TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm A

06/11/2023 06:24:14 |   898

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm A

cn t32 TNa

Mt 25,1-13


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm A

Ca nhập lễ

Xin cho lời tôi khẩn nguyện thấu đến tai Chúa; lạy Chúa, xin Chúa lắng tai nghe tiếng tôi kêu cầu.

Dẫn nhập Thánh lễ

Dụ ngôn mười cô trinh nữ được Chúa Giêsu dùng để khuyên các tín hữu phải khôn ngoan tỉnh thức và sẵn sàng chờ đón Người tái lâm, hầu được chia sẻ hạnh phúc với Người trên Nước Trời. Có những người khờ dại không chuẩn bị trước, khi Chúa đến bất ngờ, họ sẽ không đủ điều kiện: Cây đèn đức tin của người tín hữu nếu thiếu dầu ân sủng thì sẽ không cháy sáng được đức ái, và do đó không thể theo Đức Kitô vào dự bàn tiệc Nước Trời đời đời.

Những bài đọc trong lễ Chúa Nhật XXXII nhắc nhở mỗi người chúng ta hãy biết sống sự chờ đợi này. Chúng ta thực sự tin rằng sau cuộc sống trần thế tạm gởi này sẽ có một cuộc sống vĩnh hằng và nếu mất cuộc sống sau này là mất tất cả. Cuộc sống đời sau được bắt đầu từ cuộc sống này. Vì thế, chúng ta hãy thanh tẩy tầm hồn để xứng đáng tham dự Thánh lễ là thời gian được hưởng những hạnh phúc vĩnh cửu.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng và nhân hậu, xin đẩy xa những gì cản bước tiến chúng con, trên đường về với Chúa, để một khi xác hồn thanh thản, chúng con được hoàn toàn tự do thực hiện ý Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Kn 6, 13-17 (Hl 12-16)

“Những ai tìm kiếm sự khôn ngoan, sẽ gặp được nó”.

Trích sách Khôn Ngoan.

Sự khôn ngoan sáng tỏ, và không bao giờ lu mờ, những ai yêu mến nó, sẽ xem nó dễ dàng, và những ai tìm kiếm nó, sẽ gặp được nó. Nó sẽ đón tiếp những ai khao khát nó, để tỏ mình ra cho họ trước.

Từ sáng sớm, ai tỉnh thức tiến lại gần nó, sẽ không lao nhọc, vì sẽ gặp nó ngồi nơi cửa nhà mình. Vậy tưởng nhớ đến nó là được khôn sáng vẹn tuyền; và ai tỉnh thức vì nó, sẽ chóng được an tâm. Vì nó chu du tìm kiếm những kẻ xứng đáng với mình, vui vẻ tỏ mình ra cho những kẻ ấy trong các đường lối, và hết sức ân cần đón tiếp họ.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 62, 2. 3-4. 5-6. 7-8

Ðáp: Lạy Chúa là Thiên Chúa con, linh hồn con khao khát Chúa

Xướng: Ôi lạy Chúa, Chúa là Thiên Chúa của con, con thao thức chạy kiếm Ngài. Linh hồn con khát khao, thể xác con mong đợi Chúa con, như đất héo khô, khát mong mà không gặp nước.

Xướng: Con cũng mong được chiêm ngưỡng thiên nhan ở thánh đài, để nhìn thấy quyền năng và vinh quanh của Chúa. Vì ân tình của Ngài đáng chuộng hơn mạng sống, miệng con sẽ xướng ca ngợi khen Ngài.

Xướng: Con sẽ chúc tụng Ngài như thế trọn đời con, con sẽ giơ tay kêu cầu danh Chúa. Hồn con được no thỏa dường như bởi mỹ vị cao lương, và miệng con ca ngợi Chúa với cặp môi hoan hỉ.

Xướng: Trên giường ngủ, khi con nhớ Chúa, con ngẫm suy về Chúa suốt năm canh. Vì Chúa đã ra tay trợ phù con, để con được hoan hỉ núp trong bóng cánh của Ngài.

Bài đọc II: 1 Tx 4, 13-14 {hoặc 13-18}

“Nhờ Ðức Giêsu, Thiên Chúa sẽ đem những người đã chết đến làm một với Người”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.

Anh em thân mến, chúng tôi chẳng muốn để anh em không biết gì về số phận những người đã an nghỉ, để anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những kẻ không có niềm hy vọng. Vì nếu chúng ta tin Ðức Giêsu đã chết và đã sống lại, thì cũng vậy, những người đã chết nhờ Ðức Giêsu, Thiên Chúa sẽ đem họ đến làm một với Người.

{Bởi vậy, chúng tôi dựa vào lời Chúa để nói cùng anh em điều này: chúng ta, những kẻ đang sống, những kẻ còn sót lại khi Chúa đến, thì chúng ta không đi trước những người đã an nghỉ. Vì khi nghe lệnh và tiếng Tổng lãnh Thiên thần, và tiếng loa Thiên Chúa, thì chính Chúa từ trời ngự xuống, và những người đã chết trong Ðức Kitô sẽ sống lại trước hết, rồi đến chúng ta, những kẻ đang sống, những kẻ còn sống sót, chúng ta sẽ được nhắc lên cùng với họ trên các tầng mây, đi đón Ðức Kitô trên không trung, và như vậy, chúng ta sẽ được ở cùng Chúa luôn mãi. Vì thế, anh em hãy dùng những lời đó mà an ủi nhau.}

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: 1 Sm 3, 9

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 25, 1-13

“Kìa chàng rể đến, hãy ra đón người”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này: “Nước trời giống như mười trinh nữ cầm đèn đi đón chàng rể. Trong số đó có năm cô khờ dại và năm cô khôn ngoan. Năm cô khờ dại mang đèn mà không đem dầu theo; còn những cô khôn ngoan đã mang đèn lại đem dầu đầy bình. Vì chàng rể đến chậm, nên các cô đều thiếp đi và ngủ cả.

“Nửa đêm có tiếng hô to: Kìa chàng rể đến, hãy ra đón người. Bấy giờ các trinh nữ đều chỗi dậy, sửa soạn đèn của mình. Những cô khờ dại nói với các cô khôn ngoan rằng: “Các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em đã tắt cả”. Các cô khôn ngoan đáp lại rằng: “E không đủ cho chúng em và các chị, các chị ra (nhà) hàng mà mua thì hơn”. Song khi họ đang đi mua, thì chàng rể đến. Những trinh nữ đã sẵn sàng thì theo chàng rể cùng vào tiệc cưới, và cửa đóng lại. Sau cùng các trinh nữ kia cũng đến và nói: “Thưa Ngài, xin mở cửa cho chúng tôi”. Nhưng Người đáp lại: “Ta bảo thật các ngươi, ta không biết các ngươi”.

“Vậy hãy tỉnh thức, vì các ngươi không biết ngày nào, giờ nào”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Những Chúa nhật cuối cùng của năm Phụng Vụ mời gọi ta suy nghĩ cách nghiêm chỉnh về những gì đang chờ đợi chúng ta vào lúc cuối đời: Đó là cuộc gặp gỡ giữa chúng ta với Chúa. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta biết luôn sẵn sàng khi ngày đó đến.

1. Từng ngày sống của Hội Thánh là từng bước tiến về niềm hy vọng Chúa quang lâm, – Xin cho niềm tin trong Hội Thánh như đèn luôn cháy sáng, nhờ đạo lý chân thật mà Giáo Hội trung thành gìn giữ, thực thi đức ái phổ quát, để Hội Thánh như một Tân Nương đón chờ đức Lang Quân Chí Thánh.

2. “Sự khôn ngoan sáng tỏ sẽ không bao giờ lu mờ”. – Xin cho mọi tín hữu được thông phần sự khôn ngoan của Đức Kitô biết chuẩn bị dầu đèn, để họ trở nên ánh sáng đức tin hướng dẫn những ai đang mong tìm về bến cứu độ.

3. “Chính Chứa Kitô từ trời ngự xuống và những người đã chết trong Chúa Kỉtô sẽ sống lai”. – Xin cho Hội Thánh toàn cầu chú tâm đến việc hiệp nhất Kitô hữu, hầu qui tụ mọi người thành nhiệm thể Chúa Kitô toả sáng trong ngày thế mạt.

4. “E không đủ” – Biết bao lần chúng ta đã tìm cách tránh né trước những nhu cầu cần thiết của tha nhân. Xin cho mọi người trong giáo xứ, luôn có một trái tim sẵn sàng ban phát, để chia sẻ dầu đèn, chuẩn bị vào tiệc cưới với Chiên Con.

Chủ tế: Lạy Chúa, như những cô trinh nữ khôn ngoan, xin cho ngọn đèn đức tin trong tâm hồn chúng con được mãi mãi thắp sáng, để dẫu giữa những gian khổ, thử thách, chúng con vẫn luôn biết dự phòng dầu đức ái để được cùng Hôn Phu Kitô vào tiệc cưới vĩnh hằng. Chúng con cầu xin

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin mở lượng khoan hồng đoái nhìn lễ vật Hội Thánh Chúa tiến dâng; để khi cử hành lễ tưởng niệm Con Chúa chịu khổ hình thập giá, chúng con biết đem cả tâm hồn lãnh nhận ơn phục sinh. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi, trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ, Người hướng dẫn tôi tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi.

Hoặc đọc:

Hai môn đệ đã nhận ra Chúa Giêsu khi Người bẻ bánh.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con xin hết lòng cảm tạ, vì Chúa đã dùng của ăn thánh bồi dưỡng chúng con, và tuôn đổ trên chúng con sức mạnh của Chúa, xin tiếp tục ban ơn Thánh Thần giúp chúng con bền chí sống cuộc đời ngay thẳng. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Sẵn sàng

Cách đây 1900 năm, núi lửa Vesuve đã phun lên ở Ý. Toàn bộ thành phố Rompei đã bị chôn vùi dưới lớp phún xuất thạch dày tới 6 mét và giữ nguyên dạng như thế cho đến nay. Khi các nhà khảo cổ khai quật, mọi người đều ngạc nhiên và sửng sốt. Phún xuất thạch đã làm đông cứng tất cả trong tư thế đang có khi tai hoạ đổ xuống: Thân xác con người bị huỷ hoại, nhưng trong khi huỷ hoại, chúng đã để lại những lỗ trống trên lớp tro cứng. Người ta dùng thạch cao đổ vào những lỗ trống ấy và khôi phục lại được hình dạng của các nạn nhân. Chẳng hạn một người mẹ đang ôm chắt đứa con trong vòng tay của mình, một người lính Rôma đang đứng thẳng tại trạm gác với đầy đủ vũ khí, anh ta đã trung thành với bổn phận cho tới giây phút cuối cùng. Một người đàn ông tay cầm gươm, chân đạp trên đống vàng, rải rác chung quanh là năm xác chết, có lẽ là những kẻ định cướp số vàng trên.

Tất cả những hình ảnh này là một bức tranh sống động làm nổi bật chủ đề của thánh lễ hôm nay. Đó là ngày tận thế, ngày kết thúc vũ trụ vật chất này, ngày Chúa trở lại trong vinh quang chắc chắn sẽ xảy ra, nhưng lại xảy ra một cách bất ngờ, như tên trộm viếng thăm vào ban đêm, như chàng rể đến muộn khi các cô phù dâu đã thiếp ngủ. Chính vì thế mà mỗi người chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng, để chờ đón không phải chỉ ngày cuối cùng của vũ trụ, mà còn là ngày cuối cùng của đời mình, lúc chúng ta phải tính sổ với Chúa.

Vào giây phút trọng đại ấy, liệu chúng ta có sẵn sàng như những cô trinh nữ khôn ngoan, hay lại chẳng chuẩn bị gì cả như những cô trinh nữ dại khờ, để rồi sẽ phải nghe lời phán quyết lạnh lùng: Ta không biết các ngươi. Tất cả những ý nghĩ trên không phải là những điều chúng ta nghe qua rồi để ngoài tai, hay mặc cho nó chìm vào quên lãng. Trái lại phải trở nên như một tiếng chuông cảnh tỉnh Chúa gởi đến với mỗi người chúng ta, để thôi thúc và lôi kéo chúng ta ra khỏi một cuộc sống tội lỗi. Chúng ta là những người thật may mắn và diễm phúc, bởi vì Chúa còn dành cho chúng ta một khoảng thời gian. Khoảng thời gian này có thể là lâu hay mau, sáu bảy chục năm hay chỉ đôi ba ngày, chúng ta không được biết, nhưng khoảng thời gian này cũng đủ để chúng ta ăn năn sám hối, thay đổi nếp sống, làm lại cuộc và sắm sẵn cho mình những hành trang cần thiết, để bất kỳ lúc nào Chúa gõ cửa viếng thăm thì chúng ta luôn sẵn sàng thưa lên với Ngài: Lạy Chúa, này con xin đến.

Vừa mang đèn, vừa mang dầu
(Trích trong ‘Manna’)

Suy Niệm

Chẳng ai nghĩ đi ăn sinh nhật là để chết. Chẳng ai nghĩ mình sẽ chết vào ngày sinh nhật của mình. Vụ cháy ở nhà hàng Hoàng Hôn đường Điện Biên Phủ, nhắc cho ta về sự bất ngờ của cái chết. Cái chết đến khi mọi người đang say ngủ, lúc 3 giờ sáng ngày 17-10, sau bữa tiệc sinh nhật. Chín người chết vì không thể ra khỏi căn nhà bốc cháy.

Đoạn Tin Mừng hôm nay nhắc ta rằng Chúa đến bất ngờ, như chú rể đến lúc nửa đêm. Chúng ta phải sẵn sàng như năm cô phù dâu khôn ngoan, hân hoan ra đón chú rể, tay cầm đèn thắp sáng.

Thật ra năm cô dại chẳng phải là hạng vô tích sự. Chắc họ đã lo trang điểm cho mình. Khi biết mình hết dầu, họ đã lo vay mượn. Và khi bị từ chối, họ đã đi mua dầu giữa đêm khuya. Lúc có đèn sáng, họ đã gõ cửa xin vào dự tiệc cưới. Nhưng muộn quá!

“Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô!”

Chẳng nên đổ lỗi cho chú rể đến chậm, khiến đèn của mình hết dầu. Chẳng nên trách móc các cô khôn ngoan, vì họ cần có đủ dầu để thắp sáng cho tiệc cưới giữa đêm khuya. Chỉ nên nhận mình đã chểnh mảng, không mang dầu dự trữ.

Có đèn. Không đủ! Đèn cần phải sáng, sáng lúc Chúa đến bất ngờ. Như thế cũng có nghĩa là phải luôn luôn sáng.

Mang danh là Kitô hữu. Không đủ! Tham gia vào một số sinh hoạt tôn giáo. Không đủ! Cần phải sống hết mình những đòi hỏi của Chúa. Đòi hỏi lớn nhất là yêu thương.

Trong Hội Thánh, vẫn có những cô khôn và cô dại, có những người đèn đã hết dầu từ lâu…

Cần chăm chút cho ngọn đèn đời mình.

Cần nuôi dưỡng nó bằng thứ dầu của tình yêu bao dung, của niềm hy vọng vững vàng, của niềm tin sắt đá.

Cần châm thêm dầu mỗi ngày…

Hãy tỉnh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.

Tỉnh thức không phải là không ngủ… Cả mười cô trinh nữ phù dâu đều đã thiếp ngủ.

Tỉnh thức không phải là suốt ngày đọc Lời Chúa, nhưng là để Lời Chúa chi phối mình suốt ngày.

Chẳng ai biết lúc nào tận thế. Chẳng ai biết giờ chết của mình. Chẳng ai biết hôm nay Chúa hẹn mình ở đâu, trong biến cố nào, nơi con người nào. Chính vì thế phải tỉnh thức luôn, cả trong giấc ngủ.

Người ta biết mình bắt đầu tỉnh thức, khi nhận ra mình đã mê muội.

Gợi Ý Chia Sẻ

Nạn ma tuý đã đi vào trường học và tác hại trên người trẻ. Theo ý bạn, phải làm gì để ngăn chặn?

Nếu định nghĩa ma tuý là tất cả những chất gây nghiện, khiến con người có nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao, không thể cưỡng lại được, thì theo ý bạn, đâu là những thứ ma tuý hiện nay đang mê hoặc giới trẻ? (rượu, cờ bạc, bạo lực, tình dục…)

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

nếu ngày mai Chúa quang lâm, chắc chúng con sẽ vô cùng lúng túng.

Thế giới này còn bao điều khiếm khuyết, dở dang, còn bao điều nằm ngoài vòng tay của Chúa.

Chúa đâu muốn đến để hủy diệt, Chúa đâu muốn mất một người nào…

Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa xây dựng một thế giới yêu thương và công bằng, vui tươi và hạnh phúc, để ngày Chúa đến thực là một ngày vui trọn vẹn cho mọi người và cho cả vũ trụ.

Xin nuôi dưỡng nơi chúng con niềm tin vững vàng và niềm hy vọng nồng cháy, để tất cả những gì chúng con làm đều nhằm chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại.

Trinh nữ khôn ngoan
ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

Đám cưới là một sinh hoạt bình thường của con người. Chúa đã dùng một sinh hoạt bình thường của xã hội để nói về Nước Trời cho mọi người dễ hiểu. Qua dụ ngôn này, Chúa sánh ví Nước Trời giống như một đám cưới. Chúa chính là chàng rể. Linh hồn là trinh nữ. Giờ Chúa đến là giờ ta từ giã đời này. Tiệc cưới là hạnh phúc Nước Trời. Bóng đêm là những thử thách ta gặp trên đường về Nước Trời. Chàng rể đến muộn nói lên tính cách bất ngờ của giờ chết. Qua dụ ngôn này, Chúa hé mở cho ta mấy chân lý về Nước Trời.

Hạnh phúc Nước Trời là được sống với Chúa. Hình ảnh con người sống với Thiên Chúa được diễn tả thật sinh động qua hình ảnh đám cưới. Cưới ai là cho người ấy được ngang hàng, được chung hưởng địa vị, chia sẻ quyền lợi. Chúa đến cưới lấy con người. Cho con người được vào sống trong nhà Chúa, được chia sẻ hạnh phúc với Chúa. Chúa là nguồn mạch hạnh phúc. Được sống với Chúa và được Chúa yêu thương, linh hồn sẽ không còn mơ ước điều gì hơn nữa.

Con người được Chúa trân trọng. Hình ảnh chàng rể đến giữa đêm khuya thật gợi ý. Chúa đến tận nơi tìm ta. Chúa không triệu ta đến như ông vua ra lệnh cho thần dân. Nhưng Chúa trân trọng đến đón rước linh hồn. Và để đến tìm ta, Chúa phải vượt suối băng ngàn, đi trong đêm hôm khuya khoắt. Chúa yêu thương ta biết bao.

Mọi người được mời gọi. Chúa mong ước mọi người được ơn cứu độ. Chúa mong ước cho ta được hạnh phúc. Dựng nên con người, Chúa muốn mọi người được chia sẻ hạnh phúc với Chúa. Nên cả mười cô trinh nữ đều được tuyển chọn để đi đón chàng rể. Cả mười cô được dự kiến sẽ vào dự tiệc vui với chú rể. Chàng rể đến mong cả mười cô đều tham dự vào đám rước dâu và vào dự tiệc cưới.

Nhưng ai có đủ điều kiện mới được vào. Điều kiện được diễn tả như ngọn đèn cháy sáng. Đi rước dâu đòi phải cầm đèn. Đèn ai sáng mới được dự vào đám rước. Đèn tắt bị loại ra ngoài. Những người cầm đèn sáng là những người tha thiết yêu mến Chúa nên chăm lo thực hành lời Chúa, biểu lộ lòng yêu mến Chúa bằng những việc làm cụ thể. Còn những người đèn tắt là những người tuy cũng muốn vào dự tiệc cưới nhưng không chịu chuẩn bị. Họ là những người tin theo phong trào, giữ đạo theo dư luận, có tên trong sổ rửa tội, nhưng đời sống hoàn toàn như người không có đức tin. Có đèn mà không có dầu. Có đèn mà đèn để tắt. Có đạo mà không giữ đạo. Biết luật Chúa nhưng không chịu thực hành.

Các con Thiếu Nhi Thánh Thể thân mến,

Thánh Thể vốn là một bữa tiệc Chúa Giêsu mời gọi ta vào dự. Được dự tiệc Thánh Thể là được đồng bàn với Chúa. Thánh Thể là bữa tiệc hạnh phúc vì trong Thánh Thể Chúa yêu thương hiến mình cho ta. Thánh Thể là bữa tiệc đem lại sự sống đời đời. Thánh Thể là bữa tiệc cưới trong đời ta được kết hiệp nên một với Chúa. Thật hạnh phúc cho ta.

Vì yêu thương, nên Chúa Giêsu cũng đã từ trời xuống thế tìm ta. Để được con người Chúa đã phải trải qua biết bao vất vả khó nhọc. Nhất là phải chịu nhục nhã và chịu chết nữa. Hôm nay Chúa vẫn ở trong nhà chầu chờ đợi ta.

Trong nhà thờ luôn có ngọn đèn chầu. Khi không có ai thờ phượng Chúa, thì có ngọn đèn chầu lúc nào cũng thắp sáng để thờ phượng Chúa. Thiếu Nhi Thánh Thể nguyện là những ngọn đèn chầu ơ bên cạnh Chúa. Mỗi khi các con đến viếng Chúa Giêsu Thánh Thể, các con trở nên những ngọn đèn chầu. Càng có nhiều ngọn đèn chầu và những ngọn đèn chầu càng sáng lâu thì trái tim Chúa càng được sưởi ấm.

Ngọn đèn chầu của các con được sáng lâu và sáng mạnh là nhờ các con sống bí tích Thánh Thể. Như Chúa Giêsu hiến mạng sống để tuân theo thánh ý Đức Chúa Cha, Thiếu Nhi Thánh Thể hãy luôn yêu mến và làm theo ý Chúa. Như Chúa Giêsu hiến mạng sống vì tha nhân. Thiếu Nhi Thánh Thể hãy biết yêu mến mọi người. Như Chúa Giêsu đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. Thiếu Nhi Thánh Thể hãy biết khiêm tốn phục vụ mọi người. Như Chúa Giêsu đã là tấm bánh bẻ ra nuôi dưỡng mọi người. Thiếu Nhi Thánh Thể hãy biết chia sẻ cơm áo với những người nghèo, viếng thăm an ủi những người buồn khổ. Thực hành bí tích Thánh Thể là chất dầu giữ cho ngọn đèn tâm hồn các con luôn cháy sáng. Với ngọn đèn cháy sáng trên tay, các con sẽ an ủi Chúa Giêsu Thánh Thể và khi Chúa đến, các con sẽ cầm đèn cháy sáng cùng Chúa vào tham dự hạnh phúc Nước Trời.

GỢI Ý CHIA SẺ

1- Dụ ngôn 10 cô trinh nữ có ý nghĩa gì?

2- Bạn chuẩn bị thế nào để được vào dự tiệc Nước Trời?

3- Chúa đến bất ngờ. Điều này dạy ta phải làm gì để sẵn sàng đón Chúa.

NĂM CÔ TRINH NỮ KHÔN NGOAN
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần XXXII Thường Niên, Năm A này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta xin Chúa đẩy xa những gì cản bước tiến chúng ta, trên đường về với Chúa, để một khi xác hồn thanh thản, chúng ta được hoàn toàn tự do thực hiện ý Chúa.

Trên đường về với Chúa, chúng ta thường xuyên bị cản bước tiến, do bởi sự ngu dại của chính mình. Điều mà thế gian cho là khôn ngoan, thì lại là ngu dại đối với Thiên Chúa, ngược lại, khôn ngoan của Thập Giá, thì lại là ngu dại và điên rồ đối với thế gian. Khôn ngoan của thế gian sẽ làm cho chúng ta bị trói buộc, mất tự do; Khôn ngoan của Thập Giá sẽ làm cho chúng ta được thanh thản, hoàn toàn tự do để thực hiện ý Chúa.

Đức khôn ngoan rất cần thiết cho chúng ta trong việc tuân giữ những gì Chúa dạy. Trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, nhờ ơn khôn ngoan Chúa ban, mà Đanien và các bạn vẫn giữ được Luật Chúa, không ăn những đồ ô uế, ngay tại triều đình vua ngoại đạo: Họ được Chúa ban ơn hiểu nhiều, biết rộng, về tất cả chữ nghĩa, và lẽ khôn ngoan. Chúa cho lòng họ đầy tràn ơn thông hiểu. Khi vua hỏi họ: về bất cứ điều gì, cần đến sự khôn ngoan và tài trí, vua đều được toại lòng.  Bài đọc một của Thánh Lễ, được trích từ sách Khôn Ngoan, chỉ với vỏn vẹn 5 câu, mà cụm từ “Đức Khôn Ngoan” được lặp đi lặp lại đến 14 lần: Ai tìm kiếm, khao khát Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan sẽ cho gặp.

Bài đọc hai của giờ Kinh Sách cho thấy: Do trí khôn mù tối, chúng ta đã tôn thờ gỗ đá, vàng bạc và đồng là những thứ do con người làm ra, và suốt đời, chúng ta sống mà cũng chỉ như đã chết. Chúng ta bị bóng tối bủa vây và chỉ còn nhìn thấy đêm đen dày đặc. Tuy nhiên, Thiên giàu lòng từ bi, Người không để chúng ta chết trong sự ngu muội của mình, cho nên, Thiên Chúa đã không định cho chúng ta phải chịu cơn thịnh nộ, nhưng được hưởng ơn cứu độ, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng đã chết vì chúng ta, để chúng ta được cùng sống với Người. Người đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái.

Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 62, vịnh gia đã diễn tả sự khôn ngoan của mình qua niềm khao khát Thiên Chúa: Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ, ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa. Linh hồn con đã khát khao Ngài, tấm thân này mòn mỏi đợi trông, như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước. Câu Tung Hô Tin Mừng mà các nhà phụng đã chọn cho ngày lễ hôm nay cho thấy: sự khôn ngoan được diễn tả qua việc tỉnh thức và sẵn sàng: Anh em hãy canh thức và hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.

Bài Tin Mừng cho thấy năm cô khôn ngoan đã mang đèn và mang theo cả chai dầu. Có lẽ, năm cô khôn này cũng đã bị năm cô dại cười nhạo: rườm rà, phiền phức, mất công. Trước khi chàng rể đến, cả mười cô đều như nhau, cũng ngủ cả, nhưng, khi chàng rể đến, thì đã có một sự khác biệt rất lớn, giữa những cô khôn và những cô dại. Tình yêu sẽ làm phát sinh những sáng kiến. Khôn ngoan là ở chỗ đó. Do đó, thánh Autinh nói: Yêu đi, rồi muốn làm gì thì làm. Tình yêu đích thực, thì không bao giờ sai lầm. Thiên Chúa là tình yêu, cho nên, Người không bao giờ sai lầm. Người luôn có những sáng kiến để yêu chiều chúng ta. Sáng kiến vĩ đại của Người chính là sự khôn ngoan của Thập Giá, điều mà thế gian coi là ô nhục, và điên rồ. Niềm khao khát đón gặp chàng rể, khiến các cô khôn chuẩn bị thêm cả chai dầu: dù có phiền phức, vất vả, khó chịu một chút, nhưng, lại là sáng kiến khôn ngoan của tình yêu. Tình yêu đáp đền tình yêu, ân tình đền đáp ân tình. Ước gì chúng ta biết khước từ sự khôn ngoan của thế gian, để trở nên ngu dại, và điên rồ vì Đức Kitô, hầu chúng ta luôn biết tỉnh thức và sẵn sàng với một tình yêu tự do thực thi ý Chúa, để rồi, chúng ta được thong dong cùng Chúa tiến vào Tiệc Cưới.

 

CANH THỨC SẴN SÀNG
“Các cô dại nói với các cô khôn rằng: ‘Xin các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em sắp tắt rồi.’ Các cô khôn đáp: ‘Sợ không đủ cho chúng em và cho các chị đâu, các chị ra hàng mà mua lấy thì hơn’.” (Mt 25,1-13).

Suy niệm: Thoạt mới nghe, có lẽ chúng ta cũng thắc mắc: sao các cô khôn lại không thể chia sẻ cho những cô dại chút ít dầu nhỉ? Còn đâu là tinh thần bác ái nữa! Nếu chỉ là chuyện dầu đèn thì thắc mắc như vậy cũng không sai. Nhưng dụ ngôn muốn nói đến những điều đi xa hơn chuyện dầu đèn. Quả thực, có những điều chúng ta có muốn chia sẻ cũng không thể được. Có cảm thông nỗi  đau của người bệnh, tôi cũng không thể chia sẻ sức khoẻ của tôi cho họ được; người thân của tôi đang hấp hối, muốn ‘chuyển khoản’ cho họ chút ít thời gian để họ sống thêm với mình cũng đành bất lực... Vâng, cuộc đời là một cuộc hành trình mà mỗi người phải tự đi, không ai thay thế được. Vậy hãy chuẩn bị đầy đủ dầu đèn cho cuộc hành trình ấy: hãy là một ngọn đèn chứa đầy chất dầu của tình yêu thương, và luôn cháy sáng bằng những hành vi ngay chính.

Mời Bạn: Phải chăng cứ ở lì trong nhà thờ đọc kinh là cách tốt nhất để chuẩn bị cho hành trình về đời sau? Chắc chắn là không. Mà là sống kết hiệp thường xuyên với Đức Ki-tô và chu toàn tốt đẹp mọi bổn phận hằng ngày của mình. Phần bạn, có bao giờ bạn nghĩ đến giờ ra đi của mình chưa? Bạn đã chuẩn bị thế nào cho cuộc hành trình đó?

Sống Lời Chúa: Không ai biết mình ra đi lúc nào, hãy năng kết hiệp với Chúa.

Cầu nguyện: Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để cho tôi tớ Chúa được an bình ra đi, vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân. (Nunc Dimittis).

Ngày 12 tháng 11: Lạy Chúa! Khi cầu nguyện cho những người đã qua đời, xin cho chúng con cũng biết xin cho chính mình được ơn chết lành, muốn “chết lành”, thì trước hết, chúng con phải lo “sống thánh” bằng cách thực hành các mối phúc mà Chúa đã truyền dạy: “Phúc cho ai trong sạch”. Những việc làm của yêu thương phải xuất phát từ một quả tim trong sạch. Chính ý hướng trong trái tim là nguồn gốc của những khao khát và những quyết định thâm sâu dẫn tới các hành động của chúng con. Một trái tim yêu mến Chúa và tha nhân cách chân thành là một trái tim trong sạch: có khả năng nhìn thấy Chúa. Xin cho chúng con có được quả tim tinh tuyền, để những suy nghĩ, lời nói, việc làm của chúng con trong cuộc sống hằng ngày, đều xuất phát từ một tấm lòng trong sạch: chỉ chất chứa một mình Chúa mà thôi. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

 

KHÔN NGOAN HAY KHỜ DẠI
Chúa Nhật 32 Thường Niên năm A: Mt 25, 1-13 - Lm. Thái Nguyên

LmTN 081123a


Suy niệm

Ðoạn Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta: Chúa đến bất ngờ

như chú rể đến lúc nửa đêm, nên phải luôn sống trong thái độ tỉnh thức để đón chờ. Trong ý nghĩa đó, Đức Giêsu đưa ra dụ ngôn về mười cô trinh nữ đi đón chú rể đến, nhưng chỉ có năm cô khôn ngoan mới hỉ hoan đón mừng chú rể với đèn sáng trong tay, và cùng với chú rể đi vào dự tiệc cưới. Khôn ngoan vì các cô đã chuẩn bị đầy đủ đèn dầu, trong tư thế sẵn sàng dù chàng rể có đến khuya. Còn năm cô khờ dại, mang đèn mà lại không mang dầu, lúc chàng rể đến mới hối hả lo toan. Trong tình thế cấp bách, họ đành phải vay mượn các chị em kia. Nhưng đã tới thời điểm quyết định, mỗi người phải tự đủ cho mình, không ai còn có thể giúp ai, nên van nài cũng vô ích: “Các chị nên ra hàng mua thì hơn”. Nhưng rất tiếc là không còn kịp nữa, thời gian đã hết hạn, chàng rể đã đến, những cô đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới”, và cửa đã đóng lại. 

Đèn là biểu tượng của đức tin vốn soi sáng cho đời sống chúng ta, trong khi dầu là biểu tượng của đức mến vốn nuôi dưỡng, làm cho ánh sáng của đức tin sinh hoa kết trái, là đời sống thánh thiện. Điều kiện sẵn sàng để gặp gỡ Chúa là đức tin, nhưng đức tin không có hành động là đức tin chết, nên đức tin phải được thể hiện qua đức ái. Đi lễ không đủ mà còn phải dấn thân phục vụ. Giữ đạo không đủ mà còn phải sống đạo và truyền đạo. Kinh kệ không đủ mà còn phải liên đới với mọi tình cảnh của con người. Như vậy, khôn ngoan hay khờ dại không phải là một diễn biến trong chốc lát, nhưng nó đã được hình thành từ một quan niệm sống, và đã trở thành một lối sống. Nói cách khác, khôn ngoan hay khờ dại là do mình đã lựa chọn một cách sống. Sai lầm hay thiếu sót đều có thể rút kinh nghiệm để bắt đầu lại, nhưng rất tiếc, có những cơ hội qua đi không bao giờ trở lại, đã mất là mất mãi muôn đời.  

Khờ dại ở đây không phải là không biết điều mình phải làm, nhưng biết mà đã không làm; biết điều mình phải chuẩn bị nhưng đã không chuẩn bị, đến lúc cần thì không có, đến lúc làm thì đã quá muộn màng. Năm cô quên mang dầu cho ta thấy một cuộc sống cạn cợt, hời hợt, thiếu ý thức về điều quan trọng nhất. Chỉ lo trang điểm và chú tâm vào những chi tiết phụ thuộc bên ngoài, nên chẳng lạ gì mà quên sót điều chính yếu. Không thể biện minh cho thái độ quá chểnh mảng của mình trước một biến cố lớn lao nhất trên đời. Các cô khờ dại sau khi mua dầu được cũng đến xin chủ tiệc mở tiệc mở cửa, nhưng mọi sự đã được quyết định rồi, có van xin cũng vậy thôi: “Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô!”. Buồn thay, cùng là những bạn bè thân tình với nhau, nhưng rồi chỉ trong phút chốc mà số mệnh đành rẽ lối, cũng chỉ vì tính ơ hờ, không lo điều phải lo.

Ta không thể vay mượn nhân cách và vốn liếng đạo đức của người khác. Nhất thiết phải có những điều mình tự tạo lấy, không thể dựa dẫm vào ai được. Cổ nhân có câu: “Tự trợ giả Thiên trợ”. Không tự giúp mình thì Trời không thể giúp. Theo nghĩa đó, ngày Chúa đến cũng không phải là điều bất ngờ. Bất ngờ là vì mình đã không có điều mình phải có, không sống điều mình phải sống, không làm điều mình phải làm, nhất là chỉ lo thể hiện những cái không cần thể hiện. Chúa đã trách Matta: “Con lo lắng bối rối về nhiều chuyện quá, chỉ có một điều cần mà thôi”. Albert Einstein cũng minh định rằng: “Tôi chỉ muốn biết ý muốn của Thượng Đế là gì, những thứ còn lại không quan trọng”.

Điều quan trọng là ta coi trọng cái gì? Coi trọng điều không quan trọng là khờ dại. Chính cái ta coi trọng sẽ định hướng mọi hành vi của ta, và cũng từ đó phát sinh một thái độ sống trong mọi tương quan, với Chúa cũng như với tha nhân. Điều quan trọng là ta cần nhớ lời Chúa Giêsu căn dặn: “Vậy anh em hãy tỉnh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào”. Chẳng ai có thể tỉnh thức nếu thiếu một tình yêu nồng cháy. Tình yêu đó làm cho tâm hồn ta phát sáng trong mọi tình trạng, như đèn vẫn sáng vì luôn có đầy dầu. Thực tế, có những ngọn đèn đã hết dầu từ lâu, nên ta cứ phải chăm chút cho ngọn đèn của đời mình.

Tuổi trẻ có nhiều dự định phải thực hiện, nhiều ước mơ phải hoàn thành. Có bao giờ tôi dừng lại đôi chút để thấy dầu đèn của đời mình còn hay hết? Đức tin và lòng mến của tôi còn phát sáng không, hay chỉ liu riu mập mờ? Chẳng ai biết ngày giờ Chúa đến, nhưng Chúa vẫn bên tôi trong từng biến cố, nơi từng con người, qua từng công việc. Và biết đâu hôm nay sẽ là ngày cuối cùng của đời tôi.“Hãy suy nghĩ như mình sắp chết, nhưng hãy hành động như mình bất tử” (Blanchecotte).

Cầu nguyện

Lạy Chúa!
Nhiều khi con thấy mình sao khờ dại,
như năm cô con gái trong Tin Mừng,
lo mang đèn mà lại chẳng mang dầu,
để đón chờ Chúa đến giữa đêm thâu.


Tuổi trẻ dễ cạn cợt và hời hợt,
thường chỉ lo trau chuốt cái bên ngoài,
mà ít biết trau dồi cái bên trong.
đâu phải con Công mà lo đẹp bộ lông.


Con lo nhiều cho những điều phụ thuộc,
mà rồi dễ quên đi điều chính yếu,
cứ loay hoay theo lối sống người đời,
nên phải đi theo thời chạy theo “mốt”,
mà không lo điều thật tốt cho mình,
để khi bất thình lình giờ Chúa đến,
nhìn lại mình thấy trơ trọi trống không,
lúc nhận ra đã quá trễ tràng rồi.


Nhiều khi con sống quá lơ mơ:
lo có những cái không cần có,
lo biết những cái không cần biết,
lo làm những cái không cần làm.


Xin cho con lo được Chúa trước tiên,
lòng tin mến quan trọng hơn mọi chuyện,
sống thánh thiện lớn lao hơn mọi điều,
đó mới thật là những gì chính yếu.


Đừng mơ chi đến những việc cao siêu,
Đừng đặt nặng về những gì còn thiếu,
cuộc sống không quá nhiều như con tưởng,
chỉ cần sống với tất cả tình thương. Amen.

 

 
 

Chúa nhật tuần lễ thứ 32 thường niên
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 25, 1-13).

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này: “Nước trời giống như mười trinh nữ cầm đèn đi đón chàng rể. Trong số đó có năm cô khờ dại và năm cô khôn ngoan. Năm cô khờ dại mang đèn mà không đem dầu theo; còn những cô khôn ngoan đã mang đèn lại đem dầu đầy bình. Vì chàng rể đến chậm, nên các cô đều thiếp đi và ngủ cả.

“Nửa đêm có tiếng hô to: Kìa chàng rể đến, hãy ra đón người. Bấy giờ các trinh nữ đều chỗi dậy, sửa soạn đèn của mình. Những cô khờ dại nói với các cô khôn ngoan rằng: “Các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em đã tắt cả”. Các cô khôn ngoan đáp lại rằng: “E không đủ cho chúng em và các chị, các chị ra (nhà) hàng mà mua thì hơn”. Song khi họ đang đi mua, thì chàng rể đến. Những trinh nữ đã sẵn sàng thì theo chàng rể cùng vào tiệc cưới, và cửa đóng lại. Sau cùng các trinh nữ kia cũng đến và nói: “Thưa Ngài, xin mở cửa cho chúng tôi”. Nhưng Người đáp lại: “Ta bảo thật các ngươi, ta không biết các ngươi”. “Vậy hãy tỉnh thức, vì các ngươi không biết ngày nào, giờ nào”.

Suy niệm

Niềm vui cuộc sống được coi là một động lực để giúp tìm lại được năng lượng tích cực cho mỗi người khi ngày mới bắt đầu. Niềm vui cuộc sống có lúc rất trọn vẹn, đem lại sự bình an, thanh thản trong tâm hồn cho con người, nhưng có lúc niềm vui đó còn dang dở, còn thiếu đi một chút hương vị ngọt ngào của thái độ đón nhận, hoặc thiếu đi một chút quan tâm từ chủ thể, vì thế, để có được một niềm vui trọn vẹn cho cuộc sống, cần có sự chủ động của cả hai phía, cần có cái nhìn tích cực về chính niềm vui sẽ đến. Phụng vụ Lời Chúa tuần lễ thứ 32 thường niên hướng về một bữa tiệc dành cho đám cưới. Tiệc cưới luôn là một niềm vui lớn cho cô dâu chú rể, cho gia đình đôi bên, cho bạn hữu của đôi bạn và gia đình. Vì thế, để có được một đám cưới viên mãn, cần chuẩn bị mọi thứ thật chủ động và tích cực.

Người khôn ngoan sẽ là người biết chọn lựa những giá trị tích cực cho bản thân, cho cuộc sống hiện tại và tương lai. Tác giả sách Khôn ngoan trong bài đọc 1 đã mở toang cánh cửa kinh nghiệm, để giúp ai đang khao khát đi tìm niềm vui cuộc sống, giúp họ hiểu rằng, Đức Khôn ngoan đang đứng bên cửa, chờ đợi và mong được gặp những ai khao khát. Đức Khôn ngoan sẽ giúp họ chọn lựa, giúp họ biện phân những giá trị thực ảo, giúp họ chuẩn bị cho ngày mai tươi sáng và tích cực hơn: “Sự khôn ngoan sáng tỏ, và không bao giờ lu mờ, những ai yêu mến nó, sẽ xem nó dễ dàng, và những ai tìm kiếm nó, sẽ gặp được nó. Nó sẽ đón tiếp những ai khao khát nó, để tỏ mình ra cho họ trước. Từ sáng sớm, ai tỉnh thức tiến lại gần nó, sẽ không lao nhọc, vì sẽ gặp nó ngồi nơi cửa nhà mình”. Để cuộc sống có nhiều niềm vui và tăng thêm hương vị, người ta sẽ tìm kiếm sự khôn ngoan, chính sự khôn ngoan đến từ trời cao, sẽ giúp họ hiểu được giá trị, ý nghĩa và niềm vui trong cuộc sống. Cuộc sống con người đâu tự mình mà có, đâu xuất hiện cách ngẫu nhiên, tất cả đều có cội nguồn, đều có nguyên nhân ban đầu.

Cuộc sống hiện tại có thực sự là một niềm vui viên mãn không? Nếu một người có niềm tin, họ sẽ trả lời là không, còn những ai là tín đồ của chủ nghĩa thực dụng, sẽ trả lời là có. Một tín hữu Kitô sẽ trả lời thế nào khi được hỏi về ý nghĩa cuộc sống hiện tại, lắm lúc sẽ lúng túng bởi họ chưa thể phân biệt được giá trị vĩnh cửu và giá trị thực dụng như thế nào. Thánh Phaolô cho chúng ta một câu trả lời thật ý nghĩa qua bài đọc 2 chúng ta sẽ nghe: “Anh em thân mến, chúng tôi chẳng muốn để anh em không biết gì về số phận những người đã an nghỉ, để anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những kẻ không có niềm hy vọng. Vì nếu chúng ta tin Ðức Giêsu đã chết và đã sống lại, thì cũng vậy, những người đã chết nhờ Ðức Giêsu, Thiên Chúa sẽ đem họ đến làm một với Người”. Bàn tiệc viên mãn nhất mọi người đợi chờ đó là bàn tiệc Nước Trời. Đức Giêsu mở cánh cửa niềm vui cho con người, mời con người hướng về bàn tiệc đó với một thái độ tích cực, một tâm hồn thanh thản và một con người mới, luôn biết chọn lựa và chủ động để đón nhận, để lên đường và để dự tiệc.

Câu chuyện các cô gái được mời đi đón chàng rể trong một đám cưới, là hình ảnh của mỗi người được mời, được hòa vào dòng người đợi chờ chú rể đến. Tất cả đều được dự tiệc, tất cả đều mệt, tất cả đều ngủ thiếp, nhưng khi chàng rể đến, ai sẽ là người còn dầu trong đèn để ra đón, đó mới là người có niềm vui trọn vẹn, còn ai thiếu dầu, thiếu sự chủ động, sẽ không bao giờ có một niềm vui trọn vẹn: “Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này: “Nước trời giống như mười trinh nữ cầm đèn đi đón chàng rể. Trong số đó có năm cô khờ dại và năm cô khôn ngoan. Năm cô khờ dại mang đèn mà không đem dầu theo; còn những cô khôn ngoan đã mang đèn lại đem dầu đầy bình. Vì chàng rể đến chậm, nên các cô đều thiếp đi và ngủ cả”. Để có được niềm vui trọn vẹn, cần có một sự biện phân rõ ràng, cần có chút hy sinh và cần có thái độ từ bỏ. Các cô gái có đủ dầu cho đèn mình, đã biết biện phân, biết chủ động và dám buông bỏ những gì không cần thiết hiện tại, để có được một niềm vui trọn vẹn khi chàng rể đến. Còn niềm vui nào, hạnh phúc nào cho bằng được phút giây đặc biệt đó.

Cuộc sống luôn cho con người nhiều cơ hội để chọn lựa. Để chọn lựa đúng, cần có những hiểu biết nhất định, cần có một thái độ tích cực và dám buông bỏ những gì vướng bận. Từ bỏ điều này để được điều kia là điều tất yếu trong cuộc sống, để có được niềm vui trọn vẹn, cần có sự từ bỏ, dám hy sinh, để rồi có một niềm vui lớn. Các cô gái được gọi là khôn ngoan, đã chuẩn bị cho mình vừa đèn, vừa dầu đủ, tất nhiên là họ phải vất vả hơn, cẩn thận hơn, để rồi khi niềm vui đến, họ được hòa nhập và niềm vui vỡ òa. Đức Giêsu đến loan báo về niềm vui ngày cánh chung, ai muốn tham dự phải chuẩn bị cho mình từ hôm nay, thế nhưng, được bao nhiêu người đón nhận lời nhắc đó, bao nhiêu người dám từ bỏ, dám chấp nhận thua thiệt, để có một tương lai viên mãn, một niềm vui trọn vẹn cho ngày sau cùng của cuộc đời.

Những ngày cuối năm phụng vụ đang dần tới, mùa vọng đang ngấp nghé đâu đó, nhưng màu tím của tháng 11 vẫn đang trầm lắng bên cạnh mỗi người, vì thế, niềm vui cuộc sống chưa thể trọn vẹn khi còn bao linh hồn đang phải thanh luyện, đang phải đền bù những thiếu sót trong cuộc đời, người đang sống thì đối diện với muôn khó khăn trong hành trình đức tin, làm sao có được niềm vui trọn vẹn. Thiên Chúa có những phương thế giúp con người dám từ bỏ, dám chấp nhận và dám hy sinh, bằng cách để cho người Con của Ngài chấp nhận cái chết vì yêu, vì muốn con người có được niềm vu trọn vẹn. Từ đây, người Kitô hữu còn sống sẽ có những phút giây bình an, hạnh phúc viên mãn ngay từ hôm nay, khi dám từ bỏ tà thần, từ bỏ những gì thuộc về thế gian và những gì là cái tôi của bản thân. Những người thân đang thanh luyện chắc họ cũng đang ngập tràn niềm vui và hy vọng, nên chấp nhận thanh luyện, chấp nhận đền bù những thiếu sót trong cuộc đời, để ngày mai đây được ngập tràn trong niềm vui trọn vẹn nơi quê hương đích thực là Nước Trời.

Từ bỏ Thiên Chúa, thỏa hiệp với chiến tranh, dung túng cho những hành vi tội ác, là những niềm vui trọn vẹn với con người không? Chắc chắn là không, bởi sự cố chấp và yếu đuối nên họ bị mê hoặc trong lòng tham, bị dụ dỗ trong sự vinh hoa phú quý, bị cuốn theo vì những lời đường mật của quyền bính. Tất cả như là niềm vui trọn vẹn, theo suy nghĩ của thế gian. Họ đã lầm, họ là những cô gái mang đèn mà không đem theo dầu cần thiết, để rồi kết thúc niềm vui hiện tại, họ đánh mất cơ hội tận hưởng niềm vui trọn vẹn là Nước Trời. Đó là những gì người Kitô hữu cần phải chân nhận để xa tránh, để thức tỉnh chính mình và để chuẩn bị cho ngày mai tốt đẹp và ý nghĩa hơn.

Lạy Chúa, để có được niềm vui trọn vẹn trong Nước Trời, Chúa dạy chúng con hãy biết chọn lựa, biết từ bỏ và biết hy sinh, xin giúp chúng con nhận ra sự khôn ngoan của Thiên Chúa luôn bên cạnh, để chúng con biết cầu xin sự soi sáng, cầu xin sự khôn ngoan, để mai ngày mọi người được ngập tràn trong niềm vui trọn vẹn là Nước Trời. Con đường Chúa giới thiệu với chúng con để được ngập tràn niềm vui trọn vẹn là con đường mang tên Giêsu, xin giúp chúng con biết lên đường tìm kiếm con đường mang tên đó, biết học những bài học của Thầy Chí Thánh, để ngày sau chúng con được gặp lại tất cả mọi người, được cùng nhau đi đón chàng rể là Đức Giêsu phục sinh vinh quang trong Nước Trời. Amen.


SỐNG KHÔN NGOAN
(Chúa Nhật XXXII TN A) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Dụ ngôn mười cô trinh nữ đi đón chàng rể, trong đó có năm cô khờ dại và năm cô khôn ngoan là dụ ngôn có thể nói rất quen thuộc với Kitô hữu. Và chúng ta lại dễ dàng đón nhận bài học là phải tỉnh thức sẵn sàng một cách rất tự nhiên khi chúng ta đã nhìn nhận rằng không ai biết được “cái giờ Chúa đến” với mình, nghĩa là cái giờ mình phải giã từ trần gian. Tuy nhiên, thử hỏi thế nào là khôn ngoan thì hẳn không ít người phải chần chừ hoặc ngần ngại trả lời cách dứt khoát và rõ ràng.

Dưới cái nhìn nhân loại thì khôn ngoan là một nhân đức thuộc phạm trù lý trí. Theo viễn tượng này thì người khôn ngoan là người biết sử dụng trí khôn để phân biệt cái này với cái kia, sự vật này với sự vật khác, biết phân biệt điều đúng với điều sai, cái tốt với cái xấu, điều hơn với điều kém… Người khôn ngoan còn biết phân biệt đâu là nguyên nhân, đâu là kết quả, cái gì là bản chất, cái gì là hiện tượng… Sự khôn ngoan dưới góc nhìn này được thủ đắc bằng luyện tập và một vài môn học giúp rèn luyện khả năng phân biệt đó là môn toán học, môn luận lý học…

Vì là một nhân đức thuộc phạm trù lý trí, mà trí khôn con người xem ra bị điều kiện hóa bởi thời gian, tuổi tác. Qua cái ngưỡng cửa tuổi bảy mươi thì nói chung khả năng phân biệt, phán đoán của con người giảm dần. “Càng già, càng lẩn thẩn” là một hiện thực như tất yếu. Thế mà Kitô hữu chúng ta mỗi lần tham dự lễ an táng một người cao niên lại được nghe trích đọc bài trích sách Khôn ngoan: “Người đầu bạc thì khôn ngoan và tuổi già là một cuộc đời thanh sạch” (Kn 4,9) (*). Không thể hiểu sự khôn ngoan của câu trích Lời Chúa này theo nhãn quan nhân loại mà cần phải có cái nhìn khác.

Bài đọc thứ nhất của Chúa Nhật XXXII TN A trình bày về Đức Khôn Ngoan như sau: “Đức Khôn Ngoan sáng chói, và không hề tàn tạ. Ai mến chuộng Đức Khôn Ngoan thì đức Khôn Ngoan dễ dàng cho chiêm ngưỡng. Ai tìm kiếm Đức Khôn Ngoan thì Đức Khôn Ngoan cho gặp. Ai khao khát Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan đi bước trước mà tỏ mình cho biết…” (Kn 6,12 tt). Đức Khôn Ngoan ở đây như được nhân cách hóa. Nó không còn là một thuộc tính của trí khôn mà là một ai đó. Nếu ta thay cụm từ “Đức Khôn Ngoan” bằng cụm từ “Thiên Chúa” thì ý của đoạn văn sẽ rõ ràng và dễ hiểu. Như thế, dưới ánh sáng Lời mạc khải thì Đức Khôn Ngoan được đồng hóa với chính Thiên Chúa, Đấng Toàn Tri, Toàn Thiện, Toàn Ái. Đoạn trích sách Khôn ngoan còn tiếp rằng để đạt tới Đức Khôn Ngoan thì cần chú tâm tới lề luật của Đức Khôn Ngoan và yêu mến là tuân giữ lề luật (x.Kn 6, 17-18).

Như thế người khôn ngoan không chỉ là người biết phân biệt mà trên hết là người có tấm lòng biết yêu mến. Dưới cái nhìn này thì chúng ta mới hiểu được người đầu bạc là người khôn ngoan. Tuổi đời càng cao thì con tim người ta càng dễ mở rộng. Tấm lòng của các cụ ông, cụ bà dành cho cháu con thì hẳn ta đã rõ. Nhiều vị dường như chưa chịu nhắm mắt, xuôi tay, khi chưa thấy cháu con yên bề gia thất. Sốt sắng với việc Nhà Chúa thì ít ai bì với người cao tuổi. Quả thật, dù cho “đa thọ thì đa nhục”, nghĩa là tuổi đời càng chồng chất thì lỗi lầm càng thêm nhiều, nhưng chính khi biết lấy những gì bên trong ra mà phân phát thì mọi sự sẽ nên trong sạch cho chúng ta, chứ không phải do bởi lau chén dĩa bên ngoài (x.Lc 11,37-41).

Trở lại với năm cô trinh nữ khôn ngoan của bài dụ ngôn Chúa Giêsu kể. Các cô được gọi là khôn ngoan vì các cô có tấm lòng với cô dâu, chú rể, với dòng tộc hai họ. Đi đón chàng rể với đèn đầy dầu là một động thái của người có tấm lòng biết lo xa, liệu trước. Các cô tính trước, lo xa không phải vì mình mà vì chính cô dâu, chú rể… Trái lại, năm cô trinh nữ khờ dại là những cô phù dâu ít có tấm lòng với chú rể, cô dâu. Vẫn có đó nhiều cô phù dâu trong các tiệc cưới ngày nay chỉ lo “xoe xua” làm nổi cho bản thân mà chẳng để ý gì đến người khác. Quả là một sự khôn lanh theo kiểu thế gian là tìm mọi dịp để lăng xê chính bản thân mình.

Các nhà chú giải Thánh Kinh cho ta hay: “dầu đèn” theo văn hóa thời bấy giờ có ý nghĩa là những việc tốt, việc lành. Người đã có tấm lòng biết yêu mến thì không bỏ qua một cơ hội dù nhỏ, để làm điều tốt, việc lành cho tha nhân. Và những việc tốt, những việc lành chính là hành trang của người tỉnh thức sẵn sàng khi Chúa đến. Dù Chúa đến bất cứ giờ nào họ luôn có đủ đầy hành trang là các việc tốt để trình diện Vua các vua, Chúa các chúa, Đấng đến thế gian không phải để được hầu hạ nhưng để hầu hạ người ta và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.

Không ai muốn làm người ngu dại. Ai cũng thích được nhìn nhận là khôn ngoan. Tuy nhiên, điều quan trọng là biết sống khôn ngoan theo cái nhìn của Chúa, dĩ nhiên là để làm đẹp lòng Chúa và vì chính hạnh phúc đời đời của chúng ta.

 

(*) Đoạn trích sách Khôn Ngoan 4,9 Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ dịch là: “Đối với con người, sự khôn ngoan còn quý hơn tóc bạc, sống không tì ố đã là sống thọ”.
Sách Nghi thức an táng dịch là: “Thật vậy, sự hiểu biết của con người thay cho đầu bạc, và đời sống trong sạch thế cho tuổi già” (NTAT trang 19).

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây