Chúa Nhật XXXIII Thường Niên – Năm C
Lc 21, 5-19
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XXXIII Thường Niên – Năm C
Ca nhập lễ
Chúa phán: Ta nghĩ đến bình an, chớ không nghĩ đến gian khổ; các người kêu cầu Ta, và Ta nhậm lời các ngươi, Ta dẫn dắt các ngươi từ mọi nơi các người bị nô lệ trở về.
Dẫn vào Thánh Lễ
Anh chị em thân mến! Trong những tuần lễ cuối cùng của năm Phụng Vụ, Hội Thánh cho chúng ta đọc những bài đọc nói về ngày cánh chung. Bài đọc I trong sách tiên tri Malakia loan báo cái ngày mà những người làm điều ác sẽ bị thiêu đốt, còn những người lành thánh sẽ được Mặt Trời Công Chính cứu chữa. Đến bài đọc II, thánh Phaolô cảnh cáo dân thành Thêsalonica không chịu lo làm ăn mà cứ ăn không ngồi rồi để chờ đợi ngày ấy, phải làm tròn bổn phận mình trong tinh thần sẵn sàng, đó là Thánh Ý Chúa.
Trong Tin Mừng Chúa Giêsu nói rõ ràng hơn về ngày Giêrusalem bị tàn phá, nhưng đó cũng là ngày sau hết, nên phải cẩn thận đề phòng những tiên tri giả, họ sẽ lừa phỉnh để chúng ta có thể phản bội Thiên Chúa. Hãy kiên trì dù có thể bị đau khổ thể xác, hoặc bị người ta thù ghét vì mang danh Kitô hữu hay bị bắt bớ gông cùm, cũng hãy bền đỗ thì sẽ cứu được linh hồn mình. Thiên Chúa sẽ che chở, sẽ hướng dẫn trong bàn tay yêu thương của Ngài, nên hãy phó thác cho Ngài tất cả.
Trong tâm tình chuẩn bị chờ ngày Chúa đến, giờ đây chúng tạ cùng thành tâm thống hối
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa là nguồn phát sinh mọi điều thiện hảo, được phụng sự Chúa quả là một hạnh phúc tuyệt vời: xin cho chúng con tìm được niềm vui khi hết dạ trung thành với Chúa. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: Ml 4, 1-2a
“Các ngươi sẽ được Mặt Trời công chính mọc lên cho”.
Trích sách Tiên tri Malakhi.
“Ðây sẽ đến ngày bừng cháy lên như lò lửa: tất cả những kẻ kiêu căng và những người làm tội ác sẽ như rơm rạ, ngày ấy đến sẽ thiêu đốt họ, và không để sót lại cho họ cội rễ ngành chồi gì cả, Chúa các đạo binh phán như vậy. Phần các ngươi là những kẻ kính sợ thánh danh Ta, các ngươi sẽ được Mặt Trời công chính mọc lên cho, mang theo sự cứu chữa trong cánh Người”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 97, 5-6. 7-8. 9
Ðáp: Chúa ngự tới cai quản chư dân trong đường chính trực (x. c. 9).
Xướng: Hãy ca mừng Chúa với đàn cầm, với cây đàn cầm, với điệu nhạc du dương, cùng với tiếng kèn râm ran, tiếng tù và rúc, hãy hoan hô trước thiên nhan Chúa là Vua.
Xướng: Biển khơi và muôn vật trong đó hãy rống tiếng lên, cả địa cầu và những dân cư ngụ ở trong cũng thế. Các sông ngòi hãy vỗ tay reo, đồng thời các núi non hãy hân hoan nhảy nhót.
Xướng: Trước thiên nhan Chúa vì Người ngự tới, vì Người ngự tới cai quản địa cầu. Người cai quản địa cầu với đức công minh, và cai quản chư dân trong đường chính trực.
Bài Ðọc II: 2 Tx 3, 7-12
“Nếu ai không muốn làm việc thì đừng có ăn”.
Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.
Anh em thân mến, chính anh em biết phải noi gương chúng tôi thế nào, bởi vì chúng tôi đã không lười biếng lúc ở giữa anh em, cũng không ăn bám của ai, nhưng chúng tôi làm lụng khó nhọc vất vả đêm ngày, để không trở nên gánh nặng cho người nào trong anh em. Không phải chúng tôi không có quyền, nhưng là để nêu gương cho anh em, để anh em bắt chước chúng tôi. Bởi vì khi chúng tôi còn ở với anh em, chúng tôi đã truyền dạy anh em rằng: “Nếu ai không muốn làm việc, thì đừng có ăn”. Vì chúng tôi nghe tin có một số người trong anh em sống nhàn cư, chẳng làm việc gì hết, nhưng lại dây mình vào mọi việc. Ðối với những hạng người đó, chúng tôi mời gọi và khuyến cáo họ trong Chúa Giêsu Kitô, để họ yên hàn làm việc và dùng lương thực mình tìm ra.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Mt 24, 42a và 44
Alleluia, alleluia! – Các con hãy tỉnh thức và sẵn sàng, vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến. – Alleluia.
Phúc Âm: Lc 21, 5-19
“Các con cứ bền đỗ, các con sẽ giữ được linh hồn các con”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, có mấy người trầm trồ về đền thờ được trang hoàng bằng đá tốt và những lễ vật quý, nên Chúa Giêsu phán rằng: “Những gì các con nhìn ngắm đây, sau này sẽ đến ngày không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào mà chẳng bị tàn phá”. Bấy giờ các ông hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, bao giờ những sự ấy sẽ xảy ra, và cứ dấu nào mà biết những sự đó sắp xảy đến?” Người phán: “Các con hãy ý tứ kẻo bị người ta lừa dối. Vì chưng, sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến mà tự xưng rằng: ‘Chính ta đây và thời giờ đã gần đến’. Các con chớ đi theo chúng. Khi các con nghe nói có chiến tranh loạn lạc, các con đừng sợ, vì những sự ấy phải đến trước đã, nhưng chưa phải là hết đời ngay đâu”.
Bấy giờ Người phán cùng các ông ấy rằng: “Dân này sẽ nổi dậy chống lại dân kia, và nước này sẽ chống với nước nọ. Sẽ có những cuộc động đất lớn mọi nơi; sẽ có ôn dịch đói khát, những hiện tượng kinh khủng từ trên trời và những điềm lạ cả thể. Nhưng trước những điều đó, người ta sẽ tra tay bắt bớ, ức hiếp và nộp các con đến các hội đường và ngục tù, điệu các con đến trước mặt các vua chúa quan quyền vì danh Thầy; các con sẽ có dịp làm chứng. Vậy các con hãy ghi nhớ điều này trong lòng, là chớ lo trước các con sẽ phải thưa lại thể nào. Vì chính Thầy sẽ ban cho các con miệng lưỡi và sự khôn ngoan, mọi kẻ thù nghịch các con không thể chống lại và bắt bẻ các con. Cha mẹ, anh em, bà con, bạn hữu sẽ nộp các con, và có kẻ trong các con sẽ bị giết chết. Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu các con cũng sẽ chẳng hư mất. Các con cứ bền đỗ, các con sẽ giữ được linh hồn các con”.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tín hữu
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Giữa những thăng trầm của cuộc đời, những thay đổi của xã hội, cũng như những lạc thuyết, chúng ta hãy luôn nhận ra ý Chúa qua những dấu chỉ của thời đại, kiên trì trong cuộc sống đức tin và chuyên cần cầu nguyện:
1. “Phần các ngươi là những kẻ kính sợ thánh danh Ta, hành động ngươi sẽ được Mặt Trời Công Chính mọc lên cho” – Xin cho Đức Giáo Hoàng, các Giám mục, các Linh mục luôn tín thác và cậy trông nơi một mình Chúa, để giữa những khó khăn thử thách khi thi hành tác vụ, các ngài luôn kiên nhẫn chịu đựng vì danh Chúa Kitô và vì tình yêu các linh hồn.
2. “Nhưng là để nêu gương cho anh em, để anh em bắt chước chúng tôi” – Xin giúp các tín hữu luôn trung thành với đức tin tông truyền và giáo huấn của Hội Thánh, để xứng đáng lãnh nhận hồng ơn cứu độ trong ngày Chúa đến.
3. “Những gì các con nhìn ngắm đây, sau này sẽ đến ngày không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào” – Xin cho các tội nhân biết nhận ra sự hư ảo, phù phiếm giả tạo, sau những lần chạy theo các đam mê danh vọng trần thế, để từ đó lòng họ khát khao tìm đến nguồn hạnh phúc vĩnh cửu, mà thành tâm trở về với tình yêu Chúa.
4. “Các con cứ bền đỗ, các con sẽ giữ được linh hồn các con” – Xin cho những ai đang gặp đau khổ, bách hại, luôn kiên trì đi trọn đường Chúa Kitô đã đi, đã cứu rỗi con người, để niềm tin vào ngày Chúa quang lâm vinh hiển, sẽ đưa họ đến nguồn vui chân thực là sự sống muôn đời.
Chủ tế: Lạy Chúa, từng bước tiến về với Chúa là từng bước vươn lên để nâng cao cuộc đời. Xin nâng đỡ sự mỏng dòn yếu đuối của chúng con, giúp chúng con can trường chiến đấu đến trận chiến cuối cùng trong sự trung tín và yêu mến Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, chúng con thành kính dâng lên Chúa lễ vật này, xin vui lòng chấp nhận, và giúp chúng con trung thành phụng sự Chúa, để mai ngày đạt tới phúc trường sinh. Chúng con cầu xin…
Ca hiệp lễ
Việc tôi kết hợp với Thiên Chúa, và việc tôi đặt niềm cậy trông vào Chúa là Thiên Chúa, thì tốt đẹp biết bao.
Hoặc đọc:
Chúa phán: Thầy bảo thật các con: Tất cả những gì các con cầu xin, hãy tin rằng các con sẽ được, thì các con sẽ được những điều đó.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, chúng con vừa cử hành lễ tế tạ ơn để tưởng nhớ Ðức Kitô Con Chúa, như lời Người truyền dạy, và chúng con đã được rước Mình và Máu Thánh Người; cúi xin Chúa nhận lời chúng con khẩn nguyện và ban cho chúng con được thêm lòng yêu mến. Chúng con cầu xin…
Suy niệm
Tận thế
Bất cứ cái gì có khởi đầu thì cũng có kết thúc. Vũ trụ đã có một giây phút khởi đầu thì tất nhiên cũng sẽ có một ngày kết thúc. Nhờ phương pháp Radio Activity mà người ta biết được gần chắc chắn sự xuất hiện của mỗi vật. Bất cứ vật nào cũng phóng ra một thứ ánh sáng gọi là phóng xạ. Chất phóng xạ này với thời gian sẽ dần dần biến thành một lượng chì. Người ta đo phóng xạ, biết được số lượng chì tăng lên mà định được thời gian xuất hiện. Riêng với trái đất, các nhà khoa học đã tính ra có chừng khoảng 4 đến 6 tỷ năm rồi.
Điều chắc chắn là Kinh Thánh đã nói đến việc Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ từ hư không, nghĩa là bởi không mà dựng nên cho có. Và như vậy, vũ trụ cũng sẽ có một điểm tận cùng nữa. Thực thế nhìn vào vũ trụ chúng ta thấy các năng lượng đang cạn dần. Ánh sáng mặt trời cũng đang giảm đi. Bao nhiêu nguồn năng lượng quăng mỏ cũng trở thành kham hiếm. Không khí chúng ta thở cũng đang bị ô nhiễm bởi khói động cơ. Các dòng nước chúng ta uống cũng bị những chất phế thải làm cho trở nên bẩn thỉu. Còn về phương diện luân lý, dường như con người mỗi ngày một sa đoạ và băng hoại. Vũ trụ đang tàn héo. Những gì đáng yêu, đáng yêu thì đang trở thành kham hiếm. Thế giới cần phải được tái tạo và đổi mới.
Đây không những là niềm hy vọng của chúng ta mà còn là niềm hy vọng của muôn vật nữa. Thật ra trước khi tổ tông chưa phạm tội, đất đai là bạn đường của họ. Nhưng từ khi bất tuân lệnh Chúa, đất đai trở nên kẻ thù, và trổ sinh gai góc. Khi con người phạm tội, trái đất nơi con người cư ngụ cũng bị xấu lây. Nó không còn là nơi đem lại hạnh phúc cho con người.
Chúng ta nên nhớ: Thiên Chúa đã dựng nên muôn loài trong tình trạng tốt lành nguyên tuyền. Những lời chúc dữ đã giáng xuống chỉ vì loài người chúng ta. Cho nên khi loài người được cứu độ, trái đất cũng được chúc phúc. Vì vậy Công đồng đã nói: Toàn thể vũ trụ cùng với loài người đạt tới sự viên mãn trong Đức Kitô vì vũ trụ liên kết mật thiết với con người và nhờ con người đạt tới cùng đích của nó. Và như vậy chúng ta có thể nói: Như tội của Adong đã thay đổi vũ trụ thế nào thì vinh quang của Đức Kitô sẽ canh tân nó. Ngày tận cùng vũ trụ đối với Đức Kitô sẽ là ngày quang lâm vinh hiển, ngày phán xét và hoàn tất công việc tạo dựng, đối với nhân loại, đó là ngày vinh quang phục sinh, còn đối với tạo vật, đó là ngày canh tân và đổi mới.
Và như vậy chương trình tạo dựng sẽ trở về điểm nguyên thuỷ của nó là chính Thiên Chúa.
Ngày phán xét
Vũ trụ này đã có một lúc khởi đầu thì cũng sẽ có một lúc kết thúc. Con người ta có sinh thì cũng phải có tử. Kể từ khi con người xuất hiện trên mặt đất cho đến hôm nay, thời gian kéo dài hằng trăm triệu năm. Thế nhưng, thời gian ấy chẳng là gì cả so với khoảng thời gian vô biên của Thiên Chúa, như lời thánh vịnh đã nói: Ngàn năm đối với Chúa cũng chỉ là như một thoáng mây bay.
Tuy nhiên, có điều chúng ta cần lưu ý, đó là nhân loại này luôn luôn được chia làm hai giới tuyến, tin và không tin. Đón nhận và từ chối lời Ngài. Hai giới tuyến này vẫn tồn tại và tồn tại mãi cho đến ngày tận cùng của trời đất. Đúng thế, trong ngày tận cùng của trời đất Đức Kitô sẽ xuất hiện, không phải với thân phận nô lệ, nhưng với tất cả quyền năng của Ngài để phân xử ngay cả những tư tưởng thầm kín nhất của chúng ta.
Chính lúc ấy, hai giới tuyến này mới thực là rõ rệt. Một bên thì sáng ngời và hạnh phúc vì họ là những người đã trung thành gắn bó với Chúa… Còn một bên thì khổ đau và tuyệt vọng, bởi vì họ đã từng là những kẻ thù, chống đối và phỉ báng Chúa.
Lúc bấy giờ, tất cả sẽ bị phơi bày, tất cả sẽ bị tỏ lộ. Tâm hồn họ tối tăm hơn cả đêm đen, kinh hoàng hơn cả vực thẳm. Họ sẽ nghe thấy phán quyết tối cao của Chúa: Ta hằng yêu thương và chăm sóc cho ngươi như người mẹ chăm sóc và yêu thương đứa con của mình, thế mà ngươi đã chối bỏ Ta và từ khước tình thương của Ta. Thì giờ đây, hình phạt đời đời sẽ chờ đón ngươi.
Trong khi đó những người lành thì hân hoan vui sướng, bởi vì họ đã trung thành gắn bó với Chúa, không bao giờ họ bán rẻ đức tin của mình cho những đam mê và những khát vọng trần tục. Bấy giờ Chúa sẽ phán với họ: Hỡi những người đã được Cha Ta chúc phúc, hãy đến lãnh lấy phần gia nghiệp Nước Trời đã được chuẩn bị cho các ngươi từ trước muôn đời. Bấy giờ cánh cửa Nước Trời được mở rộng để họ tiến vào, ở đó họ sẽ được hưởng niềm hạnh phúc tuyệt vời với Chúa, như lời thánh Phaolô đã diễn tả: Mắt chưa hề thấy, tai chưa hề nghe và trái tim chưa một lần cảm nghiệm được những điều Thiên Chúa dành cho những kẻ yêu mến Ngài.
Từ những điều vừa trình bày, chúng ta hãy xác tín rằng Nước Trời mới là quê hương đích thật, mới là nơi cư ngụ vĩnh viễn của chúng ta. Còn trần gian thì chỉ là quán trọ mà chúng ta là những lữ khách. Bởi đó, không được từ khước một hy sinh, một gian khổ nào. Trái lại, bằng mọi giá phải chiếm cho được quê hương Nước Trời.
Hãy nghĩ đến Nước Trời mỗi khi chúng ta gặp phải những cám dỗ và thử thách. Hãy nghĩ đến Nước Trời giữa những vất vả và mệt mỏi, giữa những buồn phiền và cay đắng của cuộc sống thường ngày. Hãy nghĩ đến Nước Trời trong những lúc nghèo túng, bệnh tật và cô đơn. Bởi vì Nước Trời trổi vượt trên mọi thực tại trần gian.
Đừng bán quyền trưởng nam bằng một bát cháo. Đừng bán cuộc sống vĩnh cửu bằng một vài giây phút vui thú chóng qua. Đời sống thì ngắn ngủi. Danh vọng và vui thú thì chóng tàn. Việc quan trọng chúng ta cần phải làm trước tiên, đó là tìm kiếm Nước Trời như lời Chúa đã nói: Sau cuộc sống trần gian này, thì hạnh phúc Nước Trời đang chờ đón chúng ta, thế nhưng chúng ta đã làm được những gì để chúng ta xứng đáng được Chúa đón nhận vào chốn quê hương vĩnh cửu?
Chúa nhật 33C Thường niên
(Lc. 21:5-19) Lm Lã Mộng Thường
Nếu để tâm tìm hiểu ý định được Phúc Âm dùng ngôn từ qua lối diễn tả sự việc, chúng ta nhận thấy bài Phúc Âm dùng lời tiên đoán về sự tàn phá của đền thờ Giêrusalem để dẫn đến ẩn ý nói về sự kiện tâm hồn một người sẽ phải đối diện nơi hành trình đức tin, hành trình tâm linh, nếu ai đó thực sự khao khát và thực hành để đạt tới thực thể Tin Mừng Nước Trời. Phúc Âm đưa lên câu hỏi về ngày giờ, câu trả lời chỉ về những sự kiện chưa bao giờ xảy đến, đồng thời nêu lên lời căn dặn, “Các con hãy ý tứ kẻo bị người ta lừa dối, vì chưng sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến mà tự xưng rằng: Chính ta dây và thời giờ đã gần đến. Các con chớ đi theo chúng”. Đã bao nhiêu lần chúng ta nghe người này, người kia nói Chúa hiện ra bảo thế này, Đức Mẹ hiện ra nói thế kia… Và cũng một kiểu cách ấy, bao nhiêu đấng bậc vị vọng đã hô hào Chúa muốn họ làm điều này, thực hiện điều kia… rồi nào nhân danh bề trên, bề dưới để phán bảo về ý Chúa, đại diện cho Chúa; lại có những kẻ viết lên những lời thư đe dọa không làm thế này thì sẽ bị phạt hoặc không làm thế kia sẽ bị tai họa.
Qua những sự kiện đã xảy ra mắt thấy tai nghe nơi cuộc đời và không ít thì nhiều chúng ta đã chứng kiến, điều rõ ràng đó là chẳng những chúng ta không để ý lời Phúc Âm đã hai ngàn năm căn dặn mà ngay cả những người nhân danh Chúa, nhân danh Mẹ để mưu đồ, họ cũng đã không để ý xem Phúc Âm nói những gì. Và như vậy, chính họ cũng không biết họ nói gì trong khi chúng ta lại thích mở rộng lòng nghe hơi ngồi chõ để rồi lăng xăng, ồn ào, giao động vì những mưu toan lường gạt của quân bất lương, lạm dụng thần thánh, lạm dụng Chúa, lạm dụng Đức Giêsu, lạm dụng lòng khát khao nhận biết Thiên Chúa của con người.
Nói cho đúng, chúng ta đã không hiểu, không chịu tìm hiểu để nhận thực đức tin là gì và cũng không cần biết Đức Giêsu dạy chúng ta những gì nơi Phúc Âm. Chúng ta mở rộng lòng để tự biến mình thành những con múa rối theo lời lường gạt của người khác trong khi không cần biết mình tin gì. Có thể lời than Đức Giêsu đã bày tỏ nỗi thất vọng với các môn đồ cũng chính là nỗi thất vọng của Ngài đối với chúng ta, “Ôi thế hệ cứng tin và tà vạy, cho đến bao giờ nữa Ta sẽ ở với các ngươi? Cho đến bao giờ nữa Ta sẽ phải chịu đựng các ngươi” (Mc. 9:19).
Nơi Phúc Âm Gioan, Đức Giêsu đương đường công bố, “Kẻ tin vào Ta thì các việc Ta làm kẻ ấy cũng sẽ làm và sẽ làm được những việc lớn lao hơn thế nữa” (14:12). Nơi Phúc Âm Marcô, Ngài rõ ràng nói cho chúng ta biết, “Kẻ nào bảo núi này: Xê đi mà nhào xuống biển mà trong lòng không nghi ngại nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra thì nó sẽ thấy thành sự” (11:23). Ngược lại, chúng ta tuyên dương tin vào Thiên Chúa, tin vào Đức Giêsu nhưng cho rằng Chúa làm phép lạ! Chúng ta đã không tin lời dạy của Đức Giêsu, “Các con hãy ý tứ kẻo bị người ta lừa dối”, và chúng ta đã tự lừa dối chính mình bằng cách nói rằng tin nhưng thực tâm không cần biết Đức Giêsu dạy gì nên không biết mình tin gì.
Qua những kinh nghiệm suy tư để viết lách nơi hành trình nhận thức về Thiên Chúa, thánh Tôma Aquinas đã có câu nói mang lại lợi ích thiết thực cho bất cứ ai để tâm suy nghiệm về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Thánh nhân viết, “Thiên Chúa là Đấng trí khôn không thể dò thấu. Chúng ta không thể nói gì về Ngài, và tất cả những gì chúng ta cố gắng nói về Ngài chỉ là sự tưởng tượng”. Câu nói này chỉ những ai để tâm nghiệm chứng mới có thể cảm nhận được. Và nơi tuổi bóng xế, thánh nhân đã ngưng viết lách để dành thời giờ trầm tư suy nghiệm. Nếu ai đã thực hành suy nghiệm và đọc những sách vở ghi lại thực thể nghiệm chứng của các bậc thức ngộ sẽ nhận chân được ý nghĩa lời khuyên của Đức Giêsu nơi Phúc Âm, “Vậy các con hãy ghi nhớ điều nầy trong lòng là chớ lo trước các con sẽ phải thưa lại thể nào vì chính Thầy sẽ ban cho các con miệng lưỡi và sự khôn ngoan, mọi kẻ thù nghịch các con không thể chống lại và bắt bẻ các con”.
Những ai đã để tâm nghiệm chứng thực thể hiện hữu của Thiên Chúa sẽ phải đối diện với muôn ngàn lý luận nơi tâm tưởng lệ thuộc muôn chiều hướng, chẳng những đe dọa mà còn mang năng lực ép buộc, không cho phép hành giả suy tưởng và có thái độ hay lối sống theo ham muốn thường tình thế tục. Dĩ nhiên, hành giả sẽ phải chịu đựng nhiều loại cám dỗ, ham muốn nơi tâm tưởng, hoặc những hình ảnh, viễn tượng xảy đến nơi tâm trí. Nhưng tất cả những gì người suy nghiệm có thể tưởng tượng hoặc đối diện nơi hành trình nghiệm chứng cho dù mang vẻ cao sang thánh thiện, tốt lành đến đâu cũng không phải là Thiên Chúa hay ý định của Ngài. Vì Thiên Chúa là đấng không thể dò thấu nên bất cứ gì xảy đến nơi tâm trí đều chỉ là con đẻ của sự tưởng tượng của con người.
Chúng ta chỉ cần nhận biết một điều, những sự kiện tâm linh không phải là Thiên Chúa. Đây chính là ý nghĩa lời khuyên, “Chớ lo trước các con sẽ phải thưa lại thể nào”. Đã biết bao người nói về dữ kiện họ nhìn thấy linh ảnh này, linh ảnh kia… Khá nhiều tác giả cũng viết về những linh ảnh họ nhận thấy khi chiêm nghiệm “được ghi lại nơi sách vở”. Nếu thực hành nghiệm chứng, chúng ta không nên để ý về chúng. Chỉ cần biết có những sự đó phải xảy đến nhưng để tâm theo đuổi những dữ kiện tâm linh tất nhiên đã đi trật đường. Đây cũng là nguyên nhân đã có câu nói “Chứng cái không” mà nếu ai chưa thực hành nghiệm chứng vô tình nghe được đều cho là phi lý hay nói dại.
Tóm lại, bài Phúc Âm được viết ám định về thái độ cũng như tâm tình của con người nơi hành trình nghiệm chứng khi phải đối diện với những dữ kiện tâm linh sẽ xảy đến. Những ngôn từ linh hồn, tâm trí con người, thành phần tâm linh, hay thần khí đều chỉ về sự hiện hữu của Thiên Chúa nơi mình. Hành trình đức tin hay hành trình tâm linh là sự nghiệm chứng về thực thể hiện hữu tối thượng là chính Thiên Chúa ngự trị nơi mình. Hành trình này được Phúc Âm gọi là ngõ hẹp đối với mọi người cũng chỉ vì chúng ta đã quá quen với những suy tư thế tục lại không để ý suy nghiệm về chính mình. Bởi thế, những đền thờ khôn ngoan, cao sang thế tục cần phải được phá bỏ nếu chúng ta muốn nghiệm chứng Tin Mừng Nước Trời. Chúng ta chỉ có thể biết mình là ai khi dám đối diện với lòng để nhận ra con người thực của mình thế nào. Amen.
HIỆP SỐNG TIN MỪNG
CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN C
Ml 3, 19-20a; 2Tx 3, 7-12; Lc 21, 5-19.
LM ĐAN VINH - HHTM
LÀM GÌ ĐỂ CHUẨN BỊ ĐÓN CHỜ CHÚA LẠI ĐẾN?
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Lc 21, 5-19
(5) Nhân có mấy người nói về Đền thờ được trang hoàng những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng, Đức Giê-su bảo: (6) “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào”. (7) Họ hỏi Người: “Thưa Thầy, vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp xảy ra thì có điềm gì báo trước?” (8) Đức Giê-su đáp: “Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt. Vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng: “Chính Ta đây, và thời kỳ đã đến gần”. Anh em chớ có theo họ. (9) Khi anh em nghe có chiến tranh loạn lạc, thì đừng sợ hãi. Vì những việc đó phải xảy ra trước. Nhưng chưa phải là chung cục ngay đâu”. (10) Rồi Người nói tiếp: “Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. (11) Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém. Sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện”. (12) Nhưng trước khi tất cả các sự ấy xảy ra, thì người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp cho các hội đường và nhà tù, và điệu đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy. (13) Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy. (14) Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. (15) Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được”. (16) Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em. (17) Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. (18) Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. (19) Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.
2. Ý CHÍNH: Bài Tin mừng hôm nay mở đầu "diễn từ chung luận" (x. Lc 21, 5-36). Trọng tâm của bài Tin Mừng hôm nay là Đức Giê-su loan báo việc đền thờ Giê-ru-sa-lem sẽ bị phá hủy và liên kết với việc tàn phá đền thờ, Đức Giê-su đề cập đến ngày tận thế. Trong khi chờ đợi “Ngày của Chúa” tức là ngày Chúa đến lần thứ hai, các tín hữu sẽ phải trải qua nhiều gian nan thử thách, phải qua một thời kỳ bị bách hại. Nhưng họ đừng sợ, hãy cứ kiên trì vì sự bách hại sẽ là một cơ hội để họ làm chứng cho Tin Mừng. Chính Chúa sẽ giúp họ chiến thắng với điều kiện họ phải luôn kiên trì giữ vững đức tin và trung thành với Chúa cho đến cùng.
3. CHÚ THÍCH:
- C 5-7: + Có mấy người nói về Đền thờ được trang hoàng những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng: Đền thờ nói đây đã được vua Hê-rô-đê Cả trùng tu vào năm 19 trước Công nguyên và bốn mươi sáu năm sau mới hoàn thành (x. Ga 2,20). Vì Đền thờ vừa được xây xong nên rất đẹp. + “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó, sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào”: Nhiều ngôn sứ đã tiên báo Đền thờ thứ nhất sẽ bị tàn phá (x. Mk, Gr, Ed), tượng trưng cho Giao ước sẽ bị phá hủy, vì dân Do thái đã bất trung với Giao ước ấy. Hôm nay Đức Giê-su lại tiên báo Đền thờ mới này cũng sẽ trở nên hoang tàn vì tội của dân Ít-ra-en đã từ chối Đấng Thiên Sai. Lời tuyên bố này về sau sẽ trở thành lý do khiến Đức Giê-su bị kết án (x. Mt 26,61). Tuy nhiên lời tiên báo này đã được ứng nghiệm vào năm 70 sau Công Nguyên, khi Đền thờ bị quân Rôma đốt cháy và đã sụp đổ thành bình địa. + “Vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp xảy ra, thì có điềm gì báo trước?”: Nghe Đức Giê-su tiên báo về sự sụp đổ của Đền Thờ, mọi người đều sợ hãi. Họ muốn biết đích xác ngày giờ xảy ra cùng những điềm báo trước để chuẩn bị.
- C 8-9: + Đức Giê-su đáp: Anh em hãy coi chừng...: Đức Giê-su không trả lời trực tiếp câu hỏi về thời gian và dấu chỉ tiên báo Đền Thờ sắp bị phá hủy, nhưng dựa vào đó Người mặc khải về ngày tận thế sẽ xảy ra giống như vậy. + Khi anh em nghe có chiến tranh loạn lạc thì đừng sợ hãi, vì những việc đó xảy ra trước, nhưng chưa phải là chung cục ngay đâu: Đức Giê-su cảnh giác các môn đệ là đừng tưởng chiến tranh loạn lạc là dấu chỉ của ngày tận thế. Những điều đó sẽ xảy ra, nhưng chưa phải là dấu tiên báo ngày tận thế đã đến.
- C 10-11: + Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia...: Chiến tranh và những thiên tai như động đất, ôn dịch, đói kém, cùng những điềm lạ trên trời cũng không phải là những dấu chỉ của ngày tận thế, vì nó luôn xảy ra và hầu như thời nào cũng có. Nó chỉ cho thấy vũ trụ này sẽ không tồn tại mãi mãi.
- C 12-15: + Người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em....: Đức Giê-su tiên báo về một thời kỳ lịch sử, trong đó các môn đệ phải chu toàn sứ mệnh làm chứng cho Người giữa những cơn bách hại. Nhưng như Đức Ki-tô phải chịu khổ hình rồi mới vào vinh quang (x. Lc 24,26), thì các môn đệ cũng phải trải qua thử thách giống như Thầy mình. + Nộp cho các hội đường và nhà tù: Tại mỗi hội đường địa phương đều có nơi dành riêng cho việc xét xử và phạt tù các tội nhân vi phạm các tội thông thường về tôn giáo. Còn các tội nghiêm trọng sẽ được xét xử trước Thượng Hội Đồng tại thủ đô Giê-ru-sa-lem. + Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy: Trong Tin mừng Lu-ca, việc làm chứng cho Đức Giê-su là sứ mệnh của Nhóm Mười Hai (x. Lc 24,48) và của Phao-lô (x. Cv 22, 15). Làm chứng là công bố Đức Giê-su đã chết, đã sống lại và được đặt làm “Chúa”. Sau này làm chứng còn có nghĩa là tử vì đạo. + Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan: Đức Giê-su hứa chính Người sẽ trợ giúp các chứng nhân của Người (x. Ga 14,21), và sẽ sai Thánh Thần đến giúp đỡ các ông (Lc 12,11-12).
- C 16-19: + Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em... bắt nộp: Sự thử thách của các tín hữu xảy ra từ gia đình, nơi được coi là an toàn nhất. + Họ sẽ giết một số người trong anh em: Một số tín hữu sẽ bị giết, một số khác sẽ bị bắt bớ (x. Lc 11, 49). + Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét: Kiểu nói bị mọi người thù ghét không có ý nói theo nghĩa tuyệt đối là hết mọi người, nhưng chỉ muôn nói là: Những kẻ chối bỏ Thiên Chúa sẽ thù ghét các môn đệ Đức Giê-su. + Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu: Đây là lời động viên các tín hữu hãy can đảm và tín thác mọi sự trong tay Chúa quan phòng. + Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình: Trong bất cứ cơn thử thách nào, nếu biết kiên trì, trung thành với đức tin thì chắc chắn các tín hữu sẽ được vào Nước Thiên Chúa (x. Cv 14, 22).
4. CÂU HỎI: 1) Như các ngôn sứ xưa, Đức Giê-su đã tiên báo thế nào về số phận của Đền thờ Giê-ru-sa-lem? Tai họa của Đền thờ tượng trưng cho điều gì sau này? 2) Theo Đức Giê-su thì chiến tranh lọan lạc và các điềm lạ cả thể trên trời có phải là dấu hiệu của ngày tận thế đã đến hay chưa? 3) Đức Giê-su tiên báo về số phận của các tín hữu sẽ như thế nào? 4) Người dạy họ phải có thái độ ra sao khi bị bách hại?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình” (Lc 21, 19).
2. CÂU CHUYỆN: MỌI SỰ XẢY RA ĐỀU HỮU ÍCH CHO PHẦN RỖI CỦA TÔI:
Một người kia có đức tin mạnh vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Trong bất cứ hoàn cảnh nào dù may hay rủi, anh ta cũng đều cầu nguyện: “Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa về điều Chúa mới để xảy ra cho con, vì con tin rằng điều đó hữu ích cho phần rỗi đời đời của con”. Một hôm, anh ta mua vé tàu sang nước Anh. Sáng hôm ấy vì thức dậy trễ, nên anh vội leo lên tắc-xi yêu cầu tài xế lái thật nhanh đến bến tàu cho kịp giờ tàu chạy. Nhưng khi xe chở anh tới bến cảng thì cũng là lúc con tàu bắt đầu nhổ neo khởi hành. Anh vội chạy ra bến và hét gọi thật to, vẫy tay ra hiệu cho con tàu dừng lại. Nhưng dường như thuyền trưởng không nhìn thấy anh ta và con tàu vẫn từ từ rời khỏi bến cảng ra khơi. Trong lúc chạy theo con tàu, chẳng may anh vấp chân vào một mấu sắt trồi lên ở cầu tàu và bị té ngã. Chiếc va-li nặng đang cầm trên tay đè lên làm gẫy một chân của anh. Mọi người đổ xô đến giúp đỡ và chở anh đến bệnh viện gần nhất cấp cứu. Sau khi hồi tỉnh và được các phóng viên hỏi cảm tưởng khi bị trễ tàu và bị gẫy chân, thì anh đã trả lời rằng: “Tôi cảm tạ Chúa vì Người đã ban cho tôi bị trễ chuyến tàu này”. Họ lại hỏi: “Bị trễ tàu và gãy chân như thế mà là ơn lành của Thiên Chúa sao?” Anh ta trả lời: “Tôi không biết lý do tại sao, nhưng tôi tin rằng Chúa quan phòng biết rõ điều đó có ích cho tôi. Đối với tôi như thế đã là đủ lắm rồi”.
Quả thật, chỉ mấy ngày sau, báo chí đã đồng loạt đăng lên trang nhất tin một con tàu rời bến cảng vào đúng buổi sáng ngày anh bị trễ tàu, và sau đó đã đụng phải đá ngầm ở ngoài khơi và bị chìm khiến tất cả hành khách trên con tàu ấy đều bị chết chìm! Bấy giờ anh chàng bị què chân kia lại càng thêm xác tín rằng: chính Chúa quan phòng đã thương gìn giữ anh tránh được một cái chết thê thảm, bằng cách để anh bị trễ tàu và còn để anh bị té gẫy chân nữa. Qua câu chuyện trên, chúng ta cũng có thể rút ra bài học này là: Thiên Chúa có thể rút từ sự dữ ra sự lành cho những ai biết cậy trông phó thác trong tình thương quan phòng của Ngài.
3. SUY NIỆM:
Tin mừng Chúa Nhật hôm nay ghi lại lời Đức Giê-su tiên báo về sự hủy diệt Đền thờ Giê-ru-sa-lem. Đây cũng là dịp để chúng ta suy nghĩ về giờ chết của mỗi người chúng ta và về ngày tận thế chung của toàn thể nhân loại. Đồng thời chúng ta biết nên làm gì để chuẩn bị cho ngày ấy.
1) TIÊN BÁO VỀ ĐỀN THỜ BỊ PHÁ HỦY VÀ NHỮNG ĐIỀM BÁO TRƯỚC:
Tin mừng Lu-ca ghi lại lời Đức Giê-su tiên báo về sự hủy diệt của Đền thờ Giê-ru-sa-lem như sau: “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào” (Lc 21, 6).
Nghe Đức Giê-su tiên báo về sự sụp đổ của Đền Thờ như vậy, mọi người đều kinh hãi và muốn biết rõ hơn về thời gian và dấu chỉ báo trước cho biến cố ấy. Đức Giê-su đã cho biết một số điềm báo về ngày này, ám chỉ ngày tận thế của nhân loại, khi Người sẽ tái lâm trong vinh quang để phán xét chung như sau:
- Sẽ có nhiều người sẽ mạo danh Người đến nói rằng: “Chính Ta đây, và thời kỳ đã đến gần”.
- Sẽ có chiến tranh loạn lạc: Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ.
- Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém.
- Sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện.
- Nhưng trước khi các sự ấy xảy ra, các tín hữu sẽ trải qua thời kỳ bị bắt bớ ngược đãi, bị nộp cho các hội đường và nhà tù, bị điệu đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Đức Giê-su.
2) PHẢI ỨNG PHÓ THẾ NÀO?
- Hãy kiên trì và đừng nản chí:
Đức Giê-su đã khích lệ các môn đệ như sau: ”Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình” (Lc 21, 19). Kiên trì là dù gặp phải những gian truân thử thách, họ cũng không được chùn bước, không nản chí bỏ cuộc, nhưng phải luôn kiên trì giữ vững đức tin và quyết tâm đi theo con đường của Đức Giê-su là: “Qua đau khổ vào trong vinh quang” (x. Lc 18, 32). Cụ thể là “Từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9, 23).
- Làm chứng cho Chúa bằng lòng tín thác cậy trông:
Đối với Đức Giê-su, bách hại và thử thách không đáng sợ, nhưng là cơ hội để các môn đệ "làm chứng" cho Chúa, dù phải chịu thử thách đau khổ kể cả sự chết, như thánh Phao-lô đã quả quyết như sau: “Tôi tin chắc rằng: Cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, chiều cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta” (Rm 8, 38-39).
Đây cũng là thời gian thuận tiện để các tín hữu chúng ta làm chứng đức tin về sự hiện hữu của một thế giới mới đây ánh sáng và tình thương, trong đó mọi người đều tin thờ một Thiên Chúa là Cha và đối xử với nhau như anh chị em trong đại gia đình của Thiên Chúa. Thế giới ấy bắt đầu từ Hội Thánh hôm nay và sẽ biến thành “Trời Mới Đất Mới” là thiên đàng mai sau (x. Kh 21, 1-4).
3) CHUẨN BỊ THẾ NÀO CHO GIỜ CHẾT VÀ NGÀY TẬN THẾ:
- Đừng sợ hãi lo lắng trước cái chết: Đức Giê-su dạy các môn đệ "Đừng sợ!" không có nghĩa không được sợ, nhưng phải biết làm chủ cảm giác sợ ấy và chiến thắng nó như Đức Giê-su trong vườn Cây Dầu: tuy lo sợ đổ mồ hôi máu khi đối diện với cái chết đang tới gần (x. Lc 22, 44), nhưng Người đã can đảm thưa với Chúa Cha: “Đừng theo ý con mà xin vâng ý Cha” (Mt 26, 38-39).
- Chu toàn việc bổn phận: Thời thánh Phao-lô có nhiều tín hữu ở Thê-sa-lô-ni-ca tưởng lầm ngày tận thế đã đến gần, nên bỏ bê công việc làm ăn rồi chỉ biết ăn bám vào người khác. Ngài đã cảnh cáo họ như sau: ”Khi còn ở với anh em, chúng tôi đã chỉ thị cho anh em: Ai không chịu làm thì cũng đừng ăn! Thế mà chúng tôi nghe nói: trong anh em có một số người sống vô kỷ luật, chẳng làm việc gì, mà việc gì cũng xen vào. Nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô, chúng tôi truyền dạy và khuyên nhủ những người ấy hãy ở yên mà làm việc, để có của nuôi thân“ (2 Ts 3, 10-13). Cũng vậy, trong khi chờ đợi giờ Chúa đến, mỗi người chúng ta cần phải chu toàn các việc bổn phận của mình. Phải luôn kiên trì giữ vững đức tin dù gặp phải bất cứ khó khăn ngược đãi nào để được hưởng ơn cứu độ như lời Chúa: ”Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình” (Lc 21, 19).
- Dọn mình chết lành: Hiện nay có nhiều người sống như không bao giơ phải chết. Họ không biết mình sống để làm gì và không biết chết rồi sẽ ra sao? Do đó, họ chỉ lo hưởng thụ các đam mê lạc thú bất chính và không làm gì để chuẩn bị cho đời sau. Còn các tín hữu hôm nay cần ý thức về ngày giờ chết của mình để chuẩn bị chết lành, bằng việc thực hiện những việc như sau: Thanh toán nợ nần sòng phẳng, hồi tâm sám hối mỗi tối và năng lãnh bí tích Hòa giải, dọn mình dự lễ rước lễ mỗi ngày. Thực hành các việc bác ái cụ thể như kinh “Thương Người có mười bốn mối” và “Kinh Hòa Bình” (của thánh Phan-xi-cô) đề ra. Ngoài ra còn phải chu toàn công việc bổn phận như: học tập, nội trợ, lao động trí óc chân tay… Làm được như vậy thì khi giờ chết đến gần, chúng ta sẽ không cảm thấy bồn chồn lo lắng, nhưng sẽ vui mừng chờ đón Chúa đến trong niềm tin tưởng cậy trông sẽ được Người thương đón nhận vào hưởng hạnh phúc Nước Trời đời sau.
4. THẢO LUẬN: 1) Câu chuyện bị trễ tàu và thoát chết cho thấy đức tin của nhân vật chính thế nào? 2) Đã bao giờ bạn gặp hoàn cảnh “rủi biến thành may” như anh chàng này chưa? 3) Bạn quyết tâm làm gì để chuẩn bị giờ chết bất ngờ có thể đến với bạn?
5. NGUYỆN CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Chính tiền tài, danh vọng, quyền lực và những đam mê lạc thú bất chính làm cho tâm hồn chúng con luôn cảm thấy bất an. Xin cho chúng con biết sáng suốt xác định cùng đích đời mình là Nước Trời đời sau. Xin cho chúng con biết luôn chu toàn các việc bổn phận và sẵn sàng đón Chúa đến bất cứ lúc nào trong giờ chết để xứng đáng nhận được ơn cứu độ của Chúa.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.