TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật XXV Thường Niên - Năm B

12/09/2021 08:01:24 |   981

Chúa Nhật XXV Thường Niên - Năm B
 

cn25 tnB

Mc 9, 30-37


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XXV Thường Niên - Năm B


Dẫn vào thánh lễ

Anh hị em thân mến!

Những bài đọc của Chúa Nhật XXV này, loan báo cho chúng ta về cái chết đau thương của người công chính, ám chỉ tới cái chết của Đức Kitô. Chính Người cũng thông báo trước cho các môn đệ biết điều này, nhưng các ông không thể hiểu nổi, các ông không thể ngờ được điều đó lại xảy ra cho Chúa Giêsu!

Theo Thánh Giacôbê tông đồ thì chỉ vì người ta ghen ghét, xét đoán nhau, mà người này gây nên đau khổ và chết chóc cho người khác. Đó cũng chính là trường hợp của Đức Ki-tô khi biệt phái, luật sĩ, thượng tế ghen tức với Người. Vì thế, thánh nhân kêu mời mỗi người hãy sinh hoa quả công chính là gieo vãi trong bình an.

Giờ đây, đứng bên nhau chung một tâm hồn, chung ước nguyện, chúng ta cùng xin lỗi Chúa, xin lỗi nhau, để được thật sự bình an và hạnh phúc dâng Thánh Lễ cao cả lên Ba Ngôi Thiên Chúa.

Ca nhập lễ

Chúa phán: Ta là phần rỗi của dân Ta. Họ đã kêu cầu Ta trong mọi nỗi gian truân. Ta đã nhậm lời họ, và Ta sẽ là Chúa của họ đến muôn đời.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã thu gọn toàn thể lề luật thánh vào giới răn độc nhất là mến Chúa yêu người, xin giúp chúng con hằng vâng giữ điều Chúa truyền dạy, để sau này đạt tới phúc trường sinh. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Kn 2, 12. 17-20

“Chúng ta hãy kết án cho nó chết cách nhục nhã”.

Trích sách Khôn Ngoan

(Những kẻ gian ác nói rằng:) “Chúng ta hãy vây bắt kẻ công chính, vì nó không làm ích gì cho chúng ta, mà còn chống đối việc chúng ta làm, khiển trách chúng ta lỗi luật và tố cáo chúng ta vô kỷ luật. Vậy chúng ta hãy xem điều nó nói có thật hay không, hãy nghiệm xét coi những gì sẽ xảy đến cho nó, và hãy chờ xem chung cuộc đời nó sẽ ra sao. Vì nếu nó thật là con Thiên Chúa, Chúa sẽ bênh vực nó, sẽ giải thoát nó khỏi tay những kẻ chống đối nó. Chúng ta hãy nhục mạ và làm khổ nó, để thử xem nó có hiền lành và nhẫn nại không. Chúng ta hãy kết án cho nó chết cách nhục nhã, vì theo lời nó nói, thì người ta sẽ cứu nó!”

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 53, 3-4. 5. 6 và 8

Ðáp: Chúa đang nâng đỡ tâm hồn con (c. 6b).

Xướng: Ôi Thiên Chúa, xin cứu sống con nhân danh Ngài, và xin sử dụng uy quyền phán quyết cho con! Ôi Thiên Chúa, xin nghe tiếng con cầu, xin lắng tai nghe lời miệng con xin. 

Xướng: Vì những kẻ kiêu căng nổi lên chống đối, và bọn người hung hãn tìm sát hại con, bọn chúng không nhớ Thiên Chúa ở trước mặt mình. 

Xướng: Kìa, Thiên Chúa phù trợ con, Chúa đang nâng đỡ tâm hồn con. Con sẽ tự nguyện hiến dâng lễ vật lên Chúa. Lạy Chúa, con sẽ ca tụng danh Ngài, vì danh Ngài thiện hảo.

Bài Ðọc II: Gc 3, 16 – 4, 3

“Hoa quả của công chính được gieo vãi trong bình an cho những người xây đắp an bình”.

Trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.

Anh em thân mến, ở đâu có ganh tị và cãi vã, ở đó có hỗn độn và đủ thứ tệ đoan. Nhưng sự khôn ngoan từ trời xuống, thì trước tiên là trong trắng, rồi ôn hoà, bao dung, nhu mì, hướng thiện, đầy lòng nhân từ và hoa quả tốt lành, không xét đoán thiên vị, không giả dối. Hoa quả của công chính được gieo vãi trong bình an cho những người xây đắp an bình.

Bởi đâu anh em cạnh tranh và cãi cọ nhau? Nào không phải tại điều này: tức tại các đam mê đang giao chiến trong chi thể anh em đó sao? Anh em ham muốn mà không được hưởng, nên anh em giết nhau. Anh em ganh tị mà không được mãn nguyện, nên anh em cạnh tranh và cãi cọ. Anh em không có là tại anh em không xin. Anh em xin mà không nhận được, là vì anh em xin không đúng, cứ mơ tưởng thoả mãn các đam mê của anh em.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 8, 12

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống”. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 9, 29-36

“Con Người sẽ bị nộp. Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ từ trên núi xuống, rồi đi ngang qua xứ Galilêa và Người không muốn cho ai biết. Vì Người dạy dỗ và bảo các ông rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”. Nhưng các ông không hiểu lời đó và sợ không dám hỏi Người.

Các ngài tới Capharnaum. Khi đã vào nhà, Người hỏi các ông: “Dọc đàng các con tranh luận gì thế?” Các ông làm thinh, vì dọc đàng các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất. Bấy giờ Người ngồi xuống, gọi mười hai ông lại và bảo các ông rằng: “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”. Rồi Người đem một em bé lại đặt giữa các ông, ôm nó mà nói với các ông rằng: “Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Chúa Giêsu Kitô là sự khôn ngoan khôn lường của Thiên Chúa sai đến, dạy dỗ nhân loại đường về cõi vĩnh hằng. Tin tưởng vào sự dìu dắt của Người, chúng ta dâng lời nguyện xin:

1. “Chúng ta hãy nhục mạ và làm khổ nó…chúng ta hãy kết án cho nó chết cách nhục nhã”.- Xin cho các Chủ chăn một đức tin vững mạnh, để can đảm chấp nhận mọi khinh chê, thua thiệt và cả chết chóc, để “ miễn là Chúa được rao giảng”

2. “Ở đâu có ganh tỵ và cãi vã, ở đó có hỗn độn và đủ thứ tệ đoan”,- Xin cho các cộng đoàn dân Chúa trên thế giới, biết sống hiệp nhất yêu thương, nhịn nhục tha thứ, để hòa khí và an bình luôn tồn tại, như lời chư dân phản ảnh thời Giáo Hội sơ khai: “Kìa xem họ yêu nhau như thế nào”

3. “Dọc đường các con tranh luận gì thế?”.- Xin cho các tông đồ giáo dân tinh thần phục vụ hoàn toàn siêu nhiên, vị tha, không tìm gây ảnh hưởng, tranh dành địa vị, quyền bính, nhưng chỉ tìm vinh danh Thiên Chúa và phần rỗi cho các linh hồn.

4. “Ai đón tiếp Thầy, là đón tiếp Đấng đã sai Thầy”.- Xin cho mọi người trong cộng đoàn phục vụ hôm nay, ý thức việc rước Chúa Giêsu Thánh Thể, chính là tiếp rước Chúa Ba Ngôi và được tham dự vào đời sống vĩnh cửu của Ngài.

Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu Kitô yêu mến, chúng con tạ ơn Chúa hằng thương dạy dỗ, hướng dẫn chúng con trên chính lộ tiến về cùng Chúa Cha. Xin thêm sức mạnh, cho chúng con can đảm vững bước đi theo Chúa, Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận của lễ cộng đoàn chúng con dâng, và nhờ thánh lễ này, xin cho chúng con được hưởng những hồng ân cao cả, mà chúng con hết lòng tin tưởng cậy trông. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa đã ban bố các huấn lệnh, để chúng tôi được tuân giữ hết sức ân cần. Nguyện cho đường nẻo tôi vững chắc, để tuân giữ thánh chỉ của Chúa.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Ta là mục tử tốt lành, ta biết các chiên Ta và các chiên Ta biết Ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã lấy Mình và Máu Ðức Kitô nuôi dưỡng chúng con; xin nâng đỡ và giữ gìn chúng con luôn mãi, để chúng con được hưởng nhờ hiệu quả ơn cứu chuộc trong thánh lễ cũng như trong đời sống hằng ngày. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Đầy tớ của mọi người
Sưu tầm

Bác sĩ Mayo là người đã xây dựng một bệnh viện nổi tiếng trên thế giới tại bang Minnesota. Ngày kia có một đoàn chuyên viên từ Âu châu đến thăm. Và theo tập tục ở đó, thì ban tối, trước khi đi ngủ, khách sẽ để giày của mình ở ngoài cửa phòng và sẽ có người đến lấy để đánh bóng. Bác sĩ Mayo là người về sau cùng khi đêm đã khuya. Ông thấy các đôi giày để ở ngoài của phòng, nhưng ngần ngại không muốn đánh thức các người giúp việc. Ông thở dài rồi đem các đôi giày xuống bếp và tự tay ông, thức đến quá nửa đêm để đánh bóng những đôi giày của khách.

Câu chuyện trên làm cho chúng ta nhớ tới lời Chúa qua đoạn Tin Mừng sáng nay: Nếu ai muốn làm lớn, thì phải trở nên kẻ rốt hết. Cũng như các tông đồ, chúng ta thường hay tranh luận xem ai trong chúng ta là người lớn nhất. Và Chúa Giêsu đã trả lời: Người lớn nhất phải làm đầy tớ cho mọi người. Chính Chúa Giêsu đã làm gương trước cho chúng ta. Ngài phán: Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng đến để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người. Và rồi trong bữa Tiệc ly, Ngài đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. Ngài phán: Các con gọi Ta là Chúa và là Thầy thì phải lắm. Nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con thì các con cũng phải rửa chân cho nhau.

Vậy chúng ta phải làm gì để noi theo mẫu gương của Ngài về vấn đề phục vụ? Chúng ta đã giúp đỡ những người anh em như thế nào? Chúng ta đối xử với những người đã làm ơn cho chúng ta ra làm sao? Và thế nào là một người đầy tớ? Tôi xin thưa đó là một người được mướn để làm việc, đặc biệt là những việc trong nhà. Và theo một ý nghĩa rộng rãi hơn, thì người đầy tớ là một người hăng hái nhiệt tình với người khác bằng một mục đích, một niềm tin. Và phục vụ có nghĩa là làm một việc để giúp đỡ hay đem lại lợi ích cho người khác.

Trong chiều hướng đó thì tất cả chúng ta đều được mời gọi để trở nên những tôi tớ. Chẳng hạn: người mẹ trong gia đình thực sự là đầy tớ cho cả nhà, bởi vì mỗi chức vụ đều có những cơ may để phục vụ. Điều quan trọng là chúng ta đã thực hiện được tinh thần tôi tớ ấy hay chưa.

Đức Giáo Hoàng người đứng đầu Giáo Hội công giáo, nắm giữ một địa vị quan trọng nhất trên thế giới, thế mà ngài vẫn tự nhận cho mình là “servus servorum”, tôi tớ của các tôi tớ.

Để kết luận, chúng ta hãy đánh giá cao việc phục vụ của những người chung quanh chúng ta, chẳng hạn như người bán hàng, người hốt rác, người giảng dạy. Đồng thời trong giây phút này, chúng ta hãy phục vụ Thiên Chúa bằng việc dâng thánh lễ, như một đỉnh cao của tinh thần phục vụ. Rồi khi trở về với cuộc sống, chúng ta hãy biến cuộc sống trở thành một thánh lễ nối dài bằng chính tinh thần phục vụ của mình. Mỗi người chúng ta hãy tự vấn lương tâm xem: Trong hoàn cảnh của tôi, tôi phải làm những gì để phục vụ và giúp đỡ những người anh em của tôi. 

Chúa nhật 25 thường niên -B
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (Mc 9, 29-36).

Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ từ trên núi xuống, rồi đi ngang qua xứ Galilêa và Người không muốn cho ai biết. Vì Người dạy dỗ và bảo các ông rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”. Nhưng các ông không hiểu lời đó và sợ không dám hỏi Người.

Các ngài tới Capharnaum. Khi đã vào nhà, Người hỏi các ông: “Dọc đàng các con tranh luận gì thế?” Các ông làm thinh, vì dọc đàng các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất. Bấy giờ Người ngồi xuống, gọi mười hai ông lại và bảo các ông rằng: “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”. Rồi Người đem một em bé lại đặt giữa các ông, ôm nó mà nói với các ông rằng: “Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy”.

Suy niệm

Để có thể tồn tại và phát triển toàn diện cuộc sống, con người phải trải qua nhiều bước thăng trầm, trong đó có những ngày tháng chiến đấu với bản thân, với thiên nhiên, với môi trường và với xã hội mà mình đang hiện hữu trong đó. Những cuộc chiến đó một phần giúp cho con người tồn tại, một phần giúp cho con người ngày càng vĩ đại hơn và sống đúng với con người hơn. Vì thế, chiến đấu chống lại cái ác, chống lại điều dữ luôn đòi hỏi mỗi người phải làm việc và làm việc nhiều hơn. Phụng vụ Chúa nhật 25 thường niên, đưa chúng ta tới một yếu tố khác xem ra nghịch lý với những xu thế trên, đó là hãy phục vụ để trở nên lớn hơn, hãy yêu thương hết mọi người để trở nên vĩ đại hơn. Đức Giêsu đã hướng dẫn cho con người khi Ngài bước vào lịch sử của con người, Ngài muốn con người trong mỗi ngày sống, phải trở nên vĩ đại hơn và sống có ý nghĩa hơn, có mục đích hơn. Có được như thế, mỗi người mới hoàn thiện ơn gọi là môn đệ của Đức Giêsu Kitô, người đầy tớ đã hạ mình xuống, đã vâng lời cho đến chết và chấp nhận chết trên thập giá, tất cả để cứu độ con người.

Thiên Chúa hay có tên gọi khác là Tạo Hóa, Ngài là Đấng Chân - Thiện - Mỹ , Đấng sẽ dạy dỗ con cái sống sự thật, làm việc trong ý thức lành dữ và đối xử với nhau bằng tình yêu chứ không bằng những tính toán vụn vặt. Còn Sa-tan, thần dữ đầy tối tăm và mưu lược, nơi đó sẽ không bóng dáng của sự thiện và tình yêu. Vì thế, tác giả sách Khôn ngoan đã có những phút giây suy tư về con người, nếu họ thuộc về Thiên Chúa, Ngài sẽ che chở và bênh vực họ, sẽ giúp họ sống theo những giá trị của Thiên Chúa, còn ai không đón nhận Ngài ắt sẽ bị loại trừ, sẽ đi trong sự hận thù, ghen ghét và khổ đau: “(Những kẻ gian ác nói rằng:) “Chúng ta hãy vây bắt kẻ công chính, vì nó không làm ích gì cho chúng ta, mà còn chống đối việc chúng ta làm, khiển trách chúng ta lỗi luật và tố cáo chúng ta vô kỷ luật. Vậy chúng ta hãy xem điều nó nói có thật hay không, hãy nghiệm xét coi những gì sẽ xảy đến cho nó, và hãy chờ xem chung cuộc đời nó sẽ ra sao. Vì nếu nó thật là con Thiên Chúa, Chúa sẽ bênh vực nó, sẽ giải thoát nó khỏi tay những kẻ chống đối nó”. Cùng đích cuộc đời của con người là tìm về với Thiên Chúa hay Satan, tất cả tùy thuộc vào chọn lựa của mỗi người. Cũng không thể khoác chiếc áo của con cái Thiên Chúa, để rồi sống theo những tính toán của con cái thế gian và Satan.

Con người mang trong mình lý trí và ý chí. Chính những yếu tố này giúp con người biện phân lành dữ, tốt xấu cũng như đâu là hạnh phúc, đâu là bình an. Nhưng con người lại tồn tại trong một xã hội, vì thế, trong mỗi con người có một cuộc chiến nội tâm, một sự giằng co từng ngày và trong từng công việc. Thánh Gia-cô-bê đã có kinh nghiệm đó và ngài đã khai sáng cho con cái Giáo hội, để họ biết mình là ai, cùng đích cuộc đời là đâu và mỗi khi đứng trước chọn lựa, cần phải làm gì: “Bởi đâu anh em cạnh tranh và cãi cọ nhau? Nào không phải tại điều này: tức tại các đam mê đang giao chiến trong chi thể anh em đó sao? Anh em ham muốn mà không được hưởng, nên anh em giết nhau. Anh em ganh tị mà không được mãn nguyện, nên anh em cạnh tranh và cãi cọ”. Nếu con người biết sử dụng lý trí và ý chí để có những chọn lựa đúng đắn và ý nghĩa, chính là lúc con người đặt mình vào chổ đứng của con cái Thiên Chúa, bởi khi con người có sự hiện diện của Thiên Chúa trong tâm hồn, họ sẽ thực hiện những gì là hoa trái của tình yêu Thiên Chúa: “Sự khôn ngoan từ trời xuống, thì trước tiên là trong trắng, rồi ôn hoà, bao dung, nhu mì, hướng thiện, đầy lòng nhân từ và hoa quả tốt lành, không xét đoán thiên vị, không giả dối. Hoa quả của công chính được gieo vãi trong bình an cho những người xây đắp an bình”.

Quyền lực và sức mạnh của nó luôn là yếu tố giúp con người trở nên vĩ đại hơn, nhiều uy quyền hơn. Chính những yếu tố đó giúp con người trong bất cứ thời đại nào, có thể sai khiến đồng loại, có thể điều khiển mọi thứ, thậm chí cả sự sống còn của đồng loại. Hiểu được sức mạnh của quyền lực, con người tìm đủ mọi cách để sở hữu dù đó là lĩnh vực nào của xã hội. Mang ý tưởng sở hữu quyền lực, nên bao cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, dân lành chết oan uổng, bệnh tật hoành  hành khắp nơi, tất cả chỉ vì quyền lực, vì địa vị trong xã hội của một con người. Đức Giêsu hiểu được điều đó trong mỗi người môn đệ, mỗi người học trò của mình, vì thế, khi họ tranh luận về quyền lực, địa vị giữa anh em với nhau, Ngài đã lên tiếng: “Khi đã vào nhà, Người hỏi các ông: “Dọc đàng các con tranh luận gì thế?” Các ông làm thinh, vì dọc đàng các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất. Bấy giờ Người ngồi xuống, gọi mười hai ông lại và bảo các ông rằng: “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”. Trong suy nghĩ của các môn đệ, Thầy mình là Con Thiên Chúa, có trong tay đầy quyền năng, sức mạnh và biết bao điều lạ lùng khác. Cách suy nghĩ đó vô tình đưa Thầy vào chỗ đứng cao nhất trong thế gian. Thầy chúng ta là người có quyền lực, có địa vị, có sức mạnh vô song. Chúng ta là học trò, ắt sẽ được Thầy đặt để vào những chiếc ghế quyền lực khác ngồi quanh Thầy. Quả là những suy nghĩ rất con người, rất đời thường và rất khác suy nghĩ của Thiên Chúa.

Thiên Chúa là tình yêu, hay nói cách khác bản tính của Ngài là tình yêu, rồi có những lúc chúng ta tuyên xưng: Thiên Chúa là Đấng quyền năng, sức mạnh và là chủ tể muôn loài. Vậy thử hỏi bản tính của Thiên Chúa đích thực là gì, còn tình yêu, quyền năng, sức mạnh và thống trị muôn loài như thế là những yếu tố tùy thuộc của Ngài hay là bản tính, bởi Thiên Chúa không đi tìm cho mình những quyền lực cần thiết, không đi tìm cho mình vinh quang nơi thế gian và cũng không đi tìm cho mình sức mạnh trên mọi thứ. Có thể nói rằng Thiên Chúa là tình yêu quyền năng, là tình yêu sức mạnh và là tình yêu chủ tể mọi loài, bởi khi Ngài dùng sức mạnh của tình yêu, Ngài cảm hóa được tất cả, Ngài dùng quyền năng của tình yêu, Ngài đưa tất cả về cùng một mái ấm gia đình, và khi Ngài dùng tình yêu trao ban, Ngài đón nhận tất cả mọi người trên thế giới vào trong vòng tay yêu thương của Ngài.

Thiên Chúa là vậy, là tình yêu. Đức Giêsu đã họa lại khuôn mặt tình yêu của Chúa Cha khi Ngài đi vào lịch sử nhân loại. Chấp nhận sinh ra trong nghèo hèn, chấp nhận một gia đình nghèo hèn, chấp nhận một dân tộc, một đất nước nghèo hèn, và kết thúc cuộc đời, chấp nhận một cái chết nghèo hèn, trần trụi. Có chấp nhận như thế, Ngài đã cúi xuống rửa chân cho các đồ đệ của mình, cúi xuống để tha thứ cho các tội nhân và cúi xuống để đón nhận con cái Thiên Chúa trở về.

Thiên Chúa là thế, còn con người hôm nay đang sống thế nào. Tồn tại trong thế giới này, ai cũng cố gắng tìm cho mình một chổ đứng an toàn với quyền lực, địa vị và sức mạnh thế gian. Những cố gắng đó đang là nguyên nhân của chiến tranh, của sự phân biệt giàu nghèo, sang hèn giữa cộng đồng. Người tín hữu Kitô không đứng ngoài quỹ đạo của vòng xoáy đó, sự tác động từ xã hội đưa người tín hữu đi đến một chọn lựa vô cùng khó khăn, đi theo Thầy Giêsu, tất sẽ chọn thập giá, chọn hy sinh, chọn phục vụ, đi theo thế gian, tất sẽ chọn quyền lực thế gian, địa vị cuộc sống và sức mạnh thế gian nữa. Một sự giằng co quyết liệt đến với mỗi người ngay từ lúc mở mắt đón chào ngày mới và từng ngày nối tiếp như thế. Tin tưởng, phó thác và chấp nhận ở lại trong vòng tay của Thiên Chúa là một sự đánh đổi rất lớn cho hôm nay.

Bên cạnh là những trào lưu, những xu hướng thời đại, tác động lên những suy nghĩ trong lý trí và ý chí, gây ra bao dằn vặt trong tận sâu thẳm tâm hồn. Chấp nhận đứng lên, dứt bỏ mọi sự đi theo Thầy hay chấp nhận xin thay đổi lộ trình cuộc đời, để những ngày sống hiện tại có đủ quyền lực, có địa vị cao sang, có mọi thứ nhu cầu khác được thỏa mãn, và có luôn cả sức mạnh để thống trị tha nhân và thế giới. Một chọn lựa cần có câu trả lời thật xác tín và thật trưởng thành.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đi vào lịch sử nhân loại bằng con đường từ bỏ, nghèo hèn, để nói lên giá trị thực của tình yêu, và trên mỗi nẻo đường Ngài đi qua, Ngài mong ước mong những hạt giống đó mọc lên và sinh nhiều hoa trái tình yêu, xin cho chúng con biết chọn lựa đâu là cùng đích cuộc đời của mình trong niềm vui, bình an và hạnh phúc, đâu là cùng đích cuộc đời trong bế tắc và buồn tủi của phận người. Chúa đã giới thiệu những con đường về trời bằng sức mạnh của tình yêu, xin giúp chúng con tiếp tục con đường đó của Chúa bằng việc giới thiệu Tin Mừng tình yêu qua cuộc sống bản thân. Một lời nguyện cầu cho tình yêu Thiên Chúa luôn sưởi ấm những tâm hồn giá lạnh nơi các bệnh nhân của đại dịch, nơi những người âm thầm phục vụ và nhất là nơi những trái tim của các Bác sĩ, các nhân viên y tế và những ai đang giúp đỡ mọi người vượt qua dịch bệnh. Amen.

Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
 

XIN CHA THA CHO HỌ VÌ HỌ LẦM…
(Chúa Nhật XXV TN B) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Có người dí dỏm rằng mô-đen (mode) là sự tái hiện cái đã bị lịch sử đào thải. Hết kiểu tóc dài rồi lại tóc ngắn. Tóc ngắn một thời rồi người ta lại để tóc dài, và sau đó trở về tóc đầu đinh, kiểu húi cua hay láng bóng như chưa mọc tóc. Các kiểu mô-đen y phục cũng tương tự. Các kiểu dáng rộng hẹp, dài ngắn cứ luân phiên thay đổi nhau. Hình như ít có sự gì mới ở dưới trần gian này, nhất là những vấn nạn liên quan đến ý nghĩa cuộc đời con người. Một trong những vấn nạn ấy là nguồn gốc của các hiện hữu, cách riêng của loài người.

Những chuyện xem ra lạ đời như chuyện đồng tính luyến ái đang nở rộ đó đây, đặc biệt tại các nước ở phương trời Âu, Mỹ, thì vốn đã xuất hiện từ xa xưa mà câu chuyện hai thành Sôđôma và Gômôra là một minh chứng. Bàng bạc trong thuyết bất khả tri hay trong chủ nghĩa hoài nghi và rồi cách minh nhiên trong chủ thuyết vô thần, người ta chủ trương rằng các hiện hữu đời này là do bởi tự nhiên hay ngẫu nhiên. Tác giả sách Khôn ngoan xưa đã từng ghi lại nghĩ suy của “quân vô đạo” như sau: “Đời ta thật buồn sầu vắn vỏi: không thuốc nào chữa cho khỏi chết, chẳng ai biết có kẻ nào thoát được cõi âm ty. Bởi ngẫu nhiên ta đã ra đời, rồi lại như chưa hề có mặt…” (Kn 2,1-2). Với cái nhìn về cuộc đời như trên, người ta sẵn sàng hô hào: “Nào đến đây, hưởng lấy của đời này, tuổi còn trẻ, ta cố mà tận dụng hết những chi đang có sẵn trên trần… Ta hãy bức hiếp tên công chính nghèo hèn, kẻ góa bụa, ta đừng buông tha, bọn tóc bạc già nua, cũng chẳng nể. Sức mạnh ta phải là quy luật của công lý, vì yếu đuối chẳng làm nên chuyện gì… Nào ta kết án cho tên công chính chết nhục nhã, vì cứ như nó nói, nó sẽ được Thiên Chúa viếng thăm” (Kn 2,6-20).

Thời Chúa Giêsu, nhóm Xađốc vốn thân chính quyền. Họ được hưởng nhiều lợi lộc mà dĩ nhiên trong đó, ít nhiều cũng có những lợi lộc bất chính, bất minh. Họ là những người đã chủ trương rằng không có đời sau. Trái lại nhóm Biệt phái thì tin có đời sau. Vấn đề đặt ra đó là vì người ta đã theo một vũ trụ quan hay nhân sinh quan nào đó và rồi cách sống của họ chỉ là hệ quả kéo theo hay là người ta dùng, đúng hơn là lợi dụng một cái nhìn, một quan điểm về thế giới, về con người để biện minh cho thái độ sống của mình? Chúng ta không thể tiên thiên khẳng định điều này hay điều kia đúng. Tuy nhiên với trường hợp của “quân vô đạo” mà sách Khôn ngoan đề cập thì có thể nói là đại đa số trong họ dùng lý lẽ này nọ để biện minh cho lối sống hưởng thụ, bất công, gian ác của mình.

Vậy thử hỏi rằng những người dùng những quan điểm nọ kia để biện minh cho lối sống thiếu lành mạnh, thiếu ngay thẳng của mình, họ có cảm thấy áy náy hay ngượng ngùng khi tuyên bố mọi sự hiện hữu là do ngẫu nhiên chăng? Theo thiển ý, chắc hẳn ít nhiều ngay từ đầu cũng vẫn có. Tuy nhiên với thời gian, khi thực tiễn lại dường như ứng hợp với luận lý của họ một cách nào đó đã khiến họ vững tin vào cái nhìn của mình cũng như an tâm về lối sống của mình. Nếu chuyện ác giả-ác báo lại xảy ra cách nhãn tiền ở đời này, ngay trong quãng đời họ sống, thì chắc chắn những lý lẽ biện minh cho lối sống ích kỷ, hưởng thụ, bất công… sẽ chẳng có thể tồn tại.

Dưới chân thập giá cũng đã có người thách thức, chế giễu chúa Giêsu: “hắn cậy vào Thiên Chúa, thì bây giờ Người cứu hắn đi, nếu quả thật Người thương hắn! Vì hắn đã nói: “Ta là Con Thiên Chúa!” (Mt 27,43). Người công chính duy nhất đáng gọi là công chính để nhờ Người mà ơn thứ tha được trao ban cho nhân trần cũng đã thốt lên trong cơn hấp hối: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mc 15,34).

Ngoài một số lý do về niềm tin độc thần, về thái độ thượng tôn lề luật… các Thượng Tế, luật sĩ, biệt phái khi kết án Chúa Giêsu, họ không thể chối cãi lý do chính yếu ở đằng sau mà ngay cả Philatô cũng thừa biết, đó là: “chỉ vì ganh tị mà họ nộp Người” (Mt 27,18). Việc họ tìm nhân chứng gian để tố cáo Chúa Giêsu hay tìm cách xách động dân chúng để làm áp lực với Philatô và cắt cử quân lính canh mồ càng nói lên sự bất an của họ về việc họ đã làm (x.Mt 26,60; 28,62-66; Mc 15,11). Thế nhưng sự bất an của “quân vô đạo” dần dà qua đi khi những lời kêu van của người công chính trong Thánh Vịnh: “Lạy Thiên Chúa, xin đánh chúng bể miệng, gãy răng…” (Tv 58,7) chưa thấy được nhậm lời, và chuyện “người công chính sẽ thấy Chúa trả oán, họ sẽ rửa chân trong máu ác nhân” (Tv 58,11) là chuyện như của tương lai xa vời vợi hay là chuyện một đôi khi hiếm họa do sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Đã và đang có nhiều người sống trong lầm lạc vì Chúa đã không nhổ cỏ lùng ra khỏi lúa tốt (x.Mt 13,24-30). Phút giây hấp hối trên thập giá, Chúa Giêsu đã cất lời cầu xin: “Lạy Cha, xin hãy tha cho họ, vì họ lầm chẳng biết” (Lc 23,34). Phải chăng lòng từ nhân của Thiên Chúa vô tình đã trở thành cớ cho người ta lầm lạc? Chắc chắn không thể quy kết một cách mạo phạm, bất kính như thế. Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, chậm bất bình và rất mực khoan dung. Người không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống. Chúa Giêsu không chỉ xin Chúa Cha tha cho những kẻ lầm lạc mà còn mở rộng Trái Tim cực thánh để tuôn ban Thánh Thần để mở mắt, mở lòng họ, giúp họ nhận biết sự thật (x.Ga 19,34). Viên sĩ quan bách quản hôm ấy đã đón nhận ánh sáng chân lý và tuyên xưng: “Quả thật, ông này là người công chính” (Lc 23,47).

Trước sự mê lầm của những người được xem như là “quân vô đạo” của mọi thời, mọi hoàn cảnh, là Kitô hữu, chúng ta nhiều khi còn phân vân tìm cách hành xử. Có người chủ trương là chấp nhân sự bất công và dâng lời cầu nguyện cho họ. Có người lại đề cao việc vạch trần, tố cáo sự giả dối, gian ác, bất công, để sự bất công, gian dối không còn đất sống. Theo thiển ý, chúng ta cần thực thi cả hai cách thế bằng một trái tim biết mở ra như Trái Tim cực thánh Đấng cứu độ, nghĩa là với một tình yêu đích thực muốn cho người cô thế, bị áp bức bất công được giải phóng và muốn cho cả “quân vô đạo” được giác ngộ, nghĩa là biết nhận ra chân lý, trở về với nẻo ngay mà được cứu độ.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây