Giáo Phận Ban Mê Thuột

https://gpbanmethuot.net


Ngày của cha: Bàn tay cha

H  2

Sài Gòn - Cuối đông khí lạnh viếng thăm miền Đông Nam Bộ mang theo những cơn gió đông khô hanh khiến những chiếc lá vàng còn vương lại trên những cánh rừng cao su bạt ngàn cứ vơi dần sau mỗi buổi hoàng hôn lịm tắt. Cái nắng cái gió Miền Nam không đủ sức thui chột những chồi non đang đâm chồi nảy lộc, cũng không đủ lực thiêu rụi những bông hoa dại mong manh nở sớm, nhưng cũng đủ làm cha tôi phải khốn đốn, khó ăn mất ngủ do bệnh nứt tay nẻ chân hành hạ. Cứ mỗi độ cuối năm, bàn tay cha tôi trở nên nhăn nhúm, khô cứng, queo quắt dần rồi xuất hiện triệu chứng nứt nẻ, giống như có ai đó nỡ nhẫn tâm dùng dao lam cứa ngang xẻ dọc hành hạ kẻ thù cho hả giận. Bàn tay cha vốn đã nham nhám, thô kệch xấu xí, thời tiết lại đổi thay, khiến mười ngón tay nứt nẻ ví tựa như ruộng lúa khô nứt khi gặp phải hạn hán lâu ngày.

Tôi tu học xa nhà, cuối năm mới có dịp đoàn tụ vài tuần với gia đình. Những khoảnh khắc ngắn ngủi gần bên mẹ bên cha, được lắng nghe những lời chia sẻ, tâm sự về những biến cố thăng trầm trong gia đình thật tuyệt vời! Nhà quê thanh vắng yên bình, không gian khoáng đãng thoáng mát làm cho lòng người cũng cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn nhiều so với cuộc sống phố thị chật hẹp đông người. Đêm đông lành lạnh hài hòa giữa con người với vẻ đẹp tuyệt mỹ của thiên nhiên. Trời đêm trong xanh vời vợi, lấp lánh những vì sao, được tỏa sáng nhờ ánh trăng non thượng tuần dọi xuống khoảng sân phía mẹ cha ngồi. Dẫu đêm đông, tiết trời có se lạnh nhưng riêng tôi cảm thấy bình an, ấm áp lạ lùng khi được lòng kề lòng bên phụ mẫu.

Lâu ngày gặp con, hai ông bà huyên thuyên đủ điều: nào là chuyện cha xứ vừa tổ chức thánh lễ Tạ ơn khánh thành gian cung thánh mới, đến niềm vui chị Năm có thêm hài nhi bụ bẫm, bàn về việc tổ chức họp mặt gia đình, lại trở về với công việc ruộng vườn chăn nuôi… vẫn là những đề tài muôn thuở. Tôi chăm chú lắng nghe vì không biết đến bao giờ mới có cơ hội “ngàn vàng” như đêm nay.

Trời dần khuya, vầng trăng ngủ tự bao giờ. Mẹ gợi ý đi nghỉ để sáng mai cha còn phải dậy sớm ngăn nước tưới ruộng vườn. Im lặng chốc lát, cha nhỏ giọng: “Mấy hôm nay tôi khó ngủ lắm má mày ơi!”. Mẹ tỏ vẻ ngạc nhiên trước lời cha vừa nói, vì mấy chục năm trời chung sống có bao giờ ông than khó ngủ đâu! Mẹ biết rõ xưa nay ông thuộc mẫu người chăm chỉ, phận ông vất vả như ong, như gà bới mồi cả ngày, hết ruộng đến vườn rồi lại quay sang chăm sóc đàn bò, đàn lợn. Tối đến ông mệt lã, cơm nước xong vừa đặt lưng xuống là ngáy như sấm. Mẹ trách ba suốt đời chỉ biết hy sinh lo cho người khác mà chẳng bao giờ chịu quan tâm đến  bản thân mình. Ông tự biện hộ:

- Mấy hôm rồi tiết trời thay đổi, vào dịp cuối năm chân tay tôi lại trở chứng nứt nẻ như mọi lần, nhưng kỳ này buốt đau, nhức nhối khó chịu hơn nhiều. Đêm lạnh với tay kéo chăn lên đắp, những vết xước nứt nẻ nơi từng ngón tay, ngón chân vướng vào sợi vải nhói đau đến thốn tim. Già rồi! khó dỗ dành giấc ngủ như thời trai trẻ năm xưa.

Lời cha vừa nói khiến tôi lặng người, cúi gằm xuống đất chẳng dám nhìn thẳng vào mặt cha, không an ủi được lời nào bởi quá xúc động. Bất ngờ cha cầm lấy tay tôi nắn bóp liên hồi rồi vui vẻ tươi cười quay sang phía mẹ :

Mấy ông trong Ban Hành Giáo bảo rằng: “Bệnh nứt tay nẻ chân này chủ yếu là do di truyền, dù ông có ở thành phố hay làm giám đốc trong công ty cũng không thể tránh khỏi. Sang mùa mưa, khi gió đông qua tự nó sẽ khỏi”. Cha tôi nói tiếp:

- Tầm bậy! chẳng di với truyền gì cả. Má mày xem tay con mình đây này: mịn màng, trắng đỏ như con nhà giàu chứ có sao đâu! Nếu ngày xưa ông nội không chết vì bom đạn, bà nội không rơi vào tình cảnh túng nghèo, tuổi thơ được cắp sách đến trường, không phải chăn trâu ở mướn thì bây giờ bàn tay tôi cũng trắng đẹp, lành lặn như con mình thôi.

Đặt bàn tay trong lòng tay cha, tôi cảm nhận hơi ấm bình an đang lan tỏa cùng với niềm hạnh phúc trào dâng ngập tâm hồn, nhưng bất chợt nhói đau. Dường như có ai đó vừa cứa vào tim mình. Nâng niu trân trọng bàn tay nứt ngang nẻ dọc và đen đủi của cha, tôi thấy nó tựa như những cánh đồng gặp phải hạn hán, nham nháp như vỏ mít tố nữ, sần sùi chẳng khác nào quả chôm chôm nhãn hay trái sầu riêng là mấy, nhưng nào ai có ai hiểu bàn tay ấy đem đến sự ấm no, bàn tay dải dầu gió sương nhưng dịu ngọt, thơm hương nhân đức, làm nên hình ảnh người cha mẫu mực chịu thương chịu khó nuôi dạy chín anh chị em tôi khôn lớn nên người trong hoàn cảnh hết sức ngặt nghèo.

Mẹ chăm chú nhìn cha với lòng thương cảm lẫn hờn trách: “Sao mấy hôm nay ba mày không nói để tui bảo con nó đi mua thuốc hoặc chở ông đến bệnh viện da liễu.”

- Cha trấn an mẹ: “Không sao! Mấy hôm nữa sẽ khỏi thôi mà. Chỉ ngại mỗi lần đi lễ, lúc cha trao Mình Thánh Chúa, tôi ngại không dám ngửa tay đón nhận mà chỉ rước bằng miệng, chẳng giống ai cả!  Trước khi đi lễ hay dự tiệc, tôi đã rửa tay nhiều lần bằng thuốc tẩy hòa với chanh hoặc xà bông, chà đến rướm máu thế mà vết bùn, mủ trái cây vẫn không sao sạch được. Năm hết tết đến, tay chân đen đủi, nứt buốt thế này thì đi đâu được. Má mày chịu khó đi thay tôi vậy!

Làm sao cha tôi có thể tẩy trắng những gam màu của bùn đất, của nhựa cây in đậm trên đôi tay được, trong khi ngày nào ông cũng thường xuyên tiếp xúc với việc đồng áng dãi dầu mưa nắng.

Mẹ kể thưở ấu thơ do yếu đau suy dinh dưỡng, tôi chập chững lê từng bước té lên ngã xuống ngàn lần, cha kiên nhẫn cầm tay mà dẫn bước tôi đi. Ngày đầu tiên tôi cắp sách đến trường, bàn tay cha nâng bổng tôi vượt qua con đê đầu làng trong những chiều mưa gió tả tơi. Những lần tôi nghịch ngợm mải chơi, cha đã “ thưởng” cho tôi những trận đòn bằng thân dâm bụt, vài giờ sau lại âm thầm lấy muối chà sát hết tất cả những chỗ tím bầm, rồi nhẹ nhàng vỗ về trìu mến.

Ngày tôi vào đại học, niềm vui trong cha vỡ lở, ông giang rộng bàn tay sần sùi xấu xí ôm choàng lấy tôi đến nghẹt thở. Tôi xa nhà lên phố nhập học cũng bàn tay ấy xoa nhẹ lên mái đầu, dúi vào túi tôi những đồng tiền chắt chiu, dành dụm từ những hy sinh, mồ hôi, “máu”và cả nước mắt. Trước sân tu viện, bàn tay cha đã ôm choàng lấy tôi hôn lấy hôn để trong ngày tôi mang trên mình chiếc áo dòng tu, khởi đầu cuộc đời người tu sĩ.   Bàn tay cha mãi mãi theo tôi theo dòng chảy thời gian. Khi té ngã thất bại, người cầm tay nâng tôi lên mà an ủi động viên . Khi tôi chuẩn bị cho những bước ngoặt quan trọng trong đời hay tiến thêm bước nữa trong lý tưởng đời tu, bàn tay ấy không bao giờ níu kéo,lưỡng lự hay tiếc nuối nhưng hoàn toàn tôn trọng tự do của tôi. Cha thường chia sẻ với tôi rằng: “Hạnh phúc nhất là được tự do và đạt được những gì mình mơ ước.”

Đêm đã chìm dần vào khuya, sau buổi gặp gỡ đêm ấy, tôi trở về phòng mà không sao chợp mắt. Đồng hồ vẫn gõ nhịp đều đều, tôi cố lắng tai để nghe rõ tiếng thở an giấc của cha như ngày nào nhưng hình như ông vẫn chưa ngủ. Tôi nóng lòng chờ đợi tiếng gà điểm canh ba, mong trời sáng mau mau để phóng xe ra phố chợ tìm mua cho được phương thuốc hiệu quả nhất mang về cho cha. Bao giờ kết thúc những ngọn gió đông đón xuân về ấm áp để bàn tay cha không còn nhức buốt tái tê?

Tạ ơn Chúa đã ban tặng cho con người cha nghèo với đôi tay gầy rám nắng.

PV.VRNs

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây