TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật - Lễ Chúa Hiển Linh

“Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu?” (Mt 2,1-12)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Thánh Maccô - Tác giả sách Tin Mừng

07/06/2021 11:09:46 |   1398

 

 

 

Ca nhập lễ

Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi thụ tạo - Alleluia.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho thánh Mác-cô vinh dự rao giảng và ghi chép Tin Mừng. Xin cho chúng con được hiểu thấu những lời thánh nhân giảng dạy để trung thành bước theo Chúa Kitô là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: 1 Pr 5, 5b-14

"Marcô, con tôi, gửi lời chào anh em".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.

Anh em thân mến, tất cả anh em hãy mặc lấy đức khiêm nhường để đối xử với nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu căng và ban ơn cho người khiêm nhường. Vậy anh em hãy hạ mình dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa, để Người nhắc anh em lên trong thời giờ Người thăm viếng. Anh em hãy trút bỏ cho Người mọi điều lo lắng của anh em, bởi vì chính Người chăm sóc anh em.

Anh em hãy ăn ở tiết độ và hãy tỉnh thức, vì kẻ thù anh em là ma quỷ, như sư tử gầm thét, nó rình mò chung quanh, tìm kiếm một ai để nuốt. Anh em hãy vững vàng trong đức tin mà chống lại nó, vì biết rằng hết mọi người anh em khác trong thế gian đều phải chịu cùng một sự đau khổ đó. Nhưng Thiên Chúa nguồn mạch mọi ân sủng, Ðấng đã kêu gọi anh em tham dự vinh quang đời đời của Người trong Ðức Giêsu Kitô, chính Người sẽ làm cho anh em là những người chịu đau khổ ít lâu, được hoàn thiện, vững vàng và kiên cố. Nguyện Người được vinh quang và uy quyền đến muôn đời. Amen.

Nhờ Silvanô, người anh em trung tín, tôi cam đoan như thế, tôi viết vắn tắt thư này cho anh em, để khuyên nhủ và chứng thực rằng đó là ơn đích thực của Thiên Chúa, và anh em đang tận hưởng. Hội thánh được tuyển chọn ở Babylon và Marcô, con tôi, gởi lời chào anh em. Anh em hãy chào nhau trong cái hôn thánh thiện.

Nguyện (chúc) ơn Chúa ở cùng tất cả anh em, những người ở trong Ðức Giêsu Kitô. Amen.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 88, 2-3. 6-7. 16-17

Ðáp: Lạy Chúa, con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời (c. 2a).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời. Qua mọi thế hệ, miệng con loan truyền lòng trung thành Chúa. Vì Ngài đã phán: "Tình thương của Ta đứng vững muôn đời"; trên cõi trời cao, Ngài thiết lập lòng trung tín.

Xướng: Lạy Chúa, trời xanh ca tụng những kỳ công của Chúa, và lòng trung thành Chúa trong công hội thánh nhân. Vì trên cõi nước mây, ai bằng được Chúa, trong các con Thiên Chúa, ai giống như Ngài?

Xướng: Phúc thay dân tộc biết hân hoan, lạy Chúa, họ tiến thân trong ánh sáng nhan Ngài. Họ luôn luôn mừng rỡ vì danh Chúa, và tự hào vì đức công minh Ngài.

Alleluia: 1 Cr 1, 23. 24

Alleluia, alleluia! - Chúng tôi rao giảng Ðức Kitô chịu đóng đinh, Ngài là quyền năng và khôn ngoan của Thiên Chúa. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Mc 16, 15-20

"Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng".

Bài kết thúc Phúc Âm theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu hiện ra với mười một môn đệ và phán: "Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu phép rửa, thì sẽ được cứu độ; ai không tin, sẽ bị luận phạt. Và đây là những phép lạ đi theo những người đã tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng mới lạ, cầm rắn trong tay, và nếu uống phải chất độc, thì cũng không bị hại; họ đặt tay trên những người bệnh, và bệnh nhân sẽ được lành mạnh".

Vậy sau khi nói với các môn đệ, Chúa Giêsu lên trời, và ngự bên hữu Thiên Chúa. Phần các ông, các ông đi rao giảng khắp mọi nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và củng cố lời giảng dạy bằng những phép lạ kèm theo.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, nhân ngày lễ kính thánh Mác-cô, chúng con dâng lên Chúa của lễ này để ca tụng tạ ơn Chúa. Xin Chúa thương chấp nhận và cho Giáo Hội mãi trung kiên rao giảng Tin Mừng. Chúng con cầu xin...

Lời tiền tụng các Tông Ðồ

Ca hiệp lễ

Chúa phán: "Đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế - Alleluia.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng chúng con vừa lãnh nhận bí tích Thánh Thể nơi bàn thờ Chúa. Xin cho bí tích này thánh hoá chúng con và làm cho chúng con vững tin vào Tin Mừng mà thánh Mác-cô đã rao giảng. Chúng con cầu xin...

 

Suy niệm

HÃY MAU LOAN BÁO TIN MỪNG!

"Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo." (Mc 16,15)

Suy niệm: Giáo Hội Hàn Quốc đang thực hiện chương trình Loan Báo Tin Mừng Hai Mươi Hai Mươi, nghĩa là mọi người Công Giáo phải nỗ lực truyền giáo để đến năm 2020, số tín hữu Công Giáo chiếm tỉ lệ 20% tổng số dân Nam Hàn, đạt 10 triệu người Công Giáo, gấp đôi số tín hữu hiện nay. Đang khi ấy ở Việt Nam, các số liệu cho thấy năm 1960, tỉ lệ người Công Giáo chiếm 7,17% dân số và cuối năm 2010 tỉ lệ này là 7,18%! Thật đáng tiếc và cũng đáng trách, việc loan báo Tin Mừng của chúng ta không được quan tâm đúng mức, nên chưa làm tăng được 1% tỉ lệ dân số trong 50 năm qua! Vì thế, hôm nay mệnh lệnh loan báo Tin Mừng của Đức Gisu cần phải được mọi người Công Giáo Việt Nam khẩn cấp thực hành.

Mời Bạn: "Truyền giáo chính là kể câu chuyện về Đức Giêsu như các Tông Đồ xưa" (Sứ điệp Đại Hội Truyền Giáo Á Châu năm 2006). Đó là một Giêsu chính bạn đã cảm nghiệm trong cuộc sống bản thân, một Giêsu Phục Sinh đang đồng hành với con người. Bạn kể về Ngài bằng ngôn ngữ của tình yêu, một tình yêu được diễn đạt bằng mọi lãnh vực của cuộc sống: tinh thần lẫn vật chất. Cuối cùng, câu chuyện về Đức Giêsu ấy được kể trong Nhiệm Thể Ngài là Giáo Hội, khi bạn cộng tác, phối hợp và liên kết với các hội đoàn, nhóm... trong giáo xứ, giáo phận của mình.

Sống Lời Chúa: Tôi suy nghĩ xem sẽ kể câu chuyện về Đức Giêsu bằng phương cách nào (x. Mời Bạn) và quyết tâm thực hiện mỗi ngày.

Cầu nguyện: Sốt sắng hát bài "Lạy Chúa, xưa Chúa đã phán: Lúa chín đầy đồng, mà thiếu thợ gặt..."

Tiểu sử: Thánh Mac-cô - Tác giả sách Tin Mừng

1. Ghi nhận lịch sử - Phụng Vụ

Tín hữu thuộc các Giáo hội cổ Ai Cập, Syrie và Byzantin đều mừng kính thánh Marcô vào ngày 25 tháng 4. Ở Tây Phương, kể từ thế kỷ IX, người ta cũng mừng lễ thánh nhân vào ngày này.

Marcô (tiếng Hy-lạp: Marcos, và la ngữ: Marcus = búa) được gọi là “môn đệ và phát ngôn viên của Phêrô” đồng thời là tác giả sách Tin Mừng thứ hai, theo như lời lưu truyền rất xưa, từ thời Trưởng lão Gioan (cuối thế kỷ I) được Papias (khoảng 150), giám mục thành Hierapolis (Phrygie) thuật lại. Người xưa thường đồng hóa tác giả sách Tin Mừng Marcô với Gioan Marcô, mà sách Công vụ Tông Đồ và các thư của thánh Phaolô thường nhắc đến. Họ nói người xuất thân từ Giêrusalem (Cv 12,12), là bạn đồng hành với Phaolô và Banabé (Cv12,25; 13,5,13 ...) sau đó với Phêrô tại “Babylon” (1 Pr 5,13) ngụ ý là Rôma.

Một truyền tụng khác từ thế kỷ III cho rằng thánh Marcô thiết lập giáo đoàn Alexandrie (Ai Cập), nơi đây ngài đã tử vì đạo. Thi hài của ngài ban đầu được tôn kính gần Alexandrie, rồi được các lái buôn thành Venise chuyển về thành phố của họ vào thế kỷ IX. Các thánh tích của ngài hiện được lưu giữ và tôn kính tại đại thánh đường dâng kính ngài (thánh đường thánh Marcô).

Biểu hiện hình ảnh của thánh Marcô là con sư tử, con vật của vùng sa mạc thảo nguyên. Quả thật sách Tin Mừng của Marcô khởi đầu bằng việc trình bày Gioan Tẩy giả như là tiếng hô trong sa mạc (1,3).

2. Thông điệp và tính thời sự

Phụng Vụ tôn vinh Marcô trước tiên do chính công soạn sách Tin Mừng của ngài. Ngài là người đầu tiên soạn thảo “sách Tin Mừng”, có lẽ tại Rôma, giữa các năm 40 và 75. Là phát ngôn viên của Tông Đồ Phêrô, ngài thuật lại bằng tiếng Hy Lạp - qua một câu chuyện sống động và cụ thể cuộc đời Đức Giêsu từ lúc chịu thanh tẩy cho đến khi sống lại. Đối với ngài, cuộc Khổ Nạn mang một tầm quan trọng đặc biệt.

a. Lời xướng đáp và lời nguyện đầu lễ nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo, cũng như Đức Giêsu công bố điều này trong chương cuối sách Tin Mừng của Marcô mà chúng ta đọc một trích đoạn trong Thánh lễ: Đức Giêsu nói với mười một Tông Đồ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” ... còn họ (nhóm mười một) thì ra đi rao giảng Tin Mừng khắp nơi (16,15 ... 20).

b. Lời tung hô Tin Mừng nhắc lại (1 Cr 1, 23 –24): Chúng tôi rao giảng Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa.

Quả vậy trong sách Tin Mừng Marcô, mọi sự đều tập trung vào Giêsu, Đấng Kitô. Là Người thật và rất nhân ái, là Con Người (2,10...) nên Người chạnh lòng thương đám đông (8,2); Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng (10,16); Người cảm thấy hãi hùng và xao xuyến (14,33). Nhưng Người cũng dần dần tự tỏ mình ra như Đấng Thánh của Thiên Chúa (9,24) hay Con Thiên Chúa (3,11...) biểu lộ quyền năng Thiên Chúa của mình qua nhiều dấu lạ. Marcô mô tả chừng hai mươi dấu lạ. Các dấu lạ Người làm khiến mọi người hỏi nhau rằng: thế nghĩa là gì ? (1,27) hay: vậy người này là ai ? (4,41). Chính Đức Giêsu cũng hỏi các Tông Đồ: Anh em bảo Thầy là ai ? (8,29). Phêrô trả lời: Thầy là Đức Kitô (= Đấng Mêssias), còn viên đại đội trưởng ngoại giáo, nhân chứng cuộc đóng đinh Đức Giêsu vào thập giá, đã thốt lên: Quả thật, người này là con Thiên Chúa ! (15,39).

c. Lời nguyện đầu lễ kết thúc với lời xin Thiên Chúa ban ơn cho chúng ta, nhờ lời giảng dạy của Marcô, được trung thành “bước theo Đức Kitô”.

Phần hai của sách Tin Mừng Marcô (9 –16) chỉ rõ cụ thể cách thế để theo Đức Giêsu. Cũng như con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sống lại (8,31), cũng thế, Đức Giêsu phán: Ai muốn theo Tôi phải từ bỏ chính mình,vác thập giá mình mà theo. Nói cách khác, người môn đệ chân chính là người dám liều mất mạng sống mình vì Đức Kitô và vì Tin Mừng. Đức Giêsu còn nói: Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy (8,35).

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây