CHÚA NHẬT TUẦN 34 THƯỜNG NIÊN – B
LỄ CHÚA KITÔ VUA
Ga 18, 33-37
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XXXIV TN-B - LỄ CHÚA KITÔ VUA
Ca nhập lễ
Con chiên bị giết xứng đáng lãnh nhận quyền năng thiên tính, không ngoan, sức mạnh, danh dự và vinh quang chúc tụng. Nguyện cho Người được vinh quang, và vương quốc Người tồn tại đến muôn đời.
Dẫn vào Thánh Lễ
Anh chị em thân mến! Năm Phụng Vụ kết thúc với lễ Chúa Giêsu Kitô Vua vũ trụ, vì chung cuộc của tạo dựng và cứu độ, là muôn loài nhận biết và tôn thờ Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa, xuống thế làm người cứu chuộc nhân loại, sửa lại và qui hướng vũ trụ vạn vật về cùng đích là Thiên Chúa.
Lễ Chúa Giêsu Kitô Vua vũ trụ, được đặt trong bối cảnh, Người bị dân Do Thái điêư từ nhà ông Cai- Pha đến dinh tổng trần Philatô. Trước mặt vị tổng trấn, Người đã cho biết về Vương quốc và Vương quyền của Người. Vương quốc ấỵ có những đặc tính khác với các nước trần gian, không thuộc về thế gian, không có quân đội và không có biên giới. Vương quyền của Người từ Thiên Chúa Cha tự muôn đời, chứ không phải do người thế trao cho. Người cũng khẳng định Người là Vua, nhưng là Vua Thiên Sai, đến nhằm mục đích làm chứng cho sự thật. Thần dân của Người là những ai thuộc về sự thật và sẵn sàng vâng nghe Lời Người. Để mừng lễ trọng thể này cho xứng đáng, chúng ta xin Chúa thứ tha muôn tội lỗi cho chúng ta.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã muốn quy tụ muôn loài dưới quyền lãnh đạo của Ðức Kitô là người Con Chúa hằng ưu ái, và là Vua toàn thể vũ trụ. Xin cho hết mọi loài thọ sinh đã được cứu khỏi vòng nô lệ tội lỗi biết phụng thờ Chúa là Ðấng cao cả uy linh và không ngớt lời ngợi khen chúc tụng. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: Ðn 7, 13-14
“Quyền năng của Ngài là quyền năng vĩnh cửu”.
Trích sách Tiên tri Ðaniel.
Trong một thị kiến ban đêm, tôi đã ngắm nhìn, và đây tôi thấy như Con Người đến trong đám mây trên trời, Ngài tiến đến vị Bô Lão, và người ta dẫn Ngài đến trước mặt vị Bô Lão. Vị nầy ban cho Ngài quyền năng, vinh dự và vương quốc: tất cả các dân tộc, chi họ, và tiếng nói đều phụng sự Ngài; quyền năng của Ngài là quyền năng vĩnh cửu, không khi nào bị cất mất; vương quốc của Ngài không khi nào bị phá huỷ.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 92, 1ab. 1c-2. 5
Ðáp: Chúa làm vua, Ngài đã mặc thiên oai (c. 1a).
Xướng: Chúa làm vua, Ngài đã mặc thiên oai; Chúa đã vận uy quyền, Ngài đã thắt long đai.
Xướng: Và Ngài giữ vững địa cầu, nó sẽ không còn lung lay. Ngai báu của Ngài thiết lập từ muôn thuở, tự đời đời vẫn có Chúa.
Xướng: Lời chứng bảo của Ngài rất đáng tin, lạy Chúa, sự thánh thiện là của riêng nhà Ngài, cho tới muôn muôn ngàn thuở.
Bài Ðọc II: Kh 1, 5-8
“Người là thủ lãnh các vua trần thế: Người đã làm cho chúng ta nên vương quốc”.
Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.
Nguyện chúc cho anh em được ân sủng và bình an của Chúa Giêsu Kitô, là chứng tá trung thành, là trưởng tử kẻ chết, là thủ lãnh các vua trần thế, là Ðấng đã yêu thương chúng ta, Người đã dùng máu Người mà rửa chúng ta sạch mọi tội lỗi, và đã làm cho chúng ta trở nên vương quốc và tư tế của Thiên Chúa, Cha của Người. Nguyện chúc Người được vinh quang và quyền lực muôn đời. Amen.
Kìa, Người đến trong đám mây, mọi con mắt đã nhìn thấy Người, và cả những kẻ đã đâm Người cũng nhìn thấy Người, các chủng tộc trên địa cầu sẽ than khóc Người. Thật như vậy. Amen.
Chúa là Thiên Chúa, Ðấng đang có, đã có, và sẽ đến, là Ðấng Toàn Năng phán: “Ta là Alpha và Ômêga, là nguyên thuỷ và là cứu cánh”.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Mt 11, 10
Alleluia, alleluia! – Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến: chúc tụng nước Ðavít tổ phụ chúng ta đã đến! – Alleluia.
Phúc Âm: Ga 18, 33b-37
“Quan nói đúng: Tôi là Vua”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Philatô hỏi Chúa Giêsu rằng: “Ông có phải là Vua dân Do-thái không?” Chúa Giêsu đáp: “Quan tự ý nói thế, hay là có người khác nói với quan về tôi?”
Philatô đáp: “Ta đâu phải là người Do-thái. Nhân dân ông cùng các thượng tế đã trao nộp ông cho ta. Ông đã làm gì?” Chúa Giêsu đáp: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thì những người của tôi đã chiến đấu để tôi không bị nộp cho người Do-thái, nhưng mà nước tôi không thuộc chốn này”.
Philatô hỏi lại: “Vậy ông là Vua ư?”
Chúa Giêsu đáp: “Quan nói đúng. Tôi là Vua. Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là chỉ để làm chứng về Chân lý. Ai thuộc về Chân lý thì nghe tiếng Tôi”.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tín hữu
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Chúa Cha đã đặt Chúa Giêsu làm Chúa của Giáo Hội và vũ trụ. Giờ đây chúng ta dâng lời cầu nguyện lên Chúa Cha, xin Ngài ban cho mọi người có những ước muốn ngay lành, và can đảm dấn thân thực hiện, ngõ hầu thế giới được bảo vệ, xây dựng và phát triển.
1. Khi Chúa Giêsu trở lại Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Chúng ta hãy cầu nguyện để Giáo Hội chiếu tỏa ánh sáng của Chúa Giêsu bằng lời rao giảng và chứng tá đời sống, ngõ hầu muôn dân được hưởng ơn cứu độ.
2. Khi Chúa Giêsu trở lại Người sẽ xét xử nhân loại. Chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi người được hưởng hạnh phúc muôn đời mà Thiên Chúa đã chuẩn bị cho họ từ khi tạo thành vũ trụ.
3. Chúng ta hãy cầu nguyện, để khi Chúa trở lại sẽ không còn người đói, khát, hoặc bị tù đầy; và xin Chúa đón nhận lời cầu nguyện của chúng ta, để tất cả những ai đang đau khổ được nâng đỡ, an ủi bằng tình yêu của Chúa và của chúng ta.
4. Chúng ta hãy cầu nguyện, để vào lúc hoàng hôn cuộc đời, chúng ta được Chúa khoan hồng khi xét xử, những hoa trái là thành quả mà chúng ta đã gieo trồng được Chúa chấp nhận. Xin Chúa giúp mỗi người chúng ta cho đi cách quảng đại những gì mà chúng ta đã lãnh nhận cách nhưng không.
Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu vua vũ trụ, xin hãy làm vua ngự trị trong tâm hồn chúng con, xin ban cho chúng con Chúa Thánh Thần, để chúng con phụng sự Chúa trong sự tự do của con cái Chúa, bây giờ và mãi mãi. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, chúng con thành khẩn dâng lên Chúa lễ tế hoà giải của Ðức Kitô, và tha thiết van nài cho mọi dân, mọi nước, nhờ Người, được hiệp nhất và bình an. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
Lời tiền tụng
Lạy Chúa là Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc thật là chính đáng phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con.
Chúa đã xức dầu hoan lạc tấn phong Con Một Chúa là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng con làm linh mục đời đời và làm vua vũ trụ, để khi hiến thân trên bàn thờ thập giá làm lễ phẩm hoà giải và tinh tuyền, người hoàn tất mầu nhiệm cứu chuộc chúng con. Khi đã bắt mọi loài quy phục quyền bính mình, Người trao lại cho Chúa là Ðấng uy linh cao cả, một vương quốc vĩnh cữu và vô biên: vương quốc đầy tràn sự thật và sự sống, đầy tràn ân sủng và thánh thiện, đầy tràn tình thương, công lý và bình an.
Vì thế, cùng với toàn thể Thiên thần và các thánh, chúng con không ngừng hát bài ca chúc tụng Chúa vinh hiển và tung hô rằng:
Thánh! Thánh! Thánh!…
Ca hiệp lễ
Chúa là vua ngự trị tới muôn đời; Chúa sẽ chúc phúc cho dân Người trong cảnh thái bình.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, chúng con được vinh dự sống theo lời giáo huấn của Ðức Kitô là Vua toàn thể vũ trụ, chúng con cũng vừa lãnh nhận thần lương ban sự sống muôn đời: xin cho chúng con được mãi mãi cùng Người hưởng vinh quang thiên quốc. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
Suy niệm
Vua tình yêu
Ngày nay, người ta thường gán chức vua cho những ai thành công trong một lãnh vực nào đó, chẳng hạn như ông Honda là vua xe máy, vì ông rất thành công trong việc chế tạo các loại xe tự động vừa bền lại vừa đẹp. Ông Henri Ford là vua xe hơi. Cầu thủ bóng đá Maradona là vua sân cỏ. Còn Đức Kitô, khi chúng ta tuyên xưng Ngài là vua, thì Ngài là loại vua nào? Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta có thể xác quyết mạnh mẽ mà không sợ lầm lẫn: Ngài là Vua, nhưng lại là Vua Tình Yêu, vì Ngài đứng đầu trong lãnh vực yêu thương phục vụ.
Thực vậy, không một ai đã yêu thương như Ngài. Vì yêu thương, Ngài đã chịu chết ngay cả khi chúng ta là kẻ tội lỗi. Cái chết của Ngài là một bằng chứng hùng hồn, là một đỉnh cao tuyệt vời của tình yêu như lời Ngài nói: Không ai yêu hơn người hiến mạng sống mình vì bạn hữu. Vì yêu thương, Ngài đã tự xoá bỏ mình đi, hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân phận nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Ngài lại còn vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá. Ngài đã hiến thân như người mục tử hy sinh tính mạng để bảo vệ cho đoàn chiên.
Ngài cảm thông thân phận yếu đuối của chúng ta nên không nghiêm khắc kết án. Ngay cả người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Ngài nhân từ dạy chúng ta: Hãy nghiêm khắc với bản thân và rộng rãi với người khác. Không bới lông tìm vết, không nguyền rủa chửi bới. Hãy yêu thương kẻ thù và tha thứ cho nhau mãi mãi. Ngài đề cao phục vụ và kêu gọi chúng ta phục vụ, vì thế Ngài nói: Ta không đến để được phục vụ, nhưng đến để phụv vụ và hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người. Ngài muốn chúng ta noi gương bắt chước Ngài, cũng sống tình bác ái yêu thương và phục vụ.
Và để cho việc yêu thương không chỉ là một lời khuyên tuỳ ý, nhưng là một mệnh lệnh có tính cách bắt buộc, Ngài đã ban bố giới luật yêu thương: Thầy ban cho các con một điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau. Và tình yêu thương đã trở thành một giới răn quan trọng nhất như là lòng kính mến Thiên Chúa.
Tình yêu thương của Chúa Giêsu đã trở nên nguồn cảm hứng vô tận cho biết bao nhiêu sáng kiến, bao nhiêu tổ chức, bao nhiêu phong trào, bao nhiêu dòng tu chuyên lo việc yêu thương phục vụ. Chúng ta thử thưởng tượng xem: Thế giới này sẽ ra sao, nếu đã không có những người, những phong trào, những tổ chức, những dòng tu như thế. Nhân vật hiện nay đang được cả thế giới ngưỡng mộ, tôn vinh đó là Mẹ Têrêsa Calcutta. Vì sao? Vì Mẹ đã noi gương Đức Kitô và thực hành lời Ngài dạy, đó là đem tình thương đến cho những người nghèo khổ và bất hạnh.
Quả thực, trong lịch sử nhân loại, không có một nhân vật nào giàu lòng nhân từ thương xót như Đức Kitô. Thật lạ lùng vì mặc dù là Đấng Tối Cao, Ngài vẫn tự nguyện làm người tôi tớ, phục vụ chúng ta. Và còn lạ lùng hơn nữa vì mặc dù Ngài không cần ai, song Ngài lại muốn cần đến chúng ta và tình yêu của chúng ta. Và sau hết, điều lạ lùng hơn cả vì mặc dù là Thiên Chúa, Ngài lại khao khát trở nên bạn hữu của chúng ta và chờ mong chúng ta tiếp nhận Ngài qua những kẻ khổ đau và bất hạnh.
CHÚA KITÔ VUA B (Gioan 18:33b-37)
Lm Lã Mộng Thường
Mới nghe hoặc đọc đoạn Phúc Âm này, nếu để ý, chúng ta thấy lời đối đáp hoàn toàn khác biệt với lối nói năng, suy nghĩ bình thường của mọi người, “Tự mình ông nói thế hay có ai khác đã nói với ông về tôi?” Câu hỏi này cũng được Phúc Âm đặt thẳng vấn đề với mỗi người chúng ta. Đã bao ngày tháng qua, chúng ta tuyên xưng Chúa Giêsu là vua, nếu tự hỏi mình tự nhận biết Ngài là vua hay chỉ hô lên Ngài là vua theo truyền thống, theo người khác đã dạy mình hô lên như thế?
Nếu tôi không lầm, mọi người chúng ta, ai cũng thế, đều a dua nói theo người khác, nói cho giống họ vì e rằng không nói giống họ coi chừng bị đội cho chiến nón cối rối đạo hoặc không tin theo đạo. Chúng ta thường dùng ngôn từ theo đạo, quả không hợp với danh xưng “Người Kitô hữu” một cách chung chung, chứ chưa dám nói đến danh hiệu “Công giáo.” Đã bao thế kỷ, câu nói “Chúng ta phải tin với Giáo Hội” hoặc đọc theo kinh bổn địa phận Bùi Chu nơi kinh đọc ngày chủ nhật, “Ai chẳng thông công cùng Hội Thánh ấy thì chẳng được rỗi linh hồn.” Chúng ta nói về phần rỗi linh hồn nhưng thử hỏi linh hồn của mình là gì, thế nào; nó màu xanh, đỏ, hoặc tím hay vàng; đã bao giờ mình nhìn thấy nó chưa; nó liên hệ với mình ra sao. Tôi cảm thấy nực cười khi nghe thấy mấy vị tu trì hô lên câu nói đi tu là để cứu rỗi các linh hồn. Tôi bị nghe đi, nghe lại câu này nhiều lần và cứ mỗi lần nghe thấy lại cứ ngứa miệng muốn hỏi vị tu trì ấy rằng họ đã biết được linh hồn của vị ấy là gì, ra sao chưa. Không biết linh hồn của mình thế nào, liên hệ và hoạt động nơi mình ra sao mà ước muốn viễn vông cứu rỗi linh hồn người khác thì nghĩa là chi. Có câu nói nào đó của Đức cha Bùi Tuần, “Giúp thì chẳng được bao nhiêu nhưng đòi hỏi lại quá nhiều,” nghe mà đau lòng, nghe mà dội lên nơi tâm tư tính chất lừa đảo. Chính linh hồn mình mà không biết thì cứu linh hồn người khác thế nào. Tất nhiên, ai cũng có linh hồn nhưng linh hồn của mình là gì, thế nào, mỗi người chúng ta cần tự suy nghiệm, suy nghĩ, suy tư, nghiệm chứng, nghiệm xét cho rõ ràng. Không biết linh hồn mình là gì, liên hệ với cuộc đời nhân sinh của mình ra sao thì có gì mà nói đến tin vào Chúa, tin vào Đức Kitô!
Vậy thì danh hiệu Chúa Kitô vua là thế nào đối với mình? Thử hiểu theo nghĩa từ chương, vua là vị đứng đầu một quốc gia, cùng với hội đồng quốc gia lo kiếm cách sao cho dân hùng, nước mạnh, lo sao cho dân chúng có đời sống ấm no, đề ra những quốc sách sao cho quốc dân thăng tiến, v.v... Chúng ta tuyên xưng Chúa Giêsu là vua vì qua Phúc Âm, Ngài dạy chúng ta, chỉ đường, dẫn lối hành trình tâm linh, hành trình cứu rỗi cho mỗi người. Nhưng đáng thương thay, lời Phúc Âm đã hơn hai ngàn năm vẫn còn được coi như huyền nhiệm. Thử tự hỏi lòng, câu, “Nếu mắt các ngươi làm cớ cho ngươi vấp phạm thì móc mà quăng nó đi” nghĩa là thế nào, làm sao áp dụng nơi cuộc đời mình? Kiếm lại nơi sách vở, nơi hạnh các thánh, nhìn lại chung quanh, ai cũng lành lặn ngoại trừ một vài trường hợp run rủi tai nạn hoặc bị sinh trong cảnh bất thường. Chẳng lẽ mọi người chưa bao giờ vấp phạm. Chẳng những thế, hai ngàn năm qua, cũng không ai thực hành, thực nghiệm câu này nơi cuộc đời. Chẳng lẽ cũng không ai vấp phạm? Vậy lời dạy Phúc Âm được viết ra để làm gì. Không những thế, phỏng được mấy ai đọc và suy nghiệm sao cho có thể hài hòa áp dụng Lời Chúa nơi cuộc sống. Không áp dụng lời dạy của Chúa Giêsu qua Phúc Âm nơi cuộc đời của mình trong khi miệng hô hào Chúa là vua, chỉ là phường lừa đảo, dối trá. Tôi cũng như mọi người, cần suy nghiệm, nghiệm xét lời Chúa, lời Phúc Âm để áp dụng nơi cuộc đời của mình. Không nghiệm xét lời Chúa, đừng hòng mơ tưởng đến ơn cứu độ; bởi mình có biết được cứu khỏi chuyện gì đâu.
Thử đặt vấn đề, nói rằng Chúa đến cứu chúng ta khỏi tội lỗi. Thử xét mình, nếu mình cố gắng ăn ngay ở lành, cố tránh không phạm tội thì lại rơi vào trường hợp từ chối ơn cứu độ; mà ơn cứu độ là ơn nhưng không. Phỏng chúng ta được sinh ra để bị rơi vào vòng luẩn quẩn dù không có cơ hội cũng cố phạm tội vì muốn được cứu rỗi và nếu vậy sao cơ thể chúng ta vẫn còn lành lặn, đẹp đẽ? Thân xác chúng ta còn đẹp đẽ, lành lặn, chẳng lẽ chưa bao giờ vấp phạm hoặc là chúng ta đã coi rẻ lời Chúa?
Đọc nơi Phúc Âm, mục đích cuộc đời của Chúa Giêsu chính là rao giảng Tin Mừng Nước Trời (Lc. 4:43). Chúng ta tuyên xưng Chúa Giêsu là vua vậy chúng ta có biết Tin Mừng Nước Trời là gì không? Mỗi khi chúng ta tham dự thánh lễ hay nghi thức Công giáo, câu đầu tiên vị chủ tế tuyên dương, “Chúa ở cùng anh chị em” và chúng ta thưa, “Và ở cùng cha...” Đó chính là Tin Mừng Nước Trời Chúa Giêsu rao giảng. Thử nghĩ lại xem, nếu mình thực sự nhận biết Thiên Chúa ngự trị và hoạt động nơi mình, mình còn có dám ăn nói tào lao thiên tướng, vấp phạm những điều không nên không phải nữa chăng. Thiển nghĩ, nếu ai đó thực sự nghĩ rằng, thực sự nhận biết Thiên Chúa đang ngự trị nơi mình, dù muốn phạm tội cũng không thể phạm bởi khi mình phạm tội, mình bắt Thiên Chúa nơi mình cùng phạm với mình. Thử hỏi, nhận biết thực sự Thiên Chúa ngự trị nơi mình, phỏng ai đủ can đảm vấp phạm.
Thế nên, tuyên xưng Chúa Giêsu là vua, chúng ta cần để ý luôn luôn, bất cứ lúc nào, dù đang lúc làm công việc gì rằng Thiên Chúa đang ngự trị và hoạt động nơi mình. Khi mình đối xử với bất cứ ai, mình đang trực tiếp đối xử với Thiên Chúa nơi họ. Nhân ngày kính Chúa Giêsu vua hay Kitô vua, tôi thành khẩn, tha thiết xin mọi người đừng dại dột bắt Thiên Chúa nơi mình vấp phạm với mình. Amen.
SỰ THẬT LÀ GÌ?
(Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
Khi tổ chức, hay tiến hành một chương trình, một lễ hội, một cuộc thi đấu… thì ai cũng hiểu rằng “vạn sự khởi đầu nan”, nhưng cũng đã thấy cái bầu khí của “buổi ban đầu” thường khá long trọng và hoành tráng. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng điểm kết thúc mới có tính quyết định. Vào Chúa Nhật cuối cùng của năm Phụng Vụ, khi Giáo Hội suy tôn Chúa Kitô là Vua vũ trụ, thì cũng một cách nào đó muốn nhắn nhủ với con người cách chung và với đoàn con Kitô hữu cách riêng về ý nghĩa đời người. Tính quyết định của hạnh phúc con người có mối liên hệ tất yếu với nội hàm chân lý Chúa Kitô là Vua vũ trụ.
Khi nghe Chúa Giêsu khẳng định rõ ràng: “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”, Philatô đã hỏi lại: “Sự thật là gì?” (x.Ga 18,37-38). Tin Mừng không tường thuật câu trả lời của Chúa Giêsu mà ngưng ở đó để rồi kể tiếp chuyện Philatô lại ra gặp người Do Thái.
Sự thật là gì? Mặc dù có nhiều cái nhìn, nhiều quan niệm khác nhau về sự thật nhưng vẫn có nét tương đồng căn bản. Sự thật là sự tương hợp hay sự đồng nhất giữa nội dung với hình thức, giữa cái bên trong và cái bên ngoài, chẳng hạn như chất lượng sản phẩm hàng hóa đúng với những gì ghi ngoài nhãn hiệu, bao bì… Trên bình diện hữu thể thì có người cho rằng sự thật là sự đồng nhất giữa thực tại với cái biểu hiện. Cũng có người quan niệm sự thật là sự duy nhất, bất biến và thường tồn của thực tại.
1. Sự thật về Đức Kitô:
Theo viễn kiến này thì duy chỉ có Thiên Chúa là sự thật đúng nghĩa. Người không chỉ là “Đấng có sao, có vậy” (x.Xh 3,14) mà người còn là Đấng là An-Pha và Omêga nghĩa là có từ nguyên thủy và tồn tại đến vạn đại thiên thu (x.Kh 1,8). Chính Chúa Kitô đã từng khẳng định Người là sự thật (x.Ga 14,6). Người là Đấng có sao, có vậy, là nguyên thủy và là cùng đích (x.Ga 8,24; 27; 57). Như thế khi nói với Philatô rằng mình đến thế gian là để làm chứng cho sự thật thì Chúa Kitô muốn minh chứng rằng chính Người là căn nguyên và cùng đích của mọi hiện hữu.
Cũng như vạn vật, con người tôi bởi đâu mà ra và rồi sẽ đi về đâu, một câu hỏi đã trở thành vấn nạn khó giải cho nhiều học giả, nhiều triết gia… mọi thời, nay đã có câu trả lời. Các hiện hữu ở đời này, sự hiện hữu của tôi trong cõi đời này có nguồn gốc và đích đến là chính Chúa Kitô. Trong thân phận một công dân, thì “quê hương mỗi người chỉ một, nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nỗi thành người” (Đỗ Trung Quân), thì cũng thế và hơn thế nữa, trong thân phận con người, tôi chỉ thực sự là tôi khi ở trong tương quan với Chúa Kitô. Đúng hơn, sự hiện hữu của tôi, sự sống còn của tôi, ý nghĩa cuộc đời của tôi lệ thuộc vào Đức Kitô. Đây chính là một nội hàm của chân lý Chúa Kitô là Vua vũ trụ mà Giáo Hội long trọng tuyên xưng vào Chúa Nhật cuối cùng của năm Phụng vụ. Tuyên xưng Chúa Kitô là vua có nghĩa là tuyên xưng sự lệ thuộc, sự suy phục của mình vào Chúa Kitô. Vì tất cả mọi loài mọi vật “đều do Thiên Chúa tạo dựng, nhờ Người và cho Người” (Col 1,16).
2. Sự thật về con người:
Được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa (x.St 1,27), con người cũng là sự thật khi nên một với Chúa Kitô. Đấng là hình ảnh Thiên Chúa vô hình đã tự xưng là Con Người. Thánh Tông đồ dân ngoại đã mạnh mẽ khằng định chân lý này: “Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo, vì trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất hữu hình với vô hình” (Col 1,15). Vì là sự thật nên con người phải được yêu quý và tôn trọng cũng như bảo vệ. Dù là một bệnh nhân, dù là một người nghèo khổ, một người thấp cổ, bé phận, dù là một bào thai dị tật… tất thảy đều đáng phải được kính trọng, yêu mến và bảo vệ hơn tất cả những thể chế, luật lệ, nghi thức hay truyền thống… Chúa Kitô đã khẳng định chân lý này khi nhấn mạnh: “Ngày Sabat có ra là vì con người, chứ không phải con người có ra là vì ngày Sabat” (Mc 2,27).
Là loài thọ tạo có vẻ mỏng manh và đầy yếu đuối nhưng con người lại được Thiên Chúa đặt lên làm chủ tể mọi loài trên trời dưới đất (x.St 1,26). Con người là chi mà Chúa nhớ đến, loài người là gì mà Ngài phải bận tâm? (Tv 8,5). Tất cả chỉ vì Thiên Chúa đã đoái nhận loài người làm dưỡng tử trong Con Một dấu yêu của Người là Đức Giêsu Kitô (x.Eph 1,5). Mặc dù có điểm khởi đầu, có kinh qua cánh cửa sự chết, nhưng hiện hữu của con người là bất tận, vì “Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết nhưng là của kẻ sống” (Mt 22,32).
3. Sự thật về hạnh phúc:
Con người đã được dựng nên là tồn tại mãi mãi. Thế nhưng số phận đời đời của mỗi người là được hạnh phúc viên mãn hay phải trầm luân vĩnh viễn còn tùy thái độ sống của mỗi người khi còn tại thế. Con người chỉ có hạnh phúc đích thật khi là chính mình như thuở ban đầu cuộc sáng tạo đó là trở nên hình ảnh của Thiên Chúa. Chúng ta là chính mình khi nên một với Đức Kitô, làm môn đệ của Người. Và Chúa Kitô đã khẳng định khi chúng ta yêu mến nhau như Người đã yêu mến chúng ta thì chúng ta sẽ ở trong tình yêu của Người và đích thực là môn đệ của Người (x.Ga 13,35; 14,9-11).
Chính con tim, tấm lòng của chúng ta dành cho tha nhân, nhất là cho nhũng người bé mọn sẽ quyết định về số phận đời đời của chúng ta (x.Mt 25,31-46). Thánh Gioan Tông Đồ đã nói: “Ai yêu thương thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa vì Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,7-8).
Năm Phụng Vụ sắp kết thúc nhắc nhủ cho chúng ta sự thật này: cái chung cục mới thật quan trọng. Đảm nhận chức vụ này hay ở địa vị kia, sống bậc sống này hay bậc sống nọ, tất thảy đều hướng đến mục đích cuối cùng là được cứu độ, được hạnh phúc viên mãn. Để có hạnh phúc thật, chắc chắn phải đón nhận Sự Thật là Đức Kitô, vì không một ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Người (x.Ga 14,6). Và dưới gầm trời này chỉ có một Danh mang ơn cứu độ là Giêsu Kitô. Khi đã đón nhận sự thật là Chúa Kitô thì chúng ta cũng sẽ biết được sự thật về con người cũng như con đường để đạt được hạnh phúc muôn đời.
Lễ Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 18, 33b-37).
Khi ấy, Philatô hỏi Chúa Giêsu rằng: “Ông có phải là Vua dân Do-thái không?” Chúa Giêsu đáp: “Quan tự ý nói thế, hay là có người khác nói với quan về tôi?”
Philatô đáp: “Ta đâu phải là người Do-thái. Nhân dân ông cùng các thượng tế đã trao nộp ông cho ta. Ông đã làm gì?” Chúa Giêsu đáp: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thì những người của tôi đã chiến đấu để tôi không bị nộp cho người Do-thái, nhưng mà nước tôi không thuộc chốn này”.
Philatô hỏi lại: “Vậy ông là Vua ư?”
Chúa Giêsu đáp: “Quan nói đúng. Tôi là Vua. Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là chỉ để làm chứng về Chân lý. Ai thuộc về Chân lý thì nghe tiếng Tôi”.
Suy niệm
Bước vào tuần lễ cuối cùng của năm phụng vụ, Mẹ Giáo hội cho phép con cái được long trọng mừng lễ Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ trụ, một vị vua không có vương quốc, không có ngai vàng, không có quân đội cũng như không có quyền bính ở thế gian này nhưng có trong tay tất cả. Vậy đó là vị vua của vương quốc nào mà chúng ta được long trọng mừng kính? Đó là vị vua đầy uy quyền và vinh quang của vương quốc tình yêu, vương quốc tha thứ và vương quốc hy sinh. Mừng lễ Chúa Giêsu Kitô Vua vũ trụ, chúng ta cùng hướng về đó như là đích điểm cuộc đời của người tín hữu, cũng như hiện tại mỗi người phải cố gắng để trở thành một công dân thực thụ trong vương quốc đó ngay trong thế gian này, dù vương quốc đó không thuộc về thế gian.
Trở lại với phụng vụ Lời Chúa, chúng ta nghe lời tiên tri Da-ni-el nói về vương quốc tình yêu của Thiên Chúa như thế nào, đặc biệt vương quyền của vị vua đó đầy sức mạnh của tình yêu và tha thứ, tất cả những yếu tố đó liên quan gì đến cuộc đời của chúng ta hôm nay: “Trong một thị kiến ban đêm, tôi đã ngắm nhìn, và đây tôi thấy như Con Người đến trong đám mây trên trời, Ngài tiến đến vị Bô Lão, và người ta dẫn Ngài đến trước mặt vị Bô Lão. Vị nầy ban cho Ngài quyền năng, vinh dự và vương quốc: tất cả các dân tộc, chi họ, và tiếng nói đều phụng sự Ngài; quyền năng của Ngài là quyền năng vĩnh cửu, không khi nào bị cất mất; vương quốc của Ngài không khi nào bị phá huỷ”. Dù đây là một lối văn được tác giả thánh trình bày về những ngày sau cùng của thế giới, ngày cánh chung, nhưng cũng mở ra cho con người thấy uy quyền của Con Người, Đấng ngự trên ngai, thấy được vương quốc đó không có biên giới, không bao giờ bị mai một. Nhờ lối văn này, người đọc phần nào có thể hình dung vương quốc tình yêu của Thiên Chúa sẽ ra sao, nơi mà không có bóng dáng của đau khổ, của chết chóc, của hận thù, của bạo lực. Trong vương quốc đó, sự bình an đích thực sẽ ngự trị, nguồn hạnh phúc viên mãn sẽ rợp bóng trên mọi người. Phải chăng đó là cách các tác giả thánh nói trước về Nước Thiên Chúa trong ngày sau cùng của thế giới này.
Cùng dòng văn Khải huyền, tác giả bài đọc 2 trích từ sách Khải huyền cũng mời gọi người đọc hướng về một vương quốc mai sau, nơi đó uy quyền của vị vua ngự trên ngai thật oai phong lẫm liệt: “Kìa, Người đến trong đám mây, mọi con mắt đã nhìn thấy Người, và cả những kẻ đã đâm Người cũng nhìn thấy Người, các chủng tộc trên địa cầu sẽ than khóc Người. Thật như vậy. Amen.
Chúa là Thiên Chúa, Ðấng đang có, đã có, và sẽ đến, là Ðấng Toàn Năng phán: “Ta là Alpha và Ômêga, là nguyên thuỷ và là cứu cánh”. Đấng ngự trên ngai được loan báo trước là Thiên Chúa, là nguyên thủy và cứu cánh của nhân loại, tất cả mọi dân tộc dưới bầu trời này sẽ quy tụ về trước ngai tòa của Đấng Toàn năng để nghe phán dạy về cuộc đời của mỗi người. Đó là ngày cuối cùng của thế giới, ngày Thiên Chúa đặt mọi quyền lực của thế gian dưới chân Ngài, trong đó có sức mạnh của tội lỗi và sự chết. Trong vương quốc đó, Đấng ngự trên ngai là Đấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, đã đem mọi người trở về đoàn tụ trong một gia đình, đó là gia đình của Thiên Chúa.
Bài Tin Mừng được thánh Gioan mô tả lại phiên tòa trong vụ án Đức Giêsu. Hai nhân vật nổi bật trong vụ án là Đức Giêsu và Philatô đã chất vấn lẫn nhau. Bị cáo là Đức Giêsu, quan tòa là Philatô. Có thể nói khởi đầu đây là một vụ án chính trị, vậy mà tất cả đã xoay chuyển hoàn toàn, vụ án này trở thành nơi để thẩm vấn lương tâm mỗi người. Trong vai trò quan tòa, Philatô đã thẩm vấn Đức Giêsu với những tính toán rất thế gian: “Khi ấy, Philatô hỏi Chúa Giêsu rằng: “Ông có phải là Vua dân Do-thái không?” Chúa Giêsu đáp: “Quan tự ý nói thế, hay là có người khác nói với quan về tôi?”. Lời thẩm vấn của Philatô dựa vào lời tố cáo của dân chúng, để kết án Đức Giêsu là người nổi loạn chống lại Hoàng đế, nhưng không may từ đây, tình tiết vụ án đã nghiêng về tôn giáo, bởi Đức Giêsu khẳng định trước mặt quan rằng Ngài là Vua đích thực, nhưng là vua của vương quốc nào? Philatô đã lúng túng, chỗ đứng của quan tòa và bị cáo đã được hoán đổi. Câu trả lời của vị thẩm phán cho thấy vụ án đã đổi màu: “Philatô đáp: “Ta đâu phải là người Do-thái. Nhân dân ông cùng các thượng tế đã trao nộp ông cho ta. Ông đã làm gì?” Chúa Giêsu đáp: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thì những người của tôi đã chiến đấu để tôi không bị nộp cho người Do-thái, nhưng mà nước tôi không thuộc chốn này”. Không thuộc về thế gian ở đây theo nghĩa tin thần chứ không theo nghĩa vật lý. Vương quốc của Đức Giêsu là vương quốc tình yêu, vương quốc sự thật, nhưng thế gian không chấp nhận sự hiện diện của Ngài, nghĩa là thế gian không chấp nhận sự thật, không chấp nhận nguồn mạch tình yêu đích thực. Vì thế, vương quốc đó không thuộc về thế gian. Lời khẳng định của Đức Giêsu trước tòa án vô tình biến quan tòa trở thành bị cáo, trở thành tội đồ, bởi ông ta đã chối bỏ trách nhiệm, chối bỏ sự thật trong bổn phận của người đứng đầu một lãnh thổ: “Chúa Giêsu đáp: “Quan nói đúng. Tôi là Vua. Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là chỉ để làm chứng về Chân lý. Ai thuộc về Chân lý thì nghe tiếng Tôi”.
Trước phiên tòa, Đức Giêsu đã giới thiệu về nhân thân của Ngài, tôi là Vua. Vị Vua này có một vương quốc bao la là thế giới này, thế nhưng vương quốc đó lại không thuộc về thế gian theo góc nhìn của tinh thần. Chân lý hay còn gọi là sự thật đến từ trời, thế gian này vì những lợi ích hiện tại, không thiếu những lần đã phủ nhận sự thật, chối bỏ chân lý, do đó, vương quốc của chân lý, của sự thật luôn bị chối bỏ, luôn bị loại trừ. Người môn đệ của Đức Giêsu là người luôn có sự hiện diện của Thầy Chí Thánh trong cuộc đời, do đó, tiếng nói sâu thẳm bên trong được gọi là tiếng lương tâm, là tiếng Thiên Chúa nhắc nhở phải làm gì, phải có những chọn lựa như thế nào phù hợp với chân lý, với sự thật.
Cuộc sống hiện tại của con người đang chạy theo những nhu cầu thực dụng, vì thế, khi nói về số phận tương lai, con người cho rằng đó là chuyện viễn vông, là ảo tưởng. Chính những quan niệm mang tính thực dụng đó vô tình đẩy con người đi đến chỗ phủ nhận sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới này. Khi phủ nhận Thiên Chúa, con người sẽ chối bỏ tiếng nói của Ngài trong tâm hồn, trong cuộc sống. Con người là một tạo vật có lý trí và ý chí, vì thế, con người hàng ngày vận dụng lý trí và ý chí để mở rộng cuộc sống và họ đã có nhiều thành công. Trước những thành công đó, với tính tự mãn, con người phủ nhận bàn tay quan phòng của Thiên Chúa, phủ nhận Ngài là chủ tể mọi loài mọi vật. Với những suy nghĩ rất thế gian đó, con người khó có thể đi vào vương quốc của sự thật, vương quốc của chân lý, nếu như họ không thay đổi não trạng, thay đổi tư duy và thay đổi cách nhìn về con người.
Trong đời sống tôn giáo cũng vậy, Thiên Chúa là Đấng toàn năng, là Nguyên Thủy và Cứu Cánh. Do đó, khi con người chân nhận Ngài là chủ tể cuộc đời của mình, con người cần phải thay đổi quan niệm về hình ảnh của Ngài. Niềm tin chân thành và khiêm tốn luôn đưa họ đến gần Ngài, bởi qua vũ trụ, qua thế giới và qua bao biến cố, con người luôn nhận ra bàn tay quan phòng của Thiên Chúa bằng tình yêu thương ẩn hiện đâu đó. Thay đổi hình ảnh Thiên Chúa trong cuộc đời của mình, họ càng cần thiết phải thay đổi cách giữ đạo hàng ngày. Thiên Chúa không vui thích khi thấy giữ đạo theo hình thức bên ngoài với những lễ nghi trang trọng, với những màu sắc sặc sỡ, Thiên Chúa cần một tấm lòng. Lề luật của Giáo hội là những bảng chỉ đường giúp tiến về quê trời trong niềm vui và bình an, chứ không phải là gánh nặng, là áp lực tôn giáo, nhưng nếu không tôn trọng lề luật, con người dễ vượt ra khỏi quỹ đạo của tình yêu, dễ lầm lạc trong quan niệm về tôn giáo, về sự thật và chân lý đích thực. Vì thế, khi chối bỏ sự thật và chân lý, nhân loại khó chấp nhận một Đấng đã tự nhận mình là Vua của sự thật, là Vua của chân lý đang hiện diện giữa thế giới này.
Lạy Chúa Giêsu Kitô, Ngài là Vua, chúng con tin nhận và tuyên xưng, xin Ngài tha thứ cho những lầm lỗi vì cố chấp, vì tự mãn đã chối bỏ tình yêu cứu độ và sự thật trong cuộc sống, để chạy theo những ảo tưởng sức mạnh của thế gian, từ đây, xin Ngài cho chúng con trở thành những công dân trong vương quốc của Ngài, vương quốc của chân lý và sự thật. Chúa đã cho người tội lỗi cùng đóng đinh với Ngài được vào vương quốc đó sau khi anh ta biết sám hối và tin vào tình thương của Ngài, xin cho chúng con biết chấp nhận thân phận tội lỗi của mình, để biết sám hối, để biết ăn năn trở về, hầu mai sau được Vua tình yêu đón nhận vào vương quốc của Ngài là Nước Trời. Amen.