TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật V Phục Sinh -Năm B

“Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sinh nhiều trái”. (Ga 15, 1-8)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm C

01/11/2022 03:30:43 |   728

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm C
 

cn32 tn C

Lc 20, 27-38 

 

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm C

 

Ca nhập lễ

Xin cho lời tôi khẩn nguyện thấu đến tai Chúa; lạy Chúa, xin Chúa lắng tai nghe tiếng tôi kêu cầu.

Dẫn nhập Thánh lễ

Anh chị em thân mến! Đời người vắn vỏi, xác người yếu đuối. Chỉ trong vòng một trăm năm tất cả chúng ta, những người đang hiện diện nơi đây sẽ chết và trở thành tro bụi. Nghĩ như thế thì đời người thật phi lý và vô nghĩa; nhưng trong niềm tin Kitô giáo, chúng ta còn có đời sau. Chúng ta tin rằng thân xác chúng ta sẽ được sống lại, được thưởng sống hạnh phúc vĩnh cửu trên Thiên Đàng, hay bị phạt trầm luân muôn đời trong lửa hỏa ngục. Việc đó lệ thuộc vào cách sống của chúng ta hôm nay.

Nghĩ đến cái chết ai cũng cảm thấy lo lắng và sợ hãi. Lo lắng là tất nhiên, sợ hãi là hợp lý vì con người mang thân phận tội lỗi, vì đứng trước tòa phán xét của Chúa nào có ai vô tội. Vì vậy, trong thánh lễ hôm nay, mỗi người chúng ta nên nhìn lại cuộc sống của chính mình, để trong niềm tin vào Chúa Phục Sinh, khi đến trước tòa phán xét, chúng ta không còn lo âu sợ hãi nữa.

Chúng ta tin rằng những cố gắng sống tốt đẹp của chúng ta ở đời này nhờ ơn Chúa trợ giúp, nhờ lòng Chúa xót thương, chúng ta sẽ được ân thưởng hạnh phúc trường sinh. Chúng ta hãy thành tâm thống hối để xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng và nhân hậu, xin đẩy xa những gì cản bước tiến chúng con, trên đường về với Chúa, để một khi xác hồn thanh thản, chúng con được hoàn toàn tự do thực hiện ý Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: 2 Mcb 7, 1-2. 9-14

“Vua vũ trụ sẽ làm cho chúng tôi được sống lại trong cuộc sống đời đời”.

Trích sách Macabê quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, có bảy anh em bị bắt làm một với mẹ mình, và bị vua cho đánh bằng roi da và roi gân bò, bắt ép ăn thịt heo mà lề luật đã cấm. Nhưng người anh cả của chúng tâu vua rằng: “Bệ hạ còn hỏi han và muốn dò xét chúng tôi làm chi? Chúng tôi sẵn sàng chịu chết hơn là phạm đến lề luật Thiên Chúa đã truyền cho tổ phụ chúng tôi”.

Khi sắp thở hơi cuối cùng, người con thứ hai tâu vua rằng: “Hỡi vua độc ác kia, vua chỉ cất mất mạng sống chúng tôi ở đời này, nhưng Vua vũ trụ sẽ làm cho chúng tôi, là những kẻ đã chết vì lề luật của Người, được sống lại trong cuộc sống đời đời”.

Sau khi người con thứ hai chết, thì đến người con thứ ba chịu cực hình, tên lý hình bảo cậu le lưỡi, cậu liền le lưỡi, dõng dạc giang hai tay ra và nói một cách tin tưởng rằng: “Tôi được Trời ban cho các phần thân thể này, nhưng giờ đây vì lề luật của Thiên Chúa, tôi khinh chê chúng, bởi tôi trông cậy rằng Người sẽ ban lại cho tôi các phần thân thể ấy”. Nhà vua và những kẻ tuỳ tùng của ông lấy làm bỡ ngỡ thấy lòng mạnh bạo của cậu trẻ coi các cực hình như không.

Người con thứ ba chết rồi, thì người ta bắt người con thứ tư chịu cùng một cực hình. Lúc sắp chết, cậu nói rằng: “Thà chịu chết do tay người đời mà trông cậy Thiên Chúa sẽ cho sống lại thì hơn: Phần vua, vua sẽ không được sống lại để sống đời đời đâu”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 16, 1. 5-6. 8b và 15

Ðáp: Lạy Chúa, khi thức giấc, con no thỏa nhìn chân dung Chúa (c. 15b).

Xướng: Lạy Chúa, xin nghe điều chính nghĩa của con, xin để ý đến lời con kêu cứu, lắng tai nghe tiếng con thốt ra tự cặp môi chân thành. 

Xướng: Bước con đi bám chặt đường lối của Ngài, chân con đã không hề xiêu té. Con kêu van Ngài, bởi Ngài nhậm lời con, lạy Chúa, xin lắng tai về bên con, xin nghe rõ tiếng con. 

Xướng: Xin che chở con trong bóng cánh của Ngài. Phần con, nhờ công chính, sẽ được thấy thiên nhan, khi thức giấc, con no thỏa nhìn chân dung Chúa. – 

Bài Ðọc II: 2 Tx 2, 15 – 3, 5

“Chúa làm cho lòng anh em bền vững trong mọi việc làm và lời nói tốt lành”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.

Anh em thân mến, nguyện xin Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và Thiên Chúa là Cha chúng ta, Ðấng đã thương yêu chúng ta và dùng ân sủng của Người mà ban cho chúng ta sự an ủi đời đời và lòng cậy trông tốt lành, xin Người khuyên bảo và làm cho lòng anh em bền vững trong mọi việc làm và lời nói tốt lành.

Anh em thân mến, ngoài ra, xin anh em hãy cầu nguyện cho chúng tôi, để lời Thiên Chúa chóng lan tràn và được vinh hiển như việc đã thể hiện nơi anh em, và để chúng tôi thoát khỏi tay những kẻ lầm lạc và xấu xa: vì không phải hết mọi người đều có lòng tin. Nhưng Thiên Chúa là Ðấng trung thành, Người sẽ làm cho anh em được kiên vững và gìn giữ anh em khỏi sự dữ. Chúng tôi tin tưởng anh em trong Chúa: những điều chúng tôi truyền dạy, anh em hiện đang thi hành và sẽ còn thi hành. Nguyện xin Chúa hướng lòng anh em đến tình yêu Thiên Chúa và lòng kiên nhẫn của Ðức Kitô.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Lc 21, 36

Alleluia, alleluia! – Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 20, 27-38

“Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có mấy người thuộc phái Sađốc, là những người chối không tin có sự sống lại, đến gần Chúa Giêsu hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, Môsê đã viết cho chúng tôi: Nếu ai có một người anh cưới vợ, rồi chết đi mà không có con, thì người em phải cưới người vợ goá đó, để cho anh mình có kẻ nối giòng. Vậy có bảy anh em: người thứ nhất cưới vợ rồi chết mà không có con. Người kế tiếp cưới vợ goá đó, rồi cũng chết không con. Người thứ ba cũng cưới người vợ goá đó. Và tất cả bảy người đều cưới như vậy và đều chết mà không để lại người con nào; sau cùng người thiếu phụ đó cũng chết. Vậy đến ngày sống lại, người đàn bà đó sẽ là vợ ai trong các người ấy? vì tất cả bảy người đều lấy người ấy làm vợ”.

Chúa Giêsu trả lời họ rằng: “Con cái đời này cưới vợ, lấy chồng, song những ai sẽ xét đáng được dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng. Họ sẽ không thể chết nữa: vì họ giống như thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa: vì họ là con cái của sự sống lại. Về vấn đề kẻ chết sống lại, thì Môsê đã cho biết điều ấy trong đoạn nói về Bụi gai, khi ông gọi Chúa là Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, và Thiên Chúa Giacóp. Nhưng Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống. Vì mọi người đều sống cho Chúa”.

Ðó là lời Chúa.

Hoặc bài vắn này: Lc 20, 27. 34-38

“Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có mấy người thuộc phái Sađốc, là những người chối không tin có sự sống lại, đến gần Chúa Giêsu hỏi Người. Chúa Giêsu trả lời họ rằng: “Con cái đời này cưới vợ, lấy chồng, song những ai sẽ xét đáng được dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng. Họ sẽ không thể chết nữa: vì họ giống như thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa: vì họ là con cái của sự sống lại. Về vấn đề kẻ chết sống lại, thì Môsê đã cho biết điều ấy trong đoạn nói về Bụi gai, khi ông gọi Chúa là Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, và Thiên Chúa Giacóp. Nhưng Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống. Vì mọi người đều sống cho Chúa”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Để chuẩn bị hành trang cho Nước Trời mai sau, chúng ta cần ơn Chúa nâng đỡ và chở che suốt con đường lữ hành trần gian. Trong niềm xác tín đó, chúng ta thành tâm dâng lời cầu xin :

1. “Vua vũ trụ sẽ làm cho chúng ta được sống lại trong cuộc sống đời đời” – Xin cho Hội Thánh quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu tâm linh của con người, cổ võ một cuộc sống phục vụ, dấn thân và hướng dẫn con người nhận ra những giá trị vĩnh cửu của đời sau.

2. “Đấng đã yêu thương chúng ta và dùng ân sủng của Người mà ban cho chúng ta sự an ủi đời đời” – Xin cho các tín hữu đang đau khổ vì bệnh tật, vì nghèo đói được niềm an ủi, ơn sức mạnh, lòng hy vọng và ánh sáng Đức tin, để họ biết chấp nhận tất cả trong tình yêu Chúa.

3. “Khi thức giấc, tôi no thỏa tìm chân dung Chúa” – Xin cho mọi người trong giáo xứ chúng ta luôn biết cậy trông, tín thác vào Chúa quan phòng, nhiệt tình làm việc và phục vụ vì xác tín vào hạnh phúc đời sau.

4. “Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống” – Xin Chúa nhân từ, xót thương và thứ tha cho các linh hồn đã lìa cõi thế, được mau chung hưởng hạnh phúc Thiên Đàng cùng Mẹ Maria và các Thánh trên trời.

Chủ tế: Lạy Chúa, là Chúa của kẻ sống và kẻ chết, xin gìn giữ chúng con trong tinh thần nghĩa tử, biết luôn sống xứng đáng với tình yêu và ơn thánh Chúa ban, để mai ngày chúng con được Chúa thương ban hạnh phúc muôn đời. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin mở lượng khoan hồng đoái nhìn lễ vật Hội Thánh Chúa tiến dâng; để khi cử hành lễ tưởng niệm Con Chúa chịu khổ hình thập giá, chúng con biết đem cả tâm hồn lãnh nhận ơn phục sinh. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi, trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ, Người hướng dẫn tôi tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi.

Hoặc đọc:

Hai môn đệ đã nhận ra Chúa Giêsu khi Người bẻ bánh.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con xin hết lòng cảm tạ, vì Chúa đã dùng của ăn thánh bồi dưỡng chúng con, và tuôn đổ trên chúng con sức mạnh của Chúa, xin tiếp tục ban ơn Thánh Thần giúp chúng con bền chí sống cuộc đời ngay thẳng. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Tinh thần chia sẻ

Chuyện cổ tích Ảrập kể lại rằng: Có một người bán thịt nướng rất keo kiệt và khó tính, nên cửa hàng của anh ta luôn bị ế ẩm. Anh ta đã làm đủ mọi cách để câu khách, nhưng chẳng ai thèm đến. Ngày kia có một người ngồi ăn xin nơi lề đường. Ông thèm thuồng nhìn những miếng thịt nướng trên chiếc vỉ sắt. Cuối cùng ông móc trong bị ra một miếng bánh mì, rồi lẳng lặng đem hơ nóng trên khói, hy vọng khói thịt sẽ ám vào miếng bánh. Sau đó, ông ngồi ăn miếng bánh một cách ngon lành. Anh chàng bán thịt thấy vậy liền chạy ra túm lấy áo người ăn mày đòi tiền, nhưng người ăn mày phân trần: Tôi đâu có lấy thịt anh nướng của anh. Khói thịt đâu có phải là thịt. Anh hàng thịt quát lớn: Khói thuộc về miếng thịt, ông phải trả tiền cho tôi. Hai người đưa nhau lên quan toà xin xét xử. Quan toà truyền cho người ăn mày móc ra một đồng tiền cắc và bảo ném xuống nền nhà, phát ra một tiếng keng. Rồi quan toà nói: Đây là giảp pháp công bằng nhất. Người ăn mày hưởng khói thịt của anh còn anh thì hưởng tiếng keng đồng tiền của ông ta.
 
Nghe câu chuyện trên, có thể chúng ta sẽ mỉm cười trước thái độ keo kiệt của anh hàng thịt. Thế nhưng rất nhiều lần chúng ta đã cư xử với người khác như vậy. Việt Nam chúng ta có một câu chuyện kể về một người cha tham ăn đang ngồi nướng mấy con cá để nhậu lai rai. Đứa con nhỏ khóc đòi ăn, người mẹ liền dỗ: Con nín đi để mẹ xem có con nào nhỏ, mẹ sẽ xin ba cho con. Ông bố nghe vậy liền quắc mắt quát lên: Cho cái gì? Không có con nào nhỏ cả, con nào cũng bằng nhau.
 
Tình thương không chia sẻ chỉ là tình thương giả dối, không có thật. Đứng trước những nhu cầu cần thiết của người khác, đôi lúc chúng ta đã tránh né, đã chạy trốn bằng cách trả lời: Chừng nào tôi đủ ăn đủ mặc tôi sẽ cho. Hãy để lúc khác, bây giờ tôi không có khả năng. Và cái lúc khác ấy không bao giờ đến. Chúng ta có tới 1001 lý do để biện minh cho thái độ thiếu thông cảm, thiếu yêu thương của mình.
 
Trong Phúc Âm Chúa Giêsu đã lên ái thái độ giả dối này: Nếu có ai xin các ngươi áo ngoài, thì hãy cho họ cả áo trong nữa. Nếu có ai xin các ngươi đi với họ một dặm, thì hãy đi với nó hai dặm. Và qua đoạn Tin Mừng sáng hôm nay Chúa Giêsu đã lên tiếng ca ngợi bà goá nghèo chỉ bỏ vào hòm tiền được có 2 đồng tiền kẽm, thế nhưng bà là người đã dâng cúng nhiều nhất bởi vì bà dám hy sinh cả những cái thực sự cần thiết cho cuộc sống của mình. Nhiều lần, Chúa Giêsu đã phán dạy: Hãy yêu thương anh em như chính mình ngươi.
 
Yêu thương anh em là chấp nhận, khoan dung và hết lòng phục vụ với trọn tình bác ái chân thành của mình.

Chúa Nhật 32C thường niên
(Lc.
20:27-38) Lm Lã Mộng Thường

Bài Phúc Âm vừa được công bố giải đáp một trong những câu vấn nạn mà bất cứ ai khi đặt vấn đề về thân phận làm người đều phải đối diện đó là sau khi xác thân chết, linh hồn sẽ đi về đâu và sự liên hệ, ràng buộc của con người nơi thế trần này ảnh hưởng thế nào đến linh hồn con người nơi cõi vô hình. Phúc Âm rõ ràng công bố qua lời dạy của Đức Giêsu, “Con cái đời này cưới vợ, lấy chồng, song những ai sẽ xét đáng được dự phần đời sau sẽ được sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng; họ sẽ không thể chết nữa vì họ giống như thiên thần”. Điểm chúng ta nên để ý chính là lời giải thích: vì họ giống như thiên thần. Dĩ nhiên, được gọi là thiên thần vì là thực thể linh thiêng không có thân xác. Phúc Âm rõ ràng, đơn giản, và gọn gàng chỉ nói thế về thực thể của sự sống lại. Tất cả những sự liên hệ theo quan niệm và lề luật nhân sinh đều được chấm dứt khi một người đã chết chẳng hạn sự liên hệ vợ chồng, cha mẹ và con cái.

Tuy nhiên, nơi ba bản dịch Kinh Thánh tiếng Việt, bản thuộc sách bài đọc chúng ta vừa nghe về thực thể linh hồn nơi sự sống lại được viết, “Họ giống như thiên thần”. Nơi bản in của 14 vị dịch giả năm 1994 thì cho rằng, “Vì được ngang hàng với các thiên thần”. Bản dịch của Lm. Nguyễn Thế Thuấn ghi, “Bởi họ được như thiên thần”. Chỉ nơi sách bài đọc tiếng Mỹ chép, “Bởi họ trở nên như thiên thần”. Sáu cuốn Kinh Thánh khác, Oxford, New American Bible, Jerusalem Bible, New Jerusalem Bible, Holy Bible và The Anchor Bible về điểm này đều mang nghĩa giống như bài đọc tiếng Việt: họ giống như thiên thần. Tất cả những bản dịch về thực thể con người sau khi sống lại nơi Phúc Âm Marcô đều được ghi giống nhau đó là, “Người ta giống như thiên thần trên trời”. (12:25). Đặc biệt cuốn The Anchor Bible là bản dịch không lệ thuộc vào bất cứ giáo phái hay tôn giáo nào mà được dịch tùy thuộc quan điểm dựa trên nhận thức của con người thời bấy giờ cũng viết, “Người ta giống như thiên thần”. Nơi Phúc Âm Mátthêu, đơn giản và gọn gàng hơn chỉ ghi lại “Nhưng người ta sẽ như thiên thần ở trên trời”.

Nếu ai để ý và chịu khó tìm hiểu về lịch trình bốn cuốn Phúc Âm sẽ biết được Phúc Âm Marcô được viết sau hai cuốn phúc âm Matth êu và Luca. Nơi Phúc Âm Marcô chỉ nói tới khi sống lại chứ không đặt vấn đề thành phần nào được xét đáng được sống lại hay không. Phúc Âm Mátthêu dùng nhóm từ, “Thời phục sinh”. Điểm khác chúng ta nên biết, danh hiệu Sađđucêô mà Phúc Âm nhắc tới đó là nhóm người không công nhận có sự hiện hữu của thiên thần, nói chung, họ không cho rằng có một thế giới linh thiêng ở giữa con người và Thiên Chúa. Họ thiên về chính trị do đó không có lối sống tách biệt với đế quốc La Mã như những người thuộc bè phái Pharisiêu. Họ thuộc hàng tư tế của giáo phái riêng chỉ chấp nhận kinh sách được gọi là của Maisen bao gồm 5 cuốn: Khởi Nguyên, Xuất Hành, Lêvi, Dân Số, và Thứ Luật. Dĩ nhiên, khi đã không cho rằng có một thế giới linh thiêng ở giữa con người và Thiên Chúa thì sẽ không chấp nhận có cuộc sống sau khi chết chẳng khác gì nhiều người ngày nay cho rằng chết là hết. Rảo qua những nhận định được ghi lại nơi Phúc Âm và quan niệm của bè phái Sađđucêô, chúng ta thấy rõ, bài Phúc Âm được viết cho con người thời nay, cho tất cả những ai chưa để tâm suy tưởng tận tường về thực thể con người của mình.

Nói chung, bài Phúc Âm được viết với mục đích nhắc nhở con người để ý nhận biết Tin Mừng Đức Giêsu rao giảng và đó là Thiên Chúa ở cùng chúng ta; Thiên Chúa ngự trị và hoạt động nơi mọi người, mọi tạo vật qua nhiều hình thức khác nhau mà chúng ta có thể nhận biết. Trước hết, mỗi con người bao gồm hai thành phần hoàn toàn khác biệt đó là linh hồn và thân xác. Xác thân là phương tiện cho sự thăng tiến về tâm linh của linh hồn. Sự thăng tiến này được gọi là hành trình đức tin hay hành trình tâm linh. Hoạt động của linh hồn bao gồm tất cả ý nghĩ, ước muốn, ước mơ, ký ức, v.v... những vấn đề chỉ chủ thể nhận biết chưa được diễn đạt qua bất cứ phương tiện nào như ngôn ngữ, nghệ thuật v.v... Những sự khác biệt về cá tính, tư cách, thái độ, tài năng nơi những con người đó chính là sự khác biệt nơi trình độ thăng tiến của linh hồn mỗi người vì tư cách hay cá tính con người chính là sự biểu hiện hoạt động của linh hồn nơi cơ hội có được phương tiện học hỏi nơi thế giới hữu hình. Linh hồn cũng còn được gọi bằng nhiều danh hiệu khác nhau tùy quan niệm và nhận thức theo mức độ tâm linh khác nhau. Nơi trình độ thấp kém, đơn giản, linh hồn được gọi là trí khôn. Ở bậc suy nghiệm cao, linh hồn được gọi là Thiên Chúa nội tại. Các danh hiệu tâm trí, thần khí, thực thể linh thiêng, v.v... đều chỉ về linh hồn.


Nhận định như thế, xác thân là phương tiện và cuộc đời với những liên hệ là cơ hội cho linh hồn một người thăng tiến nơi hành trình nhận biết chính mình, nhận biết Tin Mừng Nước Trời. Khi thời giờ đã mãn, tức là khi linh hồn đã hết giai đoạn được xử dụng thân xác hoặc thân xác không còn giúp ích gì nên linh hồn lìa khỏi xác, chúng ta gọi là sự chết. Qua nhận thức tâm linh, kết quả của dầy công suy nghiệm, linh hồn chính là quyền lực sự hiện hữu, quyền lực sự sống, quyền lực đức tin, quyền lực của Thiên Chúa đang hoạt động nơi con người. Chúng ta chỉ có thể nhận biết được thực thể linh hồn khi tự đặt vấn đề về chính mình để suy nghiệm. Chẳng hạn, tại sao hay quyền lực nào đã sắp xếp để cặp mắt một người cũng như nơi mọi người chỉ ở trước mặt mà không thấy ai có cặp mắt nơi sau lưng. Tại sao hay quyền lực nào sắp xếp để con mắt có cơ cấu hoàn toàn khác biệt với các bộ phận khác nơi cơ thể con người. Tại sao hay quyền lực nào sắp xếp để hàm răng không mọc ở chiếc lưỡi mà bao quanh nơi hàm, v.v...

Càng suy nghiệm về chính bản thân, chúng ta càng phải đối diện với một thực thể quyền lực tối ư cao vời đang hiện diện và hoạt động ngay nơi thân xác mình mà xưa nay chúng ta đã không bao giờ để ý nhưng lại cho là sự thường. Đức Giêsu đến rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Ngài nói cho chúng ta biết, Thiên Chúa, quyền lực tối thượng của sự hiện hữu đang ngự trị và hoạt động nơi mỗi người, nơi tạo vật. Sự hiện hữu của chúng ta chính là sự hiện thể của Thiên Chúa nơi thế giới hữu hình nơi hành trình biến chuyển vô cùng. Đây là ý nghĩa câu nói nơi bài Phúc Âm, “Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết mà là của kẻ sống vì mọi người đều sống cho Chúa”. Tóm lại, chẳng có gì được gọi là chúng ta mà tất cả đều là sự hiện thể của Thiên Chúa. Amen.

 

HIỆP SỐNG TIN MỪNG
CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN C

2 Mcb 7, 1-2.9-14; 2 Tx 2, 16-3,5; Lc 20, 27-38.
LM ĐAN VINH - HHTM


TIN VÀO CUỘC SỐNG VĨNH HẰNG ĐỜI SAU

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Lc 20,27-38

(27) Có mấy người thuộc nhóm Xa-đốc đến gặp Đức Giê-su. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. (28) Mấy người ấy hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, ông Mô-sê có viết cho chúng ta điều luật này: “Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải cưới lấy nàng, để gây dựng một dòng giống cho anh hay em mình”. (29) Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết. (30) Người thứ hai, (31) rồi người thứ ba đã lấy người vợ góa ấy. Cứ như vậy, bảy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào. (32) Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết. (33) Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ? (34) Đức Giê-su đáp: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, (35) chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. (36) Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại. (37) Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Mô-sê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham, Thiên Chúa của tổ phụ I-xa-ác, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp. (38) Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống.

2. Ý CHÍNH: Những người phái Xa-đốc không tin có sự sống lại sau này, nên khi nghe Đức Giê-su giảng về mầu nhiệm kẻ chết sống lại, họ đã tìm cách phi bác giáo lý ấy qua một câu chuyện giả tưởng về bảy anh em nhà kia theo luật Thế Huynh của Mô-sê đã tiếp nối nhau lấy cùng một người đàn bà và đều chết mà không có con. Từ đó họ đặt vấn đề: Nếu có chuyện kẻ chết sống lại thì người đàn bà ấy sẽ là vợ của ai trong bảy anh em? Đức Giê-su đã dùng Kinh Thánh để chứng minh có cuộc sống vĩnh hằng sau đời tạm này, và còn cho biết cuộc sống ấy như thế nào.

 3. CHÚ THÍCH:

- C 27-28: + Có mấy người thuộc nhóm Xa-đốc: Đây là một số người thuộc hàng tư tế phục vụ Đền thờ, là những người không tin có sự sống lại cũng như không tin có đời sau, đang khi người Pha-ri-sêu thì tin kẻ chết sẽ sống lai (x. Cv 23, 8), dựa vào lời sấm của ngôn sứ Đa-ni-en như sau: “Trong số những kẻ an nghỉ trong bụi đất, nhiều người sẽ trỗi dậy: người thì để hưởng phúc trường sinh, kẻ thì để chịu ô nhục và bị ghê tởm muôn đời. Các hiền sĩ sẽ chói lọi như bầu trời rực rỡ. Những ai làm cho người người nên công chính, sẽ chiếu sáng muôn đời như những vì sao.” (x. Đn 12, 2-3). Còn Đức Giê-su luôn khẳng định giáo lý về mầu nhiệm kẻ chết sống lại đối lập với phái Xa-đốc, nên phái này đã đến nêu thắc mắc nhằm phi bác giáo lý kẻ chết sống lại của Đức Giê-su và các người Biệt phái. + Thưa Thầy, ông Mô-sê có viết cho chúng ta điều Luật này...: Nhằm chế diễu giáo lý về sự sống lại, nhóm Xa-đốc đã trưng ra điều luật “Thế huynh” của Mô-sê nội dung như sau: Nếu người anh lấy vợ mà chết không con, thì em trai của anh ta phải lấy bà chị dâu làm vợ. Đứa con sinh ra đầu tiên sẽ được Luật pháp công nhận là con của người anh đã chết, để cho người anh có con cái nối dòng (x. Đnl 25, 5).

- C 29-33: + Vậy nhà kia có bảy anh em trai...: Nhóm này đưa ra câu chuyện giả định chưa từng xảy ra. Sai lầm của nhóm Xa-đốc là đã quan niệm rằng khi sống lại thì người ta cũng sẽ sống y như khi còn sống ở trần gian. Nghĩa là hai người đã là vợ chồng thì khi sống lại sẽ vẫn sống đời vợ chồng với nhau.

- C 34-36: + Con cái đời này cưới vợ lấy chồng: Con cái đời này” là những người thuộc về trần gian. Câu này có nghĩa là: Vì sự sống của con người ở trần gian có sinh có tử, nên người ta cần phải lấy vợ lấy chồng để sinh con cái nối dòng. + “Nhưng những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết”: Câu này chỉ nhấn mạnh đến việc kẻ lành sống lại để được hưởng vinh quang, và không đề cập đến số phận của kẻ dữ. Thực ra không chỉ những người được Thiên Chúa tuyển chọn và xét xứng đáng mới được sống lại, nhưng là tất cả mọi người: tội lỗi cũng như công chính, đều được sống lại, như thánh Phao-lô đã đề cập trong sách Công Vụ như sau: “Tôi đặt nơi Thiên Chúa niềm hy vọng này là: người lành kẻ dữ sẽ sống lại” (Cv 24, 15; x Ga 5, 28-29; Mt 25, 34-45). + Thì không cưới vợ, cũng chẳng lấy chồng: Họ không dựng vợ gả chồng, một là vì thân xác sẽ được siêu hóa không bao giờ chết và nên giống như các thiên thần; Hai là vì họ trở nên con cái Thiên Chúa, hay con cái của sự sống lại, nghĩa là được thừa hưởng một thế giới mới và được sự sống mới từ Thiên Chúa (x. Ep 1, 5; Rm 8, 18-21).

- C 37-38: + Còn vấn đề kẻ chết trỗi dậy...: Đức Giê-su đã dựa vào Thánh kinh để chứng minh có sự sống lại của những kẻ đã chết. Người nêu ra một đoạn trong sách Xuất hành: Khi hiện ra với Mô-sê trong bụi gai đang cháy, Thiên Chúa đã tự xưng là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác và Thiên Chúa của Gia-cóp (x. Xh 3,6). + Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống: Các Tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp dù đã chết, nhưng qua câu nói với Mô-sê, Thiên Chúa cho biết các vị ấy hiện vẫn đang sống với Chúa.

4. CÂU HỎI: 1) Trong hai nhóm Pha-ri-sêu va Xa-đốc, nhóm nào tin xác lòai người ngày tận thế sẽ sống lại, nhóm nào không tin? 2) Luật “Thế huynh” của Mô-sê quy định thế nào về việc kết hôn giữa em trai với chị dâu? 3) Phải chăng chỉ những người lành thánh mới được sống lại vào ngày tận thế, còn những kẻ tội lỗi sẽ chết luôn và không bao giờ sống lại? 4) Đức Giê-su đã dựa vào bằng chứng nào để khẳng định mọi người sẽ sống lại ngày tận thế?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống” (Lc 20, 38).

2. CÂU CHUYỆN:

1) HÌNH ẢNH MINH HỌA VỀ CÁI CHẾT:

ĐÊ-VÍT MA-CỚT (David Marcus) là một viên sĩ quan của quân đội Ít-ra-en đã chết trận vào tháng 6 năm 1948. Người ta đã tìm thấy một cuốn nhật ký, trong đó ông đã ghi lại cảm nghĩ của ông về cái chết có thể xảy ra với ông như sau:

“Tôi đang đứng trên một bến cảng ở bờ biển. Trước mặt tôi là một con tàu vừa trương buồm chuẩn bị ra khơi. Con tàu trông mới hùng vĩ và đẹp làm sao! Tôi đứng nhìn theo nó cho đến khi nó chỉ còn là một vệt trắng ở đường chân trời. Lúc đó, có một người bạn đứng cạnh tôi nói to lên rằng: “Xem kìa, con tàu đã biến mất rồi!”. Nhưng thực ra nó đâu có biến mất. Nó vẫn còn ở đó với chiếc buồm màu trắng và thân tàu to lớn đúng như kích thước khi tôi nhìn thấy nó đậu ở bến cảng. Hiện giờ nó đang trên đường đi đến một nơi đã định trước. Kích thước con tàu chỉ nhỏ dần đi trong mắt của tôi và cuối cùng đã biến mất khỏi tầm nhìn hạn hẹp của tôi mà thôi. Rồi ít ngày sau, con tàu đó sẽ tới một bến cảng mới. Tại nơi nó sắp cập bến lại vang lên tiếng nói đầy vui mừng của những người đang chờ đón người thân: “Ồ con tàu chúng ta chờ đợi đã đến rồi kìa!”. Con tàu đó chính là hình ảnh cái chết của mỗi người chúng ta”.

2) CẢM NGHIỆM VỀ THẾ GIỚI ĐỜI SAU:

Từ sau khi quả bom nguyên tử ném xuống thành phố Na-ga-sa-ki của Nhật Bản, bác sĩ TA-KA-SHI NA-GAI (1908-1951) đã trở thành một nhân vật nổi tiếng nhờ sự tận tâm và tấm lòng hy sinh cao cả phục vụ các nạn nhân bị nhiễm phóng xạ nguyên tử của ông. Sau khi ông chết, người ta đã tìm thấy mấy dòng tâm sự ông để lại, cho biết lý do tại sao từ một người vô thần ông đã trở thành một người tín hữu có đức tin mạnh vào Thiên Chúa như sau:

“Trong kỳ nghỉ Xuân, lúc đó tôi học hết năm thứ hai đại học y khoa, mẹ tôi bị trúng phong. Tôi hối hả chạy đến đầu giường của mẹ tôi khi ấy chỉ còn một chút hơi thở. Mẹ tôi trừng trừng mở mắt nhìn tôi thở hắt ra. Cái nhìn cuối cùng của cặp mắt bà mẹ đã sinh ra, đã giáo dục và đã thương yêu tôi đến cùng. Cặp mắt này nói cho tôi một cách rõ ràng: Sau khi chết, bà vẫn luôn ở bên tôi là Takashi yêu dấu của bà. Tôi nhìn vào trong cặp mắt đó. Tôi, một con người vốn không tin có linh hồn, tự nhiên đã cảm thấy linh hồn mẹ tôi đang có đó; linh hồn mẹ tôi khi chết đã lìa khỏi thân xác nhưng vẫn tồn tại mãi mãi”. Rồi Na-gai viết thêm: ”Từ đó, con người của tôi đã thay đổi hẳn: Dù tôi đã cố gắng hết sức nhưng cũng không thể khiến tôi tin rằng con người mẹ tôi đã hoàn toàn bị tiêu diệt… Con mắt tôi lần đầu tiên đã mở ra và nhìn thấy thế giới siêu hình”.

3) ÔNG VUA GIÀU CÓ VÀ ANH HỀ NGU DỐT:

Có một ông vua kia rất giầu sang phú quí. Ông sống như không cần biết đến tương lai. Ông cũng chẳng cần biết có cuộc sống sau khi chết hay không. Trong hoàng cung có một anh hề chuyên giúp vui trong các bữa tiệc. Theo nhà vua thì anh hề này có biệt tài giúp mang lại bầu khí vui tươi cho khách dự tiệc. Nhưng anh ta lại là một người ngu đần. Một ngày kia nhà vua cho gọi anh hề tới trao cho anh một cây thanh trượng và nói: "Ngươi hãy đi tìm cho ra một người ngu đần hơn ngươi để trao cây gậy này cho nó, rồi ta sẽ trọng thưởng cho ngươi." Chú hề nhận cây gậy và cố gắng đi tìm, nhưng anh ta tìm mãi mà vẫn không thể tìm ra ai ngu đần hơn mình để trao cây gậy.

Thời gian qua mau và tuổi già cũng đến vào lúc nhà vua không ngờ. Đến khi sức lực cạn kiệt, cảm thấy ngày gần đất xa trời không còn xa, nhà vua liền cho gọi anh hề đến nói chuyện. Nhà vua đã tâm sự với anh hề như sau:

- Trẫm sắp phải đi một chuyến đi thật xa.

- Dạ thưa Đức Vua sắp đi đâu ạ?

- Ta cũng chẳng biết nữa.

- Dạ thưa đi rồi bao giờ Đức Vua trở về?

- Không bao giờ, không bao giờ con ạ.

Anh hề là một người ngu nhưng giờ đây anh lại suy nghĩ rất chính xác. Anh nhẹ nhàng đặt cây gậy trước kia vua đã trao, trao lại vào tay nhà vua, rồi im lặng ta về, lòng cảm thấy nhẹ nhàng vui sướng vì đã hoàn thành nhiệm vụ. Giờ đây anh đã tìm ra một người ngu hơn mình. Đó chính là ông vua trước kia tự hào thông minh hơn anh gấp vạn lần.

3. SUY NIỆM:

Thực tế cho thấy con người ta ai cũng đều phải chết! Chết là giai đoạn cuối cùng trong bốn giai đoạn cuộc sống của mỗi người chúng ta là: Sinh – lão - bệnh - tử. Nhưng chết là gì và sau khi chết chúng ta sẽ đi đâu? Ta phải làm gì để được sống lại trong cuộc sống vĩnh hằng đời sau?

1) Chết là gì và chết rồi con người sẽ đi đâu?

Chết là khi linh hồn lìa ra khỏi xác. Hầu hết nhân loại đều tin: chết không phải là đi vào cõi tiêu diệt, nhưng là trải qua một cuộc biến đổi từ cuộc sống vật chất trần gian sang cuộc sống vĩnh cửu đời sau được diễn tả qua câu nói: ”Sinh ký tử qui” - sống chỉ là ở tạm, chết mới là đi về. Nhưng đi về đâu? Thưa là đi về với cội nguồn, về cõi vĩnh hằng với Đấng đã tạo dựng nên mình.

Riêng đối với các tín hữu là những người tin vào Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai và đã đi theo con đường “qua đau khổ vào trong vinh quang” của Người thì chết là trải qua cuộc biến đổi với Đức Giê-su như lời thánh Phao-lô: “Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người” (2 Tm 2, 11). Thánh Au-gút-ti-nô cũng nói lên niềm khát mong được nghỉ yên trong Chúa ở đời sau qua lời cầu nguyện: ”Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con hướng về Chúa, nên tâm hồn con vẫn còn khắc khoải mãi đến khi nào con được nghỉ yên trong Chúa”. Còn thánh nữ Tê-rê-sa Hài đồng Giê-su lúc sắp chết cũng đã nói với các chị em đang đứng chung quanh về niềm tin của mình vào cuộc sống vĩnh hằng như sau: ”Em không chết đâu, em sắp đi vào cõi sống”.

2) Hai lập trường đối lập về mầu nhiệm kẻ chết sống lại:

- Trong thời Đức Giê-su, các người Biệt phái (Pha-ri-sêu) tin rằng: ngoài cuộc sống đời này còn một cuộc sống vĩnh hằng ở đời sau. Còn phái Xa-đốc gồm các tư tế Đền thờ lại không tin có cuộc sống đời sau như vậy. Do đó, khi nghe Đức Giê-su giảng về sự kẻ chết sống lại, họ đã phi bác lại bằng việc đặt ra một câu chuyện giả tưởng không có thực như sau: Nhà kia có bảy anh em trai, người thứ nhất lấy vợ rồi chết mà không có con. Theo luật “Thế huynh” của Mô-sê, người thứ hai phải lấy người vợ góa đó, nhưng rồi người này cũng chết không con. Tới người thứ ba, tư, năm, sáu, bảy đều lần lượt lấy người vợ góa đó và cũng đều chết mà không để lại một người con nào. Vậy nếu có sự sống lại thì người đàn bà ấy sẽ là vợ của ai trong bảy anh em? Mục đích của phái Xa-đốc khi đưa ra câu chuyện này là để chứng minh niềm tin vào sự sống lại là vô lý. Vì nếu còn có cuộc sống đời sau như vậy thì chẳng lẽ người đàn bà ấy lại là vợ của cả bảy anh em nhà đó hay sao?

- Để trả lời, trước hết Đức Giê-su cho biết tình trạng người ta sau khi sống lại sẽ không cưới vợ lấy chồng. Cuộc sống của họ sẽ hoàn toàn thanh khiết như "các thiên thần". Họ sẽ trở thành "con cái của Thiên Chúa" (Lc 20, 34-36). Tiếp đến Đức Giê-su xác nhận sự kẻ chết sống lại là điều chắc chắn vì dựa trên Lời Thánh Kinh: Khi hiện ra với ông Mô-sê trong bụi gai cháy mãi không tàn, Đức Chúa đã tự xưng mình như sau: “Ta là Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham, I-sa-ác và Gia-cóp” (Xh 3, 6). Câu này hàm ý Thiên Chúa là Đấng hằng sống và điều khiển thế giới người sống. Các tổ phụ dân Do Thái dù đã chết nhưng linh hồn các ngài vẫn đang sống và thân xác các ngài sau này cũng sẽ sống lại.

3) Niềm tin của người tín hữu về cuộc sống đời sau:

Khi đọc kinh Tin kính, các tín hữu tuyên xưng đức tin vào mầu nhiệm này như sau: ”Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại”. Thánh Phao-lô cũng đã khẳng định về một cuộc sống mới trong Đức Ki-tô: ”Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Ki-tô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người. Nhưng không phải thế! Đức Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu” (1 Cr 15,19-20). Cuộc sống của chúng ta nơi trần gian là cuộc hành trình về quê trời. Cuộc sống ấy sẽ ra sao tùy thuộc vào cuộc sống hiện tại của chúng ta trên trần gian theo nguyên tắc: “gieo giống nào thì sẽ gặt giống ấy”.

4) Thể hiện đức tin vào mầu nhiệm này thế nào?

- Một là không nên sợ chết: Những người không có đức tin sẽ rất sợ chết vì cho rằng chết đi là hết. Nếu người tín hữu sợ chết là tự mâu thuẫn với niềm tin của mình về một cuộc sống vĩnh hằng sau khi chết. Sách Công Vụ Tông Đồ đã thuật lại về cái chết anh dũng của Phó tế Tê-pha-nô tử đạo như sau: “Được đầy ơn Thánh Thần, ông đăm đăm nhìn trời thấy vinh quang Thiên Chúa, và thấy Đức Giê-su đứng bên hữu Thiên Chúa. Ông nói: “Kìa, tôi thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa” (Cv 7,55-56).

- Hai là phải chuẩn bị cho cuộc sống mai hậu: Nếu một người chỉ lo kiếm tiền rồi lại tim cách hưởng thụ các nhu cầu vật chất thể xác thì sẽ chỉ gặt hái được thứ hạnh phúc bọt bèo chóng qua. Muốn đạt được hạnh phúc lâu dài cần phải có đức tin và sống phù hợp với đức tin ấy như câu ngạn ngữ tây phương sau đây:

“Nếu bạn muốn được hưởng hạnh phúc một ngày, hãy mua một một bộ quần áo mới.

Nếu bạn muốn được hưởng hạnh phúc một tuần, hãy giết thịt một con heo.

Nếu bạn muốn được hưởng hạnh phúc một năm, hãy lập gia đình với người mình yêu.

Nếu bạn muốn được hưởng hạnh phúc một đời, hãy sống một cuộc sống lương thiện.

Nếu bạn muốn được hưởng hạnh phúc muôn đời, hãy sống như một tín hữu tốt lành”.

Người tín hữu tốt sẽ luôn sống giới răn mến Chúa yêu người theo lời Chúa dạy trong “Tám Mối Phúc Thật” (x. Mt 5, 3-12). Thánh Phao-lô cũng cho biết có sự thưởng phạt người lành kẻ dữ trong ngày tận thế: ”Ngày đó Thiên Chúa sẽ thưởng phạt mỗi người tùy theo việc họ đã làm” (Rm 2, 6).

- Ba là năng cầu nguyện cho các người thân qua đời: Hằng năm, Hội thánh dành riêng tháng Mười Một để khuyến khích các tín hữu cầu nguyện cho ông bà cha mẹ đã qua đời. Đây cũng là cơ hội giúp chúng ta suy nghĩ về bốn sự sau là: sự chết, sự phán xét, thiên đàng và hỏa ngục. Chính sự chết dạy cho chúng ta biết phải sống như thế nào. Niềm tin vào Thiên đàng hay hỏa ngục sẽ giúp chúng ta tránh những đam mê hạnh phúc giả tạo đời này và động viên chúng ta can đảm chịu đựng những đau khổ gặp phải để đền tội và đi con đường “Qua đau khổ vào trong vinh quang” để về quê trời đời sau. Trong tháng này, khi làm các việc lành cầu cho các linh hồn là chúng ta thể hiện niềm tin vào mầu nhiệm kẻ chết sống lại và cuộc sống vĩnh hằng đời sau.

4. THẢO LUẬN: Ngày nay nhiều người chỉ biết đi tìm thứ hạnh phúc bọt bèo chóng qua trong những thú vui nhục dục và những đam mê bất chính. Bạn sẽ làm gì để hồi tâm sám hối và quyết tâm sống cuộc đời bác ái yêu thương để tuyên xưng đức tin vào cuộc sống vĩnh hằng đời sau?

5. NGUYỆN CẦU:

- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Khi đọc kinh Tin kính, tuy miệng con tuyên xưng mầu nhiệm kẻ chết sống lại và tin có sự sống đời sau, nhưng trong thực hành, con lại thường lỗi đức công bình khi có cơ hội, gây ra bao thiệt hại về vật chất cũng như tinh thần cho tha nhân, mà không nghĩ đến việc con sẽ phải đền trả khi ra trước tòa Chúa phán xét sau này. Dường như đức tin của con mới chỉ là thứ đức tin lý thuyết và không đủ mạnh để ngăn cản con khỏi sống ích kỷ và tội lỗi. Trong Tin mừng hôm nay, chính Chúa đã khẳng định rằng: Thân xác loài người sau này sẽ sống lại. Khi ấy người ta sẽ không còn cưới vợ lấy chồng, không còn bon chen kiếm sống như ở trần gian, nhưng mọi người sẽ trở nên giống như các thiên thần của Thiên Chúa và được sống hạnh phúc muôn đời.

- LẠY CHÚA, con muốn rằng: ngay từ bây giờ con sẽ thuộc trọn về Chúa. Con xin dâng lên Chúa tất cả tâm tư, cùng những niềm vui nỗi buồn và những ước vọng của con. Xin Chúa thương nhận và ban xuống dồi dào hồng ân cứu độ cho con. Xin cho con luôn phó thác cuộc sống trong tay Chúa và sẵn sàng đón nhận mọi thử thách, với niềm tin rằng chúng đều hữu ích cho phần rỗi đời đời của con.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

Chúa nhật tuần lễ 32 thường niên -C
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 20, 27-38).

Khi ấy, có mấy người thuộc phái Sađốc, là những người chối không tin có sự sống lại, đến gần Chúa Giêsu hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, Môsê đã viết cho chúng tôi: Nếu ai có một người anh cưới vợ, rồi chết đi mà không có con, thì người em phải cưới người vợ goá đó, để cho anh mình có kẻ nối giòng. Vậy có bảy anh em: người thứ nhất cưới vợ rồi chết mà không có con. Người kế tiếp cưới vợ goá đó, rồi cũng chết không con. Người thứ ba cũng cưới người vợ goá đó. Và tất cả bảy người đều cưới như vậy và đều chết mà không để lại người con nào; sau cùng người thiếu phụ đó cũng chết. Vậy đến ngày sống lại, người đàn bà đó sẽ là vợ ai trong các người ấy? vì tất cả bảy người đều lấy người ấy làm vợ”. Chúa Giêsu trả lời họ rằng: “Con cái đời này cưới vợ, lấy chồng, song những ai sẽ xét đáng được dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng. Họ sẽ không thể chết nữa: vì họ giống như thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa: vì họ là con cái của sự sống lại. Về vấn đề kẻ chết sống lại, thì Môsê đã cho biết điều ấy trong đoạn nói về Bụi gai, khi ông gọi Chúa là Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, và Thiên Chúa Giacóp. Nhưng Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống. Vì mọi người đều sống cho Chúa”.

Suy niệm

Con người vẫn luôn trăn trở với tương lai của chính mình, chết rồi sẽ đi về đâu, sau bức màn đen của cái chết, tôi sẽ như thế nào, được thưởng hay bị phạt. Những trăn trở về tương lai cứ hiện lên trong suy nghĩ, trong từng nhịp sống của mỗi người. Cuộc sống hiện tại của con người đầy hứa hẹn, đầy màu hồng thế, chẳng lẽ chết là bỏ đi tất cả, là kết thúc cuộc chơi giữa sân chơi cuộc đời sao. Phụng vụ Lời Chúa tuần lễ 32 thường niên, giúp người tín hữu Kitô có được những câu trả lời về vấn nạn cuộc đời. Con người sẽ bước qua cánh cửa sự chết, đi vào cõi sống nếu như con người biết chuẩn bị từ hôm nay, để hội đủ những điều kiện cần thiết có thể bước qua cánh cửa của sự chết, đó là hãy tỉnh thức, hãy sống đúng ơn gọi của mình là con cái Thiên Chúa, hãy thực hành những mối phúc của Tin mừng, để có được tấm vé bước vào sự sống đời đời.

Đối diện với cuộc chiến tương tàn giữa các dân chung quanh với người Do-thái, tác giả sách Macabe chứng kiến những nỗi đau về thể xác, nhưng đồng thời cũng hiểu được những nỗi niềm của những người đang giữ mối hiệp thông với Giavê Thiên Chúa. Bị bắt bớ, bị đánh đập, tù tội và có thể phải chết, nhưng các anh chị em đó vẫn kiên định trong niềm tin. Câu chuyện kể về người mẹ cùng các con trai chấp nhận mọi hình phạt, mọi đau khổ, để giữ trọn khí tiết của một người nghèo Giavê: “Trong những ngày ấy, có bảy anh em bị bắt làm một với mẹ mình, và bị vua cho đánh bằng roi da và roi gân bò, bắt ép ăn thịt heo mà lề luật đã cấm. Nhưng người anh cả của chúng tâu vua rằng: “Bệ hạ còn hỏi han và muốn dò xét chúng tôi làm chi? Chúng tôi sẵn sàng chịu chết hơn là phạm đến lề luật Thiên Chúa đã truyền cho tổ phụ chúng tôi”. Dù tương lai của gia đình không có gì sáng sủa và hy vọng, nhưng các thành viên vẫn tin rằng, Thiên Chúa luôn đứng về phía họ, luôn che chở và bảo vệ họ. Thiên Chúa sẽ không quên những người con của Ngài đang đối diện với những đau khổ cả thể xác lẫn tinh thần, đặc biệt là khi họ đang cố gắng để trở thành những người trung thành với lề luật, với Giavê: “Thà chịu chết do tay người đời mà trông cậy Thiên Chúa sẽ cho sống lại thì hơn: Phần vua, vua sẽ không được sống lại để sống đời đời đâu”.

Đối diện với những trào lưu thế gian từ dân ngoại, các cộng đoàn Giáo hội sơ khai ngoại thành Giêrusalem cùng với các Tông đồ đang nhận chịu nhiều áp lực trong đời sống chứng nhân. Chứng kiến cộng đoàn huynh đệ sống theo tinh thần mới, không thiếu những người ganh tị, hiềm khích, họ tìm cách chia rẽ cộng đoàn, vu khống các Tông đồ và những ai đang thành tâm đi tìm Thiên Chúa. Dẫu rằng bên ngoài, họ là những người Do-thái, nhưng thực tâm họ đến các cộng để gây chia rẽ, gây hoang mang về niềm tin: “Anh em thân mến, ngoài ra, xin anh em hãy cầu nguyện cho chúng tôi, để lời Thiên Chúa chóng lan tràn và được vinh hiển như việc đã thể hiện nơi anh em, và để chúng tôi thoát khỏi tay những kẻ lầm lạc và xấu xa: vì không phải hết mọi người đều có lòng tin. Nhưng Thiên Chúa là Ðấng trung thành, Người sẽ làm cho anh em được kiên vững và gìn giữ anh em khỏi sự dữ”. Dù khởi đầu của các cộng đoàn Giáo hội còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng Chúa Thánh Thần vẫn luôn bên cạnh họ, bên cạnh các Tông đồ, vì thế, các cộng đoàn luôn tin rằng, Thiên Chúa sẽ có những cách thế, để che chở, để bảo vệ con cái của Ngài.

Là con người, ai cũng mong được biết cội nguồn của mình, được chào đời từ đâu, sống như thế nào, và kết thúc cuộc đời sẽ ra sao? Những trăn trở đó không dừng lại trong suy nghĩ, nhưng đã đi vào trong những sinh hoạt tâm linh, nó còn là một trong những quan niệm sống của một số giáo phái, các hội nhóm. Dần dần, chúng được đưa vào trong các tôn giáo, trở thành tâm điểm gây ra nhiều tranh cãi, nhiều bất đồng trong sự tồn tại của mỗi nhóm, mỗi giáo phái. Thời Đức Giêsu, nhiều giáo phái xuất hiện, họ đã có những cuộc tranh luận gắt gao về ngày cánh chung của con người. Sự xuất hiện của Đức Giêsu như là một cái gai trong mắt họ, bởi Ngài trình bày một giáo lý mới về sự sống mai sau, đặc biệt Ngài còn giới thiệu chính Ngài là Đường, là Sự thật và là Sự sống. Do đó, họ quay chung quanh Ngài để tranh luận về vấn đề bên kia cái chết: “Khi ấy, có mấy người thuộc phái Sađốc, là những người chối không tin có sự sống lại, đến gần Chúa Giêsu hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, Môsê đã viết cho chúng tôi: Nếu ai có một người anh cưới vợ, rồi chết đi mà không có con, thì người em phải cưới người vợ goá đó, để cho anh mình có kẻ nối giòng. Vậy có bảy anh em: người thứ nhất cưới vợ rồi chết mà không có con. Người kế tiếp cưới vợ goá đó, rồi cũng chết không con. Người thứ ba cũng cưới người vợ goá đó. Và tất cả bảy người đều cưới như vậy và đều chết mà không để lại người con nào; sau cùng người thiếu phụ đó cũng chết. Vậy đến ngày sống lại, người đàn bà đó sẽ là vợ ai trong các người ấy? vì tất cả bảy người đều lấy người ấy làm vợ”. Dù phái này hay phái kia, mục đích của họ là đi tìm câu trả lời cho thắc mắc về thế giới bên kia, họ muốn biết trong thế giới bên kia, những nhu cầu căn bản của con người có được thỏa mãn không, có được trải nghiệm không, còn Đức Giêsu, Ngài giới thiệu cho họ về những giá trị tinh thần của một con người, hãy sống tử tế, sống thế nào đừng đánh mất nhân phẩm, đánh mất giá trị tinh thần của mình hôm nay, thì mai sau, họ sẽ được bình an, được hạnh phúc trong thế giới bên kia.

Đạo là con đường, con đường dẫn con người tới cõi bình yên và hạnh phúc, những giá trị ở cuối con đường đó không tồn tại trên thế gian này, chỉ có được ở thế giới bên kia. Thế nhưng, con người đã lầm tưởng rằng, bước vào đạo, vào một tôn giáo nào, họ sẽ được trả lời đầy đủ, được trải nghiệm tất cả và được cầm tay dắt tới chốn bình yên đó, tới nơi hạnh phúc tuyệt đối đó. Chính lầm tưởng đó, nhiều tín hữu Kitô thích sống đạo với những màu sắc lễ hội, với những lý thuyết trên sách vở, với những truyền thống của dân tộc này, vùng miền nọ, bởi họ nghĩ rằng, những hình thức bên ngoài đó, là vỏ bọc an toàn, là  chiếc vé đưa họ tới bến bờ bình an. Con đường mang tên Giêsu trong Giáo hội Công giáo là một con đường đầy những gian nan, ẩn hiện nhiều thập giá, đó là những khổ đau, những từ bỏ, những hy sinh thua thiệt, tất cả cần phải buông bỏ, để rồi chỉ còn lại trong con người, trong cuộc đời họ một mình Thiên Chúa, một mình với mầu nhiệm tự hủy, đó là tấm vé giúp họ bước vào thế giới bình yên cách nhẹ nhàng.
Ngày nay, người tín hữu Kitô, dù ơn gọi nào cũng đang đi trong một thế giới rất thực dụng, ai cũng mong được trải nghiệm những thành tựu của cuộc sống, của khoa học và công nghệ, do đó, những giá trị thực hôm nay luôn được quan tâm, luôn được đề cao, còn những giá trị tinh thần của ngày mai, của tương lai, và xa hơn là của thế giới bên kia sự chết, con người ít quan tâm, ít trăn trở. Với chủ nghĩa thực dụng đó, người tín hữu ít dành chỗ nhất trong trái tim cho Thiên Chúa, ít quan tâm tới những giới răn, những giáo huấn của Thiên Chúa và của Giáo hội, thậm chí đang dần tục hóa cả đời sống phụng tự và những gì thánh thiêng nhất trong sinh hoạt tôn giáo.

Tất cả chỉ dừng lại là bổn phận, tất cả chỉ là sợ mang tiếng, tất cả chỉ là thói quen truyền thống, trong những lần tham dự các nghi lễ tôn giáo, ít người có niềm tin thực sự và chân thành, được mấy người đón nhận sự hiện diện thiêng liêng của Thiên Chúa giữa cộng đoàn, giữa gia đình và nơi những người nghèo khổ, bất hạnh. Bởi thế, những ngày cuối của năm phụng vụ đang trôi qua, Mẹ Giáo hội nhắc nhở con cái mình, nếu có những lầm lỗi, những lệch lạc trong niềm tin và việc sống đạo, hãy trở về, hãy canh tân tâm hồn và thay đổi nhận thức của mình, có cố gắng, có quyết tâm, con người vẫn đủ thời gian tìm cho mình tấm vé để bước vào thế giới của sự bình yên và hạnh phúc đích thực là Nước Trời, là quê hương vĩnh cửu của mình.

Lạy Chúa, sự hiện diện của Đức Giêsu trong thế giới này đã làm đảo lộn tất cả mọi sinh hoạt của con người, trong đó có những môn đệ của Chúa, xin giúp chúng con biết chấp nhận sự đảo lộn đó, để làm mới niềm tin và lòng mến của mình, đó là lúc chúng con đang tỉnh thức đón Chúa, đang tỉnh thức với ngọn đèn sáng của niềm tin và lòng mến đã được tẩy uế trong máu của Đức Giêsu Kitô. Chúa đã gợi mở cho chúng con thấy những giá trị của phút giây hiện tại, nếu chúng con cố gắng, những giá trị đó sẽ giúp chúng con tìm thấy chỗ đứng của mình trong cõi vĩnh hằng là Nước Trời. Amen.

 

THIÊN CHÚA CỦA KẺ SỐNG
(Chúa Nhật XXXII TN C) - Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

“Cuộc đời con người không phải là một hành trình đi từ chiếc nôi đến ngôi mộ mà là một quá trình đi từ hữu hạn đến vĩnh hằng”. Trên đây là câu nói của một bạn trẻ Công giáo trong một dịp hội thảo về ý nghĩa của cuộc đời. Chắc hẳn để có được câu nói này thì các bạn trẻ, cách riêng các bạn trẻ Việt Nam, những người dù đang gặp nhiều khó khăn khi hướng về tương lai, nhưng một cách nào đó vẫn có một khát khao cháy bỏng vươn lên và tồn tại.

Có cuộc sống đời sau hay không? Một nhóm người phái Sađốc đã đặt ra cho Chúa Giêsu một vấn nạn qua một câu chuyện tưởng chừng như bịa, nhưng không phải là không thể xảy ra. Đâu cần đến cả thảy bảy anh em trai cùng cưới một phụ nữ theo tập tục vốn đã thành luật của người Do Thái thời bấy giờ, ngay hôm nay vẫn có đó nhiều người tái hôn cách hợp pháp khi người phối ngẫu trước đã qua đời. Thế thì đến ngày sau giải quyết tình trạng hôn nhân của họ ra sao đây?

Xét về mặt luận lý thì chúng ta không thể phủ nhận một điều gì đó khi trí khôn chưa rõ hoặc hầu như khó mà hiểu biết thấu đáo. Chẳng hạn khi chưa hiểu rõ cấu trúc vận hành của một thiên thể nào đó hay một loại virus nào đó thì không thể tiên thiên khẳng định là chúng không hiện hữu. Một số người chủ trương rằng cái gì hợp lý hay hữu lý mới hiện hữu, thì chỉ có thể hiểu sự hữu lý theo khía cạnh nội tại của chính hữu thể chứ không phải theo lôgich của luận lý con người. Tuy nhiên ở đây chúng ta cần chân nhận một thực tế này: Nhiều người phủ nhận một sự thật nào đó không phải vì chính sự thật ấy xem ra không hữu lý nhưng vì sự thật ấy đụng chạm đến lối sống của mình, và rất nhiều khi sự thật ấy một cách nào đó tố cáo lối sống chưa chính đáng và phải đạo của mình.

Nhóm Sađốc vốn là những người thuộc hàng tư tế chủ trương thỏa hiệp với chính quyền thời bấy giờ. Thời nào cũng thế, khi thỏa hiệp, thân thiện với chính quyền thì sẽ hưởng được nhiều danh vị, lợi lộc mà có khi là bất minh và bất chính. Một khi lòng đã dính bén với của tiền, danh vọng đời này thì ít có ai dám nghĩ đến ngày phải xa, phải mất chúng. Không tin vào sự sống lại, không tin vào sự sống ngày sau, thực ra nhiều khi chỉ là một cách biện bạch cho lối sống tham danh, hám lợi cách bất chính mà thôi. Nếu chết là hết, nếu không có đời sau thì cớ sao chúng ta không tìm mọi cách vơ vét của tiền, danh vị để hưởng thụ ở đời nầy?

Thế nhưng, những người chủ trương rằng không có đời sau thì dường như lòng họ vẫn mãi không yên. Ngay sự kiện họ cố tìm cách biện minh cũng đủ minh chứng cho sự thật này. Và đặc biệt những khi họ đối diện với sự dữ, nhất là với nấm mộ gần kề thì sự băn khoăn ấy càng mãnh liệt bội phần. Không, không một ai có thể dập tắt khát vọng sống mãi nơi lòng mình. Ngay cả những người tìm đến cái chết bằng sự tự vẫn thì cũng là một hình thái của khát vọng được sống tốt đẹp và vĩnh tồn mà không có lối thoát.

Thiên Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống. Một câu khẳng định rõ ràng về các hiện hữu, nhất là về sự hiện hữu của con người. Công cuộc của Đấng hằng sống phải là những gì mãi tồn tại. Dĩ nhiên hình thức tồn tại có thay đổi theo thời gian và theo quy luật Thiên Chúa đặt định. Ánh sáng đức tin qua Lời mạc khải cho chúng ta thấy sự chết chỉ là cánh cửa để bước qua một cõi sống khác mà chúng ta gọi là sự sống đời sau. Đã có sự sống đời sau thì hẳn có sự sống lại, không phải là lấy lại sự sống như ở đời này nhưng được biến đổi và theo một quy luật khác. Chúa Kitô dùng kiểu nói “như các Thiên Thần” để ám chỉ hình thái hiện hữu này. Khi đã tin có đời sau thì chắc hẳn phải tin có sự xét xử và thưởng phạt công minh.

Giữa cuộc sống, cách sống và niềm tin có mối tương quan hữu cơ và cách nào đó có thể gọi là tương quan biện chứng. Vì tôi tin chỉ có đời này mà thôi nên tôi phải tìm cách để tận hưởng các thiện hảo đời này bất chấp mọi phương thế, cho dù nhiều khi là bất chính. Trái lại khi quá dính bén với những thiện hảo đời này và sẵn sàng chiếm hữu chúng cách phi pháp thì tôi sẽ chủ trương rằng không có đời sau. Vì nếu có đời sau thì hệ lụy tất yếu đó là tôi phải trả lẽ về những gì tôi đã làm ở đời này.

Kitô hữu vẫn hằng tuyên xưng trong các thánh lễ Chúa Nhật và Lễ trọng: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy” (Kinh Tin Kính các thánh Tông Đồ) hay “Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau” (Kinh Tin kính Nicêa-Constantinôpôli). Giữa lời tuyên xưng đức tin và cuộc sống chúng ta đã có sự tương hợp thống nhất như thế nào? Cuộc đời các thánh, cách riêng các vị tử đạo là một lời tuyên xưng đức tin khả tín. Cả bảy anh em thời Macabêô và người mẹ đã anh dũng tuyên xưng đức tin về sự sống đời sau, khi chấp nhận trả giá bằng mạng sống của mình để trung thành với Thiên Chúa qua việc tuân giữ lề luật (x.2 Mcb 7). (Bài đọc thứ nhất).

Có thể nói rằng một dấu chỉ không thể thiếu của niềm tin về sự sống đời sau đó là can đảm đón nhận mọi gian khổ, sống tự do với những thiện hảo đời này, sẵn sàng từ bỏ chúng khi sự thật, công lý và tình yêu đòi hỏi.

Một cuộc sống mà ngôn hành bất nhất thì chắc chắn thiếu sự khả tín và dĩ nhiên là không đáng kính mà nhiều khi còn bị dè bỉu, không trước mặt thì cũng sau lưng. Phải thú nhận rằng đang tồn tại hiện tượng nghịch lý và nghịch thường trong xã hội chúng ta: Những người chủ trương “duy vật” thì sống rất duy ý chí và cả “duy tâm” trong nhiều hình thái mê tín lầm lạc, còn người tuyên xưng có linh hồn bất tử, thân xác sẽ sống lại, tuyên xưng có sự sống đời sau thì lại sợ khó, ngại khổ, không dám mạnh mẽ rao truyền chân lý, chưa can đảm bảo vệ công lý, chưa sẵn sàng từ bỏ chút danh vị hay quyền lợi để sống giới luật mới, giới luật yêu thương mà Chúa Kitô đã truyền (x.Ga 13,34-35).

Xin thử hỏi rằng chúng ta đã can đảm đón nhận mọi gian khổ để rao truyền chân lý, để bảo vệ công lý chưa? Xin thử hỏi rằng chúng ta đã sẵn sàng từ bỏ những quyền lợi, danh vị của mình để sống yêu thương phục vụ tha nhân, phục vụ người nghèo, người khốn khổ, bất hạnh, bị áp bức, bị bỏ rơi… trong xã hội và trong Giáo Hội như thế nào? Thành thực trả lời những câu hỏi này thì chúng ta sẽ biết mức độ của lòng tin chúng ta vào Thiên Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống như thế nào và sẽ biết niềm tin của chúng ta về sự sống ngày sau ra sao.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây