Cô đã dõng dạc tuyên bố: “Con không nhận lãnh chúa Si-mon cũng như bất cứ người nào làm chồng, bởi vì tất cả tình yêu và đức tin của con, con đã hiến dâng cho Chúa Ki-tô từ lâu rồi. Vì thế, không một tình yêu nào, cho dù sự hăm dọa có thể tách con khỏi tình yêu Chúa Ki-tô là bạn trăm năm duy nhất của đời con”.

Sáng hôm sau, không thấy con gái xuống vườn đi dạo như thường lệ, cha cô gõ cửa vào phòng của con thì thấy Ô-ĐÉT gục đầu trên bàn trang điểm với vũng máu tươi trước mặt. Ông rất đau lòng và hiểu được ý định của Ô-ĐÉT: Vì muốn hủy hoại sắc đẹp của mình nên cô đã dùng dao làm biến dạng chiếc mũi xinh đẹp của cô. Khi hồi tỉnh lại, được hỏi tại sao phải làm như vậy? Cô thản nhiên đáp: “Như thế sẽ không ai còn cấm cản con bước theo làm môn đệ Chúa Ki-tô nữa”.

Thật vậy, khi vết thương đã lành, cô được bề trên cho nhập vào tu viện cũ, và sau thời gian khấn trọn 3 năm, nữ tu Ô-ĐÉT đã được chị em trong dòng bầu lên làm tu viện trưởng, đang khi cô mới được 23 tuổi đời.

2) LÒNG HY SINH TẬN TỤY CỦA MỘT BỀ TÔI TRUNG THÀNH:
GII T THÔI người nước Tần, đời Xuân Thu Chiến Quốc, là bầy tôi trung thành của công tử Trùng Nhĩ. Khi công tử Trùng Nhĩ phải lưu vong nơi đất khách quê người, lương thực đã cạn kiệt, công tử lại không thể ăn những loại rau hoang cỏ dại trong rừng. Giới Tử Thôi đã lén cắt thịt đùi của mình nấu canh cho Trùng Nhĩ ăn. Về sau Trùng Nhĩ khôi phục lại nghiệp cả, làm vua nước Tần, Giới Tử Thôi xin về làng ở ẩn, chứ không hề kể công lênh ngày xưa.

Trùng Nhĩ dù sau đó có làm vua thì cũng chỉ là vua trần gian, mà Giới T Thôi còn dám bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chịu khổ cực theo hầu, hơn nữa còn hy sinh cả bản thân để phụng sự chủ, thì Chúa Giê-su chính là Vua Thiên Sai, Đấng đã yêu thương chúng ta đến nỗi bằng lòng chịu chết cứu độ chúng ta, lẽ nào chúng ta lại không dám hy sinh từ bỏ mọi sự và mạng sống mình để nên môn đệ của Người?

3) LÒNG HY SINH PHỤC VỤ ĐẤT NƯỚC CỦA NEN-SƠN MĂNG-ĐE-LA:
NEN-SƠN MĂNG-ĐE-LA (Nelson Mandela), một người thông minh muốn lập nghiệp như mọi người khác. Một thương gia kia, qua lăng kính của luật cung cầu, đã nói với Măng-đe-la: "Tất cả là tiền bạc. Bởi vì giàu sang và tiền bạc đồng nghĩa với hạnh phúc. Bạn phải chiến đấu cho tiền bạc và không gì ngoài tiền bạc. Một khi bạn có đủ tiền bạc, bạn sẽ không còn muốn điều gì khác trên đời". Nếu Măng-đe-la làm theo lời khuyên đó, ông có thể đã làm nhiều điều tốt phục vụ bản thân. May mắn thay cho nước Nam Phi, thay vì lo cho mình, Măng-đe-la đã cống hiến cả cuộc đời để phục vụ đất nước.

Để làm điều đó, Nen-sơn đã phải hy sinh, ông viết: "Đối với tôi, không phải dễ dàng gì khi phải xa lìa vợ con, giã từ những ngày tươi đẹp hạnh phúc. Sau một ngày làm việc ở văn phòng, tôi có thể quay về với gia đình để ăn bữa tối, thì tôi lại bị cảnh sát liên tục săn đuổi, phải xa cách những người thân yêu nhất, phải đối diện liên tục với những bất trắc như có thể bị bắt. Nen-sơn đã từng bị bắt và bị 27 năm trong cảnh tù đày vì lòng yêu nước. Ông đã trở thành vị tổng thống vĩ đại của nước Nam Phi.

4) TÔI LÀ THỨ BA:
GHÊN SÊ-Ơ (Gale Sayers), một cầu thủ chơi ở hàng hậu vệ của đội banh CHI-KÊ-GÔ BE-Ơ (Chicago Bears) vào thập niên 1960, được đánh giá là một trong những hậu vệ chạy nhanh nhất trong làng bóng đá chuyên nghiệp Hoa kỳ. Chung quanh cổ của cậu lúc nào cũng đeo lủng lẳng một chiếc mề đay bằng vàng, trên có khắc ba chữ “I am Third” nghĩa là “Tôi là thứ Ba”. Khi được hỏi lý do, anh đã cho biết như sau: “Chúa là thứ Nhất, tha nhân là thứ Hai, và tôi là thứ Ba”. Trong quyển tự thuật đời mình, Ghên viết: “Tôi cố gắng sống câu nói ghi trên tấm mề đay của tôi. Không hẳn lúc nào tôi cũng sống được như vậy. Nhưng dù sao việc đeo câu ấy cũng giúp tôi khỏi đi trệch đường quá xa” (Theo Mark Link SJ).

5) MƯỜI NĂM LÀM VIỆC VẤT VẢ TRẢ GIÁ CHO ƯỚC MƠ ĐỔI ĐỜI:
AN-TOAN-NÉT (Antoinette) là một cô gái có sắc đẹp nhưng lại lâm cảnh nghèo khó. Điều mơ ước duy nhất của cô là phải trở thành người giàu có, và cô nghĩ cách dễ nhất để được giàu nhanh là lấy được một anh chồng giàu. Nhưng rủi thay khi cô lấy chồng thì người chồng của cô có dáng vẻ bên ngoài sang trọng, nhưng thực sự cũng chỉ là một người thường dân. Thất vọng và chán nản, cô chẳng còn thiết làm gìcũng chẳng muốn đi đâu. Một hôm, An-toan-nét qua người bạn thân, cô đã nhận được thiệp mời đến dự một bữa tiệc gồm toàn những người quý phái khiến cô rất mừng. Nhưng cô lại không có y phục xứng hợp và nữ trang quý phái. Tuy nhiên cô cũng biết thu xếp rút hết khoản tiền tiết kiệm ra mua một bộ váy áo đẹp; cô cũng đến với Ma-ry bạn học cũ mượn được một chiếc vòng nạm kim cương.
Thế là An-toan-nét đã xuất hiện tại bữa tiệc với dáng vẻ xinh đẹp và sang trọng. Mọi cặp mắt đều đổ dồn về cô khiến cô rất sung sướng. Tuy nhiên khi tiệc tàn, trở về nhà, cô hoảng hốt khi biết chiếc vòng nạm kim cương đã bị rơi từ lúc nào cô cũng không hay. Tìm tới tìm lui nhiều lần mà vẫn không thấy. Chẳng còn cách nào khác, cô đành phải đi vay 40 ngàn quan với lãi xuất cao để ra tiệm kim hoàn mua một chiếc vòng kim cương giống y như cái đã mượn để trả lại cho Ma-ry. Vì hai chiếc vòng rất giống nhau nên cô bạn Ma-ry không thắc mắc gì cả. Từ đó trở đi, An-toan-nét đã phải làm đủ mọi công việc để kiếm tiền trả nợ. Mãi 10 năm sau, cô mới trả xong hết nợ. Nhưng bấy giờ trông cô già và không còn vẻ đẹp quyến rũ như trước.
Một hôm hai cô bạn An-toan-nét và Ma-ry tình cờ gặp nhau:
- Ồ kỳ này sao trông bạn già đi và tiều tụy như thế? Ma-ry giật mình hỏi.
- Tất cả nguyên nhân là tại bạn đó.
- Sao lại tại tôi?
An-toan-nét kể rõ đầu đuôi sự việc. Nghe xong Ma-ry nói:
- Trời ơi tội nghiệp cho bạn quá. Chiếc vòng nạm kim cương của tôi cho bạn mượn là đồ giả. Giá chỉ có 400 quan thôi.
Thế là An-toan-nét đã được Ma-ry trả lại 39.600 quan. Cô đột nhiên trở thành một người giàu có. Nhưng cô đã phải trả giá để có số tiến đó bằng 10 năm làm việc quần quật khiến thân hình tiều tuỵ cùng với vẻ mặt già nua. Nếu An-toan-nét sớm biết bằng lòng với số phận và đừng ham trèo quá cao thì cô đã không phải trả một cái giá quá đắt như vậy!

3. SUY NIỆM:
Trong Tin Mừng hôm nay, có hai cụm từ cần phân biệt là "đi theo" và "làm môn đệ": "Khi ấy có rất đông người đi theo Chúa Giêsu. Ngài quay lại bảo họ: Ai không dứt bỏ... thì không thể làm môn đệ tôi. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi thì không thể làm môn đệ tôi"... Qua đó cho thấy: rất đông người "đi theo" Chúa Giê-su, nhưng không phải mọi người đều có thể trở thành "môn đệ" của Người.

1) ĐIỀU KIỆN ĐỂ TRỞ THÀNH MÔN ĐỆ ĐỨC GIÊ-SU?

a) Một là phải có tinh thần siêu thoát từ bỏ: Mọi thành quả trên trần thế này, đều đòi hỏi nỗ lực, kiên trì cố gắng mới có thể đạt thành quả mỹ mãn. Chẳng hạn: một lực sĩ muốn chiếm huy chương vàng thế vận hội Ô-lym-pic, phải hy sinh tập luyện ngày đêm trong thời gian dài mới hy vọng chiếm được huy chương danh dự. Một người mẫu muốn có thân hình thon gọn, với ba vòng chuẩn, đòi phải ăn uống kiêng khem và tập thể dục hằng ngày… Chỉ cần lơ là một chút là thân hình sẽ bị mất vẻ thẩm mỹ ngay. Cũng thế, một sinh viên muốn thi đậu và đậu thủ khoa trong trường Đại học, hay muốn trở thành bác sĩ, luật sư… cũng phải trải qua bao năm dùi mài kinh sử. Ngoài ra, những người bệnh cao huyết áp do có nhiều chất Cholesterol trong máu hay bị bệnh thừa cân béo phì… cũng phải theo chế độ ăn kiêng vất vả trong một thời gian dài mới có thể giảm cân và tránh bị đột quỵ.

- Còn các tín hữu chúng ta: Nếu muốn trở thành những người môn đệ của Chúa Giê-su và hy vọng sau này được về trời hưởng hạnh phúc đời đời với Chúa, đòi chúng ta phải hy sinh từ bỏ theo lời dạy của Chúa Giê-su: Ai đến với tôi mà không ghét bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được”.

- Ghét bỏ trong câu nói của Đức Giê-su nghĩa là gì? Vì tiếng Do thái không có thể văn so sánh hơn kém, nên người Do thái thường dùng lối văn song đối như: "yêu và ghét bỏ". Ghét bỏ chỉ có nghĩa là yêu ít hơn. Câu này tương đương với câu Chúa nói trong Tin Mừng Mat-thêu như sau: "Ai yêu cha mẹ hơn Thầy thì không xứng đáng với Thầy" (Mt 10, 37). Qua đó, Đức Giê-su đòi những ai muốn làm môn đệ của Người phải tôn Người lên hàng đầu, trên cả tình yêu dành cho người thân như: cha mẹ, vợ con, anh em, chị em và trên cả mạng sống mình nữa. khi cần chọn một trong hai thì người môn đệ phải ưu tiên chọn Đức Giê-su.

b) Hai là phải vác thập giá mình mà theo Đức Giê-su: Thập giá ở đây được ví như một cây gậy đi đường rất hữu ích cho một vận động viên leo núi: Vì nếu không có cây gậy dò đường và chống đỡ thì họ sẽ dễ bị mệt mỏi, chán nản bỏ cuộc nửa chừng và có thể còn bị tai nạn rơi xuống vực thẳm nữa. Nhờ biết bỏ đi những rào cản, người môn đệ mới dễ vác thập giá mình mà theo Đức Giê-su.

Người tín hữu cần biết chấp nhận thập giá là các thử thách gặp phải như: Bị kẻ gian giật điện thoại, cướp xe cộ… chúng ta sẽ không quá buồn phiền. Hoặc khi có cha mẹ, vợ chồng hay người thân qua đời… Chúng ta cũng không quá đau buồn buông xuôi mọi sự. Khi làm ăn thua lỗ, thi rớt đại học, bị người yêu bỏ rơi… chúng ta cần bình tĩnh đón nhận, vác thập giá đó để nên môn đệ Đức Giê-su.

c) Ba là phải khôn ngoan và kiên trì theo Chúa đến cùng: Khôn ngoan suy tính xem mình có thể đáp ứng được những đòi hỏi để theo Đức Giê-su hay không. Giống như một người muốn xây một cây tháp phải khôn ngoan suy nghĩ về khả năng tài chính của mình. Hoặc như một ông vua trước khi xuất chinh phải biết đánh giá tình hình để có quyết định phù hợp. Có thể sau khi đi theo Chúa nhiều người vẫn bị nản lòng bỏ Chúa khi găp hoàn cảnh khó khăn. Khi đó hãy nhìn gương của các tông đồ: ban đầu các ông theo Đức Giê-su là để hy vọng sẽ được chia sẻ quyền lực địa vị trong Nước Trời mà Người sắp thiết lập. Nhưng Đức Giê-su đã dần dần thanh luyện suy nghĩ của các ông. Nhưng phải đợi đến sau khi Chúa phục sinh, nhờ ơn Thánh Thần, các ông mới hiểu rõ điều kiện để đi theo làm môn đệ Chúa; và can đảm từ bỏ mọi sự. JOHN NEWTON đã nói: "Những khổ sở mà đời ta phải chịu cũng giống như một bó củi rất to và rất nặng. Chắc chắn ta vác không nổi. Nhưng Thiên Chúa đã thương tháo dây bó củi đó ra, rồi chia nhỏ nó ra để mỗi ngày Người chỉ chất lên vai chúng ta một khúc thôi... Cuối cùng ta cũng vác xong hết bó củi. Thế nhưng, nhiều người lại không làm như vậy: chẳng những họ chất lên vai khúc củi của hôm nay, mà còn thêm vào đó khúc củi của hôm qua và của cả ngày mai. Nên họ đã không thể vác nổi!".

2) CHÚNG TA PHẢI LÀM GÌ ĐỂ NÊN MÔN ĐỆ THỰC SỰ CỦA ĐỨC GIÊ-SU?

a) Mỗi ngày phải tập từ bỏ: Có những điều xấu chúng ta phải từ bỏ như: rượu chè, ma túy, trụy lạc... Tuy nhiên cũng có những điều tốt mà chúng ta vẫn phải từ bỏ để chọn điều tốt hơn như: Bỏ nghề đang làm để làm nghề mới phù hợp với ơn gọi tu sĩ, chọn ngành học vừa hợp với khả năng lại vừa phù hợp với ơn Chúa kêu gọi... Từ bỏ thường làm ta cảm thấy tiếc nuốicần tinh thần hy sinh mới làm được. Chẳng hạn: Từ bỏ chiếc giường êm ấm để thức dậy đi lễ sáng; Từ bỏ một cuốn phim hay đang xem trên Ti-vi để đọc kinh tối chung gia đình... Cuộc sống hôm nay cho chúng ta nhiều cơ hội chọn lựa. Bình thường, người ta dễ chọn cái tầm thường hơn điều cao cả; Chọn khoái lạc thấp hèn hơn là hạnh phúc vững bền; Chọn ích kỷ có lợi cho bản thân hơn chọn ích chung tập thể.

b) Phải dứt khoát chọn đi con đường hẹp: Từ bỏ chính là chọn vào Nước Trời ngang qua cửa hẹp cùng với Đức Giê-su. Đây là một cuộc chiến lâu dài và gian khổ: Sự từ bỏ ở đây không phải chỉ cần làm một lần là đủ, nhưng phải không ngừng từ bỏ. Cần từ bỏ noi gương Đức Giê-su, Đấng đã từ bỏ trời cao để xuống trần gian, trở thành con loài người, tự nguyện sống nghèo khổ, sẵn sàng chịu chết đền tội thay loài người. Nhất là từ bỏ ý riêng để vâng theo ý Chúa Cha.

c) Phải quyết tâm từ bỏ thói xấu ích kỷ: Người môn đệ Đức Giê-su cần luôn sống vị tha bác ái, quên mình dấn thân phục vụ cộng đoàn, nhất là phục vụ những người nghèo khó, bệnh tật và bị bỏ rơiSống yêu thương là dấu hiệu của người môn đệ đích thực của Đức Giê-su như Người đã nói: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy, là chúng con yêu thương nhau” (Ga 13,5).

4. THẢO LUẬN: 1) Nếu phải từ bỏ tất cả những gì đang có như tiền bạc, địa vị, đam mê... để thành môn đệ Đức Giê-su, thì theo bạn, từ bỏ điều nào khó nhất? 2) Khi người yêu thù ghét đạo công giáo, không muốn cử hành lễ hôn phối tại nhà thờ thì bạn nên làm gì?

5. NGUYỆN CẦU:
Lạy Chúa Giê-su. Chúa đã nhiều lần dạy chúng con rằng: Muốn trở thành môn đệ của Chúa thì chúng con phải từ bỏ ý riêng và vác thập giá là chu toàn các việc bổn phận hằng ngày mà đi theo Chúa. Chúa ơi, đây quả thật là một điều cam go và không dễ thực hiện chút nào ! Bởi vì con cảm thấy dường như lúc nào cũng có những thập giá đè nặng trên vai con: bệnh tật, đau khổ, công việc, sự vất vả hy sinh, mất mát và thất bại... Xin giúp con sẵn sàng vác cây thập giá đời con, vì tin rằng chính Chúa cũng đang vác thập giá đi trước con và hằng ban ơn nâng đỡ, giúp con đủ sức vác thập giá đời mình để đi theo Chúa đến trọn cuộc đời.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
 

Chúa nhật tuần lễ thứ 23 thường niên C
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 14, 25-33).

Khi ấy, có nhiều đám đông cùng đi với Chúa Giêsu, Người ngoảnh lại bảo họ rằng: “Nếu ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Ta. Còn ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta.

“Có ai trong các ngươi muốn xây tháp mà trước tiên không ngồi tính toán phí tổn cần thiết, xem có đủ để hoàn tất không? Kẻo đặt móng rồi mà không thể hoàn tất, thì mọi người xem thấy sẽ chế giễu người đó rằng: ‘Tên này khởi sự xây cất mà không hoàn thành nổi’.

“Hoặc có vua nào sắp đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên không ngồi suy nghĩ xem mình có thể đem mười ngàn quân ra đương đầu với đối phương dẫn hai mươi ngàn quân tiến đánh mình chăng? Bằng chẳng nổi, thì khi đối phương còn ở xa, vua ấy sai một phái đoàn đến cầu hoà. Cũng thế, bất kỳ ai trong các ngươi không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta”.

Suy niệm

Là một con người, ai cũng có những hoài bão, những ước mơ, có những hoài bão giúp con người trưởng thành và có một tương lai bình an, hạnh phúc, cũng có những hoài bão như là ảo tưởng, làm cho con người quên đi chổ đứng của mình, đồng thời đánh mất phẩm giá của bản thân khi cố gắng thực hiện hoài bão đó. Cũng có những con người mang theo bên mình vào đời những ước mơ rất đơn sơ, chân thành, nhưng cũng có những con người sống với những ước mơ thật lớn lao, nhiều lúc còn quá mông lung, vì thế, cuộc đời của họ luôn ngập tràn những kế hoạch ảo tưởng, quên mất phút giây hiện tại của mình. Phụng vụ Lời Chúa tuần lễ thứ 23 thường niên, gợi nhắc cho các Kitô hữu hãy ý thức về ước mơ và hoài bão được làm con Thiên Chúa. Làm con Thiên Chúa không dừng lại nơi những nghi thức, những lễ hội, những truyền thống rước xách và kinh kệ lâu giờ, nhưng làm con Chúa hôm nay, hãy tập quên dần những cá tính bản thân, để sống và phục vụ cho tha nhân, hãy tập quên đi cái tôi của mình, để sống và làm việc trong cánh đồng truyền giáo của Thiên Chúa.

Thiên Chúa vẫn mãi là một đấng siêu hình, thiêng liêng, nhưng rất gần gũi với con người, nhiều lúc con người như gần được đụng chạm vào Ngài, nhưng cũng có những lúc, Ngài như biến mất trong cuộc đời của con người. Tác giả sách Khôn Ngoan trong bài đọc 1 đã khuyên bảo những ai chấp nhận vai trò là con Thiên Chúa, thì hãy mở lòng, sống khiêm tốn, bởi con người sao có thể biết và hiểu được ý định cũng như kế hoạch của Thiên Chúa, chỉ còn một con đường duy nhất là tỉnh thức, để nhận ra đâu là thánh ý Thiên Chúa và đâu là kế hoạch của con người: “Ai trong loài người có thể biết được ý định của Thiên Chúa? Hay ai có thể suy tưởng được sự Thiên Chúa muốn? Vì những ý tưởng của loài hay chết thì mập mờ, và những dự định của chúng tôi đều không chắc chắn. Vì xác hay hư nát làm cho linh hồn ra nặng nề, và nhà bụi đất làm cho lý trí hay lo lắng nhiều điều ra nặng nề”. Không thiếu những biến cố, những câu chuyện cuộc đời, con người đã gán ghép cho là thánh ý Chúa, là thiên tai, nhưng kỳ thực, đó là nhân tai, là kế hoạch tham vọng của nhân loại. Dầu vậy, Thiên Chúa vẫn im lặng, vẫn lắng nghe và vẫn luôn cúi xuống, luôn đợi chờ và mong được tha thứ cho con người.

Giáo hội là một cộng đoàn gồm những người tội lỗi, cùng giúp nhau, cùng nâng đỡ nhau từng ngày để nên thánh. Vì thế, đón nhận nhau như anh em trong một gia đình, là một thách đố lớn của người tín hữu, bởi họ chỉ là người xa lạ, nay phải chấp nhận đó là anh chị em của mình. Thánh Phaolô rất tế nhị khi gởi gắm một người học trò cho người môn đệ của mình là Phi-le-mon, thánh nhân không cầu khẩn, không van nài, nhưng thánh nhân tin rằng người môn đệ của mình hiểu được giá trị của việc từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Thầy Chí Thánh là Đức Giêsu, Do đó, tâm tình của bài đọc 2 là một lời mời trân trọng của thánh Phaolô dành cho Phi-le-mon, hãy đón nhận người anh em của mình: “Con thân mến, Phaolô già nua, và hiện đang bị cầm tù vì Ðức Giêsu Kitô, cha nài xin con cho Ô-nê-si-mô, đứa con cha đã sinh ra trong xiềng xích. Cha trao nó lại cho con. Phần con, con hãy đón nhận nó như ruột thịt của cha. Cha cũng muốn giữ nó lại để thay con mà giúp đỡ cha trong lúc cha bị xiềng xích vì Tin Mừng. Nhưng vì chưa biết ý con, nên cha không muốn làm gì, để việc nghĩa con làm là một việc tự ý, chớ không vì ép buộc”. Cuộc sống đang yên lành, nay có thêm thành viên mới, có thể đảo lộn mọi thứ, vì thế, thánh Phaolô đã khuyên bảo học trò mình, hãy vì những giá trị của Tin mừng, đón nhận người anh em mới với sự trân trọng và yêu thương. Đón nhận một điều gì mình không thích, hay không phù hợp, là một thách đố lớn với con người trong thời đại đề cao chủ nghĩa cá nhân. Bất cứ ơn gọi nào cũng đang đối diện với xu hướng xã hội này, vì thế, Mẹ Giáo hội không thiếu những lần đã nuốt nước mắt vào trong chỉ vì tham vọng, quyền bính và địa vị mà chính anh em trong gia đình chỉ trích, khích bác lẫn nhau và tìm cách hạ bệ nhau.

Đọc lại đoạn tin mừng của tuần lễ thứ 23 thường niên này, chắc nhiều người không khỏi trăn trở, bởi lời dạy của Thiên Chúa hoàn toàn trái nghịch với xu hướng của thế gian hiện tại. Chạy tìm địa vị, luồn lách để đạt được tham vọng, dẫm đạp lên tha nhân để tiến thân, là những câu chuyện đang diễn ra thường ngày, thậm chí trong cả tôn giáo. Vậy thì làm sao để từ bỏ mình, làm sao để vác thập giá cuộc đời mình được, nếu không can đảm loại trừ chủ nghĩa cá nhân và toan tính thế gian ra khỏi đời phục vụ của người môn đệ Đức Giêsu. Lời dạy của Ngài vẫn còn đó, giáo huấn của Ngài vẫn song hành với Giáo hội đó, thực tế con cái Giáo hội đã và đang sống như thế nào: “Khi ấy, có nhiều đám đông cùng đi với Chúa Giêsu, Người ngoảnh lại bảo họ rằng:Nếu ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Ta. Còn ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta”. Nhiều môn đệ theo Chúa, nhiều môn đệ xưng danh là học trò của Đức Giêsu, nhưng bước vào thế giới, họ đã và đang sống như là một Kitô hữu vô thần. Chắc không xa lạ lắm với những quan niệm thế tục của người tín hữu hôm nay, bởi để sống giữa đám sình lầy mà không nghe mùi bùn thì quả là một thách đố lớn, một cố gắng không mệt mỏi trong từng ngày.

Đi ngược chiều trên một con đường trong cuộc sống là một điều bất thường, sống ngược lại với những xu hướng của xã hội hôm nay lại càng bất thường hơn. Vậy mà Thiên Chúa lại đòi buộc người môn đệ Ngài phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mỗi ngày, quả thực là một đòi hỏi không đơn giản, nào là thế giới đang đề cao chủ nghĩa cá nhân, nào là xã hội đang tìm đủ mọi phương cách để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cuộc sống của mỗi người. Tất cả đều cho nhu cầu con người, vậy thì làm thế nào để từ bỏ chính mình được, làm thế nào để vác trên vai thập giá trách nhiệm của bản thân được, khi mà tinh thần trách nhiệm không còn được trân trọng và được đón nhận như là một giá trị của con người. Thách đố từ xã hội ảnh hưởng rất lớn tới ơn gọi Kitô của người tín hữu hôm nay. Nếu không có cố gắng nhiều từ bản thân, nếu không có niềm tin sâu đậm, nếu không có đời sống cầu nguyện, người tín hữu khó có thể đón nhận những lời mời của Con Thiên Chúa làm người.

Tới nhà thờ tham dự Thánh lễ, cùng cộng đoàn cử hành các bí tích, người tín hữu nhiều lúc đã rơi vào trạng thái dửng dưng, bởi khi tham dự Thánh lễ mà không có niềm tin và lòng mến, chắc sẽ khó gặp gỡ một Thiên Chúa thánh thiêng nơi Thánh Thể, nếu không có lòng mến và khát vọng nên thánh, chắc sẽ khó nhận ra những đặc sủng từ các bí tích họ được lãnh nhận. Những vướng bận đó sẽ là những cạm by đưa người tín hữu rơi vào tình trạng không chấp nhận thập giá trách nhiệm và bổn phận của chính mình, họ sẽ tham dự với một tâm thái bất an và dửng dưng. Cùng với những khó khăn về tinh thần, người tín hữu còn đối diện với bao nỗi khó khăn về việc mưu sinh. Nhiều áp lực từ công ăn việc làm, tạo nên một sự mệt mỏi tinh thần, một thể xác thiếu sức sống, một ý chí đang bị bào mòn vì gánh nặng cuộc sống, làm sao họ có thể đến với Chúa với một trái tim bằng thịt, với một lòng mến sâu đậm và một tinh thần quảng đại được. Thiên Chúa chắc sẽ không thua lòng quảng đại và sự hy sinh của con người, Ngài đọc được tất cả từ đôi mắt của một người yêu, Ngài đợi chờ một chút cố gắng từ con người. Hãy cố gắng lên, Thiên Chúa đang đợi chờ chúng ta phía trước, để ban ơn, để chia sẻ và để ủi an.

Lạy Chúa Giêsu, phận người lắm khổ đau, nhiều gian truân, Chúa đã biết, xin giúp chúng con cố gắng mỗi ngày một chút, để cùng với ơn của Ngài, chúng con đón nhận thập giá trách nhiệm và ơn gọi của mình, để thực hiện những gì Chúa muốn. Chúa đã mời chúng con từ bỏ chính mình, là từ bỏ những toan tính theo kiểu thế gian, để tất cả dành cho Chúa hướng dẫn, xin giúp chúng con mở rộng tâm hồn, sống tinh thần phó thác, để Chúa lớn lên trong mọi công việc, mọi bổn phận và mọi hoàn cảnh cuộc đời chúng con. Amen.

THẬP GIÁ LÀ GÌ?

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

“Có rất đông người cùng đi đường với Đức Giêsu. Người quay lại bảo họ: Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em, và cả mạng sống mình nữa thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14, 25-27).

Những lời của Chúa Giêsu nói với đám đông dân chúng đi theo Người quả là “chói tai”. Làm sao có thể sống đúng phẩm vị con người khi dứt bỏ các nghĩa tình tự nhiên của gia đình? Các nhà nghiên cứu Tin Mừng cho chúng ta biết đây là kiểu nói so sánh của người Do Thái thời bấy giờ. Từ bỏ điều gì đó không phải vì nó không tốt nhưng vì nó tốt thua điều sẽ chọn. Đạo hiếu thảo và tình gia đình vốn là tốt nhưng chúng vẫn thua Đấng lập nên chúng. Đến đây chúng ta mới hiểu câu trả lời của Chúa Giêsu khi Phêrô thưa: Này chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy thì Người đã đáp lại ai bỏ nhà cửa, anh chị em… vì Thầy thì sẽ được gấp trăm những gì đã từ bỏ ngay cả ở đời này, cùng với sự ngược đãi và sự sống vĩnh cửu ở đời sau (x.Mc 10,28-30).

Xin đặc biệt đề cập đến nội dung thứ hai như là điều kiện tất yếu để có thể làm môn đệ Chúa Giêsu đó là vác lấy thập giá chính mình. Để có thể hiểu mầu nhiệm thập giá thì chúng ta cần phải nắm rõ thập giá theo tính lịch sử của nó.

Thập giá tự nó là một sự dữ mà đế quốc Rôma dùng như án hình áp đặt lên người dân bị trị. Những ai có quốc tịch Roma như thánh Phaolô thì không bị án hình này. Thời bấy giờ quan Philatô thường áp dụng án hình này để trừng trị nhiều người Do Thái, cách riêng những người “làm cách mạng” chống đối Chính quyền đế quốc đang đô hộ dân tộc họ. Như thế xét về lịch sử thời bấy giờ thì những người phải vác thập giá và chết trên thập giá là những người can đảm hiến dâng mạng sống vì nền độc lập tự do của dân tộc. Và ngược lại thập giá là công cụ để Chính quyền đế quốc kìm kẹp dân bị trị trong kiếp nô lệ.

Chúa Giêsu trên đường rao giảng Tin Mừng đã nhiều lần tiên báo án hình thập giá mà Người phải chịu. Người chấp nhận thập giá không phải là để giải phóng dân tộc Do Thái ra khỏi ách nô lệ của đế quốc Rôma nhưng là để giải thoát mọi người ra khỏi ách nô lệ của thần dữ mà bước vào đời sống tự do của con cái Cha trên trời. Cái giá phải trả cho sự tự do của nhân loại không dễ dàng chút nào. Có khi Chúa Giêsu cương quyết lên Giêrusalem để gánh lấy nó, nhưng Người cũng đã đôi lần xao xuyến và đã đổ mồ hôi pha lẫn máu trong vườn cây dầu (x.Lc 22,44).

Các thế lực bạo quyền ngày nay vẫn còn dùng “thập giá” để kìm kẹp người dân trong cảnh nô lệ. Dù chẳng còn là hai thanh gỗ chéo nhau như xưa, nhưng vẫn là sự bắt bớ, đàn áp dựa trên những chính sách, cơ chế, luật lệ bất chính, bất minh. Vì một nền dân chủ và sự tự do cho quê hương, cho dân tộc thì đã và đang có đó rất, rất nhiều người can đảm vác lấy “thập giá”. Hàng vạn vạn người dân Hồng Kông, cách riêng các bạn trẻ xuống đường biểu tình trong thời gian gần đây dù bị bách hại là một minh chứng điển hình.

Thần dữ vẫn còn giam cầm con người bằng “thập giá” là những nỗi sợ hãi, sợ khổ, sợ khó, sợ hy sinh… để bắt con người mãi mang kiếp nô lệ sự hưởng thụ ích kỷ, làm tôi sự tham lam vô độ, làm đầy tớ các danh vọng chóng qua…

Theo thiển ý, để có thể làm môn đệ Chúa Kitô thì:

- Không được phép đặt “thập giá” lên đầu lên cổ bất cứ ai. Không được kìm hãm tha nhân trong vòng nô lệ dưới bất cứ hình thức nào. Không được góp tay cách trực tiếp hay gián tiếp cho bạo quyền cũng như cho thần dữ.

- Phải can đảm vác lấy thập giá khi sự tự do của bản thân, của tha nhân, của dân tộc… nhất là sự tự do của đời con cái Chúa đòi hỏi chúng ta dõi bước theo chân Thầy Chí Thánh Giêsu.

Thập giá không dễ vác chút nào, chính vì thế cần phải tập luyện dần dần. Ước gì chúng ta biết khởi đi từ việc tập nói không với sự hưởng thụ, tiến đến nói không với sự thỏa hiệp để được an thân, thủ phận và rồi chúng ta sẽ biết nói không, không chấp nhận cảnh kiếp đời nô lệ, vong thân. Và mong sao chúng ta có chút xác tín rằng mình không bao giờ lẻ loi đơn côi khi phải đối diện với thử thách, gian khổ, vì Đấng vác thập giá lên đỉnh đồi Can-vê năm xưa đã chiến thắng ác thần và Người mãi đồng hành với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế (x.Mt 28,20).

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây