Giáo Phận Ban Mê Thuột

https://gpbanmethuot.net


Sứ vụ của người Kitô hữu hôm nay

Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế giới lần thứ 16 hiện đang diễn ra tại cấp giáo phận, mà ở đó mọi thành phần dân Chúa được mời gọi tham gia.
Sứ vụ của người Kitô hữu hôm nay
SỨ VỤ CỦA NGƯỜI KITÔ HỮU TRONG THỜI ĐẠI HÔM NAY
(Bài tham luận về đề tài Sứ Vụ trong Giáo hội hiệp hành)
 
WGPXL (26.7.2022) - Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế giới lần thứ 16 hiện đang diễn ra tại cấp giáo phận, mà ở đó mọi thành phần dân Chúa được mời gọi tham gia. Với chủ đề “Hướng tới một Giáo hội Hiệp hành: Hiệp thông, tham gia, sứ vụ”, Đức Giáo hoàng Phanxicô như muốn huy động, như muốn vực dậy sức sống và tiềm năng của toàn thể tín hữu trong Giáo hội để mọi người cùng lên đường, bước vào một hành trình mới hướng về tương lai.
 
“Hiệp hành” - mọi người cùng đi - trên một hành trình, chính là con đường mà Thiên Chúa mong đợi Giáo hội của thiên niên kỷ thứ ba”[1].Trong tiến trình này có ba yếu tố, ba chiều kích hỗ tương, hay có thể nói rõ hơn đây là ba cột trụ quan trọng của Giáo hội hiệp hành: Hiệp thông – Tham gia – Sứ vụ.
 

A. Sứ vụ Kitô hữu trong thời đại hôm nay
 

Khởi đi từ lệnh truyền của Chúa Giêsu đã sai các Tông đồ đi rao giảng Tin Mừng mà Tin Mừng Luca chương 9 đã ghi lại. Tiếp đến là trong Chương 10 - một lần nữa - Chúa Giêsu đã truyền lệnh cho bảy mươi hai môn đệ - và cả chúng ta nữa - ra đi truyền giáo với những căn dặn và chỉ thị thật cụ thể và rõ ràng. Hơn nữa, trước khi chia tay để trở về với vinh quang Thiên Chúa trong biến cố Thăng Thiên, Đức Giêsu lại nói: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần” (Mt 28,19). Từ đó, các Kitô hữu, được trao ban từ Bí tích Rửa tội; và được thúc đẩy bởi Bí tích Thêm sức, mỗi người đều có bổn phận phải thực hiện lệnh truyền của Chúa Giêsu để ra đi loan báo Tin Mừng.
 
Trải dài qua dòng lịch sử hơn 2000 năm, các thế hệ Kitô hữu từ các giáo sĩ, tu sĩ cho đến người giáo dân nối tiếp nhau trong Giáo hội - dưới sự hướng dẫn của các vị chủ chăn - đã cố gắng thực hiện tốt sứ mạng loan báo Tin Mừng.
 
Trong cuốn “Cẩm nang cho Thượng Hội Đồng Giám Mục (THĐGM) về tính Hiệp hành” có nói về chiều kích SỨ MẠNG như sau: “Giáo hội hiện hữu để loan báo Tin Mừng. Sứ mạng của chúng ta là làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa giữa toàn thể nhân loại. Tiến trình hiệp hành mang chiều kích truyền giáo rõ nét. Mục đích của tiến trình này là giúp Giáo hội làm chứng cho Tin Mừng cách hữu hiệu hơn, đặc biệt với những người ở vùng ngoại vi của thế giới chúng ta xét về mặt tâm linh, xã hội, kinh tế, chính trị, địa lý và hiện sinh. Theo cách này, hiệp hành là con đường qua đó Giáo hội có thể hoàn thành cách hiệu quả hơn sứ mạng loan báo Tin Mừng cho thế giới như nắm men làm cho Nước Chúa mau đến”[2].
 
Như vậy, tính Hiệp hành mà Đức thánh cha nêu lên ở đây như là chủ đề, là mục đích và cũng là lối sống của Giáo hội hôm nay. Điều này thật cần thiết, bởi lẽ đây là lối sống đức tin rất phù hợp với thời đại, là hướng đi đúng mà mọi thành phần trong Giáo hội hôm nay cần phải cùng nhau thực hiện để bước vào tương lai trong thiên niên kỷ mới.
 

B. Người Kitô hữu thi hành sứ vụ

Có lẽ phải nói cho rõ hơn là người Kitô hữu thi hành sứ vụ tông đồ. Thuật ngữ và khái niệm “làm việc tông đồ” đã xuất hiện từ rất lâu trong Giáo hội và được thực hành thường xuyên một cách đa dạng, phong phú và mang nhiều sắc thái trong nếp sống của người có đạo. Sứ mạng này mỗi người thi hành tùy theo nhiệm vụ và vai trò của mình: là giáo sĩ, là giáo dân, hay là những người sống đời thánh hiến nam, nữ trong bậc tu trì. Những việc làm đó có khi là những chuyện to lớn vĩ đại như việc dạy giáo lý, rửa tội cho người tân tòng; và “việc tông đồ”, cũng có khi là những cử chỉ bác ái, yêu thương, sẻ chia với anh chị em đồng loại trong nếp sống thường ngày. Hay có những ai đó thi hành sứ mạng của mình khi đóng góp vào việc chung để đảm nhận những trách nhiệm trong cộng đoàn: việc của giáo phận, giáo xứ, giáo khu, xóm đạo… Với các giáo sĩ thì sứ vụ của các ngài là thi hành nhiệm vụ mục tử để chăm sóc và thánh hóa cho đoàn chiên, cho các linh hồn.
 
Một điểm nổi bật của THĐGM thế giới mà chúng ta đang được tham gia dự phần, đó là việc thỉnh ý mọi thành phần dân Chúa về kinh nghiệm sống đạo cũng như những thao thức, tâm tình, những họat động cũng như những mơ ước về “một Giáo hội của mình là” mà - ở đây - bài tham luận này cũng cần phải ghi nhận và trình bày.
 

C. Tóm lược các ý kiến đóng góp trong giai đoạn thỉnh ý tại Giáo phận Xuân Lộc

Căn cứ vào bảng tổng kết của Ban Linh Hoạt Viên Giáo phận, trong chiều kích Sứ vụ của người Kitô hữu. Chúng ta có được một số ghi nhận:
 
+ Tính theo số gia đình trong giáo phận thuộc 13 Giáo hạt: 169,883/286,830 đạt: 59,23%[3].

+ Tính theo linh mục triều – dòng, tu sĩ các dòng tu trong giáo phận, chủng sinh thuộc giáo phận: 2,519/3023 đạt: 83,23%[4].

I. Đóng góp ý kiến của Linh mục tu sĩ và chủng sinh
 
1. Về mặt tích cực

Đa phần các ý kiến đóng góp đều nói lên ý thức rất rõ về bổn phận và sứ vụ loan báo Tin Mừng. Những ý kiến của các linh mục, những người thánh hiến và các anh em chủng sinh (xin gọi tắt là “những người thánh hiến”) đều nhận thấy việc loan báo Tin Mừng là bổn phận và sứ vụ căn bản của mình, và đã nỗ lực để chu toàn bổn phận này trong việc lắng nghe và đối thoại với nhau để tìm ra giải pháp và đường hướng cho sứ vụ.
 
Trước hết, những người thánh hiến đều lấy tinh thần cầu nguyện như một yếu tố tối cần cho sứ vụ, bởi lẽ sứ vụ truyền giáo là một việc làm đầy khó khăn thử thách, nhiêu khê và dài hơi nên rất cần đến ân sủng Thiên Chúa phù trợ, và cố gắng giúp nhau hoàn thành trách nhiệm này. Các người thánh hiến luôn ý thức rằng mình được sai đi để làm chứng nhân cho Chúa, và mình chỉ là công cụ để rao truyền ơn cứu độ và tình thương của Ngài. Trong đức vâng lời của người thánh hiến, các anh chị đều hiểu rõ rằng các anh chị thi hành phận vụ theo hướng dẫn của vị hữu trách và sự cộng tác của nhiều người. Có ý kiến cho rằng các vị hữu trách cần có chương trình kế hoạch hoạt động tông đồ ngắn hạn và dài hạn để các thành viên khác biết cách sắp xếp công việc riêng của mình để tham gia vào việc chung của cộng đoàn. Với những lãnh vực chuyên môn, các vị hữu trách cần quy tụ những thành viên có khả năng để họ có thể đảm nhận những nhiệm vụ này. Sắp xếp cho mỗi thành viên trong cộng đoàn mỗi người mỗi nhiệm vụ khác nhau để họ cảm thấy mình có trách nhiệm liên đới với cộng đoàn. Cụ thể như ý kiến sau đây: “Con mời gọi tất mọi thành phần dân Chúa cùng cộng tác, tham gia vào công việc chung. Tùy vào khả năng mỗi người mà con trao phó công việc sao cho phù hợp, để có thể mang lại hiệu quả cao nhất. Cụ thể, tại Đại Chủng Viện con mời gọi tất cả anh em, nhất là những anh em có thiện chí cùng tham gia cộng tác vào công việc chung. Khi gặp khó khăn mọi người cùng chia sẻ kinh nghiệm và biết lắng nghe nhau để mỗi ngày một thăng tiến hơn”.

Tính cộng đoàn được nêu lên trong nhiều ý kiến đóng góp nhờ đó, óc bè phái, cung cách độc đoán - độc tài không phải là việc làm và cung cách mà nhiều người đồng tình.
 
Đối với các tôn giáo bạn và các Kitô hữu ngoài công giáo: Đa phần ý kiến đều nhận thấy rằng: Cầu nguyện cho họ được thúc đẩy để đón nhận Tin Mừng và cầu nguyện cho mình biết sống Tin Mừng để làm chứng cho Chúa, cụ thể: thăm viếng quan tâm đến anh chị em lương dân láng giềng khi họ gặp khó khăn, hay các dịp lễ Tết… Tôn trọng tôn giáo tín ngưỡng của họ - không phê bình, và cởi mở lắng nghe họ. Sẵn sàng đi bước trước tìm kiếm và đối thoại với các Kitô hữu ngoài công giáo.
 
Sống chứng nhân, sống đúng tư cách người Kitô hữu - một tu sĩ - một linh mục giữa đời, giữa đoàn chiên.
 

2. Những cản trở - mặt tiêu cực của sứ vụ

Chủ nghĩa cá nhân (ý riêng, tự cao tự đại, cái tôi quá lớn, kiêu ngạo, quá tin vào mình khó tin vào người khác, kiếm danh cho mình hơn là ích chung, lợi ích cá nhân, sợ khó ngại dấn thân lười biếng e ngại, hay bàn ra trong việc chung).
 
Vấn đề về chiều kích nhân bản (chưa trưởng thành, tinh thần làm việc chung kém, khó đón nhận người khác, không tôn trọng tha nhân trong lời nói việc làm, óc bè phái sự vô cảm, thiếu sự bác ái, cảm thông, tôn trọng và không đồng tâm nhất trí trong cộng đoàn).

Vấn đề về chiều kích thiêng liêng (sa sút trong đời sống cầu nguyện).

Không quen làm việc theo nhóm. Sự so bì giữa dòng này và dòng khác.
 
Không cùng thao thức truyền giáo.

Sự cản trở là sự lười biếng của cộng tác viên và sự nóng nảy của chủ chăn.
 

II. Đóng góp ý kiến của giáo dân

Môi trường sống của người giáo dân tựu trung xoay quanh 3 tương quan này: gia đình, giáo xứ và xã hội. Do vậy, sứ vụ truyền giáo cũng được triển khai và thực hiện trong ba mối quan tâm này của người giáo dân.
 

1. Điểm tích cực

Mọi người đều cố gắng làm cho gia đình trở thành mái ấm yêu thương; xây dựng giáo xứ thành cộng đoàn thánh thiện và hiệp nhất và nỗ lực làm cho xã hội phát triển lành mạnh hơn. Đây là điểm son trong tâm thức và suy nghĩ của người giáo dân trong giáo phận nhà khi thấy được nhiều người quan tâm (với tỷ lệ cao) đến 3 mối tương quan này trong sứ vụ của họ.

Điều ghi nhận trong các ý kiến đóng góp của người giáo dân về chiều kích sứ vụ đều cho thấy rằng người giáo dân đặt tầm quan trọng của việc cầu nguyện, tham dự thánh lễ; việc đọc, suy niệm và sống Lời Chúa cũng như việc làm gương sáng trong đời sống hàng ngày là điều cần thiết và quan trọng trong sứ vụ loan báo Tin Mừng.

Một số ý kiến khác cho rằng việc tham gia hội đoàn, và sự đóng góp tích cực cho công việc của giáo khóm, giáo xứ cũng là điều cần thiết để thi hành sứ vụ nơi người giáo dân.
 
Người giáo dân hôm nay đã nhận thấy được tầm quan trọng của không gian mạng khi có ý kiến cho rằng để góp phần vào việc loan báo Tin Mừng, cần viết bài về đức tin phổ biến trên Internet.

Cần có lửa, ý thức sứ vụ là nhiệm vụ sống còn, có định hướng cụ thể, có kế hoạch để sẵn sàng dấn thân phù hợp cho mọi thành phần! Đánh thức và khơi lên tinh thần đồng trách nhiệm trong sứ vụ Loan báo Tin Mừng, nhiệt tâm cho công cuộc Tông Đồ của Đức Kitô.

Là một người giáo lý viên, tôi luôn thao thức và luôn muốn mình có thể làm khác đi, không dạy giáo lý theo lối mòn, cách cũ mà sáng tạo hơn để phù hợp hơn với hiện nay nhất là cố gắng để nên chứng nhân hơn là thầy dạy.

Cần thoát khỏi vỏ bọc và sự ngại ngùng khi nói về việc loan báo Tin Mừng và về Chúa.

“Làm sao để giáo dân hiểu Loan báo Tin Mừng là chính đời sống đạo, là ứng xử tốt lành với mọi người, chứ không phải chỉ tham dự chầu lễ sáng chiều, đọc kinh các hội đoàn nhưng đem bọc rác sang nhà hàng xóm để, người ta nói còn mắng lại lời khó nghe. Thực tế, nhất là vùng đạo toàn tòng, các lễ tổ chức hoành tráng, kèn trống rộn ràng, xây dựng nhiều nhà thờ lớn....còn tự hào về một Trung Tâm Hành Hương” diện tích to lớn bậc nhất với bao nhiêu hạng mục, mà mấy ai nghĩ rằng để tương xứng với điều thánh thiện ấy, giáo dân cần cải thiện lối sống thế nào, sống tử tế vẹn toàn hơn để muôn dân khắp nơi nhận ra dấu chỉ “các con là môn đệ Thầy”.
 

2. Điều tiêu cực

Muốn đóng góp hiểu biết, khả năng và sinh hoạt chung với Giáo xứ, nhưng Giáo xứ không có các hoạt động sinh hoạt nào.

Tôi chưa tham gia.

Không tham gia hội đoàn. Chỉ cố gắng sống tốt, tương trợ ngoài xã hội và sẵn sàng cho mọi người biết mình thuộc về giáo xứ.

Mỗi người mỗi ý, vẫn còn ít hoạt động để loan báo Tin Mừng.

Cha xứ khó khăn, hay mắng chửi - Giáo dân khép kín, ít quan tâm xung quanh. Tính ích kỷ, cái tôi quá lớn dẫn đến chia rẽ mất đoàn kết.

Thiếu kiến thức. Đời sống Đức Tin của mỗi Tín Hữu còn yếu kém, chưa vững mạnh.

Điều làm cản trở đó là: cuộc sống hiện nay do quá bận rộn với công việc, gia đình và lo cho con cái của nhiều gia đình và còn nhiều thứ giải trí vui chơi khác trong thời hiện đại này như điện thoại, tivi, hoặc dành nhiều thời gian cho bạn bè, hoặc nhiều thứ cám dỗ khác trong cuộc sống ngày nay làm cho việc loan báo tin mừng trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Vì người có Đạo sống đạo khô khan với Đức Tin gây ảnh hưởng lớn đến việc truyền giáo tại giáo xứ. Cục bộ, sống an toàn trong chính mình, thiếu lửa và chưa nhận thức sứ vụ Loan báo Tin Mừng là của mọi người đã lãnh nhận phép Rửa tội.
 
Hời hợt trong việc tông đồ, lo bên ngoài hơn nội tâm, chia rẽ, không lắng nghe, không tìm kiếm những điều cần, nhưng chạy theo xu thế. Đừng so sánh với giáo xứ khác hơn thua.

Không biết - Tôi chưa nghĩ đến. Giáo dân chưa hiểu rõ về vấn đề này.

Hội đồng giáo xứ cần thân thiện hơn.

Cái tôi ích kỷ, sợ sệt, thiếu cảm thức Đức Tin vì phụng vụ bị biến tướng mọi nơi, cách giải thích cấp tiến, tục hoá của các Giáo sĩ, tu sĩ và Giáo lý viên.

Một bộ phận nhỏ ở giới trẻ không quá mặn mòi với việc loan báo Tin Mừng. Nhiều bạn trẻ còn e ngại làm dấu trước khi ăn nơi công cộng. Nhiều người thấy việc học văn hóa, học nghề, đi làm kiếm tiền quan trọng hơn là việc học giáo lý.

Tính nhỏ nhen ích kỷ của mấy chú ban hành giáo nè, khó chịu kì cục, khinh thường người khác chỉ biết nghĩ tới cảm xúc của mình thôi.

Những giáo dân không chịu nghe lời và hợp tác với các ông trùm và Ban Hành giáo. Mệt mỏi không quan tâm.

Huấn giáo chưa được chú trọng. Loan báo Tin Mừng chưa là sứ vụ hàng đầu. Thiếu vắng niềm tin vào chân lí. Thấy lỗi sai không dám nói, thấy điều đúng không dám ủng hộ.

Chưa có sự "hiệp hành" giữa linh mục chánh xứ và giáo dân.

Khó gần và hoà đồng với anh chị em tôn giáo bạn.

Thiết nghĩ những đóng góp ý kiến vừa được liệt kê không phải là đại diện cho tất cả nhưng cũng có thể vẽ lên cho chúng ta thấy một bức tranh của chiều kích sứ vụ trong giáo phận nhà. Được nghe và tham khảo những ý kiến góp ý này cũng là một cơ hội để cho toàn thể dân Chúa trong Giáo phận có cơ hội nhìn lại để điều chỉnh sửa sai, đồng thời cũng là nguồn động viên, sự khích lệ rất tốt cho những hoạt động tông đồ trong một Giáo hội Hiệp hành.
 

III. Luận Bàn về Sứ Vụ Loan Báo Tin Mừng
 

Nhìn vào lịch sử truyền giáo của Giáo Hội 2000 năm qua, người ta tìm thấy các mẫu thức loan báo Tin Mừng sau đây:

1. Thời Tiền Constantin (313), ba trăm năm sau khi Chúa Giêsu về trời: việc rao giảng Tin Mừng hướng về Chúa Kitô, hay tiếng chuyên môn là “qui Kitô”, lấy Chúa Kitô lịch sử làm trung tâm và nội dung rao giảng. Cái giá phải trả cho thời kỳ này là sự bách hại đạo của các vua chúa quan quyền thời ấy. “Máu các vị tử đạo là hạt giống trổ sinh con nhà có đạo” phát xuất từ đây.

2. Thời Constantin đến năm 1500, được coi là thịnh vượng, thời hoàng kim của việc loan báo Tin Mừng; một phần nhờ các nhà cầm quyền đều theo đạo, một phần nhờ các định chế xã hội đều được tổ chức theo mô hình phẩm trật của Giáo hội. Người dân cảm thấy tôn giáo (Kitô giáo) có khả năng đáp ứng được những nhu cầu tâm linh của người phương Tây. Bên cạnh đó Giáo hội còn sản sinh ra nhiều vị thánh là những người trí thức làm đuốc soi đường cho những nỗ lực truyền giáo.

3. Kỷ nguyên tiền-văn-minh-ánh-sáng và kỷ nguyên ánh sáng, từ năm 1500-1800. Việc truyền giáo phải đương đầu với việc làm thế nào cắt nghĩa, giải quyết được những mâu thuẫn giữa Thánh kinh và khoa học thực nghiệm đang phát triển. Những cuộc ly khai tôn giáo hầu hết xảy đến trong thời kỳ này.

4. Từ năm 1800 đến nay, việc truyền giáo, loan báo Tin Mừng đối diện với thực tại đa văn hóa, đa ngôn ngữ, đa chủ nghĩa… khiến cho Giáo hội phải thay đổi một số các mẫu thức hầu có thể theo kịp đà tiến của xã hội và hội nhập được với những môi trường đó.

5. Việt Nam cũng không ngoại lệ, mặc dầu lịch sử truyền giáo của chúng ta còn “non trẻ”, nhưng Giáo hội vừa luôn phải thích nghi theo sự hướng dẫn của huấn quyền, vừa phải đề ra những phương thế “tại chỗ” cấp thời để Tin Mừng có đất cắm rễ và cơ may phát triển (ví dụ Thông Cáo Công Giáo về lễ nghi tôn kính ông bà tổ tiên của bảy vị giám mục Việt Nam họp tại Nha Trang, ngày 14/11/1974).

Ai trong chúng ta cũng hiểu rằng, “Lịch sử là thầy dạy vĩ đại” thì nhờ việc đọc lại, trình bày lại lịch sử truyền giáo của Giáo hội hoàn vũ, Giáo hội Việt Nam, chúng ta có thể đưa ra những mẫu thức truyền giáo cho hôm nay và tương lai như sau:

a/ Khơi lên ý thức và nhiệt tình truyền giáo của mọi thành phần Dân Chúa bằng học hỏi, tham gia các hội đoàn Công giáo tiến hành. Nhắc nhở, thúc đẩy vai trò chứng nhân nơi mỗi người tín hữu qua việc thường xuyên tham dự phụng vụ và đời sống đạo thường ngày.

b/ “Đối thoại bằng hành động” với anh chị em lương dân hay không cùng tôn giáo trong các phong trào thiện nguyện, bác ái xã hội, bảo vệ môi trường sống…

c/ “Đối thoại liên tôn”: cần được chú ý hơn nữa trong mối tương quan “tình người” trong các dịp lễ tết, tang ma… và cần thiết phải nhận thấy nét đẹp nơi những tâm hồn thiện chí trong các tôn giáo bạn. Từ đó, chúng ta tìm ra những sáng kiến, những phương cách để giới thiệu về Chúa Kitô, Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.

d/ Hội nhập văn hóa”: các tín hữu tích cực dấn thân hơn trong việc duy trì, phát huy bản sắc dân tộc. Giáo hội hôm nay phải làm sao để hiện tại hóa sự hiện diện của Chúa và của Giáo hội ngay trong cử hành phụng vụ, trong nếp sống, trong tâm thức và cách sống đạo của người Kitô hữu Việt Nam.

e/ Các vị chủ chăn, những người hữu trách trong cộng đoàn Giáo hội cần trau dồi và thăng tiến đời sống đạo đức và thờ phượng. Điều này thật cần thiết để đốt lửa, giữ lửa sốt mến nơi người giáo dân. Nhờ đó người giáo dân sẽ phát huy được vai trò Kitô hữu trong đời sống chứng nhân và biết tìm ra phương thế thích hợp để thi hành sứ vụ tông đồ của mình trong hiện tại.
 

IV. Tạm kết

Lời của thánh Phaolô trong thư thứ 1 gởi tín hữu Corintô (I Cor 12,7-10) có viết rằng Chúa Thánh Thần ban cho mỗi người một đặc sủng khác nhau là để thi hành sứ vụ xây dựng Giáo hội và Phúc âm hóa thế giới. Sứ vụ trong Giáo hội thì nhiều: rao giảng, thánh hóa, quản trị, chữa lành…, tùy theo Chúa Thánh Thần hoạt động nơi từng người theo ơn gọi riêng và cách thế riêng của người ấy.

Để Giáo hội được là một cộng đoàn hiệp hành để cùng nhau thi hành sứ vụ trong tương lai của thiên niên kỷ mới. Đức Giáo hoàng Phanxicô có nêu ra 3 việc cần làm: Gặp gỡ trực tiếp, lắng nghe và phân định[5]. Và ngài kết luận, Thượng Hội đồng phải là một sự phân định thiêng liêng mang chiều kích Giáo hội, được thực hiện trong cầu nguyện và đối thoại với Lời Chúa. Không thể có hiệp hành nếu không có cầu nguyện và bầu khí thiêng liêng.

Thiết nghĩ lời nhắn nhủ của “vị cha chung” trong bài giảng của ngày khai mạc Thượng Hội đồng đã quá rõ ràng và đầy đủ cho mỗi tín hữu chúng ta trong việc HIỆP HÀNH, đồng thời cũng là lời nhắc nhở và sự hướng dẫn cho các tín hữu chúng ta trong khi thi hành sứ vụ của mình.
 
Tòa Giám Mục Xuân Lộc, 24/7/2022.
Lm. Phanxicô De Salesiô Lê Văn La Vinh, OP
Nguồn: giaophanxuanloc.net (26.07.2022)
 

[1] Phanxicô, Diễn từ mừng kỷ niệm 50 năm thành lập Thượng Hội đồng Giám mục. Cẩm nang Thượng HĐGM thế giới phần Giới thiệu mục 1.2.
 
[2] Cẩm nang cho Thượng Hội Đồng về tính Hiệp hành phần 1.4.
 
[3] Bản đúc kết thỉnh ý dành cho Giáo hữu (đúc kết 07.07.2022).
 
[4] Bản đúc kết thỉnh ý dành cho Linh mục, Tu sĩ, Chủng sinh (đúc kết 05.07.2022).
 
[5]. ĐGH Phanxicô, Bài giảng khai mạc Thượng Hội Đồng 10/10/2021.

Tác giả bài viết: Lm. P.S Lê Văn La Vinh, OP

Nguồn tin: HĐGMVN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây