TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật XXVIII Thường Niên – Năm C

04/10/2022 05:32:01 |   761

Chúa Nhật XXVIII Thường Niên – Năm C

cn28tn C

Lc 17, 11-19


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XXVIII Thường Niên – Năm C

Dẫn vào Thánh lễ

Anh chị em thân mến! Bài Tin Mừng hôm nay nói về mười người bệnh phong được chữa lành, mà chỉ có một người ngoại thuộc xứ Samaria đã tỏ lòng biết ơn đối với Thiên Chúa và đến với Đức Giêsu là người đã chữa anh khỏi bệnh. Biết ơn không chỉ là phép lịch sự trong việc giao tế giữa con người với nhau, nhưng còn là một thái độ của tinh thần trách nhiệm, một cử chỉ của lòng thương mến. Vị tướng Naaman trong bài đọc I không chỉ nói suông, nhưng còn tự nguyện dấn thân, thờ lạy và dâng lễ vật cho Thiên Chúa sau khi ông được người của Thiên Chúa hướng dẫn, chỉ bảo và ông đã dìm mình xuống dòng sông Giodan 7 lần và ông đã khỏi bệnh phong cùi.

Phụng vụ Chúa Nhật XXVIII thường niên, năm C đặc biệt là bài Tin Mừng theo thánh Luca nhắc nhở cho con người về lòng biết ơn: Chúa đề cao lòng biết ơn của người phong cùi xứ Samaria, ngoại giáo, được chữa lành và phê phán chín người đồng hương có đạo, cũng được Chúa chữa khỏi bệnh phong cùi, nhưng lại vô ơn bội nghĩa đối với tấm lòng bao la hải hà của Chúa Giêsu. Hôm nay, trong tâm tình của một người con thảo hiếu, chúng ta hãy xin lỗi Chúa và dâng lên Ngài muôn lời cảm tạ, muôn lời chúc tụng tôn vinh và hết lòng tôn thờ Ngài là Thượng Đế chí tôn.

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, lạy Chúa, nếu Chúa nhớ hoài sự lỗi, nào ai chịu nổi được ư? Vì lạy Thiên Chúa Is-ra-el, Chúa thường rộng lượng thứ tha.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng ước gì ân sủng Chúa vừa mở đường cho chúng con đi, vừa đồng hành với chúng con luôn mãi, để chúng con sốt sắng thực hành những điều Chúa truyền dạy, Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: 2 V 5, 14-17

“Naaman trở lại gặp người của Thiên Chúa và ông tuyên xưng Chúa”.

Trích sách Các Vua quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, Naaman, quan lãnh binh của vua xứ Syria, xuống tắm bảy lần ở sông Giođan như lời tiên tri, người của Thiên Chúa dạy, da thịt ông lại trở nên tốt như da thịt của đứa trẻ, và ông được sạch.

Sau đó, ông và đoàn tuỳ tùng trở lại gặp người của Thiên Chúa. Ðến nơi, ông đứng trước mặt người của Thiên Chúa và nói: “Thật tôi biết không có Thiên Chúa nào khác trên hoàn vũ, ngoài một Thiên Chúa ở Israel. Vì thế, tôi xin ông nhận lấy phần phúc của tôi tớ ông”.

Tiên tri trả lời rằng: “Có Chúa hằng sống, tôi đang đứng trước mặt Người: Thật tôi không dám nhận đâu”. Naaman cố nài ép, nhưng tiên tri không nghe. Naaman nói thêm rằng: “Tuỳ ý ông, nhưng tôi xin ông ban phép cho tôi, là đầy tớ của ông, được chở một ít đất vừa sức hai con la chở được, vì từ nay ngoài Chúa, tôi tớ của ông sẽ chẳng dâng của lễ toàn thiêu hoặc hy lễ cho thần minh nào khác”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4

Ðáp: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người trước mặt chư dân (c. 2b).

Xướng: Hãy ca tụng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người. 

Xướng: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người; trước mặt chư dân Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel. 

Xướng: Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca! 

Bài Ðọc II: 2 Tm 2, 8-13

“Nếu chúng ta kiên tâm chịu đựng, chúng ta sẽ cùng thống trị với Ðức Kitô”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.

Con thân mến, con hãy nhớ rằng Chúa Giêsu Kitô bởi dòng dõi Ðavít, đã từ cõi chết sống lại, theo như Tin Mừng cha rao giảng. Vì Tin Mừng đó mà cha phải đau khổ đến phải chịu xiềng xích như một kẻ gian ác, nhưng lời của Thiên Chúa đâu có bị xiềng xích! Vì thế, cha cam chịu mọi sự vì những kẻ được tuyển chọn, để họ được hưởng ơn cứu độ cùng với vinh quang trên trời trong Ðức Giêsu Kitô.

Ðây cha nói thật: Nếu chúng ta cùng chết với Người, thì chúng ta cùng sống với Người. Nếu chúng ta kiên tâm chịu đựng, chúng ta sẽ cùng thống trị với Người. Nếu chúng ta chối bỏ Người, thì Người cũng sẽ chối bỏ chúng ta. Nếu chúng ta không tin Người, Người vẫn trung thành, vì Người không thể chối bỏ chính mình Người.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Lc 19, 38

Alleluia, alleluia! – Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà đến! Bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời! – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 17, 11-19

“Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem, Người đi qua biên giới Samaria và Galilêa. Khi Người vào một làng kia, thì gặp mười người phong cùi đang đứng ở đàng xa, họ cất tiếng thưa rằng: “Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi”. Thấy họ, Người bảo họ rằng: “Các ngươi hãy đi trình diện với các tư tế”. Trong lúc họ đi đường, họ được lành sạch. Một người trong bọn họ thấy mình được lành sạch, liền quay trở lại, lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa, rồi đến sấp mình dưới chân Chúa Giêsu và tạ ơn Người, mà người ấy lại là người xứ Samaria.

Nhưng Chúa Giêsu phán rằng: “Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này”. Rồi Người bảo kẻ ấy rằng: “Ngươi hãy đứng dậy mà về: vì lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Một lần cảm ơn là một lần đón nhận ơn mới, chúng ta hãy nhìn lại những hồng ơn Chúa đổ chan hòa trên chúng ta, để biết đền đáp ơn Chúa bằng lời cầu nguyện tha thiết:

1. “Naaman trở lại gặp người của Thiên Chúa và ông tuyên xưng Chúa” – Xin cho các vị Chủ chăn được lòng thương xót của Chúa, để các ngài sẵn sàng là những trung gian đích thực, thông chuyển tình thương và ân sủng Chúa cho những ai đến với các ngài.

2. “Nếu chúng ta kiên tâm chịu đựng, chúng ta sẽ cùng thống trị với Đức Kitô” – Xin cho các tín hữu luôn ý thức giá trị cao quí của Bí Tích Thánh Tẩy, là cho họ sạch tội, trở nên con Thiên Chúa, được thông phần sự sống của Thiên Chúa và hiệp nhất với Ngài.

3. “Khi Người vào một làng kia, thì gặp mười phong cùi” – Xin cho những nạn nhân phong cùi trên khắp thế giới, đang bị người đời xa lánh, xã hội bỏ rơi, được Thiên Chúa xót thương và thúc đẩy nhiều tâm hồn quảng đại giúp họ sống những ngày đau bệnh, trong sự an vui của con cái Chúa.

4. “Chớ thì không phải cả mười được lành sạch sao?” – Xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta biết biểu lộ lòng tri ân, bằng việc trao tặng cho tha nhân những gì đã nhận lãnh một cách nhưng không, hầu ơn Chúa không thành vô ích cho chúng ta, và cho mọi người.

Chủ tế: Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sống tâm tình tri ân bằng việc xa tránh tội lỗi, và gắn bó tích cực hơn với Chúa qua việc siêng năng lãnh Bí Tích Hòa Giải và Bí tích Thánh Thể, Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin chấp nhận những lời cầu xin và lễ vật chúng con dâng tiến, để làm cho thánh lễ chúng con đang sốt sắng cử hành mở đường dẫn chúng con tới quê trời vinh hiển. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Bọn giàu sang đã sa cơ nghèo đói; nhưng người tìm Chúa chẳng thiếu chi thiện hảo.

Hoặc đọc:

Khi Chúa tỏ mình ra, thì chúng ta sẽ giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy như vậy.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng cao cả. Chúa đã lấy Mình và Máu Ðức Kitô làm của ăn nuôi dưỡng chúng con; chúng con nài xin Chúa cho chúng con được chia sẻ chức vị làm con Chúa với Người, Người hằng sống và hiển trị muôn đời…

Suy niệm
 

Phong cùi

Người phong cùi trong xã hội Do Thái thời Chúa Giêsu là kẻ bất hạnh, không phải chỉ mang một nỗi đau nơi thân xác mà còn mang cả một nỗi đau trong tâm hồn.

Thực vậy, sau khi mắc phải chứng bệnh nan y này, thì lập tức, họ bị khai trừ khỏi xã hội. Đi đâu cũng phải ra dấu để mọi người xa tránh. Đây không phải chỉ là một biện pháp vệ sinh nhằm ngăn chặn sự lây lan, mà hơn thế nữa trong bầu khí tôn giáo, người ta có thói quen coi bệnh này như là một hình phạt Thiên Chúa giáng xuống trên những kẻ tội lỗi. Nếu không phải do chính tội của bệnh nhân, thì cũng do tội của cha mẹ họ. Vì thế người bệnh bị xã hội coi là kẻ tội lỗi.

Chúa Giêsu thì khác, Ngài không thể không xót thương họ, nhất là khi họ đã lên tiếng van xin. Và tất cả 10 người phong cùi đều được khỏi. Chúa Giêsu bảo họ tới trình diện với hàng tư tế để được chứng thực là mình đã khỏi và nhờ đó mà trở về với xã hội loài người. Đây là lần thứ nhất họ được chữa lành.

Nếu phép lạ của Chúa Giêsu làm chỉ là việc chữa lành chứng bệnh hiểm nghèo này thì có thể kết thúc ở đây. Thế nhưng Chúa Giêsu không phải chỉ muốn chữa lành về phần xác, mà hơn thế nữa, còn muốn chữa lành về phần hồn. Vì thế mà câu chuyện được tiếp nối: Sau khi thấy mình được khỏi, thì một người đã quay trở lại tìm Chúa Giêsu để tạ ơn Ngài. Và đây cũng chính là một dịp để Chúa Giêsu tỏ lộ cho chúng ta thấy Ngài không phải chỉ là một thầy thuốc bình thường như mọi thầy thuốc khác, mà hơn thế nữa, Ngài còn là Đấng Cứu Thế, Đấng tha thứ và xoá bỏ mọi tội lỗi, bắc lại nhịp cầu cảm thông giữa trời và đất, đưa con người vào trong liên hệ thương yêu với Thiên Chúa. Chính vì thế mà Ngài đã nói với anh ta: Đức tin của con đã cứu chữa con. Người phong cùi thứ mười này không phải chỉ được Chúa chữa lành về phần xác mà hơn thế nữa còn được Chúa chữa lành về phần hồn và đó là lần thứ hai anh được chữa lành.

Thế nhưng điều làm cho chúng ta sửng sốt đó là người phong cùi được chữa lành và quay trở lại với Chúa Giêsu lại là người xứ Samaria. Dân Samaria vốn bị người Do Thái liệt vào hàng ngoại đạo, không xứng đáng với ơn huệ cua Thiên Chúa. Sự kiện này buộc chúng ta phải suy nghĩ: Phải chăng kẻ bị coi là ngoại đạo này lại nhận biết tình thương và ơn sủng của Chúa, trong khi đó những người vốn tự hào là có đạo, đạo dòng hay đạo gốc, lại tỏ ra vô ơn và bạc bẽo. Và phải chăng đó cũng chính là thái độ của chúng ta, những người có đạo, đối với Chúa và đối với những người đã từng góp công xây dựng cuộc đời của chúng ta.

CHÚA NHẬT 27C THƯỜNG NIÊN
(
17:11-19) Lm Lã Mộng Thường

Thoạt mới đọc hoặc nghe bài Phúc Âm vừa được công bố, ai trong chúng ta cũng dễ dàng có nhận định Lời Chúa dạy mọi người nên biết sống trong tinh thần cảm tạ hồng ân của Chúa đã ban cho chúng ta trong cuộc đời như đã được ghi chép lời Đức Giêsu nói với người Samaritanô bị bệnh phong hủi vừa được chữa lành trên đường cùng đi với 9 người Do Thái khác, “Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa mà chỉ có người này”. Nếu chỉ xét riêng về ngôn từ được dùng nơi câu hỏi, chính câu nói minh chứng Đức Giêsu không nói với người Samaritanô mà nói với những người hiện diện nơi bối cảnh đang xảy ra sự việc người Samaritanô trở lại cảm ơn và tôn vinh Thiên Chúa.

Xét thế, Đức Giêsu có ý nhấn mạnh về sự nhận biết thực thể được chữa lành đồng thời đặt vấn đề về thái độ của con người nhận lãnh sự thể đã xảy đến. Theo sự nhận xét này, chúng ta phần nào cảm thấy coi thường hoặc khinh khi hay lên án 9 người Do Thái bị bệnh phong hủi đã được chữa lành bởi họ đã không có lòng biết ơn hoặc không nhận biết hay coi thường sự chữa lành đã được lãnh nhận. Tuy nhiên, nếu để ý một chút về lối diễn tả, bài Phúc Âm cũng nêu lên chính Đức Giêsu bảo mười người bị phong hủi hãy đi trình diện với các tư tế và trong lúc họ đang trên đường đi trình diện với các vị tư tế, họ được chữa lành do đó sao họ có thể trở lại. Dĩ nhiên, người Samaritanô trở lại cấp thời cảm ơn Đức Giêsu và tôn vinh Thiên Chúa vì anh ta không biết phải trình diện các vị tư tế để làm gì. Đây là điểm khúc mắc Lời Chúa muốn chúng ta để ý hầu áp dụng nơi cuộc sống tâm linh.

Chúng ta đã được biết theo luật lệ Do Thái, những người mắc bệnh cùi hay phong hủi bị liệt vào hàng nhơ uế. Họ không được phép ở chung với những người khác. Họ phải sống tách biệt với dân Chúa bởi sách luật đã được ghi chép rõ ràng, nếu họ ở trong trại, sẽ làm nhơ uế nơi Thiên Chúa ngự trị. Họ cũng không được phép bén mảng tới khu vực đền thánh
Jerusalem; đi tới đâu nếu gặp người khác, họ phải hô to lên “nhơ uế” hầu người khác tránh đụng nhằm họ mà trở nên nhơ uế. Nơi những trường hợp kẻ nào đụng chạm vào xác chết hoặc những con vật chết ngoài trời hoặc mồ mả, bia mộ, hay những con vật bị coi là nhơ uế, sau khi thực hiện các nghi thức thanh tẩy theo luật định, họ phải trình diện vị tư tế đang trong thời kỳ hành nhiệm để được công bố lành sạch. Dân Do Thái thành tín tuân theo những lề luật và nghi thức này trong khi các dân ngoại không có bất cứ lề luật nào như vậy.

Qua sự nhận biết như thế, chúng ta hiểu được tại sao Phúc Âm viết Đức Giêsu bảo mười người phong hủi ra đi trình diện các vị tư tế. Chúng ta cũng hiểu tại sao người Samaritanô trở lại cảm ơn trong khi 9 người Do Thái đã được lành sạch không trở lại ngay lập tức. Có thể họ sẽ gặp Đức Giêsu sau đó và nói lời cảm tạ nhưng nào ai biết và cũng vì Phúc Âm không viết chi về họ sau này. Qua những nhận định vừa được nêu lên, bài Phúc Âm minh chứng sự chữa lành không phải là kết quả của sự tuân giữ lề luật mà do nơi Thiên Chúa. Một điều chúng ta ít khi để ý hoặc thường thì không dám suy tư đó là lời Đức Giêsu công bố nhiều lần chẳng hạn nơi bài Phúc Âm chúng ta vừa nghe, “lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi”.

Xưa nay chúng ta hằng tin tưởng, hằng nói, và đã được giảng dạy rằng Chúa chữa, Chúa cứu, Chúa ban cho ơn nọ, ơn kia, Chúa làm phép lạ. Chúng ta cũng đã thường được nghe những lời giải thích đức tin là hồng ân của Thiên Chúa. Tuy nhiên, không ít thì nhiều nơi lòng mỗi người đã có lần chúng ta cảm thấy hơi bị thiệt thòi vì chỉ thấy ơn nọ ơn kia, phép lạ này, phép lạ khác xảy đến với ai đó và đã không bao giờ xảy đến nơi mình. Nếu thực tâm nhận định, chúng ta thấy những lời công bố của Đức Giêsu nơi Phúc Âm hoàn toàn trái nghịch với những điều chúng ta tin tưởng. Chúng ta tin Chúa chữa lành, Phúc Âm viết Đức Giêsu phán lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi. Những ai đã để ý đọc Phúc Âm sẽ nhận thấy không bao giờ Đức Giêsu nói Thiên Chúa chữa hay Thiên Chúa cứu hoặc Ngài chữa hay Ngài cứu mà tất cả đều là lòng tin đã cứu hay lòng tin đã chữa. Lật Phúc Âm thánh Mátthêu, chúng ta đọc được Đức Giêsu đã trả lời viên bách quản, “Ông đã tin sao, thì hãy được như vậy” (Mt.
8:13). Ngài nói với người phụ nữ bị băng huyết, “Này con, hãy vững lòng, lòng tin của con đã cứu chữa con” (Mt. 9:22). Đối với hai người mù, Ngài quả quyết, “Các ngươi đã tin sao thì hãy được như vậy” (Mt. 9:29). Với người phụ nữ xứ Canaan, Đức Giêsu ca tụng lòng tin của bà ta đồng thời công bố “Này bà, lòng tin của bà lớn thật! Bà muốn sao thì hãy được như vậy!” (Mt. 15:28). Nếu đem so sánh những lời công bố của Đức Giêsu về quyền lực của lòng tin, đức tin nơi Phúc Âm với Tin Mừng Nước Trời và đó là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt. 1:23) thì đức tin hay lòng tin chính là quyền lực của Thiên Chúa nơi mỗi người.

Suy nghiệm như thế, bất cứ ai cũng có lòng tin hay đức tin nhưng đã không nhận biết và dẫu có những người đã nhận biết nhưng vẫn không biết cách nào xử dụng cho phù hợp với những lời giảng dạy của Đức Giêsu nơi Phúc Âm. Đức tin hay lòng tin làquyền lực của Thiên Chúa hiện hữu nơi ý định, ước muốn, ý nghĩ nơi mỗi người. Đây chính là lý do tại sao Đức Giêsu đã rõ ràng công bố cho chúng ta biết, “Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải thì dẫu các con khiến cây dâu này rằng hãy bứng rễ lên mà đi trồng dưới biển, nó liền vâng lời các con” (Lc. 17:6), hoặc nơi Phúc Âm Luca Ngài xác quyết, “Ta bảo các ngươi, kẻ nào bảo núi này hãy xê đi mà nhào xuống biển mà trong lòng không nghi ngại nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra thì nó sẽ thấy thành sự. Bởi thế, ta bảo các ngươi, mọi điều các ngươi cầu nguyện kêu xin, các ngươi hãy tin là đã được và các ngươi sẽ thấy thành sự” (Mc.
11:23-24).

Tóm lại, Lời Chúa hôm nay một lần nữa nhắc nhở mọi người về sự hiện diện của Thiên Chúa nơi mình. Đức tin hay lòng tin chính là quyền lực của Thiên Chúa đang hoạt động nơi bất cứ ai mà chúng ta chưa nhận biết. Quyền lực này mang năng lực thực hiện tất cả những gì chúng ta thực sự ước mơ. Xử dụng được quyền lực này hay không tùy thuộc nơi sự nghiệm xét thực thể hiện hữu của Thiên Chúa nơi mình hay không. Vấn đề còn lại chỉ là phỏng chúng ta có thực sự để ý và chấp nhận cũng như suy nghiệm lời Đức Giêsu giảng dạy đã được ghi lại nơi Phúc Âm hay không. Thực ra, nói rằng có đức tin nhưng không nhận biết đức tin là gì và liên hệ tới mình ra sao thì cũng chỉ là tự phỉnh phờ chính mình mà thôi. Kẻ nào tuyên xưng có đức tin mà không áp dụng được theo những gì Phúc Âm đã ghi chép đều thuộc loại tự kỷ ám thị để trấn an cõi lòng e sợ vì đã nghi ngại. Amen.

 

Chúa nhật tuần lễ thứ 28 thường niên
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 17, 11-19).

Khi Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem, Người đi qua biên giới Samaria và Galilêa. Khi Người vào một làng kia, thì gặp mười người phong cùi đang đứng ở đàng xa, họ cất tiếng thưa rằng: “Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi”. Thấy họ, Người bảo họ rằng: “Các ngươi hãy đi trình diện với các tư tế”. Trong lúc họ đi đường, họ được lành sạch. Một người trong bọn họ thấy mình được lành sạch, liền quay trở lại, lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa, rồi đến sấp mình dưới chân Chúa Giêsu và tạ ơn Người, mà người ấy lại là người xứ Samaria.

Nhưng Chúa Giêsu phán rằng: “Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này”. Rồi Người bảo kẻ ấy rằng: “Ngươi hãy đứng dậy mà về: vì lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi”.

Suy niệm

Người Việt Nam có ảnh hưởng rất nhiều tới văn hóa Phương Đông, những nét đẹp trong nền văn hóa đó, đã đi sâu vào trong mọi sinh hoạt thường ngày, từ một lời cám ơn, một lời xin lỗi, cho đến một cái ngả mũ bái chào hay trân trọng một ai đó là bậc đáng kính, một ân nhân của bản thân hay gia đình cũng như của cộng đoàn. Tâm tình cám ơn đối với con người thật đáng trân quý, bởi đó là một tâm tình của người mang ơn, của người thọ ơn. Cái ơn, cái nghĩa có một giá trị tinh thần vô giá, bởi người biết cám ơn là người có cách sống cao thượng, biết mình, biết ta, còn người ban ơn là người rộng lượng, luôn biết quan tâm đến than nhân, đến học trò, đến những người đã giúp đỡ mình cách này cách khác. Phụng vụ Lời Chúa tuần lễ thứ 28 thường niên, mời con người hướng tới tâm tình tạ ơn trong cuộc sống, trong mọi mối tương quan tình người, tình Trời.

Từ bài đọc 1 trong sách các Vua quyển thứ hai, tâm tình tạ ơn của ông Na-a-man, một vị quan lãnh binh của vua Syria, ông ta bị bệnh phong cùi, tìm thầy chạy thuốc khắp nơi nhưng không khỏi. Sau khi được gặp người của Thiên Chúa, ông được chữa lành chỉ với một yêu cầu vô cùng đơn giản, xuống sông Giodan tắm 7 lần. Sao mà vô lý vậy, bao nhiêu danh y, bao nhiêu thầy thuốc giỏi không chữa lành được, thế mà chỉ tắm mấy lần vậy là được khỏi, sự thật đã xảy ra, vị quan lãnh binh vô cùng ngạc nhiên, ông được chữa lành. Trước niềm vui trào tràn đó, ông đã quay trở lại tri ân Thiên Chúa: “Sau đó, ông và đoàn tuỳ tùng trở lại gặp người của Thiên Chúa. Ðến nơi, ông đứng trước mặt người của Thiên Chúa và nói: “Thật tôi biết không có Thiên Chúa nào khác trên hoàn vũ, ngoài một Thiên Chúa ở Israel. Vì thế, tôi xin ông nhận lấy phần phúc của tôi tớ ông”. Dù được vị tiên tri chữa lành, nhưng vị quan đã có một cái nhìn xa hơn và xác tín hơn, đó là Thiên Chúa đã chữa lành cho ông. Đó là một con người biết khiêm tốn nhìn nhận sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời của họ. Một nắm đất của người Do Thái mà ông mang trở về, sẽ là dấu chỉ nhắc cho ông sống tâm tình tạ ơn từng ngày trong cuộc đời còn lại.

Dù được gọi là một vị tông đồ muộn màng, nhưng thánh Phaolô luôn khắc ghi trong đời về những gì ngài đã đón nhận từ Đấng Phục sinh, Đấng đã gọi ông từ biến cố ngã ngựa trên đường Đamat, thánh nhân còn nhắc nhở người học trò của mình là Timôthêu, hãy ý thức về ơn gọi tông đồ, ơn gọi trở thành một chứng nhân của tin mừng phục sinh. Ân ban đó không phải từ trời rơi xuống, cũng không phải từ đất mọc lên, nhưng đến từ tình thương của Thiên Chúa, vì thế, hãy sống tâm tình tạ ơn đó bằng sự cố gắng làm việc, chu toàn trách vụ được trao phó trong mỗi hoàn cảnh của người môn đệ: “Ðây cha nói thật: Nếu chúng ta cùng chết với Người, thì chúng ta cùng sống với Người. Nếu chúng ta kiên tâm chịu đựng, chúng ta sẽ cùng thống trị với Người. Nếu chúng ta chối bỏ Người, thì Người cũng sẽ chối bỏ chúng ta. Nếu chúng ta không tin Người, Người vẫn trung thành, vì Người không thể chối bỏ chính mình Người”. Thiên Chúa là Đấng trung tín, chẳng bao giờ thất hứa với con cái, vì thế, cuộc đời của thánh Phaolô, người thầy của Timôthêu, mãi là một cuộc đời tạ ơn, và tâm tình đó sẽ được lan tỏa tới người học trò và mỗi thành viên trong các cộng đoàn.

Câu chuyện mười người phong cùi được Đức Giêsu chữa lành, là một câu chuyện gợi nhắc về tâm tình tạ ơn từ con người tới con người, từ con người tới Thiên Chúa. Những người bệnh nhân này, bị loại trừ khỏi cộng đồng, bị khai tử trong xã hội, bởi họ như là những người tội lỗi. Quan niệm như thế đã xô đẩy cuộc đời của họ tới ngõ cụt, nơi tận cùng của khiếp người. Đấng Cứu Thế xuất hiện đã cứu sống họ, phục hồi địa vị làm người cho họ, đưa họ trở lại với cộng đoàn, mở ra một tương lai đầy niềm vui và hy vọng cho mỗi người: “Khi Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem, Người đi qua biên giới Samaria và Galilêa. Khi Người vào một làng kia, thì gặp mười người phong cùi đang đứng ở đàng xa, họ cất tiếng thưa rằng: “Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi”. Thấy họ, Người bảo họ rằng: “Các ngươi hãy đi trình diện với các tư tế”. Trong số mười người bệnh nhân, đa số là người Do thái, chỉ có số ít là người ngoại. Thế mà, người ngoại đó đã quay trở lại, lớn tiếng chúc tụng Thiên Chúa và quỳ xuống tạ ơn Đức Giêsu. Còn những người Do Thái ở đâu? một câu hỏi đem lại cho người nghe nhiều suy nghĩ. Có phải họ sống trong một tôn giáo như thế, họ thờ phượng Thiên Chúa hàng ngày, thì Thiên Chúa có trách nhiệm phải chữa lành cho họ, phải trả lại cho họ quyền làm người, quyền được sống trong cộng đoàn sao: “Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này”. Rồi Người bảo kẻ ấy rằng: “Ngươi hãy đứng dậy mà về: vì lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi”. Thái độ tự mãn và trịch thượng của những người bệnh nhân Do Thái, là một thái độ vô ơn, thiếu sự khiêm tốn và thiếu cả niềm tin và một tầm nhìn về chính mình. Thiên Chúa không chấp nhận một lối sống vô ơn, vô cảm như thế, Ngài cần một tấm lòng, một trái tim bằng thịt và một sự chân thành nơi con người. Tất cả sẽ được chữa lành, nếu con người chân nhận Thiên Chúa là người Cha nhân lành.

Tạ ơn là tâm tình của một người biết mình được ơn, biết mình được ơn nghĩa là biết mình đang được yêu. Một con người biết mình đang được yêu, đang được chăm sóc, được bảo vệ và được hướng dẫn, để từng ngày lớn lên, từng ngày nên thánh và từng ngày nên một với Đấng yêu thương mình cho đến nỗi bằng lòng chết vì mình. Mỗi sớm mai thức dậy, tôi còn sống, còn được hít thở trong bầu không khí trong lành, là tôi còn được yêu, mỗi ngày tôi còn có một gia đình, còn có những người yêu thương tôi cách này cách khác, là tôi còn được ở lại trong vòng tay tình thương của Thiên Chúa. Vậy mà có bao giờ, tôi tham dự một Thánh lễ với tâm tình sâu lắng của mình, là tạ ơn Thiên Chúa, tạ ơn mọi người, bởi Đức Giêsu đã yêu tôi, nên Ngài trở nên tấm bánh, bẻ ra cho tôi mỗi ngày, trao cho tôi hưởng dùng, để tôi được sống và được nên thánh trong ơn gọi của mình. Nếu như biết mình là người đang thọ ơn, tôi có đủ can đảm, tự tin để trở nên tấm bánh, bẻ ra trao cho người khác trong tâm tình phục vụ, chia sẻ và yêu thương không, nếu như biết mình đang được yêu, tôi có cố gắng để trở nên một người yêu, dám sống và dám trao trọn cuộc đời cho Đấng đã và đang yêu tôi bằng một tình yêu tự hiến không. Cả cuộc đời tôi nếu sống tâm tình tạ ơn đó, có thực sự đền đáp những gì Thiên Chúa đã dành cho tôi, đặc biệt là những giọt máu tình yêu cứu độ mà Con Thiên Chúa đã đổ ra cứu tôi khỏi án phạt của tội lỗi và sự chết không? Tôi có cần quay trở lại như người bệnh Samaria, để lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa và tạ ơn Đức Giêsu không.

Sống trong một tôn giáo được chăm sóc, được dạy dỗ và bảo vệ cách này cách khác, người tín hữu như mặc định cho mình rằng, Thiên Chúa luôn và phải yêu thương tôi, chăm sóc cho tôi. Chính suy nghĩ thiển cận đó, tạo cho người tín hữu có một tầm nhìn hạn hẹp, bên cạnh đó là tác động của chủ nghĩa hưởng thụ, vì thế, người tín hữu Kitô luôn thờ ơ và dửng dưng với những gì hiện tại mình đang được đón nhận, được trao tặng. Nếu có một tầm nhìn xa hơn trong tình yêu, người tín hữu sẽ sống tâm tình tạ ơn Thiên Chúa bằng những cố gắng của bản thân, để xây dựng một gia đình của Thiên Chúa tại trần gian, nếu người tín hữu có một tầm nhìn xa hơn của người đã và đang thọ ơn, họ sẽ biết sống cho và sống với những người bên cạnh bằng sự trân trọng và cảm thông, bằng sự chia sẻ và hy sinh. Sống giữa một xứ đạo, người tín hữu cần có những cái nhìn mới theo tinh thần của tin mừng, để kịp thời bắc những nhịp cầu kết nối tình người, cho Thiên Chúa đi tới những lối xóm, những gia đình đang sống chung quanh họ, người tín hữu cũng cần có một tinh thần rộng lượng, sẵn sàng trở thành tấm bánh, bẻ ra trao cho tha nhân, để xây dựng tình người trong sự trân trọng, phục vụ trong tình gia đình thiêng liêng của Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần đang từng ngày chờ đợi những góc nhìn mới từ nơi các tín hữu, để cùng Ngài xây dựng một Nước Trời thực sự trên trần gian này.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đón nhận lời tạ ơn của người bệnh phong từ dân ngoại, khi anh ta quay trở lại tạ ơn vì được chữa lành, xin Chúa cũng đón nhận tâm tình tạ ơn của chúng con trong mỗi ngày sống và trong mỗi ơn gọi của mình, để cuộc đời của chúng con mãi là một lời tạ ơn Thiên Chúa. Chúa đã trao cho người bệnh nhân đó một món quà vô giá là niềm tin và tình yêu, xin Chúa cũng giúp chúng con biết trao tặng cho nhau những món quà từ tình yêu là sự hy sinh, là trân trọng và luôn biết tin tưởng vào một Thiên Chúa tình yêu, Đấng đã hy sinh người Con duy nhất cho chúng con, để chúng con được sống và được nên thánh mỗi ngày. Amen.

 

LỜI TẠ ƠN HIẾM HOI
(Chúa Nhật XXVIII TN C) - Lm.Giuse Nguyễn Văn Nghĩa –  Ban Mê Thuột

Chuyện bình thường của kiếp nhân sinh: người ta thường nhớ hoặc nói thẳng thừng là khó quên người mà mình đã thi ân cho hơn là người đã thi ân cho mình. Quả thật chúng ta khó quên những người đang mắc nợ chúng ta, nhưng lại ít nhớ nhưng người mà chúng ta đang mắc nợ họ. Xem ra cái được gọi là lòng biết ơn không phải dễ mà có được nếu không ý thức và chuyên cần luyện tập. Cùng với phần Phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật XXVIII TN C, đặc biệt bài đọc thứ nhất và bài Tin Mừng chúng ta cùng xét xem đôi điều về chủ đề lòng biết ơn.

Một Naaman người Syria được nói đến trong sách Các Vua và một người anh em Samaria trong câu chuyện Tin Mừng Luca kể đã sống có lòng biết ơn khiến chúng ta giật mình tự hỏi: Phải chăng anh em lương dân (có thể kể đến bà con khác đạo nữa) lại nhạy bén với sự biết ơn hơn là con cái Chúa? Thật khó trả lời cho câu hỏi đầy sự tế nhị này, tuy nhiên chúng ta có thể nhận ra một vài nguyên nhân gây nên tình trạng vong ân đáng buồn đang hiện hữu đó đây để rồi tìm cách khắc phục.

1. Ảo tưởng về công lao hay công trạng của mình: Một khi nghĩ rằng những ơn mình lãnh nhận là do công sức mình đã bỏ ra thì người ta khó mà nhận ra cội nguồn của ơn lành. Phải chăng chín người Israel phung hủi được chữa lành hôm ấy nghĩ rằng chính nhờ việc giữ luật “đi trình diện các Tư tế” mà họ được lành sạch? Cũng có thể lắm. Vì đây là điều mà viên tướng Naaman và người anh em lương dân phung hủi trong câu chuyện Tin Mừng kể hầu chắc là không biết.

2. Nhận được ơn lành nhiều lần: Sự gì mà lặp đi lặp nhiều lần quá cũng dễ bị xem là chuyện bình thường. Ở vùng nhiệt đới, có thể nói rằng ngày nào mặt trời cũng mọc lên và lặn xuống thì ít có người cảm thấy quý và từ đó nảy sinh tâm tình biết ơn “trời đất”. Trái lại, ở những vùng ôn đới, sau một quảng thời gian giá lạnh, tuyết rơi, bỗng một ngày mặt trời xuất hiện thì người người ùa ra hưởng ánh nắng cách hồ hởi sung sướng và thế nào cũng có nhiều người biết tạ ơn “đất trời” cách nào đó. Ngày 25 tháng 12 có nguồn gốc từ đây và giáo hội đã chọn ngày ấy để kính Sinh Nhật Đấng Cứu Thế vì Người được tôn xưng là Mặt Trời Công Chính. Từ dữ kiện này chúng ta suy xét về tâm tình của các tín hữu trong Giáo hội Công giáo. Tại những nơi có sinh hoạt tôn giáo bình thường, kiểu sáng lễ, chiều kinh thì hình như người ta ít tỏ lòng biết ơn các thừa tác viên. Trái lại, ở những nơi xa xôi hẻo lánh, dăm bảy tháng mới có một Thánh lễ thì người ta không chỉ tạ ơn Chúa mà còn tỏ lòng biết ơn linh mục dâng Lễ cách rất nồng hậu.

3. Nhận được những ơn lành mà nhiều người khác cũng được hưởng như mình: Nếu giả như chỉ riêng mình tôi được hít thở khí trời thì chắc chắn tôi sẽ ý thức đó là một ơn lành và rồi biết tỏ lòng tri ân. Thử nhẩm xem có được bao nhiêu người biết tạ ơn Chúa vì được sống qua một ngày? Ngược lại khi chúng ta được chữa lành một bệnh nan y nào đó cách tỏ tường và lạ thường thì dường như không thể không tạ ơn cách này hay cách khác.

Đã xét các nguyên nhân về phía người thụ ân, giờ xin mạo muội nhìn đến phía Đấng ban phát ơn lành. Phải chăng cái thói xấu “vô ơn” của chúng ta cũng có nguyên cớ từ nơi Chúa? Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương và ơn lành Người tuôn đổ xuống trên nhân loại chúng ta quá vô biên và hầu như không ngơi nghỉ. Không dám to gan xin Chúa thỉnh thoảng cho trời tối ba ngày ba đêm hay cho bầu khí quyển cô lại vài ba tiếng đồng hồ. Chỉ mong sao chúng ta nhận ra ân tình vô giá trong những biến chuyển bình thường của vũ trụ thiên nhiên và ngay trong những chuyện của đời thường kiếp người.

Một lẽ nữa cần xét đến đó là Thiên Chúa thường giáng phúc thi ân qua các trung gian. Ngoài tấm linh hồn mỗi người là do Thiên Chúa tạo dựng và phú ban trực tiếp cho từng người, thì có thể nói rằng hầu hết mọi sự Thiên Chúa ban cho chúng ta đều qua những trung gian. Đó là những con người, là những loài vật, là các điều kiện thiên nhiên hay xã hội… Những người trung gian gần đó là mẹ cha, ông bà, thầy cô… Và còn có biết bao trung gian xa mà lắm khi chúng ta chưa hề nghĩ tới. Các trung gian đóng vai trò làm cầu nối chuyển thông ơn lành nhưng chính những trung gian ấy nhiều khi lại làm cản trở cho lòng tri ân của chúng ta đến với nguồn của ơn lành.

Đã là người thì chẳng có ai muốn mang tiếng vong ân bạc nghĩa. Xưa lẫn nay và bất cứ xã hội nào, người ta đều lên án kẻ vong ân, “ăn cháo đái bát”. Một vài phân tích để nhận diện rõ các nguyên cớ của sự vong ân quả là cần thiết để chúng ta phần nào tránh được sự bạc nghĩa vong ân đáng trách. Hơn nữa thực tế minh chứng rằng người vong ân thường sử dụng ân ban ít hiệu quả mà nhiều khi lại còn rất lãng phí. Như thế càng tránh sự vong ân thì chúng ta càng biết sử dụng ân ban hữu hiệu, và càng đúng với ý của người thi ân. Và chắc chắn khi đã sử dụng ân ban đúng với ý người thi ân thì đó là một cách thể tỏ lòng biết ơn tuyệt vời hơn cả.
Cử hành Bí tích Thánh Thể là hiện tại Hy Tế Thập Giá của Chúa Kitô. Bí tích Thánh Thể còn được gọi là Hy Tế tạ ơn, vì chính trên thập giá là lúc Chúa Kitô sử dụng ơn Chúa Cha ban là thân xác, là sự sống của Người cách đẹp lòng Chúa Cha nhất: đó là dùng chính tấm thân Chúa Cha trao ban để sống đức vâng phục, để mạc khải cho nhân loại thấy chân dung Thiên Chúa Tình Yêu và để cứu sống nhân loại, đưa nhân loại về với phận làm con, được giao hoà với Cha trên trời.

Chúng ta cần phải biết ơn những ai và về những điều gì? Cũng nên tự hỏi xem tôi đã và đang nhận lãnh những ơn lành cao quý nào đây? Ai đã ban ơn ấy cho tôi và người ban ơn muốn tôi sử dụng các ơn lành ấy như thế nào và vào mục đích gì? Thiết nghĩ rằng khi trả lời được những câu hỏi trên thì chúng ta sẽ tránh được phần nào sự vong ân dù hữu ý hay vô tình nhưng vẫn đáng trách và đáng ghét.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây