Giáo Phận Ban Mê Thuột

https://gpbanmethuot.net


Luật tối thượng là ơn cứu độ của các linh hồn

Đức Thánh Cha khẳng định rằng cốt lõi của giáo luật là các thiện ích của sự hiệp thông; luật tối thượng là ơn cứu độ của các linh hồn.
Luật tối thượng là ơn cứu độ của các linh hồn

ĐTC Phanxicô: Luật tối thượng là ơn cứu độ của các linh hồn

Gặp gỡ các các tham dự viên khoá đào tạo về mục vụ -pháp lý của Toà Rôta ở Rôma vào sáng thứ Bảy ngày 18/2/2023, Đức Thánh Cha khẳng định rằng cốt lõi của giáo luật là các thiện ích của sự hiệp thông; luật tối thượng là ơn cứu độ của các linh hồn. Do đó giáo luật và loan báo Tin Mừng liên kết chặt chẽ với nhau.

Mối liên kết giữa giáo luật và việc loan báo Tin Mừng

Mở đầu bài diễn văn Đức Thánh Cha nhấn mạnh mối liên kết giữa giáo luật và việc loan báo Tin Mừng trong sứ vụ duy nhất của Giáo hội. "Chúng ta có thể nói một cách giản lược: không có luật mà không có việc loan báo Tin Mừng, cũng không có việc loan báo Tin Mừng mà không có luật." Ngài giải thích: "Thật vậy, cốt lõi của giáo luật là các thiện ích của sự hiệp thông, trên hết là Lời Chúa và các bí tích. Mọi người và mọi cộng đồng đều có quyền gặp gỡ Chúa Kitô, và tất cả các quy tắc và hành vi pháp lý nhắm ủng hộ tính xác thực và hiệu quả của cuộc gặp gỡ này. Do đó, luật tối thượng là ơn cứu độ của các linh hồn, như điều khoản cuối cùng của Bộ Giáo luật đã khẳng định (xem can. 1752). Do đó, giáo luật dường như liên kết mật thiết với đời sống của Giáo hội, như một trong những khía cạnh cần thiết của nó, đó là công lý trong việc bảo tồn và chuyển giao ơn ích cứu độ. Theo nghĩa này, loan báo Tin Mừng là cam kết pháp lý nguyên thủy, của cả các Mục tử và của tất cả các tín hữu."

Luật lệ là điều kiện của tình yêu

Đức Thánh Cha nhắc lại lời của Đức cố Giáo hoàng Biển Đức: "Một xã hội không có pháp luật là một xã hội không có các quyền. Luật lệ là điều kiện của tình yêu” (Thư gửi chủng sinh, 18/10/2010, n. 5), và kêu gọi những người hành luật "không bao giờ được quên các quyền, đặt con người làm trung tâm trong công việc." Ngài nói thêm: "Các quyền này không phải là những yêu sách tùy tiện, mà là những thiện ích khách quan, nhằm mục đích cứu độ, cần được nhìn nhận và bảo vệ trong tinh thần tôn trọng những thiện ích tự nhiên trong cộng đồng giáo hội."

Tiến trình hiệp hành trong giáo luật

Trong bối cảnh tiến trình hiệp hành của Giáo hội, Đức Thánh Cha nhắc những người tham gia vào thủ tục tuyên bố hôn nhân vô hiệu rằng "Cùng nhau bước đi, lắng nghe nhau và khẩn cầu Chúa Thánh Thần, là điều kiện không thể thiếu để trở thành những người hành luật đúng đắn." Theo ngài, điều này được thể hiện qua việc xin lời khuyên, tiếp thu ý kiến ​​của những người có nhiều kiến ​​thức và kinh nghiệm hơn, với ước muốn luôn học hỏi để phục vụ Giáo hội tốt hơn trong lĩnh vực này.

Giáo luật và mục vụ gia đình

Đức Thánh Cha cũng nói với những người hoạt động trong lĩnh vực mục vụ gia đình rằng "chăm sóc mục vụ toàn diện cho gia đình không thể bỏ qua các vấn đề pháp lý liên quan đến hôn nhân... Và những người điều hành các tòa án không bao giờ được quên rằng họ đang giải quyết các vấn đề có liên quan chặt chẽ đến mục vụ; ... không được bỏ qua nhiệm vụ làm mọi điều có thể để hòa giải giữa các bên hoặc xác nhận sự hợp nhất của họ." (CSR_746_2023).

Hồng Thủy - Vatican News

Nguồn tin: Vatican News

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây