Trong quan niệm thông thường, đêm là thời điểm chuyển giao giữa một ngày cũ và một ngày mới. Đó là lúc ngày cũ qua đi và nhường chỗ cho một ngày mới bắt đầu.
Đêm cũng là thời điểm hoạt động của những hành vi ám muội, của phường trộm cắp hoặc những người làm điều xấu xa. Vì vậy, đêm đen là tượng trưng cho tội lỗi hay một lối sống lầm lạc.
Đêm còn là hình bóng của sự chết, vì trong bóng đêm, người ta không nhìn thấy ánh sáng, như sống trong một nấm mồ.
Vì thế, lễ Giáng sinh được cử hành vào nửa đêm mang ý nghĩa thiêng liêng:
Như nửa đêm là thời điểm chuyển giao giữa một ngày cũ vừa kết thúc với một ngày mới vừa khởi đầu, Chúa Giêsu đến khai mở một kỷ nguyên mới. Cuộc giáng sinh của Người đánh dấu một giai đoạn mới của lịch sử nhân loại và lịch sử cứu độ. Vì vậy, những gì xảy ra trước Chúa Giáng sinh, chúng ta gọi là trước Công nguyên, và những gì xảy ra sau ngày Chúa Giáng sinh, chúng ta gọi là sau Công nguyên. Tại một số quốc gia, nhất là Châu Âu và Châu Mỹ, người ta còn nói rõ: sự kiện xảy ra trước Chúa Giêsu hay sau Chúa Giêsu (sinh ra).
Sứ mạng của Chúa Giêsu là loan báo Nước Trời. Đó là vương quốc của công chính, yêu thương và an bình. Giáo huấn của Người nhằm đẩy lui ảnh hưởng của tội lỗi, mời gọi con người trở về với Chúa, sống trong sự thánh thiện và trong tình yêu thương đồng loại.
Nếu đêm dài là tượng trưng cho sự chết, thì Chúa Giêsu đến trần gian để giải phóng con người khỏi sự chết. Trong khi thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng, Chúa Giêsu đã làm cho người chết sống lại. Chính Người đã sống lại vinh quang, chiến thắng thần chết, chiến thắng tối tăm. Đức Giêsu Phục sinh là niềm hy vọng của nhân loại. Qua đó, Chúa khẳng định với chúng ta, nấm mồ không phải là điểm dừng vĩnh viễn của thân phận người, vì con người được tạo dựng để sống và hưởng tôn nhan Thiên Chúa.
Chúng ta hãy trở về với Lời Chúa của Thánh lễ đêm nay. Ngôn sứ Isaia (sống ở thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên) đã diễn tả nhân loại đang bước đi trong u tối, đã thấy một ánh sáng bừng lên. Bóng tối tượng trưng cho sự chết. Ánh sáng bừng lên đem lại cho con người sự sống, hạnh phúc và niềm vui. Vị ngôn sứ cũng diễn tả ngày Chúa đến là ngày chiến thắng đối với những ai trung thành và khiêm nhu. Những kẻ kiêu ngạo sẽ bị diệt trừ. Trẻ thơ sinh ra sẽ là một vị Cố vấn kỳ diệu và là Hoàng tử bình an.
Ánh sáng đã đến để chiếu soi thế gian. Ánh sáng ấy khởi đi từ đồng quê Belem, trong một khung cảnh đơn sơ khiêm nhường. Tác giả Luca đã kể lại việc Chúa Giêsu giáng sinh: Giuse và Maria là Cha và Mẹ của Hài Nhi, vì không tìm được quán trọ, nên phải tạm trú trong một chiếc hang đá giữa đêm đông giá lạnh. Vị Thiên tử đã sinh ra trong cảnh nghèo nàn, như một thông điệp gửi đến cho nhân loại: Thiên Chúa yêu thương và chấp nhận trở nên một người nghèo giữa mọi người nghèo, để nâng đỡ và giúp họ bước đi, vượt qua những chông gai của cuộc sống.
Hài Nhi Giêsu sinh ra là niềm vui cho cả nhân loại. Đó là lời Sứ thần loan báo với các mục đồng tại Belem. “Này đây tôi loan báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho cả thế giới: Đấng Cứu độ đã sinh ra trong thành của vua Đavít. Người là Đức Kitô, là Đức Chúa”. Hôm nay, Giáo Hội cũng loan báo cho cả thế giới tin mừng trọng đại này, đồng thời khẳng định: Thiên Chúa yêu thương con người. Ngài muốn cho con người được hạnh phúc, bình an và được cứu rỗi.
Chúa Giêsu là Hoàng tử của hòa bình. Người đến trần gian để mời gọi con người hãy sống trong hòa bình với Thiên Chúa Cha, là Thượng Đế và là Tạo Hóa. Người cũng thiết lập vương quốc hòa bình và mời gọi mọi người cùng chung tay xây dựng hòa bình dưới thế. Người chúc phúc cho những ai sống hòa bình và nhiệt thành nối kết bình an thân thiện, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Thông điệp mà ngày lễ Giáng sinh muốn gửi đến cho chúng ta, đó chính là thông điệp của hòa bình. Hòa bình là niềm khát khao của con người mọi thời đại. Hòa bình là lý tưởng phấn đấu của mỗi chúng ta. Tuy vậy, hòa bình phải được khởi đi từ tâm hồn và đời sống cá nhân mỗi người. Trong bài đọc II của Thánh lễ Đêm, thánh Phaolô khuyên chúng ta hãy can đảm từ bỏ đời sống vô luân và những đam mê trần tục để xứng đáng đón nhận Chúa Giêsu đến trong đời.
Vinh danh Thiên Chúa trên trời
Bình an dưới thế cho người thiện tâm
Lễ Giáng sinh là lời mời gọi mọi người hãy cùng nắm tay nhau xây dựng hòa bình, không phân biệt chủng tộc, tín ngưỡng, văn hóa. Cũng như trái tim, hòa bình không mang một sắc màu riêng biệt cho từng quốc gia hay một ý thức hệ chính trị nào, nhưng bao gồm mọi gương mặt, mọi cuộc đời, với mục đích đem lại hạnh phúc cho mọi người.
Hãy sống với trái tim tốt lành để gặp Chúa Giêsu, Hoàng tử hòa bình, để đón nhận những lời khuyên, để sống tha thứ, bao dung, chân thành, quảng đại, trung thực, thân thiện và yêu thương. Một khi đạt được tâm hồn hòa bình, chúng ta sẽ sống thân thiện với tha nhân và thân thiện với môi trường xã hội.
Nguyện xin sự bình an từ Hang đá Máng cỏ tuôn chảy đến mọi nẻo đường của cuộc sống, để những mơ ước của chúng ta được thực hiện. Xin Chúa Giêsu là Vua hoà bình chúc lành cho chúng ta. Amen.
Lễ Đêm Giáng Sinh
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 2, 15-20)
Khi các thiên thần biến đi, thì các mục tử nói với nhau rằng: “Chúng ta sang Bêlem và coi xem sự việc đã xảy ra mà Chúa đã cho chúng ta được biết”. Rồi họ hối hả tới nơi và gặp thấy Maria, Giuse và Hài Nhi mới sinh nằm trong máng cỏ. Khi thấy thế, họ đã hiểu ngay lời đã báo về Hài Nhi này. Và tất cả những người nghe, đều ngạc nhiên về điều các mục tử thuật lại cho họ.
Còn Maria thì ghi nhớ tất cả những sự việc đó, và suy niệm trong lòng. Những mục tử trở về, họ tung hô ca ngợi Chúa về tất cả mọi điều họ đã nghe và xem thấy, đúng như lời đã báo cho họ.
Suy niệm
Bao nhiêu năm nhân loại bước đi trong bóng tối của tội lỗi, nay đã bừng lên một ánh sáng mới, mặt trời cứu độ đã xuất hiện, Con Thiên Chúa đã xuống thế, mặc lấy phận người, trở nên con người, sống với con người và chia sẻ mọi thăng trầm cuộc sống với con người. Lễ Giáng sinh là một đại lễ của niềm vui, của bình an và hy vọng. Từ đại lễ này, mầu nhiệm cứu độ của Chúa Cha đã dần trở nên hiện thực, con người đã tìm thấy niềm hy vọng được giải thoát khỏi ách thống trị của tội lỗi. Nào chúng ta cùng cất cao tiếng hát với các Thiên Thần trong đêm tối ở Belem, để tri ân Thiên Chúa và cùng đem bình an đến cho mọi người, mọi nhà.
Khi con người đang lần mò trong bóng đêm của tội lỗi, niềm hy vọng được cứu độ, được giải thoát đang dần lụi tàn theo thời gian, trong hoàn cảnh thất vọng đó, lời tiên tri Isaia đã vang lên giữa cộng đoàn: “Ðây Chúa làm cho nghe thấy tận cùng cõi trái đất rằng: Hãy nói với thiếu nữ Sion: Này đây Ðấng Cứu Ðộ ngươi đến. Người đem theo phần thưởng với Người và sự nghiệp trước mặt Người. Những người được Chúa cứu chuộc, người ta sẽ gọi họ là dân thánh. Còn ngươi, ngươi sẽ được gọi là thành quý chuộng, thành không bị bỏ rơi”. Đấng Cứu Độ đã đến, đem theo niềm vui và hy vọng cho ngày mai, khi con người đang lần mò trong những thăng trầm của cuộc sống. Ngài đến đem theo niềm hy vọng mới, từ nay con người không còn phải lần mò trong đêm tối, không còn phải sống trong nỗi thất vọng vô hạn vì không biết ngày mai sẽ ra sao, con người sẽ được Đấng Cứu Độ giải thoát và được gia nhập vào cộng đoàn dân thánh của Thiên Chúa. Còn niềm vui nào lớn lao cho bằng niềm vui được Đấng Cứu Độ giải thoát và trao tặng món quà bình an như thế. Có những lúc con người tưởng như chìm vào sự tuyệt vọng của tội lỗi, thì bàn tay Thiên Chúa đã xuất hiện nâng con người lên một tầm cao mới, có những lúc con người như đi vào ngõ cụt của niềm vui dân thánh, thì tình yêu Thiên Chúa trở thành nhịp cầu đưa con người bước vào một hành trình mới. Quả thực không có việc gì mà Thiên Chúa không làm được, đó là lời sứ thần đã nói với Mẹ Maria trong ngày Con Thiên Chúa ghé thăm dân người qua biến cố truyền tin.
Trước một trách vụ cao cả nhưng cũng không thiếu những thách đố, thánh tông đồ Phaolô đã nhắc nhở cho người học trò của mình là ông Tito, hãy ý thức ơn gọi của mình là một ân huệ lớn lao mà Thiên Chúa đã dành riêng cho người, để khi lên đường loan tin vui cứu độ cho nhân loại, thánh nhân hãy làm cho mọi người biết đó là ân huệ của Thiên Chúa, tất cả đến từ tình thương của Thiên Chúa chứ không phải do công trạng và tài năng của con người: “Khi Ðấng Cứu Thế, Chúa chúng ta, đã tỏ lòng từ tâm và nhân ái của Người, thì không phải do những việc công chính chúng ta thực hiện, nhưng do lòng từ bi của Người, mà Người đã cứu độ chúng ta, bằng phép rửa tái sinh và sự canh tân của Thánh Thần, Ðấng mà Người đã đổ xuống tràn đầy trên chúng ta qua Ðức Giêsu Kitô, Ðấng Cứu Ðộ chúng ta, để một khi được công chính hoá bởi ân sủng của Ngài, trong hy vọng, chúng ta được thừa kế sự sống đời đời, trong Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”. Ơn cứu độ mà con người được nhận lãnh từ Đấng Cứu Thế sẽ đưa họ thông dự vào sự sống của Thiên Chúa, được sống trong niềm hy vọng lớn lao của tình yêu Thiên Chúa, tất cả đều do Thiên Chúa chứ không đến từ công lao và tài năng của con người. Từ đó, dù trong bậc sống nào, người môn đệ hãy sống và làm chứng cho mầu nhiệm tình yêu đó bằng khả năng bản thân, để Chúa lớn lên trong mỗi người từng ngày và mỗi ngày.
Đêm giáng sinh chúng ta nghe tiếng hát của các Thiên Thần trên bầu trời Belem: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Quả thực để danh Thiên Chúa được vinh quang, cần có những dấu chỉ từ trần thế, dấu chỉ lớn nhất và hữu hiệu nhất đó là sự bình an giữa nhân loại. Dù Con Thiên Chúa làm người trong hình hài một trẻ thơ, nhưng Ngài vẫn là dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi hiện diện giữa nhân loại. Các mục đồng được báo tin đã vội vã lên đường, thấy một hài nhi trong chuồng trại súc vật, dù đó là một em nhỏ, nhưng các mục đồng nhận ra sự hiện diện của Đấng Cứu Thế, họ đã quỳ xuống thờ lạy: “Khi các thiên thần biến đi, thì các mục tử nói với nhau rằng: “Chúng ta sang Bêlem và coi xem sự việc đã xảy ra mà Chúa đã cho chúng ta được biết”. Rồi họ hối hả tới nơi và gặp thấy Maria, Giuse và Hài Nhi mới sinh nằm trong máng cỏ. Khi thấy thế, họ đã hiểu ngay lời đã báo về Hài Nhi này. Và tất cả những người nghe, đều ngạc nhiên về điều các mục tử thuật lại cho họ”. Sự bình yên nơi máng cỏ, là sự bình yên của tình yêu, của trời cao, sự bình yên đó là món quà mà trẻ Giêsu đem đến cho con người. Món quà đó được trao tặng cho con người khi con người biết thay đổi cuộc đời khởi đi từ nhận thức cho đến thái độ sống. Người thiện tâm là người sẵn sàng thay đổi chính mình, sẵn sàng thay đổi hình ảnh Thiên Chúa trong tâm hồn của mình và trong cuộc sống hàng ngày nữa. Khuôn mặt Thiên Chúa về yếu tính thì vẫn là một, nhưng về hoàn cảnh và cuộc sống, luôn có những đổi thay, để con người dễ dàng nhận ra Ngài trong anh chị em, trong tha nhân và giữa mọi sinh hoạt của nhân loại, mọi biến cố của lịch sử con người.
Chiến tranh chưa một lần ngừng nghỉ trên thế giới, tiếng súng vẫn vang lên chát chúa đó đây, vậy làm sao có thế tìm kiếm được hòa bình, tìm kiếm được cái thiện, cái đẹp của sự bình yên giữa thế giới. Nếu không có sự bình yên đó, làm sao có những hang đá ấm cúng cho Con Thiên Chúa vào đời, làm sao có được tiếng nói chung giữa các quốc gia, giữa các tôn giáo đang sống chung với nhau trong ngôi nhà thế giới này? Và như thế làm sao có một chỗ xứng đáng và ấm cúng để Con Thiên Chúa đến và ở lại giữa thế giới này được? Giữa các gia đình cũng vậy, dù không có tiếng súng đạn, nhưng cái tôi và sự ích kỷ luôn tồn tại và che lấp những giá trị của sự thiện, làm lu mờ những nét đẹp của sự bình yên giữa gia đình. Và nếu trong gia đình không có sự bình yên thực sự, làm sao Con Thiên Chúa có thể đến viếng thăm và ở lại chung chia những khó khăn, những thăm trầm với con người được? Nơi đâu có sự bình yên ngự trị, nơi đâu có dấu chỉ của sự thiện trong tâm hồn thực sự, nơi đó sẽ có một hang đá nhỏ đủ ấm cho Con Thiên Chúa vào đời. Giữa những cộng đoàn huynh đệ, ai cũng mong để được đón Con Thiên Chúa ghé thăm và chúc lành, nhưng thử hỏi cái tâm mỗi người đã thực sự bình yên và thiện hảo đủ để làm vinh danh cho Thiên Chúa chưa, sự cố gắng của mỗi người luôn được Thiên Chúa ghi nhận, thế nhưng, vẫn còn ẩn hiện những giá trị của trần thế, những hố sâu của sự ganh tị và những núi đồi của cái tôi che khuất. Nếu chưa có sự cố gắng để san lấp và khỏa đầy những cách biệt đó, làm sao có bóng dáng của cái thiện, cái đẹp và chân lý tình yêu hiện diện nơi đó, như thế vinh quang của một Thiên Chúa tình yêu chưa thể ngự trị và hòa chung với nhịp sống của mỗi thành viên trong cộng đoàn được. Thiên Chúa đã cúi xuống vì con người và cho con người, chỉ còn một cánh cửa cuối cùng là sự cố gắng đến từ con người, Đấng Cứu Độ đang chờ đợi nơi con người một lần đáp trả.
Lạy Chúa Giêsu, Ngài chấp nhận cúi xuống với con người trong hình hài một trẻ thơ, để chia sẻ với chúng con sự mong manh và yếu đuối của phận người, xin giúp chúng con mạnh dạn chia sẻ tình yêu và sự bình yên của Thiên Chúa cho tha nhân trong những ngày đại lễ này. Vinh quang Thiên Chúa sẽ rạng ngời khi con người nắm tay nhau xây dựng hòa bình, xin cho chúng con biết chấp nhận sự khác biệt nơi tha nhân, để cùng nhau xây dựng một thế giới hòa bình, nơi đó sẽ là một hang đá, một nhà tạm cho Con Thiên Chúa đến và ở lại với con người. Amen.
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Đại Lễ Giáng Sinh – Lễ rạng đông
Hôm nay ánh sáng huy hoàng rực rỡ, sẽ bừng lên chiếu rọi muôn người, vì Chúa đã giáng sinh để cứu độ chúng ta. Người sẽ được gọi là Thiên Chúa, Đấng kỳ diệu, vị Thủ Lãnh kiến tạo hòa bình, người Cha của thế giới tương lai, vương quyền Người sẽ vô cùng vô tận.
Dẫn vào Thánh Lễ
Anh chị em thân mến! Khi Đức Giêsu đến trong trần gian này, Người không được các nhà lãnh đạo chào mừng, cũng không được con cái trong nhà tiếp nhận. Người được đón tiếp bởi các mục đồng thuộc giai cấp thấp hèn, nên lời chứng của họ không được coi là giá trị. Thế nhưng đó là vì Người muốn đồng hóa mình với người nghèo, với người đau khổ, với người tội lỗi. Chúng ta có cảm thấy đó là niềm hạnh phúc không? Hãy cùng những người nghèo, người đau khổ, người tội lỗi dâng lên Chúa Hài Đồng lời tri ân sâu xa trong Thánh Lễ hôm nay. Nhưng để xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh chúng ta cùng thành tâm hối lỗi.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, ánh sáng mới của Ngôi Lời nhập thể đã tràn ngập chúng con, và chiếu giãi niềm tin vào tận tâm hồn. Giờ đây, xin Chúa cũng làm cho ánh sáng ấy rực lên trong mọi sinh hoạt của chúng con. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: Is 62, 11-12
“Này đây Ðấng Cứu Ðộ ngươi đến”.
Trích sách Tiên tri Isaia.
Ðây Chúa làm cho nghe thấy tận cùng cõi trái đất rằng: Hãy nói với thiếu nữ Sion: Này đây Ðấng Cứu Ðộ ngươi đến. Người đem theo phần thưởng với Người và sự nghiệp trước mặt Người. Những người được Chúa cứu chuộc, người ta sẽ gọi họ là dân thánh. Còn ngươi, ngươi sẽ được gọi là thành quý chuộng, thành không bị bỏ rơi.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 96, 1 và 6. 11-12
Ðáp: Hôm nay sự sáng chiếu giãi trên chúng ta, và Chúa đã giáng sinh cho chúng ta.
Xướng: Chúa hiển trị, địa cầu hãy nhảy mừng, hải đảo muôn ngàn, hãy mừng vui! Trời xanh loan truyền sự công minh Chúa, và chư dân được thấy vinh hiển của Người.
Xướng: Sáng sủa bừng lên cho người hiền đức, và niềm hoan hỉ cho kẻ lòng ngay. Người hiền đức, hãy mừng vui trong Chúa, và hãy ca tụng thánh danh Người!
Bài Ðọc II: Tt 3, 4-7
“Chúa đã cứu độ chúng ta theo lượng từ bi Người”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho Titô.
Khi Ðấng Cứu Thế, Chúa chúng ta, đã tỏ lòng từ tâm và nhân ái của Người, thì không phải do những việc công chính chúng ta thực hiện, nhưng do lòng từ bi của Người, mà Người đã cứu độ chúng ta, bằng phép rửa tái sinh và sự canh tân của Thánh Thần, Ðấng mà Người đã đổ xuống tràn đầy trên chúng ta qua Ðức Giêsu Kitô, Ðấng Cứu Ðộ chúng ta, để một khi được công chính hoá bởi ân sủng của Ngài, trong hy vọng, chúng ta được thừa kế sự sống đời đời, trong Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Lc 2, 14
Alleluia, alleluia! – Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, và bình an dưới thế cho người thiện tâm. – Alleluia.
Phúc Âm: Lc 2, 15-20
“Các mục tử đã gặp thấy Maria, Giuse và Hài Nhi”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi các thiên thần biến đi, thì các mục tử nói với nhau rằng: “Chúng ta sang Bêlem và coi xem sự việc đã xảy ra mà Chúa đã cho chúng ta được biết”. Rồi họ hối hả tới nơi và gặp thấy Maria, Giuse và Hài Nhi mới sinh nằm trong máng cỏ. Khi thấy thế, họ đã hiểu ngay lời đã báo về Hài Nhi này. Và tất cả những người nghe, đều ngạc nhiên về điều các mục tử thuật lại cho họ.
Còn Maria thì ghi nhớ tất cả những sự việc đó, và suy niệm trong lòng. Những mục tử trở về, họ tung hô ca ngợi Chúa về tất cả mọi điều họ đã nghe và xem thấy, đúng như lời đã báo cho họ.
Ðó là lời Chúa.
Ðọc kinh Tin Kính đến câu: “Bởi phép Chúa Thánh Thần” thì bái gối.
Lời nguyện tín hữu
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Ngôi Lời là ánh sáng thế gian đến để hướng dẫn nhân lọai tìm về nguồn cội và được hưởng ơn cứu độ. Vậy chúng ta cùng dâng lời nguyện xin :
1. “Còn ngươi, ngươi sẽ được gọi là thành quí chuộng“.- Xin cho các vị lãnh đạo dân Chúa được tràn đầy sức mạnh của Chúa Thánh Thần, để không cảm thấy mệt mỏi trên bước đường loan báo Tin Mừng .
2. “Trong hy vọng, chúng ta được thừa kế sự sống đời đời”. Xin cho mọi tầm hồn Kitô hữu cảm thấy mình thực sự có niềm vui ơn cứu độ, để hăng hái đem Tin Vui đó đến cho mọi người.
3. “Họ hối hả tới nơi và gặp thấy Maria, Giuse và Hài Nhi mới sinh” Xin cho những người nghèo, những người đau khổ, những người tội lỗi, biết tiếp nhận ánh sáng của Đức Kitô, để biến cuộc đời mình thành ánh sáng cho người khác.
4. “Họ tung hô ca ngợi Chúa về tất cả mọi điều họ đã nghe và xem thấy”.- Xin cho mọi người trong giáo xứ chúng ta, biết nhìn thấy hình ảnh Chúa Hài Đồng nơi những người cùng khổ để chúng ta rộng tay giúp đỡ.
Chủ tế: Lạy Chúa Hài Đồng, hôm nay chúng con đón mừng mầu nhiệm Chúa đến trần gian trong hình hài trẻ thơ, thì chúng con cũng biết hăm hở chuẩn bị đón Chúa đến với từng người chúng con qua cương vị một thẩm phán, Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, ước gì của lễ chúng con dâng được tương xứng với mầu nhiệm Giáng Sinh ngày hôm nay chúng con mừng kính. Chính trong mầu nhiệm này, Chúa đã soi sáng cho chúng con biết nhìn nhận Hài Nhi là một vì Thiên Chúa. Xin cũng làm cho bánh rượu này là hoa màu ruộng đất trở thành bí tích đem lại cho chúng con nguồn sinh lực của Chúa. Chúng con cầu xin…
Lời tiền tụng Giáng Sinh
Ca hiệp lễ
Này thiếu nữ Xi-on, hãy vui mừng hoan hỷ! Hỡi thiêu nữ Giê-ru-sa-lem hãy ca hát tưng bừng! Kìa Vua ngươi đang ngự đến, Người là Đấng Thánh, Đấng cứu độ trần gian.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, hôm nay chúng con đã hoan hỷ mừng mầu nhiệm Con Chúa giáng sinh. xin cho chúng con được đức tin sâu sắc và lòng hăng hái nhiệt thành, để hiểu biết và mến yêu mầu nhiệm cao cả ấy. Chúng con cầu xin…
Suy niệm
ĐÓN CHÚA GIÁNG SINH VỚI TÂM TÌNH NÀO?
LỄ GIÁNG SINH – LỄ RẠNG ĐÔNG, NĂM B
(Is 62, 11-12; Tt 3, 4-7; Lc 2,15-20)
Jos. Vinc. Ngọc Biển, SSP