TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật -Lễ Thánh Gia Thất -Năm C

Còn Chúa Giêsu thì tiến tới trong sự khôn ngoan (Lc 2, 41-52).
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật XXIX Thường Niên – Năm C

10/10/2022 06:10:42 |   879

Chúa Nhật XXIX Thường Niên – Năm C

cn29tn C

Lc 18, 1-8


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XXIX Thường Niên – Năm C

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, tôi kêu van Ngài, bởi Ngài nhậm lời tôi, xin ghé tai về bên tôi, xin nghe rõ tiếng tôi. Lạy Chúa, xin gìn giữ tôi như con ngươi mắt Chúa, xin che chở tôi trong bóng cánh của Ngài.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin tạo cho chúng con một tấm lòng trung tín và quảng đại để chúng con nhiệt thành phụng sự Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Xh 17, 8-13

“Khi ông Môsê giơ tay lên, thì dân Israel thắng trận”.

Trích sách Xuất Hành.

Trong những ngày ấy, người Amalec đến giao chiến với Israel tại Raphiđim, Ông Môsê nói với ông Giosuê rằng: “Ngươi hãy tuyển lựa các chiến sĩ ra chiến đấu với người Amalec: ngày mai tôi sẽ cầm gậy Thiên Chúa trong tay lên đứng trên đỉnh núi”. Ông Giosuê thực hiện như lời ông Môsê đã dạy, và ra chiến đấu với người Amalec. Còn ông Môsê, Aaron và Hur thì đi lên đỉnh núi. Khi ông Môsê giơ tay lên, thì dân Israel thắng trận, còn khi ông hạ tay xuống một chút, thì người Amalec thắng thế. Bấy giờ tay ông Môsê mỏi mệt, người ta liền khiêng tảng đá kê cho ông ngồi, còn ông Aaron và ông Hur thì nâng đỡ hai tay ông. Bởi đó hai tay ông không còn mỏi mệt cho đến khi mặt trời lặn. Ông Giosuê dùng lưỡi gươm đánh đuổi người Amalec và quân dân nó.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 120, 1-2. 3-4. 5-6. 7-8

Ðáp: Ơn phù trợ chúng tôi ở nơi danh Chúa, là Ðấng tạo thành trời đất (c. 2).

Xướng: Tôi ngước mắt nhìn lên đỉnh núi cao, ơn phù trợ cho tôi sẽ từ đâu ban tới? Ơn phù trợ chúng tôi ở nơi danh Chúa, là Ðấng tạo thành trời đất. 

Xướng: Người chẳng để cho chân ngươi xiêu té; Ðấng bảo vệ ngươi, Người chẳng có ngủ say. Kìa Ðấng bảo vệ Israel, Người không thiếp giấc, không ngủ say.

Xướng: Chúa sẽ bảo vệ thân ngươi, Chúa là Ðấng che chở ngươi ở bên tay hữu. Mặt trời sẽ không hại ngươi lúc ban ngày, và mặt trăng cũng chẳng hại ngươi về ban đêm. 

Xướng: Chúa sẽ gìn giữ ngươi khỏi mọi điều tai biến; Người sẽ bảo vệ linh hồn ngươi. Chúa sẽ bảo vệ ngươi khi đi và khi tới, ngay tự bây giờ và cho đến muôn đời.

Bài Ðọc II: 2 Tm 3, 14 – 4, 2

Người của Thiên Chúa được hoàn hảo, để sẵn sàng thực hiện mọi việc lành”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.

Con thân mến, con hãy bền vững trong các điều con đã học hỏi và xác tín, vì con biết con đã học cùng ai, vì từ bé, con đã học biết Sách Thánh, và chính Sách Thánh đã dạy con sự khôn ngoan để con được cứu rỗi nhờ tin vào Ðức Giêsu Kitô. Tất cả Kinh Thánh đã được Chúa linh hứng, đều hữu ích để giảng dạy, biện bác, sửa dạy và giáo dục trong đàng công chính, ngõ hầu người của Thiên Chúa được hoàn hảo để sẵn sàng thực hiện mọi việc lành.

Cha khuyến cáo con trước tôn nhan Thiên Chúa và Ðức Kitô, Ðấng sẽ thẩm phán kẻ sống và kẻ chết, nhân danh cuộc xuất hiện của chính Người và vương quốc của Người: Con hãy rao giảng lời Phúc Âm, hãy xúc tiến việc đó, dầu thời thế thuận lợi hay không thuận lợi; hãy thuyết phục, hãy khiển trách, hãy khuyên lơn với tất cả lòng kiên nhẫn và quan tâm giáo huấn.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 23

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy”. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 18, 1-8

“Thiên Chúa sẽ minh xử cho những kẻ người tuyển chọn hằng kêu cứu với Người”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ một dụ ngôn, dạy các ông phải cầu nguyện luôn, đừng ngã lòng, mà rằng: “Trong thành kia, có một vị thẩm phán không kính sợ Thiên Chúa, cũng không kiêng nể người ta. Trong thành đó lại có một bà goá đến thưa ông ấy rằng: ‘Xin ông minh oan cho tôi khỏi tay kẻ thù’. Trong một thời gian lâu dài, ông không chịu, nhưng sau đó ông nghĩ rằng: ‘Mặc dầu ta không kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng kính nể người ta, nhưng vì bà goá này cứ quấy rầy ta mãi, nên ta sẽ xử cho bà ấy, kẻo bà ấy đến mãi làm ta nhức óc'”.

Rồi Chúa phán: “Các con hãy nghe lời vị thẩm phán bất lương nói đó. Vậy Thiên Chúa lại không minh xử cho những kẻ Người tuyển chọn, hằng kêu cứu với Người đêm ngày, mà khoan giãn với họ mãi sao? Thầy bảo các con, Chúa sẽ kíp giải oan cho họ. Nhưng khi Con Người đến, liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết phụng thờ Chúa tại bàn thánh này, với tâm hồn tự do của con cái Chúa, để những mầu nhiệm chúng con đang cử hành đem lại cho chúng con nguồn ơn thanh tẩy. Chúng con cầu xin..

Ca hiệp lễ

Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Người, và nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Người, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết, và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn.

Hoặc đọc:

Con Người đến, để ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa vừa gọi chúng con tời bàn tiệc Nước Trời và ban dồi dào sức sống mới, xin Chúa phù trợ chúng con trong cuộc sống hằng ngày và dạy chúng con biết tìm kiếm những hồng ân vĩnh cửu. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

GIÁ TRỊ CỦA LÒNG KIÊN NHẪN (Lc 18, 1-8)
Minh An

Bài Tin Mừng hôm nay, thánh sử Luca thuật lại cho ta thấy rõ việc Chúa Giêsu kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn vị quan tòa bất lương và người phụ nữ góa bụa nhưng có lòng kiên nhẫn, để dạy cho các môn đệ bài học về sự kiên nhẫn trong cầu nguyện, hay phải cầu nguyện luôn, không được nản chí: “Khi ấy, Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy cho các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí” (c.1).

Và kết thúc bài Tin Mừng, Luca đặt con người ta cầu nguyện dưới viễn tượng của lòng trung thành, tức là cầu nguyện trong sự chờ đón ngày Thiên Chúa Quang Lâm. Bởi vậy, cầu nguyện là một điều quan trọng và rất cần thiết cho các môn đệ của Chúa Giêsu ngày xưa nói riêng và cho mỗi Kitô hữu chúng ta nói chung. Cầu nguyện liên lỉ sẽ giúp cho mỗi kitô hữu không đánh mất niềm tin trong khi chờ đợi ngày Con Người ngự đến: “Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mắt đất nữa chăng?” (c.8).

Như vậy, việc cầu nguyện mà Luca muốn trình bày ở đây không chỉ thuần túy là một việc làm đạo đức, mà là một thái độ căn bản của người tin trong thời kỳ trước cuộc quang lâm của Con Người.

Trong câu chuyện ngụ ngôn, tác giả Luca đã kể lại việc Chúa Giêsu đưa ra hai nhân vật đối kháng nhau: “Một vị là quan tòa và người kia là một phụ nữ góa bụa”. Vị quan tòa được mô tả như một con người đầy quyền lực, tự mãn, tự kiêu, hóng hách và ngông nghênh. Ông là một người ích kỷ, chỉ sống cho mình, chỉ bận tâm đến những tiện nghi và lợi ích cho riêng mình. Ông không hề kính sợ Thiên Chúa cũng chẳng thèm quan tâm đến những chuyện của người khác cũng chẳng coi ai ra gì. Nói chung, vị quan tòa này, không còn biết “liêm sỉ” là gì nữa: “Trong thành kia, có một ông quan tòa. Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì” (c.2). Đối lại với ông quan tòa “uy nghi” là một người phụ nữ góa bụa. Có lẽ bà là người nghèo khổ, phải sống bên lề xã hội, bị người ta hãm hại. Bà đã nhiều lần đến gặp vị quan tòa để khiếu kiện những bất công, áp bức mà người ta dành cho bà. Nói chung, bà là một con người yếu thế trong xã hội. Bà đã không còn bám víu vào ai để minh xét cho mình, nên bà đã kiên trì chạy đến với vị quan tòa thường xuyên, để ước mong một ngày nào đó vị quan tòa động lòng trắc ẩn, minh xét cho bà. Lòng kiên nhẫn của bà đã được đền đáp là vị quan tòa đã minh xét cho bà, nhưng không phải do tình thương của quan tòa, mà là do sự quấy rầy của bà: Trong thành đó lại có một bà goá, bà này đã nhiều lần đến thưa ông: Đối phương tôi hại tôi, xin ngài minh xét cho. Trong một thời gian lâu dài, ông không chịu, nhưng sau đó ông nghĩ rằng: Mặc dầu ta không kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng kính nể người ta, nhưng vì bà goá này cứ quấy rầy ta mãi, nên ta sẽ xử cho bà ấy, kẻo bà ấy đến hoài làm ta nhức óc” (cc. 3.4.5).

Cho dù, sự thay đổi lập trường của vị quan tòa không ý thức về luật pháp hay về trách nhiệm mà ông phải thực thi nhưng chỉ là sự quấy rầy của bà góa làm ông phải minh xét, cho ta thấy được kết quả mà lòng kiên nhẫn đem đến lợi ích lớn lao cho bà góa là được xét xử theo ý muốn của bà. Đúng là người đàn bà thép đã thay đổi được “tấm lòng thép” của vị quan tòa. Bà đi kiện trong tuyệt vọng, nhưng lại được xử trong hy vọng bởi lòng trung thành và sự kiên nhẫn của bà.

Rồi Chúa nói tiếp: “Anh em nghe quan tòa bất chính ấy nói đó! Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ người đã tuyển chọn ngày đêm hằng kêu cứu với người sao?” Đây là một câu hỏi tu từ của Chúa Giêsu, nhằm khẳng định rằng, một vị quan tòa đầy bất chính, thế nhưng, vẫn xét xử vụ án chỉ vì lòng kiên nhẫn của một bà góa thì Thiên Chúa là Đấng tốt lành vô cùng chắc chắn sẽ thi hành công lý cho những người đã được Ngài tuyển chọn. Hay nói khác đi, tình cảnh của bà góa nghèo chính là biểu tượng cho những người được Thiên Chúa tuyển chọn đang sống trong niềm tin giữa thế gian đầy cam go thử thách. Trong hoàn cảnh đầy bi đát giữa cuộc đời, bị chèn ép tư bề vì sống trong niềm tin, người kitô hữu luôn được mời gọi kiên trì cầu nguyện với sự xác tín mạnh mẽ rằng, Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương sẽ thi hành công lý cho những ai biết cậy dựa vào Ngài.

Kiên trì cầu nguyện không những chỉ giữ vững được niềm tin và được hưởng công lý của Thiên Chúa nhưng còn là giữ mãi được mối tương quan thân tình giữa Thiên Chúa là Cha và chúng ta là con. Mối thân tình Cha- con đó được diễn tả rõ nét trong Kinh Lạy Cha mà Chúa Giêsu đã dạy trực tiếp cho các môn đệ của Ngài (x. Lc 11, 1- 4). Khi dạy các môn đệ cầu nguyện, Chúa Giêsu hướng họ về Thiên Chúa là người Cha nhân lành. Thiên Chúa không phải là một quan tòa bất chính, luôn thờ ơ trước những cảnh bi đát của con người. Nhưng Ngài là Cha hằng bận tâm chăm sóc và lo lắng cho con người trong mọi hòan cảnh: “Ngay đến tóc anh em trên đầu cũng được đếm cả rồi. Anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ” (Lc 12, 7).

Chính vì mối tương quan Cha- con giữa Thiên Chúa và con người mà ta luôn được mời gọi không bao giờ ngưng cầu nguyện, nhưng trái lại, bất chấp tất cả cho dù không thấy được như lòng mong ước, ta vẫn phải cầu nguyện liên tục, không sờn lòng nản chí. Cầu nguyện không những con người ta chỉ xin cho được điều này điều kia… nhưng còn mang đến cho con người ta sống một cách thực chất và cụ thể mối tương quan hiếu thảo với Thiên Chúa là Cha.  Chúng ta cầu nguyện không phải vì Thiên Chúa, nhưng là vì nhu cầu của chúng ta, nên phải luôn cầu nguyện, cầu nguyện kiên trì. Nếu con người ta không cầu nguyện, không kiên trì cầu nguyện thì không những bỏ bê một việc lành đạo đức tốt đẹp, mà còn đánh mất mối tương quan với Thiên Chúa là Cha, đánh mất lòng thảo hiếu của ta dành cho Cha và như vậy, ta sẽ dễ dàng đánh mất sự sống nơi chính mình.

Thiên Chúa là Đấng công bình, là vị thẩm phán chí công, Ngài chắc chắn sẽ nhận lời chúng ta khi chúng ta kêu cầu Ngài, tín thác vào Ngài, nhưng Ngài nhận lời như thế nào, ban ơn thế nào thì đó là một mầu nhiệm: “Chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ người đã tuyển chọn ngày đêm hằng kêu cứu với người sao. Lẽ nào Ngài bắt họ chờ đợi mãi? Thầy nói cho anh em biết, Ngài sẽ mau chóng minh xét cho họ”.

Vậy nên, như bà góa trong bài Tin Mừng luôn kiên trì trong việc tìm kiếm công lý cho mình qua việc năng đến với vị quan tòa bất chính. Ta cũng hãy kiên trì trong việc cầu nguyện với Thiên Chúa, để xây dựng mối tình thân thương Cha- con với Ngài, để đón nhận những ơn phúc Ngài ban. Bởi vì: “Chúa đã chẳng coi thường, chẳng khinh miệt kẻ nghèo hèn khốn khổ, cũng không đành ngoảnh mặt làm ngơ, nhưng đã thương nghe lời cầu cứu” (Tv 21, 25). “Đấng gìn giữ Israel lẽ nào chợp mắt ngủ quên cho đành… Chúa gìn giữ bạn lúc ra vào lui tới, từ giờ đây cho đến mãi muôn đời” (Tv 121, 4. 8).


CHÚA NHẬT 29C THƯỜNG NIÊN
(Lc. 18:1-8) Lm Lã Mộng Thường

Theo dõi sự sắp xếp bài đọc Phúc Âm từ chủ nhật 25 đến nay, chúng ta thấy qua dụ ngôn người quản lý bất lương, Lời Chúa khuyến khích con người nên biết dùng khả năng tính toán sẵn có để nhận định những sự hơn thiệt về giá trị tâm linh hầu định hướng tâm hồn nơi hành trình đức tin. Kế đến câu chuyện Lazarô và người phú hộ nhắc nhở chúng ta nên dùng thời gian nơi thế trần để học hỏi và nhận biết về thực thể con người để chuẩn bị cho cuộc đời vĩnh cửu. Qua lời minh xác, “Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải thì dẫu các con khiến cây dâu này hãy bứng rễ lên mà đi trồng dưới biển, nó liền vâng lời các con”, Đức Giêsu nói lên quyền lực của lòng tin nơi mỗi người mà chúng ta đã không nhận biết.

Tuần trước, nơi câu truyện 10 người phong hủi được chữa lành Đức Giêsu công bố đức tin nơi họ chữa họ khi bảo người Samaritanô, “Lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi”. Tuy nhiên, nơi bài Phúc Âm hôm nay, câu hỏi Ngài đã nêu lên 2000 năm qua khiến những ai để ý khi đọc Lời Chúa đều cảm thấy rúng động, “Nhưng khi Con Người đến liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” Thực ra, nếu nhận xét về lý do tại sao hoặc kết quả nào sẽ xảy đến với con người để có sự suy luận cho hợp tình hợp lý theo ba phương diện niềm tin tưởng như chúng ta đã thường được giảng dạy, hoặc sự kiện sinh tồn của con người nơi mặt đất, hay nhận thức tâm linh, chúng ta đều không thể nào chấp nhận được những sự thể có thể xảy đến nơi lý luận qua dự đoán.

Trước hết, nếu nói rằng lòng tin hay đức tin là hồng ân Chúa ban cho mỗi người thì sự mất hay còn, nhiều hoặc ít, to bằng trái núi hay bé bằng hạt cải, tất nhiên lòng tin nơi mình không tùy thuộc ý muốn hoặc ý định hay ước mơ của bất cứ ai. Đồng thời nếu nói rằng lòng tin là hồng ân Chúa ban cho không thể nào thuận với lời của Đức Giêsu nơi Phúc Âm, “Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải”. Khi nói rằng có sự gì, điều gì, sự đó tùy thuộc về người có. Thế nên khi Đức Giêsu trở lại có thấy lòng tin hay không chắc chắn không tùy thuộc chúng ta nếu lòng tin là hồng ân Chúa ban. Bởi vậy, nếu cho rằng lòng tin là hồng ân của Chúa ban cho mỗi người thì nơi mặt đất này còn hay mất lòng tin chỉ Chúa biết, chúng ta không thể biết. Mặt khác, nếu hiểu lòng tin theo nghĩa thông thường quen dùng, chúng ta không thể nào áp dụng lời dạy của Đức Giêsu được ghi chép nơi Phúc Âm.

Lẽ thường, khi nói tin tưởng nơi ai về một vấn đề nào, chúng ta biết chắc chắn kết quả đã được dự đoán trước. Bởi thế khi nói đến lòng tin hay đức tin, hoặc tin nơi Thiên Chúa, tin vào Đức Giêsu, chúng ta thường chỉ đơn sơ nghĩ rằng có một Thiên Chúa tạo dựng và điều khiển vũ trụ và những tạo vật nơi vũ trụ vô tận này. Nói về dùng đức tin để cầu nguyện, chúng ta đặt niềm tin tưởng những lời cầu khẩn của mình được Chúa nghe nhưng thường thì không dám xác quyết điều mình khẩn nguyện sẽ được nhận lời. Và chúng ta đành chấp nhận Chúa ban cho hay không tùy Ngài. Thái độ này tự chất chứa nỗi nghi ngờ mà vì vô tình không để ý tâm trạng của mình lúc khẩn nguyện nên chúng ta không nhận ra hoặc nếu nhận biết thực trạng tâm hồn mình như thế, chúng ta đành cố tảng lờ, cam tâm chấp nhận cho có vẻ con nhà có đạo, có đức tin, không hơn không kém.

Tuy nhiên, dù nhận biết thực trạng nghi ngờ nơi nội tâm như thế vẫn không thể nào có được câu trả lời hợp tình hợp lý về sự thể không có lòng tin nơi mặt đất bởi ít nhất chúng ta đã có niềm tin tưởng dù rằng tin tưởng sai lầm. Tất nhiên tin tưởng sai lầm vẫn là sự tin tưởng. Chẳng lẽ ngày Đức Giêsu trở lại thế gian nhân loại không còn sống sót bất cứ người Công Giáo nào. Hơn nữa, đâu phải chỉ người Công Giáo mới tuyên xưng đức tin mà còn nhiều giáo phái khác cũng tuyên xưng tin vào Thiên Chúa, tin nơi Đức Giêsu. Thêm vào đó, biết bao nhiêu người tin nơi Thiên Chúa dẫu họ không tuyên xưng giống chúng ta và danh hiệu xưng tụng về Thiên Chúa của họ khác với ngôn từ của chúng ta, chẳng lẽ họ cũng không còn ai trên mặt đất này? Và nếu như vậy thì phỏng có một tận thế trước khi Đức Giêsu trở lại? Xét về phương diện tâm linh theo nhãn quan Phúc Âm thì lòng tin hay đức tin chính là quyền lực của Thiên Chúa nơi mỗi người.

Đọc Phúc Âm chúng ta thấy nhiều lần Đức Giêsu đương đường công bố đức tin con chữa con, đức tin con cứu con, đức tin con là ơn cứu độ của con… Và thế rồi dụ ngôn chiên và dê nói về ngày Ngài ngự đến phân chia nhân loại thành hai thành phần tốt lành đáng được thưởng và bất trắc đáng phải phạt… minh chứng chúng ta phải trả lời về cuộc sống của mình trước mặt Chúa. Vậy tại sao đã hai ngàn năm qua câu hỏi “Nhưng khi Con Người đến liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” vẫn lạnh lùng, im hơi lặng tiếng ẩn mình nơi Phúc Âm thánh Luca? Tôi muốn nói, chúng ta không dám đối diện với câu hỏi này. Chúng ta e sợ sự trả lời vì đã không nhận biết lòng tin, đức tin là gì. Chúng ta cố ý tảng lờ câu hỏi này hầu có được nỗi an tâm giả tạo chẳng khác gì con đà điểu chúi đầu vào bụi rậm mỗi khi sợ hãi quá độ. Tưởng rằng không nhìn thấy tai họa thì tai họa không xảy đến. Hoặc may ra có ai đó để ý đến Lời Chúa thách đố thì cũng đành tự lừa dối mình bằng cách trả lời cho qua để được an tâm.

Nói cách khác, chúng ta đã không cần biết đức tin, lòng tin là gì. Và đồng thời chúng ta cũng không dám đối diện với tâm hồn của mình. Chúng ta tự dối lòng. Chúng ta tự lừa đảo chính mình bằng cách chờ người khác giải thích, giảng giải. Và bất cứ ai nói không thuận với mơ ước thế tục của mình, chúng ta tìm cách phê bình để hy vọng có được nỗi an tâm giả tạo. Đức Giêsu không cần phải trở lại vì Ngài hằng hiện hữu giữa chúng ta và Ngài không thấy lòng tin của chúng ta. Tôi dám thách đố mọi người trên thế gian này minh chứng cho tôi lòng tin của họ bằng cách thực hiện lời công bố của Đức Giêsu, “Lòng tin của con cứu con” nơi chính cuộc đời của họ.

Chúng ta tuyên xưng có đức tin, có lòng tin, nhưng mỗi khi bệnh hoạn chúng ta không dùng đức tin để chữa, chúng ta đi cho bác sĩ khám và nói là khám bác sĩ. Phỏng bác sĩ là lòng tin của chúng ta? Vậy lòng tin, đức tin của mỗi người chúng ta là gì? Nói theo Phúc Âm, lòng tin hay đức tin chính là quyền lực hiện hữu tối thượng, quyền lực của Thiên Chúa nơi mỗi người mà chúng ta đã không nhận biết nên không thể xử dụng được. Như vậy, sự thách đố của lời Chúa có nghĩa, phỏng chúng ta có thực sự nhận biết đức tin là gì hay không. Một lần nữa, tôi mời gọi mọi người nên nghiệm chứng câu Phúc Âm thánh Marcô, “Ta bảo các ngươi, kẻ nào bảo núi này hãy xê đi mà nhào xuống biển mà trong lòng không nghi ngại nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra thì nó sẽ thấy thành sự. Bởi thế, ta bảo các ngươi, mọi điều các ngươi cầu nguyện kêu xin, các ngươi hãy tin là đã được và các ngươi sẽ thấy thành sự” (Mc.
11:23-24). Amen.
 

HIỆP SỐNG TIN MỪNG
CHÚA NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN C

Xh 17, 8-13; 2Tm 3, 14-4,2; Lc 18, 1-8
LM ĐAN VINH - HHTM

CẦU NGUYỆN VỚI MỘT ĐỨC TIN KIÊN TRÌ
I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Lc 18, 1-8
(1) Đức Giê-su kể cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí. (2) Người nói: “Trong thành kia, có một ông quan tòa. Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì. (3) Trong thành đó, cũng có một bà góa. Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông: “Xin ngài bênh vực tôi chống lại kẻ kiện tôi”. (4) Một thời gian khá lâu, ông không chịu. Nhưng cuối cùng, ông ta nghĩ bụng: “Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa mà cũng chẳng coi ai ra gì. (5) Nhưng mụ góa này quấy rầy mãi, thì ta bênh vực mụ cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc”. (6) Rồi Chúa nói: “Anh em nghe quan tòa bất chính ấy nói đó! (7) Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không bênh vực những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người, dù Người có trì hoãn? (8) Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng bênh vực họ. Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”

2. Ý CHÍNH: Tin mừng Lu-ca kể ra dụ ngôn của Đức Giê-su về bà góa và ông quan tòa nhằm dạy các môn đệ: “phải cầu nguyện luôn, không được nản chí”. Một người bất lương như ông quan tòa mà còn phải chịu thua lòng kiên trì nài xin của bà góa nghèo. Phương chi Thiên Chúa là Cha nhân lành lại không mau chóng bênh vực những kẻ hằng kêu xin Người đêm ngày hay sao? Tuy nhiên có nhiều kẻ vì thiếu kiên trì khi gặp phải gian nan thử thách nên đã sớm bị mất đức tin. Vì thế Đức Giê-su đã phải thốt lên lời than phiền như sau: “Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”.

3. CHÚ THÍCH:

- C 1-3: + Đức Giê-su kể cho các môn đệ dụ ngôn…: Câu dẫn nhập này báo trước ý nghĩa của dụ ngôn: Đức Giê-su muốn nhấn mạnh đến thái độ kiên trì và liên lỉ cầu nguyện để chuẩn bị cho ngày Người tái lâm. +Trong thành kia có một ông quan tòa: Ông này bị coi là bất lương vì ông chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng nể nang người đời. Những quan tòa như thế có nhiều trong dân Ít-ra-en và nhiều lần đã bị các Ngôn sứ lên án (x. Is 1, 23; Gr 5, 28; Am 5, 7). + Trong thành đó cũng có một bà góa: Bà góa là một mẫu người nghèo thường được đề cập tới trong Thánh kinh. Các bà không có chồng bảo vệ nên dễ bị kẻ xấu chèn ép bóc lột. + “Xin ngài bênh vực tôi chống lại kẻ kiện tôi”: Bà góa này xin quan tòa giúp minh oan trước kẻ đang kiện cáo mình.

- C 4-5: + Một thời gian khá lâu, ông không chịu…: Lúc đầu ông quan tòa hành động vì ích kỷ, nhưng cuối cùng ông cũng đành phải chịu thua lòng kiên trì của bà góa nghèo để đứng ra bênh vực bà, hầu tránh khỏi bị bà quấy rầy mãi.

- C 6-8: + Rồi Chúa nói: Lu-ca nêu tước hiệu “Chúa” 20 lần trong các bài tường thuật. Qua đó ông muốn người đọc lưu ý đến vương quyền mầu nhiệm của Đức Giê-su. + “Anh em nghe quan tòa bất chính ấy nói đó: Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không bênh vực những kẻ Người đã tuyển chọn…”: Mục đích so sánh Thiên Chúa với quan tòa bất chính là để làm nổi bật sự tương phản giữa lối hành xử bất lương của viên quan tòa với lòng nhân từ vô biên của Thiên Chúa. Một con người ngang ngược ích kỷ vô tín mà còn biết bênh đỡ người yếu thế để tránh khỏi bị quấy rầy như vậy, phương chi Thiên Chúa nhân từ lại có thể nhẫn tâm từ chối lời cầu xin của những kẻ đầy lòng cậy tin vào Ngài hay sao? + Dù Người có trì hoãn: Chắc chắn Chúa sẽ can thiệp, nhưng theo cách thức của Người. Mỗi khi cầu xin mà chờ lâu vẫn không được như ý, chúng ta hãy nhớ lại trường hợp Đức Giê-su trong vườn cây Dầu: đã cầu xin Chúa Cha cho khỏi uống chén đắng và không được Cha chấp thuận, nhưng nhờ vậy mà loài người chúng ta mới được cứu độ nhờ cuộc khổ nạn và phục sinh của Người. Trong thực tế, có nhiều điều chúng ta cố nài xin Chúa ban, vì tưởng điều đó tốt cho mình, nhưng thực ra nó lại có hại cho phần rỗi đời đời của ta. Nên vì thương ta mà Chúa đã không ban theo ý ta xin, nhưng lại ban ơn khác giúp ta được ơn cứu độ, như lời Đức Giê-su: ”Có ngừoi cha nào đứa con xin bánh mà lại cho nó hòn đá?….”. Trật tự thế giới này sẽ ra sao nếu các ước muốn ngông cuồng của mọi người đều được Chúa ban như ý tất cả? + Người sẽ mau chóng bênh vực họ: Ở đây cũng như ở nhiều nơi khác (x. Mt 9,1; 13,30). Đức Giê-su cho biết đến “ngày của Con Người”, những kẻ được tuyển chọn sẽ được Chúa ra tay bênh vực (x. Lc 17,22-37). + Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?: Trong cơn thử thách, những kẻ được tuyển chọn cũng vẫn có thể trở thành vô tín nếu không có sự kiên trì (x. Mc 13, 20-22). Vì thế Đức Giê-su khuyên các môn đệ phải tránh lối sống buông thả, nhưng luôn kiên trì cầu nguyện, giống như bà góa trong dụ ngôn đã vững tâm cầu xin trước sự thờ ơ của quan tòa bất lương. Trong thời gian dài từ khi Đức Ki-tô về trời đến khi Người lại đến vào ngày tận thế, các tín hữu phải “tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21, 36).

4. CÂU HỎI: 1) Câu nào trong Tin mừng cho thấy bài học Đức Giê-su muốn dạy môn đệ về sự tin tưởng vào lòng nhân từ của Thiên Chúa? 2) Phải giải thích thế nào nếu Thiên Chúa trì hõan không nhận lời cầu xin xem ra chính đáng của chúng ta? 3) Câu nào cho thấy vào ngày tận thế nhiều người có thể mất đức tin vì đã không kiên trì cầu nguyện khi gặp gian nan thử thách? 4) Chúa đã hứa: "Hãy xin sẽ được…", vậy tại sao tôi cầu xin hoài mà vẫn không được Chúa ban ơn như ý của mình?

II. SỐNG LỜI CHÚA:

1. LỜI CHÚA: “Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không bênh vực những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng đến kêu cứu với Người, dù Người có trì hoãn?” (Lc 18, 7).

2. CÂU CHUYỆN:

1) KIÊN TRÌ CẦU XIN SẼ ĐƯỢC CHẤP NHẬN:

Một nhân viên bưu điện phi ngựa tới một ngôi nhà cửa đóng kín để phát thư. Ông gõ cửa nhưng không thấy ai ra mở cả. Ông biết trong nhà có người, vì đã thấy bóng họ thấp thoáng qua khung cửa sổ. Do đó, ông vừa la lớn vừa đập mạnh vào cánh cửa. Sau khi ông đập cửa tới 5 lần thì một lỗ nhỏ trên cánh cửa được mở ra và có tiếng người trong nhà hỏi: “Ông muốn gì?”. Ông trả lời: “Muốn gì ư? Tôi đã kêu cửa mấy phút rồi mà không thấy ai ra mở cửa để lấy thư cả!” Bấy giờ người trong nhà mới vặn chốt mở rộng cửa ra và giải thích như sau: “Xin ông thông cảm cho. Mỗi ngày chúng tôi phải chịu đựng lũ trẻ hàng xóm đến phá quấy. Chúng cứ tới đập cửa ầm ầm, rồi khi chúng tôi ra mở thì lại chẳng thấy ai cả. Khi nãy lúc đầu chúng tôi cứ tưởng là lũ trẻ đến phá rối như mọi khi, nên không ra mở cửa. Nhưng về sau thấy cửa cứ bị đập hoài, nên chúng tôi biết là có khách đến thăm thực sự”.

2) LỜI CẦU XIN ỨNG NGHIỆM SAU NHIỀU NĂM:

Tạp chí Hướng Đạo có đăng một câu chuyện thú vị về một cô giáo trẻ. Câu chuyện được tóm tắt như sau: Cô giáo Me-ri được điều về dạy ở một trường nọ. Trong lớp cô phụ trách có một học sinh ngỗ nghịch tên là Bill. Em này thường gây cho cô giáo trẻ sự bực bội và làm cho lớp học thành một nơi bát nháo vô trật tự. Một buổi sáng kia, cô Me-ri đến lớp sớm hơn và ngồi ở bàn của thầy giáo hí hoáy viết tốc ký lên một trang giấy, thì bất ngờ Bill xuất hiện. Cậu bé tiến lại gần bàn cô giáo và nói: “Cô đang viết gì vậy?” Me-ri đáp: “Cô viết lời cầu nguyện với Chúa đó”. Bill chế giễu: “Chúa có thể đọc được chữ tốc ký hay sao?” Me-ri đáp: “Người có thể làm được mọi sự. Ngay cả việc nhậm lời cầu xin này của cô”. Nói xong, cô để mảnh giấy kia vào trong cuốn Kinh thánh, và quay lên viết bài học trên bảng cho cả lớp. Lợi dụng lúc cô giáo loay hoay viết, Bill đã lén lấy cắp mảnh giấy có ghi lời cầu nguyện của cô giáo và bỏ vào trong cuốn tập của cậu. Hai mươi năm sau, Bill đã trở thành giám đốc của một công ty lớn. Một hôm ông ta lục tìm một đồ vật cũ để trên gác xép ngôi nhà xưa của cha mẹ ông. Bill tình cờ cầm lên một cuốn sổ ghi bài học thuở nhỏ và đột nhiên thấy một mảnh giấy vàng ố rơi xuống sàn. Đó là mẩu giấy có ghi chữ tốc ký. Bill không hiểu nội dung những dòng chữ ấy. Ông gấp tờ giấy kia lại, mang đến văn phòng nhờ cô thư ký đọc giúp. Cô ta đã viết lời dịch vào một tờ giấy khác và đưa cho Bill. Ông nhận ra đó là lời cầu nguyện của cô giáo Me-ri năm xưa, nội dung lời cầu ấy như sau: “Lạy Chúa, xin đừng để con bị thất bại trong nghề giáo của con. Con không thể làm cho lớp con đang dạy vào khuôn khổ kỷ luật được, vì có một cậu học trò tên là Bill hay phá bĩnh. Xin Chúa hãy uốn nắn tâm hồn cậu bé này. Vì theo con nhận xét: Cậu bé ấy có thể trở thành một người hoặc rất tốt hoặc rất xấu sau này”. Câu cuối cùng như một nhát búa nện vào đầu Bill, bắt ông phải suy nghĩ. Thật ra chỉ vài giờ trước đó, Bill có dự tính lao vào một vụ làm ăn buôn lậu, hy vọng sẽ đem lại nhiều lợi nhuận cho công ty. Ông cầm tờ giấy kia lên gấp lại cho vào chiếc ví để trong túi quần. Rồi trong suốt tuần kế tiếp, mỗi khi có dịp là ông lại lôi tờ giấy kia ra đọc đi đọc lại nhiều lần. Cuối cùng thì lời cầu nguyện của cô giáo được viết trước đó hai mươi năm đã phát huy tác dụng và làm thay đổi ý định buôn lậu của Bill. Mấy tuần sau, khi có dịp ngang qua nhà cô giáo cũ, ông đã tìm đến thăm cô và kể cho cô nghe về lời cầu nguyện của cô cách đây 20 năm đã có sức mạnh làm thay đổi cuộc đời hiện tại của ông ra sao.

3) CHÚA CÓ NHIỀU CÁCH ĐỂ THI ÂN:

Một bà cụ quê mùa nhưng rất có lòng đạo đức. Nhà bà quá nghèo phải ăn đong từng bữa. Một hôm trong hũ gạo nhà bà chẳng còn hạt gạo nào, nhưng bà không biết phải lo liệu cách nào. Bà đứng trước bàn thờ thành tâm cầu xin Chúa ban cho gia đình bà có lương thực hằng ngày. Một chàng thanh niên vô tín nhà kế bên nghe thấy bà cầu nguyện như thế, liền lấy một bịch gạo quẳng sang bếp nhà bà. Khi vừa trông thấy bịch gạo, bà liền dâng lời tạ ơn Chúa đã mau đáp lời bà cầu xin. Thấy vậy, chàng thanh niên liền nói vọng sang: “Bà ơi, không phải Chúa ban cho bà đâu, bịch gạo đó là của cháu đấy. Chẳng có Chúa nào đã ban gạo cho bà đâu”. Nghe vậy, bà cụ lại ngước mắt lên trời nguyện rằng: “Lạy Chúa, con cám ơn Chúa đã xui khiến anh chàng Giu-đa này đem gạo đến cho con. Chúa có nhiều cách để thi ân cho con. Con xin tạ ơn Chúa.” 

4) CHÚA KHÔNG TRỰC TIẾP NHƯNG THƯỜNG BAN ƠN QUA TRUNG GIAN:

Một lá thư được viết nguệch ngoạc của một đứa trẻ gởi vào bưu điện, và địa chỉ người nhận là Chúa. Nhân viên bưu điện lấy làm lạ liền mở thư ra đọc. Trong thư viết rằng: "Lạy Chúa. Con tên là Tommy, được sáu tuổi. Ba con đã chết cách đây mấy năm và mẹ con phải chịu vất vả cực khổ để nuôi sáu anh em con. Xin Chúa cho mẹ con số tiền 300 đồng để làm vốn bán hàng nhé”.

Đọc thư xong, anh nhân viên bưu điện rất xúc động và dưa cho các bạn đồng nghiệp cùng xem. Rồi họ quyết định quyên góp để giúp đỡ cho gia đình cậu bé. Số tiền tổng cộng được 100 đồng được gởi tới địa chỉ của người gửi là nhà cậu bé Tommy.

Vài tuần sau, nhân viên bưu điện lại nhận được lá thư thứ hai. Họ cũng mở ra đọc bà thấy thư viết như sau: "Lần tới, Chúa có thể gởi trực tiếp cho gia đình con không? Vì gởi qua bưu điện, họ đã giữ lại của chúng con mất 200 đồng!"

Nghe xong câu chuyện, chúng ta phải bật cười vì sự ngây ngô của cậu bé, nhưng chúng ta cũng cảm thấy hổ thẹn vì xem ra mình cũng giống như cậu bé nói trên: Chúng ta thường muốn phải Chúa lập tức đáp lại lời cầu xin của chúng ta. Nếu Người chậm đáp ứng hoặc đáp ứng chưa đủ yêu cầu, thì chúng ta cảm thấy khó chịu, và cũng quên nói lời cám tạ ơn Người.

3. SUY NIỆM:

Trong Tin Mừng hôm nay Đức Giê-su đã dạy các môn đệ: "Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí" (Lc 18, 1). Người muốn các tín hữu chúng ta cũng phải kiên trì cầu nguyện để được Chúa ban ơn cứu độ. Nhưng tại sao chúng ta lại phải cầu nguyên và phải cầu nguyện thế nào?

1. Mấy thái độ cầu nguyện?

Trong một vụ động đất lớn khiến nhiều nhà cửa trong thành phố bị sụp đổ. Có ba người bị kẹt trong văn phòng một tòa nhà của một công ty xây dựng. Bấy giờ văn phòng bị tối thui vì cúp điện và cũng do một khối bê-tông lớn từ tầng trên rơi xuống chắn ngang cửa sổ và cửa ra vào văn phòng. Trước tình huống này, người thứ nhất là trưởng phòng không có đức tin và không đến nhà thờ từ lâu. Ông ta bực tức không ngừng chửi rủa viên kỹ sư thiết kế và là chủ thi công công trình tòa nhà này đã không chịu gia cố thêm sắt thép khi xây dựng chân móng và đà cột, khiến tòa nhà dễ bị sụp đổ khi có động đất mạnh. Anh thứ hai là nhân viên vệ sinh của công ty có lòng đạo đức bình dân, khi bị kẹt trong văn phòng liền quỳ gối lần chuỗi kinh mân côi thật sốt sắng để xin Đức Mẹ thương ra tay cứu giúp. Anh thứ ba là nhân viên bảo trì máy móc của công ty là người có đức tin trưởng thành đã bình tĩnh khi gặp sự cố. Anh ta âm thầm đối thoại cầu xin Chúa như sau: “Lay Chúa, Chúa muốn con làm gì để thoát khỏi hoàn cảnh này? Sau đó anh lấy ra búa và đục trong giỏ đồ nghề luôn mang theo và bắt đầu đục phá khối bê-tông bít lối ra vào kia. Cứ sau một lúc làm việc, anh dừng tay nghỉ mệt và lại thầm thĩ thưa chuyện với Chúa: "Lạy Chúa, xin giúp con đủ sức đục bể khối bê-tông này để cả ba người chúng con sớm thoát được ra bên ngoài". Cuối cùng anh ta đã phá được một mảng lớn bê-tông và cả ba người đã chui được ra ngoài an toàn.

2. Tại sao phải cầu nguyện?

Câu chuyện trên cho thấy thái độ cầu nguyện của ba hạng người: người thứ nhất do mất đức tin, cho rằng cầu nguyện vừa mất thời giờ lại vừa vô ích, nên không cầu nguyện khi gặp khó khăn. Anh ta chỉ biết đổ lỗi cho hoàn cảnh và tha nhân, mà không tích cực giải quyết vấn đề. Người thứ hai có đức tin thụ động: Khi gặp sự cố chỉ biết khoanh tay đọc kinh để cầu xin phép lạ, thay vì chủ động giải quyết vấn đề. Có lẽ đại đa số các tín hữu chúng ta vẫn đang có lối cầu nguyện thụ động này, nhất là khi chúng ta cầu xin cho người khác. Người thứ ba có đức tin tích cực chủ động: tuy tin vào quyền năng của Chúa, nhưng đồng thời cũng ý thức cần phải sử dụng các phương tiện Chúa ban để chủ động giải quyết sự cố kèm theo việc xin Chúa ban ơn trợ giúp. Đây là cách cầu nguyện đúng đắn nhất và đẹp lòng Chúa hơn cả mà các tin hữu chúng ta hôm nay cần áp dụng trong cuộc sống hằng ngày.

3. Ích lợi của sự cầu nguyện?

- Hiệu quả của cầu nguyện: Cầu nguyện sẽ giúp các tín hữu thêm lòng mến Chúa yêu người và tâm hồn sẽ được bình an hạnh phúc như có người đã nói: «Hoa trái của cầu nguyện là đức tin; Hoa trái của đức tin là tình yêu; Hoa trái của tình yêu là phục vụ; Và hoa trái của phục vụ là tâm hồn an bình hạnh phúc».

- Không nên đòi hiệu quả tức thời: Khi cầu nguyện, chúng ta tin chắc Chúa sẽ đáp lời cầu xin của chúng ta. Nhưng Ngài không ban ngay theo ý ta, mà sẽ ban vào thời gian thích hợp và ban những gì có lợi nhất cho phần rỗi đời đời của chúng ta.

4. Phải cầu nguyện thế nào để được Chúa chấp nhận?

- Cần cầu xin với sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần: như lời Thánh Phao-lô: "Chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải, nhưng chính Thần Khí sẽ cầu thay nguyện giúp cho chúng ta… theo đúng thánh ý Thiên Chúa” (Rm 8, 26-27).

- Cần kiên trì cầu nguyện: Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đã dạy các môn đệ: "Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí" (Lc 18, 1). Người muốn các tín hữu kiên trì cầu nguyện noi gương ông Mô-sê xưa đã quì giang tay suốt cả ngày để xin Chúa cho quân Ít-ra-en được thắng trận (Bài đọc 1); Hay như bà goá bị kiện cáo oan ức đã kiên trì xin viên quan toà “không tin Chúa mà cũng chẳng kiêng nể người đời”, để nhờ ông ta minh oan. Nhờ sự kiên trì mà cuối cùng bà góa này đã được quan tòa minh oan (Bài Tin Mừng). Mỗi người chúng ta cũng phải kiên trì cầu nguyện, cả những lúc xem ra Chúa im lặng không đáp ứng các yêu cầu chính đáng của chúng ta, như trường hợp một người đàn bà Ca-na-an kiên trì cầu xin Chúa chữa cho đứa con gái khỏi bị quỷ ám, (x Mt 15, 21-28). Cầu xin với sự xác tín và cậy trông phó thác vào quyền năng và tình thương của Chúa thì sẽ được chấp nhận, như lời Đức Giê-su: Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không bênh vực những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người, dù Người có trì hoãn? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng bênh vực họ” (Lc 18, 7-8a).

- Cần kèm theo lễ vật hy sinh: Để lời cầu xin xứng đáng được Chúa chấp nhận, chúng ta cần kèm theo lễ vật, như dân Do-thái xưa thời Cựu Ước đã dâng chiên bò làm lễ vật toàn thiêu lên Đức Chúa; Hoặc hai ông bà Giu-se Ma-ri-a đã dâng Hài Nhi Giê-su cho Thiên Chúa và chuộc lại bằng một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu con như Luật dạy (x Lc 2, 23-24). Hoặc các đạo sĩ đến thăm Hài Nhi Cứu Thế, đã sấp mình bái lạy kèm theo dâng tiến Chúa lễ vật là vàng, nhũ hương và mộc dược (x Mt 2, 11).

Nếu quá nghèo không thể mua sắm lễ vật, chúng ta vẫn có thể dâng lễ vật thiêng liêng là lời cầu nguyện chân thành, các việc hy sinh hãm mình đền tội và việc bác ái khiêm nhường phục vụ tha nhân, nhất là phục vụ những người nghèo khổ bất hạnh.

TÓM LẠI: Cầu nguyện không phải là cầu xin cách vụ lợi cho chúng ta, cũng không phải là nêu ra những nhu cầu để xin Chúa ban theo ý ta muốn mà không cần phải cố gắng thực hiện, nhưng là thưa chuyện với Thiên Chúa, xin Ngài giúp chúng ta vâng theo thánh ý Ngài, noi gương Đức Giê-su trước cuộc khổ nạn: “Cha ơi! Nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26, 39). Tuy nhiên vì biết loài người vốn yếu đuối dễ bị nản chí thất vọng buông xuôi, nên Đức Giê-su đã cảnh báo: "Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18, 8).

4. THẢO LUẬN: 1) Bạn cần đọc kinh dự lễ như thế nào để tránh bị lo ra chia trí và để lời cầu nguyện của bạn xứng đáng được Chúa chấp nhận? 2) Ngoài việc đọc kinh dự lễ, bạn cần làm gì để biến đời bạn trở thành một lời cầu nguyện liên lỉ?

5. NGUYỆN CẦU:

Lạy Chúa Giê-su. Điều làm cho Chúa đau lòng là có nhiều người đã bị mất đức tin, trong đó có thể có cả con nữa. Nhiều lúc chính con đã không tin vào hiệu lực của lời cầu xin: Khi gặp khổ đau hoạn nạn, con thường than thân trách phận, mà không biết mở miệng cầu xin Chúa ban ơn trợ giúp. Cũng có những lúc con chỉ cậy vào sức riêng mình, dựa vào sức mạnh của tiền bạc hay thế lực của những kẻ đang nắm giữ chức quyền… mà không biết cậy dựa vào ơn của Chúa. Nhiều lúc con cảm thấy chán nản và thất vọng khi cầu xin mãi mà vẫn không được Chúa ban theo ý con xin. Xin giúp con biết kiên trì cầu nguyện và đừng bao giờ nản chí. Xin cho con ý thức rằng: Những ai tin cậy vào quyền năng và tình thương của Chúa, sẽ không bao giờ phải thất vọng hổ ngươi.

X) HIỆP CÙNG MẸ MARIA.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

Chúa nhật tuần lễ thứ 29 thường niên-C
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 18, 1-8).

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ một dụ ngôn, dạy các ông phải cầu nguyện luôn, đừng ngã lòng, mà rằng: “Trong thành kia, có một vị thẩm phán không kính sợ Thiên Chúa, cũng không kiêng nể người ta. Trong thành đó lại có một bà goá đến thưa ông ấy rằng: ‘Xin ông minh oan cho tôi khỏi tay kẻ thù’. Trong một thời gian lâu dài, ông không chịu, nhưng sau đó ông nghĩ rằng: ‘Mặc dầu ta không kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng kính nể người ta, nhưng vì bà góa này cứ quấy rầy ta mãi, nên ta sẽ xử cho bà ấy, kẻo bà ấy đến mãi làm ta nhức óc’”.
Rồi Chúa phán: “Các con hãy nghe lời vị thẩm phán bất lương nói đó. Vậy Thiên Chúa lại không minh xử cho những kẻ Người tuyển chọn, hằng kêu cứu với Người đêm ngày, mà khoan giãn với họ mãi sao? Thầy bảo các con, Chúa sẽ kíp giải oan cho họ. Nhưng khi Con Người đến, liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”

Suy niệm

Con người hiện hữu không chỉ cách ngẫu nhiên, nhưng cần có những thứ gọi là lương thực giúp cho sự sống thể lý tồn tại và phát triển. Những thứ lương thực đó là không khí, là nước và lương thực, tất cả giúp cho một thân thể cùng lớn dần theo năm tháng. Song song với sự sống thể lý, mỗi người còn có sự sống về tinh thần. Sự sống về tinh thần gồm có nhân cách sống, là tương quan tình người, là sự sống tâm linh. Sự sống tâm linh đó tùy thuộc vào tôn giáo con người hướng tới. Chính sự sống này giúp con người tìm thấy giá trị đích thực của chính mình và tha nhân, đồng thời giúp con người tiếp xúc với thế giới thần linh. Đời sống cầu nguyện, của ăn thiêng liêng từ bàn tiệc Thánh lễ, ân sủng từ các bí tích, là nguồn dưỡng chất, giúp người Công giáo được nên một với Thiên Chúa, nên đồng hình đồng dạng với Ngài nhờ Đức Giêsu Kitô, vì thế, mỗi ngày người tín hữu cần gắn bó với Thiên Chúa, để được sống trong Ngài và Ngài hiện diện trong cuộc đời. Phụng vụ Lời Chúa tuần lễ thứ 29 thường niên, gợi mở cho con người thấy được tầm quan trọng của việc cầu nguyện trong đời sống người tín hữu ra sao, thấy được niềm vui có Thiên Chúa trong cuộc đời, đặc biệt trong lúc khổ đau và buồn vui cuộc đời.

Trong hành trình tiến về đất hứa của dân Do-thái, không thiếu những cuộc giao tranh đe dọa sự tồn vong của dân tộc, Mô-sê đã giúp dân vơi đi những nỗi lo lắng đó bằng việc cầu nguyện với Thiên Chúa. Câu chuyện trong bài đọc 1 từ sách Xuất hành, kể lại một trong câu chuyện họ được Thiên Chúa cứu nhờ lời cầu nguyện của vị lãnh đạo cũng như của toàn dân: “Trong những ngày ấy, người Amalec đến giao chiến với Israel tại Raphiđim . . . ông Mô-sê, A-a-ron và Hur thì đi lên đỉnh núi. Khi ông Môsê giơ tay lên, thì dân Israel thắng trận, còn khi ông hạ tay xuống một chút, thì người Amalec thắng thế”. Giơ tay lên hướng về trời, là một phương cách cầu nguyện tha thiết và chân thành của người Do-thái lúc bấy giờ, ông Mô-sê và toàn dân đã kêu cầu Thiên Chúa, Ngài đã giúp họ vượt qua những phút giây sợ hãi trong hành trình về đất hứa. Sự chân thành và niềm tin tuyệt đối, giúp họ được bình an, vượt thắng mọi âu lo giữa đời.

Niềm tin của con người là một tâm tình có từ trong sâu thẳm tâm hồn, nó hiện hữu ở đó khi chủ nhân nó xuất hiện trên trái đất này. Theo hoàn cảnh xã hội và sự nỗ lực của mỗi người, niềm tin đó lớn lên và được huấn luyện theo tinh thần một tôn giáo nào đó. Người học trò của thánh Phaolô đã được thầy mình dạy dỗ về khía cạnh này, để khi đối diện với những thách đố trong hành trình đức tin, ông ta không bị dao động, không bị hoang mang: “Con thân mến, con hãy bền vững trong các điều con đã học hỏi và xác tín, vì con biết con đã học cùng ai, vì từ bé, con đã học biết Sách Thánh, và chính Sách Thánh đã dạy con sự khôn ngoan để con được cứu rỗi nhờ tin vào Ðức Giêsu Kitô. Tất cả Kinh Thánh đã được Chúa linh hứng, đều hữu ích để giảng dạy, biện bác, sửa dạy và giáo dục trong đàng công chính, ngõ hầu người của Thiên Chúa được hoàn hảo để sẵn sàng thực hiện mọi việc lành”. Ông Timôthê, người học trò của thánh Phaolô, khi đối diện với những xu hướng của xã hội, thấy lúng túng và băn khoăn về niềm tin, trước thử thách đó, thánh Phaolô đã hướng dẫn ông cầu nguyện, tìm thánh ý của Đấng chọn ông làm môn đệ, chứ đừng tìm kiếm lợi ích của thế gian, hay chạy theo những trào lưu của xã hội. Tất cả đều dựa vào Kinh Thánh, vào giáo huấn của Giáo hội và giáo lý của các Tông Đồ.

Đức Giêsu đã dùng nhiều câu chuyện, nhiều dụ ngôn để dạy dỗ con người, Ngài bắt đầu từ những sinh hoạt hàng ngày của con người, để mời con người hướng về một người Cha nhân lành, thánh thiện, người Cha đó hết mực yêu thương con cái. Tâm tình hướng về người Cha như là tìm kiếm thánh ý, như là tìm kiếm lời dạy bảo, đó là những phút giây cầu nguyện. Cầu nguyện như thế nào và sẽ nói gì trong lúc cầu nguyện, cùng với đó là thái độ cần có lúc cầu nguyện ra sao, những gợi ý đó được tác giả bài tin mừng ghi lại sau đây: “Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ một dụ ngôn, dạy các ông phải cầu nguyện luôn, đừng ngã lòng, mà rằng: “Trong thành kia, có một vị thẩm phán không kính sợ Thiên Chúa, cũng không kiêng nể người ta. Trong thành đó lại có một bà goá đến thưa ông ấy rằng: ‘Xin ông minh oan cho tôi khỏi tay kẻ thù’. Trong một thời gian lâu dài, ông không chịu, nhưng sau đó ông nghĩ rằng: ‘Mặc dầu ta không kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng kính nể người ta, nhưng vì bà goá này cứ quấy rầy ta mãi, nên ta sẽ xử cho bà ấy, kẻo bà ấy đến mãi làm ta nhức óc’”. Trước một Thiên Chúa cao cả, con người biết nói gì đây và làm sao nghe được tiếng Ngài. Vì thế, cần có một tâm hồn khiêm tốn, cần có một trái tim yêu mến người Cha đó, và cần có một sự quảng đại đủ để lắng nghe và đem ra thực hành.

Cầu nguyện là một cuộc trò chuyện giữa Thiên Chúa và con người, có những lúc con người im lặng và lắng nghe Thiên Chúa nói, Ngài nói qua Thánh Kinh, qua giáo huấn của Giáo hội, qua sự chỉ dạy của Bề trên, Ngài còn nói với con người qua những biến cố, những câu chuyện trong cuộc đời. Bên cạnh đó, có những lúc Thiên Chúa lắng nghe con người nói, họ sẽ nói gì với Ngài, là cầu xin về những nhu cầu vật chất, cầu xin những nhu cầu về quyền bính, về sự nghiệp cho bản thân hay cho gia đình, hoặc họ sẽ cầu nguyện cho Giáo hội luôn trung thành với niềm tin, cho thế giới luôn bình an, bớt đau khổ, chiến tranh và bệnh tật, và có nên cầu nguyện cho các linh hồn đang còn chịu thanh luyện. Họ sẽ nói với Thiên Chúa về những khó khăn trong mỗi ơn gọi, về thao thức truyền giáo của họ, hay họ chỉ quan tâm đến những nhu cầu hưởng thụ của cá nhân và một nhóm nào đó chăng. Tất cả những gì con người thưa chuyện với Thiên Chúa, nếu đem lại lợi ích cho tha nhân, cho cộng đoàn, cho Giáo hội, tất nhiên sẽ được Thiên Chúa đón nhận và thực hiện theo kế hoạch cứu độ của Ngài.

Con người cũng nên coi lại thái độ lúc cầu nguyện của chính mình, sẽ lấy hình ảnh người Biệt phái vào đền thờ cầu nguyện bằng thái độ tự mãn, bằng khả năng và thành công của bản thân, hay sẽ là hình ảnh của người thu thuế, chỉ biết rằng, tôi là một tội nhân, chỉ biết xin Thiên Chúa tha thứ, đón nhận, đừng chê bỏ, còn những gì trong cuộc đời, nếu đẹp ý Ngài thì Ngài sẽ ban cho mỗi người. Thái độ cần có lúc cầu nguyện phần nào sẽ quyết định lời cầu nguyện của mình có được Thiên Chúa đón nhận hay không, Thiên Chúa là người Cha luôn mong con cái nhận ra ý của Cha để thực hiện, để hoàn thiện ơn gọi của mỗi người con, đồng thời, Ngài cũng muốn con người đừng để mình bị vong thân trong một xã hội mang tinh thần thế tục này, vì thế, Ngài nhắc con cái hãy cầu nguyện mọi lúc mọi nơi và trong bất cứ hoàn cảnh nào. Thế nhưng, thói quen của con người là mỗi khi gặp khó khăn, bất lực hay cùng cực, mới tìm đến Thiên Chúa, mới dám chắp tay, quỳ gối để cầu nguyện. Họ chỉ mong sao tai qua nạn khỏi, họ chỉ mong sao được bình yên, họ đã quên đi một tâm tình cần có là tạ ơn, biết tạ ơn những lúc bình an, và cả những lúc khó khăn, bệnh tật, khổ đau, mới là thực sự là người có niềm tin trưởng thành giữa cuộc đời.

Hãy tạ ơn mọi lúc và mọi nơi, trong lời cầu nguyện không chỉ đơn thuần là cầu xin, nhưng cần có tâm tình tạ ơn và tôn vinh Thiên Chúa. Ngài cần nơi con người một tấm lòng hơn là những lễ vật, Ngài cần nơi con người một sự chân thành hơn là những hình thức bên ngoài. Tôn giáo là con đường để con người tiếp cận với Thiên Chúa, qua đó, Thiên Chúa cúi xuống trò chuyện với con người, vì vậy, khi con người biết tạ ơn Thiên Chúa đã cúi xuống, lắng nghe lời họ cầu nguyện, con người mới thấy tầm quan trọng của việc thiêng liêng ấy, mới thấy đó là một cơ hội vàng mà Thiên Chúa đã ưu ái dành cho con người, qua những phút giây lắng đọng và thánh thiêng đó, Thiên Chúa biết con người hơn và con người biết tình yêu Thiên Chúa dành cho họ thế nào. Chính Đức Giêsu, người Con yêu dấu của Chúa Cha, đã nêu gương cho con người trong việc cầu nguyện, đồng thời, Ngài cũng chỉ cho con người cách thực hiện thánh ý Cha như thế nào là phải đạo làm con Thiên Chúa.

Lạy Chúa, thấu hiểu sự yếu đuối của con người, thấu hiểu những giới hạn của con người, Chúa đã nhắc con người hãy cầu nguyện và cầu nguyện trong sự chân thành và kiên nhẫn, xin cám ơn Chúa và xin giúp chúng con hiểu được ý nghĩa thánh thiêng của việc cầu nguyện, để mỗi ngày, từ sáng tinh sương tới lúc chiều tà, chúng con biết cầu nguyện và tạ ơn Thiên Chúa, người Cha nhân lành luôn yêu thương con cái. Chúa đã nêu gương cho chúng con trong việc cầu nguyện, để biết Chúa Cha muốn mỗi người làm gì trong phút giây hiện tại, xin giúp chúng con biết bắt chước Chúa, cầu nguyện mỗi ngày và mọi ngày trong đời. Amen.

 

MỘT NỀN TẢNG CỦA ĐỨC TIN: SỰ CẦU NGUYỆN
(Chúa Nhật XXIX TN C) - Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Sau khi lên các phương kế để dụ Tư Mã Ý vào hang động Thượng Phương, Khổng Minh đã sai quân sĩ bịt kín cửa hang rồi dùng hỏa công để tiêu diệt viên tướng tài của nước Ngụy. Đang nắm chắc kết quả, một kết quả có thể xoay đổi tình hình thế sự thời tam quốc phân tranh lúc bấy giờ, hầu đưa nhà Thục thống nhất đất nước, thì bỗng một cơn mưa bất chợt đổ xuống dập tắt đòn hoả công của Khổng Minh và cứu sống Tư Mã Ý. Khi ấy Khổng Minh đã than rằng: “Mưu sự tại nhân. Thành sự tại thiên”. Hai từ “trời định” mà dân gian thường dùng nói lên quan niệm về ý định của trời xanh đã chi phối cuộc nhân sinh một cách nào đó.

Niềm tin Kitô giáo cũng có cái nhìn về thiên mệnh nhưng hoàn toàn không theo kiểu thụ động, yếm thế. Chúng ta tin nhận thánh ý của Thiên Chúa, nhưng sự tin nhận này không loại bỏ vai trò của sự tự do mà Thiên Chúa tặng ban cho con người. Thiên Chúa không phải là một vị thần chuyên chế quyết định mọi chuyện thành bại hay được thua của con người. Cách riêng những sự tốt xấu theo chiều kích luân lý thì đều có sự tham gia của sự tự do của chính con người. Giáo lý Công giáo dạy rằng chỉ có hành vi nhân linh nghĩa là những hành vi bao hàm sự hiểu biết và tự do thì mới có giá trị luân lý. Tuy nhiên để đạt được những điều tốt đẹp, Kitô hữu tin rằng phải cần đến ân sủng của Thiên Chúa, Đấng là cội nguồn của mọi sự thiện hảo. Chúa Kitô đề cập đến chân lý này qua hình ảnh cây nho, cành nho và Người đã khẳng định: “Không có Thầy anh em chẳng làm gì được” (Ga 15, 5).

Sách Xuất Hành tường thuật cuộc chiến giữa quân
Israel và quân Amalếch. Trong khi tướng Giosuê đem quân đi giao chiến thì Môsê lên núi cầu nguyện. “Khi nào ông Môsê giơ tay lên, thì dân Israel thắng thế; còn khi ông hạ tay xuống, thì Amalếch thắng thế” (Xh 17, 11). Dữ kiện này muốn nói rằng sự thắng thua của dân Israel là do bởi Thiên Chúa mà thôi. Chính vì thế cần phải gắn bó với Thiên Chúa, đặc biệt bằng sự cầu nguyện.

“Luật của cầu nguyện là luật của niềm tin” (lex orandi, lex credendi). Câu ngạn ngữ trên đã nói lên mối tương quan mật thiết giữa niềm tin với việc cầu nguyện, cầu nguyện riêng tư hay cầu nguyện công khai chính thức qua các cử hành Phụng Vụ. Dĩ nhiên nếu hiểu văn phong dụ ngôn thì chúng ta sẽ nhận ra ý nghĩa chính của câu chuyện dụ ngôn Chúa Giêsu kể về “ông quan tòa chẳng sợ Thiên Chúa mà phải chào thua sự lì lợm của một bà góa” (x.Lc 18, 1-8). Ý nghĩa của câu chuyện dụ ngôn đã được thánh sử Luca nói ngay đầu đoạn Tin Mừng đó là “để dạy các môn đệ phải cầu nguyện luôn, không được nản chí” và cái lý do được nêu lên ở câu cuối đó là lòng tin.

Một vấn nạn: “Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18, 8). Câu than thở của Chúa Kitô khiến chúng ta phải giật mình và cảnh tỉnh. Khi nhân loại ngày càng văn minh tiến bộ, khi nền công nghệ ngày càng tinh xảo và tân kỳ, thì dường như sự tự cao tự đại đang ngày càng xuất hiện dưới nhiều hình thức. Dù nhiều người với cái thói kiêu căng cho rằng ‘bàn tay ta làm nên tất cả…” đã từng “trắng mắt ra” khi đối diện với những nghịch cảnh vượt quá sức mình để rồi có lúc phải biết “sống chung với lũ”, thế nhưng vẫn còn đó những hình thái ngông nghênh cao ngạo bằng sự độc tôn, độc đoán, độc quyền, chuyên chế… Những hình thức tự tôn vinh, thần thánh hóa bản thân hay tập thể của mình lên hàng muôn năm hay bất diệt vẫn còn nhan nhản đó đây. Một khi sự tự tin đã biến thành sự tự tôn thì lòng tin vào Đấng Tối Cao sẽ suy giảm và rồi sẽ biến mất. Khi con người đã không còn tin vào Đấng Tối Cao thì chắc chắn sẽ làm được sự gì tốt đẹp đúng nghĩa. Như thế, lòng tin hay đức tin, nói theo ngôn ngữ Kitô giáo, chính là nền tảng của mọi thành quả tốt đẹp mà con người đạt được.

Kitô giáo luôn khẳng định rằng tin là đón nhận Thánh ý Thiên Chúa và dấn thân hết mình để sống theo thánh Ý đã lãnh nhận. Hai mẫu gương lớn của lòng tin thường được Giáo Hội nói đến đó là Tổ phụ Abraham và Mẹ Maria. Đang là người sinh sống bằng nghề chăn nuôi súc vật thế mà Abraham đã can đảm vâng nghe lời Thiên Chúa mời gọi lên đường đi đến nơi chưa từng biết. Nếu nơi ấy là nơi thiếu cỏ hay thiếu nước thì việc chăn nuôi sẽ phá sản. Tuổi đã cao, người phối ngẫu đã qua thời sinh nở thế mà Abraham vẫn vâng lệnh Thiên Chúa để hiến tế người con trai duy nhất, kẻ sẽ nối dõi tông đường, người sẽ giúp ông tránh được sự bất hiếu với tổ tiên. Khi đón nhận và “xin vâng” như lời sứ thần truyền thì Mẹ Maria đã chấp nhận sự hiểu lầm của người bạn đời, Giuse và chấp nhận cả cái án hình bị ném đá theo luật bấy giờ.

Làm sao có thể đón nhận và thực thi Thánh ý Chúa nếu chúng ta không gặp gỡ và lắng nghe Người phán dạy? Và làm sao chúng ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa nếu không chuyên chăm cầu nguyện? Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên, gặp gỡ Thiên Chúa, kết hiệp với Người, lắng nghe Người phán dạy để rồi can đảm thực thi. Cầu nguyện là cách thế biểu lộ niềm tin và cũng là phương thế củng cố niềm tin. Vì chúng ta tin nên chúng ta cầu nguyện. Nhờ chúng ta cầu nguyện nên niềm tin của chúng ta được củng cố.

Ai có thể tự hào rằng mình đã vững vàng trong đức tin? Ai có thể tự nhận rằng mình sẵn sàng hy sinh mạng sống để thực thi giới luật yêu thương Chúa Kitô truyền dạy? Ngoại trừ các thánh nhân, có thể nói chúng ta, từ người giáo dân hèn mọn đến vị mục tử trọng chức, thảy đều non kém đức tin, chưa dám xả thân, hiến mình để sống yêu thương đến cùng. Chính vì thế việc chuyên chăm cầu nguyện là điều như tất yếu. Tuy nhiên cần khẳng định rằng cầu nguyện không phải là để bắt Chúa thực hiện ý muốn của chúng ta, nhưng là để chúng ta biết cách thực thi thánh ý Chúa, nghĩa là để sống đức tin. Và xin đừng quên đức tin chính là chìa khóa dẫn chúng ta đến sự sống đời đời.

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây