TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

01/11/2021 08:47:46 |   1389

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B
 

Cn32tnB

Mt 12, 38-44

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

Ca nhập lễ

Xin cho lời tôi khẩn nguyện thấu đến tai Chúa; lạy Chúa, xin Chúa lắng tai nghe tiếng tôi kêu cầu.

Dẫn nhập Thánh lễ

Anh chị em thân mến! Bài Tin Mừng hôm nay được chia làm hai phần, tương ứng với hai hạng người tiêu biểu trong đạo Do thái, là các Kinh sư và các bà goá nghèo. Chúa Giêsu khiển trách thói đạo đức giả của các Kinh sư Do thái, biểu lộ qua bốn thói xấu như: ăn mặc đài các, tìm kiếm hư danh, tranh dành địa vị, đạo đức vụ lợi.

Đức Giêsu đề cao lòng đạo đức của một bà góa nghèo, biểu lộ qua việc dâng cúng tiền bạc vào Đền thờ. Tuy số tiền bà dâng chỉ là một chút ít, nhưng vì có tinh thần hy sinh, nên bà đã được Chúa Giêsu đánh giá cao, là đã bỏ vào thùng nhiều hơn mọi người.

Kiểm điểm lại đời sống, chúng ta cũng có ít nhiều thói hư, tật xấu như các kinh sư biệt phái. Chúng ta hãy thành tâm thống hối, để của lễ hiến dâng hôm nay được Chúa chấp nhận.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng và nhân hậu, xin đẩy xa những gì cản bước tiến chúng con, trên đường về với Chúa, để một khi xác hồn thanh thản, chúng con được hoàn toàn tự do thực hiện ý Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: V 17, 10-16

“Bà goá lấy bột làm một cái bánh nhỏ, rồi mang đên cho ông Êlia”.

Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, tiên tri Êlia chỗi dậy lên đường đi Sarephta. Khi ông đến trước cửa thành, ông thấy một quả phụ đang lượm củi; ông gọi bà và nói với bà rằng: “Xin đem cho tôi một ít nước trong bình để tôi uống”. Ðương lúc bà đi lấy nước, ông gọi lại mà nói: “Xin cũng mang cho tôi một miếng bánh”.

Bà thưa: “Có Chúa là Thiên Chúa hằng sống chứng giám: Tôi không có sẵn bánh, tôi chỉ còn một nắm bột trong hũ với một ít dầu trong bình. Này đây tôi lượm vài que củi về nấu cho tôi và con trai tôi ăn, rồi chết thôi”.

Êlia trả lời bà rằng: “Bà đừng lo, cứ đi và làm như bà đã nói. Nhưng, với chút bột ấy trước hết hãy làm cho tôi một cái bánh nhỏ, đem ra đây cho tôi, sau đó hãy làm cho bà và con trai bà. Vì Chúa là Thiên Chúa Israel truyền rằng: ‘Hũ bột sẽ không cạn và bình dầu sẽ không vơi đi cho đến ngày Chúa cho mưa xuống trên mặt đất'”.

Bà đi làm theo lời ông Êlia; chính ông và bà cùng cả nhà đều đủ ăn; từ ngày đó hũ bột không cạn và bình dầu không vơi như lời Chúa đã dùng Êlia mà phán.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 145, 7. 8-9a. 9bc-10

Ðáp: Linh hồn tôi ơi, hãy ngợi khen Chúa! (c. 1).

Xướng: Thiên Chúa trả lại quyền lợi cho người bị áp bức, và ban cho những kẻ đói được cơm ăn. Thiên Chúa cứu gỡ những người tù tội.

Xướng: Thiên Chúa mở mắt những kẻ đui mù, Thiên Chúa giải thoát những kẻ bị khòm lưng khuất phục, Thiên Chúa yêu quý các bậc hiền nhân, Thiên Chúa che chở những khách kiều cư. 

Xướng: Thiên Chúa nâng đỡ những người mồ côi quả phụ, và làm rối loạn đường nẻo đứa ác nhân. Thiên Chúa sẽ làm vua tới muôn đời, Sion hỡi, Ðức Thiên Chúa của người sẽ làm vua tự đời này sang đời khác.

Bài Ðọc II: Dt 9, 24-28

“Ðức Kitô chỉ tế lễ chính mình một lần để huỷ diệt nhiều tội lỗi”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Ðức Giêsu không tiến vào cung thánh do tay người phàm làm ra chỉ là hình bóng cung thánh thật, nhưng Người vào chính thiên đàng, để từ đây xuất hiện trước tôn nhan Thiên Chúa vì chúng ta. Người không còn hiến dâng chính mình nhiều lần, như vị thượng tế vào cung thánh mỗi năm một lần với máu không phải của mình. Chẳng vậy, từ tạo thiên lập địa, Người đã phải chết nhiều lần; nhưng từ nay cho đến tận thế, Người chỉ xuất hiện một lần tế lễ chính mình để huỷ diệt tội lỗi. Như đã quy định, người ta chỉ chết một lần thế nào, sau đó là phán xét, thì Ðức Kitô cũng hiến tế một lần như vậy, để xoá tội lỗi của nhiều người. Người sẽ xuất hiện lần thứ hai, không phải để chuộc tội, nhưng để cứu độ những ai trông đợi Người.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mt 24, 42a và 44

Alleluia, alleluia! – Các con hãy tỉnh thức và sẵn sàng: vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 12, 41-44 {hoặc 38-44}

“Bà goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, {Chúa Giêsu phán cùng dân chúng trong khi giảng dạy rằng: “Các ngươi hãy coi chừng bọn luật sĩ. Họ thích đi lại trong bộ áo thụng, ưa được bái chào ngoài công trường, chiếm những ghế nhất trong hội đường và trong đám tiệc. Họ giả bộ đọc những kinh dài để nuốt hết tài sản của các bà goá: Họ sẽ bị kết án nghiêm ngặt hơn”.}

Chúa Giêsu ngồi đối diện với hòm tiền, quan sát dân chúng bỏ tiền vào hòm, và có lắm người giàu bỏ nhiều tiền. Chợt có một bà goá nghèo đến bỏ hai đồng tiền là một phần tư xu. Người liền gọi các môn đệ và bảo: “Thầy nói thật với các con: Trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bà goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết. Vì tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa, còn bà này đang túng thiếu, đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống mình”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Sống trung thực với Chúa, với chính mình và với mọi người, là điều kiện để Chúa ban cho những ân huệ thiêng liêng, đáng hưởng hạnh phúc đời sau. Chúng ta cùng cầu xin:

1. “Hũ bột sẽ không cạn và bình dầu sẽ không vơi”.- Xin cho mọi thành phần dân Chúa, biết đặt hết tin tưởng vào Lời Chúa mà phó thác mọi cơ cảnh đời mình cho Chúa, biết quảng đại hi sinh giúp đỡ việc truyền giáo và những người anh em túng nghèo.

2. “Người chỉ xuất hiện một lần tế lễ chính mình để hủy diệt tội lỗi”.- Xin cho Đức Giáo Hoàng, các Giám mục, các Linh mục luôn sống xứng đáng với chức tư tế thánh, để qua đời sống thánh thiện, lời giáo huân khôn ngoan và tinh thần xả kỷ hi sinh của các ngài, mọi người nhận ra tình yêu của Thiên Chúa.

3. “Họ thích chiếm chỗ nhất trong hội đường”.- Xin Chúa thức tỉnh lương tâm các nhà lãnh đạo quốc gia, để họ biết tôn trọng và quan tâm đến những quyền lợi của người dân, đặc biệt những thành phần bị áp bức, bỏ rơi. Nhờ đó, gia đình nhân loại được hưởng an vui hạnh phúc.

4. “Còn bà này đang túng thiếu đã bỏ tất cả những gì mình có”.- Xin cho mọi người trong giáo xứ chúng ta, biết phụng sự Chúa trong tinh thần nhiệt thành, khiêm tốn và xả kỷ, để họ sẵn sàng tận dụng mọi khả năng Chúa ban mà xây dựng Nước Chúa.

Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đặt trọn tình mến vào mọi công việc, dù bé mọn tầm thương, để như bà góa quảng đại, chúng con được kể vào số những kẻ tích cực đóng góp trong chiến dịch tình thương của Chúa, hầu xứng đáng được Chúa là gia nghiệp muôn đời, Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin mở lượng khoan hồng đoái nhìn lễ vật Hội Thánh Chúa tiến dâng; để khi cử hành lễ tưởng niệm Con Chúa chịu khổ hình thập giá, chúng con biết đem cả tâm hồn lãnh nhận ơn phục sinh. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi, trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ, Người hướng dẫn tôi tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi.

Hoặc đọc:

Hai môn đệ đã nhận ra Chúa Giêsu khi Người bẻ bánh.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con xin hết lòng cảm tạ, vì Chúa đã dùng của ăn thánh bồi dưỡng chúng con, và tuôn đổ trên chúng con sức mạnh của Chúa, xin tiếp tục ban ơn Thánh Thần giúp chúng con bền chí sống cuộc đời ngay thẳng. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Tấm lòng
Sưu tầm

Bà goá ở Sarepta thật nghèo khó nhưng đồng thời lại thật rộng lượng. Bà không còn gì ngoài một chút bột và một chút dầu đủ cho một bữa ăn đạm bạc cuối cùng, rồi cả hai mẹ con cùng chết. Thế mà bà đã sẵn lòng nhường cho vị tiên tri chiếc bánh nhỏ bé nhưng vô cùng quý giá ấy. Cử chỉ quảng đại của bà đã gặp được lòng quảng đại của Thiên Chúa: Trong suốt cơn hạn hán, bột trong hũ không bao giờ cạn và dầu trong bình không bao giờ vơi. Còn bà goá trong đoạn Tin Mừng vừa nghe cũng thế. Bà nghèo tiền của nhưng giàu lòng quảng đại. Chính lòng quảng đại giữa cảnh túng thiếu đó, trước mặt Thiên Chúa, có giá trị hơn cả vàng bạc của những kẻ dư giả. Người nghèo của thường giàu lòng và Thiên Chúa thì chú trọng đến cõi lòng mỗi người hơn là đến tiền của.

Từ hai câu chuyện trên, chúng ta thấy: Để đánh giá một ai, nhiều lúc chúng ta chỉ dựa vào tiền của. Tiền của trở nên như một thứ thước đo thông dụng, như một thú tiêu chuẩn để xác định ngôi thứ. Kẻ càng có nhiều tiền của thì càng được vị nể và càng có thế lực. Tuy nhiên, cũng có những cái không thể định giá được bằng tiền của, đó là những giá trị tinh thần và trị đạo đức, đó là phẩm chất và cõi lòng con người. Những giá trị này không tuỳ thuộc vào những gì ở bên ngoài, nhưng hệ tại những gì ở trong chính con người.

Qua đoạn Tin Mừng vừa nghe, Chúa Giêsu không chú trọng đến giá trị kinh tế của hai đồng tiền nhỏ mà bà goá đã bỏ vào hòm. Chúng không là gì cả bên cạnh những đồng tiền lớn của những kẻ giàu sang. Nhưng Ngài đã chú trọng tới tấm lòng của bà, đến giá trị chủ quan của hai đồng tiền nhỏ đối với tình cảnh nghèo túng của bà và đến cách âm thầm khiêm tốn bà dâng tiền vào hòm. Chúa Giêsu không quan tâm đến của dâng cho bằng đến cách dâng và tấm lòng của người dâng. Bởi vì chính tấm lòng chúng ta mới định đoạt giá trị của những việc chúng ta làm.

Thiện căn ở tại lòng ta. Một việc làm tốt rất có thể trở nên xấu vì lòng chúng ta không ngay thẳng, ý chúng ta không trong sáng, chẳng hạn như chúng ta làm để phô trương, để trình diễn, để lấy tiếng, để kiếm chút lợi lộc cá nhân. Trong những trường hợp ấy, chúng ta không làm việc thiện vì chính việc thiện, nhưng vì lợi ích bản thân nhân danh việc thiện mà thôi. Đó là một hình thức ích kỷ rất tinh vi, chính vì thế mà Chúa Giêsu đã dạy: Đừng để cho tay trái biết việc tay phải làm. Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận giá trị thực tiễn của lễ vật hay tặng phẩm. Giá trị kinh tế cũng đáng kể nhưng chưa phải là điểm chính. Nếu được thì của nhiều, lòng nhiều là điều tốt nhất. Còn nếu không được như thế, hoàn cảnh đòi phải chọn lựa, thì của ít lòng nhiều vẫn là điều quý giá hơn. Thực ra khi lòng đã nhiều thì người ta không ngần ngại hiến dâng tối đa những gì mình có. Lòng người đi trước, tiền của theo sau.
 

TÌNH GÓA
(Chúa nhật XXXII TN B) Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Phải thú nhận rằng có hậu ý khi đặt tựa đề cho bài viết là “tình góa”. Dĩ nhiên ít nhiều cũng có ngụ ý “tiếp thị”. Đã là góa bụa mà còn tình tứ gì nữa! Đã nói đến tình thì ít ai nói đến cảnh góa bụa. Sự đời, người ta thường tránh những điều xúi quẩy. Thế nhưng nhiều hình ảnh người góa bụa lại được Thánh Kinh không chỉ tô hồng mà còn xác nhận là một trong những đối tượng được Thiên Chúa ưu ái và bảo vệ cách đặc biệt bằng những luật lệ cụ thể trong Cựu Ước (x.Xh 22,21; Ed 22,7). Đến thời Tân Ước, chính Chúa Giêsu cũng đã ưu ái bà góa thành Naim có đứa con trai duy nhất bị chết, nên dù không được khẩn xin, Người vẫn ra tay uy quyền cho cậu ta sống lại (x.Lc 7,11-17). Trong ba bài đọc Thánh Kinh của Chúa nhật XXXII TN B thì bài đọc thứ nhất trích sách các Vua và bài Tin Mừng tường thuật và ca tụng nghĩa cử cao đẹp của bà góa thành Xarépta và bà góa tại Giêrusalem. Cả hai đều là những bà góa nghèo nhưng sẵn sàng hiến dâng “phần nuôi sống” mình, cũng là chính sự sống của mình cho tha nhân và cho Thiên Chúa. Thầm hiểu ngụ ý của Hội Thánh khi cho trích đọc các bài Thánh Kinh trong Chúa nhật này, chúng ta cùng xét suy đôi điều qua cái tâm, cái lòng và cuộc sống của người góa bụa.

1. Một mối tình thủy chung: Trước hết cần phân biệt người góa bụa với các bà mẹ đơn thân. Hẳn nhiên có nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan hình thành tình trạng hay kiểu sống của những bà mẹ đơn thân. Chúng ta không thể tiên thiên “đánh giá - xếp hạng” cho tình trạng sống này vì hình như mỗi hoàn cảnh đều mỗi vẻ khác nhau với nhiều nguyên nhân khác nhau. Thế nhưng phải nhìn nhận rằng đây là tình trạng “không bình thường” theo lẽ tự nhiên mặc dù đã từng có khi, có nơi trở thành một phong trào, một kiểu cách chọn lựa của nhiều phụ nữ thời hiện đại. Trái lại tình cảnh của người góa bụa dù là đàn ông hay đàn bà là chuyện thường tình của kiếp nhân sinh. Đã thề non hẹn biển trong duyên vợ chồng thì luôn mong được song hành cho đến khi đầu bạc răng long. Mong thì vẫn mong, nhưng được chết cùng ngày là điều thật hy hữu. Chuyện tái giá hay đi bước nữa khi người phối ngẫu đã qua đời là chuyện chẳng có gì sai trái, dù phía nữ giới có thể bị dị nghị cách nào đó, đặc biệt trong nhiều xã hội trước đây vốn đề cao đạo “tam tòng – tứ đức”. Dù xưa hay nay thì người ta vẫn trân trọng những mẫu đời “thờ chồng, nuôi con” hoặc tín trung với người bạn quá cố mà nguyện làm cảnh gà trống nuôi con. Chúng ta đừng quên đây là một trong những tiêu chí để chọn người vào hàng Giám Quản hay bậc trợ tá của Giáo Hội thời sơ khai (x.1Tm 3,1-13).

Thủy chung với người bạn đời đang còn sống quả là một nỗ lực bền bỉ không chỉ trong tình yêu mà cả trong sự tiết chế. Chuyện “chả - nem” không riêng gì là chuyện của thời hôm nay mà đã có từ xưa, chỉ khác một điều là mức độ phổ biến, cho dù ai cũng thấy sự sai trái của nó và những hậu quả xấu xa mà nó di hại cho gia đình, cho con cái và cho cả xã hội. Chính vì thế, việc chung thủy với người bạn đời đã khuất càng được trân trọng gấp bội khi tự nguyện từ bỏ quyền lợi chính đáng của mình vì yêu thương và muốn tín trung trọn vẹn với chỉ một người.

2. Một tình yêu trao hiến đến cùng: Các nhà tâm lý cũng như các nhà đạo đức vốn đồng thuận với nhau về khái niệm yêu thương là một quá trình trao ban và đón nhận nhau. Yêu thương cách đích thực là tự nguyện trao ban điều tốt, điều tốt nhất của mình cho người mình yêu cách vô điều kiện và không tính toán, đồng thời cũng sẵn sàng đón nhận người mình yêu với tất những gì người ấy “là và có” một cách quảng đại, không so đo. Người ta thấy rõ hai động thái này trong đời hôn nhân. Đức Bênêđíctô XVI đã gọi đó là Eros và Agapê, hai chiều kích của tình yêu này xem ra phản ánh Tình Yêu Thiên Chúa cách rõ nét nhất (TĐ Thiên Chúa là Tình Yêu số 2). Với thời gian, qua các hình thức “mại dâm thánh” cùng với sự ích kỷ hưởng thụ của con người theo sự cám dỗ thần dữ thì chiều kích Eros (đón nhận) đã bị biến dạng, tha hóa. Từ đó chiều kích trao hiến (Agapê) đóng vai trò chủ yếu trong việc biểu lộ tình yêu đích thực.

Với người góa bụa thì cái chiều kích đón nhận xem ra vẫn còn đó qua người con. Nhưng nó sẽ vơi dần theo thời gian khi đứa con đến lúc phải lìa cha mẹ mà luyến ái với người bạn đời (x.Mc 10,7). Cuộc đời của người góa bụa là một chuỗi trao ban, hiến dâng không ngơi nghỉ và ngày càng đến cùng. Chỉ còn chút bột và chút dầu để ăn bữa cuối cùng với đứa con, thế mà bà góa thành Xarépta đã không ngại ngần dâng trao cho ngôn sứ Êlia (x.1V 17,7-16). Chúa Giêsu đã ngợi khen lòng quảng đại của một bà góa tại đền thờ Giêrusalem khi đã không ngại ngần dâng cúng vào Đền Thờ “tất cả những gì bà có, tất cả những gì để nuôi thân bà” (x.Mc 12,44; Lc 21,4).

3. Một tâm hồn nghèo khó thực sự: Lời tung hô tin mừng trong Chúa Nhật này, Giáo Hội cho trích câu Tin Mừng của thánh Matthêu: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3). Người góa bụa là một trong những người nghèo của Thiên Chúa, được Người ưu ái chăm sóc và bảo vệ. Xin đừng quên số người góa bụa trong các xã hội trước đây thì phụ nữ chiếm tuyệt đại đa số. Vì thế khi nói đến người góa bụa là người ta nghĩ ngay đến các bà góa. Một mình nuôi con mà bôn ba cuộc sống thì khó bì được với người ta vẹn đũa cả đôi, nhất là khi sinh kế thời bấy giờ dựa vào sức lao động của cơ bắp là chủ yếu. Do đó, người ta không lạ gì khi hạn từ “góa” thường đi đôi với hạn từ “nghèo”. Những người góa bụa, cách riêng các phụ nữ góa chồng không chỉ nghèo về vật chất, của cải, bạc tiền mà họ còn nghèo khó cả về mặt tinh thần. Ngay cả trong thời kỳ gọi là hoàng kim của Giáo hội là thời Giáo hội sơ khai, khi mà những người trong tôn giáo mới này “không ai lấy sự gì làm của riêng, mọi sự đều là của chung” (x.Cv 2,44; 4,32) thế mà các bà góa vẫn đã từng bị đối xử thiếu công bằng, bị bỏ quên (x.Cv 6,1).
Hồng ân Nước Trời là một ân ban trọng đại và nhưng không của Thiên Chúa. Không một ai có thể tự mình chiếm hữu ân ban ấy dựa vào khả năng và công trạng của mình. Chúa Giêsu đã mặc nhiên nói đến chân lý này khi khẳng định rằng người giàu có khó vào Nước Trời, khó hơn cả con lạc đà chui qua lỗ kim. Những gì mà người giàu cho rằng có thể mua được bằng tiền bạc thì chắc chắn không phải là Nước Trời (x.Lc18,24-27). Một tâm hồn nghèo khó thực sự thì sẽ có được sự tự do với các thực tại đời này để rồi biết gắn bó mật thiết với Thiên Chúa trong niềm tin. Và họ đã biết mở lòng để đón nhận Nước Trời như là ân ban.

Qua một vài nghĩ suy về “tình góa”, không gì hơn, chỉ thầm mong số phận những người góa bụa được xã hội cũng như Giáo hội quan tâm chăm sóc bằng sự trân trọng như những người nghèo của Thiên Chúa, những con người rực sáng trong tình yêu thủy chung, tình yêu dâng hiến đến cùng. Có thể nói không sợ sai lầm rằng cuộc đời của nhiều người góa bụa là một dẫn chứng cụ thể, giúp chúng ta biết thế nào là yêu, thế nào là tin.

Chúa Nhật 32 Thường Niên
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (Mc 12, 41-44 {hoặc 38-44}).

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng trong khi giảng dạy rằng: “Các ngươi hãy coi chừng bọn luật sĩ. Họ thích đi lại trong bộ áo thụng, ưa được bái chào ngoài công trường, chiếm những ghế nhất trong hội đường và trong đám tiệc. Họ giả bộ đọc những kinh dài để nuốt hết tài sản của các bà goá: Họ sẽ bị kết án nghiêm ngặt hơn”.

Chúa Giêsu ngồi đối diện với hòm tiền, quan sát dân chúng bỏ tiền vào hòm, và có lắm người giàu bỏ nhiều tiền. Chợt có một bà goá nghèo đến bỏ hai đồng tiền là một phần tư xu. Người liền gọi các môn đệ và bảo: “Thầy nói thật với các con: Trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bà goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết. Vì tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa, còn bà này đang túng thiếu, đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống mình”.

Suy niệm

Khi những sắc màu của các bảng hiệu quảng cáo mỗi ngày một nhiều, để lại trong ánh mắt người qua lại nhiều ấn tượng mạnh, tạo nên sự chú ý rất nhiều về sản phẩm và các loại hình thức sinh hoạt trong cuộc sống. Tất cả nhằm phục vụ cho lợi nhuận và giúp cho cuộc sống thú vị hơn. Một xã hội đang phát triển kèm theo những hình thức bên ngoài rất đặc biệt như thế, phần nào đã len lỏi vào trong đời sống tôn giáo. Không phải chỉ hôm nay, nhưng từ thời Đức Giêsu nhập thế, các nhà lãnh đạo tôn giáo đã bị Ngài nhắc nhở nhiều về cách giữ đạo hình thức. Câu chuyện trong bài Tin Mừng Chúa Nhật 32 Thường Niên nói riêng, cùng các bài đọc khác, cho chúng ta thấy Thiên Chúa mong muốn nơi con người một tấm lòng, một sự chân thành, một tinh thần khiêm tốn và rộng lượng.

Trở lại với bài đọc 1 trong sách các Vua quyển thứ nhất, tiên tri Ê-li-a, trong hành trình về núi Ho-rep, để gặp gỡ Thiên Chúa, ông đã được những người nghèo trong các làng mạc nuôi sống, dù chỉ nhường lại cho người của Thiên Chúa một cái bánh, nhưng bà góa nghèo tại Sa-rep-ta đã được Thiên Chúa nuôi bằng cách khác kỳ diệu hơn: “Trong những ngày ấy, tiên tri Êlia chỗi dậy lên đường đi Sa-reph-ta. Khi ông đến trước cửa thành, ông thấy một quả phụ đang lượm củi; ông gọi bà và nói với bà rằng: “Xin đem cho tôi một ít nước trong bình để tôi uống”. Ðương lúc bà đi lấy nước, ông gọi lại mà nói: “Xin cũng mang cho tôi một miếng bánh”. Sẵn sàng nhường lại sự sống hiện tại cho tha nhân, người phụ nữ nghèo đã được Thiên Chúa ghé mắt đoái thương, cho bà ấy một hũ bột không cạn, một bình dầu không vơi. Biết cho đi khi tha nhân cần tất sẽ được Thiên Chúa cho lại nhiều gấp bội, đó là lời tiên tri thay mặt Thiên Chúa nói với bà: “Bà đừng lo, cứ đi và làm như bà đã nói. Nhưng, với chút bột ấy trước hết hãy làm cho tôi một cái bánh nhỏ, đem ra đây cho tôi, sau đó hãy làm cho bà và con trai bà. Vì Chúa là Thiên Chúa Is-ra-el truyền rằng: 'Hũ bột sẽ không cạn và bình dầu sẽ không vơi đi cho đến ngày Chúa cho mưa xuống trên mặt đất”.

Khi hướng về mầu nhiệm nhập thể của Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ nhân loại, tác giả thư gởi tín hữu Do-thái đã cảm nghiệm được phần nào chiều sâu của tình yêu cứu độ đến từ Thiên Chúa, ngang qua Đức Giêsu. Là con người, ai cũng phải chết, nhưng cái chết của Con Thiên Chúa làm người khác với cái chết của tạo vật, bởi cái chết đó đem lại sự sống cho con người, đặc biệt là những người tin vào một Thiên Chúa tình yêu: “Chẳng vậy, từ tạo thiên lập địa, Người đã phải chết nhiều lần; nhưng từ nay cho đến tận thế, Người chỉ xuất hiện một lần tế lễ chính mình để huỷ diệt tội lỗi. Như đã quy định, người ta chỉ chết một lần thế nào, sau đó là phán xét, thì Ðức Kitô cũng hiến tế một lần như vậy, để xoá tội lỗi của nhiều người. Người sẽ xuất hiện lần thứ hai, không phải để chuộc tội, nhưng để cứu độ những ai trông đợi Người”. Cái chết của Con Thiên Chúa không phải là đi vào ngõ cụt, trái lại, cái chết đó đem lại sự sống đời đời cho con người. Giá máu cứu độ của Con Thiên Chúa xóa hết tội lỗi của con người, cho những ai tin chờ vào tình thương của Thiên Chúa.

Đề cập đến những người nghèo của Gia-vê, Kinh thánh luôn ghi nhận tâm tình sống của họ rất đẹp lòng Thiên Chúa. Bà góa thành Sa-rep-ta hay những người đợi trông ơn cứu độ đến từ Con Thiên Chúa, tất cả đều có một tấm lòng khiêm cung, không quan tâm đến những hình thức bên ngoài, luôn dọn sẵn tâm hồn cho Thiên Chúa hiện diện. Do đó, khi Đức Giêsu thấy thái độ giữ đạo của các nhà lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ, Ngài không đồng ý, Ngài khuyên bảo các môn đệ đừng bắt chước cách giữ đạo như thế: “Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng trong khi giảng dạy rằng: “Các ngươi hãy coi chừng bọn luật sĩ. Họ thích đi lại trong bộ áo thụng, ưa được bái chào ngoài công trường, chiếm những ghế nhất trong hội đường và trong đám tiệc. Họ giả bộ đọc những kinh dài để nuốt hết tài sản của các bà goá: Họ sẽ bị kết án nghiêm ngặt hơn”. Ngài còn gợi ý cho các môn đệ một cách giữ đạo đúng đắn hơn qua câu chuyện người phụ nữ bỏ tiền vào hòm. Dù chỉ một vài đồng bạc nhỏ, nhưng đó là sự sống ngày mai của bà ấy, vì thế, sự sống của tha nhân được đặt ngang hàng với sự sống của mình, thậm chí còn cao hơn, thì đó là người môn đệ đang họa lại câu chuyện tình yêu của Thiên Chúa: “Chợt có một bà goá nghèo đến bỏ hai đồng tiền là một phần tư xu. Người liền gọi các môn đệ và bảo: “Thầy nói thật với các con: Trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bà goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết. Vì tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa, còn bà này đang túng thiếu, đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống mình”.

Giới răn thứ hai Đức Giêsu đã giới thiệu cho người Luật sĩ là hãy yêu thương tha nhân như chính mình ngươi, quả là một đòi hỏi rất lớn của Tin Mừng. Nghịch lý là tại sao phải yêu thương tha nhân như chính mình, theo góc nhìn của xã hội, không thể chấp nhận được, nhưng dưới lăng kính của tình yêu đến từ Thiên Chúa, người môn đệ khi tin thờ một Thiên Chúa cúi xuống làm người, tất nhiên phải chấp nhận sự hiện diện của Ngài trong tha nhân. Yêu thương Thiên Chúa hết lòng, hết sức, hết trí khôn và hết sức lực, tất nhiên sẽ yêu thương tha nhân như chính mình thôi. Chiều sâu của tình yêu tự hiến là đây, dám hy sinh tất cả, ngay cả mạng sống cho người mình yêu. Quả thực đòi hỏi của Tin Mừng tình yêu xem ra là một đòi hỏi rất quyết liệt và dứt khoát, phải hy sinh, phải từ bỏ, nhưng tất cả những hành vi đó cần thực hiện trong sự khiêm tốn và trân trọng, không cần đến những hình thức bên ngoài như suy nghĩ của thế gian.

Bố thí hay giúp đỡ người nghèo, những người đang khó khăn hiện tại, luôn là lời mời của Mẹ Giáo hội gởi đến cho con cái, đặc biệt trong lúc hiểm nguy vì dịch bệnh, thế nhưng, sự giúp đỡ đó cần phải thực hiện như Đức Giêsu dạy: “Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh”. Thiên Chúa cần một tấm lòng, cần một trái tim biết rung cảm trước những nỗi đau của tha nhân, cần một vòng tay nhân ái trước những đói khát của anh chị em, cần một sự cảm thông và đồng hành trước những bế tắc và cùng cực trong cuộc sống hiện tại.

Biết và nghe Lời Chúa nhắn gởi như thế, nhưng không thiếu những lúc các môn đệ của Đức Giêsu trong thời đại mới, luôn ưa chuộng hình thức bên ngoài. Phải chăng mẫu mã, hình thức quảng cáo của xã hội tiêu thụ đang chen dần vào tâm tình tôn giáo của con người, phải chăng lời dạy của Thiên Chúa trong Kinh thánh nay đang dần bị tục hóa sao? Chắc hẳn đó không phải là điều Thiên Chúa đợi chờ, nhưng con người chưa thể vượt thoát khỏi chiếc vòng kim cô của vật chất và quyền bính, của cái tôi và sĩ diện bản thân. Tất cả là sự yếu đuối của con người, là cạm bẫy của tội lỗi mà con người đang đối diện.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã cúi xuống phục vụ con người trong sự yêu thương và trân trọng, trong sự tha thứ và đón nhận, xin cho chúng con biết đón nhận tha nhân với những khác biệt nơi bản thân họ, để phục vụ, để yêu thương, để tha thứ và để trân trọng. Chúa mong chúng con trở nên những chứng nhân của Tin Mừng tình yêu chứ không phải là chứng nhân của Tin Mừng hình thức bên ngoài, xin giúp chúng con ý thức hơn về những chiều sâu của tình yêu, để can đảm dấn thân và khiêm tốn với những gì người đầy tớ vô dụng có thể làm được cho tha nhân, hôm nay, ngày mai và mỗi ngày. Amen.


CHỦ NHẬT 32B (Mc. 12:38-44)
Lm. Lã Mộng Thường

Đọc Phúc Âm, suy nghiệm thâm sâu, và thực chứng những lời dạy khôn ngoan nơi cuộc đời mỗi người, chúng ta sẽ nhận thức được Lời Chúa dẫn dắt con người nơi hành trình đức tin. Phúc Âm chỉ vẽ cho chúng ta những mẫu mực khôn ngoan để áp dụng từng bước một hầu tiến tới sự trọn lành như lời Đức Giêsu khuyến khích, “Hãy trở nên trọn lành như Cha các ngươi trên trời là Đấng trọn lành” (Mt. 5:48). Sự trọn lành có thể đạt tới nơi cuộc sống hữu hình của con người chính là trạng thái tâm hồn thánh Phaolô đã tuyên xưng nơi thư gửi tín hữu Galat, “Tôi sống, nhưng không phải tôi, mà là chính Đức Kitô sống trong tôi” (Gal. 2:20).

Bài Phúc Âm vừa được công bố trình bày về ba nhận thức: Đầu tiên, bài Phúc Âm đưa lên lời kết án những hình thức tỏ vẻ cao trọng bề ngoài để ám chỉ sự nhấn mạnh về giá trị ý định nơi tâm hồn con người. Lời Chúa khuyến khích chúng ta để ý đến tâm tình của mình đối với Ngài. Chính tâm tình này hướng dẫn và điều khiển thái độ cũng như hành động của con người. Ai trong chúng ta không quá quen thuộc với câu nói, “Trâu chết để da, người ta chết để tiếng.” Tuy nhiên, danh tiếng ở đây có nghĩa thực tài, thực lực, những công danh do kết quả của những công việc đem lại lợi ích cho con người chứ không phải danh tiếng lệ thuộc hình thức mua quan bán tước hoặc do mưu mô tham vọng bất chính đánh lừa những người chân thành chất phác. Bất cứ những sự giả hình giả chước nào đều cũng làm tổn hại đến hành trình đức tin, hành trình trở nên thiện hảo của con người.

Thứ đến, bài Phúc Âm nói về trách nhiệm của một người cũng như hậu quả của hành vi giả hình bất chính mà người đó thực hiện nơi câu, “Họ giả bộ đọc những kinh dài để nuốt hết tài sản của các bà góa. Họ sẽ bị kết án nghiêm nhặt hơn.” Đâu phải vô lý mà tiền nhân chúng ta để lại câu, “Miệng bồ tát lòng lạt buộc” hoặc “Khẩu Phật, tâm xà.” Lời Chúa nói rõ, những người giả hình làm hại người khác dưới bất cứ hình thức nào đều lãnh những hậu quả được gọi là nghiêm nhặt chẳng khác gì nơi quan niệm nhân gian, “Gieo gió gặt bão.””

Điểm thứ ba đó là Phúc Âm đặt nơi miệng Đức Giêsu lời ca tụng sự đóng góp nhỏ nhặt, hai đồng tiền chỉ đáng một phần tư xu, cho đền thờ của bà góa vì bà đã đóng góp với tất cả lòng chân thành của mình.

Thử nhìn lại chính mình, chúng ta cần nhận định về thái độ theo đạo của mỗi người. Lý do gì khiến chúng ta tới nhà thờ tham dự thánh lễ? Chúng ta đi nhà thờ vì luật buộc hay vì mục đích thờ phượng, tôn vinh Chúa? Phỏng chúng ta có cảm thấy cần thiết sự thăng tiến trên hành trình đức tin hay không? Hoặc chúng ta có thực sự cảm thấy nên dành thời giờ để tâm nhận thức về sự hiện hữu và hoạt động của Thiên Chúa nơi cuộc đời mình hay không? Có bao giờ chúng ta đặt vấn đề về cách ăn mặc của mình khi tham dự thánh lễ? Hoặc so sánh cách ăn mặc của chúng ta khi tới nhà thờ tôn vinh Chúa với những khi tham dự tiệc tùng, đám cưới, an táng, hay khi cần phải gặp những nhân vật quan trọng có thế giá nơi cuộc đời? Phỏng chúng ta suy nghĩ đến thái độ nên sòng phẳng đóng góp của mình đối với giáo xứ khi so sánh với những hồng ân đã được lãnh nhận nơi cuộc sống? Chúng ta đã giúp được gì nơi những công việc giáo dục và dạy dỗ con em của chúng ta nhận biết Chúa?

Thiên Chúa không cần chúng ta nhưng chúng ta cần Chúa. Thiên Chúa không cần nhà thờ nhưng chúng ta cần ngôi nhà to lớn này và những vật dụng thiết yếu cho việc thờ phượng tôn vinh Ngài. Lẽ đương nhiên, chúng ta chịu trách nhiệm về ý định, ước mơ, thái độ của mình và lãnh những hậu quả mình đã ước mơ. Ơn lành, hồng ân, và sự thánh thiện của Chúa luôn tràn đổ nơi mọi người chúng ta. Tuy nhiên, sự lãnh nhận của mỗi người tùy thuộc tâm tình rộng mở của mình đối với Thiên Chúa. Tất cả những việc, sự vật bao quanh đều là cơ hội dẫn dắt chúng ta trên hành trình đức tin, hành trình trở nên thiện hảo, hành trình nhận biết và hòa nhập vào quyền lực của Thiên Chúa đang hoạt động nơi chính mình. Vấn đề còn lại chỉ là chúng ta có thực sự mở rộng lòng và ước ao nhận biết hay không. Sự đóng góp khiêm tốn của bà góa được Đức Giêsu nhận định lớn lao hơn sự đóng góp của những người giầu có khác vì bà dâng cúng với tất cả lòng thành và khả năng bà có thể.

Tóm lại, bài Phúc Âm khuyến khích mọi người chúng ta tự nhận định lại tâm thành theo đạo và giữ đạo của mình. Nói cách khác, sự lãnh nhận của chúng ta chính là lòng thành của mình đối với Chúa qua bất cứ phương diện nào nơi cuộc sống. Amen.

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây