TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật VI Phục Sinh -Năm B

“Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình”. (Ga 15, 9-17)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật XXV Thường Niên - Năm A

17/09/2023 07:35:00 |   528

Chúa Nhật XXV Thường Niên - Năm A

cn t25 TNa

Mt 20,1-16a

 
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XXV Thường Niên - Năm A

Dẫn vào thánh lễ

Anh chị em thân mến! Vì yêu thương, Thiên Chúa đã dựng nên con người bởi Thiên Chúa là tình yêu. Thiên Chúa hướng dẫn chúng ta bằng chính những giới luật của Ngài, nhờ Ngài qui hướng chúng ta về một mục đích duy nhất là phục vụ cho tình yêu: tình yêu Ngài và tình yêu tha nhân.

Vậy, chúng ta hãy can đảm, chân thành mở rộng lòng mình để đón nhận và trao ban lại cho nhau tình yêu Thiên Chúa và tha nhân. Do đó, mỗi người cần thu dọn rác rưởi trong tâm hồn là những kiêu căng, lỗi lầm, để đón nhận ơn Chúa là Đấng nhân hậu và rất mục từ bi.

Ca nhập lễ

Chúa phán: Ta là phần rỗi của dân Ta. Họ đã kêu cầu Ta trong mọi nỗi gian truân. Ta đã nhậm lời họ, và Ta sẽ là Chúa của họ đến muôn đời.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã thu gọn toàn thể lề luật thánh vào giới răn độc nhất là mến Chúa yêu người, xin giúp chúng con hằng vâng giữ điều Chúa truyền dạy, để sau này đạt tới phúc trường sinh. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Is 55, 6-9

“Tư tưởng Ta không phải là tư tưởng các ngươi”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Hãy tìm Chúa khi còn tìm được, hãy kêu cầu Người khi Người còn ở gần. Kẻ gian ác, hãy bỏ đường lối mình, và kẻ bất lương, hãy bỏ những tư tưởng mình, hãy trở về với Chúa, thì Người sẽ thương xót; hãy trở về với Thiên Chúa chúng ta, vì Chúa rộng lòng tha thứ.

Vì tư tưởng Ta không phải là tư tưởng các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta, Chúa phán như vậy. Như trời cao hơn đất thế nào, thì đường lối Ta vượt trên đường lối các ngươi, và tư tưởng Ta cũng vượt trên tư tưởng các ngươi thế ấy.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 144, 2-3. 8-9. 17-18

Ðáp: Chúa ở gần mọi kẻ kêu cầu Người

Xướng: Hằng ngày tôi sẽ chúc tụng Chúa, và tôi sẽ khen ngợi danh Chúa tới muôn đời. Chúa vĩ đại và rất đáng ngợi khen, sự vĩ đại của Chúa không thể đo lường được.

Xướng: Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giàu ân sủng. Chúa hảo tâm với hết mọi người, và từ bi với mọi công cuộc của Chúa.

Xướng: Chúa công minh trong mọi đường lối, và thánh thiện trong việc Chúa làm. Chúa gần gũi mọi kẻ kêu cầu Người, mọi kẻ kêu cầu Người cách thành tâm.

Bài Ðọc II: Pl 1, 20c-24. 27a

“Ðối với tôi, sống là Ðức Kitô”

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.

Anh em thân mến, dù tôi sống hay tôi chết, Ðức Kitô sẽ được vẻ vang trong thân xác tôi. Vì đối với tôi, sống là Ðức Kitô, còn chết là một mối lợi. Nhưng nếu sống trong xác thịt này đem lại cho tôi kết quả trong việc làm, thì tôi không biết phải chọn đàng nào. Tôi đang lúng túng trong hai điều này: là ước ao chết để được ở với Ðức Kitô thì tốt hơn bội phần, nhưng cứ ở lại trong xác thịt thì cần thiết cho anh em. Anh em hãy sống xứng đáng với Tin Mừng của Ðức Kitô.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Lc 19, 38

Alleluia, alleluia! – Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà đến; bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời. – Alleluia.

Hoặc đọc: Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin mở lòng chúng con, để chúng con lắng nghe lời của Con Chúa

Phúc Âm: Mt 20, 1-16a

“Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: “Nước trời giống như chủ nhà kia sáng sớm ra thuê người làm vườn nho mình. Khi đã thoả thuận với những người làm thuê về tiền công nhật là một đồng, ông sai họ đến vườn của ông. Khoảng giờ thứ ba, ông trở ra, thấy có những người khác đứng không ngoài chợ, ông bảo họ rằng: “Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta, ta sẽ trả công cho các ngươi xứng đáng”. Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu và thứ chín, ông cũng trở ra và làm như vậy.

Ðến khoảng giờ thứ mười một ông lại trở ra, và thấy có kẻ đứng đó, thì bảo họ rằng: “Sao các ngươi đứng nhưng không ở đây suốt ngày như thế?” Họ thưa rằng: “Vì không có ai thuê chúng tôi”. Ông bảo họ rằng: “Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta”.

Ðến chiều chủ vườn nho bảo người quản lý rằng: “Hãy gọi những kẻ làm thuê mà trả tiền công cho họ, từ người đến sau hết tới người đến trước hết.” Vậy những người làm từ giờ thứ mười một đến, lãnh mỗi người một đồng.

Tới phiên những người đến làm trước, họ tưởng sẽ lãnh được nhiều hơn, nhưng họ cũng chỉ lãnh mỗi người một đồng. Ðang khi lãnh liền, họ lẩm bẩm trách chủ nhà rằng: “Những người đến sau hết chỉ làm có một giờ, chúng tôi chịu nắng nôi khó nhọc suốt ngày mà ông kể họ bằng chúng tôi sao”? Chủ nhà trả lời với một kẻ trong nhóm họ rằng: “Này bạn, tôi không làm thiệt hại bạn đâu, chớ thì bạn đã không thoả thuận với tôi một đồng sao?” Bạn hãy lấy phần bạn mà đi về, tôi muốn trả cho người đến sau hết bằng bạn, nào tôi chẳng được phép làm như ý tôi muốn sao? Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng? Như thế, kẻ sau hết sẽ nên trước hết, và kẻ trước hết sẽ nên sau hết”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Lòng nhân hậu của Chúa Cha vượt quá sự mong đợi của chúng ta. Người luôn sẵn sàng đón nhận và quảng đại đáp ứng những lời khẩn cầu của chúng ta. Giờ đây chúng ta hãy tin tưởng dâng lên Người những lời cầu nguyện.

1. Giáo Hội tiếp tục khơi dậy nơi các con cái mình ước muốn ngay lành. Xin cho các tín hữu, tùy theo ơn gọi và khả năng của mình, làm việc trong vườn nho của Chúa cách nhiệt thành và vui tươi.

2. Mọi người đều được Chúa ban dư tràn hồng ân. Xin cho mỗi người biết nhận ra lòng nhân từ và thương xót của Chúa để dâng lời cảm tạ vì muôn ơn lành Ngài đã thương ban. 

3. Mỗi gia đình và mỗi cộng đoàn đều được Chúa trao ban một sứ mạng. Xin cho mỗi người trong chúng ta biết trở thành người phục vụ vô vị lợi và biết cộng tác với chương trình cứu độ của Ngài.

4. Chúng ta thường nhìn người khác một cách chủ quan theo tính tham lam và ích kỉ của mình. Xin Chúa thương mở lòng mỗi người chúng ta để luôn biết giúp đỡ, yêu mến anh em mình cách quảng đại, và vui mừng với niềm vui của họ.

Chủ tế: Lạy Cha, xin hướng dẫn cuộc đời của chúng con, xin cho chúng con nhận ra lòng quảng đại và tình thương của Cha, xin giúp các tín hữu biết biết làm cho Cha hiện diện giữa anh em của họ bằng đời sống chứng tá. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận của lễ cộng đoàn chúng con dâng, và nhờ thánh lễ này, xin cho chúng con được hưởng những hồng ân cao cả, mà chúng con hết lòng tin tưởng cậy trông. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa đã ban bố các huấn lệnh, để chúng tôi được tuân giữ hết sức ân cần. Nguyện cho đường nẻo tôi vững chắc, để tuân giữ thánh chỉ của Chúa.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Ta là mục tử tốt lành, ta biết các chiên Ta và các chiên Ta biết Ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã lấy Mình và Máu Ðức Kitô nuôi dưỡng chúng con; xin nâng đỡ và giữ gìn chúng con luôn mãi, để chúng con được hưởng nhờ hiệu quả ơn cứu chuộc trong thánh lễ cũng như trong đời sống hàng ngày. Chúng con cầu xin…

Suy niệm
 

CÔNG BẰNG VÀ TÌNH THƯƠNG

CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN – NĂM A (Mt 20, 1-16a)
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Trong cuộc sống đời thường, người ta hay nói đến công bằng như một lý tưởng phấn đấu và là một điều kiện căn bản để xây dựng một xã hội phồn vinh hạnh phúc. Tuy vậy, ở đời này không bao giờ có công bằng tuyệt đối. Bởi lẽ ngay khái niệm công bằng cũng được hiểu rất khác nhau, tuỳ theo quan điểm chính trị, văn hoá và xã hội của con người.

Thiên Chúa là Đấng công bằng. Giáo huấn của Kinh Thánh khẳng định với chúng ta như thế. Tác giả Thánh vịnh đã viết: “Quả thật Chúa là Đấng công bằng, ưa thích điều chính trực; những kẻ sống ngay lành được chiêm ngưỡng Thánh Nhan” (Tv 10,7). Không chỉ công bằng, nơi Chúa còn có tình thương và lòng nhân hậu. Ở đời này, hiếm thấy công bằng và tình thương đi đôi với nhau. Dân gian ta thường nói: “Thương em anh để trong lòng, việc quan anh cứ phép công anh làm”. Điều đó cho thấy đã công bằng thì không (hoặc rất khó) mà có tình thương và không có sự nể nang tình nghĩa. Đây cũng là điều cần thiết bởi nếu không xã hội sẽ rối loạn như giao thông không có đèn hiệu.

Dụ ngôn ông chủ vườn nho hôm nay chứng minh cho thấy: Thiên Chúa vừa công bằng và tràn đầy tình thương. Thiên Chúa không hành động nhỏ nhen như con người. Chúng ta thường có thói quen “suy bụng ra bụng của Thiên Chúa”, có nghĩa là chúng ta thường gán cho Thiên Chúa những cách xử sự nơi thế giới nhân loại, cũng hận thù và tiểu nhân. Từ đó, chúng ta phàn nàn kêu trách Chúa khi đau khổ thiếu thốn. Tệ hơn, nhiều lúc chúng ta phê phán Chúa vì Ngài tốt bụng với người khác. Qua ngôn sứ Isaia, Thiên Chúa đã khẳng định: “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải đường lối của Ta… Trời cao hơn đất chừng nào, thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng của các ngươi chừng ấy” (Bài đọc I).  Những lời này dạy chúng ta phải có cái nhìn rộng lượng hơn trong cách đối xử với tha nhân, như Thiên Chúa là Đấng bao dung và quảng đại.

Chúa Giêsu đến trần gian để mạc khải cho con người tình thương bao la của Chúa Cha. Ngài thương hết mọi người và từng người, nhất là những tội nhân và những kẻ bé mọn. Trong khi đó, nhiều người Do Thái, nhất là người Biệt phái và các luật sĩ lại ghen tỵ vì Chúa Giêsu. Họ phê phán Chúa vì Người gần gũi những người tội lỗi và những kẻ bần cùng. Dụ ngôn “thợ làm vườn nho” nhằm diễn tả lòng bao dung của Thiên Chúa và sự ích kỷ của con người. Nếu Thiên Chúa là Đấng rộng rãi bao dung, thì con người lại quá nhỏ nhen ích kỷ. Những người thợ đã làm từ đầu ngày ghen tương trước lòng tốt của ông chủ, trong khi đó, ông chủ vẫn làm đúng điều ông đã cam kết. Ông không hề làm cho họ bị thiệt hại. Họ ghen tương và phàn nàn bất mãn chỉ vì ông chủ tốt với người khác. Thái độ của những người này làm chúng ta liên tưởng đến người con cả trong dụ ngôn “Người cha nhân hậu” được Chúa nói trong Tin Mừng Thánh Luca (x. Lc 15,25-32). Anh ghen tương và phẫn nộ vì cha mình xử tốt với đứa em khi nó đi hoang trở về. Đó cũng là thái độ của chúng ta, khi muốn Chúa phải xử theo ý muốn hẹp hòi của mình.

Đối lại với lời phàn nàn trách móc, ông chủ đã đặt ra hai câu hỏi: “Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng mà bạn đâm ra ghen tức?” Qua hai câu hỏi này, ông chủ muốn phê phán những người thợ tự cho mình là đáng giá hơn người khác, để dựa vào đó mà phản đối lòng tốt của ông chủ. Người chủ vườn là hình ảnh của Thiên Chúa, Đấng bao dung nhân hậu. Ngài sai Con Một là Đức Giêsu đến trần gian để sống gần với họ. Điều này làm những người tự coi là “công chính” không hài lòng. Bởi lẽ, theo suy nghĩ của họ, chỉ có họ là được Chúa yêu thương. Việc Chúa Giêsu gần gũi những người thu thuế và những người tội lỗi được họ coi như một thiệt thòi đối với họ, vì thế mà họ nổi loạn và trách móc phàn nàn. Họ giống như một số người có thái độ “ghen ngược” trong xã hội hôm nay, kêu ca phàn nàn trách móc trong khi mình không có quyền gì để làm những điều đó. Thiên Chúa yêu thương và cứu vớt những người bị đẩy ra bên lề cuộc đời. Họ là những người không ai thuê, mặc dù vào giờ thứ mười một, tức là đã xế chiều. “Không ai mướn chúng tôi!”. Lời này đã diễn tả tình trạng bi đát và khốn cùng của họ. Không ai mướn, tức là ngày đó không có lương, và như thế, cả vợ con và gia đình họ cũng không có gì sống. Ông chủ vườn nho là người thấu hiểu điều đó. Vì vậy, ông trả lương cho họ giống như những người đã làm từ sáng. Đó là đồng lương của lòng nhân hậu.

Ngày hôm nay, Thiên Chúa vẫn luôn tỏ lòng nhân hậu đối với con người, không phân biệt sang giàu hay đẳng cấp xã hội. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tự vấn lương tâm: “Đâu là thái độ của tôi đối với anh chị em đồng loại?”. Vì Thiên Chúa nhân hậu bao dung, nên Ngài mời gọi chúng ta hãy sám hối và bỏ đường tà, đoạn tuyệt với quá khứ, thay đổi con tim và canh tân cuộc sống: “Hãy trở về với Chúa – và Ngài sẽ xót thương, về với Thiên Chúa chúng ta vì Ngài rộng lòng tha thứ” (Bài đọc I).

Những lo toan bận tâm thường ngày không thể cản trở chúng ta tìm kiếm Nước Trời. “Chỉ có một điều là anh em phải ăn ở làm sao cho xứng với Tin Mừng của Đức Kitô” – Thánh Phaolô khuyên chúng ta như vậy. Đối với thánh nhân, sự sống hay sự chết chẳng là một điều bận tâm, vì đối với những ai yêu mến Chúa thực sự thì họ chắc chắn được lãnh nhận phần thưởng Nước Trời. Lòng mến Chúa yêu người sẽ thôi thúc chúng ta thực hiện những gì Chúa muốn: “Kẻ gan ác, hãy bỏ đường lối mình đang theo. Người bất lương, hãy bỏ tư tưởng mình đang có mà trở về với Đức Chúa – và Người sẽ xót thương” (Bài đọc I).

Chúa là chủ vườn nho bao dung nhân hậu. Tuy vậy, chúng ta không dựa vào lòng nhân hậu của Chúa mà trễ nải khi được mời gọi vào vườn nho của Ngài. Những người thợ được nêu trong Tin Mừng, khi được mời, đều sẵn sàng nhận lời. Vì vậy mà họ đáng được thưởng công. Vườn nho của Chúa là Giáo Hội, nơi mỗi người tìm thấy bầu khí gia đình thân thương. Vườn nho của Chúa chính là cuộc đời, nơi chúng ta được sai đến để làm chứng cho lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Ý thức được điều này, chúng ta sẽ nhận ra giá trị của cuộc sống, nhất là niềm vinh hạnh vì được làm con cái Chúa.

PHẢI CHĂNG THIÊN CHÚA QUÁ BẤT CÔNG???

SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN – NĂM A
(Is 55,6- 9; Pl 1,20c.24- 27; Mt 20,1- 16a)

Giuse Vinhsơn Ngọc Biển

Tại Việt Nam chúng ta không có những cách đồng nho như bên Do thái. Có chăng thì ở khu vực Cam Ranh – Nha Trang, nhưng cũng không nhiều. Còn đại đa số là những cánh đồng lúa; hoặc những khu rừng cao su, tiêu, cà phê hay điều… Vì thế, hình ảnh vườn nho có vẻ hơi xa lạ trong tâm thức đối với đại đa số người dân Việt.

Nhưng dù biết hay không thì cách thức chi trả lương cho những người làm thuê cũng có nhiều điểm tương đồng với những người làm công trong vườn nho của người Do thái.

Tuy nhiên, bài Tin Mừng hôm nay lại đưa ra một nghịch lý khi Đức Giêsu kể dụ ngôn ông chủ vườn nho trả lương cho những người làm công: ông chủ này không tính đến chuyện thợ làm thuê có chuyên môn hay nghiệp dư, cũng không kể đến chuyện giờ giấc của người làm. Vì thế, dù chuyên nghiệp hay bán chuyên nghiệp, kinh nghiệm hay mới vào nghề, và tham gia làm vườn giờ nào…! Nhưng chiều đến, khi lĩnh lương, tất cả họ đều giống nhau. Tại sao vậy? Ông chủ có bất công không?

Để hiểu được vấn đề này, chúng ta cùng nhau tìm hiểu nguyên nhân tại sao? Và Đức Giêsu có lý gì khi kể dụ ngôn này?

1. Tại sao Đức Giêsu lại dùng dụ ngôn thợ làm vườn nho?

Trước tiên, chúng ta cần hiểu ý nghĩa của vườn nho mà Đức Giêsu muốn nói tới ở đây.

Vườn nho được Đức Giêsu kể trong dụ ngôn chính là hình ảnh của Giáo Hội. Vườn nho ấy đến mùa thu hoạch, chính là sứ mạng truyền giáo đang cấp bách, điều này được bổ túc thêm khi Đức Giêsu nói: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặp lại ít”.

Thứ đến, người mời gọi là chính Thiên Chúa. Người gọi hết mọi người, không phân biệt tốt xấu, giỏi hay dốt, thành phần nào, già hay trẻ… Nhưng Người gọi bất cứ ai Người muốn! Cách thức này Đức Giêsu muốn thay đổi quan niệm nơi người Dothái, họ chỉ coi là mình họ được cứu độ, còn những dân tộc khác thì không, họ tỏ ra khinh bỉ hay ghen tức với cách hành xử của Đức Giêsu với những người không thuộc Dothái, vì thế, Đức Giêsu mới nói: “Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của tôi sao?“; “Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?”. Thật vậy, Thiên Chúa không chỉ dành ơn cứu độ cho dân Dothái, nhưng là cho muôn dân muôn nước không trừ ai. Hơn nữa, Người còn tỏ lòng thương xót đặc biệt hơn đối với những ai bị coi là hèn kém.

Tiếp theo, cách thức trả lương. Người không trả lương theo kết quả công việc. Cũng không trả lương theo kiểu làm bao nhiêu ăn bấy nhiêu. Mà Người trả lương cách đồng đều theo sự thỏa thuận lúc ban đầu. Tức là một đồng cho tất cả mọi người. Người đến sớm cũng như kẻ đến muộn, người giỏi cũng như dốt, người già cũng như trẻ… Cách thức này cho thấy lòng nhân từ, thương xót và bao dung của Thiên Chúa dành cho hết mọi người chứ không phải chỉ dành cho một số người đặc tuyển. Mặt khác, cũng làm toát lên việc: “Thiên Chúa để ý đến tinh thần của người tham gia vào công việc của vườn nho”.

2. Hiểu và thực hành sứ điệp Lời Chúa

Qua Lời Chúa hôm nay, Đức Giêsu không muốn ai phải thất vọng, mọi người đều có chỗ đứng trong Giáo Hội và đều có trách nhiệm tham gia vào sứ mạng truyền giáo. Thật vậy, tính phổ quát của ơn cứu độ không chỉ dành riêng cho chúng ta là người Công Giáo, nhưng là cho muôn dân muôn nước, không trừ ai. Đồng thời, Đức Giêsu cũng mặc khải về lòng bao dung, quảng đại và thương xót của Thiên Chúa.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy can đảm, trung thành, yêu mến và dấn thân vào làm vườn nho của Chúa, bằng cách sống tốt và chu toàn bổn phận của mình theo thánh ý Chúa dựa trên tình yêu. Vì thế:

Trước tiên, cần loại bỏ thái độ tự tôn, kiêu hãnh và coi thường người khác. Đừng bao giờ nghĩ rằng mình thuộc thành phần đương nhiên được cứu độ, còn người khác, họ chỉ là đám dân thường, tội lỗi, dốt nát, nên không cần quan tâm. Cũng cần có sự cảm thông, cộng tác để cùng nhau làm việc thiện thay vì ganh đua, ghen tỵ khi thấy người khác tốt lành hơn mình, hoặc người ta làm được nhiều điều hữu ích hơn chúng ta.

Tốt hơn là hãy ý thức mình chỉ là đầy tớ bất tài, vô dụng, nhưng lại được Chúa thương chọn và gọi để đi làm vườn nho cho Người. Vì thế, hãy dâng lời tạ ơn Chúa và cố gắng với khả năng của mình, làm sinh lợi nén bạc Chúa trao trong sự yêu mến với lòng nhiệt huyết tông đồ.

Thứ đến, hãy kiên trung, tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa, đừng thất vọng vì thấy mình không giỏi giang hay tội lỗi. Hãy nhớ rằng: Thiên Chúa luôn để ý đến những người “đứng chót”. Phần còn lại là của chúng ta, nếu chúng ta biết cộng tác với ơn Chúa trong sự khiêm tốn, ắt Chúa sẽ trả công hậu hĩnh và Người sẽ làm những điều kỳ diệu khi: “Những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót”.

Hiểu được tình thương của Thiên Chúa như thế, hẳn chúng ta thấy Thiên Chúa rất công bằng do lòng nhân từ của Người chứ không phải bất công như những người Dothái và ngay cả chúng ta đã lầm tưởng!

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết khiêm tốn và yêu mến Chúa tha thiết. Biết gắn bó với sứ mạng truyền giáo trong Giáo Hội. Luôn tin tưởng vào tình thương của Thiên Chúa và trung thành với bổn phận của mình. Amen.

VÌ MỘT NỀN KINH TẾ CHIA SẺ
Khoảng giờ thứ mười một ông chủ trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ: “Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết?” Họ đáp: “Vì không ai mướn chúng tôi.” (Mt 20,1-16a)

Suy niệm: Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, các sản phẩm càng ngày càng đòi hỏi chất lượng cao với kỹ thuật tinh vi hiện đại. Vì thế, muốn có việc làm lương cao, phải có trình độ chuyên môn cao. Muốn thế thì phải học hành cao mới đáp ứng nổi yêu cầu. Thế nhưng chi phí đầu tư cho việc học hành lại vượt quá khả năng của những người nghèo cơm ăn bữa no bữa đói. Thế nên, người nghèo bị bó chặt trong cái vòng luẩn quẩn của kiếp nghèo, bị loại ra bên lề cuộc chơi ‘chất lượng cao’, giống như những người thợ vườn nho đành đứng ngoài ngáp ruồi “vì không ai mướn chúng tôi.”

Lời Chúa hôm nay thúc bách chúng ta nghĩ đến một toàn cầu hóa không-loại-trừ thay vì một toàn cầu hóa ‘hoang dã’, một nền kinh tế chia sẻ thay vì một nền kinh tế tiêu thụ ích kỷ.

Mời Bạn: Bác ái trong thời đại toàn cầu hóa đòi hỏi bạn bước ra khỏi ‘căn nhà’ tiện nghi, và an toàn của mình để tìm gặp những người đang bị gạt ra bên lề đó, không chỉ để bố thí cho họ một chút cơm thừa, mà là tìm cách tốt nhất chia sẻ với họ cả những điều kiện, những cơ hội để họ có thể thăng tiến cuộc sống.

Chia sẻ: Có nhiều trường hợp đòi hỏi sự chia sẻ ‘tổng lực’ của cả cộng đoàn. Nhóm của bạn điểm ra những trường hợp như thế và lên kế hoạch chia sẻ.

Sống Lời Chúa: Luôn luôn sẵn sàng và quảng đại hợp tác với những chương trình chia sẻ trong cộng đoàn của bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, vì Chúa đã mặc lấy thân phận người nghèo ở giữa chúng con, chúng con không được phép làm ngơ trước những anh em nghèo đói chung quanh chúng con.

LUẬT YÊU THƯƠNG
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Tuần XXV Thường Niên, Năm A này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã thu gọn toàn thể lề luật thánh vào giới răn độc nhất là mến Chúa yêu người, chúng ta phải xin cho mình: hằng vâng giữ điều Chúa truyền dạy, để sau này đạt tới phúc trường sinh.

Khi nghe nói tới điều răn, giới luật, chúng ta thường nghĩ ngay tới điều gì đó cứng nhắc, khuôn khổ. Tuy nhiên, giới răn yêu thương của Chúa không phải là một định đề toán học, chính xác, minh bạch, rõ ràng như: một cộng một bằng hai.

Luật yêu thương của Chúa thì luôn sống động, tươi mới, thích ứng trong mọi tình huống, ngay cả, trong những hoàn cảnh bất ngờ, vượt quá trí hiểu của loài người chúng ta, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, ngôn sứ Isaia đã nói: Trời cao hơn đất chừng nào, thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy. Điều này cũng được nói đến trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, khi dân chúng không hiểu những gì ngôn sứ Êdêkien đã làm theo lệnh Đức Chúa, và họ đã hỏi ông: “Ông không cắt nghĩa cho chúng tôi hiểu những gì ông đã làm sao?”

Đường lối, giới luật của Chúa thật khó hiểu, nhưng vịnh gia, trong Thánh Vịnh 144 của bài Đáp Ca hôm nay, vẫn tin tưởng rằng: Chúa công minh trong mọi đường lối Chúa, đầy yêu thương trong mọi việc Người làm. Chúa gần gũi tất cả những ai cầu khẩn Chúa, mọi kẻ thành tâm cầu khẩn Người. Bởi vì, huấn lệnh Chúa vượt quá sức hiểu của chúng ta, nên chúng ta phải xin Chúa mở lòng chúng ta, để chúng ta lắng nghe lời của Con Chúa như câu Tung Hô Tin Mừng mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay.

Trí khôn của chúng ta không có khả năng để tách bạch rõ ràng đường lối, huấn lệnh của Chúa, nên chúng ta thường bị đặt ở ngã ba đường, như thánh Phaolô trong bài đọc một của Thánh Lễ, ngài bị giằng co giữa hai đàng: Ao ước của ngài là ra đi để được ở với Đức Kitô, điều này tốt hơn bội phần, nhưng, ở lại đời này thì cần thiết hơn cho các tín hữu. Thánh nhân sống giới luật yêu thương của Chúa bằng cách đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Vì Tin Mừng, ngài đã trở nên tất cả để hòa mình với mọi người, để mọi người cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng. Trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Autinh cũng cùng chung tâm tình với thánh Phaolô, khi ngài đề cập đến các Kitô đau yếu, bất toại cần được những người vững mạnh khiêng đến, dỡ mái nhà, và đặt xuống trước Chúa. Ngài cũng trấn an chúng ta khi gặp những thử thách, mặc dù chúng ta không thể hiểu được, nhưng, vẫn cứ vững tin rằng: Khi để chúng ta bị thử thách, Chúa sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để chúng ta có sức chịu đựng.

Bài Tin Mừng hôm nay cũng gây thắc mắc cho nhiều người về việc trả công của ông chủ vườn nho, khi ông trả cho người vào làm sau hết cũng bằng với những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt. Chúa có đường lối riêng của Chúa, Chúa không hành xử theo luật của người đời, nhưng, theo luật tình yêu của Chúa.

Khi suy niệm các bản văn Lời Chúa của Chúa Nhật Tuần 25 này, chúng ta nhận thấy rằng: Chúa muốn chúng ta sống giới luật yêu thương của Chúa từ sự nhận biết, chứ không như các Kinh Sư, Pharisêu, họ không biết việc họ làm. Luật Chúa không như đường sắt để hàng ngày các đoàn tàu chạy lên. Luật Chúa như một dòng sông chảy xuống từ đỉnh núi, xuôi ra đại dương. Dòng sông sống động, không chảy theo một bản đồ nào, không nhân tạo như những con kênh đào thẳng tắp. Dòng sông chảy tự do, nhưng vẫn đi tới đại dương. Kênh đào không có những khúc ngoặt tự nhiên, bất ngờ, nó thẳng băng như hình học. Dòng sông thì ngoằn ngoèo, khi chảy xuôi phương Nam, lúc ngược về phương Bắc, khi chảy nhanh, lúc chảy chậm, chảy qua những vùng đất khác nhau, có những tính chất khác nhau, khí hậu khác nhau, chấp nhận những khúc quanh đột ngột, không bị bó buộc, không như nô lệ, tù nhân có người giám sát, nó tự do chảy, mỗi bước đi đều là vẻ đẹp riêng của nó.

Luật yêu thương của Chúa thì linh động, thích ứng với những hoàn cảnh cụ thể, đầy tràn tình yêu, và sự sống. Tuân giữ luật trọn hảo không hề có một công thức cố định nào, tất cả đều tùy thuộc vào những đòi hỏi của tình yêu đích thực, một tình yêu cứu chuộc của Đấng sẵn sàng thí mạng vì chúng ta. Ước gì chúng ta tuân giữ Luật yêu thương của Chúa với một tình yêu bao dung, rộng mở để chúng ta sau này đạt tới phúc trường sinh như Lời Tổng Nguyện mà các nhà phụng đã muốn chúng ta xin trong suốt Tuần 25 Thường Niên này.

CÔNG BẰNG VÀ NHÂN HẬU
Chúa Nhật 25 Thường Niên, năm A: Mt 20, 1-16a - Lm. Thái Nguyên

LmTN 200923a

 

Suy niệm

Qua ngôn sứ Isaia, Thiên Chúa khuyến khích tội nhân trở về với Ngài, Ngài sẽ tha thứ tất cả, bảo họ đừng suy nghĩ theo kiểu của phàm nhân, vì tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta… Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy” (55, 6-9). Câu chuyện dụ ngôn của bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy điều mà Isaia đã nói, về cách hành xử lạ lùng một Thiên Chúa đối với con người, là Ngài rất công bằng mà cũng thật là nhân hậu.

Đức Giêsu cho thấy Nước Trời giống như ông chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình. Những người đến từ sáng sớm đã có công ăn việc làm, và được chủ thỏa thuận là một quan tiền cho một ngày công. Thế nhưng lại có những người đến sau, vào những thời điểm khác nhau, đến nỗi có người đến vào giờ chót, chỉ làm có một giờ, lý do là “Vì không ai mướn chúng tôi”.

Động lòng thương, một chủ vườn cho họ việc làm. Tuy giờ làm việc không như nhau, nhưng được trả tiền bằng nhau. Điều đó làm cho những người làm từ sáng sớm bị sốc. Họ tức tối và hậm hực với ông chủ, vì cho rằng làm như thế là cư xử bất công với họ. Họ muốn ông phải trả cho người đến sau thấp hơn, không thể ngang bằng với họ được. Họ tỏ ra thái độ muốn hơn thua, phân biệt cao thấp, chứ không chịu cư xử với tình nghĩa anh em. Vấn đề cũng chỉ vì ghen tị mà ra, nên người ta không thể vui với người vui, vì thấy thành công hay lợi lộc của người kia như gây ra mất mát và thiệt hại cho chính mình.

Người anh cả trong dụ ngôn người cha nhân hậu cũng nổi giận, không chịu vào nhà, cảm thấy mình bị cha đối xử bất công, vì thấy cha tỏ ra quá bao dung đối với đứa em hư đốn (x. Lc 15). Thiên Chúa rất công bình nhưng cũng là người cha rất mực yêu thương. Ngài không bỏ qua bất cứ nỗ lực nào mà không ban thưởng cân xứng, nhưng trên nền tảng là lòng nhân lành và hoàn toàn tự do, Ngài có thể ban tặng cho con người vượt xa mọi công trạng của họ. Có hai bài học lớn ở đây:

- Thứ nhất là mọi việc đối với Chúa đều bằng nhau. Vấn đề không phải ở số lượng cho bằng biết mình được yêu thương. Những người làm công từ sớm theo thỏa thuận mỗi ngày là một quan tiền. Họ làm việc vì đồng lương nên đòi phải rõ ràng. Còn những người đến sau không hề có một giao kèo hay thỏa thuận nào. Họ biết mình được làm việc là điều may mắn rồi, nên sẵn sàng để chủ định đoạt phần lương. Phần thưởng của người môn đệ Đức Giêsu là được làm việc, được phục vụ, đó đã là niềm vui của họ rồi. Kẻ nhắm vào phần thưởng sẽ mất phần thưởng, người nào quên phần thưởng sẽ được phần thưởng. Đó là điều trái ngược mà Chúa Giêsu đã nói lên: những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót”.

- Thứ hai, mọi sự chúng ta có được đều phát xuất từ lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Tất cả những gì Chúa ban cho, không phải để trả công, nhưng là quà tặng; không phải là phần thưởng, nhưng là ân sủng. Nếu ông chủ không kêu gọi những người mà ông gặp từ sớm vào làm vườn, thì họ có thể ngang nhiên lên mặt với những kẻ làm vào giờ cuối không? Đừng đòi Thiên Chúa phải suy nghĩ và hành xử theo lề thói của chúng ta, vì đó là một thứ hành xử công thẳng mà không có tình thương. Nếu Chúa chấp tội, chúng ta có chịu nổi được không? Cần sòng phẳng hay cần lòng nhân từ? Chúng ta phải thay đổi não trạng để sống đạo không bằng sự so đo tính toán, mà bằng cả tấm lòng.

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng… để gió cuốn đi…” (Trịnh Công Sơn). Có làm được gì cho người khác thì cũng hãy để gió cuốn đi, là để biết cho đi chứ không tìm chiếm hữu, là hy sinh mà không mong được đáp đền. Để gió cuốn đi là để cho yêu thương được lan tỏa, là để cho an vui và hạnh phúc đến với mọi người. Thương người như thể thương thân, ta mới cảm nhận hạnh phúc xung quanh mình.

Là môn đệ Đức Giêsu, chúng ta học lấy tâm tình và cung cách hành xử của Thầy mình, nghĩa là quan tâm ưu ái đặc biệt đến những người nghèo hèn, yếu kém, không có cơ hội... Hãy phá bỏ những hàng rào tị hiềm, nhỏ mọn, ghét ghen. Đừng tỏ ra mình hay hơn, tốt hơn, xứng đáng hơn người khác, nhưng hãy nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa trên cuộc đời mình. Vì thế, trong mọi hoàn cảnh, ta cần luôn sống yêu thương, khiêm nhường và tận tình với hết mọi người, nhất là những người bất hạnh, không được may mắn như chúng ta.

Cầu nguyện

Lạy Chúa!
Con không thể nào là chính mình,
với cái nhìn hẹp hòi,
với tư tưởng đóng kín,
với tâm hồn khép chặt.


Con không thể đón nhận sự thật,
khi con chỉ muốn sống an thân,
khi con có thái độ bất cần,
và thiếu một tinh thần rộng mở.


Con không thể nào an vui hạnh phúc,
nếu lòng mình cứ “bế quan tỏa cảng”,
hay còn mang những định kiến ngổn ngang,
không hồn nhiên và tươi sáng chân thành.


Con sẽ thấy cuộc đời thật chí thú,
khi để mình vượt qua lối sống cũ,
những quan niệm hẹp hòi và bảo thủ,
những khuôn khổ và thói quen bám trụ,
hầu tập chú vào những gì đang tới,
là những gì làm tươi mới đời mình.


Xin cho con đừng tự mãn kiêu căng,
đừng dựa vào tài năng hay kiến thức,
nhưng biết sống chân thành và đạo đức,
không ham mê háo hức chuyện hơn thua,
nhưng quan trọng là lòng yêu mến Chúa,
nên không cần phải phân bua biện bạch.


Xin cho con an nhiên trước mọi điều,
biết vui mừng khi anh em được lợi,
đừng nghĩ ngợi tới việc lời hay lỗ,
mà luôn nhằm tiến tới chỗ tình thân.


Xin cho con biết đón nhận tất cả,
chẳng có gì mà đáng phải kêu ca,
con cứ sống chan hòa và buông xả,
để Chúa là tất cả của đời con. Amen.

 

 

 
 

Chúa nhật tuần lễ 25 thường niên
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 20, 1-16a).

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: “Nước trời giống như chủ nhà kia sáng sớm ra thuê người làm vườn nho mình. Khi đã thoả thuận với những người làm thuê về tiền công nhật là một đồng, ông sai họ đến vườn của ông. Khoảng giờ thứ ba, ông trở ra, thấy có những người khác đứng không ngoài chợ, ông bảo họ rằng: “Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta, ta sẽ trả công cho các ngươi xứng đáng”. Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu và thứ chín, ông cũng trở ra và làm như vậy.

Ðến khoảng giờ thứ mười một ông lại trở ra, và thấy có kẻ đứng đó, thì bảo họ rằng: “Sao các ngươi đứng nhưng không ở đây suốt ngày như thế?” Họ thưa rằng: “Vì không có ai thuê chúng tôi”. Ông bảo họ rằng: “Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta”.

Ðến chiều chủ vườn nho bảo người quản lý rằng: “Hãy gọi những kẻ làm thuê mà trả tiền công cho họ, từ người đến sau hết tới người đến trước hết.” Vậy những người làm từ giờ thứ mười một đến, lãnh mỗi người một đồng.

Tới phiên những người đến làm trước, họ tưởng sẽ lãnh được nhiều hơn, nhưng họ cũng chỉ lãnh mỗi người một đồng. Ðang khi lãnh liền, họ lẩm bẩm trách chủ nhà rằng: “Những người đến sau hết chỉ làm có một giờ, chúng tôi chịu nắng nôi khó nhọc suốt ngày mà ông kể họ bằng chúng tôi sao”? Chủ nhà trả lời với một kẻ trong nhóm họ rằng: “Này bạn, tôi không làm thiệt hại bạn đâu, chớ thì bạn đã không thoả thuận với tôi một đồng sao?” Bạn hãy lấy phần bạn mà đi về, tôi muốn trả cho người đến sau hết bằng bạn, nào tôi chẳng được phép làm như ý tôi muốn sao? Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng? Như thế, kẻ sau hết sẽ nên trước hết, và kẻ trước hết sẽ nên sau hết”.

Suy niệm

Bước vào cuộc sống, ai ai cũng muốn mình được nhìn nhận, được trân trọng và được đứng vào đúng chỗ, đúng vị trí. Đó là lúc phẩm giá con người được nhìn nhận và được tôn vinh, đó là cũng điều phải lẽ hợp với đức công bằng, bởi con người là một sinh vật đặt biệt, có lý trí và ý chí để biện phân mọi sự kiện, biến cố và mọi câu chuyện trong cuộc sống. Phụng vụ Lời Chúa tuần lễ 25 thường niên, mời mỗi người đừng nên dừng lại nơi sự công bằng giao hoán hay công bằng xã hội, nhưng hãy bước lên một nấc thang mới, đó là đức bác ái, thường được gọi là đức ái Kitô giáo. Nơi Kitô giáo, đức ái luôn được coi là chìa khóa mở cánh cửa vào Nước Trời, bởi đức ái đó đòi hỏi người thực hiện phải từ bỏ chính mình, yêu thương tha nhân như chính mình, biết sống cho, sống cùng và sống với tha nhân mỗi ngày trong từng ơn gọi và bổn phận.

Mang trên vai trọng trách hướng dẫn cho dân Chúa biết phải sống thế nào cho đúng với những gì Ngài đợi chờ, các tiên tri còn có bổn phận nhắc bảo họ hãy biết chọn lựa những giá trị nào phù hợp cho cuộc sống mỗi người. Thực hiện ý Thiên Chúa, họ sẽ được hạnh phúc và bình an, chọn lựa giá trị của thế gian, họ sẽ gặp những bất an và khổ đau. Đó là những gợi ý của tiên tri Isaia trong bài đọc 1 hôm nay: “Hãy tìm Chúa khi còn tìm được, hãy kêu cầu Người khi Người còn ở gần. Kẻ gian ác, hãy bỏ đường lối mình, và kẻ bất lương, hãy bỏ những tư tưởng mình, hãy trở về với Chúa, thì Người sẽ thương xót; hãy trở về với Thiên Chúa chúng ta, vì Chúa rộng lòng tha thứ. Vì tư tưởng Ta không phải là tư tưởng các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta, Chúa phán như vậy”. Cơ hội đến, hãy đón nhận và thực hiện, ý Thiên Chúa giúp mở cánh cửa để tìm gặp hạnh phúc, hãy quyết định. Không phân biệt kẻ lành người dữ, hạnh phúc và bình an đích thực chỉ đến với những ai thành tâm trong chọn lựa, và quyết định trong sự khiêm tốn.

Bước vào lịch sử nhân loại, Đức Giêsu đã giới thiệu một giới luật mới của trời cao, đó là đức ái. Ngài đã giới thiệu cho các học trò, cho đám đông dân chúng, bằng nhiều dụ ngôn, bằng nhiều câu chuyện cuộc đời của Ngài, đức ái dần có chỗ đứng. Thế nhưng, để thực hành đúng với giá trị nội tâm của đức ái trời cao, Đức Giêsu đã dùng chính sự sống của mình để giới thiệu. Ngài đã chọn cái chết cho người yêu để cho giá trị đức ái được tôn vinh. Thánh Phaolô đã giới thiệu những gì Đức Giêsu đã thực hiện, cho con cái của ngài tại giáo đoàn Phi-lip-phê: “Anh em thân mến, dù tôi sống hay tôi chết, Ðức Kitô sẽ được vẻ vang trong thân xác tôi. Vì đối với tôi, sống là Ðức Kitô, còn chết là một mối lợi. Nhưng nếu sống trong xác thịt này đem lại cho tôi kết quả trong việc làm, thì tôi không biết phải chọn đàng nào. Tôi đang lúng túng trong hai điều này: là ước ao chết để được ở với Ðức Kitô thì tốt hơn bội phần, nhưng cứ ở lại trong xác thịt thì cần thiết cho anh em”. Sống cùng, sống với và sống cho tha nhân, là những giá trị tinh thần đến từ đức ái trời cao, nếu chỉ sống cho bản thân, nếu chỉ biết đến cái tôi ích kỷ, làm sao được gọi là môn đệ của Đức Giêsu được, chỉ khi nào vượt qua giới hạn đó, sống cho mọi người, người tín hữu Kitô mới có thể họa lại khuôn mặt và cuộc đời của Thầy mình trong môi trường hiện tại theo ơn gọi của mình.

Câu chuyện tiền công trong bài tin mừng tuần lễ 25 này, xem ra rất gần với hoàn cảnh hiện tại của xã hội. Thỏa thuận công việc, thỏa thuận tiền công, giờ làm, đó là những gì các ông chủ quan tâm, khi thuê người làm. Tất cả làm nổi bật những giá trị công bằng giao hoán và xã hội trong tương quan Chủ -Thợ, thế nhưng, các ông chủ có thể thay đổi mọi thứ nằm ngoài đức công bằng đó, như là dấu chỉ của sự quan tâm và biết ơn những người làm công cho mình. Đó là đức ái nhân văn. Câu chuyện trong bài tin mừng là một dụ ngôn Đức Giêsu dùng, để nói về niềm vui của đức ái, khi được hiện diện và thi thố trong mọi tương giao của con người: “Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: “Nước trời giống như chủ nhà kia sáng sớm ra thuê người làm vườn nho mình. Khi đã thoả thuận với những người làm thuê về tiền công nhật là một đồng, ông sai họ đến vườn của ông. Khoảng giờ thứ ba, ông trở ra, thấy có những người khác đứng không ngoài chợ, ông bảo họ rằng: “Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta, ta sẽ trả công cho các ngươi xứng đáng”. Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu và thứ chín, ông cũng trở ra và làm như vậy. Ðến khoảng giờ thứ mười một ông lại trở ra, và thấy có kẻ đứng đó, thì bảo họ rằng: “Sao các ngươi đứng nhưng không ở đây suốt ngày như thế?” Họ thưa rằng: “Vì không có ai thuê chúng tôi”. Ông bảo họ rằng: “Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta”. Thỏa thuận tiền công với người làm, ông chủ đã thể hiện tính công bằng đối với sức lao động họ bỏ ra, không có gì sai trái. Thế nhưng, khi ông muốn cho thêm, ông có cần thiết phải xin ai hay phải trình báo cho những người tới làm trước không, tất nhiên là không, đức ái thôi thúc ông làm điều đó. Ông đã làm những gì lương tâm mách bảo để có được niềm vui thực sự của người chủ vườn.

Ước mơ có được một cuộc đời thịnh đạt, sang giàu thì ai cũng có, nhưng điểm đến cuối cùng của các mơ ước là gì nếu không phải chỉ là sang giàu và có địa vị. Nếu chỉ chừng đó thôi, thì giá trị con người còn lớn lao hơn nhiều, thế mà ít ai quan tâm đến, họ chỉ mong sao mình thật giàu, thật uy tín trong cộng đồng. Chính những ước mơ đó làm tắt dần những giá trị của đức ái tồn tại trong thâm tâm mỗi người. Đức ái được thăng tiến khi con người biết quan tâm lẫn nhau, biết sống cho nhau và biết cảm thông cho nhau. Đức ái còn có chiều sâu hơn, khi con người biết tôn trọng phẩm giá của nhau, biết chấp nhận những khác biệt nơi tha nhân, biết nhận ra giới hạn của chính mình, để sống và để yêu. Tình yêu đức ái vượt lên trên những giá trị của tình yêu nam nữ, bởi tình yêu đức ái thôi thúc con người đi ra khỏi vỏ bọc ích kỷ và hẹp hòi, biết tìm đến với những người đang thiếu thốn và bất hạnh. Những động lực đó giúp người tín hữu Kitô từng ngày cởi bỏ chiếc áo quyền lực, cởi bỏ chiếc áo địa vị và tham vọng ra, hòa vào dòng chảy của những người nghèo, đang sống trong sự trần trụi của phận người.

Những bài học về đời sống cộng đoàn mà Đức Giêsu gởi lại cho con người, đều có điểm xuất phát là tình yêu thương. Chính tình yêu đó thôi thúc các anh em biết giúp nhau sửa những lỗi lầm trong cuộc sống với một sự chân thành đủ, tình yêu đó, cũng thôi thúc con người hãy tha thứ cho nhau như Thiên Chúa đã tha thứ cho chính mình. Lý thuyết thì nhẹ nhàng, nhưng thực hành thì vô cùng khó, nhưng tất cả sẽ trở thành hiện thực, nếu có sự hiện diện của đức ái trời cao. Trả công cho nhau trong mọi khía cạnh là điều hiển nhiên, nhưng trả thế nào và bao nhiêu, còn tùy thuộc vào tình yêu thương của ông chủ dành cho người làm công. Lòng thương xót của ông chủ dành cho gia đình, cho bản thân những người làm công muộn màng, có ai trách cứ và ganh tị được không, chắc chắn là những người được mướn làm từ sáng sớm sẽ ganh tị, sự ganh tị xuất phát vì ước mơ của họ là sẽ nhận được nhiều tiền công hơn, vì họ đã làm việc từ sáng sớm. Họ đã quên một điều cơ bản, là ông chủ đã thỏa thuận tiền công nhật ngay từ sáng, đó là đức công bằng. Họ đã dừng lại với những toan tính của đức công bằng, chứ chưa dám vượt lên với những giá trị của lòng thương xót, của đức ái trời cao.

Lạy Chúa, sự hiện diện của Chúa trong thế giới này, bắt nguồn từ lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho con người, xin cho mỗi người biết sống và cư xử với nhau bằng những suy nghĩ, những hành động đến từ đức ái trời cao, đó là những gì Chúa đang đợi chờ nơi mỗi người học trò. Chúa đã thi thố lòng thương xót cách hoàn mỹ với cái chết trên thập giá, để cứu độ tất cả mọi người, xin cho chúng con hiểu ra được những giá trị của đức ái trời cao đó, để chúng con lại trở nên chứng nhân của lòng thương xót, để giới thiệu và sống bài học đức ái trời cao, qua ơn gọi và hoàn cảnh hiện tại của mỗi người. Amen.

CHÚA CÔNG MINH TRONG MỌI ĐƯỜNG LỐI CHÚA

(Chúa Nhật XXV TN A) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Sao tôi lại làm người trong thân phận này? Vóc dáng không cao, khuôn mặt không dễ nhìn, sắc tộc vào hàng thiểu số, gia cảnh thì nghèo hèn, hoàn cảnh xã hội quá khó khăn… Rất nhiều nỗi băn khoăn, đúng hơn là nỗi bất bình cho số phận mình, số phận bị chiếu bởi ngôi sao xấu nào đó. Chập chững vào tuổi thanh niên, nhiều bạn trẻ không ít lần phiền trách số phận bản thân với hiện trạng đang là của họ. Nhiều giấc mơ xuất hiện như một sự giải tỏa khát mong thầm kín: giá như tôi là thế này, giá như tôi được như kia… Trời xanh có công minh chăng khi có kẻ sinh ra đã là con vua, còn rất nhiều kẻ lại mang kiếp con nhà chùa?

Cùng với những người làm vườn nho từ sáng sớm hay gần cả ngày, chúng ta lắm khi tự hỏi rằng chúng ta cum cúp giữ đạo, chịu nhiều thua thiệt ở đời này so với rất nhiều bà con khác đạo và bà con không tôn giáo để rồi lại cũng sẽ lãnh mỗi người một đồng tiền lương sao? Nói gì đến bà con lương dân hay bà con khác đạo sống ngay lành, người thu thuế Chúa kể chuyện chỉ đấm ngực và xin: Lạy Chúa xin thương xót con là kẻ có tội, chưa hết, cái anh tử tội năm nào bị treo trên thập giá cạnh Chúa, chỉ với lời cầu xin: “lạy Ngài khi nào về Nước Ngài, xin nhớ đến tôi” thì đều được công chính hóa, được phúc thiên đàng. Thế thì sự công bình ở đâu?

“Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi và đường lối của các ngươi không phải là đường lối của Ta. Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối của các ngươi và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng của các ngươi chừng ấy” (Is 55,8-9).

Tư tưởng của Ta: Mọi người đều là hình ảnh của Ta, đều là con cái của Ta. Tất cả mọi người, ngươi và người khác đạo hay người chưa biết Ta, thậm chí người đang không nhận Ta, hết thảy không phải là cái gì xa lạ nhưng chính là hình ảnh của Ta, hết thảy không phải là là người nô lệ, kẻ làm thuê nhưng là con cái của Ta. Ta là người Cha nhân hậu, thiện toàn, cho mưa rơi đều xuống trên người con lành thánh lẫn đứa con bất lương, cho mặt trời mọc lên soi người con công chính lẫn đứa con tội lỗi. Ta chẳng hề muốn một đứa con nào phải hư mất. Ta kiên nhẫn và tạo dịp thuận lợi để những đứa con hư hỏng biết ăn năn sám hối và được sống. Đã là con cái, thì với Ta, đứa nào cũng là quý giá và không có gì sánh được, thậm chí Ta vui mừng vì tìm được đứa con lạc đường, xa nhà, hơn là chín mươi chín đứa con đang ở trong gia đình.

Vấn đề là ngươi cố tìm hiểu tư tưởng của Ta, tấm lòng của Ta. Hiểu được lòng trí của Ta thì ngươi sẽ nhận ra người đồng loại, dù đó là người tội lỗi, người khác niềm tin, người khác chính kiến… họ thảy đều là anh chị em của ngươi. “Anh em như thể tay chân”. Ước gì ngươi cảm nhận được chân lý này.

Đường lối của Ta: Ta xử với con cái không như những gì chúng đã làm, mà như chúng đang là. Ông chủ vườn nho đã đối xử với với đám nhân công không như họ đã làm được những gì, mà như họ là công nhân của ông ta. Có thế thôi. Vậy, Ta vốn là người Cha giàu lòng thương xót lại không đối xử với đàn con như chúng là con của Ta, những đứa con mà ta đã nhận làm dưỡng tử qua chính Con Một Ta hay sao?

Chính các ngươi là người cha, người mẹ trần gian còn vương nhiều điều gian ác mà còn biết lấy của tốt mà trao cho con cái, còn biết lo lắng cho đứa con trong nôi chưa làm được sự gì, một lẽ tất yếu là vì chúng là con cái các ngươi. Thế thì sao các ngươi lại bực mình khi Ta tỏ lòng nhân hậu với những người hèn kém, những người tội lỗi… vì chúng nó cũng như các ngươi thảy đều là con cái của Ta.

Tư tưởng của các ngươi và đường lối của các ngươi tuy có bị tội lỗi làm sai lệch nhưng tiên vàn vẫn là do Ta đặt để ngay từ đầu buổi tạo dựng. Chính vì thế, tư tưởng của Ta và đường lối của Ta tuy có cao xa hơn tưởng và đường lối các ngươi nhưng vẫn có nét nào đó nơi tư tưởng và đường lối các ngươi, dĩ nhiên là chúng cần phải được chỉnh hướng.
Một vài cách thế chỉnh hướng tư tưởng và đường lối của các ngươi: Hãy mở lòng để lắng nghe lời Con Một của Ta, Giêsu Kitô:

1. Lạy Cha chúng con ở trên trời (Mt 6,9): Lời kinh nguyện duy nhất mà Con Một của Ta chỉ dạy các ngươi khi cầu nguyện, nhắc nhở các ngươi hãy xác định đúng vị thế các ngươi trước mặt Ta và trước tha nhân, bất kể họ là người thế nào. Ta là người Cha duy nhất và tất cả các ngươi đều là anh chị em với nhau cùng với người anh cả là Con Một của Ta nhập thể làm người, Giêsu Kitô. Các người đừng quên rằng sự thường trong các buổi cử hành Phụng vụ, các người đều có cất lên lời kinh nguyện này: Lạy Cha chúng con ở trên trời…

2. Những gì các ngươi muốn người ta làm cho mình thì hãy làm những điều ấy cho người ta (Mt 7,12). Không dừng lại ở thái độ tiêu cực là đừng làm cho tha nhân những gì mình không muốn tha nhân làm cho mình mà cần phải tích cực làm những điều tốt đẹp cho tha nhân. Vì tất cả lề luật và lời Ngôn sứ đều quy về đó. Điều này sẽ thành hiện thực khi các ngươi chân nhận tha nhân là huynh đệ nghĩa thiết của các ngươi. Đã là huynh đệ nghĩa thiết, tình như thủ túc, như chân tay mình, như chính bản thân mình thì chuyện ganh tị, đố kỵ sẽ chẳng còn lý do gì để tồn tại.

Trở lại với sự băn khoăn hay nỗi bất bình về số phận xem ra chẳng may của nhiều người thì thú thật sẽ khó có lời giải thích thỏa lòng. Cùng tốt nghiệp cử nhân hạng ưu như nhau, nhưng một bạn trẻ xuất thân từ gia đình nghèo hèn, thiếu điều kiện, sẽ có niềm vui khác xa một bạn trẻ con nhà giàu có, đủ đầy điều kiện. Một thực tế của cuộc sống, hy vọng có thể giúp nhiều người thoạt sinh ra đã ở trong hoàn cảnh thiếu may mắn, xét dưới nhãn quan nhân loại. Dù Hy Lạp hay Do Thái, dù nô lệ hay tự do thì cái đích đến là được làm con cái Chúa, được hưởng hạnh phúc Nước Trời, thì đều ở trong tầm tay của mọi người. Hơn nữa dưới nhãn quan Tin Mừng thì những người xem ra kém may mắn, lại có nhiều thuận lợi để đạt đến hạnh phúc Nước Trời hơn. Chúa Kitô đã khẳng định chân lý này qua các mối phúc, cũng như các mối họa (x.Lc 6,20-26).

Dù ở trong hoàn cảnh thuận lợi hay không thuận lợi theo nhãn quan nhân loại hay theo nhãn quan Tin Mừng thì mọi sự tốt đẹp đều là có thể, nếu như chúng ta xem nhau như anh chị em. Xin được kết thúc những dòng chia sẻ này bằng câu chuyện sau: Trong một cuộc thi điền kinh môn chạy đường dài (Maraton), có hai anh em ruột cùng tham gia thi chạy với nhiều người khác. Còn khoảng một trăm mét là đến đích, về nhất. người anh ngoái đằng sau thấy em mình cũng bỏ đoàn chạy phía sau khá xa, nhưng dường như đạng bị chấn thương nào đó nên phải khập khiễng trên đoạn đường cuối. Người anh dừng lại chờ người em đến và dìu người em chạy nốt đoạn ngắn còn lại. Đứng trước vạch đích, hai anh em cùng hô một hai ba: chạm đích. Ban tổ chức hôm ấy đã phải trao hai huy chương vàng, dù không thể tiên liệu. Mọi sự đều là có thể trong tình yêu, vì “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,8).

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây