TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật - Lễ Chúa Hiển Linh

“Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu?” (Mt 2,1-12)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Thánh Mátthêu, tông đồ, thánh sử

19/09/2021 07:11:23 |   1990
Thánh Mátthêu, Tông đồ, Tác giả Sách Tin Mừng
 
t3 t25 tnB

Mt 9, 9-13
 

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Mátthêu, tông đồ, thánh sử

Ca nhập lễ

Chúa phán: Các con hãy đi giảng muôn dân, làm phép rửa cho họ, và giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã mở lượng từ bi khôn tả chọn một người thu thuế là Mát-thêu làm tông đồ rao giảng Tin Mừng. Xin nhận lời thánh nhân cầu thay nguyện giúp, cho chúng con biết noi gương người, luôn hết tình gắn bó với Chúa Kitô là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: Ep 4, 1-7. 11-13

“Chu toàn chức vụ, xây dựng thân thể Chúa Kitô”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, tôi là tù nhân trong Chúa, tôi khuyên anh em hãy ăn ở xứng đáng với ơn kêu gọi anh em đã lãnh nhận. Anh em hãy hết lòng khiêm nhượng, hiền hậu, nhẫn nại, chịu đựng nhau trong đức ái; hãy lo bảo vệ sự hợp nhất tinh thần, lấy bình an hoà thuận làm dây ràng buộc: Chỉ có một thân thể và một tinh thần, cũng như anh em đã được kêu gọi đến cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa là Cha hết mọi người, Ðấng vượt trên hết mọi người, hoạt động nơi mọi người, và ở trong mọi người.

Nhưng mỗi người trong chúng ta đã được ban ơn tuỳ theo lượng Ðức Kitô ban cho. Và chính Người đã ban cho kẻ làm Tông đồ, người làm Tiên tri, còn kẻ khác thì rao giảng Tin Mừng, kẻ khác nữa làm chủ chăn và thầy dạy, để tổ chức các thánh nhân nên hoàn bị hầu chu toàn chức vụ, xây dựng thân thể Ðức Kitô, cho đến khi mọi người chúng ta hợp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, trở nên người trưởng thành, đạt đến tầm vóc của Ðức Kitô viên mãn.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 18, 2-3. 4-5

Ðáp: Tiếng chúng đã vang cùng trái đất

Xướng: Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, thanh không kể ra sự nghiệp của Người. Ngày này nhắc nhủ cho ngày khác, đêm này truyền tụng cho đêm kia.

Xướng: Ðây không phải lời cũng không phải tiếng, mà âm thanh chúng không thể lọt tai. Nhưng tiếng chúng đã vang cùng trái đất, và lời chúng truyền ra khắp cõi địa cầu.

Alleluia:

Alleluia, alleluia! – Chúng con ca ngợi Chúa là Thiên Chúa; chúng con tuyên xưng Chúa là chúa tể. Lạy Chúa, ca đoàn vinh quang các Tông đồ ca ngợi Chúa. – Alleluia.

 Phúc Âm: Mt 9, 9-13

“Hãy theo Ta”. – Và ông ấy đứng dậy đi theo Người.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu đi ngang qua, thấy một người ngồi ở bàn thu thuế, tên là Matthêu. Người phán bảo ông: “Hãy theo Ta”. Ông ấy đứng dậy đi theo Người. Và xảy ra khi Người ngồi dùng bữa trong nhà, thì có nhiều người thu thuế và tội lỗi đến ngồi đồng bàn cùng Chúa Giêsu và các môn đệ của Người. Những người biệt phái thấy vậy, liền nói với các môn đệ Người rằng: “Tại sao Thầy các ông lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi như vậy?” Nghe vậy, Chúa Giêsu bảo rằng: “Người lành mạnh không cần đến thầy thuốc, nhưng là người đau yếu! Các ông hãy đi học xem lời này có ý nghĩa gì: Ta muốn lòng nhân từ, chớ không phải hy lễ. Vì Ta không đến để kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, trong ngày lễ kính thánh Mát-thêu chúng con dâng lên Chúa của lễ này và khiêm tốn nài xin Chúa ghé mắt nhân từ nhìn đến Giáo Hội vì chính nhờ lời rao giảng của các tông đồ đức tin Giáo Hội được dưỡng nuôi. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng các tông đồ,

Ca hiệp lễ

Chúa phán: Ta không đến để kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con đang cảm nghiệm chính niềm vui của thánh Mát-thêu khi người hân hoan đón tiếp Chúa Cứu Thế đến dùng bữa trong nhà mình. Xin cho chúng con luôn tìm được sức mạnh nơi bàn tiệc của Ðấng xưa đã đến để kêu gọi không phải người công chính nhưng là kẻ tội lỗi. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy niệm
của Giuse Trần Văn Lịch SDB

Tiếng gọi: “Anh hãy theo tôi!” của Đức Giêsu đã khiến cho Mát-thêu, người thu thuế, người bị xã hội coi thường, trở nên người bạn, người môn đệ của Ngài. Tiếng gọi ấy chắc hẳn phải trìu mến và tha thiết lắm thì người thu thuế kia mới bỏ lại mọi sự, đứng dậy mà đến với Đức Giêsu.


Cuộc sống thường ngày, mỗi người chúng ta cũng thốt lên không biết bao nhiêu lời. Có bao nhiêu lời chúng ta thốt lên với sự trìu mến? Có bao nhiêu lời mang lại lợi ích cho người khác? Có bao nhiêu lời chúng ta thốt lên giúp chúng ta xây dựng tình bạn chân thành? Có bao nhiêu lần chúng ta dành ra ít phút để nói chuyện với những người nghèo, những người yếu đuối, những người cô đơn, những người ngồi ở ven đường?

Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta, những người Kitô hữu hành động như Thầy mình: quan tâm đến những người mà cách này hay cách khác họ không hay ít được người khác quan tâm. Cùng nhau giành sự quan tâm đến những người xung quanh để mỗi ngày chúng ta trở nên gần với Thầy Giêsu hơn và có nhiều bạn bè chân thành hơn. Với những cử chỉ nhỏ bé của lòng trìu mến, chúng ta sẽ tăng tình hiệp thông và bớt đi sự cô độc trong thế giới này.
 

Không Vô Tích Sự
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột



Cả ba Tin Mừng Nhất lãm đều tường thuật câu chuyện Chúa Giêsu gọi ông Matthêu (Lêvi) khi ông đang còn làm việc ở trạm thu thuế (x.Mt 9,9-13; Mc 2,13-17; Lc 5,27-32). Lúc bấy giờ ông mới đi theo Chúa Giêsu như nhiều môn đệ khác. Sau đó Chúa Giêsu mới chọn trong số các môn đệ lấy 12 vị đặt làm Tông Đồ, trong đó có Matthêu (x.Mt 10,1-4; Mc 3,13-19; Lc 6,12-16).

Chúa Giêsu đến nhà ông Matthêu dùng bữa và khi có nhiều người phái Pharisêu càm ràm thì Người đã nói rằng Người đến không để kêu gọi người công chính nhưng để kêu gọi người tội lỗi và rồi Người biểu họ hãy đi và học cho biết ý nghĩa câu Lời Chúa: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần tế lễ”. Như thế chúng ta có thể khẳng định rằng không một ai, kể cả các môn đệ và các tông đồ thực là người công chính đúng nghĩa.

Ngoại trừ Mẹ Maria được Chúa gìn giữ thì mọi người thảy đều “sinh ra trong tội” nghĩa là chịu ảnh hưởng bởi “nguyên tội” theo chiều kích xã hội. Tuy nhiên tin vào lòng thương xót của Thiên Chúa vượt quá “tình trạng tội lỗi của con người” nên Giáo hội không ngần ngại cất lên lời ca trong đêm Vọng Phục Sinh: “Ôi tội hồng phúc”. Và sự kiện Chúa Giêsu kêu gọi một người mà theo nhãn quan của dân Do Thái thời bấy giờ là tội lỗi gấp đôi người thường khiến chúng ta thêm xác tín chân lý này.

Tuy nhiên khi chọn Matthêu vào hàng ngũ Tông đồ chúng ta lại nhận biết thêm một chân lý này đó là ân sủng và tình thương của Thiên Chúa không loại bỏ các điều kiện tự nhiên phần phía con người. Chúa muốn mỗi người chúng góp phần của mình để tình yêu của Người được hiển lộ cho chúng ta và cho tha nhân.

Trong tập thể nhóm Mười Hai thì hầu hết là thất học, không biết đọc, không biết viết. Dĩ nhiên Matthêu là trường hợp ngoại lệ. Với cái nghề thu thuế thì chắc chắn ngài phải biết đọc biết viết. Những trang Tin Mừng ngài để lại còn cho chúng ta biết cách nào đó tính cách của ngài. Xem ra ngài là người tính khí khá kỹ lưỡng vì viết có trước có sau, có tích có tuồng (trích dẫn Cựu Ước). Văn phong, cú pháp của ngài cũng cân đối nhịp nhàng, chẳng hạn như “tám mối phúc thật”... Như thế có thể phỏng đoán rằng Chúa Giêsu cũng cần một người biết chữ và cẩn thận để lo quản lý việc chung bằng giấy tờ. Ngày nay chúng ta có thể xem đó như là “ngành kế toán – tài chính”. Sự phỏng đoán thì có thể có phần trăm thiếu chính xác nhưng điều chắc chắn là Chúa Giêsu đã không để ngài giữ việc quản lý, giữ tiền bạc, vì đó là việc đã giao cho ông Giuđa Iscariô.

Mừng lễ kính thánh tông đồ Matthêu, Kitô hữu chúng ta vốn thường đề cao lòng thương xót của Thiên Chúa qua việc Chúa Giêsu đã chọn gọi người tội lỗi gấp đôi người thường để đi rao giảng Tin Mừng. Tuy nhiên xin đừng quên rằng Thiên Chúa còn muốn mỗi người chúng ta góp phần riêng của mình. Không một ai là người vô tích sự. Ước gì chúng ta nhận biết nén bạc Chúa trao cho mình là gì qua các khả năng để rồi sử dụng nó cho hữu hiệu vào công trình cứu độ của Thiên Chúa hầu làm vinh Danh Chúa và mưu ích cho hạnh phúc vĩnh cửu của con người.
 
Thánh sử
Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long

Theo lịch Phụng vụ của Gíao Hội Công giáo, Tin mừng, còn gọi là Phúc âm Chúa Giêsu luân phiên theo thứ tự năm A, B và C được đọc công bố trong các Thánh lễ ngày Chúa nhật.

Tin Mừng Chúa Giêsu được viết theo Thánh sử Matthêu cho năm A.

Tin Mừng Chúa Giêsu được trước tác theo Thánh sử Marcô cho năm B.

Tin mừng Chúa Giêsu được soạn thảo theo Thánh sử Luca cho năm C.

Bắt đầu từ tuần lễ Chúa Nhật mùa Vọng, ngày 28.11.2010 đến hết tuần lễ Chúa nhật thứ 34, ngày 20.11.2011, Tin mừng Chúa Giêsu theo Thánh sử Mattheo cho năm phụng vụ A là phần giáo lý chính trong các Thánh lễ.

Thánh sử Mathêu là ai? Và Tin mừng Chúa Giêsu do thánh sử Mattheo viết thuật lại thế nào?

1. Matthêu, người thu thuế được kêu gọi

Không có sử sách nào ghi lại khai sinh căn cước của vị Thánh sử này. Nhưng theo Tin Mừng do Thánh sử Marcô và Thánh sử Luca thuật lại, Mathêu là một người Do Thái làm nghề thu thuế có tên là Lêvi, quê quán ở Carphanaum vùng miền gần bờ hồ Genezareth, và được Chúa Giêsu kêu gọi làm Môn đệ: “Hãy theo theo Ta!” ( Mc 2,13-14; Lc 5,27-28). Và chính Matthêu cũng viết thuật lại như thế trong Phúc âm do Ông viết ( Mt 9,9).

Theo truyền thuyết kể lại, sau khi Thánh nhân viết xong Tin mừng Chúa Giêsu, ông di chuyển đến miền Mesopotamien và Aethiopien rao giảng Tin mừng Chúa Giêsu. Nơi đó Thánh nhân đã xây dựng Thánh đường cùng Tu viện, thành công việc loan truyền tin mừng nước Thiên Chúa. Nhưng sau cùng Thánh nhân bị người nhà vua dùng gươm kiếm đâm chết ở chân bàn thờ trong thánh đường.

Nhưng cũng có tương truyền thuật lại Thánh nhân bị ném đá tới chết, hay bị đốt thiêu sống trong lò lửa.

Thi hài (xương tích) thánh Matthêu từ năm 954 còn lưu giữ ở nhà thờ chính tòa Salermo. Năm 1085 Đức giaó hoàng Gregoriô VII, đã làm phép thánh hiến. Và chẳng mấy chốc nơi đó đã trở thành địa điểm hành hương nổi tiếng trong khắp vùng.

Thánh Matthêu, theo Phúc âm thuật lại, là một trong 12 Môn đệ được Chúa trực tiếp tuyển chọn kêu gọi, và sai đi tiếp tục công việc làm chứng loan truyền cùng xây dựng Giáo Hội Chúa ở trần gian.

Nhưng Thánh nhân còn là người viết sử thuật lại cuộc đời và giáo lý của Chúa Giêsu.

2. Matthêu, người viết sử thánh  

Xưa nay trong các hình vẽ hay tượng tạc Thánh sử Matthêu ngồi bàn viết tay cầm bút lông và trên đầu phía sau có hình Thiên Thần. Hay cũng có hình vẽ tạc Thánh nhân là một người có đôi cánh như Thiên Thần.

Điều này nói lên Thánh nhân viết Phúc âm Chúa Giêsu được Thiên Chúa soi sáng hướng dẫn

Biểu tượng đó cũng nói lên nét đặc thù của vị Thánh sử này.

Ngay chương mở đầu của Phúc âm ( Mt 1,1-17) Mattheo đã viết thuật lại thứ tự dòng dõi nguồn gốc gia phả của Chúa Giêsu. Với chi tiết này Thánh sử Mathêu muốn nhấn mạnh đến nguồn gốc Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế từ trời cao xuống trần gian làm người. Chúa Giêsu là một con người có xuất xứ nguồn gốc trong xã hội loài người. Ngài là Con Thiên Chúa sinh xuống trần gian làm người có tổ tiên, dòng dõi họ hàng gia đình.

Chúa Giêsu là một người như mọi người trong xã hội. Nhưng con người đó mang trong mình bản tính cùng sứ mạng của Thiên Chúa.

Thánh sử Matthêu viết thuật lại duy nhất trong phúc âm (Mt 2,1-12) ba nhà chiêm tinh tìm đến thăm viếng thờ lạy Vua Hài nhi Giêsu ở hang chuồng súc vật Bethlehem, lúc Chúa sinh ra.

Trong dòng lịch sử, người ta đã tìm đặt tên cho ba nhà chiêm tinh đó là Caspar, Melchior và Balthasar. Nhưng không có gì chắc chắn tên của họ đúng như thế.

Rồi ba món tặng vật của ba nhà Chiêm tinh tặng hài nhi Giêsu là Vàng, Nhũ hương và Mộc dược, cũng được cắt nghĩa như vàng cho Vua, Nhũ hương cho Thiên Chúa và Mộc dược cho tẩm liệm xác sau này.

Lối cắt nghĩa này phù hợp theo tâm tình đạo đức thờ kính sâu thẳm nhiều hơn.

Nhưng có lẽ Thánh Matthêu qua tường thuật về ba nhà Chiêm tinh từ phương trời xa lạ vượt đường núi sa mạc tìm đến thờ lạy hài Nhi Giêsu, muốn nói lên ý nghĩa tòan dân thiên hạ dù ở nơi chốn xa xôi tuôn tìm đến Giáo Hội Chúa Giêsu. (Isaia 60, 1-6).

Phúc âm theo thánh sử Mattheo viết, theo khoa nghiên cứu, rất nhiều đoạn chương trùng hợp giống với Phúc âm theo các thánh sử Marcô và Luca cũng viết như vậy. Do đó các nhà nghiên cứu khoa Kinh Thánh gọi ba Phúc âm nay là Phúc âm nhất lãm (Synoptik).

Trong Phúc âm theo Thánh sử Matthêu vai trò đứng đầu Gíao hội Chúa Giêsu của Thánh Phêrô được nhấn mạnh nổi bật hơn hết.

Cũng như nơi phúc âm Theo Thánh sử Marcô ( 8,27-30) và theo Thánh sử Luca ( 9,18-21), Thánh Phêrô đại diện anh em Tông đồ tuyên xưng Chùa Giêsu là con Thiên Chúa hằng sống. Nhưng Thánh sử Matthêu còn thuật viết thêm: Chúa Giêsu trao quyền bính chìa khóa nước trời đứng đầu Giáo hội Chúa Giêsu ở trần gian cho Thánh Phêrô. (Mt 16, 18-19)

Cũng theo các nhà nghiên cứu Kinh Thánh bản Phúc âm theo thánh sử Matthêu viết để lại cho Giáo Hội được viết vào năm 70 thế kỷ thứ nhất sau Chúa Giáng sinh. Ông viết phúc âm giáo lý Chúa Giêsu Kitô muốn trình bày cho người Do Thái về Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế mà toàn dân trông đợi mong chờ đã đến giữa con người trong xã hội. Nơi chốn Thánh sử viết bản Phúc âm ở vùng Palästina và Syrien.

Phúc âm Chúa Giêsu do Thánh sử Mathêu viết gồm 28 chương, dài hơn Phúc âm theo các Thánh sử khác Marcô có 16 chương; Luca có 24 chương và Gioan có 21 chương.

3. Những đoạn quan trọng trong Phúc âm Mathêu

1. Bài giảng Tám Mối Phúc Thật (Mt 5,1-12)
2. Kinh Lạy Cha (Mt 6,9-13)
3. Nâng đỡ an ủi (Mt 11,28-30)
4. Ngày phán xét chung (Mt 25, 13-46)
5. Sai đi rao giảng và làm phép rửa (28,16-20).

Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Việc tôn kính thánh Matthêu ở Roma lên tới thế kỷ V. Hồi đó ngưới ta mừng lễ Ngài trong nhà thờ lớn đường Merulana, và đến thế kỷ VIII lễ kính được thiết lập, có cả lễ vọng. Lễ ngày 21 tháng 9 như hiện nay là theo sổ tử đạo của thánh Jérôme, nhưng ở phương Đông mỗi nơi định mỗi khác tùy theo họ thuộc nghi lễ Byzance và Syrie (16 tháng 9) hay Coptes (9 tháng 9).

Các sách phúc âm trình bày thánh Matthêu như một nhân viên thuế vụ hay người thu thuế (Mt 9,9), con ông Alphée (Mc 2,14), có lẽ gốc người Capharnaum (Mc 27,14; Lc5,27) và là anh em với Giacôbê, vì ông này cũng là “Con ông Alphée”. Tên Matthêu (tiếng Hy lạp là Matthaios) có nguồn gốc Hébreu, có nghĩa là “Ơn của Chúa”. Ngài cũng được gọi là Lévi (Mc 2,14; Lc 5,27). Trong danh mục Nhóm Mười Hai, Ngài xếp thứ bảy hoặc thứ tám (Mc 3,18; Lc 6,15; Cv 1,13). Lời thú nhận của Mat-thêu trước khi được Đức Giêsu gọi, cho mình là một người “Không sạch”, bị phạt theo luật đạo Do Thái. Lời gọi của thầy, Đấng không đến kêu gọi người công chính, nhưng kêu mời người tội lỗi để họ cải hối (Lc 5,22) đã tạo nên nơi Lévi một câu trả lời tức thì và quảng đại: Bỏ tất cả, ông đứng dậy, đi theo thầy (Lc 5,28). Lòng quảng đại và lương thiện của người môn đồ mới được Luca đề cao:

Lévi dọn đại tiệc trong nhà để đãi Chúa Giêsu, tới dự có rất đông những người thuộc nhóm thuế vụ (5,29).

Đức giám mục Hiérapolis (ở Tiểu Á) tên là Papias, vào khoảng năm 125 kể lại rằng Matthêu đã xếp đặt các “ngôn từ” (Logia) của Chúa bằng thể ngữ Hébreu (tiếng Araméen) còn theo Eusêbe, Origène(+khoảng 254), xác nhận Matthêu là tác giả phúc âm thứ nhất, viết gửi đến những Kitô hữu gốc Do Thái. Thánh Irénée (tiền bán thế kỷ III) viết rằng Matthêu đã viết phúc âm nơi nhà những người Do Thái bằng ngôn ngữ của họ.

Theo một số truyền thuyết, thánh Matthêu đã rời Palestine sang truyền giáo nhiều miền khác nhau, ở Ba Tư, Syrie, Macédoine và Ethiopie, rồi tử đạo tại đây. Từ Éthiopie hài cốt Ngài được đưa về Paestum (Campanie), rồi Salerne, thế kỷ X, như Đức Giáo Hoàng Grégoire VII làm chứng, năm 1080. Theo một truyền thuyết khác, di hài Ngài được thánh nữ Hêlêna chuyển từ Jérusalem về Trèves (Đức) tại tu viện thánh Matthêu.

Anh tượng thường biểu diễn thánh Matthêu dưới dạng một thiên thần có cánh, tượng trưng cho phả hệ Đức Kitô ở đầu phúc âm Ngài. Các giai thoại về cuộc đời thánh Matthêu, ngoài những nơi khác, còn thấy nơi một loạt các bức họa của Caravage trong nhà thờ thánh Louis des Francais ở Roma.

Thông điệp và tính thời sự

Các kinh nguyện thánh lễ lấy từ sách lễ Paris năm 1738.

Lời nguyện trong ngày ca tụng lòng “Nhân từ sâu thẳm” của Chúa đã chọn “Matthêu người thu thuế đã làm thành tông đồ Chúa”. Trong phụng vụ bài đọc, thánh Bêđa khả kính nhận định rằng Chúa nhìn thấy Matthêu ngồi bàn thu thuế “Không phải bằng con mắt phần xác cho bằng cái nhìn nội tâm của lòng thương xót”. Giải thích ơn gọi dành cho Lévi, thánh nhân khẳng định ý nghĩa và bản chất lời gọi của Đức Kitô: “Khi yêu cầu ông theo Chúa, Chúa không kêu gọi ông đi theo Người cho bằng sống như Người”.

Lời nguyện trên lễ vật nhấn mạnh đề tài chính theo phúc âm Matthêu là Giáo hội: “Lạy Chúa xin yêu thương nhìn đến Giáo hội Chúa, vì Giáo hội đã được chính Chúa nuôi dưỡng đức tin bằng lời giảng dạy của các tông đồ”. Từ Giáo hội (Ekklèsia) được sử dụng từ một trăm lần trong Tân ước, đặc biệt là trong các thư thánh Phaolô, nhưng trong các phúc âm chỉ ba lần, chỉ có trong phúc âm Matthêu (16,18; 18,17). Trong 16,18: “Con là Phêrô, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh Thầy”. Từ Hội Thánh ở đây chỉ cộng đồng Chúa sắp thành lập xây dựng trên Phêrô. Trong 18,18: “Nếu kẻ ấy chối không chịu nghe họ, hãy nói với Giáo hội”, ở đây từ Giáo hội chỉ nghị viện của các tín hữu tức là đoàn tông đồ. Giáo hội cũng là cộng đoàn mới do Chúa Giêsu thiết lập, được xây dựng quanh Phêrô và các tông đồ, được mời gọi rao giảng phúc âm khắp thế giới (24,14; 26,13) và mọi dân tộc (28,19).

Nước Trời (thành ngữ xuất hiện có tới năm mươi lần trong Matthêu) là điều mới lạ do Chúa Giêsu lập nên. Đây là nước Thiên Chúa hiện hữu “Trên trời”, nhưng thực hiện ở trần gian bằng hình ảnh và việc tham dự, và sẽ kết thúc “Trên trời” vào ngày thế mạt. Hiến chương của Nước Trời là “Bài giảng trên núi” (5,3-11).

Thánh Matthêu vui mừng được đón Chúa vào nhà (lời nguyện tạ lễ) không ngần ngại mời nhiều bạn hữu, thu thuế, người tội lỗi cùng đến dự tiệc với Chúa Giêsu và các đồ đệ của Chúa (9,10). Trong thế giới Palestine, bữa ăn là giây phút cao điểm của lễ hội và gặp gỡ. Đức Giêsu khi nhận lời mời đến nhà một người “không sạch” muốn nhấn mạnh lời mời gọi nhân từ của Thiên Chúa đang mở cửa Vương Quốc của Chúa cho người tội lỗi.

Sau hết chúng ta hãy nhớ lời thánh Bêđa khả kính trong một bài giảng về thánh Matthêu: “Đấng sau này sẽ là Tông đồ và thầy dạy lương dân, lúc cải hối, đã kéo theo mình, cả một đám đông những người tội lỗi trên đường cứu rỗi” (Phụng vụ bài đọc).

Enzo Lodi

Hiểu sao khi thánh Mátthêu lập tức rời bỏ bàn thu thuế?
(Mừng Lễ Thánh Mátthêu 21/09)

Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB


Thức tỉnh là một ân huệ nhưng không của Chúa. Thánh Mátthêu cũng như mọi ngày, làm việc tại bàn thu thế, cũng đã nghe biết nhiều về Chúa, nhưng không có gì đặc biệt, rồi hôm nay, bỗng nhiên nghe tiếng Chúa gọi, ngài thức tỉnh: đứng phắt dậy, đi theo Chúa.

Thánh nữ Têrêsa Avila ngày ngày đi qua hành lang, đều nhìn thấy ảnh Chịu Nạn, nhưng không có cảm giác gì, rồi bỗng một hôm, thánh nữ mô tả kinh nghiệm thiêng liêng này: như mũi tên của thần Eros (thần tình yêu) bắn trúng con tim mình, để rồi từ đó, cuộc đời thánh nữ đã đổi khác.

Một người quanh năm buôn bán, cộng sổ, tính tiền, đếm hàng mỗi ngày, nhưng một hôm, ông đang đếm một... hai... ba... bỗng nhiên, trong đầu ông vang lên tiếng: “Abba – Cha ơi!”, lập tức, trong tâm hồn ông dâng lên một cảm nghiệm thiêng liêng sâu sắc, rồi từ đó, ông từ bỏ mọi sự thế gian để chỉ phụng sự một mình Chúa mà thôi.

Một người, ngày ngày đi gánh nước đêm, từ lúc còn nhỏ cho đến lúc tuổi đã xế chiều, nhưng không có gì đặc biệt, bỗng một hôm, đòn gánh gãy, hai bình đất bị vỡ, nước đổ hết ra ngoài, trăng trong bình không còn... người đó thức tỉnh.

Chúa đã lấy bùn đất mà dựng nên thân thể chúng ta, thân thể mất vì bình đất đã vỡ, nước tràn ra ngoài làm một với vũ trụ, trăng trong bình mất, chỉ còn trăng thực là chính Chúa. Thật ra, chỉ một mình Chúa mới “LÀ”, còn chúng ta nói chúng ta “là” là do chúng ta được thông dự vào cái “ ĐANG LÀ” của Chúa. Chúng ta “hữu” là vì chúng ta được thông dự vào Đấng Hằng Hữu.

Thức tỉnh là thoát ra khỏi tâm trí mê ngủ, bình thường, quen thuộc. Thức tỉnh là một ân huệ nhưng không của Chúa, thế nhưng, đó cũng là một ân huệ đã được chờ đợi, chuẩn bị từ rất lâu của những ai muốn nên một với Chúa. “Mưa” là nhưng không, hoàn toàn không do chúng ta, nhưng, có hứng được “nước mưa” không, là do chúng ta có sẵn sàng đón nhận hay không.

Thức tỉnh xuất hiện tự nhiên, bất ngờ, đúng thời điểm mà Chúa muốn cho những ai khao khát nên một với Chúa. Mừng Lễ Thánh Mátthêu, xin cho chúng ta luôn biết: sẵn sàng như ngài, để cho ân sủng thức tỉnh được khởi sự và thành toàn nơi chúng ta. Ước gì được như thế!
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây