TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật XXXI Thường Niên -Năm C

25/10/2022 06:02:37 |   953

Chúa Nhật XXXI Thường Niên -Năm C

cn31tn C

Lc 19,1-10


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XXXI Thường Niên -Năm C

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, là Thiên Chúa tôi, xin đừng bỏ rơi tôi, và xin đừng lìa xa tôi. Lạy Chúa là quyền lực phần rỗi tôi, xin phù  giúp tôi.

Dẫn nhập Thánh lễ

Anh chị em thân mến! Một phép lạ chữa lành hay một cuộc trở lại đặc biệt đối với Đức Kitô, không chỉ có nghĩa là những hành vi đơn giản về lòng thương xót, nhưng còn mang tính cách tiên tri, từ vị Tiên Tri số một là Đức Giêsu Kitô. Thật vậy, cuộc trở lại của Giakêu đọc lên cho chúng ta nghe một giáo huấn đẹp về lòng thương xót của Thiên Chúa, về chỗ đứng của người tội lỗi trong chương trình cứu độ, về chiều kích mầu nhiệm mà cửa tâm hồn nào mở ra đón nhận Đức Kitô đều có thể đạt tới.

Chúng ta có thể cho rằng: Giakêu con người tội lỗi nhưng chúng ta cũng thật bất xứng muôn nghìn lần, nhưng Chúa đã mở đường đến với chúng ta, cho chúng ta tham dự vào phần phúc muôn đời, miễn là chúng ta biết mau lẹ đáp lại tiếng Chúa.

Vì thế, giờ đây chúng ta hãy can đảm đi ngược dòng đời như Giakêu bằng lòng thống hối ăn năn, để đón nhận Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, chỉ nhờ Chúa ban ơn, các tín hữu Chúa mới có thể thờ Chúa cho phải đạo, xin giúp đỡ chúng con thẳng tiến về cõi trời Chúa hứa và không bị vấp ngã trên đường. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Kn 11, 23 – 12, 2

“Chúa thương xót mọi loài, vì Chúa yêu thương mọi tạo vật”.

Trích sách Khôn Ngoan.

Lạy Chúa, trước mặt Chúa, cả vũ trụ ví như hạt gạo trên đĩa cân, và như hạt sương sa trên mặt đất trước lúc rạng đông. Nhưng Chúa thương xót mọi loài, vì Chúa có thể tác tạo mọi sự, và nhắm mắt làm ngơ trước tội lỗi loài người để họ ăn năn sám hối. Chúa yêu thương mọi tạo vật, và không ghét bỏ bất cứ vật gì Chúa đã tác thành: vì nếu Chúa ghét bỏ một vật gì, thì Người đâu có tác tạo nó.

Nếu Chúa không ưng, thì làm sao một vật có thể tồn tại được? Hoặc vật gì Chúa không kêu gọi, thì làm sao nó duy trì được? Nhưng Chúa dung thứ hết mọi loài: vì chúng thuộc về Chúa. Lạy Chúa, Chúa yêu thương các linh hồn.

Ôi lạy Chúa, thần trí của Chúa tốt lành và hiền hậu đối với mọi loài là dường nào! Vì thế, lạy Chúa, Chúa từ từ sửa phạt những kẻ lầm lạc, khuyên răn và dạy bảo những kẻ phạm lỗi, để họ từ bỏ tội ác mà tin theo Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 144, 1-2. 8-9. 10-11. 13cd-14

Ðáp: Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa, con sẽ chúc tụng danh Chúa tới muôn đời (x. c. 1).

Xướng: Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa, con sẽ ca khen Chúa, và con sẽ chúc tụng danh Chúa tới muôn đời. Hằng ngày con sẽ chúc tụng Chúa, và con sẽ khen ngợi danh Chúa tới muôn đời. 

Xướng: Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giàu ân sủng. Chúa hảo tâm với hết mọi loài, và từ bi với mọi công cuộc của Chúa. 

Xướng: Lạy Chúa, mọi công cuộc của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài. Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng của Ngài.

Xướng: Chúa trung thành trong mọi lời Ngài phán, và thánh thiện trong mọi việc Ngài làm. Chúa nâng đỡ hết thảy những ai sa ngã, và cho mọi kẻ khòm lưng đứng thẳng lên. 

Bài Ðọc II: 2 Tx 1, 11 – 2, 2

“Danh Chúa được vinh hiển trong anh em, và anh em được vinh hiển trong Người”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.

Anh em thân mến, chúng tôi hằng cầu nguyện cho anh em: Thiên Chúa chúng ta đoái thương làm cho anh em nên xứng đáng ơn Chúa kêu gọi anh em, và xin Người dùng quyền phép mà kiện toàn những ý định ngay lành do lòng tốt của anh em và công việc của lòng tin anh em, để danh Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, được vinh hiển trong anh em, và anh em được vinh hiển trong Người, do ân sủng của Thiên Chúa, Chúa chúng ta, và của Chúa Giêsu Kitô.

Anh em thân mến, nhân về ngày trở lại của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và về sự chúng ta tập họp bên cạnh Người, chúng tôi nài xin anh em chớ vội để mình bị giao động tinh thần, và đừng hoảng sợ bởi có ai nói tiên tri, hoặc bởi lời rao giảng hay bởi thư từ nào được coi như do chúng tôi gởi đến, mà nói như thể ngày Chúa gần đến.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 5

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống; không ai đến được với Cha mà không qua Thầy. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 19, 1-10

“Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu vào Giêricô và đi ngang qua thành, thì kìa, có một người tên là Giakêu, ông thủ lãnh những người thu thuế và là người giàu có. Ông tìm cách để nhìn xem Chúa Giêsu là người thế nào, nhưng không thể được, vì người ta đông quá, mà ông lại thấp bé. Vậy ông chạy lên trước, trèo lên một cây sung để nhìn xem Người, vì Người sắp đi ngang qua đó.

Khi vừa đến nơi, Chúa Giêsu nhìn lên và trông thấy ông ấy, nên Người bảo ông rằng: “Hỡi Giakêu, hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi”. Ông vội vàng trụt xuống và vui vẻ đón tiếp Người. Mọi người thấy vậy, liền lẩm bẩm rằng: “Ông này lại đến trọ nhà một người tội lỗi”.

Ông Giakêu đứng lên thưa cùng Chúa rằng: “Lạy Ngài, tôi xin bố thí nửa phần của cải tôi cho kẻ khó, và nếu tôi có làm thiệt hại cho ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn”. Chúa Giêsu bảo ông ấy rằng: “Hôm nay nhà này được ơn cứu độ, bởi người này cũng là con cái Abraham. Vì chưng Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Sự lưu tâm và lòng yêu thương chân thành sẽ là khí cụ sắc bén nhất để cải hóa người khác. Chúng ta hãy thực hiện để đưa nhiều người về cho Chúa. Muốn được thế chúng ta dâng lời cầu xin :

1. “Chúa thương xót mọi loài, vì Chúa yêu thương mọi tạo vật” – Xin cho các Mục tử sống gắn bó với Chúa, để công tác mục vụ, lời giáo huấn và cuộc gặp gỡ của các ngài với mọi người, sẽ là lời mời gọi và là sức mạnh thần linh lôi cuốn con người đến với Chúa.

2. “Thiên Chúa chúng ta đoái thương làm cho anh em nên xứng đáng ơn Chúa kêu gọi anh em” – Xin cho các tín hữu, biết sống trọn vẹn vai trò chứng nhân Chúa Kitô giữa lòng thế giới, để đời sống của họ không cản trở, nhưng làm cho nhiều người vào trong Hội Thánh Chúa.

3. “Hôm nay nhà này được ơn cứu độ” – Xin cho lời Chúa phán thể hiện nơi mọi tâm hồn trong giáo xứ chúng ta, để máu Chúa Kitô đổ ra không nên vô ích nhưng đem lại ơn cứu độ.

4. “Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất”– Xin cho các tội nhân biết mau mắn chỗi dậy trước mọi trở ngại, do chính bản thân hay ngọai cảnh, để mau mắn trở về với Chúa trong một quyết định can trường và quảng đại.

Chủ tế: Lạy Chúa, xin hãy đến nhà linh hồn chúng con, để sự hiện diện của Chúa là năng lực biến đổi chúng con nên thánh đức, cho mọi người nhận ra đời sống mới nơi chúng con, mà ca ngợi Thiên Chúa và tin vào ơn cứu độ, Chúa hằng sống hiển và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cho bánh rượu chúng con dâng trở nên của lễ tinh tuyền trước nhan Chúa và đem lại cho chúng con nguồn ơn phúc dồi dào. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, xin chỉ cho tôi biết đường lối trường sinh, và xin cho tôi no đầy hoan hỉ trước thiên nhan.

Hoặc đọc:

Chúa phán: cũng như Cha là Đấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta chính người ấy cũng sống nhờ Ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa được Mình và Máu Ðức Kitô bồi dưỡng, xin Chúa tăng cường hoạt động nơi chúng con, để chúng con được sẵn sàng lãnh nhận những ơn lành Chúa hứa cho những ai tham dự bí tích này. Chúng con cầu xin….

Suy niệm
 

HÔM NAY NHÀ NÀY ĐƯỢC ƠN CỨU ĐỘ

CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN – NĂM C

(Kn 11,22–12,2; 2 Tx 1,11–2,2; Lc 19,1-10)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Thiên Chúa luôn yêu thương, tha thứ và ban cho con người được ơn cứu độ. Đây chính là bản chất của Thiên Chúa. Bởi vì: “ Thiên Chúa thương xót mọi loài, vì Chúa có thể tác tạo mọi sự, và nhắm mắt làm ngơ trước tội lỗi loài người để họ ăn năn sám hối. Chúa yêu thương mọi tạo vật, và không ghét bỏ bất cứ vật gì Chúa đã tác thành: vì nếu Chúa ghét bỏ một vật gì, thì Người đâu có tác tạo nó” (Kn 11, 23-24).

Bài Tin Mừng hôm nay làm toát lên đặc tính đó khi Đức Giêsu chủ động gọi Giakêu và vào nhà ông cũng như dùng bữa mặc cho người ta xầm xì bàn tán: “Ông này lại đến trọ nhà một người tội lỗi” (Lc 19,7). Như vậy, chúng ta thấy Thiên Chúa không quan tâm đến quá khứ của con người, nhưng Ngài để ý đến giây phút hiện tại, sự thiện chí và ngay lành của họ để ban ơn cứu độ.

1. Ý nghĩa Lời Chúa

Tin Mừng hôm nay trình thuật cho chúng ta thấy việc Đức Giêsu đi ngang qua thành Giêricô, đây là chặng cuối cùng trên đường lên Giêrusalem để thực thi sứ vụ cứu chuộc của Ngài bằng cái chết trên thập giá. Trên lộ trình ấy, có dân chúng theo sau Ngài khá đông. Tuy nhiên, trong đám người đó có Giakêu, ông là: “Thủ lãnh những người thu thuế và là người giàu có” (Lc 19, 2).  Như vậy, ông là một vị quan chức cấp cao. Nhưng chớ trêu thay, ông lại lùn, mà đám người thì lại quá đông, nên ông ta phải trèo lên cây sung để mong được nhìn thấy Đức Giêsu đi ngang qua.

Nói đến Gia Kêu là người thu thuế, người Do Thái thường có những dị nghị về hạng người như ông và họ xếp ông chung với hạng đĩ điếm, trộm cắp, là những người làm tay sai cho đế quốc La Mã. Vì thế, họ là những người phản quốc, hại dân. Khi gặp họ, người Do Thái tránh xa như tránh dịch. Không ai được phép giao du với những con người như thế. Bởi vì đây là người tội lỗi tầy trời, đồ thối tha dơ bẩn. Khi đi ngang qua người ấy, người ta sẵn sàng nhổ nước miếng tỏ lòng khinh bỉ…

Tuy bị người ta khinh thị như thế, nhưng ông nhất quyết không chịu khuất phục trước đám đông, vượt lên trên dư luận, và nhất là vượt lên trên mặc cảm tự ty của mình để trèo lên cây sung với hy vọng được tận mắt nhìn thấy Đấng Kitô, Ngài là Cứu Chúa của mình và toàn dân. Đam mê ấy của ông chính là Giêsu, con người mà ông đang mong đợi. Sự kiên quyết của ông không chỉ đơn thuần là sự tò mò, mà đây còn là khởi điểm của hành trình đức tin nơi ông.

Đức Giêsu đã không để cho ông thất vọng khi gọi chính tên ông: “Hỡi Giakêu, hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi” (Lc 19, 5).  Theo lối hiểu của Kinh Thánh, gọi tên ai là biểu hiện của việc biết rõ về người ấy và có một mối tương quan thân tình với người được gọi. Hôm nay, Chúa gọi ông, vậy Chúa biết rất rõ lòng ông và muốn ông trở về với con người lương thiện, công chính của mình, bởi vì tên Giakêu tiếng Do thái là “Zakkay” có nghĩa là “người thanh khiết – người công chính”, hơn nữa, Đức Giêsu còn muốn trở thành người nhà của ông khi nói: “Hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi” (Lc 19, 5). Như vậy, nếu hiểu qua, Giakêu hôm nay đi tìm Chúa, nhưng thực ra Chúa đã đi tìm ông trước.

Hôm nay, Đức Giêsu nhìn Giakêu, nhưng cái nhìn của Đức Giêsu là một cái nhìn mang tính chinh phục, cảm hóa tâm hồn, cái nhìn nhân từ, thương xót, cái nhìn cứu độ. Chính cái nhìn này đã đi lọt vào trong tâm hồn của Giakêu và như một lời cật vấn lương tâm của ông. Cũng chính cái nhìn nhiệm mầu này đã khiến ông nhìn lại chính mình và quyết tâm đổi mới.

Nếu ánh mắt của Đức Giêsu là ánh mắt nhân từ, yêu thương, thì ánh mắt của Giakêu là ánh mắt sám hối, tin tưởng. Tội của ông rất lớn, vì ông không phải là một người thu thuế thường, mà lại là một thủ lãnh những người thu thuế. Nhưng: “Sai lầm là bản tính của con người và tha thứ là bản chất của Thiên Chúa” (A.Pope).

“Hỡi Giakêu, hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi” (Lc 19, 5).  Câu nói này của Đức Giêsu đã làm cho ông vui mừng khôn xiết, đồng thời đã thay đổi toàn bộ cuộc đời và thái độ của ông.

Không vui và thay đổi sao được khi cả một xã hội khinh miệt và coi thường ông, thì một Đức Giêsu, một Cứu Chúa lại sẵn sàng vào nhà mình. Giờ đây, với ông, cuộc gặp gỡ này là một cuộc gặp gỡ của tình yêu. Tình yêu đi bước trước là Đức Giêsu, và ông thực sự  cảm nghiệm được tình yêu của Chúa dành cho ông, nên tình yêu đáp trả tình yêu. Tình yêu đã biến đổi ông, tình yêu đã gợi lại cho ông lòng bác ái và lẽ công bằng. Chính tình yêu đã hướng dẫn và thôi thúc ông đến hành động là đức ái. Tại sao ông lại can đảm để cho lương tâm lên tiếng? Tại sao ông lại có được lòng quảng đại như vậy? Thưa chỉ một lẽ rất đơn giản là vì ông đã được tha thứ và được yêu nhiều. Lời tuyên bố của Đức Giêsu đã là một lời minh chứng về lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho ông: “Hôm nay nhà này được ơn cứu độ, bởi người này cũng là con cái Abraham. Vì chưng Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất” (Lc 19, 9).

Hôm nay, Giakêu đã có cơ hội chuộc tội của mình bằng việc bác ái, và ông đáng được hưởng ơn cứu độ: “Bố thí thì cứu cho khỏi tội và khỏi chết” (Tb 4,11). Trong sách Tiên tri Đaniel có viết: “Hãy chuộc tội con bằng bố thí, và bằng sự thương yêu kẻ khó nghèo” (Dn 4,24). Và sách công vụ Tông đồ cũng có câu: “Của bố thí bay lên như hương thơm trước mặt Chúa” (Cv 11,4). Gia kêu đáng cứu độ, vì lòng đơn sơ của ông xuất phát từ sự khiêm nhường, và khiêm nhường lại là linh hồn của đức đơn sơ.

2. Sống Sứ Điệp Lời Chúa

Đã là con người, ai cũng có những thiếu xót, bất toàn. Điều quan trọng là chúng ta có dám tụt xuống khỏi cây sung để gặp được Chúa như Giakêu hay không?

Ông Giakêu hôm nay ông đã gặp được Chúa, nên cuộc đổi đời của ông thành công, còn nếu ông mà gặp người Biệt Phái thì có lẽ ông đã xấu lại càng xấu hơn.

Trong cuộc sống, mỗi người chúng ta đều là tội nhân trước mặt Chúa, chẳng có ai là người trong sạch hoàn toàn. Vấn đề đặt ra, đó là: thái độ của chúng ta có quyết tâm quay lại với Chúa hay không mà thôi.

Lời Chúa hôm nay còn mời gọi chúng ta không được xét đoán, bởi vì không chừng, chính chúng ta đang có nguy cơ xa dần và đánh mất ơn cứu độ ngay trong khi nhân danh sự tốt lành, thánh thiện kiểu “mồ mả”.

Ngược lại, chúng ta cần có sự cảm thông, xóa bỏ mặc cảm để đến với người tội lỗi với lòng bao dung, tha thứ như Thiên Chúa. Đây cũng chính là liều thuốc bình an mà Đức Giêsu đã dùng cho những người mà Ngài gặp gỡ…

Mong thay, trong xã hội ngày nay, có nhiều người nhận ra và dám sống theo lương tâm; cần ý thức rằng: có một lúc nào đó, tiền bạc không đem lại cho ta niềm hạnh phúc thật. Chức quyền không đảm bảo được cuộc sống mai sau. Chỉ có Chúa mới là nguồn bình an, niềm vui và hạnh phúc thật, bởi vì, Ngài là đường, là sự thật và là sự sống.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con ơn biến đổi như Giakêu khi xưa. Xin cũng ban cho chúng con biết yêu thương mọi người và sẵn sàng thực thi bác ái trong tinh thần Kitô giáo. Như thế, chúng con tin tưởng và hy vọng sẽ được ơn cứu độ của Chúa. Amen.


CHÚA NHẬT 31C THƯỜNG NIÊN – 2001
(Lc. 19:1-10) Lm. Lã Mộng Thường

Bài Phúc Âm dùng câu truyện ông Giakêô trèo lên cây sung để nhìn xem hình dáng Đức Giêsu như thế nào được sắp xếp theo diễn tiến chúng ta nên để ý. Nơi thành phố Đức Giêsu đi ngang qua để tới Giêricô có vị thủ lãnh những người thu thuế tên là Giakêô. Ông muốn nhìn thấy Đức Giêsu nhưng vì thân xác thấp bé nên phải trèo lên cây sung, và Đức Giêsu ghé qua nghỉ tại nhà ông.

Trước hết, chính ý định, ước muốn biết về Đức Giêsu thế nào đã thúc đẩy ông leo lên cây sung mọc bên đường. Và khi gặp gỡ Đức Giêsu ông đã có quyết định thực hiện điều không thể ngờ đó là bố thí nửa phần của cải cho người nghèo và đồng thời nếu làm thiệt hại cho ai bất cứ điều gì ông sẽ đền bù gấp bốn lần. Tự nghiệm chứng nơi cuộc đời mỗi người, ai cũng nhận ra chúng ta được sinh ra với lòng khát vọng muốn nhận biết Thiên Chúa. Sự thể này được minh chứng bằng ước muốn hiểu biết chính mình, muốn biết về thân phận làm người của mình, mình như thế nào trước khi được sinh ra, phỏng mình có sự hiện hữu linh thiêng nào đó trước khi nhập thể nơi thân xác không, cuộc đời của mình có ý nghĩa gì, tại sao mình được sinh ra, mục đích cuộc đời của mình là gì, và sau khi chết mình sẽ ra sao…

Những vấn nạn tương tự và liên quan đến cuộc sống tâm linh được gom tóm lại bằng một câu hỏi, mình là ai? Qua những kinh nghiệm nghiệm chứng của những bậc hiền triết, chân nhân được ghi lại nơi sách vở, điều không ngờ đó là bất cứ ai đã nhận biết mình thực sự như thế nào, mình là ai thì đồng thời cũng nhận ra Thiên Chúa, quyền lực hiện hữu tối thượng đang hoạt động và ngự trị nơi mình. Điều đáng buồn lại là chúng ta không thích đọc sách; chúng ta không cần biết mình là ai mà chỉ tưởng rằng mình thế nọ thế kia.

Khi còn ở nhà trường trong mấy phút nghỉ sau lớp Kitô học, tôi đặt vấn đề với linh mục giáo sư rằng chúng ta cố gắng vật lộn với những suy tư của mình nên phải đối diện với những phiền hà. Sau khi đắn đo, ngài trả lời, có câu nói, khi con vật ăn no, chúng ngủ, nhưng khi con người đã có đầy đủ cơm ăn áo mặc, họ suy nghĩ. Nhìn lại chính mình, chúng ta có nỗi khát vọng nhận biết về chính mình, về những thực thể linh thiêng liên hệ với mình nhưng đã ít ai để tâm tìm hiểu mà ngược lại chỉ thích ghi nhớ những kiến thức và tưởng rằng như thế đã quá đủ cho phần rỗi. Sự ghi nhớ những kiến thức, quan niệm chỉ biến chúng ta thành cuốn sách vô tri vô giác không hơn không kém. Nơi cuốn sách Cái Cười của Thánh Nhân, cụ Nguyễn Duy Cần có ghi lại câu nói của Lichtenberg, “Quyển sách là một cái gương soi, nếu một con khỉ mà nhìn vào, dĩ nhiên không thể có cái ảnh của một bậc thánh hiện lên” (tr. 303). Những ai đã không để tâm nhận thức và giải đáp cho những khát vọng tâm linh thầm kín nơi họ tất nhiên họ không tự phát thực hiện bất cứ điều gì ngoại trừ vì nỗi e sợ nào đó nên có thái độ giống như năm nàng phù dâu khờ dại, nghe sao biết vậy.

Bài Phúc Âm dùng nhân vật được đặt tên Giakêô để khuyến khích chúng ta nên có hành động tích cực tìm hiểu về hành trình đức tin, hành trình tâm linh của mình. Thêm vào đó, ngay khi Đức Giêsu nói sẽ nghỉ lại nơi nhà ông, Giakêô đã phát khởi sự tự nguyện chẳng ngờ… Chúng ta đón nhận Đức Giêsu nơi bí tích thánh thể mà hình như chẳng có gì hơn kém. Có lẽ lòng chúng ta đã ra chai đá sâu đậm đến nỗi chính Đức Giêsu ngự đến cũng không thể nào chuyển đổi được. Tôi muốn nêu lên một thí dụ điển hình. Bất cứ ai đều nhận thấy ít nhất mỗi năm chúng ta một khác. Chẳng hạn so sánh thân xác của mỗi người bây giờ với 10 năm, 20, hoặc 30, 40, 50 năm về trước, chúng ta nhận thấy sự khác biệt rất rõ ràng. Tuy nhiên, tâm thức và những nhận thức cũng như sự hiểu biết về Thiên Chúa của chúng ta không biến chuyển chút nào. Những gì chúng ta được dạy dỗ nơi phần bổn đồng ấu đã bao nhiêu năm qua nay vẫn như thế. Dẫu thân xác của chúng ta tăng trưởng và một ngày một già nua, sự khôn ngoan thế tục càng ngày càng già dặn nhưng đức tin chẳng thấy gì được gọi là trưởng thành. Tâm thức của chúng ta, sự nhận thức của chúng ta về Thiên Chúa vẫn chẳng khác gì ngày chúng ta còn măng sữa. Chúng ta đã không biết cách nào phát triển nhận thức; chúng ta đã không và đang không cần biết gì về những lời dạy của Đức Giêsu; chúng ta không cần suy nghĩ gì về tin mừng nước trời; chúng ta cũng không cần biết gì về đức tin mà chỉ tưởng rằng mình có đức tin mà thôi. Quả là đau lòng! Chúng ta biết đủ mọi sự khôn ngoan trên thế gian, biết cách ăn diện sao cho hợp thời, hợp cảnh, biết thực hiện bất cứ gì theo ước muốn nhưng không biết nơi nào bán cuốn Phúc Âm. Và nếu đã sẵn có cuốn Kinh Thánh tại nhà, chúng ta không đọc; chúng ta không có giờ đọc Phúc Âm, và nếu đọc không hiểu chúng ta không cần suy nghĩ tại sao Phúc Âm được viết như thế. Chúng ta không cần sự khôn ngoan của Chúa vì đã có sẵn những sự khôn ngoan thế tục và cho rằng chỉ cần cầu xin sơ sơ được lên nước thiên đàng hầu có nỗi an tâm là được cứu rỗi. Xin thưa, Đức Giêsu dạy các môn đồ và cả chúng ta nguyện xin cho danh Cha cả sáng chứ không dạy chúng ta cầu xin cho được lên thiên đàng. Đức Giêsu đến để tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất mà chúng ta chưa nhận ra mình hư mất sao Ngài có thể tìm kiếm và sao có thể cứu chữa. Ngài muốn cứu chữa cũng không thể được vì lòng dạ chúng ta không còn khoảng trống chứa đựng lời giảng dạy của Ngài. Tâm trí chúng ta quá bận rộn với những suy tư thế tục, không có giờ để nghiệm chứng Phúc Âm.

Bài đọc trích từ sách khôn ngoan mà chúng ta vừa nghe đã bị in thiếu một câu. Nơi cuốn Kinh Thánh do Lm. Nguyễn thế Thuấn dịch và nơi mấy cuốn New American Bible, Holy Bible, Jerusalem Bible, cũng như nơi sách bài đọc tiếng Mỹ được viết, “Vì có Thần Khí bất hoại của Người trong mọi sự” trong khi nơi sách bài đọc tiếng Việt đã bỏ sót. Thần Khí của Chúa chính là Chúa. Thần Khí bất hoại của Chúa trong mọi sự có nghĩa Thiên Chúa ngự trị nơi mọi loài mọi vật. Đây cũng chính là Tin Mừng Đức Giêsu rao giảng, Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Tóm lại, Lời Chúa hôm nay khuyến khích chúng ta nên có hành động thực tiễn về sự nhận biết Tin Mừng Nước Trời Đức Giêsu đã rao giảng. Amen.

Chúa nhật tuần lễ thứ 31 thường niên
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 19, 1-10).

Sau khi vào Giê-ri-khô, Đức Giê-su đi ngang qua thành phố ấy. Ở đó có một người tên là Da-kêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giê-su, vì Người sắp đi qua đó. Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” Ông vội vàng tụt xuống và mừng rỡ đón rước Người. Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!” Ông Da-kêu đứng đó thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, tôi xin lấy phân nửa tài sản của tôi mà cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”. Đức Giê-su mới nói về ông ta rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất”.

Suy niệm

Năm phụng vụ đang dần trôi về điểm cuối của thời gian và không gian, chương trình cứu độ của Thiên Chúa không trôi qua lặng lẽ như thế, nhưng mỗi ngày một lan tỏa rộng rãi tới mọi tâm hồn, mọi con người, tạo nên một sức sống mới cho nhân loại, đem đến một luồng gió mới cho thế giới, nếu như thế giới biết đón nhận và trân trọng. Phụng vụ Lời Chúa tuần lễ thứ 31 thường niên là những nét chấm phá của bức tranh tình yêu cứu độ. Từ thưở ban đầu, tội lỗi đã làm tổn thương mối tình muôn thưở giữa Thiên Chúa và con người, thế nhưng, con người vẫn được Thiên Chúa yêu thương, cúi xuống để cứu độ và chia sẻ phận người. Và hôm nay, Thiên Chúa đang muốn tiếp tục chia sẻ cho con người, không chỉ là tình yêu thương, nhưng là sự đồng cảm và tha thứ, không chỉ là dừng lại bên thân phận yếu đuối của con người, nhưng còn trả lại cho con người phẩm giá cao quý là con cháu của các tổ phụ, là con cái của Thiên Chúa.

Tác giả sách Khôn ngoan đã trình bày chiều sâu của tình yêu đích thực, đó là một tình yêu vị tha, một tình yêu cúi xuống và là một tình yêu đón nhận cả những lầm lỗi và thiếu sót của người mình yêu. Thiên Chúa đã thi thố tình yêu đó cách ngoạn mục trước sự ngỡ ngàng của con người, do đó, con người hãy cố gắng khám phá chiều sâu của tình yêu đó, để tri ân, để đền đáp: “Lạy Chúa, trước Thánh Nhan, toàn thể vũ trụ ví tựa hạt cát trên bàn cân, tựa giọt sương mai rơi trên mặt đất. Nhưng Chúa xót thương hết mọi người vì Chúa làm được hết mọi sự. Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người, để họ còn ăn năn hối cải . . . Nếu như Ngài không muốn, làm sao một vật tồn tại nổi? Nếu như Ngài không cho hiện hữu, làm sao nó có thể được duy trì? Lạy Chúa Tể là Đấng yêu sự sống, Chúa xử khoan dung với mọi loài, vì mọi loài đều là của Chúa”. Đó là lời của tác giả sách Khôn ngoan trong bài đọc 1, quả thực Thiên Chúa dành cho con người một chỗ đứng tuyệt vời trong trái tim và vòng tay của Ngài.

Khám phá chiều sâu của tình yêu tự hiến từ Thiên Chúa, con người nhận ra được niềm hạnh phúc Thiên Chúa đem đến cho con người. Nếu mỗi ngày, họ nhận ra sự hiện diện và chăm sóc của Thiên Chúa, chắc họ sẽ cố gắng sống ơn gọi của mình cách viên mãn và vẹn toàn hơn, bên cạnh đó, người tín hữu còn được các thánh cầu bầu trước tòa Thiên Chúa Cha, thật tuyệt vời và hạnh phúc ngập tràn. Đó là tâm tình thánh Phaolô nhắc bảo cho con cái cộng đoàn The-sa-lo-ni-ca trong bài đọc 2 Chúa nhật hôm nay: “Thưa anh em, lúc nào chúng tôi cũng cầu nguyện cho anh em: xin Thiên Chúa chúng ta làm cho anh em được xứng đáng với ơn gọi, và xin Người dùng quyền năng mà hoàn thành mọi thiện chí của anh em và mọi công việc anh em làm vì lòng tin. Như vậy, danh của Chúa chúng ta là Đức Giêsu, sẽ được tôn vinh nơi anh em, và anh em được tôn vinh nơi Người, chiếu theo ân sủng của Thiên Chúa chúng ta và của Chúa Giêsu Kitô”. Tình yêu trời cao của Thiên Chúa, cùng với lời cầu nguyện và công nghiệp các thánh, sẽ là nguồn hồng ân giúp người tín hữu biết tri ân Thiên Chúa, đồng thời cộng tác với Chúa Thánh Thần, để loan Tin Mừng cứu độ cho nhân loại.

Các viên chức sở thuế trong đất nước Do-thái không có cảm tình trong mắt của người dân, bởi họ là những người làm thuê cho những kẻ thống trị, tìm cách lấy đi bao mồ hôi, công sức của người dân, vì thế, ông Gia-kêu, dù là người Do-thái, là con cháu tổ phụ Abraham, nhưng ông không được nể trọng, bởi ông là nhân viên thu thuế. Vậy mà ông đã được Đấng Cứu Thế dừng lại dưới gốc cây sung, gọi tên ông ta với ánh mắt đầy yêu thương, Ngài muốn gặp ông, muốn thăm gia đình ông và muốn chia sẻ niềm vui với ông khi ông là người đang được yêu: “Sau khi vào Giê-ri-khô, Đức Giê-su đi ngang qua thành phố ấy. Ở đó có một người tên là Gia-kêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giê-su, vì Người sắp đi qua đó. Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: “Này ông Gia-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!”. Đấng Cứu Thế đã gọi tên, nghĩa là ông ta còn ở trong trái tim và vòng tay của Ngài. Ngài muốn nhắc cho ông biết ơn gọi cao quý của mình là con cháu các tổ phụ, do đó, Ngài muốn lưu lại nhà ông ta. Còn gì vui bằng có Thiên Chúa viếng thăm, còn gì vui bằng có Thiên Chúa thấu hiểu và cảm thông. Nhưng tấm lòng chân thành và độ lượng nơi ông ta, là yếu tố quan trọng để được Thiên Chúa viếng thăm.

Là một người nhỏ nhắn khiêm tốn, ông Gia-kêu đã tìm cho mình cách thế thích hợp để được gặp Đấng Cứu Thế. Ngay khi tìm được vị trí thích hợp, ông đã nhận thấy ánh mắt của Đấng Cứu Thế, cùng với tiếng gọi đúng tên mình. Còn gì hạnh phúc và vui sướng cho bằng được ai đó quan tâm, gọi đúng tên mình, đặc biệt hơn là Con Thiên Chúa làm người. Ông đã nhanh chân tuột xuống, sấp mình thờ lạy và tri ân Ngài. Biết mình, biết người, chắc sẽ thành công, ông Gia-kêu biết mình tội lỗi, không xứng đáng về phẩm giá qua chiều cao khiêm tốn, ông đã tìm cho riêng mình một cách tiếp cận Thiên Chúa, để thấy được chiều sâu của tình yêu là sự quan tâm, thấy được niềm vui của người đã và đang được yêu. Từ một người giàu có về của cải vật chất, nay ông được Thiên Chúa viếng thăm, làm thay đổi suy nghĩ và tương quan cuộc sống, ông trở thành một người giàu có về lòng nhân ái, về tình người, đặc biệt là một người giàu nhân đức trước mặt Thiên Chúa.

Được gọi đúng tên, được ghé thăm nhà, ông Gia-kêu đã khám phá ra nhiều niềm vui khác trong ánh mắt của Con Thiên Chúa. Đó là ánh mắt tha thứ, ánh mắt cảm thông, ánh mắt đồng hành và ánh mắt nhân lành. Thiên Chúa đem đến cho con người niềm vui cứu độ, vì thế, khi Ngài dừng lại dưới gốc cây sung, nhìn lên tìm kiếm người trên cây với một ánh mắt nhân lành của một người Cha sẵn sàng tha thứ cho con cái. Bên cạnh đó là ánh mắt của sự cảm thông, bởi ông ta bị mọi người xa lánh, ruồng bỏ, ngay cả cộng đoàn tôn giáo, chỉ vì ông ta làm việc cho người ngoại. Chắc ông ta còn tự hỏi nhiều điều tại sao Thiên Chúa dừng lại, gọi đúng tên mình, còn tha thứ, còn cảm thông và còn đồng hành với mình cho tới nhà nữa. Có phải Ngài muốn nhắc mình, từ nay Thiên Chúa sẽ đồng hành với con, sẽ ở bên con từng phút giây và trong từng công việc, con hãy tự tin, hãy biến những cơ hội vàng đó thành dịp thuận tiện để giới thiệu Thiên Chúa cho thế giới, cho nhân loại.

Không thiếu những người tín hữu Kitô hôm nay đang làm việc cho kẻ thù Thiên Chúa, họ đang tìm cách loại trừ Thiên Chúa và gây chia rẽ gia đình của Ngài trong thế giới này. Người gây ra chiến tranh, kẻ phá hoại thiên nhiên để lũ lụt tràn về, kẻ gieo rắc dịch bệnh nguy hiểm, người tạo ra những tham vọng bá chủ thế giới bằng việc bóc lột sức người, buôn bán phụ nữ, cướp bóc tài sản của nhân loại, họ đang là những Gia-kêu thời đại mới, thời đại thực dụng và hưởng thụ. Thiên Chúa đã cúi xuống, đã viếng thăm dân Người rồi và đang từng ngày, Ngài còn mang trên mình những vết thương của sự bất công và tủi nhục nơi con cái. Mỗi ngày, không thiếu những ánh mắt tha thứ và cảm thông của Ngài nơi những người phục vụ âm thầm, cũng không thiếu những ánh mắt nhân lành và đồng cảm của Thiên Chúa nơi những đôi tay phục vụ và những tấm lòng nhân ái luôn chia sẻ và trao ban. Ông Gia-kêu đã cố gắng thay đổi con người và cuộc đời, ông được tha thứ, được đón nhận và được cứu độ, còn nhân loại hôm nay, có mạnh dạn thay đổi con người của mình, thay đổi cuộc đời, thay đổi thái độ sống, để nhận được tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, bước chân của Chúa trên những nẻo đường của đất nước Do-thái không vô dụng, nhưng đem lại cho con người niềm vui và hạnh phúc, đem lại cho con người sự sống và bình an Nước Trời, xin cho chúng con mỗi ngày khám phá chiều sâu tình yêu của Ngài trong cuộc đời mình, để sống có ích, để làm việc có ý nghĩa và để phục vụ có lợi cho các linh hồn. Chúa đã trao ban cho ông Gia-kêu ánh mắt tha thứ và cảm thông, ánh mắt nhân lành và chia sẻ, xin cho chúng con cũng biết trao cho nhau những ánh mắt như thế, để nhân loại nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời, trong gia đình của họ. Amen.

 

NHỜ CHÚA ĐẾN
(Chúa Nhật XXXI TN C) Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Xưa lẫn nay, nhiều nơi trên thế giới, hạng người bán thân nuôi miệng thường được gắn liền với hạng người dắt mối, bảo kê được gọi là ma cô. Trong khi nhóm trước kiếm tiền bằng thân xác mình thì nhóm sau lại kiếm tiền trên thân xác kẻ khác. Đọc Tin Mừng chúng ta thấy nhóm người thu thuế thường được gắn liền với phường bán thân nuôi miệng. Dưới cái nhìn này thì người thu thuế chẳng khác gì phường ma cô mà còn tệ hại hơn nhiều vì họ kiếm tiền trên xương máu của nhiều người, đó là không chỉ thu thuế để phục vụ cho đế quốc cai trị mà còn thường thu quá mức ấn định để làm giàu cho mình.

Thánh sử Luca là một lương y thì có lẽ nhiều người biết. Nhưng trong số các con bệnh của ngài ngày xưa phải chăng có nhiều người thu thuế, thì ít ai dám khẳng định. Thế mà dường như thánh sử có vẻ đề cao tình thương của Thiên Chúa trên nhóm người này. Vừa mới tường thuật câu chuyện dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện để cảnh tỉnh thói tự cao tự đại của người biệt phái và ngược lại khen ngợi sự khiêm nhu chân thành của người thu thuế xong thì lát sau đó ngài tường thuật hành vi hoán cải rất “anh hùng” của ông Giakêu, một thủ lãnh các người thu thuế.

Thử hỏi vì sao hay nhờ đâu mà ông Giakêu có sự đổi thay xem ra ngoạn mục như vậy? Chắc hẳn việc đổi thay của Giakêu không phải là hành vi bột phát cách ngẫu hứng. Tin Mừng tường thuật rằng: “Ông Giakêu đã tìm cách để xem cho biết Đức Giêsu là ai”. Đây là một khao khát có thể nói là cháy bỏng mang tính bức thiết đối với ông đến nỗi ông đã không e ngại về cái thân thế, vai vế như là ngược với tầm vóc của mình để rồi leo lên một cây sung. Chọn được một cây sung nằm trên con đường Chúa Giêsu sẽ đi qua thì quả là đã có sự tính toán. Như thế chúng ta có thể luận suy rằng những lời giảng dạy và việc làm của Chúa Giêsu đã đánh thức lương tri của ông Giakêu khiến ông phải không ngừng suy xét về thái độ sống cũng như những việc làm của ông. Tâm hồn ông Giakêu được ví như mảnh đất đã được cày xới đang chờ hạt giống gieo xuống.

“Khi Đức Giêsu tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: “Này ông Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông” (Lc 19, 5). Với một thân hình thấp bé và thế nào cũng mập mạp vì là người giàu có, lại ở trên cây cao thì thế nào ông Giakêu cũng tìm cách ẩn mình dưới những tàng lá cây sung. Thế mà Chúa Giêsu vẫn thấy ông và Người lại gọi đích danh của ông. Nếu Giakêu là một thiếu nhi thì chắc sẽ giật mình té xuống đất không chừng vì cảnh tình như bị bắt quả tang tại trận cách bất ngờ.

Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa, đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét, mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả… (Tv 139). Có thể ông Giakêu không thuộc, nhưng ông đang cảm nghiệm cách sâu xa lời Thánh Vịnh trên đây. Dù có trốn biệt ở đáy âm ty hay bay lên chốn cao xanh cũng không thể “khuất được thánh nhan”. Thánh giáo phụ Âugustinô cũng có cảm nghiệm này: “Chúa biết con hơn cả con biết con”.

Chúa biết mỗi người chúng ta. Chúa biết chúng ta chỉ là tro bụi. Thế mà Chúa biết không phải để loại bỏ nhưng để gắn bó. “Hôm nay, tôi phải lưu lại nhà ông”. Một lời ngỏ với đôi bàn tay tin tưởng chìa ra và cả với một tấm lòng khoan dung nhân hậu. Tình yêu của Thiên Chúa vượt quá tầm luận lý của con người. Cụ thể, nhiều người lúc bấy giờ đã xầm xì bàn tán lẫn thắc mắc: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!”

Có phải chúng ta xứng đáng, rồi Chúa mới ngự vào hay nhờ Chúa ngự vào thì chúng ta mới nên xứng đáng? Câu hỏi quả không khó để trả lời. Cả tầng trời cao xanh này hay bất cứ chốn cung điện nguy nga sơn son thếp vàng nào cũng chẳng thể xứng đáng làm nơi Thiên Chúa ngự. “Lạy Chúa con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con…” Mẹ Giáo hội đã lấy lại lời của viên đại đội trưởng Rôma ngày nào để cho đoàn tín hữu thân thưa trước khi hiệp Lễ hầu nhắc nhớ mọi người sự thật này: Không một ai trên trần gian này xứng đáng để Thiên Chúa ngự vào. Nhưng trái lại, ở đâu có Thiên Chúa ngự đến thì ở đó sẽ trở nên xứng đáng. Giakêu đã nên xứng đáng là nhờ Chúa Kitô đoái thương ngự đến.

Sự thật này đã được minh chứng bằng quyết định vừa anh hùng vừa quảng đại của Giakêu: “Thưa Ngài, đây nửa phần tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn” (Lc 19, 8). Quả thật không phải vì cảnh vật lung linh rực rỡ mà mặt trời mọc lên, nhưng nhờ mặt trời mọc lên nên cảnh vật mới trở nên rực rỡ lung linh. Một sự đổi thay thật ngoạn mục. Trong tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa thì không có sự gì là không thể. “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Abraham”. Abraham là tổ phụ, là cha của các kẻ tin. Lòng tin của Giakêu đã cứu chữa ông. Lòng tin của ông vào tình yêu của Giêsu đã khiến ông được chữa lành và nên mạnh mẽ trong đức công bình lẫn trong tình bác ái.

Những sự tốt đẹp diệu kỳ xảy ra là nhờ Chúa đến. Chúa đã đến với con người, với từng người, nhưng Người vẫn đứng ngoài cửa và gõ. Ai nghe tiếng Người và mở cửa thì Người sẽ vào nhà người ấy và dùng bữa với họ (x.Kh 3,20). Vấn đề đặt ra là chúng ta có mở cánh cửa tâm hồn với khát mong thay đổi như Giakêu chăng? Dĩ nhiên khát mong thay đổi ấy cần được đốt nóng bằng niềm tin vào tình yêu và quyền năng của Đấng “đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19, 10).

Xin cùng nhau trả lời những câu hỏi sau:
1. Bạn, tôi, chúng ta có tin Chúa yêu thương chúng ta hết lòng không?
2. Bạn, tôi, chúng ta có tin Chúa có thể làm mọi sự tốt lành cho chúng ta không?
3. Bạn, tôi, chúng ta có thực lòng muốn thay đổi, muốn nên tốt hơn, nên thánh thiện hơn không?


HIỆP SỐNG TIN MỪNG
CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN C

Kn 11, 22-12,2; 2Tx 1, 11-2,2; Lc 19, 1-10.

LM ĐAN VINH - HHTM

SỨC MẠNH HOÁN CẢI CỦA TÌNH THƯƠNG
I. HỌC LỜI CHÚA


1. TIN MỪNG: Lc 19, 1-10

(1) Sau khi vào Giê-ri-khô, Đức Giê-su đi ngang qua thành phố ấy. (2) Và kìa, có một người tên là Da-kêu. Ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. (3) Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông lại lùn. (4) Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giê-su, vì Người sắp đi qua đó. (5) Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông”. (6) Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. (7) Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!” (8) Còn ông Da-kêu thì đứng mà thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, này đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo. Và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”. (9) Đức Giê-su nói với ông ta rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu Tổ phụ Áp-ra-ham. (10) Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất”.

2. Ý CHÍNH:

Bài Tin mừng hôm nay nhằm chứng minh Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai, với sứ mệnh “tìm và cứu chữa những gì đã hư mất”. Cụ thể là ông Da-kêu thủ lãnh các người thu thuế ở Giê-ri-khô, nhờ gặp được Đức Giê-su nên đã được ơn hoán cải. Do thành tâm đi tìm, nên ông đã gặp được Người và được Người ưu ái đến ở trọ tại nhà ông. Trước tình thương của Đức Giê-su, ông đã quyết tâm hoán cải, thể hiện qua việc tình nguyện quảng đại chia phân nửa gia sản phân phát cho người nghèo và sẵn sàng đền bù cho những người đã bị ông làm thiệt hại trước đây.

3. CHÚ THÍCH:

- C 1-4: + Đức Giê-su vào thành Giê-ri-khô và đi ngang qua thành: Giê-ri-khô là một thành phố cách Giê-ru-sa-lem 37 cây số. Có hai thành Giê-ri-khô: Một thành cũ đã bị ông Gio-su-ê phá huỷ, và một thành mới do vua Hê-rô-đê xây dựng cách nơi cũ không xa. + Có một người tên là Da-kêu: Tên Da-kêu nghĩa là “Người trong sạch”. Ong đứng đầu ngành thu thuế tại thành Giê-ri-khô, nên bị người Do thái liệt vào hạng người tội lỗi.

- C 5-7: + Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi. Vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông”: Đức Giê-su đã biết rõ về con người của Da-kêu trước khi ông gặp Người. Người đã nhìn thấy ông giữa muôn người, biết tên và công khai gọi tên ông. Nhất là Người còn đến ở trọ tại nhà của ông. + Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người: Cảm động trước tình thương và sự ưu ái quan tâm của Đức Giê-su, ông Da-kêu vội vàng tụt xuống khỏi cây sung và đón rước Người về nhà. Da-kêu chỉ muốn thấy mặt Đức Giê-su, nhưng ông lại được Người thương đến ở trọ tại nhà của ông. Lòng ưu ái của Người vượt quá sự mong ước của ông. + Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!”: Theo quan niệm của người Do thái, ai lui tới giao thiệp với người tội lỗi cũng trở nên ô uế và bị khiển trách (x. Lc 5, 30). Ở đây, Đức Giê-su không những đã tiếp xúc nói chuyện, mà còn đến ở trọ tại nhà của ông trưởng ngành thu thuế Da-kêu, nên không tránh khỏi sự xầm xì phản đối của đám đông. Qua hành động này, Đức Giê-su cho thấy sứ vụ của Người là đi tìm và cứu chữa những người tội lỗi mà Da-kêu là đại diện.

- C 8-10: + Này đây, phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo...: Cảm động trước tình thương của Đức Giê-su, Da-kêu đã biểu lộ quyết tâm hoán cải qua việc đền bù những tội lỗi trước đó. Ông tự nguyện chia nửa tài sản để phân phát cho người nghèo và đền trả gấp bốn lần những thiệt hại đã gây ra, trong khi Luật Mô-sê chỉ buộc đền gấp bốn cho tội trộm chiên mà thôi (x. Xh 21, 37). + Hôm nay Ơn cứu độ đã đến cho nhà này: Nhờ sự hiện diện của Đức Giê-su mà cả nhà ông Da-kêu đã được cứu độ. + Con cháu Tổ phụ Áp-ra-ham: Do làm nghề thu thuế nên Da-kêu bị coi là kẻ tội lỗi không còn thuộc về dòng dõi của Áp-ra-ham. Nhưng khi ông đã hồi tâm sám hối, ông lại được Đức Giê-su trả lại quyền được làm con cháu của Tổ phụ Áp-ra-ham như trước. + Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất: Câu này cho thấy sứ mệnh Thiên Sai của Đức Giê-su là đến để tìm kiếm và giúp những kẻ tội lỗi ăn năn sám hối để được cứu độ.

4. CÂU HỎI: 1) Tên Da-kêu nghĩa là gì!2) Thiện chí của ông Da-kêu được biều lộ qua hành động nào? 3) Tại sao dân chúng lại trách Đức Giê-su về việc đến ở trọ tại nhà Da-kêu? 4) Tại sao ông Da-kêu lại được Đức Giê-su tuyên bố là con cháu Tổ phụ Áp-ra-ham và được cứu độ? 5) Câu nào nói lên sứ mệnh Thiên Sai của Đức Giê-su?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,10).

2. CÂU CHUYỆN:

1) NHỮNG KẺ KHỐN CÙNG (LES MISÉRABLES)

Đây là tựa đề một tác phẩm nổi tiếng của văn hào Vích-to Huy-gô (Victor Hugo), tường thuật câu chuyện về cuộc đời của Văn Giang (Han Valjean), một tên cướp của giết người đã từng bị ở tù 19 năm. Khi vừa được thả ra, anh đã phải nếm mùi bị mọi người khinh dể xa lánh: Bước vào tiệm ăn, anh liền bị chủ tiệm xua đuổi; Vào trong nhà trọ thì người gác cửa đã đóng sập cửa ngay trước mặt; Đi qua ổ chó, thấy bộ dạng nhếch nhác râu ria của anh, chúng liền thi nhau sủa inh ỏi... Chỉ khi bước vào nhà Đức giám mục My-ri-ê, anh mới được tiếp đãi nồng hậu như một con người: Anh được ăn một bữa tối thật ngon, được nằm trên một chiếc giường êm ấm. Nhưng rồi đêm hôm ấy, nhìn thấy các chân đèn bằng bạc quí giá, anh không cưỡng nổi lòng tham, nên nhẹ nhàng lấy năm cái chân đèn cho vào bao chuồn mất. Nhìn thay bộ dạng khả nghi của anh, cảnh sát liền đòi khám xét chiếc túi vải anh đang vác trên vai và nhìn thấy mấy cái chân đèn bằng bạc. Anh liền bị giải đến trước mặt vị giám mục để làm rõ. Nhưng ngài không những không kết tội, mà còn nhận là đã tặng cho anh mấy cái chân đèn bạc kia. Hơn nữa, ngài còn tặng thêm hai chân đèn nữa cho đủ bộ và nói nhỏ với anh: “Ta không kết tội con đâu, nhưng con phải sám hối để làm lại cuộc đời”. Sau khi được thả, anh luôn suy nghĩ về những lời nhắn nhủ của vị giám mục và xúc động trước tình thương bao dung của ngài. Anh quyết tâm sám hối và sau đó đã trở thành một người lương thiện. Nhiều năm sau, Văn Giang đã chinh phục được tình cảm của mọi người và còn được dân chúng tín nhiệm bầu làm thị trưởng của thành phố. Sở dĩ ông từ một tên tội phạm trở thành mot người lương thiện và được kính nể là do ông đã cảm nghiệm được tình thương của vị giám mục My-ri-ê.

2) SỨC MẠNH HOÁN CẢI CỦA TÌNH THƯƠNG:

Trong thiền viện của thiền sư SĂNG–GAI (Sengai) có nhiều đệ tử ở chung. Một đệ tử của vị thiền sư có thói quen thỉnh thoảng nửa đêm leo tường ra ngoài đi chơi với chúng bạn mãi đến gần sáng mới quay lại thiền viện. Một đêm kia, thiền sư Săng-gai đi kiểm tra, thấy một chiếc giường trống, rồi còn thấy một chiếc ghế cao để cạnh bức tường phía bên trong thiền viện. Thiền sư liền dời chiếc ghế kia sang chỗ khác và đứng thế vào chỗ đó. Khi anh đệ tử kia quay về, do không thấy thiền sư đang đứng thế chiếc ghế mọi khi, anh ta đã đặt bàn chân lên đầu thầy Săng-gai làm điểm tựa trước khi nhảy xuống đất. Lúc khám phá ra sự thể thì anh cảm thấy sợ hãi. Nhưng thay vì trách phạt, thiền sư lại mỉm cười nhỏ nhẹ nói với anh rằng: “Trời về sáng đang trở lạnh. Con mau vào phòng mặc áo ấm vào kẻo bị cảm lạnh nhé?” Cảm động trước tấm long từ bi và tình thương khoan dung của thầy, từ ngày đó người đệ tử kia không bao giờ còn dám tái phạm trèo tường đi chơi nữa. Anh chuyên cần học tập và về sau trở thành một học trò giỏi của thiền sư Săng-gai.

3) SỨC MẠNH CỦA LÒNG SÁM HỐI:

Công tước D’OSSOME, phó vương xứ Napoli, nước Ý, Một hôm đi thị sát chiến thuyền Galère do một đội nô lệ ngồi chèo. Họ vốn là các tội nhân nặng bị án khổ sai chung thân. Khi gặp mặt công tước, các tù nhân ai cũng ca thán mình vô tội. Duy chỉ có một tù nhân ở góc phía xa là ngồi cúi đầu không nói một lời. Công tước liền bước đến bên và dịu dàng hỏi han. Anh nói: Thưa ngài, tôi chịu phạt xứng với tội tôi đã phạm và tôi chẳng có gì để bào chữa. Công tước quay sang nói với mọi người đi theo: “Người này đúng là một phạm nhân, anh ta không xứng đáng ngồi chung với những kẻ vô tội. Ta ra lệnh trục xuất tên này ra khỏi nơi đây”. Và thế là, chỉ nhờ vào lòng chân thành hối lỗi mà người tù nhân đã được giải phóng khỏi kiếp sống nô lệ.

3. THẢO LUẬN: 1) Trong các chuyện trên bạn thích câu chuyện nào nhất? Tại sao? 2) Tuần này mỗi người chúng ta sẽ làm gì cụ thể để giúp một tội nhân được ơn hoán cải nên lương thiện hơn?

4. SUY NIỆM:

Tin mừng Lu-ca Chúa nhật hôm nay thuật lại câu chuyện hoán cải của ông Da-kêu làm nghề thu thuế. Vào thời ấy, những người thu thuế bị xếp chung với bọn trộm cắp, giết người và đĩ điếm. Hơn nữa, do làm thu thuế phục vụ đế quốc Rôma, nên họ bị dân Do-thái đồng hóa với bọn tội phạm và bị khinh dể. Nhưng Đức Giê-su lại có cách hành xử khác đối với những người thu thuế này. Tin mừng hôm nay cho thấy: Người đã gọi đích danh ông Da-kêu, đã đến ở trọ trong nhà ông và còn ngồi đồng bàn ăn uống chung với ông. Việc đó khiến dân chúng có mặt xầm xì phản đối. Tuy nhiên qua lối hành xử như thế, Đức Giê-su cho thấy sứ mạng của Ngài là “đến tìm và cứu chữa những gì bị hư mất”. Cảm động rrước tấm lòng bao dung nhân hậu của Đức Giê-su, ông Da-kêu đã nhìn nhận tội lỗi và quyết tâm sám hối để được nên công chính.

1) “NÀY ÔNG DA-KÊU XUỐNG MAU ĐI”:

Da-kêu là một người giàu có nổi tiếng ở thành Giê-ri-cô. Ông là trưởng ban thu thuế của thành phố này. Dĩ nhiên nếu chỉ là nhân viên làm việc ăn lương thì chắc ông đã không thể giàu có như vậy được. Sở dĩ ông có nhiều tiền là do gian lận móc ngoặc với gian thương trong việc thu thuế. Mọi người đều nhìn Da-kêu như một tội phạm đáng khinh, và chính ông cũng cảm thấy lương tâm bất an. Nghe tin Đức Giê-su sắp đi qua khu vực gần nhà, Da-kêu liền chạy tới gần để nhìn xem mặt Người. Nhưng dân chúng quá đông mà Da-kêu lại lùn thấp, nên ông đã chạy về phía trước, trèo lên một cây sung, hy vọng sẽ nhìn thấy mặt Đức Giê-su khi Người đi ngang qua. Khi tới chỗ Da-kêu núp, Đức Giê-su dừng lại ngước nhìn lên và nói với ông: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông”.

Da-kêu không ngờ lại được Đức Giê-su ưu ái biết rõ tên và còn ngỏ ý muốn đến ở trọ tại nhà ông là một người tội lỗi? Ông cảm thấy rất vui khi được Đức Giê-su phục hồi danh dự trước mặt đám đông luôn ác cảm và khinh dể ông. Còn Đức Giê-su cũng bỏ ngoài tai những lời xì xầm phản đối của nhiều người để đến ở trọ tại nhà một kẻ tội lỗi.

Ơn Cứu độ là kết quả của sự gặp gỡ hai chiều: Thiên Chúa đi tìm và tội nhân tiếp nhận. Nếu Đức Giê-su không đi tìm tội nhân thì chẳng ai có thể được ơn cứu độ: Vì chưng, Con Người đến để tìm kiếm và cứu chữa những gì đã hư mất (Lc 19,10). Nhưng dù Đức Giê-su có đi tìm mà tội nhân lại né tránh, thì họ cũng không thể nhận được ơn cứu độ. Trong câu chuyện hôm nay, Đức Giê-su đã đi bước trước khi nhìn lên cây sung tìm kiếm Da-kêu đang ẩn núp và nói chuyện với ông và ông đã mau chóng đáp lại. Cuối cùng ông và cả gia đình đã nhận được ơn cứu độ.

2) “NÀY ĐÂY PHÂN NỬA TÀI SẢN CỦA TÔI, TÔI CHO NGƯỜI NGHÈO...”:

Chính ánh mắt bao dung, lời nói âu yếm và thái độ yêu thương của Đức Giê-su đã đánh động tâm hồn chai lì của Da-kêu, thổi bùng lên ngọn lửa hướng thiện còn đang leo lét trong lòng ông. Quả thật, hoán cải là kết quả của một sự cảm nhận về tình yêu của Chúa. Da-kêu bỗng chốc cảm thấy tâm hồn hân hoan và không còn yêu thích tiền bạc như trước. Ông đã sẵn sàng hiến phân nửa tài sản chia cho người nghèo, đồng thời tự nguyện đền trả gấp bốn những thiệt hại đã gây cho kẻ khác. Xin đền gấp bốn nghĩa là Da-kêu nhận biết tội của ông quá nặng và quyết tâm thực thi công bình bác ái. Dù Da-kêu đã trở nên nghèo hơn, nhưng ông lại cảm thấy hạnh phúc hơn vì đã được Đức Giê-su yêu thương đến ở trọ tại nhà ông và ban ơn cứu độ cho cả gia đình ông. Người còn trả lại cho ông tư cách là con cháu của tổ phụ Áp-ra-ham giống như bao người Do thái lương thiện khác khi phán: "Ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham" (Lc 19, 9). Trong bữa tiệc vui hôm đó, tuy không còn giàu có như trước, nhưng Da-kêu đã cảm thấy hạnh phúc hơn. Chắc chắn thân thể ông vẫn còn lùn thấp như trước, nhưng tâm hồn ông đã hóa nên cao thượng hơn gấp bội phần.

3) HOÁN CẢI CẦN SỰ TỪ BỎ:

- Bất cứ một cuộc hoán cải nào cũng đòi phải có sự từ bỏ: Một người lương muốn theo đạo Công giáo thì phải từ bỏ ma quỉ, bỏ các điều mê tín dị đoan, các đam mê tội lỗi… để chỉ tin thờ một Thiên Chúa và tin vào Đấng Ngài sai đến là Đức Giê-su Ki-tô. Một người mắc thói xấu cờ bạc, rượu chè, trai gái, hút sách… muốn hồi tâm sám hối cũng phải quyết tâm chừa bỏ các thói hư ấy. Một người buôn gian bán lận, muốn hoán cải quay về với Chúa cũng phải từ bỏ lối làm ăn gian dối ấy…

- Con tim của Da-kêu đã được hoán cải nhờ sự quan tâm và đối xử nhân hậu của Đức Giê-su. Thi hào người Đức Goethe (1749-1832) đã viết như sau: "Nếu đối xử với một người như “người ấy là”, thì người ấy sẽ trở nên xấu hơn. Nếu đối xử với người ấy như “người ấy phải là”, hoặc như “người ấy muốn là”, thì người ấy sẽ trở nên tốt hơn".

- Đức Giê-su hiểu rằng trong tâm hồn Da-kêu còn có phần tốt, muốn làm điều tốt và có khả năng làm điều tốt, nên Người đã khơi phần tốt ấy lên. Mỗi người chúng ta cũng hãy tự hoán cải bằng cách để Đức Giê-su quan tâm đến ta, nói với ta, đến ở trọ trong lòng ta và đánh động con tim của ta để biết quay về với Chúa.

4) HIỆN NAY VẪN CÒN NHIỀU DA-KÊU:

- Da-kêu tượng trưng cho những người bị khinh thường và loại trừ như: những kẻ mang tiền án tiền sự, những trẻ bụi đời lang thang không nhà, những cô gái đứng đường đón khách lúc đêm tối, những người nghiện sì-ke ma túy, những người đi tìm lạc thú trong những quán bia ôm, mượn rượu để giải sầu... Họ cần những trái tim bao dung nhân ái như Đức Giê-su để giúp hoàn lương như Da-kêu trong Tin mừng hôm nay. Vậy trong những ngày này chúng ta có thể làm gì để giúp họ quay về với Chúa?

- Da-kêu cũng là hình ảnh mỗi người chúng ta: Chúng ta thường nghĩ mình chẳng làm gì nên tội: không giết người, không gian dâm, không trộm cắp… Tuy nhiên hãy coi chừng? Tội vì làm điều ác thì có thể chúng ta không mắc phải. Nhưng tội vì bỏ không làm điều tốt giúp đỡ tha nhân thì chẳng ai dám nghĩ mình không phạm. Vậy thì chúng ta cũng hãy noi gương Da-kêu đi tìm Chúa để nhận được ơn Chúa giúp hoán cải.

5. NGUYỆN CẦU:

- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Ngày nay Chúa vẫn thường đến với chúng con trong hình hài của những người nghèo khó ăn xin, những bệnh nhân liệt giường không tiền chữa trị, những người đau khổ cần được ủi an. Chúa cần chút nước giếng của người phụ nữ Sa-ma-ri cho đã khát; Cần năm chiếc bánh và hai con cá của một bé trai dâng hiến để nhân ra nhiều nuôi năm ngàn người ăn no; Cần căn nhà của Da-kêu để nghỉ qua đêm... Chúa khiêm tốn xin chúng con một chút tiền bạc, một chút lòng hảo tâm, một chút sự thương cảm... để sau đó Chúa lại đổ xuống muôn ngàn phúc lộc thiêng liêng gấp bội.

- LẠY CHÚA. Xin dạy chúng con biết đến với tha nhân, biết khám phá ra đốm lửa của sự thiện còn đang cháy leo lét nơi tâm hồn những người lạc xa Chúa. Ước gì chúng con biết nhìn các tội nhân bằng ánh mắt nhân từ bao dung của Chúa, dám hy vọng vào thiện chí hoán cải của họ, và kêu gọi mọi người cùng hợp tác để xua tan cái xấu cái ác ra khỏi gia đình, khu xóm, trường học, và công sở... Nhờ đó, thế giới hôm nay sẽ được biến đổi ngày một nên tốt hơn, chan hòa tình người hơn và an bình hạnh phúc hơn.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A. - Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây