TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật XXIV Thường Niên – Năm B

04/09/2021 10:16:24 |   971

Chúa Nhật XXIV Thường Niên – Năm B
 

cn24 tnB

Mc 8, 27-38

 
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XXIV Thường Niên – Năm B


Ca nhập lễ

Lạy Chúa, xin ban bình an cho những ai trông cậy vào Chúa, xin cho các tiên tri của Chúa được trung trực; xin nhậm lời cầu nguyện của tôi tớ Chúa, và của Is-ra-el dân Chúa.

Dẫn vào Thánh lễ

Anh chị em thân mến! Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy: Thánh Phêrô đã thay cho anh em tông đồ đoàn tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, nhưng lời tuyên xưng này chưa có nền tảng là Đức ái, nên cũng dễ bị lung lay và mất gốc. Vì vậy, chính Chúa Giêsu đã nhiều lần khiển trách ông và gọi ông là Satan.

Bài đọc Cựu ước và Tân ước đã đề ra những việc của đức ái, mà Chúa thực hiện một cách cụ thể trong bài Tin Mừng. Nên Thánh Giacôbê tông đồ đã nói: “nếu không có việc làm bằng đức ái là đức tin chết tận gốc rễ”.

Giờ dây, chúng ta khiêm tốn, nhìn nhận những thiếu sót của chúng ta và thành khẩn biểu lộ tấm lòng thống hối trước sự công minh, chính trực của Chúa và với anh em.

Để đức tin được sáng chói nhờ đức ái bồi dưỡng qua sự kết hiệp vổi Thánh Thể Chúa trong Thánh Lễ này.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa là Ðấng sáng tạo và điều khiển muôn loài, xin nhìn đến chúng con và cho chúng con biết tận tình thờ phượng Chúa, hầu luôn được cảm thấy rõ ràng lòng Chúa yêu thương. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Is 50, 5-9a

“Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Thiên Chúa đã mở tai tôi mà tôi không cưỡng lại và cũng chẳng thối lui. Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu. Tôi đã không che mặt giấu mày, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi.

Vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không hổ thẹn: nên tôi trơ mặt chai như đá, tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn. Ðấng xét tôi vô tội ở gần tôi, ai còn tranh tụng với tôi được? Chúng ta hầu toà, ai là kẻ thù địch của tôi, hãy đến đây! Này đây Chúa là Thiên Chúa bênh đỡ tôi, ai dám kết tội tôi?

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 114, 1-2. 3-4. 5-6. 8-9

Ðáp: Tôi sẽ tiến đi trước thiên nhan Chúa trong miền đất của nhân sinh (c. 9).

Xướng: Tôi yêu mến Chúa, vì Chúa đã nghe tiếng tôi cầu khẩn, vì Chúa đã lắng tai nghe lời tôi, trong ngày tôi kêu cầu Chúa.

Xướng: Thừng chão tử thần đã quấn lấy tôi, và màng lưới âm phủ đã chụp trên người tôi; tôi đã rơi vào cảnh lo âu khốn khó. Và tôi đã kêu cầu danh Chúa: “Ôi lạy Chúa, xin cứu vớt mạng sống con!” 

Xướng: Chúa nhân từ và công minh, và Thiên Chúa của chúng ta rất từ bi. Chúa gìn giữ những người chất phác; tôi đau khổ và Người đã cứu thoát tôi. 

Xướng: Bởi người đã cứu tôi khỏi tử thần, cho mắt tôi khỏi rơi lệ và chân tôi không quỵ ngã. Tôi sẽ tiến đi trước thiên nhan Chúa trong miền đất của nhân sinh. 

Bài Ðọc II: Gc 2, 14-18

“Ðức tin không có việc làm là đức tin chết”.

Trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.

Anh em thân mến, nếu ai nói mình có đức tin, mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích gì? Ðức tin như thế có thể cứu được nó ư? Nếu có anh chị em nào không cơm ăn áo mặc, mà có kẻ trong anh em lại bảo họ rằng: “Chúc anh chị em đi bình an, và ăn no mặc ấm”, mà anh em lại không cho họ những gì cần dùng cho thân xác, thì nào có ích gì?

Về đức tin cũng vậy, nếu không có việc làm, là đức tin chết tận gốc rễ. Nhưng có người sẽ nói: “Anh, anh có đức tin; còn tôi, tôi có việc làm”. Anh hãy tỏ cho tôi thấy đức tin không việc làm của anh, và tôi sẽ lấy việc làm mà chỉ cho anh thấy đức tin của tôi.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 5

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống; không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 8, 27-35

“Thầy là Ðấng Kitô. Con Người sẽ phải chịu khổ nhiều”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ đi về phía những làng nhỏ miền Cêsarê thuộc quyền Philipphê. Dọc đường, Người hỏi các ông rằng: “Người ta bảo Thầy là ai?” Các ông đáp lại rằng: “Thưa là Gioan tẩy giả. Một số bảo là Êlia, một số khác lại cho là một trong các vị tiên tri”. Bấy giờ Người hỏi: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?” Phêrô lên tiếng đáp: “Thầy là Ðấng Kitô”. Người liền nghiêm cấm các ông không được nói về Người với ai cả.

Và Người bắt đầu dạy các ông biết Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại. Người công khai tuyên bố các điều đó. Bấy giờ Phêrô kéo Người lui ra mà can trách Người. Nhưng Người quay lại nhìn các môn đệ và quở trách Phêrô rằng: “Satan, hãy lui đi! vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người”.

Người tập họp dân chúng cùng các môn đệ lại, và phán: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta. Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống mình”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Lý tưởng đời Kitô hữu là bước theo Đức Kitô chịu đóng đinh, nên chúng ta đừng để mình bị choáng ngợp trước những quyến rũ của cuộc đời và nản chí trước những thử thách. Muốn được như thế chúng ta cùng dâng lời nguyện xin:

1. “Vì Chúa nâng đỡ tôi nên tôi không hổ thẹn”,– Xin cho các Mục tử trong Hội Thánh, được Chúa Giêsu là Đấng Kitô nâng đỡ, luôn xác tín mầu nhiệm Thập Giá, để dù gặp muôn thử thách, chống đối khi thi hành sứ vụ, vẫn luôn là mẫu gương của lòng trung tín đối với Chúa.

2. “Đức tin không có việc làm là đức tin chết”.– Xin cho các tín hữu, biết thể hiện niềm tin của họ bằng đời sống bác ái, tương trợ tha nhân, để chứng từ của họ là lời mời gọi nhiều người tin theo Chúa.

3. “Satan hãy lui đi, vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người” – Xin cho giới trẻ hôm nay nhận thức rõ ràng và xác thực rằng, Đức Kitô đã chịu khổ nhục cho họ, để biết dành cho Người tình yêu nồng nhiệt, sẵn sàng lướt thắng những đam mê dục vọng, hăng say hiến trọn khả năng và sức lực để tôn vinh Người.

4. “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mà theo Ta?”.- Xin cho từng người trong giáo xứ chúng ta, biết khước từ an nhàn hưỏng thụ và sẵn sàng nghe theo tiếng Chúa phục vụ mọi người.

Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã chấp nhận sống đau thương và chết nhục nhã, để đem lại sự sống đời đời cho chúng con. Xin Chúa nhận những lời chúng con vừa kêu xin và cho chúng con biết kiên trì bước theo Chúa trên đường khổ giá vì mến Chúa và yêu người, Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin nghe lời chúng con cầu nguyện và thương nhận những lễ vật này để hiến lễ mỗi người chúng con dâng mà tôn vinh Danh Thánh, giúp mọi người đạt tới ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Ôi Thiên Chúa, cao quý thay ân sủng của Ngài. Con người ta tìm nương tựa trong bóng cánh của Ngài.

Hoặc đọc:

Chén chúc tụng mà chúng ta cầm lên chúc tụng Chúa, là thông hiệp với máu Chúa Kitô, và tấm bánh mà chúng ta bẻ ra, là thông phần vào mình Chúa.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, xin làm cho sức mạnh của bí tích này tràn ngập chúng con cả hồn lẫn xác, để chúng con không còn sống theo những cảm nghĩ tự nhiên, nhưng luôn theo ơn Thánh Thần hướng dẫn. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Đau khổ
Sưu tầm

Kinh nghiệm cho thấy: Đau khổ là một cái gì gắn liền với thân phận con người. Giáo lý nhà Phật thì cho rằng: Đời là bể khổ mà mỗi người chúng ta là một cánh bèo trôi dạt trên đó.

Tuy nhiên, đau khổ không phải chỉ là một cái gì đáng nguyền rủa và lẩn tránh, trái lại nó còn có một giá trị tích cực, đem lại nhiều lợi ích cho chúng ta như tục ngữ đã bảo: Lửa thử vàng, gian nan thử đức. Hay như Khổng Tử cũng đã bảo: Ngọc không dũa không sáng, người không bị gian nan thử thách, thì cũng khó mà trở nên hoàn thiện.

Cũng trong chiều hướng ấy mà Chúa Giêsu đã phán qua đoạn Tin mừng sáng hôm nay: Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta.

Sau đây tôi xin đưa ra một vài trường hợp cụ thể để nói lên sự thật ấy.

Trường hợp thứ nhất là của O’Neill. Mãi đến năm 23 tuổi, ông vẫn còn là một kẻ thất bại, sống không mục đích, không định hướng, không kỷ luật. Thế rồi ông bị đau và chính nhờ thời gian nằm điều trị tại bệnh viện, ông mới có được dịp may để suy nghĩ và định hướng cho cuộc đời mình. Ông đã khám phá ra tài năng soạn kịch của ông, để rồi ông đã trở thành một người nổi tiếng.

Trường hợp thứ hai là của bà Golda Meir. Lúc ban đầu bà rất thất vọng vì mình chỉ là một cô gái trời bắt xấu. Thế nhưng về sau, bà mới nhận ra rằng: không được đẹp đối với bà lại là một may mắn, bởi vì điều đó đòi buộc bà phải phát triển những tài năng sâu kín hơn. Cuối cùng bà hiểu ra rằng phụ nữ không được ỷ lại vào sắc đẹp của mình, nhưng trái lại phải làm việc chăm chỉ, nhờ đó mang lại lợi ích cho bản thân. Nói cách khác, bà đã biết chấp nhận thập giá của mình, can đảm vác nó lên vai để rồi cuối cùng bà đã trở thành vị nữ thủ tướng đầu tiên của người Do Thái.

Một tác giả nổi tiếng, Oscar Wilde đã viết: Đau khổ chính là mảnh đất thánh. Đức Kitô không thể đi vào tâm hồn chúng ta bằng nẻo đường nào khác ngoài trái tim đã tan nát.

Từ những kinh nghiệm trên, chúng ta đi tới kết luận: Cuộc đời không phải lúc nào cũng chỉ là một mầu hồng, trái lại rất nhiều khi nó bị nhuộm bởi một màu đen với những đau khổ và cay đắng.

Tuy nhiên, dưới ánh sáng Phúc âm, thì đau khổ không nhất thiết sẽ đem lại chết chóc và hủy diệt, bởi vì nó có thể trở nên một nguồn sống. Thiên Chúa thường dùng khổ đau để biến đổi chúng ta thành người tốt lành hơn, thánh thiện hơn, khiêm nhường hơn, cảm thông hơn. Đau khổ có thể mở mắt cho chúng ta thấy được cuộc đời tốt đẹp hơn là chúng ta đã từng mơ ước.

Ngoài ra, đau khổ sẽ giúp chúng ta nhận ra bàn tay yêu thương của Thiên Chúa bởi vì giữa ánh nắng chói chang của mặt trời, chúng ta không thể nào nhìn thấy những vì sao. Trái lại, vào những đêm khuya tăm tối chúng ta sẽ dễ dàng thấy được những ánh sao trên bầu trời. Cũng vậy, nhiều người trong chúng ta đã tìm thấy Chúa giữa những đêm đen của khổ đau, mà trong những lúc hạnh phúc chói chang họ đã quên lãng Ngài. Hãy biết đón nhận thập giá cuộc đời, bởi vì mọi sự đều là hồng ân.

Chúa nhật thứ 24 thường niên -B
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô. (Mc 8, 27-35)

Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ đi về phía những làng nhỏ miền Cêsarê thuộc quyền Philipphê. Dọc đường, Người hỏi các ông rằng: “Người ta bảo Thầy là ai?” Các ông đáp lại rằng: “Thưa là Gioan tẩy giả. Một số bảo là Êlia, một số khác lại cho là một trong các vị tiên tri”. Bấy giờ Người hỏi: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?” Phêrô lên tiếng đáp: “Thầy là Ðấng Kitô”. Người liền nghiêm cấm các ông không được nói về Người với ai cả.

Và Người bắt đầu dạy các ông biết Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại. Người công khai tuyên bố các điều đó. Bấy giờ Phêrô kéo Người lui ra mà can trách Người. Nhưng Người quay lại nhìn các môn đệ và quở trách Phêrô rằng: “Satan, hãy lui đi! vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người”.

Người tập họp dân chúng cùng các môn đệ lại, và phán: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta. Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống mình”.


Suy niệm

Trái tim có thứ ngôn ngữ riêng của nó. Trái tim là biểu tượng của tình yêu, ngôn ngữ của tình yêu đâu có thể nghe được khi đối diện, do đó, để có thể nghe và nói được ngôn ngữ của tình yêu, cần có những khoảng lặng đủ để sống trong tình yêu, để cảm được tình yêu và để thực hiện những gì tình yêu mong đợi. Câu chuyện trong bài Tin mừng Chúa nhật thứ 24 thường niên đưa chúng ta chạm vào ngôn ngữ của tình yêu thực sự. Lời tuyên tín của thánh Phê-rô được khen cách trân trọng, nhưng cũng từ lời tuyên tín đó, suy nghĩ của thánh nhân lại đẩy xa ngài với Đấng ngài tuyên tín. Và câu chuyện đó như đang xảy ra đó đây giữa cuộc sống của các tín hữu Kitô, có cả tôi, có cả bạn và nhiều người đã và đang khoác trên mình chiếc áo Kitô hữu.

Sau những ngày thăng trầm của ơn gọi tiên tri, I-sa-i-a đã phần nào nói lên nỗi niềm của cuộc đời bản thân khi thực hiện ơn gọi đặc biệt đó. Là người hướng dẫn cộng đoàn sống lề luật và tuân giữ những gì Thiên Chúa dạy bảo, ông còn giúp họ chân nhận sự thật của niềm tin khi trong tâm hồn mỗi người có sự hiện diện của Thiên Chúa: “Thiên Chúa đã mở tai tôi mà tôi không cưỡng lại và cũng chẳng thối lui. Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu. Tôi đã không che mặt giấu mày, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi. Vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không hổ thẹn: nên tôi trơ mặt chai như đá, tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn”. Vị tiên tri không hổ thẹn khi nói sự thật, không hổ thẹn khi làm chứng cho sự thật, dù có nguy hiểm đến tính mạng. Người chứng nhân đích thực là người cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa dành cho mình, cảm nghiệm được sự hiện diện của ngài trong hành trình ơn gọi, để khi đối diện với bất cứ cảnh ngộ nào, người chứng nhân đó luôn can đảm, luôn mạnh dạn tôn trọng và bảo vệ sự thật. Người chứng nhân đó là người đã cảm nếm được hương vị của tình yêu mà Thiên Chúa dành cho mình, dù bản thân bất xứng và yếu đuối.

Khi cảm nếm được hương vị ngọt ngào của tình yêu, người chứng nhân sẽ để cho niềm vui của tình yêu đó thẩm thấu vào cuộc đời và ơn gọi của mình. Được ngụp lặn trong chiều sâu của tình yêu đích thực, niềm tin sẽ xác tín và sống động hơn. Thánh Gia-cô-bê trong lá thư mục vụ của ngài, thánh nhân đã bộc lộ sức mạnh của tình yêu qua thái độ sống niềm tin và thực hành những giá trị của Tin Mừng: “Về đức tin cũng vậy, nếu không có việc làm, là đức tin chết tận gốc rễ. Nhưng có người sẽ nói: “Anh, anh có đức tin; còn tôi, tôi có việc làm”. Anh hãy tỏ cho tôi thấy đức tin không việc làm của anh, và tôi sẽ lấy việc làm mà chỉ cho anh thấy đức tin của tôi”. Tình yêu sống động là một tình yêu có việc làm, có thái độ đáp trả và có những hành vi để xây dựng cho tình yêu đơm bông kết trái. Có thể phần nào thấy được hoa trái của tình yêu qua những hành động thiết thực trong đời sống tôn giáo. Niềm tin có tình yêu là vậy, niềm tin có tình yêu đầy sức mạnh, niềm tin có tình yêu đầy nội lực và can đảm, dám lên đường, dám phục vụ và dám hy sinh.

Khuôn mặt cuộc đời của thánh Phê-rô trong bài Tin mừng cũng là khuôn mặt cuộc đời mỗi người tín hữu Kitô. Vừa có những lời tuyên tín thật hùng hồn, thật rõ ràng và thật xác tín, thánh nhân được Thầy Chí Thánh khen ngợi cách trân trọng. chắc ngài cũng vui và hạnh phúc lắm, thế nhưng, sau khi nghe Thầy nói về tương lai của Thầy là thế, thánh nhân mạnh dạn khuyên can Thầy nên tránh xa, bởi đó không phải là con đường của Đấng Me-si-a: “Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ đi về phía những làng nhỏ miền Cêsarê thuộc quyền Philipphê. Dọc đường, Người hỏi các ông rằng: “Người ta bảo Thầy là ai?; Bấy giờ Người hỏi: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?” Phêrô lên tiếng đáp: “Thầy là Ðấng Kitô”. Lời tuyên xưng là thế, đầy xác tín và mạnh mẽ, thế nhưng sau đó, chỉ một lời khuyên can, thánh nhân bị đẩy xuống tận cùng của vực thẳm tội lỗi: “Bấy giờ Phêrô kéo Người lui ra mà can trách Người. Nhưng Người quay lại nhìn các môn đệ và quở trách Phêrô rằng: “Satan, hãy lui đi! vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người”. Lời tuyên xưng thật mạnh mẽ như thế chưa thể nói hết con người và chiều sâu niềm tin của thánh Phê-rô cũng như mỗi người chúng ta. Theo Thầy bấy lâu, nghe Thầy giảng dạy, chứng kiến bao dấu lạ, bao điều kỳ diệu rồi thế mà vẫn là một con người còn mang nặng những suy nghĩ và ý thức khác hẳn cách suy nghĩ của Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ.

Thánh Phê-rô thay mặt anh em tuyên xưng niềm tin vào một Đấng Mê-si-a bên cạnh họ, thế nhưng trong lời nói đó, còn mang chút suy nghĩ của con người, Đấng Cứu Độ nhân loại sẽ đến và giải phóng con người bằng quyền bính, bằng sức mạnh của thần thánh. Đức Giêsu không nằm trong số những anh hùng giải phóng dân tộc theo cách suy nghĩ đó, vì thế, khi nghe Thầy loan báo về con đường khổ nạn, thánh Phê-rô đã can ngăn liền. Đó không phải là cách thế Con Thiên Chúa dùng để cứu độ con người. Và hôm nay suy nghĩ đó vẫn còn ẩn hiện ngay giữa lòng Giáo hội. Suy nghĩ về ơn cứu độ sẽ đến bằng quyền bính, bằng tài năng, bằng sức mạnh thế gian vẫn còn tiềm tàng trong hàng ngũ con cái Thiên Chúa, do đó, tất cả những yếu tố đó vẫn được đặt lên phía trước như là ban phát và bố thí ân sủng của Thiên Chúa cho các tội nhân.

Đức Giêsu đã nghiêm trách Phê-rô và đuổi ông ra phía sau. Chắc nhiều môn đệ thắc mắc và không hiểu vì sao thế. Con đường Đức Giêsu chọn để cứu độ con người là con đường yêu thương, con đường phục vụ và hy sinh, chứ không phải dùng quyền bính hay tài năng. Vì thế, khi báo tin cho các môn đệ, Ngài sẽ lên đường đi vào chiều sâu của tình yêu, đi vào tâm điểm của đời tận hiến, thì các ông chưa một ai có thể hiểu được giá trị và ý nghĩa của con đường đó. Thánh Phê-rô là nạn nhân đầu tiên, và chúng ta hôm nay có thể là những nạn nhân kế tiếp. Hai con đường trong suy nghĩ của hai người khác nhau dù có cùng tên gọi là con đường cứu độ. Một bên cho rằng con đường cứu độ đến từ quyền bính và tài năng, một bên cho rằng con đường cứu độ đến từ tình yêu thương, tha thứ và hy sinh. Bởi những suy nghĩ như thế, nên không thể gặp nhau, không thể đồng hành với nhau trong cùng một con đường có tên gọi là cứu độ trong tình yêu.

Câu chuyện trong bài Tin mừng trên vẫn còn đâu đó trong suy nghĩ của các môn đệ thời hiện đại này. Quyền bính của Giáo hội phải là trên hết, tài năng của con người sẽ giải quyết mọi vấn đề, Giáo hội đang trên đường về trời bằng con đường nào, con đường với những bảng chỉ đường là quyền bính, là tài năng, là địa vị, hay con đường với những bảng chỉ dẫn là tha thứ, là yêu thương, là phục vụ và hy sinh. Quả thực đây là một cuộc chiến đấu nội tâm và trong thực tế hàng ngày. Giáo hội là một tổ chức hữu hình, vì thế cần có lề luật, cần có quyền bính để dẫn dắt và phát triển về mọi phương diện, nhưng mọi yếu tố đó có cần và đủ để đem ơn cứu độ đến cho các linh hồn không, đặc biệt trong đại dịch đầy tang thương này? Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ nhân loại đã đến thế gian, thiết lập Giáo hội bằng một tình yêu vô điều kiện, Ngài đã dạy dỗ, hướng dẫn và chấp nhận một cái chết bất công, không một lời ta thán.

Trả lời cho vấn nạn làm băn khoăn con cái là nên chọn con đường nào để giúp cứu độ tha nhân, Đức Giêsu không đưa ra một kết luận thế này hay thế kia, Ngài dùng hành động thay cho lời nói. Ngài đã chấp nhận cái chết, chấp nhận hy sinh cho tha nhân. Đỉnh cao của tình yêu là dám hy sinh cho người mình yêu. Ngài yêu con người và yêu cho đến cùng. Câu trả lời đó rất nhẹ nhàng nhưng đòi hỏi phải từ bỏ, phải hy sinh cái tôi và tất cả. Một sự chọn lựa đầy nước mắt và hy sinh. Từ đây, chúng ta có thể hiểu được vì sao Đức Giêsu đã lớn tiếng trách mắng thánh Phê-rô và đuổi ngài ra phía sau là thế. Nếu thánh nhân có suy nghĩ trong ý chí giống như lời tuyên xưng, chắc chắn sẽ được đứng bên cạnh Thầy mọi nơi mọi lúc, tiếc là thánh nhân tuyên xưng khác nhưng suy nghĩ ngược lại, vì thế không được đứng bên cạnh Thầy, đặc biệt lúc Thầy bước lên đỉnh cao của tình yêu. Còn tôi và bạn, niềm tin của chúng ta có song hành giữa lời nói và suy nghĩ không, có vậy, ngày mai đây, mới được vào hưởng sự vui mừng của người chủ tốt lành là Thiên Chúa tình yêu.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con có thể tuyên xưng niềm tin của mình cách mạnh mẽ, rõ ràng, nhưng trong suy nghĩ còn có chút lưỡng lự và tính toán, xin Chúa giúp chúng con biết chọn Chúa là gia nghiệp cho cuộc đời mình, để sống cho Chúa và dám chết cho Chúa. Chúa đã gạt bỏ ý riêng của mình để thực hiện ý của Chúa Cha, xin giúp chúng con khi đứng trước những chọn lựa cho niềm tin, biết chọn ý Chúa để sống và phục vụ, để mai ngày được ngụp lặn trong tình yêu và sự tha thứ của một Thiên Chúa tình yêu. Amen.

Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
 

ĐƯỜNG YÊU THƯƠNG
(Chúa Nhật XXIV TN B)

Vì chúng ta, Chúa Kitô đã chịu khổ hình thập giá. Chúa đón nhận thập giá là để nhân loại chúng ta được thứ tha tội lỗi, được giải hòa với Chúa Cha. Nếu Chúa Kitô vác thập giá là để nhân loại chúng ta được hạnh phúc, vậy thì cớ sao Người lại khẳng định rằng ai muốn theo Người thì phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo? (x.Mc 8,34). Vác thập giá là chấp nhận hy sinh, bỏ mình, chấp nhận cả những bất công, nhục hình. Nhiều người Macxit cũng như một vài triết gia thế kỷ ánh sáng đã vin vào điều này để kết án Kitô giáo là một loại thuốc phiện ru ngủ đám đông dân cùng khổ cam chịu cảnh bất công đàn áp với niềm hy vọng sẽ được hưởng phần phúc sau này và thế là đã tạo cớ cho bất công ngự trị, tạo dịp cho kẻ thống trị bốc lột, đàn áp dân nghèo. Dù kết án Kitô giáo, nhưng khi đã nắm được quyền thì người ta lại giương khẩu hiệu rằng nhân dân hãy hy sinh chịu khó, chịu khổ vì một tương lai tươi sáng sau này to đẹp hơn gấp mười lần hôm nay, một tương lai mà nhiều người nhận định rằng chỉ là một viễn ảnh khó thành hiện thực, dĩ nhiên là đối với đám đông dân chúng bị trị. Phải chăng cái khẩu hiệu ấy cũng là một thứ thuốc an thần? Cái vòng lẩn quẩn và cũng là một nghịch lý xem ra khó có câu trả lời.

Không gì hơn là tập chú vào cuộc đời và những lời giảng dạy của Chúa Giêsu Kitô để tìm lời giải đáp cho vấn nạn nêu trên, cho dù biết rằng trong kiếp lữ hành này chúng ta không thể nào đến với sự thật toàn vẹn, vì được mấy ai dám chắc chắn là mình đã mở hết lòng để đón nhận Thần Chân Lý. Trước hết cần khẳng định rằng khi mời gọi chúng ta, mời gọi dân chúng hãy từ bỏ mình, vác thập giá mà theo, thì Chúa Giêsu không hề và không bao giờ muốn chúng ta cúi mình cam chịu cảnh khổ, chịu cảnh bất công cách tiêu cực, làm cớ cho những người bóc lột những kẻ gian ác lợi dụng để vinh thân phì da và ngụp lặn trong tội ác của họ. Việc tìm sự sung sướng hay hạnh phúc trong chính sự đau khổ là điều lệch lạc mà ngày nay người ta gọi đó là một dạng tâm bệnh, bệnh khổ dâm. Một điều chắc chắn không kém: nếu là người cha thực sự thì không bao giờ muốn con cái phải khổ đau. Chúa Giêsu đã từng nói rằng dù chỉ là người cha trần thế với nhiều khiếm khuyết, thế mà sự thường khi con cái xin bánh thì chẳng ai lại ném cho chúng hòn đá. Thiên Chúa là người Cha trên mọi người cha, là Đấng trọn hảo nên Người chỉ muốn và làm điều tốt lành cho con cái (x.Lc 11,9-13; 12,32). Vậy lý giải thế nào về sự hiện hữu của thập giá mà Chúa Giêsu đã gánh trên vai và Người đã minh nhiên mời gọi chúng ta vác lấy để đi theo Người?

Đường yêu thương, con đường làm người chính là chìa khóa giải đáp cho vấn nạn này. “Thiên Chúa là Tình yêu” (1Ga 4,8). Đây không phải là một tình yêu quy ngã nhưng là tình yêu hướng tha từ trong bản thể của cộng đoàn Thiên Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa đã thông chia tình yêu này cho các loài thụ tạo, đặc biệt cho loài người. Rất nhiều triết gia đã đồng thuận về một ý nghĩa của sự hiện hữu là “hiện hữu cho” nơi các loài. Chẳng hạn đất đai khoáng sản có ra là cho thảo mộc cỏ cây; cỏ cây thảo mộc có ra là cho động vật… Yêu thương đích thực thì không sống cho chính mình mà sống cho ai đó và vì ai đó. Chính khi hướng đến tha thể là lúc ta mới thực sự là mình. Chúa Cha thực sự là mình trong tương quan với Chúa Con, trao ban tất cả cho Chúa Con. Ngược lại Chúa Con thực sự là mình khi luôn hướng về Chúa Cha, tìm kiếm và thực hiện ý Chúa Cha, trao ban lại tất cả cho Chúa Cha. Và Chúa Thánh Thần chỉ thực sự là Tình Yêu Ngôi Vị giữa Chúa Cha và Chúa Con khi luôn tìm vinh danh hai Ngôi cực trọng ấy.

Sống trong tương quan liên vị và ra khỏi chính mình là động thái từ bỏ mà Chúa Giêsu đã nhấn mạnh khi khẳng định: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8,35). Như thế thập giá hay những hy sinh, từ bỏ không phải là sự khổ đau mà chúng ta đành phải trả giá theo nghĩa tiêu cực nhưng chính là dữ kiện và có thể nói là điều kiện mà chúng ta phải vượt qua trong tiến trình sống yêu thương, tiến trình thể hiện bản thân mình, vốn là hình ảnh và là họa ảnh của Thiên Chúa Tình Yêu.

Hình ảnh con nhộng lột xác để hóa thành bướm, hình ảnh con rắn lột vỏ để lớn lên vẫn thường được nhiều người gợi lên để minh họa cho ý tưởng này. Mọi so sánh dù cố nhắm làm rõ một khái niệm nào đó, nhưng ít nhiều còn khập khiễng. Lột xác để thành bướm hay lột vỏ để lớn lên thì vẫn có cái gì đó vì chính mình. Trong khi đó chuyện vác thập giá là vì tha nhân. Chúa Giêsu vác thập giá là vì chúng ta. Người chịu khổ hình là để chúng ta được cứu độ, được tự do trong tình con với Cha trên trời. Người tự nguyện nên nghèo khó là để chúng ta nên sang giàu. Và khi sống vì chúng ta, thì Người thể hiện chính Người là Giêsu, Đấng Cứu Độ, là Kitô, Đấng được Thiên Chúa xức dầu, loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó, băng bó những tâm hồn đau thương, giải thoát kẻ bị giam cầm, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng (x.Lc 4,18-19).

“Đức tin không có hành động, thì quả là đức tin chết” (Gc 2, 17). Một trong những hành động để làm sống đức tin theo thánh Giacôbê tông đồ chỉ dạy đó là yêu thương tha nhân cách cụ thể và toàn diện, cả linh hồn lẫn thể xác. Để sống yêu thương thì chuyện vác thập giá là chuyện đương nhiên phải có. Tuy nhiên cần ý thức rằng chúng ta vác thập giá là vì tha nhân, nghĩa là để cho tha nhân được hạnh phúc, cho người nghèo khỏi cảnh khổ, cho người bị áp bức được tự do, cho người tội lỗi biết sám hối ăn năn, cho người gian ác biết quay gót trở về… Hiểu được điều này thì hy vọng chúng ta sẽ biết cách thế vác thập giá như thế nào để thực sự là theo Chúa Giêsu Kitô, chứ không phải là làm cớ cho sự dữ thống trị, làm cớ cho kẻ gian ác thích chí, cười khì.

Nhiều chí sĩ Do Thái thời Chúa Giêsu đã sẵn sàng chấp nhận án hình thập giá vì một nền độc lập tự do cho dân tộc. Vì sự tự do đích thực để con người có thể đến với Đấng Toàn Năng, Người Cha nhân ái như là những người con thì Chúa Giêsu chấp nhận trả giá bằng khổ hình thập tự. Sự tự do không bao giờ là miễn phí cả (freedom never free). Cái giá của sự tự do không hề nhỏ. Trái lại nếu ta cứ mãi cam chịu cảnh đời nô lệ hoặc nô lệ hóa tha nhân cách này thể khác, kể những cách thế sống đức tin kiểu vụ luật, thảy đều là trọng tội đáng trách, có khi là đáng lên án vậy.

Lm Giuse Nguyễn văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây