TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật VI Phục Sinh -Năm B

“Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình”. (Ga 15, 9-17)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật XXXIV TN-A: Đức Kitô, Vua Vũ trụ

19/11/2023 04:08:03 |   445

Chúa Nhật XXXIV Thường Niên -Năm A
Đức Kitô, Vua Vũ trụ

Vua vũ trụ

Mt 25,31-46


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XXXIV Thường Niên -Năm A
Đức Kitô, Vua Vũ trụ

Ca nhập lễ

Con chiên bị giết xứng đáng lãnh nhận quyền năng thiên tính, không ngoan, sức mạnh, danh dự và vinh quang chúc tụng. Nguyện cho Người được vinh quang, và vương quốc Người tồn tại đến muôn đời.

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Các bài đọc Chúa Nhật hôm nay nhắc nhở cho chúng ta biết Chúa Giêsu Kitô là Mục tử, là Vua, và là Thẩm Phán. Trong suốt chuyến hành trình trần thế, Người lãnh đạo, chăn dắt chúng ta, chiến thắng Satan, giải phóng chúng ta khỏi xiềng xích tội lỗi và chăm sóc chúng ta. Sau cùng Người sẽ là Thẩm Phán xét xử chúng ta và mọi người thuộc mọi dân tộc. Bài Tin Mừng nói rất rõ tiêu chuẩn Chúa Kitô dùng dể xét xử và quvết định cho ai được lên Thiên Đàng, ai phải xuống hỏa ngục.

Người được vào Thiên Đàng là người có tấm lòng từ nhân biết để ý viếng thăm, thông cảm, chăm lo và giúp đỡ những nhu cầu của kẻ khác trong cuộc sống. Những việc từ thiện bác ái chính là bảo chứng cho biết chúng ta có thuộc về Nước Thiên Chúa hay không. Chúng ta hãy xét mình và thành tâm thống hối.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã muốn quy tụ muôn loài dưới quyền lãnh đạo của Ðức Kitô là người Con Chúa hằng ưu ái, và là Vua toàn thể vũ trụ. Xin cho hết mọi loài thọ sinh đã được cứu khỏi vòng nô lệ tội lỗi biết phụng thờ Chúa là Ðấng cao cả uy linh và không ngớt lời ngợi khen chúc tụng. Chúng con cầu xin…

 Bài Ðọc I: Ed 34, 11-12. 15-17

“Phần các ngươi là những đoàn chiên của Ta, Ta xét xử giữa chiên với chiên”.

Trích sách Tiên tri Êdêkiel.

Ðây Chúa là Thiên Chúa phán: “Này chính Ta săn sóc đoàn chiên của Ta và Ta sẽ kiểm soát chúng. Như một mục tử kiểm điểm đoàn chiên trong ngày chúng bị tản mát, thì Ta cũng kiểm điểm đoàn chiên Ta như vậy. Ta sẽ giải thoát chúng khỏi mọi nơi mà chúng đã bị phân tán, và trong ngày mây mù đen tối.

“Chính Ta sẽ chăn dắt các chiên Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ, Chúa là Thiên Chúa phán như thế. Ta sẽ tìm con chiên đã mất, sẽ đem con chiên lạc về, sẽ băng bó con chiên bị thương tích, sẽ lo chữa con chiên bị ốm đau, con nào mập béo, Ta sẽ chăm sóc, và sẽ chăn dắt nó trong sự công chính.

“Còn các ngươi, hỡi chiên của Ta, Chúa là Thiên Chúa phán thế này: Này Ta sẽ phân xử giữa con này với con khác, giữa cừu đực với dê đực”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 22, 1-2a. 2b-3. 5. 6

Ðáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi 

Xướng: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi. Trên đồng cỏ xanh rì Người thả tôi nằm nghỉ. 

Xướng: Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi, tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng. Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. 

Xướng: Chúa dọn ra cho tôi mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương: đầu tôi thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu tôi đầy tràn chan chứa. 

Xướng: Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài. 

Bài Ðọc II: 1 Cr 15, 20-26. 28

“Người đã trao vương quốc lại cho Thiên Chúa Cha, để Thiên Chúa nên mọi sự trong mọi sự”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, Ðức Kitô đã từ cõi chết sống lại, là hoa quả đầu mùa của những kẻ yên giấc. Vậy sự chết bởi một người, thì sự kẻ chết sống lại cũng bởi một người. Cũng như mọi người đều phải chết nơi Ađam thế nào, thì mọi người cũng sẽ được tác sinh trong Ðức Kitô như vậy. Nhưng ai nấy đều theo thứ tự của mình, hoa quả đầu mùa là Ðức Kitô, đoạn đến những kẻ thuộc về Ðức Kitô, những kẻ đã tin Người xuống thế: rồi đến tận cùng khi Người đã trao vương quốc lại cho Thiên Chúa Cha, và đã tiêu diệt mọi đầu mục, quyền năng và thế lực.

Nhưng Người còn phải cai trị cho đến khi Người đặt mọi quân thù dưới chân Người. Kẻ thù cuối cùng sẽ bị tiêu diệt là sự chết. Khi mọi sự đã suy phục Người, bấy giờ chính Con cũng sẽ suy phục Ðấng đã bắt mọi sự suy phục mình, để Thiên Chúa nên mọi sự trong mọi sự.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mc 11, 10

Alleluia, alleluia! – Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến: chúc tụng nước Ðavít tổ phụ chúng ta đã đến. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 25, 31-46

“Người sẽ ngự trên ngai uy linh của Người, và sẽ phân chia họ ra”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Khi Con Người đến trong vinh quang, có hết thảy mọi thiên thần hầu cận, Người sẽ ngự trên ngai uy linh của Người. Muôn dân sẽ được tập họp lại trước mặt Người, và Người sẽ phân chia họ ra, như mục tử tách chiên ra khỏi dê. Chiên thì Người cho đứng bên phải, còn dê ở bên trái.

“Bấy giờ Vua sẽ phán với những người bên hữu rằng: “Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ. Vì xưa Ta đói, các ngươi cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu các ngươi đã viếng thăm; Ta bị tù đày, các ngươi đã đến với Ta”.

“Khi ấy người lành đáp lại rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ chúng con thấy Chúa là lữ khách mà tiếp rước, mình trần mà cho mặc; có khi nào chúng con thấy Chúa yếu đau hay bị tù đày mà chúng con đến viếng Chúa đâu?” Vua đáp lại: “Quả thật, Ta bảo các ngươi: những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta”.

“Rồi Người cũng sẽ nói với những kẻ bên trái rằng: “Hỡi phường bị chúc dữ, hãy lui khỏi mặt Ta mà vào lửa muôn đời đã đốt sẵn cho ma quỷ và kẻ theo chúng. Vì xưa Ta đói, các ngươi không cho ăn; Ta khát, các ngươi không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi chẳng tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi không cho đồ mặc; Ta đau yếu và ở tù, các ngươi đâu có viếng thăm Ta!”

“Bấy giờ họ cũng đáp lại rằng: “Lạy Chúa có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói khát, khách lạ hay mình trần, yếu đau hay ở tù, mà chúng con chẳng giúp đỡ Chúa đâu?” Khi ấy Người đáp lại: “Ta bảo thật cho các ngươi biết: những gì các ngươi đã không làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta”. Những kẻ ấy sẽ phải tống vào chốn cực hình muôn thuở, còn các người lành thì được vào cõi sống ngàn thu”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Chúa Cha đã đặt Chúa Giêsu làm Chúa của Giáo Hội và vũ trụ. Giờ đây chúng ta dâng lời cầu nguyện lên Chúa Cha, xin Ngài ban cho mọi người có những ước muốn ngay lành, và can đảm dấn thân thực hiện, ngõ hầu thế giới được bảo vệ, xây dựng và phát triển.

1. Khi Chúa Giêsu trở lại Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Chúng ta hãy cầu nguyện để Giáo Hội chiếu tỏa ánh sáng của Chúa Giêsu bằng lời rao giảng và chứng tá đời sống, ngõ hầu muôn dân được hưởng ơn cứu độ.

2. Khi Chúa Giêsu trở lại Người sẽ xét xử nhân loại. Chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi người được hưởng hạnh phúc muôn đời mà Thiên Chúa đã chuẩn bị cho họ từ khi tạo thành vũ trụ.

3. Chúng ta hãy cầu nguyện, để khi Chúa trở lại sẽ không còn người đói, khát, hoặc bị tù đầy; và xin Chúa đón nhận lời cầu nguyện của chúng ta, để tất cả những ai đang đau khổ được nâng đỡ, an ủi bằng tình yêu của Chúa và của chúng ta.

4. Chúng ta hãy cầu nguyện, để vào lúc hoàng hôn cuộc đời, chúng ta được Chúa khoan hồng khi xét xử, những hoa trái là thành quả mà chúng ta đã gieo trồng được Chúa chấp nhận. Xin Chúa giúp mỗi người chúng ta cho đi cách quảng đại những gì mà chúng ta đã lãnh nhận cách nhưng không.

Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu vua vũ trụ, xin hãy làm vua ngự trị trong tâm hồn chúng con, xin ban cho chúng con Chúa Thánh Thần, để chúng con phụng sự Chúa trong sự tự do của con cái Chúa, bây giờ và mãi mãi. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con thành khẩn dâng lên Chúa lễ tế hoà giải của Ðức Kitô, và tha thiết van nài cho mọi dân, mọi nước, nhờ Người, được hiệp nhất và bình an. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời tiền tụng

Lạy Chúa là Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc thật là chính đáng phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con.

Chúa đã xức dầu hoan lạc tấn phong Con Một Chúa là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng con làm linh mục đời đời và làm vua vũ trụ, để khi hiến thân trên bàn thờ thập giá làm lễ phẩm hoà giải và tinh tuyền, người hoàn tất mầu nhiệm cứu chuộc chúng con. Khi đã bắt mọi loài quy phục quyền bính mình, Người trao lại cho Chúa là Ðấng uy linh cao cả, một vương quốc vĩnh cữu và vô biên: vương quốc đầy tràn sự thật và sự sống, đầy tràn ân sủng và thánh thiện, đầy tràn tình thương, công lý và bình an.

Vì thế, cùng với toàn thể Thiên thần và các thánh, chúng con không ngừng hát bài ca chúc tụng Chúa vinh hiển và tung hô rằng:

Thánh! Thánh! Thánh!…

Ca hiệp lễ

Chúa là vua ngự trị tới muôn đời; Chúa sẽ chúc phúc cho dân Người trong cảnh thái bình.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con được vinh dự sống theo lời giáo huấn của Ðức Kitô là Vua toàn thể vũ trụ, chúng con cũng vừa lãnh nhận thần lương ban sự sống muôn đời: xin cho chúng con được mãi mãi cùng Người hưởng vinh quang thiên quốc. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy niệm

Phán xét

Đoạn Tin Mừng hôm nay đặt chúng ta vào trong quang cảnh hùng vĩ của cuộc phán xét chung. Ở đó, Đức Kitô giữ vai trò xét xử bá nhân bá tánh. Vậy thì sẽ phải xét xử ra làm sao? Hơn nữa, mỗi người có những hoàn cảnh, những nhiệm vụ, những khả năng riêng, do đó quả cân nào sẽ phân định tội trạng và công phúc?

Thế nhưng, đối với Chúa Giêsu mọi sự xem ra lại đơn giản. Muôn dân thiên hạ cuối cùng được phân chia thành hai loại được đặt ở bên phải và bên trái của Ngài. Tiêu chuẩn để phân biệt cũng rất đơn giản: Đã làm gì cho những kẻ bé mọn. Đối xử với những kẻ bé mọn, đói khát, trần truồng, tù tội, đau yếu là đối xử với chính Chúa vậy.

Sự phân xử của Chúa Giêsu trong ngày phán xét làm cho cả người lành lẫn kẻ dữ phải ngạc nhiên sửng sốt. Mọi sự sẽ dễ dàng hơn nếu như mỗi người trong cuộc đời của mình đã có lần được gặp Chúa Giêsu bằng xương bằng thịt, với một bảng tên rõ ràng và một lý lịch minh mạch. Biết bao nhiêu người đã xả thân để giải phóng thánh địa chỉ vì đó là nơi đã ghi dấu tích sự hiện diện của Chúa, huồng hồ là gặp Chúa đói khát, trần truồng, đau yếu và tù tội. Ai có thể lại làm ngơ.

Nhưng cái làm cho chúng ta lúng túng đó là Chúa Giêsu đã đồng hoá mình với mỗi người trong anh em chúng ta, với những con người chúng ta gặp trong cuộc sống thường ngày tại khu phố, tại trường học, trên đồng ruộng, nơi công sở, ngoài chợ ngoài đường và nhất là với những kẻ làm chúng ta khó chịu vì cái nghèo nàn, thô kệch và quấy rầy của họ. Mọi người đều ngạc nhiên.

Nhưng Đức Kitô trong cương vị Đấng xét xử, đã tuyên bố: Những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất là các ngươi đã làm cho chính ta. Và những gì các ngươi đã không làm cho một trong các anh em bé mọn nhất là các ngươi đã không làm cho chính Ta. Thế là đã rõ. Đức Kitô xét xử theo tình yêu chúng ta đã có hay không có đối với anh em đồng loại, nhất là đối với những người hèn mọn về chức tước, danh vọng và của cải. Vương quốc của Đức Kitô chính là vương quốc của tình yêu. Giáo Hội tôn vinh Đức Kitô là Vua, nhưng Ngài không muốn ngự trên ngai vàng để mọi người bái phục, nhưng Ngài đã đến phục vụ những kẻ hèn và đồng hoá mình với họ.

Đức Kitô Vua

Đức Kitô có phải là Vua không? Chắc chắn Đức Kitô không phải là một thủ lãnh của một đảng phái đối lập, cũng chẳng phải là một vị vua chúa như người đời vẫn quan niệm. Suốt cuộc sống công khai, Ngài không bao giờ chấp nhận tước hiệu Messia, tước hiệu là vua theo mơ ước của dân chúng. Vì mơ ước của họ pha trộn quá nhiều những yếu tố trần tục, quá nhiều những tham vọng chính trị. Thực vậy, sứ mệnh của Ngài không như sứ mệnh của quận vương Hêrôđê, quyền bính của Ngài không như quyền bính của hoàng đế Lamã hay như bất kỳ một vị vua chúa nào trên trần gian.

Sứ mệnh của Ngài thuộc một lãnh vực khác. Chính vì thế mà chúng ta thấy nhiều lần Ngài đã từ chối cái cách tôn phong Ngài lên làm vua của dân chúng. Sau phép lạ bánh hoá nhiều dân chúng muốn tôn Ngài lên làm vua, nhưng Ngài đã lẩn trốn. Nhưng cũng có lần Ngài sẵn sàng biểu dương trước công chúng, khi Ngài hiên ngang tiến vào Giêrusalem, xuất hiện với những phương tiện khiêm tốn, phù hợp với lời tiên báo của Giacaria. Ngài để cho dân chúng tung hô như là vua Israel. Trong phiên toà dân sự tại dinh Philatô, đề tài xét xử chính là vương quyền của Ngài. Khi Philatô hỏi: Ông có phải là vua dân Do Thái không? Chúa Giêsu không phủ nhận tước hiệu ấy, nhưng Ngài đã minh xác rằng: Vương quốc của Ngài không thuộc về thế gian này.

Chúa Giêsu là Vua vũ trụ, là Vua mọi dân tộc, là Vua trên muôn vua, thế nhưng Ngài lại là một vị Vua bị đóng đinh, hoàn toàn bị tước lột khỏi những quyền lực trần thế. Đức Kitô đã lên ngôi bằng con đường của thập giá, của tình yêu. Kẻ thù duy nhất của Ngài là vương quốc của Satan, của thù hận, của chia rẽ và của tội lỗi.

Các ngai vàng, các vương miện, các triều thiên và áo cẩm bào chỉ là những đồ trang sức tạm bợ chóng qua, chúng ta không được phép hiểu vương quyền của Đức Kitô qua những hình ảnh đó. Chính Ngài cũng đã tự tách mình ra khỏi các thủ lãnh của trần gian như lời Ngài đã phán: Vua chúa các nước thì cai trị ân, và những kẻ làm lớn thì lấy quyền mà áp chế dân. Đức Kitô không phải là một thủ lãnh áp chế, trái lại cai trị theo Ngài có nghĩa là lột sạch mọi tự cao, hào nhoáng và vênh vang, cai trị đối với Ngài chính là phục vụ.

Đức Kitô phục vụ chúng ta và Ngài phục vụ một cách khiêm tốn, thận trọng và kín đáo. Ngài đã phục vụ đến độ hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người. Sự tự hạ của Ngài đi đến chỗ đồng hoá với những kẻ bé mọn và thấp kém nhất. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta đã thực sự dấn thân để phục vụ và giúp đỡ những kẻ bé mọn thấp kém chung quanh chúng ta hay chưa?


SUY NIỆM LỄ ĐỨC KITÔ – VUA VŨ TRỤ
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của ngày Lễ Đức Kitô Vua Vũ Trụ, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Thiên Chúa đã muốn quy tụ muôn loài dưới quyền lãnh đạo của Đức Kitô, là người Con Chúa hằng ưu ái, và là Vua toàn thể vũ trụ. Xin cho chúng ta biết phụng thờ Chúa là Đấng cao cả uy linh, và không ngớt lời ngợi khen chúc tụng Người.

Bài đọc một của giờ Kinh Sách, được trích từ sách Khải Huyền cho thấy Đức Vua Kitô với vẻ huy hoàng khi Người ngự đến. Tất cả mọi hình ảnh được sử dụng để giúp chúng ta hiểu rằng: Đấng đã chết trên thập giá là Đấng đang sống. Chính Người đã nói: Ta là Đầu và là Cuối. Ta là Đấng Hằng Sống, Ta đã chết, nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời, Ta giữ chìa khoá của Tử thần và Âm phủ.

Bài đọc hai của giờ Kinh Sách, được trích từ khảo luận của linh mục Origiênê về cầu nguyện, ngài nói: Ai cầu cho triều đại Thiên Chúa mau đến, thì cũng cầu cho vương quyền của Thiên Chúa nơi mình được tăng triển, đem lại hoa trái và đạt tới tột đỉnh. Vương quyền trên thế gian nay đã thuộc về Chúa chúng ta và Đức Kitô của Người; Người sẽ hiển trị đến muôn thuở muôn đời. Do đó, chúng ta phải phụng thờ và không ngớt lời ngợi khen chúc tụng Đức Vua của chúng ta.

Thiên Chúa muốn quy tụ muôn loài dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô, Người là Con Chiên đã bị giết, nay xứng đáng lãnh nhận: phú quý và uy quyền, khôn ngoan cùng sức mạnh, danh  dự với vinh quang. Người là Vua ngự trị muôn đời, Người tuôn đổ phúc lành, cho dân hưởng bình an, như lời Ca Nhập Lễ và Ca Hiệp Lễ mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ Đức Kitô Vua Vũ Trụ hôm nay.

Qua bài Đáp Ca, với Thánh Vịnh 22, các nhà phụng vụ muốn chúng ta nhìn ngắm Vua Kitô, như một mục tử nhân lành: chăn dắt, và bảo vệ chúng ta. Qua câu Tung Hô Tin Mừng, các nhà phụng vụ muốn chúng ta chúc tụng ngợi khen Vua Kitô của chúng ta: Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua Đavít tổ phụ chúng ta.

Trong bài đọc một của Thánh Lễ, ngôn sứ Êdêkien cho biết: Đức Chúa là Chúa Thượng phán: này Ta sẽ xét xử giữa chiên với chiên, giữa cừu với dê. Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta. Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng.

Trong bài đọc hai, thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, thánh Phaolô đã cho thấy: Như mọi người vì liên đới với Ađam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống. Đức Kitô phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người. Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết.

Bài Tin Mừng cho thấy Đức Kitô chính là Vua Tình Yêu. Người đến xét xử thế gian: Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người, và Người sẽ tách biệt chiên với dê. Vua Tình Yêu xét xử thế gian theo tiêu chuẩn tình yêu: Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han… Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.

Thiên Chúa là tình yêu, Vương Quốc của Người là Vương Quốc tình yêu, công dân của Người là những ai biết sống yêu thương. Vua Kitô đã rời bỏ trời cao, để đến ở với con người: đến không phải để được hầu hạ, nhưng, để hầu hạ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người. Do đó, yêu thương phải là căn tính của những ai muốn quy phục Vương Quyền của Vua Kitô; phục vụ phải là kim chỉ nam hành động cho những ai muốn thuộc về Vương Quốc của Vua Kitô. Vua Kitô đã hành động vì yêu thương, thì chúng ta là thần dân của Người, chúng ta cũng phải làm như Người đã làm. Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn những việc làm yêu thương và phục vụ của chúng ta trở thành lời ngợi khen chúc tụng, và thành những của lễ phụng thờ dâng lên Đức Vua của chúng ta, thì những việc làm yêu thương và phục vụ đó: cũng phải mang những thương tích tình yêu, của Đức Vua Tình Yêu, Đấng đã yêu thương và thí mạng vì chúng ta, và để rồi, vào ngày phán xét, chúng ta sẽ được nghe từng chính miệng Người: Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa.

 

VUA HOÀ BÌNH
“Khi Con Người đến trong vinh quang, có hết thảy mọi thiên thần hầu cận, Người sẽ ngự trên ngai uy linh của Người.” (Mt 25,31-46)

Suy niệm: “Sự nổi loạn của các cá nhân và quốc gia chống lại quyền bính của Đức Ki-tô đã tạo ra những hậu quả đáng trách… những thù hận cay đắng và sự kình địch giữa các quốc gia, vẫn luôn gây nhiều cản trở đến sự nghiệp hòa bình” (Thông điệp Quas Primas, 24). Mừng lễ Chúa Ki-tô Vua hôm nay, trong bối cảnh đau thương của chiến tranh, thế lực sự dữ tung hoành khắp nơi, chúng ta được mời gọi giữ vững niềm trông cậy, vì chỉ duy có Chúa Giê-su là Vua vũ trụ. Ngài không thiết lập Vương quốc bằng vũ khí, bạo lực, nhưng bằng cái chết tự hiến trên thập giá; không cai trị bằng vũ lực, nhưng bằng tình yêu thương, phục vụ; cũng chẳng có lãnh thổ trên bản đồ thế giới, nhưng nơi trái tim con người. Chính Người mới có thể giúp cho con người tìm ra ý nghĩa, lẽ sống của đời mình, đem lại bình an, tự do, hạnh phúc, giúp ta hoàn tất hành trình dương thế đạt đến Vương quốc vĩnh cửu. Hãy để cho Đức Giê-su luôn có chỗ đứng quan trọng nhất trong đời mình.

Mời Bạn: Con người thời nay, nhất là giới trẻ, hay đi tìm một thần tượng nào đó để học đòi, bắt chước. Bạn đang chọn ai làm khuôn mẫu cho cuộc đời mình. Phải chăng đó chính là Thầy Giê-su? Được vậy thì hay biết mấy.

Sống Lời Chúa: Tâm niệm mọi chia rẽ, hận thù, ghen ghét… là những điều không thuộc về Nước Thiên Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa luôn muốn nhân loại được bình an. Xin cho chúng con yêu Chúa trên hết mọi sự, mến anh chị em như chính mình, để chúng con góp phần xây dựng Nước Chúa ngay giữa thế trần này. Amen.

Ngày 26 tháng 11: Lạy Chúa! Khi cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, xin cho chúng con ý thức rằng: xác và hồn của chúng con đã được vinh dự thuộc về Đức Kitô. Vì thế, chúng con phải tôn trọng thân xác của mình, cũng như của những người khác. Thân xác của chúng con là để phụng sự Chúa, vì Chúa là chủ thân xác chúng con. Chúa đã làm cho Đức Kitô sống lại, thì cũng sẽ cho chúng con sống lại. Xin cho chúng con ý thức rằng: Chúng con là chi thể của Đức Kitô, chúng con không còn thuộc về chính mình nữa, và Chúa sẽ cho chúng con được cùng sống lại và cùng hiển trị với Đức Kitô trên cõi trời. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Lễ Đức Giêsu Kitô -Vua Vũ Trụ
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

 
CN34TN Aa

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu. (Mt 25, 31-46)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Khi Con Người đến trong vinh quang, có hết thảy mọi thiên thần hầu cận, Người sẽ ngự trên ngai uy linh của Người. Muôn dân sẽ được tập họp lại trước mặt Người, và Người sẽ phân chia họ ra, như mục tử tách chiên ra khỏi dê. Chiên thì Người cho đứng bên phải, còn dê ở bên trái.

“Bấy giờ Vua sẽ phán với những người bên hữu rằng: “Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ. Vì xưa Ta đói, các ngươi cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu các ngươi đã viếng thăm; Ta bị tù đày, các ngươi đã đến với Ta”.

“Khi ấy người lành đáp lại rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ chúng con thấy Chúa là lữ khách mà tiếp rước, mình trần mà cho mặc; có khi nào chúng con thấy Chúa yếu đau hay bị tù đày mà chúng con đến viếng Chúa đâu?” Vua đáp lại: “Quả thật, Ta bảo các ngươi: những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta”. Rồi Người cũng sẽ nói với những kẻ bên trái rằng: “Hỡi phường bị chúc dữ, hãy lui khỏi mặt Ta mà vào lửa muôn đời đã đốt sẵn cho ma quỷ và kẻ theo chúng. Vì xưa Ta đói, các ngươi không cho ăn; Ta khát, các ngươi không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi chẳng tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi không cho đồ mặc; Ta đau yếu và ở tù, các ngươi đâu có viếng thăm Ta!”. Bấy giờ họ cũng đáp lại rằng: “Lạy Chúa có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói khát, khách lạ hay mình trần, yếu đau hay ở tù, mà chúng con chẳng giúp đỡ Chúa đâu?” Khi ấy Người đáp lại: “Ta bảo thật cho các ngươi biết: những gì các ngươi đã không làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta”. Những kẻ ấy sẽ phải tống vào chốn cực hình muôn thuở, còn các người lành thì được vào cõi sống ngàn thu”.

 

Suy niệm

Thế là một năm phụng vụ đã khép lại, những ngày tháng ân sủng trong năm cũ đang đi vào quá khứ, nhường chỗ cho một năm phụng vụ mới với nhiều hồng ân tình yêu, hồng ân cứu độ và hồng ân tha thứ đến từ Thiên Chúa tình yêu. Hôm nay, chúng ta cùng với toàn thể Giáo hội Công giáo hoàn vũ, long trọng mừng lễ Chúa Giêsu Kitô Vua vũ trụ. Đây là một tước hiệu cao quý nhất theo cách diễn tả bằng ngôn ngữ con người, một tước hiệu có đủ quyền bính trong tay, có đủ sự sang trọng trên ngai vàng và có đủ sự vinh quang trong triều đại của mình. Chính trên ngai vàng của quyền bính, của sang trọng và vinh quang đó, con người được cứu sống, được mời gọi đi vào vương quốc đó và được tháp nhập vào sự sống vĩnh cửu của đấng làm chủ sự sống bất diệt.

Khi được gởi tới để chăm sóc đời sống tinh thần của đoàn dân gọi là dân riêng của Thiên Chúa, tiên tri Ê-ze-ki-el đã giới thiệu một hình ảnh rất gần gũi với họ, đó là hình ảnh một đoàn chiên đi theo người mục tử. Đoàn chiên được dẫn tới đồng cỏ xanh tươi, được đưa tới dòng nước mát lành, được hướng dẫn theo tiếng của vị mục tử tốt, được bảo vệ khỏi sự tấn công của thú dữ, khỏi bàn tay hung bạo của kẻ xấu, bằng chính uy quyền và vinh quang của chủ chăn: “Ðây Chúa là Thiên Chúa phán: “Này chính Ta săn sóc đoàn chiên của Ta và Ta sẽ kiểm soát chúng. Như một mục tử kiểm điểm đoàn chiên trong ngày chúng bị tản mát, thì Ta cũng kiểm điểm đoàn chiên Ta như vậy. Ta sẽ giải thoát chúng khỏi mọi nơi mà chúng đã bị phân tán, và trong ngày mây mù đen tối. “Chính Ta sẽ chăn dắt các chiên Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ, Chúa là Thiên Chúa phán như thế. Ta sẽ tìm con chiên đã mất, sẽ đem con chiên lạc về, sẽ băng bó con chiên bị thương tích, sẽ lo chữa con chiên bị ốm đau, con nào mập béo, Ta sẽ chăm sóc, và sẽ chăn dắt nó trong sự công chính”. Quả thực đây là một vị mục tử sống chết với đoàn chiên, dành tất cả tình yêu, sự sống cho từng con chiên trong đoàn.

Khi nói về sự chết, các anh em tín hữu trong các cộng đoàn Giáo hội sơ khai, cảm thấy lúng túng kèm thêm chút hoang mang, bởi họ chưa am tường giáo lý từ các Tông đồ, đồng thời, họ chưa có cảm nghiệm về mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Đức Giêsu Kitô, Đấng họ tin thờ, vì thế, trong các lá thư mục vụ của thánh Phaolo, ngài đã dạy dỗ và giúp họ vững niềm tin vào một Thiên Chúa tình yêu: “Cũng như mọi người đều phải chết nơi Ađam thế nào, thì mọi người cũng sẽ được tác sinh trong Ðức Kitô như vậy. Nhưng ai nấy đều theo thứ tự của mình, hoa quả đầu mùa là Ðức Kitô, đoạn đến những kẻ thuộc về Ðức Kitô, những kẻ đã tin Người xuống thế: rồi đến tận cùng khi Người đã trao vương quốc lại cho Thiên Chúa Cha, và đã tiêu diệt mọi đầu mục, quyền năng và thế lực”. Những ai tin vào Đức Giêsu phục sinh, họ sẽ được gọi là công dân của vương quốc sự sống, vương quốc sự thật và vương quốc tình yêu của Thiên Chúa.

Câu chuyện trong bài tin mừng lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ, gợi lên cho chúng ta bối cảnh ngày cánh chung, ngày Thiên Chúa tập họp mọi dân tộc lại, trao cho họ những phần thưởng bởi những hy sinh, những hoa trái tình yêu họ đã trao ban cho tha nhân, bên cạnh đó, Ngài cũng nghiêm phạt những ai chỉ biết sống cho mình, cho sự ích kỷ và hẹp hòi cá nhân, tất cả đều được Thiên Chúa xét xử: “Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Khi Con Người đến trong vinh quang, có hết thảy mọi thiên thần hầu cận, Người sẽ ngự trên ngai uy linh của Người. Muôn dân sẽ được tập họp lại trước mặt Người, và Người sẽ phân chia họ ra, như mục tử tách chiên ra khỏi dê. Chiên thì Người cho đứng bên phải, còn dê ở bên trái. “Bấy giờ Vua sẽ phán với những người bên hữu rằng: “Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ. Vì xưa Ta đói, các ngươi cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu các ngươi đã viếng thăm; Ta bị tù đày, các ngươi đã đến với Ta”. Muôn dân được mời gọi trở về trước mặt Thiên Chúa để nghe lời phán dạy, họ đến từ các gia đình, các dân tộc, các quốc gia, họ là con cái Thiên Chúa, dù có đi theo con đường Ngài hướng dẫn hay không, tất cả đều phải ra trước mặt Ngài để biết phần thưởng hay phạt của chính mình, tất cả tùy thuộc vào cuộc đời mình đã sống.

Đức Giêsu đến thiết lập một vương quốc không giống như các vương quốc ở thế gian, trước hết, Ngài thiết lập một vương quốc sự sống. Trước cái chết của Lazaro, Ngài gợi nhắc về vương quốc đó như sau: “Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ. Con có tin điều đó không?”. Đây là một vương quốc đem lại sự sống đời đời cho những ai mong muốn được làm thần dân và sống trong đó. Sự sống đó không đến từ thế gian, nhưng đến từ Thiên Chúa, sự sống đó phát xuất từ Thiên Chúa và Ngài muốn thông chia cho con người, khi con người biết chân nhận Ngài là chủ tể sự sống.

Đức Giêsu còn thiết lập một vương quốc thứ hai, đó là vương quốc sự thật. Sự thật sẽ giải thoát các con, chính sự thật sẽ cho con người được làm người, được sống đúng với ơn gọi của mình. Chính sự thật sẽ cho con người tự do, tự do để làm người trong thế giới này, tự do để chọn lựa cho mình một con đường sống có ý nghĩa hơn, tự do để định hướng cho tương lai chính mình. Là công dân trong vương quốc sự thật, con người có cơ hội gặp gỡ Đấng chủ tể của sự thật, Đấng dùng sự thật để hướng dẫn con người tìm đến với sự sống vĩnh cửu từ Thiên Chúa.

Đức Giêsu còn thiết lập một vương quốc có tên gọi là vương quốc tình yêu. Để bước vào vương quốc đó, người công dân phải thực thi giới luật của Ngài giới thiệu, đó là giới luật yêu thương: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Giới răn đó sẽ dẫn con người tới một ngôi nhà của mình, đó là ngôi nhà hạnh phúc, trong đó, tinh thần phục vụ và hy sinh luôn được đề cao, luôn được coi là khuôn vàng thước ngọc cho mọi công dân. Các công dân trong vương quốc này không còn sống cho mình, nhưng là sống cho, sống cùng và sống với tha nhân.

Tước hiệu Đức Giêsu Kitô Vua vũ trụ hướng đến những vương quốc do Ngài thiết lập, bởi khi con người muốn diễn tả niềm tin và tâm tình thần phục cách trọn vẹn, họ đã dùng những từ ngữ của con người, vì thế, tước hiệu Vua được dành cho Đấng đã cho con người biết và hiểu thế nào là sự sống vĩnh cửu, thế nào là sự thật và thế nào là tình yêu đích thực. Chính trong mỗi vương quốc đó, con người mới thực sự được sống, được tự do, được yêu thương và được gọi Thiên Chúa là Cha nhân lành.

Lạy Chúa Giêsu Vua tình yêu, Chúa đã dành trọn cuộc đời nơi dương thế, để giới thiệu cho chúng con biết về bản tính của Thiên Chúa, biết phần nào về tình yêu viên mãn của Thiê Chúa, xin giúp chúng con cố gắng từng ngày họa lại khuôn mặt của một Thiên Chúa tình yêu đó trong cuộc đời mỗi người, để Ngài được ghé thăm từng gia đình của các thần dân trong vương quốc của Ngài. Chúa đã ước mong cho ngọn lửa tình yêu, sự sống và sự thật được cháy lên và cháy mãi giữa thế giới này, xin cho chúng con được góp một phần nhỏ của chính mình, để ước mơ của Chúa thành hiện thực và những ngọn lửa đó được cháy mãi giữa một thế giới đang lạnh cóng vì thiếu tình yêu, thiếu sự sống đích thực và thiếu sự thật. Amen.

 

LỄ CHÚA KITÔ VUA
(Chúa Nhật XXXIV TN A – Mt 25,31-46) - Lm. Giuse Nguyễn văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Tin Mừng thánh Matthêu chương 25 mẹ Hội Thánh đưa vào trong Thánh Lễ cuối năm Phụng vụ, hình như dễ gây “sốc”. Nhiều người có thể bị “sốc” không nguyên chỉ vì tước hiệu Vua vũ trụ mà Hội Thánh suy tôn Thầy Chí Thánh và còn cả nơi nội dung lời giảng dạy của Người qua dụ ngôn “cuộc phán xét chung”.

Hình ảnh của một minh quân trong lịch sử thật quá hiếm so với nhiều ông vua gian ác, độc tài, chuyên chế. Nghĩ đến thể chế phong kiến người ta dễ có tâm tình không mấy thiện cảm. Đã là quân chủ với một ông vua cai trị kiểu cha truyền con nối thì sự chuyên chế hà khắc thường xảy ra. Thế mà Hội Thánh vẫn không ngần ngại suy tôn Chúa Kitô với danh hiệu Vua vũ trụ. Qua danh hiệu này Hội Thánh không chỉ nhìn nhận quyền tối thượng của Đức Kitô trên  mọi vật mọi loài thọ tạo, hữu hình và vô hình, mà còn tuyên bố với mọi người về niềm hạnh phúc và vinh dự của mọi loài thọ tạo khi có Đức Kitô làm vua của mình.

Đã là loài thọ tạo thì phải thần phục Đấng dựng nên mình. Tuy nhiên chúng ta không sống tâm tình thần phục như nguời nô lệ. Đấng xứng đáng là Vua, là chủ tể chúng ta đã tự nguyện làm anh cả giữa loài người. Đấng tạo thành đã tự nguyện trở nên con của loài người. Và đặc biệt Người đã chọn hạnh phúc của con người, của từng người làm vinh quang của chính Người. Có thể nói không ngoa ngữ chút nào: Người tự nhận số phận của con người, của từng người, nhất là những người yếu thế, kém phận, làm số phận của chính Người.

Chúa Kitô làm vua của một vương quốc mà trong đó mọi người từ cổ chí kim đều là con dân của Người. Chúng ta hãnh diện và vui mừng vì vương quốc mà Chúa Kitô thống trị là một vương quốc mà trong đó “dân vi quý, dân vạn đại”. Chúng ta vui mừng và hãnh diện trong vương quốc này vì vị Vua cai trị chúng ta là Đấng có thể nói theo kiểu phàm nhân rằng “luôn lo trước cái lo của thiên hạ và vui sau cái vui của thiên hạ”. Chúng ta lại càng hãnh diện và vui mừng vì vương quốc Chúa Kitô thiết lập là một vương quốc mà trong đó không một ai là đáng bỏ đi, không một ai là thành phần hạ đẳng.

Khi các người làm hay không làm điều tốt cho một trong những kẻ bé mọn này là các ngươi đã làm hay không làm cho chính Ta (x.Mt 25,31-46). Hiến pháp, luật lệ của vương quốc này thật đơn giản. Đó là phải sống cho có lòng, có tâm với nhau, đặc biệt với người anh chị em yếu thế, kém may mắn cận kề chúng ta.

“Thầy bảo thật cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 5,20). Và Chúa Giêsu đã quảng diễn sự phải “công chính hơn” là không được phép loại bỏ bất cứ một ai dù chỉ là trong cung cách hành xử, trong tâm trí. Không loại bỏ tha nhân chưa đủ, Người còn đòi hỏi phải biết liên đới với tha nhân trong hạnh phúc của họ. “Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,23-24). Dĩ nhiên, nếu vì lỗi của ta thì việc bỏ của lễ lại để đi làm hòa trước đã, là điều dễ hiểu. Còn nếu không phải do lỗi của ta mà do lỗi của người anh em, thì ta cũng phải làm như thế. Nếu không, ta sẽ mắc phải món nợ tình yêu, khi ta thờ ơ với số phận của người anh em mình. Người có lỗi, người có tội là một trong những bé mọn mà ta cần quan tâm nâng đỡ. Mẹ Hội Thánh đã hiểu chân lý này khi dạy chúng ta những mối thương người: “Lấy lời lành mà khuyên người; Mở dạy kẻ mê muội; An ủi kẻ âu lo; Răn bảo kẻ có tội…”

Không ai có thể lên trời “một mình”. Không ai có thể làm con dân Nước trời với sự ích kỷ, với thái độ bàng quan, hững hờ trước người anh em. Mặc dù vẫn có đó sự gai chướng từ hình ảnh không mấy đẹp của nhiều vị vua trong quá khứ. Thế nhưng đã đón nhận chân lý trong niềm tin thì chúng ta cùng với toàn thể thụ tạo phải thần phục tuyệt đối Đấng tạo thành nên mình. Đã con thần dân của vương quốc tình yêu thì ta phải sống theo thể chế và luật lệ của vương quốc mà thôi. Luật lệ và thể chế ấy không gì hơn là sự hiệp thông liên đới huynh đệ trong tình yêu của Vị Vua trên các vua đã yêu thương chúng ta. Đã có biết bao người xưa lẫn nay đã đón nhận sự gai chướng ấy và rồi họ đã cảm nghiệm nó thật là “êm ái và nhẹ nhàng” (x.Mt 11,28-30).

 

PHÁN XÉT
Chúa Nhật 34 Thường Niên A. Mt 25, 31-46 - Lm. Thái Nguyên
 
LmTN 231123a

Suy niệm

Đoạn Tin Mừng hôm nay đã thay đổi định hướng sống và trở thành chương trình hành động của người nữ tu Têrêsa Calcutta. Lời Chúa hôm nay cũng chính là Lời Chúa mà mẹ đã từng nghe, từng đọc, từng suy gẫm, nhưng tới lúc mẹ nhận ra một điều thật mới lạ làm chấn động trái tim mình. Đó là những người nghèo khổ, xấu số, bất hạnh… không chỉ là những người đáng thương cần cứu giúp mà còn là hiện thân của chính Chúa Giêsu đang đau khổ. Mẹ đã tập nhìn ra chính Chúa Giêsu trong mỗi con người, dù họ có vẻ đáng kinh tởm đến đâu đi nữa”.

Từ đó, mẹ đã say mê phục vụ những bệnh nhân tồi tàn, đã cúi xuống bên những người kiệt sức, đã cứu giúp những người tàn tật, đã ôm về những người bị bỏ mặc cho chết bên vệ đường. Mẹ nhận ra phẩm giá cao quý mà Thiên Chúa đã ban cho họ. Đối với mẹ, lòng thương xót là “muối” khiến cho mỗi việc mẹ làm thêm đậm đà hương vị, và là “ánh sáng” chiếu soi đêm tối của những cuộc đời không còn nước mắt nữa để khóc thương cho sự khốn cùng của mình.

Mỗi người khốn cùng cũng là một bí tích, là nơi mà chúng ta có thể thực sự gặp gỡ chính Đức Giêsu. Trong dụ ngôn ngày phán xét, Vua Giêsu đã đồng hoá mình với những người đói khát, khách lạ, trần trụi, đau yếu hay tù đày, mà chúng ta vẫn gặp mỗi ngày. Ngài ẩn mình hay đúng hơn Ngài tỏ mình qua những người hèn kém đáng thương nhất.

Hôm nay Vua Giêsu vẫn ngửa tay xin ta giúp các anh chị em bé mọn nhất của Ngài: những người lầm than khốn khổ và bệnh tật nghèo hèn; những người dốt nát và mù chữ; những người đang sống nơi đầu đường xó chợ; những người bị suy sụp tinh thần; những người không nơi nương tựa và đang sống cô đơn buồn tủi; những người góa bụa con côi: những người tự nhốt mình trong tù ngục đam mê; những người trần trụi vì phải sống nhờ thân xác bị đẩy ra bên lề xã hội.

Sự tổn thương nặng nề nhất của người nghèo hôm nay là bị tuốt lột nhân phẩm, bị bóc lột nhân cách, bị trấn lột nhân tính, để rồi cuối cùng bị khinh khi chế giễu, bị coi là vô dụng, thừa thãi. Và như vậy, sự ác lớn nhất của con người hôm nay là mất tình yêu, là dửng dưng, vô cảm.  

Martin Luther King, là Mục sư, nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Phi, và là người đoạt Giải Nobel Hoà bình năm 1964, ông đã nói lên sự thật như sau: “Thế giới đang chìm đắm trong đau khổ, không phải vì tội ác của những kẻ xấu, mà vì sự im lặng của những người tốt”. Hóa ra những người tốt cũng là những kẻ xấu, vì đã đồng lõa hay thỏa hiệp với sự dữ, khi chỉ lo cho bản thân mà không quan tâm đến tha nhân; khi không dám lên tiếng cho những người thấp cổ bé họng, không dám che chở những người thất thế cô thân, v.v… Chúng ta có dám rửa tay nói mình là người sạch tội không?

Mọi người chúng ta sẽ không bị xét xử về điều gì khác ngoài tình yêu, nghĩa là những gì đã làm hay không làm cho anh chị em mình. Không phải mọi người đều đã biết Đức Giêsu, nhưng mọi người đều có một nẻo đường để gặp Ngài, đó là nẻo đường của lòng thương xót”. Chính Ngài đã kêu gọi chúng ta:“Hãy thương xót, như Cha các con là Đấng hay thương xót” (Lc 6, 36). Lòng thương xót không chỉ là hành động của Chúa Cha; mà còn trở thành một tiêu chuẩn để biết được ai là con cái thật của Ngài. Lòng thương xót“chính là nền tảng của đời sống Hội Thánh”, là sự tròn đầy của đức công chính và là biểu lộ rực rỡ nhất sự thật về Thiên Chúa”. Đó là “chìa khóa Thiên Đàng” (GE 105).

Thánh Tôma cho biết, việc làm thương xót đối với tha nhân thậm chí còn hơn cả hành vi thờ phượng: “Chúng ta thờ phượng Thiên Chúa không phải đem lại ích lợi gì cho Thiên Chúa, nhưng là cho chúng ta và cho tha nhân… Lòng thương xót khiến ta đáp ứng cho những nhu cầu của người khác, là sự hy sinh được Thiên Chúa ưa thích hơn, vì nó hướng trực tiếp đến hạnh phúc của tha nhân”.[1]

Bài học Tin Mừng hôm nay đã quá rõ: đến cuối đời, chúng ta sẽ bị phán xét về tình yêu; tình yêu đối với tha nhân cũng chính là tình yêu đối với Thiên Chúa. Để những việc ta làm được gọi là “tốt” đối với mọi người, ta hãy làm mọi việc cho họ như làm cho chính Chúa. Hãy thay đổi định hướng sống và chương trình hoạt động của mình để làm nổi bật lòng thương xót, hay nói sâu sát hơn là trở nên lòng thương xót của Thiên Chúa, để góp phần với Chúa Giêsu, Vua vũ trụ, Đấng đang qui tụ những người lành để làm nên một thế giới tình yêu.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Tha nhân gắn liền với bản thân con,
trong mọi mối liên hệ của đời sống,
đều được Chúa yêu thương và cứu chuộc,
nên tất cả cũng đều thuộc về Ngài.


Đời con chỉ kiện toàn được bản thân,
trong mối tình liên đới với tha nhân,
trong hân hoan hay khổ sở buồn rầu,
trong bình an hay lo âu của họ,

Số mệnh của đời con đều tùy thuộc,
vào những gì đã sống cho người khác,
vào những gì mà con đã hiến dâng,
để đem lại tươi tốt cho nhân trần.


Rồi đây tới ngày Chúa phán xét,
cũng sẽ dựa vào những điều ấy thôi,
để phân biệt người lành hay kẻ dữ,
để thưởng công hay xử phạt muôn đời.


Chúa nhân từ đã cúi xuống đời con,
đời tăm tối và hư vô tội lỗi,
để cho con thoát khỏi kiếp đơn côi,
làm sáng lên một cuộc đời tươi mới.


Nên con cần phải cúi xuống thật sâu,
đỡ nâng dậy bao người đang khốn khổ,
giúp họ thoát được nỗi sầu vạn cổ,
để buồn thương không còn chỗ trong đời.


Xin cho con một trái tim cảm thấu,
một trái tim nung nấu sống tình yêu,
dám cho đi và chia sẻ thật nhiều,
biết giúp đỡ ai lần than túng thiếu,
cho cuộc sống hôm nay bớt tiêu điều,
để Chúa đến vui mừng biết bao nhiêu! Amen. 
 
[1] Summa Theologiae, II-II, q.  30, a. 4.
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây