Giáo Phận Ban Mê Thuột

https://gpbanmethuot.net


Gặp Đức Giê-su Phục Sinh

Gặp Đức Giê-su Phục Sinh

Gặp Đức Giê-su Phục Sinh

Đức Giê-su Ki-tô từ trong cõi chết, Ngài đã Phục Sinh. Vâng, đó là điều mà hôm nay, khoảng hai tỷ người tin và đón nhận như là cứu cánh cho cuộc đời mình.

Sự Phục Sinh của Đức Giê-su Ki-tô là nền tảng đức tin Kitô giáo. Sự Phục Sinh cũng là đề tài được Đức Giêsu nói đến nhiều lần trong những ngày Ngài ra đi rao giảng Tin Mừng. Và sự Phục Sinh của Đức Giê-su chỉ được sáng tỏ sau khi Ngài “sống lại từ trong kẻ chết”.

Với người Kitô hữu hôm nay, để tuyên xưng niềm tin Đức Giê-su Phục Sinh thật giản dị. Qua đức tin tông truyền, mỗi Chúa Nhật, người Kitô hữu đến nhà thờ tham dự Thánh Lễ và sau phần Phụng Vụ Lời Chúa, tất cả cộng đoàn cùng tuyên xưng đức tin – tôi tin Đức Giêsu “Người chịu khổ hình và mai táng. Ngày thứ ba Người sống lại thật như lời Thánh Kinh”.

Thế nhưng, với các môn đệ xưa, tin vào sự kiện Đức Giêsu Phục Sinh không là những lời tuyên xưng, nhưng là sự cảm nghiệm, một sự cảm nghiệm được chạm, được thấy, được nhìn, được nghe chính Thầy của mình, nói tắt một lời, đó là được “gặp Đức Giê-su Phục Sinh”.

Trong mười một môn đệ còn lại, Phê-rô và Gioan có thể được coi như là những người sớm nhận được cảm nghiệm về sự Phục Sinh của Đức Giê-su. Câu chuyện “Ngôi mộ trống” được chép trong Tin Mừng Gioan đã cho thấy nhận định nêu trên là đúng.

Thật vậy, câu chuyện đó đã được kể rằng: sau cái chết của Thầy Giê-su vào hôm thứ sáu trên đồi Golgotha, những người môn đệ của Ngài đã sống trong tình trạng hồn xiêu phách lạc với những đêm chờ sáng. Trong sự lo lắng, trong hy vọng và đợi chờ, Phê-rô và Gioan ngồi trầm tư mặc tưởng.

Với Phê-rô, ông không bao giờ quên khung cảnh vườn Ghết-sê-ma-ni hôm đó. Người anh em Giuđa, tệ thật, chỉ vì ba mươi đồng bạc, y bán đứng Đức Giê-su. Và để thực hiện tốt cho mưu đồ, y đã cùng với một nhóm người đông đảo mang gươm giáo gậy gộc đến bắt Thầy Giêsu.

Ngồi đây, nhìn xuyên thủng màn đêm, Phêrô vẫn ấm ức với những câu hỏi tại sao! Tại sao lại có thể xảy ra như thế được! Tại sao với sức mạnh quyền năng, đã có lần Thầy Giê-su “băng qua giữa họ mà đi” khi bị vây bắt (Lc 4,30)… thế mà, hôm nay, tại Ghết-sê-ma-ni,Thầy Giêsu vẫn không phản ứng, vẫn an nhiên tự tại để cho họ bắt và điệu đến thượng tế Caipha!

Tại sao có thể xin cấp ngay “hơn mười hai đạo binh thiên thần” đến để giải vây, thế mà Thầy Giêsu vẫn cứ “đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu… không che mặt khi người ta phỉ nhổ” (Is 50, 6).

Nghĩ về kẻ phản bội, Phê-rô không khỏi bối rối và hối hận về việc ông đã phải “thề độc” trước một người tớ gái rằng, ông không biết Thầy Giêsu là ai.

Còn Gioan. Ông đang để cho hồn mình chìm vào khung cảnh của Golgotha, nơi Thầy Giêsu bị đóng đinh. Làm sao ông có thể quên được hình ảnh “một tên lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn” Người. Ngồi đây, Gioan vẫn ám ảnh về hình ảnh Thầy Giêsu chết thảm thiết trên ngọn đồi máu đó…

Đêm nay, đã là hai đêm… Đã hai đêm chờ sáng… Chẳng lẽ lời phán hứa của Thầy Giêsu rằng: “ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại” (Mc 9,31) là lời phán hứa “cuội” sao đây!?

Hôm nay, bình minh của ngày thứ nhất trong tuần sắp đến. Nếu Thầy Giêsu không sống lại, chắc hẳn thế quyền Roma lẫn thần quyền Do Thái đắc chí lắm đây…

Khi Phêrô và Gioan đang miên man chìm theo những dòng suy nghĩ trên thì có những tiếng chân chạy cùng những tiếng lao xao đưa hai ông về với thực tại.

Một người phụ nữ xuất hiện. Với khuôn mặt đầy sự căng thẳng, bà ta lắp ba lắp bắp nói với Simon Phêrô: “(tôi) thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ”. Giọng nói của bà ta mỗi lúc một dồn dập hơn: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ, và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.” (Ga 20,1-2).

Người phụ nữ này chính là bà Maria Mác-đa-la. Bà ta là người đã được Đức Giê-su trừ quỷ và chữa bệnh. Hôm đó, hôm Đức Giê-su bị bắt và bị giết chết, bà ta đã theo chân Người suốt con đường từ dinh Philato đến tận đỉnh đồi Golgotha. Chính mắt bà chứng kiến cảnh hành hình và cái chết của Ngài.

Bà quả quyết rằng, bà không thể lầm nơi Đức Giêsu được chôn cất. Đó là gần nơi Đức Giêsu bị đóng đinh có một thửa vườn, trong mảnh vườn ấy có một ngôi mộ còn mới, chưa chôn cất ai.

Hôm ông Giosep, người Arimathe, được tổng trấn Phi-la-tô cho phép nhận thi hài Đức Giê-su để chôn, “bà và một bà khác cũng tên là Maria…” cũng có mặt ở đó. (x. Mt 27, 61).

Vậy mà hôm nay, sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, khi đến mộ, bà Maria Mác-đa-la thấy “ngôi mộ trống”…

Mặc cho những lời kể của Maria Mác-đa-la thực hư ra sao, thế nhưng, nó cũng đủ sức trở thành một cái đòn bẩy, “bẩy” Phê-rô và Gioan ra khỏi căn nhà đang bị phủ trùm đầy những khắc khoải sầu thương.

Câu chuyện được kể lại rằng: “Ông Phêrô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai ông cùng chạy”. Khi tới ngôi mộ, nơi Thầy Giêsu đã được mai táng. Một cảnh tượng khác thường đã xảy ra. Các ông thấy “những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại…” (Ga 20,..7).

Đúng là có sự khác thường. Khác thường khi những “băng vải tẩm thuốc thơm quấn thi hài Đức Giêsu” nay đã được “xếp riêng ra một nơi”…

Dù chưa thấy con người Phục Sinh của Đức Giê-su, nhưng qua những dấu chỉ đó, Phê-rô và Gioan “đã tin” (Ga 20, 8).

***
Các ông đã thấy gì để rồi các ông tin!?

Thưa, các ông chẳng thấy gì cả. Chẳng thấy Đức Giêsu Phục Sinh… Có chăng, các ông chỉ thấy khăn liệm, băng vải đã được xếp ngay ngắn và ngôi mộ trống.

Vâng, ngôi mộ trống như là dấu chỉ về nguồn ánh sáng Phục Sinh, nó chiếu toả vào tâm hồn các ông, nó tác động lên niềm tin các ông, nó hé mở cho các ông hiểu rõ hơn về những điều Kinh Thánh đã chép rằng “Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết”(Ga 20, 9).

Và chính niềm tin “đơn sơ” vào hiện tượng “tảng đá đã lăn khỏi mộ” và “ngôi mộ trống” nó như chiếc chìa-khóa-vàng để Phêrô cũng như các môn đệ khác, mở cánh cửa tâm hồn của mình, đón nhận một Đức Giêsu, Đức Giê-su Phục Sinh, khởi đầu cho lời tuyên tín tông truyền, rằng: tôi tin: “Người chịu khổ hình và mai táng. Ngày thứ ba Người sống lại thật như lời Thánh Kinh”.

Thật ra, khi trở về nhà, niềm tin của các ông lại trở nên “nửa tin nửa ngờ”.

Thật vậy, sự “hoài nghi” về việc Thầy Giêsu đã sống lại vẫn còn ẩn chứa trong tâm hồn các ông. Vì thế đã có lần khi Đức Giêsu hiện ra: “đứng giữa các ông… các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma” (Lc 24, 36-37).

Nếu Đức Giêsu không “dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các ông thấy là Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình”… Nếu Đức Giêsu không “hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa”… Nếu Đức Giêsu không “…mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh (rằng) Có lời Kinh Thánh chép: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại, phải nhân danh NGƯỜI mà rao giảng cho muôn dân”. (Lc 24,45).

Vâng, không chắc sau này, tông đồ Phêrô đã can đảm rao giảng về Đức Giêsu một cách mạnh mẽ rằng: “Họ đã treo Người lên cây gỗ mà giết đi. Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường, không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại” (Cv 10, 40-41).

****
Trở lại niềm tin Đức Giê-su Ki-tô Phục Sinh của các môn đệ, có thể kết luận rằng: đúng là các ông đã có sự cảm nghiệm, một sự cảm nghiệm được chạm, được thấy, được nhìn, được nghe chính Thầy của mình, nói tắt một lời, các ông đã thực sự được “gặp Đức Giê-su Phục Sinh”.

Nhắc tới điều này để làm gì? Thưa, là để nhìn lại niềm tin Đức Giê-su Phục Sinh của mỗi chúng ta.

Đã có biết bao nhiêu lần Mùa Phục Sinh đến, chúng ta đã nghe nhiều lần về ngôi mộ trống, chúng ta đã được nghe kể về những chứng tích chứng thực sự Phục Sinh của Đức Giêsu. Nói cách khác, chúng ta cũng “đã thấy đã tin”, đã lớn tiếng tuyên xưng “Người sống lại thật như lời Thánh Kinh”. Thế nhưng, có thật sự là tôi đã “gặp Đức Giê-su Phục Sinh”?

Đừng nói rằng, Đức Giê-su đã về trời nên chúng ta không thể gặp Ngài nhé! Không… Đức Giê-su vẫn còn ở bên cạnh mỗi chúng ta như lời Ngài đã phán “Ta ở với các con mọi ngày cho đến tận thế”.

Hãy nhìn kìa! Ngài đang ở bên cạnh chúng ta qua hình hài của những đứa trẻ nhỏ cơ nhỡ, qua hình hài một người đau yếu bệnh hoạn, qua hình hài một kẻ đói ăn thiếu mặc…

Hãy nhìn kìa! Đức Giê-su – Ngài vẫn đang bên cạnh chúng ta, qua tấm thân một anh thương phế binh cụt tay, cụt chân hoặc mù hai đôi mắt, đang lê lết trên khắp nẻo đường phố Saigon, mưu sinh bằng cách bán vé số, hoặc lượm lặt ve chai v.v…

Đừng quên, chính Đức Giê-su, khi còn tại thế, Ngài đã nói những con người bất hạnh đó “là những người anh em bé nhỏ nhất của Ta”. (Mt 25, …40)

*****
Vâng, hôm nay, Chúa Nhật 20.04.2014, chúng ta kỷ niệm mừng Chúa Giê-su Phục Sinh. Chúng ta đã gặp Đức Giê-su Phục Sinh trong thánh lễ, qua những bài đọc, thánh thư cũng như Phúc Âm. Chúng ta đã gặp Đức Giê-su Phục Sinh trên bàn Tiệc Thánh Thể.

Thế nhưng, sẽ là tốt hơn nữa, nếu chúng ta gặp gỡ Ngài ngay trên đường phố, qua hình hài những người đồng bào của chúng ta, họ ôm trên tay mình, đứa con đang thập tử nhất sinh bởi căn bệnh sởi, nhưng vẫn phải “ngồi nghếch mắt trông chờ, nghe những uỷ ban hội đồng nói vu vơ”, rằng thì-là-mà “chưa đủ yếu tố để công bố dịch”… họ đang bị bủa vây bởi biết bao nhiêu “lực lượng tiên tri giả dối”, để cho họ niềm hy vọng, để cho họ tình yêu thương, chân lý, niềm tin và sự bình an.

Sẽ là tốt hơn, nếu chúng ta gặp gỡ Ngài, ngay trong gia đình chúng ta, qua hình hài một người chồng hay người vợ, với tất cả tình yêu thương, một tình yêu “hy sinh mạng sống mình vì người mình yêu”, và với tất cả sự trung thành “sự gì Thiên Chúa liên kết, loài người không được phân ly”.

Nói cách khác, là một Ki-tô hữu, nếu chúng ta mỗi ngày một kiện toàn những yêu cầu nêu trên, chúng ta mới có đủ tiêu chuẩn được đứng chung hàng ngũ những người đã “gặp Đức Giê-su Phục Sinh”.

Petrus.tran

Tác giả bài viết: Petrus.tran

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây