Đôi nét Lịch sử Dòng Đức Maria Nữ Vương Hòa Bình
ĐÔI NÉT LỊCH SỬ
DÒNG ĐỨC MARIA NỮ VƯƠNG HÒA BÌNH
I. Giai đoạn khai sáng và hình thành (1959 – 1969)
1. Bối cảnh cưu mang
Năm 1954, sau hiệp định Genève 20.7.1954, có nhiều người từ miền Bắc di cư vào lập nghiệp ở tỉnh Đăk Lăk và tỉnh Pleiku (Gia Lai ngày nay). Tới những năm 1957 và 1958, chương trình xây dựng các khu dinh điền đã thu hút thêm một số người thuộc các tỉnh miền duyên hải lên miền Tây Nguyên rải rắc khắp 4 tỉnh Kon Tum, Pleiku, Đăk Lăk và Phước Long. Đáp lời mời gọi của Đức Giám Mục Kon Tum, nhiều linh mục đã lên phục vụ đồng bào tại các dinh điền này. Qua đời sống chứng tá phục vụ của các ngài, nhiều người đã đón nhận Tin Mừng. Nhiều họ đạo mới đã hình thành. Số giáo dân ngày càng gia tăng. Ơn gọi chủng sinh và tu sĩ cũng phát triển, đặc biệt từ các xứ đạo di cư miền Ban Mê Thuột. Công cuộc truyền giáo mang một sức sống mới.
Trong bối cảnh này, Đức Cha Paul Seitz đã cưu mang và khai sinh một đứa con tinh thần, một Dòng nữ giáo phận, để tiếp bước các vị thừa sai đầy nhiệt huyết, loan báo Tin Mừng Hòa Bình của Chúa Kitô đến cho muôn người, đặc biệt cho anh chị em Dân Tộc trên miền Tây Nguyên.
2. Những bước đầu tại Tân Hương, Kon Tum
Vào ngày 1 tháng 9 năm 1959, tại giáo xứ Tân Hương, chiếc nôi truyền giáo của Kon Tum, Đức Cha Paul Seitz đã qui tụ một nhóm 18 thiếu nữ tuổi từ 10 đến 23 thuộc các tỉnh Phú Yên, Pleiku, Đăk Lăk và Kon Tum, đồng thời tuyển chọn một vài chị trong nhóm các Dì Dòng Mến Thánh Giá không có lời khấn, đang phục vụ tại trường Cuénot Kon Tum để gia nhập Dòng mới của giáo phận lúc đó được gọi là Dòng Mến Thánh Giá Kon Tum.
Trong bước đầu hình thành, vì Dòng chưa có Bề Trên nên Đức Cha đã xin Mẹ Ange, Bề Trên Giám Tỉnh Dòng Thánh Phaolô Tỉnh Dòng Đà Nẵng, giúp đỡ việc đào tạo. Mẹ đã chấp thuận cho nhóm đệ tử đầu tiên này đến sống chung với đệ tử và các em nội trú của Dòng Thánh Phaolô tại giáo xứ Tân Hương do Bà Nhất Angela và các Soeurs Dòng Thánh Phaolô huấn luyện. Các đệ tử học văn hóa tại trường tư thục Têrêxa, Kon Tum.
Tháng 9 năm 1960, nhóm đệ tử của Dòng được Bà Nhất Honorine Đỗ Thị Thế Dòng Thánh Phaolô huấn luyện riêng, nhưng vẫn tham gia một số sinh hoạt chung với đệ tử Dòng Thánh Phaolô. Bà Nhất Honorine vừa đảm trách nhóm đệ tử của Dòng ở Tân Hương, vừa phụ trách nhóm các Dì Mến Thánh Giá phục vụ tại trường Cuénot.
Cũng từ năm 1960, Đức Cha đã bắt đầu gửi một số chị ra làm nhà thử và nhà tập tại tập viện Stella Maris của Tỉnh Dòng Thánh Phaolô Đà Nẵng. Lớp đầu tiên được gửi ra Đà Nẵng gồm ba chị. Sau thời gian tập kỳ, các chị trở về Kon Tum để chuẩn bị khấn lần đầu. Ngày 14.8.1963, chị Maria de la Croix Trần Thị Lợi xuất tu. Ngày 15.8.1963, hai chị Maria Têrêxa Võ Thị Công và Maria Joseph Phạm Thị Tất khấn lần đầu tại giáo xứ Tân Hương Kon Tum. Lúc bấy giờ Dòng chưa được chính thức thành lập theo Giáo Luật, nên các chị chỉ có lời khấn tư với Đức Giám Mục giáo phận.
Mùa hè năm 1962, các Sœurs và đệ tử Dòng Thánh Phaolô chuyển sang nhà mới xây và nhường khu nhà cũ của giáo xứ Tân Hương lại cho đệ tử của Dòng. Trong thời gian này, Bà Nhất Maria de la Croix Nguyễn Thị Tình phụ trách đệ tử viện thay Bà Nhất Honorine.
Năm 1963, nhận lời thỉnh cầu của Đức Cha Paul Seitz, Mẹ Giám Tỉnh đã gửi thêm Sœur Saint Louis Đỗ Thị Nhật đến phụ tá Bà Nhất Marie de la Croix huấn luyện đệ tử của Dòng, lúc ấy đã tăng lên đến 72 chị em.
Ngày 22.8.1963, Dòng thành lập cộng đoàn đầu tiên tại giáo xứ Phương Hòa, Kon Tum. Chị em dạy giáo lý, văn hóa trong trường tiểu học và phục vụ phòng thánh.
3. Hiện diện tại Ban Mê Thuột
Trong thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa, Đức Cha Paul Seitz quyết định thuyên chuyển Dòng về Ban Mê Thuột. Tháng 2 năm 1964, Bà Nhất Honorine Đỗ Thị Thế đã đưa chị Maria Lucia Trần Thị Thiết đến Ban Mê Thuột tạm trú tại nhà các Mẹ Bénédictine. Hai tuần sau đó có thêm chị Maria Nguyễn Thị Hường. Bà và quý chị ở nhờ nhà ông bà Quý và ông bà Triều. Hai tháng sau, Bà và các chị chuyển đến ở nhờ tại đồn điền cà phê của giáo phận và bắt đầu xây dựng ngôi nhà đầu tiên của Dòng tại 133 (nay là 151) Phan Chu Trinh, TP. Buôn Ma Thuột phần đất mà Đức Cha Paul Seitz đã mua cho Dòng. Cha Bianchetti đã cho các anh em Dân Tộc đến giúp các chị trong việc xây dựng. Từ những ngày đó, Dòng được chuyển dần về Ban Mê Thuột.
Khi Toà Thánh có dự định thành lập giáo phận Ban Mê Thuột, Đức Cha Paul Seitz đã mua toàn bộ ngôi nhà của các Mẹ Dòng Bénédictine tại 70 Phan Chu Trinh, một nửa dùng làm Tòa Giám Mục của giáo phận, một nửa để làm nhà Mẹ, tập viện và đệ tử viện của Dòng. Đức Cha muốn đặt Dòng cạnh Tòa Giám Mục để chị em thuận tiện trong việc học hành và có người dạy dỗ.
Ngày 1.9.1966, để hợp thức hóa các thủ tục về mặt hành chính tại địa phương, Đức Cha đã cho làm con dấu của Dòng với nội dung “Tu viện Nữ Vương Hòa Bình với biểu tượng chim bồ câu ngậm cành lá ô-liu” (St 8,11). Con dấu này vẫn được dùng cho đến ngày nay. Vì còn chờ xin phép Tòa Thánh thiết lập Dòng nên tên gọi “Nữ Vương Hòa Bình” vẫn chưa được công bố chính thức, vì thế người đương thời vẫn quen gọi chị em là nữ tu Dòng Mến Thánh Giá.
Ngày 26.9.1966, tập viện của Dòng được thành lập tại 133 Phan Chu Trinh, TP. Buôn Ma Thuột. Bà Nhất Honorine Đỗ Thị Thế được bổ nhiệm làm giám tập, cha Gioan Baotixita Trần Thanh Ngoạn làm giáo sư thần học, tín lý, cha Phêrô Trần Anh Kim và cha Phêrô Nguyễn Văn Hóa giải tội và dâng thánh lễ hằng ngày. Lớp tập sinh đầu tiên được huấn luyện tại Ban Mê Thuột gồm 5 chị. Tháng 4 năm 1967, tập viện được di chuyển qua 70 Phan Chu Trinh. Cơ sở 133 Phan Chu Trinh, theo ý Đức Cha Paul Seitz, được dùng làm trung tâm sinh hoạt bác ái xã hội và giáo dục của Dòng: nhà nội trú cho học sinh Kinh Thượng, nhà huấn nghệ dạy may và trạm phát thuốc.
Để chị em có phương tiện sinh sống, Đức Cha đã mua cho Dòng 9,67 ha đất, trong đó có 5 ha trồng cà phê đã được thu hoạch và số còn lại là đất trồng hoa mầu, ở cuối đường Lê Văn Duyệt (nay là 254 Xô Viết Nghệ Tĩnh). Ngày 10.7.1967, chị em thuộc cộng đoàn đầu tiên của Dòng tại Phương Hòa, Kon Tum được chuyển về giáo họ Duy Linh, Ban Mê Thuột để làm việc tông đồ trong giáo họ, đồng thời để trông coi khu đất canh tác của Dòng.
Ngày 19.6.1967, toàn Dòng được chuyển về Ban Mê Thuột. Trong thời gian này nhà đệ tử, nhà tập và nhà Mẹ đều ở tại 70 (nay là 104) Phan Chu Trinh, TP. Buôn Ma Thuột.
Ngày 20.8.1967 Đấng Khai Sáng Hội Dòng chào tạm biệt con cái. Sau tám năm cưu mang đoạn trường gian khó trong trái tim say yêu Thánh Giá, nhiệt tâm truyền giáo và khao khát hòa bình của ngài. Cho đến giờ phút chuyển giao, ngài vẫn còn nhiều thao thức lo lắng cho chị em sao cho có thể sống, phát triển và trở thành những tay thợ lành nghề trong cánh đồng truyền giáo của tân giáo phận. Có thể nói hầu như không có điều gì có thể làm được mà ngài đã không quan tâm thực hiện cho Dòng. Nhờ ân sủng kỳ diệu của Đức Kitô và bàn tay dắt dìu của Hiền Mẫu Maria Nữ Vương Hòa Bình, tình yêu thương và gia sản tinh thần Đức Cha để lại đã dần lớn lên trong tâm hồn những người con tận hiến của ngài theo dòng thời gian.
Ngày 22.6.1967, với sắc chỉ Qui Dei Benignitate, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI thiết lập giáo phận Ban Mê Thuột.
Ngày 22.8.1967 Đức Cha Phêrô Nguyễn Huy Mai về nhận giáo phận Ban Mê Thuột.
Ngày 23.8.1967, Đức Cha Paul Léon Seitz trao Dòng lại cho Đức Cha Phêrô Nguyễn Huy Mai và giáo phận Ban Mê Thuột. Từ đó Đức Cha Phêrô Nguyễn Huy Mai tiếp tục công trình thiết lập và xây dựng Hội Dòng trong chương trình phát triển giáo phận.
Ngày 15.10.1967 hai Sœurs Blandine Marie Nguyễn Thị Thanh và Bernadette Vũ Thị Độ Dòng Thánh Phaolô được bổ nhiệm làm Bà Nhất kiêm giáo tập và giám đốc thanh tuyển viện của Dòng thay thế các Bà Nhất Honorine Đỗ Thị Thế và Marie de la Croix Nguyễn Thị Tình.
Tháng 12 năm 1967, Đức Cha Phêrô Nguyễn Huy Mai mời Cha Augustinô Nguyễn Văn Tra đảm trách việc hướng dẫn tinh thần cho chị em Hội Dòng. Sau khi cha Nguyễn Văn Tra được bổ nhiệm làm giám đốc chủng viện Lê Bảo Tị nh, ngày 3.7.1968, Đức Cha bổ nhiệm cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa mới từ giáo phận Đà Lạt chuyển về, làm linh hướng Hội Dòng.
Từ niên khóa 1968 - 1969, Hội Dòng đảm nhận việc điều hành trường tiểu học Thánh Tâm, thuộc giáo xứ Thánh Tâm, Ban Mê Thuột.
Ngày 31.5.1968, Đức Cha Phêrô Nguyễn Huy Mai đã công khai chính thức tuyên bố đổi tên Dòng thành “Dòng Đức Maria Nữ Vương Hòa Bình”.
4. Chính thức thiết lập
Ngày 31.5.1969, sau khi được phép Tòa Thánh theo văn thư số 2248/69 đề ngày 22.4.1969 của Đức Hồng Y Pietro Agagianian, Bộ Trưởng bộ Truyền Giáo, Đức Giám Mục Phêrô Nguyễn Huy Mai, Giám Mục tiên khởi giáo phận Ban Mê Thuột, chính thức thiết lập Dòng tại Ban Mê Thuột với danh xưng là “Dòng Đức Maria Nữ Vương Hòa Bình”, được gọi tắt là “Dòng Nữ Vương Hòa Bình”.
II. Giai đoạn sinh trưởng và xây dựng (1969 – 1975)
Kể từ ngày đón nhận Hội Dòng, Đức Cha Phêrô Nguyễn Huy Mai luôn là người cha tận tuỵ, ngài đã quan tâm tới Hội Dòng trên mọi phương diện. Trên phương diện đào tạo, Đức Cha không ngừng kiếm tìm và hình thành một đường lối huấn luyện cho các thành phần lãnh đạo, cũng như các thành viên của Hội Dòng. Trong giai đoạn này, Đức Cha tiếp tục xin Mẹ Ange, Bề Trên Giám Tỉnh Dòng Thánh Phaolô Tỉnh Dòng Đà Nẵng, và Quý Mẹ kế nhiệm giúp đỡ trong việc huấn luyện và điều hành Dòng.
Năm 1970, Đức Cha cho xây dựng và mở trường trung học Thánh Tâm, đệ nhất cấp và đệ nhị cấp, cho đệ tử viện tại 70 Phan Chu Trinh và mời Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa làm hiệu trưởng của trường. Phần đông các đệ tử tu học tại trường của Dòng, một số được gửi học tại trường trung học Vinh Sơn, Hưng Đức - Ban Mê Thuột, trường trung học Thánh Tâm - Đà Nẵng và trường trung học Trí Đức - Đà Lạt.
Ngày 29 tháng 6 năm 1971, Đức Cha cho khởi công xây dựng ngôi nhà Mẹ của Hội Dòng tại 222 Lê Văn Duyệt (nay là 254 Xô Viết Nghệ Tĩnh) trên phần đất mà Đức Cha Paul Seitz đã mua cho Hội Dòng. Ngày 7.8.1972, tập viện được chuyển về nhà Mẹ ở 222 Lê Văn Duyệt. Sau hơn một năm xây dựng, ngôi nhà Mẹ Hội Dòng được khánh thành vào ngày lễ Đức Mẹ lên trời 15.8.1972.
Để chuẩn bị cho chị em có thể đảm nhận việc điều hành Hội Dòng trong tương lai, ngày 25.6.1972 Đức Cha đã cho chị em đề cử 4 chị tập sự điều hành Dòng dưới sự hướng dẫn của Bà Nhất Blandine Nguyễn Thị Thanh. Cho đến năm 1975, Dòng có 8 cộng đoàn phục vụ tại các giáo xứ và trường học. Nhân sự của Dòng gồm có: 7 nữ tu khấn trọn, 23 nữ tu khấn tạm, 12 tập sinh, 16 tiền tập sinh, 245 đệ tử.
III. Giai đoạn đổi thay và phát triển (1975 đến nay)
1. Những khó khăn và đổi thay
Sau ngày 30.4.1975, hoàn cảnh đổi thay của đất nước đã ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống và sinh hoạt của Hội Dòng. Công việc tông đồ của chị em trong giai đoạn này mặc một hình thức mới: làm công nhân phục vụ trên nông trường, nơi nhà máy, trong hợp tác xã, trên ruộng đồng; thăm viếng và giúp đỡ người ốm đau, già cả tại tư gia cũng như bệnh viện; làm giáo viên tại vùng sâu vùng xa.
Tuy nhiên theo nhu cầu của các giáo xứ, trong năm 1975, Hội Dòng lại mở thêm được ba cộng đoàn tại giáo xứ Châu Sơn, Vinh Hòa và Trung tâm Thượng (Mẫu Tâm).
Sau một thời gian được quý Bà Nhất và quý Soeurs Dòng Thánh Phaolô giúp đỡ, Đức Cha Phêrô Nguyễn Huy Mai nhận thấy đã đến lúc chị em Hội Dòng phải tự chịu trách nhiệm trong việc điều hành Hội Dòng. Để chuẩn bị cho chị em có thể đảm nhận công việc này, Đức Cha đã hướng dẫn và động viên tinh thần trách nhiệm để chị em tự tin đón nhận công việc điều hành Hội Dòng. Vì hoàn cảnh không thể qui tụ được, chị em khấn sinh toàn Dòng đã bỏ phiếu tại các cộng đoàn bầu chọn Ban Phụ Trách đầu tiên của Hội Dòng nhiệm kỳ 1976 – 1979 với kết quả: Chị Maria Bénigna Mai Thị Ánh đắc cử chị Tổng Phụ Trách tiên khởi. Từ ngày 2.02.1976, chị em tự đảm trách công việc quản trị Dòng. Trong thời gian này Bà Nhất Blandine Marie Nguyễn Thị Thanh giữ chức vụ cố vấn cho Ban Phụ Trách đồng thời vẫn kiêm trách vụ giáo tập.
Ngày 3.2.1977, Hiến Pháp Hội Dòng được Tòa Thánh phê chuẩn qua văn thư số 5.907/76 do Đức Hồng Y Agnelo Rossi, Tổng Trưởng bộ Truyền Bá Đức Tin, và đã được Đức Giám Mục giáo phận cho thi hành vào ngày lễ kính thánh Giuse, 19.3.1977.
Sau khi Nhà Nước trưng dụng chủng viện Lê Bảo Tịnh làm trường Đảng, Hội Dòng, theo ý Đức Giám Mục giáo phận, đã chuyển các thanh tuyển sinh về ở tại Nhà Mẹ và nhường thanh tuyển viện lại cho chủng viện ngày 5.7.1977.
Trong bối cảnh biến chuyển của đất nước, nhìn thấy Hội Dòng với tuổi đời còn rất non trẻ, chị em không còn phương tiện để thăng tiến trong việc học tập đạo-đời, lại phải vất vả tự túc mưu sinh, Đức Giám Mục giáo phận rất lo lắng cho tương lai của Hội Dòng. Đã có thời gian ngài rất băn khoăn: nên để cho Hội Dòng mai một hay kiện toàn? Có lần ngài đã hỏi ý kiến chị em về việc này. Nhờ ơn Chúa, chị em đã xin ngài giữ lại Hội Dòng. Ngài lại băn khoăn: phải kiện toàn bằng cách nào, khi mà, trước mắt, ngài chỉ thấy chị em vất vả trong lao động, dễ ốm đau, dễ chán nản trong một cuộc sống bất ổn. Với ơn Chúa và sự bầu cử của Mẹ Maria, ngài đã hy sinh chính bản thân mình cho sự sống còn của Hội Dòng bằng cách trao ban cho chị em những của ăn tinh thần hằng ngày trong thánh lễ, hằng tuần qua các giờ học hỏi Kinh Thánh và hằng tháng trong những giờ giảng huấn của ngày tĩnh tâm để dẫn dắt chị em từng bước trong ơn gọi.
2. Củng cố và hướng về tương lai
Từ cuối thập niên 1980, trong kế hoạch yêu thương nhiệm mầu của Thiên Chúa, Dòng dần tái thành lập và thành lập thêm những cơ sở huấn luyện, những cơ sở truyền giáo và giáo dục; chị em trong Dòng có cơ hội trau dồi kiến thức đạo-đời và chuyên môn để phục vụ Giáo Hội và xã hội một cách hữu hiệu hơn.
Năm 1989, Dòng đã gửi một số chị học y sĩ tại trường trung cấp Y Tế, Đăk Lăk và sau đó hằng năm Dòng gửi một số chị em học y sĩ và trung cấp điều dưỡng tại thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay Dòng có các chị em phục vụ tại bệnh viện tỉnh Đăk Lăk, bệnh viện Y Học Dân Tộc và tại các trạm xá tình thương.
Trong năm 1990, Dòng Thánh Phaolô Tỉnh Dòng Đà Nẵng phát triển thêm các cộng đoàn tại Ban Mê Thuột. Ngày 18.2.1990, Mẹ Rose, Giám Tỉnh Dòng, thuyên chuyển Bà Nhất Blandine Nguyễn Thị Thanh về làm Bà Nhất cộng đoàn Dòng Thánh Phaolô giáo xứ Chi Lăng. Ngày 18.8.1990, Soeur Giám Đốc Bernadette Vũ Thị Độ được thuyên chuyển về cộng đoàn Thánh Phaolô giáo xứ Duy Hòa. Sau 31 năm được sự giúp đỡ của Dòng Thánh Phaolô Tỉnh Dòng Đà Nẵng, được Quý Mẹ, Quý Bà Nhất và quý Sœurs tận tình yêu thương giúp đỡ trên mọi phương diện, Hội Dòng nguyện sống xứng với ước mong mà Quý Mẹ, Quý Bà Nhất, Quý Sœurs đã vun trồng và kỳ vọng trên Hội Dòng với lòng tri ân, cảm tạ trong hiến dâng và phục vụ.
Để đáp ứng nhu cầu cho các con em ở các huyện có nơi nội trú đi học, ngày 28.8.1992, cộng đoàn 72B Phan Chu Trinh (nay là Lưu trú Hòa Bình) khai mở lớp nội trú đầu tiên. Với sự phát triển theo thời gian và với sự giúp đỡ, ban phép của Đức Giám Mục giáo phận, Đức Cha Giuse Trịnh Chính Trực, nhà lưu trú được khởi công xây dựng và được chính Đức Cha làm phép khánh thành ngày 14.7.1997.
Nối tiếp công việc giáo dục trẻ thơ của Ký Nhi Tuổi Ngọc (1970 – 1975), hai lớp trẻ gia đình được khai mở ngày 10.7.1993 tại cộng đoàn 151 Phan Chu Trinh (nay là trường Mầm Non Tư Thục Họa Mi). Từ đó, Hội Dòng đã từng bước hình thành được 14 nhà trẻ thuộc 3 tỉnh Bình Phước, Đăk Nông và Đăk Lăk, trong đó có nhà trẻ tình thương dành cho các con em Dân Tộc bệnh phong ở Eana.
Trong đường hướng mục vụ truyền giáo của Đức Cha Giuse Trịnh Chính Trực, với mục đích giúp nâng cao tri thức và văn hóa cho các em Dân Tộc, đồng thời chuẩn bị hành trang cho các em sau này có thể phục vụ trong các buôn làng. Ngày 16.5.1994, Dòng xây dựng nhà lưu trú tình thương Long Điền cho các em Dân Tộc từ các buôn làng xa xôi đến nội trú đi học.
Ngày 1.9.1994, thanh tuyển viện của Dòng được chính thức hoạt động lại sau nhiều năm đóng cửa.
Từ năm 1998, chị em Hội Dòng đã có cơ hội đến với anh chị em bệnh phong tại Eana. Với sự chấp thuận của ban lãnh đạo khu điều trị bệnh phong Eana, Hội Dòng cũng đã giúp xây dựng một số công trình phụ của khu điều trị và các lớp học nhà trẻ cho các con em của bệnh nhân trong khu điều trị.
Bước vào thiên niên kỷ thứ ba với nhiều thao thức cho sứ mệnh truyền giáo, Hội Dòng đã có thêm những hoạt động tông đồ. Vào tháng 7 năm 2000, một số chị em đã được đào tạo về phương pháp cầu nguyện với Lời Chúa. Từ đó, hàng năm chị em đã tổ chức những khóa cầu nguyện với Lời Chúa cho các anh chị em Kinh cũng như Dân Tộc.
Ngày 7.1.2001, Dòng nhận phụ trách nhà lưu trú tình thương của giáo phận tại giáo xứ Mẫu Tâm, lo cho các em Dân Tộc nội trú học đại học, cao đẳng và học nghề. Ngày 1.9.2004, với sự hỗ trợ của giáo phận, Dòng đã xây dựng nhà lưu trú tình thương Têrêxa cho các em Dân Tộc từ cấp I đến cấp III ở vùng sâu trong miền Đăk Nông và Đăk Lăk đến nội trú đi học. Từ tháng 7 năm 2002, Hội Dòng mở thêm nhà lưu trú tại Kim Mai cho các em nữ sinh cấp III và sinh viên.
Ngày 3.3.2003, với ý nguyện và sự đóng góp của một gia đình có con bị bệnh Down, Hội Dòng đã xây dựng một ngôi nhà tình thương được gọi là Gia Đình Bình Minh để giúp các trẻ em khuyết tật Hội chứng Down có cơ hội học hành và hòa nhập với cộng đồng.
Sau 30 năm ngưng hoạt động, ngày 3.1.2005, cộng đoàn Nữ Vương Hòa Bình Kim Phát được tái thành lập. Ngày 8.8.2005, cộng đoàn Nữ Vương Hòa Bình Ea Kmar cũng được tái thành lập sau 28 năm ngưng hoạt động. Theo ý Đấng Thiết Lập Dòng, cộng đoàn này được thành lập để chị em có cơ sở học văn hóa, phong tục, ngôn ngữ của anh em Dân Tộc, đồng thời để chị em thực tập truyền giáo cho anh em Dân Tộc trong việc phục vụ giáo xứ Ea Kmar.
Ngày 15.8.2005, Hội Dòng nhận phục vụ nhà nội trú Dân Tộc tại giáo xứ Đức An, Gia Lai Kon Tum, cộng tác trong chương trình “Thăng tiến các thiếu nữ Dân Tộc”.
Cũng trong những năm của thập niên cuối thế kỷ 20 và thập niên đầu thể kỷ 21, để củng cố và nâng cao chất lượng phục vụ của Dòng cho Giáo Hội và xã hội, Dòng đã tạo điều kiện để chị em được bổ sung việc học còn dang dở sau biến cố 1975, đã gửi chị em đi học và tu nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời cũng gửi một số chị em đi du học tại Roma, Úc Đại Lợi, Nhật Bản và Phi Luật Tân.
Sau một thời gian dài mong mỏi đợi chờ, các cơ sở huấn luyện: tiền tập viện, tập viện, học viện của Dòng được hình thành trong khuôn viên nhà Mẹ tại 254 Xô Viết Nghệ Tĩnh như chương trình mà Đức Cha Phêrô Nguyễn Huy Mai, Đấng Thiết Lập Hội Dòng, đã dự tính. Ngày 2.2.2007, nguyện đường Hội Dòng được khởi công xây dựng và được Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Giám Quản Tông Toà giáo phận Ban Mê Thuột làm phép khánh thành ngày 31.5.2008.
Đến nay, nhân sự Hội Dòng gồm có: 221 nữ tu khấn trọn, 126 nữ tu khấn tạm, 44 Tập sinh, 23 Tiền tập sinh, 130 Thanh tuyển sinh. Chị em phục vụ, thực thi sứ vụ truyền giáo chuyên biệt và đào tạo tại 46 cộng đoàn, thuộc 5 giáo phận tại Việt Nam: giáo phận Ban Mê Thuột, Kon Tum và Nha Trang và tổng giáo phận Sài Gòn.
(Trích đặc san 50 năm hiện diện)