Giáo Phận Ban Mê Thuột

https://gpbanmethuot.net


Lần đầu đặt chân lên vùng đất xa lạ

Khi các cánh đồng truyền giáo vào mùa, nhóm bạn đường gồm bốn anh em chúng tôi được sai đến với lương dân trên một vùng đất hoàn toàn xa lạ
Lần đầu đặt chân lên vùng đất xa lạ

Lần đầu đặt chân lên vùng đất lương dân xa lạ

Khi các cánh đồng truyền giáo vào mùa, nhóm bạn đường gồm bốn anh em chúng tôi được sai đến với lương dân trên một vùng đất hoàn toàn xa lạ, nằm sâu trong xã Thống Nhất, cách Bù Đăng hơn 30 cây số, trên con đường gồ ghề đất đá và đầy hố hầm, phải mất hơn 2 tiếng đồng hồ mới gặp được một làng, hỏi ra thì đây là Bù Tơ.

Tới nơi “trời đã về chiều”, người được sai đi loan báo Tin Mừng thì sớm hôm hay chiều tối có là chi. Để làm quen, anh em bảo nhau đóng vai người đi tìm mua sa-lung, một loại “chum quý” của bà con sắc tộc, và người ta đã chỉ cho chúng tôi nhà ông Lôi, già làng, chuyên buôn bán sa-lung. Thế nhưng khi đến nơi thì lại đúng vào ngày nhà ông mới cúng và phải kiêng tiếp khách một tháng. Dĩ nhiên lâu lâu mới gặp các vị khách quí thì phải tìm cách giữ chân lại chứ, và ông đã kêu cậu con trai dắt chúng tôi qua nhà ngủ qua đêm.

Đêm đầu tiên trên bước đường được sai đi loan báo Tin Mừng, lại gặp ngay chàng trai đang muốn thoát ra khỏi cảnh sống của những người ở chốn rừng sâu đầy đe dọa, mà là những lời đe dọa vô cớ. Hơn nữa, trong khi gặp gỡ bạn bè đây đó, anh cũng nghe biết những người tin theo Chúa thì không còn phải sợ chốn rừng thiêng, cũng không phải tế hiến trâu bò hay heo gà cho Thần Rừng, Thần Núi nữa. Thật trùng hợp, giữa lúc anh đang trên đường tìm kiếm thì chính Thiên Chúa lại sai người đến tìm anh cho Ngài, và thế là chủ khách hàn huyên tâm sự cả đêm.

Anh kể cho chúng tôi nghe chuyện mới xảy ra, chuyện mấy đứa “trẻ trâu” rủ nhau đi tắm suối khi trời còn lạnh, bọn trẻ tắm xong rét run, phải gom tre lồ ô lại đốt để sưởi ấm, mà lại đốt lửa ngay gốc “cây sao cổ thụ nơi ngự trị của thần linh”. Hôm ấy về nhà, một em lăn ra chết, có thể do cảm lạnh, núi rừng mà, còn thằng bé em của anh thì bị lòi một xương bàn chân. Bố của anh đã đưa em đi bệnh viện, rồi về nhà đi thầy kêu cúng con trâu, chuyện đã 10 ngày rồi mà bệnh vẫn chẳng chút chi thuyên giảm.

Trong khi ông Lôi, bố của anh, vừa là già làng và cũng có chân trong nhóm 4 người được làng cử ra để lo việc tế thần. Cứ mỗi lần làng cần cúng tế là các ông bắt thăm, ai trúng thăm thì được thay làng đứng ra, mà ông Lôi lại thường trúng thăm, vì thế đối với ông việc hiến tế quen lắm rồi.

Lần này, sau khi giết trâu theo yêu cầu của thầy cúng, ông đem lễ vật tới gốc cây sao cổ thụ xin ông bà thương chữa xương chân cho cậu con trai út bé nhỏ, lễ vật tế hiến là con trâu, nhưng mang đến đây chỉ một chút thịt, một chút tim gan phèo phổi, một miếng da nhỏ, và quan trọng là chén huyết. Ông đã khẩn nài, gọi tên từ ông bà cho tới tổ tiên, rồi các thần của núi rừng và sông suối, nhưng rồi… nghe đâu thầy cúng còn phán là tháng tới phải thêm một con trâu nữa.

Sáng hôm sau, khi nghe biết anh em chúng tôi không phải là những người đi mua sa-lung, mà là những người nhân danh Thiên Chúa mà đến, thì ông Lôi đã phá lệ, không cần kiêng cữ gì nữa hết, nhưng mời chúng tôi vào nhà hỏi chuyện.

Giáp mặt cháu bé bị thương, chúng tôi cũng ngạc nhiên khi nhìn thấy cái xương bàn chân lòi ra, ghê quá. Cả bốn chúng tôi, không ai bảo ai, đều thầm khẩn nguyện xin Chúa ra tay chữa lành, rồi xin ông Lôi dẫn chúng tôi ra thăm gốc cây giữa rừng thiêng gần suối nước. Tới nơi, chúng tôi cùng cất lên ca khúc của ngày lên đường: “Này là mùa hồng ân, đây là ngày cứu độ, đứng lên trần hoàn u buồn, năm ân phúc nay đã khởi đầu… Chúng tôi rảy nước thánh trên gốc cây, suối nước và bụi cây, xin Chúa xua đuổi tà ma ra khỏi vùng đất này, trả lại cho bà con vùng đất của sự sống và bằng an, xin ra tay chữa lành cho cháu bé… để mọi người nhận biết quyền năng và vinh quang của Chúa. Khấn nguyện xong, chúng tôi yêu cầu ông Lôi cho phát quang rừng hoang, và sau đó phát rừng mở rộng đất đai cho bà con có thêm đất làm rẫy.

Về lại nhà, anh Voi, con ông Lôi, người đã tiếp chúng tôi đêm qua, ngỏ ý muốn đi theo Chúa.

Khi thấy cậu con trai theo đạo, ông Lôi cũng tỏ ý xin đi theo, nhưng ông cũng thú nhận là mình có tới 3 bà vợ thì có gì ngăn trở không. Bà Rừng nói ông không được uống rượu và ăn canh lá nhíp (một loại cây mọc dưới các tàn cây lớn rải rác khắp nơi, là món rất quen thuộc của bà con, có thể chế canh bồi, canh thục, lá non nấu liền, còn lá già thì giã cho mềm rồi nấu). Đây là những thứ thông dụng mà đã phải kiêng là coi như hết nửa đời người rồi. Đấy là chưa kể mỗi lần cúng phải giãn cách và phải kiêng thêm nhiều thứ nữa, như thịt chó, thịt trâu chẳng hạn. Nếu trái lệnh là chết tươi đó.

Ông xin theo đạo vì sợ ma quỷ tấn công. Phải chăng nơi núi rừng âm u có quá nhiều tà ma hãm hại?

Thực ra giữa một vùng đất được gọi là rừng thiêng nước độc thì bệnh tật dễ cướp đi sinh mạng con người lắm. Thế nhưng điểm chính yếu trong cuộc sống vẫn là niềm tin. Một khi Thiên Chúa, Chúa trời đất không được hiểu cho đúng, thì ác thần dễ trà trộn bằng nhiều hình thái khác nhau để lường gạt và dọa nạt con người. Thế lực của tên gian ác thì vô hình, nhưng tay chân của nó thì lại là hiện thân của những con người đòi hỏi trâu bò cúng lễ tạ tội, những phán quyết như thể vô tội vạ mà gây họa cho bà con mới khổ chứ. Con người vô tình đã đặt lên vai con người những cái ách quá nặng nề.

Và nhóm anh em bạn đường chúng tôi đã được sai đến đúng lúc để chỉ cho bà con thấy Thiên Chúa giầu lòng thương xót, đưa bà con thoát khỏi cái vòng lẩn quẩn của mê tín, để từ đây, thay vì cứ cúi mặt tìm kiếm ơn trợ giúp nơi cây sao cổ thụ với những vũng nước, khe núi ẩn dấu nhiều nguy hiểm rình rập, thì có thể đứng thẳng, ngước nhìn lên cao, khẩn cầu “Cha chúng con ở trên trời”, là Thiên Chúa toàn năng nhân hậu.

Ngay sáng hôm đó, gia đình ông Lôi và gia đình các con cháu đã tin theo. Ông Lôi đi theo Chúa rồi, lấy ai cúng lễ núi rừng thay cho bà con, không còn người đứng ra để trò chuyện và van nài Thần Rừng, vì thế 6 gia đình còn lại cũng xin đi theo luôn. Vậy là gần trọn Bù Tơ, chỉ còn sót 2 gia đình đang đi thăm bà con ở bên kia sông Đồng Nai, vì thế khi chia tay, mọi người xin chúng tôi trở lại vào thứ năm tới để gặp gỡ đông đủ cả làng.

Chiều thứ năm trở lại, có đủ 2 gia đình, và có thêm bà con Bầu Ca-rô qua nữa. Vì thần linh bên đó còn khó chịu hơn bên Bù Tơ. Thực ra, một khi sinh sống chung quanh một cái bàu rộng lớn, đồng trống, thì sấm sét nhiều lắm, và vì thế làm gì cũng phải cúng. Gọi là xin phép thần thánh: từ việc dựng nhà đến gieo hạt và thu hoạch mùa màng, ít là phải cúng con gà, chứ phát rừng là phải cúng heo, và thậm chí giết bò làm lễ vật nữa, không lễ vật cho phải phép là thiên lôi đánh chết như chơi.

Một ngày ở với bà con Bù Tơ, loan truyền cho mọi người về đạo thánh Chúa, chỉ cần tập cho bà con đọc kinh lạy Cha, và dẫn giải từng lời kinh là nắng chiều tắt vội, đêm về mở hội ca múa và cầu nguyện.

Hôm sau, anh em chúng tôi theo chân bà con qua bên Bầu Ca-rô, bầu khí trong các nhà nơi đây có vẻ âm u hơn, đã vậy còn treo lủng lẳng mấy cái chân heo và mấy cái xương đầu heo nữa chứ. Hôm ấy có gia đình anh Khót và gia đình anh Var cùng với 2 gia đình nữa tin theo.

Vì Bù Tơ còn có một số gia đình nằm sâu trong rẫy, gọi là Bù Tơ 2, già làng bên đó thấy bà con bên ông Lôi phát rừng thoải mái mà chẵng ai bị trời đánh thánh vật gì cả, trái lại mùa màng lại ê hề hoa trái, thì cũng trông chúng tôi qua thăm để loan báo Tin Mừng tình yêu cứu độ cho họ.

Bôn ba trên cánh đồng nhiều việc lắm, vì thế cho mãi tới lễ Giáng Sinh, chúng tôi mới cùng với ông Lôi theo chân già làng qua Bù Tơ 2, hôm đó, đã có 7 nhà tin theo, nghĩa là hết cả làng. Nói là nhà thì phải hiểu mỗi nhà là 2,3 gia đình trong đó.

Lên đường, cứ sau một buổi chiều và một buổi sáng – gia đình anh Voi, rồi 7 nhà ở Bù Tơ tin theo – 2 nhà và 4 nhà ở Bầu Carô, rồi 7 nhà ở Bù Tơ 2, rồi cháu bé cũng được chữa lành.

Người đi, hoàn toàn phó mình cho ân sủng, để chính Thiên Chúa dùng quyền năng cùng với lời hằng sống khai mở công trình tạo dựng mới trong lòng của mỗi con người giữa muôn nhà.

Đa Minh Trần Văn Tân, SJ

Tác giả bài viết: Đa Minh Trần Văn Tân, SJ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây