Giáo Phận Ban Mê Thuột

https://gpbanmethuot.net


Biện phân để Khoan dung và Đón nhận

“Ai chối bỏ Thầy trước mặt người đời, thì sẽ bị chối bỏ trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa” (Lc 12,8-9).
Biện phân để Khoan dung và Đón nhận

BIỆN PHÂN ĐỂ KHOAN DUNG VÀ ĐÓN NHẬN
(Thứ Bảy sau Chúa Nhật XXVIII TN – Lc 12,8-12)

“Hễ ai xưng nhận Thầy trước mặt người đời, thì Con Người cũng sẽ xưng nhận nó trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa; nhưng ai chối bỏ Thầy trước mặt người đời, thì sẽ bị chối bỏ trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa” (Lc 12,8-9). Hạn từ “người đời” ở đây được hiểu rộng là mọi người, là thiên hạ. Tuy nhiên theo mạch văn qua những lời Chúa Giêsu nói tiếp liền sau đó thì chúng ta hiểu Chúa muốn nhấn mạnh đến những người lãnh đạo trong Do Thái giáo bấy giờ và nhà cầm quyền ngoài xã hội. Họ là những người không chỉ không tin nhận Chúa Giêsu và sứ điệp Tin Mừng mà còn tìm cách bách hại Người và những ai tin nhận Người, làm môn đệ của Người (x.Lc 12,11-12).

Trong khi đòi hỏi người tin nhận mình thì phải can đảm tuyên xưng lòng tin thì Chúa Giêsu lại khoan dung với những ai chưa tin hoặc không tin nhận, thậm chí chối bỏ Người. Người đã nói tiếp: “Hễ kẻ nào nói phạm đến Con Người (Giêsu), thì sẽ được tha. Nhưng kẻ nào nói phạm đến Thánh Thần, thì sẽ không được tha” (Lc 12,9).

Đến trần gian này trong thân phận con người, Con Thiên Chúa làm người là bí tích của Chúa Cha. “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9). Là dấu chỉ mang tính hữu hình thì luôn có đó chướng ngại cần phải vượt qua. Cái hữu hình vốn bị giới hạn, bị điều kiện hóa bởi các yếu tố thời gian và không gian, do đó nhiều khi cản trở chúng ta đến với cái vô hạn, thường tồn. Dân Do Thái thời bấy giờ đã rơi vào hoàn cảnh này. Làm sao họ có thể tin nhận ngài Giêsu này là Đấng Kitô khi mà họ quá biết rõ về nguồn gốc, xuất xứ cũng như gia cảnh của ngài, dẫu cho ngài có nhiều quyền năng trong lời nói và hành động (x.Ga 7,25-26).

Sau khi từ cõi chết sống lại, trong lần hiện ra có ngài Tôma hiện diện tại căn nhà Tiệc ly, Chúa Giêsu đã nói với Tôma: “Phúc cho những ai không thấy mà tin” (Ga 20,29). Chữ “phúc” ở đây không diễn tả công trạng nào đó nhưng nói đến tình trạng “may mắn thay”. Chúng ta hiểu điều này dựa vào lời chúc phúc của Chúa Giêsu trong bài giảng trên núi (tám mối phúc thật), cách riêng qua lời tường thuật của thánh sử Luca. “Phúc cho anh em là những người bây giờ đang nghèo khó, đang phải đói, đang phải khóc… Nghĩa là may mắn cho anh em… vì Thiên Chúa đoái ban Nước Trời cho anh em, Người sẽ cho anh em no lòng, cho anh em được vui cười…” (x.Lc 6,20-23). Như thế khi thấy Thầy bằng mắt trần, chạm đến Thầy bằng tay thì Tôma vẫn có đó điều cần vượt qua để tuyên xưng đức tin: “Lạy Chúa là Thiên Chúa của con” (Ga 20,28).

Đây chính là cơ sở, đúng hơn là lý do để nhiều người chưa tin, không tin hoặc chối bỏ Chúa Giêsu được khoan dung lượng thứ. Tuy nhiên những ai cố tình chối bỏ Tình Yêu, Chân Lý xét như là giá trị thuần thiêng thì chắc chắn muôn đời không được tha. Chúng ta biết rằng lúc bấy giờ Thánh Thần Thiên Chúa xét như là một Ngôi vị chưa được mạc khải đủ đầy.

Trong đức tin Kitô giáo, dù rằng luôn khẳng định chỉ có một Đấng Cứu Độ duy nhất, nhưng thần học về Chúa Kitô vẫn phân biệt rõ một Đức Kitô tiền hữu, có từ ngàn đời, là một trong Ba Ngôi Thiên Chúa với một Đức Giêsu lịch sử. Vì lý do nào đó dù chủ quan hoặc khách quan mà người ta vấp phạm đến một Đức Giêsu lịch sử thì có thể được khoan dung vì tính hữu hình của Người. Từ mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô chúng ta suy đến Giáo hội. Cũng cần phân biệt rõ Giáo hội là đoàn chiên Thiên Chúa, là tập thể những người tin nhận Chúa Kitô là Đấng Cứu độ với những tín hữu Kitô cụ thể, cho dù đó là Giám mục hay Giáo hoàng. Trong nhiều cuộc phỏng vấn Đức Giáo hoàng Phanxicô đã từng thẳng thắn: “Nói xấu, phê phán Phanxicô thì được, nhưng xin đừng phê phán, nói xấu Giáo hội.”

Có được sự biện phân này thì chúng ta một mặt tránh được sự nhập nhằng “đánh lận con đen” và hơn nữa nhờ đó sẽ biết khoan dung đón nhận nhau cả trong những khác biệt của nhau. Những kiểu nói “cha nói là Chúa nói”; “ý bề trên là ý Chúa”; “ở đâu có giám mục là ở đó có Giáo hội” rất dễ khiến chúng ta nhầm lẫn cái hữu hình với thực tại thiêng liêng. Chính sự nhập nhằng này đã nảy sinh nhiều lạm dụng đáng tiếc, có khi là đáng trách. Khi biết biện phân thì chúng ta cũng sẽ dễ dàng hơn đón nhận nhau, đón nhận cả những phê bình góp ý chạm đến mình thậm chí chạm đến đấng bậc này, đấng bậc kia. Phải thờ phượng và yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn và hết cả trí khôn (x.Mt 22,27). Là loài thụ tạo hữu hình có trí năng, xin hãy biết sử dụng trí khôn để biện phân các thực tại để sống đúng và đẹp thánh ý Thiên Chúa.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây