TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

CN I Mùa Vọng – Khai mạc THĐGM

21/11/2021 07:30:59 |   806

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C
Khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục cấp giáo phận
(Bắt đầu chu kỳ Phụng Vụ C 2022 – 2023)

Cn01 MV C

Lc 21, 25-28.34-36

 

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Chúa Nhật I Mùa Vọng mở đầu năm Phụng Vụ mới. “Mùa Vọng có hai đặc tính: vừa là mùa chuẩn bị mừng lễ trọng Giáng Sinh, trong lễ này kính nhớ việc Con Thiên Chúa đến lần thứ nhất với loài người; vừa là mùa mà qua việc kính nhớ này, các tín hữu hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày tận thế. Vì hai lý do này Mùa Vọng được coi như mùa sốt sáng và hân hoan mong đợi (AC.39). Bắt đầu với Mùa Vọng là thời gian đặc biệt trông chờ Chúa đến, Hội Thánh dùng Lời Chúa để mời gọi mọi người tín hữu hãy tỉnh thức và cầu nguyện, hãy tấn tới hơn trong đời sống đức tin, cậy, mến để chờ đón ngày Chúa Kitô lại đến trong vinh quang.

Sự mong đợi chỉ có ý nghĩa và giá trị thật sự, khi chúng ta biết nghe lời Hội Thánh mời gọi thống hối ăn năn mọi tội lỗi và lỡ lầm. Vì thế, chúng ta hãy cùng nhau xin Chúa tha thứ cho chúng ta và chính chúng ta cũng biết tha thứ cho nhau, để thánh lễ chúng ta sắp cử hành được Chúa vui nhận.

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, con vươn linh hồn lên tới Chúa, con tin cậy vào Chúa, xin đừng để con tủi hổ. Xin đừng để quân thù hoan hỉ về con, vì tất cả những ai trông cậy Chúa, sẽ chẳng hổ người.

Không đọc Kinh Vinh Danh

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa Cha toàn năng, xin cho đoàn tín hữu chúng con hằng quyết tâm làm việc thiện, để đón chào Con Chúa đang ngự đến xét xử trần gian. Nhờ đó, chúng con sẽ được Người cho ở bên hữu, và gọi vào hưởng phúc Nước Trời. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: Gr 33, 14-16

“Ta sẽ làm nảy sinh cho Ðavít một chồi công chính”.

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Ðây lời Chúa phán: Ðã đến ngày Ta sẽ thực hiện tin mừng Ta loan báo về nhà Israel và nhà Giuđa. Trong những ngày đó và trong thời gian đó, Ta sẽ làm nảy sinh cho Ðavít một chồi công chính, Ngài sẽ xét xử và thi hành công lý trong xứ sở. Trong những ngày đó, Giuđa sẽ được cứu thoát, Giêrusalem sẽ sống yên ổn. Và đây là tên người ta sẽ gọi Ngài: “Thiên Chúa, Ðấng Công Chính của chúng tôi”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 24, 4bc-5ab. 8-9. 10 và 14

Ðáp: Lạy Chúa, con vươn linh hồn lên tới Chúa (c. 1b).

Xướng: Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa; xin dạy bảo con về lối bước của Ngài. Xin hướng dẫn con trong chân lý và dạy bảo con, vì Chúa là Thiên Chúa cứu độ con. 

Xướng: Chúa nhân hậu và công minh, vì thế Ngài sẽ dạy cho tội nhân hay đường lối. Ngài hướng dẫn kẻ khiêm cung trong đức công minh, dạy bảo người khiêm cung đường lối của Ngài. 

Xướng: Tất cả đường nẻo Chúa là ân sủng và trung thành, dành cho những ai giữ minh ước và điều răn Chúa. Chúa thân mật với những ai tôn sợ Chúa, và tỏ cho họ biết lời minh ước của Ngài. 

Bài Ðọc II: 1 Tx 3, 12 – 4, 2

“Xin Chúa làm cho lòng anh em nên dũng cảm khi Chúa Kitô đến”.

Trích thư thứ I của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxa-lônica.

Anh em thân mến, xin Chúa gia tăng và ban cho anh em tràn đầy lòng thương yêu nhau, và thương yêu mọi người như chúng tôi đối với anh em, để lòng anh em được bền vững trên đường thánh thiện, không có gì đáng trách trước mặt Thiên Chúa là Cha chúng ta, trong ngày Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ngự đến cùng với tất cả các Thánh. Amen.

Anh em thân mến, ngoài ra, tôi còn van nài anh em trong Chúa Giêsu điều này, là như anh em được chúng tôi bảo cho biết phải sống thế nào cho đẹp lòng Chúa, anh em đang sống như vậy, xin anh em cứ tiến thêm nữa. Vì anh em biết rõ huấn thị chúng tôi nhân danh Chúa Giêsu đã ban cho anh em.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Tv 84, 8

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, và ban ơn cứu rỗi cho chúng con. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 21, 25-28, 34-36

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển. Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả. Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến.

Các con hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề, vì chè chén say sưa và lo lắng việc đời, mà ngày đó thình lình đến với các con, như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất. Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!”

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Chúa Giêsu mời gọi chúng ta tỉnh thức, tức là Ngài muốn chúng ta phải sốt sáng luôn trong mọi hoàn cảnh và tình huống, nhất là tỉnh thức trong cầu nguyện. Vậy chúng ta hãy thân thưa với Người.

1. “Ngài sẽ xét xử và thi hành công lý trong xứ sở”.- Xin Thần Trí khôn ngoan hướng dẫn các vị chù chăn trong Hội Thánh, để các ngài luôn trình bày cho thế giới sứ điệp cứu rỗi của một Thiên Chúa giầu lòng xót thương.

2. “Xin Chúa làm cho lòng anh em nên dũng cảm khi Chúa Kitô đến“.- Xin tình yêu Chúa Kitô hun đúc tâm tình các tín hữu, để khi chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh, họ cũng biết giữ tâm hồn tránh xa tội lỗi và sống đời hoàn thiện.

3. “Các con hãy tĩnh thức và cầu nguyện luôn”.– Xin cho tội nhân ý thức họ có trách nhiệm lo cho ơn cứu độ của mình, để họ biết cố gắng hoán cải đời sống và chu toàn những điều kiện để được ơn đó.

Các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ”.- Xin Chúa cho mọi người trong giáo xứ chúng ta được sự bình tĩnh thay vì khiếp đảm thất vọng nhờ đó, họ dễ dàng nhận ra thời giờ Chúa đến viếng thăm.

Chủ tếLạy Chúa, xin giúp chúng con luôn nhớ trách nhiệm phải sống gắn bó với Chúa, biết tìm gặp Chúa trong mọi biến cố cuộc đời, để lần Chúa viếng thăm không phải là phút giây ngỡ ngàng, nhưng là giờ ân phúc và cứu rỗi cho chúng con. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, đây là bánh rượu chúng con đã chọn lựa trong muôn vàn phúc lộc chính Chúa đã thương ban. Cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận, và làm cho Thánh Lễ tạ ơn giờ đây chúng con dâng tiến, trở nên bảo chứng ơn cứu độ muôn đời cho chúng con. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng mùa vọng I

Ca hiệp lễ

Chúa sẽ ban cho mọi điều thiên hảo, và Đất Nước chúng con sẽ sinh bông trái.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã dùng bí tích Thánh Thể để dạy chúng con là những kẻ lữ hành dưới thế biết mến yêu và gắn bó với những thực tại bền vững trên trời. Xin cho bí tích chúng con vừa cử hành đem lại cho chúng con muôn vàn ân sủng. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Dọn dẹp bàn ghế

Đêm 15.4.1912, chiếc tàu Titanic đang chạy trên vùng bắc Đại Tây Dương thì đụng phải một tảng băng sơn, khiến cho con tàu bị chìm và hơn 1500 người bị thiệt mạng. Đây là một trong những tai nạn đường biển khủng khiếp nhất của lịch sử từ trước đến nay.

Cách đây vài năm khi thuật lại thảm họa này trong một bài báo, tác giả đã đưa ra một câu hỏi có tính cách châm biến: Nếu chúng ta có mặt ở đó, lúc tàu Titanic đang chìm, thì liệu chúng ta có còn tiếp tục dọn dẹp bàn ghế trên tàu hay không?

Thoạt nghe câu hỏi này, chúng ta thấy nó khôi hài làm sao, bởi vì khi còi báo động vang lên, thì người còn chút tỉnh tảo, ai lại đi dọn dẹp bàn ghế giữa những tiếng kêu la kinh hoàng và khủng khiếp của những kẻ sắp chết đuối? Tuy nhiên, nếu đọc tiếp bài báo chúng ta sẽ hiểu được tại sao tác giả lại nêu lên cau hỏi kỳ quặc ấy, để rồi chính bản thân chúng ta cũng sẽ tự hỏi: Nếu bây giờ cuộc đời tôi, như con tàu, đang chìm dần vào cõi chết, biết đâu tôi lại còn đang mải mê lo dọp dẹp bàn ghế, nghĩa là tôi đang còn mải mê lo những chuyện vật chất đời này mà quên đi những việc đạo đức thiêng liêng của mình, hay là cứ miệt mài kiếm sống đến nỗi chẳng còn biết đến mục đích cuối cùng của đời mình là gì nữa, chẳng còn biết rằng cuộc sống hiện tại là một chuẩn bị cần thiết cho tương lai vĩnh cửu?

Bởi đó, qua đoạn Tin Mừng sáng hôm nay, Chúa Giêsu cảnh cáo chúng ta: Các con đừng bê tha, chè chén say sưa hay quá lo lắng việc đời. Ngài khuyên chúng ta hãy tỉnh thức và cầu nguyện trông chờ Chúa đến vào lúc cuộc sống dương thế này được chấm dứt để chúng ta bước sang cuộc đời mai hậu. Chủ đề này được Chúa nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong Phúc Âm: Hãy tỉnh thức vì Con Người sẽ đến vào ngày các con không ngờ, vào giờ các con không biết.

Và đây cũng chính là tâm tình Giáo Hội muốn chúng ta sống trong Mùa Vọng, không phải chỉ bốn tuần lễ trước Giáng sinh, mà còn trong suốt cả cuộc đời bởi vì cuộc đời chúng ta cũng chính là một Mùa Vọng.

Ước chi trong giây phút cuối cùng, chúng ta có thể bình thản thưa lên cùng Chúa: Lạy Chúa, sau bao nhiêu trung thành với việc tỉnh thức và cầu nguyện, thì giờ đây con vui mừng được gặp Chúa. Và rồi Chúa sẽ nói với chúng ta: Hãy đến đây hỡi những người con yêu dấu của Ta, sau bao nhiêu năm tháng xa cách, Ta hết sức vui mừng được gặp lại các con. Hãy tỉnh thức như những cô trinh nữ khôn ngoan đi đón chàng rể, để bất kỳ lúc nào Chúa đến, chúng ta cũng sẵn sàng thưa lên cùng Chúa: Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa.
 

QUẺ ĐẦU NĂM MỚI
 

(Chúa Nhật I Mùa Vọng C) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Một năm Phụng vụ mới lại về. Tôi đã từng ví ngày Chúa Nhật I Mùa Vọng như là ngày Tết của đức tin. Với người dân trên hoàn cầu, cách riêng với con dân đất Việt thì những sự kiện, những sứ điệp… trong dịp đầu năm vốn thường mang tính thiêng thánh cách nào đó. Người ta nhận ra điều này qua những tục lệ kiêng cử, kỵ úy hay những tập tục hái lộc, xin xăm… Tín hữu Công giáo Việt Nam đã quen với việc hái lộc Lời Chúa dịp đầu xuân dân tộc. Có thể nói rằng các bài trích đọc Lời Chúa trong Chúa Nhật I Mùa Vọng không phải là lộc hái mà chính là lộc ban cho đoàn con cái Chúa Công giáo. Xin được tuần tự mở lộc để không chỉ xem “Thánh phán” mà nhất là còn để thực thi “Thiên Ý”.

Lời Chúa trong sách ngôn sứ Giêrêmia (Gr 33,14-16): “Sấm ngôn của Đức Chúa: Này sẽ đến những ngày Ta sẽ thực hiện điều tốt lành Ta đã phán về nhà Isrsel và về Giuđa…” (33,14). Điều tốt lành mà Thiên Chúa hứa ban đó là sẽ cho mọc lên một Đấng Công Chính. Đấng ấy sẽ giải cứu dân và cho dân được an cư lạc nghiệp bằng các chủ trương, chính sách, luật lệ đầy chính trực và công minh.

Đây là một quẻ tốt, nói như anh em lương dân. Kitô hữu thì khẳng định đó là một tin vui, một sứ điệp tràn trề hy vọng. Thế nhưng cái quẻ ấy, cái sứ điệp ấy đã ứng nghiệm cách đây hơn hai ngàn năm nơi Đức Giêsu Kitô. Vậy còn gì để mong, còn gì để chờ? Xin thưa vẫn còn. Chúa Kitô đã từng hứa rằng “Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Đấng Công Chính mãi ở cùng nhân loại chúng ta cách huyền nhiệm nơi thánh Phaolô, người đã từng khẳng định: “tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà Chúa Kitô đang sống trong tôi” (Gl 2,20), nơi thánh Gioan Vianey, người được một cụ ông xác nhận trước tòa phong thánh rằng đã thấy Thiên Chúa hiện diện nơi Ngài. Chắc hẳn Chúa Kitô hằng khát mong mỗi người chúng ta góp phần để cho sứ điệp hy vọng ấy được ứng nghiệm trong môi trường, hoàn cảnh và thời đại chúng ta. Mong cho sứ điệp hy vọng được ứng nghiệm là điều tốt, nhưng góp phần làm cho sứ điệp ấy thành hiện thực thì tốt hơn nhiều. Xin đừng quên, mang danh Kitô hữu thì phải có trách vụ làm cho Đức Kitô hiện diện nơi con người và cuộc sống của mình, nghĩa là hãy làm cho mình, cuộc sống của mình trở thành sứ điệp của niềm hy vọng.

Thánh Phaolô tông đồ đã nhìn nhận tình yêu thương, liên đới giữa các tín hữu Thêxalônica. Và Ngài khuyên nhủ họ hãy bền tâm vững chí trong sự thánh thiện, tấn tới nhiều hơn nữa trong việc yêu thương nhau hầu xứng đáng đón chờ Đức Kitô lại đến trong vinh quang. Các nhà chú giải Thánh Kinh cho ta hay thánh Tông đồ dân ngoại thuở ấy những tưởng rằng Chúa Kitô sắp giáng lâm. Giờ ngày Chúa Kitô tái giáng tức là ngày tận thế thì không một ai có thể biết, ngay cả với Chúa Kitô khi còn tại thế (x.Mc 13,32). Tuy nhiên cái ngày giờ mỗi người chúng ta ra khỏi trần gian này thì có thể lường đoán cách nào đó vì nó có giới hạn. Chúa sẽ đến với anh, với chị, với bạn, với tôi không biết khi nào, nhưng chắc chắn là không quá xa. Vấn đề đặt ra là thái độ của chúng ta khi đón Chúa đến. Và thái độ ấy tùy thuộc vào niềm tin của chúng ta.

Bài trích Tin mừng thánh Luca Chúa Nhật này hé mở cho chúng ta về mục đích việc Chúa lại đến. Chúa đến để cứu độ chúng ta, ban hạnh phúc vĩnh cửu cho chúng ta. Chúa Kitô khẳng định sự thật này: “Khi những biến cố ấy (những điềm lạ của thiên nhiên) bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc” (Lc 21, 28). Chúa đến để ban ân phúc thì sao ta lại hãi sợ? Trái lại, trong niềm tin thì chúng ta phải hân hoan vui mừng. Tuy nhiên cần phải tỉnh thức, canh chừng chớ để vuột mất ân phúc Chúa ban tặng. Đây chính là sứ điệp Chúa Kitô muốn nhắn gửi chúng ta. Người nhắc bảo chúng ta hãy “đứng thẳng và ngẩng đầu lên”, đừng để “lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời” và “hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn”. Qua các mệnh lệnh của Chúa Kitô trên đây chúng ta có thể xếp thành hai chuỗi động thái hữu quan như sau:

1. Đứng thẳng: đây là động thái dứt mình khỏi hố sâu tội lỗi, hay những đam mê bất chính mà cụm từ “chè chén say sưa” minh họa. Để có thể đứng thẳng lên, nghĩa là ra khỏi tình trạng tội lỗi thì tiên vàn phải biết mình, một kiểu biết theo ngôn ngữ triết học là phản tỉnh và ngôn ngữ đạo đức là tỉnh thức. Đức giáo hoàng Phaolô VI đã từng nhận xét rằng cái hiểm họa của con người thời đại hôm nay không phải là phạm nhiều thứ tội mà là không còn ý thức về sự tội. Không ý thức việc mình vấp té thì sẽ không bao giờ có chuyện chỗi dậy. Không biết mình ngã quỵ thì không bao giờ có chuyện đứng lên.

2. Ngẩng đầu lên: Đây là động thái hướng thượng, vươn mình lên tới những giá trị cao cả hơn. Thiên Chúa dựng nên mọi sự ở trần gian này đều là tốt đẹp (x. St 1). Tuy nhiên thần dữ đã ma mãnh sử dụng những thiện hảo giới hạn, chóng qua để kìm giữ con người không vuơn lên đến với nguồn của mọi thiện hảo. Là người, chúng ta phải chu toàn những sự ở đời này, nhưng đừng để chúng trói buộc chúng ta không cho chúng ta hướng thượng, bay lên. Chúa Kitô đã từng lập luận kiểu so sánh mạng sống với của ăn, thân thể với áo mặc, để dạy bảo chúng ta phải biết kiếm tìm thiện hảo cao hơn và cao nhất là Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người (x.Mt 6,25-34). Và Người đã cảnh tỉnh rằng nhiều khi chúng ta đã để cho cái việc “lo lắng sự đời” trở nên nguyên cớ khiến chúng ta đánh mất vĩnh phúc.

Để có thể thoát khỏi những ràng buộc của những thiện hảo hữu hạn thì không gì hơn là phải biết ngẩng đầu lên. Cầu nguyện chính là cách thế ngẩng đầu lên, chiêm ngắm, gặp gỡ Đấng là nguồn mọi thiện hảo. Gặp được Đấng ban ơn lành thì chúng ta sẽ dễ dàng tự do với các ơn lành. Tiếp xúc với nguồn hạnh phúc đích thật, vĩnh tồn, thì chúng ta cũng sẽ dễ dàng tự do với những thiện hảo hữu hạn và chóng qua.

Sứ điệp đầu năm đã tuyên ban hay nói như anh em lương dân là quẻ đã mở. Không phải ngồi chờ quẻ ứng, Kitô hữu chúng ta đón nhận sứ điệp là phải sống, phải gắng công, nỗ lực làm cho sứ điệp thành hiện thực. Đó là đứng dậy ra khỏi tình trạng tội lỗi, ngẩng đầu lên trong sự hướng thượng, vươn tới những giá trị cao cả, để trở nên một dấu chỉ hy vọng cho tha nhân bằng tình yêu trong sự công mình chính trực hay nói như Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI là bằng “Bác Ái trong Chân Lý”.

CHÚA NHẬT 1C MÙA VỌNG (Lc. 21:25-28, 34-36)
Lm Lã Mộng Thường

Thêm một lần chúng ta nghe Lời Chúa nơi Phúc Âm thánh Luca nói về những hiện tượng đáng sợ sẽ xảy đến nếu hiểu theo lối nhìn thế tục, mắt trần có thể nhìn thấy và tai mọi người có thể nghe được, “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ vì các tầng trời sẽ rung chuyển.”

Nếu nói rằng những lời của Đức Giêsu được ghi lại nơi Phúc Âm chỉ được dành riêng cho những người sống đồng thời với Ngài thì sự thể rõ ràng qua lịch sử thế giới minh chứng đã chẳng có những chuyện này xảy ra suốt hai ngàn năm qua. Nếu nói rằng lời Phúc Âm chỉ dành cho chúng ta thời nay, điều hiển nhiên thật quá may mắn cho bao nhiêu người đã qua đi nơi khoảng thời gian hai mươi thế kỷ đã đi vào quá khứ.

Thêm vào đó, bởi không thực tâm suy nghĩ, đặt vấn đề, và nghiệm chứng để rồi chấp nhận và giải thích lời Phúc Âm theo quan điểm thế tục, cho dù dưới khía cạnh luân lý hoặc tâm lý hay bất cứ chiều hướng tư duy nào, chúng ta đã vô tình minh chứng Lời Chúa chỉ là những câu nói đe dọa suông, chẳng khác gì rung cây nhát khỉ.

Hơn nữa, nếu lại cũng cho rằng lời Phúc Âm nói về ngày sau hết, đã hai mươi thế kỷ đi vào quên lãng thì thêm một thế kỷ nào có chi quá dài, chúng ta lại cũng vô tình khuyến khích giới trẻ tha hồ tự do thực hiện những gì họ thích vì về già sẽ ăn năn hối cải cũng chưa muộn.

Tuy nhiên, nếu suy nghiệm về bài Phúc Âm chúng ta vừa nghe theo ánh sáng Tin Mừng Nước Trời, Thiên Chúa hiện diện và hoạt động nơi con người, nơi mọi vật, mọi loài thì những viễn ảnh về ngày Chúa đến được nhắc tới nơi Phúc Âm chính là lối nói ám định diễn tả về trạng thái nhận định nơi tâm thức của bất cứ ai theo đuổi lời xác quyết cũng nơi Phúc Âm Luca, “Và Ta bảo các ngươi: Hãy xin thì sẽ được; hãy tìm thì sẽ gặp; hãy gõ thì sẽ mở cho” (11:9).

Mọi người đều biết nằm lòng, điều quan trọng nhất mà Phúc Âm đề nghị đó là, “Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, và các điều khác sẽ được ban cho các ngươi” (Mt. 6:33). Tìm kiếm Nước Thiên Chúa có nghĩa luôn luôn để tâm suy nghiệm sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa nơi mình từng giây từng phút. Dù trong lúc lái tàu đánh tôm hay cào sò, hoặc nấu nướng, làm những công việc bếp núc, dù khi chuyện vãn hay lái xe đi nơi này nơi kia, hay thực hiện bất cứ công việc gì, tâm trí chúng ta luôn luôn để ý nhận thức chính Thiên Chúa đang thực hiện công việc nơi mình. Lâu dần chúng ta sẽ đạt tới trạng thái bỏ ngỏ, thay vì mình cố gắng bỏ công sức tính toán, chúng ta chỉ thực hiện những gì cần, nên, phải và đáng làm... Nói cách khác, chúng ta thực sự nhận thức được mình chỉ là công cụ cho Thiên Chúa thực hiện chương trình của Ngài nơi cuộc đời mình. Đây chính là trạng thái mà thánh PhaoLô đã diễn tả nơi thư gửi tín hữu Galat, “Tôi sống, nhưng không phải tôi, mà là chính Đức Kitô sống trong tôi” (2:20).

Lời Chúa qua bài Phúc Âm khuyên chúng ta, “Chúng con hãy giữ mình kẻo lòng chúng con ra nặng nề vì chè chén say sưa và lo lắng việc đời mà ngày đó thình lình đến với chúng con... Vậy chúng con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!” Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn có nghĩa luôn luôn nhận thức sự hiện diện của Thiên Chúa nơi mình. Dùng ngôn từ Thiên Chúa có vẻ quá xa vời, đơn giản hơn, nếu bất cứ ai, lúc nào cũng để ý rằng con tim đang đập, lá phổi đang thở... chính quyền lực của Thiên Chúa đang hoạt động nơi mình..., chỉ một thời gian không lâu, người đó sẽ cảm nhận được nhiều sự lạ từ xưa tới nay vẫn thường xảy đến nơi cuộc đời nhưng đã vì vô tình nên không để ý. Nói cách khác, nếu con tim chúng ta ngưng đập hoặc lá phổi không thở, thì dù cho trời sập cũng không thành vấn đề. Bài Phúc Âm hôm nay nhắc nhở chúng ta nên luôn luôn nhận thức sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa nơi mỗi người.


Chúa Nhật I Mùa Vọng –C
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 21, 25-28, 34-36).

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển. Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả. Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến.
Các con hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề, vì chè chén say sưa và lo lắng việc đời, mà ngày đó thình lình đến với các con, như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất. Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!”

Suy niệm

Bước vào năm mới phụng vụ, Giáo hội chuẩn bị cho con cái đón mừng đại lễ Giáng sinh với những ngày đặc biệt của mùa vọng. Mùa vọng là mùa đợi trông, là những ngày đợi chờ trong hy vọng và mừng vui, cho dù sắc màu phụng vụ là tím nhưng đó là màu tím hy vọng, màu tím đợi chờ chứ không phải màu tím của tang tóc hay đau buồn. Phụng vụ Lời Chúa của tuần đầu mùa vọng gợi nhắc cho chúng ta luôn ý thức về điểm kết thúc cuộc đời ra sao, để hôm nay, trong mỗi ơn gọi và mỗi hoàn cảnh, bản thân biết cố gắng sống tử tế hơn với Thiên Chúa, với mọi người. Dọn dẹp những lối nẻo quanh co, san bằng những con đường gồ ghề luôn là những hình ảnh tượng hình nhắc nhở nhau hoán đổi cuộc đời trong niềm vui đợi chờ và hy vọng.

Chứng kiến cảnh chia ly trong đất nước Do thái, tiên tri Giê-rê-mi-a đã không thất vọng nhưng ông đã thổi vào bầu khi u ám đó một luồng sáng của hy vọng và đầy niềm vui. Nhờ những luồng gió đó, đời sống tôn giáo của cộng đoàn ngày một khởi sắc và đầy năng lượng hơn, giúp nhau vượt qua những thăng trầm của cuộc sống: “Ðây lời Chúa phán: Ðã đến ngày Ta sẽ thực hiện tin mừng Ta loan báo về nhà Israel và nhà Giuđa. Trong những ngày đó và trong thời gian đó, Ta sẽ làm nảy sinh cho Ðavít một chồi công chính, Ngài sẽ xét xử và thi hành công lý trong xứ sở. Trong những ngày đó, Giuđa sẽ được cứu thoát, Giêrusalem sẽ sống yên ổn”. Vua chúa sống xa hoa, trụy lạc, dân chúng bị vùi dập trong lầm than khổ sở, cộng đoàn chia rẽ và miệt thị lẫn nhau, gây ra bao tang thương trong cộng đoàn một dân tộc được gọi là dân riêng của Thiên Chúa. Dù vậy, Thiên Chúa không nỡ dập tắt tim đèn khi còn khói, Ngài đã sai các tiên tri đến chấn hưng lại tinh thần, kêu gọi đổi thay thái độ sống và xây dựng lại tình hiệp nhất trong cộng đoàn dân riêng đó. Ai nghe và đổi thay sẽ được Thiên Chúa trọng thưởng, trái lại, ai từ chối sẽ bị loại trừ.

Sau khi thành lập các giáo đoàn, các Tông đồ luôn thăm viếng, hỏi han, đặc biệt là luôn có những lá thư thăm hỏi, khích lệ và động viên anh chị em trong cộng đoàn hãy ý thức, đây là cộng đoàn dân riêng của Thiên Chúa, vì thế, thánh Phaolô trong lá thư gởi cộng đoàn The-xa-lo-ni-ca, đã  mời gọi tất cả hãy sống tình gia đình, tình anh chị em thiêng liêng như Thiên Chúa mong muốn: “Anh em thân mến, xin Chúa gia tăng và ban cho anh em tràn đầy lòng thương yêu nhau, và thương yêu mọi người như chúng tôi đối với anh em, để lòng anh em được bền vững trên đường thánh thiện, không có gì đáng trách trước mặt Thiên Chúa là Cha chúng ta, trong ngày Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ngự đến cùng với tất cả các Thánh. Amen”. Lời nhắn nhủ và cũng là lời nhắc mỗi người hãy tỉnh thức, hãy nhớ sống tinh thần đợi chờ Con Thiên Chúa đến cứu độ và trọng thưởng cho những ai trung tín và khiêm tốn. Động lực mạnh mẽ giúp con người vượt qua mọi chướng ngại là niềm vui gia đình Thiên Chúa, đó là nơi bình yên, đó là nơi hạnh phúc đích thực, đó là nơi tình người được thăng hoa cho bầu khí gia đình Thiên Chúa ấm áp.

Dù được gọi là dân riêng của Thiên Chúa, nhưng cộng đoàn đó vẫn hiện hữu giữa thế gian. Trong cộng đoàn gồm những con người đầy chất người, do đó, tội lỗi và những gì thuộc về thế gian vẫn len lỏi đi vào trong những lối mòn cuộc sống. Trước những cạm bẫy đó, Đức Giêsu đã dặn dò các môn đệ và cộng đoàn, hãy ý thức và hãy tỉnh thức: “Các con hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề, vì chè chén say sưa và lo lắng việc đời, mà ngày đó thình lình đến với các con, như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất. Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!”. Cạm bẫy vẫn luôn ẩn hiện trong hành trình đức tin của các tín hữu Kitô. Chúng làm cho con người nhiều lúc bị cuốn vào trong vòng xoáy của nó, đánh mất những giá trị cơ bản của con người. Vì thế, khi ngày cuối cùng đến trong sự bất ngờ, ai sẽ được cứu độ, ai sẽ được trọng thưởng và ai sẽ được Con Thiên Chúa đưa vào trong ngôi nhà tình yêu của Ngài trên thiên quốc?

Lễ Giáng sinh là đại lễ mừng trọng thể Con Thiên Chúa làm người qua mầu nhiệm nhập thể. Về mặt lịch sử, Ngài đã nhập thể, đã làm người chỉ một lần và chỉ một lần thôi, nhưng về mặt tinh thần, Ngài muốn nhập thể vào trong cuộc đời mỗi người trong mỗi ơn gọi, mỗi hoàn cảnh sống và trong từng biến cố cuộc đời. Nếu như con người luôn luôn tỉnh thức, luôn luôn sẵn sàng đón Ngài đến, ắt sẽ cảm nghiệm được niềm vui có Chúa đồng hành với mình trên mọi lối nẻo cuộc đời. Con Thiên Chúa mong được gần gũi với con người, để chia sẻ, để thấu hiểu và cảm thông, để khích lệ và nâng đỡ, để an ủi và xoa dịu những vết thương lòng, những nỗi đau giữa cuộc đời. Do đó, Ngài luôn mong được giáng sinh, được nhập thể, được trở nên giống con người, ngoại trừ tội lỗi, tất cả chỉ vì yêu thương con người.

Và hôm nay, đứng trước mầu nhiệm nhập thể với đại lễ Giáng sinh, người tín hữu Kitô long trọng kính mừng trong niềm tin vui mừng và hy vọng, hay biến đại lễ long trọng đó thành một lễ hội, để vui chơi, để mua sắm và để hưởng thụ. Có phải đến lúc chúng ta cần nhìn lại niềm tin của bản thân, để khi đứng trước tâm tình của mùa vọng, đứng trước hang đá nhỏ, mỗi người cảm thấy được gần gũi với Con Thiên Chúa trong phận người hơn, hay chỉ là đến để thưởng thức những sắc màu phong phú và hiện đại của khoa học được phô diễn trong và ngoài hang đá.

Đứng trước máng cỏ đơn sơ với một hài nhi nằm trần trụi đó, con người có can đảm quỳ xuống để chiêm ngắm mầu nhiệm nhập thể của Con Thiên Chúa, hay chỉ ghé vào thật sát để ghi lại được một tấm hình thật ấn tượng. Con Thiên Chúa làm người quá bình dị, quá chất người, nên con người chưa khám phá được chiều sâu tâm linh của biến cố này. Do đó, ngay từ ngày đầu của mùa vọng, mỗi người đều được mời gọi dọn đường cho Chúa đến, đều được mời gọi tỉnh thức trước những tục hóa của xã hội về đại lễ Giáng sinh, có được tâm tình đó, người tín hữu Kitô mới thực sự biến tâm hồn mình trở thành một hang đá nhỏ nhưng ấm cúng cho Con Thiên Chúa nhập thể và ở lại với con người, với mỗi gia đình và với Giáo hội.

Lạy Chúa Giêsu, mầu nhiệm nhập thể thật cao vời, tất cả in đậm dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người, xin giúp chúng con biết chuẩn bị tâm hồn thật xứng đáng khởi đi từ mùa vọng, để đón Chúa đến, để được Chúa ghé thăm và ở lại với mỗi người. Chúa đã trở nên con người, để con người được trở nên con Thiên Chúa, xin cho chúng con luôn ý thức niềm vui lớn lao đó, để từng ngày sống đúng với bổn phận, trách nhiệm và niềm vui của món quà đến từ Thiên Chúa. Amen.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây