TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật VI Phục Sinh -Năm B

“Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình”. (Ga 15, 9-17)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật XXXIII Thường Niên –Năm A

13/11/2023 03:24:51 |   309

 

Chúa Nhật XXXIII Thường Niên –Năm A
 


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XXXIII Thường Niên –Năm A

Ca nhập lễ

Chúa phán: Ta nghĩ đến bình an, chớ không nghĩ đến gian khổ; các người kêu cầu Ta, và Ta nhậm lời các ngươi, Ta dẫn dắt các ngươi từ mọi nơi các người bị nô lệ trở về.

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Vào những ngày cuối cùng của năm Phụng Vụ, Mẹ Hội Thánh cho chúng ta nghe những bài đọc nói về ngày Chúa Quang Lâm. Ngày đó chúng ta sẽ phải tính sổ về những gì chúng ta đã lãnh nhận. Mỗi người tùy theo khả năng Chúa ban cho những hồng ân để chu toàn phận sự của người Kitô hữu.

Dù chỉ là phận vụ nhỏ nhoi nhưng làm chăm chỉ, cần mẫn như người nội trợ trong gia đình mà sách Châm Ngôn nói tới, hay như một người quản gia phải quán xuyến nhiều việc của chủ như dụ ngôn Matthêu đưa ra, thì tất cả đều được Thiên Chúa chấm công tùy theo khả năng và tùy theo ơn ban vào một ngày nào đó.

Ngày đó không ai biết, Ngài đến như kẻ trộm, nên mọi người đều phải canh phòng và tỉnh thức. Thiết thực nhất là giờ đây chúng ta hãy thống hối về những tội lỗi của mình để chờ đón Chúa và tham dự Thánh Lễ cho sốt sáng

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa là nguồn phát sinh mọi điều thiện hảo, được phụng sự Chúa quả là một hạnh phúc tuyệt vời: xin cho chúng con tìm được niềm vui khi hết dạ trung thành với Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Cn 31, 10-13, 19-20. 30-31

“Nàng cần mẫn dùng tay làm việc”.

Trích sách Châm Ngôn.

Ai tìm được một người vợ tài đức? Nàng đáng giá hơn ngọc ngà. Chồng nàng đặt lòng tin tưởng nơi nàng và chàng không thiếu thốn vật thực. Trọn đời, nàng sẽ mang lại cho chồng sự lành, chứ không phải sự dữ. Nàng tìm lông chiên và sợi gai, rồi nàng cần mẫn dùng tay làm việc. Nàng ra tay đưa thoi dệt vải, và ngón tay nàng cầm xe kéo sợi. Nàng rộng tay bố thí cho người nghèo khó, và giơ tay hướng dẫn kẻ bần cùng.

Duyên dáng thì giả dối và nhan sắc thì hão huyền: Người phụ nữ kính sợ Chúa, sẽ được ca tụng. Hãy tặng cho nàng hoa quả do tay mình làm ra, và sự nghiệp của nàng hãy ca tụng nàng tại các cửa thành.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 127, 1-2. 3. 4-5

Ðáp: Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa

Xướng:  Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường lối của Người. Công quả tay bạn làm ra bạn được an hưởng, bạn được hạnh phúc và sẽ gặp may.

Xướng: Hiền thê bạn như cây nho đầy hoa trái, trong gia thất nội cung nhà bạn, con cái bạn như những chồi non của khóm ô liu, ở chung quanh bàn ăn của bạn.

Xướng: Ðó là phúc lộc dành để cho người biết tôn sợ Thiên Chúa. Nguyện Thiên Chúa từ Sion chúc phúc cho bạn, để bạn nhìn thấy cảnh thịnh đạt của Giêrusalem, hết mọi ngày trong đời sống bạn.

Bài Ðọc II: 1 Tx 5, 1-6

“Ngày của Chúa bắt chợt anh em như kẻ trộm”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.

Anh em thân mến, về thời nào và lúc nào, anh em không cần chúng tôi viết cho anh em. Vì chính anh em đã biết rõ ngày Chúa sẽ đến như kẻ trộm trong đêm tối.

Khi người ta nói rằng: “Yên ổn và an toàn”, thì chính lúc đó tai hoạ thình lình giáng xuống trên họ, như cơn đau đớn xảy đến cho người mang thai và họ không sao thoát khỏi. Phần anh em, hỡi anh em thân mến, anh em không còn tối tăm, đến nỗi ngày đó bắt chợt anh em như kẻ trộm, vì tất cả anh em là con cái sự sáng, con cái ban ngày; chúng ta không thuộc về ban đêm và tối tăm. Vậy chúng ta đừng mê ngủ như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và điều độ.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Lc 21, 36

Alleluia, alleluia! – Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể xứng đáng đứng vững trước mặt Con Người. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 25, 14-30

“Vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: “Có một người kia sắp đi xa, liền gọi các đầy tớ đến mà giao phó tài sản của ông. Ông trao cho người này năm nén bạc, người kia hai nén, người khác nữa một nén, tuỳ theo khả năng của mỗi người, đoạn ông ra đi.

“Người lãnh năm nén bạc, ra đi và dùng tiền ấy buôn bán làm lợi được năm nén khác. Người lãnh hai nén cũng đi làm lợi được hai nén khác. Còn người lãnh một nén, thì đi đào lỗ chôn giấu tiền của chủ mình.

“Sau một thời gian lâu dài, ông chủ các đầy tớ ấy trở về và đòi họ tính sổ. Vậy người lãnh năm nén bạc đến, mang theo năm nén khác mà nói rằng: “Thưa ông, ông trao cho tôi năm nén bạc, đây tôi làm lợi được năm nén khác”. Ông chủ bảo người ấy rằng: “Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ đặt ngươi làm những việc lớn, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi”. Người đã lãnh hai nén bạc cũng đến và nói: “Thưa ông, ông đã trao cho tôi hai nén bạc; đây tôi đã làm lợi được hai nén khác”. Ông chủ bảo người ấy rằng: “Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ đặt ngươi làm những việc lớn, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi”.

“Còn người lãnh một nén bạc đến và nói: “Thưa ông, tôi biết ông là người keo kiệt, gặt nơi không gieo và thu nơi ông không phát: nên tôi khiếp sợ (mà) đi chôn giấu nén bạc của ông dưới đất. Ðây của ông, xin trả lại cho ông”. Ông chủ trả lời người ấy rằng: “Hỡi đầy tớ hư thân và biếng nhác, người đã biết ta gặt chỗ không gieo, thu nơi không phát: vậy lẽ ra người phải giao bạc của ta cho người đổi tiền, và khi ta trở về, ta sẽ thu cả vốn lẫn lời. Bởi thế, các ngươi hãy lấy nén bạc lại mà trao cho người có mười nén. Vì người có sẽ cho thêm và sẽ được dư dật, còn kẻ chẳng có, thì vật gì coi như của nó, cũng lấy đi. Còn tên đầy tớ vô dụng, các ngươi hãy ném nó ra ngoài vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng”.

Ðó là lời Chúa.

Hoặc bài ngắn này: Mt 25, 14-15. 19-20

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: “Có một người kia sắp đi xa, liền gọi các đầy tớ đến mà giao phó tài sản của ông. Ông trao cho người này năm nén bạc, người kia hai nén, người khác nữa một nén, tuỳ theo khả năng của mỗi người, đoạn ông ra đi.

“Sau một thời gian lâu dài, ông chủ các đầy tớ ấy trở về và đòi họ tính sổ. Vậy người lãnh năm nén bạc đến, mang theo năm nén khác mà nói rằng: “Thưa ông, ông trao cho tôi năm nén bạc, đây tôi làm lợi được năm nén khác”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến, cuộc đời mỗi người chúng ta là một kho tàng quý giá mà Thiên Chúa đã trao ban cho chúng ta. Ngài mời gọi chúng ta sử dụng kho tàng đó bằng tinh thần trách nhiệm. Trong tâm tình nghĩa tử, chúng ta dâng lời cầu nguyện, xin Chúa thực hiện nơi mỗi người chúng ta chương trình tình yêu của Ngài. 

1. Thiên Chúa đã trao ban cho Giáo Hội Lời Chúa Giêsu và các Bí tích thông ban ân sủng. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho Giáo Hội nhiệt thành và can đảm dẫn đưa mọi người về với Chúa.

2. Đời sống xã hội sẽ gặp nhiều thuận lợi và sẽ phát triển, nếu mỗi cá nhân sống theo tinh thần trách nhiệm. Chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp mỗi người nỗ lực, can đảm chọn lựa công lý và hòa bình, đồng thời biết tôn trọng lẫn nhau.

3. Thiên Chúa yêu thương những người nhỏ bé, yếu đuối và không nơi nương tựa. Ngài hiểu nỗi đau khổ của biết bao người hèn yếu và đáng thương. Chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp mỗi người chúng ta mở rộng tâm hồn để yêu thương, mở rộng bàn tay để giúp đỡ, và quảng đại trao ban niềm hy vọng để an ủi, nâng đỡ những người bất hạnh.

4. Thiên Chúa khơi dậy đức tin nơi mỗi người chúng ta, làm cho chúng ta trở thành con Chúa và môn đệ của Chúa Giêsu. Chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp mỗi người trong cộng đoàn chúng ta trao ban kho tàng cao quý này cho anh em chúng ta, để cuộc đời của họ được biến đổi.

Chủ tế: Lạy Cha, xin ban ơn Chúa Thánh Thần tình yêu cho chúng con, để chúng con sống theo mẫu gương của Chúa Giêsu, Con Cha. Nhờ lắng nghe và thực hành lời Người, chúng con được hưởng hạnh phúc trong nhà Cha. Người hằng sống và hiển trị muôn đời. 

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con thành kính dâng lên Chúa lễ vật này, xin vui lòng chấp nhận, và giúp chúng con trung thành phụng sự Chúa, để mai ngày đạt tới phúc trường sinh. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Việc tôi kết hợp với Thiên Chúa, và việc tôi đặt niềm cậy trông vào Chúa là Thiên Chúa, thì tốt đẹp biết bao.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Thầy bảo thật các con: Tất cả những gì các con cầu xin, hãy tin rằng các con sẽ được, thì các con sẽ được những điều đó.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa cử hành lễ tế tạ ơn để tưởng nhớ Ðức Kitô Con Chúa, như lời Người truyền dạy, và chúng con đã được rước Mình và Máu Thánh Người; cúi xin Chúa nhận lời chúng con khẩn nguyện và ban cho chúng con được thêm lòng yêu mến. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Việc nhỏ

Booker Washington là một người Mỹ da đen vĩ đại nhất. Ông là một nhà giáo dục, một nhân vật cải cách và một văn sĩ nổi tiếng. Năm 16 tuổi, ông đã phải đi bộ gần 800 cây số để xin học. Thế nhưng, vì các lớp đã đông đủ nên ông bị từ chối. Ông nhận chân quét phòng tại trường. Ông đã làm những việc hèn hạ này một cách hết sức chu đáo, thành thử ông dành được cảm tình của ban giám đốc nhà trường. Người ta dành cho ông một căn phòng nhỏ của sinh viên. Chính tại căn phòng nhỏ này, ông đã chăm chỉ làm việc cho đến khi trở thành một giáo sư nổi tiếng, và sau này trở thành người sáng lập học viện Tuskegee. Từ một kẻ nô lệ, ông đã trở nên người lãnh đạo chủng tộc da đen. Ông qua đời vào năm 1915.

Phải chăng cuộc đời ông là sự thực hiện trọn vẹn lời Chúa phán với chúng ta qua đoạn Tin Mừng sáng hôm nay: Ai trung tín trong việc nhỏ, thì sẽ được trao phó cho những công việc lớn. Nói cách khác, chúng ta hãy làm những công việc nhỏ một cách cẩn thận và chu đáo, rồi thì những dịp thuận lợi hơn, to tát hơn sẽ đến với chúng ta. Kinh nghiệm trên, sự thật trên quả là điều quan trọng trong đời sống thường ngày cũng như trong đời sống thiêng liêng.

Trước hết là trong đời sống thường ngày: Xiết chặt một chiếc đinh ốc nơi bánh xe có thể cứu được nhiều người trên chuyến xe tốc hành. Thu lượm rác là điều cần thiết cho sức khoẻ của một cộng đoàn. Rửa sạch chén đĩa sẽ giết được nhiều vi trùng. Hãy làm những công việc này và hàng trăm công việc nhỏ bé khác nữa của cuộc sống thường ngày một cách tốt đẹp và chúng ta sẽ làm được những việc lớn lao hơn, khi thời cơ mỉm cười với chúng ta.

Tiếp đến, trong lãnh vực thiêng liêng cũng vậy. Chúng ta hãy làm tất cả những gì mình có thể để giúp đỡ gia đình Chúa là Giáo Hội nơi trần gian. Chẳng hạn như là những người thợ, chúng ta có thể dành dụm tiền bạc hay công sức để giúp ích cho giáo xứ trong những công việc chung. Chúng ta có thể trồng những luống bông nhỏ để chưng trên bàn thờ. Chúng ta có thể dâng hiến tài năng và thời giờ, góp phần vào việc giáo dục đạo đức cho các em nhỏ. Chúng ta có thể thăm viếng những người đau yếu bệnh tật để an ủi họ. Chúng ta có thểm tham dự những sinh hoạt của ca đoàn để dâng tiếng hát ca tụng Thiên Chúa, cũng như làm cho bầu khí phụng vụ thêm phần sống động.

Trong tất cả những công việc nhỏ bé và tầm thường ấy, nếu chúng ta thi hành một cách cần cù và trọn vẹn, thì chúng ta cũng sẽ được Chúa ân thưởng như lời Ngài phán: Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, bởi vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, thì Ta sẽ trao phó cho ngươi những công việc lớn. Hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi.

Hơn thế nữa, nếu chúng ta biết chu toàn vì lòng yêu mến Chúa, thì những công việc nhỏ bé và tầm thường ấy sẽ trở thành những sợi chỉ vàng, dệt nên cuộc đời chúng ta và làm cho cuộc đời chúng ta có một giá trị to lớn trước mặt Chúa.

Tôi tớ trung thành

Tất cả chúng ta đều là những người tôi tớ của Thiên Chúa, cùng với những nén bạc Ngài đã trao gửi. Những nén bạc ấy chính là thân xác và linh hồn, thời gian và tài năng. Nói tóm lại, là tất cả những gì chúng ta đang có và đang quản lý.

Đúng thế, tất cả không phải là của riêng chúng ta, nhưng là của Thiên Chúa. Ngài trao gửi và cho chúng ta vay mượn trong một thời gian nào đó, như lời thánh Phaolô đã diễn tả: Những sự anh em có, há chẳng phải là đã nhận lãnh hay sao? Và nếu đã nhận lãnh, thì tại sao anh em lại tự phụ, như không cần nhận lãnh.

Chính vì thế, chúng ta không được toàn quyền sử dụng đã đành, mà còn phải chịu trách nhiệm vễ những nén bạc ấy. Chẳng hạn với thân xác, chúng ta không được ăn uống quá độ, chè chén say sưa có hại cho sức khỏe, cũng như không được hủy hoại thân xác mình, hay tự ý đi tìm cái chết.

Với linh hồn, chúng ta phải cương quyết chiến đấu, đừng để cho sự sống ơn sủng mỗi ngày một tàn lụi. Chúng ta phải dứt khoát khử trừ tội lỗi và làm cho linh hồn mình được hoàn thiện, nhờ Lời Chúa, nhờ các bí tích và nhờ những tâm tình cầu nguyện gắn bó mật thiết với Chúa.

Tuy nhiên, điều quan trọng, đó là một ngày kia chúng ta sẽ phải tính sồ cuộc đời trước tôn nhan Chúa. Chúng ta không biết sự việc này sẽ xảy ra vào lúc nào. Có thể vào ngày chúng ta không ngờ, vào giờ chúng ta không biết. Chỉ một cơn gió nhẹ cũng đủ kết thúc cuộc đời, để rồi chúng ta sẽ phải đối diện với lương tâm và với chính Thiên Chúa.

Thế nhưng, đó lại là một sự kện chắc chắn, như một câu danh ngôn đã diễn tả: Sự chết thì chắc chắn, nhưng giờ chết lại bấp bênh vô định. Hay như chúng ta cũng thường nói: Đã là người thì ai cũng phải chết.

Đó là qui luật chung của muôn đời. Và sau cái chết sẽ là cuộc phán xét. Đây là một cuộc phán xét thật công bằng và chính xác. Cuốn sổ cuộc đời chúng ta được mở rộng, trong đó mọi sự đều được ghi chép. Khi vị thẩm phán ngự tòa, thì mọi bí ẩn sẽ bị lộ ra, không tài nào che dấu nổi.

Chính vì thế, chúng ta phải quyết tâm làm phát triển và sinh lời cho những nén bạc Chúa đã trao gửi, bằng cách thực hiện những hành động bác ái yêu thương, bởi vì đó chính là những vị trạng sư âm thầm và không tên, nhưng sẽ bào chữa cho chúng ta trước tòa án tối cao của Thiên Chúa.

Đồng thời, bằng cách trung thành với những công việc bổn phận của mình, tùy theo vai trò, tùy theo đấng bậc, tùy theo chức vụ mình nắm giữ trong cuộc sống.

Và sau cùng, bằng cách sử dụng thời giờ một cách đúng đắn, vì thời giờ của chúng ta đã được cân đo đong đếm. Hãy sử dụng thế nào để đem lại lợi ích cho bản thân và cho người khác. Nếu chúng ta quản lý tốt, chắc chắn chúng ta sẽ không phải run sợ vào giây phút tính sổ cuộc đời. Trong giây phút trọng đại này, giây phút có tính cách ấn định số phận đời đời của chúng ta, mọi bạn hữu, dù thân tình đến đâu chăng nữa, cũng sẽ lìa bỏ chúng ta, chỉ những việc lành phúc đứ mới đi theo chúng ta mà thôi.

Có một câu chuyện ngụ ngôn kể lại rằng: Người kia phải ra trước tòa Thiên Chúa trong ngày sau hết. Anh bạn thứ nhất thấy vậy vội vã bỏ chia tay với người ấy. Anh bạn thứ hai bước theo người ấy, nhưng đã khựng lại khi đứng trước khung cửa hẹp của cái chết. Trong khi đó anh bạn thứ đã cùng đi với người ấy đến trước tôn nhan Chúa, trình bày những lý chứng và cứu thoát người ấy khỏi án phạt đời đời.

Người bạn thứ nhất là tiền bạc vật chất. Người bạn thứ hai là cha mẹ và họ hàng thân thích. Còn người bạn thứ ba, luôn trung thành và bào chữa cho chúng ta, đó chính là những hành động bác ái yêu thương.

Hãy làm cho những nén bạc Chúa đã trao gửi được sinh lời, nhờ đó giây phút chúng ta tính sổ cuộc đời với Chúa sẽ không phải là giây phút bẽ bàng và cay đắng, nhưng sẽ là giây phút mừng vui và hạnh phúc.

Bạn có sợ Thiên Chúa không?

Phải sợ Thiên Chúa nếu không phải là Thiên Chúa. Nhưng có sự sợ hãi tốt và có sự sợ hãi không tốt. Dụ ngôn ngày hôm nay là một bài học nói về hai nỗi sự hãi này. Điều cốt yếu nằm ở trong cuộc đối thoại giữa người chủ với người đầy tớ thứ ba, tức người tỏ ra sợ hãi.

– Thưa ông chủ, tôi biết ông chủ và tôi sợ ông. Tôi đã đem đi giấu dưới đất cái mà ông đã giao cho tôi.

– A! Ngươi biết ta sao?

Điều bi đát chính là việc người đầy tớ biết sai về ông chủ của mình. Cho nên một số tín hữu nghĩ rằng Thiên Chúa là vị quan toà tỉ mỉ và khó tính mà nhất thiết người ta đừng gây sự với Ngài. Người đầy tớ xấu nghĩ tốt hơn cả là sinh sự với Ngài càng ít càng tốt và làm hết cách để tránh những phiền toái.

Đó là sự sợ hãi xấu. Nó vô hiệu hoá, nó làm cho mình sống một cách tiêu cực: nếu tôi nói điều này, nếu tôi nói điều kia, điều gì sẽ xẩy đến cho tôi? Chúng ta ẩn mình trong những điều chắc chắn: điều gì có tính cách bó buộc?

Nhưng chúng ta đã chẳng nhận lãnh đức tin để sống tối đa hay sao? Sống hết sức tích cực. Chúng ta chẳng có Tin Mừng để thấm nhiễm Tin Mừng vào trong các tư tưởng, các hành vi của chúng ta và biết điều gì làm Thiên Chúa vui lòng hay sao? Chúng ta chẳng có các bí tích để mạnh mẽ đương đầu với cuộc sống hay sao? Tất cả những điều đó đôi khi im lìm như một kho tàng bị che giấu. Chúng ta không dám mạo hiểm, sự thực hiện các sáng kiến, những dấn thân có đôi chút tàn bạo. Nếu tôi mất đức tin vào đó thì sao? Nếu tôi để cho nhà của tôi bị xâm nhập thì sao? Nếu tôi không còn tìm ra thì giờ để cầu nguyện thì sao? Nếu tôi không có trong tay đủ tiền bạc thì sao? Và nếu ông chủ xét đoán tôi thì sao?

Còn biết bao nhiêu chữ nếu nữa… Cẩn trọng là tốt, nhưng không thoải mái. Càng đưa ra những giả thiết như thế, điều mà chúng ta gọi là cẩn trọng chỉ còn là sự sợ hãi mà thôi. Như thế thì cuộc sống Kitô hữu không nói gì về Chúa Kitô cả! Những người Kitô hữu ở trong một toà nhà, đi làm việc, đức tin của họ không lan truyền, không gây ngạc nhiên, không thu hút, thì đức tin đó đóng kén trong sự chờ đợi đầy sợ hãi và tầm thường. Văn hào Soljenitsyne nói “Tất cả chúng ta bị mê hoặc chờ đợi điều gì đó đến riêng rẽ; không, không có gì đén riêng rẽ cả”.

Các thánh không chờ đợi, các ngài nhận biết Thiên Chúa, cá ngài biết yêu thương nhau, và cái nhìn vào Chúa biến các ngài thành những nhà hoạt động và táo bạo. Các thánh cũng sợ, nhưng đó là sự sợ hãi đáng ca ngợi! Sợ được yêu thương đến độ đó và không yêu thương cho đủ. Nỗi sợ của thánh Vincentê Phaolô: “Ngài có thể làm gì hơn nữa? Người ta hỏi Ngài. –Nhiều hơn thế nữa”.

Nhiều hơn thế nữa. Đó là điều mà ông chủ chờ đợi nơi người đầy tớ sợ hãi, chứ không phải là điều tối thiểu! Chúng ta được trao ban một cuộc sống chứ không phải hai để sống Tin Mừng thực sự, để chứng tỏ rằng Thiên Chúa hiện hữu, rằng Ngài muốn chúng ta tin tưởng, hoạt động.

Ông chủ nói: “Khi trở về, tôi muốn thu lại tiền của tôi cùng với số tiền lời”. Vào cuối cuộc đời chúng ta, Thiên Chúa sẽ nhìn xem điều gì đã phát sinh từ sự sáng tạo và tình yêu trong cuộc sống mà Ngài đã giao phó cho chúng ta. Nỗi sợ duy nhất của người Kitô hữu chính là không làm cho vốn liếng năm tháng của chúng ta sinh hoa kết quả cho đủ.

Nén bạc và những cố gắng

Hẳn rằng chúng ta đã hiểu được ý nghĩa dụ ngôn về những nén bạc: Ông chủ là Thiên Chúa, nén bạc là những tài năng Ngài đã trao ban. Lúc ông chủ trở về và tính sổ là lúc Thiên Chúa phán xét và chúng ta phải trả lẽ về những khả năng đã sử dụng. Trước tôn nhan Chúa, thì giàu sang hay nghèo hèn, già cả hay trẻ thơ, tất cả đều không mấy quan trọng. Điều cần thiết đó chính là sự cộng tác của chúng ta với ơn Chúa, chính là sự cố gắng của chúng ta để sử dụng và sinh lời từ những nén bạc Chúa đã trao gửi. Vậy sự cố gắng sẽ đem lại những hậu quả nào cho chúng ta?

Trước hết, sự cố gắng sẽ đem lại những thành công về phương diện vật chất. Thực vậy, như chúng ta thường nói:

– Kiến tha lâu cũng đầy tổ.

– Năng nhặt thì chặt bị.

– Nước chảy đá mòn.

– Có công mài sắt có ngày nên kim.

Những thành công trên đường đời chỉ dành cho những người biết cố gắng mà thôi. Một con chuột nhắt cứ cắn mãi cắn hòai cũng có ngày làm đứt sợi dây thừng. Từng nhát búa bổ dần cũng có ngày đốn gẫy cây cổ thụ. Từng giọt nước nhỏ dần cũng có ngày chọc thủng phiến đá. Chính vì thế, tương lai được hứa hẹn không phải cho những kẻ thông minh tài trí, nhưng cho những người biết hành động hơn, biết chăm chỉ hơn, biết cố gắng hơn, như tục ngữ đã nói:

– Có làm thì mới có ăn,

Không dưng ai dễ mang phần đến cho.

Tiếp đến, sự cố gắng sẽ đem lại những thành công về phương diện tinh thần. Thực vậy, kinh nghiệm cho thấy muốn trở nên một người tài giỏi thì phải chăm chỉ học hành. Khi tìm hiểu về những thiên tài trong lịch sử, người ta đã ghi nhận chỉ có 5% là do khả năng trời ban cho, còn lại 95% là do sức cố gắng. Chính vì thế, người Trung Hoa đã nói: Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý. Viên ngọc mà không dũa không mài thì không thể trở thành đồ trang sức quí giá. Con người cũng vậy, nếu không chịu khó học hành thì không thể nào biết được lý lẽ mà cư xử. Thực vậy:

– Ngọc kia chẳng dũa chẳng mài,

Cũng thành vô dũng, cũng hoài ngọc đi.

Kinh nghiệm cũng cho thấy: thay đổi được một thói hư, xóa bỏ được một tật xấu là điều rất khó và đòi hỏi nhiều cố gắng.

Một ông bố quyết định từ bỏ rượu chè bằng cách mỗi lần ngồi vào bàn cơm, ông ta đều nhỏ một giọt nến vào chiếc ly uống rượu. Cứ thế, cứ thế cho tới khi chiếc ly đầy nến và ông ta chừa bỏ được tật nghiện rượu của mình.

Đời sống là một cuộc giao tranh khiến chúng ta phải cố gắng và chiến đấu không ngừng. Sống trong cuộc đời, chúng ta như người bơi ngược dòng nước, nếu không cố gắng bơi, thì sẽ bị dòng nước cuốn trôi. Đứng trước những thói hư tật xấu, nếu chúng ta không cố gắng chống trả, thì rồi chúng ta sẽ bị nhận chìm trong tội lỗi lúc nào cũng chẳng hay.

Sau cùng, trong phạm vi thiêng liêng, mặc dù Chúa Giêsu đã cứu chuộc chúng ta, nhưng không phải là đã xong xuôi, trái lại chúng ta còn phải tiếp tục cộng tác với Ngài và ra sức chiến đấu không ngừng. Vì thế, thánh Augustinô đã nói:

– Khi tạo dựng nên chúng ta, Chúa không cần hỏi ý kiến chúng ta. Tuy nhiên, để cứu chuộc chúng ta, Ngài cần chúng ta ưng thuận và cộng tác với Ngài, bởi vì chính Ngài cũng không thể cứu chuộc chúng ta, nếu như chúng ta không muốn.

Hãy tự cứu lấy mình, rồi trời sẽ cứu. Lời nói này có nghĩa là trong mọi trường hợp, trong mọi hoàn cảnh, chúng ta phải cố gắng và cố gắng không ngừng. Trong ngày sau hết, Thiên Chúa không hỏi chúng ta đã làm được những gì, trái lại Ngài muốn biết chúng ta đã chiến đấu như thế nào, có sinh lời cho Chúa từ những nén bạc Ngài đã trao gửi hay không?

 

TƯỞNG MẤT ĐI NHƯNG LẠI ĐƯỢC
“Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” (Lc 9,23-26)

Suy niệm: Những lời Chúa trên đây vẫn vang vọng và hiện thực qua bao thế hệ cho đến hôm nay. Đã có bao nhiêu người sẵn sàng đánh đổi mạng sống để thực thi lời ấy? Ngày ấy ai đã dám bước lên pháp trường trong ánh mắt và linh hồn hướng về trời; ngày ấy ai đã dám ‘bất khẳng quá khoá’ (không chịu chối đạo bằng cách bước qua thập giá), để rồi phải chịu chết rũ tù, chịu phanh thây, trảm quyết, bá đao và biết bao khổ hình khủng khiếp khác? Đó là hàng trăm ngàn tín hữu đã chấp nhận vong thân để làm chứng cho niềm tin bất khuất, mà trong số đó, 118 vị được nêu danh và tuyên hiển thánh và chân phước. Lời Chúa trên đây đã thành hiện thực: “Ai dám liều mất mạng sống mình vì Chúa thì sẽ cứu được mạng sống ấy.”

Mời Bạn: Chúng ta không chết vì đạo như các vị thuở xưa nhưng có thể chết vì đạo từng giây phút trong cuộc sống hằng ngày, khi chúng ta hy sinh, đón nhận những điều trái ý, những bất công, khinh miệt, thù ghét chỉ vì chúng ta dám trung thành sống theo Lời Chúa truyền dạy. Bạn đã có kinh nghiệm tử vì đạo trong những tình huống tương tự như vậy chưa?

Sống Lời Chúa: Bạn chọn một điều trong Tám Mối Phúc Thật để trung thành thực hiện trong cuộc sống.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, lời Chúa là sức mạnh để các thánh tử đạo trung kiên trong niềm tin vào Chúa. Xin cho chúng con cũng biết lấy Lời Chúa làm kim chỉ nam cho cuộc sống để chúng con luôn trung thành với Chúa trong mọi hoàn cảnh, dù gặp bất cứ khó khăn, thiệt thòi nào. Amen.

Ngày 19 tháng 11: Lạy Chúa! Khi cố gắng để sống thánh thiện mỗi ngày, xin cho chúng con luôn nhớ rằng: chúng con nên thánh không phải bởi những việc làm hay những cố gắng của riêng mình, nhưng là bởi ân sủng của Chúa, Đấng luôn luôn đi bước trước. Ngay cả khát vọng được thanh tẩy cũng đến với chúng con nhờ sự tuôn đổ và hoạt động của Chúa Thánh Thần. Chúng con được nên thánh cách nhưng không, bởi vì, không có gì đi trước việc nên thánh, không phải đức tin cũng không phải việc làm, mà chính là do ân sủng. Ân sủng Chúa trao ban thì vượt quá năng lực của trí năng và ý chí của chúng con. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

 

SINH LỢI
Chúa Nhật 33 Thường Niên A: Mt 25,14-30. - Lm. Thái Nguyên

LmTN 181123a


Suy niệm

Hình ảnh Thiên Chúa với tính cách là ông chủ trong dụ ngôn hôm nay, cho chúng ta cái nhìn đầy lòng tin tưởng và yêu mến, để dám đánh đổi cả cuộc đời mình. Ông không ngần ngại giao phó của cải cho các đầy tớ để họ đầu tư sinh lợi. Ông giao cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tùy khả năng riêng mỗi người. Điều quan trọng ở đây không phải là số lượng được giao, mà là công sức được sử dụng, và khả năng được tận dụng. Người ta không bằng nhau ở số lượng, nhưng bằng nhau ở nỗ lực. Giá trị ở đây cũng không tùy thuộc vào mức độ lời lãi cao hay thấp, nhưng tùy theo khả năng đã được trao ban. Đó là giá trị của một phẩm cách hơn là một phẩm vật.

Điều ông chủ quan tâm nhất không phải là khả năng chuyên môn, nhưng là nhân đức của người đầy tớ. Chính nhân đức mới quyết định thành bại cuộc đời, nghĩa là trở nên một đầy tớ trung tín và chăm chỉ làm việc, để xứng đáng với lòng tin của ông chủ. Với tâm tình đó, hai người đầu tiên đã trung thành và tích cực làm việc khi ông chủ vắng nhà. Đến ngày ông chủ trở về, yêu cầu thanh toán sổ sách, thì hai người này đều đã sinh lợi gấp đôi số yến bạc mà chủ đã giao. Niềm vui tràn trề vì phần thưởng lớn lao, vượt quá niềm mơ ước.

Còn người đầy tớ thứ ba xem ra tính khí thất thường, anh ta không đầu tư mà đã đem chôn giấu yến bạc của chủ, một hành động tắc trách. Nói theo ngôn ngữ kinh tế thời nay, đó là cách đóng băng tài sản của chủ, gây tác động xấu đến toàn bộ kế hoạch đầu tư, và do đó có nguy cơ làm đình trệ cả một dây chuyền kinh doanh của ông chủ. Anh ta còn ngang nhiên tố cáo ông chủ “là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không phát”, vì thế anh không dại gì mà đem sức lực của mình cung phụng cho một ông chủ như thế. Quả thật đây là một cái nhìn độc đoán, bắt nguồn từ lòng dạ hẹp hòi và đôi mắt thiển cận của anh, không để tâm nhận ra một ông chủ đầy lòng nhân hậu. Hay đó chỉ là lý do biện minh cho cho mình về sự “tồi tệ biếng nhác”, chứng tỏ một tâm hồn yếu nhược, không có chí khí để nỗ lực vươn lên.

Chắc ông chủ cũng đã thấy điều đó nên chỉ trao cho anh ta một nén bạc, phù hợp với khả năng để có thể phát khởi một tính cách mới, một cuộc đời mới. Nhưng tiếc thay, anh đã không hiểu được điều đó và đã ngang nhiên phụ bạc tấm lòng của chủ, do bản tính nông nổi của mình. Quả đúng như câu: “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”. Thế rồi anh ta giao trả lại yến bạc với lời lẽ thô thiển: “Của ông đây, ông cầm lấy”. Nói thế khác nào bày tỏ một lập trường thù địch: không đơn thuần phủ nhận yến bạc của ông chủ đã giao, mà còn từ chối mọi quan hệ làm ăn và cắt đứt tình nghĩa với ông chủ. Thái độ mê muội cuối cùng này khiến anh ta mất hết, mất tất cả những gì đã có, mất cả cuộc đời.

Giá trị cuộc đời không đo bằng số lượng của cải hay tài năng, nhưng bằng sự nhiệt tình và lòng trung thành. Giả sử người đầy tớ nhận một yến bạc biết hài lòng với mình, có lòng với ông chủ, chắc chắn anh dư khả năng để hoàn thành nhiệm vụ, và cũng tràn ngập niềm vui như hai người kia khi ông chủ trở về. Nhưng tiếc thay, một hoàn cảnh hai số phận, do anh ta đã hành xử cuộc đời của mình cách cẩu thả, thiếu tự trọng và nhất là thiếu niềm tin. Để rồi với cái nhìn lệch lạc và tính khí tiêu cực, anh ta đã tạo nên một định mệnh nghiệt ngã cho mình.

Ắt hẳn dụ ngôn này trước tiên nhắm đến tên đầy tớ vô dụng, không ai khác hơn là những Kinh sư và Phrisêu, về thái độ của họ đối với lề luật và chân lý của Chúa. Họ chỉ giữ đúng những điều luật dạy. Bất cứ sự sửa đổi hay thêm điều gì mới vào luật là họ tìm cách trừ khử ngay. Cũng như người đầy tớ có một yến bạc, họ muốn giữ mọi điều như nguyên trạng của nó, đó chính là điều họ bị lên án. Tôn giáo mà không còn nỗ lực khám phá, không còn mở ra, chết cứng với những lề luật và nguyên tắc cổ hủ, thì quả thật đó là một thứ tôn giáo bị chôn vùi.

Một đầy tớ không sinh lợi từ số vốn được trao là một đầy tớ vô dụng. Mỗi Kitô hữu là một người đầy tớ, một người quản lý của Chúa, được Ngài tín nhiệm và giao phó của cải, để đầu tư và sinh lợi tối đa có thể. Nhưng nếu chúng ta không có lòng tin tưởng và và thiết tha yêu mến Chúa, ta sẽ sao nhãng và dễ dàng bỏ cuộc. Không biết mỗi người đã nhận được mấy yến bạc, nhưng ngày phán xét, ta sẽ bị xét xử dựa trên nỗ lực sinh lợi của mình. Điều quan trọng là ta không được chôn vùi, nhưng hăng say làm nên từ những gì mình có. Để rồi khi chủ trở về, ta được vinh hạnh dâng lại cho Chúa thành quả của chính cuộc đời mình.

Cầu nguyện

Lạy Chúa!
Dấu hiệu trưởng thành của người trẻ,
là khi mạnh mẽ bước vào nghề,
biết đứng lên đưa mình vào cuộc sống,
không còn ngồi mà mơ mộng viễn vông.


Thánh Phao-lô đã nói chúng con:
“Ai không làm thì cũng đừng ăn”,
lười biếng không chỉ nhục bản thân,
mà còn hủy hoại khả năng tinh thần,
khác nào như người đi chôn nén bạc,
khiến cho cuộc đời mình ra tan tác.


Làm việc để con thực hiện những ước mơ,
tự lực cánh sinh không chờ ai giúp đỡ,
cho đời con những cơ hội triển nở,
biết xoay sở và sáng tạo đời mình.


Làm việc giúp cho con nên giống Chúa,
Đấng không ngừng quan phòng và sáng tạo,
để con người và vũ trụ nên hoàn hảo,
cho tình yêu và cuộc sống được nâng cao.


Nhưng lạy Chúa xin cho con biết rằng,
mình đang sống trong đời đầy biến động,
trong thế giới rất dễ bị vong thân,
vì tất cả bị lôi vào sản xuất,
kinh tế coi như cứu cánh mọi thành phần,
khiến con người đánh mất cả lòng nhân.


Xin cho con luôn làm việc tận tình,
như đầy tớ tốt lành và trung tín,
biết hy sinh và sẵn sàng cống hiến,
đền đáp lại những gì Chúa đã ban,
bằng một tình yêu mến dâng ngập tràn,
để mọi người vui hưởng sự bình an. Amen.

 

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây