TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Canh thức Vượt Qua

“Giêsu Nazarét chịu đóng đinh, đã sống lại”. (Mc 16,1-8)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

CN 33 TN-B - CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VN

07/11/2021 02:14:56 |   1438

CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN – B
CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

cac thanh TDVN

Mc 13, 24-32

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XXXIII Thường Niên – Năm B

Ca nhập lễ

Chúa phán: Ta nghĩ đến bình an, chớ không nghĩ đến gian khổ; các người kêu cầu Ta, và Ta nhậm lời các ngươi, Ta dẫn dắt các ngươi từ mọi nơi các người bị nô lệ trở về.

Dẫn vào Thánh Lễ

Ạnh chị em thân mến! Vào cuối năm Phụng Vụ, Hội Thánh chọn những bài Thánh Kinh, nói đến những biến cố ngày tận cùng của thế giới hữu hình này, khiến ta liên tưởng đến ngày tận thế. Bài đọc I hôm nay tiên báo về ngày chung thẩm. Tiên tri Daniel đã viết “Đó sẽ là thời kỳ khốn khó chưa từng xẩy đến từ khi có các dân tộc cho tới bây giờ”.

Còn bài Tin Mừng mở ra một viễn tượng phán xét, để chúng ta luôn sẵn lòng chờ đợi, canh thức đón nhận sự sống mới. Sự sống sẽ bùng lên trong ngày Chúa đến. Kế hoạch toàn cầu của Thiên Chúa, sẽ tập hợp những người được tuyển chọn. Những người được Thiên Chúa yêu thương sẽ hưởng hạnh phúc bền vững muôn đời.

Vậy chúng ta hãy xin Chúa thượng xót thứ tha mọi lỗi lầm, để Thánh Lễ chúng ta dâng giờ đây được Chúa chấp nhận.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa là nguồn phát sinh mọi điều thiện hảo, được phụng sự Chúa quả là một hạnh phúc tuyệt vời: xin cho chúng con tìm được niềm vui khi hết dạ trung thành với Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc IÐn 12, 1-3

“Khi ấy dân ngươi sẽ được cứu thoát”.

Trích sách Tiên tri Ðaniel.

Khi ấy, tổng lãnh sứ thần Micae sẽ chỗi dậy can thiệp cho con cái dân ngươi, đó sẽ là thời kỳ khốn khổ chưa từng xảy đến từ khi có các dân tộc cho tới bây giờ. Trong thời kỳ ấy dân ngươi, hễ ai đã có ghi tên trong sách, sẽ được cứu thoát.

Nhiều kẻ an giấc trong bụi đất sẽ chỗi dậy; có người sẽ được hưởng phúc trường sinh, có kẻ phải tủi nhục muôn đời.

Những người thông minh sẽ sáng chói như ánh sáng vòm trời, và những kẻ khuyên dạy sự công chính cho nhiều người, sẽ nên như các vì tinh tú tồn tại muôn ngàn đời.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 15, 5 và 8. 9-10. 11

Ðáp: Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa (c. 1).

Xướng: Chúa là phần gia nghiệp và phần chén của con, chính Người nắm giữ vận mạng của con. Con luôn luôn đặt Chúa ở trước mặt con, vì Chúa ngự bên hữu con, con sẽ không nao núng.

Xướng: Bởi thế lòng con vui mừng và linh hồn con hoan hỉ, ngay cả đến xác thịt của con cũng nằm nghỉ an toàn, vì Chúa chẳng bỏ rơi linh hồn con trong âm phủ, cũng không để thánh nhân của Người thấy điều hư nát. 

Xướng: Chúa sẽ chỉ cho con biết đường lối trường sinh: sự no đầy hoan hỉ ở trước thiên nhan, sự khoái lạc bên tay hữu Chúa tới muôn muôn đời! 

Bài Ðọc II: Dt 10, 11-14. 18

“Người đã làm cho những kẻ được thánh hoá nên hoàn hảo đến muôn đời”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Trong khi mọi tư tế hằng ngày đứng gần bàn thờ chu toàn chức vụ mình và hiến dâng cũng ngần ấy của lễ nhiều lần, nhưng không bao giờ xoá được tội lỗi, còn Người khi dâng xong của lễ duy nhất đền tội, đã ngự bên hữu Thiên Chúa đến muôn đời, và từ đây, Người chờ đợi cho đến khi thù địch bị đặt làm bệ dưới chân Người. Vì chưng, nhờ việc hiến dâng duy nhất mà Người đã làm cho những kẻ được thánh hoá nên hoàn hảo đến muôn đời. Vậy nơi nào tội lỗi được thứ tha, thì không còn việc dâng của lễ đền tội nữa.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Kh 2, 10c

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Ngươi hãy giữ lòng trung thành cho đến chết, thì Ta sẽ ban cho ngươi triều thiên sự sống”. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 13, 24-32

“Người sẽ quy tụ những người được tuyển chọn từ khắp bốn phương trời”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Trong những ngày ấy, sau cảnh khốn cực, mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng sẽ mất sáng, các ngôi sao sẽ từ trời rơi xuống và các sức mạnh trên trời sẽ bị lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người ngự đến trên đám mây với đầy quyền năng và vinh quang. Và bấy giờ Người sẽ sai các thiên thần của Người đi quy tụ những kẻ đã được tuyển chọn từ khắp bốn phương, từ chân trời cho đến cùng kiệt trái đất. Nhìn vào cây vả, các con hãy tìm hiểu dụ ngôn này. Khi nó đâm chồi nảy lộc, các con biết rằng mùa hè gần đến. Cũng vậy, khi các con nhìn thấy tất cả những điều đó xảy ra, thì các con hãy biết là Người đã tới gần ngoài cửa rồi. Thầy bảo thật các con: Thế hệ này sẽ chẳng qua đi trước khi mọi sự đó xảy đến. Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đi.

“Còn về ngày đó hay giờ đó, thì không một ai biết được, dù các thiên thần trên trời, dù Con Người cũng chẳng biết, chỉ có mình Cha biết thôi”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tếAnh chị em thân mến! Ngày chung thẩm cũng được hiểu là ngày sau hết của mỗi người, chúng ta sẽ vĩnh biệt trần gian, để về thế giới bên kia trong cuộc sống vĩnh cửu. Chúng ta cùng cầu nguyện

1. “Những kẻ khuyên dạy sự công chính cho nhiều người, sẽ nên như các vì tinh tú tồn tại muôn ngàn đời”.- Xin cho các vị Mục tử, tích cực chu toàn sứ mệnh cứu thế mà Đức Kitô đã ủy thác cho Hội Thánh, để các ngài luôn nhiệt tâm tìm kiếm muôn người, từ muôn dân vào trong Nước Chúa, như cách thế chuẩn bị cho ngày Chúa quang lâm vinh hiển.

2. “Nhờ việc hiến dâng duy nhất, mà Người đã làm cho những kẻ được thánh hóa, nên hoàn hảo đến muôn đời” Xin cho các tín hữu, ý thức ơn thánh hóa Đức Kitô đem lại, do Máu Thánh Người đổ ra, mà trung thành giữ lấy ân sủng đã lãnh nhận được, cho tới khi Người lại đến.

3. “Kẻ thù của ông gieo cỏ lùng vào ngay giữa lúa, rồi đi mất”.- Xin cho thế giới giảm thiểu những gương xấu đang tràn lan khắp nơi, để những tâm hồn chân thật, đơn sơ không nhiễm lây, như lời cổ nhân đã nói: “nhân chi sơ tính bổn thiện”.

 4. “Hạt cải bé nhỏ đã thành cây, đến nỗi chim trời đến nương náu nơi ngành nó” Xin cho đức tin của cộng đoàn giáo xứ chúng ta thêm vững mạnh, để các thế hệ con cháu được nương nhờ.

Chủ tế: Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết thánh hóa những giây phút hiện tại và sống đức ái trọn hảo, để chúng con nên nhân chứng niềm tin vào cuộc sống vĩnh hằng mai sau. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con thành kính dâng lên Chúa lễ vật này, xin vui lòng chấp nhận, và giúp chúng con trung thành phụng sự Chúa, để mai ngày đạt tới phúc trường sinh. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Việc tôi kết hợp với Thiên Chúa, và việc tôi đặt niềm cậy trông vào Chúa là Thiên Chúa, thì tốt đẹp biết bao.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Thầy bảo thật các con: Tất cả những gì các con cầu xin, hãy tin rằng các con sẽ được, thì các con sẽ được những điều đó.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa cử hành lễ tế tạ ơn để tưởng nhớ Ðức Kitô Con Chúa, như lời Người truyền dạy, và chúng con đã được rước Mình và Máu Thánh Người; cúi xin Chúa nhận lời chúng con khẩn nguyện và ban cho chúng con được thêm lòng yêu mến. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Ngày phán xét

Vũ trụ này đã có một lúc khởi đầu thì cũng sẽ có một lúc kết thúc. Con người ta có sinh thì cũng phải có tử. Kể từ khi con người xuất hiện trên mặt đất cho đến hôm nay, thời gian kéo dài hằng trăm triệu năm. Thế nhưng, thời gian ấy chẳng là gì cả so với khoảng thời gian vô biên của Thiên Chúa, như lời thánh vịnh đã nói: Ngàn năm đối với Chúa cũng chỉ là như một thoáng mây bay.

Tuy nhiên, có điều chúng ta cần lưu ý, đó là nhân loại này luôn luôn được chia làm hai giới tuyến, tin và không tin. Đón nhận và từ chối lời Ngài. Hai giới tuyến này vẫn tồn tại và tồn tại mãi cho đến ngày tận cùng của trời đất. Đúng thế, trong ngày tận cùng của trời đất Đức Kitô sẽ xuất hiện, không phải với thân phận nô lệ, nhưng với tất cả quyền năng của Ngài để phân xử ngay cả những tư tưởng thầm kín nhất của chúng ta.

Chính lúc ấy, hai giới tuyến này mới thực là rõ rệt. Một bên thì sáng ngời và hạnh phúc vì họ là những người đã trung thành gắn bó với Chúa… Còn một bên thì khổ đau và tuyệt vọng, bởi vì họ đã từng là những kẻ thù, chống đối và phỉ báng Chúa.

Lúc bấy giờ, tất cả sẽ bị phơi bày, tất cả sẽ bị tỏ lộ. Tâm hồn họ tối tăm hơn cả đêm đen, kinh hoàng hơn cả vực thẳm. Họ sẽ nghe thấy phán quyết tối cao của Chúa: Ta hằng yêu thương và chăm sóc cho ngươi như người mẹ chăm sóc và yêu thương đứa con của mình, thế mà ngươi đã chối bỏ Ta và từ khước tình thương của Ta. Thì giờ đây, hình phạt đời đời sẽ chờ đón ngươi.

Trong khi đó những người lành thì hân hoan vui sướng, bởi vì họ đã trung thành gắn bó với Chúa, không bao giờ họ bán rẻ đức tin của mình cho những đam mê và những khát vọng trần tục. Bấy giờ Chúa sẽ phán với họ: Hỡi những người đã được Cha Ta chúc phúc, hãy đến lãnh lấy phần gia nghiệp Nước Trời đã được chuẩn bị cho các ngươi từ trước muôn đời. Bấy giờ cánh cửa Nước Trời được mở rộng để họ tiến vào, ở đó họ sẽ được hưởng niềm hạnh phúc tuyệt vời với Chúa, như lời thánh Phaolô đã diễn tả: Mắt chưa hề thấy, tai chưa hề nghe và trái tim chưa một lần cảm nghiệm được những điều Thiên Chúa dành cho những kẻ yêu mến Ngài.

Từ những điều vừa trình bày, chúng ta hãy xác tín rằng Nước Trời mới là quê hương đích thật, mới là nơi cư ngụ vĩnh viễn của chúng ta. Còn trần gian thì chỉ là quán trọ mà chúng ta là những lữ khách. Bởi đó, không được từ khước một hy sinh, một gian khổ nào. Trái lại, bằng mọi giá phải chiếm cho được quê hương Nước Trời.

Hãy nghĩ đến Nước Trời mỗi khi chúng ta gặp phải những cám dỗ và thử thách. Hãy nghĩ đến Nước Trời giữa những vất vả và mệt mỏi, giữa những buồn phiền và cay đắng của cuộc sống thường ngày. Hãy nghĩ đến Nước Trời trong những lúc nghèo túng, bệnh tật và cô đơn. Bởi vì Nước Trời trổi vượt trên mọi thực tại trần gian.

Đừng bán quyền trưởng nam bằng một bát cháo. Đừng bán cuộc sống vĩnh cửu bằng một vài giây phút vui thú chóng qua. Đời sống thì ngắn ngủi. Danh vọng và vui thú thì chóng tàn. Việc quan trọng chúng ta cần phải làm trước tiên, đó là tìm kiếm Nước Trời như lời Chúa đã nói: Sau cuộc sống trần gian này, thì hạnh phúc Nước Trời đang chờ đón chúng ta, thế nhưng chúng ta đã làm được những gì để chúng ta xứng đáng được Chúa đón nhận vào chốn quê hương vĩnh cửu?

CHỦ NHẬT 33 B 2000
Lm Lã Mộng Thường

Bài trích Phúc Âm theo thánh Marcô (Mc. 13:24-32) 

Khi ấy Chúa Giêsu nói với các môn đồ: “Trong những ngày sau cơn khốn quẫn ấy, mặt trời sẽ tối sầm; mặt trăng sẽ mất sáng; tinh tú tự trời sa xuống. Và bấy giờ người ta sẽ thấy Con Người đến trong mây với quyền năng cao cả và vinh quang. Và bấy giờ, Ngài sẽ sai các thiên thần mà thâu họp những kẻ được chọn tự bốn phương, từ mút cùng mặt đất đến mút cùng chân trời.“Nghiệm xem cây vả, các ngươi hãy hội lấy làm ví dụ: Khi cành nó uốn mềm và lá trổ sinh thì các ngươi biết mùa hè gần bên. Cũng vậy, khi các ngươi thấy các điều ấy xảy ra, các ngươi cũng hãy biết là: Ngài đã gần bên cửa! Quả thật, Ta bảo các ngươi: Thế hệ này sẽ không qua cho đến khi mọi điều ấy xảy đến. Trời đất sẽ qua đi nhưng lời Ta nói sẽ không bao giờ qua đi! Về ngày ấy hay giờ ấy thì chẳng ai biết được, cả thiên thần trên trời, cả Con nữa, trừ phi là Cha!””

Đọc hoặc nghe bài Phúc Âm vừa được công bố, bất cứ ai cũng đều cảm thấy sợ hãi vì chúng ta thường quan niệm rằng ngày Chúa đến sẽ là ngày kinh khủng chưa từng thấy. Phỏng ai không cảm thấy bàng hoàng khi nghĩ về cảnh tượng mặt trời trở nên tối tăm, các vì sao khổng lồ sẽ bay thẳng vào để tiêu hủy trái đất cỏn con này và đồng thời mọi quyền lực vô cùng nơi vũ trụ đều bị lay chuyển!

Đồng thời bài Phúc Âm nói đến cảnh tượng huy hoàng khi Đức Giêsu trở lại với quyền năng vinh quang cao cả để thâu họp những người đã được chọn lựa từ mọi nơi mọi thời. Tuy nhiên, nói đến những người đã được chọn lựa không có nghĩa họ thoạt mới sinh ra hoặc ngay từ trước khi sinh ra hay nói theo ngôn từ nhà đạo, tự thuở đời đời đã được sắp xếp và được sinh ra để được đặc biệt ân thưởng, được biệt đãi hơn mọi người chung quanh. Thực ra, nói đến những người được chọn lựa tất nhiên đã ngầm hiểu có những điều kiện nào đó làm mẫu mực hay tiêu chuẩn. Ngay nơi dân gian người Việt đã có câu, “Trời nào có phụ ai đâu; hay làm thời giầu, có chí thời nên,” thế mà vẫn đâu thiếu gì những người chăm chuyên, chân chỉ hạt bột, khổ cực làm lụng mà cuộc sống nghèo nàn suốt đời đến nỗi qua bao năm tháng thi gan xoay xở thử thời vận để rồi cuối cùng cũng đành phải chấp nhận, “Số khó làm chẳng nên giầu.” Mỗi con người là một kho tàng bí ẩn không những đối với mọi người mà có thể nói ngay người đó cũng khó có thể hiểu nổi hoặc nhận thức đầy đủ rõ ràng mình là ai. Nếu đã không tự biết về chính mình sao con người có thể hiểu nổi mình tự đâu đến và chết rồi sẽ đi về đâu. Thêm vào đó, tất cả những lý thuyết, giả thuyết, hoặc quan niệm đều chỉ là sản phẩm phát xuất từ sự suy tư của con người và nói cho cùng, họ cũng như chính mình, không biết họ tự đâu, lý do gì được sinh ra và sau cuộc đời trôi nổi thăng trầm này họ sẽ đi về đâu ngoài nấm mồ chôn sâu nơi lòng đất.

Tuy nhiên xét về mặt tâm linh, những ai đã để tâm nghiệm chứng sẽ nhận chân được sự thể quá thường, thường đến nỗi ít ai để ý, đó là mọi hoàn cảnh sống, mọi sự việc dù lớn hay nhỏ xảy đến nơi cuộc đời một người đều là những phương tiện hay cơ hội cho người đó trở nên thánh thiện, hầu hoàn thành sứ mạng huyền nhiệm đã dẫn dắt mình từ cõi vô hình vào cuộc đời hữu hình muôn màu muôn vẻ này. Nói theo ngôn từ Công Giáo, đó là kiện toàn hành trình đức tin, hành trình nhận chân thực thể quyền lực tối thượng là chính Thiên Chúa đang hoạt động nơi mình, và mình chỉ là công cụ cho Ngài tiếp tục công việc tạo dựng.

Nếu ai đã nhận chân thực thể này, câu hỏi cần thiết được nêu lên, Đức Giêsu mang kỳ vọng nào nơi mỗi người chúng ta? Phúc Âm Mátthêu đặt nơi miệng Ngài lời công bố rõ ràng, “Tiên vàn hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, và mọi điều khác sẽ được ban thêm cho các ngươi” (Mt. 6:33). Như chúng ta hiểu biết, Nước Thiên Chúa là chính Ngài, thế nên tìm kiếm Nước Thiên Chúa chính là tâm tình nhận chân Tin Mừng Nước Trời, nhận chân thực thể Thiên Chúa ở cùng chúng ta; Thiên Chúa đang hoạt động nơi mọi người, mọi loài, mọi tạo vật. Và như vậy, đức tin là quyền lực của Thiên Chúa nơi mỗi người. Bởi thế, nếu ai đã suy nghiệm để đạt đến sự nhận thức thâm sâu thực thể Thiên Chúa đang hoạt động nơi mình, tất nhiên sẽ sử dụng được quyền năng đức tin, quyền năng của chính Thiên Chúa ngự trị nơi mình. Đây có thể là lý do tại sao nơi Phúc Âm Mác Cô có câu: “Kẻ nào bảo núi này: Xê đi mà nhào xuống biển, mà trong lòng không nghi ngại, nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra, thì nó sẽ thấy thành sự” (Mc. 11:22).

Nhận định như thế, hiểu như vậy thực ra chẳng khác gì múa gậy vườn hoang, cũng chỉ là đấm gió mà thôi nếu đối chứng sự hiểu biết, nhận định của chúng ta với Phúc Âm. Vấn đề thực tiễn không phải chỉ nói suông, cũng không phải thừa giờ nên tán hươu tán vượn, mà đòi hỏi sự thực nghiệm như nơi câu hát nào đó, “Không phải là lúc ta ngồi đặt vấn đề, phải dùng bàn tay mà làm cho tươi mới. Hàng chục năm qua, ta ngồi ngó nhau, khinh thường nhau, trách móc nhau cho cay cho sâu cho thật đau.” Hiểu Phúc Âm, được ăn học, có bằng cấp này, chứng chỉ kia, nhưng không nghiệm chứng để nhận chân Nước Trời cũng chỉ là đánh võ miệng, hô phong hoán vũ lòe thiên hạ chứ không thể nào bảo ngọn đồi nhỏ xê đi đâu được chứ đừng nói chi tới những ngọn núi to lớn. Bởi đó, giả sử Đức Giêsu gặp mỗi người chúng ta, phỏng chúng ta có được gì để trình diện với Ngài? Chúng ta sẽ trả lời với Ngài về cuộc sống của mình ra sao nếu đem so sánh với những lời Ngài dạy nơi Phúc Âm? Chúng ta sẽ dùng những gì để minh chứng mình đã tìm kiếm Nước Thiên Chúa? Mình đã tôn vinh Thiên Chúa thế nào? Đã thực hiện chi nơi hành trình đức tin? Nếu ai đã có lần tự hỏi tất nhiên sẽ có câu trả lời vì ước muốn, ý định của chúng ta ở đâu thì lòng dạ chúng ta chuyên chú về nơi đó. Thế nên vấn đề đơn thuần chỉ là nhận biết chúng ta đang mơ ước gì!

Tuy nhiên thực tại nội tâm minh chứng, dẫu cố gắng tự ủi an, dẫu chăm chuyên tìm kiếm, lục lọi nơi Phúc Âm hầu có được nỗi an bình tâm tưởng chúng ta vẫn luôn luôn cảm thấy sợ hãi cho thân phận mình nơi thế giới bên kia. Mặc dầu ép mình ép xác ăn ngay ở lành đến thế nào, chúng ta vẫn chưa thể nào nắm chắc được kết quả rồi mình sẽ ra sao sau khi chết. Thế nên chúng ta đành phải giả đò vênh vang tuyên xưng niềm hy vọng để tự trấn an. Dĩ nhiên, tự vấn lương tâm chúng ta sẽ nhận thực được lẽ đương nhiên, đó là khi chúng ta còn đang hy vọng nơi điều gì hay vấn đề nào đó, chúng ta thực sự chưa biết chắc về điều mình hy vọng. Nói đến điểm này, nỗi thắc mắc bao năm luẩn quẩn nơi suy tư chợt trở lại với tôi. Tôi tự hỏi, phỏng chúng ta có phương cách nào giải đáp hợp lý hợp tình cho sự liên hợp hài hòa của hai thực thể đối nghịch được nhắc đến nơi Phúc Âm. Đó là ngày công thẳng của Thiên Chúa và lòng thương xót, yêu thương vô bờ bến của cũng một Thiên Chúa công thẳng ấy!

Nếu thành tâm suy nghiệm, bài Phúc Âm diễn giảng cho chúng ta thực trạng của những ai đã nghiệm chứng được thực thể Nước Trời. Bất cứ ai khi đã nhận chân được quyền lực tối thượng là chính Thiên Chúa đang ngự trị và hoạt động nơi mình, không còn quyền lực thế tục hoặc quyền lực vũ trụ nào có thể đe dọa họ được nữa. Đối với họ, sống hoặc chết cũng như nhau. Mỗi giây phút sống chẳng khác gì cuộc đời họ đã qua đi thế nên dầu mặt trời có chiếu sáng nữa hay không chẳng thành vấn đề. Thực trạng này chỉ những ai đã đạt tới mới có thể nhận thức rõ ràng và chỉ người đó biết. Chúng ta thử nghiệm chứng câu, “Quả thật Ta bảo các ngươi: Thế hệ này sẽ không qua cho đến khi mọi điều ấy xảy đến.” Hai mươi thế kỷ trôi qua từ ngày Đức Giêsu nhập thể làm người tất nhiên ít nhất phải hơn hai mươi thế hệ của con người đi vào quá khứ. Nếu những lời Phúc Âm nói đến thực tại vật chất tất nhiên sự kiện này đã xảy ra nơi cuối thế hệ thứ nhất của loài người tính từ ngày sinh nhật của Ngài. Chúng ta nên để ý, chúng ta chỉ có thể suy nghĩ theo chiều hướng suy tư hay quan niệm của loài người và chúng ta không thể nào biết được Thiên Chúa ra sao thế nên càng không thể hiểu được ý Ngài. Những gì chúng ta nghĩ hay quan niệm về Chúa đều là sự tưởng tượng của loài người. Một điều quan trọng khác, đó là Lời Chúa, lời Phúc Âm đòi hỏi chúng ta nghiệm chứng và thực chứng chứ không diễn tả sự vật theo quan niệm thế tục. 

Tóm lại, đối với một người, ngày giờ Đức Giêsu ngự đến chính là thời điểm người đó nhận chân được thực thể Nước Trời, nhận chân được chính Thiên Chúa đang hoạt động nơi mình. Bất cứ ai thực tâm và theo đuổi hành trình tìm kiếm Nước Trời, sẽ có ngày nào đó thực chứng được Thiên Chúa nơi mình vì ước muốn của chúng ta ở đâu, chắc chắn lòng dạ và tâm trí của chúng ta cũng ở đó.

 

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

Ca nhập lễ

Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho Hội Thánh Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại: luôn can đảm làm chứng cho Chúa và trung kiên mãi đến cùng. Chúng con cầu xin…

Bài đọc I: 2 Mcb 7, 1.20-23.27b-29

Hồi ấy, có bảy anh em bị bắt cùng với bà mẹ. Vua An-ti-ô-khô cho lấy roi và gân bò mà đánh họ, để bắt họ ăn thịt heo là thức ăn luật Mô-sê cấm.

Bà mẹ là người rất mực xứng đáng cho ta khâm phục và kính cẩn ghi nhớ. Bà thấy bảy người con trai phải chết nội trong có một ngày, thế mà bà vẫn can đảm chịu đựng nhờ niềm trông cậy bà đặt nơi Đức Chúa. Bà dùng tiếng mẹ đẻ mà khuyến khích từng người một, lòng bà đầy tâm tình cao thượng; lời lẽ của bà tuy là của một người phụ nữ, nhưng lại sôi sục một chí khí nam nhi; bà nói với các con: “Mẹ không rõ các con đã thành hình trong lòng mẹ thế nào. Không phải mẹ ban cho các con hơi thở và sự sống. Cũng không phải mẹ sắp đặt các phần cơ thể cho mỗi người trong các con. Chính Đấng Tạo Hoá càn khôn đã nắn đúc nên loài người, và đã sáng tạo nguồn gốc muôn loài. Chính Người do lòng thương xót, cũng sẽ trả lại cho các con hơi thở và sự sống, bởi vì bây giờ các con trọng Luật Lệ của Người hơn bản thân mình.”

Bà nói với người con út : “Con ơi, con hãy thương mẹ: chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, mẹ đã nuôi nấng dạy dỗ con đến ngần này tuổi đầu. Mẹ xin con hãy nhìn xem trời đất và muôn loài trong đó, mà nhận biết rằng Thiên Chúa đã làm nên tất cả từ hư vô, và loài người cũng được tạo thành như vậy. Con đừng sợ tên đao phủ này; nhưng hãy tỏ ra xứng đáng với các anh con, mà chấp nhận cái chết, để đến ngày Chúa thương xót, Người sẽ trả con và các anh con cho mẹ.”

Hoặc đọc: Kn 3, 1-9

“Chúa chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu”.

Trích sách Khôn Ngoan.

Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa, và đau khổ sự chết không làm gì được các ngài. Ðối với con mắt của người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã chết và việc các ngài từ biệt chúng ta, là như đi vào cõi tiêu diệt. Nhưng thật ra các ngài sống trong bình an. Và trước mặt người đời, dầu các ngài có chịu khổ hình, lòng trông cậy của các ngài cũng không chết. Sau một giây lát chịu khổ nhục, các ngài sẽ được vinh dự lớn lao; vì Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa, và chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu.

Khi đến giờ Chúa ghé mắt nhìn các ngài, các người công chính sẽ sáng chói và chiếu toả ra như ánh lửa chiếu qua bụi lau. Các ngài sẽ xét sử các dân tộc, sẽ thống trị các quốc gia, và Thiên Chúa sẽ ngự trị trong các ngài muôn đời. Các ngài đã tin tưởng ở Chúa, thì sẽ hiểu biết chân lý, và trung thành với Chúa trong tình yêu, vì ơn Chúa và bình an sẽ dành cho những người Chúa chọn.

Ðó là Lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 125, 1-2ab. 2cd-3. 4-5. 6

Ðáp: Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.

Xướng: Khi Chúa đem những người Sion bị bắt trở về, chúng tôi dường như Người đang mơ, bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân hoan.

Xướng: Bấy giờ dân thiên hạ nói với nhau rằng: “Chúa đã đối xử với họ cách đại lượng”. Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.

Xướng: Lạy Chúa, xin hãy đổi số phận của con, như những dòng suối ở miền nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan.

Xướng: Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo; họ trở về hân hoan, vai mang những bó lúa.

Bài Ðọc II: 1 Cr 1, 17-25

“Vì tiếng nói của Thập Giá là sức mạnh của Thiên Chúa ban cho chúng ta”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, Ðức Kitô không sai tôi đi rửa tội, mà là rao giảng Tin Mừng, không phải bằng lời nói khôn khéo, kẻo Thập giá của Ðức Kitô ra hư không.

Vì chưng lời rao giảng về Thập giá là sự điên rồ đối với những kẻ hư mất; nhưng đối với những người được cứu độ là chúng ta, thì điều đó là sức mạnh của Thiên Chúa. Vì như đã chép rằng: “Ta sẽ phá huỷ sự khôn ngoan của những kẻ khôn ngoan, sẽ chê bỏ sự thông thái của những người thông sáng. Người khôn ngoan ở đâu? Người trí thức ở đâu? Người lý sự đời này ở đâu?” Nào Thiên Chúa chẳng làm cho sự khôn ngoan của đời này hoá ra điên rồ đó sao? Vì thế gian tự phụ là khôn, không theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa mà nhận biết Thiên Chúa, thì Thiên Chúa đã muốn dùng sự điên rồ của lời rao giảng để cứu độ những kẻ tin. Vì chưng, các người Do-thái đòi hỏi những dấu lạ, những người Hy-lạp tìm kiếm sự khôn ngoan, còn chúng tôi, chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm cho người Do-thái, một sự điên rồ đối với các người ngoại giáo. Nhưng đối với những người được gọi, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, thì Ngài là Chúa Kitô, quyền năng của Thiên Chúa, và sự khôn ngoan của Thiên Chúa, vì sự điên dại của Thiên Chúa thì vượt hẳn sự khôn ngoan của loài người, và sự yếu đuối của Thiên Chúa thì vượt hẳn sức mạnh của loài người.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mt 5,10

Alleluia, alleluia! Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Alleluia

Phúc Âm: Lc 9,23-26

Khi ấy, Đức Giê-su nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì? Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến, Chúa Kitô, vị chứng nhân trung thành của Chúa Cha đã ban cho các thánh tử đạo Việt Nam ơn can đảm làm chứng cho Tin Mừng. Giờ đây, chúng ta hãy dâng lời cảm tạ Chúa và cầu xin.

1. Giáo Hội có sứ mạng làm chứng cho Chúa. Chúng ta hãy cầu nguyện cho Giáo Hội luôn là chứng nhân cho Chúa ở giữa trần gian bằng lời rao giảng và bằng chứng tá đời sống.

2. Máu các thánh tử đạo là hạt giống làm nảy sinh các tín hữu. Chúng ta hãy cầu nguyện cho đồng bào Việt Nam nhận biết Chúa là Thiên Chúa duy nhất phải tôn thờ.

3. Các thánh tử đạo Việt Nam đã can đảm vác Thánh Giá Chúa mỗi ngày. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các Kitô hữu biết kết hiệp những nỗi vất vả, lầm than trong cuộc sống hằng ngày với cuộc thương khó của Chúa Giêsu.

4. Các thánh tử đạo Việt Nam đã dùng chính mạng sống mình để làm chứng cho Chúa. Chúng ta hãy cầu nguyện cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta trở thành chứng nhân cho Chúa bằng đời sống bác ái, yêu thương.

Chủ tế: Lạy Chúa, chúng con là con cháu các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xin cho chúng con biết noi theo mẫu gương các ngài đã để lại, ngõ hầu làm chứng cho Chúa ở đời này, và mai sau được hưởng hạnh phúc vô biên trong nhà Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, Chúa đã vui lòng chấp nhận lễ hy sinh của cha ông chúng con, xin cũng thương chấp nhận của lễ tiến dâng đây và làm cho chúng con trở nên của lễ đẹp lòng Chúa. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng

Lạy Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Cha mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con.

Cha đã kêu gọi các bậc tiền bối của chúng con bước theo Chúa Kitô trên con đường thập giá để làm chứng cho Cha ngay từ lúc Tin Mừng mới được loan báo trên quê hương đất nước chúng con. Nhờ Cha ban ơn trợ giúp, những con người vốn mỏng dòn yếu đuối đã trở nên can đảm phi thường. Chính khi các ngài chịu trăm bề đau khổ, Cha biểu lộ cho mọi người thấy sức mạnh của tình thương.

Vì thế, cùng với triều thần thiên quốc, chúng con ở dưới trần gian luôn ca tụng Cha uy linh cao cả và không ngừng tung hô rằng:

Thánh! Thánh! Thánh!…

Ca hiệp lễ

Dầu là sự sống hay sự chết, hoặc bất cứ một thọ sinh nào: không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con vừa lãnh nhận Mình và Máu Ðức Kitô Con Chúa để mừng các thánh tử đạo tại Việt Nam. Xin cho chúng con vẫn một lòng tin tưởng giữa bao thử thách của cuộc đời, để mai sau cùng với các ngài chung hưởng phúc vinh quang. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM (Chúa Nhật 33 Thường niên năm C)
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 10, 17-22)
 
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết. Nhưng khi người ta bắt nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói thế nào và nói gì. Vì trong giờ ấy sẽ cho các con biết phải nói gì: vì chưng, không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con. Anh sẽ nộp em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ”.
 
Suy niệm
 
Hôm nay là Chúa nhật 33 Thường niên, Giáo hội Việt Nam được phép mừng kính trọng thể các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Đây là một ngày lễ đặc biệt đối với Giáo hội hoàn vũ nói chung, với Giáo hội Việt Nam nói riêng, bởi từ những giọt máu đào của các Ngài đổ xuống trên cánh đồng truyền giáo đất Việt, nhiều bông lúa vàng đã mọc lên và trổ sinh hoa trái.
 
Trở lại với phụng vụ lời Chúa ngày lễ đặc biệt này, chúng ta nghe tác giả sách Khôn Ngoan nói về hình ảnh người công chính trong ánh sáng của Lời Chúa. Trong cách suy nghĩ và quan niệm của thế gian, những người đã nhận chịu những bản án liên quan đến tôn giáo là những người thất bại trong đời sống tinh thần. Họ đã thất bại vì đi theo một tôn giáo có giáo lý khác thường với các tôn giáo khác, họ đã thất bại vì tin theo một Đấng gọi là lập nên tôn giáo, nhưng không hiện diện bên cạnh các tín đồ để che chở, bảo vệ, dạy dỗ và hướng dẫn sống theo giáo lý của mình. Lời sách Khôn ngoan diễn đạt quan niệm đó trong sự u ám của tương lai tôn giáo này: “Đối với con mắt của người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã chết và việc các ngài từ biệt chúng ta, là như đi vào cõi tiêu diệt”. Thế nhưng, dưới nhãn quan của đức tin, họ là những người đã chiến thắng, bởi họ sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Sau một thoáng chốc với những cực hình, họ đã đi vào cõi thiên thu trong sự khải hoàn, họ đã được nhận triều thiên vinh quang của người chiến thắng, áo họ được giặt trong máu Con Chiên, đầu họ đội triều thiên tử đạo và tay họ cầm cành lá thiên tuế, biểu tượng của người chiến thắng trong vinh quang: “Sau một giây lát chịu khổ nhục, các ngài sẽ được vinh dự lớn lao; vì Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa, và chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu”. Một khung cảnh thật huy hoàng và tráng lệ, từng đoàn người chiến thắng trở về nhà mình trong tiếng nhạc oai hùng, trong tiếng ca hát của các Thiên Thần và trong niềm vui được trở về ngôi nhà đích thực của mình là Nước Trời.
 
Trong lá thư gởi các con cái giáo đoàn Corintho, thánh Phaolô mượn lấy tâm tình của sách Khôn Ngoan để hướng dẫn con cái ngài can đảm nhận chịu những khó khăn hiện tại trong đời sống đức tin, để ngày sau cũng được diễm phúc trở về trong chiến thắng: “Vì chưng lời rao giảng về Thập giá là sự điên rồ đối với những kẻ hư mất; nhưng đối với những người được cứu độ là chúng ta, thì điều đó là sức mạnh của Thiên Chúa”, mầu nhiệm thập giá đối với dân ngoại là điên rồ, với người Do Thái là ô nhục, nhưng với Đức Kitô, thì đó là niềm vinh dự lớn lao, bởi họ được thông phần vào mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Thầy Chí Thánh là Đức Kitô. Thế gian chỉ tìm vinh hoa phú quý trong thế gian, vì thế, họ chấp nhận thoả hiệp với gian dối, với tội lỗi, làm sao để được sống an toàn, ngược lại, những ai tin vào Đức Kitô, họ sẽ được sống đời đời mai sau trong Nước Trời, dù hôm nay có thất bại, khổ đau: “Vì thế gian tự phụ là khôn, không theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa mà nhận biết Thiên Chúa, thì Thiên Chúa đã muốn dùng sự điên rồ của lời rao giảng để cứu độ những kẻ tin”. Động lực nào giúp Các Thánh Tử Đạo đón nhận mọi cực hình trong tin yêu như thế, nếu không bắt đầu bằng tình yêu tự hiến. Một bài học từ thập giá Đức Kitô.
 
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử nhân loại, Kitô giáo luôn đứng vào vị trí khiêm tốn, bởi từ nơi tôn giáo này, những bài giáo lý không bắt nguồn từ sự khôn ngoan của loài người, nhưng khởi đi từ tình thương và chân lý của Thiên Chúa. Những bài học về sự thật, về chân lý đã được Con Thiên Chúa loan báo khi Ngài nhập thể vào thế gian, làm người và đã chết cho con người. Trong thời gian Ngài hiện diện trên lịch sử nhân loại, Ngài đã tiên báo về những đau khổ sẽ đến với những ai đón nhận những bài giáo lý của Ngài, sự đau khổ đó khởi đi từ sự thù ghét chân lý, thù ghét sự thật. Lời kể của tinh mừng thánh Gioan cho chúng ta thấy lời tiên báo của Đức Giêsu xưa nay thành hiện thực mỗi ngày sống trong Giáo hội: “Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ”. Sự thù ghét đến từ thế gian có những lúc lên tới đỉnh điểm làm cho giáo hội điêu đứng, con cái bị đánh tản mác, Giáo hội ngập tràn trong nước mắt và máu. Giáo hội Việt Nam cũng không tránh khỏi vết xe đổ đó khi các nhà truyền giáo, các tín hữu trong các cộng đoàn nhỏ bé bị bắt bớ, bị đàn áp, bị tống ngục và phải nhận nhịu nhiều cực hình khổ đau, tất cả vì danh Đức Giêsu, tất cả những cực hình này đã được Đức Giêsu loan báo khi Ngài chuẩn bị bước vào mầu nhiệm tử nạn: “Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết. Nhưng khi người ta bắt nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói thế nào và nói gì”. Dưới cái nhìn của thế gian, họ đã thất bại, họ đã nhận chịu cực hình của những người sống khác loài người, nhưng dưới ánh mắt của Thiên Chúa, họ là những người được yêu thương, được quan tâm đặc biệt, ngay cả khi bị bắt bớ, bị điệu ra trước nhà cầm quyền, Thiên Chúa cũng hiện diện bên cạnh để hướng dẫn họ phải nói thế nào và sẽ làm gì. Cung cách chăm sóc và hướng dẫn đó có phải là một cử chỉ của tình yêu, của người đã yêu thương họ đến cùng hay của một người sẵn sàng bỏ rơi anh chị em thân yêu của mình?
 
Các Thánh Tử Đạo là những người đã cảm nhận được phần nào chiều sâu, chiều rộng của tình yêu thập giá, tình yêu đó phát xuất từ trời cao, nơi ngai toà Chúa Cha: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ”. Tình yêu đó giúp các thánh tử đạo vượt lên mọi khổ đau, vượt lên mọi thất bại, để yêu thương, để tha thứ cho những kẻ làm hại mình, cho những kẻ bắt bớ và đày đoạ anh em tín hữu. Nếu chúng ta trở lại với mầu nhiệm tử nạn của Thầy Chí Thánh, mỗi người có thể cảm nhận được chiều sâu đó khi lời cầu nguyện của Đức Giêsu được cất lên: “Lạy Cha, xin hãy tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”. Đó là giây phút đẹp nhất trong cả cuộc đời và những lời rao giảng của Đức Giêsu. Ngài mời các môn đệ hãy yêu thương kẻ thù, hãy tha thứ cho họ và cầu nguyện cho họ, tất cả đang dừng lại nơi những lời nói, để rồi sau đó trở thành hiện thực với lời cầu nguyện từ trên thập giá. Một tình yêu tự hiến, một tình yêu dám chết cho người mình yêu.
 
Hôm nay, Thầy Chí Thánh mong muốn tình yêu đó được hoạ lại trong cuộc đời của người môn đệ ngài là các tín hữu. Mỗi tín hữu được mời gọi sống một ơn gọi tuỳ theo khả năng mình, trong hành trình ơn gọi đó, người tín hữu được mời vẽ lại những nét bút của tình yêu trong suy nghĩ, trong nhận thức và trong thái độ sống mỗi ngày. Bậc sống nào cũng có những khó khăn, thăng trầm, nếu trong mọi hoàn cảnh khó khăn, sức mạnh của tình yêu vẫn luôn là động lực giúp mọi tín hữu vượt qua tất cả. Tình yêu luôn hiện diện trong thế giới này, bởi nếu trong thế giới này vắng bóng tình yêu, con người sẽ đối xử với như ra sao? Nhưng để có thể vẽ lên những nét đẹp của tình yêu đó, đòi hỏi người môn đệ phải là người đã trải nghiệm sức nóng và sức mạnh của tình yêu đó. Để có được nguồn năng lượng đó, người môn đệ của Đức Giêsu hôm nay cần có một đời lời chứng sống động từ bản thân. Với Thiên Chúa, người môn đệ đó cần có một sự khiêm tốn đủ, để tin, để sống, để yêu và để hy sinh cho Ngài. Với tha nhân, người môn đệ cần đón nhận nơi họ những khác biệt, những cá tính và cả những tật xấu, để cảm hoá họ bằng tình yêu và tình người. Trong ơn gọi nào cũng cần những lời chứng, lắm lúc người môn đệ chưa thực sự vượt qua cái tôi của bản thân, để tin, để yêu và để sống với Thiên Chúa và tha nhân. Dù chỉ là những hành vi nhỏ bé nhưng đó là những thách đố của thời đại hôm nay.
 
Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã cúi mình trước tình yêu cao vời Thiên Chúa dành cho họ, nên họ đã tin, đã yêu và đã hy sinh cho tình yêu đó, tất cả như một lời chứng. Máu các ngài đã đổ xuống trên quê hương đất Việt, để rồi hôm nay có một Giáo Hội Việt Nam năng động, đầy sức sống và nhiều hoa trái của Thánh Thần trong sự phong phú của ơn gọi. Những giọt máu của các ngài như là hạt giống âm thầm gieo vào lòng đất mẹ, để hôm nay có những bông lúa vàng trĩu hạt như thế, quả là một hồng phúc lớn lao cho Giáo Hội Việt Nam. Niềm vui đó cần được nhân lên từ những cố gắng của các môn đệ Đức Giêsu là chúng ta hôm nay. Tình yêu đến từ Thiên Chúa vẫn mãi là một dòng suối không ngừng chảy, tuôn đến mỗi tâm hồn, mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn, người môn đệ của Ngài có đủ can đảm mở rộng cánh cửa tâm hồn, cánh cửa gia đình, cánh cửa cộng đoàn cho dòng chảy tình yêu đó tuôn vào, cảm hoá mọi tâm hồn, để thành lời chứng của một tình yêu vị tha, của một tình yêu dám chết cho người mình yêu.
 
Lạy Chúa Giêsu, mầu nhiệm tử nạn của Ngài như là dấu chứng của tình yêu Thiên Chúa dành cho con người, xin cho mỗi người chúng con cảm nghiệm được chiều sâu, chiều rộng của tình yêu đó, để chúng con sẵn sàng tha thứ cho những ai ghét bỏ và bắt bớ chúng con, để chúng con sẵn sàng đón nhận những khác biệt, những tật xấu của tha nhân trong niềm tin. Chúa đã ban sức mạnh cho các Thánh Tử Đạo Việt Nam, nên các ngài đã đón nhận phúc tử đạo như là lời chứng đáp đền tình yêu đó, xin cho ơn của Chúa luôn đong đầy nơi mỗi chúng con, để lời chứng của tình yêu trong cuộc đời chúng con trở nên sống động, thiết thực và đem lại nhiều hoa trái tình yêu cho anh chị em. Amen.

CHỨNG NHÂN KITÔ GIÁO
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa - Ban Mê Thuột

Hằng năm cứ vào dịp đại lễ kính nhớ Tổ tiên ông bà Tử Đạo Việt Nam, đoàn tín hữu, con dân đất Việt lại thêm một lần được củng cố niềm tin. Ít ra, “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Để sống xứng danh là cháu con các anh hùng tử đạo, Kitô hữu Việt Nam cần hiên ngang, anh dũng một cách nào đó trong niềm tin, trong cách sống đạo của mình. Trong tâm tình ấy, xin phác họa đôi nét về chân dung các Thánh Tử đạo Việt Nam như là những chứng nhân Kitô giáo.

1. Chứng từ khả tín của các chứng nhân: Xin được gọi các Ngài bằng nghĩa gốc của từ “tử đạo” là “chứng nhân” (martyr). Thiết tưởng cần trở về với nghĩa gốc là chứng nhân hơn là tử đạo, cho dù hai từ tử đạo đã quá phổ biến trong cách dùng. Bởi vì hai từ tử đạo có vẻ như đang bị méo mó ý nghĩa một cách nào đó khi mà vô tuyến truyền hình tường thuật những người ôm bom tự sát để giết hại nhiều người, trong đó có cả thường dân vô tội, và họ cũng tự cho là tử vì đạo. Hơn nữa một thánh tử đạo trong tôn giáo này chưa chắc được kính trọng bởi người của tôn giáo khác cho bằng các thánh hiển tu hay các thánh xả thân vì tình yêu đồng loại.

Nói đến chứng nhân là nói đến những người dùng chính cuộc sống của mình, dùng cả sự sống và sự chết của mình để làm chứng cho một lý tưởng cao đẹp như nền hòa bình của nhân loại hay sự độc lập tự do của dân tộc… hoặc cho một niềm tin tôn giáo. Khi có ai, có một tập thể hiến dâng cả cuộc sống, hiến dâng cả mạng sống để làm chứng về một chân lý nào đó thì chứng từ ấy có tính khả tín nghĩa là chân lý có tính thuyết phục và đáng tin theo. Tuy nhiên, mức độ khả tín của các chứng từ còn tùy thuộc vào cách thế làm chứng của các chứng nhân.

Nếu xét về hình thức chịu cực hình cho đến chết như bị “rũ tù” (bị tra tấn và giam tù cho đến chết), “xử giảo” (bị thắt cổ cho chết), “xử trảm” (bị chém đầu), “lăng trì” (bị ném cho voi chà đạp, xé xác), bị thiếu sống hay chịu xử “bá đao” (bị róc từng mảnh thịt cho đến chết), thì các bậc cha ông chúng ta tuy có bị khổ hình ghê rợn, thế nhưng các anh hùng dân tộc nhiều khi cũng đã can đảm đón nhận các cực hình tương tự không kém. Tuy nhiên qua cuộc sống, nhất là sự hiến dâng mạng sống của các chứng nhân Kitô giáo, của cha ông anh hùng hy sinh vì đức tin, chúng ta nhận ra mức độ trổi vượt của tính thuyết phục nơi cách làm chứng của các Ngài.

Nét trổi vượt và cũng là nét khác biệt nơi chứng từ của cha ông chúng ta đó là cách thế đón nhận khổ hình. Không một ai tự mình quyên sinh và nhất là khi bị khổ hình, không một ai căm phẫn, hận thù hay hô đả đảo những người bắt bớ, giết hại mình. Các ngài khoan thai, an bình, có khi tỏ vẻ hân hoan và cầu nguyện cho cả người giết hại mình đến độ nhiều “đao phủ” đã phải thành khẩn xin tha thứ trước khi hành hình các Ngài. Một thái độ làm chứng nhân khó thấy, hiếm thấy và có thể nói là không thấy có nơi các anh hùng dân tộc khi chịu cực hình, chịu chết vì lý tưởng. Và đây chính là nét khả tín tuyệt vời của nhứng chứng nhân bỏ mình vì “danh Đức Kitô”.

2. Một chân lý đức tin nền tảng mà các chứng nhân Kitô giáo làm chứng:
Chân lý đức tin Kitô giáo thì nhều, nhưng có thể nói một chân lý nền tảng mà tổ tiên ta đã anh dũng làm chứng đó là: Thiên Chúa chúng ta là Thiên Chúa duy nhất, ta phải tôn thờ và yêu mến Người hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ta, vì ngoài Người ra thì không có đấng nào khác. (x.Dnl 6,4-7; Mc 12,28-34).

Tôn thờ một ai đó, một Đấng nào đó là nói lên sự thần phục, sự lệ thuộc của mình với Đấng ấy, với người ấy. Một trong những hình thức biểu lộ sự thần phục hay thờ phượng đó là sự phủ phục. Ta phủ phục trước một Đấng nào đó là ta nhìn nhận những gì ta đang là, ta đang có đều do Đấng ấy ban tặng. Kitô hữu chỉ dâng tâm tình thần phục, phượng thờ này lên một mình Thiên Chúa mà thôi. Và dĩ nhiên tâm tình, thái độ ấy kéo theo hệ quả tất yếu là xem các loài khác như mặt trời, mặt trăng, sông núi… chỉ là loài thọ tạo do Chúa dựng nên. Ngay cả loài thọ tạo cao trọng nhất trong các loài hữu hình là loài người thì dù là kẻ quyền thế, nhiều tiền, cao đức, trọng vị… cũng chỉ là loài phàm hèn không hơn không kém. Có thể có người, có vị đáng trọng, đáng kính vì tài đức cao dầy, nhưng không phải là người để ta phải lệ thuộc hay thần phục, nghĩa là bày tỏ sự tôn thờ.

Sự thường một ai đó, khi đã ở ngôi cao, khi đã nắm trong tay quyền lớn thì rất dễ bị cám dỗ muốn tuyệt đối hóa uy quyền của mình. Và một trong những cách thế để tuyệt đối hóa quyền lực và danh phận của mình thì phải tự phong thần, phong thánh cho mình bằng cách này cách khác. Các vua chúa ngày xưa đã từng tự xưng là thiên tử (con trời) và thế là bắt mọi người thần phục mình cách tuyệt đối. Nếu sống và hành xử như “con của trời” thì vẫn tốt, đằng này họ lại hành xử như là những “ông trời con”. Xưa vua Nabunôcônôdo của đế quốc Ba Tư đã cho tạc tượng mình để bắt thần dân thờ lạy. Và nay vẫn có người, có tập thể muốn kẻ khác lệ thuộc mình bằng việc “thần thánh” hóa bản thân hay luật pháp hóa cái thể chế, cái tổ chức, cơ cấu của mình.

Ngày nay người ta khi đã có quyền, có thế cũng có thể bắt kẻ khác suy tôn mình, suy tôn tập thể của mình… là muôn năm, là bất diệt… Và thế là hễ có ai không chịu thần phục, không chịu lệ thuộc thì tức khắc sẽ bị bắt bớ, đàn áp, thậm chí là loại trừ. Vác thập giá là thân phận của Kitô hữu mọi thời, mọi nơi. Tuy nhiên đó cũng là niềm vinh dự cho đoàn con cái Chúa. Vì đó là cách thế tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất hùng hồn và rõ nét.

3. Chuyện xưa và chuyện nay: Có thể nói là rất hiếm người phủ nhận sự hiện hữu của Đấng Tối Cao, Đấng Sáng Tạo đất trời. Các vua chúa xưa bách hại Kitô hữu có thể vì do một vài hiểu lầm nào đó về cách sống đạo, cung cách thờ kính ông bà tổ tiên của Kitô hữu, nhưng thường ẩn đằng sau đó là có lý do thực tiễn khác: cái uy quyền cai trị của mình bị ảnh hưởng. Các lãnh đạo địa phương như các quan hàng tỉnh, huyện, xã thì ít vương cái lý do này. Tuy nhiên các vị này lại lợi dụng lệnh trên để “làm tiền”. Đọc hạnh các thánh tử đạo Việt Nam chúng ta thấy chuyện bắt rồi đòi tiền chuộc như là chuyện cơm bữa. Phải chăng chuyện xưa vẫn là chuyện luôn có tính thời sự như hôm nay và trong tương lai? Đã là Kitô hữu thì phải làm chứng nhân và vác thập giá là chuyện như đương nhiên của những ai muốn theo Chúa Kitô đến cùng.

Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu. (Mt 10, 17-22)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết. Nhưng khi người ta bắt nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói thế nào và nói gì. Vì trong giờ ấy sẽ cho các con biết phải nói gì: vì chưng, không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con. Anh sẽ nộp em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ”.

Suy niệm

Khi nhắc đến Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, bất cứ người tín hữu nào trên quê hương đều cảm thấy tự hào, cảm thấy một niềm hạnh phúc ngập tràn tâm hồn, bởi nhờ sự can đảm làm chứng tin mừng, nhờ sự hy sinh tất cả, trong đó có sự sống của các ngài, để rồi hôm nay, Giáo hội trên quê hương Việt Nam ngày càng lớn mạnh, con cháu các ngài ngày càng cố gắng sống ơn gọi Kitô hữu, không hổ thẹn với danh xưng con cháu Các Thánh Tử Đạo. Mừng lễ tôn kính các ngài, cũng là cơ hội để cùng các ngài tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho đất nước, cho quê hương nhiều ân phúc cứu độ, nhiều ân phúc tình trời, nhờ đó bao nhiêu người đã được gọi là con Thiên Chúa, là anh chị em với nhau trong gia đình đức tin Công giáo. Từ đây, hiệp thông với Các Thánh Tử Đạo trên thiên quốc, con cháu các ngài nguyện cầu Thiên Chúa ban bình an cho đất nước, cho quê hương, cho các phẩm trật trong Giáo hội Việt Nam, cho các nhà lãnh đạo chính quyền biết yêu dân như con, biết lo lắng chăm sóc cho dân, để đất nước được thái bình, mọi người được an cư lạc nghiệp.

Khởi đi từ ánh sáng Lời Chúa, chúng ta hãy nhìn những biến cố trong lịch sử đất nước, đặc biệt là những tấm gương của Các Thánh Tử Đạo, chúng ta sẽ thấy được phần nào chương trình cứu độ của Thiên Chúa kỳ diệu biết bao, hơn nữa không giống như suy nghĩ và tính toán của con người. Tác giả sách Khôn Ngoan đã viết như sau: “Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa, và đau khổ sự chết không làm gì được các ngài. Đối với con mắt của người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã chết và việc các ngài từ biệt chúng ta, là như đi vào cõi tiêu diệt. Nhưng thật ra các ngài sống trong bình an. Và trước mặt người đời, dầu các ngài có chịu khổ hình, lòng trông cậy của các ngài cũng không chết. Sau một giây lát chịu khổ nhục, các ngài sẽ được vinh dự lớn lao; vì Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa, và chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu”. Cái chết của Các Thánh Tử Đạo là nỗi ô nhục đối với người đời, nhưng với Thiên Chúa, đó chỉ là một thử thách để các ngài xứng đáng hơn với vinh dự của người chiến thắng, sự hy sinh đó được coi là một của lễ toàn thiêu để đền bù những lầm lỗi của các ngài và của mọi người. Thiên Chúa đã chấp nhận sự hy sinh của các ngài, để hôm nay Giáo hội Việt Nam có thêm nhiều tín hữu Kitô, có thêm nhiều chứng nhân của Tin Mừng tình yêu cứu độ.

Sau khi thành lập cộng đoàn giáo hội tại thành Co-rin-tho, thánh Phaolô đã hướng dẫn cho các tín hữu tâm tình giữ đạo, tâm tình sống đạo cách tích cực hơn, bởi nhờ sự cố gắng của mỗi người, niềm tin sẽ lớn dần, lòng mến Thiên Chúa sẽ sâu đậm hơn. Ngài biết niềm tin và lòng mến của họ đang nông cạn, có thể bị mai một, bởi tất cả những bài giáo lý về Thiên Chúa không giống như cách suy nghĩ của họ cũng như của thế gian. Bởi khi tin vào một Thiên Chúa tử nạn và phục sinh, người môn đệ phải từ bỏ mình, vác thập giá, hy sinh tất cả mới có thể chiếm đoạt được Nước Trời: “Anh em thân mến, Đức Kitô không sai tôi đi rửa tội, mà là rao giảng Tin Mừng, không phải bằng lời nói khôn khéo, kẻo Thập giá của Đức Kitô ra hư không. Vì chưng lời rao giảng về Thập giá là sự điên rồ đối với những kẻ hư mất; nhưng đối với những người được cứu độ là chúng ta, thì điều đó là sức mạnh của Thiên Chúa. Vì như đã chép rằng: “Ta sẽ phá huỷ sự khôn ngoan của những kẻ khôn ngoan, sẽ chê bỏ sự thông thái của những người thông sáng”. Chấp nhận một nghịch lý cho cuộc đời, chấp nhận một sự dấn thân và từ bỏ tất cả, không phải là một quyết định dễ dàng, nhưng là một cuộc chiến nội tâm gay gắt, các tín hữu phải chọn lựa và sẵn sàng hy sinh những giá trị hiện tại, mới mong được lãnh nhận phần thưởng ngày sau.

Khi giới thiệu cho các môn đệ về Nước Trời, Đức Giêsu không quên cho các môn đệ biết hệ quả của những ai chấp nhận làm công dân đất nước đó. Ngoài sự bắt bớ, nghi kỵ, xa lánh, thêm vào đó là những khổ đau về tinh thần như bị khinh dể, bị đàn áp về tinh thần, xa hơn nữa là bị loại trừ khỏi cộng đoàn. Tất cả những khổ đau đó Đức Giêsu không muốn các đồ đệ phải ngỡ ngàng, nhưng biết sẵn sàng để đón nhận: “Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết. Nhưng khi người ta bắt nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói thế nào và nói gì”. Không chỉ báo trước về những khổ đau nhưng Đức Giêsu còn cho các ông biết Chúa Thánh Thần sẽ ở bên cạnh, sẽ soi sáng cho biết phải làm gì, phải nói gì và sống như thế nào giữa những oán thù của kẻ thù Thiên Chúa. Người môn đệ của Thiên Chúa không phải sợ hãi bất cứ điều gì trước các thế lực của Satan, bởi họ là con người nhưng không thuộc về thế gian, họ sống giữa thế gian nhưng làm việc cho Thiên Chúa, bởi họ là công dân Nước Trời, vì thế, Thiên Chúa luôn hướng dẫn, đồng hành và bảo vệ họ trong mọi hoàn cảnh. Thiên Chúa chỉ đòi hỏi nơi họ sự trung thành trong khiêm tốn, hết mình vì tình yêu và phục vụ tha nhân vì Thiên Chúa đang hiện diện trong họ.

Mừng lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam nói riêng và các Thánh Tử Đạo của Giáo hội Công giáo, chúng ta không khỏi tự vấn, tại sao các ngài lại can đảm chấp nhận bắt bớ, chấp nhận tù đày, chấp nhận bị loại trừ, hơn nữa là chấp nhận hy sinh mạng sống, có phải vì bất lực, bất tài hay vì lý do nào khác. Chắc hẳn các ngài không bất lực, bất tài, các ngài chấp nhận tất cả những thương đau đó vì tình yêu, một tình yêu không đến từ con người thế gian nhưng đến từ Đấng là cội nguồn tình yêu, là Thiên Chúa quyền năng. Chính vì yêu, Các Thánh Tử Đạo dám từ bỏ gia đình, cha mẹ, vợ con và cả sự sống, quả là một sự từ bỏ điên rồ theo lăng kính của thế gian nhưng đầy phúc trọng đối với Thiên Chúa. Khi chọn Thiên Chúa là đấng chủ tể muôn loài và sự sống con người làm đấng tình quân của mình, Các Thánh Tử Đạo đã chọn con đường Đức Giêsu, Thầy Chí Thánh của các ngài, để lên đường, để đi vào thế giới, để phục vụ, để hy sinh, bởi con đường Thầy mình đã đi ngang qua thập giá, ngang qua khổ đau, rồi mới bước tới đỉnh cao là sự phục sinh vinh quang.

Sống trong một thế giới thiên về chủ nghĩa cá nhân, người tín hữu Kitô được mời gọi tử đạo trong tư tưởng, trong ý thức, trong việc giữ đạo hàng ngày, trong tương quan với tha nhân. Xem ra những đòi hỏi đó đơn giản nhưng khi bước vào thực tế, đó là những đòi hỏi từ bỏ rất nhiều và có những chọn lựa được mất đầy khó khăn. Dù sống trong ơn gọi nào, người tín hữu Kitô vẫn là một con người, có những mong muốn đầy chất người, chính những mong muốn đó giúp họ khẳng định sự hiện hữu của bản thân giữa xã hội cũng như giữa cộng đoàn. Vì thế, người tín hữu vô tình để cho yếu tố trần thế điều khiển ý thức và tâm tình tôn giáo của chính mình, từ đây, sẽ nảy sinh tình trạng sống đạo hình thức, dùng tôn giáo để phục vụ cho cái tôi của mình. Thiên Chúa tạo dựng nên con người giống hình ảnh Ngài, đó là những gì Kinh thánh đã nói về thưở ban đầu, còn hôm nay, con người đang cố gắng tạo ra một Thiên Chúa có suy nghĩ thực dụng để phục vụ con người. Chính vì thế, chủ đề tử đạo luôn được coi là một chủ đề xa vời với cuộc sống hôm nay trong hoàn cảnh xã hội đề cao cuộc sống hưởng thụ và tiêu thụ, đề cao cái tôi mỗi người quá lớn.

Đức Giêsu, Người Con duy nhất của Chúa Cha, đã yêu mến Cha hết lòng, đã vâng lời Cha hết mình và đã thi hành ước muốn của Cha hết tình. Ngài đi vào thế gian, sống với con người, yêu con người đang bị tội lỗi và sự chết hành hạ, Ngài đã chấp nhận hy sinh, chấp nhận chết trần trụi trên thập giá, tất cả để cứu con người, tất cả vì yêu con người. Và hôm nay, Ngài muốn người môn đệ hãy họa lại bức tranh tình yêu của Thầy mình qua cuộc sống trong mỗi ơn gọi của bản thân. Phục vụ tha nhân, tha thứ cho kẻ thù, giúp đỡ mọi người trong hoạn nạn, tôn trọng giá trị con người, giá trị sự sống, là những mong muốn của Thiên Chúa, vượt qua những giới hạn của thế gian và những xu hướng của xã hội để đồng hành với Đức Giêsu trong thế giới này, là một hình thức tử đạo mới đang mời gọi người tín hữu Kitô dấn thân và lên đường.

Lạy Chúa Giêsu, vì yêu thương con người, Chúa đã bước vào trần gian để làm người, sống với con người, chết cho con người, xin giúp chúng con biết yêu Chúa nơi tha nhân, để can đảm chấp nhận sự khác biệt nơi tha nhân rồi tha thứ, rồi yêu thương, rồi phục vụ và hy sinh. Chúa đã vượt qua những nỗi sợ hãi của phận người, chấp nhận cái chết để cứu sống muôn người, trong đó có chúng con, xin giúp chúng con, dám hy sinh những gì tạo ra sự an toàn cho bản thân, tạo ra vinh quang hiện tại và tương lai cho chính mình, để trở nên một con người trần trụi, trở nên một con người sống cho tha nhân và dám chết cho tha nhân mỗi ngày. Amen.

KHÔNG QUÁ KHÓA DƯỚI MỌI HÌNH THỨC


(Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam) Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa - Ban Mê Thuột

Nói đến Các Thánh Tử Đạo, người ta thường nhấn mạnh đến tính anh hùng, chí bất khuất của các vị chứng nhân đức tin. Khi chấp nhận hy sinh cả mạng sống vì một lý tưởng nào đó thì quả rất xứng là anh hùng và đáng ca tụng. Các Thánh Tử Đạo còn xứng được ngợi ca vì cách thế hy sinh của các ngài. Các vị anh hùng dân tộc, vì nước quên thân thật đáng khâm phục. Thế nhưng khi tuẫn tiết hay khi bị quân thù sát hại thì lòng các vị ấy ít nhiều có sự căm phẫn hay hận thù. Trái lại Các Thánh Tử Đạo khi ra pháp trường hay chết trong ngục tù, lòng vẫn thư thái, an bình, thậm chí còn hân hoan, chúc lành và cầu nguyện cho kẻ làm hại mình. Nhờ đâu, bởi đâu mà các ngài có được thái độ cao thượng có thể nói là phi thường như thế? Kitô hữu chúng ta tin nhận trên hết và trước hết là nhờ ân sủng Chúa ban. Tuy nhiên chúng ta cũng cần nhìn đến các nguyên nhân từ phía các vị thánh tử đạo, khi các ngài đón nhận hồng ân của Chúa. Qua cuộc đời các thánh tử đạo, cách riêng Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta có thể thấy một trong những nguyên nhân ấy đó là khi đã cảm nhận được tình yêu thì thà chết chứ không chấp nhận xúc phạm đến tình yêu, xúc phạm đến Đấng đã yêu mình.

Hẳn chúng ta đã từng biết ít nhiều các chuyện kể về Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Một trong những sự kiện xảy ra với các ngài đó là các quan thời bấy giờ thường đòi buộc hay dụ dỗ các ngài “quá khóa” tức là bước qua thập giá để được tha, thậm chí còn được ban bổng lộc. Các tiền nhân anh dũng của chúng ta đã dứt khoát không quá khóa dưới mọi hình thức. Khi được quan dụ dỗ rằng: anh còn trẻ, hãy nghĩ lại và khôn hơn một chút, ta chỉ yêu cầu anh bước qua một khúc gỗ mà có gì đâu. Thầy giảng Đaminh Bùi Văn Úy đã trả lời: Đúng là khúc gỗ, thưa quan, nhưng khúc gỗ hình thánh giá ấy lại tượng trưng cho Chúa tôi thờ. Quan nghĩ sao nếu tôi đạp hay bước qua di ảnh cha mẹ tôi? Thưa quan, quan có dám bước qua mặt đức vua không? Nhưng dù quan có bước qua mặt đức vua thì tôi cũng không bao giờ bước qua mặt Chúa tôi thờ.

Thánh Giá là dấu chỉ tình yêu mà Chúa Kitô trao ban cho nhân loại chúng ta. Kính thờ Thánh Giá không phải là kính thờ khúc gỗ hình chữ thập mà là kính thờ Đấng đã yêu thương chúng ta đến cùng, với trái tim chịu đâm thâu và chịu vắt kiệt đến giọt máu, giọt nước cuối cùng và đã chết đau thương trên cây gỗ chữ thập.

Không chấp nhận quá khóa, xét về mặt tiêu cực là cương quyết không báng bổ hay xem thường tình yêu, không bao giờ xúc phạm Đấng yêu thương mình. Dù không quá khóa cách hữu hình nhưng vẫn có đó nhiều người vô tình hay hữu ý, báng bổ tình hiếu đạo khi coi thường các đấng sinh thành. Thánh Giá thực sự bị xúc phạm khi nhiều người báng bổ tình yêu hôn nhân bằng sự thiếu vuông tròn trong nghĩa phu thê. Thánh Giá bị chà đạp bởi không ít người xúc phạm đến tình dân tộc khi họ đặt lợi ích cá nhân hay tập thể của mình trên cả vận mệnh quê hương. Cũng có thể có người đang xúc phạm đến tình yêu của đoàn tín hữu dành cho hàng linh mục, dành cho các đấng bậc chủ chăn, khi xem đàn chiên là thành phần phải cúi đầu (tuân lệnh) ngồi nghe (nghe giảng dạy), và rút ví ra (đóng góp, dâng cúng).

Không chấp nhận quá khóa, xét về mặt tích cực là không chỉ trân trọng tình yêu, kính thờ Đấng yêu mình mà còn tin tưởng vào sức mạnh của tình yêu, cậy trông vào quyền năng của Đấng yêu mình. Tình yêu thật diệu kỳ, mạnh hơn cả sự chết (x.Dc 8,6). Sống có tình, có nghĩa mới thực sự là người (nhân), đúng như thánh ý của Đấng Tạo thành. Cương quyết không quá khóa dù phải hy sinh cả mạng sống đời này, các tiền nhân tử đạo của chúng ta muốn cùng với thánh Phaolô tông đồ khẳng định rằng: Không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, trong Đức Kitô” (x.Rm 8,35). Với tình yêu của Đấng đã chết cho chúng ta ngay khi chúng ta còn là tội nhân, còn là kẻ phản nghịch, các anh hùng tử đạo đã sống yêu thương vượt trên lẽ thường của kiếp phàm hèn (x.Rm 5,1-21). Chúng ta nhận ra điều này nơi bước chân khoan thai của các ngài khi bước ra pháp trường, nơi tấm lòng bao dung của các vị trước những người đang hành khổ và sắp hành hình mình. Thánh Hoàng Lương Cảnh trong gông cùm, tù ngục đã chuyên tâm cầu nguyện: “Xin Chúa cho các quan trị nước cho yên”. Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng tại pháp trường đã nhắn nhủ con trai mình: “Con ơi, hãy tha thứ, đừng báo thù những kẻ tố giác ba”. Ngài còn dặn bè bạn: “Hãy tha thứ vì tôi đã thứ tha”. Linh mục Khoan cùng hai thầy Thành và Hiếu trước lúc bị xử chém đã lớn tiếng cầu nguyện: “Vinh danh chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa, Chúa trời đất, chúng con hiến dâng mạng sống cho Ngài. Xin Chúa chúc phúc cho nhà vua cai trị lâu dài trong an bình. Xin biến đổi trái tim vua để vua tin theo đạo thật, đạo duy nhất đem lại cho con người hạnh phúc đích thật”.

Nói đến Kitô giáo, người ta không thể không nói đến thập giá. Và ở đâu có bóng dáng thập giá là người ta nghĩ ngay đến các Kitô hữu. Các Thánh Tử Đạo, cách riêng các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã anh dũng chấp nhận hy sinh mạng sống, không bước qua thập giá (quá khóa) để minh chứng lòng trung trinh của các Ngài với Đấng là Tình Yêu (1Ga 4,16). Sự kính nhớ, tôn vinh của đoàn cháu con dành cho các Ngài đẹp lòng các Ngài nhất, thiết tưởng không gì hơn là nỗ lực làm rạng rỡ gia phong bằng chính cuộc sống của mình, một cuộc sống nỡ đầy hoa thập giá. Cha ông chúng ta không bước qua thập giá là muốn cháu con giương cao thập giá bằng sự trân trọng tình yêu và làm cho tình yêu đơm hoa kết trái.

Mang Thánh Giá trên người: tốt lắm. Thường xuyên hôn kính Thánh Giá: đạo đức lắm. Biến cuộc đời, con người của mình thành một Cây Thánh Giá sống động giữa đời: sự thánh thiện đích thực, xứng đáng là cháu con các tiền nhân anh hùng tử đạo. Xin đừng quên Chúa Giêsu đã từng khẳng định rằng ai không can đảm vác thập giá mà đi theo Người thì không xứng đáng làm môn đệ của Người (x.Lc 14,27).

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây