Giáo Phận Ban Mê Thuột

https://gpbanmethuot.net


Phản ứng về vụ di cốt 215 học sinh ở Canada

Vụ khám phá di cốt 215 học sinh hôm 22/5/2021 tại khu vực trường nội trú thổ dân ở Kamploops đã gây xúc động lớn trong dư luận tại Canada và một số nơi khác.

Vài phản ứng về vụ khám phá di cốt 215 học sinh thổ dân ở Canada

Vụ khám phá di cốt 215 học sinh hôm 22/5/2021 tại khu vực trường nội trú thổ dân ở Kamploops đã gây xúc động lớn trong dư luận tại Canada và một số nơi khác. Đó đây nhiều người được dịp mạnh mẽ tái lên án Giáo Hội Công Giáo, trong khi đó chính phủ Canada và các lãnh tụ thổ dân tại đây tái lên tiếng đòi Giáo Hội phải chính thức xin lỗi. Tòa Thánh bày tỏ đau buồn, cảm thông, cổ võ hòa giải, đối thoại trong sự khiêm tốn và tôn trọng để làm sáng tỏ lịch sử, nhưng không để mình bị lôi theo làn sóng cảm xúc và những hậu ý chính trị.

 

Tại Canada, các thổ dân bản xứ được gọi là “Các dân tộc đầu tiên”, họ thuộc 634 bộ lạc và sắc tộc khác nhau, và hiện nay có hơn 975 ngàn người theo thống kê hồi năm 2016.

Trường ở Kamploops là một trong 139 trường “cải tạo” trẻ em thổ dân từ thập niên 1830 đến 1998, và theo một ước lượng có 150 ngàn trẻ em thuộc hàng trăm bộ lạc thổ dân được giáo dục tại các trường này. Tại đó các em bị chính quyền thực dân Anh cấm không được nói tiếng mẹ, phải học tiếng Anh hoặc tiếng Pháp, nhiều khi bị hành hạ hoặc lạm dụng, nhất là không bao giờ được trở lại với cha mẹ và bộ tộc. Nhiều trường được chính quyền thuộc địa ủy thác cho các dòng tu Công Giáo, Giáo Hội Anh giáo hoặc Tin Lành đảm trách, trong đó có trường ở Kamploops.

Trong cuộc điều tra từ năm 2008 đến 2015 của “Ủy Ban sự thật và hòa giải”, do chính phủ Canada thành lập, về lịch sử và ảnh hưởng lâu dài của các trường nội trú thổ dân, người ta khám phá thấy có 51 học sinh qua đời tại Trường Nội Trú Kamploops. Ủy ban cũng cho biết có khoảng từ 4 đến 6 ngàn học sinh chết vì sự cẩu thả, thờ ơ hoặc lạm dụng tại các trường nội trú như thế trên toàn nước Canada.

Chính phủ Canada cùng với các Giáo Hội Kitô đã bồi thường 1 tỷ 900 triệu đôla Canada cho con cháu của các nạn nhân.

Khám phá

Hôm 22/5/2021, khi sử dụng máy radar xuyên lòng đất, các chuyên gia đã phát hiện 215 bộ xương các học sinh, trong đó có cả các trẻ em 3 tuổi, tại khu vực trường nội trú thổ dân ở Kamploops. Trường này được chính quyền thuộc địa Anh ủy thác cho dòng Hiến sinh thừa sai Đức Mẹ Vô nhiễm (OMI) đảm trách từ năm 1890 đến năm 1969, khi chính phủ lấy lại quyền điều khiển trường này và sau đó đóng cửa từ năm 1978.

Tưởng niệm

Sau vụ khám phá đó, nhiều nơi ở Canada đã cử hành những buổi tưởng niệm các học sinh thiệt mạng trong các trường nội trú học sinh thổ dân. Người ta đã kéo cờ rủ và đặt 215 đôi giầy trẻ em để tưởng niệm các trẻ em thổ dân bị thiệt mạng. Trong khi đó, các tổ chức đại diện thổ dân Canada trên toàn quốc đã kêu gọi mở các cuộc điều tra tại các trường nội trú tương tự.

Thủ tướng Justin Trudeau

Tuyên bố hôm thứ sáu 4/6/2021, Thủ tướng Justin Trudeau mạnh mẽ kêu gọi Đức Thánh Cha nhân danh Giáo Hội Công Giáo chính thức xin lỗi. Ông cũng đòi Giáo Hội Công Giáo trao nộp tất cả những văn khố tài liệu về vấn đề các trường nội trú thổ dân, đồng thời đe dọa rằng chính phủ có “những phương thế” để áp dụng nếu Giáo Hội không trao các văn khố và tài liệu.

Một phản ứng từ Ý

Trước những phản ứng đó, ký giả Rino Camilleri, trên trang mạng “La Nuova Bussola quotidiana” ở Ý, ngày 8/6/2021, nhận xét rằng: không chờ đợi kết quả cuộc điều tra về việc tìm thấy 215 di cốt học sinh thổ dân, đã bùng lên một làn sóng phẫn nộ với những cuộc tấn công mạnh mẽ chống Giáo Hội Công Giáo. Nhưng đâu là sự bảo đảm công lý khi người ta nói về Công Giáo? Tại Ailen, người ta tìm thấy hằng trăm hài nhi chôn cách đây 100 năm tại sân một viện cô nhi Công Giáo. Sau làn sóng cáo buộc nặng nề ấy, người ta khám phá thấy các em bé đó chết vì bệnh lao và suy dinh dưỡng. Nhiều em đó bị bỏ rơi và khi được đưa tới viện cô nhi thì đã kiệt sức và thiếu ăn. Môi trường sống chung trong viện ấy càng làm cho tình thế tệ hơn, vì thuốc kháng sinh hồi đó chưa được phát minh. Dư luận gọi đó là “hố chung”, “mộ tập thể”, nhưng thực ra đó chỉ là một nghĩa trang riêng, như thói quen vẫn có hồi đó.

Phản ứng Công Giáo Canada

Phản ứng về vụ khám phá di cốt ở Kamploops, Đức Tổng Giám Mục Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Canada, và một số Giám Mục Canada đã ra thông báo bày tỏ đau buồn, mời gọi các tín hữu dâng lời cầu nguyện cho các trẻ em nạn nhân, thồng thời hứa đồng hành chặt chẽ với các gia đình và cộng đoàn thổ dân. Các Giám Mục nhìn nhận sự khám phá vụ này là điều gây xúc động mạnh và kêu gọi chính quyền điều tra sâu rộng để biết rõ những gì đã xảy ra cho các em học sinh, đưa sự thật ra ánh sáng.

Đức Hồng Y Collins

Về phần Đức Hồng Y Collins, Tổng Giám Mục Toronto, tuyên bố trên đài truyền hình CBC News của Canada hôm 6/6/2021, ngài cho biết việc Đức Giáo Hoàng xin lỗi cần diễn ra trong một cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng tại Canada, và điều này đòi một số “bước tiến” từ phía chính phủ cũng như các vị lãnh đạo Giáo Hội tại Canada, và nhiều khía cạnh khác trong việc tổ chức, tài chánh, v.v..

Trả lời cho tuyên bố của thủ tướng Justin Trudeau hôm thứ Sáu ngày 4/6 yêu cầu Đức Thánh Cha xin lỗi và đòi Giáo Hội trao nộp tất cả những văn khố tài liệu về vấn đề này, đồng thời đưa ra lời đe dọa, Đức Hồng Y nói: “Những nhận xét của thủ tướng Trudeau “cực kỳ không giúp ích” và thiếu thông tin. Các hồ sơ tài liệu về vấn đề này hiện được giữ tại Viện bảo tàng của bang British Columbia”. Đức Hồng Y cũng nói rằng các tổ chức Công Giáo nào có liên hệ mà chưa giao thì cũng phải giao những tài liệu về các trường học thổ dân.

Trả lời về việc yêu cầu cả Giáo Hội Công Giáo Canada xin lỗi, Đức Hồng Y Collins đáp: về pháp lý, không có thực thể nào gọi là “Giáo Hội Công Giáo tại Canada”: mỗi giáo phận Công Giáo và dòng tu là một thực thể pháp lý độc lập. Tại Canada, 16 giáo phận có những trường nội trú cho các em thổ dân, trong số 70 giáo phận toàn quốc. Ngoài ra có khoảng 36 dòng tu Công Giáo liên quan tới các trường học. “Mỗi giáo phận và dòng tu chịu trách nhiệm về hoạt động của mình. Nhiều giáo phận hoặc dòng tu đảm trách các trường nội trú thổ dân đã xin lỗi từ hồi đầu thập niên 1990”. Các Giám Mục Canada cùng với một số dòng tu xin lỗi hồi năm 1991 vì những lạm dụng trong các trường nội trú”.

Đức Thánh Cha

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa chúa nhật 6/6/2021, Đức Thánh Cha cũng nhắc đến vụ khám phá di cốt các học sinh tại Kamploops và ngài bày tỏ đau buồn, liên đới và gần gũi với toàn thể cộng đồng Công Giáo, nhân dân và các thổ dân tại Canada, đồng thời ngài nói: “Ước gì Chính quyền và các vị lãnh đạo tôn giáo của Canada tiếp tục cộng tác quyết liệt để làm sáng tỏ vụ đau buồn này và khiêm tốn dấn thân trong một hành trình hòa giải và chữa lành. Những lúc đau buồn này là một lời mời gọi mạnh mẽ cho tất cả chúng ta, để xa tránh kiểu mẫu thực dân và những lối thực dân hóa ý thức hệ ngày nay, và tiến bước song song trong cuộc đối thoại, tôn trọng nhau và nhìn nhận các quyền cũng như các giá trị văn hóa của mọi con dân Canada”.

Bất mãn

Trước lập trường trên đây của Đức Thánh Cha, nhiều thủ lãnh thổ dân Canada tuyên bố thất vọng vì Đức Giáo Hoàng không chính thức xin lỗi như họ mong muốn. Có người nói: “Chỉ cần 40 giây nói lời xin lỗi, sao Đức Giáo Hoàng không chịu làm?”

Tuyên bố hôm 8/6/2021 với đài truyền hình CBS News của Canada, hai thủ lãnh thổ dân cũng tiết lộ là họ đang làm việc với Hội Đồng Giám Mục Canada về việc gửi phái đoàn về Roma gặp Đức Giáo Hoàng.

Sau tiết lộ đó, hôm 10/6 vừa qua, Hội Đồng Giám Mục Canada cho biết đã bảo trợ dự án tổ chức một phái đoàn thổ dân gặp gỡ Đức Thánh Cha. Đây sẽ là một cơ hội có một không hai để ngài trực tiếp nghe các thổ dân, biểu lộ sự gần gũi thành tâm, và nói đến ảnh hưởng của thực dân và sự can dự của Giáo Hội tại những trường nội trú thổ dân, cũng như trả lời cho đau khổ của các thổ dân bản xứ và những hậu quả của chấn thương từ nhiều thế hệ.”

Hội Đồng Giám Mục Canada rất tiếc rằng đại dịch Covid-19 đã làm cho dự án vừa nói bị đình trệ. Tuy nhiên các Giám Mục Canada vẫn quyết tâm tiến hành dự án tổ chức phái đoàn sang gặp Đức Giáo Hoàng  trước cuối năm nay, chiếu theo những qui tắc quốc tế về du hành.

Giuse Trần Đức Anh, O.P

Nguồn tin: Vatican News

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây