TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật XXVII Thường Niên - Năm A

01/10/2023 11:07:24 |   1557

Chúa Nhật XXVII Thường Niên - Năm A

cn27 TNa

Mt 21,33-43


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XXVII Thường Niên - Năm A

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Cả ba bài đọc hôm nay đều nói tới lòng thương yêu chăm sóc của ông chủ đối với vườn nho. Ông chủ đây chính là Thiên Chúa, và vườn nho là dân tộc Israel. Ngài lo lắng, vun xới, tưới tắm để mong nó sinh hoa kết trái, thế nhưng nó chỉ sinh ra toàn nho dại và người làm việc quản lý đã có những bất trung là giết Con Thiên Chúa.

Mỗi tâm hồn chúng ta cũng là vườn nho, cũng được Chúa yêu thương, ấp ủ và quan phòng. Thiên Chúa đòi sự công bằng với mỗi người chúng ta qua việc đáp trả tình yêu. Vậy chúng ta hãy thành tâm hối lỗi.

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã tác tạo mọi sự theo thánh ý Chúa, và không ai có thể chống lại thánh ý Chúa. Vì Chúa đã tạo thành mọi sự trên trời dưới đất, và cả những gì trong bầu trời; Chúa là Chúa tể mọi loài.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, tình thương Chúa thật là cao cả, vượt xa mọi công trạng và ước muốn của con người, xin rộng tình tha thứ những lỗi lầm cắt rứt lương tâm chúng con, và thương ban những ơn trọng đại, lòng chúng con chẳng dám mơ tưởng bao giờ. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Is 5, 1-7

“Vườn nho của Chúa các đạo binh là nhà Israel”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Tôi sẽ ca tặng người yêu bài hát của cô bác tôi về vườn nho.

Người tôi yêu có một vườn nho trên đồi xinh tươi. Người rào giậu, nhặt đá, trồng cây chọn lọc, xây tháp giữa vườn, lập máy ép trong vườn, và trông mong nó sinh quả nho, nhưng nó lại sinh toàn nho dại.

Vậy giờ đây, hỡi dân cư Giêrusalem và người Giuđa, hãy luận xét giữa ta và vườn nho ta. Nào còn việc gì phải làm cho vườn nho ta mà ta đã không làm? Sao ta trông mong nó sinh quả nho, mà nó lại sinh quả nho dại!

Giờ đây ta tỏ bày cho các ngươi biết ta sẽ làm gì đối với vườn nho ta: Ta sẽ phá hàng rào, để nó bị tàn phá, sẽ phá tường để nó phải bị giầy đạp. Ta sẽ bỏ nó hoang vu, không cắt tỉa, không vun xới; gai góc sẽ mọc lên, và ta sẽ khiến mây không mưa xuống trên nó. Vườn nho của Chúa các đạo binh là nhà Israel, và người Giuđa là chồi cây Chúa vui thích. Ta trông mong nó thực hành điều chính trực, nhưng đây toàn sự gian ác. Ta trông mong nó thực hành đức công bình, nhưng đây toàn là tiếng kêu oan.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 79, 9 và 12. 13-14. 15-16. 19-20

Ðáp: Vườn nho của Chúa là nhà Israel

Xướng: Từ Ai-cập Chúa đã mang về một gốc nho. Chúa đã đuổi chư dân đi để ương trồng nó. Nó vươn ngành ra cho tới nơi biển cả, vươn chồi non cho tới chỗ đại giang.

Xướng: Tại sao Ngài phá vỡ hàng rào, để bao khách qua đường đều lảy hái nó, để lợn rừng xông ra tàn phá, và muông thú ngoài đồng dùng nó làm cỏ nuôi thân?

Xướng: Lạy Chúa thiên binh, xin thương trở lại; từ trời cao xin nhìn coi và thăm viếng vườn nho này. Xin bảo vệ vườn nho mà tay hữu Ngài đã cấy, bảo vệ ngành nho mà Ngài đã củng cố cho mình.

Xướng: Chúng con sẽ không còn rời xa Chúa nữa. Chúa cho chúng con được sống, và chúng con ca tụng danh Ngài. Lạy Chúa thiên binh, xin cho chúng con được phục hồi, xin tỏ thiên nhan hiền từ Chúa ra, hầu cho chúng con được ơn cứu sống.

Bài Ðọc II: Pl 4, 6-9

“Thiên Chúa bình an sẽ ở cùng anh em”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.

Anh em thân mến, anh em đừng lo lắng gì hết, nhưng trong khi cầu nguyện, anh em hãy trình bày những ước vọng lên cùng Chúa, bằng kinh nguyện và lời cầu xin đi đôi với lời cảm tạ. Và bình an của Thiên Chúa vượt mọi trí hiểu, sẽ giữ gìn lòng trí anh em trong Chúa Giêsu Kitô.

Vả lại, hỡi anh em, những gì là chân thật, trong sạch, công chính, là thánh thiện, đáng yêu chuộng, danh thơm tiếng tốt, là nhân đức, là luật pháp đáng khen, thì anh em hãy tưởng nghĩ những sự ấy. Những điều anh em đã học biết, đã lãnh nhận, đã nghe và đã thấy nơi tôi, anh em hãy đem những điều đó ra thực hành, thì Thiên Chúa bình an sẽ ở cùng anh em.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 5

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 21, 33-43

“Ông sẽ cho người khác thuê vườn nho”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng: “Các ông hãy nghe dụ ngôn này: Có ông chủ nhà kia trồng được một vườn nho. Ông rào dậu chung quanh, đào hầm ép rượu và xây tháp canh, đoạn ông cho tá điền thuê, rồi đi phương xa. Ðến mùa nho, ông sai đầy tớ đến nhà tá điền để thu phần hoa lợi. Nhưng những người làm vườn nho bắt các đầy tớ ông: đánh đứa này, giết đứa kia và ném đá đứa khác. Chủ lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước, nhưng họ cũng xử với chúng như vậy. Sau cùng chủ sai chính con trai mình đến với họ, vì nghĩ rằng: Họ sẽ kính nể con trai mình. Nhưng bọn làm vườn vừa thấy con trai ông chủ liền bảo nhau: “Ðứa con thừa tự kia rồi, nào anh em! Chúng ta hãy giết nó đi và chiếm lấy gia tài của nó”. Rồi họ bắt cậu, lôi ra khỏi vườn nho mà giết. Vậy khi chủ về, ông sẽ xử trí với bọn họ thế nào?” Các ông trả lời, “Ông sẽ tru diệt bọn hung ác đó, và sẽ cho người khác thuê vườn nho để cứ mùa nộp phần hoa lợi”.

Chúa Giêsu phán: “Các ông chưa bao giờ đọc thấy trong Kinh Thánh: “Chính viên đá bọn thợ loại ra, đã trở nên viên đá góc. Ðó là việc Chúa làm và là việc lạ lùng trước mắt chúng ta!” Bởi vậy, Tôi bảo các ông: Nước Thiên Chúa sẽ cất khỏi các ông để trao cho dân tộc khác biết làm cho trổ sinh hoa trái”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến, chúng ta có thể sử dụng tự do, để khước từ dự định mà Thiên Chúa dành cho nhân loại, và cho mỗi người trong chúng ta. Với lòng yêu mến chân thành, giờ đây chúng ta dâng lên Chúa những lời cầu khẩn, xin Ngài giúp mỗi người chúng ta nhận ra tình yêu của Ngài.

1. Chúng ta cầu nguyện cho Giáo Hội, vượt qua mọi bất trung của các tín hữu, vẫn luôn là vườn nho của Chúa. Xin cho Giáo Hội luôn có những mục tử có khả năng sinh nhiều hoa lợi cho vườn nho của Chúa.

2. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người. Xin cho họ nhận ra sự hiện diện của Chúa ngang qua các dấu chỉ thời đại, và hành động hợp với các chân lý Tin Mừng, đồng thời can đảm hoán cải thay đổi đời sống.  

3. Chúng ta cầu nguyện cho những ai đang đau khổ, những người đang chán nản thất vọng, để họ được Chúa nâng đỡ ủi an.

4. Chúng ta cầu xin Thiên Chúa là Chúa của hòa bình, ban hòa bình và thịnh vượng cho nhân loại. Xin cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta biết bảo vệ môi trường sống bằng tinh thần trách nhiệm.

Chủ tế: Lạy Cha, xin gìn giữ chúng con trong tình yêu của Cha. Xin biến đổi tâm trí chúng con, ngõ hầu chúng con được hưởng bình an của Cha, và biết sinh nhiều hoa trái trong vườn nho mà Cha đã trao cho chúng con. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chính Chúa đã thiết lập lễ tế này để chúng con dâng lên mà tỏ lòng thần phục tôn kính; xin Chúa thương chấp nhận và thánh hoá chúng con, xin cho chúng con được hưởng dồi dào ơn cứu chuộc. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa nhân lành đối với những ai trông cậy vào Người, và đối với tâm hồn kiếm tìm Người.

Hoặc đọc:

Chỉ có một tấm bánh, nên tuy nhiều, chúng ta cũng chỉ là một thân thể, vì hết thảy chúng ta thông phần cùng một tấm bánh, và cùng một chén rượu.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa lãnh nhận Mình và Máu Ðức Kitô, xin cho chúng con được nên một với Người và no say tình Chúa. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Vườn nho

Qua dụ ngôn những người tá điền nổi loạn chúng ta thấy ông chủ tượng trưng cho Thiên Chúa đã rào giậu và chăm sóc cho vườn nho của mình. Còn những tá điền nổi loạn chính là dân Do Thái, dân tộc đã được Thiên Chúa chọn lựa và trao ban cho muôn vàn hồng ân. Còn các đầy tớ được sai đến là các tiên tri. Nhờ các tiên tri mà Thiên Chúa biểu lộ thánh ý của Ngài cho họ, thế nhưng họ đã đối xử dã man và tàn bạo đối với những người được Thiên Chúa sai đến. Nào là đánh đập, nào là giết đi.

Sau cùng ông chủ đã phải sai phái chính người con trai duy nhất của mình đến với họ, để tỏ cho họ thấy lòng nhân từ thương xót vô biên của Ngài, nhất là sau những biến cố đáng buồn đã xảy ra. Người con duy nhất này là hình ảnh tượng trưng cho Đức Kitô, Đấng đã bị họ giết chết trên thập giá. Cái chết khổ đau này làm cho Ngài liên tưởng tới lời thánh vịnh 118: Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường, đó là việc Thiên Chúa đã làm và thực lạ lùng dưới mắt chúng ta. Tảng đá góc tường là nơi câu móc những bức tường của toà nhà, nó nắm giữ một vai trò, một vị trí rất quan trọng.

Cuối cùng Thiên Chúa đã phải bỏ rơi dân Do Thái, để chọn cho mình một dân riêng mới, đó là Giáo Hội, để đem lại cho Ngài nhiều hoa trái.

Câu chuyện trên cũng làm cho chúng ta nhớ tới hinh ảnh vườn nho của tiên tri Isaia. Vườn nho này được chủ hết sức chăm sóc với hy vọng sẽ có được những trái nho đặc biệt, thế nhưng kết quả lại hoàn toàn trái ngược, khiến cho chủ phải nổi giận: Còn việc gì nữa mà Ta đã không làm cho vườn nho của Ta. Ta mong ước có được những trái ngon trái ngọt, vậy tại sao nó chỉ cho toàn những trái chua trái dại?

Còn chúng ta thì sao? Phải chăng tâm hồn chúng ta chỉ là một cây nho cằn cỗi? Thiên Chúa cũng đã đổ xuống cho chúng ta biết bao nhiêu ơn lành hồn xác, thế mà con người chúng ta vẫn không thể đâm bông kết trái. Có lẽ chúng ta cần phải dừng lại, để hồi tâm xét mình, kiểm điểm lại cuộc sống, trước khi nó đã quá muộn.

Nếu như chúng ta trung thành phụng sự Chúa, thì chúng ta không có chi phải lo buồn sầu khổ. Trái lại, nếu chúng ta đã có những thái độ và một nếp sống như dân Do Thái ngày xưa, thì chắc hẳn, trong giờ phút sau hết, Thiên Chúa cũng sẽ loại bỏ chúng ta và trao ban Nước Trời cho những người khác là những người biết đâm bông và kết trái.

Thợ vườn nho

Dụ ngôn những thợ vườn nho phản loạn thuộc vào loại các dụ ngôn Chúa dùng để tỏ lộ thân thế của Ngài là Đấng Thiên Sai. Dụ ngôn này cũng cho thấy sự cô đơn bi thảm của Chúa Giêsu, khi bị dân Ngài loại bỏ.

Như thường lệ Chúa Giêsu cấu tạo dụ ngôn từ các thực tại mà Ngài nghe thấy trước mắt. Trong xứ Galilêa thời ấy, những điền chủ bỏ tiền vào việc trồng nho. Họ giao cho thợ làm vườn nho trông coi rồi trả lương. Đôi khi họ đi vắng xa, chẳng hạn như ra nước ngoài, và để quan lý mùa màng, họ sai những đầy tớ đến với những người thợ làm vườn. Theo luật Do Thái, nếu chủ một thửa đất chết đi mà không có người thừa kế, thì thửa đất ấy sẽ thuộc về người nào chiếm ngụ đầu tiên. Điều này làm cho chúng ta hiểu được lý luận của các thợ làm vườn nho: Đứa con thừa tự đây rồi, nào hãy giết nó đi và chúng ta sẽ chiếm được gia tài của nó. Quả thực, người con thừa tự mà chết, đất sẽ thành vô chủ và thuộc quyền những kẻ cư ngụ.

Qua dụ ngôn này và qua đoạn kế tiếp với hình ảnh viên đá góc bị thợ xây loại bỏ, Chúa Giêsu muốn cho chúng ta hiểu rằng: Chính Ngài là người con bị bọn thợ làm vườn nho giết đi, chính Ngài là viên đá góc bị thợ xây loại bỏ.

Một cách quyết liệt, dụ ngôn đã đưa ra câu hỏi sau đây: Làm sao giới hữu trách của dân Do Thái lại đi tới chỗ loại bỏ Đấng thiên sai? Tôi xin thưa vì họ đã buông thả theo bản năng chiếm hữu của họ. Chủ vườn nho là Thiên Chúa, thủ lãnh duy nhất của họ. Thế nhưng tinh thần chiếm hữu của họ hệ tại việc áp đặt quan niệm riêng của họ về lề luật. Họ dùng lề luật để thống trị dân, họ còn có cao vọng dùng dân tộc của họ để lên ngôi thống trị thế giới. Các vị tiên tri đã đến để nhắn nhủ họ, nhưng tất cả đều bị họ giết chết, và sau cùng họ đã đi tới chỗ loại bỏ Đấng Thiên Sai, Con Một của Thiên Chúa. Thay vì phục vụ cho lề luật và dân chúng thì họ đã chiếm hữu, coi mình là chủ của lề luật và của dân chúng.

Còn chúng ta thì sao, liệu chúng ta có thoát khỏi thái độ tự coi là người làm chủ của Tin Mừng, của chân lý hay không? Làm thế nào để phục vụ Phúc Âm mà không chiếm hữu? Tôi xin thưa bằng cách để cho tinh thần Phúc Âm thấm nhập vài cải tạo chúng ta, chứ chúng ta không đọc Phúc Âm, rồi sau đó ngồi sắp xếp Phúc Âm theo ý riêng của chúng ta. Ngày xưa các thầy thông luật đã lèo lái niềm trông đợi của dân chúng tới những ước vọng thống trị trần gian. Ngày nay cũng không thiếu gì những người muốn lợi dụng Phúc Âm để quảng cáo cho một hệ thống chính trị hay một quan niệm xã hội. Chúng ta không có quyền sử dụng và dùng Phúc Âm vào một mục tiêu nào khác ngoài mục tiêu đi đến Đức Kitô. Nhiều người muốn chiếm hữu Phúc Âm để mưu cầu lợi ích riêng tư, để rồi cuối cùng đã đi đến chỗ phủ nhận con người Đức Kitô. Tin Mừng mời gọi chúng ta xây dựng cuộc sống trên viên đá góc là Đức Kitô, Đấng chúng ta tìm kiếm và yêu mến, chứ không nên lèo lái Ngài và Tin Mừng của Ngài vào những ý đồ riêng tư của mình.

XIN CHÚA THĂM NOM VƯỜN NHO CŨ
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB


Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật XXVII Thường Niên, Năm A này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Những ơn lành Chúa ban thật cao cả, vượt quá mọi công trạng và ước muốn của chúng ta. Ấy thế mà, chúng ta lại phạm tội, phản nghịch cùng Chúa, để rồi, đánh mất những ân huệ cao quý Chúa ban, vì thế, chúng ta hãy xin Chúa thứ tha những lầm lỗi và ban lại cho chúng ta những ơn cao trọng, mà chúng ta chẳng dám mơ tưởng tới bao giờ.

Mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa (Rm 3,23), cho nên, trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thánh Phaolô đã nói với ông Timôthê rằng: Đức Kitô Giêsu đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi. Sở dĩ tôi được thương xót, là vì Đức Giêsu Kitô muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của Người nơi tôi là kẻ đầu tiên, mà đặt tôi làm gương cho những ai sẽ tin vào Người, để được sống muôn đời...

Bài đọc một và Thánh Vịnh 79 của bài Đáp Ca hôm nay cho thấy: Ítraen chính là vườn nho của Thiên Chúa: Gốc nho này, Chúa bứng từ Aicập, đuổi chư dân, lấy chỗ mà trồng. Thiên Chúa những mong nó sinh trái tốt, nhưng, nó lại sinh nho dại. Cho nên, vườn nho bị tan hoang, bị giày xéo, trở thành mảnh đất hoang, gai góc mọc um tùm. Đứng trước cảnh tang thương này, vịnh gia đã cầu xin: Lạy Chúa Tể càn khôn, xin trở lại, xin Ngài thăm nom vườn nho cũ, xin phục hồi chúng con, xin tỏa ánh tôn nhan rạng ngời, để chúng con được ơn cứu độ.

Ơn cứu độ Chúa đã hứa ban, không bao giờ Người rút lại, cho dẫu, chúng ta có bội phản bất trung, bằng chứng là, Người luôn gửi các ngôn sứ, các Tông Đồ và các mục tử đến, để nhắc nhở, và dạy dỗ cho những người tội lỗi: biết quay về nẻo chính đường ngay. Các mục tử là những người mà Chính Thầy đã chọn anh em từ giữa thế gian, để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, như câu Tung Hô Tin Mừng mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay.

Các mục tử là những người nhắc nhở và dạy dỗ Dân Chúa, cho nên, trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Ghêgôriô Cả đã khiển trách nặng nề các mục tử sợ không dám sửa lỗi, không mở mắt cho những người có tội nhìn thấy điều gian ác của họ, bởi vì, bổn phận của các mục tử là: Lạy Chúa, đường lối Ngài, con sẽ dạy cho người tội lỗi, ai lạc bước sẽ trở lại cùng Ngài. Bài đọc hai của Thánh Lễ cho thấy: thánh Phaolô quả thực là một mục tử chân chính, khi ngài đã mạnh dạn nói cho các tín hữu Philipphê biết: Thiên Chúa là nguồn bình an sẽ ở giữa họ, nếu họ đem ra thực hành những gì thánh nhân khuyên bảo: những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến, đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen.

Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu đã cảnh báo cho các thượng tế và kỳ mục trong dân biết rằng: Nếu họ không sinh lợi cho vườn nho của Thiên Chúa, thì: Nước Thiên Chúa, Người sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.

Ítraen là vườn nho của Thiên Chúa, Hội Thánh là vườn nho của Thiên Chúa, mỗi người trong chúng ta cũng chính là vườn nho của Thiên Chúa, được Thiên Chúa yêu thương, chăm sóc, giữ gìn; bổn phận của chúng ta là: sinh lợi cho vườn nho của Chúa. Chúa ban cho chúng ta vườn nho, tức ơn cứu độ của Chúa, một ân huệ hoàn toàn nhưng không, vượt quá mọi công trạng và ước muốn của chúng ta. Chúa mới là chủ vườn, còn chúng ta chỉ là tá điền cộng tác với Chúa để chăm sóc vườn nho. Không ở đúng vị trí của mình, không ý thức được chỗ đứng của mình trong công trình cứu độ của Chúa, chúng ta sẽ tự đánh mất mình, bị loại ra khỏi vườn nho. Chúng ta được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa: nếu ví Thiên Chúa như một người đang soi gương, thì chúng ta chỉ là hình ảnh trong gương mà thôi, ấy thế mà, chúng ta lại muốn tiếm quyền, thủ tiêu người đang soi gương, thì hình ảnh trong gương làm sao có thể tồn tại được? Ước gì chúng ta biết ngoan ngùy, luôn trung thành sinh lợi cho vườn nho của Chúa, nếu lỡ, có lầm đường lạc lối, thì biết mau mắn quay về xin Chúa thứ tha, để được nhận lại những ân huệ cao trọng mà chúng ta chẳng dám mơ ước đến bao giờ.

 

DỤ NGÔN THỜI KHỦNG BỐ
“Có một gia chủ kia trồng được một vườn nho;… Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa. Gần đến mùa hái nho, ông cho đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi…” (Mt 21,33-34)

Suy niệm: Nói theo ngôn ngữ hiện đại thì phải gọi những người thợ làm vườn nho trên đây là những người khủng bố. Dùng bạo lực để chiếm đoạt hoa lợi, đã thế họ còn tính toán cả việc giết người và qua mặt pháp luật để cướp luôn cả vườn nho: “Bọn tá điền thấy người con (của chủ vườn nho), thì bảo nhau: Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó!” Chúa Giê-su không chỉ tố giác một xã hội nhiễu nhương đầy bất công áp bức, Ngài muốn vạch rõ gốc rễ của sâu xa của chúng chính là lòng tham vọng muốn chiếm đoạt chủ quyền của Thiên Chúa. Những hệ thống kinh tế, những cung cách làm ăn tạo ưu thế cho người giàu có, thế lực, làm cho người nghèo càng nghèo hơn và tạo hố ngăn cách giàu nghèo ngày càng cách biệt, đó chính là chiếm đoạt chủ quyền của Thiên Chúa trên những tài nguyên mà Chúa trao cho con người quản lý. Những hình thức xâm phạm đến sự sống con người là chiếm đoạt chủ quyền của Ngài là Đấng tạo dựng nên sự sống. Chiếm đoạt chủ quyền của Thiên Chúa, người ta trở thành những kẻ khủng bố đối với anh em mình.

Mời Bạn kiểm điểm đời sống xem mình có đang trở thành kẻ khủng bố cho anh em mình hay không.

Chia sẻ: Thảo luận đề tài: “Yêu thương và kính trọng nhau là vũ khí tốt nhất để chống khủng bố”.

Sống Lời Chúa: Tìm dịp để thăm viếng hoặc giúp đỡ một người, một gia đình đang gặp khó khăn và vày tỏ lòng yêu thương kính trọng đối với họ.

Cầu nguyện: Đọc kinh Kính Mến.

Chúa nhật tuần lễ thứ 27 thường niên -A
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 21, 33-43).

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng: “Các ông hãy nghe dụ ngôn này: Có ông chủ nhà kia trồng được một vườn nho. Ông rào dậu chung quanh, đào hầm ép rượu và xây tháp canh, đoạn ông cho tá điền thuê, rồi đi phương xa. Ðến mùa nho, ông sai đầy tớ đến nhà tá điền để thu phần hoa lợi. Nhưng những người làm vườn nho bắt các đầy tớ ông: đánh đứa này, giết đứa kia và ném đá đứa khác. Chủ lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước, nhưng họ cũng xử với chúng như vậy. Sau cùng chủ sai chính con trai mình đến với họ, vì nghĩ rằng: Họ sẽ kính nể con trai mình. Nhưng bọn làm vườn vừa thấy con trai ông chủ liền bảo nhau: “Ðứa con thừa tự kia rồi, nào anh em! Chúng ta hãy giết nó đi và chiếm lấy gia tài của nó”. Rồi họ bắt cậu, lôi ra khỏi vườn nho mà giết. Vậy khi chủ về, ông sẽ xử trí với bọn họ thế nào?” Các ông trả lời, “Ông sẽ tru diệt bọn hung ác đó, và sẽ cho người khác thuê vườn nho để cứ mùa nộp phần hoa lợi”.

Chúa Giêsu phán: “Các ông chưa bao giờ đọc thấy trong Kinh Thánh: “Chính viên đá bọn thợ loại ra, đã trở nên viên đá góc. Ðó là việc Chúa làm và là việc lạ lùng trước mắt chúng ta!” Bởi vậy, Tôi bảo các ông: Nước Thiên Chúa sẽ cất khỏi các ông để trao cho dân tộc khác biết làm cho trổ sinh hoa trái”.

Suy niệm

Khi được cất nhắc vào một địa vị trong xã hội, ai cũng cảm thấy mình có trách nhiệm, có bổn phận lớn hơn, bên cạnh đó cũng có những tham vọng trong địa vị mới đó. Là con người, ai cũng chưa thể tránh khỏi vòng kim cô của quyền bính, của tham vọng. Vì thế, len lỏi vào mọi sinh hoạt của tôn giáo, cái bóng của việc quản lý cũng đang ảnh hưởng vô cùng lớn tới các tín hữu, tới mọi tổ chức và ngay cả trong việc cử hành các bí tích và nguồn ân sủng của Giáo hội. Phụng vụ Lời Chúa tuần lễ thứ 27 thường niên, là một dụ ngôn nói về ông chủ thuê các tá điền làm việc, nhưng cả nhóm đã chiếm đoạt vườn nho, đập đánh, phá phách tài sản của ông, thậm chí còn xua đuổi và loại trừ cậu con trai duy nhất của ông. Cơ cấu quyền bính, tham vọng làm chủ và chiếm đoạt, đã và đang ẩn hiện đâu đó từ xưa trong lịch sử nhân loại, rồi đã len lỏi vào đời sống tâm linh của con người.

Hình ảnh vườn nho là một hình ảnh gần gũi và thân thương đối với người Do-thái từ thời Cựu ước, và mãi tới hôm nay. Tiên tri Isaia cũng đã hơn một lần dùng hình ảnh này, để nói về vườn nho Thiên Chúa đã và đang xây trồng ở trần gian. Bài đọc 1 kể lại ước mơ của ông chủ xây trồng vườn nho, để tặng cho người yêu, nhưng các tá điền đã phá vỡ vườn nho, phá vỡ tình thương ông chủ dự tính ban tặng cho người yêu: “Tôi sẽ ca tặng người yêu bài hát của cô bác tôi về vườn nho. Người tôi yêu có một vườn nho trên đồi xinh tươi. Người rào giậu, nhặt đá, trồng cây chọn lọc, xây tháp giữa vườn, lập máy ép trong vườn, và trông mong nó sinh quả nho, nhưng nó lại sinh toàn nho dại. Vậy giờ đây, hỡi dân cư Giêrusalem và người Giuđa, hãy luận xét giữa ta và vườn nho ta. Nào còn việc gì phải làm cho vườn nho ta mà ta đã không làm? Sao ta trông mong nó sinh quả nho, mà nó lại sinh quả nho dại!”. Còn nỗi đau nào sánh được với nỗi đau của ông chủ, khi những người mình tin tưởng, đang làm tổn thương tình cảm dành tặng cho người yêu: “Vườn nho của Chúa các đạo binh là nhà Israel, và người Giuđa là chồi cây Chúa vui thích. Ta trông mong nó thực hành điều chính trực, nhưng đây toàn sự gian ác. Ta trông mong nó thực hành đức công bình, nhưng đây toàn là tiếng kêu oan”.

Lời tâm sự của thánh Phaolô gởi con cái thành Philliphe, thật ấm áp nhưng sâu sắc, tinh tế. Ngài khuyên bảo con cái hãy ý thức trong mọi việc mình làm, đặc biệt là trong sinh hoạt tôn giáo, bởi Thiên Chúa đã và đang yêu thương con người, chăm sóc và dưỡng nuôi con người bằng chính sự sống của Ngài: “Anh em thân mến, anh em đừng lo lắng gì hết, nhưng trong khi cầu nguyện, anh em hãy trình bày những ước vọng lên cùng Chúa, bằng kinh nguyện và lời cầu xin đi đôi với lời cảm tạ. Và bình an của Thiên Chúa vượt mọi trí hiểu, sẽ giữ gìn lòng trí anh em trong Chúa Giêsu Kitô”. Có ý thức được mọi biến cố trong cuộc đời đến từ Thiên Chúa, con người mới có thể an tâm trong lời cầu nguyện và trong bổn phận của mình, đừng tham lam trong quyền bính, đừng tính toán trong cách quản lý, đừng mê muội với những giá trị tâm linh, hãy tin tưởng vào một tình yêu vĩnh cửu đến từ Thiên Chúa. Hãy giữ trí lòng thanh thản và thực tâm để cầu nguyện và nhận ra ý Thiên Chúa mong đợi gì trong cuộc đời mình.

Còn niềm vui nào cho bằng khi một người làm công được ông chủ cho quản lý tài sản của ông, được làm việc trong vườn nho của một ông chủ rộng lượng, giàu tình thương như thế. Làm việc chăm chỉ, quản lý khôn ngoan và biết tính toán, là những gì cần thiết để đền đáp tình thương của chủ nhân ông. Câu chuyện trong bài tin mừng thì ngược lại, các đầy tớ, thay vì làm việc và quản lý tốt, đã phung phá tài sản ông chủ, đã làm việc bất cẩn và còn dự tính chiếm đoạt vườn nho của ông chủ nữa. Còn gì đau khổ cho bằng sự phản bội, ông chủ đã loại trừ những ai bội phản, những kẻ bất trung và những người lười biếng trong lúc làm việc: “Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng: “Các ông hãy nghe dụ ngôn này: Có ông chủ nhà kia trồng được một vườn nho. Ông rào dậu chung quanh, đào hầm ép rượu và xây tháp canh, đoạn ông cho tá điền thuê, rồi đi phương xa. Ðến mùa nho, ông sai đầy tớ đến nhà tá điền để thu phần hoa lợi. Nhưng những người làm vườn nho bắt các đầy tớ ông: đánh đứa này, giết đứa kia và ném đá đứa khác. Chủ lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước, nhưng họ cũng xử với chúng như vậy. Sau cùng chủ sai chính con trai mình đến với họ, vì nghĩ rằng: Họ sẽ kính nể con trai mình. Nhưng bọn làm vườn vừa thấy con trai ông chủ liền bảo nhau: “Ðứa con thừa tự kia rồi, nào anh em! Chúng ta hãy giết nó đi và chiếm lấy gia tài của nó”. Rồi họ bắt cậu, lôi ra khỏi vườn nho mà giết”. Nỗi đau xé lòng khi phải loại trừ những người mình thương mến, ông chủ đã phải hành động vì sự tham lam và thiếu trách nhiệm trong lúc quản lý và làm việc. Chính lòng tham của con người, đang dần giết chết chính mình, giết chết cả tình thương và lòng quảng đại, bởi đó là những liều thuốc bình an cho cuộc đời con người.

Đức Giesu đã thiết lập Giáo hội, một gia đình thiêng liêng của Ngài ở trần gian, trao cho các Tông đồ quản lý bằng những nguồn ân sủng là các bí tích, hướng dẫn Giáo hội bằng tinh thần phục vụ vô vị lợi, đó là mục đích của Thiên Chúa. Thế nhưng, xuất thân từ con người, không thiếu những giai đoạn và những công việc, Giáo hội coi mình là chủ nhân kho tàng ân sủng, chủ nhân mọi sinh hoạt trong gia đình của  Thiên Chúa, vì thế, hình ảnh xin – cho vẫn luôn ẩn hiện trong lãnh vực thiêng liêng của Giáo hội. Những con người được trao trách nhiệm trông coi kho tàng đức tin, ân sủng, vô tình quên đi rằng, sự hiện hữu của bản thân họ trong thế giới, chỗ đứng và công việc được trao phó, là một ân huệ lớn lao Thiên Chúa đã thi thố trên cuộc đời họ, để từ đây, tinh thần phục vụ và chia sẻ, phải luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong ơn gọi và đời tận hiến của mình. Chắc Thiên Chúa không muốn con người xây dựng một cơ chế giáo sĩ trị, rồi đặt Ngài làm cố vấn và hướng dẫn con người thực hành đâu.

Sự hiện hữu và chỗ đứng của mỗi người trong thế giới này, đều là những ân ban của Thượng Đế, dù ngoài xã hội, địa vị và chức vụ được trao cho ai đó là để phục vụ một lợi ích lớn và đem lại những giá trị thực sự cho cuộc sống, tiếc thay, họ chỉ nghĩ rằng, cơ hội đến là phải tận dụng, vì thế nhiều sự sống bị cắt đứt oan uổng, nhiều con người bị đào mồ chôn khi sức sống của tình yêu của họ còn tràn đầy. Trong Giáo hội cũng không loại trừ, tinh thần phục vụ trong khiêm tốn, luôn được cổ xúy, luôn được đặt làm tiêu chí trong mọi công việc, nhưng đi vào thực tế, những ông chủ nhỏ đó đã và đang thực thi bổn phận như một người chủ đúng nghĩa, ban phát, ân huệ và khen thưởng. Thiên Chúa vui thích ở giữa dân Người, khi thấy họ biết sống, biết cư xử với nhau như anh em một nhà, như những học trò đích thực của Thiên Chúa, thế nhưng, không thiếu những lần, Ngài đã phải nuốt nước mắt vào trong.

Trước thềm Đại Hội Đồng Giám Mục thế giới lần thứ 16, có những người con ưu tú của Giáo hội, đứng lên đòi hết quyền lợi này quyền lợi khác từ người Mẹ của mình. Vì muốn bảo vệ sự mọi giá trị thiêng liêng của gia đình Thiên Chúa, vị Cha chung đã im lặng, xin ơn Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Đó có phải là chính con người đang muốn phế bỏ Thiên Chúa, chủ nhân vườn nho tình yêu, để thay thế một chủ nhân mới đó là ích kỷ của con người. Thiên Chúa vẫn im lặng bởi chung quanh cũng còn rất nhiều người, dám quên mình phục vụ cho anh chị em trên mọi cánh đồng truyền giáo. Họ dấn thân vào một thế giới bất công, một thế giới thiếu tính công bằng, một thế giới chỉ còn bạo lực và chiến tranh. Thế giới hôm nay đang đắm mình trong nền văn minh sự chết, bởi sự tham lam và ích kỷ đang xóa bỏ dần những gì Thiên Chúa hướng dẫn con người. Khi sự tham lam và ích kỷ lên ngôi, thì sự sống của đồng loại, phẩm giá của tha nhân, sẽ biến thành món hàng hoặc bị xóa sổ trong thế giới, con người đối xử với nhau bằng sự vô cảm, tính toán hơn thiệt và sẵn sàng loại trừ nhau vì một chút danh vọng và lòng tham.

Lạy Chúa, chỉ là một câu chuyện nhỏ, nhưng Chúa dạy con một bài học lớn về sự hiện hữu của chính mình và tha nhân, tất cả cần cho nhau để nên thánh, xin giúp chúng con đọc được nhiều bài học hơn trong các sứ điệp Chúa gởi đến cho con người. Chúa luôn mong con người hãy sống tử tế với nhau, biết yêu thương và tôn trọng nhau trong tinh thần phục vụ, xin giúp chúng con biết ý thức mục đích Chúa trao cho mỗi người trong mỗi ơn gọi và mỗi công việc, để chúng con sống đúng tinh thần Chúa hằng mong đợi nơi mỗi người. Amen.

SINH HOA LỢI
Chúa Nhật 27 Thường Niên, năm A: Mt 21, 33-43 - Lm. Thái Nguyên

LmTN 051023a

 

Suy niệm

Ngôn sứ Isaia đã ví dân Israel như một vườn nho được Thiên Chúa chăm sóc và không ngừng bảo vệ. Ngài hy vọng sẽ nhận được hoa quả ngon ngọt (Is 5,2b.3.4a.5), nhưng Israel đã không cho hoa quả mà còn gây thêm họa. Dụ ngôn Đức Giêsu nói ở đây cũng rút ra từ đó, nhưng với ý hướng mới là vườn nho được giao cho các tá điền canh tác. Các tá điền là những giới chức tôn giáo Do Thái, những người được giao cho trách nhiệm dẵn dắt dân Thiên Chúa, nhưng họ đã tham lam chiếm đoạt, giết chết những người được sai đến, ngay cả “đứa con thừa tự”.

Qua dụ ngôn, Đức Giêsu muốn nói mình chính là Người Con ấy của  Thiên Chúa. Ngài tiên báo về cái chết sắp đến của mình bởi những tá điền sát nhân, là các nhà lãnh đạo Do Thái giáo đương thời. Thế nhưng cái chết ấy không chấm hết, nhưng lại là cánh cửa mở ra một trang sử mới cho cả nhân loại,“viên đá bọn thợ xây loại ra, đã trở nên viên đá góc”. Bị loại bỏ là việc độc ác của con người, còn trở nên viên đá góc là việc kỳ diệu của Thiên Chúa. Trên nền tảng đó, một dân mới được thiết lập chính là Giáo Hội phổ quát mà chúng ta đang thuộc về.

Bài Phúc Âm cho chúng ta cảm thấy lòng nhân hậu của Thiên Chúa và lòng dạ ích kỷ của con người. Một Thiên Chúa nhân hậu đến nỗi dám tin tin tưởng con người bằng cách giao phó vườn nho là tất cả gia sản của mình cho họ. Một Thiên Chúa vô cùng kiên nhẫn khi sự tin tưởng đó liên tục bị phản bội, vì con người chẳng bao giờ bằng lòng với chính mình, cho tới khi con người tự đào huyệt chôn mình trong sự cố chấp tới cùng. Đúng như lời tiên tri Giêrêmia: “Không gì nham hiểm và bất trị như lòng người, ai dò thấu được? (17, 9).

Con người là như vậy: tham lam và ích kỷ, bất trung và vô ơn, kiêu căng và giả hình, ghen ghét và hận thù, chiếm hữu và thống trị, loại trừ và tiêu diệt... là hậu quả của sự ham mê vật chất và quyền hành vô độ. Con người dường như chẳng bao giờ bằng lòng với chính mình, vì ham muốn không ngưng nên cũng tạo nên nghiệp chướng không ngừng. Không lạ gì mà Phật giáo chủ trương diệt dục, vì ngay cả những ham muốn tốt lành cũng giăng đầy những nguy cơ và cạm bẫy.

Dụ ngôn đòi ta phải xét lại chính mình. Con người là hư không, nhưng tình yêu Thiên Chúa đã làm thành hiện hữu. Có được cái gì cũng là do Chúa ban, làm được cái gì cũng là do Chúa giúp. Vì thế, mọi cái phải phù hợp với đường lối và ý định của Ngài. Triết lý Á Đông cũng đã nói:“Thuận Thiên giả tồn, nghịch Thiên giả vong”. Ngoài ra, cuộc đời ta là của Chúa, chẳng có gì là của mình. Biết rằng mình phải làm nên, nhưng nếu Chúa không ban, thì nhọc mình mà chẳng nên công cán gì.

Vườn nho mà Thiên Chúa giao cũng chính là cuộc đời mỗi người, để ta tự do sáng tạo và góp phần vào công trình cứu độ của Chúa, nghĩa là ân ban phải được tiếp tục trao ban. Do đó, mọi hình thức chiếm đoạt và sở hữu cho mình đều là phản bội, phá vỡ quan hệ tình yêu, mà không có tình yêu thì không có sự sống. Sự sống sẽ trở nên phi lý nếu không còn tình yêu. Bởi vậy, Thiên Chúa không là gì khác, mà là Tình Yêu. Tình Yêu là khởi điểm, là động lực, là phương thế, và cũng là cùng đích cho cuộc đời con người. Chẳng có gì thỏa đáng cho khát vọng sâu thẳm của con người ngoài tình yêu.

Chính trong ý nghĩa đó mà bài Tin Mừng hôm nay cũng đặt vấn đề tình yêu phục vụ ở trong Hội Thánh. Có những thứ phục vụ để mong chiếm hữu, để được làm chủ, để lấy điểm, để mong được cất nhắc lên, để được bề trên để ý tới, để được nhiều thứ lợi lộc, để gia tăng thanh thế và danh giá cho mình… Và nếu cứ như thế, phục vụ sẽ biến ta thành kẻ gian ác, vì đi tới chỗ loại trừ và giết chết người khác dưới nhiều hình thức. Chúng ta dễ quên quên vai trò và vị trí phục vụ của mình là một tá điền, một đầy tớ vô dụng, chỉ làm những việc phải làm. Đó là tất cả những gì lớn lao cao cả cho sự hiện hữu của chúng ta trước mặt Chúa rồi, cần gì phải lo thể hiện mình trước mắt người khác.

Mục đích phục vụ của người Kitô hữu là để Chúa được nhận biết và yêu mến. Nhưng nhiều khi ta đi tìm giá trị đời mình ở những lợi lộc trần thế, nhất là tuổi trẻ, muốn săn lùng và chiếm hữu nhiều thứ khác, khiến ước vọng trở thành dục vọng. Sống đời Kitô hữu không phải là làm cho mình thêm nhiều, mà là làm giảm bớt đi: bớt những tham lam và chiếm hữu, bớt quyền hành và danh giá. Cũng vậy con đường nên thánh không phải bước lên mà là bước xuống: bước xuống để đồng hàng và đồng hành với anh em, để nối kết, hòa nhập và hợp nhất với nhau trong tình yêu Đức Kitô, Đấng là Đầu trong thân thể nhiệm mầu.

Cầu nguyện


Lạy Chúa Giêsu!
Qua dụ ngôn những kẻ làm vườn nho,
cho thấy sự độc ác của tá điền,
trước tình thương ông chủ quá nhân hiền,
họ đã biến nghĩa ân thành cuộc chiến,
giết tôi tớ và giết cả ngưởi Con,
để cướp lấy hết vườn nho cho trọn.


Quả thật con không thể nào hiểu được,
sự vô tâm tàn nhẫn của con người,
lại càng không thể nào mà hiểu nổi,
sự kiên trì của Thiên Chúa lạ lùng,
vẫn yêu thương với những kẻ bất trung,
chỉ thi hành công lý lúc cuối cùng.


Có nhiều lúc sự ác như thắng thế,
gây biết bao những thảm cảnh ê chề,
đưa con người đến lầm lạc u mê,
chẳng biết đâu là nẻo chánh đi về.


Chúa vẫn đấy nhưng xem ra bất động,
chỉ vì Ngài nhân từ muốn đợi trông,
để nhân thế biết đổi dạ thay lòng,
để tìm về nguồn sự sống vô biên.


Đến hôm nay thế giới vẫn ngả nghiêng,
vẫn đảo điên theo lối sống gian tà,
không nhận ra Thiên Chúa chính là Cha,
vẫn kiêu căng và xúc phạm đến Ngài.


Xin cho con buông xuống mọi tham lam,
để thấy an vui trong mọi việc con làm,
thấy tình thương và ân sủng Chúa ban,
hơn tất cả những gì con mong ước,
để con biết một đời phụng sự Chúa,
Đấng là Vua muôn thuở của lòng con. Amen.


 

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây