Tất cả chúng ta hãy vui mừng trong Chúa khi cử hành ngày lễ kính các Thánh Nam Nữ; và các Thiên Thần hân hoan về việc mừng lễ trọng các thánh, và đồng ca ngợi Con Thiên Chúa.
Dẫn nhập Thánh lễ
Hôm nay, Hội Thánh khắp nơi trên thế giới mừng kính trọng thể Lễ Các Thánh Nam Nữ. Chung niềm vui của toàn thể Hội Thánh, chúng ta hân hoan chúc mừng các Thánh ở trên trời, trong số đó có các Thánh Việt Nam, có tổ tiên, ông bà, cha mẹ, bà con họ hàng, bạn hữu của chúng ta. Các Ngài đang được hưởng hạnh phúc muôn đời bên Chúa.
Chúng ta vui mừng và hãnh diện vì các Ngài đã hiển vinh sau bao năm hy sinh gian khổ ở trần gian; đồng thời chúng ta cũng ước mong các Ngài cầu bầu cho chúng ta để nhờ ơn Chúa giúp, mai sau này chúng ta cũng được vui mừng họp đoàn với các Ngài trên Thiên Quốc.
Để được như vậy, chúng ta cùng xin lỗi Chúa và chư thần thánh, để lễ dâng chúng ta cử hành được đẹp lòng Chúa.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, trong ngày đại lễ hôm nay, Chúa cho chúng con được mừng kính toàn thể các thánh trên trời. Nhờ bấy nhiêu vị thánh hằng nguyện giúp cầu thay, chúng con tin tưởng nài xin Chúa cho chúng con được dồi dào ân sủng như lòng vẫn ước mong. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: Kh 7, 2-4, 9-14 “Tôi đã nhìn thấy đoàn người đông đảo không thể đếm được, họ thuộc đủ mọi nước, mọi chi họ, mọi dân tộc và mọi thứ tiếng”.
Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.
Tôi là Gioan đã nhìn thấy một thiên thần khác từ phía mặt trời mọc đi lên, tay cầm ấn Thiên Chúa hằng sống, và lớn tiếng kêu gọi bốn thiên thần được lệnh tàn phá đất và biển mà rằng: “Chớ có tàn phá đất, biển và cây cối trước khi ta đóng ấn trên trán những tôi tớ của Thiên Chúa chúng ta”. Và tôi đã nghe biết số người được đóng ấn là một trăm bốn mươi bốn ngàn người, thuộc mọi chi tộc Israel.
Sau đó, tôi đã nhìn thấy đoàn người đông đảo không thể đếm được, họ thuộc đủ mọi nước, mọi chi họ, mọi dân tộc và mọi thứ tiếng. Họ đứng trước ngai vàng và trước mặt Con Chiên, mình mặc áo trắng tinh, tay cầm nhành lá thiên tuế. Họ lớn tiếng tung hô rằng: “Kính lạy Thiên Chúa chúng tôi, Ðấng ngự trên ngai vàng, và Con Chiên”.
Rồi tất cả các thiên thần đến đứng chung quanh ngai vàng, và các trưởng lão cùng bốn con vật sấp mình xuống trước ngai mà thờ lạy Thiên Chúa rằng: “Amen! Chúc tụng, vinh hiển, khôn ngoan, cảm tạ, vinh dự, uy quyền và dũng lực cho Thiên Chúa chúng tôi muôn đời. Amen”. Rồi một trong các trưởng lão lên tiếng hỏi rằng: “Những người mặc áo trắng này là ai vậy? Và họ từ đâu mà đến?” Tôi đáp lại rằng: “Thưa ngài, hẳn ngài đã rõ”. Và người bảo tôi rằng: “Họ là những người từ đau khổ lớn lao mà đến, họ giặt áo và tẩy áo trắng trong máu Con Chiên”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 23, 1-2. 3-4ab. 5-6
Ðáp: Lạy Chúa, này là dòng dõi của những kẻ tìm Chúa
Xướng: Trái đất và muôn loài trên mặt đất là của Chúa, hoàn cầu và muôn vật trên địa cầu. Vì chưng Chúa đã xây dựng nền móng trái đất trên biển cả, và Người đã tạo dựng nó trên các sông ngòi.
Xướng: Ai sẽ được trèo lên núi Chúa? Ai sẽ được dừng bước trong thánh điện? Ðó là người có bàn tay vô tội và tâm hồn trong sạch, không để lòng xuôi theo sự giả trá.
Xướng: Người đó sẽ hưởng phúc lành của Chúa và lượng từ bi của Chúa, Ðấng giải thoát họ. Ðấy là dòng dõi của những kẻ tìm Người, những kẻ tìm tôn nhan Thiên Chúa của Giacóp.
Bài Ðọc II: 1 Ga 3, 1-3 “Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.
Các con thân mến, các con hãy coi: Tình yêu của Thiên Chúa Cha đối với chúng ta thế nào, khiến chúng ta được gọi là con Thiên Chúa và thực sự là thế. Vì đó mà thế gian không nhận biết chúng ta, vì thế gian không biết Người. Các con thân mến, hiện nay, chúng ta là con Thiên Chúa, còn chúng ta sẽ ra sao thì vẫn chưa được tỏ ra. Chúng ta biết rằng: khi được tỏ ra, thì chúng ta sẽ giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy như vậy. Và bất cứ ai đặt hy vọng nơi Người, thì tự thánh hoá mình cũng như Người là Ðấng Thánh.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Mc 11, 28
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Tất cả hãy đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các con”. – Alleluia.
Phúc Âm: Mt 5, 1-12a “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ đông đảo, Người đi lên núi, và lúc Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần Người. Bấy giờ Người mở miệng dạy họ rằng:
“Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. – Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Ðất Nước làm cơ nghiệp. – Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an. – Phúc cho những ai đói khát điều công chính, vì họ sẽ được no thoả. – Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương. – Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa. – Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. – Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ.
“Phúc cho các con khi người ta ghen ghét, bách hại các con, và bởi ghét Thầy, họ vu khống cho các con mọi điều gian ác. Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời”.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tín hữu
Chủ tế: Anh chị em thân mến, nhờ bí tích Rửa tội chúng ta trở thành đồng hương của các thánh và thành viên trong gia đình Thiên Chúa. Giờ đây, chúng ta dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa, Đấng đã mời gọi chúng ta nên thánh và ký kết giao ước với Ngài.
1. Hôm nay, Giáo Hội mừng kính toàn thể các thánh, những người con của Giáo Hội đã được diện kiến thánh nhan Thiên Chúa. Xin Chúa chúc lành cho Giáo Hội. Xin cộng đoàn các thánh trên trời cầu bầu cùng Chúa cho cộng đoàn các tín hữu ở dưới thế.
2. Thiên Chúa mời gọi mọi người nên thánh vì Ngài là Đấng Thánh. Xin Chúa ban ơn hoán cải cho người tội lỗi, và củng cố niềm tin những ai đang tin tưởng nơi Ngài.
3. “Nguyện xin ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Xin Chúa giúp các tín hữu nhiệt thành tuân giữ thánh ý Ngài trong mọi nơi mọi lúc, và trong mọi hoàn cảnh.
4. Trong khi chiêm ngắm và tôn vinh cộng đoàn các thánh trên trời, xin Chúa giúp cộng đoàn chúng ta tiến bước hướng về quê hương đích thực, và mau mắn trở về với Chúa trong niềm tin tưởng, hy vọng.
Chủ tế: Lạy Chúa, xin ban ơn Chúa Thánh Thần cho chúng con, để chúng con yêu mến Chúa trên hết mọi sự, và yêu thương người anh em như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng con. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin vui nhận lễ vật chúng con dâng để mừng kính toàn thể các thánh trên trời. Chúa đã cho các ngài được hưởng phúc trường sinh, xin cho chúng con cũng nghiệm thấy các ngài nâng đỡ trên con đường về với Chúa. Chúng con cầu xin…
Lời tiền tụng
Lạy Chúa là Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi, mọi lúc, thật là chính đáng phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con, nhờ Ðức Kitô, Chúa chúng con. Hôm nay, Chúa cho chúng con được vui mừng chiêm ngưỡng thành Giê-su-sa-lem thiên quốc, là Mẹ chúng con. Nơi đó, anh chị em chúng con là toàn thể các thánh muôn đời ca tụng Chúa, và chúng con là lữ khách được đức tin soi dẫn đang vội vã tiến về. Chúng con rất hoan hỷ, vì bao phần tử ưu tú của Hội Thánh được vinh quang. Nhờ đó, Chúa cho các ngài trở thành gương mẫu và trợ giúp chúng con là những kẻ yếu hèn. Vì thế, hiệp với các ngài và cả triều thần thiên quốc, chúng con đồng thanh ca tụng Chúa và tung hô rằng: Thánh! Thánh! Thánh!…
Ca hiệp lễ
Phúc cho ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa; phúc cho những ai ăn ở thuận hòa, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa; phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì nước trời là của họ.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, chỉ có Chúa là Ðấng Thánh, Chúa đã làm bao việc lạ lùng nơi toàn thể các thánh nam nữ, chúng con xin chúc tụng, tôn thờ và nguyện cầu Chúa lấy tình yêu vô tận thánh hoá chúng con để sau khi được thần lương này nuôi dưỡng trên con đường lữ thứ trần gian, chúng con cũng được về thiên quốc dự tiệc vui muôn đời. Chúng con cầu xin…
Suy niệm Lễ Các Thánh Nam Nữ
KHÁT KHAO NÊN THÁNH “Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.” (Mt 5, 1-12a)
Suy niệm:Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo xác quyết rằng:“Tận đáy lòng, con người khao khát Thiên Chúa vì con người được tạo dựng do Thiên Chúa và cho Thiên Chúa” (số 27). Vậy nên, ước muốn trở nên thánh thiện là món quà từ Thiên Chúa ban cho con người. Tuy nhiên, để món quà cao quý này sinh hoa kết quả con người phải nỗ lực cộng tác với ân sủng Chúa ban để nên thánh thiện. Nên thánh là trở nên giống Chúa Giê-su bằng cách bắt chước các nhân đức của Chúa, rập khuôn đời sống mình theo đời sống của Chúa và luôn làm đẹp lòng Chúa trong từng giây từng phút của cuộc sống. Thánh Augustinô đã khao khát: “Ông nọ bà kia làm thánh, tại sao tôi không thể làm thánh?” Và ngài đã biến niềm khao khát ấy thành hiện thực qua việc hoán cải đời sống để nên thánh, một vị thánh tiến sĩ Giáo hội và nhờ giáo huấn và gương sáng của ngài, biết bao người cũng được nên thánh.
Mời Bạn:Có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu cách thế để nên thánh. Nhưng dẫu cách thế nào đi nữa thì khao khát nên giống Chúa, kết hợp nên một với Chúa luôn là mẫu số chung và đích điểm mọi vị thánh. Bạn hãy nỗ lực nên thánh bằng việc kết hiệp với Ngài trong các Bí tích và thực hành Lời Chúa trong tư tưởng, lời nói và hành động
Sống Lời Chúa: Kinh Tám Mối Phúc thật và Thương người Mười Bốn mối dạy bạn những nẻo đường cụ thể để nên thánh. Bạn hãy chọn một nẻo đường phù hợp với chính mình để nên thánh và trung thành sống con đường đó mỗi ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con khao khát được nên giống Chúa và nên một với Chúa. Xin Chúa ban ơn trợ giúp con.
Ngày 1 tháng 11: Lạy Chúa! Mừng Lễ Các Thánh, Hội Thánh cho chúng con suy niệm Bài Tin Mừng về Các Mối Phúc. Bát Phúc chính là những nẻo đường nên thánh của chúng con. Vì thế, nếu chúng con muốn trở nênthánh thiện, thì chúng con phải thực hiện các mối phúc mà Chúa đã dạy trong Bài Giảng Trên Núi. Xin cho chúng con biết lắng nghe lời Chúa, và để cho những lời của Chúa làm xáo trộn, thách đố, và đòi hỏi chúng con có một sự thay đổi thật sự trong lối sống của mình. Nếu chẳng vậy, “cố gắng nên thánh mỗi ngày” không là gì khác hơn, một cụm từ sáo rỗng đối với chúng con. Amen. Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
CON ĐƯỜNG CÁC MỐI PHÚC “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời thuộc về họ.” (Mt 5, 1-12a)
Suy niệm: Hôm nay Hội Thánh mừng tất cả các thánh, nam và nữ, xưa và nay, nổi tiếng và vô danh. Các thánh nổi tiếng có rất nhiều. Các thánh âm thầm, không tên tuổi, còn nhiều hơn. Tất cả các ngài đang ở trong hạnh phúc và vinh quang vĩnh cửu với Thiên Chúa. Các ngài đã đi trên con đường mang tên các mối phúc và nay Nước Trời đã hoàn toàn thuộc về các ngài. Nước Trời ấy vốn đã có mặt và đang được xây dựng ngay trong cuộc sống này. Ta có thể gặp các “thánh” đang cắp sách đến trường hay đang gập lưng trên mặt ruộng, đang chạy xe ôm hay đang bán hàng rong, đang làm phụ hồ ở công trường hay đang bốc xếp ngoài bến cảng. Ở những chỗ ta không ngờ nhất thì rất nhiều “thánh” đang có mặt.
Mời Bạn: Con đường mà các thánh thuộc Hội Thánh khải hoàn đã đi và đã tới, đó là con đường Tám Mối Phúc, con đường của thập giá, con đường của yêu thương đến cùng mà chính Chúa Giêsu là người tiên phong. Mời bạn nhìn lại xem con đường mình đang đi là con đường nào, có phải là con đường của Tám Mối Phúc đó không? Con đường của bạn có thập giá và yêu thương không? Ta chỉ mừng các thánh thực sự khi ta nhận con đường của các thánh làm con đường của mình.
Sống Lời Chúa: Nếu bạn nghĩ “nhiều mối phúc quá, làm sao ‘ôm’ hết!” thì bạn chỉ cần chọn một mối phúc thôi. Bạn thử đi, điều tuyệt vời sẽ xảy ra đấy!
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con đường mà Chúa đề nghị các môn đệ Chúa bước đi là con đường đầy thách đố. Nhưng với ơn Chúa đỡ nâng, con sẽ đủ sức. Con chọn con đường này. Xin Chúa ban ơn giúp sức con. Amen.
TÔI PHẢI NÊN THÁNH!
SUY NIỆM LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ
(Kh 7, 2-4, 9-14; 1 Ga 3, 1-3; Mt 5:1-12a) Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP
Khi tôi còn ở quê, lúc đó là một chú giúp lễ trong nhà thờ. Vào một buổi chiều, tôi đang ngồi chuẩn bị cho chương trình rước kiệu các thánh tử đạo Việt Nam. Có một ông trùm ở giáo xứ bên cạnh, là người đã quen biết tôi trước đó đến để gặp cha xứ. Trong lúc chờ đợi cha xứ đi kẻ liệt về, ông trùm kể cho tôi nghe chuyện giáo dân của làng ông bị bách hại trong thời kỳ cấm đạo, ông nói: lúc đó, quân lính bao vây làng, sau đó quan quân bắt hết mọi người ra đình làng trình diện và bắt phải bỏ đạo. Giáo dân trung thành với Chúa đã cương quyết không bỏ đạo, vì thế, họ bắt đi đầy, một số thì bị ghép sống với những người ngoài Công Giáo (phân sáp), số còn lại họ chôn tập thể, nhà của dân thì bị đốt sạch… Tôi nghe đến đây thì rất cảm phục. Điều mà tôi nghĩ trong đầu lúc này là những người giáo dân can trường đó, các ngài chấp nhận chết vì đạo Chúa cách trung thành như vậy, họ cũng là các thánh tử đạo. Thế nhưng, nếu rà soát trong danh sách 118 thánh tử đạo Việt Nam được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong thánh chính thức vào ngày 19/6/1988 thì hoàn toàn không có các ngài.
1. Các Thánh là ai?
Hôm nay, Giáo Hội mừng kính trọng thể các thánh Nam Nữ. Lý do có ngày lễ này là vì trong Giáo Hội có rất nhiều những vị thánh không được phong và có ngày lễ mừng. Các ngày trong năm phụng vụ, Giáo Hội chỉ mừng những vị thánh đã được tôn phong cụ thể và rõ ràng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, có biết bao vị thánh vô danh, nhưng thực sự các ngài cũng là những vị thánh như các đấng được mừng trong lịch phụng vụ. Vì thế, Giáo Hội dành riêng một ngày để mừng kính chung các ngài.
Việc mừng kính các thánh hay không thì cũng chẳng thêm gì cho các ngài, bởi vì các ngài đã là thánh. Nhưng việc mừng kính các ngài là để tôn vinh, cảm tạ Thiên Chúa đã làm những điều kỳ diệu nơi cuộc sống của các ngài. Đồng thời, tôn kính các ngài như là những mẫu gương cho chúng ta noi theo. Vậy con đường nên thánh của các ngài là gì? Cuộc sống của các ngài có phải là siêu quần bạt chúng, là phi thường không? Thưa là không! Con đường nên thánh của các ngài là một con đường hướng thiện, yêu thương, tha thứ và rất bình dân. Cuộc sống của các ngài cũng bình thường như ai, các ngài chính là những người cha, người mẹ gương mẫu, là người hàng xóm tốt bụng, là người chủ nhà sẵn sàng cho khách trú chân khi lỡ đường, các ngài là những người thợ mộc, thợ nề, thợ thủ công, là công nhân, nông dân, cũng có thể các ngài là những kỹ sư, bác sĩ…. lại có những vị thánh xuất thân từ một hoàng tộc, lại có những đấng sinh ra không ai biết, chết không ai hay, có những vị thánh trong hàng ngũ Giáo Hoàng, Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Tu Sĩ. Tất cả họ là những bậc tổ tiên, cô bác, anh chị em với chúng ta lúc còn tại thế.
Tuy xuất phát điểm khác nhau, nhưng đều chung một mẫu số là các ngài làm mọi việc bình thường cách phi thường vì lòng mến Chúa và yêu người. Tất cả cuộc sống của các thánh được trở nên tốt lành và đẹp lòng Chúa là vì các ngài sống những giá trị Tin Mừng cách trung thành. Các ngài đã rập đời sống của mình theo gương mẫu Chúa Giêsu, đã để cuộc đời của mình cho ánh sáng Mặt Trời Công Chính chiếu qua. Các ngài thật giống chúng ta ở điểm khởi đầu, nhưng khác ở chỗ là đi đến cùng. Các ngài sống tinh thần thánh cách trọn vẹn chứ không như kiểu làm thánh “lâm thời” như chúng ta. Thật vậy, thánh “lâm thời” là khi phong ba dồn dập, nước sơn sẽ phai nhạt và tượng thánh sẽ hiện nguyên hình quỉ. (x. ĐHV, số 44). Các ngài là những người đã dám sống triệt để chân lý đã tin thay vì nửa vời. Và các ngài là những người: ” từ đau khổ lớn lao mà đến, họ giặt áo và tẩy áo trắng trong máu Con Chiên”. Các ngài chính là những người tin vào Đức Kitô Giêsu, và là những người sống tinh thần bản “Hiến Chương Nước Trời” cách trọn vẹn và suất sắc.
Thật vậy, các ngài là những người thuộc nằm lòng và sống trọn vẹn lời mời gọi của Đức Giêsu: “Anh em hãy mang lấy ách của Tôi và hãy học cùng Tôi vì Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường vì ách của Tôi thì êm ái, gánh của Tôi thì nhẹ nhàng” ; hay: “Hãy nên hoàn thiện như Cha Trên Trời” (Mt 5, 48), rồi cả cuộc đời của các ngài là những người đi theo Chúa trên con đường khổ giá vì lòng yêu mến Chúa và yêu thương con người tha thiết. Đây chính là con đường Chân Phúc.
Có nhiều con đường để nên thánh, và có nhiều cách nên thánh. Hôm nay, Chúa Giêsu đã vạch ra con đường Chân Phúc để như một lời mời gọi những ai muốn trở nên giống Chúa cách trọn vẹn hơn… Con đường đó được gọi là con đường hoàn thiện, hay một bản “Hiến Chương Nước Trời”.
Quả thật, các ngài là những người yêu mến tinh thần nghèo khó, sống hiền lành, biết thương cảm, vui với người vui, khóc với người khóc, luôn thương xót những người cơ bần, khao khát sống công chính, trong sạch, luôn xây dựng hòa bình, kiến tạo sự hiệp nhất và, các ngài là những người sẵn sàng vì Chúa mà quên thân mình. Sẵn sàng noi gương Chúa để sống và chết vì yêu. Các ngài là những người xứng đáng được Chúa ghi sổ vàng và hưởng lời chúc phúc của Chúa: “ Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm” (Mt 25, 35).
2. Sống thánh trong đời thường
Khi mừng lễ các thánh Nam Nữ như vậy, trước tiên, Mẹ Giáo Hội muốn nhắc nhở cho con cái biết rằng có một sự hiệp thông rất mật thiết giữa ba thành phần trong Giáo Hội: Giáo Hội Lữ Hành, Giáo Hội Thanh Luyện và Giáo Hội Chiến Thắng. Nói cách khác, có một mối liên hệ thiêng liêng hỗ tương giữa những người còn đang sống ở trên dương thế này với những linh hồn đang chịu thanh luyện trong Luyện Tội và với các thánh đang hưởng vinh phúc trên Thiên Đàng (x. GLTYGHCG, số 195 & Lumen Gentium, số 49).
Thứ đến, chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì ân sủng của Chúa tràn ngập trên cuộc đời các thánh, để từ ân sủng của Chúa, các ngài đón nhận và tỏa hương nhân đức trong cuộc sống, đồng thời lưu truyền lại cho con cháu hôm nay. Thật vậy, khi nói về sự ảnh hưởng của các thánh Tử Đạo, Tertuliano nhận xét: “Máu các vị Tử Ðạo là hạt giống trổ sinh nhiều tín hữu”.Chúng ta có được đời sống đức tin như ngày hôm nay là do ơn Chúa ban và biết bao hy sinh của các bậc tiền nhân.
Tiếp theo là: noi gương các ngài để ngày càng tiến tới sự trọn lành. Thánh Augustino đã nói một câu thời danh: “Ông nọ bà kia nên thánh được, còn tôi, tại sao không?”. Sống thánh và làm thánh là bổn phận, trách nhiệm của chúng ta. Thánh Giêrađô đã nhất quyết phải làm thánh khi từ giã người mẹ của mình để lên đường theo các cha dòng Chúa Cứu Thế đi tu, ngài đã viết một mảnh giấy để lại rằng: “Mẹ ở lại, con đi làm thánh!”. Như vậy, việc nên thánh là trách nhiệm của chúng ta, và cũng là đòi hỏi của Thiên Chúa: “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh” (Lêvi 19,2; 1Tx 4,3; 1Pr 1, 16…).
Cuối cùng, trong một xã hội đang chạy đua với kinh tế thị trường, coi thường đạo lý; một xã hội bất công lan tràn; thượng tôn hưởng thụ và khoái lạc dẫn đến tình trạng vô cảm, vô tâm, vô tình… Nên thánh trong thời đại của chúng ta ngày hôm nay chính là khẳng khái triệt để không sống theo lối sống sa hoa hưởng thụ, lối sống dẫm đạp lên nhau, lối sống nín thở qua cầu, nói chung lối sống chỉ biết lo cho cái bụng mà quên đi trái tim. Các thánh khi xưa là những người hoàn toàn khước từ những gì là mau qua chóng hết để tìm cho mình một kho tàng vĩnh cửu trên Trời là niềm vui, bình an và hạnh phúc vĩnh cửu.
Mừng lễ các thánh hôm nay, chúng ta hãy xin với các thánh là những bậc tổ tiên của chúng ta, xin các ngài nâng đỡ, bầu cử cho chúng ta để chúng ta cũng được hạnh phúc như các ngài trên Thiên Quốc. Và có lẽ không gì làm cho các ngài vui và Chúa được tôn vinh cho bằng chúng ta noi gương các ngài để nên thánh. Vì thế, trong việc giáo dục con em của mình, mong thay trong mỗi giáo xứ hay gia đình nên có những sách truyện, cuốn phim, tranh ảnh của các thánh, đây là những phương tiện bổ trợ rất hữu ích cho việc giáo dục Kitô giáo và cho đời sống đức tin nơi thế hệ mai sau.
Mong thay lời dốc quyết của thánh Giêrađô khi xưa: “Mẹ ở lại, con đi làm thánh!” cũng là sự quyết tâm của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta không ngừng xin Chúa ban ơn trợ lực để chúng ta vượt qua được những cám dỗ hầu tiến tới sự trọn lành như các thánh trên Trời.
Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa vì quyền năng và tình thương của Chúa trên các thánh. Vì lời chuyển cầu của Mẹ Maria và các thánh, chúng con xin Chúa ban cho chúng con cũng được dồi dào ân sủng như các thánh mà hôm nay chúng con mừng kính, hầu mai ngày, chúng con được cùng các ngài xum họp để tôn vinh, thờ lạy và chúc tụng Chúa không ngừng. Amen.
TẢN MẠN VỀ VIỆC NÊN THÁNH Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
Hằng năm cứ tháng 11 lại về Mẹ Hội Thánh dẫn đoàn con sống mầu nhiệm hiệp thông. Đây là một tín điều trong bản tuyên xưng đức tin Công giáo: “Tôi tin các thánh thông công”. Các tín hữu đã qua đời trong ơn nghĩa Chúa và các tín hữu đang còn lữ thứ trần gian luôn hiệp thông với nhau trong cùng một sự sống thần linh và có thể chuyển thông công nghiệp cho nhau. Trong số các tín hữu đã qua đời trong ơn nghĩa Chúa, có một số đông các vị đã được Hội Thánh tuyên phong hiển thánh. Là tín hữu, chúng ta buộc nhìn nhận các Ngài đã được hưởng kiến nhan thánh Chúa cách trọn hảo, nghĩa là đã được hưởng hạnh phúc viên mãn “trên trời”.
Trong Cựu ước, từ “thánh” được dùng để chỉ những người được tuyển chọn, được tách riêng ra để thi hành sứ mạng Chúa giao phó. Trong Tân ước, từ ngữ này được dùng để chỉ các Kitô hữu (x.Cv 9,13; 31-41; 1Cr 1,1; Rm 16,2). Các Kitô hữu được gọi là các thánh vì họ được Thiên Chúa tuyển chọn. Nhờ ân sủng Chúa Thánh Thần, họ được tham dự vào chính sự thánh thiện của Thiên Chúa, làm nên dân tộc thánh thiện. Họ được mời gọi dùng chính bản thân con người và đời sống mình làm thành hy lễ thánh thiện hiến dâng Thiên Chúa (x.Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh hạn từ “Các Thánh”). Dần dà về sau, Kitô hữu nhận thấy sự thật này là dù đã được chết đi cho con người cũ và sống lại với Chúa Kitô trong sự sống mới thì cuộc sống của họ dường như ít đổi thay và cũng có không ít người chưa vượt qua được chước cám dỗ “ngựa quen đường cũ”. Thế là hai từ các thánh thường dành riêng cho những người có lối sống trổi vượt về đức hạnh. Trong số những người có đời sống đạo hạnh thì càng về sau người ta lại chỉ dành chữ “thánh” cho những ai đã qua đời. Đã một thời Hội Thánh lại thận trọng tuyên phong hiển thánh cho một ai đó khi mà những người đương thời với vị ấy đang còn sống. Phải chăng chuyện “nhân bất thập toàn” là một rào cản tâm lý?
Tâm lý muốn được “phong thánh”: một ước mong chính đáng.
Là người, là Kitô hữu, sự thường ai cũng có cám dỗ muốn được người khác nhìn nhận phẩm giá của mình. Một chước cám dỗ tự nó không phải là xấu. Xuất hiện ở đời này, theo năm tháng khi trí khôn phát triển, con người dần khám phá bản thân và tự ý thức về sự hiện hữu của mình. Khi biết được đây là tôi, thì tôi lại muốn tha nhân nhìn nhận đây chính là tôi. Khi người khác nhìn nhận đây là tôi thì vẫn chưa đủ. Tôi còn muốn tha nhân công nhận tôi là thế này, tôi là thế kia theo những tiêu chí mà xã hội mỗi thời trân trọng. Có lẽ thuở sơ khai thì con người thích chứng tỏ mình “mạnh” hơn. Mình mạnh hơn nghĩa là mình xứng đáng có quyền làm đầu với sức mạnh của cơ bắp. Xã hội phát triển dần lên thì con người muốn chứng tỏ mình là có tài hơn, khôn ngoan hơn. Lúc này con người muốn đứng trên kẻ khác bằng tài năng, bằng trí khôn của mình. Cám dỗ muốn chứng tỏ mình đạo đức hơn xem ra tinh tế và đáp ứng được khát vọng của nhiều người hơn. Dù tôi không được khôn ngoan, dù tôi kém tài hay yếu sức nhưng tôi rất có thể sống đàng hoàng, đức hạnh hơn ai đó. Và thế là cũng có cái để hơn người. Quả thật, người ta thường nể sợ những người mạnh sức, thông minh, lắm tài nhưng người ta lại mến mộ người đạo hạnh cho dù họ ở cương vị nào, thân phận ra sao. Mong ước được phong thánh nghĩa là muốn được nhìn nhận phẩm hạnh của mình là một ước mong chính đáng và tốt đẹp. Đây là một trong những nét trổi vượt của con người so với các loài thọ tạo hữu hình khác.
Sợ phải làm thánh: chuyện bình thường kiếp người
Trong khi vẫn muốn sống tốt hơn, đạo đức hơn thì con người lại bị một sức ì, một lực cản cầm giữ. Thánh Phaolô cảm nghiệm nơi bản thân Ngài: “Những điều tôi muốn thì tôi không làm, còn những điều tôi ghét thì tôi lại cứ làm” (Rm 7,15). Truyền thống gọi tình trạng này là hậu quả của nguyên tội. Nói đến nguyên tội, Kitô hữu trước đây rất dễ đón nhận nội dung giáo lý, đặc biệt được thánh Augustinô triển khai cách tượng hình. Với sự tiến bộ của các ngành khoa học lẫn thần học Thánh kinh thì cách trình bày nội dung tội nguyên tổ trước đây hình như thiếu tính thuyết phục. Tuy nhiên chúng ta thật khó chối bỏ một hiện thực trong kiếp người như thánh Phaolô thú nhận: “Tôi khám phá ra luật này: khi tôi muốn làm sự thiện thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay. Theo con người nội tâm, tôi vui thích vì luật của Thiên Chúa, nhưng trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác: luật này chống lại luật của lý trí và giam hãm tôi trong luật của tội là luật vẫn nằm sẵn trong các chi thể của tôi” (Rm 7,21-23).
Xu hướng vị kỷ một cách nào đó đã và đang tồn tại trong mỗi người chúng ta. Dù biểu lộ dưới nhiều hình thức, nhưng thảy đều có điểm chung là “có lợi cho mình”. Xét theo khía cạnh tiêu cực thì càng ít điều thiệt cho mình thì càng tốt. Bên cạnh đó hầu như ai cũng ngại hy sinh, sợ gặp sự khó, gặp điều không hay, sự chẳng may. Xu hướng vị kỷ này còn cám dỗ chúng ta muốn sống yên phận. Người ta sao thì mình vậy. Sống khác người làm chi cho thiệt thân. An thân, giữ phận trong đám đông là một cách thế khôn ngoan kiểu thế gian. Môn đệ Chúa Kitô, dù không thuộc về thế gian nhưng vẫn còn ở giữa thế gian. Là Giám mục, miễn sao như chư huynh anh em là được. Là linh mục, cứ bình bình như “các cha” là ổn. Là tu sĩ nam nữ, thật hiếm thấy nhiều người dám lội dòng nước ngược như Phanxicô thành Assisii, như Gioan Thánh Giá…, hay gần đây như mẹ Têrêxa thành Calcuttta. Là tín hữu giáo dân, miễn sao được lãnh nhận các Bí tích là đủ rồi. Cái lý do thường được viện dẫn quả có tình có lý. Mình có hơn gì ai. Một con én không làm nên mùa xuân. Không nên làm nổi, chơi trội, khác người. Nếu không được gì hoặc giả có sơ suất nào thì tiếng tăm khó mà che được.
Tuy nhiên, rà soát sâu xa tận đáy lòng thì chúng ta có thể nhận ra chước cám dỗ này đó là ta ngại phải sống tốt hơn. Muốn được phong thánh thì cũng muốn mà lại sợ phải sống thánh thiện hơn, vì phải bỏ mình hơn, quảng đại hơn. Chỉ cần vào được thiên đàng là đủ hay ít ra có một chỗ trong luyện ngục là chắc ăn. Đến đây thì ta mới thấy cái xu hướng vị kỷ hiện rõ mặt thật. Có người còn khôn khéo viện dẫn lời của Pascal để biện bạch: “con người không phải là súc vật cũng không phải là thiên thần. Khi nó muốn trở nên thiên thần thì sẽ rơi xuống hàng súc vật”. Phải chăng, vì quá viễn vông trở thành thánh mà chúng ta bị thần dữ dẫn xuống địa ngục? Điều ấy cũng có thể xảy ra. Ma quỷ tinh ranh khôn xiết. Cám dỗ một ai đó để họ tưởng rằng mình phải là thánh là chước cám dỗ xảo quyệt nhất. Tổ tiên loài người đã không từng ngã gục trước chước cám dỗ đó sao. Không gì hơn, hãy biết “khiêm nhu” bằng lòng với lối sống chung chung của thiên hạ. Vấn nạn thật nan giải! Nhưng chúng ta đừng quên Chúa Giêsu đã từng mời gọi mọi chúng ta: “Các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành” (Mt 5,48). Không dám giải quyết vấn nạn cách kín lẽ và đầy đủ lý, nhưng để tiếp cận vấn đề thì không gì hơn, chúng ta cần nhìn lại chân dung của những người mà Hội Thánh đã tuyên phong hiển thánh.
Các thánh là những ai?
Câu hỏi này không muốn được trả lời bằng bảng liệt kê chuỗi danh sách tên tuổi những người đã được hiển thánh, nhưng muốn chúng ta truy tìm chân dung các vị ấy. Dựa vào gợi ý của Hội Thánh qua các bài đọc trong Thánh Lễ trọng kính Các Thánh Nam Nữ (ngày 01-11), chúng ta thử sơ phác diện mạo các Ngài.
- Các thánh là một tập hợp “rất rất nhiều người”, đếm không xuể.
Tác giả sách Khải Huyền trong thị kiến đã thấy “đoàn người thật đông không tài nào đếm được, thuộc mọi nước, mọi dân, mọi chi tộc, mọi ngôn ngữ” (Kh 7,9). Riêng số con dân Israel thì cũng đã là vô số. Ngài đưa ra con số biểu trưng: 144.000 người. Tức là cả ngàn lần của bình phương số 12 (12 x 12 x 1000 = 144.000). Số người đông không đếm xuể mà tác giả sách Khải Huyền đưa ra chắc hẳn không chỉ là lời động viên mà còn là lời xác nhận rằng ai cũng có thể làm thánh được. Không phải tôi muốn làm thánh là khác người nhưng trong khi có vô số người đã làm thánh, còn tôi thì ngại làm thánh mới là khác người.
- Các thánh vốn là những tội nhân.
“Họ là những người từ đau khổ lớn lao mà đến, họ giặt và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” (c.14). Chiếc áo tâm hồn nhuốm bẩn nghĩa là đã nhiễm tội. Họ không chỉ giặt mà còn phải tẩy chiếc áo tâm hồn trong máu Đấng Cứu Độ nghĩa là tâm hồn các Ngài không chỉ bẩn sơ sơ mà thực sự quá nhơ nhớp. “Không một thánh nhân nào mà không có một quá khứ, vì thế không có tội nhân nào lại không có một tương lai” (Têrêxa). Làm thánh không có nghĩa là không có tội. Thánh nhân cũng là những người yếu đuối và nhiều lầm lỗi như chúng ta. Nhìn lên thập giá để nhớ lại năm xưa trên đỉnh đồi Canvê, người tử tội bị treo bên phải Chúa Giêsu, chính anh ta đã tự thú nhận tội lỗi anh ta xứng đáng với cái án hình nhục nhã là thập giá, thế mà anh ta đã là một trong những thánh nhân, một thánh nhân được đích thân Chúa Giêsu tuyên phong. Yếu đuối, lỗi lầm không phải là những yếu tố ngăn cản ta, không cho ta nên thánh.
- Chính Máu châu báu của Đức Kitô làm cho ta nên thanh sạch, nên thánh.
“Này là Máu Thầy, Máu giao ước mới, giao ước vĩnh cửu, đổ ra cho anh em và nhiều người được tha tội” (x.Mt 26,28). Quả thật “trong Thánh Tử, nhờ Máu Thánh Tử đổ ra, chúng ta được cứu độ, được thứ tha tội lỗi” (Ep 1,7). Chính tình yêu của Thiên Chúa được biểu lộ rõ nét qua Trái Tim bị đâm thâu của Đức Kitô mới làm cho chúng ta nên thanh sạch, nên thánh thiện, vô tì tích. Tuy nhiên Thánh giáo phụ Augustinô khẳng định: “Thiên Chúa có thể dựng nên tôi, không cần có tôi. Nhưng Người không thể cứu tôi mà không có tôi”. Đối với Thiên Chúa thì không có sự gì là không thể (Mc 10, 27). Thiên Chúa có thể làm được mọi sự, nhưng Người đã ban cho loài người một trong những hồng ân cao cả là sự tự do. Chính vì thế để cứu độ con người, Thiên Chúa cần đến sự cộng tác, sự đáp trả của con người. Thánh Gioan Tông đồ trong thư thứ nhất hé mở cho chúng ta về sự đáp trả ấy. “Phàm ai đặt hy vọng vào Đức Kitô thì làm cho mình nên thanh sạch như Người là Đấng thanh sạch” (1Ga 3,3).
- Con đường nên thánh: tin cậy vào Đức Kitô.
Đến thế gian, Chúa Kitô thường mời gọi những nguời muốn nhận ơn lành của Người hãy tin vào Người. “Đức tin của con đã cứu chữa con; Bà tin sao thì được vậy; Anh có tin không ?...” Đã quen thuộc những kiểu nói này của Chúa Giêsu, chúng ta phải khẳng định rằng cách bình thường thì đó là một điều kiện ắt có để đón nhận ơn lành của Người. Thánh Phaolô Tông đồ trong hai thư gửi giáo đoàn Rôma và Galata đã nỗ lực minh chứng rằng chúng ta được nên công chính là nhờ tin vào Đức Kitô chứ không do bởi công nghiệp chúng ta. Được làm con cái Thiên Chúa, được hưởng gia tài là hạnh phúc vĩnh hằng tiên vàn là ân ban của Thiên Chúa chứ không phải là kết quả của công nghiệp chúng ta. Hơn nữa giả như làm bản so sánh giữa công và tội thì được mấy ai có phần công nghiệp lớn hơn tội lỗi mà mình đã phạm. Tuy nhiên, đặt sự hy vọng hay niềm tin cậy vào Đức Kitô không phải là một tình cảm, cũng không chỉ là một quyết định một lần nhưng là một quá trình dõi theo con đường Đức Kitô đã đi, đó là con đường sống đức ái. Tình yêu phủ lấp muôn vàn tội lỗi (x.1Pr 4,8). Và sống Đức Ái là chu toàn mọi lề luật (x. Rm 13,10).
- Những nẻo đường nên thánh: theo chân Đức Kitô sống Đức Ái bằng “Tám mối phúc thật”.
Trong Thánh Lễ trọng kính Các Thánh Nam Nữ, Hội Thánh cho chúng ta nghe bài Tin Mừng tường thuật việc Chúa Giêsu long trọng tuyên bố bản hiến chương Nước Trời là tám mối phúc thật. Tám mối phúc thật đã từng được diễn giải như là những điều kiện để được hưởng phúc vĩnh tồn. Tin Mừng Luca khi tường thuật những lời giảng dạy này của Chúa Giêsu thì được xem là sát với hoàn cảnh thực tế hơn so với Tin Mừng thánh Matthêu vốn đã công thức hóa. Qua ngòi bút của thánh sử Luca chúng ta nhận ra sứ điệp của Chúa Giêsu đặt trọng tâm vào các vế sau nghĩa là thế nào là được phúc thật. Đó là tình trạng được Nước Trời làm gia nghiệp, được Thiên Chúa làm cho thỏa lòng, được Chúa ủi an, được nhìn thấy Thiên Chúa, được Chúa ân thưởng… (x.Lc 6,20-23; Mt 5,1-12). Các vế đầu nói lên các hoàn cảnh của con người, dù cho trong đó có một vài cảnh tình theo cái nhìn của nhân loại là “vô phúc” nhưng vẫn được Thiên Chúa đoái thương trao ban ân lộc vô giá là Nước Trời. Thiên Chúa là Cha nhân hậu. Người không muốn bất cứ ai phải bị hư mất nhưng muốn tất cả đều được sống hạnh phúc đời đời. Vấn đề còn lại thái động thái tiếp nhận của mỗi người chúng ta. Cách thế đón nhận là theo sát chân Đấng Cứu Độ, Giêsu Kitô, vì không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Người (x.Ga 14,6).
Tám mối phúc thực ra đó là những nẻo đường Đức Kitô đã đi khi Người nhập thể, nhập thế. Khó nghèo, hiền lành, khát khao sự công chính, xây dựng hoà bình… là những nẻo đường sống đức ái, đức trọn lành. Để được làm công dân Nước Trời, nghĩa là để được làm thánh thì không thể không đi những nẻo đường Đức Kitô đã đi. Thế nhưng thử hỏi được có mấy ai đã đi qua đủ những nẻo đường ấy. Nhìn vào các Thánh mà Hội Thánh đã tuyên phong thì mỗi thánh mỗi vẻ, mỗi thánh mỗi con đường theo chân Giêsu. Cuộc đời của các thánh cho ta thấy các Ngài đã chọn một nẻo đường nào đó đặc biệt hơn để theo Đức Kitô. Thánh Phanxicô khó khăn chọn con đường khó nghèo để theo Thầy chí thánh. Thánh Vinh Sơn đệ Phaolô thì chọn con đường “biết xót thương người”. Các thánh tử đạo thì chọn con đường bị bách hại vì lẽ công chính. Và rồi cũng có những vị thánh mà cuộc sống không rõ nét là nẻo đường nào. Phải chăng ngoài tám nẻo đường chính thì vẫn có đó những con đường nhỏ tạm gọi là đường mòn, lối đi tắt?
Theo cái nhìn của Kinh Dịch: Thái Cực sinh Lưỡng Nghi (Âm – Dương); Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng (Thái Âm, Thiếu Âm; Thái Dương, Thiếu Dương); Tứ Tượng sinh Bát Quái (Kiền, Khôn, Ly, Khảm, Chấn, Đoái, Tốn, Cấn); Và Bát Quái sinh muôn vật. Phải chăng sự giao thoa giữa Bát Phúc sẽ làm nên nhiều nhiều cái phúc khác? Như thế, để theo chân Giêsu thì có muôn vạn nẻo đường? Nhìn lên thập giá, nhớ lại đồi Canvê năm xưa, hướng nhìn lên người tử tội bên phải Chúa Giêsu, chúng ta thử hỏi rằng anh ta đã chọn con đường nào để vào Nước Trời? Anh đã đến đích ngay hôm ấy. “Tôi bảo thật với anh: ngay hôm nay, anh sẽ ở trên Thiên đàng với Tôi” (Lc 23,43).
Những tiêu chí để kiểm nghiệm hướng đến của các con đường.
Tuy nhiên, đường này hay nẻo kia, để kiểm nghiệm xem có thực chúng hướng đến lối đi của Đấng cứu độ hay không thì cần có tiêu chí xem xét. Có thể có nhiều tiêu chí, nhưng xin đề ra hai tiêu chí mà Tin Mừng hay lặp đi lặp lại. Trước hết là sự bỏ mình. Đường vào thiên quốc là “con đường hẹp” (Mt 7,13-14), là con đường “vác thập giá mình” (Mc 8,34-38). Thứ đến là một tấm lòng hướng tha, biết nghĩ đến thiện ích của người khác. Hãy về và làm như “người Samaritanô nhân hậu” thì sẽ được sự sống đời đời. (x.Lc 10,25-37). Dụ ngôn ngày cánh chung trong Mt 25 làm rõ tiêu chí này. Người tử tội bị treo bên phải Chúa Giêsu năm xưa khi tự nhận lỗi mình đã phạm thì anh ta cũng đã bỏ mình cách nào đó và anh ta cũng đã có chút tình với Chúa Giêsu khi anh ta trách sửa người đồng phạm: “Chúng ta chịu như thế này là đích đáng vì xứng với việc đã làm. Còn Ngài đây đâu có làm điều gì sai trái” (Lc 23,41).
Với ân sủng Chúa ban, thì đường nên thánh quả là đã ở trong tầm tay của mỗi người. Vấn đề còn lại là ở chúng ta. Mong sao chúng ta biết bỏ mình đi một chút để hướng về thiện ích của tha nhân. Sống thánh là thế đó. Quả thật, vừa dễ lại vừa khó. Để kết thúc những chia sẻ này, xin mượn lời người xưa: “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, nhưng khó vì lòng người ngại núi, e sông” (Nguyễn Bá Học). Làm thánh không khó, nhưng bạn, tôi, dường như chúng ta vẫn đang ngại làm thánh!
LỄ CÁC THÁNH (Mt. 5:1-12a) Lm. Lã Mộng Thường
Một ông kia tuy nhà nghèo nhưng nuôi được con trâu cui rất mạnh khoẻ để cày ruộng và cày thuê cho những người trong làng làm nghề nông. Một buổi sáng sau khi sửa soạn phần cơm trưa và vác cày ra đến chuồng trâu thì con trâu đã biến mất. Qua cả tuần lễ đi đây đó tìm trâu mà không thấy ông tin chắc trâu đã bị mất trộm bởi nghĩ rằng “Lạc đàng theo chó, lạc ngõ theo trâu”, cho dù nó bỏ đi theo con trâu cái nào đó thì cũng nhớ đường về chuồng. Vừa tiếc trâu vừa lâm vào cảnh túng quẫn bởi không còn cách nào kiếm tiền chi tiêu trong gia đình, ông chỉ còn cách trình làng may ra cụ tiên chỉ và ban chỉ đạo làng giúp thêm ý kiến nào chăng. Tuy nhiên, khi gặp cụ tiên chỉ định nhờ cụ chỉ bảo phải trình báo theo thủ tục ra sao, vừa dợm tỏ bày nỗi đau xót mất trâu thì cụ tiên chỉ nói một câu khiến ông chưng hửng, “Thì từ nay bác sẽ không bị phiền vì mất trâu nữa”.
Bình thường nếu có ai trình bày về một vấn đề nào đó khác với lối nhận thức của những người đồng thời, chúng ta đều cho rằng người đó nói ngang hoặc coi rẻ những điều họ phát biểu. Thời kỳ Mỹ dự định phóng phi thuyền lên mặt trăng đã có những người mới nghe tin tức đã kết luận dự án đó chứng minh con người đòi cướp quyền của Thiên Chúa! Ngày xưa, Galileo sau khi đã tìm tòi, thí nghiệm, để rồi công bố thành quả nghiên cứu của ông đó là trái đất quay quanh mặt trời! và lời tuyên bố của ông không những đã bị bác bỏ mà ông còn bị cưỡng ép phải nói lên những lời phủ nhận thành quả nghiên cứu của mình. Suy đi, nghĩ lại, chúng ta hình như có đồng một tính chất giống như thánh Phaolô trước khi bị quật ngã ngựa trên đường Damascus. Bất cứ điều gì không phù hợp với quan niệm đã ăn sâu nơi tâm não, chúng ta đều đóng tai, bịt mắt không chấp nhận! trong khi quên rằng nếu không chịu mở rộng lòng để suy tư, nhận định những gì khác với quan niệm của mình thì ánh sáng chân lý dù chói lọi đến mấy chúng ta cũng không thể nào nhìn thấy.
Bài Phúc Âm được gọi là “Bài Giảng Trên Núi” đã hai ngàn năm qua vẫn bị coi thường, dẫu khi được nhắc đến, bất cứ ai cũng đều tỏ lòng thán phục theo kiểu a dua. A dua bởi thấy sách vở ca tụng, bởi mọi người ca tụng, và bởi không ca tụng thì e sợ có kẻ cho rằng mình không hiểu, không tin vào Lời Chúa, không tin vào Đức Giêsu, không tin nơi lời dạy dỗ của Ngài. Nói cho đúng, Bài Giảng Trên Núi nghịch lại với tất cả mọi lối sống, nghịch lại với tất cả những suy luận cũng như tâm lý thông thái bình thường của bất cứ ai. Nếu nói rằng chúng ta ca tụng Bài Giảng Trên Núi để học theo hay mơ ước học theo, lẽ tất nhiên chúng ta đã không theo, vì nếu đã áp dụng trong cuộc sống, chúng ta không cần phải ca tụng bởi chẳng lẽ sống theo Phúc Âm chúng ta lại áp dụng lối “Mèo khen mèo dài đuôi” dẫu rằng mèo có đuôi dài!
Cho dù nơi đầu mỗi câu đều được viết “Phúc cho kẻ!” nhưng bất cứ thực thể lối sống nào được đề nghị nơi Bài Giảng Trên Núi đều ngược lại với mong muốn bình thường của mọi người nếu chúng ta chỉ nghe sao biết vậy hoặc hiểu Lời Chúa theo nghĩa đen.
1/ Dùng tâm lý để suy luận mối phúc thật thứ nhất, “Những ai có tinh thần nghèo khó vì Nước Trời là của họ.” Nếu hiểu theo nghĩa đen, ai không ham tiền? Dẫu cho ai đó đã khá giả nhưng, “Nhà giầu ham việc, thất nghiệp ham ăn.” Và lẽ dĩ nhiên, càng nghèo càng ham tiền! do nào ai lạ gì, “Có tiền mua tiên cũng được.” Thế nên, người có tinh thần nghèo khó phải là kẻ giầu có nứt đố đổ vách bởi chúng ta chỉ mơ ước những gì chưa có hoặc có chưa đủ! Người giầu phải đối diện với quá nhiều sự phiền hà của sự giàu có nên mới có thể mơ ước niềm vui đơn thuần của người nghèo. Tuy nhiên, Phúc Âm dùng chữ nghèo để chỉ những ai theo đuổi cuộc sống tâm linh. Kinh nghiệm cuộc sống minh chứng, chỉ những người được sinh ra để giầu có mới có thể giầu có. Những ai, dù giầu hay nghèo nơi cuộc sống vật chất nhưng chú tâm suy nghiệm ý nghĩa, giá trị, và mục đích cuộc đời một người đều được gọi là người có tinh thần nghèo khó bởi chẳng kíp thì chầy học sẽ nhận ra được thực thể Nước Trời.
2/ Người nào nhận được thực thể Nước Trời sẽ nhận biết và nghiệm chứng được chính Thiên Chúa đang ngự trị và hoạt động nơi mọi người, mọi tạo vật. Vì vậy, đối xử với người, sử dụng tạo vật, họ đang trực tiếp đối diện với Thiên Chúa do đó tâm họ chất chứa đầy sự kính ngưỡng tạo nên thái độ hiền lành, khiêm nhu.
3/ Những ai đã nhận chân được sự hiện hữu của Thiên Chúa nơi mình, nơi mọi người đều cảm thấy đau lòng bởi sự vô minh đang đày ải con người. Tuy nhiên, sẽ đến thời điểm Tin Mừng Nước Trời được Thần Khí bày tỏ nơi mọi tâm hồn, khi ngày đó đến, những ai đã sớm thức ngộ sẽ được hưởng niền ủi an, vì ước mơ thánh thiện của họ đã thành đạt.
4/ Tất nhiên, nơi cuộc đời tranh sống, người công chính thường bị đau khổ khi đối diện với những nỗi bất công, nhưng vì nhận thực được bất cứ thành quả nào cũng phải trả giá, những nỗi bất công lại trở thành cơ may cho những ai sống đời công chính. Không có những cơ may là những điều bất công này, cuộc sống công chính của họ sẽ cũng không mang giá trị nào đáng kể.
5/ Bất cứ ai đã thức ngộ, lòng thương xót sẽ là điều khổ ải lớn lao đối với họ vì muốn không nghĩ tới cũng không được mà thực hiện giúp người khác nhận chân Tin Mừng Nước Trời sẽ bị phản kháng. Con người vô minh chạy theo thế tục làm tổn thương hành trình tâm linh, hành trình đức tin của họ nhưng muốn nói cho họ nhận biết, họ chẳng những không để ý mà còn nhạo cười vì những điều nên nhận thức đều chống nghịch lại tham vọng thế tục, hoặc những quan niệm nhận thức về Phúc Âm theo lối thị dục đã ám ảnh người đời quá nặng nề chẳng khác gì chiếc bì cũ bao bọc nhận thức của con người khiến tâm trí khó lòng vượt thoát. Nỗi đau của người thức ngộ khi nhận thấy con người vẫn còn chìm đắm nơi nhận thức hữu vi nhưng không cách nào giúp họ, được gọi là lòng thương xót.
6/ Chỉ những người nhận chân được thực thể Tin Mừng Nước Trời mới có thể có được lòng trong sạch bởi họ nhận biết được quyền lực của ý định, ước muốn, ước mơ chính là quyền lực của Thiên Chúa đang hoạt động! quyền lực đức tin. Nhận thức được Thiên Chúa ngự trị nơi mọi vật, mọi loài được gọi là nhìn thấy Thiên Chúa nơi tạo vật.
7/ Cũng thế, vì chúng ta đang đối diện với quyền lực hiện hữu tối thượng là chính Thiên Chúa nơi mọi vật, mọi loài nên sự ăn ở thuận hòa là lẽ tất nhiên cho những ai nghiệm chứng được thực thể Tin Mừng Nước Trời.
8/ Bất cứ ai đã nhận thức được thực thể Tin Mừng, “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt. 1:23), cuộc đời hữu hình chẳng những là cơ hội cho họ thăng tiến nơi hành trình đức tin mà đồng thời cũng là công cuộc bách hại trường kỳ đối với họ. Dĩ nhiên, con người thì lầm lỗi do tinh thần thì sáng suốt nhưng thân xác lại nặng nề. Nhà tù thân xác không những giam hãm linh hồn mà luôn là cớ vấp phạm cho linh hồn.
9/ Đức Giêsu đã là đích điểm cho người ta ghen ghét vì đã không nói thuận chiều với ham muốn thị dục của con người. Chính chúng ta cũng không dễ chi nhận thức được những lời Ngài giảng dạy nơi Phúc Âm. Kinh nghiệm minh chứng, bất cứ ai dám chuyên chăm nghiệm chứng về Phúc Âm đều bị những tôn giáo lấy Phúc Âm làm chuẩn chẳng sớm thì chầy lên án. Điều này có thể minh chứng tại sao Phúc Âm có những câu khuyên răn lạ kỳ, “Hãy ở khôn như con rắn và đơn thuần như chim câu,” hoặc “Của thánh đừng cho chó, châu ngọc chớ quăng trước miệng heo kẻo chúng dày đạp dưới chân và quay lại cắn xé các ngươi,” dẫu Phúc Âm đã nêu lên câu nói nghịch thường, “Ai có tai thì nghe.”
Tóm lại, ai muốn nghiệm chứng Bài Giảng Trên Núi nên nhập tâm và cần kiên trì thực hành lời khuyên của thánh Phaolô như kết quả thực chứng của ngài, “Đừng dập tắt thần khí. Đừng khinh thị các ơn tiên tri. Hãy nghiệm xét mọi sự; điều gì lành hãy giữ lấy. Hãy kỵ điều dữ dưới mọi hình thức” (1Thes. 5:19-21), và rõ ràng hơn, ngài nhắc nhở, “Hãy coi chừng đừng để ai lấy cách vật trí tri làm mồi rỗng tuếch đánh bã anh em, thể theo truyền thống người phàm, thể theo nhân tố trần gian chứ không theo Đức Kitô” (Col. 2:8). Có điều, dẫu nơi Kitô giáo không ai có công trạng và nhận thức nghiệm chứng hơn Phaolô, nếu ai thực sự cố theo Đức Giêsu áp dụng phương pháp thực chứng Phaolô đề nghị để được thức ngộ nhờ Phúc Âm, người đó chắc chắn sẽ đạt tới lời khẳng định Đức Giêsu đã công bố, và đó là, sẽ bị khốn khổ vì theo Ngài. Phaolô bị bắt bớ đâu phải vì người vô thần nhưng do chính những người tuyên xưng tin vào Chúa, tin vào Đức Giêsu đã kết án ngài! chẳng khác gì Đức Kitô đã bị kết án bởi những người nhân danh Thiên Chúa! Amen.
MỪNG LỄ CÁC THÁNH VÀ NHỮNG ƯỚC NGUYỆN Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Nếu có ai hỏi: “Chúng ta phải làm gì để trở nên thánh thiện?”, thì câu trả lời thật rõ ràng là: Chúng ta phải làm theo những gì Đức Giêsu dạy trong Bài Giảng Trên Núi.
Trong một thế giới tục hóa như hiện nay, chính trị, truyền thông, các cơ chế kinh tế, văn hóa và ngay cả tôn giáo trở nên quá rối loạn, đến nỗi hóa thành: một trở ngại cho sự phát triển xã hội và nhân văn đích thực. Ngày nay, chúng ta không dễ dàng sống Các Mối Phúc, và mọi cố gắng sống như vậy sẽ bị nghi ngờ và bị chế giễu, nhưng, chúng ta đừng nản lòng, bởi vì, Thập Giá Đức Kitô vẫn là nguồn tăng triển và thánh hóa của chúng ta.
Ước gì qua Các Mối Phúc, chúng ta sẽ gặp thấy Thầy Chí Thánh, và khao khát đáp lại lời mời gọi phản chiếu chân dung của Thầy trong đời sống hằng ngày của chúng ta, cho dẫu, những lời của Đức Giêsu rõ ràng đi ngược với cách người ta sống trong thế giới hôm nay. Thật vậy, ngay cả, dù chúng ta nhận thấy sứ điệp của Đức Giêsu đầy lôi cuốn, thì thế giới vẫn không ngừng đẩy chúng ta về một lối sống khác.
Ước gì chúng ta ý thức rằng: Các Mối Phúc không bao giờ lỗi thời, hay có tính nhượng bộ và thỏa hiệp, ngược lại, chúng vẫn quyết liệt và thách đố sự dấn thân của chúng ta. Tiến trình nên thánh chỉ có thể được thực hiện bằng Các Mối Phúc, và tiến trình này chỉ có thể được thành toàn viên mãn nhờ sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Người sẽ đổ đầy trong chúng ta sức mạnh của Người, và giải phóng chúng ta khỏi sự yếu hèn, ích kỷ, tự mãn và kiêu ngạo.
Ước gì chúng ta không chấp nhận tình trạng xoàng xĩnh vật vờ, mong muốn một đời sống dễ dãi, vì ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất. Để sống đúng những giá trị của Tin Mừng, chúng ta không thể kỳ vọng rằng: mọi sự sẽ dễ dàng, vì sự ham hố quyền lực và những lợi ích thế gian thường cản lối chúng ta. Chính Đức Giêsu cảnh báo rằng: con đường mà Người đề nghị thì phải đi ngược dòng: vô số người đã và đang bị bách hại, chỉ vì họ muốn đấu tranh cho công lý, và vì họ nghiêm túc dấn thân cho Thiên Chúa và cho tha nhân.
Ước gì chúng ta biết sống mối phúc kiến tạo hòa bình, để đón nhận ngay cả những người kỳ cục, những người gây phiền hay khó tính, những người khắt khe lập dị, những người chúng ta không ưa không thích. Xây dựng hòa bình thật là một việc khó, bởi vì, nó đòi chúng ta phải có tâm trí thật cởi mở, vì đây không phải là chuyện tạo ra một sự đồng thuận trên giấy tờ, hay một sự dàn hòa tạm bợ cho một thiểu số hài lòng. Đây cũng không thể là chuyện cố gắng phớt lờ, hay coi nhẹ sự xung đột; trái lại, chúng ta phải thẳng thắn đối diện xung đột, giải quyết nó, bằng sự bình tâm, sáng tạo, nhạy cảm và khéo léo, để biến nó thành một mắt xích của một tiến trình mới.
Ước gì chúng ta biết lắng nghe lời Đức Giêsu dạy về Các Mối Phúc, với tất cả lòng yêu mến và kính trọng. Ước gì chúng ta biết để cho những lời của Người làm xáo trộn chúng ta, thách đố chúng ta, và đòi hỏi chúng ta có một sự thay đổi thật sự trong lối sống của mình. Nếu chẳng vậy, thì những gì chúng ta thường hay khuyến khích nhau: “cố gắng nên thánh mỗi ngày”, sẽ vẫn… không gì khác hơn là… những lời nói sáo rỗng, những cụm từ rỗng không. Ước gì Chúa Thánh Thần soi sáng, và thêm sức mạnh để chúng ta dám sống theo sự thúc đẩy của Người, trên hành trình lội ngược dòng này. Ước gì được như thế!
Suy niệm Tin Mừng Lễ Các Thánh Nam Nữ
Mt 5, 1-12a “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ đông đảo, Người đi lên núi, và lúc Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần Người. Bấy giờ Người mở miệng dạy họ rằng:
“Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. – Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Ðất Nước làm cơ nghiệp. – Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an. – Phúc cho những ai đói khát điều công chính, vì họ sẽ được no thoả. – Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương. – Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa. – Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. – Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ.
“Phúc cho các con khi người ta ghen ghét, bách hại các con, và bởi ghét Thầy, họ vu khống cho các con mọi điều gian ác. Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời”.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXXI Thường Niên -Năm B
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
Giọng đọc: Thanh Tâm
TẢN MẠN VỀ VIỆC NÊN THÁNH Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
Hằng năm cứ tháng 11 lại về Mẹ Hội Thánh dẫn đoàn con sống mầu nhiệm hiệp thông. Đây là một tín điều trong bản tuyên xưng đức tin Công giáo: “Tôi tin các thánh thông công”. Các tín hữu đã qua đời trong ơn nghĩa Chúa và các tín hữu đang còn lữ thứ trần gian luôn hiệp thông với nhau trong cùng một sự sống thần linh và có thể chuyển thông công nghiệp cho nhau. Trong số các tín hữu đã qua đời trong ơn nghĩa Chúa, có một số đông các vị đã được Hội Thánh tuyên phong hiển thánh. Là tín hữu, chúng ta buộc nhìn nhận các Ngài đã được hưởng kiến nhan thánh Chúa cách trọn hảo, nghĩa là đã được hưởng hạnh phúc viên mãn “trên trời”.
Trong Cựu ước, từ “thánh” được dùng để chỉ những người được tuyển chọn, được tách riêng ra để thi hành sứ mạng Chúa giao phó. Trong Tân ước, từ ngữ này được dùng để chỉ các Kitô hữu (x.Cv 9,13; 31-41; 1Cr 1,1; Rm 16,2). Các Kitô hữu được gọi là các thánh vì họ được Thiên Chúa tuyển chọn. Nhờ ân sủng Chúa Thánh Thần, họ được tham dự vào chính sự thánh thiện của Thiên Chúa, làm nên dân tộc thánh thiện. Họ được mời gọi dùng chính bản thân con người và đời sống mình làm thành hy lễ thánh thiện hiến dâng Thiên Chúa (x.Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh hạn từ “Các Thánh”). Dần dà về sau, Kitô hữu nhận thấy sự thật này là dù đã được chết đi cho con người cũ và sống lại với Chúa Kitô trong sự sống mới thì cuộc sống của họ dường như ít đổi thay và cũng có không ít người chưa vượt qua được chước cám dỗ “ngựa quen đường cũ”. Thế là hai từ các thánh thường dành riêng cho những người có lối sống trổi vượt về đức hạnh. Trong số những người có đời sống đạo hạnh thì càng về sau người ta lại chỉ dành chữ “thánh” cho những ai đã qua đời. Đã một thời Hội Thánh lại thận trọng tuyên phong hiển thánh cho một ai đó khi mà những người đương thời với vị ấy đang còn sống. Phải chăng chuyện “nhân bất thập toàn” là một rào cản tâm lý?
Tâm lý muốn được “phong thánh”: một ước mong chính đáng.
Là người, là Kitô hữu, sự thường ai cũng có cám dỗ muốn được người khác nhìn nhận phẩm giá của mình. Một chước cám dỗ tự nó không phải là xấu. Xuất hiện ở đời này, theo năm tháng khi trí khôn phát triển, con người dần khám phá bản thân và tự ý thức về sự hiện hữu của mình. Khi biết được đây là tôi, thì tôi lại muốn tha nhân nhìn nhận đây chính là tôi. Khi người khác nhìn nhận đây là tôi thì vẫn chưa đủ. Tôi còn muốn tha nhân công nhận tôi là thế này, tôi là thế kia theo những tiêu chí mà xã hội mỗi thời trân trọng. Có lẽ thuở sơ khai thì con người thích chứng tỏ mình “mạnh” hơn. Mình mạnh hơn nghĩa là mình xứng đáng có quyền làm đầu với sức mạnh của cơ bắp. Xã hội phát triển dần lên thì con người muốn chứng tỏ mình là có tài hơn, khôn ngoan hơn. Lúc này con người muốn đứng trên kẻ khác bằng tài năng, bằng trí khôn của mình. Cám dỗ muốn chứng tỏ mình đạo đức hơn xem ra tinh tế và đáp ứng được khát vọng của nhiều người hơn. Dù tôi không được khôn ngoan, dù tôi kém tài hay yếu sức nhưng tôi rất có thể sống đàng hoàng, đức hạnh hơn ai đó. Và thế là cũng có cái để hơn người. Quả thật, người ta thường nể sợ những người mạnh sức, thông minh, lắm tài nhưng người ta lại mến mộ người đạo hạnh cho dù họ ở cương vị nào, thân phận ra sao. Mong ước được phong thánh nghĩa là muốn được nhìn nhận phẩm hạnh của mình là một ước mong chính đáng và tốt đẹp. Đây là một trong những nét trổi vượt của con người so với các loài thọ tạo hữu hình khác.
Sợ phải làm thánh: chuyện bình thường kiếp người
Trong khi vẫn muốn sống tốt hơn, đạo đức hơn thì con người lại bị một sức ì, một lực cản cầm giữ. Thánh Phaolô cảm nghiệm nơi bản thân Ngài: “Những điều tôi muốn thì tôi không làm, còn những điều tôi ghét thì tôi lại cứ làm” (Rm 7,15). Truyền thống gọi tình trạng này là hậu quả của nguyên tội. Nói đến nguyên tội, Kitô hữu trước đây rất dễ đón nhận nội dung giáo lý, đặc biệt được thánh Augustinô triển khai cách tượng hình. Với sự tiến bộ của các ngành khoa học lẫn thần học Thánh kinh thì cách trình bày nội dung tội nguyên tổ trước đây hình như thiếu tính thuyết phục. Tuy nhiên chúng ta thật khó chối bỏ một hiện thực trong kiếp người như thánh Phaolô thú nhận: “Tôi khám phá ra luật này: khi tôi muốn làm sự thiện thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay. Theo con người nội tâm, tôi vui thích vì luật của Thiên Chúa, nhưng trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác: luật này chống lại luật của lý trí và giam hãm tôi trong luật của tội là luật vẫn nằm sẵn trong các chi thể của tôi” (Rm 7,21-23).
Xu hướng vị kỷ một cách nào đó đã và đang tồn tại trong mỗi người chúng ta. Dù biểu lộ dưới nhiều hình thức, nhưng thảy đều có điểm chung là “có lợi cho mình”. Xét theo khía cạnh tiêu cực thì càng ít điều thiệt cho mình thì càng tốt. Bên cạnh đó hầu như ai cũng ngại hy sinh, sợ gặp sự khó, gặp điều không hay, sự chẳng may. Xu hướng vị kỷ này còn cám dỗ chúng ta muốn sống yên phận. Người ta sao thì mình vậy. Sống khác người làm chi cho thiệt thân. An thân, giữ phận trong đám đông là một cách thế khôn ngoan kiểu thế gian. Môn đệ Chúa Kitô, dù không thuộc về thế gian nhưng vẫn còn ở giữa thế gian. Là Giám mục, miễn sao như chư huynh anh em là được. Là linh mục, cứ bình bình như “các cha” là ổn. Là tu sĩ nam nữ, thật hiếm thấy nhiều người dám lội dòng nước ngược như Phanxicô thành Assisii, như Gioan Thánh Giá…, hay gần đây như mẹ Têrêxa thành Calcuttta. Là tín hữu giáo dân, miễn sao được lãnh nhận các Bí tích là đủ rồi. Cái lý do thường được viện dẫn quả có tình có lý. Mình có hơn gì ai. Một con én không làm nên mùa xuân. Không nên làm nổi, chơi trội, khác người. Nếu không được gì hoặc giả có sơ suất nào thì tiếng tăm khó mà che được.
Tuy nhiên, rà soát sâu xa tận đáy lòng thì chúng ta có thể nhận ra chước cám dỗ này đó là ta ngại phải sống tốt hơn. Muốn được phong thánh thì cũng muốn mà lại sợ phải sống thánh thiện hơn, vì phải bỏ mình hơn, quảng đại hơn. Chỉ cần vào được thiên đàng là đủ hay ít ra có một chỗ trong luyện ngục là chắc ăn. Đến đây thì ta mới thấy cái xu hướng vị kỷ hiện rõ mặt thật. Có người còn khôn khéo viện dẫn lời của Pascal để biện bạch: “con người không phải là súc vật cũng không phải là thiên thần. Khi nó muốn trở nên thiên thần thì sẽ rơi xuống hàng súc vật”. Phải chăng, vì quá viễn vông trở thành thánh mà chúng ta bị thần dữ dẫn xuống địa ngục? Điều ấy cũng có thể xảy ra. Ma quỷ tinh ranh khôn xiết. Cám dỗ một ai đó để họ tưởng rằng mình phải là thánh là chước cám dỗ xảo quyệt nhất. Tổ tiên loài người đã không từng ngã gục trước chước cám dỗ đó sao. Không gì hơn, hãy biết “khiêm nhu” bằng lòng với lối sống chung chung của thiên hạ. Vấn nạn thật nan giải! Nhưng chúng ta đừng quên Chúa Giêsu đã từng mời gọi mọi chúng ta: “Các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành” (Mt 5,48). Không dám giải quyết vấn nạn cách kín lẽ và đầy đủ lý, nhưng để tiếp cận vấn đề thì không gì hơn, chúng ta cần nhìn lại chân dung của những người mà Hội Thánh đã tuyên phong hiển thánh.
Các thánh là những ai?
Câu hỏi này không muốn được trả lời bằng bảng liệt kê chuỗi danh sách tên tuổi những người đã được hiển thánh, nhưng muốn chúng ta truy tìm chân dung các vị ấy. Dựa vào gợi ý của Hội Thánh qua các bài đọc trong Thánh Lễ trọng kính Các Thánh Nam Nữ (ngày 01-11), chúng ta thử sơ phác diện mạo các Ngài.
- Các thánh là một tập hợp “rất rất nhiều người”, đếm không xuể.
Tác giả sách Khải Huyền trong thị kiến đã thấy “đoàn người thật đông không tài nào đếm được, thuộc mọi nước, mọi dân, mọi chi tộc, mọi ngôn ngữ” (Kh 7,9). Riêng số con dân Israel thì cũng đã là vô số. Ngài đưa ra con số biểu trưng: 144.000 người. Tức là cả ngàn lần của bình phương số 12 (12 x 12 x 1000 = 144.000). Số người đông không đếm xuể mà tác giả sách Khải Huyền đưa ra chắc hẳn không chỉ là lời động viên mà còn là lời xác nhận rằng ai cũng có thể làm thánh được. Không phải tôi muốn làm thánh là khác người nhưng trong khi có vô số người đã làm thánh, còn tôi thì ngại làm thánh mới là khác người.
- Các thánh vốn là những tội nhân.
“Họ là những người từ đau khổ lớn lao mà đến, họ giặt và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” (c.14). Chiếc áo tâm hồn nhuốm bẩn nghĩa là đã nhiễm tội. Họ không chỉ giặt mà còn phải tẩy chiếc áo tâm hồn trong máu Đấng Cứu Độ nghĩa là tâm hồn các Ngài không chỉ bẩn sơ sơ mà thực sự quá nhơ nhớp. “Không một thánh nhân nào mà không có một quá khứ, vì thế không có tội nhân nào lại không có một tương lai” (Têrêxa). Làm thánh không có nghĩa là không có tội. Thánh nhân cũng là những người yếu đuối và nhiều lầm lỗi như chúng ta. Nhìn lên thập giá để nhớ lại năm xưa trên đỉnh đồi Canvê, người tử tội bị treo bên phải Chúa Giêsu, chính anh ta đã tự thú nhận tội lỗi anh ta xứng đáng với cái án hình nhục nhã là thập giá, thế mà anh ta đã là một trong những thánh nhân, một thánh nhân được đích thân Chúa Giêsu tuyên phong. Yếu đuối, lỗi lầm không phải là những yếu tố ngăn cản ta, không cho ta nên thánh.
- Chính Máu châu báu của Đức Kitô làm cho ta nên thanh sạch, nên thánh.
“Này là Máu Thầy, Máu giao ước mới, giao ước vĩnh cửu, đổ ra cho anh em và nhiều người được tha tội” (x.Mt 26,28). Quả thật “trong Thánh Tử, nhờ Máu Thánh Tử đổ ra, chúng ta được cứu độ, được thứ tha tội lỗi” (Ep 1,7). Chính tình yêu của Thiên Chúa được biểu lộ rõ nét qua Trái Tim bị đâm thâu của Đức Kitô mới làm cho chúng ta nên thanh sạch, nên thánh thiện, vô tì tích. Tuy nhiên Thánh giáo phụ Augustinô khẳng định: “Thiên Chúa có thể dựng nên tôi, không cần có tôi. Nhưng Người không thể cứu tôi mà không có tôi”. Đối với Thiên Chúa thì không có sự gì là không thể (Mc 10, 27). Thiên Chúa có thể làm được mọi sự, nhưng Người đã ban cho loài người một trong những hồng ân cao cả là sự tự do. Chính vì thế để cứu độ con người, Thiên Chúa cần đến sự cộng tác, sự đáp trả của con người. Thánh Gioan Tông đồ trong thư thứ nhất hé mở cho chúng ta về sự đáp trả ấy. “Phàm ai đặt hy vọng vào Đức Kitô thì làm cho mình nên thanh sạch như Người là Đấng thanh sạch” (1Ga 3,3).
- Con đường nên thánh: tin cậy vào Đức Kitô.
Đến thế gian, Chúa Kitô thường mời gọi những nguời muốn nhận ơn lành của Người hãy tin vào Người. “Đức tin của con đã cứu chữa con; Bà tin sao thì được vậy; Anh có tin không?...” Đã quen thuộc những kiểu nói này của Chúa Giêsu, chúng ta phải khẳng định rằng cách bình thường thì đó là một điều kiện ắt có để đón nhận ơn lành của Người. Thánh Phaolô Tông đồ trong hai thư gửi giáo đoàn Rôma và Galata đã nỗ lực minh chứng rằng chúng ta được nên công chính là nhờ tin vào Đức Kitô chứ không do bởi công nghiệp chúng ta. Được làm con cái Thiên Chúa, được hưởng gia tài là hạnh phúc vĩnh hằng tiên vàn là ân ban của Thiên Chúa chứ không phải là kết quả của công nghiệp chúng ta. Hơn nữa giả như làm bản so sánh giữa công và tội thì được mấy ai có phần công nghiệp lớn hơn tội lỗi mà mình đã phạm. Tuy nhiên, đặt sự hy vọng hay niềm tin cậy vào Đức Kitô không phải là một tình cảm, cũng không chỉ là một quyết định một lần nhưng là một quá trình dõi theo con đường Đức Kitô đã đi, đó là con đường sống đức ái. Tình yêu phủ lấp muôn vàn tội lỗi (x.1Pr 4,8). Và sống Đức Ái là chu toàn mọi lề luật (x. Rm 13,10).
- Những nẻo đường nên thánh: theo chân Đức Kitô sống Đức Ái bằng “Tám mối phúc thật”.
Trong Thánh Lễ trọng kính Các Thánh Nam Nữ, Hội Thánh cho chúng ta nghe bài Tin Mừng tường thuật việc Chúa Giêsu long trọng tuyên bố bản hiến chương Nước Trời là tám mối phúc thật. Tám mối phúc thật đã từng được diễn giải như là những điều kiện để được hưởng phúc vĩnh tồn. Tin Mừng Luca khi tường thuật những lời giảng dạy này của Chúa Giêsu thì được xem là sát với hoàn cảnh thực tế hơn so với Tin Mừng thánh Matthêu vốn đã công thức hóa. Qua ngòi bút của thánh sử Luca chúng ta nhận ra sứ điệp của Chúa Giêsu đặt trọng tâm vào các vế sau nghĩa là thế nào là được phúc thật. Đó là tình trạng được Nước Trời làm gia nghiệp, được Thiên Chúa làm cho thỏa lòng, được Chúa ủi an, được nhìn thấy Thiên Chúa, được Chúa ân thưởng… (x.Lc 6,20-23; Mt 5,1-12). Các vế đầu nói lên các hoàn cảnh của con người, dù cho trong đó có một vài cảnh tình theo cái nhìn của nhân loại là “vô phúc” nhưng vẫn được Thiên Chúa đoái thương trao ban ân lộc vô giá là Nước Trời. Thiên Chúa là Cha nhân hậu. Người không muốn bất cứ ai phải bị hư mất nhưng muốn tất cả đều được sống hạnh phúc đời đời. Vấn đề còn lại thái động thái tiếp nhận của mỗi người chúng ta. Cách thế đón nhận là theo sát chân Đấng Cứu Độ, Giêsu Kitô, vì không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Người (x.Ga 14,6).
Tám mối phúc thực ra đó là những nẻo đường Đức Kitô đã đi khi Người nhập thể, nhập thế. Khó nghèo, hiền lành, khát khao sự công chính, xây dựng hoà bình… là những nẻo đường sống đức ái, đức trọn lành. Để được làm công dân Nước Trời, nghĩa là để được làm thánh thì không thể không đi những nẻo đường Đức Kitô đã đi. Thế nhưng thử hỏi được có mấy ai đã đi qua đủ những nẻo đường ấy. Nhìn vào các Thánh mà Hội Thánh đã tuyên phong thì mỗi thánh mỗi vẻ, mỗi thánh mỗi con đường theo chân Giêsu. Cuộc đời của các thánh cho ta thấy các Ngài đã chọn một nẻo đường nào đó đặc biệt hơn để theo Đức Kitô. Thánh Phanxicô khó khăn chọn con đường khó nghèo để theo Thầy chí thánh. Thánh Vinh Sơn đệ Phaolô thì chọn con đường “biết xót thương người”. Các thánh tử đạo thì chọn con đường bị bách hại vì lẽ công chính. Và rồi cũng có những vị thánh mà cuộc sống không rõ nét là nẻo đường nào. Phải chăng ngoài tám nẻo đường chính thì vẫn có đó những con đường nhỏ tạm gọi là đường mòn, lối đi tắt?
Theo cái nhìn của Kinh Dịch: Thái Cực sinh Lưỡng Nghi (Âm – Dương); Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng (Thái Âm, Thiếu Âm; Thái Dương, Thiếu Dương); Tứ Tượng sinh Bát Quái (Kiền, Khôn, Ly, Khảm, Chấn, Đoái, Tốn, Cấn); Và Bát Quái sinh muôn vật. Phải chăng sự giao thoa giữa Bát Phúc sẽ làm nên nhiều nhiều cái phúc khác? Như thế, để theo chân Giêsu thì có muôn vạn nẻo đường? Nhìn lên thập giá, nhớ lại đồi Canvê năm xưa, hướng nhìn lên người tử tội bên phải Chúa Giêsu, chúng ta thử hỏi rằng anh ta đã chọn con đường nào để vào Nước Trời? Anh đã đến đích ngay hôm ấy. “Tôi bảo thật với anh: ngay hôm nay, anh sẽ ở trên Thiên đàng với Tôi” (Lc 23,43).
Những tiêu chí để kiểm nghiệm hướng đến của các con đường.
Tuy nhiên, đường này hay nẻo kia, để kiểm nghiệm xem có thực chúng hướng đến lối đi của Đấng cứu độ hay không thì cần có tiêu chí xem xét. Có thể có nhiều tiêu chí, nhưng xin đề ra hai tiêu chí mà Tin Mừng hay lặp đi lặp lại. Trước hết là sự bỏ mình. Đường vào thiên quốc là “con đường hẹp” (Mt 7,13-14), là con đường “vác thập giá mình” (Mc 8,34-38). Thứ đến là một tấm lòng hướng tha, biết nghĩ đến thiện ích của người khác. Hãy về và làm như “người Samaritanô nhân hậu” thì sẽ được sự sống đời đời. (x.Lc 10,25-37). Dụ ngôn ngày cánh chung trong Mt 25 làm rõ tiêu chí này. Người tử tội bị treo bên phải Chúa Giêsu năm xưa khi tự nhận lỗi mình đã phạm thì anh ta cũng đã bỏ mình cách nào đó và anh ta cũng đã có chút tình với Chúa Giêsu khi anh ta trách sửa người đồng phạm: “Chúng ta chịu như thế này là đích đáng vì xứng với việc đã làm. Còn Ngài đây đâu có làm điều gì sai trái” (Lc 23,41).
Với ân sủng Chúa ban, thì đường nên thánh quả là đã ở trong tầm tay của mỗi người. Vấn đề còn lại là ở chúng ta. Mong sao chúng ta biết bỏ mình đi một chút để hướng về thiện ích của tha nhân. Sống thánh là thế đó. Quả thật, vừa dễ lại vừa khó. Để kết thúc những chia sẻ này, xin mượn lời người xưa: “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, nhưng khó vì lòng người ngại núi, e sông” (Nguyễn Bá Học). Làm thánh không khó, nhưng bạn, tôi, dường như chúng ta vẫn đang ngại làm thánh!