Giáo Phận Ban Mê Thuột

https://gpbanmethuot.net


Chút Suy Tư Về Phương Pháp Giáo Dục Saledieng

Saledieng

Bản thân sống trong đoàn sủng Saledieng cho tới nay được hơn 12 năm, một thời gian không phải là dài, nhưng cũng không qúa ngắn để học hỏi và thực hành "Hệ thống Giáo Dục Dự Phòng"  (HTGDDP).Đặc biệt là qua những năm tháng sống và làm việc với người trẻ,K’Mun ngày càng xác tín hơn điều này: Nếu chúng ta biết cách khôn khéo và triệt để áp dụng HTGDDP trong giáo dục, chúng ta sẽ thành công trong việc giáo dục các em.


      Thời Don Bosco và Mẹ Mazzarello có những Saviô, Fracesco Besucco, Laura Vicuna, một số trường hợp tưởng là khó dạy như: Emmanuel, Michele Magone....... nhưng các đấng sáng lập đã chinh phục các em bằng ngôn ngữ của con tim. Ngày hôm nay cũng không thiếu những Michele Magone ngỗ nghịch và ngang bướng, những Emmanuel đỏm dáng, chểnh mảng học hành và làm việc. Làm thế nào để chinh phục được chúng, thật không đơn giản chút nào! Tuy nhiên chúng ta hãy học nơi Don Bosco, dưới sự hướng dẫn của bà giáo là Đức Maria,  ngài đã chinh phục được biết bao thanh thiếu niên. Bí quyết của ngài nằm ở  giấc mơ chín tuổi, qua giấc mơ đó Đức Maria đã dạy ngài phải giáo dục bằng sự kiên nhẫn, hiền hậu chứ không bằng roi vọt.


         Năm năm làm việc nơi cánh đồng truyền giáo, sống giữa những người trẻ nghèo, bị bỏ rơi nơi mái ấm tình thương < casa famiglia ở Pavia, một thành phố nhỏ nằm ở miền bắc nước Ý>, các em đã giúp cho K’Mun thấu hiểu, thực hành và sống tinh thần của hệ thống giáo dục này trong khi đồng hành với các em. Trong hai nhóm các em nữ cấp 2 và cấp 3 mà K’Mun hộ trực, có em tên là A (em này đã học hết năm thứ 3 trung học nhưng không tiếp tục theo con đường học vấn nhưng đang đợi để đi làm). Qua kinh nghiệm đồng hành với các em, <đặc biệt là em A kể trên>, K’Mun muốn chia sẻ với anh chị em và các bạn một vài những cảm nghiệm và bài học trong giáo dục.

Giáo dục với lòng kiên nhẫn
     Thời gian thường nhật của A là gì các bạn có biết không? Có thể nói suốt ngày A ngồi trên máy tính, hoặc xem truyền hình, hoặc trang điểm....K'Mun tự hỏi mình phải làm gì đây? Bực bội la mắng u? Có lẽ tất cả đều vô ích và đôi khi làm A ương nghạnh hơn.
      Thông thường, buổi sáng các em khác thì đến trường và sau đó làm bài tập vào buổi chiều. Còn A? K’Mun muốn nhờ A giúp ổn định nhà cửa và dọn hàng bán đồ lưu niệm, nhưng dường như câu trả lời là không. Phải làm sao đây? cứ để cho A tự do muốn làm gì thì làm? 24/24 xem phim và chơi game? K’Mun bắt đầu chiến thuật của mình: không la mắng, chẳng cấm đóan, cứ làm như A không hiện diện trong nhóm. Ở đây K'Mun đang áp dụng hình phạt nặng nhất như Don Bosco đã nhắn nhủ các hội viên và những người cộng tác và như ngài đã nói: “ Nếu nhà giáo dục ở giữa học sinh muốn được chúng kính nể, nên tìm cách làm cho chúng yêu mến mình. Khi được thế rồi, chỉ cần từ chối lòng uư ái đã là hình phạt có sức thúc đẩy và ghanh đua, tăng thêm can đảm và không bao giờ làm hạ giá chúng” (lợi ích của HTGDDP). Thực đúng như thế, K’Mun nhờ những em khác giúp mình ra chợ ổn định, sắp xếp những món hàng cho ngay ngắn mà không nói gì tới A. Những em khác ai cũng sẵn sàng, và mọi người đều thống nhất giờ giấc làm việc. Bất ngờ A cũng xung phong: “em cũng muốn làm cùng sơ và các bạn”. K’Mun đáp lại: “ tốt qúa,vậy chúng cùng bắt tay vào công việc nhé”. Một sự khởi đầu đầy tốt đẹp.


      Năm học mới bắt đầu, trong khi các bạn  khác đến trường, chỉ còn một mình A ra tiệm bán đồ, nhưng chỉ sau một hai ngày là A bắt đầu chùn bước, không muốn tiếp tục nữa. Điều này cũng dễ hiểu, vì A học chuyên về gia chánh bây giờ lại trở thành một người bán hàng lưu niệm và trang phục trẻ em, thật không hợp sở thích, khả năng của em chút nào. Mỗi sáng, khi bắt đầu ngày mới, K’Mun thường nói cho em thời gian biểu và công việc làm trong ngày. Những ngày đầu khi K’Mun đồng hành với em, em chia sẻ rằng A không thích làm công việc này và càng không thích làm việc từ thiện. K'Mun liền trả lời: "Sơ cũng vậy, sơ không nuôi ai không công đâu. Nếu A cảm thấy đây là gia đình của A, thì em có thể giúp sơ một tay, cho tới khi nào em có công việc". Cuộc nói chuyện trở nên khá căng thẳng. K'Mun tiếp tục: "Sơ đồng ý, A không thích công việc này, nhưng hiện giờ A đang chờ câu trả lời từ những nhà hàng  A đã nộp đơn xin việc, không tốt hơn là ra tiệm bán đồ vào mỗi sáng cho tới khi A có việc, rồi buổi chiều sơ sẽ dạy may cho A" (Em này rất thích học may). Nghe xong A rất phấn khởi, lịch học và thời gian cụ thể được xúc tiến ngay sau đó. Khi viết đến đây, làm K'Mun nhớ đến câu nói chứ danh của Don Bosco: “Hãy yêu thương những gì người trẻ thích, rồi chúng sẽ làm những gì mình thích”.


     Sự thay đổi bắt đầu diễn ra; mỗi sáng 6g30 A thức dậy, dùng điểm tâm rồi chuẩn bị đưa em nhỏ đi học, sau đó ra tiệm bán hàng. Sau giờ nghỉ trưa , A tự động xuống phòng học may. Theo lẽ thường thì điều rất khó, nhưng bây giờ dường như đơn giản và dễ dàng. Mỗi khi không thấy A xuống học may <K’Mun đoán hoặc là A đang ngủ,  nghe nhạc hoặc xem phim>, K’Mun chỉ cần lên phòng và nhắc nhở em: “ sơ đợi em đó”. Chỉ sau  5,10 phút, là A đã có mặt ở phòng may.


Giáo dục bằng Đối thoại
     Các bạn biết không việc đánh thức A dậy đi lễ mỗi ngày chúa nhật là điều không dễ, vì K'mun biết rằng A rất làm biếng trong chuyện này. Một lần kia K’Mun nói với A :"Ngày mai là Chúa Nhật, chúng ta sẽ đi tham dự Thánh Lễ ngoài Giáo Xứ, A nhớ thức dậy và đi lễ nhé.". A đáp lại:  "A sẽ ngủ tới trưa mới dậy, rồi vệ sinh cá nhân..... rồi đi dạo với bố mẹ nếu họ tới". K’Mun nói: "Vậy sơ sẽ đánh thức A vào lúc 8h30, vệ sinh cá nhân xong, rồi cùng sơ và các bạn đi lễ." A lạnh lùng trả lời: "Em đâu phải là sơ đâu mà cần đi lễ!" Mun đáp lại: "Em nên nhớ các sơ tham dự thánh lễ mỗi ngày, trừ khi không thể, còn em là một giáo dân, ít nhất một tuần lần một lần vào ngày Chúa nhật. Sở dĩ Sơ nhắc như vậy là vì ích lợi cho linh hồn em, còn trách nhiệm và tự do là hệ tại nơi em; dù sao thì Sơ cũng sẽ đợi em ở nhà thờ". Ngạc nhiên thay, sau đó K'mun có thấy em hiện diện trong Thánh Lễ, A tới sau các bạn khác một chút. K'mun cảm thấy có một chút thay đổi nơi em, và hy vọng sẽ tiếp tục theo chiều hướng tốt.


      Điều làm K'Mun nhức đầu đó là mỗi tối A thường thức rất trễ để xem phim, K’Mun nói với em: "Không nên thức qúa trễ, vì mai chúng ta còn nhiều thứ để làm. Sơ làm việc từ sáng tới tối, nên không thể thức quá trễ, vì như thế sơ sẽ không đủ sức khỏe để làm việc lâu dài". K’Mun khuyên thêm: "Nếu em không xem hết bộ phim đó cũng không ảnh hưởng gì, nhưng nếu chúng ta thức qúa trễ, sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ và công việc." A lý luận: "Sống trong xã hội ngày hôm nay, em cần phải biết cập nhật tin tức, cần có tự do để làm những điều mình muốn...." K’Mun giải thích: "Sơ đồng ý là chúng ta cần có những tương quan trong xã hội và nhu cầu muốn biết các tin tức hàng ngày, nhưng lấy lý do đó để rồi tối nào cũng xem phim... Nếu em không biết tắt tivi hay vi tính, sơ sẽ giúp em tắt." Sau buổi đối thọai đó, A nhanh chóng tắt và đi ngủ.


      Một vấn đề phiền toái khác cho K'Mun là A thường tự do đi ra ngòai mà không báo cho K’Mun.  K’Mun thường nói với A: "Em cần nói cho sơ biết em ra ngòai với ai, làm gì và thời gian bao lâu". A trả lời cách khó chịu: "Em đang sống trong xã hội văn minh và tự do, ai cũng có nhu cầu gặp gỡ, giao lưu với bạn bè...". K’Mun trả lời: "Em nói đúng, chúng ta không nên sống như  một ốc đảo, chỉ cuộn mình trong lớp vỏ bọc mà không biết tới ai, nhưng như thế không có nghĩa là em cho phép mình được tự do thoải mái muốn đi ra ngòai bất kỳ lúc nào mà không báo cho sơ biết. Lý do là vì em còn ở tuổi vị thành niên, nên có chuyện gì không may xảy ra thì sơ phải chịu trách nhiệm. Đó không phải là sự cấm đóan, nhưng sơ muốn em biết cộng tác, đối thoại và làm chủ thời gian của mình. Tự do không phải là làm những gì em muốn, nhưng tự do là làm những gì chúng ta có thể, làm đúng lúc, đúng nơi ngay cả khi chúng ta không muốn, đó là tự do. Còn khi chúng ta chỉ làm những gì ta muốn, đó không phải là tự do mà là nô lệ và sự lệ thuộc, lệ thuộc cho sự chểnh mảng nơi công việc, cho những thói quen không tốt và điều đó sẽ dẫn đến sự thiếu quân bình, ảnh hưởng đến cuộc sống”.


K’Mun nói thêm: “ Nếu em không tập cho mình những thói thói quen tốt như đúng giờ, kỹ luật...thì về sau khi em ra ngoài đời làm việc, có thể chỉ sau 2 hoặc 3 ngày là em sẽ bị đuổi việc."
     K’Mun cũng thường xuyên nhắc nhở A tập sống ngăn nắp, gọn gàng. Nhưng em nói: "Ngày nay có những người không biết làm những công việc trong nhà như ủi đồ, dọn dẹp nhà cửa v ..v....nhưng họ vẫn sống và sống đầy đủ". K’Mun giải thích; em có lý! Nhưng có lẽ những người đó họ là những người giàu có, có thể thuê người làm; còn em, em có chắc là em sẽ trở thành nhà triệu phú để không phải nhúng tay vào công việc nhà không? Biết đâu trong số những người mà em đề cập đến, có những người họ không biết làm những điều đó, vì có thể họ không may mắn là có được người mẹ, người chị hay một ai đó nói cho họ hiểu được giá trị của những công việc, dù là những công việc tầm thường và có thể họ sống quen trong sự bừa bộn mà họ cho như thế là đủ. Còn em, em có cơ hội mà không cố gắng thì đó là một điều đáng tiếc và một lúc nào đó em sẽ phai hối tiếc.


      Đối với A, khi nghe những lời chỉ giáo trên đây của K'Mun, phản ứng đầu tiên là thái đó cảm thấy khó chịu, nhưng rồi dần dần A hiểu được tầm quan trọng của những lời giáo huấn đó. Với thời gian, những lời này bắt đầu có hiệu qủa qua việc A sống kỷ luật, ngăn nắp hơn: Giờ đây A đã biết giờ nào ra tiệm bán hàng, và tới giờ nghỉ là đi nghỉ. Cũng thế, A đã biết ổn định phòng và những đồ dùng cá nhân. Qua những chia sẻ trên, K'Mun thấy rằng thật là không đơn giản chút nào khi dạy các em sống ngăn nắp và có kỷ luật, bởi người trẻ thì hay quên;  tuy nhiên nếu chúng ta biết kiên nhẫn và nhắc nhở thường xuyên, các em sẽ tiến bộ.

Giáo dục với tình thương

     Một ngày nọ, A mạo muội hỏi K’Mun: "Sơ Maria, sơ có thương mến em không?" K’Mun trả lời: "Tất nhiên là có." Em tiếp tục: "Sơ thương em ngay cả những lúc em làm sơ bực mình, những lúc em không vâng lời sơ chứ!" K’Mun khẳng định với em: "Sơ thương mến em không phải chỉ dựa trên những gì em có hay bởi những điều em làm cho sơ vui lòng; sơ thương mến em đơn giản chỉ vì  em “là” em và vì em là người trẻ." Nghe K'Mun nói thế, A ôm chầm lấy K’Mun, và trong niềm hạnh phúc, A nói: "Cám ơn sơ thật nhiều!. Sau những tháng ngày kiên nhẫn đồng hành với A, A đã bắt đầu cảm nhận tình thương mến và dần dần thay đổi theo hướng tốt lên. Bây giờ em đã có công việc và bắt đầu biết sống tự lập. Hy vọng A sẽ tiếp tục tiến bộ và hướng đến một tương lai tốt đẹp.
    
     Làm sao để chúng ta diễn tả cho chúng thấy là chúng được yêu thương? Nhìn lại mấy năm qua làm việc ở mái ấm, K’Mun phải đóng 2 vai trò cùng lúc: phải tỏ ra hiền dịu như một người mẹ, nhưng đôi khi phải trở nên cương nghị như một người cha. Trên hết vì là nhà giáo dục và hộ trực viên, K'Mun ý thức rằng mình phải thực sự trở nên như người bạn của chúng. K'Mun hiểu cuộc sống của mình là dành tất cả cho chúng. Vì chúng, K'Mun đã phải thức khuya dậy sớm, chăm lo cho chúng từ A-Z. Nhưng chỉ như thế thôi thì chưa thể nói là K'Mun đã hoàn thành trách nhiệm của người hộ trực; mà còn cần phải tỏ ra rộng mở, yêu thương, đón nhận chúng và sẵn sàng chịu đựng những phiền toái do chúng gây ra với Đức Ái Mục Tử của Chúa Kitô.  K’Mun nghĩ các bậc phụ huynh cũng như các nhà giáo dục đều muốn con em của mình trở nên những người con thảo, những học sinh gương mẫu và là những công dân tốt trong xã hội.... Nhưng chuyện này không thể xảy ra ngay tức khắc được, mà đòi hỏi cả một qúa trình và với thời gian. Bí quyết của Don Bosco đó là: khi chúng ta thực sự giáo dục các em với tình thương mến, chúng sẽ dần dần nhận ra rằng nhà giáo dục thực sự yêu thương chúng; chính tình yêu này sẽ cảm hóa các em và là động lực giúp các em sửa đổi để tiến bộ.

Giáo dục và tha thứ
      Một lần kia thánh Tông đồ Phêrô hỏi Đức Giêsu: "Khi anh em con xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần? Có phải là 7 lần không?" Đức Giêsu đáp lại: "Không chỉ tha thứ 7 lần, mà là bảy mươi lần bảy." Khi trả lời như thế, Đức Giêsu có ý muốn nói với Phêrô và mọi người rằng: chúng ta phải luôn sẵn sàng tha thứ cho anh chị em mình!
      
     Các anh chị em giáo lý viên nào đã và đang hộ trực các em ở tuổi dậy thì (tuổi teen), thường là có nhiều kinh nghiệm về những phiền toái mà lũ trẻ gây ra cho mình, và là những người thường phải chịu đựng những ngang bướng của chúng. Trường hợp của K'Mun cũng thế, có những khi các em trả lời rất hỗn xược với K’Mun, thậm chí còn cãi lại và không vâng lời nữa. Nhưng những lúc như thế, K’Mun thường là người thua cuộc và im lặng, không thêm một lời khi thấy các em càng ương hơn nếu mình cứ tiếp tục giải thích. Có những em cứ ngang bướng trong ngày, nhưng sau cơm tối lại tới gặp K’Mun và nói: "Sơ Maria, em có điều này muốn nói với sơ." K’Mun đoán các em muốn nói gì và thường trả lời với các em: "Thôi em đi ngủ bình an đi, để mai còn tới trường." (K’Mun thường đọc một vài kinh với các em và chúc các em ngủ ngon). Trong số các em thì có em C. khá là đặc biệt: sau những  lần em phạm lỗi thì buổi tối cùng ngày trước khi đi ngủ, em nhất định đợi gặp K'Mun để nói gì đó. Các bạn biết C nói gì không? Bằng một giọng lễ phép, C nói với K'Mun : "Sơ Maria, con xin lỗi sơ, vì ngày hôm nay con đã làm sơ buồn, con đã cãi lại sơ, không vâng lời sơ, sơ tha lỗi cho con nhé, như thế con mới đi ngủ bình an." K’Mun mỉm cười và nói với C: "Em à, sơ đã quên hết rồi, chẳng còn nhớ gì nữa, vậy C an tâm đi ngủ bình an nhé.." C ôm chầm lấy K’Mun và hỏi: "Thiệt không sơ ? Cám ơn sơ nhiều nhé, em rất thương mến sơ”. Nói xong em liền đi ngủ.
    
     Nói đến tình thương mến trong giáo dục, ta không thể không nhắc đến sự tha thứ, vì hai điều này liên quan với nhau: Tha thứ là biểu tỏ lòng thương mến; và có thể nói ngược lại nếu không có yêu mến, sẽ không có sự tha thứ. Qủa thật, đối với chúng ta là những người trưởng thành, mặc dù đã cố gắng nhắc nhở mình sống tốt với mọi người xung quanh, nhưng chúng ta vẫn không thể làm hài lòng hết mọi người được vì sự yếu đuối và những thiếu sót của chúng ta. Kinh nghiệm này giúp  chúng ta sống bao dung với thanh thiếu niên hơn. Khác với chúng ta, các em con đang trong qúa trình đạt tới sự trưởng thành, và việc các em có những thiếu sót hay lỗi phạm trong cuộc sống là điều tất yếu. Vì thế, trong qúa trình hộ trực và giáo dục các em, chúng ta rầt cần đến sự tha thứ. Có thể nói, nếu không có sự tha thứ và bao dung, giáo dục sẽ không thể thành công.


Giáo dục và tín nhiệm
       Trong các mối tương quan của xã hội, sự tín nhiệm là một đòi hỏi rất quan trọng. Cách riêng trong lãnh vực giáo dục, sự tín nhiệm là một trong những bí quyết làm nên sự thành công, nhất là đối với phương pháp giáo dục của Don Bosco. Tuy nhiên, để có được sự tín nhiệm là một điều không dễ, bởi chúng ta thường có thành kiến đối với các học sinh của mình khi các em lỡ làm sai điều gì đó, mà quên rằng các em có thay đổi với thời gian. Nói đến đây K’Mun nhớ lại ví dụ về trái táo của Don Bosco; ngài nói nếu trái táo hư thối, nhưng bên trong vẫn còn hạt nhân, nó có thể đâm chồi và mọc lên thành một cây tốt, nếu chúng ta biết cắt tỉa, rửa sạch và đem trồng vào mảnh đất tốt.
       Trong khoảng thời gian nhất định của mỗi năm học, K’Mun thường dạy may; còn vào kỳ hè thì K'Mun dạy thêu, làm hoa và dạy các em thắt vòng. Các bạn biết không, phản ứng chung chung  của các em khi tham dự những lớp học đó thường là: "Em không có khả năng để làm!"... "Sao mà khó thế!"... "Chắc em không thể tiếp tục!".... Nói chung là các em có trăm nghìn lý do để thoái thác hay tìm cách bỏ cuộc. Phải làm sao bây giờ? Không lẽ K’Mun phải bỏ kế họach đã lên sao? Quyết tâm không bỏ cuộc, K’Mun kiên nhẫn khích lệ các em bằngnhững lời lẽ sau: "Các em có thể làm được mà, chỉ cần các em kiên nhẫn một chút, chú ý một chút là việc gì các em cũng có thể làm được,ngay cả khi các em làm sai thì vẫn có thể có thể bắt đầu lại được mà. Khi bắt đầucông việc,các em đã nghĩ là mình không thể làm được, thì lúc đó các em đã tự dập tắt khả năng của mình rồi.Tại sao các em không nghĩ ngược lại: ‘Oh! Nhìn có vẻ khó đây, nhưng tôi sẽ cố gắng, tôi sẽ thử và hy vọng tôi sẽ làm được’.nếu các em có cái nhìn tích cực như vậy, các em sẽ dễ dàng vượt qua khó khăn.

     Những ngày đầu K’Mun thường ở bên cạnh các em khi các em ngồi vào máy để may, để giúp các em sẽ tự tin hơn. Nhưng dần dần, K’Mun khích lệ các em tự may một mình, nếu máy có gì trục trặc vấn đề về kỹ thuật thì đã có K’Mun ở đó để giải quyết. Thực tế thì chẳng đơn giản chút nào, vì các em thường thiếu kiên nhẫn, chẳng hạn như có em khi may đường cong, em thường muốn bỏ cuộc ngay. Cũng vậy, khi dạy các em những mũi thêu căn bản, nếu các em thêu sai, K’Mun thường khích lệ các em bắt đầu lại và nói rằng: “ có sai xót như vậy chúng ta mới cần học. Sơ biết các em có khả năng làm được”. Với thời gian, các em có thể ngồi vào máy và may một cách tự tin; và thật ngạc nhiên, các em may được những con thú nhồi bông dễ thương, những chiếc giỏ xinh xinh và các em có thể thắt những chiếc vòng thật xinh xắn mà có lẽ ngay cả K’Mun cũng không thắt được như vậy.

Kết luận
      
     Trong lá thư viết từ Roma 1884, Don Bosco miêu tả về cuộc đối thoại với cưự học sinh Giuse Buzzetti trong một giấc mơ. Qua đó ngài nhắc nhở con cái mình và những nhà giáo dục rằng: “Yêu mến học sinh thôi thì chưa đủ, nhưng còn phải làm cho chúng chúng  nhận ra rằng chúng được yêu mến”. Qủa thật, Don Bosco thường dạy con cái ngài yêu thích học sinh trong chính những gì học sinh yêu thích, tham dự vào những điều hợp sở thích của tuổi trẻ. Có như thế mới giúp chúng học biết yêu thích những điều mà tự nhiên chúng không mấy ưa thích như giữ kỷ luật, học hành, hãm mình, những đều này chúng sẽ học lấy bằng nhiệt tình của lòng yêu thương. Chính vì điều này, chúng ta cần học biết ngôn của người trẻ, hội nhập với sở thích của chúng để chúng ta có thể tham dự với chúng trong những cuộc chơi. Nếu anh chị , các bạn giáo lý viên chỉ dạy  giáo lý hay  hộ trực các em vào Chúa Nhật tại khánh lễ viện, các bạn cũng có những khó khăn nhất định rồi. Huống chi khi bạn ở với người trẻ và đặc biệt những trẻ “ nghèo” và bị “bỏ rơi” 24/24 bạn sẽ cảm nhận được thế nào là đòi hỏi của tình yêu thương, sự kiên nhẫn, sự hiền hòa nhưng cương nghị của người hộ trực - người mà phải đồng lúc đóng nhiều vai trò; là cha, là mẹ, là nhà giáo và là người bạn.

     Từ những kinh nghiệm nhỏ bé của mình, K'Mun cảm nhận và xác tín rằng bí quyết thành công trong việc giáo dục đó chính là Hệ Thống Giáo Dục Dự Phòng (HTGDDP). Thật vậy hệ thống này chính là di sản Don Bosco để lại không chỉ riêng cho gia đình Saledieng, mà còn cho tất cả các nhà gíao dục và những ai đang đồng hành với người trẻ của thời đại hôm nay và ngày mai. Thiết nghĩ, nếu chúng ta áp dụng cách triệt để HTGDDP, ắt chúng ta sẽ thành công. Mặc dù chúng ta biết rằng người trẻ ở mỗi thời đại, mỗi châu lục đều có những sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, não trạng nghĩ.... Nhưng dù  thế nào, thì tất cả đều có điểm chung là với ngôn ngữ của 'tình yêu', chúng ta sẽ mở được cánh cửa tâm hồn của các em, từ đó có thể đồng hành và giáo dục các em trở nên "những công dân tốt cho xã hội và những Kitô hữu tốt lành."

Marie K'Mun

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây