Thánh Phêrô và Phaolô, tông đồ
Mt 16, 13-19
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄLễ vọng Thánh Phêrô và Phaolô, tông đồ
Ca nhập lễ
Lạy Chúa, Thánh Phêrô Tông đồ và thánh Phaolô thày dạy muôn dân, đã giáo huấn chúng tôi biết lề luật Chúa.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, là Thiên Chúa chúng con, Chúa đã sai hai thánh Phê-rô và thánh Phao-lô tông đồ đến giảng dạy cho Hội Thánh những điều căn bản của đức tin. Xin nhận lời các ngài cầu thay nguyện giúp mà thương tình nâng đỡ và ban cho chúng con vững vàng tiến bước trên con đường cứu độ. Chúng con cầu xin…
Bài đọc I: Cv 3, 1-10
“Tôi có cái này tôi cho anh là: nhân danh Đức Giêsu, anh hãy đứng dậy mà đi”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, vào giờ thứ chín, là giờ cầu nguyện, Phêrô và Gioan lên đền thờ. Lúc bấy giờ có một anh què từ lúc mới sinh, hằng ngày được người ta khiêng đến cửa đền thờ, gọi là cửa Đẹp, để xin những người vào đền thờ bố thí cho. Khi thấy Phêrô và Gioan tiến vào đền thờ, anh liền xin bố thí. Phêrô và Gioan nhìn anh và nói: “Anh hãy nhìn chúng tôi”. Anh ngước mắt chăm chú nhìn hai ngài, mong sẽ được hai ngài cho cái gì. Nhưng Phêrô nói: “Vàng bạc thì tôi không có, nhưng có cái này tôi cho anh là: nhân danh Đức Giêsu Kitô Nadarét, anh hãy đứng dậy mà đi!”
Rồi Phêrô nắm tay mặt anh mà kéo dậy, tức thì mắt cá và bàn chân anh trở nên cứng cát; anh nhảy ngay lên mà đứng và đi được; anh cùng hai ngài tiến vào đền thờ, anh vừa đi vừa nhảy nhót và ngợi khen Thiên Chúa, và dân chúng đều thấy anh đi và ngợi khen Chúa. Họ nhận ra anh chính là kẻ ngồi ăn xin ở cửa Đẹp đền thờ, nên họ bỡ ngỡ và sửng sốt về việc xảy đến cho anh. Đó là lời Chúa.
Đáp ca: Tv 18, 2-3. 4-5
Đáp: Tiếng chúng đã vang cùng trái đất
Xướng: Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa; thanh không kể ra sự nghiệp của Người. Ngày này nhắc nhủ cho ngày khác; đêm này truyền tụng cho đêm kia. – Đáp.
Xướng: Đây không phải lời cũng không phải tiếng, mà âm thanh chúng không thể lọt tai. Nhưng tiếng chúng đã vang cùng trái đất, và lời chúng truyền ra khắp cõi địa cầu. – Đáp.
Bài đọc II: Gl 1, 11-20
“Thiên Chúa đã tách riêng tôi từ lòng mẹ”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Galata.
Anh em thân mến, tôi cho anh em biết rằng: Tin Mừng do tôi rao giảng không phải thuộc về loài người, vì tôi không nhận, cũng không học với loài người, nhưng là do Đức Giêsu Kitô mạc khải. Anh em nghe nói về đời sống của tôi trước kia khi theo đạo Do-thái: tôi đã bắt bớ và phá hoại Hội Thánh của Thiên Chúa thái quá: trong đạo Do-thái, tôi đã vượt hẳn nhiều bạn đồng giống nòi, đồng tuổi với tôi, và tôi nhiệt thành hơn bất cứ ai đối với truyền thống của cha ông tôi. Nhưng khi Đấng tách riêng tôi ra từ lòng mẹ, và dùng ơn Người mà kêu gọi tôi, để tôi rao giảng Người trong các dân ngoại, thì không lúc nào tôi bàn hỏi người xác thịt máu huyết, và tôi không lên Giêrusalem, để gặp các vị làm tông đồ trước tôi, nhưng tôi đi ngay đến Arabia, rồi lại trở về Đamas. Đoạn ba năm sau, tôi mới lên Giêrusalem để gặp Phêrô, và lưu lại với ông mười lăm ngày. Tôi không gặp một tông đồ nào khác, ngoài Giacôbê, anh em của Chúa. Đây trước mặt Thiên Chúa, tôi viết cho anh em những điều này, tôi cam kết rằng tôi không nói dối đâu. Đó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 21, 17d
Alleluia, alleluia! – Thưa Thầy, Thầy thông biết mọi sự: Thầy biết con yêu mến Thầy. – Alleluia.
Phúc âm: Ga 21, 15-19
“Con hãy chăn dắt các chiên mẹ và chiên con của Thầy”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi Chúa Giêsu tỏ mình ra cho các môn đệ, Người dùng bữa với các ông, và hỏi Simon Phêrô rằng: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?” Ông đáp: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy”. Người lại hỏi: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy”. Người hỏi ông lần thứ ba: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?” Phêrô buồn phiền, vì thấy Thầy hỏi lần thứ ba: “Con có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự: Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên mẹ của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho con biết: khi con còn trẻ, con tự thắt lưng lấy và đi đâu mặc ý; nhưng khi con già, con sẽ giang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho con và dẫn con đến nơi con không muốn đến”. Chúa nói thế có ý ám chỉ Phêrô sẽ chết cách nào để làm sáng danh Thiên Chúa. Phán những lời ấy đoạn, Người bảo ông: “Con hãy theo Thầy”. Đó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, trong ngày đại lễ kính hai thánh Tông đồ Phê-rô và thánh Phao-lô, chúng con vui mừng mang của lễ dâng lên bàn thờ Chúa. Xin Chúa thương chấp nhận và cho chúng con càng biết mình chẳng có công trạng gì, càng sung sướng vì được Chúa thương cứu độ. Chúng con cầu xin…
Lời tiền tụng như trong thánh lễ chính ngày.
Ca hiệp lễ
Simon con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không? Lạy Thầy, Thầy thông biết mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, Chúa đã dùng giáo huấn của các vị Tông Ðồ để soi đường dẫn lối cho tín hữu. Xin cho bí tích này đem lại cho chúng con nhiều sinh lực mới. Chúng con cầu xin…
PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ: NGƯỜI MÔN ĐỆ KHIÊM TỐN
Cứ mỗi lần mừng lễ hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, bản thân tự hỏi vì sao hai vị tông đồ này lại được Giáo hội ưu ái thế, vì trong năm phụng vụ có một ngày lễ kính tông tòa Thánh Phêrô rồi, cũng có thêm ngày lễ kính thánh Phaolô trở lại nữa. Thế thì ngày lễ mừng kính chung của hai vị vào ngày 29 tháng 6 hàng năm, Mẹ Giáo hội mời con cái hướng về mục đích gì?
Đọc lại Kinh thánh, chúng ta thấy xuất thân của hai vị tông đồ này khác biệt nhau rất nhiều, và có thể nói là đối nghịch nhau, thánh Phêrô xuất thân là một người dân chài, nói theo ngôn ngữ bình dân thì đó là một kẻ nghèo hèn, một chữ bẻ đôi không biết, gia đình cũng chẳng khấm khá, tương lai chẳng có gì chắc chắn, còn thánh Phaolô thì khác xa, xuất thân là con một gia đình Biệt phái, một người tri thức uyên thâm, thêm vào đó còn được thọ giáo với một thầy Rabbi nổi tiếng là Gamalien. Hai con người có cùng quê hương, cùng dân tộc nhưng xuất thân khác nhau như thế, vậy mà được đặt làm thủ lãnh của anh em Tông đồ đoàn, được chọn làm Tông đồ cho dân ngoại, đây là nút thắt làm tốn không ít giấy mực và mồ hôi của nhiều nhà chú giải cũng như các thần học. Đúng là việc của Chúa Thánh Thần.
Xuất thân từ một gia đình không có gì khá giả ngoài con thuyền cùng những mét lưới làm phương tiện sinh sống hàng ngày, thánh Phêrô được gọi làm môn đệ của Đức Giêsu. Nghe tiếng gọi, ông bỏ công việc, bỏ tương lai, bỏ luôn cả tình cảm gia đình, lên đường theo Chúa, đến ở với Ngài để được học hỏi, huấn luyện trở thành người thợ trên cánh đồng truyền giáo. Bản tính bộc trực, thẳng thắn, đã tuyên bố với Thầy là sẽ theo Thầy đến cùng, sẽ không bao giờ phản bội Thầy, thế mà chỉ một phút giây yếu đuối, đã mang tiếng với trời đất là một môn đệ phản bội Thầy có tới ba lời chối bỏ thẳng thừng. đau khổ nhất của Thầy là có một học trò đáng yêu chối bỏ mối liên hệ với Thầy như vậy. Dù thế nhưng cuộc đời của thánh nhân không rơi vào ngõ cụt, sám hối trong sự khiêm tốn, khóc lóc với lời xin tha thứ, chỗi dậy với tâm tình đổi thay cuộc đời, thánh nhân đã được Thầy quên đi cái tội tày đình đó. Khám phá thấy mình được Thầy yêu mến nhiều nhưng lại phản bội Thầy, thánh Phêrô đã sống sứ vụ của mình thật tròn đầy, luôn khiêm tốn nhìn nhận mình chỉ là một người đầy tớ vô dụng, không xứng đáng với tình yêu của Thầy, vì thế, khi kết thúc cuộc đời với vai trò lãnh đạo Giáo hội, thánh nhân xin được đóng đinh sự khốn nạn trong con người vào thập giá, đó mới là phần thưởng xứng đáng cho người bội phản, nhưng là đóng ngược lại trên thập giá, vì trò không thể ngang bằng như Thầy được.
Là một người tri thức cả về lề luật lẫn Kinh thánh, thánh Phaolô luôn tự hào về con người của mình, lắm lúc chen lẫn chút tự mãn của thế gian. Vào lúc cái tôi tự mãn lên tới đỉnh cao, ngài đã bị đánh ngã ngựa. Lý do bị đánh ngã ngựa là dựa vào tôn giáo truyền thống của mình, để loại trừ một tôn giáo khác, dù cả hai tôn giáo đều tin thờ một Thiên Chúa. Cái tôi tự mãn như một đám mây đen che phủ đôi mắt tinh thần của ngài, nên không biện phân được đâu là chương trình của Thiên Chúa, đâu là kế hoạch của con người. Khi ngã ngựa, ngài đã nghe văng vẳng bên tai: “Giơ chân đạp vào không khí, chân ngươi sẽ không đau, nhưng giơ chân đạp vào tảng đá, chân ngươi sẽ biết cứng hay mềm”. Một lời nhắc rất nghiêm khắc, bởi lòng tự mãn của con người không thể chiến thắng tình thương của Thiên Chúa được. Sau khi tĩnh tâm lại, thánh nhân mới khám phá chương trình của Thiên Chúa trong cuộc đời của mình, ngài đã cố gắng loại bỏ trong tri thức hình ảnh Thiên Chúa, có thể nói do ngài vẽ nên, và thay vào đó là hình ảnh một Thiên Chúa tình thương, sẵn sàng quên tội lỗi, quên quá khứ của con người. Cuộc đời của thánh nhân đã sang trang, trở thành một tông đồ cho dân ngoại, hạnh phúc và đầy tràn niềm vui. Dù trên vai là một trọng trách lớn, nhưng thánh Phaolô luôn làm việc dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Ngài dẫn thánh nhân từng đường đi nước bước, đến những nơi cần và những nơi trống vắng Thiên Chúa. Khiêm tốn lên đường cùng Thiên Chúa, khiêm tốn làm việc theo thánh ý của Thiên Chúa, khiêm tốn trong sứ vụ của Thiên Chúa trao, thánh nhân là một con người dám thay đổi chính mình, dám tự hủy mình để sống cho Thiên Chúa, sống cùng Thiên Chúa và sống trong Thiên Chúa.
Hai vị tông đồ đã gặp nhau trong sự khiêm tốn của sứ vụ, được mời gọi, được sai đi trong bất cứ cảnh ngộ nào, cả hai đều bước theo Thần Khí, đều đặt giá trị của sứ vụ trên tất cả mọi giá trị của thế gian. Quả thực đây là một tâm tình sống rất cần thiết cho ơn gọi Kitlô hữu nói chung và những ơn gọi đặc biệt khác, bởi sống giữa một thế giới ảnh hưởng nặng nề của chủ thuyết tương đối, nên người tín hữu đều tương đối hóa tất cả, từ đời sống đức tin, ngay cả hình ảnh Thiên Chúa trong niềm tin của họ, đến những sinh hoạt tôn giáo, những giá trị căn bản của gia đình, tất cả đều bị tương đối hóa. Bởi thế, sứ vụ của các tín hữu khi được sai đi, họ chú tâm đến lời sai đi, chú tâm đến nghi thức được sai đi, mà để quên ý nghĩa và mục đích của sứ vụ mình được sai đi. Sứ vụ là bổn phận, là trách nhiệm, là linh đạo của mỗi người tùy theo Thánh Thần chỉ dẫn, nơi đó, họ được cộng tác với Thánh Thần, để gieo, để trồng, để tưới, để thu hoạch và để chăm sóc, tất cả trong Thánh Thần. trước tâm tình của ngày lễ mừng kính trọng thể hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, người tín hữu có nên đánh giá lại ý nghĩa của ơn gọi Kitlô hữu của mình, đồng thời, phân định lại ý nghĩa sứ vụ của tôi hôm nay là gì, là Kitlô hữu sống bậc hôn nhân, là Kitlô hữu sống ơn gọi là một Tu sĩ, là Kitlô hữu trong bậc sống là một Giáo sĩ, để sống đúng, sống trọn vẹn và sống có ý nghĩa hơn với ơn gọi và sứ vụ của mình.
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh