Giáo Phận Ban Mê Thuột

https://gpbanmethuot.net


Hãy trỗi dậy. Đừng sợ

“Đây là Con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người” (Mt 17, 5).

Hãy trỗi dậy. Đừng sợ
Chúa Nhật II Mùa Chay – Năm A

 

tbd 030323b

 

Vào Chúa nhật thứ nhất Mùa Chay, Phụng vụ Lời Chúa dẫn chúng ta vào sa mạc để chứng kiến Chúa Giêsu chịu ma quỷ cám dỗ. Chúa nhật II hôm nay, chúng ta được mời gọi cùng lên núi với ba môn đệ, để chiêm ngưỡng Chúa Giêsu biến hình. Hai sự kiện này diễn tả hai bản tính của Giêsu. Trong sa mạc, Chúa Giêsu bộc lộ nhân tính của Ngài. Ngài cũng là con người yếu đuối và mỏng giòn như chúng ta. Ngài cũng đói cũng khát, cũng chịu cám dỗ y như chúng ta, chỉ khác là Ngài không bao giờ phạm tội. Trên núi cao, Chúa Giêsu bày tỏ thiên tính của Ngài: quyền uy, xán lạn và thánh thiện vô cùng.

Khi tường thuật việc Chúa Giêsu biến hình, thánh Matthêu mở đầu bằng chi tiết “sáu ngày sau”. Vậy thì sáu ngày trước đó là sự kiện gì? Đó là việc Chúa Giêsu  loan báo cuộc thương khó lần thứ nhất của Ngài. Các môn đệ không muốn chấp nhận việc Thầy mình chịu thương khó. Do đó, thánh Phêrô đã can gián và trách Chúa Giêsu: Thầy đừng đi theo con đường đó. Chúa Giêsu quở trách Phêrô là Satan, lui ra đằng sau Thầy (x. Mt 16, 21-23). Ngài không nói với Phêrô như đã nói với tên cám dỗ là: Satan, cút đi, xéo đi; Ngài nói: Satan, lui ra đằng sau Thầy. Hãy theo Thầy thì anh mới có thể hiểu được con đường mà Thầy đang đi, đang làm cho anh em. Chúa Cha đã khẳng định con đường của Chúa Giêsu là đúng, khi nói: “Đây là Con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người” (Mt 17, 5). Sau khi loan báo cuộc thương khó, Chúa Giêsu cũng đưa ra những điều kiện cần phải có để theo Chúa. Đó là phải từ bỏ chính mình và vác thập giá mình hằng ngày mà theo.

Việc Chúa Giêsu biến hình trên núi có mục đích là khai lòng mở trí cho các môn đệ, để các ông hiểu hơn về thân phận và sứ mạng của Chúa, cũng như người theo Chúa. Chúa Giêsu muốn khẳng định: dù có phải trải qua cuộc thương khó, dù có phải chết thì Ngài sẽ chiến thắng sự chết và sẽ trỗi dậy. Vì thế, Chúa Cha mời gọi các ông hãy tin vào Chúa Giêsu, hãy vâng nghe Lời Chúa. Đừng sợ hãi, đừng hoang mang vì những từ bỏ, những thập giá và cả những đau thương mà các ông gặp phải trên con đường theo Chúa. Hãy vững tin vào Chúa và vác thập giá mình hằng ngày mà theo Chúa. Cuối con đường chắc chắn sẽ là sự phục sinh vinh hiển và xán lạn như Chúa.

Ba môn đệ, Phêrô, Gioan và Giacôbê, đã ngỡ ngàng trước việc Chúa Giêsu biến hình. Các ông kinh hoàng, sợ hãi và ngã sấp mặt xuống đất. Thánh Phêrô nói với Chúa là con xin làm ba cái lều… Ông nói nhưng không biết mình đang nói gì. Ông quá sợ hãi.

Khi các ông quá sợ hãi thì Chúa Giêsu làm gì? Có phải Ngài đứng nhìn từ xa và cười nhạo các ông không? Không! Chúa Giêsu tiến lại gần. Ngài không đứng đó để nhìn các ông và nói từ xa. Ngài tiến lại, lại gần, gần tới mức đụng chạm vào các ông và nói những lời yêu thương có sức xoa dịu tâm hồn và đánh tan nỗi sợ hãi của các ông: Anh em hãy trỗi dậy đi. Đừng sợ!

Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Chúa Giêsu mà thôi. Điều đó nói lên cái gì? Không một ai, không có gì có thể giải thoát các môn đệ của Chúa Giêsu khỏi những sợ hãi, đau đớn, bệnh tật và cả cái chết trừ một mình Chúa Giêsu. Đó cũng chính là kinh nghiệm của người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, và người ta đòi ném đá chị (x. Ga 8). Chẳng ai cứu giúp chị, trừ một mình Chúa Giêsu vẫn ở đó với chị, để giải thoát chị khỏi cái án bị ném đá cho tới chết, và để giải phóng chị khỏi những mặc cảm tội lỗi: Chị hãy về và từ nay đừng phạm tội nữa.

Lắm khi trong cuộc sống, chúng ta cũng đối diện với những sợ hãi, đau khổ, thất bại, và vấp ngã tới sấp mặt, tưởng chừng như không thể ngóc đầu lên được. Chúng ta không biết phải làm gì, nói gì. Ai có thể giải thoát chúng ta ra khỏi những tình trạng và hoàn cảnh đó? Ai có thể nâng chúng ta trỗi dậy? Hãy ngước mắt lên, nhìn xa hơn, nhìn cao hơn… Chúng ta sẽ thấy một Giêsu đang nằm đó trên thánh giá trước mặt chúng ta. Chúng ta sẽ thấy một Thiên Chúa chấp nhận thân phận yếu đuối của phận người để làm người, để vác thập giá với chúng ta, và rồi, chết đi cho chúng ta trên chính thập giá đó. Tất cả chỉ vì một chữ yêu thương. Chúa Giêsu chỉ ra đích đến của những thập giá mà chúng ta đang mang vác hằng ngày ở thế gian này là gì. Đó là sự phục sinh, sự giải thoát khỏi những cám dỗ, tội lỗi, mặc cảm, đau khổ và thập giá nơi thế gian.

Khi đau khổ vì phải mang vác thập giá, hãy chạy đến và phủ phục dưới chân Chúa Giêsu trên thánh giá. Hãy để Chúa lại gần, đụng chạm đến chúng ta và nói: “Con ơi, hãy trỗi dậy. Đừng sợ, vì có Ta đang ở với con”. Hãy trỗi dậy. Đừng sợ, vì có Chúa ở cùng anh chị em. Đó là lời mà Linh mục chủ tế nói tới bốn lần trong một Thánh lễ. Đó là điều mà Chúa muốn nói với chúng ta mỗi ngày: Chúa ở cùng chúng ta.

Ngày hôm nay, Chúa Giêsu cũng đang “biến hình” ở giữa chúng ta. Chúng ta không nhìn thấy Ngài bằng con mắt thể lý, nhưng có thể thấy Ngài bằng con mắt đức tin. Chúa hiện diện qua Lời Chúa, qua cộng đoàn, qua những con người mà Chúa gửi tới cho chúng ta trên đường đời và nhất là trong Bí tích Thánh Thể mà chúng ta sắp đón rước vào lòng.

Chúa Giêsu biến hình trên núi mời gọi chúng ta hãy biến đổi đời sống của mình. Hãy biểu lộ ra bên ngoài hình ảnh của Chúa trong con người chúng ta, một con người biết yêu thương, biết rung cảm trước cuộc sống và trước nỗi đau của những người xung quanh.

Thiên Chúa đang ẩn mình để chờ chúng ta cho Chúa biến hình qua chính con người và cuộc sống của chúng ta. Hãy là một con người biết yêu thương. Vì lẽ, khi chúng ta sống yêu thương, Chúa Cha sẽ tuyên dương và ban thưởng hạnh phúc Nước trời cho chúng ta. Chúa đang chờ để nói điều này với chúng ta: “Con là con yêu dấu của Cha. Cha hài lòng về con”.

Xin Chúa chúc lành cho những cố gắng thay đổi của anh chị em trong Mùa Chay thánh này. Amen.

Giuse hạt bụi tro

Tác giả bài viết: Giuse hạt bụi tro

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây