Giáo Phận Ban Mê Thuột

https://gpbanmethuot.net


Nguồn gốc của sự kiêu ngạo

“Gioan đến, không ăn không uống (sống nhiệm nhặt), thì họ nói: “Ông ta bị quỷ ám!” (Mt 11,18-19a).
Nguồn gốc của sự kiêu ngạo

NGUỒN GỐC CỦA SỰ KIÊU NGẠO ĐỘC TÔN: NẠN ĐỘC QUYỀN

(Thứ Sáu sau Chúa Nhật II Mùa Vọng – Mt 11,16-19)

Xưa lẫn nay, các hình thái kiêu ngạo độc tôn vẫn xuất hiện và tồn tại một thời gian khá dài. Chúng xuất hiện chủ yếu nơi hàng lãnh đạo. Ngoài xã hội thì chúng hiện diện nơi các loại hình xã hội toàn trị, chuyên chế. Trong các tập thể tôn giáo thì chúng dễ ngự trị lâu dài nơi các tôn giáo có tổ chức, cơ chế chặt chẽ. Một vài khẩu hiệu các nhà lãnh đạo độc tôn, kiêu ngạo thích dùng đó là “vạn vạn tuế, muôn năm, bất diệt, không thể sai lầm, thay trời hành đạo…”

Thực tiễn cho thấy một khi đã xuất hiện thì sự độc tôn cao ngạo của nhiều nhà lãnh đạo lại tồn tại với thời gian không ngắn. Trong nhiều lý do thì chúng ta cần chân nhận lý do chủ yếu này đó là nạn độc quyền. Khi quyền bính của mình lên hàng tuyệt đối mà không một ai, không một tập thể nào có thể cạnh tranh và không một cơ chế nào có thể kìm giữ thì những người nắm quyền tuyệt đối rất dễ rơi vào chước cám dỗ tự tôn.

Những lời nhận xét của Chúa Giêsu về giới lãnh đạo Do Thái giáo thời bấy giờ xem ra ở vào trường hợp này. Đế quốc Rôma đô hộ các nước bị trị bằng chính sách khôn khéo hơn các đế quốc Hy Lạp, Ba Tư,… trước đó. Họ không thẳng tay tiêu diệt tôn giáo các nước bị trị nhưng lại sử dụng các lãnh đạo tôn giáo nước bị trị làm công cụ hợp tác để cai trị dân chúng. Họ trao cho giới lãnh đạo tôn giáo nhiều quyền hành không chỉ trong các sinh hoạt tôn giáo mà cả nhiều lãnh vực ngoài xã hội. Họ cũng cho giới lãnh đạo tôn giáo có lực lượng chuyên chế riêng (quân đội) dĩ nhiên là dưới sự kiểm soát của họ. Khi có được quyền tối cao trong đạo và nhiều quyền khác ngoài xã hội thì người ta rất dễ cao ngạo, độc tôn. Một hình thái của sự độc tôn cao ngạo là không thể chấp nhận một ai đó, những ai đó khác mình mà được dân chúng mến mộ.

Chúa Giêsu đã nói rõ điều này: “Gioan đến, không ăn không uống (sống nhiệm nhặt), thì họ nói: “Ông ta bị quỷ ám! Con Người đến, ăn uống như thường, thì họ nói: “Đó là người mê ăn mê uống, là bạn của quân thu thuế và những kẻ tội lỗi.” (Mt 11,18-19a). Để bảo vệ sự độc tôn, các nhà lãnh đạo thường dùng sự độc quyền. Sự độc quyền tồn tại chủ yếu dựa vào bạo lực chuyên chế, và công cụ hỗ trợ đắc lực đó là nguồn thông tin đại chúng. Tin Mừng Phục Sinh cũng đã từng bị các binh lính nhận tiền hối lộ từ các Thượng tế, thông tin xuyên tạc mà thánh sử Matthêu ghi rằng nó tồn tại khá lâu dài (x.Mt 28,11-15).

Là con cái Chúa, chúng ta phải kiên trì sống đức ái và bền bỉ loan truyền chân lý, vì: “Sự khôn ngoan được biện minh bằng các công việc của mình” (Mt 11,19b). Bên cạnh đó chúng ta cũng cần chung tay loại bỏ dần các hình thái độc quyền. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã mở ra Thượng Hội Đồng mời gọi đoàn dân Chúa “Đồng Nghị - Hiệp Hành”. Trong cuộc họp báo trên đường từ Athens về Rôma, ngày 06/12/2021, Ngài nói: “Tính đồng nghị là bản chất của Kitô giáo, bắt nguồn từ Thiên Chúa Ba Ngôi và là kết quả của tiếng nói chung của Giáo hội trên thế giới… về mặt con người, Giáo hội là giáo sĩ và giáo dân, trong khi đối với Thiên Chúa, tất cả chúng ta đều là đoàn chiên của Người. Năng động tính giữa những khác biệt trong Giáo hội là tính đồng nghị: nghĩa là, lắng nghe nhau và đồng hành với nhau”. Thiết tưởng rằng việc biết lắng nghe nhau là tiền đề của việc đồng hành. Bề dưới biết lắng nghe bề trên xem ra không quá khó. Tại nhiều Giáo hội địa phương, trong đó có Việt Nam thì việc bề trên biết lắng nghe bề dưới quả là không dễ. Vấn đề trước tiên thật đơn giản đó là bề trên phải tạo điều kiện cho bề dưới biết “mở miệng” cách chân thành và thẳng thắn.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây