TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật Chúa Giêsu chịu phép rửa -C

“Khi Chúa Giê-su đã chịu phép rửa và đang cầu nguyện thì trời mở ra”. (Lc 3, 15-16. 21-22)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Bài giảng của ĐTC Lễ Chúa Ba Ngôi năm B

Thứ bảy - 25/05/2024 07:07 | Tác giả bài viết: |   372
những bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha trong các thánh lễ và các buổi đọc kinh Truyền tin với các tín hữu vào Lễ Chúa Ba Ngôi năm B.
Bài giảng của ĐTC Lễ Chúa Ba Ngôi năm B

BÀI GIẢNG ĐỨC THÁNH CHA - LỄ CHÚA BA NGÔI NĂM B

 
Đức Phanxicô, Huấn dụ Lễ Chúa Ba Ngôi năm B (30.05.2021) - Sự hiệp nhất là thiết yếu đối với Kitô hữu

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong lễ hôm nay, chúng ta ca tụng Thiên Chúa: mầu nhiệm về một Thiên Chúa, và Thiên Chúa này là: Cha và Con và Thánh Thần, ba ngôi vị. Nhưng Thiên Chúa là một! Nhưng, Cha là Thiên Chúa, Con là Thiên Chúa, Thánh Thần là Thiên Chúa. Nhưng không phải là ba vị chúa: Ngài là một Thiên Chúa Duy nhất và ba Ngôi vị. Đây là một mầu nhiệm mà Chúa Giêsu Kitô đã mặc khải cho chúng ta: Thiên Chúa Ba Ngôi. Hôm nay chúng ta cử hành mầu nhiệm này, bởi vì các Ngôi vị không phải là một tính từ của Thiên Chúa: không. Nhưng là các Ngôi vị, thực sự, khác biệt và tách biệt; các Ngôi vị không phải là – nói theo một triết gia – “sự phát toả của Thiên Chúa”: không, không phải! Nhưng là các Ngôi vị. Có Chúa Cha, Đấng mà tôi cầu nguyện với Kinh Lạy Cha, Đấng đã ban cho tôi ơn cứu độ và ơn công chính hoá; có Chúa Thánh Thần ngự trong chúng ta và cư ngụ trong Giáo hội. Và điều này nói nơi con tim của chúng ta, bởi vì mầu nhiệm này chúng ta tìm thấy trong cách diễn đạt của Thánh Gioan, vốn tóm toàn bộ mạc khải: “Thiên Chúa là tình yêu”. Chúa Cha là tình yêu, Chúa Con là tình yêu, Chúa Thánh Thần là tình yêu. 

Và với tình yêu, Thiên Chúa, tuy là một, nhưng không cô độc mà là hiệp thông, giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Bởi vì tình yêu tự bản chất tự thân là một món quà, và trong thực tại nguyên thủy và vô hạn là Chúa Cha, đã tự trao ban sinh ra Chúa Con, Đấng, đến lượt mình, tự hiến cho Chúa Cha và tình yêu lẫn nhau giữa Cha và Con chính là Thánh Thần, mối dây hiệp nhất giữa Cha và Con. Điều này không dễ hiểu, nhưng người ta có thể sống mầu nhiệm này, tất cả chúng ta; người ta có thể sống mầu nhiệm này rất nhiều.

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi này đã được chính Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta. Ngài đã cho chúng ta biết dung nhan của Thiên Chúa là Cha nhân từ; Ngài đã tự giới thiệu mình, là con người thật, là Con Thiên Chúa và là Lời của Cha, là Đấng Cứu Độ đã hiến mạng sống mình cho chúng ta; và Ngài đã nói về Chúa Thánh Thần, Đấng phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con, là Thần Chân lý, là Đấng Bào chữa – mà chúng ta đã nói trong Chúa nhật tuần trước, về từ “Bào chữa” - tức là Đấng An ủi và Đấng Bênh vực. Và khi Chúa Giêsu hiện ra với các Tông đồ sau khi phục sinh, Chúa Giêsu đã sai các ông đi loan báo Tin Mừng cho “muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19).

Do đó, ngày lễ hôm nay giúp chúng ta chiêm ngắm về mầu nhiệm tuyệt diệu này của tình yêu và ánh sáng, nơi nguồn cội của chúng ta và định hướng cho cuộc hành trình trần thế của chúng ta.

Trong việc loan báo Tin Mừng và trong mọi hình thức của sứ vụ Kitô giáo, chúng ta không thể bỏ qua sự hiệp nhất này mà Chúa Giêsu kêu gọi, giữa chúng ta, theo sự hiệp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần: chúng ta không thể bỏ qua sự hiệp nhất này; vẻ đẹp của Tin Mừng đòi hỏi phải được sống – sự hiệp nhất - và được làm chứng trong sự hòa hợp giữa chúng ta, những con người rất khác biệt! Và sự hiệp nhất này tôi dám nói là điều thiết yếu đối với Kitô hữu: đây không phải là một thái độ, một cách nói: không. Nhưng là điều thiết yếu, bởi vì sự hiệp nhất sinh ra từ tình yêu, từ lòng thương xót của Thiên Chúa, từ sự công chính hoá của Chúa Giêsu Kitô và từ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn chúng ta.

Trong sự đơn sơ và khiêm nhường, Mẹ Maria đã phản ánh Vẻ đẹp của Thiên Chúa Ba Ngôi, vì Mẹ đã hoàn toàn đón Chúa Giêsu vào cuộc đời mình. Mẹ nâng đỡ đức tin của chúng ta; làm cho chúng ta trở nên những người thờ phượng Thiên Chúa và là tôi tớ của anh em mình.

Nguồn: vaticannews.va/vi

 

Đức Phanxicô, Huấn dụ Lễ Chúa Ba Ngôi năm B (27.05.2018) - Thiên Chúa Ba Ngôi là Thiên Chúa ở cùng chúng ta

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay, Chúa nhật sau lễ Hiện Xuống, chúng ta mừng lễ Chúa Ba Ngôi rất thánh, một lễ để chiêm ngắm và chúc tụng mầu nhiệm Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, là duy nhất trong sự hiệp thông của Ba Ngôi Vị: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, để kinh ngạc kính mừng Thiên Chúa là Tình Thương luôn luôn mới mẻ, Đấng ban nhưng không cho chúng ta sự sống của Ngài và yêu cầu chúng ta phổ biến sự sống ấy trong thế giới.

Các bài đọc Thánh lễ hôm nay giúp chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa không muốn mạc khải cho chúng ta thấy Ngài hiện hữu cho bằng Ngài là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, yêu thương chúng ta, quan tâm đến lịch sử riêng của chúng ta và chăm sóc mỗi người chúng ta, bắt đầu từ những người nhỏ bé và túng thiếu nhất. Ngài là “Thiên Chúa ở trên các tầng trời” nhưng cũng ở “dưới đất này” (Xc Đnl 4,39). Vì thế chúng ta không tin nơi một thực tại xa xăm, dửng dưng, nhưng tin nơi Đấng là Tình Thương đã tạo dựng vũ trụ và sinh ra một dân tộc, đã nhập thể làm người, chịu chết và sống lại vì chúng ta, và trong tư cách là Thánh Thần, Ngài biến đổi mọi sự và đưa tới sự sung mãn.

Thánh Phaolô (Xc Rm 8,14-17), đã đích thân cảm nghiệm sự biến đổi này do Thiên Chúa Tình Thương thực hiện, Chúa thông cho chúng ta ước muốn được gọi là Cha, hay đúng hơn là “Ba ơi!”, với niềm tín thác trọn vẹn của một đứa bé phó thác trong vòng tay của người đã trao ban sự sống cho em. Chúa Thánh Thần, như Thánh Tông Đồ đã nhắc nhở, hành động trong chúng ta đến độ Chúa Giêsu Kitô không bị thu hẹp thành một nhân vật quá khứ, nhưng chúng ta cảm thấy Ngài ở gần chúng ta, là người đồng thời và chúng ta cảm nghiệm được niềm vui là con cái mà Thiên Chúa yêu thương. Sau cùng, trong Bài Tin Mừng, Chúa Phục Sinh đã hứa ở lại với chúng ta mãi mãi: “Này đây Thầy ở với các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Và chính nhờ sự hiện diện ấy và nhờ sức mạnh của Thánh Thần Chúa, chúng ta có thể thanh thản chu toàn sứ mạng Chúa ủy thác cho chúng ta, sứ mạng loan báo và làm chứng cho mọi người về Tin Mừng của Chúa và mở rộng tình hiệp thông với Chúa và niềm vui từ đó mà ra. Khi đồng hành với chúng ta, Thiên Chúa làm cho chúng ta được tràn đầy niềm vui và có thể nói, niềm vui là ngôn ngữ đầu tiên của Kitô hữu.

Vì thế, lễ Chúa Ba Ngôi làm cho chúng ta chiêm ngắm mầu nhiệm một Thiên Chúa không ngừng sáng tạo, cứu chuộc và thánh hóa, luôn luôn bằng tình yêu và vì tình yêu, và mọi loài thụ tạo đón nhận Ngài thì được phản ánh một tia sáng vẻ đẹp của Ngài, lòng từ nhân và chân lý của Ngài. Từ ngàn đời, Chúa đã chọn đồng hành với nhân loại và họp thành một dân tộc là phúc lành cho mọi dân nước và mỗi người, không loại trừ ai. Kitô hữu không phải là một người cô lập, nhưng họ thuộc về một dân tộc, dân tộc mà Thiên Chúa hình thành. Không thể là Kitô hữu nếu không thuộc về Dân Chúa và không có tình hiệp thông như vậy. Chúng ta là một dân tộc: Dân Thiên Chúa.

Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta chu toàn trong vui tươi sứ mạng làm chứng cho thế giới đang khao khát tình thương, làm chứng rằng ý nghĩa cuộc sống chính là một tình yêu vô biên, tình yêu cụ thể của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Amen.

Nguồn: archivioradiovaticana.va

 

Đức Phanxicô, Huấn dụ Lễ Chúa Ba Ngôi năm B (31.05.2015) - Ba Ngôi là sự thông hiệp của các Ngôi vị Thiên Chúa

Anh chị em thân mến!

Hôm nay, chúng ta cử hành lễ Chúa Ba Ngôi, lễ này nhắc nhở chúng ta về mầu nhiệm của một Thiên Chúa độc nhất với ba Ngôi vị: Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần. Ba Ngôi là sự thông hiệp của các Ngôi vị Thiên Chúa, các Ngôi vị ấy là một với ngôi vị khác, là một cho ngôi vị khác, là một trong ngôi vị khác: sự thông hiệp này là sự sống của Thiên Chúa, mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa Hằng Hữu. Nhưng ai đã mặc khải cho chúng ta mầu nhiệm này? Chính Đức Giêsu. Ngài đã nói cho chúng ta biết về Thiên Chúa là Cha; về Chúa Thánh Thần; và Ngài cũng tự bày tỏ mình như là Con Thiên Chúa.

Và một khi trỗi dậy từ cõi chết, Ngài đã mời gọi các môn đệ loan báo Tin Mừng cho muôn dân, truyền dạy cho họ phải làm phép rửa “nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần” (Mt 28, 19). Lệnh truyền này, đã được Đức Kitô ủy thác cho Giáo Hội qua mọi thời, và Giáo Hội đã kế thừa từ các Thánh tông đồ sứ mệnh truyền giáo ấy. Giáo Hội cũng trao ban sứ mệnh ấy cho mỗi người chúng ta, thông qua uy lực của Bí tích Thánh Tẩy, để mỗi người chúng ta được thông hiệp với Hội Thánh.

Mầu nhiệm ấy cũng mời gọi chúng ta tân trang sứ mạng thông hiệp với Thiên Chúa và giữa chúng ta với nhau theo mẫu gương của Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúng ta được kêu gọi không để sống một mình trong cô độc, hay vượt bỏ và chống lại tha nhân, nhưng là sống với nhau, cho nhau và trong nhau. Điều này có nghĩa là đón nhận và sống hòa hợp với vẻ đẹp của Tin Mừng; sống tình yêu thương lẫn nhau và với tất cả mọi người, chia sẻ mọi niềm vui và đau khổ, học hỏi để khẩn nài được tha thứ và chấp nhận tha thứ, làm nổi bật sự phong phú của những đặc sủng khác nhau dưới sự hướng dẫn của các vị Mục Tử. Tóm lại, chúng ta đã được ủy thác nhiệm vụ để kiến thiết cộng đồng Giáo Hội luôn là một gia đình, có khả năng để phản chiếu vẻ huy hoàng của Ba Ngôi và loan báo Tin Mừng không chỉ bằng ngôn từ nhưng còn bằng sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa vốn cư ngụ trong chúng ta.

Ba Ngôi, như đã được tiên báo, cũng là cứu cánh tối hậu của cuộc hành hương trên  dương thế mà chúng ta hướng tới. Cuộc lữ hành của đời sống Kitô giáo thực ra là một hành trình, về bản chất, mang tính “Ba Ngôi”: Thánh Thần hướng dẫn chúng ta đến sự nhận biết tròn đầy về những giáo huấn của Đức Ki tô, về Tin Mừng của Ngài; và Đức Giêsu đến lượt mình, đã đến trần gian để làm cho chúng ta nhận biết Thiên Chúa Cha, để dẫn đưa chúng ta về cùng Cha, để giao hòa chúng ta với Thiên Chúa Cha.

Tất cả đời sống Kitô giáo, xoay quanh mầu nhiệm Ba Ngôi và được hoàn tất trong mệnh lệnh đối với sứ mệnh vô ngần vô hạn này. Bởi thế, chúng ta hãy cố gắng để luôn duy trì một cung điệu ở tầm cao trong đời sống chúng ta, hãy tự nhắc nhở mình về cùng đích ấy, vì chính vinh quang ấy, chúng ta hiện hữu, lao tác, tranh đấu, và chịu đựng: và chúng ta được kêu gọi để hướng tới chính phần thưởng to lớn ấy.

Trong những ngày cuối cùng của tháng năm này, tháng kính Đức Mẹ, chúng ta hãy dâng mình cho Đức Trinh Nữ Maria. Hơn bất cứ loại thọ tạo nào, Mẹ là Đấng đã nhận biết, tôn thờ, yêu mến mầu nhiệm Ba Ngôi này, hãy nài xin Mẹ dắt tay chúng ta; xin Mẹ giúp đỡ chúng ta nhận ra những dấu chỉ của Ba Ngôi trong các biến cố của thế giới, đó là cùng đích tuyệt vời mà cuộc sống chúng ta hướng tới. Chúng ta hãy khẩn cầu Mẹ phù giúp Giáo Hội, trong mầu nhiệm thông hiệp, để Giáo Hội luôn là một cộng đồng hiếu khách, là nơi mà mỗi người , đặc biệt là người nghèo và người bị gạt ra ngoài lề xã hội, có thể tìm thấy sự đón tiếp và cảm nhận mình là con cái Thiên Chúa, được quan tâm và yêu mến.

Nguồn: archivioradiovaticana.va

 

Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Lễ Chúa Ba Ngôi năm B (07.06.2009) – Thiên Chúa là Tình Yêu

Anh chị em thân mến,

Sau mùa Phục sinh, với tột đỉnh là lễ Ngũ Tuần, phụng vụ mửng ba lễ trọng kính Chúa: hôm nay lễ kính Chúa Ba Ngôi; thứ Năm sắp tới là lễ kính Mình Máu Thánh Chúa, tuy rằng tại nhiều nơi sẽ được mừng vào chúa nhựt kế tiếp; và sau cùng, vào thứ Sáu sau đó là lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Mỗi lễ trọng này làm nổi bật một viễn tượng của toàn bộ mầu nhiệm đức tin Kitô giáo, đó là mầu nhiệm Một Chúa Ba ngôi, bí tích Thánh Thể và trung tâm của Đức Kitô là Thiên Chúa và là con người. Thực ra đó là những khía cạnh của một mầu nhiệm cứu độ duy nhất, và nói được là tóm lược tất cả hành trình mặc khải của Chúa Giêsu, từ lúc nhập thể cho đến lúc tử nạn và phục sinh, và sau cùng là lên trời và trao ban Thánh Thần.

Trong lễ trọng hôm nay chúng ta chiêm ngưỡng Ba ngôi chí thánh như Chúa Giêsu đã tỏ bày cho chúng ta biết. Người đã mặc khải rằng Thiên Chúa là tình yêu, “không phải là trong sự duy nhất của một ngôi vị, nhưng là trong tam vị đồng bản thể” (Kinh Tiền tụng). Thiên Chúa là Đấng Tạo thành và Cha khoan nhân; là Thánh tử duy nhất, Đấng Cao minh hằng hữu đã nhập thể, chịu chết và sống lại vì chúng ta; là Thánh Thần chuyển động mọi sự, trong cuộc tạo dựng cũng như trong lịch sử, hướng đến cuộc kết tụ chung tất. Ba Ngôi vị là một Thiên Chúa duy nhất, bởi vì Chúa Cha là Tinh yêu, Chúa Con là Tình yêu, Thánh Thần là Tình yêu. Thiên Chúa tất cả là tình yêu và chỉ là tình yêu mà thôi, tình yêu tinh ròng, tình yêu vô biên và vô tận. Thiên Chúa không sống trong cô độc cao vời, nhưng là suối nguồn không cạn của sự sống hằng ban phát và trao đổi liên tục. Chúng ta có thể phần nào cảm được điều đó khi quan sát đại vũ trụ là địa cầu, các hành tinh, các tinh tú và dải ngân hà, hoặc khi quan sát tiểu vũ trụ: các tế bào, các nguyên tử, các hạt nhân. Trong tất cả mọi vật hiện hữu đều mang dấu của “danh thánh” Chúa Ba ngôi, bởi vì mọi hữu thể, ngay cả những hạt nhân li ti, đều sống trong tương quan, và làm hiển hiện Thiên Chúa của tương quan, hiển hiện Tình yêu tạo dựng. Tất cả mọi vật bắt nguồn từ tình yêu, hướng đến tinh yêu, và chuyển động dưới sự thúc đẩy của tình yêu, dĩ nhiên là với những cấp độ khác biệt về nhận thức và tự do. Vịnh gia đã thốt lên: “Ôi lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, lẫy lừug thay danh Chúa trên khắp cả điạ cầu” (Tv 8,2). Khi nói đến “danh” của Thiên Chúa, Kinh thánh hiểu về chính Thiên Chúa, nghĩa là căn cước của Ngài, căn cước được phản chiếu trên hết mọi thọ tạo, nơi mà mọi hữu thể, do chính sự hiện hữu của mình và do bản tính được dệt nên, đều quy hướng về một Nguyên lý siêu việt, và Sức Sống vĩnh cửu và vô biên tự ban mình, nói tắt, hướng về Tình Yêu. Thánh Phaolô đã tuyên bố tại Nghị viện Athene: “Trong Ngài chúng ta sinh sống, chuyển động và hiện hữu” (Cv 17,28). Bằng chứng hùng hồn nhất của việc chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Chúa Ba Ngôi là duy chỉ có tình yêu mới làm chúng ta được hạnh phúc, bởi vì chúng ta sống trong tương quan, chúng ta sống để yêu và được yêu. Dùng một thuật ngữ sinh học để so sánh, có thể nói được là bản tính con người mang “gen” dấu vết sâu đậm của Ba Ngôi, Thiên Chúa Tình yêu.

Đức trinh nữ Maria, trong đức tính khiêm tốn và thuần thục, đã trở nên nữ tì của Tình yêu Thiên Chúa: Người đã đón nhận ý muốn của Thiên Chúa, đã thụ thai Chúa Con do quyền năng Thánh Thần. Nơi Người, Đấng Toàn năng đã xây cất một cung điện xứng hợp, và đã làm nên khuôn mẫu và hình ảnh của Hội thánh, là mầu nhiệm và ngôi nhà thông hiệp cho hết mọi người. Xin Mẹ Maria, là bức gương phản chiếu Ba Ngôi chí thánh, giúp cho chúng ta được tăng trưởng trong đức tìn vào mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.

Nguồn: archivioradiovaticana.va

 

Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Lễ Chúa Ba Ngôi năm B (11.06.2006) - Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi

Anh chị em thân mến,

Vào Chúa nhật tiếp theo lễ Hiện xuống, phụng vụ mừng lễ kính Chúa Ba ngôi. Nhờ Thánh Thần giúp hiểu thấu những lời của Đức Giêsu và dẫn đến chân lý toàn vẹn (x, Ga 14,26; 16,13), các tín hữu ra như có thể biết tí chút về bản tính nội tại của Thiên Chúa, khám phá rằng Thiên Chúa không phải là Đấng cô độc vô biên, nhưng là mối hiệp thông của ánh sáng và tình yêu, của sức sống được trao ban và lãnh nhận trong cuộc đối thoại liên lỉ giữa Chúa Cha, Chúa Con trong Thánh Thánh, hay như thánh Augustinô đã phát biểu: giữa người Yêu, người được Yêu và Tình yêu. Trên đời này, chưa có ai thấy Thiên Chúa, nhưng chính Thiên Chúa đã tỏ mình ra, nhờ vậy mà cùng với thánh Gioan chúng ta có thể khẳng định rằng: “Thiên Chúa là Tình yêu” (1 Ga 4,8.16), “Chúng tôi đã nhận biết tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta và chúng tôi đã tin điều đó” (Thông điệp Deus caritas est, 1; x. 1Ga 4,16). Ai đã gặp gỡ Chúa Kitô và thiết lập với Người một mối tương quan thân tình, tức là đón nhận chính sự thông hiệp tam vị vào trong linh hồn mình, như Chúa Giêsu đã hứa với các môn đệ: “Ai yêu mến Thầy thì hãy tuân giữ lời của Thầy, và Cha của Thầy sẽ yêu mến họ, và chúng ta sẽ đến với họ và cư ngụ nơi họ” (Ga 14,23).

Đối với ai có đức tin, thì toàn vũ trụ đều nói lên Thiên Chúa nhất thể tam vị. Từ những khoảng không gian thiên hà cho đến các nguyên tử li ti, tất cả mọi loài hiện hữu đều nhắc đến một Vị tự thông ban trong muôn vàn sắc thái của các thành tố, dường như một bản hợp tấu bất tận. Tất cả mọi vật đều được xếp đặt theo một trật tự hài hòa mà chúng ta có thể tạm so sánh như là “tình yêu”. Nhưng duy chỉ nơi con người, với bản tính có lý trí và tự do, thì trật tự đó mới trở thành tinh thần, trở thành tình yêu có trách nhiệm, như là việc đáp trả Thiên Chúa và tha nhân qua việc trao ban bản thân cách chân thành. Chính trong tình yêu như thế mà con người tìm thấy sự thật và hạnh phúc của mình. Trong số những tỉ dụ sánh ví đôi chút về mầu nhiệm khôn tả của Thiên Chúa nhất thể tam vị, tôi muốn trưng ra hình ảnh của gia đình. Gia đình được mời gọi trở nên một sự hiệp thông của tình yêu và sự sống, trong đó những gì khác biệt cần được kết hợp với nhau để tạo nên một “biểu tượng của hiệp thông”.

Giữa muôn loài thọ sinh, Đức Maria là một kiệt tác của Chúa Ba Ngôi chí thánh. Trong trái tim khiêm tốn và đầy lòng tin của Người, Thiên Chúa đã chuẩn bị một nơi xứng đáng để hoàn thành mầu nhiệm cứu rỗi, Tình yêu Thiên Chúa đã tìm thấy nơi Người lời đáp ứng hoàn hảo, và Con Một Thiên Chúa đã làm người ở nơi lòng của Mẹ. Với lòng tín thác thảo kính, chúng ta hãy hướng về Đức Maria, để xin Người giúp chúng ta được tiến triển trong tình yêu, và biến cuộc đời chúng ta trở thành một bài ca ngợi khen Thiên Chúa Cha nhờ Chúa Con trong Chúa Thánh Thần.
 

Đức Phanxicô, Huấn dụ Lễ Chúa Ba Ngôi năm B (30.05.2021) - Sự hiệp nhất là thiết yếu đối với Kitô hữu

Đức Phanxicô, Huấn dụ Lễ Chúa Ba Ngôi năm B (27.05.2018) - Thiên Chúa Ba Ngôi là Thiên Chúa ở cùng chúng ta

Đức Phanxicô, Huấn dụ Lễ Chúa Ba Ngôi năm B (31.05.2015) - Ba Ngôi là sự thông hiệp của các Ngôi vị Thiên Chúa

Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Lễ Chúa Ba Ngôi năm B (07.06.2009) - Thiên Chúa là Tình Yêu

Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Lễ Chúa Ba Ngôi năm B (11.06.2006) - Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi

Nguồn: archivioradiovaticana.va

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây