TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật XXIV Thường Niên – Năm C

07/09/2022 09:47:44 |   909

Chúa Nhật XXIV Thường Niên – Năm C
 

cn24TN C

Lc 15, 1-32


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XXIV Thường Niên – Năm C

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, xin ban bình an cho những ai trông cậy vào Chúa, xin cho các tiên tri của Chúa được trung trực; xin nhậm lời cầu nguyện của tôi tớ Chúa, và của Is-ra-el dân Chúa.

Dẫn vào Thánh lễ

Anh chị em thân mến! Cả ba bài đọc Chúa Nhật XXIV thường C hôm nay, Hội Thánh cho chúng ta một cái nhìn về Thiên Chúa đầy lòng xót thương. Thật thế, trong bài đọc I khi dân Do Thái đúc bò vàng để tôn thờ như Thiên Chúa của mình, chính ông Moisen cũng nổi giận khi xuống núi thấy cảnh tượng ấy và ông đã đập bể Bia Đá, thế mà chỉ một lời cầu xin của ông “Chúa đã nguôi cơn giận, không thực hiện điều dữ mà Ngài đe dọa phạt dân”( Xh.32,14).

Qua bài đọc II Thánh Phaolô tông đồ cũng chứng tỏ Thiên Chúa là Đấng thương xót khi Ngài nói “dù trước kia cha là kẻ phạm thượng, bắt bớ và kiêu căng nhưng cha được Thiên Chúa thương xót” (lTim.l,13a). Đến bài Tin Mừng Chúa Giêsu đưa ra ba dụ ngôn để diễn tả lòng thương xót vô bờ bến của Thiên Chúa.

Chúng ta hãy mở lòng đón nhận lời yêu thương và ơn thánh của Chúa hôm nay, và hãy hối hận vì chúng ta chưa biết sống yêu thương, tha thứ và nhân ái với anh chị em.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa là Ðấng sáng tạo và điều khiển muôn loài, xin nhìn đến chúng con và cho chúng con biết tận tình thờ phượng Chúa, hầu luôn được cảm thấy rõ ràng lòng Chúa yêu thương. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Xh 32, 7-11. 13-14

“Chúa đã nguôi cơn giận, không thực hiện điều dữ mà Người đe doạ phạt dân Người”.

Trích sách Xuất Hành.

Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Môsê rằng: “Ngươi hãy đi xuống; dân mà ngươi dẫn ra khỏi đất Ai-cập đã phạm tội. Chúng đã sớm bỏ đường lối Ta đã chỉ dạy cho chúng, chúng đã đúc tượng bò con và sấp mình thờ lạy nó; chúng đã dâng lên nó của lễ hiến tế và nói rằng: “Hỡi Israel, này là Thiên Chúa ngươi, Ðấng đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập”. Chúa phán cùng Môsê: “Ta thấy rõ dân này là một dân cứng cổ. Ngươi hãy để Ta làm, Ta sẽ nổi cơn thịnh nộ với chúng và sẽ huỷ diệt chúng, rồi Ta sẽ làm cho ngươi trở nên tổ phụ một dân tộc vĩ đại”.

Môsê van xin Chúa là Thiên Chúa của ông rằng: “Lạy Chúa, tại sao Chúa nổi cơn thịnh nộ với dân mà Chúa đã dùng quyền lực và cánh tay hùng mạnh đưa ra khỏi đất Ai-cập? Xin Chúa nhớ đến Abraham, Isaac và Israel tôi tớ Chúa, vì chính Chúa đã thề hứa rằng: “Ta sẽ làm cho con cháu các ngươi sinh sản ra nhiều như sao trên trời. Ta sẽ ban cho con cháu các ngươi toàn cõi xứ này như lời Ta đã hứa, và các ngươi sẽ chiếm hữu xứ này mãi mãi”. Chúa đã nguôi cơn giận, không thực hiện điều dữ mà Người đe doạ phạt dân Người.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 50, 3-4. 12-13. 17 và 19

Ðáp: Tôi sẽ chỗi dậy và đi về cùng cha tôi (Lc 15, 18).

Xướng: Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa, xoá tội con theo lượng cả đức từ bi. Xin rửa con tuyệt gốc lỗi lầm, và tẩy con sạch lâng tội ác. 

Xướng:  Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch, và canh tân tinh thần cương nghị trong người con. Xin đừng loại con khỏi thiên nhan Chúa, chớ thu hồi Thánh Thần Chúa ra khỏi con. 

Xướng:  Lạy Chúa, xin mở môi con, miệng con sẽ loan truyền lời ca khen. Của lễ con dâng, lạy Chúa, là tâm hồn tan nát, lạy Chúa, xin đừng chê tấm lòng tan nát khiêm cung. 

Bài Ðọc II: 1 Tm 1, 12-17

“Ðức Giêsu Kitô đã đến trong thế gian để cứu độ những người tội lỗi”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.

Cha cảm tạ Ðấng đã ban sức mạnh cho cha là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, vì Người đã kể cha là người trung tín, khi đặt cha thi hành chức vụ: dù trước kia cha là kẻ nói phạm thượng, bắt đạo và kiêu căng, nhưng cha đã được Thiên Chúa thương xót, vì cha vô tình làm những sự ấy trong lúc cha chưa tin. Nhưng ân sủng của Chúa chúng ta đã tràn lan dồi dào cùng với đức tin và đức mến trong Ðức Giêsu Kitô.

Lời nói chân thật và đáng tiếp nhận mọi đàng là: Ðức Giêsu Kitô đã đến trong thế gian này để cứu độ những người tội lỗi, trong số ấy, cha là người thứ nhất. Vì thế, cha được hưởng nhờ ơn thương xót, là Ðức Giêsu Kitô tỏ ra tất cả lòng khoan dung trong cha trước hết, để nêu gương cho những ai sẽ tin vào Người hầu được sống đời đời.

Danh dự và vinh quang (xin dâng về) Thiên Chúa độc nhất, hằng sống, vô hình, là Vua muôn đời. Amen!

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 23

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 15, 1-10 {hoặc 1-32}

“Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, những người thâu thuế và những người tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng. Thấy vậy, những người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm rằng: “Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi, cùng ngồi ăn uống với chúng”.

Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này: “Ai trong các ông có một trăm con chiên, và nếu mất một con, lại không để chín mươi chín con khác trong hoang địa mà đi tìm con chiên lạc, cho đến khi tìm được sao? Và khi đã tìm thấy, người đó vui mừng vác chiên trên vai, trở về nhà, kêu bạn hữu và những người lân cận mà nói rằng: “Anh em hãy chia vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên lạc!” Cũng vậy, Tôi bảo các ông: “Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần hối cải.

“Hay là người đàn bà nào có mười đồng bạc, nếu mất một đồng, mà lại không đốt đèn, quét nhà và tìm kỹ lưỡng cho đến khi tìm thấy sao? Và khi đã tìm thấy, bà mời các chị em bạn và những người láng giềng đến mà rằng: ‘Chị em hãy vui mừng với tôi, vì tôi đã tìm được đồng bạc tôi đã mất’. Cũng vậy, Tôi bảo các ông: Các Thiên Thần của Thiên Chúa sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải”.

{Người lại phán rằng: “Người kia có hai con trai. Ðứa em đến thưa cha rằng: ‘Thưa cha, xin cha cho con phần gia tài thuộc về con’. Người cha liền chia gia tài cho các con. Ít ngày sau, người em thu nhặt tất cả tiền của mình, trẩy đi miền xa và ở đó ăn chơi xa xỉ, phung phí hết tiền của. Khi nó tiêu hết tiền của, thì vừa gặp nạn đói lớn trong miền đó và nó bắt đầu cảm thấy túng thiếu. Nó vào giúp việc cho một người trong miền, người này sai nó ra đồng chăn heo. Nó muốn ăn những đồ heo ăn cho đầy bụng, nhưng cũng không ai cho. Bấy giờ nó muốn hồi tâm lại và tự nhủ: “Biết bao người làm công ở nhà cha tôi được ăn dư dật, còn tôi, tôi ở đây phải chết đói! Tôi muốn ra đi, trở về với cha tôi và thưa người rằng: ‘Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha; con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối xử với con như một người làm công của cha’. Vậy nó ra đi và trở về với cha nó. Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy lại ôm choàng lấy cổ nó hồi lâu. Người con trai lúc đó thưa rằng: ‘Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha; con không đáng được gọi là con cha nữa’. Nhưng người cha bảo các đầy tớ: ‘Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu, hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu và xỏ giầy vào chân cậu. Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng, vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy’. Và người ta bắt đầu ăn uống linh đình.

“Người con cả đang ở ngoài đồng. Khi về gần đến nhà, nghe tiếng đàn hát và nhảy múa, anh gọi một tên đầy tớ để hỏi xem có chuyện gì. Tên đầy tớ nói: ‘Ðó là em cậu đã trở về và cha cậu đã giết con bê béo, vì thấy cậu ấy trở về mạnh khoẻ’. Anh liền nổi giận và quyết định không vào nhà. Cha anh ra xin anh vào. Nhưng anh trả lời: ‘Cha coi, đã bao năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn, còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại sai làm thịt con bê béo ăn mừng nó’.

“Nhưng người cha bảo: ‘Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con. Nhưng phải ăn tiệc mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy'”.}

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Khi chúng ta sa ngã. Chúa ban ơn thánh nâng đỡ chúng ta chỗi dậy. Khi chúng ta xa lìa Chúa, Chúa chờ đợi chúng ta trở về… Với tâm tình của một người con yếu đuối, chúng ta dâng lên Thiên Chúa những ý nguyện sau đây :

1. “Chúa đã nguôi cơn giận, không thực hiện điều dữ mà Ngài đe dọa” – Xin cho mọi người biết ăn năn thông hối và đổi mới cuộc đời của mình, để xứng đáng lãnh nhận nguồn hồng ân Thiên Chúa ban cho.

2. “Đức Giêsu Kitô đã đến trong thế gian để cứu độ những người tội lỗi ” – Xin cho hàng Giáo sĩ và các Kitô hữu biết quan tâm và năng lãnh nhận Bí tích Hòa Giải, để góp phần làm cho Hội Thánh ngày càng thăng tiến và thánh thiện.

3. “Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải” – Xin cho những người đang sống trong bế tắc, thất vọng, bệnh tật, khổ đau và bất hạnh, biết đặt trọn niềm tin vào Chúa là Cha nhân từ và tìm được nguồn ủi an nơi chính Ngài.

4. “Ông chạy lại ôm choàng lấy nó và hôn nó hồi lâu ” – Xin cho các tín hữu đã qua đời được hưởng lòng từ bi và thương xót của Chúa.

Chủ tế: Chúa phán : “Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải”. Xin Chúa cho mỗi người chúng con qua sự cầu nguyện liên lỉ, qua công tác tông đồ và qua những việc làm bác ái chúng con, sẽ lôi kéo nhiều anh chị em trở về với Chúa và Giáo Hội. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin nghe lời chúng con cầu nguyện và thương nhận những lễ vật này để hiến lễ mỗi người chúng con dâng mà tôn vinh Danh Thánh, giúp mọi người đạt tới ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Ôi Thiên Chúa, cao quý thay ân sủng của Ngài. Con người ta tìm nương tựa trong bóng cánh của Ngài.

Hoặc đọc:

Chén chúc tụng mà chúng ta cầm lên chúc tụng Chúa, là thông hiệp với máu Chúa Kitô, và tấm bánh mà chúng ta bẻ ra, là thông phần vào mình Chúa.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, xin làm cho sức mạnh của bí tích này tràn ngập chúng con cả hồn lẫn xác, để chúng con không còn sống theo những cảm nghĩ tự nhiên, nhưng luôn theo ơn Thánh Thần hướng dẫn. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Trở thành môn đệ của Chúa
Dã Quỳ
Con đường Chúa Giêsu đang đi là đường tiến về Giêrusalem, nơi cuộc tử nạn thập giá đang chờ Người. Trên con đường ấy, có nhiều người đang đi cùng với Chúa. Đi cùng nhưng có lẽ họ đã chưa thực sự theo và là môn đệ của Chúa! Vì thế, Chúa đã chỉ cho họ biết những điều kiện để trở thành môn đệ. Với mỗi người Kitô hữu, qua Phép Rửa, chúng ta cũng được mời gọi trở thành môn đệ của Chúa. Vậy ta cùng dừng lại để nghe những lời Chúa nhắn nhủ với chính chúng ta hôm nay.

- "Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con. anh em, chị em và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được."- Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta một sự từ bỏ trọn vẹn để gắn bó với Người cách triệt để. Thoạt nghe những lời này, ta cảm thấy như khó chấp nhận và không để thực hiện. Thế nhưng, chúng ta biết rõ rằng Chúa muốn chúng ta yêu thương những người thân của ta. Tình yêu con cái, tình yêu vợ chồng, tình huynh đệ, tình bạn bè... trong sáng đều được Chúa chúc lành và thánh hóa. Nhưng ở đây, Chúa muốn tình yêu chúng ta yêu Thiên Chúa phải là tình yêu lớn nhất, tình yêu vượt qua tất cả tình yêu khác và linh hoạt tất cả. Tình yêu dành cho Chúa là yêu hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn. Như trong Mười Giới Răn ta vẫn đọc "Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự."

Chúa Giêsu khẳng định ai muốn theo Chúa và trở thành môn đệ thì cần yêu mến Chúa hơn bất cứ ai khác, hơn cha mẹ, anh em, vợ chồng. Vì "Ai yêu cha, yêu mẹ hơn Thầy thì không xứng với Thầy."(Mt 10,37) Khi yêu mến Chúa trên hết mọi sự, trái tim chúng ta sẽ rộng mở và rồi ta có thể yêu cha mẹ, anh em với một tình yêu phổ quát, không điều kiện, không biên giới, vô vị lợi chứ không phải chỉ là một tình cảm cỏn con ích kỷ và hẹp hòi!

Vì thế, để theo Chúa Giêsu, chúng ta cần yêu mến Chúa trên hết mọi sự và chọn một mình Chúa là Chủ, là Chúa của đời ta. Thách đố cho chúng ta, nhất là những bạn trẻ Kitô hữu, chúng ta đang sống trong một xã hội đề cao danh vọng, tiền tài... người ta đam mê những cầu thủ bóng đá, những minh tinh màn bạc hay ngôi sao ca nhạc...và xem họ là thần tượng đời mình! Vậy khi được hỏi: Bạn hâm mộ ai nhất? Yêu thích ai nhất? Mỗi người Kitô hữu chúng ta hãy mạnh dạn và thực lòng trả lời: Đó là Chúa Giêsu- Thần tượng của tôi, Đấng tôi hâm mộ, yêu mến nhất. Xin Chúa Thánh Thần trợ giúp và đổ đầy tình yêu của Người vào lòng chúng ta, để dẫu cho cuộc sống đầy dẫy những cám dỗ, khó khăn ngăn cản, ta vẫn một lòng yêu mến Chúa Giêsu và có thể vác thập giá đời mình theo Người.

- "Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được."- Theo Chúa Giêsu, đòi ta trả một giá đắt; cần phải đầu tư không tiếc công sức và tâm trí; cần phải dấn thân trọn vẹn "Vác Thập giá mình". Trong thời đại chúng ta, không còn thấy những cảnh vác thập giá trên đường, nhưng những thính giả của Chúa và những độc giả của thánh Luca thì đã chứng kiến tất cả cảnh những người bị kết án tử phải vác thập giá đến tận nơi người ta đóng đinh mình. Và Chúa Giêsu không quên điều đó vì Người đang trên đường lên Giêrusalem, ở đó, chính Người sẽ trao tặng cho chúng ta khung cảnh đau thương với thân xác tan nát vì roi đòn và thập giá trên vai vác đến tận nơi hành hình Người. Đó là con đường thập giá, con đường của dấn thân và tự hiến, con đường đánh bại tội lỗi, sự dữ và cái chết, con đường dẫn đến vinh quang Phục Sinh vinh hiển của Chúa.

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta, những người Kitô hữu "Vác thập giá mình đi theo Chúa" với lòng trung tín đến cùng trong mọi hoàn cảnh diễn ra trong cuộc sống đời thường. Những đau khổ, khó khăn của cuộc sống Kitô hữu không làm chúng ta ngạc nhiên nữa. Không còn những chịu đựng nhăn nhó, miễn cưỡng...nhưng là nhìn ngắm và đón nhận đau khổ như một sự hiệp thông với Chúa Giêsu, như được tham dự với công trình cứu độ và như một "Bước theo Chúa". Khi chúng ta biết đón nhận những đau khổ, bệnh tật, yếu đuối của bản thân, vất vả lao động, lo toan cho gia đình, .....với lòng quảng đại và tin tưởng, ta sẽ được tràn đầy bình an, hy vọng, vượt thắng được những sợ hãi, những bất công và chia rẽ trong cuộc đời.

Vác thập giá mình theo Chúa là chúng ta đi trên con đường riêng của Chúa Giêsu, con đường mang đến cho nhân loại ơn cứu độ. Khi đối mặt với gian nguy, đau khổ, sự dữ... đáp trả duy nhất của Kitô hữu là hy sinh hiến thân, là trao ban cả cuộc sống riêng, là yêu thương phục vụ. Chúng ta đừng trốn tránh hay quên đi thập giá đời mình nhưng hãy can đảm vác và bước đi trong vui tươi, hạnh phúc. Ta chọn theo Chúa, đón nhận những đau đớn như thập giá trên vai nhưng ta không khổ sở, vì chính thập giá là trường đào luyện ta trở thành môn đệ của Chúa. Chính Chúa Giêsu đã bước đi trên con đường thập giá và ai biết từ bỏ tất cả để đi theo Người, sẽ được tiến vào sự sống vinh quang. Hãy chiêm ngắm Chúa Giêsu, Đấng đi trước và chúng ta theo sau Chúa.

- "Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được."- Từ bỏ là khởi đầu cho một chọn lựa. Chọn lựa ấy đòi chúng ta suy tính và phải bền chí như hai việc Chúa đưa ra là xây dựng và chiến đấu. Theo Chúa, cần có sự suy nghĩ chín chắn. Phải "Ngồi xuống" để tính xem ta cần làm gì, chuẩn bị gì và phải từ bỏ những gì. Chúa muốn chúng ta là suy nghĩ để biết từ bỏ những gì không phù hợp với lối sống của người theo Chúa, chứ không phải tính toán thiệt hơn theo kiểu thế gian. Như thánh Phêrô, nhiều lúc ta cũng so đo với Chúa "Thầy coi, ...chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?" (Mt 19,27) Nhưng ta tin chắc vào phần thưởng mà Chúa Cha nhân lành sẽ ban cho chúng ta là sự sống đời đời làm gia nghiệp và được là con cái của Thiên Chúa tình yêu. Ước gì ta có thể xác tín như thánh Phaolô "Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu-Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô."( Pl 3,8)

Những gì Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta, chính Người đã thực hiện, đã sống và nêu gương cho ta. Chúa đã từ bỏ tất cả vinh quang và địa vị là Thiên Chúa để nhập thể, sống như con người. Chúa đã yêu thương nhân loại đến cùng, đã vác thập giá trong suốt hành trình làm người, đã xuống tận cùng nỗi khổ đau của con người và đã chết trên thập giá để cứu chúng ta. Tất cả chúng ta được mời gọi cách cá nhân trở thành môn đệ của Chúa và bước đi theo Người. Điều kiện để trở thành môn đệ của Chúa là "Yêu mến Người trên hết mọi sự, vác thập giá mình và từ bỏ hết những gì mình có", không dễ thực hiện chút nào! Thế nhưng Chúa không đòi chúng ta thành công, mà Người chỉ mong ta cố gắng. Vậy chúng ta hãy đặt trọn niềm tin vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần để rồi từng ngày, chúng ta có thể trở thành những Kitô hữu trung thành và những môn đệ tốt lành của Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã từ bỏ tất cả để nhập thể, nhập thế; đã vác thánh giá, Tử Nạn và Phục Sinh để cứu độ chúng con. Xin nâng đỡ và giúp sức cho chúng con dám từ bỏ những danh lợi thú thế gian mà can đảm vác thập giá bước theo Chúa. Amen.

CHÚA NHẬT 24C THƯỜNG NIÊN – 2001
(Lc. 15:1-32) Lm Lã Mộng Thường

Bài Phúc Âm nêu lên những dụ ngôn “Con chiên lạc”,” “Đồng bạc đánh mất”,””Người con hoang đàng”, với mục đích giải thích hoặc biện minh cho thái độ chấp nhận những người bị coi là phường tội lỗi theo quan điểm của người thời bấy giờ như đã được ghi lại qua sự nhận xét của những người Biệt phái và Luật sĩ, “Ông nầy đón tiếp những kẻ tội lỗi, cùng ngồi ăn uống với chúng”.

Những câu truyện được ghi lại chỉ là dụ ngôn do đó chúng ta không thể áp dụng theo nghĩa đen như đã được trình bày trong cuộc sống thường ngày nhưng cần phân tích và tìm hiểu Lời Chúa sao cho có thể áp dụng một cách hài hòa nơi hành trình đức tin của mỗi người. Chẳng hạn nơi dụ ngôn con chiên lạc, trong thực tế, không ai bỏ đàn chiên bơ vơ nơi hoang dã đầy thú dữ rình bắt để tìm kiếm một con chiên bỏ bầy đi hoang. Và giả sử có ai ngốc nghếch thực hiện như thế thì có thể khi kiếm được con chiên lạc trở về, sói rừng, hổ báo đã nuốt trọn cả bầy chiên bổ béo. Đồng thời chủ chăn lại mời khách khứa tới chung vui thì chỉ còn cách làm thịt con chiên mới tìm được để thết đãi và thế là mất cả chỉ lẫn chài; tìm được một con chiên lại mất cả đàn chiên. Nơi câu kết luận của dụ ngôn chiên lạc, Phúc Âm ghi, “Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần hối cải”. Điểm chính yếu của dụ ngôn chiên lạc được đặt nơi mấy chữ, “không cần hối cải” khi đem liên kết với giới biệt phái và luật sĩ đã nêu lên lời phê bình thái độ của Đức Giêsu đối với những người được coi là tội lỗi theo quan niệm của họ. Qua những dụ ngôn “Năm cô phù dâu khờ dại”, “Người Pharisiêu và người thu thuế vào đền thờ cầu nguyện”, chúng ta đều hiểu được Phúc Âm lên án những ai không chịu để tâm suy nghiệm Lời Chúa và đồng thời lên án những ai tự cho mình là công chính, chỉ nhìn thấy cọng rác nơi mắt người khác mà không nhận biết chiếc xà nơi chính con mắt của mình. Thử hỏi, những ai trong cuộc đời này không cần hối cải? Và những người xoi mói, vạch lá tìm sâu kẻ khác đã có cuộc sống như thế nào? Những người không cần hối cải là bất cứ ai không những tự cho mình công chính mà còn có thái độ của những người biệt phái và ký lục, tưởng rằng cứ tuân theo hình thức của một số lề luật thì sẽ được cứu độ. Đây chính là thái độ của những người nhắm mắt cho rằng mặt trời không soi sáng. Đức Giêsu không đặt ra bất cứ lề luật nào. Tất cả lề luật chỉ là sản phẩm của con người và vì lợi ích cũng như đem lại trật tự cho con người nơi cuộc sống trần thế này. Và như vậy, lề luật không đem lại ơn cứu độ cho bất cứ ai. Sự hối cải là kết quả của sự tự nhận thức về thực thể con người khi đem so sánh với lối sống, ham muốn thế tục nơi một người. Bất cứ ai cảm thấy không cần hối cải đều là kẻ tự lừa dối bởi đã không nhận biết chính mình.

Nhận thức như thế, chúng ta hiểu được tại sao dụ ngôn người con hoang đàng được viết về sự hồi tâm của kẻ đem tiền của phung phá, và tại sao những hành động phung phá được gọi là lỗi phạm đến trời. Theo quan niệm nhân sinh, thế tục, gia tài, tiền bạc thuộc về ai thì người đó có quyền tự do xử dụng. Phúc Âm dùng ngôn từ “gia tài” để ám định về cuộc đời của một người. Con người được ban cho cuộc đời như cơ hội và phương tiện để hoàn thành hành trình đức tin, nghiệm chứng hầu đạt tới nhận thức thực thể chính mình, nhận ra mình là sự hiện thể của Chúa nơi thế giới hữu hình. Không dùng cuộc đời để kiếm tìm Nước Trời, để nhận biết Tin Mừng mà chỉ chuyên chăm theo đuổi ước mơ thế tục, không cần hối cải nhưng xoi bói, bới móc, vạch lá tìm sâu, hoặc bày chuyện làm thương tổn danh dự kẻ khác để chứng tỏ mình công chính, quả thực không gì hoang đàng và tội lỗi hơn vì đã phung phá cả cuộc đời của mình mà không biết.

Xét như vậy, nêu lên thái độ của người con trưởng, Phúc Âm chỉ về sự ngu muội do thiếu nhận thức, không hồi tâm nơi mỗi người chúng ta. Người con trưởng chăm chỉ gầy dựng gia tài, không hoang đàng, không lỗi luật nhưng không nhận biết chính mình. Anh ta vẫn không nhận thức được thực thể câu trả lời của người cha, “Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con”. Sự bất mãn của người con trưởng ám chỉ quan niệm hạn hẹp, sự thiếu nhận thức về vai trò cũng như vị thế thực thể chính mình nơi mỗi người chúng ta. Lời Đức Giêsu được để lại nơi Phúc Âm, “Kẻ nào bảo núi này xê đi, nhào xuống biển mà trong lòng không nghi ngại nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra thì nó sẽ thấy thành sự”. Phỏng đã ai trong chúng ta dám cho Lời Chúa là sự thật? Phỏng ai dám nói rằng tin… Và nếu nói rằng tin sao vẫn mơ ước viễn vông? Nơi Phúc Âm Gioan, Đức Giêsu đoan quyết, “Quả thật, Ta bảo các ngươi, kẻ tin vào Ta thì các việc Ta đã làm kẻ ấy cũng sẽ làm, và sẽ làm được những việc lớn lao hơn thế nữa” (Gn. 14:12). Tuân giữ lề luật theo hình thức để chứng tỏ mình công chính hoặc khoe khoang thế nọ thế kia, hay bới móc nói không ra gì về ai đó hầu người ta cho mình là tốt lành… đều vô ích, đều chưa nhận biết chính mình. Lời Chúa vẫn còn xa vời với những ai tự cho mình công chính, không cần hối cải.

Tóm lại, bài Phúc Âm khuyến khích và thách đố mỗi người chúng ta tự nhận biết chính mình. Tất nhiên, con chiên lạc không thể biết nó lạc nếu không hồi tâm nhận định. Chúng ta cần đặt lại vấn đề con người của mình trước nhan Chúa và sự liên hệ của mình đối với Chúa. Thái độ và tâm trạng của người con cả chính là quan niệm thế tục nơi mỗi người chúng ta. Nhận biết chính mình hay không, nhận biết Tin Mừng Nước Trời hay không đều tùy thuộc tâm hồn mở rộng của mỗi người vì không ai có thể nghiệm chứng dùm cho bất cứ ai. Amen.

HIỆP SỐNG TIN MỪNG
CHÚA NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN C

Xh 32, 7-11.13-14; 1 Tm 1, 12-17; Lc 15, 1-32
LM ĐAN VINH - HHTM

 

BAO DUNG NHÂN HẬU NOI GƯƠNG CHÚA CHA
I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Lc 15, 1-32
(1) Tất cả những người Thu thuế và những người tội lỗi thường đến gần Đức Giê-su mà nghe Người. (2) Còn những người thuộc phái Pha-ri-sêu và các kinh sư thì lẩm bẩm: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng”. (3) Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này: (4) Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? (5) Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. (6) Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó”. (7) Vậy, tôi nói cho các ông hay: “Trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn”. (8) Hoặc người phụ nữ nào có mười đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng, lại không thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được? (9) Tìm được rồi, bà ấy mời bạn bè, hàng xóm lại và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất”. (10) Cũng thế, tôi bảo cho các ông hay: “Giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối”. (11) Rồi Đức Giê-su nói tiếp: “Một người kia có hai con trai. (12) Người con thứ nói với cha rằng: “Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng”. Và người cha đã chia của cải cho hai con. (13) Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình. (14) Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, (15) nên phải đi ở cho một người dân trong vùng. Người này sai anh ta ra đồng chăn heo. (16) Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. (17) Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: “Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói ! (18) Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với Người: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, (19) chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy”. (20) Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha. Anh ta còn ở đàng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để. (21) Bấy giờ người con nói rằng: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa”. (22) Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, (23) rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng ! (24) Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy”. Và họ bắt đầu ăn mừng. (25) Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, (26) liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. (27) Người ấy trả lời: “Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì được lại cậu ấy mạnh khỏe”. (28) Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. (29) Cậu trả lời cha: “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh. Thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. (30) Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!”. (31) Nhưng người cha nói với anh ta: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. (32) Nhưng chúng ta phải ăn mừng và hoan hỷ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy”.
2. Ý CHÍNH:
Thấy Đức Giê-su gần gũi với những người thu thuế và tội lỗi, nhóm Pha-ri-sêu và kinh sư lên tiếng trách cứ Người. Bấy giờ Người đã dùng ba dụ ngôn diễn tả lòng thương xót và niềm vui của Thiên Chúa đối với những tội nhân biết hối cải là: “Con chiên bị lạc”, “Đồng bạc bị đánh mất” và “Người Cha nhân hậu”.
3. CHÚ THÍCH:
- C 1-3: + Tất cả những người thu thuế và những người tội lỗi: Trong xã hội Do thái, những người thu thuế bị coi như tội nhân công khai. Người thu thuế và gái điếm là hai hạng người thường bị nhóm Pha-ri-sêu và kinh sư lên án (x. Lc 5,30; 7,34). Ở đây Lu-ca ghi nhận những người thu thuế và tội lỗi thường đến nghe lời Đức Giê-su giảng. Điều này cho thấy Đức Giê-su không khinh dể xa lánh tội nhân, nhưng sẵn sàng đón tiếp để cứu độ họ.
- C 4-7: + Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con...: Hình ảnh người mục tử với đàn chiên là một đề tài cổ điển của Cựu ước, nói lên quan hệ giữa Thiên Chúa và dân Người (x. Lc 12,32). Con chiên tìm lại được là biểu tượng về ơn cứu độ của Thiên Chúa (x. Mt 4,6-7). Lu-ca cho thấy tình thương của Thiên Chúa là Đấng luôn đi tìm và đưa các tội nhân trở về đàn chiên (x. Lc 15,4-7). + Để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất: Ở đây phải hiểu ngầm là chín mươi chín con chiên trong đàn đã được mục tử nhốt ở một nơi an tòan trong hoang địa, trước khi đi tìm con chiên lạc. Tuy chỉ là một con chiên, nhưng đối với mục tử cũng là một số lớn, đến nỗi ông quyết tâm đi tìm bằng được. Điều này cho thấy lòng nhân từ của Thiên Chúa đối với kẻ có tội thật lớn lao.
- C 8-10: + Người phụ nữ nào có mười đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng...: Đồng quan là một đơn vị tiền tệ của Hy-lạp. Đơn vị tiền tệ này tương đương với quan tiền Rô-ma (x. Lc 7,41), là tiền công nhật của một nông nhân làm việc đồng áng (x. Mt 20,2). + Lại không thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được ?: Nhà của người dân Pha-lét-tin làm bằng đất sét và có ít cửa nên bị tối. Do đó, dù giữa ban ngày, để tìm kiếm một vật nhỏ như một quan tiền, người ta cũng phải thắp đèn cầy lên. Trong dụ ngôn này, một phụ nữ vốn liếng chỉ có mười quan tiền, nên phải vất vả tìm kiếm cho bằng được đồng quan bị mất... Điều này ám chỉ tình thương của Thiên Chúa đối với tội nhân. Người không muốn bất cứ ai bị hư mất, nhưng muốn họ ăn năn sám hối và được sống. + Giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối: Thiên Chúa vui mừng và chia sẻ niềm vui với cả triều thần thánh trên trời khi thấy một người tội lỗi ăn năn hối cải trở về.
4. CÂU HỎI: 1) Những ai bị người Pha-ri-sêu và kinh sư khinh dể, nhưng được Đức Giê-su sẵn sàng đón tiếp? 2) Thánh kinh thường dùng hình ảnh nào để diễn tả tương quan giữa Đức Chúa với Ít-ra-en là con dân của Người? 3) Phải chăng người mục tử bỏ mặc 99 con chiên giữa hoang địa cho sói dữ cắn xé, để đi tìm một con chiên bị lạc? 4) Hai dụ ngôn nào diễn tả tình thương của Thiên Chúa luôn quan tâm đi tìm các tội nhân, và dụ ngôn nào cho thấy tình thương của Người sẵn sàng tha thứ và đón nhận tội nhân sám hối trở về?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: Trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn” (Lc 15, 7).
2. CÂU CHUYỆN:
1) SỨC MẠNH HOÁN CẢI CỦA SỰ THA THỨ:
Ngày 13-5-1981, giữa lúc hàng chục ngàn người chen chúc nhau tại quảng trường thánh Phê-rô để đón đức thánh cha Gio-an Phao-lô II, thì một tiếng nổ chát chúa vang lên làm mọi người đứng tim. Đức thánh cha đã bị ngã gục trên chiếc xe mui trần, máu vọt lên tung tóe. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, một vị giáo hoàng bị mưu sát. A-li A-ga-ca, hung thủ tội ác, đã bị bắt ngay tại chỗ. Sau đó hung thủ người Thổ Nhĩ Kỳ này đã bị giam tại nhà tù Re-bi-bli-a ở Rô-ma. Cả thế giới đều kinh hoàng về tội ác tày trời này. Năm 1984, thế giới còn kinh ngạc hơn nữa khi Đức thánh cha Gio-an Phao-lô II, là người đã bị ám sát trước đó, đã đến thăm và nói chuyện với kẻ sát hại mình tại nhà tù. Không ai biết hai bên nói gì với nhau, nhưng qua hệ thống truyền thông, mọi người đều rất cảm động khi thấy Đức Thánh Cha bắt tay A-li A-ga-ca, với nụ cười trìu mến. Phải chăng đây là hình ảnh sống động nhất về tình yêu của Đức Giê-su khi Người niềm nở đón tiếp các tội nhân.
Ít lâu sau, vợ của kẻ sát nhân đã đến Rô-ma để bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức Thánh Cha, vì ngài đã sẵn sàng tha thứ cho chồng của mình. Còn chính hung thủ A-li A-ga-ca sau khi mãn hạn tù, đã xin được nhập vào quốc tịch Va-ti-can và được trở thành em nuôi của Đức Thánh Cha.
2) LOÀI NGƯỜI THÍCH KẾT ÁN HƠN LÀ CẢM THÔNG VỚI TỘI NHÂN:
Bệnh HIV AIDS (hay SI-DA) ngày nay đã trở thành một vấn đề lớn của nhân loại, một “căn bệnh của thế kỷ” mà đến nay loài người vẫn chưa tìm ra phương thế chữa trị hữu hiệu. Cách đây ít lâu, trên đài VTV3 có chiếu một bộ phim nhiều tập khá hay, nhan đề là “Gió qua miền tối sáng”. Bộ phim đề cập đến số phận của nhiều nhân vật bị lây nhiễm vi-rút liệt kháng (HIV-AIDS). Thái độ của các bệnh nhân đầu tiên thường là bàng hoàng, không tin là mình lại bị mắc chứng bệnh quái ác này. Rồi sau khi đã chấp nhận thực tế, một mặt họ tìm xem ai đã lây bệnh cho mình, mặt khác họ vẫn cố che giấu không để người chung quanh biết mình đã bị mắc bệnh. Rồi trong số những người mắc bệnh, người thì chấp nhận hoàn cảnh để cố sống tốt đẹp và tránh lây bệnh cho tha nhân. Nhưng cũng có kẻ hận đời và sống buông thả, quan hệ tình dục bừa bãi, nhằm truyền bệnh cho nhiều người khác cùng chết với mình cho hả dạ. Còn quần chúng nói chung, do chưa hiểu về phương cách lây lan, nên khi vừa nghe người nào mắc phải thứ bệnh quái ác này là bắt đầu bàn tán xầm xì to nhỏ và cảnh giác cao độ, thể hiện qua thái độ xa lánh bệnh nhân... khiến người mắc bệnh cảm thấy cô đơn và tủi hổ. Cuối cùng người bệnh đành phải dời chỗ đến nơi không ai biết mình bị mắc chứng bệnh này.
Gần đây ở Phi-líp-pin cũng có chiếu một bộ phim tài liệu về việc phòng chống HIV AIDS. Phóng viên đã hỏi một thanh niên bị mắc bệnh AIDS thời kỳ chót: “Anh dự định thế nào về tương lai của anh?” Chàng thanh niên đã thành thật cho biết như sau: “Tôi hy vọng sau khi tôi chết, hãng bảo hiểm nhân thọ sẽ trả cho tôi một số tiền để nuôi chú chó cưng của tôi. Vì từ khi tôi công khai thừa nhận chứng bệnh này, tôi đã bị mọi người khinh dể xa lánh, kể cả những người thân trong gia đình ruột thịt của tôi. Chỉ có chú chó cưng là không thay lòng đổi dạ. Nó vẫn tiếp tục vẫy đuôi mừng rỡ mỗi khi gặp mặt tôi như trước”.
3) LÒNG THƯƠNG XÓT SẼ CHIẾN THẮNG SỰ THÙ HẬN :
Cha PI-Ô là một vị linh mục nổi tiếng thánh thiện. Ngày kia, ngài tới Ro-ton-do và tình cờ gặp Ce-sa-re Fes-ta, một kẻ đứng đầu phái Tam Điểm tại đây. Khi gặp ngài, ông ta ngạc nhiên và nói:
- Ngài cũng ở đây với chúng tôi, những người theo phái Tam Điểm hay sao?
Cha Pi-ô đáp lại:
- Phải, thế mục đích của các anh là gì?
Ông ta trả lời:
- Chúng tôi chống lại Giáo hội.
Cha Pi-ô liền cầm lấy tay ông ta, nhìn ông ta bằng cặp mắt trìu mến, rồi kể lại cho ông ta nghe dụ ngôn đứa con hoang đàng, hay câu chuyện tấm lòng của một người cha.
Một giờ sau, ông ta đã quì gối xưng tội. Rồi sau đó, ở mọi nơi và trong mọi lúc, ông ta sẵn sàng tuyên xưng lòng khoan dung và thương xót bao la của Thiên Chúa.
Còn chúng ta hôm nay có sẵn sàng sám hối ăn năn trở về cùng Thiên Chúa để được ơn tha thứ không? Vì tâm tình sám hối ăn năn chính là phương thế để được Chúa thứ tha.
4) NOI GƯƠNG CHÚA ĐỂ XÓT THƯƠNG NGƯỜI TỘI LỖI :
Một lần kia, các tu sĩ trong miền dẫn tới Đức Giám Mục An-mô-na một thiếu nữ mang bầu xin ngài ra hình phạt. Nhưng Đức cha đã ban phép lành cho thai nhi, rồi ra lệnh ban cho cô sáu tấm vải bằng lanh mịn. Những kẻ tố cáo lại nói:
- Tại sao Đức Cha làm như thế? Xin ra cho nó một hình phạt.
Ngài ôn tồn bảo:
- Anh em thử nghĩ xem, cô ta đã đau khổ muốn chết được; tôi phải làm gì hơn nữa?
Nói thế rồi ngài cho cô ta về. Từ đấy không tu sĩ nào còn dám tố cáo ai nữa.
3. SUY NIỆM:
1) Đặc tính của lòng thương xót của Thiên Chúa:
a) Không bỏ rơi nhưng quyết tâm đi tìm chiên lạc:
Đức Giê-su là mục tử tốt lành biết rõ và gọi tên từng con chiên (x Ga 10,14), đến để cho chiên được sống và sống dồi dào (x Ga 10,10). Con người thật đáng quí trước mặt Người. Người tìm kiếm con người và không muốn một người nào bị hư mất. Như người mục tử tốt lành không đành bỏ rơi một con chiên lạc, nhưng quyết tâm đi tìm cho tới khi tìm thấy (x Lc 15,4); Như người đàn bà có mười quan tiền bị rớt một đồng, đã không bỏ mặc, nhưng đốt đèn, quét nhà quyết tìm lại bằng được (x Lc 15,8); Như người cha có hai đứa con trai, đã không bỏ mặc đứa con thứ bất hiếu đi hoang, nhưng hằng ngày mong chờ nó hồi tâm sám hối trở về (x Lc 15,20).
b) Vui mừng khi tìm lại những gì đã hư mất:
Đức Giê-su là hiện thân lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa. Người không muốn tội nhân phải chết, nhưng muốn họ ăn năn sám hối để được sống. Người vui mừng đón tiếp tội nhân trở về giống như mục tử tốt lành đi tìm một con chiên lạc, khi tìm được rồi liền vui mừng vác nó trên vai và đưa về đàn. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó” (Lc 15,5-6);
Thiên Chúa cũng giàu lòng từ bi nhân hậu như người đàn bà kia có 10 đồng bạc đã bỏ công tìm kiếm một đồng bị mất. Khi tìm thấy rồi liền nói với người xung quanh: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được quan tiền tôi đã đánh mất” (Lc 15,9);
Thiên Chúa còn hành xử bao dung như người cha nhân lành, hằng ngày chờ mong đứa con đi hoang trở về, và khi thấy bóng nó từ đàng xa, đã chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ nó và hôn lấy hôn để. Rồi không để nó nói hết câu thú tội, đã sẵn sàng tha thứ và trả lại mọi quyền lợi mà nó đã mất khi bỏ nhà đi hoang: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng ! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15, 20-24).
2) Đối xử thế nào với tội nhân noi gương Mục Tử nhân lành Giê-su?
a) Cảm thông với tội nhân:
Trong cuộc sống, chúng ta thường có thái độ giống như các biệt phái và Kinh sư khi thích xét đoán và kết án tha nhân. Tin Mừng hôm nay cho thấy thái độ của Đức Giê-su đầy lòng thương xót: Người cảm thông khi ngồi đồng bàn với các người thu thuế tội lỗi; Người chọn một người thu thuế tên là Lê-vi vào số mười hai Tông đồ; Người bênh vực và cứu người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình khỏi bị ném đá chết… Sở dĩ Người ưu ái gần gũi tội nhân là vì muốn chữa lành cho họ như Người đã nói: “Người khỏe mạnh không cần đến thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9.13).
Chỉ có một tội không bao giờ được tha là tội kiêu ngạo của ma quỷ khi “xúc phạm đến Chúa Thánh Thần”. Đó là tội chết mất linh hồn mà các người Pha-ri-sêu và Kinh sư Do thái đã lỗi phạm, khi cố chấp không tin Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai, mượn tay Phi-la-tô kết án tử hình thập giá cho Người, và từ chối gia nhập Nước Trời do Người thiết lập.
b) Đi tìm kiếm tội nhân và vui mừng đón nhận họ trở về:
Thiên Chúa luôn yêu thương mọi người là con cái của Ngài. Ngài đã sai Con Một đến trần gian là Đức Giê-su để ban ơn cứu độ cho loài người. Khi đi giảng đạo, Đức Giê-su muốn cho mọi người đều gia nhập Nước Trời để được cứu độ. Đặc biệt Người ưu ái đối với các tội nhân: bênh vực người đàn bà ngoại tình khỏi bị kết án, tha thứ cho người trôm lành thật lòng sám hối ăn năn, đi tìm các con chiên lạc và vui mừng tiếp nhận họ, sẵn sàng kêu gọi người thu thuế Mát-thêu vào nhóm 12 tông đồ, cho cô gái tội lỗi Ma-ri-a Ma-đa-le-na theo làm môn đệ của Người… Việc đi tìm và đưa những tội nhân sám hối trở về với Chúa cũng chính là sứ mạng của mỗi người tín hữu chúng ta hôm nay.
c) Quảng đại tha thứ những xúc phạm của kẻ khác đối với chúng ta:
- Nếu Thiên Chúa đã tỏ lòng từ bi tha thứ tội lỗi chúng ta, thì Người muốn chúng ta cũng phải sẵn sàng tha thứ các xúc phạm của tha nhân đối với chúng ta, như người cha trong dụ ngôn đã yêu cầu người anh cả tiếp nhận đứa em đi hoang trở về. Trong thực tế, người ta chỉ dễ tha thứ lỗi lầm của kẻ khác khi ý thức được tình trạng tội lỗi của mình. Có nhận mình là tội nhân, chúng ta mới cảm thông và dễ tha thứ cho kẻ khác.
- Đừng đòi kẻ có tội phải bị trừng phạt mới vừa lòng: Mục sư Mác-tin Lu-thơ Kinh (Martin Luther King) đã nói như sau: “Nếu cứ áp dụng luật “mắt đền mắt” thì chắc mọi người đều đã trở thành những kẻ mù lòa từ lâu rồi !”. Một phóng viên đã hỏi Tổng thống LANH-CÔN (A Lincoln) là ông sẽ làm gì đối với dân Miền Nam sau cuộc nội chiến  Hoa Kỳ? Ông liền trả lời: “Tôi sẽ đối xử với họ như họ chưa bao giờ bỏ nhà đi hoang”.
- Đây cũng chính là cách đối xử của Đức Giê-su đối với các tội nhân. Người sẵn sàng tha thứ vô điều kiện, “phục hồi trọn vẹn” cho ông Phê-rô, như thể ông chưa bao giờ phạm tội chối Thầy. Đây cũng chính là cách chúng ta phải cư xử với kẻ xúc phạm đến chúng ta: Phải sẵn sàng tha thứ với một tình thương bao dung giống như Thiên Chúa đã bao dung với chúng ta, như lời cầu trong kinh Lạy Cha: “Và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (Mt 6,2). Vì nếu chúng ta đối xử với tha nhân thế nào, thì Thiên Chúa công minh cũng sẽ xử với ta như thế: “Anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong cho anh em đấu ấy” (Mt 7,).
- Thánh Phao-lô dạy các tín hữu chúng ta sống đức mến như sau: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc; không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù; không mùng khi thấy sự gian ác,nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả; hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13, 4-7).
 4. THẢO LUẬN:
Giả như bạn là người anh cả trong dụ ngôn hôm nay thì bạn sẽ làm gì: vào nhà cha để cùng tham dự bữa tiệc vui đón đứa em đi hoang trở về, hay đứng bên ngoài kêu trách lòng nhân hậu của Cha, như các người Pha-ri-sêu và kinh sư xưa đã làm?
5. NGUYỆN CẦU:
LẠY CHA. Xin dẫn dắt chúng con mau quay về với Cha, giúp chúng con điều chỉnh những sai lỗi. Xin giúp chúng con sớm trỗi dậy, vì tin rằng tình thương của cha còn lớn hơn muôn ngàn lần những tội lỗi của chúng con. Ước gì vấp ngã sẽ làm chúng con trưởng thành hơn, thấy được sự mỏng dòn yếu đuối của mình và cảm nghiệm được lòng Cha bao dung nhân hậu. Ước gì sau mỗi lần được Cha tha thứ, chúng con cũng biết đối xử từ bi thương xót đối với những kẻ đã xúc phạm đến chúng con.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

 

Chúa nhật tuần lễ thứ 24 thường niên C
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 15, 1-32).

Khi ấy, những người thâu thuế và những người tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng. Thấy vậy, những người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm rằng: “Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi, cùng ngồi ăn uống với chúng”.

Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này: “Ai trong các ông có một trăm con chiên, và nếu mất một con, lại không để chín mươi chín con khác trong hoang địa mà đi tìm con chiên lạc, cho đến khi tìm được sao? Và khi đã tìm thấy, người đó vui mừng vác chiên trên vai, trở về nhà, kêu bạn hữu và những người lân cận mà nói rằng: “Anh em hãy chia vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên lạc!” Cũng vậy, Tôi bảo các ông: “Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần hối cải.

“Hay là người đàn bà nào có mười đồng bạc, nếu mất một đồng, mà lại không đốt đèn, quét nhà và tìm kỹ lưỡng cho đến khi tìm thấy sao? Và khi đã tìm thấy, bà mời các chị em bạn và những người láng giềng đến mà rằng: ‘Chị em hãy vui mừng với tôi, vì tôi đã tìm được đồng bạc tôi đã mất’. Cũng vậy, Tôi bảo các ông: Các Thiên Thần của Thiên Chúa sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải”.

Người lại phán rằng: “Người kia có hai con trai. Ðứa em đến thưa cha rằng: ‘Thưa cha, xin cha cho con phần gia tài thuộc về con’. Người cha liền chia gia tài cho các con. Ít ngày sau, người em thu nhặt tất cả tiền của mình, trẩy đi miền xa và ở đó ăn chơi xa xỉ, phung phí hết tiền của. Khi nó tiêu hết tiền của, thì vừa gặp nạn đói lớn trong miền đó và nó bắt đầu cảm thấy túng thiếu. Nó vào giúp việc cho một người trong miền, người này sai nó ra đồng chăn heo. Nó muốn ăn những đồ heo ăn cho đầy bụng, nhưng cũng không ai cho. Bấy giờ nó muốn hồi tâm lại và tự nhủ: “Biết bao người làm công ở nhà cha tôi được ăn dư dật, còn tôi, tôi ở đây phải chết đói! Tôi muốn ra đi, trở về với cha tôi và thưa người rằng: ‘Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha; con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối xử với con như một người làm công của cha’. Vậy nó ra đi và trở về với cha nó. Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy lại ôm choàng lấy cổ nó hồi lâu. Người con trai lúc đó thưa rằng: ‘Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha; con không đáng được gọi là con cha nữa’. Nhưng người cha bảo các đầy tớ: ‘Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu, hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu và xỏ giầy vào chân cậu. Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng, vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy’. Và người ta bắt đầu ăn uống linh đình.

“Người con cả đang ở ngoài đồng. Khi về gần đến nhà, nghe tiếng đàn hát và nhảy múa, anh gọi một tên đầy tớ để hỏi xem có chuyện gì. Tên đầy tớ nói: ‘Ðó là em cậu đã trở về và cha cậu đã giết con bê béo, vì thấy cậu ấy trở về mạnh khoẻ’. Anh liền nổi giận và quyết định không vào nhà. Cha anh ra xin anh vào. Nhưng anh trả lời: ‘Cha coi, đã bao năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn, còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại sai làm thịt con bê béo ăn mừng nó’.

“Nhưng người cha bảo: ‘Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con. Nhưng phải ăn tiệc mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy’”.

Suy niệm

Đi dọc chiều dài lịch sử cứu độ của Thiên Chúa, con người không thể thấy Ngài hiện diện bên cạnh, nhưng dấu vết của Ngài vẫn đi cùng năm tháng với con cái của Ngài. Đó là một sự hiện diện cúi xuống, một sự hiện diện đợi chờ và một sự hiện diện tha thứ. Dù chỉ là một tạo vật, con người mang trong mình một tham vọng vô biên, có những lúc họ muốn ngang bằng với Thiên Chúa về quyền bính, về vinh quang, có những lúc, họ loại trừ Ngài ra khỏi dòng chảy của lịch sử con người, đỉnh cao của tham vọng con người là kết án tử người Con duy nhất của Thiên Chúa, khi người con ấy đi vào lịch sử của nhân loại qua mầu nhiệm nhập thể. Phụng vụ Lời Chúa tuần lễ thứ 24 thường niên, mời người nghe trở về với thuở ban đầu của một dân tộc, đã được Thiên Chúa chọn làm dân riêng. Họ đã phản bội Ngài. Ai nhận ra thân phận của mình và đợi chờ ơn cứu độ, sẽ được Thiên Chúa giải thoát và giúp họ trở nên người tự do. Bàn tay vô hình của Thiên Chúa vẫn đâu đó trong dòng chảy của lịch sử nhân loại. Hình bóng người Cha nhân lành vẫn đợi chờ con cái từng ngày, khi chúng rời bỏ mái ấm gia đình, tung hoành bốn phương trong thân phận tội nhân. Thiên Chúa vẫn đợi chờ và sẵn sàng quên mọi lầm lỗi của con người, hãy sám hối, hãy trở về và hãy cầu xin sự tha thứ của Thiên Chúa, con người sẽ nhận được sự bình an trong phút giây hiện tại.

Rời khỏi mảnh đất Ai-cập mà tổ tiên dân Do-thái đã sống kiếp nô lệ, dân Do-thái tiến về miền đất hứa, trong hành trình đó, bàn tay yêu thương của Thiên Chúa qua đám mây ban ngày và ngọn lửa sáng chói ban đêm, Thiên Chúa luôn bên cạnh họ để bảo vệ. Tới chân núi Si-nai, Ngài đã ký kết với họ một giao ước, đại diện con người là Môi-sen. Còn niềm vui nào cho bằng được gọi Thiên Chúa là Cha, thế mà họ đã phản bội, đã đúc một con bò vàng, coi nó như vị thần luôn bảo vệ họ. Thiên Chúa đã nổi giận, muốn xóa sổ đám dân mong manh đó, ông Môi-sen đã quỳ xuống, cầu xin sự tha thứ của Thiên Chúa, Ngài đã chấp nhận và tha thứ cho tội phản bội đó: “Chúa phán cùng Môsê: “Ta thấy rõ dân này là một dân cứng cổ. Ngươi hãy để Ta làm, Ta sẽ nổi cơn thịnh nộ với chúng và sẽ huỷ diệt chúng, rồi Ta sẽ làm cho ngươi trở nên tổ phụ một dân tộc vĩ đại”. Môsê van xin Chúa là Thiên Chúa của ông rằng: “Lạy Chúa, tại sao Chúa nổi cơn thịnh nộ với dân mà Chúa đã dùng quyền lực và cánh tay hùng mạnh đưa ra khỏi đất Ai-cập? Xin Chúa nhớ đến Abraham, Isaac và Israel tôi tớ Chúa, vì chính Chúa đã thề hứa rằng: “Ta sẽ làm cho con cháu các ngươi sinh sản ra nhiều như sao trên trời”. Nổi giận đó, rồi tha thứ đó, chỉ có Thiên Chúa, Đấng nhân lành mới có thể hành động như thế. Ngài tha thứ cho họ, tiếp tục dẫn họ tiến về đất hứa, dù không dưới một lần, họ đã kêu trách Ngài.

Trong lá thư gởi cho người học trò của mình là Ti-mô-thêu, thánh Phaolô đã đặt mình vào trong thân phận một tội nhân được Thiên Chúa tha thứ và đón nhận, đồng thời cho ngài trở nên một tông đồ, tất cả do tình thương của Thiên Chúa chứ không đến từ công trạng của con người, ơn tha thứ thánh nhân có được, như một món quà tặng, dành cho người biết sám hối, biết trở về trong sự khiêm tốn và chân thành: “Ðức Giêsu Kitô đã đến trong thế gian này để cứu độ những người tội lỗi, trong số ấy, cha là người thứ nhất. Vì thế, cha được hưởng nhờ ơn thương xót, là Ðức Giêsu Kitô tỏ ra tất cả lòng khoan dung trong cha trước hết, để nêu gương cho những ai sẽ tin vào Người hầu được sống đời đời”. Từ một kẻ bắt bớ môn đệ của Thiên Chúa, thánh Phaolô như được tái sinh trong giếng nước tình yêu của Thiên Chúa, Ngài đã tái tạo cuộc đời và trái tim của thánh nhân, từ đây, cuộc đời của thánh nhân như chiếc máng, làm tuôn chảy dòng nước thanh tẩy mọi trái tim khô cứng, rửa sạch mọi lầm lỗi và yếu đuối của con người. Trở nên khí cụ của tình yêu Thiên Chúa, là một niềm hạnh phúc lớn lao của thánh Phaolô, cũng như bất cứ ai chọn con đường mang tên Giêsu, để sống, để hoạt động và loan tin mừng cứu độ con người.

Đức Giêsu đã dùng ba dụ ngôn để diễn đạt sự phong phú và hào phóng của tình yêu Thiên Chúa. Một trăm con chiên, bị lạc mất một con, người chủ bỏ lại sau lưng chín mươi chín con, để đi tìm một con bị lạc. Xem ra ông chủ này không biết tính toán hơn thiệt, về giá trị của đoàn chiên, chỉ biết mất là phải tìm kiếm, thất lạc là phải đưa về: “Ai trong các ông có một trăm con chiên, và nếu mất một con, lại không để chín mươi chín con khác trong hoang địa mà đi tìm con chiên lạc, cho đến khi tìm được sao?”. Người phụ nữ có mười đồng bạc, thất lạc một đồng, bỏ công tìm kiếm khắp nơi, tìm được còn mời bạn hữu tới chia sẻ niềm vui đó, cái tốn kém của việc tiếp đón khách còn hơn cả đồng tiền bị mất, nhưng bà ta không quan tâm, chỉ biết hôm nay bà có một niềm vui lớn, tìm lại được đồng bạc bị mất: “Hay là người đàn bà nào có mười đồng bạc, nếu mất một đồng, mà lại không đốt đèn, quét nhà và tìm kỹ lưỡng cho đến khi tìm thấy sao? Và khi đã tìm thấy, bà mời các chị em bạn và những người láng giềng đến mà rằng: ‘Chị em hãy vui mừng với tôi, vì tôi đã tìm được đồng bạc tôi đã mất”. Đợi chờ đứa con từng ngày ở cổng nhà, là một nỗi niềm của người cha, dầu biết rằng nó đã bỏ nhà ra đi. Buồn bã, chán chường và khổ đau là tâm trạng của người cha mất con, tiền bạc ông không quan tâm, của cải, ông không lấy làm trọng, chỉ biết mất một đứa con, là cuộc đời như vô nghĩa, mất một đứa con là cái mất lớn nhất trong đời, đặc biệt trong trách vụ của một người cha: “Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy lại ôm choàng lấy cổ nó hồi lâu. Người con trai lúc đó thưa rằng: ‘Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha; con không đáng được gọi là con cha nữa’. Nhưng người cha bảo các đầy tớ: ‘Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu, hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu và xỏ giầy vào chân cậu. Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng, vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy”.

Thiên Chúa đã cúi xuống với con người, khi con người gặp đau khổ, gặp bất trắc giữa dòng đời. Ngài cúi xuống khi đã nghe được tiếng than ai oán của con người, khi đã thấy nỗi nhục nhã của một kẻ nô lệ, khi đã chứng kiến nỗi bất công và khổ đau của con người. Tội lỗi và sự chết đã chia cắt mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người bằng những lời dụ dỗ đường mật. Chúng đưa con người vào một thế giới bất công, mất tự do, mất sự bình đẳng, mất phẩm giá của một con người, vậy mà chúng đã mê hoặc con người bằng những lời đường mật, bằng những lời hứa suông. Vì thế, con người, vì tham lam, vì tự mãn, đã rơi vào cạm by của chúng. Thiên Chúa đã dùng sức mạnh của tình yêu, trao người con duy nhất cho con người, để giải thoát và phục hồi quyền làm người, quyền được sống và được tự do cho con người. Chuyên chăm tìm kiếm câu trả lời cho khái niệm tình yêu, con người mới hiểu được phần nào, mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa, một mầu nhiệm phát xuất từ tình yêu.

Trước giá trị siêu việt của tình yêu tự hiến đó, con người thay vì đáp trả, thay vì tri ân, họ đã  quay lưng lại với Thiên Chúa, đặt Thiên Chúa ngang hàng với các thần linh của thế gian là một hành vi phụ bạc tình yêu của Ngài. Coi trọng những giá trị của thế gian hơn những giá trị thánh thiêng của Thiên Chúa, như là một lời khước từ ơn cứu độ của Thiên Chúa dành cho con người. Chà đạp quyền làm người, khinh bỉ người nghèo trong xã hội, là một hành vi coi thường chính bản thân mình, nếu không có sự cúi xuống của Thiên Chúa, làm sao tôi có thể đứng thẳng nhìn về trời và gọi Thiên Chúa là Cha. Thiên Chúa yêu thương hết mọi người, tại sao con người lại khinh người này, trọng người kia, đó có phải là một hành động phủ nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, trước những lầm lỗi của con người. Thiên Chúa mong muốn con người hiểu được chiều sâu của tình yêu tự hiến, một tình yêu vô vị lợi, để con người đừng khinh dễ tha nhân, đừng tôn thờ vật chất và thế gian nữa, hãy biết sám hối, trở về với một Thiên Chúa, người Cha nhân lành, đang đợi chờ con người từng ngày trước cổng ngôi nhà tình yêu.

Lạy Chúa Giêsu, những câu chuyện, nhứng dụ ngôn Chúa dùng dạy dỗ con người, tất cả là để cho con người phần nào hiểu được chiều sâu của tình yêu trời cao, để con người đừng làm Thiên Chúa đau buồn, xin cho chúng con hiểu được lời dạy dỗ của Chúa, để từng ngày, đổi thay cuộc đời, đổi thay suy nghĩ và đổi thay tương quan tình người trong cuộc sống. Chúa đã yêu chúng con đến cùng bằng cái chết trên thập giá, xin cho chúng con hiểu rằng Chúa đã chết để cứu chúng con khỏi chết, để từng ngày, chúng con đáp đền tình yêu đó với một lòng mến chân thành hơn. Amen.


THÀ YÊU LẦM CÒN HƠN BỎ SÓT
(Chúa Nhật XXIV TN-C) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Các bài đọc của Chúa Nhật XXIV TN C, cách riêng bài Tin Mừng có vẻ khá quen thuộc với Kitô hữu, nhất là với những người chuyên chăm tham dự Thánh Lễ và xem trọng phần Phụng Vụ Lời Chúa. Thánh Kinh trình bày về tình yêu của Thiên Chúa thật phong phú và đa dạng. Tuy nhiên cũng có thể khẳng định rằng những dòng Tin Mừng theo thánh sử Luca ở chương XV mà Giáo Hội cho trích đọc một phần trong Thánh Lễ Chúa Nhật này quả là một mạc khải gây “chưng hửng” cho không chỉ nhiều người biệt phái năm xưa mà còn cho cả chúng ta hôm nay, dĩ nhiên là nếu chúng ta biết “suy đi nghĩ lại” như Mẹ Maria và biết đặt mình vào chính ngữ cảnh khiến Chúa Giêsu phán dạy những lời ấy.

Ngữ cảnh: Giêsu thành Nagiarét, một vị tôn sư đầy quyền năng trong lời giảng dạy cũng như trong hành động (x.Mt 7,29; Mc 6,2), một người được dân chúng mến mộ tôn xưng vào hàng ngôn sứ (x.Mt 16,13-15)…, Người không chỉ chuyên chăm chữa lành bệnh tật cho dân chúng và xua trừ ma quỷ ra khỏi những người chúng ám, Người còn giảng dạy các chân lý về Nước Trời và mời gọi người ta hoán cải ăn năn. Thế mà Người lại thường xuyên lui tới và cùng ngồi ăn uống với những quân hại dân hại nước là “bọn thu thuế” và “phường bán thân nuôi miệng”. Bá nhân bá tánh, mười người trăm ý, chuyện miệng tiếng người đời thì làm sao lường cho xuể. Cũng thế, việc một số người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm, xầm xì và bình phẩm chuyện Chúa Giêsu thường xuyên lui tới và cùng ngồi ăn uống với người thu thuế và phường “tội lỗi” thì cũng không là vô cớ. Ngài Giêsu đã không từng giảng dạy rằng chớ có làm cho người ta vấp phạm đấy ư. Ngài còn mạnh miệng cho rằng nếu ai làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn thì thà cột cối đá vào cổ người ấy mà liệng xuống biển còn hơn. Tuy nhiên chúng ta đừng quên cớ vấp phạm ở đây là cái nguyên nhân xấu. Còn những dữ kiện gây thắc mắc, gây tranh luận, gợi thao thức là việc khác hoàn toàn. Chính Chúa Giêsu đã từng ví Người là viên đá vấp cho nhiều người, đúng như lời tiên tri Simêon loan báo dịp cha mẹ Người đem Người lên Giêruslem để làm lễ tiến dâng theo Lề Luật (x.Lc 2,33-35).

Nguyên cớ gây thao thức: Tình yêu đón nhận mọi sự hạn chế, mọi sự bất toàn. Khi nghe đọc bài Tin Mừng về dụ ngôn người con hoang đàng hay đã được sửa lại là dụ ngôn người cha nhân hậu hoặc đã từng được đề nghị là dụ ngôn người con ganh tị, thì đã từng một thời Kitô hữu được gợi ý là tập trung vào hình ảnh người con phung phá hoang đàng để nhận biết thân phận tội lỗi của mình để rồi sám hối, ăn năn. Cũng đã từng có lúc người ta tập trung vào hình ảnh người con cả của câu chuyện để mời gọi Kitô hữu cảnh giác với sự ganh tương đố kỵ như trường hợp một số người biệt phái ngày xưa, hoặc biết phản tỉnh với lối sống “người thì bên trong mà lòng thì bên ngoài”. Vì lắm khi chúng ta tuy mang danh con cái Chúa, nhưng chỉ là “hữu danh vô thực”. Và đây chính là trọng tâm của câu chuyện dụ ngôn Chúa Giêsu kể. Tuy nhiên xin được tập chú vào tình yêu bao la của người cha nhân hậu với một vài thiển ý.

Nói đến sự bao la của tình yêu Thiên Chúa, một số đấng bậc có vẻ như ngại ngần vì cho rằng sẽ làm cớ cho đoàn tín hữu sống ỉ lại. Và rồi số vị ấy thích đề cao sự công thẳng của Thiên Chúa hơn. Một số vị khác thì phân vân như đứng giữa ngã ba đường khi vừa nói đến lòng thương xót của Thiên Chúa vừa nói đến sự công thẳng của Người. Thiên Chúa là Đấng tốt lành vô cùng và cũng là Đấng công bình vô cùng. Khởi đầu triều đại giáo hoàng của mình Đức Bênêđictô XVI qua Thông Điệp Thiên Chúa là Tình Yêu đã nhấn mạnh hiện thực này: Thiên Chúa bày tỏ tình yêu của Người cho nhân loại chúng ta một cách như chống lại sự công minh của Người (x.số 10).

Người cha trong câu chuyện dụ ngôn Chúa Giêsu kể đã rộng tay chia gia tài cho các con. Ông chia gia tài cho đứa con mở miệng kêu xin và chia cho cả đứa con không xin. Ông ta quả là liều lĩnh và bất chấp các tình huống có thể xảy ra. Ông chẳng thể lường đứa con thứ kêu xin sẽ sử dụng gia tài ra sao. Ông cũng chẳng biết đứa con còn lại không xin vì không dám xin hay vì không muốn xin. Không lưỡng lự, ông đã chia cho cả hai.

Chắc chắn người cha nhân hậu ít nhiều dự đoán được tình cảnh bi đát của đứa con đi hoang. Khi đã sống bất hiếu, vô đạo thì thế nào cũng gặp quả báo. Thế mà ông cứ ngày ngày ngóng trông đứa con “bất hiếu và hỏng hư” quay gót trở về. Lòng của ông vẫn ắp đầy niềm hy vọng sẽ có ngày thấy con mình “đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy”. Một vài chuẩn bị như áo đẹp, nhẫn quý, con bê béo là một minh chứng cho niềm hy vọng ấy. Và kìa, nó đây rồi, nó đã trở về. Nó về vì thương cha già này hay là chỉ xót cho cái bụng rỗng của nó? Không sao cả, tình yêu không cần đặt điều kiện. Đứa con lớn đang ở trong nhà mà lòng như kẻ ăn người ở, ông cũng đón nhận hết tình. Không sao cả, rồi sẽ đến lúc nó hiểu rằng mọi sự của ông là dành cho nó, đã thuộc về nó, vì mọi sự của cha đều là của con (x.Lc 15,31).

Đã yêu thì không ngồi chờ người mình yêu hoàn thiện rồi mới đón nhận. Đón nhận người mình yêu cả trong sự hạn chế lẫn bất toàn của người mình yêu thì mới là tình yêu đích thực vô cầu, vô vị lợi, nghĩa là chỉ vì người mình yêu. Thánh tông đồ dân ngoại khẳng định chân lý này khi nói rằng Chúa Kitô đã chết vì chúng ta, ban ơn tha thứ cho chúng ta, đưa chúng ta về làm con cái Thiên Chúa ngay khi chúng ta còn là kẻ phản nghịch, nghĩa là ngay khi chúng ta đang còn trong cảnh tình tội lỗi.

Xin đừng sợ bị lợi dụng, chẳng thà yêu lầm còn hơn bỏ sót. Xin đừng ngồi chờ tha nhân hoàn thiện rồi chúng ta sẽ yêu thương. Chính tình yêu của chúng ta, một tình yêu vô điều kiện mới là động lực giúp tha nhân nên hoàn thiện. Đồng thời cũng chính tình yêu ấy sẽ giúp chúng ta hoàn thiện vì chúng ta đang ngày càng nên giống Cha, Đấng hoàn thiện ở trên trời, Đấng cho mưa rơi đều trên người lành lẫn kẻ bất lương, cho mặt trời mọc lên soi người công chính lẫn tội nhân (x.Mt 5,45).

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây