Chúa Nhật XXX Thường Niên -Năm B
Mc 10,46-52
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XXX Thường Niên -Năm B
Ca nhập lễ
Tâm hồn những ai tìm Chúa, hãy mừng vui. Hãy coi trọng Chúa và quyền năng của Người, hãy luôn luôn tìm kiếm thiên nhan Chúa.
Dẫn nhập Thánh lễ:
Anh chị em thân mến! Bài đọc thứ nhất ngôn sứ Giêrêmia đã nói tiên tri về Sion, về GiêrusaỊem, vì bất trung sẽ bị thất thủ. Tuy nhiên, ngôn sứ lại nói những điều đầy hy vọng cho tương lai của dân Chúa. Thiên Chúa sẽ cứu, sẽ giải thoát dân và ký kết với dân một giao ước mới. Dân sẽ được giải thoát và được hạnh phúc. Ngôn sứ cũng loan báo thời cứu chuộc, thời mà “kẻ đui mù, què quặt, người mang thai…” cũng được chữa lành, cứụ thoát. Và bài Tin Mừng nói tới một người mù tên là Bactimê được chữa lành giúp chúng ta hiểu điều quan trọng là: ơn khai sáng tâm linh là ơn cần thiết cho hết mọi người. Có ơn khai sáng tâm linh chúng ta mới nhận ra Đấng mời gọi chúng ta và chúng ta mới nhìn ra con đường phải đi, công việc phải làm. Cuộc đời Kitô hữu chúng ta, đã có biết bao lần chúng ta mù tối, không thấy đường để rồi sa vào vòng tội lỗi. Giờ đây chúng ta cúi đầu ăn năn xin Chúa tha thứ.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin cho chúng con được thêm lòng tin cậy mến và biết yêu chuộng những điều Chúa truyền dạy, hầu đáng hưởng những gì Chúa hứa ban. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: Gr 31, 7-9
“Ta sẽ lấy lòng từ bi dẫn dắt kẻ đui mù và què quặt”.
Trích sách Tiên tri Giêrêmia.
Ðây Chúa phán: Hỡi Giacóp, hãy hân hoan vui mừng! Hãy hò hét vào đầu các Dân ngoại, hãy cất tiếng vang lên, ca hát rằng: “Lạy Chúa, xin hãy cứu dân Chúa là những kẻ sống sót trong Israel”.
Ðây, Ta sẽ dẫn dắt chúng từ đất bắc trở về, sẽ tụ họp chúng lại từ bờ cõi trái đất: trong bọn chúng sẽ có kẻ đui mù, què quặt, mang thai và sinh con đi chung với nhau, hợp thành một cộng đoàn thật đông quy tụ về đây.
Chúng vừa đi vừa khóc, Ta sẽ lấy lòng từ bi và dẫn dắt chúng trở về. Ta sẽ đưa chúng đi trên con đường thẳng, băng qua các suối nước; chúng không phải vấp ngã trên đường đi: vì Ta đã trở nên thân phụ dân Israel, và Ephraim là trưởng tử của Ta.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 125, 1-2ab. 2cd-3. 4-5. 6
Ðáp: Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan (c. 3).
Xướng: Khi Chúa đem những người từ Sion bị bắt trở về, chúng tôi dường như người đang mơ, bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân hoan.
Xướng: Bấy giờ dân thiên hạ nói với nhau rằng: “Chúa đã đối xử với họ cách đại lượng.” Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.
Xướng: Lạy Chúa, hãy đổi số phận của con, như những dòng suối ở miền nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan.
Xướng: Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo; họ trở về trong hân hoan, vai mang những bó lúa.
Bài Ðọc II: Dt 5, 1-6
“Con là tư tế đến muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê”.
Trích thư gửi tín hữu Do-thái.
Tất cả các vị thượng tế được chọn giữa loài người, nên được đặt lên thay cho loài người mà lo việc Chúa, để hiến dâng lễ vật và hy lễ đền tội. Người có thể thông cảm với những kẻ mê muội và lầm lạc, vì chính người cũng mắc phải yếu đuối tư bề. Vì thế, cũng như người phải dâng lễ đền tội thay cho dân thế nào, thì người dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy. Không ai được chiếm vinh dự đó, nhưng phải là người được Thiên Chúa kêu gọi như Aaron.
Cũng thế, Ðức Kitô không tự dành lấy quyền làm thượng tế, nhưng là Ðấng đã nói với Người rằng: “Con là Con Cha, hôm nay Cha sinh ra Con”. Cũng có nơi khác Ngài phán: “Con là tư tế đến muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê”.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Lc 19, 38
Alleluia, alleluia! – Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà đến; bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời. – Alleluia.
Phúc Âm: Mc 10, 46-52
“Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi thành Giêricô cùng với các môn đệ và một đám đông, thì con ông Timê tên là Bartimê, một người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường, khi anh ta nghe biết đó là Chúa Giêsu Nadarét, liền kêu lên rằng: “Hỡi ông Giêsu con vua Ðavít, xin thương xót tôi”. Và nhiều người mắng anh bảo im đi, nhưng anh càng kêu to hơn: “Hỡi con vua Ðavít, xin thương xót tôi”.
Chúa Giêsu dừng lại và truyền gọi anh đến. Người ta gọi người mù và bảo anh: “Hãy vững tâm đứng dậy, Người gọi anh”. Anh ta liệng áo choàng, đứng dậy, đến cùng Chúa Giêsu. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo rằng: “Anh muốn Ta làm gì cho anh?” Người mù thưa: “Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy”. Chúa Giêsu đáp: “Ðược, đức tin của anh đã chữa anh”. Tức thì anh ta thấy được và đi theo Người.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tín hữu
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Chúa Kitô là Đường, là Sự Thật, là Sự sống và là Sự Sáng. Chúng ta hãy xin Chúa ban ánh sáng và sức mạnh, để mỗi ngày mỗi nhận ra Chúa rõ hơn và mạnh dạn đi theo Chúa
1. “Ta sẽ lấy lòng từ bi và dẫn dắt kẻ đui mù, què quặt trở về”.— Xin hình ảnh Chúa Giêsu đầy lòng thương xót đậm nét nơi các vị Chủ chăn, để sự quảng đại và yêu thương của các ngài, khai sáng những tâm hồn tội lỗi, giúp họ nhận ra sự tươi đẹp của sự thiện, mà bước đi trong ánh sáng cứu độ.
2. “Người có thể thông cảm với những kẻ mê muội và lầm lạc”.- Xin Chúa nâng đỡ niềm tin các tín hữu, để giữa bóng đen cuộc đời, họ không chán nản thất vọng, nhưng trung kiên đến với Chúa, bằng đời cầu nguyện và hi sinh.
3. “Lạy con vua David xin thương xót tôi”.- Cùng với lời kêu là niềm cậy trông mạnh mẽ của người mù. Xin Chúa thương xót, an ủi những người bệnh tật, nhất là những người mù lòa, giúp họ chấp nhận cuộc sống trong niềm vui phó thác.
4. “Anh ta liệng áo choàng, đứng dậy, đến với Chúa Giêsu ”.- Xin cho cộng đoàn giáo xứ, biết sống siêu thoát để đến với Chúa, bằng tất cả tâm tình mến yêu. Nhờ đó, chúng ta sẽ được chữa khỏi cảnh mù lòa thiêng liêng, mà nhận biết tình trạng yếu hèn tội lỗi, để đi theo Chúa trong con đường từ bỏ, khiêm tốn dưới ánh sáng của tình yêu và chân lý.
Chủ tế: Lạy Cha, trước những khám phá kỳ diệu của khoa học kỹ thuật, con người hiện đại đang bị mù tối trong sự kiêu căng, tự mãn, không cần có Thiên Chúa, khống chấp nhận sự hiện hữu của Ngài. Xin Chúa thức tỉnh lương tâm chúng con, để chúng con nhận ra sự hạn chế của trí khôn nhân loại trước sự khôn ngoan vô bờ của Thiên Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin nhìn đến lễ vật chúng con dâng để tỏ lòng kính tôn thần phục và xin cho lễ tạ ơn này góp phần làm vinh danh Chúa. Chúng con cầu xin…
Ca hiệp lễ
Xin cho chúng tôi được hân hoan mừng Chúa chiến thắng, và nhân danh Thiên Chúa, chúng tôi nâng cao ngọn cờ.
Hoặc đọc:
Đức Kitô đã yêu thương chúng ta, và đã phó mình làm của lễ tế thơm tho ngọt ngào dâng lên Thiên Chúa vì chúng ta.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, xin cho chúng con được hưởng nhờ trọn vẹn ơn thiêng của bí tích chúng con vừa cử hành để nhờ thánh lễ tưởng niệm Ðức kitô chịu thương khó, chúng con được sống lại với Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời…
Suy niệm
phục hồi phẩm giá cao quý
Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng: “Lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!” Đức Giê-su đứng lại và nói: “Gọi anh ta lại đây.” (Mc 10,46-62)
Suy niệm: Đối với nhiều người, anh mù Ba-ti-mê chẳng có một chút giá trị nào, thậm chí còn là chướng ngại phải dẹp bỏ đi. Có thể họ nghĩ mình đang bảo vệ Đức Giê-su khi “quát nạt bảo anh ta im đi”. Nhưng Chúa Giê-su không loại trừ ai. Ngài đón nhận tất cả mọi người đến với Ngài, nhất là những người nghèo khổ, bệnh tật, tội lỗi,… những người bị loại trừ. Ngài cho người gọi anh mù đến với Chúa. Lời kêu gọi của Chúa khiến anh được phục hồi phẩm giá. Người chung quanh liền đổi giọng, nói với anh một cách ân cần tôn trọng: “Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy.” Không phải Đức Giê-su thương hại anh ta. Đúng hơn Ngài thương xót vì phẩm giá của anh bị chà đạp. Ngài tôn trọng phẩm giá là con người của anh. Đó là lối sống của Đức Giê-su và cũng phải là lối sống của mọi Ki-tô hữu trong một giáo hội Công giáo mở đón tất cả mọi người.
Mời Bạn: Trong một thế giới thực dụng, những người không đem lại giá trị kinh tế thường là người yếu thế, dễ bị tổn thương, và bị loại trừ. Người môn đệ Chúa Ki-tô sống theo chuẩn mực của Ngài luôn tôn trọng mọi người, bảo vệ và phục hồi phẩm giá của những người bé mọn, yếu đuối nhất và bị bỏ rơi nhất.
Sống Lời Chúa: Thể hiện sự tôn trọng phẩm giá con người qua lời nói thể hiện sự hoà nhã, tôn trọng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa không loại trừ ai, nhưng đến với mọi người và mời gọi mọi người đến với Chúa. Xin cho chúng con là Ki-tô hữu cũng luôn mở rộng đến với tha nhân để cùng họ đến với Chúa. Amen.
Ngày 27: Lạy Mẹ Mân Côi! Việc chiêm ngắm dung nhan của Đức Kitô không thể dừng lại ở hình ảnh của Đấng chịu đóng đinh, bởi vì, Người là Đấng đã sống lại. Kinh Mân Côi cũng mời gọi chúng con vượt lên trên bóng tối của Cuộc Khổ Nạn để chiêm ngắm vinh quang của Đức Kitô trong mầu nhiệm Phục Sinh và Lên Trời. Nếu Đức Kitô đã không chỗi dậy, thì đức tin của chúng con thật trống rỗng. Xin cho chúng con biết cùng với Mẹ chiêm ngắm các mầu nhiệm của Năm Sự Mừng, để chúng con cũng hy vọng, mai này, sẽ được cùng với Mẹ chiêm ngắm Đức Kitô, Con của Mẹ trên Quê Trời. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Rào cản
Có một chi tiết nhỏ qua đoạn Tin mừng sáng hôm nay đã làm cho tôi phải suy nghĩ và muốn được đem ra để chia sẻ. Đó là đang khi chàng hành khất kêu van cùng Chúa Giêsu: Lạy Con Vua Đavid xin thương xót tôi, thì nhiều người đã quát mắng và bảo anh hãy im đi, hãy câm miệng lại. Những người này đã trở thành một thứ rào cản, ngăn chặn không cho anh tiến đến cùng Chúa Giêsu. Đáng lẽ họ phải nắm lấy tay anh mà dẫn tới Chúa, thì họ lại túm cổ, lôi anh ra xa Ngài. Chẳng có một ai ngoài chính Chúa Giêsu đã giúp đỡ anh mà thôi.
Thực vậy, khi nghe dân chúng quát mắng anh, thì Ngài đã dừng lại, truyền dẫn anh đến với Ngài. Chỉ lúc đó, họ mới thay đổi thái độ. Chỉ lúc đó, họ mới chịu giúp đỡ con người bất hạnh kia.
Từ chi tiết nhỏ bé trên chúng ta hãy kiểm điểm lại cuộc sống, vì biết đâu, chính chúng ta đôi lúc cũng đã trở thành một thứ rào cản, ngăn chặn không cho Chúa đến với người khác, cũng như không cho người khác đến với Chúa. Vậy chúng ta đã trở nên một thứ rào cản như thế nào?
Tôi xin thưa: trước hết là bằng những ý nghĩ chủ quan đầy thiển kiến, những lời nói thiếu ý thức gây sứt mẻ và những cử chỉ mang tính cách ghen tị. Thực vậy, đứng trước một thanh niên rượu chè cờ bạc hay trộm cắp, mà nay muốn làm lại cuộc đời của mình để trở nên tốt lành hơn, thì phản ứng tự nhiên của chúng ta là nghi ngờ cái thiện chí của anh ta. Từ sự nghi này, chúng ta thường có thái độ cảnh giác, đề phòng bằng cách không liên hệ với anh ta. Và nếu có liên hệ thì cũng dè chừng, mắt trước mắt sau. Cũng vì sự nghi ngờ ấy, chúng ta thường có những lời nói vô ý thức, thiếu trách nhiệm, chẳng hạn: ngựa quen đường cũ. Người như nó mà bỏ được tật xấu này, tật xấu kia thì tôi chỉ bé bằng con kiến.
Tất cả những ý nghĩ, lời nói và thái độ như thế sẽ vùi dập mất chút thiện chí vừa mới lóe sáng trong tâm hồn người thanh niên, để rồi anh ta sẽ chẳng thể nào trở về cùng Chúa. Thay vì kéo anh ta đến với Chúa, thì chúng ta đã trở nên một thứ rào cản, thậm chí còn đẩy anh ta xa lìa Ngài. Hiện thời, đời sống và cách cư xử của chúng ta đã là một thứ rào cản, hay đã là một nhịp cầu, trên đó Chúa đến với những người anh em chúng ta, cũng như trên đó họ sẽ đến cùng Chúa.
Ngoài ra, chúng ta còn có thể trở nên một thứ rào cản bằng chính cuộc sống bê bối của chúng ta. Thực vậy, có những anh em lương dân đầy thiện chí, muốn tìm hiểu Kitô giáo cũng như sứ điệp Tin mừng, thế nhưng thiện chí này đã bị khựng lại khi họ nhìn vào đời sống cụ thể của chúng ta.
Thực vậy, khi nhìn vào đời sống, họ thấy chúng ta cũng gian tham và bất công, cũng độc ác và hà hiếp, cũng giận hờn và thù oán, cũng vợ nọ con kia, lem nhem trong lãnh vực tình cảm… để rồi có lúc họ đã phải thốt lên: Tôi tưởng người Kitô hữu tốt lành như thế nào. Không ngờ họ còn thua cả những người cộng sản, những người Hòa Hảo, những người Cao Đài.
Đáng lẽ ra đời sống của chúng ta phải là một bài giảng hùng hồn, có sức thuyết phục cuốn hút họ về với Đức Kitô, thì do những bê bối, đời sống của chúng ta đã trở thành một thứ thuốc nổ, phá hủy chút thiện chí còn đọng lại nơi họ, hay là đã trở thành một thứ rào cản không cho họ tiến đến cùng Chúa.
Người mù
Đêm nọ, có một người mù đến thăm bạn. Khi về, người bạn sáng mắt tặng cho anh ta một chiếc đèn lồng theo thói quan của người Nhật thời xưa. Thế nhưng anh mù bèn nói: Tôi không cần đèn, vì đối với tôi, tốt và sáng cũng như nhau. Nhưng người bạn trả lời: Tôi biết anh không cần đèn để soi đường, nhưng nếu anh không cầm một cái, thì người khác có thể chạy đụng vào anh, anh nên cầm đi. Nghe hợp lý, anh mù ra về vời chiếc đèn lồng trên tay. Đi được một quãng, đột nhiên anh bị một người đụng phải. Với vẻ tức giận anh nói: Bộ anh không thấy chiếc đèn của tôi đó sao? Người kia liền đáp: Đèn của anh tắt rồi.
Với câu chuyện này, anh mù tưởng mình thấy, còn người kia thì không thấy chiếc đèn. Thế nhưng chính anh mới không thấy rằng đèn mình đã tắt. Con người tưởng mình thấy được nhiều chuyện nhưng lại quên hay cố tình quên nhiều cái mình không thấy.
Từ những ý tưởng trên chúng ta đi vào đoạn Tin Mừng sáng hôm nay. Anh mù mang tên gọi Bartimê, có nghĩa là con của ông Timê: nghề nghiệp ăn xin, địa chỉ cư trú là lề đường thành Giêricô. Anh vừa nghèo nàn lại vừa tàn tật. Và dưới mắt người Do Thái thì đó là dấu chỉ bị Chúa trừng phạt, vì tội lỗi của bản thân hay vì tội lỗi của cha ông thuở trước. Anh bị bỏ rơi và sống bên lề xã hội. Người ta không cho anh nói ngay cả khi anh lên tiếng kêu cầu Chúa giúp đỡ.
Như thế người Do Thái tưởng rằng mình thấy rõ anh, nhưng thực ra họ lại không thấy mình bị sai lầm, không thấy nhu cầu sáng mắt của anh vượt trên những đồng tiền bố thí. Còn anh mù, tuy không trông rõ vạn vật nhưng lại thấy được chiều sâu của con người. Anh thấy Chúa Giêsu là con vua Đavít là Đấng Messia. Anh thấy quyền năng của Ngài có thể giúp đõ anh một cái gì khác hơn là tiền bạc. Và như thế có một sự trái ngược: người mù đã thấy được nhiều cái mà người sáng mắt không thấy.
Chúng ta có thể phân biệt hai loại mù. Mù thể xác và mù tâm hồn. Mù thể xác thì không thấy được vạn vật, còn mù tâm hồn thì đa dạng hơn, chẳng hạn như không hiểu được những gì cần phải hiểu, không khao khát sự công chính và ơn cứu độ. Không phân biệt đâu là chân thiện mỹ… Và trên tất cả, đó là không thấy mình đang sống như người mù. Có mắt mà không nhìn và có nhìn thì cũng chẳng thấy.
Với chúng ta những người Kitô hữu cũng thế: đừng thấy người nào siêng năng đi lễ đọc kinh, ăn ngay ở lành mà đã vội cho là đủ. Đừng thấy buổi lễ rình rang với trống kèn inh ỏi thì cho rằng lễ đó trang trọng, đạt yêu cầu. Đừng thấy Giáo Hội là một tổ chức chặt chẽ, nhà thờ và tháp chuông được xây cất, vội cho rằng đạo đang được phát triển. Nhưng phải như anh mù xin cho mình được thấy, thấy rõ hơn, thấy chính xác hơn: thấy Đức Kitô là Đấng cứu độ, để rồi như anh mù rời bỏ vệ đường, dứt khoát, tìm đến với Ngài. Mặc dù chúng ta là những người có cặp mắt sáng về thể xác, nhưng biết đâu lại mù loà về tâm hồn, cho nên cùng với người mù qua đoạn Tin Mừng sáng hôm nay, chúng ta hãy kêu cầu: Lạy Chúa, xin thương xót con và cho con được sáng.
Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXX Thường Niên -B
Mc 10, 46-52
“Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi thành Giêricô cùng với các môn đệ và một đám đông, thì con ông Timê tên là Bartimê, một người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường, khi anh ta nghe biết đó là Chúa Giêsu Nadarét, liền kêu lên rằng: “Hỡi ông Giêsu con vua Ðavít, xin thương xót tôi”. Và nhiều người mắng anh bảo im đi, nhưng anh càng kêu to hơn: “Hỡi con vua Ðavít, xin thương xót tôi”.
Chúa Giêsu dừng lại và truyền gọi anh đến. Người ta gọi người mù và bảo anh: “Hãy vững tâm đứng dậy, Người gọi anh”. Anh ta liệng áo choàng, đứng dậy, đến cùng Chúa Giêsu. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo rằng: “Anh muốn Ta làm gì cho anh?” Người mù thưa: “Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy”. Chúa Giêsu đáp: “Ðược, đức tin của anh đã chữa anh”. Tức thì anh ta thấy được và đi theo Người.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXX Thường Niên -Năm B
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
Giọng đọc: Thanh Tâm
LÒNG TIN CỦA ANH ĐÃ CỨU CHỮA ANH!
(Chúa Nhật XXX TN B) - Lm. Giuse Nguyễn văn Nghĩa – Ban Mê Thuột.
Trong văn thơ có thể loại được gọi là “huề vốn” nghĩa là có nói cũng không thêm gì. Một ví dụ: “Đứng bên này sông thấy bờ bên kia sông. Bơi qua bờ bên kia thì thấy bờ sông bên này. Bơi ra giữa sông, hụp đầu xuống thì không thấy bờ sông nào”. Đã là người thì không một ai đành cam chịu cảnh mù lòa khi còn khả năng làm sáng đôi mắt. Cũng chẳng một ai thấy dễ chịu khi đang sáng mắt mà bị chê trách là đui mù. Xin cũng được dùng kiểu nói “huề vốn” để vào thẳng vấn đề, đúng hơn là để luận bàn đôi điều về điều gọi là “thấy”. Ai là người đang bị mù? Thưa đó là những người không thấy.
Đó là những ai không thấy người anh chị em mình đang túng cực, nghèo khổ mong kiếm cho được dăm ba chục ngàn mỗi ngày để sinh sống, chưa kể nếu có người thân phải cưu mang. Đó là những ai không thấy người anh chị em của mình đang bị bóc lột sức lao công do bởi những người lắm tiền, nhiều quyền trong xã hội. Đó là những ai không thấy anh chị em của mình đang bị đối xử bất công do bởi những người nắm quyền bất nhân hay do bởi các luật lệ bất minh. Đó là những ai không thấy nền giáo dục nước nhà đang loay hoay trong ngõ cụt vì những cơ chế phi lý, lạc hậu, lỗi thời… Đó là những ai không thấy con thuyền của một vài Giáo Hội địa phương xem ra đang vất vả lướt sóng không nguyên chỉ vì bão tố thế gian mà còn có thể vì quá nặng nề với các “lễ hội” bên ngoài, để rồi dù không phải là xao lãng, nhưng chưa xem trọng nghĩa vụ sống yêu thương, làm chứng cho sự thật, bảo vệ công lý, loan truyền Tin mừng… Đó là…
Thế nhưng căn cứ vào đâu để xác định rằng ai đó đã và đang không thấy? “Phản ứng hay hiệu ứng” là một trong những biểu hiện cho biết là ai đó đang còn thấy. Với người hấp hối hay người gặp một sự cố nặng về thể lý thì người ta thường lấy đèn soi vào mắt hay một kiểu cách vẩy ngón tay sát mắt nạn nhân để xem phản ứng đôi mắt của họ. Khi thấy được vẻ đẹp một cánh hoa, hay một quang cảnh kỳ lạ thì người ta không thể không có phản ứng cho dù có thể mỗi người một cách khác nhau. Một cái thấy được gọi là thấy, khi và chỉ khi đối tượng được thấy gây được một hiệu ứng nào đó nơi người thấy nó. Cũng thế, chúng ta chỉ có thể gọi là thấy, khi những điều đập vào mắt chúng ta làm phát sinh trong chúng ta những tâm tình như vui, buồn, hoan hỷ, giận dữ, đồng cảm, đồng thuận hay bất bình, phẫn nộ…
Nếu làm thống kê thì con số người không thấy có lẽ là rất ít. Dù không thể đòi hỏi cách tuyệt đối, nhưng thử hỏi trong số những người được gọi là có thấy thì được bao nhiêu phần trăm là thấy đúng sự vật hiện tượng, thấy đúng bản chất của đối tượng như nó là? Mỗi khi đã thấy rõ, thấy đúng thì người ta sẽ dễ có phản ứng chính xác, hợp lý và cả hợp tình. Một nguy hiểm và cũng là vấn đề cần đặt ra, đó là chúng ta chỉ thấy cách phiến diện, một chiều mà cứ tưởng rằng mình thấy đúng, thấy rõ. Vì thế các phản ứng của chúng ta nhiều khi vừa thiếu chính xác, lại vừa thiếu lý, thiếu tình. Dù rằng với phận phàm hèn, không một ai dám to gan cho rằng mình có thể thấy đúng, chính xác cách hoàn toàn, tuy nhiên không vì thế mà chúng ta có thể lơ là việc tìm cách để thấy các sự vật, hiện tượng ngày một đúng đắn và chính xác hơn, vì đây là một tiền đề không thể thiếu để có được những phản ứng hợp tình và đạt lý.
“Lòng tin của anh đã cứu chữa anh”. Câu nói của Chúa Giêsu với anh mù Bactimê trong ngữ cảnh bài Tin Mừng đề cập trực tiếp đến thái độ cậy trông của anh Bactimê vào tình yêu và quyền năng của Người. Và thái độ cậy trông ấy được thể hiện bằng việc anh ta cương quyết gặp Chúa Giêsu bất chấp mọi trở ngại. Tuy nhiên câu nói ấy cũng cho chúng ta chiếc chìa khóa giải quyết vấn nạn thấy. Để có thể thấy và thấy đúng thì cần có lòng tin. Chúng ta dễ đồng thuận với nhau về sự thật này nếu chấp nhận rằng tin là nhìn với cái nhìn của Thiên Chúa. Thế nhưng lại phải tự hỏi với nhau rằng khi nào thì chúng ta đang nhìn với cái nhìn của Thiên Chúa? Quả thật, để tìm được câu trả lời khả dĩ có tính thuyết phục thì không mấy dễ. Tuy nhiên, là Kitô hữu, chúng ta biết rằng những ai ở trong ân sủng, tức là có sự kết hiệp mật thiết với Chúa thì sẽ biết cách nhìn như Chúa nhìn. Trong vấn đề này, các nhà tu đức chỉ dạy chúng ta kế sách tuyệt với đó là hãy chuyên chăm cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, nếu Chúa ở trong hoàn cảnh này của con, Chúa sẽ thấy sự kiện, vấn đề này ra sao?”. Qua đời sống cầu nguyện, nỗ lực kết hiệp với Chúa thì ta sẽ biết nhìn như Chúa nhìn.
Một kinh nghiệm dân gian có thể nói là khá chính xác: “Con chim sắp chết hót tiếng bi ai. Con người sắp chết nói lời lẽ phải”. Để nói được lời lẽ phải, thì người cận kề với cõi đời sau hẳn đã thấy được chân tướng các sự vật hiện tượng cách nào đó. Tin Mừng cho ta hay trong cuộc đời công khai rao giảng, Chúa Giêsu luôn hướng về cái giờ của Người, đó là giờ mà Người sẽ bỏ thế gian này mà về cùng Cha bằng cái chết trên thập giá. Và đây chính là một trong những chìa khóa giúp Chúa Giêsu nhìn thấy các sự vật hiện tượng theo cái nhìn của Cha trên trời, để rồi có được những cách thế phản ứng thuận ý Cha, đẹp lòng Cha (x.Mt 3,17; Mc 1,11).
Vì sao còn có những phản ứng chưa thấu lý và đạt tình nơi Kitô hữu, giáo dân, tu sĩ, giáo sĩ? Một trong những nguyên nhân đó là vì ta chưa thấy đúng sự vật hiện tượng. Vì sao ta chưa thấy đúng sự vật hiện tượng? Vì ta chưa biết nhìn như Chúa nhìn. Chưa biết nhìn như Chúa nhìn, ngoài những lý do khách quan thì rất có thể vì ta chưa thực sự gắn bó thiết thân với Chúa và cũng ít nghĩ đến cái giờ ta rời bỏ thế gian.
Tin Mừng Chúa nhật 30 Thường niên -B
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô. (Mc 10, 46-52)
Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi thành Giêricô cùng với các môn đệ và một đám đông, thì con ông Timê tên là Bartimê, một người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường, khi anh ta nghe biết đó là Chúa Giêsu Nadarét, liền kêu lên rằng: “Hỡi ông Giêsu con vua Ðavít, xin thương xót tôi”. Và nhiều người mắng anh bảo im đi, nhưng anh càng kêu to hơn: “Hỡi con vua Ðavít, xin thương xót tôi”.
Chúa Giêsu dừng lại và truyền gọi anh đến. Người ta gọi người mù và bảo anh: “Hãy vững tâm đứng dậy, Người gọi anh”. Anh ta liệng áo choàng, đứng dậy, đến cùng Chúa Giêsu. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo rằng: “Anh muốn Ta làm gì cho anh?” Người mù thưa: “Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy”. Chúa Giêsu đáp: “Ðược, đức tin của anh đã chữa anh”. Tức thì anh ta thấy được và đi theo Người.
Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XXX Thường Niên - Năm B
Tác giả: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Giọng đọc: Nguyễn Trinh
Suy niệm
Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, đó là một câu ngạn ngữ từ xưa khi nói về giá trị tinh thần của đôi mắt. Nếu một ngày nào đó, đôi mắt khép lại, con người càng trở nên bí ẩn hơn bất cứ tạo vật nào trên thế giới. Con người là một mầu nhiệm, bản thân mỗi người chưa thể hiểu nỗi chính mình, nhờ có đôi mắt, cùng với sự tiến bộ của khoa học, đặc biệt là khoa tâm lý chiều sâu, con người đã và đang giải mã cuộc đời của chính mình. Thiếu đi đôi mắt sáng, con người mất luôn con đường để đi vào chiều sâu nội tâm, mất đi cánh cửa để nhìn ra thế giới, nhìn tới anh chị em của mình. Câu chuyện anh chàng Ba-ti-mê được Con Thiên Chúa chữa lành đôi mắt chỉ là một biểu tượng về sự bí ẩn về tinh thần của con người, dù có đôi mắt thể lý sáng, nhưng đôi mắt tình người có thể bị mù, dù thấy đường đi lại trong thế giới nhưng họ không nhận ra con đường đến với Thiên Chúa, đến với tha nhân đang sống quanh mình.
Được trải nghiệm những ngày tháng hạnh phúc trên mảnh đất chảy sữa và mật, dân Do-thái đã vô tình quên đi sự hiện diện của Thiên Chúa, họ chạy theo những phong tục, những nghi lễ của dân ngoại, từ bỏ việc tuân giữ lề luật và nền phụng tự của cha ông để lại. Trước viễn cảnh đen tối đó, Thiên Chúa đã gởi tiên tri Giê-rê-mi-a tới với sứ mạng khuyến cáo sự vô tâm đó và kêu gọi họ thay đổi đời sống: “Ðây, Ta sẽ dẫn dắt chúng từ đất bắc trở về, sẽ tụ họp chúng lại từ bờ cõi trái đất: trong bọn chúng sẽ có kẻ đui mù, què quặt, mang thai và sinh con đi chung với nhau, hợp thành một cộng đoàn thật đông quy tụ về đây. Chúng vừa đi vừa khóc, Ta sẽ lấy lòng từ bi và dẫn dắt chúng trở về. Ta sẽ đưa chúng đi trên con đường thẳng, băng qua các suối nước; chúng không phải vấp ngã trên đường đi: vì Ta đã trở nên thân phụ dân Israel, và Ephraim là trưởng tử của Ta”. Có dân tộc nào hạnh phúc cho bằng dân riêng của Thiên Chúa đã được Ngài cầm tay dắt trở về khi lầm đường lạc lối. Thiên Chúa vẫn luôn mong muốn quy tụ con cái Ngài trong một ngôi nhà, chứ không muốn để họ phân tán trong đau khổ, tội lỗi và tổn thương tinh thần.
Là một lá thư mục vụ gởi riêng cho cộng đoàn người Do-thái, tác giả thường đề cập đến vai trò nhập thể của Con Thiên Chúa giữa cộng đoàn, Ngài mặc lấy thân phận con người để cứu độ con người, Ngài hiểu rõ sự yếu đuối của con người và những lầm lỗi của họ, vì thế, Ngài đã chấp nhận cái chết như là dấu chỉ của tình yêu cứu độ, để đưa họ trở về với giá trị một tạo vật mang họa ảnh và hơi thở của Thiên Chúa: “Tất cả các vị thượng tế được chọn giữa loài người, nên được đặt lên thay cho loài người mà lo việc Chúa, để hiến dâng lễ vật và hy lễ đền tội. Người có thể thông cảm với những kẻ mê muội và lầm lạc, vì chính người cũng mắc phải yếu đuối tư bề. Vì thế, cũng như người phải dâng lễ đền tội thay cho dân thế nào, thì người dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy”. Con Thiên Chúa nhập thể dẫn đưa con người ra khỏi đêm tối của tội lỗi, ra khỏi sự bế tắc do hậu quả của tội, hơn nữa, Ngài còn mở đôi mắt tinh thần cho họ, dẫn đưa họ tới chính lộ dẫn về trời cao, đó là quê hương đích thực của họ.
Có nhiều người bị khiếm thị thời Chúa Giêsu, nhưng Ngài chỉ chữa lành cho một vài người, có nhiều người câm điếc hay mắc các chứng bệnh khác nhau, nhưng Ngài cũng chỉ chữa lành cho một số người, bởi Ngài không phải là một bác sĩ, Ngài chỉ đến để chữa lành những căn bệnh tinh thần, mở đôi mắt niềm tin cho con người, anh chàng Ba-ti-mê được chữa đôi mắt là một biểu tượng của con người khi được Con Thiên Chúa khai đường mở lối, giúp họ tìm tới những giá trị cuộc sống hiện tại và hướng về điểm đến cuối cùng của cuộc đời: “Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi thành Giêricô cùng với các môn đệ và một đám đông, thì con ông Timê tên là Bartimê, một người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường, khi anh ta nghe biết đó là Chúa Giêsu Nadarét, liền kêu lên rằng: “Hỡi ông Giêsu con vua Ðavít, xin thương xót tôi”. Và nhiều người mắng anh bảo im đi, nhưng anh càng kêu to hơn: “Hỡi con vua Ðavít, xin thương xót tôi”. Dù đôi mắt thể lý của anh ta không sáng, nhưng đôi mắt của niềm tin vẫn sáng, vì thế, khi nghe nhắc tới Con vua Đavid sẽ đi ngang, anh kêu lên bằng niềm tin và khát vọng được gặp gỡ, trò chuyện với Ngài. Con người hiện hữu luôn cần có đôi mắt thể lý sáng và đôi mắt tinh thần cũng thế, tất cả giúp cho con người không bị nhầm lẫn trong tương quan, luôn biết mình là ai, đang đứng đâu, đang làm gì và đang sống như thế nào.
Đức Giêsu không mở một bệnh viện để chữa mắt hay chữa câm điếc, phong cùi, Ngài chỉ chữa lành một số người như là biểu tượng về sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới, Ngài chữa lành bệnh phong để đưa con người trở về với gia đình, với cộng đoàn, Ngài chữa đôi tai và cái miệng để con người biết lắng nghe sự hướng dẫn của Thiên Chúa và tạ ơn, Ngài chữa lành đôi mắt để con người không lạc vào mê trận của tội lỗi và sự chết. Tất cả đều xuất phát từ tình yêu thương của Thiên Chúa. Ngài còn cho kẻ chết sống lại như một lời nhắc, Thiên Chúa là chủ tể sự sống, Ngài sẽ đưa con người tự cõi chết trong tội, trở về với sự sống đích thực của Thiên Chúa tình yêu.
Con người hôm nay được thừa hưởng những thành tựu của y học, vì thế mọi bệnh tật đều có thể được chữa lành, nhưng có căn bệnh mù lòa đôi mắt tinh thần, y học không thể làm gì được. Sống trong một xã hội đề cao chủ nghĩa cá nhân, con người thường có những góc nhìn phiếm diện về tha nhân và chính mình, thế nhưng, rất nhiều lời bình phẩm, rất nhiều lời nhận xét về tha nhân thiếu tích cực, thiếu cảm thông được đúc kết từ một đôi mắt tinh thần mù lòa, quả là một nghịch lý trong cuộc sống. Biết là vậy nhưng con người vẫn coi đó là sự thật, là chân lý, vì thế cần có sự chữa lành từ Thiên Chúa, từ ánh sáng của Lời Thiên Chúa, để mỗi người khám phá mầu nhiệm con người, biết hơn về chính mình và hiểu hơn về tha nhân.
Mù chữ là một khó khăn cho con người, mù đường, mù kiến thức phổ thông hay tin học, dễ đưa con người tới chỗ phán đoán lệch lạc và lầm lẫn, thậm chí là chủ quan. Ai cũng mong mình có đôi mắt thể lý sáng và sạch, để được trải nghiệm cuộc sống hiện tại, nhưng có mấy người ước mong có đôi mắt tinh thần sáng hơn, để biết sống khiêm tốn, giản dị và quảng đại hơn. Đó là điều Thiên Chúa lưu tâm khi gởi đến cho con người câu chuyện chữa lành đôi mắt cho con trai ông Ti-mê.
Lạy Chúa, Chúa cho chúng con đôi mắt thể lý sáng để biết tìm về với Chúa trong gia đình Giáo hội, trong đời sống phụng tự, nhưng không thiếu những lúc đôi mắt tinh thần của chúng con mù lòa, xin Chúa chữa lành và che chở đôi mắt của trái tim, để chúng con biết Chúa là ai, biết mình là ai, và biết mọi người là ai. Người mù sau khi được chữa lành, đã đi theo Chúa, theo con đường Chúa hướng dẫn, xin giúp chúng con biết lắng nghe sự chỉ dạy của Chúa, biết đi theo con đường Chúa giới thiệu, dù con đường đó đi qua đau khổ, tử nạn nhưng điểm đến cuối cùng là sự vinh quang của mầu nhiệm phục sinh. Amen.
Bài giảng lễ Chúa Nhật XXX Thường Niên -Năm B
Lm. Stephanô Nguyễn Văn Đậu