TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Canh thức Vượt Qua

“Giêsu Nazarét chịu đóng đinh, đã sống lại”. (Mc 16,1-8)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lễ Đức Mẹ Sầu Bi

14/09/2021 06:03:08 |   1203

Đức Mẹ Sầu Bi
 

t4 t24 tnB

Lc 2, 33-35


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

Đức Mẹ Sầu Bi

Dẫn vào Thánh Lễ

Từ lời “Xin Vâng” trước Thánh Ý Thiên Chúa qua biến cố truyền tin, Đức Maria hằng liên kết mật thiết với Chúa Giêsu Con Mẹ. Từ dinh Philatô cho đến Núi Sọ, từng bước Mẹ đã theo Con cho đến khi hoàn tất và mai táng. Vì thế, Hội Thánh đã xưng tụng Mẹ là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc loài người. Ôi Maria Mẹ ơi! Trần gian có bà mẹ nào phải đau thương hơn Mẹ, khi đứng dưới chân Thập Giá nghe những lời trăn trối cuối cùng của Con yêu, mà suốt đời đã làm mọi điều tốt lành, để giờ đây được trả ơn bằng cái chết đau thương nhục nhã như vậy chăng?

Mẹ đã chấp nhận tất cả để dâng hiến Con yêu cho Thiên Chúa!

Lời xin vâng năm xưa giờ đây Mẹ lại cùng Chúa Giêsu Con yêu dấu hiến tế trên bàn thờ. Bằng lòng sám hối ăn năn và đền tạ, chúng ta cùng với Mẹ sốt sáng hiệp dâng thánh lễ hôm nay, để công trình cứu độ được tiếp tục thực hiện.

Ca nhập lễ

Ông Simon nói với Đức Maria rằng: Đây trẻ này được đặt lên khiến cho nhiều người trong Israel phải hư mất hay được sống, và cũng là mục tiêu cho người ta chống đối; và một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, khi Ðức Kitô chịu treo trên thập giá, Chúa đã muốn cho Thánh Mẫu của Người đứng kề bên mà thông phần đau khổ. Xin cho Hội Thánh Chúa biết noi gương Thánh mẫu mà kết hiệp với Ðức Kitô chịu khổ hình, để mai ngày được phục sinh vinh hiển cùng với Ðức Kitô là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: Dt 5, 7-9

“Người đã học vâng phục và đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, khi còn sống ở đời này, Chúa Kitô đã lớn tiếng và rơi lệ dâng lời cầu xin khẩn nguyện lên Ðấng có thể cứu mình khỏi chết, và vì lòng thành tín, Người đã được nhậm lời. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những kẻ tùng phục Người.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 30, 2-3a. 3bc-4. 5-6. 15-18. 19

Ðáp: Lạy Chúa, xin cứu sống con theo lượng từ bi của Chúa

Xướng: Lạy Chúa, con tìm đến nương nhờ Ngài, xin đừng để con muôn đời tủi hổ; vì đức công minh Ngài, xin cứu chữa con! Xin Chúa hãy lắng tai về bên tôi tớ Chúa.

Xướng: Xin Chúa mau lẹ để giải thoát con. Xin Chúa trở thành núi đá cho con trú ẩn. Bởi Chúa là Ðá tảng, là chiến luỹ của con; vì uy danh Ngài, Ngài sẽ dìu dắt và hướng dẫn con.

Xướng: Ngài dẫn con xa lưới dò chúng ngầm trương ra để hại con, vì Ngài là chỗ con nương náu. Con phó thác tâm hồn trong tay Chúa; lạy Chúa, lạy Thiên Chúa trung thành, xin cứu chữa con.

Xướng: Phần con, lạy Chúa, con tin cậy ở Ngài; con kêu lên: Ngài là Thiên Chúa của con! Vận mạng con ở trong tay Ngài, xin cứu gỡ con khỏi tay quân thù và những người bách hại.

Xướng: Lạy Chúa, vĩ đại thay lòng nhân hậu Chúa, lòng nhân hậu Ngài dành để cho những kẻ kính sợ Ngài, lòng nhân hậu Ngài ban cho những ai tìm nương tựa Ngài, ngay trước mặt con cái người ta.

Ca Tiếp Liên: Stabat Mater

(Ca Tiếp Liên này có thể đọc cả hay bỏ, hay chỉ đọc từ câu 11 trở đi)

1) Mẹ sầu bi tầm tã giọt châu, đang đứng bên cây Thập giá, nơi Con Người đã bị treo lên.

2) Một lưỡi gươm nhọn / đã đâm qua tâm hồn Bà đang rên siết, đang sầu khổ và đau đớn.

3) Ôi đau buồn sầu khổ biết bao / cho bà Mẹ đáng suy tôn / của một Người Con duy nhất!

4) Bà Mẹ hiền nhìn xem nỗi khổ hình của Người Con chí thánh, mà đau lòng thổn thức tâm can.

5) Ai là người không tuôn châu lệ / khi nhìn thấy Mẹ Chúa Kitô / trong cảnh cực hình như thế?

6) Ai có thể không buồn bã / nhìn xem Mẹ Chúa Kitô / đang đau khổ cùng với Con Người?

7) Mẹ nhìn thấy Chúa Giêsu / vì tội dân mình mà khổ cực, và bị vùi giập dưới làn roi.

8) Mẹ nhìn Con mình dịu hiền như thế / bị thống khổ lúc lâm chung, khi Người trút hơi thở cuối cùng.

9) Ôi lạy Mẹ là niềm yêu mến, xin cho con cảm thấy mãnh lực của đau thương, để cho con được khóc than cùng Mẹ.

10) Xin cho lòng con cháy lửa mến yêu, mến yêu Ðức Kitô là Thiên Chúa, để cho con có thể làm đẹp ý Người.

11) Ôi Thánh Mẫu, xin Mẹ làm ơn đóng vào lòng con cho thực mạnh / những vết thương của Ðấng bị treo thập giá.

12) Xin Mẹ cho con được chia phần thống khổ / của Con Mẹ đã thương vong, đã khứng chịu cực hình vì con như thế.

13) Xin cho con được cùng Mẹ thảo hiếu khóc than, cùng Ðấng bị đóng đinh tỏ niềm thông cảm, bao lâu con còn sinh sống ở đời.

14) Con ước ao được cùng với Mẹ / đứng bên cây Thập giá, và hợp nhất cùng Mẹ trong tiếng khóc than.

15) Ôi Ðức Trinh Nữ thời danh trong hàng trinh nữ, xin đừng tỏ ra cay đắng với con, xin cho con được cùng Mẹ chan hoà dòng lệ.

16) Xin cho con được mang sự chết của Ðức Kitô, được cùng Người thông phần đau khổ, và tôn thờ những thương tích của Người.

17) Xin cho con được mang thương tích của Người, cho con được say sưa cây thập giá / và máu đào Con Mẹ đã đổ ra.

18) Ôi, Ðức Trinh Nữ, xin đừng để cho con bị lửa hồng thiêu đốt, nhưng được Mẹ chở che trong ngày thẩm phán!

19) Lạy Chúa Kitô, khi phải lìa bỏ cõi đời này, nhờ Ðức Mẹ, xin Chúa cho con được tới lãnh ngành dương liễu khải hoàn.

20) Khi mà xác thịt con sẽ chết, xin cho linh hồn con / được Chúa tặng ban vinh quang của cõi thiên đường.

Alleluia

Alleluia, alleluia! – Ðức Trinh Nữ Maria là người có phúc, Bà xứng đáng lãnh nhận ngành lá tử đạo dưới chân Thập giá Chúa mà không phải chết. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 19, 25-27

“Bà mẹ hiền nhìn xem nỗi khổ hình của người con chí thánh mà đau lòng thổn thức tâm can”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, đứng gần thập giá Chúa Giêsu có Mẹ Người, cùng với chị Mẹ Người là Maria vợ ông Clopas, và Maria Mađalêna. Khi thấy Mẹ và bên cạnh có môn đệ Người yêu, Chúa Giêsu thưa cùng Mẹ rằng: “Thưa Bà, này là Con Bà”. Rồi Người lại nói với môn đệ: “Này là Mẹ con”. Và từ giờ ấy, môn đệ đã lãnh nhận Bà về nhà mình.

Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc: Lc 2, 33-35

“Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.

Khi ấy, cha và mẹ Chúa Giêsu đều kinh ngạc về những điều đã nói về Người. Simêon chúc lành cho hai ông bà, và nói với Maria Mẹ Người rằng: “Ðây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần Bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà, để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh Chị em thân mến! Mẹ Maria đã hiệp thông mật thiết vào cuộc khổ nạn của Đức Kitô, nên Mẹ đã được đặc cách tham dự vào cuộc Phục Sinh vinh hiển của Chúa. Nhờ công nghiệp của Mẹ, chúng ta dâng lời nguyện xin.

1. “Đây trẻ này được đặt lên khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đồ hay được đứng dậy”. – Xin cho Hội Thánh luôn trung kiên bước theo Chúa Kitô dù gặp phải gian nan và bị bách hại, vì chính Người cũng đã từng bị bách hại và bị giết chết.

2. “Người đã học vâng phục và đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời“. – Xin cho mọi Kitô hữu học gương Chúa Giêsu Kitô mà sông và làm việc, hầu đem lại ơn cứu độ cho bản thân và mọi người.

3. “Đức Trinh nữ Maria là người có phúc, bà xứng đáng lãnh nhận ngành lá tử đạo”. – Xin cho những bà mẹ đang gặp đau khổ trăm chiều, được Chúa nâng đỡ và xin cho họ biết nhìn mẫu gương tuyệt vời là Đức Maria, để họ kiên vững trong niềm tin, cậy, mến.

4. “Đứng gần Thập Giá Đức Giêsu có Mẹ Người”. – Xin cho những trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, được Đức Maria thúc giục nhiều người yêu thương đùm bọc, để các em có điều kiện sống xứng đáng với phẩm giá con người.

Chủ tế: Lạy Chúa, Chúa đã đón nhận nhữns đau khổ của Đức Maria và cho Ngài được vinh phúc trên trời. Xin Chúa cũng thương nhận những ước nguyện của chúng con, để chúng con cảm thấy được nâng đỡ ủi an trên con đường tiên về quê hương vĩnh cửu. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô…

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa nhân từ, Chúa đã muốn cho Thánh Mẫu Chúa Cứu Thế nên hiền mẫu của chúng con khi Người đứng dưới chân thập giá. Xin Chúa nghe lời chúng con cầu khẩn và nhận lễ vật chúng con dâng tiến trong ngày lễ kính nhớ Thánh Mẫu để danh Chúa được rạng rỡ vinh quang. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng Ðức Mẹ: “trong ngày lễ…”.

Ca hiệp lễ

Được thông phần đau khổ của Chúa Kitô, anh em hãy vui mừng, để khi vinh quang của Người được tỏ hiện, anh em được vui mừng hoan hỷ.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa lãnh nhận bí tích cứu độ muôn đời khi kính nhớ Ðức Mẹ Sầu bi. Chúng con khiêm tốn nài xin Chúa giúp chúng con mang lấy vào thân cho đủ mức những gian nan thử thách Ðức Kitô còn phải chịu cho Hội Thánh được nhờ. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

“Đứng bên khổ giá Đức Giêsu...”

Tại đền thờ Thánh Phêrô La Mã, có pho tượng thời danh do một nhà điêu khắc trứ danh Michel Ange sáng tác và hiện đang được trưng bày bên phải, gần cửa ra vào của đại Thánh đường Phêrô ở La Mã. Đứng trước pho tượng ấy, người ta có cảm tưởng hình dung được sự đau khổ hiện hình lên, khi nhìn thấy Đức Mẹ sầu bi ôm con chết nằm rũ rượi trong vòng tay.

Đức Mẹ là hiện thân của sự đau khổ. Đức Mẹ tượng trưng cho sự đau khổ trong đời sống. Chúng ta cùng thương Đức Mẹ và tìm hiểu vấn đề đau khổ. Người ta sinh ra trong tiếng khóc, trải qua cuộc đời đầy nước mắt, rồi âm thầm nằm xuống, trong tiếng khóc chân thật hoặc giả dối của người khác. Đời là bể khổ, vì sao? Xưa nay các nhà hiền triết đã nát óc đi tìm một câu trả lời thỏa đáng. Đức Phật Thích Ca đi tu cũng vì muốn tìm một câu trả lời cho câu hỏi gai góc ấy.

Không hiểu lý do sự đau khổ, người ta tìm cách hủy diệt người đau khổ mà họ cho là những chiếc gai phản tiến hóa. Đã có một thời chính phủ Nhật ra lệnh tập trung tất cả các người bệnh phong hủi trên một hòn đảo nằm giữa biển Thái Bình Dương và tưới xăng lên thiêu rụi cả hòn đảo chứa đầy bệnh nhân ấy. Họ mắc bệnh nan y, họ không có quyền sống. Trong đại thế chiến thứ hai, nhà độc tài Hitler đã ra lệnh cho giám đốc bệnh viện Bethel thủ tiêu tất cả mọi bệnh nhân mắc bệnh thần kinh, vì họ là thành phần vô dụng, ăn hại xã hội và tổ quốc.

Không tin ở Thiên Chúa thì người ta không làm sao hiểu nổi vấn đề đau khổ. Và người ta có thể tuyệt vọng khi không làm sao tránh được đau khổ và bệnh tật. Văn hào vô thần Heney de Montherlant, thuộc Hàn Lâm Viện Pháp, lúc về già, bị mù. Vì không chịu được sự đau khổ ấy, Montherlant đã dùng súng lục bắn vào họng tự sát.

Vấn đề đau khổ, ai sẽ đem lại cho chúng ta một câu trả lời thỏa đáng? Chỉ có một Chúa là Chúa Giêsu mà Tiên tri Isaia gọi là con người đau khổ, mới có thể trả lời cho chúng ta. Và nhờ ánh sáng Phúc Âm của Chúa mà chúng ta mới hiểu được nguyên do của sự đau khổ.

1. Nguyên do sự đau khổ là gì? Thưa chính là tội lỗi. Sự đau khổ đã xuất hiện từ khi loài người bắt đầu phạm tội và sẽ hứa mãi cho đến ngày tận thế. Mở trang đầu của Kinh Thánh, chúng ta thấy Chúa dựng nên vạn vật, chim trời cá biển, muôn chim cầm thú và chính con người và Thánh Kinh kết luận: “Mọi sự Chúa dựng nên tốt đẹp, rất tốt đẹp” (St 1,31). Nhưng rồi chương trình tốt đẹp ấy bị đổ vỡ. Tội lỗi đã len vào thế gian. Và vì tội thì sự chết nữa” (Rm 5,20). Nghĩa là từ ngày nguyên tổ phạm tội thì đau khổ báo trước sự chết đã ngự trị trên trần gian. Mỗi ngày có bao nhiêu tiếng khóc, có bao nhiêu dòng nước mắt. Bản án còn vang: “Vì ngươi phạm tội thì trái đất sẽ sinh gai góc, ngươi phải làm ăn vất vả, đổ mồ hôi trán mới có ăn và người là bụi tro thì sẽ hoàn về tro bụi”.

Từ đó đời là bể khổ. Đau khổ là do tội lỗi phát sinh. Chúa Giêsu ra đời, Ngài gánh lấy tội lỗi nhân loại. Nhờ sự chết và sống lại, Ngài đã cứu chúng ta khỏi tội lỗi. Thánh Phaolô nói: “Chúa Giêsu là Đấng đã phó mình vì tội lỗi ta, hầu giải thoát ta khỏi đời hiện tại xấu xa tội lỗi”. (Gl 1,4). Ngài cứu chúng ta khỏi tội nhưng Ngài không cất đi hình phạt của tội lỗi là gian lao đau khổ. Hơn nữa, Ngài dùng đau khổ làm giá chuộc chúng ta.

2. Vì thế, đời sống Chúa Giêsu là một đời đầy gian lao đau khổ. Cuộc sống ấy đi dần đến một cái chết ghê sợ nhất trên đời, nhưng Ngài chấp nhận, Ngài mong chờ nữa vì không có máu đổ ra thì không có ơn cứu chuộc.

Và Chúa cũng muốn rằng người Mẹ mà Ngài thương yêu hơn cả cũng thông phần đau khổ để, trở nên người Mẹ sầu bi. Dưới cây Thập giá, Đức Mẹ đứng. Đứng như một vị Thượng tế dâng của lễ. Trên cây Thánh giá con chết đi trong thân xác thì dưới cây Thập giá, Mẹ cũng chết lịm đi trong tâm hồn.

3. Chúa đã chịu đau khổ để đền tội chúng ta thì Ngài cũng thánh hóa sự đau khổ để nêu gương sáng cho chúng ta. Hơn nữa, Ngài lấy sự nhẫn nại chịu đau khổ như là một điều kiện để theo Ngài, để làm đồ đệ của Ngài.

Ngài long trọng tuyên bố: “Ai muốn theo Ta, thì hãy từ bỏ mình, vác Thập giá và theo Ta” (Mt 16,24). Từ đây không ai có thể tự hào là môn đệ Chúa mà không tham gia vào cuộc thương khó của Chúa, không vui lòng lãnh nhận phần đau khổ riêng tư của mình.

Chúa phán cùng các môn đệ: “Này chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị giết đi”. Chúng ta hãy nghe rõ: chúng ta hãy lên Giêrusalem, nghĩa là cả Thầy lẫn môn đệ, Chúa và chúng ta.

Vậy khi gặp đau khổ. Chúa dạy ta đừng buông xuôi, đừng thất vọng, đừng lồng lộn, rủa trời, chửi đất mà hãy lại gần Chúa, hãy cầu xin với Đức Mẹ, mẹ sầu bi, Chúa và Đức Mẹ sẽ nâng đỡ ta.

Và nhớ lại phần thưởng lớn lao Chúa dành cho nếu chúng ta biết thánh hóa đau khổ. Thánh Giacôbê Tông đồ nói: “Khi gian nan đau khổ đổ xuống trên anh em, anh em hãy vui mừng vì triều thiên sự sống Chúa dành cho những ai yêu mến Người”.

 

BẠN ĐƯỜNG
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Ngay sau ngày lễ suy tôn Thánh Giá Chúa Kitô, giáo hội cho chúng ta kính nhớ mầu nhiệm Mẹ Maria hiệp công với Đấng Cứu Độ, Giêsu Kitô, người con của Mẹ cách trọn hảo qua hình ảnh Mẹ đứng dưới chân cây thập tự năm nào. Có thể nói đường đời của Chúa Giêsu luôn có sự hiện diện của Mẹ Maria và công trình cứu độ của Người in đậm dấu ấn của Mẹ Maria, một người mẹ và là người đồng hành thiết thân.

Mẹ Maria không chỉ là người vuông tròn vai vị người thân mẫu của Đấng Cứu Thế trong việc cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Người mà Mẹ còn là người đồng hành với Con của mình suốt ba năm Người công khai rao giảng Tin Mừng và nhất là trên đoạn đường khổ giá đến tận đỉnh đồi Gôngôta. Khi đi rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ, Chúa Giêsu được người ta ái mộ rất nhiều nhưng cũng có nhiều người phẫn nộ tìm cách hãm hại. Người được các môn đệ quý mến cộng tác vào việc loan báo Tin mừng nhưng cũng có lúc nhiều môn đệ bỏ Người mà đi. Trong thân phận con người, Đấng Cứu Thế vẫn luôn cần có đó người tri kỷ, tri âm, nhất là những lúc gặp sự chống đối và như là thất bại. Sự hiện diện và đồng hành của Mẹ Maria chính là nguồn an ủi và là nguồn động lực để Chúa Giêsu bước tiếp con đường cứu độ của mình cho đến cùng.

Người ta thường nói rằng đằng sau thành công của người đàn ông luôn có bóng hình của người phụ nữ. Chúng ta có thể nói rằng trong công trình cứu độ của Chúa Kitô luôn có đó không chỉ đôi chân, đôi tay mà cả trái tim vẹn sạch bị đâm thủng cách huyền nhiệm của Mẹ Maria. Chúa Giêsu như chứng nhận hiện thực này khi trong phút giây hấp hối trên thập giá đã trao phó Mẹ Maria làm mẹ nhân loại qua người môn đệ Chúa yêu. Mẹ Maria chính là quà tặng vô giá mà Chúa Kitô trao phó cho nhân trần.

Đón nhận Mẹ Maria vào cuộc đời của mình như là người Mẹ chí ái và là người bạn đồng hành tín trung cùng tiến về quê trời thì chắc chắn chúng ta sẽ về đến đích. Trên con đường về quê, cùng đi với Mẹ, con vững luôn niềm tin, bước chân bình an.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây